Sunday, March 20, 2016

Tin Cập Nhật Chủ Nhật 20/3

Tin Thế Giới

1.
Nghi ngờ nổi lên ở Hy Lạp về thỏa thuận di dân giữa EU với Thổ Nhĩ Kỳ

Thỏa thuận đạt được giữa Liên hiệp Âu châu và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tìm cách ngăn chặn làn sóng người tị nạn bắt đầu có hiệu lực hôm nay, Chủ nhật. Các di dân mới đến Hy Lạp sẽ bị trả về Thổ Nhĩ Kỳ, và EU sẽ nhận cùng số người tị nạn Syria từ các trại tị nạn trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng trên đảo Lesbos của Hy Lạp, nơi đa số người tị nạn đặt chân đến, đang có một làn sóng giận dữ đối với điều được xem như là một thỏa thuận vô đạo đức và không thể thực thi được.

Cách bờ biển vài kilômét, tàu chiến của NATO và tàu của lực lượng tuần duyên Thổ Nhĩ Kỳ chạy qua lại trong eo biển giữa đảo Lesbos và Thổ Nhĩ Kỳ. Máy bay trực thăng quan sát từ trên không. Liên hiệp Âu châu và Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm cách ngăn chặn dòng người tị nạn tăng mạnh lên khi thỏa thuận mới bắt đầu có hiệu lực. 

Trên đảo Lesbos, những người tình nguyện tiếp tục các cuộc canh thức không ngưng nghỉ để phát hiện thuyền bè của người tị nạn.

Thời tiết xấu nhiều ngày qua đã khiến nhiều thuyền bè không vượt biển được. Nhưng các toán cứu hộ ở đó tin rằng hàng trăm, nếu không phải là hàng ngàn, người tị nạn đang chờ khởi hành vượt biển.

Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng họ bắt giữ hơn 1.700 di dân hôm thứ Bảy dọc theo bờ biển cùng với 16 nghi can đưa lậu người.

Hy Lạp tiếp tục di chuyển di dân từ các đảo vào đất liền.

Có những tin đồn lan truyền trong các trại tị nạn rằng việc trục xuất về lại Thổ Nhĩ Kỳ căn cứ vào quốc tịch của người tị nạn. Bất chấp những bảo đảm từ phía Brussels về đối xử công bằng với người tị nạn, có những nghi ngờ rằng kế hoạch này không thực hiện được và không hợp pháp. - VOA
|
|

2.
Người Tây Tạng lưu vong bầu cử lãnh đạo mới --- Cộng đồng Tây Tạng lưu vong bầu lãnh đạo chính trị mới

Người Tây Tạng lưu vong hôm nay bầu chọn các nhà lãnh đạo mới trong lúc họ tiếp tục đấu tranh đòi quyền tự trị cho Tây Tạng đang bị Trung Quốc cai trị.

Bắc Kinh không công nhận chính phủ Tây Tạng lưu vong đặt tại Dharamsala dưới chân dãy Hy Mã Lạp Sơn bên Ấn Ðộ.

Đây là cuộc bầu cử lần thứ hai kể từ khi nhà lãnh đạo được đa số người Tây Tạng yêu mến đã lớn tuổi, Đức Đạt Lai Lạt Ma, rút khỏi vai trò lãnh đạo chính trị để tập trung vào vai trò lãnh đạo tinh thần cho người Tây Tạng.

Chính phủ Tây Tạng lưu vong đại diện cho hơn 100.000 người Tây Tạng, đa số ở tại Ấn Ðộ, Nepal và Bhutan.

Đức Đạt Lai Lạt Ma và nhiều tín đồ đã rời khỏi Tây Tạng năm 1959 sau một cuộc nổi dậy bất thành chống lại sự cai trị của Trung Quốc.

Tại Dharamsala, người Tây Tạng xếp hàng tại một chùa Phật giáo và nhiều địa điểm khác để bỏ phiếu ngày hôm nay. 

Cử tri Tây Tạng ở những nước khác trên thế giới, trong đó có ở Mỹ, cũng được quyền bỏ phiếu. - VOA

***
Hàng chục nghìn người dân Tây Tạng được kêu gọi đi bầu lãnh đạo chính phủ lưu vong ngày 20/03/2016. Chính phủ mới sẽ tiếp tục đấu tranh với Bắc Kinh để đòi nhiều quyền tự trị hơn.

Lobsang Sangay, người đứng đầu cơ quan hành pháp đóng tại thành phố Dharamsala thuộc Ấn Độ, là ứng viên có nhiều triển vọng tại vòng hai của cuộc bầu cử này. Ông là người lãnh đạo cuộc chiến chính trị với Bắc Kinh kể từ khi đức Đạt Lai Lạt Ma từ bỏ mọi vai trò chính trị vào năm 2011.

Ba ứng viên khác đã bị loại tại vòng bầu cử thứ nhất, được tổ chức vào tháng 10/2015. Các cử tri hiện có hai lựa chọn: ông Lobsang Sangay 48 tuổi và chính trị gia giàu kinh nghiệm Penpa Tsering 49 tuổi, hiện đang là chủ tịch Nghị viện lưu vong.

Cương lĩnh chính trị của hai ứng viên không khác nhau là mấy. Giống nhà lãnh đạo tinh thần Đạt Lai Lạt Ma, cả hai cũng đòi quyền tự trị nhiều hơn cho vùng Tây Tạng. Còn Bắc Kinh luôn cáo buộc cả hai ứng viên trên là những nhà ly khai đòi độc lập cho Tây Tạng.

Tổng cộng có khoảng 88.000 người Tây Tạng được kêu gọi đi bỏ phiếu tại 13 nước, từ Úc tới Hoa Kỳ, để bầu ra lãnh đạo chính phủ cũng như 44 thành viên của Nghị viện.Tại Dharamsala, hàng đoàn người đã xếp hàng dài ngoài các phòng bầu cử ngay lúc mở cửa vào 9 giờ sáng (giờ địa phương). Cũng như Lobsang Sangay, trong số các cử tri đi bầu, rất nhiều người chưa từng đặt chân đến Tây Tạng.

Kết quả của cuộc bỏ phiếu sẽ được công bố vào khoảng tháng Tư. Dù ai là người chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 20/03/2016, lãnh đạo mới sẽ vẫn ẩn trong chiếc bóng của Đạt Lai Lạt Ma, người từng được trao giải Nobel hòa bình và vẫn là gương mặt đấu tranh của người Tây Tạng trong con mắt cộng đồng quốc tế. Trước đó, trong cuộc bầu cử vòng thứ nhất vào tháng 10/2015, Lukar Jam Atsok, một trong các ứng cử viên và là một cựu tù chính trị tại Trung Quốc, đã đòi độc lập cho Tây Tạng. Tuy nhiên, nhân vật này chỉ về thứ ba nên không thể đi tiếp vào vòng hai.

Sau một thời gian được thế giới đề cập nhiều, vấn đề Tây Tạng dường như trở nên lắng hơn trong những năm gần đây do nhiều nước không muốn gặp rắc rối với Trung Quốc, hiện đang trở thành một cường quốc kinh tế quan trọng.

Theo nhận định của nhiều nhà quan sát, Trung Quốc đang mong đức Đạt Lai Lạt Ma chết vì cho rằng phong trào đòi quyền lợi cho người Tây Tạng sẽ biến mất sau khi nhà lãnh đạo tinh thần 80 tuổi này qua đời. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
TT Obama phát biểu trước nhân dân Cuba sẽ là đỉnh điểm của chuyến thăm lịch sử

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama sẽ đáp máy bay đến Cuba hôm nay, bắt đầu chuyến thăm lịch sử, khi hai nước bình thường hóa quan hệ sau 55 năm chia cắt.  Ông Obama, tổng thống đương nhiệm đầu tiên của Mỹ sang thăm Cuba sau gần 90 năm, sẽ đánh dấu sự kiện đỉnh điểm của chuyến thăm bằng bài phát biểu trước nhân dân Cuba, trình bày viễn kiến của ông về tương lai của mối quan hệ Mỹ-Cuba.

Tòa Bạch Ốc nói rằng chuyến thăm Cuba ba ngày, và bài phát biểu được truyền hình trực tiếp tại Havana vào thứ Ba của ông, phản ánh sự khởi đầu mới của mối quan hệ với nước cựu thù Chiến tranh Lạnh, và sẽ tiến tới khôi phục các mối quan hệ ngoại giao được nối lại cách đây 8 tháng.

Tổng thống Obama phát biểu tại Bộ Ngoại giao Mỹ vài ngày trước chuyến đi thăm Cuba rằng:  "Ngoại giao, trong đó có việc lật qua chương các chính sách thất bại của quá khứ, là cách thức chúng ta khởi đầu một chương mới của sự giao tiếp với người dân Cuba."

Ông Obama đặt mục tiêu tái lập quan hệ với Cuba là một trong những dấu ấn của các thành tựu đạt được trong chính sách ngoại giao trong nhiệm quyền tổng thống của ông.  Ông tranh luận rằng chính sách của Mỹ cô lập hóa Cuba suốt mấy thập niên qua đã thất bại.

Cố vấn An ninh Quốc gia của tổng thống, bà Susan Rice hôm thứ Năm phát biểu rằng: "Chính sách cô lập Cuba trong hơn 50 năm qua rõ ràng đã không có kết quả.  Chúng tôi tin rằng giao tiếp, trong đó có mở rộng giao thương, du lịch và các mối quan hệ giữa Mỹ và Cuba sẽ là cách tốt nhất để mở ra những cơ hội thúc đẩy tiến bộ cho nhân dân Cuba."

Tổng thống Obama và gia đình sẽ đi thăm các di tích văn hóa ở khu phố Cổ Havana trong mấy tiếng đồng hồ đầu tiên sau khi đáp máy bay đến Cuba chiều hôm nay.  Thứ Hai, Tổng thống Obama sẽ họp với Chủ tịch Cuba Raul Castro, và sau đó ông sẽ gặp gỡ với các nhà doanh nghiệp Cuba để thảo luận về các quan hệ làm ăn giữa Mỹ và Cuba.  Quốc yến thiết đãi Tổng thống Obama sẽ diễn ra tại Dinh Cách mạng vào chiều tối thứ Hai.

Phó Cố vấn An ninh Quốc gia của tổng thống, ông Ben Rhodes nói với các phóng viên báo chí rằng phát biểu của Tổng thống Obama trước nhân dân Cuba, sự kiện chính trong chuyến thăm này, sẽ là một cơ hội để nhìn lại lịch sử đầy phức tạp trong quan hệ giữa hai nước." - VOA
|
|

Tin Việt Nam

4.
Phỏng vấn luật sư bào chữa blogger Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh

Vụ án Nguyễn Hữu Vinh, người sáng lập trang thông tin Ba Sàm nổi tiếng, đã kéo dài gần đúng 2 năm. Vào ngày 23 tháng 3 vụ án sẽ được đem ra xử. Một ngày trước phiên xử, luật sư Hà Huy Sơn có trao đổi với Kính Hòa về vụ án này. Trước tiên ông tóm tắt diễn biến vụ án:

Luật sư Hà Huy Sơn: Anh Nguyễn Hữu Vinh và chị Nguyễn Thị Minh Thúy bị cơ quan an ninh điều tra bộ công an bắt khẩn cấp ngày 5 tháng 5 năm 2014 và sau này cáo trạng người ta cáo buộc anh Vinh và chị Thúy vi phạm khoản 2 điều 258 của bộ luật hình sự: Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm các lợi ích của tổ chức cá nhân. Tức là cái điều này quy định các quyền tự do dân chủ như tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do lập hội… Người ta cho rằng anh Nguyễn Hữu Vinh đã lập ra 2 trang blog là Diễn đàn Xã hội dân sự và Chép sử Việt. Người ta cáo buộc mỗi trang đăng 12 bài viết, được cho rằng đã vi phạm lợi ích 1 số cá nhân và vi phạm lợi ích nhà nước. Sau 4 lần điều tra bổ sung, có một lần cuối cùng (lần thứ 5) không có kết luận và không có thông báo cho các luật sư nên tôi là 1 luật sư nhưng tôi không biết được thông tin hay nội dung lần điều tra thứ 5. Vụ án này, về mặt tố tụng thì có rất nhiều sai phạm theo quy định của pháp luật Việt Nam mà các luật sư cũng đã nhiều lần kiến nghị và tố cáo gửi tới các cơ quan tiến hành tố tụng nhưng không được giải quyết.

Kính Hòa: Trước đây luật sư có nói sai phạm lớn là người ta bắt rồi mới tìm chứng cớ phạm tội. Luật sư vẫn còn giữ nhận định này hay không?

Luật sư Hà Huy Sơn: Tôi vẫn giữ quan điểm là người ta bắt anh Nguyễn Hữu Vinh nhưng không có chứng cứ hợp pháp để cáo buộc anh ấy vi phạm điều 258 của bộ luật hình sự.

Kính Hòa: Nếu tôi nhớ không lầm trước Đại hội đảng 12 cũng định đưa vụ này ra xử nhưng không biết vì sao bị hoãn lại thì luật sư có biết nguyên nhân vì sao lại như vậy?

Luật sư Hà Huy Sơn: Theo luật Việt Nam quy định thì khi hoãn phiên tòa không được quá thời hạn 30 ngày. Sau đó quá thời hạn 30 ngày tôi đã làm đơn tố cáo lên viện kiểm sát tối cao tố cáo ông chánh án Tòa án Thành phố Hà Nội vì việc giam giữ anh Vinh và chị Thúy trái pháp luật nhưng đơn tố cáo của tôi không được giải quyết. Lí do tại sao họ dừng phiên tòa thì họ cũng không thông báo và tôi là luật sư thì cũng không được biết.

Kính Hòa: Gần đây nhất luật sư có gặp thân chủ của mình là anh Vinh không?

Luật sư Hà Huy Sơn: Tôi có gặp anh Vinh và chị Thúy cách đây hơn 1 tháng rồi, tức là trước ngày 19 tháng 1.

Kính Hòa: Thưa luật sư, tới giờ này thì tin tức mới nhất của vụ án có gì thay đổi?

Luật sư Hà Huy Sơn: Tôi đã nhận được thông báo phiên tòa mở vào sáng ngày 23 tháng 3 cách đây hơn 1 tuần rồi. Cho đến lúc này thì tôi chưa thấy có thông báo gì mới, chưa có gì thay đổi cả.

Kính Hòa: Có một nguồn tin cho đài Á Châu Tự Do biết rằng 1 trong những mắc mứu trong vụ xử anh Nguyễn Hữu Vinh là khi anh Vinh bị bắt thì anh vẫn là đảng viên cộng sản và không biết giờ này người ta có khai trừ ra hay chưa, điều đó làm cho việc xử của đảng cộng sản, của tòa án trở nên phức tạp và họ không tìm ra cách nào thông suốt. Luật sư có nhận định gì về nguồn tin này?

Luật sư Hà Huy Sơn: Vụ án này có 3 lần điều tra bổ sung về sau và có 1 lần điều tra bổ sung không chính thức. Liên quan đến việc xác định khi anh Vinh bị bắt anh ấy có là đảng viên hay không. Tôi thấy điều anh Vinh có là đảng viên hay không, theo luật tố tụng của Việt Nam, theo điều 5, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt thành phần tôn giáo hay đảng phái. Nhưng trong thực tế, cụ thể là vụ án này, thì họ đã phân biệt, tức là họ coi vấn đề đảng phái là một vấn đề cần xem xét đối với 1 cá nhân khi mà truy cứu trách nhiệm hình sự. Tôi cho rằng đây là điều không bình đẳng vi phạm tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng anh Nguyễn Hữu Vinh đã làm trái pháp luật.

Kính Hòa: Câu hỏi cuối cùng, luật sư có dự báo nào đó cho kết quả phiên tòa sắp tới không?

Luật sư Hà Huy Sơn: Tôi bảo vệ anh Nguyễn Hữu Vinh hoàn toàn theo pháp luật Việt Nam thôi. Tôi cũng không có 1 dự báo gì bởi vì theo kinh nghiệm của tôi thì các cơ quan tố tụng của Việt Nam xét xử chẳng theo quy luật nào cả, thậm chí nhiều khi họ không theo pháp luật nữa nên tôi không thể dự báo được.

Kính Hòa: Xin cám ơn luật sư. - RFA
|
|

5.
Cầu Ghềnh sập và rơi xuống nước

Hai nhịp của Cầu Ghềnh tại thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) bị sập và rơi xuống sông sau khi một xà lan đâm phải.

Hình ảnh của người dân chụp lại tại hiện trường cho thấy phần giữa của cây cầu gãy và chìm xuống sông.

Nói với BBC Tiếng Việt, cô Nguyễn Thị Giàu sống trên Cù Lao Phố (nơi cây cầu Ghềnh bắc qua), cho biết: "Cây cầu sập ngay giữa sông. Rất đông người đổ xô đến các cây cầu gần đó và hai bên bờ sông để xem cầu sập".

Ngay sau khi cầu sập, ba người rơi xuống nước đã bơi được vào bờ. Tỉnh Đồng Nai đã triển khai nhiều thợ lặn tiếp tục tìm kiếm người bị nạn, nhưng chưa ghi nhận trường hợp nào nguy hiểm.

Kẹt đường sắt Bắc - Nam

Cầu Ghềnh bắc từ bờ sông Đồng Nai sang Cù Lao Phố, là cây cầu xe lửa bắc qua sông Đồng Nai mà đường sắt Bắc - Nam sử dụng. Việc sập Cầu Ghềnh có thể dẫn đến việc đình trệ các chuyến xe lửa trên tuyến đường quan trọng này.

Ngay sau khi xảy ra vụ sập cầu, nhiều chuyến tàu từ Ga Sài Gòn đã bị hoãn.

Báo Tuổi Trẻ trong nước dẫn nguồn từ Ga Sài Gòn cho biết có năm chuyến tàu xuất phát từ Ga Sài Gòn bị kẹt lại với 1107 hành khách.

BBC liên lạc với ông Đỗ Anh Tuấn - Tổng giám đốc công ty Đường sắt Sài Gòn nhưng ông không trả lời.

Sách "Địa chí tỉnh Biên Hòa" (tác giả M.Robert) nói cầu Ghềnh được xây dựng từ năm 1909, cũng có tài liệu cho rằng cây cầu xây xong từ năm 1904.

Cây cầu hơn trăm tuổi này là một trong những di tích quan trọng gắn liền với di tích Cù Lao Phố, thuộc xã Hiệp Hòa, Biên Hòa.

Năm 2011, tại Cầu Ghềnh xảy ra một tai nạn giao thông thảm khốc giữa xe lửa và nhiều xe ô tô, làm chết hai người và 22 người bị thương.

Sau đó, cây cầu này đã đóng không cho ô tô lưu thông qua, chỉ còn là đường xe lửa và một phần cho xe hai bánh đi lại. Một cây cầu kiên cố đã được xây để thay thế. - BBC
|
|

6.
Nhà giáo Phạm Minh Hoàng bị tạm giữ

Ông Phạm Minh Hoàng, người từng bị cầm tù vì các hoạt động vì dân chủ, bị tạm giữ tại thành phố Hồ Chí Minh.

Vợ ông, bà Lê Thị Kiều Oanh (bên trái trong ảnh), xác nhận ông bị lực lượng công an giữ tại quán cà phê tại địa chỉ 134/1/2 ở đường Cách mạng Tháng Tám, phường 10, Quận 3, thành phố Hồ Chí Minh.

Bà Oanh nói công an tới lớp học về lịch sử các cuộc đấu tranh ở Việt Nam và về Hiến pháp lúc 11h sáng và giữ ông Hoàng từ đó cho tới lúc BBC gọi điện thoại hỏi bà vào hồi 21:30.

Bà nói phía công an không cho biết khi nào họ sẽ để ông Hoàng về nhà. Khoảng 13 hay 14 học sinh tham gia khóa học cũng bị chia nhỏ và bị tạm giữ ở các phường khác nhau trong Quận 3, bà Oanh nói.

Phía công an cũng đòi kiểm tra máy tính cá nhân của ông Hoàng nhưng ông từ chối vì cho rằng như vậy vi phạm quyền riêng tư của ông.

Đơn tố cáo

Khi được hỏi về lý do vụ tạm giữ ông Hoàng, bà Oanh nói:

"Lúc họ ập vào không có tôi ở đó, tôi không biết cụ thể như thế nào.

"Nhưng sau đó anh Hoàng có gọi về cho tôi, tôi lập tức đến quán thì họ nói có đơn tố cáo anh Hoàng ... mở lớp chống phá nhà nước. Họ được tin báo như vậy họ đến kiểm tra."

Bà Oanh giải thích ông Hoàng giảng dạy kỹ năng mềm cho các bạn trẻ trong khóa học gồm ba buổi mà Chủ Nhật ngày 20/3 là buổi cuối cùng.

Nội dung khóa học, theo bà Oanh, bao gồm lịch sử các cuộc đấu tranh ở Việt Nam qua các thời kỳ và lý do của nó.

"... Có bất công thì sẽ có đấu tranh. Tôi thấy anh lấy ví dụ, chẳng hạn thời Hai Bà Trưng thì có Tô Định [áp bức người dân].

"Cộng với lịch sử tôi thấy có tiêu đề là 'Học về Hiến Pháp của Việt Nam'."

Vợ nhà giáo bị tạm giữ cũng nói bà được biết đã có xô xát xảy ra khi công an đột nhập quán cà phê.

Ông Phạm Minh Hoàng từng bị tù 17 tháng và sau chịu thêm ba năm quản chế sau khi bị chính quyền khép vào tội Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân theo Điều 79 Bộ Luật Hình sự. - BBC

No comments:

Post a Comment