Sunday, March 27, 2016

Tin Cập Nhật Chủ Nhật 27/3

Tin Thế Giới

1.
Phe cánh hữu biểu tình ở Brussels trong lúc điều tra khủng bố tiếp tục --- Bỉ hoãn cuộc 'Tuần hành chống sợ hãi'

Cảnh sát chống bạo động Bỉ dùng vòi rồng giải tán những người biểu tình thuộc cánh cực hữu chống di dân đụng độ với những người tụ tập ở trung tâm Brussels tưởng nhớ các nạn nhân vụ tấn công khủng bố tệ hại nhất ở nước này hồi tuần trước.

Một nhóm những người biểu tình cánh hữu tràn vào quảng trường một lúc, hô khẩu hiệu theo kiểu cổ động trong trận đấu bóng đá, chào theo kiểu Đức Quốc xã, và dùng những ngôn từ nặng nề với những người tưởng nhớ các nạn nhân, trước khi cảnh sát chống bạo động đến nơi.

"Cuộc tuần hành chống sợ hãi" trước đó dự trù sẽ diễn ra hôm nay tại Brussels đã bị hoãn lại vì giới hữu trách lo ngại rằng việc công chúng tụ tập vào lúc này sẽ rút bớt các nguồn lực đang tập trung cho cuộc điều tra các vụ tấn công khủng bố hôm thứ Ba tuần trước.

Nhưng một nhóm người tưởng nhớ các nạn nhân vẫn tập trung tại một quảng trường ở trung tâm thành phố.

Thủ đô của Bỉ vẫn trong tình trạng không an tâm, trong lúc nhiều nghi can trong vụ tấn công khủng bố vẫn đào tẩu.  Nhưng hình như các nhà điều tra đã đạt được một số tiến bộ trong vụ này những ngày qua.

Hôm Chủ nhật cảnh sát Brussels tiến hành thêm 13 vụ lục soát chống khủng bố bên trong và quanh thủ đô Brussels, bắt giữ 9 người để thẩm vấn về những liên hệ với khủng bố. Công tố viên liên bang cho biết 5 người sau đó được thả ra.

Trong một diễn biến liên quan, cảnh sát Italia bắt giữ một nghi can người Algeria đã làm giả giấy tờ tùy thân được các nghi can tấn công khủng bố ở Brussels, và cả ở vác vụ tấn công khủng bố ở Paris hồi năm ngoái sử dụng.

Cảnh sát cho hay nghi can này tên là Djamal Eddine Ouali, bị bắt hôm thứ Bảy gần thị trấn Salerno. Các giới chức cho hay nghi can này có thể sắp bị dẫn độ sang Bỉ. - VOA

***
"Cuộc tuần hành chống sợ hãi" theo dự trù sẽ diễn ra hôm nay tại Brussels đã bị hoãn lại vì những lo ngại về an ninh. Giới hữu trách Bỉ nói rằng việc công chúng tụ tập vào lúc này sẽ rút bớt các nguồn lực đang tập trung cho cuộc điều tra các vụ tấn công hôm thứ Ba tuần trước tại phi trường và một ga xe điện ngầm ở Brussels. Ông Emmanuel Foulon, nhà tổ chức cuộc tuần hành nói: "An ninh cho người dân chắc chắn là ưu tiên hàng đầu."

Trong một diễn biến khác, Pháp tấn xã trích lời một giới chức Bỉ nói rằng tổng số nạn nhân thiệt mạng trong các vụ tấn công hôm thứ Ba vừa qua nay được xác định là 28 người, thay vì con số trước đó được công bố là 31 người trong đó có 3 kẻ đánh bom tự sát.

Các công tố viên Bỉ cũng vừa xác định danh tính và ra trát bắt một nghi can nữa trong các vụ tấn công.

Trong một thông báo hôm thứ Bảy, Văn phòng công tố liên bang nói đã ra lệnh bắt một người đàn ông có tên là Faycal C vì “dính líu tới một nhóm khủng bố, gây ra các vụ giết chóc khủng bố và âm mưu khủng bố và giết người”.

Thông cáo không xác nhận rằng Faycal C là nghi can khủng bố thứ ba tại phi trường Brussels.

Trong đoạn video do camera an ninh ghi lại, nhân vật này được trông thấy đi cùng hai nghi can khác sau đó đã tấn công tự sát.

Truyền thông Bỉ đưa tin rằng một người đàn ông tên là Faycal Cheffou bị nghi đã chạy khỏi phi trường ở Brussels.

Trước đó, các công tố viên Bỉ cho biết 3 người đã bị bắt giữ trong một vụ đột kích chống khủng bố ở Brussels.

Giới hữu trách nói rằng cuộc lục soát này được tiến hành sau khi một người Pháp bị bắt hôm thứ Năm ở Paris vì bị nghi đang lập kế hoạch cho một vụ tấn công mới.

Văn phòng công tố viên Bỉ cũng nói rằng các nhà điều tra dùng các xét nghiệm DNA để xác định Najim Laachraoui là một trong những kẻ nổ bom tự sát hôm thứ 3 tại phi trường Brussels.

Các giới chức nói phi trường này sẽ không mở cửa lại cho tới ít nhất là thứ Ba tuần sau.

Lacchraoui cũng dính líu tới vụ tấn công ngày 13 tháng 11 ở Paris giết chết 130 người. DNA của hung thủ này được tìm thấy trên một chiếc áo gắn bom tự sát và trên một mảnh vải được tìm thấy tại hí viện Bataclan, nơi 90 người bị giết hại.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm thứ Sáu có mặt tại Brussels để thảo luận với các nhà lãnh đạo Bỉ và Âu châu về những vụ tấn công.

Ông nói Hoa Kỳ và các nước trong liên minh chống khủng bố có một thông điệp cho những ai giết hại và gây thương tích cho thường dân vô tội là “Chúng tôi sẽ không chùn bước. Chúng tôi sẽ trở lại với quyết tâm mạnh mẽ hơn, với sức mạnh to lớn hơn, và chúng tôi sẽ không ngơi nghỉ cho tới khi nào chúng tôi quét sạch những niềm tin hư vô và sự hèn nhát của các người ra khỏi trái đất này.”

Một giới chức Mỹ mới đây đã xác nhận hai người Mỹ nằm trong số hơn 30 người thiệt mạng trong những vụ tấn công ở thủ đô nước Bỉ. - VOA
|
|

2.
Bôi đen cờ TQ ở Praha

Vụ bôi đen một loạt cờ Trung Quốc tại thủ đô CH Czech trước chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình đang gây tranh cãi trong chính giới nước chủ nhà.

Văn phòng Tổng thống CH Czech đổ trách nhiệm đạo đức về vụ việc cho thị trưởng khu Praha 6 và đảng TOP 09, thuộc về phái trung hữu.

Theo trang Prague Post bằng tiếng Anh thì trước chuyến thăm ngày thứ Hai 28/3 của lãnh đạo Trung Quốc, các lá cờ Trung Quốc treo cùng cờ Czech ở phố Evropska vào hôm thứ Sáu bị bôi đen.

Một người đàn ông 33 tuổi bị bắt trong vụ bôi cờ nhưng san đó được thả.

Phát ngôn viên từ Văn phòng Tổng thống Milos Zeman là ông Jiri Ovcacek đã nhắn trên Twitter và đổ trách nhiệm đạo đức và chính trị cho chính trị gia địa phương phụ trách khu Praha 6.

'Gieo gió thì gặt bão'

Nhưng đáp trả lại, thị trưởng quận Praha 6, ông Ondrej Kolar thuộc đảng trung hữu TOP 09 ví vụ treo cờ này như 'thời cộng sản, khi mà cờ Liên Xô bị chính quyền bắt treo ở nơi công cộng'.

Ông nói đảng của ông không khuyến khích ai vi phạm pháp luật cả nhưng chính quyền trung ương 'gieo gió thì gặt bão' khi đón khách Trung Quốc.

Điều đáng chú ý là các lá cờ TQ bị bôi bằng chất màu đen vẫn tiếp tục được treo trong mấy ngày cuối tuần mà không được thay.

Cảnh sát Praha nói họ vẫn để hiện trường như vậy để điều tra, theo Prague Post.

Được biết chính quyền của tổng thống Zeman mời chủ tịch Tập Cận Bình sang thăm để ký đối tác chiến lược, vào nước Trung Âu từng là cộng sản.

Một số nhóm vận động nhân quyền và ủng hộ người Tây Tạng cho hay họ sẽ chuẩn bị biểu tình phản đối chuyến thăm của ông Tập.

Kế hoạch của họ gồm cả phần trưng hình Đức Đạt lai Lạt ma trên phố Praha. - BBC
|
|

3.
Quân đội Miến Điện cam kết ủng hộ tiến trình dân chủ hóa

Tổng tư lệnh liên quân Miến Điện, tướng Min Aung Hlaing tuyên bố bảo vệ đất nước « trên con đường tiến đến dân chủ ». Lời cam kết của nhân vật đầy thế lực này được đưa ra trong bối cảnh một chính phủ dân sự, xuất phát từ quốc hội qua bầu cử tự do, trong đó có bà Aung San Suu Kyi, sắp nhậm chức.
Hôm nay (27/03/2016), ngày Quân lực của Miến Điện được tổ chức trọng thể tại thủ đô chính trị Naypyidaw. Theo AFP, tướng Min Aung Hlaing, tổng tư lệnh liên quân xác quyết quân đội sẽ ủng hộ tiến trình dân chủ hóa tại Miến Điện.

Ông nói: "Tôi long trọng tuyên bố rằng Tatmadaw (quân đội Miến Điện) sẽ hợp tác để đem lại phồn vinh cho đất nước và cho mọi công dân". Tướng Min Aung Hlaing nêu lên hai cản lực chính cho tiến trình dân chủ là sự "không thượng tôn pháp luật và phiến loạn vũ trang". Một khi dẹp được hai cản lực này, thì con đường dân chủ sẽ thênh thang, ông tuyên bố tiếp.

Vào thứ Tư 30/3 này, tân tổng thống Htin Kyaw và nội các dân sự, trong đó có bà Aung San Suu Kyi, sẽ tuyên thệ nhậm chức trong khuôn khổ tiến trình dân chủ. Trong cuộc diễn binh hôm nay, quân đội Miến Điện phô trương lực lượng và trang bị rất hùng hậu, chiến xa, tên lửa phòng không, trực thăng chiến đấu… theo mô tả của AFP. Bà Aung San Suu Kyi, mà thân phụ là người hùng sáng lập Tatmadaw không có mặt trên khán đài. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Ông Sanders thắng lớn ở Washington, Alaska, Hawaii

Thượng nghị sĩ bang Vermont Bernie Sanders giành thắng lợi áp đảo trong các cuộc họp bầu của Ðảng Dân chủ hôm thứ Bảy tại ba tiểu bang miền tây – Washington, Alaska và Hawaii – rút ngắn khoảng cách biệt với ứng cử viên Hillary Clinton, người đang dẫn đầu đảng này trong cuộc đua tranh chức tổng thống Mỹ.

Ông Sanders giành được 82% phiếu bầu tại bang Alaska và hơn 70% phiếu bầu tại hai bang Washington và Hawaii. Ðảng Dân chủ quy định phiếu đại biểu giành được theo tỉ lệ giành được phiếu bầu – có nghĩa là dù thua hôm thứ Bảy, bà Clinton vẫn giành được một số phiếu đại biểu theo tỉ lệ phiếu bà có được.

Trong cuộc vận động tại bang Wisconsin, ông Sanders nói: "Chúng tôi đã biết là sự ủng hộ sẽ tăng lên khi chúng tôi tiến về các bang miền tây."  

Bà Clinton chiếm ưu thế tại các bang miền nam trước đó trong cuộc đua giành quyền đề cử của đảng, nhưng ông Sanders đã thắng năm trong số sáu bang bầu cử gần đây nhất, và tất cả các bang đó ở miền tây.

Cho dù giành được những chiến thắng hôm thứ Bảy, ông Sanders vẫn kém bà Clinton gần 300 phiếu đại biểu, và ông đang tiếp tục đường đua khá cam go để thắng bà Clinton và giành quyền đề cử của Ðảng Dân chủ.

Ðảng Dân chủ sẽ có các cuộc bầu cử kế tiếp tại bang Wisconsin vào ngày 5 tháng 4, và tại bang dân số thấp Wyoming vào ngày 9 tháng 4.  Bà Clinton đang tập trung vào ngày 19 tháng 4 khi cử tri bang New York đi bầu, bang mà bà từng đại diện làm thượng nghị sĩ, nơi có 291 phiếu đại biểu.

Ông Trump nói chi tiết về chính sách đối ngoại

Người dẫn đầu bên Ðảng Cộng hòa, ông Donald Trump vạch ra quan điểm về chính sách đối ngoại của ông trong một cuộc phỏng vấn dài với báo New York Times.  Trong các cuộc nói chuyện qua điện thoại dài tổng cộng khoảng 100 phút, ông Trump đưa ra một hình ảnh rõ nét hơn về các chính sách và sáng kiến đối ngoại mà ông sẽ theo đuổi nếu ông trở thành tổng thống.

Ông Trump nói rằng ông sẽ dọa ngưng mua dầu hỏa của Ả Rập Xê-út và các đồng minh Ả Rập khác trừ phi họ cam kết đưa bộ binh vào chống Nhà nước Hồi giáo hoặc "hoàn trả đáng kể chi phí" mà Washington đã tiêu tốn để chống nhóm chủ chiến này. Ông cũng sẽ xem xét đến việc thương thảo lại nhiều hiệp ước cơ bản với các đồng minh của Mỹ, trong đó có hiệp ước an ninh với Nhật Bản, để làm cho các điều kiện có lợi hơn cho Hoa Kỳ.

Ông Trump nói có thể để cho Nhật Bản và Nam Triều Tiên tự tích lũy kho vũ khí hạt nhân của họ, và yêu cầu các nước này phải chi trả thích hợp hơn cho thỏa thuận mà Washington bảo đảm an ninh cho họ và đưa ra một sáng kiến khác thay thế cho NATO trong mục tiêu tập trung vào cuộc chiến chống khủng bố. Ông cũng nói rằng ông sẽ xem xét đến việc dùng thương mại để ngăn chặn Trung Quốc mở rộng tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.

Ông Trump không loại trừ khả năng theo dõi gián điệp các đồng minh của Mỹ, và ông chỉ trích thỏa thuận hạt nhân với Iran. Ông nói rằng đó là một chính sách sai lầm khi thỏa thuận này mở ra những khoản tiền lên đến 150 tỉ đôla cho Iran, mà không có một yêu cầu nào trong các lệnh chế tài cấm hầu hết doanh nghiệp Mỹ hợp đồng làm ăn với Tehran. - VOA
|
|

5.
Kiến nghị cho tự do mang súng đến đại hội toàn quốc của Ðảng Cộng hòa

Mỗi ứng cử viên tổng thống trong số ba đối thủ còn lại bên Ðảng Cộng hòa đều kêu gọi cho công chúng công khai mang vũ khí, và một kiến nghị trên mạng Internet thách thức các ứng cử viên này ủng hộ các chính sách đó và đề nghị cho phép mang vũ khí vào đại hội toàn quốc chọn đại điện ra tranh chức tổng thống của Ðảng Cộng hòa vào tháng 7.

Cả Thượng nghị sĩ bang Texas, ông Ted Cruz, và doanh gia Donald Trump đều chỉ trích luật gọi là "các khu vực cấm súng," nhất là tại các trường học.  Họ nói các chính sách này làm cho những nơi đó kém an toàn.

Ông Trump hồi tháng 12 nói rằng ông sẽ bỏ luật "khu vực cấm súng" ngay ngày đầu nhậm chức, còn ông Cruz nói với các phóng viên báo chí hồi tháng 12 rằng các khu vực đó chỉ tạo ra những nơi giúp cho kẻ âm mưu tấn công biết chắc rằng không ai ở đó có vũ khí.  

Thống đốc John Kasich của bang Ohio hồi năm ngoái đã bỏ luật khu vực cấm súng tại các cơ sở của Vệ binh Quốc gia trong tiểu bang của ông.

Hơn 30.000 người ký tên vào kiến nghị mang tên Change. org kêu gọi các ứng cử viên yêu cầu thao trường Cleveland hoãn chính sách khu vực cấm súng, vì Hiêp hội Súng Quốc gia lên án chính sách này, và vì chủ tịch Ủy ban Quốc gia của Ðảng Cộng hòa, ông Reince Preibus sẵn sàng đổi toàn bộ địa điểm tổ chức đại hội đảng toàn quốc nếu không cho phép mang súng.

Kiến ghị được lập ra bởi người có tên tài khoản là "N A."  Kiến nghị châm biếm ngôn từ được những người ủng hộ quyền sở hữu súng và các đảng viên Cộng hòa sử dụng.

Kiến nghị có đoạn: "Buộc người tham dự phải để vũ khí ở nhà, Ủy ban Quốc gia Ðảng Cộng hòa và thao trường Quiken Loans Arena đẩy hàng chục ngàn người vào rủi ro ở cả bên trong lẫn bên ngoài địa điểm."

Kiến nghị trích dẫn một đe dọa tấn công của Nhà nước Hồi giáo, và nói rằng không có súng trong tay, những người bên trong thao trường sẽ "hoàn toàn bất lực trước những kẻ hành động ác độc."

Kiến nghị cũng ám chỉ Tổng thống Barack Obama bằng việc nhấn mạnh tên lót của ông là Hussein được viết in đậm, châm chọc ngôn từ của những người không hài lòng với việc để cho ông làm tổng thống của họ suốt 7 năm qua.  

Một số lớn những người chia sẻ kiến nghị này trên mạng Twitter rõ ràng không thích những lý do bênh vực cho Tu chính án thứ hai về quyền sở hữu vũ khí, nhưng muốn gàn cho Ðảng Cộng hòa gắn bó lâu đời với vấn đề này.

Bất chấp có nhiều chữ ký đến bao nhiêu mà kiến nghị thu thập được, hoặc bất cứ sự ủng hộ thực sự nào đề nghị được mang súng tự do đến đại hội đảng, có rất ít khả năng thấy được người mang súng đến đại hội.

Đài truyền hình WEWS ở Cleveland hỏi Sở Mật vụ Mỹ, cơ quan chuyên lo bảo vệ an ninh cho hai địa điểm diễn ra đại hội toàn quốc của hai đảng, và câu trả lời cũng giống như ở cuộc tranh cử năm 2012 là cấm súng tại địa điểm đại hội của Ðảng Cộng hòa.  

Theo đài truyền hình này, Sở Mật vụ nói rằng quy định này cho phép họ "ngăn ngừa vũ khí đi vào các địa điểm mà những người họ có nhiệm vụ bảo vệ sẽ đến thăm." - VOA
|
|

Tin Việt Nam

6.
Thái Lan bắt 7 tàu đánh cá và 38 ngư dân Việt Nam

Truyền thông Thái Lan đưa tin, ngày 26/3/2016  Hải quân Vùng 2 của Thái Lan đã bắt giữ 7 tàu đánh cá Việt Nam cùng với 38 ngư dân, trong khi đang đánh bắt cá bất hợp pháp trong vùng biển Vịnh Thái Lan thuộc chủ quyền của nước này.

Theo đó, lực lượng Hải quân Thái Lan cho biết, khi phát hiện một số tàu cá nước ngoài đang tiến hành đánh cá trái phép trong khu vực khoảng 30 hải lý, phía đông bắc của đảo Kra, thuộc tỉnh Nakhon Si Thammarat – miền Nam, thuộc chủ quyền của Thái Lan, hải quân Thái đã cử hai tàu tuần tra cỡ lớn (có máy bay lên thẳng) là tàu Narathiwat và tàu KrongLuang của Hải quân vùng 2, tiến hành bắt giữ 7 tàu đánh cá Việt Nam với thủy thủ đoàn gồm 38 người, đang đánh bắt cá bất hợp pháp trong hải phận của nước họ. Sau đó đã đưa toàn bộ các tàu cá và ngư dân về Bộ chỉ huy Hải quân vùng 2, thuộc tỉnh Songkhla để xử lý theo pháp luật của Thái Lan.

Đài Á Châu Tự do đã liên lạc tới Bộ chỉ huy Hải quân vùng 2 Thái Lan, từ Songkhla, viên sĩ quan trực ban đề nghị không nêu danh tính cho biết:

“Toàn bộ các tàu cá và ngư dân đã được đưa vào bờ an toàn và được giao lại cho Cảnh sát tỉnh Songkhla để xử lý theo quy định pháp luật của Thái Lan. Qua điều tra ban đầu, được biết đây là 7 tàu cá của ngư dân Việt Nam thuộc các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang và Bến Tre đã xâm phạm hải phận Thái Lan để đánh bắt trái phép hải sản trong khu vực quản lý của lực lượng Hải quân vùng 2. Hành động này đã trái với Luật đánh bắt cá trong vùng biển của Thái ban hành năm 2482 và quy định về hoạt động ngư nghiệp năm 2558 (Phật lịch) của Vương Quốc Thái Lan. Ngay sau đó chúng tôi đã thông báo cho Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan biết về vụ việc này.” 

Chúng tôi đã liên lạc tới ông Trần Mạnh Hùng - Bí thư thứ nhất phụ trách bảo hộ công dân Việt Nam thuộc tòa Đại sứ Việt Nam tại Bangkok, Thái Lan và được ông cho biết:

“Vấn đề này chúng tôi đã nắm được và đang tích cực phối hợp để giải quyết, đồng thời sẽ đi thăm bà con ở dưới ấy. Nếu cần tìm hiểu thì đề nghị các anh gửi email trước cho chúng tôi, chứ nói qua điện thoại thì không tiện đâu.”

Theo báo chí Thái Lan, đây là lần bắt giữ ngư dân Việt Nam xâm phạm lãnh hải của Thái Lan để đánh bắt hải sản trái phép với số lượng người và phương tiện đánh cá lớn nhất từ trước đến nay. Từ đầu năm đến giờ, phía Thái Lan đã 16 lần bắt giữ tàu cá của Việt Nam, với tổng cộng 31 tàu đánh cá và 188 thuyền viên. Nói với báo chí, Thiếu tá Suwith Yalankar, phó tư lệnh Hải Quân vùng 2 Thái Lan cho biết: Hiện nay Hải quân Vùng 2 đã thành lập một đội tàu tuần tra với quy mô lớn, với các trang thiết bị tối tân kể cả máy bay trực thăng, có thể tiến hành bắt giữ tất cả các tàu đánh cá nước ngoài xâm phạm lãnh hải Thái Lan để đánh bắt cá trái phép. Theo ông, trong giai đoạn thời tiết thuận lợi, biển lặng như hiện nay, đã có rất nhiều thuyền đánh cá Việt Nam xâm phạm lãnh hải Thái để đánh bắt cá bất hợp pháp. Vì thế, Hải quân vùng 2 sẽ thường xuyên tổ chức tuần tra trên không và trên biển để bắt giữ và xử lý kịp thời.

Cần phải nhắc lại, ngày 17/9/2015, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã lên án hành vi đối xử vô nhân đạo của tàu tuần tra Hải quân Thái Lan đối với tàu cá Việt Nam. Trước đó, ngày 11/9/2016, hải quân Thái Lan đã nã súng vào tàu cá của ngư dân Việt Nam khiến 1 người thiệt mạng và 2 người bị thương. Đồng thời Bộ Ngoại giao Việt Nam yêu cầu nhà chức trách Thái Lan điều tra, xử lý nghiêm những người tấn công tàu cá Việt Nam. Tuy nhiên cho đến nay, phía Thái Lan vẫn chưa có thông tin về việc điều tra những cáo buộc này. - RFA

No comments:

Post a Comment