Friday, March 4, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Sáu 4/3

Tin Thế Giới

1.
Mỹ điều động nhóm tàu sân bay tấn công Stennis vào Biển Đông

Trong một động thái được cho là nhằm mục tiêu phô trương lực lượng, Mỹ đã phái một tiểu hạm đội tàu sân bay vào vùng Biển Đông đang có tranh chấp giữa Trung Quốc và các láng giềng. Tuy nhiên, một phát ngôn viên Hạm Đội 7 của Hải Quân Mỹ cho rằng đó chỉ là một hoạt động bình thường của Hoa Kỳ tại khu vực Tây Thái Bình Dương.

Tiểu hạm đội tàu sân bay Mỹ bao gồm hàng không mẫu hạm John C. Stennis, hai khu trục hạm Stockdale và Chung-Hoon, hai tuần dương hạm Antietam và Mobile Bay cùng với soái hạm Blue Ridge của Hạm Đội 7. Theo báo chí Mỹ, đội tàu đã bắt đầu hoạt động tại Biển Đông từ hơn 24 tiếng đồng hồ vừa qua.

Giới phân tích: Phô trương sức mạnh

Theo các nhà quan sát, vào lúc tình hình Biển Đông căng thẳng hẳn lên do các hành động triển khai vũ khí và xây dựng cơ sở có mục tiêu quân sự của Trung Quốc ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, việc Mỹ phái một nhóm tàu sân bay tấn công hùng hậu đến Biển Đông là một động thái thị uy nhắm vào Trung Quốc đồng thời trấn an các nước trong khu vực.

Trả lời nhật báo Mỹ USA Today, ông Jerry Hendrix, cựu sĩ quan Hải Quân Mỹ, hiện là chuyên gia phân tích tại Trung Tâm An Ninh Mới (Center for a New American Security) tại Washington, đã nhận định : « Rõ ràng là Hải quân và (Bộ Quốc phòng) muốn cho thấy quyết tâm của Mỹ trong thực hiện đầy đủ cam kết hiện diện và bảo vệ quyền tự do hàng hải trong trong khu vực ».

Đối với chuyên gia này : « Với một nhóm tàu sân bay tác chiến hoàn chỉnh, kèm theo là soái hạm của hạm đội, Hải Quân Mỹ đang cho thấy lợi ích của mình trải rộng đến đâu, và năng lực triển khai sức mạnh của mình trên toàn thế giới".

Hải Quân Mỹ : Hoạt động bình thường

Về phần mình, Hải Quân Mỹ khẳng định rằng việc tiểu hạm đội tàu sân bay Stennis đến Biển Đông là một hoạt động bình thường.

Trong một tuyên bố chính thức, phát ngôn viên Hạm Đội 7, trung tá Clay Doss khẳng định : « Từ nhiều thập niên qua, chiến hạm và phi cơ Mỹ vẫn thường xuyên hoạt động trên toàn bộ khu vực Tây Thái Bình Dương – trong đó có cả Biển Đông… Chỉ tính riêng năm 2015, tàu của Hạm Đội Thái Bình Dương đã có khoảng 700 lượt hoạt động tại Biển Đông".

Gần đây, Hoa Kỳ đã liên tiếp tố cáo Trung Quốc tăng tốc độ quân sự hóa Biển Đông, triển khai tên lửa địa đối không HQ-9 và máy bay tiêm kích trên đảo Phú Lâm (Hoàng Sa), xây dựng sân bay và đài radar tần số cao trên một số đảo nhân tạo vừa bối đắp tại Trường Sa.

Đối với đô đốc Harry Harris, tư lệnh lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương, các hành động đó của Trung Quốc sẽ không tránh khỏi « hậu quả ». Việc Mỹ đưa tiểu hạm đội tàu sân bay đến Biển Đông có thể được xem là hệ quả của việc Trung Quốc quân sự hóa Hoàng Sa và Trường Sa. Khả năng Hải Quân ba nước Mỹ-Ấn-Nhật cùng tập trận tại miền Bắc Philippines, gần Biển Đông cũng có thể được xem là phản ứng trước thái độ hung hăng của Bắc Kinh. - RFI
|
|

2.
Chính trị gia Malaysia hợp sức phế truất thủ tướng tham nhũng

Nhiều lãnh đạo chính trị Malaysia, từ trong đảng cầm quyền cho đến đối lập trên cả nước đã liên kết với nhau để tìm cách truất phế thủ tướng Najib Razak, đang bị tai tiếng tham nhũng nghiêm trọng. Trong một thông cáo chung đưa ra vào ngày 04/03/2016, các lãnh đạo này kêu gọi thành lập phong trào rộng lớn để yêu cầu ông Najib từ chức.

Khủng hoảng chính trị do hồ sơ tham nhũng liên lụy đến thủ tướng Malaysia như thế đã trở nên vô cùng nghiêm trọng đối với ông Najib. Thông cáo chung có chữ ký của nhiều nhân vật rất nặng ký trong đảng cầm quyền, phe đối lập và những hiệp hội dân sự hàng đầu ở Malaysia, kêu gọi « tất cả những người Malaysia, bất kể gốc gác, tôn giáo, chính trị, tuổi tác, hợp sức cùng với chúng tôi để cứu vãn Malaysia khỏi chính phủ do ông Najib lãnh đạo".

Liên minh chống Najib này tập hợp nhiều gương mặt từng là đối thủ trước đây, và do một nhân vật hàng đầu Malaysia, cựu thủ tướng Mahathir Mohamad, chủ xướng. Ông đã nhiều lần kêu gọi phế bỏ đương kim thủ tướng vì lý do tham nhũng và điều hành công việc một cách tồi tệ.

Ông Mahathir giải thích cuộc tập hợp của các lãnh đạo có những xu hướng khác nhau, nhưng cùng một mục tiêu : truất phế ông Najib với tư cách thủ tướng.

Lời kêu gọi đưa ra ngày 04/03 là thách thức rất lớn mà ông Najib phải đối phó.

Từ một năm qua, thủ tướng Malayssia bị dính vào tai tiếng tham nhũng : hàng tỷ đô la bị cho là đánh cắp từ một công ty nhà nước mà ông đã thành lập, và bản thân ông cũng đã công nhận là đã nhận 681 triệu đô la tiền "được tặng".

Trong lúc vang lên những lời kêu gọi từ chức, ông Najib đã phản công, dẹp bỏ các tiếng nói chỉ trích trong đảng cầm quyền, dẹp bỏ công cuộc điều tra, đóng cửa những cơ quan truyền thông đưa tin về sự vụ.

Các hành động này càng làm dấy lên lo ngại về các quyền và tự do ở Malaysia trong tương lai. - RFI
|
|

3.
Trung Quốc: Vị trí “hạt nhân” giúp Tập Cận Bình tập trung quyền lực

Tại kỳ họp toàn thể thường niên lần thứ 4 khoá 12 Hội Nghị Chính Hiệp Toàn Quốc khai mạc vào ngày 05/03/2016, có nhiều dấu hiệu đáng chú ý cho thấy ông Tập Cận Bình sẽ được nâng lên vị trí “hạt nhân” của thế hệ lãnh đạo hiện tại. Đây là địa vị tối cao thường được trao cho các nhà lãnh đạo trong quá khứ (như Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình), nhưng người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào lại không nhận được danh hiệu này.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có đủ mọi loại danh hiệu, từ chủ tịch Hội Đồng An Ninh Quốc Gia đến tên gọi thân mật “Bác Tập”. Hãng tin AP ngày 02/03/2016 nhận định, trên suốt chặng đường, chủ tịch Tập Cận Bình đã biết tận dụng mọi phương tiện truyền thông Nhà nước để truyền tải quan điểm riêng về một số chủ đề dường như phi chính trị như kiến trúc hiện đại và văn hoá của người nổi tiếng.

Đây không phải là cách làm của các nguyên thủ quốc gia, nhưng tại Trung Quốc thì ngược lại, các danh hiệu và ý kiến như vậy lại có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Trong trường hợp của ông Tập Cận Bình, những ý kiến nhận định riêng thường được trực tiếp biến thành đường lối của chính phủ Trung Quốc do độc đảng lãnh đạo. Điều này cũng nhấn mạnh tới trọng lượng của ông Tập, từ ba năm nay liên tục kiêm nhiều chức vụ khác nhau và có vẻ như không dừng ở đó.

Thuật ngữ "hạt nhân" chỉ vị trí tối cao trong đảng Cộng sản Trung Quốc được thay đổi nhiều lần. Mao Trạch Đông thường được gọi là “người cầm lái vĩ đại”. Khái niệm “hạt nhân” được Đặng Tiểu Bình sử dụng để dựng Giang Trạch Dân (được ông Đặng cất nhắc khỏi Thượng Hải) làm người kế nhiệm, sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989. Sau khi trở thành chủ tịch Trung Quốc, ông Giang Trạch Dân trở thành “hạt nhân” của thế hệ lãnh đạo thứ ba.

Dù chỉ mang tính biểu tượng, nhưng động thái này, một mặt, muốn nhấn mạnh tới quyền lực áp đảo của ông Tập trong nội bộ đảng Cộng Sản cầm quyền. Mặt khác, nó cũng phản ánh nhu cầu tiếp tục tích lũy danh hiệu của người đứng đầu Nhà nước Trung Quốc để tránh mọi mối đe dọa và rủi ro tiềm tàng, đồng thời đánh lạc hướng những quan ngại trước nền kinh tế đang bị chững lại.

Nhà chính trị học Joseph Chen, từng làm giảng dạy tại đại học Hồng Kông, nhận định : « Ông Tập Cận Bình muốn trở thành nhà lãnh đạo trội hơn hẳn, chứ không phải là “nhân vật số một” trong số những người từng giữ cùng chức vụ. Tuy nhiên, ông Tập Cận Bình sẽ vấp phải xu thế tự nhiên là, trong xã hội hiện đại, rất khó tập trung được hết quyền lực vào tay một người duy nhất ».

Được gọi là “hạt nhân” lãnh đạo sẽ nâng vị thế của chủ tịch Tập Cận Bình ngang với cựu chủ tịch Giang Trạch Dân, người vẫn duy trì được ảnh hưởng từ năm 2003. Thậm chí là ngang với nhà lãnh đạo cải cách nổi tiếng Đặng Tiểu Bình, mà chủ tịch Tập thường được so sánh về quyền lực cá nhân.

Đạt tới vị trí “hạt nhân” cũng là thành công của chủ tịch Trung Quốc trong việc từng bước triệt hạ mạng lưới đối thủ tiềm ẩn thuộc phe của một cựu ủy viên Ban Thường Vụ Bộ Chính Trị Trung Ương đầy quyền lực, nguyên bộ trưởng Công An Chu Vĩnh Khang. Ông cũng gạt bên lề các thành viên Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Trung Quốc theo phe của người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào, mà người đáng chú ý nhất là thủ tướng Lý Khắc Cường. Từ đó, ông Tập Cận Bình thâu tóm thêm quyền kiểm soát trong lĩnh vực kinh tế.

Chiến dịch vận động để trở thành “hạt nhân”

Trong phiên họp trù bị ngày 03/02/2016, ông Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo), bí thư đảng Cộng Sản tại vùng Tây Tạng, tuyên bố : "Kiên quyết bảo vệ, ủng hộ và trung thành với vai trò hạt nhân của tổng bí thư Tập Cận Bình", danh hiệu chính thức của người đứng đầu đảng Cộng Sản Trung Quốc. Đây cũng là lời phát biểu của bí thư các tỉnh Hắc Long Giang, Giang Tô, Hồ Nam và Giang Tây.

Những lời phát biểu trên sẽ được viết thành những lời tuyên bố chính thức, được phát trong bản tin thời sự của truyền hình Nhà nước, hay thậm chí trên biểu ngữ treo trong sảnh của Đại Lễ Đường Nhân Dân ở Bắc Kinh, nơi sẽ diễn ra Hội Nghị Chính Hiệp Toàn Quốc vào thứ Bẩy 05/03.

Học thuyết chính trị mới của chủ tịch Tập Cận Bình cũng được “ngóng đợi”, đặc biệt là bản kế hoạch “Bốn toàn diện - Tứ toàn” cho tương lai của Trung Quốc, dựa trên các hướng chủ đạo : một xã hội phồn thịnh, cải cách, pháp quyền và kỷ luật Đảng nghiêm ngặt.

Ngoài những điều trên, còn phải kể tới sự tôn sùng cá nhân đối với nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc. Hiện tượng này chưa bao giờ hiện rõ như bây giờ, kể từ thời hoàng kim của Đặng Tiểu Bình trong thập niên 1980. Hình ảnh khuôn mặt chủ tịch Tập Cận Bình xuất hiện đầy rẫy tại các cửa hàng đồ lưu niệm trên quảng trường Thiên An Môn, từ bưu thiếp tới đồ lưu niệm hay đồ nữ trang giành cho du khách. Ít nhất có 5 tuyển tập diễn văn và các bài viết của chủ tịch Tập được xuất bản từ khi ông nhậm chức, trong đó có hai cuốn chuyên về lĩnh vực quân sự.

Tương tự, chủ tịch Tập Cận Bình cũng chi phối mọi sự kiện quốc gia quan trọng. Các cơ quan truyền thông, đều nằm dưới quyền kiểm duyệt của Nhà nước, thường thân mật nhắc tới một “Xi dada” (bác Tập), nhằm mục đích coi ông như một người chú/bác, bình dị như một thường dân.

Tại lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế Chiến Thứ Hai vào tháng 09/2015, chủ tịch Tập Cận Bình xuất hiện trên truyền hình như một “người anh cả”. Trên màn hình TV khổng lồ dựng ngoài trời, hình ảnh người đứng đầu Nhà nước trên khán đài Thiên An Môn được chiếu song song với hình ảnh đoàn xe thiết giáp hùng hậu. Các bản tin thời sự buổi tối thường kéo dài 30 phút của đài truyền hình trung ương cũng thường dành tới 20 phút đầu để nói về những chuyến công du của chủ tịch Tập.

Ông Tập Cận Bình còn tự tin vào tầm ảnh hưởng của mình tại chính phủ và đối với quần chúng đến mức ông yêu cầu các cầu thủ bóng đá Trung Quốc, thường bị đánh giá chưa đạt được hiệu quả tốt, phải vực dậy. Ông cũng chỉ trích những toà nhà cao tầng hiện đại “kỳ lạ” mọc lên tại Bắc Kinh và những khu vực khác.

Ngay sau đó, hệ thống quản lý bóng đá quốc gia đã được cải tổ từ trung ương tới địa phương. Nhiều hướng dẫn mới được ban hành để ngăn chặn việc xây dựng những toà nhà cao tầng có hình thù “kỳ quái” hay “kệch cỡm” và khuyến khích những toà nhà hiệu quả, xanh và đẹp.

Ông Tập Cận Bình cũng nhắc nhở giới văn nghệ sĩ Trung Quốc trong một bài diễn văn hồi tháng 10/2015, khuyến cáo họ đừng mải chạy theo lợi nhuận kinh tế mà lơ là việc « truyền cảm hứng đạo đức phục vụ nhân dân và xã hội chủ nghĩa ». Cũng ngay sau đó, hàng chục cơ quan truyền thông Nhà nước và các đơn vị giải trí đã ký một bản cam kết tôn trọng đạo đức nghề nghiệp và ủng hộ đường lối lãnh đạo của đảng.

Ông Tập cũng nhanh chóng tranh thủ quyền lực của mình để “đảm trách” các ủy ban giám sát chính sách quan trọng và tiến hành chiến dịch chống tham nhũng trên quy mô toàn quốc. Gần 1.500 cán bộ bị nghi ngờ tham nhũng, trong đó có 150 người giữ chức vụ cao. Dù công luận đánh giá cao chiến dịch “đả hổ diệt ruồi”, nhưng việc truy bắt quan tham cũng làm lay chuyển bộ máy công chức và chiến dịch bị đánh giá là cơ hội để loại trừ những đối thủ của ông Tập Cận Bình.

"Liệu ông Tập Cận Bình có thể tập trung hết quyền lực trong tay hay không? Chỉ thời gian mới có thể trả lời được », theo nhận định của ông Steve Tsant, thuộc Học Viện Chính Trị Trung Quốc, đại học Nottingham (Anh). Tuy nhiên, giảng viên đại học này khẳng định ông Tập quyết tâm “để lại dấu ấn” riêng, không như một số người tiền nhiệm thiếu toả sáng.

Vị trí tối cao “hạt nhân” vừa khẳng định sức mạnh, vừa thể hiện điểm yếu

Mong muốn đạt tới vị trí tối cao của ông Tập Cận Bình cũng có thể được hiểu là người đứng đầu Trung Quốc muốn hạn chế nguy cơ đối mặt với mọi lời chỉ trích.

Thực tế cho thấy dưới thời chủ tịch Tập Cận Bình, tăng trưởng cho năm 2016 của nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới bị hạn chế dưới ngưỡng 7%. Điều này sẽ gây thêm sức ép cho thị trường lao động hiện đang có tới 7,65 triệu sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp và 1,8 triệu lao động trong ngành than và ngành luyện thép - hai lĩnh vực đang bị đe doạ nghiêm trọng.

Ngoài ra, còn phải kể tới lượng hàng xuất khẩu của Trung Quốc cũng sẽ giảm mạnh, như vậy, có thể sẽ gây thêm bất ổn bên trong, trong khi đó hàng năm chính phủ đã phải chi vài tỉ đô la để bình ổn.

Tiếp theo là thị trường chứng khoán trồi sụt bất thường và chính sách phá giá đồng nhân dân tệ không được quản lý tốt đã gây tiếng xấu cho Trung Quốc trong lĩnh vực quản lý kinh tế. Bên cạnh đó, việc chính phủ cho trấn áp, bắt giữ các luật sư, các nhà đấu tranh bảo vệ quyền phụ nữ hay nhiều nhóm xã hội dân sự khác càng thể hiện rõ sự bất ổn sâu sắc trong nội bộ bộ máy anh ninh của đảng.

Về mặt đối ngoại, cũng vào thời điểm này, yêu sách chủ quyền trên hầu hết khu vực Biển Đông ngày càng hung hăng của chủ tịch Tập Cận Bình cũng tác động xấu tới mối quan hệ mà Trung Quốc từng nỗ lực thiết lập với Hoa Kỳ và các quốc gia Đông Nam Á. Trong lĩnh vực này, chủ tịch Trung Quốc cần sự hợp tác của quân đội. Ông công bố kế hoạch cải tổ sâu rộng quân đội để tăng khả năng phối hợp tác chiến, đồng thời cắt giảm quân nhân nhằm tinh giản và chuyên nghiệp hoá hơn nữa lực lượng này. Khoảng 300.000 quân nhân sẽ bị cắt giảm từ năm 2017.   

Theo nhận định của bà Elizabeth Economy, giám đốc nghiên cứu về châu Á tại Hội Đồng Quan Hệ Đối Ngoại (New York), việc thêm danh hiệu “hạt nhân” vào “bộ sưu tập” của chủ tịch Tập Cận Bình đơn giản chỉ là « đóng thêm một chiếc đinh vào quan tài “tinh thần lãnh đạo tập thể” »được áp dụng từ khi nhà lãnh đạo độc tài Mao Trạch Đông mất vào năm 1976. Nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đã chung tay với các đồng chí cách mạng lão thành để đưa đất nước thoát khỏi cơn ác mộng đối xử phân biệt trong suốt một thập kỷ Cách Mạng Văn Hoá (1966-1976).

Vẫn theo bà Elizabeth Economy, thêm danh hiệu “hạt nhân” vừa là dấu hiệu thể hiện sức mạnh, vừa là dấu hiệu thể hiện điểm yếu, dự báo sự phản ứng dữ dội tiềm tàng trong tương lai, trừ trường hợp chủ tịch Tập Cận Bình có thể thành công trong lĩnh vực kinh tế và các vấn đề xã hội.

"Điểm mạnh là vì ông Tập Cận Bình biết điều hành đất nước, dù là ngưỡng mộ hay sợ hãi, để thu hút được sự ủng hộ giúp ông Tập giữ vai trò nhân vật số 1 thật sự trong số những người có cùng chức vụ như ông.

Điểm yếu là vì ông Tập cảm thấy cần phải có thêm quyền lực và ngày càng áp dụng các biện pháp đàn áp chính trị. Một nhà lãnh đạo thật sự đầy tự tin và chính đáng sẽ không cần tới những biện pháp này". - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Ông Trump là mục tiêu tấn công chính trong cuộc tranh luận của đảng Cộng Hòa

Cuộc chạy đua để được đảng Cộng Hòa đề cử ra tranh chức tổng thống dường như đã đắm chìm vào một cuộc trả thù với người dẫn đầu là ông Donald Trump bị nhắm làm mục tiêu chính.  

Trong cuộc tranh luận tối 3/3, các đối thủ của ông Trump đã luân phiên nhau tấn công doanh gia từ New York, người dường như đang thẳng tiến đến chỗ được đảng đề cử.

Thượng nghị sĩ Marco Rubio hứa sẽ bàn về các vấn đề, nhưng đã nhiều lúc để mình bị lấn át bởi ý muốn mở một cuộc khẩu chiến gay gắt với ông Trump. 

Ông Rubio nói: “Trong tất cả những người trên sân khấu này thì ông Trump là người có thành tích yếu nhất để chống lại bà Hillary Clinton”.

Ông Trump cãi: "Sai rồi, tôi đã đánh bại bà Clinton trong nhiều cuộc thăm dò".

Khi ông Rubio phản bác là “ông sẽ thua” thì ông Trump nhắc lại là “đã đánh bại bà Clinton trong nhiều cuộc thăm dò và ông Rubio nói “Bà ta sẽ đè bẹp ông”.

Người điều hợp chương trình tranh luận đã phải can ngăn và nhắc nhở hai ông rằng khán giả không thể hiểu được gì nếu cứ cướp lời nhau như thế.

Cuộc tranh luận tổ chức ở thành phố Detroit miền bắc còn đầy những lời lẽ nhục mạ cá nhân hơn, nhưng một trong những lúc gây bối rối nhất là khi ông Trump khoe khoang về khả năng tính dục của ông, xúc phạm ông Rubio, người mới đây đã chế giễu bàn tay nhỏ của ông Trump. Ông Trump nói tiếp:

“Tôi cũng đã gọi ông ta là một võ sĩ hạng lông. Và tôi đã nói như thế. Vậy tôi xin rút lời đó lại. Thực ra ông ta không phải thuộc loại hạng lông đâu. Tôi phải nói rằng ông ta đã đập vào bàn tay tôi. Chưa hề có ai đập vào tay tôi bao giờ. Tôi chưa nghe ai nói thế cả, hãy nhìn vào những bàn tay kia kìa. Có phải là nhỏ hay không? Vậy mà ông ta lại đề cập đến bàn tay tôi, và nói là nếu tay nhỏ thì cái gì khác chắc cũng phải nhỏ. Tôi bảo đảm với quý vị rằng không có vấn đề gì. Tôi bảo đảm”.

Thượng nghị sĩ Ted Cruz tìm cách đứng ngoài cuộc cãi vã, nhưng ông đã công kích ông Trump, chế giễu khẩu hiệu vận động của ông ta nói rằng ông ta “sẽ làm nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Ông Cruz nói:

“Tôi không cho rằng dân chúng nước Mỹ muốn thấy một đám học trò cãi vã nhau. Họ muốn có những giải pháp, chứ không phải những khẩu hiệu. Nói làm cho mọi sự khá hơn, vĩ đại hơn thì dễ. Ta còn có thể in ra và dán lên những chiếc mũ bóng chày. Nhưng vấn đề là, đầu tiên quý vị có hiểu được các nguyên tắc đã làm cho nước Mỹ vĩ đại hay không?”

Là đối thủ về sát ông Trump trong các cuộc chạy đua, ông Cruz đang tìm cách thuyết phục cử tri rằng ông là lựa chọn thay thế cho doanh gia tỷ phú này.

Nhưng thống đốc bang Ohio John Kasich đã trình bày lý lẽ để chứng tỏ ông mới là ứng viên xứng đáng để đối đầu với đảng Dân Chủ vào tháng 11.

“Tôi có thể lấy được những lá phiếu của những cử tri còn lưỡng lự, như quý vị thấy, bởi vì trong suốt cuộc vận động này, tôi đã nói về những vấn đề. Tôi chưa hề tìm cách tham gia những cuộc đấu đá hỗn tạp trên sân khấu, và mọi người nói bất cứ tôi đến đâu, thì dường như tôi cũng là người trưởng thành trên sân khấu”.

Nhưng ông Kasich chưa thắng được một cuộc chạy đua nào, và việc ông tiếp tục cuộc vận động của ông có thể tùy thuộc vào việc liệu ông có thắng được cuộc bầu sơ bộ ở ngay bang nhà Ohio của ông vào ngày 15 tháng 3 hay không.

Nhiều nhà lập pháp và các nhân vật hàng đầu của đảng Cộng Hòa đã nói họ sẽ không bao giờ ủng hộ ông Trump, ngay cả nếu ông là người được đề cử, trong khi những người khác đã bắt đầu quy tụ đằng sau ông.

Ông Trump là ứng viên duy nhất của đảng Cộng Hòa đang được đà thắng số 1.237 phiếu đại biểu cần thiết để được đề cử. - VOA
|
|

5.
Các tập đoàn công nghệ Mỹ ủng hộ Apple đối đầu với yêu cầu của FBI

Nhiều đại công ty công nghệ Mỹ giờ đang ủng hộ công ty Apple trong việc bác bỏ yêu cầu của Cơ quan Điều tra Liên Bang Hoa Kỳ (FBI), đòi Apple phải tạo ra một phần mềm để mở khoá chiếc iPhone do một nghi can giết người hàng loạt sử dụng.

Google, Facebook, Microsoft và Yahoo đã nạp một hồ sơ pháp lý chung hôm thứ Năm để hậu thuẫn công ty Apple.

FBI muốn Apple phải soạn một phần mềm mới để giúp tháo khóa chiếc iPhone được Syed Farook sử dụng. Farook là một trong những kẻ nổ súng đã giết chết 14 người ở San Bernardino, bang California, hồi tháng 12 năm ngoái.

Apple từ khước yêu cầu của FBI, nói rằng tạo ra một “cửa sau” có thể gây nguy cơ cho một loạt thiết bị, đồng thời gây ra những lo ngại về quyền riêng tư.

Hôm thứ Năm, 6 thân nhân của các nạn nhân trong cuộc tấn công ở San Bernardino đã nạp hồ sơ riêng của họ để ủng hộ Bộ Tư pháp Mỹ. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

6.
Việt Nam: Giới tự ứng cử vào Quốc Hội thách thức chế độ

Vào tháng 05/2016, Việt Nam sẽ bầu lại Quốc Hội. Theo nhận định của hãng tin Anh Reuters trong một bài phân tích công bố vào ngày 04/03, chính quyền Cộng Sản Việt Nam lần này sẽ bị một số nhà bất đồng chính kiến thách thức bằng cách nộp đơn tự ứng cử vào Quốc Hội, không theo thủ tục từng được áp đặt là phải được Đảng hay các tổ chức do Đảng kiểm soát đề cử.

Reuters ghi nhận đã có 19 nhà bất đồng chính kiến đang tìm cách tự ứng cử vào Quốc Hội mới trong tư cách ứng viên độc lập, sẵn sàng trắc nghiệm bằng hành động thực tế xem đảng Cộng Sản Việt Nam có thực sự giữ lời hứa là củng cố dân chủ hay không.

Tiêu biểu trong nhóm "tự ứng viên" này là ông Nguyễn Quang A, một nhân vật cho đến nay được biết đến là một người thường xuyên có tiếng nói phê phán chính quyền. Đối với Reuters, ông không phải là đảng viên, cũng không phải là loại ứng viên mà đảng cầm quyền muốn có trong cơ quan lập pháp, mà nhiệm vụ chủ yếu là chuẩn y các quyết định của chính phủ.

Trong những ngày gần đây, ông Quang A đang nghiêm túc thực hiện các bước cần thiết để có thể ra ứng cử chức đại biểu Quốc Hội, từ việc công khai tài sản, tìm kiếm chữ ký ủng hộ của cử tri, cho đến việc tự vận động bằng một đoạn video lưu hành trên mạng internet.

Trong một bài trả lời phỏng vấn, ông Quang A xác định : « Họ nói với chúng tôi là chúng tôi có quyền ứng cử và nói chế độ hiện nay rất dân chủ… Hãy chờ xem họ biến lời nói thành hiện thực."

Và như để tăng thêm phần thách thức, theo hãng Reuters, ông Quang A đang chờ lãnh đạo đảng Nguyễn Phú Trọng có ra tái cử vào Quốc Hội hay không, để ông có thể đối mặt với vị tổng bí thư trong cùng một đơn vị bầu cử.

Theo hãng Reuters, cho phép các ứng viên độc lập ra tranh chức đại biểu Quốc Hội sẽ giúp đảng Cộng Sản cải thiện thêm hình ảnh của mình, vì trong thời gian 40 năm độc quyền lãnh đạo toàn thể nước Việt Nam vừa qua, đảng đã bị mang tiếng xa rời quần chúng, đặc biệt trong số một nửa cư dân ở độ tuổi dưới 30.

Có điều là với cả một hệ thống rà soát nghiêm ngặt, và các biện pháp kiểm tra do đảng thực hiện, các ứng viên độc lập rất khó mà thành công.

Đây cũng là ý kiến của một nhà phân tích chính trị, ông Lê Hồng Hiệp tại Singapore, cho rằng thậm chí các ứng viên độc lập này còn bị loại ngay khi nộp đơn xin ứng cử.

Trả lời Reuters, ông Hiệp giải thích : « Đảng (Cộng Sản Việt Nam) muốn có một số tiếng nói phê phán trong Quốc Hội, nhưng không phải là đến từ những người mà họ không thể kiểm soát được hoặc những người có thể gây ra những phiền hà chính trị ».

Đại đa số các đại biểu Quốc hội Việt Nam đều là đảng viên, do đó phải tuân thủ ký luật của đảng một cách chặt chẽ. Lần này, chính quyền Việt Nam dự trù là khoảng từ 5 đến 10% số ghế đại biểu được dành cho những người ngoài đảng.

Tuy nhiên, các đại biểu không phải là đảng viên, từ trước đến nay, thường do các tổ chức hay cơ quan Nhà nước đề cử, cho dù trong Quốc Hội sắp mãn nhiệm, cũng có 4 đại biểu đã tự ứng cử.

Quốc Hội và ủy ban bầu cử đã không trả lời câu hỏi của Reuters về cơ hội cho các ứng viên tự đề cử. - RFI
|
|

7.
Việt Nam đứng thứ 12 ở châu Á, 97 trên thế giới về tốc độ Internet

Theo một nghiên cứu của hãng Akamai Technologies, được báo chí Ấn Độ trích lại hôm 2/3, Việt Nam có tốc độ Internet trung bình đứng hạng thứ 12 châu Á, trong khi Ấn Độ có tốc độ thấp nhất, đứng thứ 15. Có tốc độ Internet cao nhất châu Á là Nam Triều Tiên, Hồng Kông và Nhật Bản. Nam Triều tiên cũng giữ vị trí số 1 thế giới về tốc độ; trong khi Việt Nam có vị trí 97, đứng trên 3 nước châu Á khác là Indonesia, Philippines và Ấn Độ. Trung Quốc đứng ngay trên Việt Nam và giữ vị trí 91 trên thế giới.

Hãng Akamai, chuyên về mạng chuyển tải nội dung có trụ sở ở Massachusetts, Mỹ, ghi nhận rằng vào quý 3/2015, tốc độ trung bình của Việt Nam là 3,4 Megabit trên giây (Mbps), cao hơn Ấn Độ (2,5Mbps).

Theo định nghĩa của Akamai, đường truyền internet băng thông rộng phải có tốc độ trên 4Mbps. Tính đến quý 3/2015, 31% đường truyền của Việt Nam đạt tốc độ kể trên, trong khi Trung Quốc có 33%, Philippine chỉ có 10% và Ấn Độ là 14%.

Về đường truyền tốc độ cao, trên 10Mbps, Việt Nam mới đạt tỷ lệ 0,6%, đứng vị trí 71 trên thế giới trong bảng xếp hạng về tiêu chí này. Trong khi đó, nước đứng thứ nhất là Hàn Quốc với 68%. Trung Quốc đứng trên Việt Nam 2 bậc, với tỷ lệ 2,1%. - VOA

No comments:

Post a Comment