Tin Thế Giới
1.
Tư lệnh Hạm đội 7: Trung Quốc phải công khai ý đồ quân sự ở Biển Đông --- Tàu chiến Nhật ‘sẽ tới căn cứ Cam Ranh’
"Trung Quốc nên nói rõ ý đồ của các công trình xây đắp đảo nhân tạo và việc triển khai phi đạn ra các vùng có tranh chấp ở Biển Đông để giúp tình hình ổ định hơn", theo đề nghị của quan chức hải quân hàng đầu của Hoa Kỳ.
Phát biểu trên tàu USS Blue Ridge từ Philippines hôm 7/3, Tư lệnh hạm đội 7 Hải quân Mỹ - Phó Đô đốc Joseph Aucoin, kêu gọi Bắc Kinh chấm dứt các hoạt động làm tăng thêm bức xúc trong khu vực, khiến leo thang căng thẳng, và cần phải minh bạch hơn những mục tiêu đề ra.
Đô đốc Aucoin nhấn mạnh tất cả các nước có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông cần bắt tay nỗ lực cùng nhau và việc đầu tiên cần làm là phải ngưng cải tạo đất đai nhằm thay đổi nguyên trạng các khu vực có tranh chấp.
Tư lệnh hạm đội 7 cũng hoan nghênh việc chính phủ Philippines đưa bản đồ đường lưỡi bò của Bắc Kinh ra nhờ tòa trọng tài Liên hiệp quốc phân xử.
Ông Aucoin cũng cho biết thêm là từ đây đến cuối năm, hải quân Mỹ dự định ghé thăm Trung Quốc và mở cuộc đối thoại với những người đồng nhiệm phía Bắc Kinh nhằm giải tỏa căng thẳng trong lúc các tàu chiến Hoa Kỳ vẫn cương quyết thực hiện các cuộc tuần tra vì tự do hàng hải, bảo vệ an ninh-ổn định khu vực. - VOA
***
Hai chiến hạm của Nhật Bản sẽ cập bến vùng vịnh Cam Ranh chiến lược của Việt Nam sau khi tháp tùng một tàu ngầm tới Philippines.
Đây được coi là hành động thể hiện sự hậu thuẫn của Tokyo đối với các quốc gia phản đối mưu toan xâm chiếm biển Đông của Trung Quốc.
Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức nắm thông tin về chuyến thăm này cho hay, tàu ngầm Nhật Bản, vốn được sử dụng cho huấn luyện, và các tàu khu trục sẽ tới Philippines vào tháng Tư.
Hai tàu chiến tháp tùng tàu ngầm này sau đó sẽ tới Vịnh Cam Ranh.
Nguồn tin giấu tên cho biết: “Chuyến thăm sẽ phát đi một thông điệp. Điều quan trọng là Tokyo phải chứng tỏ sự hiện diện của mình”.
Một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nhật Bản từ chối bình luận về chuyến thăm của tàu ngầm Nhật, nhưng nói thêm rằng quân đội nước này thường tổ chức các chuyến đi tập huấn vào tháng Ba và tháng Tư.
Người phát ngôn này nói: “Chúng tôi vẫn đang trong giai đoạn lập kế hoạch nên không thể cung cấp thêm các chi tiết”.
Báo chí Nhật, trong đó có tờ Sankei, là cơ quan báo chí đưa tin này đầu tiên hôm qua.
Khi được hỏi về chuyến thăm của tàu chiến Nhật, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói rằng Nhật Bản chiếm đóng quần đảo Trường Sa ở biển Đông trong Thế Chiến II nên Trung Quốc luôn ở trong tình trạng “cảnh giác cao” đối với bất kỳ hành động quân sự nào của Nhật tại đó.
Việt Nam và Philippines được cho là hai quốc gia lên tiếng phản đối hành động của Trung Quốc mạnh mẽ nhất.
Một phát ngôn viên quân đội Philippines cho biết quân đội nước này chưa nhận được bất kỳ thông báo chính thức nào về chuyến thăm của tàu ngầm Nhật, dù từng có kỳ vọng về một chuyến thăm như vậy tới Vịnh Subic.
Thay vì đối đầu trực diện với Trung Quốc ở biển Đông, Nhật Bản tìm cách tăng cường khả năng trinh sát cho các quốc gia tranh chấp với Trung Quốc ở vùng biển này.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản dự kiến sẽ tới Philippines vào tháng Tư để thảo luận về hợp tác giữa Tokyo và Manila.
Nhật Bản đã đề nghị cung cấp cho Philippines các máy bay tuần tra giúp tuần tra ở vùng biển tranh chấp.
Philippines cũng đã đề nghị Hoa Kỳ tham gia các cuộc tuần tra hải quân chung.
Tháng 11 năm ngoái, Nhật Bản và Việt Nam đã đồng ý tổ chức các cuộc tập trận chung đầu tiên. - VOA
|
|
2.
Bắc Triều Tiên dọa tấn công phủ đầu bằng vũ khí hạt nhân
Bắc Triều Tiên đe dọa tấn công phủ đầu bằng vũ khí hạt nhân trong lúc các lực lượng Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên bắt đầu cuộc tập trận chung lớn nhất từ trước đến nay. Thông tín viên Brian Padden của đài VOA tường thuật từ Seoul.
Cuộc tập trận chung hàng năm giữa Mỹ và Nam Triều Tiên thường làm gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên bị chia đôi, nhưng trong năm nay tình hình đặc biệt không ổn định vì những biện pháp chế tài mạnh mẽ mà Liên hiệp quốc mới áp đặt lên Bắc Triều Tiên sau vụ thử nghiệm hạt nhân và vụ phóng rốckết tầm xa hồi gần đây.
Tuần qua, Philippines đã hành động để thi hành những biện pháp chế tài mới khi họ giam một tàu chở hàng có liên hệ đến Bắc Triều Tiên.
Quyết tâm Chính và Tiểu Ưng
Những cuộc thao dượt có tên Quyết Tâm Chính và Tiểu Ưng năm nay có sự tham dự của 17.000 binh sĩ Mỹ, lớn gấp 4 lần con số của năm ngoái, cộng thêm 300.000 binh sĩ Nam Triều Tiên và nhiều máy bay và tàu chiến Mỹ, trong đó có tàu ngầm hạt nhân USS North Carolina và tàu sân bay hạt nhân USS John C. Stennis.
Uỷ ban Phòng vệ Quốc gia Bắc Triều Tiên ngày hôm nay lên án các cuộc tập trận và nói nước họ đang chuẩn bị cho điều họ gọi là “một cuộc chiến tranh thần thánh, công chính để tái thống nhất đất nước.”
Tuyên bố của Bắc Triều Tiên nói “Vì các cuộc tập trận chung do kẻ thù thực hiện được xem là bình phong của một cuộc tập trận hạt nhân, nhằm xâm phạm chủ quyền của Bắc Triều Tiên, phản ứng của quân đội sẽ là những cuộc tấn công hạt nhân có tính cách phủ đầu để đối phó với kẻ thù.”
Trong khi Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên tuyên bố cuộc tập trận hàng năm này là có tính cách phòng vệ, năm nay hai nước đồng minh sẽ thực tập các cuộc tấn công quân sự phủ đầu để tiêu diệt các mục tiêu của Bắc Triều Tiên.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nam Triều Tiên Moon Sang-kyun nói đe dọa tấn công phủ đầu bằng vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên là “không thể chấp nhận được”.
“Nếu Bắc Triều Tiên làm ngơ trước những cảnh báo của chúng tôi và khiêu khích, quân đội chúng tôi sẽ đáp ứng một cách mạnh mẽ và không khoan nhượng. Chúng tôi cảnh báo là Bắc Triều Tiên phải chịu trách nhiệm đối với mọi tình huống phát sinh từ những sự khiêu khích cẩu thả của họ.”
Không có đường dây nóng
Vụ thử nghiệm hạt nhân và vụ phóng rốckết mới đây của Bắc Triều Tiên đã gây nên những phản ứng trả đũa làm gia tăng khả năng bùng nổ chiến tranh giữa hai miền Triều Tiên.
Chính phủ Seoul đã đóng cửa Khu Công nghiệp Kaesong mà họ cùng điều hành với Bình Nhưỡng.
Bắc Triều Tiên sau đó trục xuất tất cả các nhân viên Nam Triều Tiên làm việc tại khu công nghiệp và cắt đường dây nóng dùng để tháo gỡ những tình hình quân sự nguy hiểm.
Vì các lực lượng Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên đang ở trong tình trạng báo động cao mà không có đường dây nóng hoạt động, bất cứ sự khiêu khích nào được cho là của Bắc Triều Tiên có thể dễ dàng leo thang.
Ông Daniel Pinkston, một nhà phân tích an ninh Đông Bắc Á thuộc trường đại học Troy ở Seoul, nói:
“Nếu Bắc Triều Tiên muốn thực hiện những hành động thù nghịch chống lại miền Nam và theo một cách thức giới hạn, tôi nghĩ là Bắc Triều Tiên có nhiều nguy cơ bị trả đũa.”
Chặn bắt tàu hàng
Philippines đã trở thành quốc gia đầu tiên thi hành các biện pháp chế tài mới của Liên hiệp quốc đối với Bắc Triều Tiên.
Ngày thứ Sáu tuần qua, Tuần Duyên Philippines chận bắt và lục soát tàu chở hàng trọng tải 4.355 tấn mang tên Jin Teng với thủy thủ đoàn gồm 21 người Bắc Triều Tiên.
Tàu này chở các phụ phẩm nông nghiệp dùng trong chăn nuôi gia súc.
Cuộc lục soát không phát hiện hàng hóa bất hợp pháp nào liên hệ đến việc buôn bán vũ khí hay chương trình hạt nhân bị cấm của Bắc Triều Tiên, mà chỉ có những vi phạm an toàn nhỏ nhặt.
Tuy nhiên chiếc Tin Jeng đã bị Liên hiệp quốc trừng phạt vì là một trong 31 tàu hàng của Công ty Quản lý Hàng hải Đại dương OMM có trụ sở tại Bình Nhưỡng vì có những liên hệ đến buôn bán vũ khí trong quá khứ.
Vào năm 2014, OMM bị Liên hiệp quốc cấm hoạt động sau khi một trong những tàu hàng của công ty này bị phát giác trong một cuộc kiểm tra tại Panama là chuyên chở những máy bay phản lực chiến đấu và những vũ khí khác từ Cuba.
Nhà cầm quyền Philippines quyết định giam chiếc tàu này và sẽ trục xuất thủy thủ đoàn và họ đã báo cáo với Liên hiệp quốc để phối hợp các hoạt động khác.
Ông Manuel L. Quezon III, một giới chức thông tin của Tổng thống Benigno Aquino nói với một đài phát thanh nhà nước ngày thứ Bảy rằng “với tư cách là một thành viên của Liên hiệp quốc, Philippines phải làm phần vụ của mình để thi hành những biện pháp chế tài.” - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
3.
Ted Cruz nổi lên như đối thủ chính thách thức Donald Trump --- Clinton, Sanders tranh luận tại thành phố gặp khủng hoảng nước --- Bà Clinton thua ông Sanders ở Maine
Cuộc đua tranh đề cử tổng thống của Đảng Cộng hòa có thể đang biến thành cuộc đua hai người giữa tỉ phú Donald Trump và Thượng nghị sĩ bang Texas Ted Cruz. Giành được phần lớn số đại biểu được phân bổ theo từng bang, ông Trump và ông Cruz đang làm lu mờ hai đối thủ khác: Thượng nghị sĩ bang Florida Marco Rubio và Thống đốc bang Ohio John Kasich.
Ông Rubio giành được một chiến thắng hôm Chủ nhật trong cuộc bỏ phiếu ở lãnh thổ Puerto Rico, chỉ là chiến thắng thứ hai của ông trong những cuộc bầu cử chọn ứng cử viên tổng thống năm 2016. Bây giờ dường như ông ta không đề ra mối đe dọa nào cho ông Cruz hoặc ông Trump.
Ông Cruz vượt ngoài mong đợi bằng việc giành chiến thắng trong các cuộc tranh đua ở Maine và Kansas hôm thứ Bảy, và theo sát ở vị trí thứ hai sau ứng cử viên dẫn đầu Donald Trump ở bang Louisiana và Kentucky.
"Tôi cảm thấy rất được khích lệ bởi vì nếu chúng ta tiếp tục đoàn kết, chúng ta sẽ giành được đề cử này," ông Cruz hân hoan phát biểu.
Ông Trump không bày tỏ thất vọng với kết quả.
"Tôi rất, rất hài lòng về kết quả này. Cảm ơn Louisiana và cảm ơn Kentucky," ông ta nói.
Trong khi ông Trump vẫn đang dẫn đầu về số đại biểu cần có để giành được đề cử của Đảng Cộng hòa, ông Cruz đã thu hẹp cách biệt bằng chiến thắng ở năm bang vào tuần trước.
Nếu như ông Cruz đang nổi lên như là một người thay thế chính yếu cho ông Trump về phía Đảng Cộng hòa, thì ứng cử viên đang dẫn đầu của Đảng Dân chủ, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, tiếp tục tiến bước về phía đề cử của đảng bà.
Bà Clinton đang vượt xa đối thủ duy nhất còn lại của bà, Thượng nghị sĩ bang Vermont Bernie Sanders, và đang ngày càng hướng những phát biểu của bà nhắm vào đối tượng là cử tri của cuộc tổng tuyển cử.
"Chúng ta hãy chung tay, chúng ta hãy vươn dậy, hãy cùng nhau tiến bước. Chúng ta hãy tạo nên sự khác biệt, hãy xây dựng ngày mai," bà Clinton hô hào tại một điểm dừng để vận động tranh cử hồi gần đây.
Bà Clinton đã chiến thắng hầu hết những cuộc bỏ phiếu sơ bộ tính đến nay tại những bang lớn hơn và có nhiều đại biểu. Nhưng ông Bernie Sanders khẳng định cuộc đua vẫn chưa kết thúc.
"Chúng tôi đã đi một chặng đường rất, rất dài, thu hẹp cách biệt trên toàn quốc với Ngoại trưởng Clinton," ông Sanders nói trên chương trình truyền hình This Week của đài ABC.
Nhưng cuộc đua bên Đảng Cộng mới thu hút nhiều sự chú ý hơn của giới truyền thông. Một số nhân vật kỳ cựu của đảng, như ứng viên Tổng thống Đảng Cộng hòa năm 2012 Mitt Romney, đã tha thiết kêu gọi cử tri không ủng hộ ông Trump.
"Đây là những gì tôi biết. Donald Trump là một tay lừa đảo, bịp bợm," ông Romney nói vào tuần trước.
Bà Clinton và Sanders sẽ tham gia một cuộc tranh luận vào tối Chủ nhật ở thành phố Flint, bang Michigan, nơi mà 100.000 cư dân của thành phố, đa phần là người đen và người nghèo khó, đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng nước độc hại mà giới chức cấp địa phương, bang và liên bang vẫn đang chật vật ứng phó từ nhiều tháng qua.
Ngày thứ Ba, hai bang Michigan và Mississippi sẽ tổ chức những cuộc bầu cử sơ bộ cho cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ, trong khi Đảng Cộng hòa tổ chức bầu cử sơ bộ ở bang Idaho và hội nghị đầu phiếu ở bang Hawaii. - VOA
***
Hai ứng cử viên cho đề cử tổng thống Mỹ của Đảng Dân chủ, Hillary Clinton và Bernie Sanders, giáp mặt một cuộc tranh luận chính trị nữa hôm Chủ nhật - diễn ra tại thành phố Flint, bang Michigan, nơi mà 100.000 cư dân, đa phần là người da đen và nhiều người nghèo khó, đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nước độc hại mà giới chức cấp địa phương, bang và liên bang vẫn đang chật vật ứng phó từ nhiều tháng nay.
Ông Sanders mở lời trong cuộc tranh luận do đài CNN tổ chức bằng cách nói rằng ông "tan nát cõi lòng" vì cảnh tượng những gia đình, bao gồm trẻ em, bị "đầu độc" bởi nguồn nước độc hại ở Flint. Ông gọi tình hình ở đây là một "nỗi ô nhục," và nói rằng nó cho thấy sự cần thiết phải tái thiết cơ sở hạ tầng đổ nát của nước Mỹ.
Bà Clinton kêu gọi chính phủ liên bang và bang rót thêm tiền vào Flint để sửa chữa hệ thống nước. Bà nói không có gì quan trọng hơn sức khỏe và phúc lợi của người dân Flint.
Cả hai ứng cử viên đều kêu gọi thống đốc Đảng Cộng hòa của bang Michigan, Rick Snyder, từ chức. Ông Snyder sau đó viết trên Twitter: "Mấy ngày nữa, những ứng cử viên chính trị sẽ rời khỏi Flint và Michigan. Còn tôi vẫn tận tâm tận lực vì người dân Flint."
Thống đốc đã lên tiến tạ lỗi với người dân Flint, những người đang chịu đựng mức chì cao trong nguồn cung cấp nước của họ suốt gần hai năm qua.
Ông Snyder cho biết những cơ quan môi trường của bang và liên bang đã không xác định được và giải quyết vấn đề này sau khi nó xuất hiện vào tháng 4 năm 2014, và rằng ông đã thay thế những quan chức bang bằng những người hiểu được mức độ nghiêm trọng của tình hình.
Cuộc khủng hoảng nước xuất hiện khi giới chức bang Michigan, quản lý công việc của thành phố gặp khó khăn về tài chính này, tìm cách tiết kiệm tiền bằng chuyển nguồn cung cấp nước vào tháng 4 năm 2014 từ Hồ Huron, thông qua hệ thống nước thành phố Detroit, qua Sông Flint chảy qua thành phố Flint. Thành phố này chuyển trở lại nguồn cung cấp nước của Detroit hồi tháng 10 năm ngoái khi quy mô của vụ khủng hoảng trở nên rõ ràng.
Về kinh tế, ông Sanders cáo buộc Clinton ủng hộ "những hiệp định thương mại thảm họa" như Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ và việc bình thường hóa quan hệ thương mại với Trung Quốc mà ông nói là làm mất công ăn việc làm.
Ông Sanders trả lời sau khi bà Clinton nêu lên một số cách để giúp đỡ những công việc trong ngành sản xuất. Bà cho biết cần phải có cả "củ cà rốt và cây gậy" để các nhà sản xuất đầu tư ở Mỹ.
Bà cũng nói Mỹ cần một kế hoạch toàn diện cho ngành sản xuất và cho việc cải thiện đường sá, cầu cống.
Hai ứng cử viên được hỏi họ sẽ làm gì để giải quyết vấn nạn xả súng hàng loạt ở Mỹ.
Cả hai người kêu gọi mở rộng và cải thiện kiểm tra lí lịch đối với người mua súng. Nhưng họ không đồng ý về việc liệu các nhà sản xuất súng có nên bị bắt chịu trách nhiệm hay không về những vụ nổ súng hàng loạt gây ra bởi những người sử dụng những khẩu súng đó.
Bà Clinton ủng hộ mức trách nhiệm như vậy, trong khi ông Sanders nói cách tiếp cận của bà ta có thể đồng nghĩa với việc "kết liễu ngành sản xuất súng ở Mỹ."
Hai ứng cử viên của Đảng Dân chủ đối mặt chỉ hai ngày trước cuộc bầu cử sơ bộ ở bang Michigan, tại thành phố vốn đã gặp nhiều khó khăn từ lâu trước khi người dân biết được nước uống của họ bị nhiễm độc chì.
Với việc bà Clinton tiếp tục nới rộng cách biệt dẫn đầu đáng kể của mình về số lượng đại biểu Dân chủ mà bà giành được, ông Sanders xem những cuộc bầu cử sơ bộ ở khu vực Trung Tây sắp tới là một cơ hội trọng yếu để làm chậm đà tiến của bà Clinton bằng cách làm nổi bật những chính sách thương mại của bà. Sau cuộc bỏ phiếu ở Michiganvào ngày thứ Ba, những cuộc bầu cử sơ bộ diễn ra vào ngày 15 tháng 3 bao gồm các bang Ohio, Illinois và Missouri. - VOA
***
Ông Bernie Sanders đã thắng áp đảo bà Hillary Clinton tại tiểu bang Maine, trong cuộc đua mới nhất để được đề cử làm ứng viên Đảng Dân chủ ra tranh cử tổng thống Mỹ.
Ông Sanders dẫn trước bà Clinton với tỷ lệ phiếu 64% - 36% sau khi 91% số phiếu bầu được kiểm.
Về phía Đảng Cộng hòa, Marco Rubio dễ dàng thắng cuộc đua ở Puerto Rico trước tỷ phú Donald Trump.
Mặc dù vậy, bà Clinton và ông Trump về tổng thế vẫn dẫn đầu.
Bà Clinton và ông Sanders đã có tranh luận nóng bỏng về một số vấn đề trong hội luận do CNN tổ chức tối Chủ Nhật giờ địa phương.
Bà Clinton tố cáo đối thủ đã bỏ phiếu phản đối việc cấp tài chính nhằm cứu ngành xe hơi Hoa Kỳ hồi năm 2009.
Ông Sanders nói ông sẽ bị người dân coi không ra gì nếu người dân lao động lại phải cứu "những kẻ lừa đảo" ở thị trường tài chính Wall Street."
Ông Sanders cũng chiến thắng ở hai tiểu bang Kansas và Nebraska hôm thứ Bảy nhưng vẫn thua bà Clinton về tổng thể trong đảng Dân chủ với tỷ lệ phiếu đại cử tri 1130 - 499.
Về phía Đảng Cộng hòa, Ông Donald Trump dẫn đầu theo sau là ứng viên Ted Cruz và Marco Rubio với các phiếu ủng hộ của đại cử tri tương ứng là 384 - 300 - 151. - BBC
|
|
Tin Việt Nam
4.
Thanh Hóa ngưng thu hồi đất sau các cuộc biểu tình
Giới hữu trách Thanh Hóa loan báo dừng việc thu hồi một bến thuyền cho dự án du lịch gây tranh cãi sau 11 ngày biểu tình quyết liệt của ngư dân.
Truyền thông nhà nước dẫn thông báo của Bí thư tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thanh Hóa, Trịnh Văn Chiến, tại cuộc đối thoại trực tiếp với dân chúng địa phương sáng nay (7/3) cho biết trước mắt bà con được tiếp tục ra khơi, tỉnh chưa ban hành quyết định thu hồi bến.
Diễn tiến này xảy ra sau khi hàng trăm ngư dân xã Quảng Cư, thị xã Sầm Sơn, hơn tuần qua kéo về bao vây trụ sở Ủy ban Nhân dân tỉnh và Tỉnh ủy Thanh Hóa, yêu cầu trả lại bãi biển Sầm Sơn.
Họ phản đối quyết định của chính quyền thu hồi và giao 3,5 km đất ven biển cho Tập đoàn FLC phát triển dự án du lịch, dự kiến hoàn thành vào giữa tháng 4 tới đây, để phục vụ du khách mùa hè năm nay.
Dự án quy hoạch phía Đông đường Hồ Xuân Hương với tổng vốn đầu tư 325 tỷ đồng do tỉnh Thanh Hóa phê duyệt hồi tháng 10 năm ngoái chiếm trọn bờ biển kể cả một bến thuyền, kế sinh nhai duy nhất của ngư dân địa phương từ bao đời nay.
Người dân đề nghị chính quyền chừa lại ít nhất từ 300m đến 1,5km bờ biển để họ neo đậu tàu bè, tiếp tục ra khơi.
Bí thư Trịnh Văn Chiến, tại buổi họp với người dân sáng nay, tỏ ý lấy làm tiếc và nhận trách nhiệm về sự việc khiến dân tập trung biểu tình trước các cơ quan công quyền hơn tuần nay.
Báo chí nhà nước dẫn lời ông Chiến nói ‘Dù dưới gốc độ nào, chúng tôi cũng thấy có lỗi với bà con.’ Tuy nhiên, ông khẳng định việc người dân tụ tập đông người ‘gây mất an ninh trật tự’ là vi phạm pháp luật.
Hàng trăm lực lượng an ninh đã được huy động trong những ngày qua trong lúc dân chúng bao vây các trụ sở chính quyền khiến giao thông thành phố tê liệt.
Công an Thanh Hóa cách đây hai ngày loan báo đã bắt đầu điều tra các cáo trạng về tội ‘gây rối trật tự công cộng’ liên quan đến các cuộc biểu tình này, một cáo buộc thường được giới hữu trách trong nước sử dụng để đối phó với các cuộc biểu tình của dân chúng giữa bối cảnh người dân chưa được thực thi quyền này trên thực tế dù Hiến pháp có công nhận.
Anh Nguyễn Lân Thắng là một nhà hoạt động tích cực cổ xúy phát triển xã hội dân sự tại Việt Nam cũng là một ký giả độc lập từng theo sát các vụ việc tương tự trước nay để phản ánh thông tin trên các trang mạng xã hội.
Quan sát, đối chiếu diễn tiến ở Sầm Sơn với các vụ tranh chấp đất đai giữa chính quyền với dân chúng, anh Thắng nói giới hữu trách Thanh Hóa đang lùi một bước để tiến tới nhiều bước:
"Việc ở Sầm Sơn giống như rất nhiều dự án khác đã từng xảy ra trên đất Việt Nam này. Thường khi sự phản đối của dân chúng quá lớn thì các cấp chính quyền tìm cách xoa dịu. Nhưng sau đó, khi sức phản đối của người dân bắt đầu chùn xuống, họ bắt đầu sử dụng lực lượng công an-an ninh để điều tra, sàng lọc tất cả những người tham gia, tìm những người dẫn dắt quần chúng để bắt giam, khởi tố. Khi những người đi đầu bị tấn công, sức phản kháng sẽ tụt hẳn xuống. Rồi nhà nước lại tiếp tục lấy đất của dân, tiếp tục dự án thôi. Tình trạng đó rất phổ biến nhiều năm qua, chẳng hạn như vụ ở Ninh Hiệp hay Văn Giang. Sự tấn công của họ rất bài bản, rất tinh vi. Người dân thiếu hiểu biết pháp luật rất dễ bị tấn công."
Theo giới hoạt động xã hội, trong một đất nước thiếu dân chủ, đầy rẫy tham nhũng, và mọi việc đều bị kiểm soát chặt chẽ như Việt Nam, phương tiện duy nhất có thể giúp người dân bảo vệ lẽ phải, chống lại sự áp bức-bất công chính là truyền thông xã hội:
"Hỗ trợ bằng truyền thông rất quan trọng. Dù trong các sự việc, chúng tôi không có sự hợp tác ở phía người dân, nhưng có những biến động gì hay vấn đề gì chúng tôi đều vẫn thông tin qua mạng xã hội để khai mở vấn đề. Tác động đến với khối quần chúng, tuy không thể ngay được, nhưng sẽ tác động đến nhận thức của quần chúng về lâu về dài, và họ sẽ dần dần thức tỉnh."
Nhà hoạt động này kêu gọi các tổ chức xã hội dân sự độc lập cần quan tâm, tham gia mạnh mẽ vào các vụ việc như ở Sầm Sơn để hỗ trợ những người dân thấp cổ bé miệng, tăng cường sức mạnh cho những tiếng nói của các nạn nhân bị mất đất, đảm bảo công lý được thực thi.
Bình luận về sự việc ở Sầm Sơn, một blogger trên mạng xã hội nói ‘Các dự án được vẽ ra để ăn chia, khi vấp phải phản ứng của người dân chịu ảnh hưởng, thay vì tìm lối thoát bền vững và đặt mục tiêu phát triển lên tối cao để tạo sự chuyển biến lâu dài về kinh tế xã hội cho địa phương, đám quan chức này chỉ đơn giản là lùi bước. Đây không phải là cai trị để phát triển, mà là cai trị để ăn hút và bảo tồn ghế ngồi khi có căng thẳng.’
Blogger này viết tiếp ‘Bà con Sầm Sơn Thanh Hóa đã dành được chiến thắng. Nhưng cần phải đề phòng mưu hèn, kế bẩn của bọn chính quyền’.
Tranh chấp đất đai là nội dung của đại đa số các đơn khiếu kiện tại Việt Nam và cũng là một trong những nguyên nhân chính gây bất ổn xã hội. - VOA
|
|
5.
Chủ nghĩa tư bản chuyên quyền: mối đe doạ cho tự do dân chủ
Trong một bài viết thể hiện quan điểm riêng, được trang web Irish Examiner đăng tải hôm 7/3, tác giả Brahma Chellaney lấy Trung Quốc và Việt Nam làm dẫn chứng để cho rằng chủ nghĩa tư bản kết hợp với chủ nghĩa cộng sản là nguy cơ thực sự cho dân chủ tự do nói chung, còn nói riêng trong trường hợp Cuba, việc nước này đang mở cửa không nhất thiết đồng nghĩa họ có động thái tiến đến dân chủ.
Vào lúc Tổng thống Mỹ sắp có chuyến thăm lịch sử đến Cuba, nhiều người hy vọng sự dịch chuyển dần dần sang chủ nghĩa tư bản trong 5 năm qua dưới quyền của ông Raul Castro cuối cùng sẽ đưa Cuba đến với dân chủ.
Nhưng trên thực tế, tự do hóa kinh tế gần như không có gì bảo đảm đó là con đường đi đến dân chủ. Tác giả Chellaney nêu ra Trung Quốc, nhà nước chuyên quyền lớn nhất và lâu năm nhất thế giới, như là một minh chứng rõ ràng. Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn nắm độc quyền quyền lực cho dù các cải cách vì kinh tế thị trường đã làm cho nền kinh tế phát triển tăng vọt.
Giáo sư Nghiên cứu chiến lược Brahma Chellaney tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách đặt tại New Delhi cho rằng những người cộng sản Trung Quốc giờ đây không còn bám rễ vào hệ tư tưởng của họ. Đảng Cộng sản do một nhóm đầu sỏ làm đại diện đã duy trì quyền hành bằng cách áp dụng 3 biện pháp khác nhau – trấn áp, cơ cấu tổ chức, ưu đãi tài chính – để ngăn chặn sự đối lập có tổ chức xuất hiện.
Trên hết, các đại diện đảng cộng sản dốc hết tâm sức vào việc giữ vững quyền lực chính trị bằng cách triệt tiêu những đòi hỏi của dân chúng về thay đổi, và nỗ lực này của đảng được hỗ trợ bởi sự thịnh vượng kinh tế mà chủ nghĩa tư bản mang lại.
Bên cạnh việc cung cấp đủ lợi ích vật chất để thỏa mãn dân chúng, chủ nghĩa tư bản củng cố cho năng lực của nhà nước cộng sản để họ gia tăng đàn áp trong nước và kiểm soát thông tin.
Câu chuyện cũng tương tự ở Việt Nam và Lào. Cả hai nước đều phi tập trung hóa việc quản lý kinh tế và khuyến khích doanh nghiệp tư nhân vào cuối những năm 1980, và giờ đây nằm trong số các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á. Việt Nam thậm chí còn là 1 trong 12 thành viên sáng lập Hiệp định thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương. Nhưng nhà nước một đảng này vẫn cố thủ và tiếp tục trấn áp chính trị đáng kể.
Không có dấu hiệu mọi việc sẽ sớm thay đổi. Ở Việt Nam, Thủ tướng có đầu óc cải cách Nguyễn Tấn Dũng đã thất bại trong cuộc đua đến chức tổng bí thư đảng cộng sản. Đại hội 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam đã tái bầu Tổng bí thư đương nhiệm Nguyễn Phú Trọng.
Giáo sư Brahma Chellaney nhận định rằng dường như dân chủ và chủ nghĩa cộng sản có tính triệt tiêu lẫn nhau, nhưng chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản dường như lại không như vậy, và điều đó có thể rất nguy hiểm.
Theo giáo sư, trên thực tế, cuộc hôn nhân giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản do Trung Quốc chủ xướng đã sản sinh ra một hình mẫu chính trị mới mang lại sự thách thưc trực tiếp đầu tiên cho tự do dân chủ kể từ thời chủ nghĩa phát xít: đó là chủ nghĩa tư bản chuyên quyền.
Chỉ trong vòng một thế hệ, Trung Quốc đã trỗi dậy ngoạn mục thành một cường quốc toàn cầu. Do đó, nước này đã thuyết phục các chế độ chuyên quyền khắp nơi rằng chủ nghĩa tư bản chuyên quyền – hay theo cách gọi của các lãnh đạo Trung Quốc là “chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc” – là con đường nhanh nhất và êm ái nhất đi đến thịnh vượng và ổn định, ưu việt hơn nhiều so với nền chính trị bầu cử nhiều rắc rối. Điều này có thế giúp lý giải vì sao sự lan truyền dân chủ trên thế giới đã bị đình trệ lại trong vài năm gần đây.
Trở lại với Cuba, Giáo sư Chellaney một lần nữa nhắc lại sẽ là sai lầm khi cho rằng việc nước này mở cửa kinh tế và được thúc đẩy nhờ chính sách hòa hoãn của Tổng thống Obama sẽ mở ra một kỷ nguyên chính trị mới ở Cuba.
Giáo sư Brahma Chellaney cũng là tác giả của 9 cuốn sách về châu Á và một số vấn đề chiến lược của thế giới. - VOA
|
|
6.
VN ký ‘hớ’ thuế xăng dầu trong FTA với Hàn Quốc: Bài học cay đắng
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói việc Bộ Công thương Việt Nam thừa nhận đã ký ‘hớ’ điều khoản về thuế xăng dầu trong hiệp định thương mại với ASEAN – Hàn Quốc là một bài học ‘cay đắng’ và ‘đắt giá’ khi Việt Nam bắt đầu tham gia vào sân chơi lớn của thế giới. Khánh An có bài tường thuật chi tiết.
Hôm 7/3, báo Dân Trí dẫn ‘nguồn tin riêng’ nói Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng vừa báo cáo với Thủ tướng chính phủ về thuế xăng dầu trong Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN – Hàn Quốc (AKFTA) mà báo này nói là ‘vấn đề khá nhạy cảm’.
Theo đó, Bộ Tài chính Việt Nam đã ‘phát hiện thuế suất đối với mặt hàng xăng dầu theo đúng cam kết của Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN – Hàn Quốc là 10%, thấp hơn cam kết trong các hiệp định khác”.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, nói việc ký ‘hớ’ này trước mắt sẽ khiến cho giá xăng dầu nhập từ Hàn Quốc và các nước ASEAN tham gia AKFTA sẽ rẻ hơn giá xăng dầu sản xuất tại Việt Nam, điều này kéo theo các hệ lụy sau:
“Điều ấy làm cho ngân sách của Việt Nam bị thất thu một khoản lớn, và điều quan trọng hơn là nhà máy lọc dầu của Việt Nam cũng sẽ phải được giảm thuế tương đương thì mới có thể cạnh tranh được. Đấy là những khó khăn mà sắp tới đây (Việt Nam) cần phải giải quyết.”
Cuối tháng rồi, nhà máy lọc dầu Dung Quốc đã viết ‘thư kêu cứu’ gửi lên thủ tướng chính phủ và ‘dọa’ sẽ đóng cửa nếu vẫn phải chịu mức thuế 20%, cao hơn 10% so với sản phẩm cùng loại nhập từ Hàn Quốc, dẫn đến việc khách hàng chọn mua xăng dầu nhập khẩu để được giá rẻ hơn. Nguy cơ đóng cửa của Dung Quốc thậm chí còn tăng lên gấp đôi hoặc hơn nữa trong thời gian sắp tới, khi Hiệp định Thương mại với Nhật Bản được thực hiện và mức thuế nhập khẩu xăng dầu của Nhật Bản cũng là 10%.
Báo Dân Trí cho biết Bộ Tài chính đã có công văn đề nghị Bộ Công thương làm việc với phía Hàn Quốc để ‘sửa’ điều ký ‘hớ’ này, với lý do ‘đây là mặt hàng chiến lược, nhạy cảm cao của Việt Nam’ và Việt Nam phải duy trì bảo hộ mặt hàng này tối thiểu đến năm 2020. Lúc đầu, phía Hàn Quốc nói sẽ tham khảo ý kiến với các bộ về vấn đề này, nhưng sau đó Hàn Quốc trả lời với Việt Nam rằng họ không thể sửa đổi lại các điều khoản đã ký kết. TS. Lê Đăng Doanh nói trong trường hợp Hàn Quốc không đồng ý sửa đổi, phía Việt Nam chỉ còn một cách cuối cùng để không thực hiện theo thỏa thuận:
“Phía Việt Nam có thể dùng biện pháp cuối cùng là đề nghị tạm thời hoãn chưa thực hiện điều này. Nhưng nếu đề nghị đó mà không được phía Hàn Quốc thực hiện, Việt Nam có thể bị coi là đã vi phạm điều ước mà mình đã ký kết. Đấy cũng là một điều bất lợi cho Việt Nam.”
“Đây là bài học kinh nghiệm cay đắng, đắt giá đối với Việt Nam về việc đàm phán và xét duyệt, thẩm định các kết quả đàm phán đó một cách chuyên nghiệp, phải tính đến tất cả hệ lụy có thể phát hiện được. Tôi nghĩ phía Việt Nam phải có một sự kiểm điểm rất nghiêm túc để rút kinh nghiệm cho trường hợp đáng tiếc này.”
Một trong những biện pháp để hạn chế sai phạm ‘hớ’ như trên, theo TS. Lê Đăng Doanh, Việt Nam cần lập ra các hội đồng chuyên gia độc lập để xem xét các điều khoản sẽ ký kết trong các hiệp định quốc tế một cách ‘rất nghiêm túc’, phân tích những tác động có thể và góp ý kiến với đoàn đàm phán.
TS. Lê Đăng Doanh cho rằng Hiệp định TPP cũng là một trường hợp cần phải xem xét kỹ lưỡng hơn.
“Trong trường hợp của TPP – Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương – thì hai bên đã thống nhất với nhau là sẽ giữ bí mật. Vì vậy nên việc trưng cầu ý kiến của các cơ quan độc lập cho đến nay rất hạn chế, ngay cả doanh nghiệp cũng ít nhận được thông tin. Tôi nghĩ đây cũng là một trường hợp, mà sắp tới đây Quốc hội thông qua, có thể cần phải có sự xem xét và phân tích kỹ lưỡng hơn.”
Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN-Hàn Quốc được ký kết vào tháng 6/2006 và bắt đầu có hiệu lực từ tháng 7/2007. Hiệp định này đưa ra lộ trình cắt giảm thuế theo 3 nhóm chính là nhóm hàng thông thường, nhóm hàng nhạy cảm và nhóm hàng nhạy cảm cao. Theo cam kết trong hiệp định, Việt Nam sẽ phải xóa bỏ thuế nhập khẩu ít nhất 95% mặt hàng trong Danh mục thông thường vào ngày 1/1/2016 và 100% mặt hàng trong danh mục này vào ngày 1/1/2018. Riêng đối với các mặt hàng thuộc nhóm nhạy cảm và nhạy cảm cao sẽ có lộ trình giảm thuế theo từng nhóm nhỏ, kéo dài đến năm 2021.
Cập nhật: Vào lúc 12:20 tối 7/3, bài viết trên báo Dân Trí mà VOA đề cập tới đã không còn truy cập được nữa. Nhưng bài viết trên đã được sao lưu ở nhiều trang mạng và diễn đàn khác. - VOA
|
|
7.
Vietnam Airlines lập hãng bay mới
Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) loan báo lập hãng hàng không cổ phần, VASCO.
Công ty mới có vốn điều lệ tối thiểu 300 tỷ đồng với đội bay dự kiến dưới 10 chiếc.
Chủ tịch hãng sẽ là người của Techcombank, nơi sở hữu 49% vốn.
Giám đốc điều hành đến từ Vietnam Airlines, sở hữu 51% vốn.
Công ty thành lập trên cơ sở sắp xếp lại Công ty Bay dịch vụ hàng không (VASCO).
Vietnam Airlines góp vốn bằng tài sản của VASCO, còn Techcombank góp vốn bằng tiền mặt. - BBC
No comments:
Post a Comment