Sunday, March 13, 2016

Tin Cập Nhật Chủ Nhật 13/3

Tin Thế Giới

1.
Ngoại trưởng Syria: Lật đổ Tổng thống Assad là 'lằn ranh đỏ' --- Ngoại trưởng Mỹ: Syria 'rõ ràng tìm cách gây trở ngại' hòa đàm

Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ John Kerry họp với Ngoại trưởng Anh, Pháp, Đức và Italia về cuộc khủng hoảng Syria, một ngày trước cuộc hòa đàm Syria do Liên hiệp quốc bảo trợ sẽ bắt đầu ở Geneva.

Trước các cuộc đàm phán thứ Hai, Ngoại trưởng Syria Walid Muallem cảnh báo các thương thuyết gia rằng bất cứ đề cập nào đến số phận của Tổng thống Syria đều không được phép đưa ra đàm phán. 

Ông Muallem nói: "Chúng tôi không nói chuyện với bất cứ ai muốn thảo luận về tổng thống…Bashar al-Assad là lằn ranh đỏ".

Ông Mohammad Alloush, trưởng đoàn thương thuyết của nhóm đối lập chính ở Syria, nói rằng Tổng thống Assad phải ra đi. Ông nói với Pháp tấn xã rằng "chúng tôi tin là giai đoạn chuyển tiếp phải bắt đầu với việc ông Bashar al-Assad bị lật đổ hoặc chết."

Ngoại trưởng Kerry kêu gọi hai bên đối đầu ở Syria tham dự hòa đàm bất chấp những mâu thuẫn về vấn đề tổng thống và điều mà ông gọi là "những vi phạm thỏa thuận ngừng bắn ghi nhận được" do bên chính phủ gây ra.

Phát biểu tại Ả Rập Xê-út hôm thứ Bảy, ông Kerry nói: "Mức độ vi phạm ở tất cả các bên đã giảm khoảng 80 đến 90%, đó là một dấu hiệu rất tích cực."

Ông Muallem nói rằng chính phủ Syria tiếp tục cam kết với thỏa thuận ngừng bắn, nhưng đoàn đàm phán hòa bình của ông sẽ đợi đoàn đàm phán của phe đối lập tối đa là 24 giờ đồng hồ. 

Ông Muallem hôm thứ Bảy nói tại Damascus rằng các nhà ngoại giao sẽ lên đường đi Geneva trong ngày Chủ nhật.

Một giới chức của phe đối lập Syria nói rằng ngoại trưởng Syria "gây ngưng trệ cuộc hòa đàm Geneva trước khi đàm phán khởi sự."

Các giới chức Liên hiệp quốc nói rằng thỏa thuận chấm dứt thù nghịch đã tạo điều kiện cho Liên hiệp quốc và các cơ quan đối tác phân phối thực phẩm, thuốc men và các vật phẩm cứu trợ cho 115.000 thường dân Syria tại các khu vực bị phe chính phủ hoặc các lực lượng đối lập vây hãm. 

Liên hiệp quốc nói năm ngoái các tổ chức cứu trợ đã không đến được những nơi đó. - VOA

***
Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ John Kerry lên án Syria là "rõ ràng tìm cách cản trở" cuộc hòa đàm do Liên hiệp quốc bảo trợ nhằm chấm dứt cuộc nội chiến 5 năm đẫm máu tại Syria khi đại diện của chính phủ Syria yêu cầu không được bàn thảo đến vấn đề tước bỏ quyền hành của Tổng thống Bashar al-Assad.

Ngoại trưởng Mỹ nói rằng bạo động tại đất nước chìm đắm trong chiến tranh này đã giảm từ 80% đến 90% kể từ khi "thỏa thuận chấm dứt thù địch" được tuyên bố cách nay hai tuần.  Nhưng ông nói rằng "bên vi phạm thỏa thuận ngừng bắn lớn nhất" là chế độ Assad.

Ông Kerry nói: "Những vi phạm lớn đe dọa phá vỡ" nỗ lực chấm dứt vĩnh viễn cuộc xung đột và bất cứ nỗ lực nào để cuối cùng dẫn đến một cuộc bầu cử ở Syria.

Ngoại trưởng Kerry phát biểu như vậy sau khi họp với Ngoại trưởng Anh, Pháp, Đức và Italia hôm nay tại Paris về cuộc khủng hoảng Syria, một ngày trước cuộc hòa đàm của Liên hiệp quốc bắt đầu ở Geneva.

Trước các cuộc đàm phán thứ Hai, Ngoại trưởng Syria Walid Muallem cảnh báo các thương thuyết gia rằng bất cứ đề cập nào đến số phận của Tổng thống Syria đều không được phép đưa ra đàm phán.  

Ông Muallem nói: "Chúng tôi không nói chuyện với bất cứ ai muốn thảo luận về tổng thống…Bashar al-Assad là lằn ranh đỏ.."

Ông Mohammad Alloush, trưởng đoàn thương thuyết của nhóm đối lập chính ở Syria, nói rằng Tổng thống Assad phải ra đi.  Ông nói với Pháp tấn xã rằng "chúng tôi tin là giai đoạn chuyển tiếp phải bắt đầu với việc ông Bashar al-Assad bị lật đổ hoặc chết."

Ngoại trưởng Kerry kêu gọi hai bên đối đầu ở Syria tham dự hòa đàm bất chấp những mâu thuẫn về vấn đề tổng thống và điều mà ông gọi là "những vi phạm thỏa thuận ngừng bắn ghi nhận được" do bên chính phủ gây ra.

Phát biểu tại Ả Rập Xê-út hôm thứ Bảy, ông Kerry nói: "Mức độ vi phạm ở tất cả các bên đã giảm khoảng 80 đến 90%, đó là một dấu hiệu rất tích cực."

Ông Muallem nói rằng chính phủ Syria tiếp tục cam kết với thỏa thuận ngừng bắn, nhưng đoàn đàm phán hòa bình của ông sẽ đợi đoàn đàm phán của phe đối lập tối đa là 24 giờ đồng hồ. Ông Muallem hôm thứ Bảy nói tại Damascus rằng các nhà ngoại giao sẽ lên đường đi Geneva trong ngày Chủ nhật.

Một giới chức của phe đối lập Syria nói rằng ngoại trưởng Syria "gây ngưng trệ cuộc hòa đàm Geneva trước khi đàm phán khởi sự."

Các giới chức Liên hiệp quốc nói rằng thỏa thuận chấm dứt thù nghịch đã tạo điều kiện cho Liên hiệp quốc và các cơ quan đối tác phân phối thực phẩm, thuốc men và các vật phẩm cứu trợ cho 115.000 thường dân Syria tại các khu vực bị phe chính phủ hoặc các lực lượng đối lập vây hãm. Liên hiệp quốc nói năm ngoái các tổ chức cứu trợ đã không đến được những nơi đó.

Nhưng Ngoại trưởng Kerry nói rằng ông vẫn "hết sức lo ngại" về việc chính phủ Syria tìm cách ngăn cản nỗ lực phân phối thuốc men và vật phẩm cứu trợ. - VOA
|
|

2.
Trung Quốc đòi thành lập trung tâm tư pháp hàng hải quốc tế để bảo vệ biển đảo

Phát biểu trước Quốc hội ngày 13/03/2016, chủ tịch Tòa Án Tối Cao Trung Quốc Chu Cường (Zhou Qiang) không che giấu : Bắc Kinh đang chuẩn bị một chiến lược để trở thành một « siêu cường về hàng hải ». Trung Quốc đang có tranh chấp chủ quyền với nhiều quốc gia trong khu vực tại Biển Đông và khẳng định chủ quyền đối với quần đạo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.
Báo cáo trước Quốc hội, ông Chu Cường tuyên bố các tòa án trên toàn quốc sẽ cùng nhau thực hiện một nhiệm vụ chiến lược quốc gia, đưa Trung Quốc thành một « cường quốc về hàng hải » và trở thành « trung tâm tư pháp hàng hải quốc tế ». Mục tiêu đề ra nhằm « kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia, các quyền hàng hải và lợi ích cốt lõi khác của Trung Quốc ».

Ông Chu Cường không đi sâu vào chi tiết về trung tâm này và không nói rõ về thời điểm trung tâm đó sẽ được hình thành cũng như về chức năng của định chế này.

Người đứng đầu Tòa Án Tối Cao Trung Quốc nhắc lại là trong năm 2015 tòa án các cấp của Trung Quốc đã xử lý hơn 16.000 vụ tranh chấp liên quan đến hàng hải và theo ông thì đây là con số được coi là "cao nhất thế giới".

Tuyên bố về ý định thành lập trung tâm tư pháp hàng hải quốc tế của Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh Bắc Kinh đòi hỏi chủ quyền đối với gần 90% Biển Đông, bồi đắp đảo nhân tạo tại Hoàng Sa, Trường Sa, nơi có tranh chấp chủ quyền với nhiều nước láng giềng như Philippines, Malaysia, Brunei và Việt Nam. Còn tại Biển Hoa Đông, tàu của Trung Quốc thường xuyên xâm nhập vào vùng lãnh hải của Nhật Bản chung quanh khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. - RFI
|
|

3.
Tàu ngầm của Bắc Hàn ‘mất tích’

Một tàu ngầm của Bắc Hàn mất tích và bị coi đã chìm, trong khi chính quyền Bình Nhưỡng lại đe dọa sẽ trả đũa Mỹ và Hàn Quốc vì đã tập trận chung.

Truyền thông Hoa Kỳ cho hay, tàu ngầm này hoạt động ở ngoài khơi duyên hải Bắc Hàn đầu tuần này thì mất tích.

Một quan chức Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết Seoul đang điều tra các tin tức này. Trong khi đó, các quan chức Lầu Năm Góc của Mỹ từ chối bình luận.

Kênh CNN dẫn lời 3 quan chức Mỹ biết về vụ việc nói rằng quân đội Mỹ trước đó đang theo dõi tàu ngầm hoạt động ở duyên hải phía đông của Bắc Hàn.

Bàn tin này nói rằng các vệ tinh, máy bay và tàu do thám của Mỹ vẫn đang theo dõi hoạt động tìm kiếm tàu ngầm của hải quân Bắc Hàn.

Theo CNN, phía Mỹ chưa rõ chiếc tàu ngầm mất tích đang trôi dạt hay đã chìm, nhưng các quan chức tin rằng nó bị hỏng hóc trong một cuộc diễn tập.

Trong khi đó, tin tức của Viện Hải quân Mỹ (USNI) đưa rằng tàu ngầm của Bắc Hàn đã chìm.

Chính quyền Bình Nhưỡng có một hạm đội tàu ngầm khoảng 70 chiếc, phần lớn là những chiếc cũ kỹ chạy bằng diesel, và chỉ có khả năng phòng thủ duyên hải và ít có khả năng tấn công.

Căng thẳng dâng cao

Chiếc tàu ngầm mất tích trong khi căng thẳng dâng cao trên bán đảo Triều Tiên vì lời đe dọa mới của Bình Nhưỡng.

Dẫn lời các quan chức quân sự, hãng tin KCNA của Bắc Hàn cảnh báo về “cuộc tấn công trả đũa bất ngờ nhắm vào các nhóm kẻ thù” liên quan tới cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn.

Bình Nhưỡng nói thêm rằng chính quyền này dự kiến đáp trả cuộc tập trận với một “chiến dịch nhằm giải phóng toàn bộ Hàn Quốc, trong đó có cả Seoul” bằng “cuộc chiến chớp nhoáng, có độ chính xác cao”.

Đáp lại tuyên bố trên, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thúc giục Bắc Hàn chấm dứt đưa ra những lời đe dọa và khiêu khích thêm nữa.

Hôm nay Hoa Kỳ và Hàn Quốc đã bắt đầu cuộc diễn tập chung hàng năm kéo dài 8 tuần và đã được trù hoạch một cách rất kỹ lưỡng.

Những hoạt động ngày hôm nay bắt đầu với việc lính Mỹ và Hàn Quốc đổ bộ tại một bãi biển ở duyên hải phía đông của Hàn Quốc.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết cuộc diễn tập này có qui mô lớn nhất từ trước tới nay, với sự tham dự của 300.000 binh sĩ Hàn Quốc và hơn 17.000 quân nhân Hoa Kỳ. - VOA
|
|

4.
Bầu cử cấp vùng tại Đức, thử thách đối với bà Merkel

Mười ba triệu cử tri Đức tại ba bang Baden-Württemberg, Rheinland-Pfalz và Sachsen-Anhalt bầu lại các lãnh đạo cấp vùng. Trong bối cảnh làn sóng người nhập cư ồ ạt đổ vào nước Đức, giới quan sát chờ đợi đảng cầm quyền của thủ tướng Merkel bị các đảng cánh hữu có khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa đánh bại.

Cuộc bầu cử lần này được coi là thử thách đối với thủ tướng Angela Merkel, chỉ 8 tháng trước cuộc bầu cử Quốc hội. Đặc phái viên đài RFI từ thủ phủ bang Sachsen-Anhalt, Achim Lippold gửi về bài tường trình :

"Cuộc bầu cử ngày hôm nay là một bài toán trắc nghiệm, nếu không muốn nói là một cuộc trưng cầu dân ý về chính sách di dân của thủ tướng Angla Merkel. Đây là lần đầu tiên cử tri Đức đi bỏ phiếu kể từ khi quốc gia này đón nhập 1 triệu người nhập cư. Trong bối cảnh đó, không ai ngạc nhiên khi thấy chủ đề nhập cư trở thành trọng tâm của mọi chương trình vận động tranh cử vừa qua. 

Cũng chính vì hồ sơ gai góc này mà các đảng phái chính trị cấp vùng đã liên minh với nhau. Đôi khi đó là những kiểu liên minh trái khoáy, như đã xảy ra tại bang Baden-Württemberg, thành trì của cánh bảo thủ từ 50 năm qua. Tại đây, đảng Liên Minh Dân Chủ Thiên Chúa Giáo CDU có thể bị thua đảng Xanh. Điều càng khiến giới quan sát ngạc nhiên hơn nữa là ứng cử viên của đảng Xanh lại ủng hộ chính sách nhập cư của bà Merkel, trong lúc đại diện của đảng CDU tại bang này lại chống đối việc nước Đức mở rộng vòng tay đón nhận người nước ngoài. 

Cần nói thêm là ở cấp vùng, các ứng cử viên của đảng bảo thủ CDU thường có khuynh hướng giữ khoảng cánh với chính sách nhập cư của thủ tướng Đức. Mục đích của họ nhằm cản đường đảng AFD có chủ trương chống di dân. 

Có thể nói mục tiêu đó đã không thành. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, đảng AFD đang lớn mạnh hơn bao giờ hết và sẽ hiện diện ở Hội đồng cấp vùng trong nhiệm kỳ tới. Chỉ riêng tại bang Sáchen-Anhalt, đảng AFD có thể chiếm tới 20% số phiếu. Tại trụ sở của đảng mọi người đã chuẩn bị khui rượu sâm banh để mừng thắng lợi tối nay". - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

5.
Ông Trump đỗ lỗi ông Sanders phá hỏng cuộc vận động tranh cử ở Chicago

Ứng cử viên tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump đổ lỗi cho ông Bernie Sanders của đảng Dân chủ và những người ủng hộ ông Sanders đã gây ra điều ông gọi là 'phá hỏng có mưu tính' đã khiến ông Trump phải hủy bỏ một cuộc mít-tinh vận động tranh cử ở Chicago tối thứ Sáu vừa qua.

Ẩu đả xảy ra giữa những người ủng hộ và những người chống ông Trump trước khi cảnh sát đến giải tán đám đông và bắt giữ 5 người. Nhiều người biểu tình hô khẩu hiệu "Bernie, Bernie" và mang theo những bảng viết tên ông Sanders.

Trong cuộc vận động tranh cử ở Cleveland, Ohio hôm thứ Bảy, ông Trump đã nói móc Thượng nghị sĩ bang Vermont theo chủ trương xã hội là "ông bạn cộng sản của chúng ta."

Ông Trump nói: "Những người này từ đâu ra?  Họ là từ đám đông của ông Bernie. Này Bernie, nói người của ông đi vào hàng lối cho có trật tự."

Ông Sanders ra một thông báo hôm thứ Bảy bác bỏ chuyện phe vận động của ông đã tổ chức các cuộc biểu tình và lên án những phát biểu gay gắt của ông Trump.

Thông báo của ông Sanders có đoạn: "Nguyên nhân gây ra bạo động tại cuộc mít-tinh của ông Trump là vì ứng cử viên này đã gây ra thù hận và chia rẽ ở những người Mỹ châu La Tinh, người Hồi giáo, phụ nữ và người khuyết tật."

Tổng thống Barack Obama trong một phát biểu tại một buổi gây quỹ ở thành phố Dallas, đã lên tiếng phê bình. Ông nói các ứng cử viên nên tập trung vào việc làm cho nước Mỹ "tốt hơn, chứ không phải bôi nhọ và chế nhạo nhau, gây chia rẽ sắc tộc và tôn giáo, và chắc chắn không được gây ra bạo động ảnh hưởng đến người khác."

Các đối thủ bên Ðảng Cộng hòa trong cuộc đua tranh chức tổng thống cũng chỉ trích ông Trump về những chuyện khiến cho một số người gây ra bạo động.

"Thống đốc John Kasich của bang Ohio hôm thứ Bảy phát biểu tại thành phố Cincinnati rằng "ông Donald Trump tạo ra một môi trường độc hại."

Wyoming, Washington DC

Trong khi đó, ứng cử viên Ted Cruz thắng cuộc bầu cử sơ bộ của Ðảng Cộng hòa hôm thứ Bảy ở bang Wyoming, nhận được 9 phiếu đại biểu.  Ông Marco Rubio và ông Trump mỗi người được một phiếu đại biểu.

Trong cuộc bầu cử sơ bộ ở Washington D.C. bên Ðảng Cộng hòa hôm thứ Bảy, ông Rubio vượt qua ông Kasich. Ông Trump về thứ Ba. Ông Rubio giành được 10 phiếu đại biểu, còn ông Kasich được 9 phiếu.  

Ngày thứ Ba quan trọng cho các ứng cử viên Cộng hòa

Năm bang quan trọng sẽ tổ chức bầu cử sơ bộ vào thứ Ba, trong đó có Florida, Illinois và Ohio – là các bang mà người thắng giành tất cả phiếu đại biểu thay vì được nhận theo tỉ lệ phiếu bầu.  Missouri và North Carolina cũng tổ chức bầu cử sơ bộ vào thứ Ba.

Nếu ông Trump thắng lớn vào thứ Ba sẽ đưa ông vượt xa ông Cruz về số phiếu đại biểu, và có thể khiến cho ông Rubio và ông Kasich không còn khả năng tiếp tục cuộc đua bên Ðảng Cộng hòa.

Các cuộc thăm dò cho thấy ông Trump ngang ngửa với ông Kasich ở bang nhà Ohio của ông Kasich. Ông Rubio vừa áp dụng một chiến thuật bất thường là khuyến khích người ủng hộ ông ở bang Ohio bỏ phiếu cho ông Kasich để giảm khả năng của ông Trump giành toàn bộ số phiếu đại biểu của bang này.

Ông Trump có nhiều người ủng hộ trong số khối cử tri là những người lao động da trắng. Ông hứa hẹn trong các cuộc vận động tranh cử là  "làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại" có thể đã thu hút những người lao động lâu nay mong muốn thấy tăng lương trong tình hình công việc trong ngành công nghiệp liên tục sút giảm trong nhiều năm qua.

Bên phe Dân chủ, bà Hillary Clinton vượt xa ông Sanders về số phiếu đại biểu, còn ông Sanders trông nhờ vào khối cử tri trẻ để duy trì khả năng tranh đua của ông. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

6.
'Tôm-lúa' và thiên tai xâm nhập mặn ở VN

Một số giống lúa chịu mặn do Đại học Cần Thơ của Việt Nam đang nghiên cứu đã “phát huy hiệu quả rất tốt” trong lúc Đồng bằng Sông Cửu Long ở miền nam nước này đang đối diện với nạn xâm nhập mặn.

Trao đổi với BBC Tiếng Việt hôm 13/3/2016, một chuyên gia nghiên cứu lúa ngập mặn trong 5 năm qua, từ Bộ môn Di truyền Giống Nông nghiệp tại Đại học Cần Thơ, cho hay:

“Nào giờ Cần Thơ không có nước mặn, giờ mặn 1/1000. Từ đây đến tháng Năm, Sáu chắc mặn còn lên nữa. Giống lúa chịu mặn khá phù hợp với mô hình tôm – lúa,” PGS. TS. Võ Công Thành nói.

Chuyên gia theo đuổi nghiên cứu mô hình tôm – lúa trước biến đổi khí hậu giải thích thêm: 

“Với hệ thống tôm – lúa, nông dân nuôi tôm sẽ trúng mùa, cải thiện đời sống. Người ta trồng lúa và phải là lúa chịu mặn trong điều kiện nuôi tôm. Sau khi thu hoạch thôm thì trống lúa, gốc rạ rã ra, giết vi sinh vật, và giúp vụ tôm sau trúng và ổn định.

"Trước đây nông dân nuôi tôm, không trồng lúa đều thất bại hết, chỉ ăn dược 1-2 năm là sau đó thất bại. Từ khi có trồng lúa trong mô hình nuôi tôm thì năng suất tôm và lúa rất ổn định.”

Được biết, Đại học Cần Thơ và nhóm nghiên cứu đã tạo ra hai giống lúa chịu mặn có tên gọi là 'Một Bụi Đỏ' và 'Nàng Quớt Biển' và huyện Hồng Dân tại tỉnh Bạc Liêu là một trong những nơi đầu tiên sử dụng giống lúa này vào điều kiện đất nhiễm mặn và phèn.

“Giống Một Bụi Đỏ chất lượng rất thấp vì cứng cơm, chịu mặn khoảng 6/1000. Tụi tôi cải tiến nó lại thành Một Bụi Đỏ cải tiến, khả năng chịu mặn nâng lên 8%. Giống Nàng Quớt Biển là giống chịu mặn và phèn rất giỏi. Hiện nay chúng tôi đang làm giống này," PGS. TS. Võ Công Thành nói.

Kẻ thù nước mặn

Đối phó với xâm ngập mặn nói riêng và biến đổi khí hậu nói chung gần đây đang nằm ở tâm điểm quan tâm của các nhà nghiên cứu khoa học và giới chức quản lý ở các địa phương bị ảnh hưởng của Việt Nam.

Giáo sư Võ Tòng Xuân, một chuyên gia nông nghiệp và khuyến nông ở Đồng Bằng Sông Cửu Long, trong một bài viết trên truyền thông Việt Nam, nêu quan điểm:

“Tư duy về nước mặn là kẻ thù, phải ngăn mặn, không còn hợp thời này nữa. Phải coi nước mặn là bạn, giúp nông dân ven biển làm giàu với tôm, cua... một cách bền vững hài hòa thiên nhiên.

"Những vùng theo hệ thống lúa-tôm của Sóc Trăng hiện nay được giàu có nhờ trồng lúa rất thành công trong mùa mưa và sau khi dứt mưa thì cũng vừa gặt lúa xong, liền cho nước mặn vào nuôi tôm. Đến mùa mưa tới, nông dân trở lại trồng lúa.”

PGS. TS. Võ Công Thành cho hay các nhà nghiên cứu tại Đại học Cần Thơ đang phát triển các giống lúa chịu mặn này “theo hướng xuất khẩu chứ không phải kiếm cơm”.

Ông nói: “Khi nuôi tôm trong lúa thì cấm tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc hóa học, nên lúa sạch. Đây cũng là một cách để phát huy gạo sạch. Rầy nâu là đối tượng dịch hại chính, chúng tôi chọn giống kháng rầy nâu. Đã kháng sẵn nên nông dân không việc gì phải xịt thuốc trừ sâu. Gạo sạch, không có dư lượng thuốc trừ sâu.”

Không lạc quan

Hiện nay các tỉnh gần biển ở Đồng Bằng Sông Cửu Long của Việt Nam như Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng đã có nhiều nơi trồng lúa – tôm xen kẽ vì nguy cơ nước nhiễm mặn, phèn.

Tuy nhiên chuyên gia nông nghiệp cũng không tỏ ra lạc quan với tình trạng xâm nhập mặn nghiêm trọng hiện nay tại một số tỉnh mà “chưa tạo ra được giống nào theo kịp độ mặn như hiện nay trong mùa khô”.

“Nếu đúng mùa mưa xuống giống, mặn đã bớt thì Bến Tre hay Tiền Giang đều làm được cả,” ông Võ Công Thành nói.

Trước đó, nhiều giải pháp chống xâm nhập mặn cho khu vực đã được thảo luận và áp dụng, bao gồm cả phương pháp ngọt hóa.

Giáo sư Võ Tòng Xuân trong một bức thư gửi truyền thông Việt Nam nhận xét: “tốn hàng chục ngàn tỉ đồng để làm ngọt hóa bán đảo Cà Mau, nhưng kết quả là nước ngọt vẫn không đủ cho ngọt hóa”.

Còn một quan chức ở Thành phố Cần Thơ nhận định:

“Ngọt hóa vùng sinh thái nước mặn để làm kinh tế thì chúng ta đã phá hoại môi trường tự nhiên và phát triển kinh tế không bền vững,” ông Kỷ Quang Vinh, Chánh văn phòng Biến đổi Khí hậu Thành phố Cần Thơ, nói với BBC.

Tình trạng xâm nhập mặn tại Đồng bằng Sông Cửu Long được Văn phòng Biến đổi Khí hậu Thành phố Cần Thơ đánh giá “ngày càng xấu hơn”.

Ông Kỷ Quang Vinh mô tả tình hình:

“Năm 2004 cũng là năm hạn, mặn còn cách Bến Ninh Kiều khoảng 15km nhưng đến 2010 thì đến Cái Cui, tức là cách Ninh Kiều 8km và độ mặn đo được là 1/1000, nhưng đến năm nay, mặn tại Cái Cui đo được đã là 2/1000.”

Được biết, Chính phủ Việt Nam mới đây đã gửi công hàm cho Trung Quốc, đề nghị quốc gia láng giềng này tăng xả nước ở các hồ chứa thủy điện với dung lượng khoảng 43 tỷ m3 để giúp đỡ Việt Nam giảm bớt thiệt hại do thiên tai và biến đổi khí hậu. - BBC

No comments:

Post a Comment