Thursday, March 10, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Năm 10/3

Tin Thế Giới

1.
Bà Aung San Suu Kyi tạ lỗi vì không làm tổng thống

Lãnh tụ dân chủ Myanmar, bà Aung San Suu Kyi, hôm nay tạ lỗi với những người ủng hộ vì bà không trở thành vị tổng thống kế tiếp của nước này. Theo tường thuật của thông tín viên Steve Herman của đài VOA tại Naypyitaw, người có phần chắc sẽ lên làm tổng thống là một trong những nhân vật thân cận nhất của người phụ nữ đoạt giải Nobel Hoà bình này.

Trong lá thư đăng trên mạng xã hội ngày hôm nay, không lâu trước khi quốc hội bắt đầu tiến trình bầu chọn tân tổng thống, bà Suu Kyi đã xin lỗi vì điều mà bà gọi là “không thể hiện đầy đủ nguyện vọng của người dân.” Bà nói thêm rằng bà sẽ kiên trì và bà trông mong dân chúng tiếp tục ủng hộ bà để “đạt được mục tiêu đó một cách hoà bình”.

Hành động này được diễn giải là một lời kêu gọi kiên nhẫn và là một sự hứa hẹn là bà rốt cuộc sẽ giữ chức tổng thống. Nhưng ngày hôm nay, lá thư này làm cho nhiều người có cảm giác vui buồn lẫn lộn -- trong lúc các nhà lập pháp, với những chiếc áo khoác màu vàng của Liên minh Dân chủ Toàn quốc (NLD), tiến vào phòng họp của Hạ viện và Thượng viện.

Đảng Liên minh Dân chủ Toàn quốc giành được thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử tháng 11 vừa qua. Nhưng một điều khoản trong hiến pháp do quân đội soạn thảo không cho bà Suu Kyi giữ chức tổng thống vì những người con của bà có quốc tịch nước ngoài.

Dân biểu Nay Myo Htet là một ca sĩ nổi tiếng trước khi bước vào chính trường. Ngay sau khi đọc xong bức thư của bà Suu Kyi mà phóng viên VOA đưa cho ông xem tại trụ sở Hạ viện, ông Htet nói “Tôi rất buồn. Bà ấy là người thích hợp để làm tổng thống. Nhưng tôi cũng hy vọng một ngày nào đó bà sẽ lên giữ chức tổng thống”.

Sau khi lá thư của bà Suu Kyi được phổ biến, Hạ viện do đảng NLD kiểm soát, đã chọn ông Htin Kyaw của đảng họ làm ứng viên phó tổng thống. Ông Htin Kyaw là người thân tín của bà Suu Kyi. Thượng viện, cũng do đảng NLD kiểm soát, đã chọn ông Henry Van Hti Yu từ tiểu bang Chin làm ứng viên phó tổng thống.

Bà Zin Mar Aung, một nhà lập pháp thuộc đảng NLD cho đài VOA biết rằng ông Htin Kyaw từng phục vụ tại hai bộ trong chính phủ và là người có phần chắc sẽ được bầu làm tổng thống, tuy không phải là một người nổi tiếng. Bà nói “Ông ấy có rất nhiều kinh nghiệm trong việc điều hành guồng máy thư lại”.

Quân đội được dành riêng 25% số ghế tại quốc hội và các nhà lập pháp của họ hôm nay đã họp bên ngoài trụ sở quốc hội để chọn ứng viên phó tổng thống.

Tổng cộng 5 ứng viên phó tổng thống sẽ được chọn trước một khi quá trình sàng lọc được thực hiện để chọn ra 3 ứng viên vào vòng chung kết.

Toàn thể quốc hội dự kiến sẽ biểu quyết vào ngày 18 tháng 3 để quyết định người nào trong 3 ứng viên đó là người giữ chức tổng thống. Hai ứng viên còn lại sẽ giữ chức phó tổng thống.

Các nguồn tin trong đảng NLD cho đài VOA biết rằng các nhà lập pháp của đảng đã được chỉ thị bỏ phiếu cho ông Htin Kyaw làm tổng thống.

Cuộc tổng tuyển cử năm ngoái là cuộc bầu cử đầu tiên kể từ khi một chính phủ trên danh nghĩa là chính phủ dân sự được thành lập năm 2011, sau nhiều thập niên Myanmar nằm dưới sự cai trị độc tài của quân đội. Sau cuộc bầu cử đó, bà Suu Kyi cho biết bà sẽ điều hành chính phủ và nói rằng bà sẽ là người “bên trên tổng thống” .

Điều đó có phần chắc sẽ làm cho ông Htin Kyaw bị dán nhãn hiệu là tổng thống bù nhìn, một việc mà một số nhà lập pháp của NLD xem là không thể tránh được vì những sự hạn chế trong hiến pháp hiện hành làm cho bà Suu Kyi không thể giữ chức tổng thống.

Các cuộc họp kín trong những tuần vừa qua giữa bà Suu Kyi và quân đội đã làm bùng ra những lời đồn đoán là đôi bên có thể đạt được một thoả hiệp để ngưng áp dụng điều khoản trong hiến pháp không cho bà làm tổng thống. Bây giờ thì rõ ràng là sự đồn đoán đó không đúng. Nhưng lại có đồn đoán là bà Suu Kyi có thể yêu cầu để cho bà giữ chức bộ trưởng ngoại giao.

Tân chính phủ sẽ nhậm chức vào ngày 1 tháng 4. - VOA
|
|

2.
TQ: Các quốc gia không liên quan nên tránh làm ‘dậy sóng’ Biển Đông --- Tình báo Mỹ nói về việc quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông

Một bài bình luận của Tân Hoa Xã viết rằng gần đây, khu vực Biển Đông vốn yên bình đã bị khuấy động khi một số quốc gia bận rộn mở rộng sự hiện diện và phô trương sức mạnh quân sự trong khu vực.

Các hoạt động nguy hiểm và vô trách nhiệm như vậy sẽ chỉ đặt sự ổn định của khu vực trước rủi ro, và lời khuyên cho một số quốc gia bên ngoài khu vực Biển Đông là tránh gây rối và hành động cho các lợi ích chính trị của họ.

Các phương tiện truyền thông cho biết hôm thứ Hai rằng, Lực lượng Phòng vệ biển của Nhật Bản có kế hoạch đưa một tàu ngầm và hai tàu chiến tới vịnh Subic ở Philippines vào tháng tới, và sau đó các tàu chiến này sẽ tới vịnh Cam Ranh ở Việt Nam.

Theo Tân Hoa Xã, đây sẽ là lần đầu tiên trong vòng 15 năm, một tàu ngầm Nhật Bản đến Philippines, nhưng rõ ràng không phải là lần đầu tiên Tokyo có ý định làm dậy sóng Biển Đông bằng cách mở rộng phạm vi quân sự ở vùng chiến lược quan trọng phía tây Thái Bình Dương.

Mặc dù Nhật Bản không có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông nhưng những năm gần đây Tokyo đã thông qua một cách tiếp cận gia tăng dân sự can thiệp trên biển để đối đầu với Trung Quốc.

Để tăng cường sự hiện diện quân sự của mình trong khu vực, Nhật Bản đã tổ chức các cuộc thảo luận với một số quốc gia châu Á về hợp tác quốc phòng.

Trong khi đó, Tokyo và Manila đã tham gia đàm phán để tàu chiến và máy bay quân sự của Nhật Bản có quyền vào căn cứ quân sự của Philippines.

Các báo cáo gần đây cũng tiết lộ rằng Nhật Bản có ý định tặng ba máy bay Beechcraft TC-90 King Air cho Philippines.

Máy bay chiến đấu TC-90 có bán kính hoạt động gấp hai lần những chiếc cùng loại của Hải quân Philippines và sẽ có thể bay tới hầu hết quần đảo Trường Sa. Manila sẽ sử dụng những máy bay này để thực hiện nhiệm vụ tuần tra trên không ở Biển Đông.

Xinhua viết rằng, thay vì những nỗ lực thiết thực để cải thiện quan hệ với Trung Quốc, chính quyền Nhật Bản rõ ràng quan tâm đến việc làm sâu sắc hơn mối quan hệ chiến lược với các quốc gia láng giềng sa lầy trong tranh chấp Biển Đông.

Những động thái can thiệp như vậy sẽ chỉ có tác động tiêu cực đến tình hình an ninh khu vực, đặc biệt là sự tham gia quân sự từ những quốc gia bên ngoài, có khả năng làm giảm mong muốn giải quyết tranh chấp lâu dài của các quốc gia trong khu vực thông qua đối thoại và đàm phán, do đó, tăng khả năng đối đầu và sử dụng lực lượng quân sự.

Hãng tin nhà nước Trung Quốc cho rằng tình trạng vốn phức tạp ở Biển Đông đòi hỏi phải tỉnh táo và kiềm chế, thay vì tham gia tùy ý với những động cơ ích kỷ, mà sẽ chỉ khuấy động rắc rối, và cuối cùng là gây nguy hiểm cho sự ổn định khu vực và làm tổn thương lợi ích của tất cả các quốc gia trong khu vực.

Trong một động thái mới nhất, Bộ Giáo dục Đài Loan có kế hoạch đưa các sinh viên đại học đến đảo Đông Sa trong khu vực tranh chấp Biển Đông để tìm hiểu thêm về môi trường sinh thái. Chương trình được thực hiện với sự hợp tác của Cục Cảnh sát biển, Bộ Quốc phòng, và Bộ Nội vụ.

Một số quốc gia, bao gồm Đài Loan, Trung Quốc, Philippines, Brunei, Malaysia và Việt Nam, có tuyên bố chủ quyền một phần hoặc toàn bộ Biển Đông và các đảo nhỏ. - VOA

***
Hoạt động xây dựng lực lượng quân sự của Trung Quốc trên các đảo có tranh chấp ở Biển Đông đã gần hoàn tất và giúp cho kế hoạch của Bắc Kinh nhằm nhanh chóng phô trương sức mạnh trong khu vực. Đây là nhận định của Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper nêu ra trong một văn bản phân tích tình báo gửi đến Quốc hội hôm 23/2 và được trang tin USNI News của Viện Hải quân Mỹ đăng tải hôm 9/3.

Ông Clapper cho hay Trung Quốc đã gần hoàn tất các tiền đồn chính trên các đá hoặc đảo nhỏ nằm trong vòng tranh chấp của một số nước, trong đó có Việt Nam. Ông nói: “Căn cứ vào tốc độ và quy mô xây dựng các tiền đồn này, Trung Quốc sẽ có thể triển khai một loạt các năng lực tấn công và phòng thủ quân sự và trợ giúp cho sự gia tăng hiện diện của Hải quân và Tuần duyên của Trung Quốc bắt đầu từ năm 2016”.

Ông bổ sung rằng “một khi các cơ sở này hoàn tất vào cuối năm 2016 hay đầu năm 2017, Trung Quốc sẽ có năng lực đáng kể để nhanh chóng phô trương sức mạnh tấn công quân sự rõ rệt trong khu vực”.

Phân tích tình báo này trái ngược hẳn với những tuyên bố của chính phủ Trung Quốc rằng các hoạt động quân sự của họ ở Biển Đông có tính phòng thủ, hạn chế và không nhằm bá quyền quân sự trong khu vực.

Bản phân tích nhận xét: “Chúng tôi đánh giá rằng Trung Quốc đã thiết lập hạ tầng cơ sở cần thiết để thể hiện năng lực quân sự ở Biển Đông vượt mức cần có để phòng vệ cho các tiền đồn của họ”.

Ông Clapper cũng nói Trung Quốc có phần chắc sẽ tiếp tục xây dựng hạ tầng cơ sở ở các tiền đồn trên Biển Đông.

Đoạn phân tích này nằm trong phần không được phân loại là bí mật trong một bản phân tích chi tiết hơn gửi đến Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện, Thượng nghị sỹ John McCain. Ông McCain đã đề nghị phải có đánh giá về tác động của hoạt động xây đảo của Trung Quốc.

Tuần trước Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter nói trong một bài phát biểu rằng các nỗ lực của Trung Quốc nhằm quân sự hóa Biển Đông đang làm tăng nguy cơ xung đột. “Các hoạt động này có tiềm năng tăng nguy cơ tính toán sai lầm hoặc xung đột giữa các nước có tuyên bố chủ quyền. Trung Quốc không được theo đuổi việc quân sự hóa ở Biển Đông. Các hành động cụ thể sẽ có các hậu quả cụ thể”, ông Carter nói.

Giám đốc Tình báo Quốc gia Clapper nói trong văn bản kể trên rằng dường như Trung Quốc đang chuẩn bị cho việc triển khai chiến đấu cơ, hỏa tiễn địa đối không, hỏa tiễn chống hạm duyên hải tại các tiền đồn ở Biển Đông. Dự kiến cũng sẽ có thêm các tàu hải quân và tuần duyên của Trung Quốc được triển khai. Radar cảnh báo quân sự, bắt và bám mục tiêu cũng đang được bổ sung.

Trung Quốc đã tôn tạo 3.200 mẫu Anh trên các đảo nhân tạo và ông Clapper cho hay phân tích tình báo ước tính họ có thể tăng thêm 1.000 mẫu Anh trên các thực thể Chữ Thập, Vành Khăn và Subi. “Chúng tôi đánh giá thêm rằng các thực thể chìm ở 4 bãi cạn nhỏ hơn có đủ điều kiện cho việc bồi đắp”, ông nói.

Ông Clapper cũng cho biết Trung Quốc dường như đang xây dựng các kho nhiên liệu và cơ sở hậu cần tại các cảng trong quần đảo Trường Sa. Ông nói đến nay chưa thấy máy bay của không quân hay hải quân Trung Quốc ở vùng Trường Sa mặc dù máy bay dân sự đã hạ cánh trên Đá Chữ Thập hồi tháng 1. Tuy nhiên, ông nhận xét: “Căn cứ vào điều này, chúng tôi đánh giá rằng đường băng trên Đá Chữ Thập hoạt động bình thường và có thể tiếp nhận mọi máy bay quân sự Trung Quốc”.

Tháng trước, chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Harry Harris nói với các nhà báo rằng Trung Quốc đang ráo riết tìm kiếm bá quyền ở Biển Đông với việc sử dụng cái mà ông gọi là “các căn cứ quân sự” trên các đảo nhân tạo mới. Ông Harris cũng cảnh báo Trung Quốc chớ có thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên vùng biển, một động thái ông cho là sẽ “gây mất ổn định và khiêu khích”. - VOA
|
|

3.
Biểu tình chống cải cách lao động ở Pháp

Hàng chục ngàn người Pháp đã xuống đường biểu tình trên khắp nước hôm thứ Tư phản đối các đề xuất về cải cách lao động, trong một dấu hiệu mọi chuyện đang trở lại bình thường sau các cuộc tấn công khủng bố hồi năm ngoái.

Những người biểu tình Pháp quay trở lại Place de La Republique. Lần này không phải để tuần hành chống khủng bố, nhưng là để chống lại các cải cách về lao động do chính phủ cánh tả đề xuất. Cuộc biểu tình của các công nhân đường sắt góp phần thêm vào sự bất ổn xã hội.

Nhiều người tham gia tuần hành là sinh viên, giống như cô Juliette, 17 tuổi, đang lo mất các khoản phụ trội lâu năm dành cho lao động khi cô bước vào thị trường việc làm.

Cô Juliette nói: “Họ đang giết chết các quyền lợi của chúng tôi. Chúng tôi là những công nhân tương lai. Do đó chúng tôi tới đây để đòi quyền lợi của mình”.

Âm thanh của một vài tiếng pháo làm cho một số người tham gia giật mình. Các biện pháp khẩn cấp đã được áp đặt sau các vụ tấn công khủng bố hồi tháng 11 tại đây tạm thời cấm tuần hành công cộng. Tình trạng của lệnh khẩn cấp này vẫn còn hiệu lực, nhưng mọi người bây giờ có thể tuần hành…với sự canh phòng của cảnh sát…

Nhiều người nói họ không lo sợ. Sonia và Thomas Aziza đang ở đây với 2 đứa con.

Cô Sonia nói: “Chúng tôi không sợ gì cả, không có vấn đề gì. Cuộc sống vẫn tiếp diễn và chúng ta không phải thay đổi lối sống của mình ở Paris”.

Tổng thống Francois Hollande đã ra tái đắc cử với lời hứa sẽ cắt giảm tỉ lệ thất nghiệp. Các kinh tế gia, như giáo sư kinh doanh Tomasz Mikalski, cho rằng những cải cách, nhằm tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các doanh nghiệp thuê mướn và sa thải nhân công, là một trong số các vấn đề quan trọng khác.

Giáo sư Mikalski nói: “Pháp là nước cuối cùng trong số các quốc gia lớn trong Liên hiệp châu Âu chưa có một cải cách về lao động nào trong những năm gần đây”.

Những người biểu tình cho rằng chính phủ cánh tả đã phản bội họ. Nhưng các chủ doanh nghiệp phần lớn ủng hộ các cải cách. Các công đoàn thì bị chia rẽ… trong khi có bên thậm chí muốn cải cách nhiều hơn nữa. Tất cả đều sẽ dẫn tới sự bất ổn hơn ở Pháp trong những tháng sắp tới. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Ông Biden chỉ trích người Palestine về vụ tấn công giết chết người Mỹ

Chuyến thăm Israel và Palestine của Phó tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã bị lu mờ vì bạo lực.

Phó tổng thống Joe Biden chỉ trích nhà cầm quyền Palestine về sự im lặng sau khi xảy ra vụ tấn công bằng dao của người Palestine hôm thứ Ba tại Jaffa, gần Tel Aviv. Một du khách người Mỹ đã bị thiệt mạng và 10 người khác bị thương.

“Tôi nói một cách cả quyết rằng: Nước Mỹ lên án những hành động này và lên án việc không lên án những hành động đó”.

Đảng Fatah cầm quyền Palestine đã tán dương vụ tấn công, mô tả kẻ tấn công đã bị giết bởi cảnh sát là “anh hùng tử vì đạo”.

Vụ việc là một phần trong làn sóng tấn công của người Palestine dùng dao, súng hay đâm xe nhắm vào người Israel xảy ra gần như mỗi ngày trong suốt 6 tháng qua. Nhà cầm quyền Palestine nói các vụ tấn công là gốc rễ đáp trả cho gần 50 năm chiếm đóng của người Israel ở Bờ Tây và Đông Jerusalem.

Nhưng, với phát biểu cạnh Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, ông Biden nói không có lý do gì để biện minh cho chủ nghĩa khủng bố và những lời lẽ kích động.

Ông Biden nói: “Đây không thể được xem là cách hành xử thích hợp của các nhà lãnh đạo văn minh. Nó không được chấp nhận trong thế kỷ 21”.

Ông Biden đã đích thân mang thông điệp này đến Bờ Tây, nơi ông gặp gỡ Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Đại sứ các nước tại Việt Nam sẽ thăm hang Sơn Đoòng vào tháng 5

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Nhân quyền và Lao động, ông Tom Malinowski, sẽ cùng với 10 đại sứ tại Việt Nam của các nước như Mỹ, Úc, Canada, Thụy Điển, Argentina, Italy… khám phá hang Sơn Đoòng, là hang động được xem là lớn nhất thế giới hiện nay, vào tháng 5 tới.

Các giới chức ở Quảng Bình cho báo giới biết chương trình khám phá hang Sơn Đoòng được thiết kế dành riêng cho đại sứ các nước tại Việt Nam với sự phối hợp của Ban thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và công ty Oxalis.

Trước khi tham gia vào chương trình, đại sứ các nước sẽ được huấn luyện để bảo đảm sức khỏe và kỹ năng cần thiết cho chuyến đi. Chi phí chuyến đi sẽ do các đại sứ tự trả. Được biết, hiện một tour thám hiểm, khám phá Sơn Đoòng có giá vé đến 3.000 đôla/người. Mỗi tour chỉ giới hạn 8 khách và có hơn 30 người phục vụ.

Hang Sơn Đoòng thuộc quần thể hang động Phong Nha – Kẻ Bàng, thuộc xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Đây được xem là hang động tự nhiên lớn nhất thế giới từng được phát hiện cho tới nay.

Một phim tài liệu về hang Sơn Đoòng của đài ABC của Mỹ tuần rồi đã thắng giải phim tài liệu và tin tức tại Liên hoan phim New York Drone Film Festival.

Hang Sơn Đoòng gần đây còn nổi tiếng vì được đoàn làm phim King Kong 2 của Hollywood chọn lựa cho các cảnh quay trong bộ phim lớn này. Tuy nhiên, việc thực hiện quay phim ở hang động nổi tiếng này đã bị loại vào phút chót vì các nhà làm phim Mỹ muốn bảo vệ môi trường nguyên sơ của Sơn Đoòng.

Các giới chức Quảng Bình nói việc tổ chức tour dành riêng cho đại sứ các nước là nhằm để quảng bá hình ảnh Di sản Thiên nhiên Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, nơi được mệnh danh là “vương quốc của hang động”. - VOA
|
|

6.
Việt Nam chuẩn bị chuyển giao lãnh đạo

Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam họp bàn về vị trí Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội từ hôm 10/3.

Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản khóa XII kéo dài từ 10 đến 12/3 tại Hà Nội.

Một nội dung chính là bàn về việc "giới thiệu nhân sự lãnh đạo cấp cao của các cơ quan nhà nước", Thông tấn xã Việt Nam đưa tin.

Phát biểu khai mạc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: "Tại Hội nghị lần này, Bộ Chính trị trình Trung ương quyết định việc giới thiệu nhân sự ứng cử các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội là những chức danh lãnh đạo cao nhất của Nhà nước ta, đồng thời báo cáo xin ý kiến Trung ương trước khi Bộ Chính trị chính thức giới thiệu nhân sự đối với các chức danh khác để Quốc hội xem xét, bầu hoặc phê chuẩn theo thẩm quyền."

Ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói việc quyết định nhân sự này nhằm "bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, hài hòa của Đảng trên các lĩnh vực, địa bàn và tạo ra sức mạnh tổng hợp chung".

Thông tin về Hội nghị được đưa ra một ngày sau khi Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thông báo Quốc hội Việt Nam sẽ "xem xét và quyết định về công tác nhân sự Nhà nước" từ ngày 4-16/4/2016 trong kỳ họp 11 khóa XIII.

Kỳ họp 11 sẽ kéo dài từ 25/3 tới 16/4, trong đó nhân sự Nhà nước là một trong các chủ đề chính chiếm hơn một nửa thời lượng.

Thông tin này càng làm dấy lên đồn đoán rằng có thể một số chức vụ chính trong Chính phủ sẽ được chuyển giao sớm trước thời hạn.

Thông thường phải sau bầu cử Quốc hội thì mới quyết định nội các mới tuy các nhân vật chủ chốt do Đảng CSVN quyết định đã được chọn lọc từ Đại hội Đảng diễn ra trước đó.

Ý kiến

Trên mạng xã hội, nhiều ý kiến cho rằng việc giới thiệu nhân sự cao cấp sớm là "vi hiến". Facebooker tên Trần Đại Việt nói: "Sự chỉ đạo sắp xếp các nhân sự của bộ máy khi chưa diễn ra bầu cử là vi hiến, là biến cử tri thành con rối"

Một Facebooker khác viết đây là hành động "vi phạm Hiến pháp: đó là thực hiện cuộc chuyển giao quyền lực sớm sủa, trước khi Quốc hội mới được bầu vào ngày 22/5 sắp tới."

Trả lời BBC Tiếng Việt, ông Nguyễn Quang A nói: "Tôi nghĩ rằng đấy cũng không có gì sớm cả. Đã có nhiều lần xảy ra tương tự như thế."

"Thực sự Quốc hội bất kể lúc nào đều có quyền cho nghỉ hoặc thay đổi hoặc bổ nhiệm mới bất kể chức danh nào từ chức danh chủ tịch nước, thủ tướng đến các bộ trưởng. Đó là chuyện trong thẩm quyền của quốc hội và đã xảy ra một số lần, và không cần phải đợi đến khi quốc hội mới được bầu vào ngày 22/5 và họp phiên họp thành lập đầu tiên vào khoảng tháng Bảy."

"Thời ông Phan Văn Khải đã xảy ra trường hợp như thế. Và trước đó cũng xảy ra trường hợp tương tự. Theo tôi thì không có gì là vi hiến ở đây cả, theo đúng Luật Tổ chức của Quốc Hội là như vậy." - ông Quang A giải thích.

Ông Quang A nói "chẳng có gì là bất ngờ cả".

"Ngay sau Đại hội 12 kết thúc thì chỉ vài ngày người ta cũng đã đồn lên là chính ông Nguyễn Tấn Dũng muốn có một sự chuyển quyền càng nhanh càng tốt.

"Người ta đã thực sự cử ông phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, và ông Bộ trưởng Đinh La Thăng làm việc khác. Và như thế chắc chắn phải có ai đó thế cho ông Hoàng Trung Hải và ông Đinh La Thăng.

Và việc thay toàn bộ dàn lãnh đạo của nhà nước là có thể xảy ra trong vài tuần nữa vào lúc quốc hội sắp sửa họp. Cũng có người nói phải đợi đến hết nhiệm kỳ mới bổ nhiệm những người lãnh đạo mới trong nhiệm kỳ mới." - BBC
|
|

7.
Hải quân Việt Nam sử dụng ‘tàu buồm hiện đại nhất thế giới’ --- Cứu sống 5 ngư dân bị 'tàu lạ' đâm ở Hoàng Sa

Hải quân Việt Nam hôm nay đã tổ chức lễ thượng cờ, chính thức đưa vào hoạt động tàu buồm huấn luyện 286 Lê Quý Đôn.

Tàu mà truyền thông Việt Nam nói là “hiện đại nhất thế giới” sẽ “giúp hải quân huấn luyện, bảo vệ biển đảo tổ quốc”.

Đây là tàu buồm huấn luyện đầu tiên được đóng mới của hải quân Việt Nam, dưới sự giám sát của tổ hợp công nghiệp quốc phòng Ba Lan.

Tàu biên chế 30 người và có thể phục vụ 80 học viên đi thực tập đường dài; kết hợp thực hiện các hoạt động ngoại giao với các nước trong khu vực ASEAN và có thể hoạt động được trong mọi điều kiện thời tiết.

Trong khi đó, tại Việt Nam hôm nay cũng diễn ra lễ hạ thủy tàu đánh cá vỏ thép đầu tiên của ngư dân Đà Nẵng, trị giá hơn 10 tỷ đồng.

Tàu An Nam, số hiệu ĐNa 90777 TS, của ngư dân Trần Văn Mười (trú phường Mân Thái, quận Sơn Trà) là tàu vỏ thép đầu tiên của ngư dân Đà Nẵng được đóng mới theo chương trình vay vốn ưu đãi phục vụ hoạt động đánh bắt hải sản xa bờ của chính phủ Việt Nam.

Các hoạt động trên của Việt Nam diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang mạnh mẽ khẳng định chủ quyền ở biển Đông, và nhiều lần được cho là cố tình đâm vào tàu của Việt Nam. - VOA

***
5 ngư dân trên tàu cá Khánh Hòa bị đâm chìm ở vùng biển Hoàng Sa đã được một tàu cá cứu sau hai ngày trôi dạt trên biển.

Báo chí trong nước dẫn lời Bộ đội Biên phòng Khánh Hòa cho biết đã tiếp cận, đưa 5 ngư dân từ thuyền thúng lên tàu để chăm sóc sức khỏe và đang trên hải trình quay về bờ Khánh Hòa.

Một ngày trước đó, Việt Nam đã gửi công hàm đến Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội để đề nghị cùng cứu nạn 5 ngư dân trên tàu bị chìm ở quần đảo tranh chấp Hoàng Sa.

Ngoài ra, tin cho hay, Cục Lãnh sự thuộc Bộ Ngoại giao cũng đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc thông báo tới các cơ quan sở tại để phối hợp xác minh thông tin, tìm kiếm, cứu nạn các ngư dân.

Theo báo chí Việt Nam, tàu cá mang số hiệu KH 96440 TS của tỉnh Khánh Hòa với 5 ngư dân trên khoang đã bị chìm tại khu vực cách đảo Linh Côn thuộc quần đảo Hoàng Sa 41 hải lý về hướng Đông Nam.

Vụ chìm tàu xảy ra sau khi tàu cá của ngư dân Việt va chạm với tàu khác. Hiện chưa rõ “tàu khác” này là của nước nào.

Đây không phải là lần đầu tiên tàu cá của ngư dân Việt Nam gặp nạn vì “tàu lạ” khi đi đánh bắt trên biển Đông.

5 thuyền viên đã kịp bám vào thuyền thúng, chờ cứu hộ và trôi tự do trên biển.

Hôm 9/3, bà Lê Thị Hằng, vợ của ông Tèo chủ tàu bị chìm, nói với VOA Việt Ngữ rằng gia đình bà “đang rất lo lắng về số phận của năm ngư dân lênh đênh trên biển cả”. - VOA

No comments:

Post a Comment