Tuesday, March 8, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Ba 8/3

Tin Thế Giới

1.
Trung Quốc lại cảnh cáo Mỹ về Biển Đông

Trung Quốc khẳng định không "quân sự hóa" Biển Đông bằng những nước khác, đồng thời cảnh cáo Mỹ sẽ trả giá đắt như đã từng bị trong chiến tranh Việt Nam và Triều Tiên.

Trên đây là tuyên bố của ngoại trưởng Vương Nghị trong cuộc họp báo bên lề kỳ họp của Quốc Hội Trung Quốc hôm nay, 08/03/2016, được Tân Hoa Xã trích dẫn.

Ông Vương Nghị tuyên bố rằng đòi hỏi của một quốc gia khác về tự do hàng hải ở Biển Đông không có nghĩa là cho họ quyền muốn làm gì thì làm ở vùng này. Rõ ràng là ngoại trưởng Trung Quốc ám chỉ Hoa Kỳ, sau khi Washington gởi nhiều chiến hạm, và gần đây nhất là hàng không mẫu hạm USS John C. Stennis đến vùng Biển Đông. Lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng Bắc Kinh có chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông và sẽ không cho phép những nước khác xâm phạm các quyền của Trung Quốc trên vùng biển này.

Ông Vương Nghị còn bác bỏ lời cáo buộc rằng Trung Quốc đang quân sự hóa Biển Đông khi xây dựng các cơ sở trên những đảo nhân tạo và khẳng định những công trình đó hoàn toàn mang tính phòng thủ. Theo lời ngoại trưởng Trung Quốc, chính những nước khác mới quân sự hóa Biển Đông.

Vào tháng trước, Việt Nam đã phản đối Trung Quốc sau khi có thông tin về việc Bắc Kinh triển khai các tên lửa địa đối không trên đảo Phú Lâm, Hoàng sa. Nhưng theo quan điểm của Bắc Kinh, hành động quân sự hóa vùng này có thể bao gồm việc Hoa Kỳ cấp tàu chiến cũ cho Philippines để tăng cường khả năng của lực lượng hải quân nước này và việc Manila ký hiệp định tương tự với Tokyo. Hôm qua, báo chí loan tin là vào tháng tới, một tàu ngầm của Nhật sẽ ghé thăm Philippines lần đầu tiên từ 15 năm qua. Vào tuần trước, Hoa Kỳ thông báo là Ấn Độ sẽ tham gia tập trận chung với Mỹ và Nhật ở gần Biển Đông trong năm nay.

Cũng trong ngày hôm nay, tờ The Straits Times của Singapore trích dẫn lời của đại sứ Trung Quốc tại Washington tuyên bố rằng Mỹ có thể sẽ trả « một giá rất đắt », như đã từng hứng chịu trong chiến tranh Việt Nam và chiến tranh Triều Tiên, nếu ở vùng Biển Đông, Hoa Kỳ lại phạm những sai lầm như trước đây. - RFI
|
|

2.
Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu EU cấp thêm 3 tỉ đôla để ngăn dòng di dân

Ankara muốn Liên minh châu Âu tăng gấp đôi viện trợ mà khối này đang cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ để đối phó với cuộc khủng hoảng di dân, Chủ tịch Nghị viện châu Âu cho biết hôm thứ Hai.

Trong khi những đại diện của EU bàn về cuộc khủng hoảng với những người tương nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ tại một hội nghị thượng đỉnh ở Brussels và hàng ngàn người vẫn bị mắc kẹt ở biên giới Hy Lạp-Macedonia, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu thêm 3,3 tỉ đôla để giúp hạn chế dòng di dân đổ vào lục địa này.

Tháng 11 vừa qua, EU đã đồng ý cấp cho Ankara 3,3 tỉ đôla để giúp ứng phó với cuộc khủng hoảng người tị nạn.

Hãng tin Reuters cho hay bản dự thảo thỏa thuận EU-Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đồng ý để tạm thời nhận lại "tất cả di dân bất thường" đến những hòn đảo của Hy Lạp từ Thổ Nhĩ Kỳ. Đổi lại, EU sẽ dỡ bỏ yêu cầu thị thực đối với công dân Thổ Nhĩ Kỳ trước cuối tháng 6 và đẩy nhanh quá trình cho Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU.

Những nước từ Macedonia trở lên phía bắc đã đóng biên giới của họ, ngăn người dân chủ yếu từ Syria, Afghanistan và Iraq đi đến Đức và những nước Bắc Âu thuộc vùng Scandinavia.

Gần một triệu người lũ lượt đến Hy Lạp bằng đường biển kể từ đầu năm 2015 đã khiến các nhà lãnh đạo châu Âu tìm cách thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ ngăn di dân lần theo tuyến đường nguy hiểm cũng như nhận lại hàng ngàn người không đủ điều kiện xin tị nạn ở EU.

Thổ Nhĩ Kỳ đang cho lưu trú hơn 2,7 triệu người tị nạn từ Syria, và cũng như những nước châu Âu và những nước láng giềng khác của Syria, vẫn phải vật lộn với gánh nặng cung cấp những dịch vụ cho những người này.

NATO hôm Chủ nhật thông báo đang triển khai tàu tới Biển Aegea để giúp Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ "giải quyết nạn buôn người và những mạng lưới tội phạm góp phần gây nên cuộc khủng hoảng này."

Anh cho biết họ đang gửi một số tàu trong lực lượng của NATO.

25 di dân chết đuối hôm Chủ nhật trong khi cố gắng tới Hy Lạp từ Thổ Nhĩ Kỳ. Lực lượng tuần duyên Thổ Nhĩ Kỳ kéo được 15 người khác lên đến nơi an toàn.

Tổ chức Di cư Quốc tế cho biết hơn 400 người đã thiệt mạng trong năm nay trong khi tìm cách đến châu Âu bằng đường biển. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Mỹ: Hơn 150 chiến binh al-Shabab bị ‘tiêu diệt’

Ngũ Giác Đài cho biết một cuộc không kích của Mỹ ở miền trung Somalia đã tiêu diệt hơn 150 kẻ chủ chiến al-Shabab đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công quy mô lớn.

Phát ngôn viên Ngũ Giác Đài, Đại úy Jeff Davis, nói với báo giới hôm thứ Hai rằng cuộc tấn công hồi cuối tuần qua nhắm mục tiêu vào một trại huấn luyện của al-Shabab khoảng 195 kilômét về phía bắc thủ đô Mogadishu. Ông cho biết cả máy bay có người lái và không người lái đều được sử dụng trong cuộc không kích.

Ông Davis cho biết Mỹ trước đó đã biết là những chiến binh này chuẩn bị rời trại, và "đề ra một mối đe dọa tức thì" cho những lực lượng của Mỹ và Liên minh châu Phi ở Somalia.

"Những đánh giá ban đầu là có hơn 150 chiến binh khủng bố đã bị tiêu diệt" trong cuộc tấn công, ông nói.

Chỉ huy quân đội Somalia trong khu vực, Đại tá Mohamed Omar, thì nói có 69 kẻ chủ chiến tử vong và 42 người bị thương, dẫn ra những báo cáo của người dân địa phương. Ông Omar nói thêm ông dự kiến là con số thương vong sẽ tăng lên.

Những nhân chứng kể với Ban tiếng Somalia của VOA rằng các cuộc không kích đánh trúng trại huấn luyện Raso của al-Shabab giữa làng Dharyiow và El-Dibi ở miền trung vùng Hiran. Những nhân chứng cho hay máy bay lượn qua  trại này hay lần, mỗi lần bắn ba phi đạn.

Theo người dân địa phương, những chỉ huy al-Shabab đang ở trong trại để theo dõi buổi tốt nghiệp của hàng trăm tân binh khi những cuộc không kích xảy ra. Không có tin ngay tức thì cho biết có bất kỳ thủ lĩnh cao nhất nào của al-Shabab nằm trong số những người thiệt mạng hay không.

Phát ngôn Ngũ Giác Đài Davis cho biết Mỹ đã theo dõi trại này vài tuần trước khi tấn công.

Những quan chức quân đội Somalia tin rằng những tân binh đang được chuẩn bị cho những vụ tấn công ở Hiran và trong vùng Trung Shabelle của Somalia.

Mỹ có một số nhỏ những cố vấn ở Somalia để giúp đỡ lực lượng Liên minh châu Phi AMISOM đang chiến đấu với al-Shabab. Nhóm chủ chiến Hồi giáo này vẫn đang chiến đấu để lật đổ chính phủ Somalia kể từ năm 2007.

Mỹ đã phát động nhiều cuộc không kích nhắm vào nhóm này, trong đó có một cuộc không kích giết chết lãnh đạo lâu năm của nhóm, Ahmed Abdi Godane, vào tháng 9 năm 2014. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

4.
David Dương: 'Sao moi lại việc đã xử lý xong'

Một nhà đầu tư người Mỹ gốc Việt nói chính quyền TP HCM cần “minh bạch”, không để nhà đầu tư “phải đối phó với những việc đã qua, đã xử lý xong”.

Ông David Dương, người có biệt danh “vua rác”, có Dự án Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước ở TP HCM và Khu công nghệ Môi trường xanh ở Long An.

Tuy vậy, vào tháng Hai 2016, một số tờ báo Việt Nam nhắc lại vụ “9 triệu đôla” năm 2005.

Tờ Lao Đông ngày 28/2 viết: “Ngay từ khi Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam (viết tắt Cty VWS) chưa có bãi chôn lấp, nhà máy xử lý rác tại Khu Liên hợp Xử lý chất thải rắn Đa Phước (xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP.HCM) thì UBND TP.HCM đã dùng tiền ngân sách ứng trước cho Cty VWS số tiền 9 triệu USD để xây cầu và hạ tầng cơ sở cho dự án. Tuy nhiên, theo tờ trình của Sở KHĐT TP.HCM, kinh phí xây cầu chỉ ...hơn 537 ngàn USD.”

Tờ báo giải thích: “Ngày 12.7.2005, trong công văn gửi Bộ KHĐT (liên quan đến dự án của Cty VWS) cho biết đã đồng ý cung cấp 128 ha đất tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh để phát triển dự án, trả trước phí xử lý rác 9 triệu USD để xây dựng cây cầu và cơ sở hạ tầng.”

“Ngày 30.12.2013, khi một phó chủ tịch khác của UBND TP.HCM yêu cầu báo cáo về các khoản vốn đầu tư tăng thêm để xin điều chỉnh giấy phép đầu tư của Cty VWS, Sở KHĐT TP.HCM đã làm tờ trình, trong đó có hạng mục xây dựng cầu chỉ tốn hơn 11 tỷ đồng (tương đương hơn 537 ngàn USD).”

Trả lời cộng tác viên của BBC tại California, Trần Nhật Phong, ông David Dương nói:

“Việc này đã nói đi nói lại nhiều năm qua, đã được xử lý xong. Nhưng chính quyền khi giải quyết lại không minh bạch hóa ra ngoài công chúng.

“Mỗi một lần khi có lãnh đạo mới của sở ngành nào hoặc lãnh đạo mới của thành phố lên, việc này lại moi trở ra bởi ai đó.”

Ông Dương nói tiếp: “Tại sao hôm nay lại moi ra, bởi vì thành phố mới thay đổi, có chủ tịch, bí thư mới.”

Ông phàn nàn: “Rất nhiều việc, đã giải quyết xong nhưng không được minh bạch hóa, nên người ta đánh lận con đen, moi đi moi lại.”

Ông Dương cho rằng điều này “vô hình chung làm chậm sự phát triển của thành phố và của nhà đầu tư”.

“Thay vì chúng tôi lo tiếp tục đầu tư, lại phải bỏ thời gian đối phó những việc đã qua, đã xử lý nhiều năm qua.” - BBC
|
|

5.
Vụ đóng kênh VTV: YouTube lên tiếng

YouTube vừa có phản hồi về cuộc tranh chấp đang tiếp diễn giữa kênh Yamaha Trung Tá và Đài Truyền hình Việt Nam.

Trả lời điện thư của BBC, người phát ngôn của YouTube Laurian Clemence bình luận hôm 7/3:

"YouTube có các công cụ quản lý nội dung và bản quyền vốn cho phép người giữ bản quyền kiểm soát nội dung trên YouTube.

"Khi một người giữ bản quyền gửi thông báo hợp lệ cho chúng tôi về video mà họ tin rằng vi phạm bản quyền của họ, chúng tôi ngay lập tức gỡ bỏ nội dung đó.

"Chúng tôi cũng đóng tài khoản của những người dùng vi phạm bản quyền nhiều lần."

BBC đã liên hệ với trưởng ban kiểm tra của VTV và đang chờ phản hồi.

Khủng hoảng bản quyền

Cuộc khủng hoảng bản quyền này cũng là chủ đề của thảo luận Trực tuyến thứ Năm tuần này của BBC Tiếng Việt.

Nguyễn Hùng, người sẽ dẫn chương trình thảo luận và cũng là một trong những người quản lý kênh YouTube của BBC Tiếng Việt nói:

"Bản thân VTV đã nhận vi phạm bản quyền và YouTube cũng chỉ khóa kênh khi số lần vi phạm vượt quá ba lần.

"Khả năng khôi phục lại kênh bị đóng cửa VTVgo với gần 100.000 người đăng ký của VTV vẫn còn.

"Nhưng điều này đòi hỏi VTV phải thương lượng được với ông Bùi Minh Tuấn, chủ kênh Yamaha Trung Tá, điều mà VTV hiện chưa làm được."

Nguyễn Hùng nhận định YouTube sẽ không bao giờ can thiệp vào thương lượng giữa các bên.

"YouTube phải tuân theo luật bản quyền tại mọi quốc gia và họ gỡ bỏ tất cả các nội dung bị tố vi phạm nếu các tố cáo đó hợp lệ và có bằng chứng.

"Bằng chứng ở đây chính là các video gốc mà người tố cáo đã tải lên YouTube và "đóng dấu" nhận dạng nội dung.

"Đương nhiên người bị tố cáo có quyền phản bác lại và tố cáo sai cũng có khả năng bị đóng kênh."

Cuộc khủng hoảng kéo dài gần hai tuần qua đã khiến có những chuyên gia kêu gọi VTV có cách hành xử hợp lý hơn.

Trong số các giải pháp được đưa ra có việc đích thân tổng giám đốc VTV đứng ra xin lỗi về các vi phạm bản quyền và nhanh chóng thương lượng với ông Bùi Minh Tuấn để mời lại kênh VTVgo đang bị đóng.

Hoan nghênh VTV

Nhưng cũng có những người nói VTV đã hành xử đúng mực khi thừa nhận sử dụng nội dung của người khác.

Luật sư Phan Vũ Tuấn, Trưởng Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam và cũng là Chánh Văn phòng Hội Sở hữu Trí tuệ thành phố Hồ Chí Minh nói:

"Tôi hoan nghênh VTV vì họ nhận họ sai và đã nhận sai.

"Còn có vi phạm hay không lại là chuyện khác.

"Các video của VTV rõ ràng vi phạm quy định của YouTube.

"Còn vi phạm luật bản quyền và sở hữu trí tuệ ở Việt Nam thì chưa có cơ quan nào kết luận cả."

Ông Tuấn cũng nói Điều 6 của Luật Sở hữu Trí tuệ quy định tác phẩm chỉ được bảo vệ khi tác phẩm đó không xâm hại đến các tác phẩm khác.

Trong khi đó chủ kênh Yamaha Trung Tá nói ông vẫn còn những bằng chứng về những "vi phạm" khác nữa của VTV và sẽ làm việc với Cục Bản quyền để giải quyết vấn đề trong thời gian sớm nhất. - BBC
|
|

6.
Khánh thành Cảng Quốc tế Cam Ranh

Hải quân Việt Nam vừa khánh thành Cảng Quốc tế Cam Ranh, cung cấp dịch vụ cho cả quân sự và dân sự.

Lễ khánh thành diễn ra sáng thứ Ba 8/3 tại Căn cứ quân sự Cam Ranh, có sự tham gia của Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang.

Dường như Việt Nam đã giữ đúng cam kết không cho nước ngoài sử dụng Cam Ranh làm căn cứ, sau khi người Nga rút đi năm 2002 sau gần 25 năm sử dụng cảng biển tự nhiên với điều kiện khá lý tưởng này.

Cam Ranh nằm ở vị trí chiến lược gần các tuyến hàng hải quốc tế, có thể bao quát phần lớn Biển Đông và hai quần đảo đang tranh chấp là Hoàng Sa và Trường Sa.

Cảng này ở trong vịnh Bình Ba, có độ sâu được cho là ổn định trên 20m nước, ít chịu ảnh hưởng của các cơn bão bên ngoài.

Dự án Cảng Quốc tế Cam Ranh được phê chuẩn từ tháng 9/2014, nay mới xong giai đoạn một.

Khi hoàn thành, tại đây sẽ có cầu cảng có thể tiếp nhận 18 tàu dân sự và quân sự cùng lúc và 185 tàu mỗi năm, tải trọng tàu có thể tới 110.000 DWT.

Theo hải quân Việt Nam, Cảng Quốc tế Cam Ranh cũng sẽ có khu dịch vụ hàng hải và cung ứng, sửa chữa tàu biển lớn và hiện đại.

Cơ sở tàu ngầm của Việt Nam cũng được đặt bên cạnh cảng này.

Đây là dự án do Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Tân Cảng-Petro Cam Ranh (TCP Cam Ranh) thực hiện.

Công ty này có tổng vốn đầu tư là 2.000 tỷ đồng, trong đó Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn (SNP) góp 1.500 tỷ (chiếm 75%) và Tập đoàn dầu khí Việt Nam góp 500 tỷ (chiếm 25%). - BBC
|
|

7.
Ba giải pháp của Việt Nam ở Biển Đông

Các hoạt động cải tạo đảo của Trung Quốc ở Biển Đông gần đây cho thấy tham vọng của Bắc Kinh trong việc độc chiếm vùng biển này. Chiến lược chiếm hữu dần dần Biển Đông này đang gây quan ngại nghiêm trọng không chỉ đối với các nước trong khu vực.

Chúng tôi nói chuyện với ông Jean-Vincent Brisset, chuyên gia từ Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược Pháp:

Ông nghĩ sao về việc Trung quốc đang cố gắng cải tạo các bãi đá chìm thành đảo nhân tạo và bồi đắp các đảo nhỏ thành lớn hơn?

Ông Brisset: Luật Biển không thừa nhận những gì được xây dựng trên những thực thể không được coi là hòn đảo. Vì vậy, trên quan điểm về chủ quyền, thì xây dựng trên những hòn đảo này cũng không làm tăng thêm cơ sở cho các đòi hỏi về chủ quyền, theo quy định quốc tế.

Tuy nhiên, trên thực tế thì việc xây cất thêm đó cho phép họ tăng khả năng quân sự, tăng quyền lợi kinh tế (trong các vùng biển xung quanh).

Tôi nghĩ rằng Luật Biển khá rõ ràng: sở hữu một thực thể không phải là một hòn đảo theo định nghĩa của Luật Biển, tức là không có cư dân, và không có tài nguyên riêng (đủ cho cư dân trên đảo đó sống được), thì không có giá trị đòi chủ quyền vùng lãnh hải bao quanh. Vì vậy, việc tạo ra chủ quyền lãnh hải xung quanh các "hòn đảo" này, bất kể diện tích là to hay nhỏ, là không đúng với những gì được quốc tế chấp nhận.

Dưới góc độ quân sự thì việc chiếm hữu các vị trí này có giá trị thế nào?

Ông Brisset: Về mặt quân sự, các "hòn đảo" chỉ có thể được coi như một cứ điểm nhỏ không mấy quan trọng. Lợi ích của nó chủ yếu là về kinh tế, đặc biệt cho ngư dân. Nhưng nếu diện tích vượt quá một ngưỡng nhất định, máy bay chiến đấu có thể hạ cánh được, có thể triển khai trên đó vũ khí hạng nặng, có cảng biển lớn đến mức tàu chiến có thể ghé vào lấy đồ tiếp tế... thì lại là chuyện khác.

Nguy cơ lúc đó sẽ là từ sở hữu về kinh tế, rồi sẽ mở rộng dần sang sở hữu lãnh thổ và chủ quyền. Và hành động đó tạo căng thẳng với các nước trong khu vực.

Các nước khác cũng đã mở rộng đảo nhỏ. Việt Nam, Đài Loan, Malaysia, Philippines đã mở rộng một số đảo, nhưng ở một quy mô khác, và họ không đòi chủ quyền biển xung quanh các đảo đó.

Trung Quốc cũng đang phải trả giá cho hành động của mình. Chiếm thêm được biển, giành được ưu thế về quân sự, nhưng cũng mất đi uy tín, trở nên không đáng tin cậy đối với các nước trong khu vực. Ông có nghĩ là cái giá đó là đắt hay không ?

Ông Brisset: Tôi nghĩ rằng hệ thống mà Trung Quốc đang dựa vào là tìm cách giành chiến thắng một cách âm thầm lặng lẽ trong các cuộc đàm phán, đồng thời dựa cả vào cán cân về quyền lực trong các mối quan hệ song phương. Trung Quốc đã rất thành công khi dùng vũ lực hồi năm 1974 trên các quần đảo Hoàng Sa, và bây giờ vẫn chiếm giữ quần đảo Hoàng Sa, trong lúc thế giới đều không để ý đến [những gì đã xảy ra ở đó].

Giờ đây Trung Quốc muốn mở rộng lãnh hải một chút nữa, theo cùng một cách như Trung Quốc vẫn làm, đó là chỉ nói chuyện song phương, đồng thời tuyên bố chủ quyền một số hải đảo của Việt Nam, Philipines, Malaysia...

Trung Quốc tăng hiện diện trên những hòn đảo, và sẽ dần áp đặt sự có mặt bằng cách xây dựng thêm và tăng chủ quyền thực tế. Tại thời điểm này, cách làm của Trung Quốc đang có kết quả. Trung Quốc đã tạo ra một cơ cấu hành chính hoàn toàn không được công nhận quốc tế, nhưng cơ cấu hành chính này vẫn tồn tại, về hành chính, về quân sự, về chính trị, và được gọi là Tam Sa.

Như vậy các nước nhỏ như Việt Nam và Philippines có thể làm gì? Quốc tế hoá sự việc phải chăng là cách thức duy nhất khả dĩ?

Ông Brisset: Philippines đã chọn cách quốc tế hóa, kiện ra Tòa án quốc tế. Tôi nghĩ rằng đây là một cách tiếp cận khá thú vị. Bởi vì nếu chúng ta phân tích một cách đơn giản, thì Philippines có quyền hợp pháp để làm việc đó.

Bây giờ, vấn đề là đã có quyền hợp pháp rồi, nhưng ngoài ra còn phải có thực lực nữa. Đó là vấn đề khó. Một mặt, mặc dù có một số kiến nghị là nên đi theo cách này, tức kiện ra toà quốc tế, Việt Nam vẫn không làm theo, không dùng tới công cụ pháp lý hợp pháp để giải quyết tranh chấp.

Điều này thật đáng tiếc, bởi vì Việt Nam, trên bình diện pháp luật và trên bình diện chiếm hữu thực tế một số đảo Trường Sa, có những lập luận vững chắc hơn, hơn cả lập luận của Philippines, về chủ quyền của mình do người Pháp chuyển giao lại. Bởi vì trong các tài liệu chính thức được công nhận, thì quốc gia có chủ quyền các hòn đảo này vào thời điểm năm 1933, là Pháp.

Sau khi Pháp chuyển giao chủ quyền, đặc biệt là sau Hiệp định Geneva năm 1954, cho các nước Đông Dương, thì cho đến nay, mọi việc kém rõ ràng hơn, nhưng chủ quyền được chuyển giao đó vẫn có giá trị tồn tại. Các tranh chấp về mặt pháp lý có thể dùng pháp luật để giải quyết. Nhưng điều không may là chính quyền Việt Nam đã không chọn cách đưa ra tòa án quốc tế, là thực thể có nhiều tự do phát biểu hơn đối với Trung Quốc.

Ông có cho là nếu Việt Nam và Philippines cùng phối hợp trên mặt trận pháp lý thì sẽ có hiệu quả hơn không?

Ông Brisset: Việt Nam và Philippines kiện chung thì không nên. Vì nguyên nhân của hai nước là không như nhau, bởi vì các đảo mà mỗi nước tranh chấp không giống nhau. Vì vậy, Việt Nam và Philippines nên làm một cái gì đó, nhưng độc lập với nhau.

Philippines đã kiện, theo ý kiến của tôi, Việt Nam cũng nên thực hiện một cách tiếp cận tương tự. Tòa án sau đó có thể sẽ ít nhiều gắn hai vụ kiện với nhau. Vấn đề hiện nay là Việt Nam, theo tôi biết, vẫn không chọn cách tiếp cận tự nguyện và chủ động này để đạt được một mục tiêu cao hơn.

Nhưng nếu Trung Quốc tiếp tục từ chối không tham gia phiên toà tại La Haye?

Ông Brisset: Trung Quốc không tham gia vụ kiện, bởi vì hiện nay chỉ có một đối thủ duy nhất tại tòa án quốc tế. Nếu có hai đối thủ, 3, 4 nước cùng kiện, Trung quốc sẽ ngày càng phải đối mặt với thực tế, bất chấp ý chí riêng của mình.

Nếu một sự kết hợp giữa Việt Nam và Philippines, sau đó có thêm Malaysia, Đài Loan, thì quốc tế sẽ quan tâm hơn nhiều tới khu vực này, đặc biệt là quan tâm tới những đối với vận tải quốc tế. Chúng ta không quên rằng 40% của vận tải biển của toàn thế giới đi qua khu vực này.

Sự hiện hiện gần đây của Mỹ trong khu vực có ảnh hưởng gì tới tình hình?

Ông Brisset: Sự hiện diện của Mỹ là đi theo chính sách của Mỹ, sự hiện diện đó không trái với luật pháp quốc tế, không trái với luật pháp quốc tế trong tất cả các vùng biển của thế giới. Người Mỹ muốn đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông. Người Mỹ quan niệm sự tự do hàng hải cũng giống như quyền tự do hàng không ở một số khu vực mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố cách đây không lâu tại Biển Đông.

Trung Quốc coi đó là một sự khiêu khích. Nhưng Hoa Kỳ đã vận dụng đúng luật pháp quốc tế. Trung Quốc có thể dám tấn công một tàu Việt Nam hay tàu Philippines, nhưng không bao giờ dám tấn công một tàu của Mỹ.

Theo ông thì các nước như Việt Nam và Philippines không có nhiều lựa chọn. Lúc này hai nước có thể dựa vào sự hiện diện của Mỹ, dựa vào cơ sở pháp lý, ngoài ra còn có những chỗ dựa nào khác?

Ông Brisset: Có ba cơ sở để đấu tranh với Trung Quốc. Về mặt quân sự, là dựa vào hợp tác vùng hay hợp tác với Mỹ. Thứ hai là cơ sở pháp lý, mà tới nay mới chỉ có duy nhất Philippines chọn.

Và cuối cùng là truyền thông. Nhưng, cả Philippines, Malaysia hay Việt Nam đều ít dùng tới sức mạnh của truyền thông. Đó là một điều đáng ngạc nhiên, bởi vì tôi nghĩ rằng khá dễ dàng khi tăng cường truyền thông về vấn đề này. Tôi thấy hiện nay, Đài Loan đã tham gia một phần, với quan điểm còn tương đối trung dung. Nhưng Đài Loan truyền thông rất nhiều (về vấn đề này), và làm truyền thông thực ra là cách dễ dàng nhất. Tôi ngạc nhiên là cả Philippines và đặc biệt là Việt Nam đã không quan tâm đến vũ khí truyền thông.

Ông có ngạc nhiên khi thấy nhóm nước Asean phản ứng yếu ớt đến thế không?

Ông Brisset: Đã nhiều năm nay các cuộc họp quan trọng của Asean đều cho thấy một nước nào đó, thông thường là Việt Nam, cố gắng định hướng về một tuyên bố chung về Quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Quy tắc ứng xử này, về kỹ thuật đã sẵn sàng.

Thế nhưng rõ ràng Trung Quốc đang gián tiếp cản trở nỗ lực đạt Quy tắc ứng xử bằng cách, có thể nói trắng ra, là bỏ tiền ra mua một số quốc gia. Điều này đặc biệt rõ khi ghế chủ tịch luân phiên của Asean được trao cho Campuchia. Chính phủ Campuchia đã ngăn công bố Asean ra tuyên bố chung về Biển Đông.

Theo như lời ông thì một nước như Việt Nam không có nhiều giải pháp, và phạm vi hành động khá là hạn hẹp?

Ông Brisset: Phạm vi phản ứng của Việt Nam là rất hạn chế. Chừng nào Việt Nam không quốc tế hóa vấn đề thông qua tòa án, thông qua truyền thông, chừng nào Việt Nam vẫn hy vọng đàm phán song phương với Trung Quốc, thì Việt Nam sẽ thua.

(Ông Jean-Vincent Brisset là cựu chuẩn tướng quân đội Pháp. Ông nghiên cứu Trung Quốc và châu Á trong một thời gian dài. Sau khi rời quân đội năm 2001, ông chuyên sâu về các chủ đề quan hệ quốc tế và quân sự. Hiện ông là Giám đốc nghiên cứu của Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược Pháp). - BBC
|
|

8.
Tham nhũng sẽ hạ gục Đảng Cộng Sản Trung Quốc vào năm 2030

Trong khuôn khổ khóa họp thường niên Quốc Hội Trung Quốc, khai mạc từ ngày 05/03/2016, vấn đề tham nhũng là một hồ sơ rất được quan tâm. Đối với với nhiều nhà phân tích, sớm muộn gì, tệ nạn này sẽ là sát thủ đánh gục đảng Cộng Sản Trung Quốc. Trong bài trả lời phỏng vấn nhật báo Mỹ The New York Times ngày 29/02 vừa qua, nhà Trung Quốc học Bùi Mẫn Hân (Minxin Pei) tại Hoa Kỳ đã không ngần ngại cho là thời điểm mà đảng độc quyền lãnh đạo ở Trung Quốc phải thay đổi sẽ không còn xa nữa, chỉ từ nay đến năm 2030.

Về nhà nghiên cứu Bùi Mẫn Hân, New York Times nhận xét :

Một số nhà nghiên cứu khoa học xã hội bỏ ra cả sự nghiệp của mình để nghiên cứu những đề tài nhỏ có thể giúp chúng ta hiểu được những thế lực hùng mạnh nhào nặn cuộc sống chúng ta. Hoặc chẳng có tác động gì cả. Có nhiều bài nghiên cứu chẳng bao giờ được nhắc đến.

Đối với Bùi Mẫn Hân (Minxin Pei), đó không hề là vấn đề. Ông luôn đặt chỉ tiêu rất cao và không ngần ngại nhắm thẳng tới vấn đề mấu chốt khi đề cập đến một trong những chủ đề có lẽ là lớn nhất trong chính trị học : Đó là trong tương lai, liệu đảng Cộng Sản Trung Quốc còn có thể tồn tại dưới hình thức độc đoán như hiện nay hay không ?

Ông Bùi Mẫn Hân, giáo sư về quản lý chính phủ tại trường Claremont McKenna Collge, cho rằng có rất nhiều khả năng là từ nay đến năm 2030, chế độ Trung Quốc sẽ khác hẳn, bị buộc phải thay đổi do nạn tham nhũng phổ biến trong hệ thống lãnh đạo của Đảng hiện nay. Tham nhũng là chủ đề cuốn sách sắp ra mắt của ông, mang tựa đề « Chủ nghĩa tư bản thân hữu Trung Quốc : Động lực thúc đẩy sự suy tàn của chế độ - China’s Crony Capitalism: The Dynamics of Regime Decay ».

Trong bài trả lời phỏng vấn của báo New York Times , ông Bùi Mẫn Hân đã giải thích vì sao ông nghĩ rằng chế độ độc đảng lãnh đạo tại Trung Quốc là không thể bền vững.

Sau đây là nội dung phần hỏi-đáp :

Hỏi : Ông nói rằng đối với đảng Cộng Sản Trung Quốc, để thay đổi hình thái hiện nay vào năm 2030 thì phải phá bỏ nhiều tiền lệ. Tại sao lại vào thời điểm đó ?

Bùi Mẫn Hân : Hiện nay sự phát triển xã hội kinh tế của Trung Quốc – tính trên thu nhập và trình độ giáo dục - đã đạt đến mức trung bình của các nước có đặc điểm tương tự (nghĩa là theo chế độ cộng sản, thuộc diện thu nhập trung bình và là nước châu Á), từng có một quá trình chuyển đổi từ chế độ độc tài sang một hình thức dân chủ nào đó trong 40 năm qua.

Nếu sự phát triển của Trung Quốc tiếp tục trong 15 năm tới, cho dù với nhịp độ chậm nhất, thì vào năm 2030, thì điều đó sẽ tạo ra một xã hội trong đó việc duy trì một chế độ độc đoán sẽ khó khăn hơn rất nhiều, nếu không muốn nói là không thể.

Về mặt lịch sử, không chế độ chuyên quyền nào sống sót quá 74 năm, do sự suy đồi về ý thức hệ và tệ nạn tham nhũng trong giới lãnh đạo. Tính đến năm 2030, đảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ nắm quyền trong suốt 81 năm.

Hỏi : Ông nhận thấy những hiện tượng gì tại Trung Quốc đã khiến ông giả định là đảng Cộng Sản đã bắt đầu phải đối mặt với sự suy tàn của chế độ và đi theo hướng mà các nước khác đã trải qua ?

Bùi Mẫn Hân : Bằng chứng quan trọng nhất là nạn tham nhũng tràn lan trong giới lãnh đạo. Sự đoàn kết trong giới lãnh đạo cũng đã tan rã, như đã thấy từ năm 2012 trong các vụ thanh trừng Bạc Hy Lai (Bo Xilai), Lệnh Kế Hoạch (Ling Jihua), Chu Vĩnh Khang (Zhou Yongkang) và các thân hữu của những người này.

Sự suy đồi về ý thức hệ đã làm cho Đảng mất đi ý thức về sứ mệnh của mình, vốn là một công cụ quan trọng để động viên các đảng viên bình thường. Cái giá phải trả về kinh tế và đạo đức để duy trì chế độ độc đảng lãnh đạo thông qua đàn áp cũng lên tới mức không thể chịu đựng nổi.

Hỏi : Vậy kịch bản nào có nhiều khả năng xảy ra nhất ? Cải cách ? Cách mạng ? Hay như ông đã từng nêu ra, một sự kết hợp cả hai kịch bản mà ông gọi là « Cải cách mạng (Refolution) » ?

Bùi Mẫn Hân : Cải cách – cải cách theo hướng dân chủ hóa – vẫn là kịch bản tốt nhất, nhưng khả năng này nhanh chóng biến mất và trong lịch sử thì không một chế độ Cộng Sản nào đã tự cải tổ thành công để trở thành một chế độ dân chủ.

Cách mạng – một dạng đồng khởi theo kiểu cuộc biểu tình ở Thiên An Môn – không thể xẩy ra vì có thể bị lực lượng an ninh Trung Quốc nghiền nát dễ dàng.

Cải cách - cách mạng – một tiến trình khởi đầu với cuộc cải cách có giới hạn nhưng sau đó trở nên triệt để - là một kịch bản có nhiều khả năng hơn.

Chúng ta có thể dự báo một kịch bản như vậy vào giữa những năm 2020, khi đảng Cộng Sản, sau một thập niên suy đồi chính trị và đình trệ kinh tế, sẽ trở nên tuyệt vọng đến mức buộc phải cải cách chính trị để tự cứu mình. Nhưng thời cơ để cải cách không còn nữa, và cũng giống như Liên Xô trước đây, sự cải cách nửa vời đã làm rạn nứt hàng ngũ giới lãnh đạo, tập hợp các lực lượng xã hội đang muốn có thay đổi cơ bản và phát động một cuộc cách mạng.

Hỏi : Ông từng nói rằng rằng một lúc nào đó, chế độ Trung Quốc sẽ phải thay đổi. Năm 1994, ông đã công bố quyển « Từ cải cách đến cách mạng », nói đến sự cáo chung của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Một số người cho rằng giờ đây đảng Cộng Sản Trung Quốc trên nhiều khía cạnh có vẻ bền vững hơn là cách nay một thế hệ. Liệu họ có nhầm không ?

Bùi Mẫn Hân : Thực ra, trong cuốn sách đăng hồi năm 1994, tôi nói đến sự cáo chung của Chủ Nghĩa Cộng Sản, chứ không phải là của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Vào lúc đó, cũng như nhiều người, tôi đã lạc quan cho rằng cải cách kinh tế có thể làm giảm bớt sự kìm kẹp của đảng Cộng Sản và do vậy có thể dẫn đến cải cách chính trị.

Thế nhưng, các sự kiện xẩy ra sau đó cho thấy giả định này quá giản lược. Chúng tôi đã không dự tính tới việc thành công kinh tế có thể giúp tăng cường vai trò của Đảng trong một giai đoạn đáng kể và ngăn chặn thay đổi chính trị.

Tuy nhiên, do tính chất cướp đoạt của chế độ độc đảng, thành công kinh tế như vậy cũng sẽ không kéo dài. Tôi đã đưa ra kết luận này trong cuốn sách « Con đường quá độ đầy cạm bẫy của Trung Quốc », xuất bản năm 2006, sau khi chứng mình rằng hiện đại hóa kinh tế dưới chế độ độc đảng lãnh đạo sẽ tất yếu thất bại.

Đối với các nhà phân tích cho rằng Đảng Cộng Sản hiện nay bền vững hơn trước, thì các yếu tố mà họ nêu ra giờ đây không tồn tại nữa. Tăng trưởng đang chậm lại. Đảng đang trong tình trạng hỗn loạn, bởi vì các quy định mà Đảng thiết lập nhằm hạn chế các cuộc đấu đá chính trị nội bộ đã sụp đổ. Chính sách đối ngoại của Bắc Kinh đang đưa quan hệ Trung-Mỹ đến chỗ xung đột. Sự ủng hộ của tầng lớp trung lưu bắt đầu suy giảm do môi trường xuống cấp, dịch vụ tồi tệ, bất bình đẳng và tham nhũng.

Hỏi : Trong lĩnh vực đầu tư, có một tục ngữ là thành tích của quá khứ không bảo đảm kết quả trong tương lai. Vậy có hữu ích hay không khi dùng ví dụ của các nước khác để dự báo những gì có thể xẩy ra tại Trung Quốc ?

Bùi Mẫn Hân : Thực ra, tục ngữ này cũng áp dụng cho chính đảng Cộng Sản Trung Quốc. Có nghĩa là các thành công trong quá khứ của Đảng không bảo đảm cho sự sống sót của họ trong tương lai. Khi nghĩ đến tương lai của Đảng, các ví dụ của những nước khác cung cấp những hiểu biết cần thiết về việc giới cầm quyền phản ứng ra sao trước các môi trường thay đổi.

Trung Quốc có thể là một đất nước to lớn, nhưng cũng do những con người lãnh đạo, và giống như đồng nhiệm tại các nước nhỏ bé hơn, họ đưa ra những lựa chọn bị hạn chế do các ràng buộc thực tế và đoán trước được. 

Trong ngành chính trị học so sánh, việc sử dụng các ví dụ của những nước khác không chắc mang lại kết quả tốt, nhưng đây vẫn là cách tiếp cận tốt nhất, giống như nghiên cứu một cây trồng trong lúc rừng chưa tồn tại.

Hỏi : Các lãnh đạo Trung Quốc muốn tránh cái « bẫy thu nhập trung bình » ngăn cản nhiều quốc gia chuyển tiếp lên quy chế thu nhập cao. Phải chăng Trung Quốc không thể làm được việc này nếu không cải cách chính trị ?

Bùi Mẫn Hân : Theo sử liệu thì tình hình không phấn khởi lắm cho đảng Cộng Sản Trung Quốc. Ngoại trừ các nước sản xuất dầu lửa chuyên chế, chế độ bán dân chủ Singapore và Hồng Kông nguyên là thuộc địa của Anh, chỉ có những nền dân chủ đã được xác lập từ lâu và các nước vừa dân chủ hóa mới thoát được cái « bẫy thu nhập trung bình ».

Ngoài các thách thức cải cách kinh tế thuần túy, lịch sử cho thấy rõ hai việc. Thứ nhất là các thể chế độc tài dường như sẽ rơi vào mức thu nhập trung bình. Đó chính là vì sao chúng ta không thấy có các chế độ chuyên chế thu nhập cao ngoài các nước sản xuất dầu lửa. Thứ hai là các chế độ độc tài đã cướp quá nhiều từ xã hội và không thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Điều này không có nghĩa là chỉ có dân chủ hóa mới dẫn đến thu nhập cao. Sẽ không như vậy. Nhưng gạt bỏ chế độ độc tài là một điều kiện cần thiết, tuy chưa đủ, để đạt được thu nhập cao.

Hỏi : Giới chuyên gia và phân tích chính trị khác tại Trung Quốc đón nhận lập luận của ông như thế nào ?

Bùi Mẫn Hân : Lập luận của tôi đã làm dấy lên nhiều mối quan ngại, nhưng cũng nhiều ý kiến bi quan. Điều này có thể hiểu được vì sự chuyển đổi chế độ là một sự kiện có tính xác suất cực kỳ thấp. Nhưng chúng tôi cũng muốn tránh lập lại sai lầm như là đã không thấy được sự sụp đổ của Liên Bang Xô Viết hoặc Mùa Xuân Ả Rập.

Với tư cách là một hoạt động trí tuệ nghiêm túc ẩn chứa nhiều hệ lụy chính trị sâu sắc, cuộc tranh luận một cách có hệ thống và dựa trên những bằng chứng về tương lai Trung Quốc là một công việc lành mạnh và được mong đợi từ lâu. - RFI

No comments:

Post a Comment