Thursday, March 24, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Năm 24/3

Tin Thế Giới

1.
Bỉ truy lùng nghi can thứ hai trong vụ nổ bom xe điện ngầm

Giới hữu trách Bỉ đang truy tìm một nghi can khác trong vụ tấn công khủng bố hôm thứ Ba tại phi trường và trạm xe điện.

Trong phim của máy thu hình an ninh, người ta trông thấy nghi can mới nhất này cầm một túi xách lớn trong lúc đứng cạnh Khalid el-Bakraoui, kẻ nổ bom tự sát thực hiện vụ tấn công trên xe lửa điện tại trạm Maelbeek.

Cảnh sát cũng tìm kiếm một người đàn ông thứ ba mà trên màn hình an ninh cho thấy đang đi ở phi trường cùng với Ibrahim Bakraoui, người anh của Khalid el-Bakraoui, và Najim Laachraoui. Hai người này đã nổ bom tự sát tại phi trường Zaventem.

Các giới chức tình báo cho biết Laachraoui, 25 tuổi, là chuyên viên chế bom của Nhà nước Hồi giáo và cũng có dính líu tới vụ tấn công khủng bố tại Paris hồi tháng 11.

DNA của tay khủng bố này được tìm thấy hôm thứ Ba tại một căn chung cư ở Brussels mà giới hữu trách tin là nơi dùng để chế tạo các quả bom.

Người bị cho là nghi can chính trong vụ tấn công ở Paris, Salah Abdeslam, bị bắt hôm thứ Sáu tuần trước trong một vụ đột kích ở Brussels. Luật sư của nghi can này nói thân chủ ông sẽ không chống lại lệnh dẫn độ sang Pháp.

Đài RTBF, đài truyền hình công ở Bỉ, cho biết trong vụ lục soát do cảnh sát Bỉ và Pháp thực hiện hồi tuần trước, giới hữu trách đã tìm thấy dấu tay của Abdeslam tại một căn chung cư do Khalid el-Bakraoui đứng tên thuê.

Các vị bộ trưởng tư pháp và nội vụ của các nước Liên hiệp Âu châu sẽ dự một cuộc họp khẩn ở Brussels hôm nay để bàn về sự ứng phó với những vụ tấn công giết chết ít nhất 31 người và gây thương tích cho 300 người, trong đó có ít nhất 60 người bị thương nặng. - VOA
|
|

2.
Giáo hoàng 'uy tín hơn lãnh đạo thế giới'

Giáo hoàng Francis được người dân ưa chuộng hơn bất cứ nhà lãnh đạo thế giới nào, một cuộc thăm dò dư luận cho biết.

Cuộc thăm dò dư luận của WIN/Gallup International cho thấy người Công giáo và người Do Thái có ý kiến tốt nhất về đức Giáo hoàng.

Hơn một nửa những người theo đạo Tin lành trên thế giới và thậm chí đa số những người vô thần và phi tôn giáo cũng nhìn nhận Giáo hoàng với con mắt ưa thích.

Hơn 1.000 người được hỏi tại 64 quốc gia.

Phóng viên chuyên về tôn giáo của BBC, Caroline Wyatt, nói rằng sau ba năm ở cương vị này, Giáo hoàng Francis nhận được thái độ thiện chí rất rộng rãi và giành được trái tim và tâm trí của không chỉ người Công giáo mà cả người các tôn giáo khác cũng như người phi tôn giáo.

Những người tham gia cuộc thăm dò dư luận được hỏi: "Bất kể tôn giáo của bạn là gì thì bạn có suy nghĩ rất tốt, tốt, không tốt hoặc rất không tốt về Giáo hoàng Francis?"

Giáo hoàng là người được ưa chuộng nhất với người Công giáo, mà 85% nói họ có ý kiến tốt về ngài và sau đó là những người Do Thái, với tỉ lệ 65% được hỏi nói ưa thích ngài.

Trong số 64 quốc gia được thăm dò ý kiến, Bồ Đào Nha và Philippines là hai nước nhiệt tình nhất, với 94% và 93% nghĩ tới Giáo hoàng với những suy nghĩ tốt đẹp.

'Vượt qua tôn giáo'

Đánh giáo thấp nhất về Giáo hoàng Francis là từ Tunisia, Thổ Nhĩ Kỳ và Algeria, trong khi phần lớn người tại Azerbaijan nói không biết nhiều về ngài.

WIN/Gallup cho biết Giáo hoàng Francis đứng đầu bảng xếp hạng khi so sánh mức độ được ưa chuộng của các nhà lãnh đạo chính trị trên thế giới.

Điểm số của ngài tính bằng chênh lệch giữa thích (+) và không thích (-) là +41, so với Tổng thống Barack Obama của Hoa Kỳ là +30; Thủ tướng Angela Merkel của Đức là +13; Thủ tướng David Cameron của Anh là + 10 và Thủ tướng Francois Hollande của Pháp là +6.

Chủ tịch WIN/Gallup International, Jean-Marc Leger, nói: "Giáo hoàng Francis là nhà lãnh đạo đã vượt lên trên cả chính tôn giáo của mình. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy một đa số rất lớn công dân trên thế giới thuộc các tôn giáo khác nhau và ở những vùng đất khác nhau đều có hình ảnh tốt về đức Giáo hoàng." - BBC
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Zuckerberg gặp trưởng ban tuyên giáo TQ, vận động bỏ lệnh cấm Facebook

Ông chủ trang mạng xã hội Facebook Mark Zuckerberg đã có cuộc gặp riêng với ông Lưu Vân Sơn, Trưởng ban tuyên giáo, Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc, trong nỗ lực vận động Trung Quốc bãi bỏ lệnh cấm trang mạng này hoạt động tại đây. Đây được xem là một động thái bất ngờ của người đứng đầu trang mạng xã hội nổi tiếng này.

Tân Hoa Xã cho biết “ông Lưu bày tỏ hy vọng rằng Facebook, với cơ chế quản lý và kỹ thuật tân tiến, sẽ làm việc với các công ty về Internet của Trung Quốc để tăng cường trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm nhằm mang lại kết quả là sự phát triển internet mang lại lợi ích nhiều hơn cho người dân ở tất cả các nước”.

Cùng với nhiều trang mạng xã hội nổi tiếng khác như Twitter, YouTube, Facebook bị chặn ở Trung Quốc kể từ năm 2009 sau vụ bạo động tại Tân Cương.  

Tờ Quartz ước tính chỉ cần Facebook có thêm một nửa khách hàng trong số 668 triệu người sử dụng internet tại Trung Quốc, có thể giúp trang mạng xã hội này tăng trưởng 20% và tạo ra một thị trường mới hấp dẫn cho việc quảng cáo và đăng tải.

Cũng theo Quartz, nếu Zuckerberg may mắn, nhà cầm quyền Trung Quốc có thể cho phép Facebook mở phiên bản “địa phương”, trong đó dĩ nhiên có sự kiểm duyệt về nội dung và có thể có nhiều giới hạn so với phiên bản quốc tế.

Theo Quartz, cách duy nhất để Facebook vào Trung Quốc là biến thành một công cụ của nhà cầm quyền, tuân thủ các bước như lưu trữ thông tin của người sử dụng tại Trung Quốc, hợp tác với một công ty địa phương và thiết lập ‘đại tường lửa’ trên Facebook.

Trong chuyến đi Bắc Kinh để tham dự Diễn đàn phát triển Trung Quốc, ông chủ Facebook còn có cuộc trò chuyện với Jack Ma, ông chủ trang thương mại điện tử Alibaba nổi tiếng của của Trung Quốc, về các tác động của công nghệ và những xu hướng trong tương lai. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

4.
Du khách Úc nhiễm Zika sau khi trở về từ Việt Nam

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa thông báo cho Cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Điều lệ Y tế Quốc tế (IHR) tại Việt Nam biết trường hợp một du khách Australia đã phát hiện nhiễm virus Zika sau khi rời khỏi Việt Nam.

PGS. TS. Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế - cho báo giới biết hôm 23/3 du khách Australia đã có các biểu hiện nhiễm virus Zika như sốt, phát ban, đau đầu, đau cơ, viêm kết mạc, buồn nôn vào ngày 8/3, sau khi từ Việt Nam về Úc ngày 6/3.

Trong thời gian lưu trú tại Việt Nam, du khách Úc đã đi tham quan nhiều nơi, từ TP.HCM đến Lâm Đồng, Khánh Hòa, Bình Thuận.

Chiều 23/3, Bộ Y tế Việt Nam đã nâng mức cảnh báo dịch do virus Zika tại Việt Nam sau trường hợp nhiễm bệnh của du khách trên.

Theo thông báo của WHO, hiện trên thế giới đã có 59 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận sự lưu hành của virus Zika, trong đó có nhiều nước nằm trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Philippines, Malaysia…

Zika là loại virus nghi gây ra chứng bệnh đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh. Hiện vẫn chưa có vaccine phòng ngừa loại bệnh này. - VOA
|
|

5.
Kết thúc Hội nghị Mekong-Lacang, TQ hứa cho các láng giềng vay --- TQ: 'Vùng sông Mekong là ngôi nhà chung'

Trung Quốc sẽ cung cấp các khoản cho vay và tín dụng để hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng ở các nước dọc theo Sông Mekong, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuyên bố tại Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Mekong-Lan Thương (Lancang) lần thứ nhất, diễn ra tại Tam Á, Hải Nam, Trung Quốc, hôm 23/3 giữa 6 nước chia sẻ sông Mekong gồm Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.

Theo lời thủ tướng Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ cung cấp các khoản vay ưu đãi 10 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 1,5 tỷ đôla) và các khoản tín dụng lên đến 10 tỷ đôla để tài trợ cho cơ sở hạ tầng và cải thiện kết nối ở Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và Trung Quốc.

Trong buổi tiếp đón lãnh đạo các nước hôm 22/3, Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng nhấn mạnh đến việc Bắc Kinh đã xả nước từ đập Cảnh Hồng để giúp đỡ cho các quốc gia ở hạ lưu sông Mekong, trong đó có Việt Nam, đang gặp hạn hán nghiêm trọng, và xem đây là ‘sự chân thành’ cũng như cam kết của Trung Quốc đối với hội nghị.

Tuy nhiên, tờ Hoa Nam Buổi Sáng trích nhận định của các chuyên gia cho rằng Bắc Kinh muốn dùng việc xả nước và hội nghị thượng đỉnh Mekong-Lan Thương để đánh lạc hướng những chỉ trích nhắm vào các dự án thủy điện gây nhiều tranh cãi của nước này, đồng thời hồi phục các dự án còn dang dở, trong đó có đập Myitsone ở Myanmar đã bị đình trệ vì vấn đề môi trường.

Nằm ở vị trí thượng nguồn sông Mekong, Trung Quốc đã xây 5 đập thủy điện trên dòng chảy chính của con sông trong nhiều năm qua. Các chuyên gia cho rằng mỗi con đập mà Trung Quốc xây dựng đều tạo ra nguy cơ làm cạn kiệt dòng chảy nhiều hơn.

Trong số 6 quốc gia chia sẻ sông Mekong, chỉ có 4 nước là Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam là thuộc Ủy ban sông Mekong (MRC) nên các quy tắc của MRC trong việc sử dụng con sông chỉ áp dụng cho các nước này mà không được áp dụng cho Trung Quốc và Myanmar.

Hội nghị Mekong-Lan Thương cũng thông qua Tuyên bố Tam Á, trong đó có việc phối xây dựng Trung tâm hợp tác nguồn nước Mekong-Lan Thương để chia sẻ thông tin, nâng cao năng lực quản lý bền vững tài nguyên nước sông Mekong. Việt Nam cho biết sẵn sàng đóng góp tài chính và chuyên gia để làm việc tại trung tâm này. - VOA

***
Thủ tướng Lý Khắc Cường nói với lãnh đạo sáu quốc gia bên sông Mekong rằng "khu vực Lan Thương - Mekong là ngôi nhà chung".

Ý kiến của Thủ tướng Trung Quốc được nêu ra tại Diễn đàn Bác Ngao trên đảo Hải Nam tuần này với sự tham gia của lãnh đạo Việt Nam, Lào, Thái Lan, Campuchia và Myanmar.

Cũng tại diễn đàn này (22-24/03/2016), ông Lý Khắc Cường tuyên bố Trung Quốc đưa ra 11,5 tỷ USD tiền cho vay và tín dụng để năm quốc gia Đông Nam Á "có ngân quỹ phát triển các dự án cơ sở hạ tầng, đường xá, cầu cảng", theo Reuters hôm 23/3.

Thủ tướng Trung Quốc cũng nhấn mạnh rằng khu vực sông Mekong là nơi "từ các láng giềng sau nhiều năm, nay chúng ta là một gia đình".

Được biết đại diện cho Việt Nam có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dự diễn đàn Bác Ngao.

Cứu tinh hay bạo chúa?

Tuy nhiên, các diễn biến liên quan đến sự kiểm soát nguồn nước qua nhiều đập thượng nguồn của Trung Quốc thời gian qua đã tạo chấn động trong dư luận Đông Nam Á.

Sau khi bị phê phán là khóa đập nước gây ra khô hạn tại các nước như Thái Lan, Việt Nam, Trung Quốc đã cho xả nước và làm dòng Mekong dâng nước cao, tạo nguy cơ ngập lụt.

Trong một bài viết hôm 23/3 trên trang The Diplomat, tác giả Margaret Zhou đặt câu hỏi "Trung Quốc là vị cứu tinh hay bạo chúa về nguồn nước?" (China and the Mekong Delta: Water Savior or Water Tyrant?).

Bà cũng nói cần chú ý để "không bị lừa bởi tin tức rằng Trung Quốc tháo nước giúp chống hạn dọc sông Mekong".

Bài báo nói phía Trung Quốc luôn cho hiện tượng khí hậu El Nino là nguyên nhân gây ra hạn hán tại Đông Nam Á nhưng Niwat Roykaew, lãnh đạo tổ chức bảo tồn Chiang Khong Conservation Group thì tin rằng sáu đập trữ nước bên phía Trung Quốc là nguyên nhân chính gây hạn hán.

Cùng thời gian, tại Bangkok, Thái Lan cũng diễn ra một hội thảo "Trung Quốc có thực sự cứu chúng ta khỏi hạn hán?"

Đây là sự kiện do mạng lưới người dân Thái tại tám tỉnh Thái Lan dọc sông Mekong vừa tổ chức sau khi Trung Quốc công bố nhà máy thủy điện Cảnh Hồng sẽ tăng thêm lưu lượng xả 2.190m3/giây "theo yêu cầu của phía Việt Nam".

Hội thảo tại Thái Lan nói phát ngôn từ phía Trung Quốc như thể "ban ơn" cho những quốc gia ở hạ nguồn.

Ông Montree Chantawong, nhà nghiên cứu từ tổ chức Liên minh Khu vực Hướng tới Phục hồi Sinh thái (TERRA) phát biểu tại hội thảo:

"Khi nhìn lại mực nước sông Mekong từ tháng 1 đến tháng 4 trong hai năm 2014, 2015. Lúc nào dòng chảy cũng là hơn 2.000m3/giây. Thật trùng hợp, Trung Quốc thông báo sẽ xả nước xuống hạ nguồn với lưu lượng 2.190m3/giây, cũng cùng thời điểm này năm nay. Vậy có gì khác biệt?

"Khi nhìn lại, chúng tôi nhận thấy thiếu nước và xâm nhập mặn ở sông Mekong đã xảy ra từ vài năm trước. Vậy tại sao Trung Quốc lại nói hành động của mình như là ban ơn trong khi tình trạng hiện giờ không khác gì với vài năm trước."

Ông Montree cũng nói với BBC Tiếng Việt việc xả nước với vận tốc này chỉ có thể khiến "khoảng 20% lượng nước được xả có lẽ sẽ đến được Đồng bằng Sông Cửu Long" - BBC
|
|

6.
Giảm-chuyển đất trồng lúa: Quyết định muộn màng

Ủy ban Kinh tế Quốc hội Việt Nam tán thành kế hoạch giảm và chuyển đổi tổng cộng 670.000ha đất trồng lúa tới năm 2020. Vấn đề này được Chính phủ đưa ra giữa khi đồng bằng sông Cửu Long đang bị hạn và xâm nhập mặn trên 40% diện tích đất tự nhiên. Tuy vậy các chuyên gia cho rằng, chính quyền đang rất lúng túng với các giải pháp chuyển đổi diện tích trồng lúa, còn nông dân thì hoang mang chưa biết xoay sở ra sao.

Theo báo cáo thẩm tra phương án điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm từ 2016 tới 2020 của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 11, diện tích đất trồng lúa sẽ còn 3,76 triệu ha, có nghĩa bị cắt hẳn 270.000 ha so với diện tích đất lúa năm 2015. Ngoài ra sẽ có 400.000ha đang trồng lúa ở những vùng thường xuyên bị xâm nhập mặn, sẽ được qui hoạch cây trồng khác nhưng khi cần thiết có thể quay lại cây lúa.

Trả lời Đài RFA, Giáo sư Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam cho rằng, Chính phủ có nhiều giải pháp dài hạn để đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tuy vậy vấn đề thay thế cây lúa ở những nơi cần chuyển đổi, hiện vẫn còn là câu hỏi chưa có lời giải đáp. GS Bùi Chí Bửu tiếp lời:

“Điều hiện nay chưa làm được là quy hoạch lại sản xuất thay lúa bằng cái gì. Hai năm nay Bộ Nông nghiệp chỉ đạo trồng cây bắp, nhưng  bắp tụt giá ghê quá, trồng thì đầu tư lớn hơn lúa, giá bán không hơn bao nhiều, về mặt kinh tế không có lợi. Cho nên bị lúng túng phải xác định trồng cây gì nơi cao trình chỉ có 0,7 tới 0,9 mét so với mực nước biển, mực thấp đất sét nặng từ hồi nào tới giờ chỉ phù hợp cây lúa thôi. Bây giờ chuyển đổi nó phải có thời gian nghiên cứu, chứ không thể sốt ruột được. Thực sự nói thì rất dễ nhưng khi làm trên diện lớn thì khó vô cùng, bởi vì diện tích bị nhiễm mặn bây giờ lên tới 700.000 ha rồi và thậm chí nó sẽ lên tới 1 triệu ha nếu chúng ta cứ để như thế này. 

Đó là bài toán không dễ một chút nào, các viện nghiên cứu thủy lợi, nông nghiệp người ta làm việc rất tích cực và có sự hợp tác quốc tế như hợp tác với Hà Lan đang rất mạnh, có thể chúng ta phải vay vốn Ngân hàng Thế giới hoặc IMF để đầu tư các công trình trọng điểm về mặt thủy lợi nữa.”

Kiên Giang là tỉnh ven biển chịu xâm nhập mặn nhiều nhất ở đồng bằng sông Cửu Long. Người nông dân ở đây đã từng nhiều phen cay đắng với cả cây lúa lẫn con tôm nước lợ. Những người bám trụ vào đồng lúa Kiên Giang hết sức lo lắng nếu như không thể làm lúa được nữa. Một nông dân Kiên Giang phát biểu:

“Chỉ có Vĩnh Long người ta trồng cây ăn trái thôi, vùng tôi chỉ trồng lúa, trồng rau cũng rất ít. Nhưng bây giờ không trồng lúa thì biết làm nghề gì để sống…Nông dân tụi tôi 100% thiếu nợ ngân hàng cầm cố đất. Hầu như 10 năm nay không có ai trả được nợ ngân hàng, nợ càng ngày càng nhiều…cuộc sống nông dân càng ngày càng khó khăn…có thể sau này bán đất để trả nợ ngân hàng nhưng bán đất chưa chắc gì có người mua, nếu tình hình canh tác tốt thì bán đất nông nghiệp mới có giá, chứ còn tình hình xâm nhập mặn như thế này bán đất cũng không có người mua ….” 

Cần qui hoạch tổng thể 

Trên Vietnam Net, GSTS Võ Tòng Xuân, một nhà nông học nổi tiếng của Việt Nam nhận định rằng, chính sách phát triển cây lúa bằng mọi giá để bảo đảm an ninh lương thực sau thời gian chiến tranh là đúng đắn. Tuy nhiên chính sách này không còn thích hợp nữa, vào khi Việt Nam đã dư thừa lúa gạo để xuất khẩu với khối lượng lớn.

Theo lời GS Võ Tòng Xuân Việt Nam bỏ qua chuyện phải thay đổi chính sách an ninh lương thực cho phù hợp tình hình mới. Lẽ ra từ hơn 20 năm qua phải lo cho người trồng lúa tăng lợi nhuận, thay vì mãi cột chặt họ với cây lúa. Hiển nhiên là trồng lúa không có lợi tức cao, nhất là trồng lúa chạy theo năng suất tối đa như tại Việt Nam. Theo GS Võ Tòng Xuân việc chuyển đổi theo hướng bớt trồng lúa sẽ giúp để dành nước ngọt sử dụng cho các mục đích như khác sinh hoạt, phục vụ tưới cây ăn trái hay chăn nuôi…

GS Võ Tòng Xuân nói rằng, hạn xâm nhập mặn hiện nay là lúc thực hiện chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp một cách thực tế, thay vì nằm trên giấy tờ. Trên báo chí Việt Nam GS Võ Tòng Xuân đưa ra một thí dụ về việc ở những vùng nhiễm mặn, nông dân thay vì trồng 2 vụ lúa thì có thể trồng một vụ lúa trong mùa mưa và khi hết mưa thu hoạch xong sẽ bơm nước mặn vào nuôi tôm. Mô hình lúa – tôm thịnh hành ở Sóc Trăng nhưng ở các nơi khác còn ít phổ biến.

Trong dịp trao đổi với chúng tôi, GS Bùi Chí Bửu chuyên gia nghiên cứu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam cho rằng vấn đề hoàn toàn không đơn giản như thế. Ông nói:

“Phải có qui hoạch tổng thể, bởi vì nếu đưa nước mặn vào thì sẽ khó sửa lắm, thà ngăn không cho nó vào. Ngày xưa nuôi tôm ở vùng nước mặn khoảng dưới 100.000 ha thì hiện nay đã khoảng 370.000 ha rồi, có nghĩa là không phải chính phủ không biết khai thác tài nguyên nước mặn. Thậm chí ngay ở vùng nước mặn đó người ta cũng phải khoan giếng lấy nước ngọt pha thì mới nuôi tôm được…và trong trường hợp nuôi tôm như vậy chỉ có 10% thành công giàu có thôi, 60% là dạng 5 ăn ăn 5 thua và còn lại 30% là dạng hầu như phá sản. Do vậy không phải nuôi tôm hay khai thác mặn là thành công đâu….”

GS Bùi Chí Bửu phân tích thêm về sự kiện hạn mặn ngày càng trầm trọng hơn ở đồng bằng sông Cửu Long, mà nguyên nhân theo ông là do sự sai lầm của con người. Ông nói:

“Điều sai lầm là từ 1975 chúng ta khai thác nước ngọt một cách mạnh ai nấy làm không có kế hoạch chung. Tỉnh nào cũng tự khai thác, ở đồng bằng sông Cửu Long mà thiếu nước ngọt là một chuyện lạ…mỗi một địa phương tự khai thác dẫn đến khi gặp hạn mặn không có nguồn nước ngọt để dự trữ… Trong quản lý chung có một nguyên tắc là mình không được phá vỡ tình trạng tự nhiên, mà phải biết cách lợi dụng nó khai thác nó mới có thể tốt được. Có nhiều giải pháp lắm không chỉ có nuôi tôm, thực tế đồng bằng sông Cửu Long chỉ khai thác cây lúa là cái dở rồi. Bây giờ đưa cây màu vô thì nông dân làm được ngay, nhưng mà rồi thị trường ở đâu, không có thị trường… hiện nay cây mè dùng ít nước và có thị trường rõ ràng, còn đậu nành, đậu xanh…nói thì rất dễ, nhưng khi làm trên diện lớn mình không giải quyết bài toán thị trường thì không làm gì được cả…”

Tình trạng giảm lưu lượng nước sông Mekong khi vào lãnh thổ Việt Nam được cho là do biến đối khí hậu và tình trạng thủy điện bậc thang nắn dòng chảy cả ở Trung Quốc lẫn các nước trong lưu vực sông Mekong. Thêm vào đó ở Việt Nam, tư duy sai lầm về đê bao chống lũ để làm vụ ba ở đồng bằng sông Cửu Long, cũng được xem là câu chuyện phá vỡ thiên nhiên. Các túi trữ nước tự nhiên ở Đồng Tháp Mười và khu tứ giác Long Xuyên không còn dồi dào lượng nước ngọt, để có khả năng rửa mặn trong mùa khô hạn.

Câu chuyện thời sự đồng bằng sông Cửu Long thiếu nước, bị xâm nhập mặn 700.000 ha được giới chuyên gia xem đó là tối hậu thư để Việt Nam phải điều chỉnh chiến lược về cây lúa và sửa chữa những sai lầm trong quá khứ. - RFA

No comments:

Post a Comment