Friday, March 18, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Sáu 18/3

Tin Thế Giới

1.
Nhật có thể đưa Trung Quốc ra tòa trọng tài quốc tế về Biển Hoa Đông --- Mỹ phát hiện hoạt động mới của Trung Quốc ở Biển Đông

Các nhà lập pháp thuộc Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền ở Nhật đang kêu gọi Thủ tướng Abe khiếu nại ra tòa trọng tài quốc tế về Trung Quốc để giải quyết dứt điểm quyền sở hữu các đảo có tranh chấp ở Biển Hoa Đông.

Họ đã ra một nghị quyết lập pháp gây sức ép với ông Abe phải cân nhắc việc khiếu nại ra tòa quốc tế để giải quyết vấn đề, vì Trung Quốc đã vi phạm thỏa thuận năm 2008 về không can thiệp vào nhóm đảo Senkaku có tranh chấp ở vùng biển. Các đảo này không có người ở, song nằm ở khu vực nhiều dầu khí và Trung Quốc đã bắt đầu xây lắp các dàn khoan thăm dò.

Ông Yoshiaki Harada, trưởng tiểu ban phát triển tài nguyên ở Biển Hoa Đông của LDP nói: “Mọi người đều đồng ý rằng chúng ta không nên ngần ngại đưa vấn đề ra tòa trọng tài quốc tế, và cần cân nhắc bắt đầu chuẩn bị cho một bước đi như vậy”.

Trong nửa thế kỷ qua, Trung Quốc đã đòi chủ quyền đối với nhiều vùng biển rộng lớn quanh nước này, kể cả ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Hiện nay, Bắc Kinh đang đối mặt với một vụ khiếu nai do Philippines đệ đơn lên Tòa trọng tài thường trực tại La Haye về tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, nơi nước này có tranh chấp với không chỉ Philippines mà còn với cả Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan.

Việt Nam không có động thái nào nhằm trực tiếp khiếu nại Trung Quốc, song nhân vụ khiếu nại của Philippines, Việt Nam đã bày tỏ quan điểm qua Tuyên bố của Bộ Ngoại giao gửi Tòa trọng tài ngày 5/12/2014. Tuyên bố nói Việt Nam giữ quyền sử dụng mọi biện pháp hòa bình phù hợp và cần thiết để bảo vệ các quyền và lợi ích pháp lý của mình ở Biển Đông. Việt Nam mong tòa giải thích và áp dụng các quy định của Công ước trong vụ kiện để đưa ra phán quyết công bằng và khách quan. Việt Nam cũng đề nghị tòa đặc biệt quan tâm đến các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam ở Biển Đông, và Việt Nam sẽ xem xét các bước đi tiếp để bảo vệ các quyền và lợi ích quốc gia.

Chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố sẽ bỏ ngoài tai bất cứ quyết định nào của tòa La Haye về vấn đề này.

Indonesia - tuy không có tuyên bố chủ quyền về Biển Đông song lo ngại Trung Quốc sẽ bành trướng đỏi hỏi chủ quyền của họ - cũng đã đe dọa sẽ đưa các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ra tòa.

Chính phủ Nhật Bản ủng hộ các nước kể trên dùng các kênh pháp lý để chặn đứng sự bành trướng của Trung Quốc. Động thái của Nhật diễn ra tiếp sau việc công bố sách trắng quốc phòng hồi đầu năm nay, trong đó nhận định Trung Quốc có thể không chỉ khai thác tài nguyên gần nhóm đảo Senkaku mà còn có thể dùng các dàn khoan thăm dò để thiết lập các trạm do thám trong khu vực.

Hồi năm 2013, Trung Quốc đã cố thiết lập quyền tài phán chủ quyền ở Biển Hoa Đông khi đơn phương đặt ra Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) phía trên nhóm đảo Senkaku, mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Chính phủ Nhật Bản đã tuyên bố vùng đó là vô giá trị và bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc. Chính phủ Mỹ lúc đó đã ra tuyên bố Mỹ có cam kết theo hiệp ước phải bảo vệ Nhật Bản nếu máy bay Nhật bị tấn công. Vùng ADIZ đó vẫn tồn tại nhưng không được áp dụng trên thực tế. - VOA

***
Mỹ phát hiện hoạt động mới của Trung Quốc xung quanh một rạn san hô mà Bắc Kinh chiếm từ Philippines gần bốn năm trước, một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh có thể tiếp tục có thêm hoạt động bồi đắp đất ở Biển Đông.

Reuters ngày 18/3 dẫn lời người đứng đầu các hoạt động Hải quân Mỹ, Đô đốc John Richardson, cho biết Hoa Kỳ đang cân nhắc phản ứng đối với động thái này của Trung Quốc.

Đô đốc Richardson nói quân đội Mỹ trông thấy hoạt động của Trung Quốc xung quanh bãi cạn Scarborough ở phía Bắc quần đảo Trường Sa, cách Vịnh Subic khoảng 200 km về hướng Tây.

Ông Richardson cho hay phát hiện một số hoạt động của tàu trên mặt biển, hoạt động khảo sát… Ông nói ‘Đây là một khu vực đáng quan tâm... địa điểm kế tiếp có thể có hoạt động bồi đắp’.

Vẫn theo lời ông, không rõ là liệu các hoạt động gần bãi Scarborough mà Trung Quốc chiếm hồi năm 2012 này có liên quan đến quyết định sắp tới của tòa trọng tài Liên Hiệp Quốc về vụ Philippines kiện bản đồ đường lưỡi bò của Trung Quốc hay không.

Phản ứng trước tuyên bố của Đô đốc Richardson, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Lục Khảng, tố cáo Hoa Kỳ đạo đức giả khi chỉ trích Trung Quốc quân sự hóa khu vực trong lúc thực hiện các cuộc tuần tra hải quân tại đây.

Bộ Ngoại giao Philippines cho biết chưa nhận được báo cáo về hoạt động của Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough.

Đô đốc Richardson của hải quân Mỹ khẳng định Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc tuần tra trong phạm vi 12 hải lý xung quanh các thực thế địa lý có tranh chấp tại Biển Đông để nhấn mạnh quan tâm về quyền tự do hàng hải.

Vẫn theo lời ông, Mỹ hoan nghênh sự tham gia của các nước trong các cuộc tuần tra chung ở Biển Đông và rằng quân đội Mỹ đã nhìn thấy cơ hội tốt để xây dựng và gầy dựng lại quan hệ với các nước như Việt Nam, Philippines và Ấn Độ.

Đô đốc Richardson nhấn mạnh Hoa Kỳ đang khai thác các cơ hội để tăng cường sử dụng các cảng ở Philippines và Việt Nam, kể cả Vịnh Cam Ranh, nơi từng đặt căn cứ hải quân Mỹ trước đây.

Ấn Độ và Nhật Bản đã tham gia cùng với hải quân Hoa Kỳ trong các cuộc tập trận Malabar kể từ năm 2014, và năm nay sẽ tham gia một lần nữa trong cuộc diễn tập phức tạp hơn diễn ra tại khu vực gần Biển Đông và Biển Hoa Đông. - VOA
|
|

2.
Bắc Triều Tiên phóng phi đạn đạn đạo ra biển

Bắc Triều Tiên đã phóng thử nghiệm ít nhất một phi đạn đạn đạo mới, vài ngày sau khi Hoa Kỳ áp đặt các biện pháp chế tài mới đối với quốc gia bị cô lập này.

Ban Tham mưu Liên quân Nam Triều Tiên cho biết phi đạn này đã bay 800 km trước khi rơi xuống bờ biển miền đông bắc Triều Tiên vào sáng sớm18/3. Miền Nam đã theo dõi các vật được phóng đi và đang theo dõi tình hình.

Một giới chức quốc phòng Mỹ nói Hoa Kỳ đã theo dõi vụ phóng 2 phi đạn đạn đạo từ Bắc Triều Tiên. Giới chức này nói không có phi đạn nào được coi là một mối đe doạ đối với Hoa Kỳ hoặc các đồng minh của Mỹ, và ông lưu ý rằng những vụ phóng này là một sự vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama hôm thứ Tư đã ký một lệnh hành pháp áp đặt các biện pháp chế tài mới đối với Bình Nhưỡng để đáp lại các vụ thử nghiệm hạt nhân và phi đạn đạn đạo mới của chính quyền độc tài Bắc Triều Tiên. - VOA
|
|

3.
Thư TQ: 'Đồng chí Tập hết năng lực'

Một lá thư lưu truyền trên các mạng tiếng Trung phê phán ông Tập Cận Bình là 'bỏ truyền thống vì dân' của Đảng Cộng sản và yêu cầu ông từ nhiệm.

Vụ việc đang có hồi tiếp diễn sau khi một phóng viên từ Bắc Kinh bị 'mất tích' hôm 15/03 trong lúc có nghi vấn anh gặp nạn vì liên quan tới bức thư chỉ trích lãnh đạo tối cao của Trung Quốc.

Phóng viên Cổ Gia 'mất tích' khi chuẩn bị lên máy bay từ Bắc Kinh tới Hong Kong.

Nhà báo trẻ làm việc cho trang TenCent ở Bắc Kinh đã nhắn cho bạn mình, Âu Dương Hồng Lượng về lá thư kêu gọi Tập Cận Bình Từ chức.

Sau đó, anh đã mua vé bay sang Hong Kong để giảng bài tại một đại học nhưng bị 'mất tích' từ hôm thứ Ba, theo luật sư của nhà báo ngoài 30 tuổi nói với BBC.

Hiện các trang mạng xã hội Trung Quốc vẫn đang tranh luận về một lá thư ký tên 'Đảng viên trung thành' đòi ông Tập Cận Bình từ chức.

Điều đáng ngạc nhiên là một số trang mạng của nhà nước đã đăng tải lá thư nhưng sau đó nhanh chóng xóa đi.

Tuy vậy, bản gốc hiện vẫn còn trên trang Canyu bằng tiếng Trung ở nước ngoài và được tải lại trên các tài khoản cá nhân ở Trung Quốc.

Nội dung chính của lá thư có tựa đề 'Tín thư yêu cầu đồng chí Tập Cận Bình từ nhiệm khỏi chức lãnh đạo Đảng và Nhà nước' nhắc đến các yêu cầu gần nhất của ông Tập rằng truyền thông Trung Quốc "phải tuyệt đối trung thành với Đảng".

Lá thư, đăng từ ngày 4/3 trên các mạng tiếng Trung, nói ông Tập đã "vứt bỏ truyền thống của Đảng Cộng sản" là vì dân.

Nhắc lại, ông Tập Cận Bình đã bắt đầu từ năm 2012 tung ra chiến dịch chống tham nhũng 'phản hủ bại, đả lão hổ', lá thư cho rằng ông đã nhanh chóng tập trung quyền lực vào tay mình.

"Tập đồng chí, chúng tôi không thể không nêu ra, bằng phương thức như vậy, toàn bộ quyền lực trong chính trị, kinh tệ, tư tưởng, văn hóa...đã tập trung vào một cá nhân và tạo ra khủng hoảng cùng các vấn đề vô tiền lệ."

Thư nêu ra một loại các vấn đề nghiêm trọng của Trung Quốc hiện nay, từ chính trị, kinh tế, chứng khoán, tư tưởng đến quản lý truyền thông mà tác giả cho là vì cách lãnh đạo của ông Tập.

Lá thư cũng nói về ngoại giao Trung Quốc và phê phán Tập đồng chí đã vứt bỏ chính sách 'Thao quang dưỡng hối' của cố lãnh tụ Đặng Tiểu Bình.

Căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên, các vấn đề với Nhật Bản, Philippines và các quốc gia Đông Nam Á...cũng được nêu ra.

Cuối cùng, lá thư kết luận:

"Đồng chí Tập Cận Bình không còn đủ năng lực lãnh đạo Đảng và Quốc gia đi về tương lai để giữ chức Tổng bí thư và nên từ chức."

Các nhà báo phản ứng?

Thời gian qua, một số người ở Trung Quốc công khai ký tên thật với lời công bố trên mạng xã hội Trung Quốc tỏ thái độ phản đối lệnh đòi báo chí 'tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản' của ông Tập Cận Bình.

Đó là các ông Chu Phương, Nhiệm Chí Cường và Tưởng Hồng.

Theo hãng Reuters, một số người như ông Nhiệm Chí Cường, một nhà đầu tư có tiếng, đã bị báo chí nhà nước 'đấu tố' theo phong cách như thời Cách mạng Văn hóa sau khi viết công khai rằng vì sao Đảng lại bắt truyền thông phục vụ mình mà bỏ qua nhân dân.

Trong một diễn biến không rõ là xảy ra do vô tình hay cố ý, một trang tin chính thống ở Trung Quốc đã 'in nhầm' và gọi Chủ tịch Tập Cận Bình là 'lãnh đạo cuối cùng' (tội hậu) thay vì 'tối cao'.

Bài trên Tân Hoa Xã sau đó đã phải chỉnh sửa nhưng thời điểm xảy ra khiến người ta đặt ra nhiều câu hỏi.

Sự cố xảy ra đúng lúc chính quyền đang tăng cường kiểm duyệt truyền thông. Lỗi tương tự xảy ra trong quá khứ thường đi kèm sự trừng phạt nặng nề cho những nhà báo liên quan.

Vào tháng 12, bốn nhà báo đã bị ngưng chức sau khi China News Service, cơ quan chịu sự quản lý của đảng cầm quyền, vô ý đưa tin chủ tịch Tập Cận Bình 'từ chức' (ci zhi), thay vì 'phát biểu' (zhi ci), trong chuyến công du ở châu Phi.

Trong năm 2015 có tới 29 nhà báo ở Trung Quốc phải ngồi tù vì đủ loại lý do khác nhau. - BBC
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Tổng thống Obama đi thăm Cuba: một cơ hội lịch sử

Chuyến đi của Tổng thống Obama tới thăm Cuba đang được nhiều người trông đợi như một cơ hội lịch sử để làm tan băng các quan hệ với La Habana.

Bất chấp thái độ miễn cưỡng của một số dân biểu quốc hội, Tổng thống Obama đã có hành động quyết liệt phục hồi các quan hệ kinh tế và ngoại giao với đảo quốc theo chủ nghĩa cộng sản này.

Trước chuyến đi, ông Obama đã nhận lời mời của bà Ileana Yarza đến thăm nhà bà ở La Habana. Thư nhận lời của Tổng thống Mỹ đã được chuyển tới trong chuyến đưa thư trực tiếp đầu tiên từ Hoa Kỳ tới Cuba trong hơn 50 năm.

Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Susan Rice nói:

“Chúng tôi tin rằng sự giao tiếp đó, trong đó có giao thương lớn hơn, du hành và các quan hệ giữa người Mỹ và người Cuba là cách tốt nhất để góp phần tạo cơ hội và thúc đẩy tiến bộ cho nhân dân Cuba, đó là lý do vì sao trong chuyến đi của ông, Tổng thống Obama sẽ gặp giới lãnh đạo xã hội dân sự, kể cả các nhà hoạt động nhân quyền, là những người nói lên những nguyện vọng của nhân dân Cuba”.

Các nhà lập pháp của cả đảng Dân chủ lẫn đảng Cộng hòa sẽ tháp tùng Tổng thống Obama trong chuyến đi mà một số người vẫn chống đối.

Dân biểu Ileana Ros Lehtinen nói: “Nhà lãnh đạo của thế giới tự do đã chọn lưu lại cho hậu thế cơ hội để chụp hình, thưởng thức một trận bóng chày với một kẻ sát nhân và một tên côn đồ”.

Chuyến đi thăm kéo dài 3 ngày sẽ khiến ông Obama trở thành vị tổng thống đương nhiệm đầu tiên của Mỹ tới thăm đảo quốc Cuba trong gần 90 năm. - VOA
|
|

5.
Mỹ mở kho hậu cần ở Việt Nam?

Quân đội Mỹ lên kế hoạch lập kho hậu cần ở một số nước Á châu, trong có Việt Nam và Campuchia, theo trang Defense News.

Trang mạng The Diplomat dẫn lại nguồn của Defense News nói hoạt động này có thể nhằm để "ngăn chặn Trung Quốc".

Tại một hội nghị về quốc phòng, Tướng Dennis Via, Bộ Tư lệnh Hậu cần Mỹ, nói rằng quân đội có kế hoạch thiết lập tám kho quân trang quân dụng trên toàn cầu.

Tuy nhiên, các cơ sở tại châu Á - Thái Bình Dương sẽ chứa các thiết bị khác so với những kho ở châu Âu, tướng Via nói thêm.

"Kho hậu cần quân sự ở châu Âu là vũ khí sẵn sàng cho chiến tranh", tướng Via giải thích.

Theo Breaking Defense, kho hậu cần quân sự ở châu Âu đang có 200 xe tăng M1 Abrams, 138 xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley, và 18 khẩu lựu pháo tự hành M109 Paladin.

Tư lệnh Quân trang Mỹ cũng vừa gửi 5.000 tấn đạn dược đến châu Âu, lượng vũ khí lớn nhất từ khi Thế chiến II kết thúc. Tướng Via giải thích rằng trách nhiệm của tư lệnh là "cung cấp cho quân đội Mỹ và các lực lượng phối hợp những vũ khí hiện đại nhất để các đơn vị đó nhanh chóng triển khai khi cần".

Kho thiết bị quân sự đặt tại Campuchia và Việt Nam chứa các quân trang quân dụng nhẹ hơn và chủ yếu phục vụ hoạt động cứu trợ nhân đạo và thảm họa, theo Tướng Via.

"Trong khu vực vành đai Thái Bình Dương, kho hậu cần của Mỹ sẽ trợ giúp thiết bị, vật dụng cứu trợ nhân đạo và thảm họa, nhờ vậy mà khi có bão và các thảm họa tự nhiên khác xảy ra, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ có thể ứng phó nhanh hơn”, ông Via nói.

"Chúng tôi cũng đang tìm cách đặt một bệnh viện dã chiến tại Campuchia”, ông cho hay.

Tiết kiệm ngân sách

Hơn nữa, vị tướng cũng nhấn mạnh rằng một trong những lý do cho việc lập kho hậu cần là tiết kiệm ngân sách. "Chúng tôi luôn tìm cách tận dụng hiệu quả nhất từng đồng đôla mà ngân sách cấp cho", Tướng Via nói.

Tuy nhiên, kế hoạch của vị tướng này chắc chắn sẽ gây tranh cãi.

Ngay cả khi các thiết bị mà Mỹ muốn đặt ở kho lưu trữ tại Campuchia và Việt Nam không để phục vụ chiến tranh mà chủ yếu được dùng cho hoạt động cứu trợ nhân đạo và thảm họa, động thái này vẫn được cho là thông điệp mạnh mẽ gửi tới Trung Quốc.

The Diplomat cho rằng điều đó cũng khiến Bắc Kinh cảm thấy đang từng bước bị Mỹ cùng các đồng minh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương bao vây.

Việc lưu trữ quân trang quân dụng Mỹ tại Việt Nam và Campuchia có thể xem là sự hiện diện thường trực quy mô nhỏ của quân đội Mỹ tại những nước này.

Điều đó có thể tạo ra những hiệu ứng lan tỏa hữu ích và tăng cường hợp tác quốc phòng sâu rộng hơn giữa Hoa Kỳ và các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương, nơi Washington không có căn cứ quân sự thường trực.

Hiện chưa rõ kế hoạch nói trên sẽ có tác động như thế nào đến quan hệ Trung-Mỹ và liệu Bắc Kinh có tìm cách 'trả đũa’ hay không. - BBC
|
|

Tin Việt Nam

6.
Nga-Việt tăng cường hợp tác an ninh

Nga và Việt Nam đang tăng cường và mở rộng hợp tác trong lĩnh vực an ninh.

Phó Bí thư Hội đồng An ninh Nga Yevgeny Lukyanov cho thông tấn xã TASS biết như thế sau khi các cuộc tham vấn chuyên gia Nga – Việt về an ninh khu vực và quốc tế kết thúc tại Hà Nội hôm thứ Tư.

Ông Lukyanov nói: “Sự hợp tác giữa Hội đồng An ninh Nga và các cơ quan liên quan của Việt Nam phụ trách các vấn đề an ninh mang tính ổn định, có hệ thống và thẳng thắn. Lần này, chúng tôi đã một lần nữa phối hợp lập trường của chúng tôi về các vấn đề song phương quan trọng, các vấn đề khu vực và quốc tế”.

Theo ông Lukyanov, Nga và Việt Nam hợp tác trên tinh thần “an ninh không phải là vấn đề của riêng ai, và mang tính toàn cầu". Một thách thức lớn hiện nay đối với mỗi quốc gia là chủ nghĩa khủng bố quốc tế.

Ông Lukyanov nêu nhận định: “Chống lại chủ nghĩa khủng bố quốc tế là một trong số các vấn đề chính trong các cuộc họp với những đối tác Việt Nam của chúng tôi. Chúng tôi đã chỉ ra sự cần thiết để đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực và trên thế giới, tầm quan trọng của việc tăng cường vai trò của các cơ chế hợp tác song phương và đa phương trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế”.

Ông đã hướng sự chú ý đến sự kiện Moscow và Hà Nội xem xét tất cả các khía cạnh hợp tác trong lĩnh vực an ninh, không chỉ từ góc độ quan hệ song phương mà còn về các mối quan hệ khu vực và quốc tế.

Ông Lukyanov nói: “Hôm nay, Nga và Việt Nam tái khẳng định sự sẵn sàng để cùng nhau đối phó với các mối đe dọa và thách thức hiện đại như chủ nghĩa khủng bố quốc tế, buôn bán ma túy, di cư bất hợp pháp, vi phạm luật hàng hải, tội phạm xuyên biên giới và phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt”.

Ngày 15 tháng 3, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã nghênh tiếp ông Patrushev Nikolai Platonovich, Thư ký Hội đồng An ninh Nga, và đoàn sang thăm, làm việc tại Việt Nam. Chiều cùng ngày, tại trụ sở Bộ Công an Việt Nam, đoàn đại biểu cấp cao Bộ Công an Việt Nam do Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam làm trưởng đoàn đã hội đàm với đoàn đại biểu cấp cao Hội đồng An ninh Nga.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh và Thư ký Hội đồng An ninh Nga Patrushev đã đánh giá tích cực hợp tác ASEAN – Nga thời gian qua và bày tỏ hy vọng Hội nghị cấp cao ASEAN - Nga sẽ diễn ra tháng 5/2016 tại Sochi, Liên bang Nga sẽ thành công tốt đẹp, vì lợi ích của cả hai bên, vì hòa bình và ổn định tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thế giới. - VOA
|
|

7.
Thái Lan trấn an Việt Nam về việc hút nước tạm thời từ sông Mekong

Sau khi Việt Nam nêu đề nghị, Trung Quốc thông báo xả nước từ nhà máy thủy điện Cảnh Hồng của nước này từ ngày 15/3 tới ngày 10/4 để tăng lượng nước của sông Mekong.

Tại cuộc họp thứ 43 của Ủy hội sông Mekong từ ngày 15 đến 17/3 ở Cần Thơ, ông Trần Đức Cường, phát ngôn viên của Hội đồng Việt Nam trong Ủy hội, cho hay ước tính từ 27 đến 54% lượng nước Trung Quốc xả ra sẽ đến Việt Nam. Song ông nói thêm phải mất 2 đến 3 tuần nước mới đến Việt Nam.

Lúc này, Thái Lan đã bắt đầu bơm nước từ sông Mekong vào các đường dẫn của nước này, khơi ra sự lo ngại từ các nước cuối nguồn Mekong như Việt Nam, nước đang chịu hạn hán tệ nhại hất từ gần một thế kỷ trở lại đây.

Bốn trạm bơm tạm thời đã bắt đầu hút 47 triệu mét khối nước từ sông Mekong bơm vào sông Huai Luang ở tỉnh Nong Khai của Thái Lan.

Tiến sỹ Somkiat Prajamwong thuộc Cục Thủy lợi Hoàng gia Thái Lan nói: “Các trạm bơm này chỉ là tạm thời để giúp người dân bị khủng hoảng hạn hán”.

Dự án Huai Luang tương đối nhỏ. Tuy nhiên, Ban Tài nguyên Nước Quốc gia Thái Lan đã phê duyệt một trạm bơm lớn hơn nhiều cho khu vực này, có thể bơm 150 mét khối nước một giây từ sông Mekong.

Cục Thủy lợi Thái nói phải 2 năm nữa việc xây trạm bơm lớn mới diễn ra và công trình sẽ tuân thủ các thỏa thuận khu vực về quản lý dòng sông Mekong.

Tại cuộc họp của Ủy hội sông Mekong vừa rồi ở Cần Thơ, đoàn Việt Nam đã đề xuất Thái Lan cung cấp thông tin cụ thể về dự án lấy nước ở Huai Luang phục vụ nông nghiệp. Đoàn Thái nói đang có nghiên cứu về dự án mới và thông tin sẽ sớm được công bố.

Tiến sỹ Somkiat nói: “Chúng tôi nghe nói Việt Nam đã gửi thông điệp đến Thái Lan, song có thể họ đã hiểu nhầm tình hình của chúng tôi… Lượng nước mà chúng tôi lấy không gây tác động lớn”.

Thái Lan cũng như Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác vô cùng cần nước vì lâu nay bị thiếu nghiêm trọng.

Mực nước sông Mekong đã xuống mức thấp nhất trong vòng 90 năm qua. Trong khi Thái Lan tiếp tục chặn dòng các phụ lưu đổ vào sông Mekong và chuyển dòng một số nhánh nhỏ, Việt Nam cho hay đã ghi nhận mực nước thấp kỷ lục trên dòng Mekong kể từ năm 1926.

Nước xuống thấp đã làm tăng nhiễm mặn ở vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.

Ủy hội sông Mekong đã lập mô hình tính toán và dự báo xâm nhập mặn trên dòng chính sông Mekong ở Việt Nam có thể vào sâu 162 kilomet trong năm nay, tức là đi tới tận gần biên giới với Campuchia. Mức bình thường của các năm khác là 98 kilomet sâu trong đất liền.

Tình trạng thời tiết bất thường do hiện tượng El Nino đã làm đảo lộn mọi dự báo thời tiết, đồng nghĩa với việc gây ra thêm thách thức về nguồn nước cho vùng Đông Nam Á cũng như cho quan hệ giữa họ với nhau. - VOA
|
|

8.
Người tự ứng cử và cạm bẫy hiệp thương

Sự kiện Hà Nội và TP.HCM công khai danh sách sơ bộ ứng cử viên độc lập, hay còn gọi là tự ứng cử, được ghi nhận như một nét mới trong hoạt động bầu cử. Cho dù có thể dự đoán đa số ứng cử viên độc lập cổ vũ dân quyền sẽ bị loại bỏ ở những bước tiếp theo.

Sẽ loại bỏ nhiều ứng cử viên tự do?

Danh sách sơ bộ được công bố ngày 17/3/2016, chính là khởi sự vòng hiệp thương thứ 2 của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Theo VnExpress, Hà Nội có 87 ứng cử viên Quốc hội, trong đó bên cạnh 39 ứng cử viên được giới thiệu, số người tự ứng cử đã nạp đơn hợp lệ là 48 người.

TS Nguyễn Quang A, chuyên gia độc lập về tin học, kinh tế, tài chính, nhà báo tự do, đứng đầu danh sách người tự ứng cử. Trả lời Nam Nguyên vào tối 17/3/2016, từ Hà Nội TS Nguyễn Quang A phát biểu:

“Tôi nghĩ đây là một điều tốt, không chỉ ở Hà Nội người ta công bố danh sách này mà ở Sài Gòn cũng công bố toàn bộ những người ứng cử. Tức là bước gọi là hiệp thương lần thứ hai. Ít ra ở hai thành phố này, bất kể người nào ứng cử, được giới thiệu hay tự ứng cử, đều được công khai danh sách, đấy là một bước tốt để cho người dân có thể biết được những người này là ai chứ không còn chuyện giữ kín như những lần trước nữa.”

Theo danh sách sơ bộ ứng cử viên Quốc hội tại Hà Nội được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc công bố hôm 17/3,  những người tự ứng cử bao gồm đủ thành phần từ nhân sĩ, trí thức chuyên gia, nhà báo, nghệ sĩ, công chức và những người hành nghề tự do.

Nổi bật trong số 48 người tự ứng cử ở Hà Nội, ngoài TS Nguyễn Quang A còn có TS Hán nôm Nguyễn Xuân Diện chủ blog Tễu, các blogger Nguyễn Đình Hà, Nguyễn Tường Thụy, nghệ sĩ Vượng râu Nguyễn Công Vượng và nhà giáo Đỗ Việt Khoa.

Đây là lần thứ hai ông Đỗ Việt Khoa, một nhà giáo nổi tiếng vì hoạt động chống tham nhũng tự ra ứng cử Quốc hội. Lần trước trong cuộc bầu cử năm 2007, ông Khoa bị loại khỏi danh sách ứng cử viên sau khi bị điều gọi là đấu tố tại hội nghị cử tri trong vòng hiệp thương thứ hai. Đặc biệt ông bị 0% tín nhiệm từ hội nghị cử tri nơi công tác, sự việc theo lời ông Khoa, chính những người bị ông tố cáo tham nhũng đã trả thù ông.

Trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa 14 hiện nay, nhà giáo Đỗ Việt Khoa đã nghĩ ra đối sách để chống lại việc những người từ nơi khác được điều tới để vu khống bôi nhọ trong hội nghị cử tri ở khu phố. Ông nói:

“Dù người khác có vào đấu tố không có căn cứ thì đấu tố sẽ không có tác dụng, năm nay cá nhân tôi có kinh nghiệm, nếu ai đấu tố tôi vô căn cứ thì tôi nhờ bà con ghi âm, ghi hình làm bằng chứng để đưa họ ra tòa án. Năm nay dứt khoát phải đưa những người vu khống ra tòa án. Hy vọng là người ta sẽ không gây khó khăn gì cho tôi trong việc ứng cử…”

Tiến trình bầu cử Quốc hội Việt Nam 2016 có vẻ sôi nổi hơn các kỳ bầu cử trong quá khứ. Đây là lần đầu tiên phong trào tự ứng cử nở rộ mạnh mẽ với sự tham gia của các nhà dân chủ. Phải chăng việc qui kết tổ chức phản động đứng sau một số người tự ứng cử Quốc hội là một bước chuẩn bị, để chắc chắn sẽ loại bỏ nhiều ứng cử viên tự do mà chính quyền không ưa thích.

TS Nguyễn Quang A nhận định:

“Họ không bị loại ở vòng hiệp thương thứ hai này nhưng còn hai cửa ải nữa khó khăn hơn nhiều. Tiếp đến sẽ có một cuộc gọi là hội nghị cử tri ở nơi cư trú và người ta mời ít nhất là 55 người, có thể là 60 tới 70 người do chính họ mời đến để “góp ý” mình, nhận xét rồi lấy phiếu  tín nhiệm về mình. Tức là 50-60 người ấy người ta định đoạt bỏ phiếu cho mình thay cho nửa triệu hoặc 1 triệu cử tri, người ta bảo cái đấy chỉ là tham khảo thôi. Nhưng đến đợt tiếp theo gọi là hiệp thương lần thứ ba dựa chủ yếu vào kết quả của cái hội nghị cử tri mà người ta mời những người người ta thích đến để nhận xét về minh thì khả năng để loại mình ra vào dịp đấy là rất lớn… Tôi nghĩ xác xuất để được lọt vào danh sách ứng cử cuối cùng là rất nhỏ.” 

Cơ hội cho người tự ứng cử là quá thấp?

Theo Tuổi Trẻ Online và VnExpress, sáng 15/3 tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trưởng đoàn giám sát Hội đồng bầu cử quốc gia với Ủy ban bầu cử TP. Hà Nội, Tiểu ban an ninh, trật tự an toàn xã hội, cho biết trong số 47 người tự ứng cử đại biểu Quốc hội tại Hà Nội, một số người có sự ủng hộ của tổ chức phản động trong nước, nước ngoài, thậm chí còn được cung cấp tài chính để vận động, tranh thủ số phiếu của cử tri.

Thông tin vừa nêu gây phản ứng mạnh mẽ từ một số ứng cử viên như TS Nguyễn Xuân Diện và TS Nguyễn Quang A. Các vị này yêu cầu làm rõ vấn đề này. Riêng TS Nguyễn Quang A còn đặt vấn đề Tiểu ban an ninh, trật tự an toàn xã hội vi phạm Hiến pháp và Luật bầu cử, nếu không thể cung cấp chứng cứ liên quan.

Và không chỉ các ứng cử viên độc lập đặt vấn đề, chính các thành viên của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam đã nêu việc cụ thể hóa cáo giác nhắm vào những người tự ứng cử. Theo người Lao Động Online, tại Hội nghị Hiệp thương lần thứ hai tổ chức sáng 17/3 tại Hà Nội, hai vị Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam là ông Nguyễn Túc và Thiếu tướng Lê Mã Lương đã phê bình Tiểu ban an ninh, trật tự an toàn xã hội là, không thể nói chung chung là tổ chức phản động đứng sau, cung cấp tài chính cho một số người tự ứng cử… Nếu có phải chỉ rõ, làm rõ bởi nếu không nó phương hại, ảnh hưởng đến nhiều người đang tham gia ứng cử.

Nhà giáo Đỗ Việt Khoa nói với chúng tôi là Việt Nam cần cải cách cơ chế tổ chức bầu cử để người dân có thể tham gia ứng cử, mà không bị các vòng hiệp thương loại bỏ. Theo lời ông, hãy để cho cử tri được thực sự lựa chọn người đại diện của mình ở Quốc hội.

“Tình hình hình Việt Nam từ rất lâu đã có cơ chế như vậy rồi, họ sắp xếp, cơ cấu, bố trí rồi. Đặc biệt chúng ta đều nhìn thấy cơ cấu đại bộ phận là đảng viên, người ngoài đảng rất ít, chỉ tiêu ứng cử mỗi một địa phương họ ấn định phân chia cho các ban ngành cả rồi cho nên cơ hội cho những người tự ứng cử là quá thấp. Điều này là sự tồn tại của đất nước và như thế Quốc hội chưa thực sự là của toàn dân, thế thì sẽ phải có những sự thay đổi…”

Trao đổi với chúng tôi, LS Trần Quốc Thuận nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề cao phong trào tự ứng cử một cách rộng rãi. Tuy nhiên ông lưu ý bầu cử ở Việt nam là một tiến trình chặt chẽ, thể lệ chốt danh sách ứng cử viên qua các vòng hiệp thương là một vấn đề mà dư luận từng đã nói rất nhiều. Từ Sài Gòn LS Trần Quốc Thuận phát biểu:

“Tôi hy vọng cuộc tự ứng cử kỳ này có thể có nhiều người vượt qua được những vòng hiệp thương. Còn chuyện trúng cử hay không trúng cử là sự quyết định của lá phiếu cử tri, tôi chưa thể phán đoán được. Nhưng ở một đất nước mà báo chí chưa thực sự tự do, chưa có tổ chức xã hội dân sự thì kết quả ở chừng mực nào đó người ta có thể đoán biết được.”

Được biết tổng số đại biểu Quốc hội khóa 14 là 500 người. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết dự kiến số đại biểu Quốc hội thuộc cơ cấu trung ương là 198, số đại biểu thuộc cơ cấu địa phương là 302. Thành phần ngoài Đảng của Quốc hội khóa 14 là 35 người. Riêng Thành phố Hà Nội có 30 ghế đại biểu, theo danh sách sơ bộ có 87 ứng viên gồm 39 người được giới thiệu và 48 người tự ứng cử. Có một điểm trùng hợp là Hà Nội và TP.HCM cùng có chung con số 48 người tự ứng cử được ghi vào danh sách sơ bộ.

Vòng hiệp thương thứ ba và tiến tới danh sách ứng cử viên chính thức vào cuối tháng 4 sắp tới, sẽ cho biết thực tế về vấn đề có hay không có đổi mới mang tính dân chủ trong tổ chức bầu cử.

Theo giới quan sát trong và ngoài nước, cải cách chính trị ở Việt Nam còn xa mới tới mức chấp nhận những tiếng nói độc lập, càng không phải là đối lập trong Quốc hội. - RFA

No comments:

Post a Comment