Friday, March 4, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Năm 3/3

Tin Thế Giới

1.
Tranh cãi ở Úc về khả năng đưa tàu chiến tới Biển Đông

Cựu ngoại trưởng Australia Bob Carr cho rằng việc triển khai tàu chiến tới biển Đông là "chiến lược mạo hiểm".

Phát ngôn viên về quốc phòng của đảng Lao động Úc Stephen Conroy đã kêu gọi Chính phủ liên bang tiến hành chiến dịch tự do hoạt động hàng hải xung quanh vùng lãnh thổ tranh chấp trong khu vực.

Căng thẳng đang gia tăng tại khu vực giàu tài nguyên đang trong vòng tranh chấp giữa các quốc gia Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Đài Loan, Malaysia và Brunei.

Hoa Kỳ đã tiến hành hoạt động thực thi tự do hàng hải ở Biển Đông, làm Bắc Kinh nổi giận, và Mỹ cũng kêu gọi Úc làm điều tương tự. Tuy nhiên, cựu chính trị gia Australia Bob Carr nói trong chương trình Lateline của đài ABC rằng đó là một chiến lược mạo hiểm.

Ông Carr đặt câu hỏi: “Chúng ta có muốn là bạn bè, đối tác hoặc đồng minh duy nhất của Mỹ để được đeo huy hiệu phó cảnh sát trưởng lấp lánh trong ánh mặt trời và tham gia các hoạt động tuần tra này?"

Ông Carr hỏi tiếp: “Giả sử rằng chúng ta tự tuần tra riêng hoặc theo tàu chiến Hoa Kỳ trong phạm vi 12 hải lý xung quanh một trong những công trình hoặc đảo nhân tạo mà Trung Quốc có thể đã kiểm soát trong 40 năm qua, thì tiếp theo là gì? Chúng ta sẽ làm gì tiếp theo và nếu Trung Quốc xem đó như là một cơ hội quân sự hóa xa hơn, và đó là điều đáng tiếc, thì sau đó chúng ta sẽ làm gì?”

Nhà phân tích quốc phòng Catherine McGregor cũng đồng ý với cựu chính trị gia Bob Carr. Cô nói: “Tôi không nghĩ rằng hành động đơn phương trái với luật lệ không cần Australia phải hành động vì Úc không phải là bên trong việc tranh chấp này”.

Trong lúc đó, thượng nghị sĩ Conroy nói trong chương trình Lateline rằng Úc nên gửi tàu chiến đến phạm vi 12 hải lý của các đảo tranh chấp.

Ông Conroy nói: “Tôi nghĩ rằng mọi người đang nhìn thấy hành vi rất hiếu chiến từ Trung Quốc – triển khai máy bay quân sự, đội tên lửa, không có sự giải thích, không phù hợp với các tuyên bố trước đây nói rằng họ sẽ không chấp thuận hệ thống luật lệ quốc tế".

“Tôi nghĩ rằng tất cả các yêu cầu Úc cứng rắn nhằm hỗ trợ hệ thống luật pháp quốc tế bằng cách thực hiện các hoạt động. Bà Julie Bishop từng phát biểu rằng Trung Quốc không tôn trọng kẻ yếu và tôi nghĩ chính phủ này đã không lắng nghe ý kiến của bà".

Tuần trước, cựu Thủ tướng Tony Abbott cũng kêu gọi Úc “chuẩn bị thực thi quyền tự do hàng hải” ở Biển Đông, trong khi chỉ trích Bắc Kinh đã không chia sẻ các “giá trị” giống như Úc.

Trung Quốc sẽ tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc thường niên vào cuối tuần này, với các quan chức dự kiến sẽ phê chuẩn một số quyết định của chính phủ bao gồm cả việc gia tăng ngân sách quân sự lớn nhất trong vòng gần một thập kỷ.

Đơn vị hưởng lợi dự kiến sẽ là lực lượng hải quân Trung Quốc, đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trong khi đó, chi tiêu quốc phòng và năng lực quân sự của Úc cũng đang được xem xét kỹ lưỡng sau khi bị rò rỉ tài liệu mật đề nghị Chính phủ của ông Turnbull trì hoãn triển khai các đội tàu ngầm tiếp theo.

Theo báo Úc, các tài liệu rò rỉ bị cáo buộc tiết lộ thủ tướng Malcolm Turnbull có kế hoạch cung cấp các hạm đội tàu ngầm kế tiếp vào những năm 2030, gần một thập kỷ sau khi ông Abbott đã lên kế hoạch.

Bài báo trích lời ông Abbott nói rằng, ông đã “sửng sốt” bởi quyết định này. Ông Abbott đã đưa ra một tuyên bố phủ nhận bất kỳ sự can dự nào trong việc tiết lộ các tài liệu.

Trước đó, một giới chức quân sự cao cấp nhất của Mỹ kêu gọi Úc hãy tiếp bước với Hoa Kỳ để tiến hành những hoạt động hải quân nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải trong phạm vi 12 hải lý của các đảo đang tranh chấp trong Biển Đông.

Phát biểu với các nhà báo ở thành phố Sydney, Tư lệnh Hạm đội 7 của hải quân Hoa Kỳ Phó Đô Đốc Joseph Aucoin nói, việc Úc và các nước khác điều tàu chiến tuần tra các vùng biển nằm trong phạm vi 12 hải lý cách các đảo đang tranh chấp ‘sẽ phục vụ các lợi ích tốt nhất của khu vực’. - VOA
|
|

2.
Syria bị cúp điện khắp nước

Lần đầu tiên kể từ khi cuộc nội chiến bùng nổ vào năm 2011, tình trạng cúp điện trên cả nước xảy ra ở Syria vào sớm ngày thứ Năm.

Hãng thông tấn chính thức SANA cho biết chưa rõ nguyên nhân của vụ cúp điện là gì và nhân viên đang cố gắng để khôi phục điện theo từng khu vực một.

Các chuyên gia chính phủ cho biết họ dự kiến điện sẽ có lại trong vòng 12 giờ tới khắp cả nước.

"Đây chỉ là một vấn đề kỹ thuật xảy ra ở nhiều nước," một nhân viên tại Bộ Điện năng nói với VOA qua điện thoại. Bà này từ chối cung cấp thêm chi tiết.

Một nguồn tin khác từ Bộ Điện năng ở thủ đô Syria nói với hãng thông tấn SANA rằng các chuyên gia đã có thể khôi phục điện tại một số khu vực của đất nước bị chiến tranh tàn phá này.

Chính phủ Syria trước đây chưa từng thừa nhận những trục trặc lớn về cơ sở hạ tầng lớn, theo các nhà phân tích.

"Điều thú vị là chính phủ lần đầu tiên đưa ra thông báo này," Bangin Hisso, một kỹ sư điện làm việc cho Bộ Điện năng Syria mười năm qua nói.

"Trong quá khứ, chính phủ chỉ phớt lờ tình trạng thiếu điện. Nhưng vì đây là cúp điện trên cả nước nên họ phải nói điều gì đó với người dân," ông Hisso nói với VOA.

Dù cuộc nội chiến đang diễn ra ở nhiều nơi ở Syria, chính phủ Syria vẫn có thể tiếp tục cung cấp điện cho người dân, thậm chí trong những khu vực nằm dưới sự kiểm soát của phe đối lập và Nhà nước Hồi giáo.

Tuy nhiên, lượng điện năng thay đổi tùy theo vùng, và việc đó phụ thuộc vào hoàn cảnh chính trị và quân sự của cuộc nội chiến, người dân địa phương cho biết. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Ông Romney đả kích ông Trump kịch liệt --- Mexico quyết không trả tiền cho kế hoạch xây tường của Donald Trump

Cựu ứng cử viên tổng thống Mitt Romney đả kích kịch liệt ứng cử viên đang dẫn đầu của Đảng Cộng hòa Donald Trump trong một bài phát biểu đáng lưu ý, mô tả ông ta không thích hợp trở thành tổng thống Hoa Kỳ. Ông Romney kêu gọi cử tri Cộng hòa cân nhắc hậu quả của lá phiếu dành cho ông Trump trong những hội nghị đầu phiếu và những cuộc bầu cử sơ bộ khắp toàn quốc: "Nếu chúng ta những người theo Đảng Cộng hòa chọn Donald Trump làm ứng cử viên của mình, những triển vọng cho một tương lai an toàn và thịnh vượng bị thu hẹp."

Sau đó trong ngày thứ Năm, ông Trump phản pháo và gọi những phát biểu của ông Romney là "xấu xa."

Ông Romney nói rõ rằng bản thân ông không dự định tranh cử và kêu gọi cử tri xem xét bốn ứng cử viên còn lại của Đảng Cộng hòa, cảnh báo rằng: "Một người bất khả tín và gian dối như [ứng cử viên Đảng Dân chủ] Hillary Clinton không được trở thành tổng thống." Nhưng cựu Thống đốc bang Massachusetts nói rằng ông Trump không có tính khí cũng như sự suy xét để trở thành tổng thống.

Ông Romney đả kích ông Trump về những doanh nghiệp thất bại của ông ta và về những tuyên bố chính sách đối ngoại của ông ta. Ông gói gọn quan điểm của ông Trump về Syria và nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo như sau: "Hãy để ISIS diệt Assad,' ông nói, 'và chúng ta có thể nhặt những gì còn sót lại.'" Ông Romney tiếp tục: "Hãy nghĩ về chuyện đó mà xem. Để tổ chức khủng bố nguy hiểm nhất mà thế giới từng biết tới chiếm toàn bộ đất nước? Sự liều lĩnh này là sự liều lĩnh tới mức cùng cực."

Lên án ông Trump là "giả tạo" và "bịp bợm," ông  Romney nói "những lời hứa của Trump cũng vô giá trị như tấm bằng từ Đại học Trump'' - nhắc tới một doanh nghiệp của ông Trump hiện đang bị điều tra gian lận ở New York.

Ông Romney, người đã tranh cử không thành công trong cuộc đua với Tổng thống Barack Obama cách đây bốn năm, phát biểu tại Thành phố Salt Lake bang Utah hôm thứ Năm tại Viện Diễn đàn Chính trị Hinckley thuộc Đại học Utah.

Những lời chỉ trích ngày càng tăng của ông Romney nhắm vào ông Trump trong những ngày gần đây bao gồm việc ông Trump từ chối tiết lộ hồ sơ khai thuế của mình và việc ông ta lúc đầu miễn cưỡng chối bỏ tuyên bố công khai ủng hộ từ một cựu thủ lĩnh Ku Klux Klan, một nhóm chủ trương thượng đẳng da trắng.

Những lời công kích của ông Romney nhắm vào ông Trump tương phản rõ rệt với mối quan hệ của hai người vào năm 2012, khi ông trùm tỉ phú bất động sản này ủng hộ ông Romney, người khi đó đã ca ngợi năng lực kinh doanh của ông Trump.

Trump phản pháo

Phát biểu tại bang Maine, ứng cử viên đang dẫn đầu của Đảng Cộng hòa Donald Trump đả kích cựu ứng cử viên tổng thống Mitt Romney, gọi ông ta là "không quan trọng" và là "ứng cử viên thất bại" khiến Đảng Cộng hòa thất vọng trong cuộc đối đầu với Tổng thống Barack Obama.

Trong một phát biểu lan man dài 45 phút tại một buổi vẫn động ở thành phố Portland, ông Trump gọi những phát biểu của ông Romney là "xấu xa" và nói ông ta nghĩ rằng ông Romney từng là một người tốt hơn. Ông ta nói ông Romney đã van xin được ông ta tuyên bố công khai ủng hộ hồi năm 2012. Ông Trump kể ra một số những tòa nhà của ông ta khắp thế giới để phản bác những cáo buộc của ông Romney rằng ông ta kinh doanh không thành công như đã tuyên bố. Nhưng ông Trump không phản bác thực chất của bất kỳ lời chỉ trích gay gắt nào khác mà ông Romney đưa ra về kiến thức, sự suy xét và tính khí của ông ta.

Ông Trump nói người vợ Melania có gọi điện thoại cho ông ta và yêu cầu ông ta hành xử "ra vẻ tổng thống" trong cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình của các ứng cử viên Cộng hòa vào đêm thứ Năm. Ông Trump nói ông ta sẽ hành xử như vậy, nhưng sẽ đáp trả mạnh hơn nếu có ai đó chỉ trích ông ta.

Đảng Cộng hòa gia tăng nỗ lực ngăn chặn Trump

Ông Romney góp mặt vào một nhóm ngày càng đông những nhà lãnh đạo đảng và nhà tài trợ có ảnh hưởng mạnh mẽ phản đối tư cách ứng cử viên của ông Trump. Họ chỉ trích những chính sách gây tranh cãi của nhân vật từng làm người dẫn một chương trình truyền hình thực tế về vấn đề thương mại, nhập cư và những vấn đề khác, bao gồm tuyên bố của ông Trump trục xuất 11 triệu người nhập cư bất hợp pháp, tạm thời cấm người Hồi giáo nhập cảnh Mỹ và bắt Mexico trả tiền cho kế hoạch của ông ta xây một bức tường cao dọc theo toàn bộ đường biên giới của Mỹ.

Một cựu ứng cử viên tổng thống khác của Đảng Cộng hòa, Thượng nghị sĩ John McCain, viết trên Twitter rằng ông đồng ý với Romney và đặc biệt lo ngại về an ninh quốc gia dưới một nhiệm kỳ tổng thống khả dĩ của ông Trump.

Chủ tịch Hạ viện Cộng hòa Paul Ryan hôm thứ Năm nói rằng trong tư cách chủ tịch, ông không thể can thiệp vào quá trình đề cử. Nhưng ông nói khi "ai đó làm biến dạng Chủ nghĩa Bảo thủ," ông sẽ lên tiếng, như ông đã hai lần lên tiếng về ông Trump. Ông Ryan nói rằng ông không quen biết Trump, nhưng sẽ làm quen và sẽ làm việc với ông Trump nếu ông ta trở thành ứng cử viên.

Trong cuộc họp báo sau chiến thắng vào ngày bầu cử thứ Ba ‘Super Tuesday,’ ông Trump nói rất có thể ông ta sẽ có quan hệ tốt với ông Ryan, nhưng nói rằng ông Ryan sẽ "phải trả giá lớn" nếu mối quan hệ không như vậy. Khi được hỏi về phát biểu của ông Trump hôm thứ Năm, ông Ryan nói ông "cười lớn."

Nhà lãnh đạo phe thiểu số Dân chủ ở Hạ viện Nancy Pelosi nói rằng những nghị sĩ Cộng hòa trong Hạ viện đừng vờ như mình bị sốc về ông Trump, bởi vì họ cũng thúc đẩy một chủ trương chống nhập cư. Bà nói với tất cả sự chú ý trả dồn vào ông Trump và những ứng cử viên Đảng Cộng hòa, người dân không nên phớt lờ một điều rằng rằng: "Hillary Clinton nhận được nhiều phiếu hơn Donald Trump." - VOA

***
Chính phủ Mexico cho biết họ sẽ không trả tiền cho việc xây cất bức tường biên giới "tồi tệ" mà ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump đề xuất.

Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, Bộ trưởng Tài chính Luis Videgaray đưa ra phản ứng trực tiếp đầu tiên của chính phủ nước này trước đề xuất xây dựng một bức tường dọc theo biên giới Mỹ-Mexico để kiểm soát tình trạng nhập cư bất hợp pháp, và bắt Mexico thanh toán.

"Mexico sẽ không chi trả cho bức tường mà Ông Trump đang đề xuất trong bất cứ trường hợp nào," ông Videgaray nói vào cuối ngày thứ Tư. Ông nói ý tưởng này "dựa trên sự thiếu hiểu biết và không có nền tảng trong thực tế của việc hội nhập khu vực Bắc Mỹ."

Những phát biểu của nhân vật đang dẫn đầu cuộc đua của Đảng Cộng hòa về vấn đề nhập cư ở Mexico và về bức tường biên giới đã gây nên một số vụ tranh cãi.

Ông Trump đã nhiều lần nói rằng những nhà lãnh đạo Mexico đã lợi dụng Mỹ "bằng cách sử dụng việc nhập cư phi pháp để xuất khẩu tội ác và nghèo túng ở đất nước họ" qua biên giới.

Ông Trump ước tính bức tường sẽ tiêu tốn khoảng 8 tỉ đôla để xây cất và nói chính phủ Mexico sẽ phải chịu trách nhiệm về chi phí. Ông Trump nói ông ta sẽ tịch thu những khoản kiều hối từ tiền lương bất hợp pháp và tăng lệ phí đối với một số visa tạm thời và thẻ vượt biên giới cho tới khi Mexico đồng ý. Ông Trump thường nói chi phí xây bức tường là "một phần bé nhỏ trong khoản tiền" mà Mỹ đã để lọt vào tay Mexico trong thâm hụt mậu dịch.

Cựu Tổng thống Mexico Felipe Calderon đã đáp lại kế hoạch của ông Trump rằng "người dân Mexico chúng tôi sẽ không thèm trả một cắc cho bức tường ngu xuẩn như vậy."

Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng bình luận về vụ tranh cãi vào tháng 2, nói rằng, "Một người chỉ nghĩ đến chuyện xây tường dù ở bất cứ nơi nào, mà không phải là xây cầu, thì người đó không phải là người Kitô giáo." Ông Trump nói rằng giới chức chính phủ Mexico đã khiến Đức Giáo hoàng ngộ nhận về bản chất kế hoạch xây tường biên giới của ông ta, nói thêm rằng Đức Giáo hoàng cũng có "một bức tường rất to bự" quanh Vatican.

Một cuộc thăm dò vào tháng 2 năm 2016 của Rasmussen nhận thấy 70% cử tri theo Đảng Cộng hòa - và 51% cử tri nói chung - ủng hộ kế hoạch xây tường biên giới của ông Trump. - VOA
|
|

4.
Cựu phụ tá của bà Clinton được miễn tố trong vụ điều tra email

Một cựu phụ tá của cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, giờ là ứng cử viên hàng đầu của Đảng Dân chủ trong cuộc đua tổng thống 2016, đã được cấp quyền miễn tố trong khi những công tố viên chất vấn ông ta về những hành vi xử lý có thể là không đúng quy cách đối với những thông tin mật trên máy chủ chứa email riêng tư của bà Clinton.
Bryan Pagliano trợ giúp bà Clinton trong chiến dịch tranh cử không thành công giành đề cử tổng thống của Đảng Dân chủ vào năm 2008 và sau đó lắp đặt máy chủ chứa email trong nhà riêng của bà ở New York để sử dụng, trong khi bà lãnh đạo Bộ Ngoại giao từ năm 2009 đến năm 2013. Suốt nhiều tháng, Cục Điều tra Liên bang đã tiến hành một cuộc thẩm duyệt hơn 30.000 email liên quan tới công việc mà bà Clinton nhận được hoặc gửi đi trong bốn năm. Bộ Ngoại giao phát hiện 22 email trong số đó chứa thông tin "tối mật," 65 email chứa thông tin "bí mật" và 2.028 email chứa tư liệu "được bảo mật" khác.

Bà Clinton đã nói rằng không có email nào được đánh dấu ở bất kỳ cấp bảo mật an ninh quốc gia nào vào thời điểm bà nhận được hoặc gửi thông tin đi. Bà nói bà sử dụng máy chủ đặt tại nhà là vì lý do thuận tiện, nhưng giờ nói đó là một sai sót.

Ông Pagliano từ chối ra khai chứng trước một ủy ban của quốc hội vào tháng 9 năm ngoái về những máy chủ chứa email của bà Clinton, viện dẫn một quyền hiến định là không ai bị buộc phải tự khép tội mình. Nhưng nhà chức trách Mỹ giờ cho biết ông ta đang hợp tác với cuộc điều tra, diễn ra trong lúc bà Clinton đang vượt lên phía trước tiến tới đề cử tổng thống của Đảng Dân chủ và cuối cùng là cuộc bầu cử toàn quốc vào tháng 11 để chọn người kế nhiệm Tổng thống Barack Obama, người sẽ rời nhiệm sở vào tháng 1 năm 2017.

Cuộc điều tra email của FBI dự kiến sẽ kéo dài trong mấy tháng tới, và kết cục của nó có thể nằm giữa chiến dịch tranh cử tổng thống.

Những ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa thường xuyên tấn công bà Clinton về vấn đề này, nói rằng bà ta không thích hợp trở thành tổng thống vì đã vi phạm an ninh quốc gia bằng việc sử dụng máy chủ chứa email riêng tư. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Việt Nam ‘khẩn trương sắp xếp’ cho chuyến thăm của TT Obama

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình trong cuộc họp báo thường kỳ hôm thứ Tư cho biết Việt Nam đang cùng với Mỹ khẩn trương chuẩn bị cho chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama vào tháng 5 tới.

Tổng thống Obama đã nhận lời mời thăm Việt Nam của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bên lề hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Mỹ tại Sunnylands, bang California, Hoa Kỳ, hồi trung tuần tháng 2.

Thông tin từ Tòa Bạch Ốc cho biết ông Obama sẽ ghé thăm Việt Nam trong chuyến đi dự hội nghị thượng đỉnh G7 thường niên diễn ra tại Nhật Bản vào cuối tháng 5/2016.

Mục đích chuyến thăm được cho biết là để ‘góp phần thúc đẩy hợp tác vì hòa bình và phát triển trong quan hệ đối tác, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới, đóng góp vào việc duy trì hòa bình ổn định ở khu vực’.

Ngoài những vấn đề quan trọng về hợp tác thương mại như TPP, giáo dục, an ninh, quốc phòng, môi trường…, Vietnamnet hôm 1/3 trích lời Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius đề cập đến vấn đề nhân quyền, mà nhiều nhà hoạt động kêu gọi Tổng thống Obama đưa vào trong nghị trình chuyến thăm sắp tới của ông. Ông Osius nói:

“Là một người bạn của Việt Nam, tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo Việt Nam nhận ra những khả năng được-mất trong tình hình hiện nay. Tuy TPP chủ yếu là một hiệp định thương mại, một số thành viên Quốc hội Hoa Kỳ cho biết họ sẽ cân nhắc những thông tin ghi nhận về tình hình nhân quyền của Việt Nam khi họ bỏ phiếu, và kết quả bỏ phiếu có thể là sít sao.Những tiến bộ có ý nghĩa về nhân quyền ở Việt Nam sẽ giúp tạo điều kiện để TPP được phê chuẩn nhanh chóng hơn”.

Tổng thống Obama ban đầu dự định đến Việt Nam vào năm ngoái nhân dịp kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ, theo lời mời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nhưng dự định này đã bị hủy vào giờ chót.

Ông Obama là tổng thống Mỹ thứ 3 đến thăm Việt Nam, sau ông Bill Clinton vào năm 2000 và ông George W. Bush và năm 2006. - VOA
|
|

6.
GS Nguyễn Ngọc Bích, Giám Đốc đầu tiên của Ban Việt ngữ RFA từ trần, hưởng thọ 79 tuổi

Tôi là Nguyễn Khanh của Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do. Thưa quý vị, trong nỗi đau buồn, chúng tôi xin được báo tin Ông Nguyễn Ngọc Bích, vị Giám Đốc đầu tiên và đáng kính của anh chị em Ban Việt Ngữ chúng tôi vừa từ trần, hưởng thọ 79 tuổi.

Ông mất trên đường từ Washington D.C. đến Manila để tham dự một hội nghị về Biển Đông.

Với mọi người, Ông là một học giả, một người hăng say làm việc, sẵn sàng tham gia mọi sinh hoạt, sẵn lòng gánh vác những việc nặng nhọc nhất. Với anh chị em chúng tôi, ông là một người thầy, một người anh và là một người bạn rất chân tình. Vì thế, không ai ngạc nhiên khi ngay sau khi được báo tin Ông mất, những người bạn và những người biết Ông đều sửng sốt, có người bảo với anh em chúng tôi rằng con người đáng quý nhất trên cõi đời này không còn nữa.

Trong suốt thời gian cả chục năm trời giữ vai trò của người điều hành Ban Việt Ngữ, điều tất cả chúng tôi đều nhìn thấy và không bao giờ quên là hình ảnh một Sếp Bích bắt đầu ngày làm việc với nụ cười, và kết thúc ngày làm việc cũng bằng một nụ cười. Vì thế, bài học lớn nhất mà Ông để lại cho chúng tôi là bài học bao dung, tha thứ, không bao giờ giận hờn ai, xem tất cả mọi chuyện đều quá nhỏ, chỉ có tình anh em, gia đình mới là điều đáng phải quan tâm.

Đó cũng chính là ước nguyện của ông ngay từ ngày đầu tiên khi bước vào nhận trách nhiệm xây dựng đại gia đình Ban Việt Ngữ, chăm sóc chương trình phát thanh hàng ngày từ khi chương trình còn là một đứa bé nằm nôi, cho đến ngày nhìn thấy đứa bé thật sự trưởng thành, và gia đình Ban Việt Ngữ mà ông đã bỏ nhiều công sức để gầy dựng ngày một lớn hơn, vững mạnh hơn và biết thương yêu nhau hơn, đúng như ý ông mong muốn trước ngày chia tay với chúng tôi để về nghỉ hưu.

Một lần nữa, trong nỗi đau buồn, toàn Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do chúng tôi xin được thông báo cùng quý vị: Ông Nguyễn Ngọc Bích, vị Giám Đốc đầu tiên và đáng kính của chúng tôi vừa từ trần, hưởng thọ 79 tuổi. Ở đây, anh chị em chúng tôi xin cúi đầu chia tay với sếp Bích, thầy Bích, anh Bích, cùng nhau xin thắp nén hương tiếc thương một người sếp, một người thầy và một ông anh mà chúng tôi may mắn được gặp, được làm việc chung, và không bao giờ có thể quên.

Tiểu sử GS Nguyễn Ngọc Bích

Sinh năm 1937 tại Hà Nội, lớn lên tại Sài Gòn, năm 1954 ông Nguyễn Ngọc Bích sang Mỹ du học theo chương trình học bổng Fulbright, tốt nghiệp ngành khoa học chính trị tại Đại học Princeton University năm 1958.

Sau biến cố 30/4/1975, ông cùng gia đình rời Việt Nam sang Mỹ, và định cư tại tiểu bang Virginia.

Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích từng có thời gian giảng dạy tại các đại học George Mason (1979-89), Trinity College (1979-81) và Georgetown University (1980-86). Ông được Tổng thống Hoa Kỳ George H.W. Bush (Bush cha) chỉ định vào chức Quyền Tổng giám đốc Giáo dục Song ngữ trên toàn quốc (1991-93).

Ông là Giám đốc đầu tiên của Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do RFA từ ngày thành lập cho đến lúc về hưu năm 2003.

Ngoài dạy học và làm truyền thông, ông Bích cũng còn là một nhà biên khảo và dịch-giả có uy tín về văn thơ VN. Trong những sách nổi tiếng của ông phải kể: A Thousand Years of Vietnamese Poetry (“Một nghìn năm thi ca VN,” Knopf, 1975), A Mother’s Lullaby (dịch Trường Ca Lời Mẹ Ru của Trương Anh Thuỵ, Cành Nam, 1989), War & Exile: A Vietnamese Anthology (“Chiến-tranh và Lưu Đày: Tuyển-tập văn-học hiện-đại của VN,” Văn-bút Miền Đông, 1989), dịch thơ Nguyễn Chí Thiện (Ngục Ca / Prison Songs, VICANA, 1982; Hoa Địa Ngục / The Flowers of Hell và Hạt Máu Thơ / Blood Seeds Become Poetry, cả hai do Tổ Hợp XBMĐ Hoa Kỳ xb, 1996), và Cung Oán Ngâm Khúc / Complaints of an Odalisque, dịch thơ Ôn Như hầu Nguyễn Gia Thiều (Tổ Hợp XBMĐ Hoa Kỳ, 2006). 

GS Nguyễn Ngọc Bích đã có công trong việc việc hiệu đính thơ Hồ Xuân Hương: Tác-phẩm (Tổ Hợp XBMĐ Hoa Kỳ, 2000), ông cũng đã dịch hai cuốn sách về mỹ-thuật VN, Vietnamese Architecture (Sứ-quán VNCH tại Mỹ, 1972) và An Ocean Apart: Contemporary Vietnamese Art from the United States and Vietnam (“Nghìn Trùng Xa Cách,” Smithsonian, 1995) cũng như giới-thiệu thơ Ba-tư trong cuốn Omar Khayyam: Thơ và Đời (Tổ Hợp XBMĐ Hoa Kỳ, 2002). - RFA

No comments:

Post a Comment