Wednesday, March 30, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Tư 30/3

Tin Thế Giới

1.
Myanmar có tổng thống dân sự đầu tiên trong hơn 50 năm

Tổng thống dân sự đầu tiên của Myanmar trong vòng hơn 50 năm đã tuyên thệ nhậm chức tại thủ đô Naypidaw. Thông tín viên Richard Green của đài VOA tường thuật.

Ông Ktin Kyaw tuyên thệ nhậm chức trong một buổi lể diễn ra trong một thời gian ngắn trước một phiên họp của lưỡng viện quốc hội, với lời cam kết trung thành với “nước Cộng hoà Liên bang Myanmar.”

"Với tư cách tân chính phủ, chúng tôi sẽ cố gắng xác lập hiến pháp đạt được những nguyên tắc hoà giải dân tộc, theo đuổi tiến trình hoà bình quốc gia, và thiết lập liên bang dân chủ, và chúng tôi sẽ cố gắng làm việc để phát triển cuộc sống và nâng cao mức sống của người dân."

Hai vị phó Tổng thống Myint Swe và Henry Van Tio cũng tuyên thệ nhậm chức cùng với ông Htin Kyaw.

Lễ tuyên thệ này chính thức chấm dứt chế độ quân nhân đã nắm quyền ở Myanmar từ năm 1962. Ông Htin Kyaw lên thay cho ông Thein Sein, một cựu tướng lãnh lên nắm quyền năm 2011 khi tập đoàn quân nhân chuyển giao quyền hành cho một chính phủ trên danh nghĩa là chính phủ dân sự và tiến hành những biện pháp cải cách sâu rộng về kinh tế và chính trị.

Thượng nghị sĩ Thiri Yadana cho biết bà cảm thấy xúc động khi chứng kiến lễ tuyên thệ nhậm chức.

Khi tôi nghe bài diễn văn của tân Tổng thống dân sự, bài diễn văn thật hay, toàn thể quốc hội và đất nước này đã được nghe những ngôn từ mà trước đây  chúng tôi chưa từng nghe và chúng tôi có những cảm xúc mà trước đây chung tôi chưa từng có.

Cùng tuyên thệ nhậm chức trong ngày hôm nay là nội các gồm 18 thành viên, trong đó có bà Aung San Suu Kyi, lãnh tụ đảng Liên minh Dân chủ Toàn quốc. Đảng này nắm quyền kiểm soát cả hai viện của quốc hội sau khi giành được thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử quốc hội hồi tháng 11.

Người phụ nữ đoạt giải Nobel Hoà bình này không được làm tổng thống vì một điều khoản trong hiến pháp do quân đội soạn thảo không cho phép những người có vợ chồng con cái là người nước ngoài nắm giữ chức vụ này. Người chồng quá cố của bà cùng với hai đưa con trai của bà là công dân Anh. Nhưng bà Suu Kyi cam kết sẽ nắm quyền cai trị đất nước thông qua ông Htin Kyaw, người bạn thuở nhỏ và là người thân tín lâu năm của bà.

Theo dự liệu, bà sẽ nắm giữ cùng lúc 4 chức vụ, kể cả chức bộ trưởng ngoại giao và bộ trưởng văn phòng tổng thống.

Hiến pháp hiện hành cũng bảo đảm là quân đội nắm giữ 25% số ghế tại quốc hội cùng với các chức vụ then chốt là bộ trưởng nội vụ và bộ trưởng quốc phòng. - VOA
|
|

2.
Hồng Kông: Một đảng đòi độc lập bị báo chí Trung Quốc đả kích

Giới trẻ ở Hồng Kông vừa thành lập một đảng kêu gọi tách rời khỏi Hoa Lục, đã bị truyền thông Bắc Kinh hôm nay, 30/03/2016, gọi là các thành phần « hooligan chính trị ». Báo Trung Quốc đã nêu câu hỏi về tính hợp pháp của ý tưởng của đảng tại Hồng Kông.

Đảng mới này mang tên The Hong Kong National Party (Đảng Dân Tộc Hồng Kông), được khoảng 50 sinh viên và những người lao động trẻ tuổi, cho ra mắt vào hôm thứ Hai, 28/03, với mục tiêu vực dậy "lòng mong muốn độc lập" của người dân Hồng Kông.

Trả lời báo chí, Chan Ho Tin, 20 tuổi, một trong những người sáng lập đảng, giải thích "Độc lập là con đường duy nhất cho Hồng Kông".

Trong thời gian gần đây, ngày càng có nhiều tiếng nói, nhất là trong giới thanh niên, muốn Hồng Kông độc lập, tách rời khỏi Hoa Lục. Người dân tại đây ngày càng e ngại Bắc Kinh tìm cách xóa bỏ các quyền tự do của họ.

Ý tưởng và lời kêu gọi độc lập này dĩ nhiên đã gây bực dọc ở Bắc Kinh: Tờ Hoàn Cầu Thời Báo, phản ứng vào hôm nay, cho là đề nghị này là "điều giả dối vì không có khả năng thực hiện". Tờ báo xem những người thành lập đảng trên là những kẻ gây rối, những hooligan chính trị và hy vọng người dân Hồng Kông "đủ mạnh để giải quyết" vấn đề này.

Theo giới phân tích, thất bại gần đây của phong trào đấu tranh đường phố "Chiếm lĩnh Trung Hoàn" năm 2014, đã thúc đẩy sự vươn lên của chủ nghĩa "địa phương cục bộ", đặc biệt trong giới thanh niên, muốn nhiều quyền tự trị hơn cho Hồng Kông. Họ đã tuyên bố muốn có những bước đi, hành động triệt để. - RFI
|
|

3.
Dư thừa sản xuất của Trung quốc làm xấu triển vọng tăng trưởng của châu Á 2016

Sản lượng công nghiệp quá dư thừa của Trung Quốc sẽ gây khó khăn cho tăng trưởng của quốc gia này và khu vực trong năm nay. Ngân hàng phát triển châu Á – ADB - hôm thứ Tư, 30/03/2016, đã giảm mức dự báo đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Trong báo cáo được chú ý nhất của ADB về "Toàn cảnh phát triển của châu Á", tăng trưởng GDP của Trung Quốc được dự báo giảm còn 6,5% trong năm 2016, so với dự báo hồi tháng 12 năm ngoái là 6,7%.

Với ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực, ngân hàng phát triển châu Á cũng giảm mức dự báo tăng trưởng của châu Á xuống còn 5,7%, so với dự báo 6,0% cũng như mức điều chỉnh 5,9% vào cuối năm ngoái.

Theo kinh tế trưởng của ABD Shang-Jin Wei, "tăng trưởng giảm và kinh tế thế giới hồi phục không như mong muốn làm giảm tăng trưởng chung của châu Á".

Bản báo cáo được công bố đúng lúc vào lúc thế giới không chắc về khả năng cắt giảm sản lượng cần thiết của Bắc Kinh trong các lĩnh vực như thép, than đá, xi-măng, và khả năng quản lý nền kinh tế trong giai đoạn chuyển giao sang mô hình theo nhu cầu tiêu dùng.

Năm ngoái, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng ở mức thấp nhất trong vòng 25 năm qua, dấy lên nhiều quan ngại rằng mục tiêu tăng trưởng 6,7% của Bắc Kinh có thể còn thấp hơn.

Theo ông Wei, "nhu cầu từ các thị trường quốc tế giảm, cùng với dư thừa sản lượng ở một số ngành, trong khi số lượng lao động giảm, lương tăng, ngày càng tiếp tục làm giảm tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc".

Thêm vào đó, sự sụt giảm nhanh trong lĩnh vực đầu tư bất động sản cũng sẽ là trở ngại của nền kinh tế, mặc dù điều này có thể được bù đắp bởi nhu cầu và đầu tư "xanh" ngày càng tăng.

Trưởng bộ phận kinh tế Trung Quốc của ADB, ông Jurgen Conrad nói rằng chính phủ cần khẩn cấp đẩy nhanh việc cắt giảm sản lượng dư thừa trong lĩnh vực bất động sản và sản xuất, cũng như đề cập đến nợ của các doanh nghiệp nhà nước như là một thách thức khác.

Cũng theo ông Conrad, cải tổ nguồn cung là điều mà Trung Quốc và châu Á cần, và Bắc Kinh không nên dùng liệu pháp sốc để thay đổi.

Ấn độ tăng tốc vượt Trung Quốc

Tuy nhiên, theo ngân hàng ADB, còn một nơi khác ở châu Á có triển vọng sáng sủa hơn. ADB dự báo tăng trưởng của Ấn độ, nền kinh tế có độ mở nhanh nhất, giảm xuống còn 7,4% từ 7,6% năm 2015, nhưng sẽ tăng trở lại 7,8% vào năm 2017.

Theo ông Wei, "Ấn độ đang tăng trưởng nhanh hơn Trung Quốc, và vẫn tiếp tục như vậy trong tương lai gần".

Nhưng cải cách mang tính cấu trúc và cải thiện trong việc giám sát thị trường lao động sẽ giúp thúc đẩy kinh tế.

Indonesia sẽ dẫn đầu Đông Nam Á khi Jakarta đầu tư vào cơ sở hạ tầng và khuyến khích đầu tư ở khu vự tư nhân, ngân hàng ADB cho biết thêm, dự báo GDP sẽ tăng trưởng 5,2% năm nay, từ mức 4,8% năm 2015.

Các ngành công nghiệp nặng của Trung Quốc, phần nhiều là doanh nghiệp nhà nước, tuyển dụng khoảng 10 triệu lao động nhưng đang là các nguồn gây thua lỗ và là con nợ lớn.

Theo ngân hàng ADB, việc đóng cửa các doanh nghiệp không hiệu quả có thể gây ra một số hệ lụy, khả năng khoảng 3.6 triệu người sẽ mất việc và các chính quyền địa phương mất đi một nguồn thuế đáng kể.

"Việc Trung Quốc đang cố gắng làm hiện nay, trong ngữ cảnh sự chuyển giao của nền kinh tế, hoàn toàn chưa từng có tiền lệ", giám đốc tại Trung Quốc của ADB, Hamid Sharif cho biết. "Chúng tôi biết được từ kinh nghiệm của một số nước, việc chuyển giao phần lớn là một nghệ thuật, không phải là một khoa học".

"Ở mỗi quốc gia, các quyết định phải phải tính đến điều gì là có thể, điều gì có thể đạt được, hơn là các nhà kinh tế lý thuyết ngồi trong tháp ngà và quyết định nên làm cái gì".

Về dài hạn, ngân hàng ADB cảnh báo Trung Quốc sẽ đối mặt với vấn đề nhân khẩu học khi số lượng dân số già tăng, điều này tăng áp lực cho các cơ quan Nhà nước phải hành động từ bây giờ để cải tổ nền kinh tế.

Kinh tế trưởng của ADB nói thêm "tăng lương và giảm dân số trong độ tuổi lao động là những nguyên nhân cơ bản đối với việc giảm tốc độ tăng trưởng". - RFI
|
|

4.
Brazil: Liên minh cầm quyền tan rã, tổng thống Rousseff có nguy cơ bị phế truất

Đảng cánh trung lớn tại Brazil PMDB tối qua, 29/03/2016, đã quyết định rút khỏi chính phủ của tổng thống Dilma Rousseff, phá vỡ liên minh với đảng cánh tả cầm quyền Người Lao Động. Mất liên minh quan trọng PMDB tức là mất đa số tại Quốc Hội, tổng thống Brazil đang đứng trước nguy cơ bị phế truất. Diễn biến mới của cuộc khủng hoảng chính trị đã khiến bà Dilma Rousseff hủy chuyến công du Hoa Kỳ để tham dự Thượng Đỉnh An Toàn Hạt Nhân.

Thông tín viên RFI tại Rio de Janeiro, François Cardona tường trình:

Chỉ cần có vài phút để ban lãnh đạo đảng PMDB  biểu quyết thông qua quyết định đoạn tuyệt với tổng thống Dilma Rousseff. Sau nhiều tháng lưỡng lự, đảng cánh trung lớn, một đồng minh không thể thiếu của tổng thống Brazil đã quyết định rút các bộ trưởng của mình ra khỏi chính phủ. Đây là việc làm chưa từng có của đảng này kể từ khi Brazil chấm dứt chế độ độc tài và dân chủ quay trở lại năm 1985.

Phó chủ tịch đảng Romero Juca tuyên bố: "Kiến nghị đã được thông qua. Từ hôm nay, như chúng ta đã quyết định trong cuộc họp lịch sử của PMDB, đảng của chúng ta rút khỏi chính phủ của Dilma Rousseff".

Giờ đây tổng thống Dilma Rousseff không có liên minh ở Quốc Hội. Phó tổng thống ông Michel Temer thuộc đảng PMDB vẫn chưa rút, ông sẽ là người thay thế bà Rousseff nếu bà bị phế truất hiện.

Đảng Người Lao Động đang phải tìm kiếm liên minh mới để hỗ trợ cho tổng thống tại Quốc Hội. Mục tiêu là để ngăn cản các nghị sĩ nhất loạt bỏ phiếu ủng hộ thủ tục phế truất tổng thống đang đe dọa bà Rousseff. Trận chiến như vậy mới chỉ bắt đầu. - RFI
|
|

Tin Việt Nam

5.
Trung Quốc kêu gọi siết chặt quan hệ quốc phòng với Việt Nam --- 'Đường băng của Trung Quốc ở Trường Sa không vì mục đích dân sự' --- Biển Đông: Philippines muốn có tàu ngầm, Nhật muốn tập trận với Mỹ, Philippines

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đề nghị quân đội Việt-Trung tăng cường trao đổi, liên lạc, và siết chặt hữu nghị.

Lời kêu gọi được đưa ra nhân chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn tới Hà Nội trong tuần này giữa bối cảnh căng thẳng tranh chấp Biển Đông leo thang vì các hành động bất chấp của Trung Quốc.

Bản tin Reuters ngày 30/3 cho hay trong cuộc gặp với Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng, ông Thường thúc giục hai nước nên nỗ lực duy trì các mối quan hệ mật thiết mà cựu lãnh đạo Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh đã gầy dựng từ trong quá khứ.

Thông cáo chiều tối thứ hai của Bộ Quốc phòng Trung Quốc dẫn lời  ông Thường Vạn Toàn nói quân đội hai bên nên đẩy mạnh các cuộc trao đổi cấp cao và giao tiếp chiến lược, nghiên cứu học thuật và kỹ nghệ quốc phòng, cũng như hợp tác trong sứ mạng gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc.

VTC News ngày 30/3 dẫn lời Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Nguyễn Chí Vịnh, cho hay hai nước Việt-Trung nhất trí tìm kiếm các phương cách mới để tăng cường hợp tác thực chất, trong đó có việc Hà Nội chủ động mời tàu hải quân Trung Quốc thăm các cảng của Việt Nam bao gồm cảng Cam Ranh. Đây là cảng nước sâu có địa thế chiến lược gây chú ý quân sự qua nhiều thời kỳ và cũng là một điểm chú ý của Mỹ trong chính sách ‘Xoay trục về Châu Á’ giữa sự trỗi dậy hung hăng của Trung Quốc, đặc biệt tại điểm nóng Biển Đông.

Tháng rồi, căng thẳng Biển Đông giữa hai nước Việt-Trung lên cao sau khi Bắc Kinh triển khai phi đạn đất-đối-không tối tân ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, nơi Việt Nam có tuyên bố chủ quyền nhưng hiện đang bị Trung Quốc kiểm soát.

Hà Nội nói hành động của Bắc Kinh xâm phạm chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa và đã gửi công hàm tới đại sứ quán Trung Quốc và Liên Hiệp Quốc để phản đối. - VOA

***
Một giới chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định các đường băng Trung Quốc xây trên các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa nhằm phục vụ quân sự chứ không mang mục đích dân sự như Bắc Kinh tuyên bố.

Phát biểu với báo giới ngày 29/3 từ tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Philippines, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, Colin Willet, cho biết các đường băng này được Trung Quốc thiết kế để hỗ trợ cho các máy bay ném bom chiến lược chứ không phải các phi cơ vận tải hàng hóa hỗ trợ nhân đạo và cứu hộ thiên tai.

Bà Willet nói dù các nước khác cũng bố trí lực lượng quân sự và võ khí ra các tiền đồn ở Biển Đông, nhưng rất nhỏ bé so với những gì Trung Quốc đã làm trong 2 năm qua.

Tin cho hay tại Đá Chữ Thập, Đá Subi, và Đá Vành Khăn, Trung Quốc đều đã thiết đặt hệ thống phòng không và xây dựng các đường băng.

Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đã đưa các phi đạn đất đối không ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa mà họ kiểm soát từ năm 1956 tới nay. 

Trung Quốc quả quyết rằng các hoạt động của họ không nhắm mục tiêu quân sự hóa khu vực mà nhằm phục vụ các mục đích dân sự.

Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh không cần phải có các loại phương tiện như thế để bảo vệ thường dân, hỗ trợ ngư dân, hay theo dõi thời tiết.

Vẫn theo bà Willet, các động thái của Trung Quốc giới hạn quyền tự do hàng không-hàng hải ở Biển Đông là vi phạm luật quốc tế và đáng quan ngại.

Giới chức này cũng cho biết thêm rằng nếu Philippines thắng vụ kiện Trung Quốc ở Biển Đông, Mỹ sẽ cùng làm việc với các nước Đông Nam Á bao gồm Việt Nam để giải quyết việc Bắc Kinh phá hoại các bãi san hô tại đây, nơi có các rạn san hô đa dạng sinh học nhất trên thế giới.

Trung Quốc biến các bãi san hô trong các vùng có tranh chấp ở Biển Đông thành các đảo nhân tạo để xây đường băng, phố thị, lập tiền đồn quân sự, hủy hoại hệ thống sinh thái.

Manila đang chờ phán quyết của tòa trọng tài Liên hiệp quốc trong đơn kiện bản đồ lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines theo Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982.

Dù Bắc Kinh không tham gia vụ kiện, nhưng theo bà Willet, Trung Quốc không có cách phớt lờ phán quyết của tòa ở La Haye vì phán quyết này mang tính ràng buộc pháp lý.

Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ cho rằng quyết định của tòa sẽ giúp giảm nhiệt căng thẳng vì sẽ giúp minh định đường lãnh hải của 6 nước đang có tranh chấp tại Biển Đông bao gồm Việt Nam.

Bà Willet khuyến cáo nếu Trung Quốc phớt lờ phán quyết của tòa cũng chính là tự chối bỏ những gì họ đã cam kết theo Luật Biển. - VOA

***
Philippines cân nhắc việc thủ đắc tàu ngầm trong lúc Nhật Bản tìm cách gia nhập các cuộc tập trận chung thường xuyên giữa Philippines với Hoa Kỳ giữa bối cảnh tranh chấp Biển Đông leo thang.

Tổng thống Philippines, Benigno Aquino, ngày 30/3 loan báo Manila có thể đầu tư cho đội tàu ngầm đầu tiên để bảo vệ lãnh hải trong tranh chấp Biển Đông.

Philippines tới nay vẫn dựa vào các tàu dư của đồng minh Hoa Kỳ trong công tác quốc phòng. Cùng với Việt Nam, Manila đang tăng cường chi tiêu quân sự để đối phó trước sự bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Tổng thống Aquino nói Philippines có thể mất toàn bộ bờ biển phía Tây nếu Trung Quốc thành công trong việc xác quyết chủ quyền trên Biển Đông, vì vậy Manila cần phải tăng đà hiện đại hóa lực lượng võ trang để phòng vệ.

Chưa đầy 2 năm qua, Bắc Kinh đã bồi đắp hơn 2900 mẫu đất ở Biển Đông trong chiến dịch ráo riết xây đảo nhân tạo hầu thay đổi nguyên trạng để dành chủ quyền, khiến Việt Nam xích lại gần hơn với cựu thù Mỹ và Philippines quay sang cựu thù Nhật trong kế hoạch tăng cường thiết bị quân sự ứng phó với Trung Quốc.

Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách Nam và Đông Nam Á, bà Amy Searight, hôm 29/3 cho hay Tokyo đang đàm phán với Manila để được gia nhập cuộc diễn tập quân sự Balikatan giữa Philippines với Hoa Kỳ gần Biển Đông thường xuyên và sâu rộng hơn là tư cách quan sát viên mà Nhật đang đảm nhận hiện nay.

Tokyo đang tìm cách siết chặt hợp tác quốc phòng với Việt Nam, Philippines trong nỗ lực tăng sức ép lên Trung Quốc, nước đang tranh chấp chủ quyền với Nhật tại Biển Hoa Đông.

Ngoài việc cung cấp các tàu tuần tra cho Việt Nam, Nhật trong tháng rồi vừa ký thỏa thuận chuyển giao thiết bị và kỹ thuật quốc phòng cho Philippines hầu siết chặt các mối quan hệ an ninh gần gũi với hai nước Đông Nam Á đang có tranh chấp với Bắc Kinh ở Biển Đông. - VOA
|
|

6.
Blogger Nguyễn Ngọc Già bị án 4 năm tù --- Ba người cầm cờ VNCH bị phạt tù

Một blogger thường viết về chính trị, nhân quyền bị kết án 4 năm tù vì tội Tuyên truyền chống phá Nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo Điều 88 của Bộ Luật Hình sự.

Ông Nguyễn Đình Ngọc, bị bắt tháng 12 năm 2014, được đưa ra xử tại TP. HCM ngày 30/3.

Theo thông tin chính thức, ông Ngọc, dùng bút danh Nguyễn Ngọc Già, có bố là đảng viên 50 năm tuổi Đảng, bà nội là Mẹ Việt Nam anh hùng, mẹ là cơ sở cách mạng.

Tuy vậy, ông bị cáo buộc viết các bài trên mạng “chống phá Đảng, Nhà nước”.

Hội đồng xét xử nói bản án 4 năm tù đã xét đến nhân thân bị cáo, và bị cáo “cũng thành khẩn khai báo và ăn năn hối cải”, theo báo Tuổi Trẻ.

Cáo trạng nói từ tháng Hai đến tháng 12 năm 2014, ông Ngọc đã gửi 26 bài tới các trang mạng khác nhau và được đăng 14 bài.

Giám định của công an nói có 22 bài “xuyên tạc, vu khống” lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Ngoài mức án 4 năm, ông Ngọc sẽ bị quản chế 3 năm tại địa phương.

Sau khi ông Ngọc bị bắt, vụ việc đã thu hút quan tâm của nhiều người trên mạng.

Cây bút Lê Diễn Đức nhận định ông Ngọc là “một cây bút đối lập, một người bất đồng chính kiến”.

Cùng thời gian ông Ngọc bị bắt, có blogger Hồng Lê Thọ bị bắt ngày 29/11/2014 và nhà văn Nguyễn Quang Lập bị bắt ngày 6/12.

Tuy vậy, vào tháng 10 năm 2015, cả hai ông nhận được quyết định đình chỉ điều tra. - BBC

***
Tòa án TP Hồ Chí Minh vừa kết án ba phụ nữ cầm cờ ba sọc "biểu tình trái phép" trước tòa Lãnh sự quán Mỹ. 

Bà Ngô Thị Minh Ước, sinh năm 1959, ngụ ở TP. HCM bị mức án 4 năm 3 tháng tù tại phiên tòa sơ thẩm ngày 30/3.

Bà Nguyễn Thị Trí, sinh năm 1958, ngụ ở TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, bị án 3 năm tù.

Bà Nguyễn Thị Bé Hai, sinh năm 1958, ngụ huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh, bị án 3 năm tù.

Ba người này còn bị phạt quản chế 2 năm.

Báo trong nước trích cáo trạng nói ngày 7/7/2014 ba phụ nữ này đã có hành vi "cầm cờ lớn và khẩu hiệu trên tay, cờ nhỏ dán lên áo mỗi người, vừa đi bộ vừa hô khẩu hiệu có nội dung chống phá Nhà nước" ngay trước Tổng lãnh sự quán Mỹ.

Ba bị cáo từng khiếu kiện đất đai tại các tỉnh Bình Phước, Bình Dương và Đồng Tháp.

Họ được cho là thành viên của “Phong trào liên đới dân oan tranh đấu” thành lập tháng 3/2014, do ông Trần Ngọc Anh, ở Vũng Tàu làm đại diện.

Một số nhà hoạt động mô tả khi họ đến tham dự phiên tòa xét xử công khai đã bị "công an bắt lên xe chở ra trụ sở tiếp công dân" và "bỏ lại" họ trên xe.

Nhiều người giơ biểu ngữ nội dung "Đừng biến dân oan thành tội đồ" trước cửa Tòa án TP Hồ Chí Minh.

Khiếu kiện đất đai xảy ra nhiều nơi ở Việt Nam trong thời gian dài, dẫn đến các cuộc biểu tình kéo dài tại các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 88 trong Bộ luật Hình sự bị nhiều tổ chức theo dõi nhân quyền nước ngoài và giới bất đồng chính kiến chỉ trích. Nhiều nhà hoạt động, luật sư, blogger từng bị khởi tố vì điều luật này. - BBC

No comments:

Post a Comment