Thursday, March 31, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Năm 31/3

Tin Thế Giới

1.
Thiếu an ninh hạt nhân mở ngỏ cho khủng bố, IS

Các nhà phân tích nói việc Nga vắng mặt tại Hội nghị thượng đỉnh An ninh Hạt nhân tại Washington trong tuần này nêu lên những nghi vấn về khả năng của cộng đồng quốc tế để giữ cho nguyên liệu hạt nhân khỏi rơi vào tay Nhà nước Hồi Giáo và những tổ chức khủng bố khác. Thông tín viên Katherine Gypson của đài VOA tường thuật.

Hội nghị thượng đỉnh bao gồm một phiên họp đặc biệt nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu mối đe dọa hạt nhân do những nguyên liệu hạt nhân không được bảo vệ, nhưng các nhà phân tích cho rằng không có sự hợp tác về an ninh hạt nhân giữa Hoa Kỳ và Nga sẽ cản trở những nỗ lực giải quyết mối đe dọa này.

Ông Tom Collina, Giám đốc về Chính sách của Quỹ Ploughshares nói “Nga đóng vai trò quan trọng. Và nếu không có Nga tại hội nghị thượng đỉnh thì đây là một lổ hỗng khổng lồ.”

Một số các quốc gia - trong đó có Pakistan, có những lổ hỗng về an ninh, nhưng qui mô của kho vũ khí hạt nhân của Nga và tình trạng thiếu thông tin gây nên những mối lo ngại. Kho vũ khí của Hoa Kỳ và Nga cộng lại chiếm 90% chất uranium được tinh chế cao trên thế giới và hơn một nửa tổng số plutonium.

Những đe dọa hạt nhân từ Nga

Ông Collina nói tiếp: “Vì sự hợp tác sụt giảm, nên những điều gì chúng ta thiếu là thông tin về những gì đang xảy ra. Điều đáng ngại nhất là khó biết những gì đang diễn ra ở Nga.”

Một cuộc điều tra của Thông tấn xã AP hồi năm ngoái cho thấy thị trường chợ đen về nguyên liệu hạt nhân đang phát triển mạnh tại Moldova, nơi nhà chức trách lo ngại là những tổ chức tội phạm đang chuyển lậu các nguyên liệu phóng xạ ra khỏi Nga và bán cho những người mua trả giá cao nhất.

Ông Collina cho biết một số ít nguyên liệu được tuồn ra thị trường chợ đen có xuất xứ từ Nga. Ông nói:

“Chúng ta biết là Nga có kho nguyên liệu hạt nhân to lớn. Nền kinh tế Nga đang trong cơn khủng hoảng, nên sự gộp chung của hai vấn đề này là một vấn đề thực sự và chúng ta cần nhiều thông tin hơn về những gì đang diễn ra tại Nga, và chúng ta cần nhiều hợp tác hơn để chúng ta có thể giúp đỡ trong tiến trình này.”

Những đe dọa hạt nhân có thể phát xuất từ một số các lãnh vực, trong đó có những loại vũ khí hạt nhân được chế tạo từ uranium hay plutonium tinh chế cao bị đánh cắp, phá hoại những cơ sở hạt nhân hay bom bẩn phối hợp chất nổ với những chất liệu phóng xạ. Những cuộc tấn công tại Paris và Brussels chỉ làm gia tăng những lo ngại hiện có, và theo ông Collina, quân khủng bố có thể khai thác một số khuyết điểm của Nga để đạt được những mục tiêu này. Ông Collina nói:

“Họ có sử dụng đủ các nguồn lực trong tiến trình bảo vệ những chất liệu này hay không? Họ có kiểm soát chặt chẽ những khoa học gia hiểu biết về chất liệu hạt nhân để sự hiểu biết của họ không bị tiết lộ ra ngoài biên giới hay không? Chúng ta không biết gì cả.”

Những nỗ lực của Hoa Kỳ

Việc Nga từ chối tham dự hội nghị thượng đỉnh làm cho vấn đề phức tạp thêm, vì thiếu sự tham dự của Nga trong một số thỏa thuận hạt nhân quốc tế nhằm mục đích dọn sạch và bảo vệ các nguyên liệu hạt nhân.

Ông Frank Miller, một cựu giám đốc về chính sách quốc phòng và kiểm soát vũ khí tại Hội đồng An ninh Quốc gia, cơ quan cố vấn cho tổng thống Mỹ nói:

“Có một số lớn các hiệp ước Nga đã quyết định không tham dự, do đó cần có một số thay đổi về chính trị tại Moscow để Nga giảm bớt căng thẳng với Hoa Kỳ và phương Tây, và Nga sẽ tái gia nhập những hiệp định đã ký trước đây.”

Phụ tá cố vấn An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc Ben Rhodes gọi sự vắng mặt của Nga tại hội nghị thượng đỉnh là “một cơ hội bị bỏ qua”. Nhưng ông cũng nói “điều quan trọng là thế giới thấy và biết được Hoa Kỳ và Nga tiếp tục hợp tác về những vấn đề liên quan đến an ninh hạt nhân.”

Ông Rhodes nói 3/4 trong số hơn 260 cam kết của các quốc gia trong những hội nghị thượng đỉnh hạt nhân trước đây đã được thi hành. Tuy nhiên những cam kết này có thể không có cùng chuẩn mực như Hoa Kỳ.

Bà Sharon Squassoni, giám đốc chương trình không phổ biến vũ khí hạt nhân tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nói:

“Đối với vấn đề này, không có nghĩa vụ ràng buộc pháp lý đối với các nước để thi hành những biện pháp an ninh như Hoa Kỳ đã có đối với những chất liệu hạt nhân và những cơ sở hạt nhân cũng như những nguồn phóng xạ.”

Ông Collina nói mặc dù những tiến bộ thực sự đã đạt được trong những hội nghị thượng đỉnh vừa qua, phúc trình mới đây về những hoạt động của Nhà nước Hồi Giáo tại Bỉ chung quanh những cơ sở hạt nhân và theo dõi những kỹ sư hạt nhân cho thấy cần phải làm nhiều hơn nữa.

“Những sự mong muốn, những khả năng và ý chí đó quân khủng bố đều có, mà vào lúc này chúng ta lại không theo kịp mối đe dọa”. - VOA
|
|

2.
Mực nước biển sẽ dâng cao gấp nhiều lần trong thế kỷ tới

Một cuộc nghiên cứu mới cho thấy trước cuối thế kỷ 21, mực nước biển sẽ dâng cao hơn dự đoán trước kia vì hiện tượng tan băng nhanh ở Nam Cực.

Sử dụng các mô hình máy tính tinh vi, hai nghiên cứu gia người Mỹ Rob DeConto và David Pollard phát hiện ra rằng với tốc độ phát thải khí nhà kính hiện tại, các đại dương trên thế giới sẽ dâng lên gần 2 mét vào năm 2100 và lên cao tới 15 mét vào năm 2500.

Trái lại, báo cáo mới nhất từ Ủy ban liên chính phủ của Liên Hiệp Quốc về Thay đổi Khí hậu dự báo mực nước biển sẽ dâng chỉ dưới 1 mét vào năm 2100, chủ yếu từ các vùng biển đang ấm dần lên, các sông băng tan chảy, và thềm băng Greenland.

Nếu dự báo của hai nhà nghiên cứu DeConto và Pollard đăng tải hôm 31 tháng 3 trên tạp chí Nature là chính xác thì nhiều khu vực ven biển như Nam Florida và New Orleans ở Hoa Kỳ, thành phố Thượng Hải, và Bangladesh có thể bị đe dọa nghiêm trọng bởi mực nước biển dâng cao.

Cặp khoa học gia này nghiên cứu 2 giai đoạn trước đây của hiện tượng hâm nóng toàn cầu, cách đây 3 triệu năm và 125.000 năm, để tìm hiểu nguyên nhân gây ra tình trạng tan chảy ở lục địa băng giá phía Nam. Họ phát hiện ra rằng các khối băng có thể trở nên không ổn định và bị vỡ vì nước ấm đọng trên các thềm băng Nam Cực và vì các vách băng khổng lồ cao ngất trên mực nước biển bị đổ sập. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Mỹ sẽ không 'che lấp' khác biệt trong cuộc gặp với ông Tập Cận Bình

Các giới chức cấp cao của Mỹ cho biết chính phủ của Tổng thống Obama sẽ không che lấp những sự khác biệt với Trung Quốc về các vấn đề an ninh mạng và tranh chấp hải dương, mà sẽ thúc đẩy "những quyền lợi chung" trong việc ngăn chận bất ổn trên bán đảo Triều Tiên và tiến tới mục tiêu phi hạt nhân hóa. Từ Tòa Bạch Ốc, thông tín viên Nike Ching của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.

Tổng thống Obama hôm nay sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Hạt nhân.

Về cuộc họp này, ông Dan Kritenbrink, Giám đốc Á châu Sự vụ của Tòa Bạch Ốc, cho biết:

"Sự chủ động giao tiếp đã cho phép chúng tôi tìm cách giải quyết những sự khác biệt với một cách thức rất thành thật và có tính chất xây dựng. Chúng tôi không che lấp những sự khác biệt này. Chúng tôi không che giấu chúng."

Một viên chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cho Đài VOA biết rằng tuy mối đe dọa hạt nhân Bắc Triều Tiên dự kiến là một trong các vấn đề quan trọng nhất tại cuộc họp của hai nhà lãnh đạo Mỹ -Trung, Hoa Kỳ cũng sẽ nêu lên những mối quan tâm về những vụ tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Trung Quốc và các nước khác ở Đông Nam Á cũng như vấn đề an ninh mạng.

Một nghị quyết mà Hội đồng Bảo an LHQ thông qua hồi đầu tháng này áp đặt những biện pháp chế tài mới có tính chất nghiêm nhặt đối với Bắc Triều Tiên. Biện pháp này đặt Trung Quốc vào tâm điểm của sự chú ý vì 90% hoạt động ngoại thương của Bình Nhưỡng là với Trung Quốc hoặc thông qua Trung Quốc. Trong thời gian qua, Washington đã ra sức thúc giục Bắc Kinh gây ảnh hưởng và sức ép lên Bắc Triều Tiên để họ ngưng chỉ những hành động khiêu khích hạt nhân.

Một viên chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ nói sự hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc nhằm bảo đảm việc thực thi  nghị quyết của LHQ một cách nghiêm chỉnh cho đến giờ là "rất tốt đẹp."

Trong lúc diễn thuyết tại Câu lạc bộ Báo chí Nước ngoài tại Washington ngày hôm qua, Phó bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Rose Gottemoeller nói:

"Trung Quốc và chúng tôi cùng tập trung chú ý một cách rất mạnh mẽ vào việc bảo đảm cho sự thực thi tốt đẹp và vững chắc nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ, một nghị quyết, mà như quí vị đã biết, đặt ra những sự hạn chế mạnh mẽ đối với khả năng của Bắc Triều Tiên để tiến hành hoạt động ngoại thương, bất kể là bằng đường biển, đường hàng không hay đường bộ."

Biển Đông

Mặc dầu Hoa Kỳ không có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, Washington đã rất kiên quyết trong việc bảo vệ cho các nguyên tắc, bao gồm việc phi quân sự hóa các hòn đảo có tranh chấp và dựa trên luật pháp quốc tế để giải quyết một cách hòa bình những cuộc tranh chấp.

Trong thời gian qua, Bắc Kinh đã tiến hành một kế hoạch qui mô lớn để tìm cách khẳng định yêu sách chủ quyền đối với các hòn đảo ở Biển Đông thông qua việc xây đảo nhân tạo và những công trình khác, bất chấp những yêu sách chủ quyền chồng lấn nhau của Đài Loan, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei.

Gần đây hơn, Trung Quốc đã bố trí một hệ thống radar trên những hòn đảo có tranh chấp và một hệ  thống phi đạn địa đối không tối tân trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam cũng tuyên bố có chủ quyền.

Về việc này, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, ông Ben Rhodes, phát biểu như sau tại cuộc họp báo hôm thứ tư.

"Chúng tôi sẽ trình bày một cách rất rõ ràng khi chúng tôi tin là có những hành vi đi ngược với các nguyên tắc đó, cũng giống như chúng tôi đã và đang trình bày một cách rất rõ ràng là việc thúc đẩy cho những nguyên tắc quốc tế, như tự do hàng hải, là phù hợp với quyền lợi của chúng tôi."

Trong thời gian qua, những chiến hạm của Mỹ đã thực hiện những cuộc tuần tra mà các giới chức ở Washington gọi là hoạt động tự do hàng hải trong hải phận quốc tế, kể cả việc tiến vào bên trong phạm vi 12 hải lý quanh những hòn đảo có tranh chấp ở Biển Đông. Trung Quốc phản đối những hoạt động của Mỹ mà họ cho là có tính chất gây hấn.

Cuộc họp ngày hôm nay giữa Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình là cuộc gặp gỡ đầu tiên tại Washington trong năm 2016 giữa hai ông, 6 tháng sau khi ông Tập Cận Bình thực hiện chuyến viếng thăm chính thức đến Hoa Kỳ vào tháng 9 năm 2015. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

4.
Báo động điểm nóng tin tặc Việt Nam

Việt Nam sẽ là một trong những ‘điểm nóng’ về tội phạm công nghệ cao. Dự báo trên được đại tá Võ Tuấn Dũng, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tội phạm công nghệ cao, cho biết hôm 29/3 tại Hội thảo Security World 2016 diễn ra Hà Nội.

Giới chức Việt Nam trích số liệu của hãng bảo mật Symantec cho biết Việt Nam hiện đứng thứ 11 toàn cầu về các hoạt động đe dọa tấn công mạng.

Trong khi đó, thống kê của hãng bảo mật Kaspersky cho biết Việt Nam là quốc gia đứng đầu thế giới về tỷ lệ lây nhiễm mã độc qua thiết bị lưu trữ ngoài.

Theo Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT), đã có 31.585 sự cố an ninh thông tin được trung tâm này ghi nhận, trong đó có gần 6.000 vụ tấn công lừa đảo, gần 9.000 vụ tấn công thay đổi giao diện và gần 17.000 vụ cài mã độc.

Theo đại tá Võ Tuấn Dũng, tội phạm công nghệ cao thường tập trung ở một số tỉnh, thành phố trọng điểm của Việt Nam.

Nguyên nhân chính dẫn đến nguy cơ mất an toàn thông tin tại Việt Nam là do bảo mật kém, nhiều lỗ hổng và những sơ xuất của người sử dụng.

Ngoài ra, Phó Cục trưởng, Cục An ninh mạng, đại tá Nguyễn Văn Thỉnh, cũng cho biết có sự gia tăng về hoạt động thu thập thông tin tình báo của các nhóm tin tặc nhắm vào Việt Nam.

Các chuyên gia cảnh báo an ninh mạng tại Việt Nam hiện trong tình trạng đáng báo động và cần phải gấp rút tìm ra các giải pháp phù hợp để tự bảo vệ mình.

Security World là diễn đàn công nghệ thông tin được tổ chức hàng năm tại Việt Nam kể từ năm 2007, với sự góp mặt của nhiều công ty công nghệ thông tin quốc tế và các chuyên gia về bảo mật. - VOA
|
|

5.
Trung Quốc: Không cần làm rùm beng các kế hoạch ở Biển Đông

Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm thứ Năm lên án những phỏng đoán là nước này sẽ tuyên bố một vùng phòng không ở bên trên Biển Đông có tranh chấp, sau khi Mỹ cho biết đã nói với Trung Quốc rằng sẽ không công nhận một vùng như vậy.

Các quan chức Mỹ gần đây đã bày tỏ quan ngại là phán quyết của tòa trọng tài quốc tế trong vài tuần nữa về vụ kiện của Philippines đối với các tuyên bố đòi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông có thể dẫn đến việc Trung Quốc tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không, ADIZ, ở Biển Đông, như họ đã làm ở Biển Hoa Đông năm 2013.

Thứ trưởng Quốc phong Mỹ Robert Work hôm thứ Tư nói Mỹ sẽ coi một động thái như vậy là “gây mất ổn định” và sẽ không công nhận một vùng như vậy ở Biển Đông, như đã làm ở Biển Hoa Đông.

Khi được hỏi về phát biểu của ông Work, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân nói bất cứ nước có chủ quyền nào cũng có quyền lập ra ADIZ.

“Về vấn đề này, các nước khác không cần phải làm rùm beng lên”, ông Dương nói tại một cuộc họp báo hàng tháng. Ông nói thêm việc lập vùng nhận dạng phòng không tùy thuộc vào các mối đe dọa và cần nhiều cân nhắc, nhưng ông không cung cấp thêm chi tiết.

Căng thẳng giữa Trung Quốc với các láng giềng Việt Nam, Malaysia, Brunei, Philippines và Taiwan về Biển Đông đã tăng lên sau khi Bắc Kinh bồi đắp, xây đảo nhân tạo ở các đảo vả bãi san hô có tranh chấp ở vùng biển.

Về vụ khiếu nại của Philippines, Phó Thẩm phán Cao cấp Tòa án Tối cao Philippine Antonio Carpio hôm thứ Năm nêu ra 3 kịch bản tại một diễn đàn bàn về phán quyết trọng tài và các khả năng về địa chính trị, với sự tham dự của giới quân đội, Bộ Ngoại giao và các đại sứ quán nước ngoài.

Theo Phó Thẩm phán Carpio, kịch bản xấu nhất là Tòa Trọng tài Quốc tế không phán quyết về tính pháp lý của đường 9 đoạn, còn gọi là đường lưỡi bò, tuyên bố rằng đảo Itu Aba - tức đảo Ba Bình - có vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và bãi cạn Scarborough (hay Hoàng Nham) chỉ có vùng lãnh hải, và không phán quyết về các vấn đề khác.

Nếu điều này xảy ra, ông Carpio nói Philippines và các nước tuyên bố chủ quyền khác sẽ phải “mua chiến hạm, chiến đấu cơ và hỏa tiễn chống hạm” để bảo vệ vùng biển của mình.

Với kịch bản này, Trung Quốc sẽ thực thi đường lưỡi bò, chặn đường và quấy rối các nước Việt Nam, Philippines và Malaysia khi họ tiếp tế các đảo do họ kiểm soát, và tranh chấp pháp lý tiếp tục diễn ra.

Vị phó thẩm phán nói Philippines cần phối hợp với Việt Nam, Malaysia và Brunei để ra tuyên bố rằng không đảo nào hoặc bãi cạn nào ở Trường Sa có vùng EEZ cả.

Tuy nhiên ông cho rằng kịch bản này khó xảy ra.

Kịch bản thứ hai, theo ông, đó là “phán quyết lưng chừng”, theo đó, tòa tuyên bố đường lưỡi bò vô giá trị, bãi Scarborough chỉ có hải phận là ngư trường truyền thống của Philippines, và không phán quyết về các vấn đề khác. Phán quyết này sẽ giảm vùng tranh chấp pháp lý giữa Philippines và Trung Quốc từ 531.000 kilomet vuông xuống cón 23.000 kilomet vuông, tự do hàng không, hàng hải bên ngoài vùng lãnh hải và không phận ở Biển Đông được công nhận.

Nhưng vị phó thẩm phán hy vọng nhất về kịch bản tốt nhất, theo đó tòa phán quyết đường lưỡi bò vô giá trị, đảo Ba Bình không có vùng đặc quyền kinh tế EEZ, xác nhận các bãi cạn mà Philippines nêu ra, bãi Scarborough chỉ có hải phận và là ngư trường truyền thống của ngư dân Philippines.

Nếu có phán quyết này, vùng tranh chấp của Philippines với Trung Quốc chỉ còn 1.551 kilomet vuông.

“Tôi rất lạc quan về kịch bản tốt nhất này”, ông Carpio nói với các phóng viên. - VOA
|
|

6.
Nữ chủ tịch quốc hội Việt Nam nguyện ‘trung thành với dân’

Nữ chủ tịch quốc hội đầu tiên của Việt Nam cam kết “tuyệt đối trung thành với tổ quốc, với nhân dân”, và không đặt đảng lên đầu như các tuyên bố thường thấy trước đây.

Các bức ảnh và video được chính phủ Việt Nam công bố cho thấy, trong lễ tuyên thệ hôm nay, ngay sau khi được đa số các đại biểu quốc hội tán thành, bà Nguyễn Thị Kim Ngân đặt bàn tay trái vào cuốn hiến pháp và tay còn lại giơ cao. Bà nói:

"Trước cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của tổ quốc, trước quốc hội, trước đồng bào cử tri cả nước, tôi xin tuyên thệ tuyệt đối trung thành với tổ quốc, với nhân dân, với hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tôi nguyện nỗ lực rèn luyện phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được Đảng, nhà nước và nhân dân giao phó."

Trước đó, 95% đại biểu quốc hội Việt Nam (hơn 470 người) đồng ý để bà Ngân làm người đứng đầu cơ quan lập pháp của Việt Nam, lên thay ông Nguyễn Sinh Hùng bị miễn nhiệm một ngày trước đó.

Bà Ngân trở thành nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên trong lịch sử Việt Nam và cũng là người đầu tiên tuyên thệ nhậm chức.

Cuối năm ngoái, quốc hội Việt Nam đã thông qua một quy định, theo đó thủ tướng, chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội và chánh án tòa án nhân dân tối cao Việt Nam phải “tuyên thệ trung thành với tổ quốc, nhân dân và hiến pháp” khi nhậm chức.

Một số nhà quan sát cho VOA Việt Ngữ biết rằng điều đáng chú ý là “không có đảng trong phần phải tuyên thệ trung thành”.

Bình luận trên trang Facebook chính thức của chính phủ Việt Nam, một người sử dụng mạng tên Phuong Dang viết: “Nhớ những nhiệm kỳ trước là ‘tuyệt đối trung thành với đảng…’ mà? Nhỡ cô Ngân không làm theo ý đảng thì sao? Bắt bỏ tù à? Kỷ luật, cảnh cáo…?”

Một người khác tên Phạm Bá Mạnh viết: “Phải thêm vào tuyên thệ là trung thành với nhân dân, tuyệt đối không bán nước cầu vinh và giữ vững từng tấc đất chủ quyền lãnh thổ”.

Sau đại hội đảng hồi tháng một vừa qua, bà Ngân đã được đảng đề cử làm chủ tịch quốc hội cùng với hai ứng viên Trần Đại Quang cho vị trí chủ tịch nước và ông Nguyễn Xuân Phúc cho vị trí thủ tướng.

Hôm nay, quốc hội Việt Nam cũng đã miễn nhiệm chức chủ tịch nước của ông Trương Tấn Sang và trên cương vị mới, bà Ngân cũng đã đề cử ông Trần Đại Quang, đương kim Bộ trưởng Bộ Công an, lên thay ông Sang.

Việc bãi nhiệm “tam trụ” trước thời hạn đã gây ra nhiều tranh cãi thời gian qua, và thậm chí có nhà quan sát còn cho rằng đó có thể coi là “cuộc đảo chính”. - VOA

Wednesday, March 30, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Tư 30/3

Tin Thế Giới

1.
Myanmar có tổng thống dân sự đầu tiên trong hơn 50 năm

Tổng thống dân sự đầu tiên của Myanmar trong vòng hơn 50 năm đã tuyên thệ nhậm chức tại thủ đô Naypidaw. Thông tín viên Richard Green của đài VOA tường thuật.

Ông Ktin Kyaw tuyên thệ nhậm chức trong một buổi lể diễn ra trong một thời gian ngắn trước một phiên họp của lưỡng viện quốc hội, với lời cam kết trung thành với “nước Cộng hoà Liên bang Myanmar.”

"Với tư cách tân chính phủ, chúng tôi sẽ cố gắng xác lập hiến pháp đạt được những nguyên tắc hoà giải dân tộc, theo đuổi tiến trình hoà bình quốc gia, và thiết lập liên bang dân chủ, và chúng tôi sẽ cố gắng làm việc để phát triển cuộc sống và nâng cao mức sống của người dân."

Hai vị phó Tổng thống Myint Swe và Henry Van Tio cũng tuyên thệ nhậm chức cùng với ông Htin Kyaw.

Lễ tuyên thệ này chính thức chấm dứt chế độ quân nhân đã nắm quyền ở Myanmar từ năm 1962. Ông Htin Kyaw lên thay cho ông Thein Sein, một cựu tướng lãnh lên nắm quyền năm 2011 khi tập đoàn quân nhân chuyển giao quyền hành cho một chính phủ trên danh nghĩa là chính phủ dân sự và tiến hành những biện pháp cải cách sâu rộng về kinh tế và chính trị.

Thượng nghị sĩ Thiri Yadana cho biết bà cảm thấy xúc động khi chứng kiến lễ tuyên thệ nhậm chức.

Khi tôi nghe bài diễn văn của tân Tổng thống dân sự, bài diễn văn thật hay, toàn thể quốc hội và đất nước này đã được nghe những ngôn từ mà trước đây  chúng tôi chưa từng nghe và chúng tôi có những cảm xúc mà trước đây chung tôi chưa từng có.

Cùng tuyên thệ nhậm chức trong ngày hôm nay là nội các gồm 18 thành viên, trong đó có bà Aung San Suu Kyi, lãnh tụ đảng Liên minh Dân chủ Toàn quốc. Đảng này nắm quyền kiểm soát cả hai viện của quốc hội sau khi giành được thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử quốc hội hồi tháng 11.

Người phụ nữ đoạt giải Nobel Hoà bình này không được làm tổng thống vì một điều khoản trong hiến pháp do quân đội soạn thảo không cho phép những người có vợ chồng con cái là người nước ngoài nắm giữ chức vụ này. Người chồng quá cố của bà cùng với hai đưa con trai của bà là công dân Anh. Nhưng bà Suu Kyi cam kết sẽ nắm quyền cai trị đất nước thông qua ông Htin Kyaw, người bạn thuở nhỏ và là người thân tín lâu năm của bà.

Theo dự liệu, bà sẽ nắm giữ cùng lúc 4 chức vụ, kể cả chức bộ trưởng ngoại giao và bộ trưởng văn phòng tổng thống.

Hiến pháp hiện hành cũng bảo đảm là quân đội nắm giữ 25% số ghế tại quốc hội cùng với các chức vụ then chốt là bộ trưởng nội vụ và bộ trưởng quốc phòng. - VOA
|
|

2.
Hồng Kông: Một đảng đòi độc lập bị báo chí Trung Quốc đả kích

Giới trẻ ở Hồng Kông vừa thành lập một đảng kêu gọi tách rời khỏi Hoa Lục, đã bị truyền thông Bắc Kinh hôm nay, 30/03/2016, gọi là các thành phần « hooligan chính trị ». Báo Trung Quốc đã nêu câu hỏi về tính hợp pháp của ý tưởng của đảng tại Hồng Kông.

Đảng mới này mang tên The Hong Kong National Party (Đảng Dân Tộc Hồng Kông), được khoảng 50 sinh viên và những người lao động trẻ tuổi, cho ra mắt vào hôm thứ Hai, 28/03, với mục tiêu vực dậy "lòng mong muốn độc lập" của người dân Hồng Kông.

Trả lời báo chí, Chan Ho Tin, 20 tuổi, một trong những người sáng lập đảng, giải thích "Độc lập là con đường duy nhất cho Hồng Kông".

Trong thời gian gần đây, ngày càng có nhiều tiếng nói, nhất là trong giới thanh niên, muốn Hồng Kông độc lập, tách rời khỏi Hoa Lục. Người dân tại đây ngày càng e ngại Bắc Kinh tìm cách xóa bỏ các quyền tự do của họ.

Ý tưởng và lời kêu gọi độc lập này dĩ nhiên đã gây bực dọc ở Bắc Kinh: Tờ Hoàn Cầu Thời Báo, phản ứng vào hôm nay, cho là đề nghị này là "điều giả dối vì không có khả năng thực hiện". Tờ báo xem những người thành lập đảng trên là những kẻ gây rối, những hooligan chính trị và hy vọng người dân Hồng Kông "đủ mạnh để giải quyết" vấn đề này.

Theo giới phân tích, thất bại gần đây của phong trào đấu tranh đường phố "Chiếm lĩnh Trung Hoàn" năm 2014, đã thúc đẩy sự vươn lên của chủ nghĩa "địa phương cục bộ", đặc biệt trong giới thanh niên, muốn nhiều quyền tự trị hơn cho Hồng Kông. Họ đã tuyên bố muốn có những bước đi, hành động triệt để. - RFI
|
|

3.
Dư thừa sản xuất của Trung quốc làm xấu triển vọng tăng trưởng của châu Á 2016

Sản lượng công nghiệp quá dư thừa của Trung Quốc sẽ gây khó khăn cho tăng trưởng của quốc gia này và khu vực trong năm nay. Ngân hàng phát triển châu Á – ADB - hôm thứ Tư, 30/03/2016, đã giảm mức dự báo đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Trong báo cáo được chú ý nhất của ADB về "Toàn cảnh phát triển của châu Á", tăng trưởng GDP của Trung Quốc được dự báo giảm còn 6,5% trong năm 2016, so với dự báo hồi tháng 12 năm ngoái là 6,7%.

Với ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực, ngân hàng phát triển châu Á cũng giảm mức dự báo tăng trưởng của châu Á xuống còn 5,7%, so với dự báo 6,0% cũng như mức điều chỉnh 5,9% vào cuối năm ngoái.

Theo kinh tế trưởng của ABD Shang-Jin Wei, "tăng trưởng giảm và kinh tế thế giới hồi phục không như mong muốn làm giảm tăng trưởng chung của châu Á".

Bản báo cáo được công bố đúng lúc vào lúc thế giới không chắc về khả năng cắt giảm sản lượng cần thiết của Bắc Kinh trong các lĩnh vực như thép, than đá, xi-măng, và khả năng quản lý nền kinh tế trong giai đoạn chuyển giao sang mô hình theo nhu cầu tiêu dùng.

Năm ngoái, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng ở mức thấp nhất trong vòng 25 năm qua, dấy lên nhiều quan ngại rằng mục tiêu tăng trưởng 6,7% của Bắc Kinh có thể còn thấp hơn.

Theo ông Wei, "nhu cầu từ các thị trường quốc tế giảm, cùng với dư thừa sản lượng ở một số ngành, trong khi số lượng lao động giảm, lương tăng, ngày càng tiếp tục làm giảm tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc".

Thêm vào đó, sự sụt giảm nhanh trong lĩnh vực đầu tư bất động sản cũng sẽ là trở ngại của nền kinh tế, mặc dù điều này có thể được bù đắp bởi nhu cầu và đầu tư "xanh" ngày càng tăng.

Trưởng bộ phận kinh tế Trung Quốc của ADB, ông Jurgen Conrad nói rằng chính phủ cần khẩn cấp đẩy nhanh việc cắt giảm sản lượng dư thừa trong lĩnh vực bất động sản và sản xuất, cũng như đề cập đến nợ của các doanh nghiệp nhà nước như là một thách thức khác.

Cũng theo ông Conrad, cải tổ nguồn cung là điều mà Trung Quốc và châu Á cần, và Bắc Kinh không nên dùng liệu pháp sốc để thay đổi.

Ấn độ tăng tốc vượt Trung Quốc

Tuy nhiên, theo ngân hàng ADB, còn một nơi khác ở châu Á có triển vọng sáng sủa hơn. ADB dự báo tăng trưởng của Ấn độ, nền kinh tế có độ mở nhanh nhất, giảm xuống còn 7,4% từ 7,6% năm 2015, nhưng sẽ tăng trở lại 7,8% vào năm 2017.

Theo ông Wei, "Ấn độ đang tăng trưởng nhanh hơn Trung Quốc, và vẫn tiếp tục như vậy trong tương lai gần".

Nhưng cải cách mang tính cấu trúc và cải thiện trong việc giám sát thị trường lao động sẽ giúp thúc đẩy kinh tế.

Indonesia sẽ dẫn đầu Đông Nam Á khi Jakarta đầu tư vào cơ sở hạ tầng và khuyến khích đầu tư ở khu vự tư nhân, ngân hàng ADB cho biết thêm, dự báo GDP sẽ tăng trưởng 5,2% năm nay, từ mức 4,8% năm 2015.

Các ngành công nghiệp nặng của Trung Quốc, phần nhiều là doanh nghiệp nhà nước, tuyển dụng khoảng 10 triệu lao động nhưng đang là các nguồn gây thua lỗ và là con nợ lớn.

Theo ngân hàng ADB, việc đóng cửa các doanh nghiệp không hiệu quả có thể gây ra một số hệ lụy, khả năng khoảng 3.6 triệu người sẽ mất việc và các chính quyền địa phương mất đi một nguồn thuế đáng kể.

"Việc Trung Quốc đang cố gắng làm hiện nay, trong ngữ cảnh sự chuyển giao của nền kinh tế, hoàn toàn chưa từng có tiền lệ", giám đốc tại Trung Quốc của ADB, Hamid Sharif cho biết. "Chúng tôi biết được từ kinh nghiệm của một số nước, việc chuyển giao phần lớn là một nghệ thuật, không phải là một khoa học".

"Ở mỗi quốc gia, các quyết định phải phải tính đến điều gì là có thể, điều gì có thể đạt được, hơn là các nhà kinh tế lý thuyết ngồi trong tháp ngà và quyết định nên làm cái gì".

Về dài hạn, ngân hàng ADB cảnh báo Trung Quốc sẽ đối mặt với vấn đề nhân khẩu học khi số lượng dân số già tăng, điều này tăng áp lực cho các cơ quan Nhà nước phải hành động từ bây giờ để cải tổ nền kinh tế.

Kinh tế trưởng của ADB nói thêm "tăng lương và giảm dân số trong độ tuổi lao động là những nguyên nhân cơ bản đối với việc giảm tốc độ tăng trưởng". - RFI
|
|

4.
Brazil: Liên minh cầm quyền tan rã, tổng thống Rousseff có nguy cơ bị phế truất

Đảng cánh trung lớn tại Brazil PMDB tối qua, 29/03/2016, đã quyết định rút khỏi chính phủ của tổng thống Dilma Rousseff, phá vỡ liên minh với đảng cánh tả cầm quyền Người Lao Động. Mất liên minh quan trọng PMDB tức là mất đa số tại Quốc Hội, tổng thống Brazil đang đứng trước nguy cơ bị phế truất. Diễn biến mới của cuộc khủng hoảng chính trị đã khiến bà Dilma Rousseff hủy chuyến công du Hoa Kỳ để tham dự Thượng Đỉnh An Toàn Hạt Nhân.

Thông tín viên RFI tại Rio de Janeiro, François Cardona tường trình:

Chỉ cần có vài phút để ban lãnh đạo đảng PMDB  biểu quyết thông qua quyết định đoạn tuyệt với tổng thống Dilma Rousseff. Sau nhiều tháng lưỡng lự, đảng cánh trung lớn, một đồng minh không thể thiếu của tổng thống Brazil đã quyết định rút các bộ trưởng của mình ra khỏi chính phủ. Đây là việc làm chưa từng có của đảng này kể từ khi Brazil chấm dứt chế độ độc tài và dân chủ quay trở lại năm 1985.

Phó chủ tịch đảng Romero Juca tuyên bố: "Kiến nghị đã được thông qua. Từ hôm nay, như chúng ta đã quyết định trong cuộc họp lịch sử của PMDB, đảng của chúng ta rút khỏi chính phủ của Dilma Rousseff".

Giờ đây tổng thống Dilma Rousseff không có liên minh ở Quốc Hội. Phó tổng thống ông Michel Temer thuộc đảng PMDB vẫn chưa rút, ông sẽ là người thay thế bà Rousseff nếu bà bị phế truất hiện.

Đảng Người Lao Động đang phải tìm kiếm liên minh mới để hỗ trợ cho tổng thống tại Quốc Hội. Mục tiêu là để ngăn cản các nghị sĩ nhất loạt bỏ phiếu ủng hộ thủ tục phế truất tổng thống đang đe dọa bà Rousseff. Trận chiến như vậy mới chỉ bắt đầu. - RFI
|
|

Tin Việt Nam

5.
Trung Quốc kêu gọi siết chặt quan hệ quốc phòng với Việt Nam --- 'Đường băng của Trung Quốc ở Trường Sa không vì mục đích dân sự' --- Biển Đông: Philippines muốn có tàu ngầm, Nhật muốn tập trận với Mỹ, Philippines

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đề nghị quân đội Việt-Trung tăng cường trao đổi, liên lạc, và siết chặt hữu nghị.

Lời kêu gọi được đưa ra nhân chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn tới Hà Nội trong tuần này giữa bối cảnh căng thẳng tranh chấp Biển Đông leo thang vì các hành động bất chấp của Trung Quốc.

Bản tin Reuters ngày 30/3 cho hay trong cuộc gặp với Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng, ông Thường thúc giục hai nước nên nỗ lực duy trì các mối quan hệ mật thiết mà cựu lãnh đạo Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh đã gầy dựng từ trong quá khứ.

Thông cáo chiều tối thứ hai của Bộ Quốc phòng Trung Quốc dẫn lời  ông Thường Vạn Toàn nói quân đội hai bên nên đẩy mạnh các cuộc trao đổi cấp cao và giao tiếp chiến lược, nghiên cứu học thuật và kỹ nghệ quốc phòng, cũng như hợp tác trong sứ mạng gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc.

VTC News ngày 30/3 dẫn lời Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Nguyễn Chí Vịnh, cho hay hai nước Việt-Trung nhất trí tìm kiếm các phương cách mới để tăng cường hợp tác thực chất, trong đó có việc Hà Nội chủ động mời tàu hải quân Trung Quốc thăm các cảng của Việt Nam bao gồm cảng Cam Ranh. Đây là cảng nước sâu có địa thế chiến lược gây chú ý quân sự qua nhiều thời kỳ và cũng là một điểm chú ý của Mỹ trong chính sách ‘Xoay trục về Châu Á’ giữa sự trỗi dậy hung hăng của Trung Quốc, đặc biệt tại điểm nóng Biển Đông.

Tháng rồi, căng thẳng Biển Đông giữa hai nước Việt-Trung lên cao sau khi Bắc Kinh triển khai phi đạn đất-đối-không tối tân ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, nơi Việt Nam có tuyên bố chủ quyền nhưng hiện đang bị Trung Quốc kiểm soát.

Hà Nội nói hành động của Bắc Kinh xâm phạm chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa và đã gửi công hàm tới đại sứ quán Trung Quốc và Liên Hiệp Quốc để phản đối. - VOA

***
Một giới chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định các đường băng Trung Quốc xây trên các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa nhằm phục vụ quân sự chứ không mang mục đích dân sự như Bắc Kinh tuyên bố.

Phát biểu với báo giới ngày 29/3 từ tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Philippines, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, Colin Willet, cho biết các đường băng này được Trung Quốc thiết kế để hỗ trợ cho các máy bay ném bom chiến lược chứ không phải các phi cơ vận tải hàng hóa hỗ trợ nhân đạo và cứu hộ thiên tai.

Bà Willet nói dù các nước khác cũng bố trí lực lượng quân sự và võ khí ra các tiền đồn ở Biển Đông, nhưng rất nhỏ bé so với những gì Trung Quốc đã làm trong 2 năm qua.

Tin cho hay tại Đá Chữ Thập, Đá Subi, và Đá Vành Khăn, Trung Quốc đều đã thiết đặt hệ thống phòng không và xây dựng các đường băng.

Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đã đưa các phi đạn đất đối không ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa mà họ kiểm soát từ năm 1956 tới nay. 

Trung Quốc quả quyết rằng các hoạt động của họ không nhắm mục tiêu quân sự hóa khu vực mà nhằm phục vụ các mục đích dân sự.

Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh không cần phải có các loại phương tiện như thế để bảo vệ thường dân, hỗ trợ ngư dân, hay theo dõi thời tiết.

Vẫn theo bà Willet, các động thái của Trung Quốc giới hạn quyền tự do hàng không-hàng hải ở Biển Đông là vi phạm luật quốc tế và đáng quan ngại.

Giới chức này cũng cho biết thêm rằng nếu Philippines thắng vụ kiện Trung Quốc ở Biển Đông, Mỹ sẽ cùng làm việc với các nước Đông Nam Á bao gồm Việt Nam để giải quyết việc Bắc Kinh phá hoại các bãi san hô tại đây, nơi có các rạn san hô đa dạng sinh học nhất trên thế giới.

Trung Quốc biến các bãi san hô trong các vùng có tranh chấp ở Biển Đông thành các đảo nhân tạo để xây đường băng, phố thị, lập tiền đồn quân sự, hủy hoại hệ thống sinh thái.

Manila đang chờ phán quyết của tòa trọng tài Liên hiệp quốc trong đơn kiện bản đồ lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines theo Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982.

Dù Bắc Kinh không tham gia vụ kiện, nhưng theo bà Willet, Trung Quốc không có cách phớt lờ phán quyết của tòa ở La Haye vì phán quyết này mang tính ràng buộc pháp lý.

Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ cho rằng quyết định của tòa sẽ giúp giảm nhiệt căng thẳng vì sẽ giúp minh định đường lãnh hải của 6 nước đang có tranh chấp tại Biển Đông bao gồm Việt Nam.

Bà Willet khuyến cáo nếu Trung Quốc phớt lờ phán quyết của tòa cũng chính là tự chối bỏ những gì họ đã cam kết theo Luật Biển. - VOA

***
Philippines cân nhắc việc thủ đắc tàu ngầm trong lúc Nhật Bản tìm cách gia nhập các cuộc tập trận chung thường xuyên giữa Philippines với Hoa Kỳ giữa bối cảnh tranh chấp Biển Đông leo thang.

Tổng thống Philippines, Benigno Aquino, ngày 30/3 loan báo Manila có thể đầu tư cho đội tàu ngầm đầu tiên để bảo vệ lãnh hải trong tranh chấp Biển Đông.

Philippines tới nay vẫn dựa vào các tàu dư của đồng minh Hoa Kỳ trong công tác quốc phòng. Cùng với Việt Nam, Manila đang tăng cường chi tiêu quân sự để đối phó trước sự bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Tổng thống Aquino nói Philippines có thể mất toàn bộ bờ biển phía Tây nếu Trung Quốc thành công trong việc xác quyết chủ quyền trên Biển Đông, vì vậy Manila cần phải tăng đà hiện đại hóa lực lượng võ trang để phòng vệ.

Chưa đầy 2 năm qua, Bắc Kinh đã bồi đắp hơn 2900 mẫu đất ở Biển Đông trong chiến dịch ráo riết xây đảo nhân tạo hầu thay đổi nguyên trạng để dành chủ quyền, khiến Việt Nam xích lại gần hơn với cựu thù Mỹ và Philippines quay sang cựu thù Nhật trong kế hoạch tăng cường thiết bị quân sự ứng phó với Trung Quốc.

Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách Nam và Đông Nam Á, bà Amy Searight, hôm 29/3 cho hay Tokyo đang đàm phán với Manila để được gia nhập cuộc diễn tập quân sự Balikatan giữa Philippines với Hoa Kỳ gần Biển Đông thường xuyên và sâu rộng hơn là tư cách quan sát viên mà Nhật đang đảm nhận hiện nay.

Tokyo đang tìm cách siết chặt hợp tác quốc phòng với Việt Nam, Philippines trong nỗ lực tăng sức ép lên Trung Quốc, nước đang tranh chấp chủ quyền với Nhật tại Biển Hoa Đông.

Ngoài việc cung cấp các tàu tuần tra cho Việt Nam, Nhật trong tháng rồi vừa ký thỏa thuận chuyển giao thiết bị và kỹ thuật quốc phòng cho Philippines hầu siết chặt các mối quan hệ an ninh gần gũi với hai nước Đông Nam Á đang có tranh chấp với Bắc Kinh ở Biển Đông. - VOA
|
|

6.
Blogger Nguyễn Ngọc Già bị án 4 năm tù --- Ba người cầm cờ VNCH bị phạt tù

Một blogger thường viết về chính trị, nhân quyền bị kết án 4 năm tù vì tội Tuyên truyền chống phá Nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo Điều 88 của Bộ Luật Hình sự.

Ông Nguyễn Đình Ngọc, bị bắt tháng 12 năm 2014, được đưa ra xử tại TP. HCM ngày 30/3.

Theo thông tin chính thức, ông Ngọc, dùng bút danh Nguyễn Ngọc Già, có bố là đảng viên 50 năm tuổi Đảng, bà nội là Mẹ Việt Nam anh hùng, mẹ là cơ sở cách mạng.

Tuy vậy, ông bị cáo buộc viết các bài trên mạng “chống phá Đảng, Nhà nước”.

Hội đồng xét xử nói bản án 4 năm tù đã xét đến nhân thân bị cáo, và bị cáo “cũng thành khẩn khai báo và ăn năn hối cải”, theo báo Tuổi Trẻ.

Cáo trạng nói từ tháng Hai đến tháng 12 năm 2014, ông Ngọc đã gửi 26 bài tới các trang mạng khác nhau và được đăng 14 bài.

Giám định của công an nói có 22 bài “xuyên tạc, vu khống” lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Ngoài mức án 4 năm, ông Ngọc sẽ bị quản chế 3 năm tại địa phương.

Sau khi ông Ngọc bị bắt, vụ việc đã thu hút quan tâm của nhiều người trên mạng.

Cây bút Lê Diễn Đức nhận định ông Ngọc là “một cây bút đối lập, một người bất đồng chính kiến”.

Cùng thời gian ông Ngọc bị bắt, có blogger Hồng Lê Thọ bị bắt ngày 29/11/2014 và nhà văn Nguyễn Quang Lập bị bắt ngày 6/12.

Tuy vậy, vào tháng 10 năm 2015, cả hai ông nhận được quyết định đình chỉ điều tra. - BBC

***
Tòa án TP Hồ Chí Minh vừa kết án ba phụ nữ cầm cờ ba sọc "biểu tình trái phép" trước tòa Lãnh sự quán Mỹ. 

Bà Ngô Thị Minh Ước, sinh năm 1959, ngụ ở TP. HCM bị mức án 4 năm 3 tháng tù tại phiên tòa sơ thẩm ngày 30/3.

Bà Nguyễn Thị Trí, sinh năm 1958, ngụ ở TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, bị án 3 năm tù.

Bà Nguyễn Thị Bé Hai, sinh năm 1958, ngụ huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh, bị án 3 năm tù.

Ba người này còn bị phạt quản chế 2 năm.

Báo trong nước trích cáo trạng nói ngày 7/7/2014 ba phụ nữ này đã có hành vi "cầm cờ lớn và khẩu hiệu trên tay, cờ nhỏ dán lên áo mỗi người, vừa đi bộ vừa hô khẩu hiệu có nội dung chống phá Nhà nước" ngay trước Tổng lãnh sự quán Mỹ.

Ba bị cáo từng khiếu kiện đất đai tại các tỉnh Bình Phước, Bình Dương và Đồng Tháp.

Họ được cho là thành viên của “Phong trào liên đới dân oan tranh đấu” thành lập tháng 3/2014, do ông Trần Ngọc Anh, ở Vũng Tàu làm đại diện.

Một số nhà hoạt động mô tả khi họ đến tham dự phiên tòa xét xử công khai đã bị "công an bắt lên xe chở ra trụ sở tiếp công dân" và "bỏ lại" họ trên xe.

Nhiều người giơ biểu ngữ nội dung "Đừng biến dân oan thành tội đồ" trước cửa Tòa án TP Hồ Chí Minh.

Khiếu kiện đất đai xảy ra nhiều nơi ở Việt Nam trong thời gian dài, dẫn đến các cuộc biểu tình kéo dài tại các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 88 trong Bộ luật Hình sự bị nhiều tổ chức theo dõi nhân quyền nước ngoài và giới bất đồng chính kiến chỉ trích. Nhiều nhà hoạt động, luật sư, blogger từng bị khởi tố vì điều luật này. - BBC

Tuesday, March 29, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Ba 29/3

Tin Thế Giới

1.
Tranh đua chính trị tiếp diễn ở Hồng Kông

Tranh đua chính trị đang diễn ra ở Hồng Kông trước cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 9. Đây là cuộc bầu cử đầu tiên kể từ khi các nhà lập pháp đòi dân chủ phủ quyết kế hoạch một chiều không thể thương nghị mà Bắc Kinh đưa ra hồi năm ngoái để chọn ra vị hành chánh trưởng quan kế tiếp.

Trong khi đó cũng diễn ra một chuyển biến thế hệ, gây đảo lộn trong các đảng phái cũ và nổi lên những đảng phái mới còn chưa được đặt tên. Hiện tượng này phản ánh không những một sự đảo lộn gây ra bởi các cuộc biểu tình Chiếm Trung do giới trẻ lãnh đạo vào năm 2014, những còn cả những thay đổi về nhân khẩu học - và các giá trị - bên trong khối cử tri.

Cuộc thăm dò mới nhất của Viện Công luận thuộc trường Đại học Hồng Kông cho thấy sự tin tưởng của công chúng đặt vào các chính quyền ở Hồng Kông và Bắc Kinh sụt giảm mạnh, với mức không tin tưởng cao nhất trong số những người trả lời thăm dò ở độ tuổi từ 18 đến 29.

Hồng Kông trên hết

Joshua Wong, người thiếu niên đeo kính trên bích chương của phong trào Chiếm Trung trước đây đã bác bỏ chính trị truyền thống. Nhưng tranh đấu với hành động kéo dài ngoài đường phố, và không có gì để khoa trương, đã là một kinh nghiệm thức tỉnh cho anh và các đồng chí hoạt động. Cùng lúc đó, họ đã tỏ ra hùng hồn và hấp dẫn đối với công chúng hơn so với các giới chức kỳ cựu trong chính phủ mà họ đối đầu trong cuộc tranh chấp được truyền hình. 

Nay anh Joshua nói rằng nhóm Scholarism – Chủ nghĩa Bác học, là tổ chức sinh viên đã nổi bật trong các cuộc biểu tình Chiếm Trung, đã quyết định tạm ngưng hoạt động và chia nhỏ ra thành một nhóm sinh viên và một chính đảng, không có sự liên kết chính thức với nhau.

Anh Wong nói trọng điểm của đảng mới này là 2047, năm mà Bộ luật Cơ bản của Hồng Kông sẽ được Bắc Kinh hoặc gia hạn hoặc đáo hạn. Bộ luật này là cơ sở cho công thức một quốc gia hai hệ thống bảo đảm các quyền chính trị và dân sự cho Hồng Kông. Nhóm của anh Wong muốn dân chúng Hồng Kông chọn lựa tương lai của mình thông qua một cuộc trưng cầu dân ý, mặc dù không có luật nào cho phép trưng cầu dân ý và chính quyền phản đối.

Anh Wong cũng nói nhóm hậu chủ nghĩa Bác học sẽ tự lánh xa khỏi các đảng truyền thông muốn có dân chủ và được biết chung là “toàn dân chủ.” Anh gọi đảng non trẻ của anh là “ủng hộ dân chủ nhưng không toàn-dân chủ.”

Anh Wong nói với đài VOA: “Chính trị truyền thông không hữu dụng bởi vì hầu hết những người theo chủ trương “toàn dân chủ” vẫn tin rằng đối thoại, hội họp và thảo luận có thể cần thiết và hữu hiệu để đạt được dân chủ ở Hồng Kông, nhưng không có nghĩa là chính trị là vô dụng hay vô nghĩa. Đó là bởi vì chúng tôi tin rằng nếu thế hệ mới có thể đại diện cho một số giá trị mới và tham gia cơ chế, thì chúng tôi có thể thay đổi và cải tổ cơ chế hiện hành.”

Trong khi các chính trị gia lớn tuổi hơn ủng hộ dân chủ thường coi dân chủ ở Trung Quốc là một điều kiện tiên quyết cho dân chủ ở Hồng Kông, lớp mới những người hoạt động bác bỏ sự liên kết đó và thay vì thế tập trung vào cuộc tranh đấu của Hồng Kông.

Anh Wong nói tiếp: “Thực vậy, chúng tôi tin rằng Hồng Kông sẽ là bước đầu để chúng tôi đạt được dân chủ và phổ thông đầu phiếu, và bước kế tiếp sẽ đạt được, hãy để cho Trung Quốc được phổ thông đầu phiếu. Do đó, theo quan điểm của tôi, trước tiên là Hồng Kông đã, rồi mới đến Trung Quốc.”

Hồi chuông cảnh tỉnh

Ở đầu bên kia, vị nữ chủ tịch mới của đảng thân Bắc Kinh lớn nhất đã từ chức khỏi Hội đồng Quản trị của Hành chánh Trưởng Quan Lương, là cơ quan hàng đầu định ra chính sách ở Hồng Kông.

Bà Starry Lee, một nhà lập pháp từ lâu đã được gợi ý sẽ lên nắm quyền lãnh đạo Liên minh Dân chủ vì Sự cải thiện và Tiến bộ của Hồng Kông, còn gọi tắt là DAB, đã đưa ra quyết định vừa kể một phần để đảng của bà tách xa khỏi ông Lương đang ngày càng mất lòng dân.

Bà Lee, một gương mặt trẻ hơn trong giới lãnh đạo già nua của DAB, đã lập tức được thay thế chức vụ cố vấn bởi một người thành viên trung kiên của DAB ở tuổi lục tuần. Nhưng sự ra đi của bà đã giúp bà được thảnh thơi tập trung vào việc xây dựng đảng và bắt đầu tạo dựng một ấn tượng của riêng bà – một điều mà nhà kế toán hòa nhã này cần phải có để nổi lên ra khỏi bóng tối của chính trường.

Gương mặt bà nay xuất hiện trên các bích chương vận động cho mọi ứng viên của DAB có nhiều tiềm năng.

Bà không đáp lại yêu cầu phỏng vấn của đài VOA, nhưng trong một cuộc phỏng vấn với Nhật báo Sing Tao, bà Lee nói rời khỏi Hội đồng Quản trị có nghĩa là bà có thể nói năng một cách tự do hơn và phát biểu rõ ràng hơn về lập trường của đảng bà.

Bà nói với báo này rằng DAB vẫn là “một đối tác của chính phủ, nhưng trong một số chính sách, lập trường của DAB không giống như lập trường của chính phủ.”

Theo bà Lee, được quyền phát biểu có thể giúp đảng của bà “gặt hái được thêm hậu thuẫn của công chúng.”

Sự cần thiết phải dành cho các ứng viên DAB có thêm quyền hành động, và để họ thuận chiều hơn với cảm nghĩ của công chúng, đã trở nên rõ ràng cách đây 2 tháng, khi ông Holden Chow, một trong những nhân vật trẻ nhiều hứa hẹn của đảng, đã thua một thành viên theo chủ trương toàn dân chủ của đảng Dân sự Alvin Yeung 10.000 phiếu, trong một cuộc bầu cử phụ vào Hội đồng Lập pháp.

Sự thất bại đó là một hồi chuông cảnh tỉnh cho đảng DAB.

Lời kêu gọi Độc lập

Nhưng điều nhắc nhở nhiều hơn là thành tích của ông Edward Leung, một thành viên của phong trào bản xứ cực đoan, chiếm 15% tổng số phiếu. Trong cuộc chạy đua mà người thắng được toàn số phiếu, ông về hạng ba, nhưng cuộc bầu cử tháng 9 tới sẽ được điều hành theo một hệ thống tỷ lệ và số phiếu của ông Leung sẽ cao hơn túc số cần thiết để được một ghế.

Thật vậy, nếu ông có thể thu về tổng số phiếu chỉ hơn vài tỷ lệ bách phân thì ông có thể đưa thêm một người theo chủ nghĩa bản xứ vào viện lập pháp theo gót ông. Thành tích của ông là một mũi tên nhắm trúng các chính trị gia truyền thống ở cả hai phía.

Một nhóm mới trong tuần này cho biết sẽ tiến xa hơn và thành lập một chính đảng để vận động cho Hông Kông được hoàn toàn độc lập tách khỏi Trung Quốc.

Tại một cuộc họp báo trong tuần này, người từng hoạt động trong phong trào Chiếm Trung Chan Ho-tin nói đảng Quốc gia mới của ông cảm thấy Hồng Kông mất đi tính cá biệt của mình đối với Hoa Lục dưới áp lực của Bắc Kinh.

Với thành phần chủ yếu khoảng 50 sinh viên đại học và những người hoạt động trẻ, đảng này cho biết sẽ đưa ra các ứng viên lập pháp cho cuộc bầu cử sắp tới.

Các nhóm Chức năng

Ở một mức độ sâu hơn và bớt nổi bật hơn, các quyết định cũng đang được xúc tiến nhắm gây thiệt hại cho cơ chế chính trị hiện hữu của chính quyền bằng cách đưa các ủng hộ viên dân chủ vào các cơ quan xã hội và chuyên nghiệp, là những cơ quan sẽ bầu ra các nhà lập pháp đại diện cho những thành phần gọi là “các đơn vị chức năng.”

Những tập thể chức năng này hợp thành phân nửa viện lập pháp với 70 thành viên. Trong một số các đơn vị bầu cử này, cử tri không phải là các cá nhân mà là các công ty lớn. Phân nửa kia của viện lập pháp được bầu trực tiếp từ 5 đơn vị bầu cử địa dư.

Những đơn vị bầu cử chức năng này cũng lập thành những khối bỏ phiếu trong cơ quan gồm 1.200 thành viên sẽ chọn ra vị hành chánh trưởng quan vào năm 2017.

Một nhóm tìm cách lật đổ cơ chế này là tổ chức HK Monitor 2047, một nhóm gồm 200 chuyên gia trẻ tuổi làm việc trong khu vực tài chính, đã sáp nhập với nhau trong phong trào Chiếm Trung.

Người sáng lập và triệu tập nhóm này là Ed Chin, một nhà hoạt động ủng hộ dân chủ có gốc là quản lý quỹ bảo hiểm.

Ông Chin nói ưu tiên hàng đầu của họ là kết thúc tình trạng bỏ phiếu của các công ty và đặt lá phiếu vào tay từng người làm việc trong lãnh vực này. Nhưng ông vẫn còn những trở ngại lớn.

Ông Chin nói: “Rất gay go. Trước tiên quý vị phải được sự đề cử của ai đó đã nằm trong số 1.200 thành viên, do đó cực kỳ là khó khăn… Chúng ta cũng biết rằng đối với các nhóm chức năng khác nhau mà chúng ta muốn tranh đua, rằng bởi vì lá phiếu của công ty sẽ ít nhiều mang tính biểu tượng, bởi vì gần như là điều không thể có được đối với các lá phiếu của công ty.”

Nói tóm lại, nhóm của ông sẽ tìm cách lọt vào các đơn vị bầu cử chức năng này để có thể phá bỏ các đơn vị ấy. Các quyết định tương tự đang diễn ra trong những khu vực chuyên nghiệp khác, trong đó có công nghệ thông tin và y tế. - VOA
|
|

2.
Không tặc máy bay Ai Cập 'đầu hàng'

Toàn bộ con tin đã được thả và không tặc đầu hàng trong vụ một máy bay Ai Cập buộc phải đáp xuống sân bay Larnaca của Cyprus.

Máy bay mang số hiệu MS181 của EgyptAir bị một hành khách chiếm và dọa đeo dây đai gắn bom tự sát.

Sau một buổi sáng căng thẳng, người này đã giơ tay và bước ra khỏi máy bay.

Chưa rõ động cơ của ông ta.

Giới chức Cyprus nêu tên không tặc là Seif Eldin Mustafa.

Có tin nói ông ta muốn nói chuyện với người vợ ly thân ở Cyprus, và tổng thống Cyprus nói đây không phải là khủng bố.

Nhưng cũng có tin nói ông ta đòi thả tù nhân nữ ở Ai Cập.

Tổng thống Cyprus, ông Nicos Anastasiades phát biểu: "Chúng tôi đang làm hết sức có thể để tất cả mọi người được thả và an toàn."

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc liệu có phải động cơ của không tặc là do chuyện tình cảm, ông cười và nói: "Lúc nào cũng có phụ nữ liên quan."

EgyptAir cho biết phi cơ Airbus A320 chở 56 hành khách từ Alexandria tới Cairo, cùng 6 thành viên phu hành đoàn và một nhân viên an ninh. Trước đó hãng đưa ra con số 81 người.

Thông cáo của Bộ Hàng không Dân dụng Ai Cập nói có 26 người nước ngoài trên chuyến bay, trong đó có 8 người Mỹ, bốn người Anh, bốn công dân Hà Lan, hai người Bỉ, hai người Hy Lạp, một người Pháp, một người Ý và một người Syria. Ba người nước ngoài khác chưa rõ quốc tịch.

"Phi công cho biết một hành khách nói với ông đang mặc áo cài chất nổ và buộc máy bay hạ cánh ở Lanarca," cơ quan hàng không Ai Cập nói trong một thông cáo.

Sân bay Lanarca nằm ở bờ biển phía Nam Cyprus, đã đóng cửa và các chuyến bay đến bị chuyển hành trình sang sân bay khác. - BBC
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
FBI bẻ khóa được iPhone của nghi can vụ xả súng San Bernadino

Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã mở khóa được chiếc iPhone 5C chạy bằng hệ điều hành iOS9 của Apple. Các chuyên viên bên ngoài chính phủ không được tiết lộ danh tánh đã giúp "bẻ khóa" chiếc iPhone bằng một phương pháp không được công bố. Thông tín viên đài VOA Chris Hannas có bài tường trình sau đây.

Việc mở khóa được chiếc iPhone chấm dứt cuộc chiến pháp lý giữa chính quyền và công ty Apple trong vụ liên quan đến chiếc điện thoại của nghi can vụ tấn công San Bernadino, bang California, hồi năm ngoái.  Nhưng vấn đề lớn hơn là cuộc chiến của vấn đề chính phủ phải biết được những gì về công dân của họ, và bằng cách nào.

Nghị sĩ bang California, ông Darrell Issa, người đi đầu trong vận động cho chủ trương mã khóa mạnh, nói rằng để cho vụ tranh tụng kết thúc mà không phải mang ra hệ thống tòa án phức tạp để đi đến quyết định cho chính phủ quyền tiếp cận các thiết bị điện tử thì dễ chịu hơn, nhưng kết quả này lại càng cho thấy vấn đề về thông tin cá nhân vẫn chưa giải quyết được.

Ông Essa nói: "Chắc chắn là sẽ xảy ra những vụ khác, và trong khi chúng ta tranh cãi các vấn đề này trên phạm vi quốc gia, chúng ta phải tiếp tục phê phán việc chính phủ tìm cách lợi dụng tình huống nhậy cảm để tích lũy nhiều quyền lực và kiểm soát hơn, một điều gần như luôn gây bất lợi cho quyền tự do và quyền riêng tư của cá nhân."

Luật sư của hãng Apple nói rằng họ hy vọng chính quyền sẽ chia sẻ phương pháp nào đã giải mã được chiếc iPhone của hung thủ Syed Farook, nhưng sau khi một thẩm phán liên bang đồng ý bỏ lệnh chống lại Apple hôm thứ hai, yêu cầu đó của Apple hình như cũng không còn nữa.

Một hệ quả khác có phần chắc hơn sẽ diễn ra là chính quyền sẽ áp dụng phương pháp mà họ vừa biết được để giải mã những thiết bị điện tử khác trong trường hợp Apple từ chối giúp mở khóa.

Theo một danh sách hãng Apple đệ trình trong văn bản liên quan đến vụ San Bernardino, có ít nhất 15 vụ tại các tòa liên bang ở New York, Illinois, California, Massachusetts và Ohio.  Phúc đáp của tòa về văn bản này không yêu cầu cung cấp chi tiết các vụ nêu trong danh sách cho thấy chuyện này có thật.

Hầu hết các thiết bị điện tử đó là điện thoại iPhone, từ đời iPhone 3 cho đến đời mới nhất là iPhone 6 Plus, và  hệ điều hành từ phiên bản iOS4 cho đến iOS9.  Một nửa số vụ này liên quan đến các thiết bị chạy bằng iOS7 hoặc phiên bản trước đó.  Đây là vấn đề quan trọng, bởi vì Apple tăng cường "khóa" an ninh bằng việc cho ra phiên bản iOS8.  Theo hồ sơ của Apple nộp cho tòa, một vấn đề quan trọng nữa là "chức năng không để cho bất cứ ai không có mật mã của thiết bị xâm nhập dữ liệu bị mã khóa trong thiết bị."

Đó là một vấn đề trong vụ San Bernardino. Các nhà điều tra không có mật mã của hung thủ Farook, và tính năng giữ an ninh sẽ xóa mọi dữ liệu sau 10 lần thử dùng các mật mã phỏng đoán không thành công.

Nhưng chính phủ đã tìm được cách mở khóa được cả phiên bản iOS9 có độ bảo mật cao hơn, có thể mở ra khả năng xâm nhập được các phiên bản trước đó của phần mềm này.  

Apple và các hãng công nghệ khác đã tập trung nhiều nỗ lực trong việc bảo đảm an ninh dữ liệu trong mấy năm qua cũng giống như Bộ Tư pháp tích cực tranh cãi rằng tăng mức an ninh dữ liệu gây cản trở nỗ lực điều tra tội phạm.

Đây là một cuộc chạy đua vũ khí công nghệ.  Apple trung bình khoảng mỗi năm tung ra một phiên bản mới của hệ điều hành, như phiên bản iOS9 được tung ra hồi tháng 9.  Khoảng tháng 10. Apple cho hay 90% thiết bị của hãng này vẫn chạy những phiên bản cũ hơn, nhưng việc nâng cấp sang phiên bản mới đã lan truyền nhanh chóng đến mức 80% khách hàng của Apple nay đang sử dụng phiên bản iOS9.

Điều này có nghĩa là nếu Apple tìm ra được cách của chính phủ giải mã chiếc iPhone San Bernardino và tìm được cách vô hiệu hóa phương pháp đó, thì phía chính phủ sẽ nhanh chóng rơi vào tình trạng gặp phải thiết bị mã hóa và không mở khóa được.  Cuộc chiến pháp lý được công bố rõ ràng trong thông báo của các bên công ty Apple và bên chính quyền.

Người phát ngôn Melanie Newman của Bộ Tư pháp nói: "Vẫn là một ưu tiên của phía chính phủ để bảo đảm rằng bên thực thi pháp luật có thể thu thập được các thông tin điện toán quan trọng để bảo vệ an ninh quốc gia và an toàn cho công chúng, hoặc là bằng cách hợp các với các bên liên quan, hoặc thông qua hệ thống tòa án khi hợp tác không thành."

Apple nói họ sẽ tiếp tục hỗ trợ cho bên thi hành luật pháp song song với việc tiếp tục nâng cấp các biện pháp bảo mật dữ liệu chống lại những vụ tấn công điện toán ngày càng tinh vi hơn.

Thông báo của công ty này nói: "Apple thực sự tin rằng người dân ở Hoa Kỳ và trên toàn thế giới xứng đáng được bảo mật dữ liệu, an ninh và sự riêng tư. Hy sinh một bên cho một bên khác đẩy người dân và các nước vào rủi ro." - VOA
|
|

4.
Tổng thống Obama: Nhà báo có trách nhiệm 'tìm tòi kỹ hơn'

Tổng thống Mỹ Barack Obama kêu gọi các nhà báo hãy "tìm tòi kỹ hơn và đòi hỏi nhiều hơn" khi ông phát biểu tối thứ Hai, nêu bật tầm quan trọng của tự do báo chí ở Mỹ.

Tổng thống Obama nói câu hỏi hàng đầu mà ông nhận được khi nói chuyện với các nhà lãnh đạo thế giới là điều gì đang xảy ra với nền chính trị Mỹ. Ông cho biết cuộc tranh cử tổng thống đã đưa ra "những lập luận gây chia rẽ và nhiều khi thô tục" làm xói mòn dân chủ và xã hội.

Tổng thống Obama nói: "Khi các quan chức dân cử của chúng ta và chiến dịch chính trị của chúng ta trở nên hoàn toàn tách rời khỏi lý trí, khỏi các sự kiện và sự phân tích, khi cái gì đúng hay sai không còn quan trọng nữa, điều đó làm cho chúng ta không thể đưa ra các quyết định tốt cho các thế hệ tương lai".

Theo ông Obama, kết quả là "những lời khẳng định vô căn cứ không bị ai chất vấn cả".

Ông thừa nhận những áp lực tài chính đã làm các hãng tin phải cắt giảm nguồn lực và nhân viên, nhưng ông kêu gọi họ hãy để cho các phóng viên để tìm hiểu sâu hơn các vấn đề không "hào nhoáng" nhưng đáng được chú ý.

Ông Obama nói với các nhà báo: "Một cử tri đoàn có kiến thức phụ thuộc vào các bạn. Và nền dân chủ của chúng ta phụ thuộc vào một cử tri đoàn có kiến thức.”

Tổng thống Obama ngầm ám chỉ ứng viên đang dẫn đầu cuộc đua bên Đảng Cộng, ông Donald Trump, người đã liên tục sử dụng sự xuất hiện trên truyền thông để quảng bá cuộc vận động của mình mà không cần phải chi tiền cho quảng cáo.

Ông Obama nói các cử tri "sẽ được phục vụ tốt hơn nếu hàng tỷ đôla truyền thông miễn phí kèm theo trách nhiệm giải trình nghiêm túc, nhất là khi các chính trị gia đưa ra các kế hoạch không khả thi hoặc những lời hứa hẹn mà họ không thể thực hiện được.”

Ông cũng thảo luận về cuộc họp báo chung mà ông thực hiện tuần trước ở Havana với Chủ tịch Cuba Raul Castro, ông nói đó là một cơ hội lớn đối với người dân Cuba để họ thấy các nhà lãnh đạo đối mặt với những câu hỏi khó.

"Tôi không biết chính xác việc đó sẽ có ý nghĩa thế nào đối với tương lai của Cuba", ông Obama nói. "Tôi nghĩ rằng việc đó đã tạo ra một sự khác biệt lớn đối với nhân dân Cuba. Và tôi cho rằng không thể có một ví dụ nào tốt hơn về lý do vì sao tự do báo chí lại vô cùng quan trọng đối với tự do".

Tổng thống Obama là diễn giả chính tại lễ trao Giải thưởng Toner dành cho Đưa tin Chính trị Xuất sắc. Giải thưởng được đặt theo tên của Robin Toner, người phụ nữ đầu tiên được cử làm phóng viên chuyên về chính trị quốc gia của tờ New York Times.

Năm nay giải thưởng được trao cho ký giả Alec MacGillis về những bài viết của ông về tài chính trong tranh cử, vận động hành lang và các ảnh hưởng khác đối với chính trị và quản trị. Ông là phóng viên của hãng tin ProPublica chuyên về mảng điều tra. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Trung Quốc " khuyên " Việt Nam tăng cường hợp tác quốc phòng song phương

Quân đội Việt Nam và Trung Quốc nên tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhau. Đây là nội dung thông điệp do Bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn gởi đến giới lãnh đạo Việt Nam nhân chuyến công du từ 27/03 đến 31/03/2016. "Lời khuyên" này được đưa ra trong bối cảnh quan hệ Việt Trung vẫn căng thẳng trên vấn đề Biển Đông, trong lúc hợp tác quốc phòng Việt-Mỹ càng lúc càng được tăng cường.

Theo hãng tin Anh Reuters, trong một bản thông cáo được bộ Quốc Phòng Trung Quốc công bố hôm qua, bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc đã nhấn mạnh rằng quân đội hai nước nên « tăng cường các chuyến thăm cấp cao và trao đổi chiến lược, nâng cao tình hữu nghị, củng cố hoạt động giao lưu quốc phòng biên giới và hợp tác thiết thực trên vấn đề tham gia chiến dịch gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, nghiên cứu khoa học quân sự và công nghiệp quốc phòng ».

Theo ghi nhận của Reuters, bản thông cáo không đề cập trực tiếp đến tranh chấp Biển Đông giữa hai bên, nhưng cho biết là tư lệnh Hạm Đội Nam Hải của Trung Quốc có mặt trong cuộc gặp giữa phái đoàn Trung Quốc và Tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng ngày 27/03.

Nhân cuộc gặp, bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc đã cho rằng hai nước cần phấn đấu để duy trì mối quan hệ hữu nghị từng được hai cố lãnh đạo Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh xây dựng.

Theo giới phân tích, những lời lẽ đầy tình hữu nghị trên đây là nhằm xoa dịu Việt Nam vào lúc Hà Nội tiếp tục đả kích các hành động của Bắc Kinh nhằm quân sự hóa Biển Đông, cụ thể là đưa chiến đấu cơ đến đảo Phú Lâm, vùng quần đảo Hoàng Sa, và đặt cả tên lửa phòng không và chống hạm trên đó, đồng thời liên tục sách nhiễu ngư dân Việt Nam.

Báo chí Việt Nam đã nêu bật nội dung Biển Đông trong chuyến thăm Việt Nam của bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc, cho biết là quân đội hai bên đã đồng ý tự kiềm chế để tránh xung đột trên Biển Đông. Vấn đề là trên Biển Đông, cho đến nay, chủ yếu các hành vi sách nhiễu lại do lực lượng Hải Cảnh Trung Quốc tiến hành.

Nhật báo Hồng Kông South China Morning Post khi đưa tin về chuyến công du Việt Nam của bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc đã nêu bật nhận định của một chuyên gia Trung Quốc tại trường Đại Học Tế Nam, cho rằng chuyến thăm là một động thái chính trị quan trọng, vì cả hai bên cần duy trì liên lạc chặt chẽ giữa các quan chức cấp cao để giúp ổn định tình hình ở Biển Đông.

Còn theo một chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh, chuyến thăm Việt Nam của ông Thường Vạn Toàn cho thấy là Trung Quốc muốn giữ quan hệ chặt chẽ với Việt Nam, một quốc gia không phải là đồng minh của Mỹ như Philippines. - RFI
|
|

6.
Danh hài Việt Nam bị bắt ở Mỹ

Danh hài Minh Béo (tên thật là Hồng Quang Minh) mới bị bắt giữ ở California vì bị nghi xâm hại tình dục một bé trai hồi đầu tháng này.

Tin cho hay, ông Minh, 39 tuổi, bị truy tố với các tội danh: quan hệ tình dục bằng miệng với trẻ vị thành niên, có hành động khiêu dâm với một bé dưới 14 tuổi và gạ gẫm trẻ nhỏ để thực hiện hành vi dâm ô.

Nếu bị kết án với các tội danh trên, danh hài từng nhiều lần lưu diễn ở Mỹ sẽ phải đối mặt với án tù 5 năm 8 tháng tù giam và tên tuổi sẽ bị lưu lại trong danh sách những người phạm tội tình dục.

Diễn viên hài này hiện đang bị giữ tại Quận Cam với số tiền tại ngoại hầu tra được ấn định là 1 triệu đôla. Ông Minh sẽ phải ra tòa nghe luận tội vào ngày 15/4 tới.

Báo chí dẫn lời các công tố viên nói rằng hôm 20/3, ông Minh nói tại một đài phát thanh ở Huntington Beach rằng ông tổ chức tìm kiếm diễn viên tham gia một dự án về video.

3 ngày sau đó, ông bị cáo buộc quan hệ tình dục bằng miệng với một bé trai khi nạn nhân tới dự tuyển, và sau đó bé trai này đã trình báo sự việc lên cảnh sát thành phố Garden Grove.

Một ngày sau, cảnh sát mở cuộc điều tra và một nhân viên đóng giả làm một trẻ vị thành niên dưới 14 tuổi liên hệ với ông Minh.

Danh hài này sau đó bị cáo buộc đã lên kế hoạch gặp gỡ với nhân viên cảnh sát này với mục đích xâm hại tình dục, và bị bắt sau đó.

Tờ Orange County Register cho biết họ đã tìm cách liên lạc với luật sư đại diện cho ông Minh nhưng bất thành.

Trước đó, báo điện tử Zing News đã liên lạc với người nhà ông Minh và được biết rằng gia đình đã “nhờ người thân bên Mỹ thuê luật sư để bảo vệ” cho người thân.

Báo chí trong nước đưa tin, ông Minh sang Mỹ lưu diễn từ ngày 18/3 ở California, và dự kiến sẽ tới Atlanta để trình diễn. - VOA

Monday, March 28, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Hai 28/3

Tin Thế Giới

1.
Pakistan tưởng niệm các nạn nhân vụ đánh bom Lahore

Pakistan đang tưởng niệm cái chết của ít nhất 70 người trong vụ nổ bom tự sát của phe Taliban hôm chủ nhật nhắm vào người Cơ đốc giáo tại thành phố Lahore ở miền đông. Các giới chức bệnh viện cho biết có đến 30 em bé trong số những người thiệt mạng.

Vụ nổ xảy ra tại một công viên đông người và gây thương tích cho hơn 300 người khác. Nhiều nạn nhân là những người thuộc cộng đồng Cơ đốc giáo thiểu số đến công viên để mừng Lễ Phục Sinh.

Một phát ngôn viên của quân đội hôm nay cho biết nhân viên an ninh đã thực hiện nhiều cuộc đột kích dựa trên những manh mối ban đầu và đã bắt giữ “một số nghi can khủng bố và những kẻ đồng loã” tại những khu vực trong tỉnh lỵ và hai thành phố khác của tỉnh Punjab, là tỉnh đông dân nhất nước.

Một người phát ngôn của nhóm Jamaatul Ahrar, một nhóm hiếu chiến thoát ly khỏi phe Taliban ở Pakistan, đã lên tiếng nhận trách nhiệm và nói rằng vụ tấn công này là nhắm vào người Cơ đốc giáo.

Cả thế giới lên án

Vụ tấn công khủng bố này gặp phải sự chỉ trích kịch liệt của các nhà lãnh đạo Pakistan và nhiều nhà lãnh đạo thế giới.

Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif đã đến Lahore sáng nay và chủ toạ một cuộc họp của các giới chức an ninh và các quan chức cấp cao trong chính phủ. Trong lúc lên án vụ tấn công khủng bố nhắm vào thường dân vô tội, ông Sharif nói rằng hành động đó không làm ông chùn bước trong việc diệt trừ chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa khủng bố ở Pakistan. Ông cũng đến bệnh viện để thăm hỏi những người bị thương.

Ông Ned Price, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, đưa ra một thông cáo để lên án vụ tấn công ở Lahore “với những ngôn từ mạnh mẽ nhất”. Thông cáo nói rằng đây là “một hành động hèn nhát tại một nơi vốn là một công viên xinh đẹp và yên bình.”

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon cũng đưa ra một thông cáo lên án vụ tấn công và nói rằng “những kẻ chủ mưu của hành vi khủng bố đáng kinh tởm này phải được đưa ra trước ánh sáng công lý một cách nhanh chóng, phù hợp với những nghĩa vụ về nhân quyền.”

Ông cũng hối thúc chính phủ Pakistan làm hết sức mình để áp dụng các biện pháp nhằm bảo đảm an ninh cá nhân cho tất cả mọi người trong nước, kể cả những cộng đồng tôn giáo thiểu số.

Sau vụ khủng bố ở Lahore, giới hữu trách Pakistan đã tăng cường an ninh tại các công viên và những địa điểm công cộng khác trên khắp nước.

Biểu tình tại Islamabad

Trong khi đó, hàng trăm nhân vật tranh đấu của phe Hồi giáo hôm nay tiếp tục thực hiện cuộc biểu tình gần trụ sở quốc hội ở thủ đô Islamabad và nhất định không chịu giải tán cho tới khi đòi hỏi của họ được thỏa mãn.

Tối chủ nhật, hàng vạn người đã xuống đường ở Islamabad để phản đối  vụ treo cổ một người đã giết chết một viên tỉnh trưởng vì ông này kêu gọi sửa đổi luật báng bổ tôn giáo.

Những người biểu tình, hầu hết là những người thuộc các đảng phái của phe Hồi giáo, phản đối việc xử tử Mumtaz Qadri, là người đã bắn chết tỉnh trường tỉnh Punjab, ông Salman Taseer, vào năm 2011.

Người biểu tình đã xô xát với cảnh sát và lực lượng bán quân sự trong lúc họ nổi lửa đốt các toà nhà của tư nhân và của chính phủ.

Những vụ đụng độ gây thương tích cho hơn 20 nhân viên an ninh, khiến chính phủ phải huy động binh lính để bảo vệ cho khu vực có tên Vùng Đỏ ở Islamabad, nơi toạ lạc của hầu hết các trụ sở quan trọng của chính phủ, kể cả quốc hội và các sứ quán nước ngoài.

Một trong những đòi hỏi của người biểu tình là chính phủ phải cam kết  không thay đổi những luật lệ về tội báng bổ tôn giáo.

Hầu hết những người biểu tình đã giải tán vào giữa khuya chủ nhật. - VOA
|
|

2.
Ả Rập Xê Út thả 109 người Yemen, đổi lấy 9 người Ả Rập Xê Út

Liên minh do Ả-rập Xê-út dẫn đầu chống phiến quân Shi’ite ở Yemen hôm 28/3 cho hay họ đã thả 109 tù nhân người Yemen để đổi lấy 9 người Ả-rập Xê-út bị bắt giữ.

Tuyên bố của liên minh không nói chi tiết về những người Ả-rập Xê-út bị giam giữ ở địa điểm nào và như thế nào, song cho biết những người Yemen bị giam giữ ở gần biên giới của Ả-rập Xê-út.

Phiến quân Houthi Shi’ite đã chiếm giữ thủ đô Sana’a của Yemen hồi tháng 9/2014, và vào tháng 3 năm ngoái đã tiến về phía nam tới thành phố cảng Aden, tiến hành tấn công buộc tổng thống Abdu Rabu Mansour Hadi phải chạy sang Ả-rập Xê-út.

Phía Ả-rập Xê-út đã đáp trả bằng cách lập một liên minh tiến hành không kích vào quân Houthi, và sau đó chiến trận có sự tham gia của lính bộ binh ủng hộ ông Hadi chống lại phiến quân và một số vụ bạo lực dọc theo biên giới giữa Ả-rập Xê-út và Yemen.

Cuộc xung đột đã làm hơn 6.000 người thiệt mạng ở đất nước nghèo nhất khối Ả Rập.

Hồi tuần trước, Liên Hiệp Quốc thông báo các bên tham chiến đã đồng ý ngừng bắn trên toàn quốc từ ngày 10/4 và dự kiến tiến hành hòa đàm trực diện vào ngày 18/4 ở Kuwait. - VOA
|
|

3.
Trung Quốc: Căn cứ tại Djibouti không mang tính quân sự --- Thái Lan hủy bỏ một dự án đường sắt quy mô ký với Trung Quốc

Trung Quốc phát động một chiến dịch “chiêu dụ” bất thường để giải thích về căn cứ hải quân đầu tiên của mình ở nước ngoài, đóng tại Djibouti, và tìm cách làm dịu bớt mối quan tâm của thế giới về sự bành trướng quân sự của nước này. Bắc Kinh khẳng định căn cứ tại Djibouti là sự đóng góp của Trung Quốc đối với an ninh và phát triển trong khu vực.

Dự án xây dựng cơ sở tại Djibouti liên quan đến việc mở hành lang thương mại trên khắp các châu lục và sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc, cũng như giúp quốc gia Đông Bắc Á này kết nối với phần còn lại của thế giới.

Điều ngạc nhiên là thông điệp trên lại hoàn toàn trái ngược với lập trường hiếu chiến của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Bắc Kinh ngang nhiên tuyên bố có chủ quyền tại hầu hết khu vực này nhằm giành quyền kiểm soát tuyến hàng hải thương mại quan trọng. Chính vì vậy, mối quan hệ giữa Trung Quốc và các nước nằm trong vùng tranh chấp chủ quyền, cũng như với Hoa Kỳ, ngày càng trở nên căng thẳng.

Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố không đi theo phong cách “bá chủ” của Hoa Kỳ thông qua việc mở rộng tầm ảnh hưởng quân sự, trong đó có việc thiết lập các căn cứ quân sự ở nước ngoài. Thế nhưng, Trung Quốc lại đang đi đúng theo hướng này với căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài, được đặt tại Djibouti, quốc gia Đông Phi có vị trí chiến lược nằm trên lối vào Hồng Hải dẫn tới kênh đào Suez.

Bắc Kinh đã lặng lẽ thông báo lý do thành lập căn cứ trên và huy động truyền thông Nhà nước tuyên truyền cũng như cố gắng giải đáp mọi thắc mắc về mục đích thật sự của dự án căn cứ tại Djibouti.

Trong thông cáo gửi tới Reuters, bộ Quốc Phòng Trung Quốc xác nhận đã thông báo mục đích của mình về các dự án tại Djibouti tới « các nước và các tổ chức quốc tế có liên quan », đồng thời nhắc lại rằng các cơ sở trên chủ yếu nhằm hỗ trợ các chiến dịch chống cướp biển, hoạt động nhân đạo và gìn giữ hòa bình.

Bản thông cáo của bộ Quốc Phòng Trung Quốc nhấn mạnh : Bắc Kinh « duy trì con đường phát triển hòa bình ... và chưa bao giờ tham gia chạy đua vũ trang hay bành trướng quân sự. Điều này sẽ không bao giờ thay đổi ».

Một nhà ngoại giao phương Tây, được một số quan chức Trung Quốc giới thiệu về kế hoạch trên, phát biểu với Reuters : « Trung Quốc giải thích đó là một phần của “một con đường, một vành đai” chiến lược, giúp nối nước Ethiopia ra biển », nhằm nói đến con đường tơ lụa chiến lược mới của Trung Quốc.

Một nhà ngoại giao khác, cũng được Trung Quốc thông báo về dự án phát triển cơ sở tại Djibouti, nhận định chiến dịch “chiêu dụ” này là một động thái “bất thường” của chính phủ Trung Quốc, thường vẫn “âm thầm mà làm”. Bắc Kinh đang cố tỏ ra minh bạch về các kế hoạch tại châu Phi, vì theo nhận xét của nhà ngoại giao trên :« Trung Quốc không muốn bị xem như một mối đe dọa ».

Ấn Độ nâng cao cảnh giác

Cộng hòa Djibouti, nơi mà Pháp và Mỹ đều có căn cứ quân sự tại đây, cũng nhắc lại đường lối mà Bắc Kinh từng tuyên bố. Theo đó, các cơ sở trên của Trung Quốc sẽ được sử dụng để tiếp nhiên liệu và công tác hỗ trợ hậu cần nhằm chống cướp biển và bảo vệ các tuyến đường thương mại.

Quốc gia Đông Phi này cũng đồng thời “an ủi” phương Tây không nên lo lắng nếu Trung Quốc tìm kiếm “các tiền đồn quân sự”, vì cho rằng trong nhiều thập kỷ qua, các nước phương Tây đã có các căn cứ khắp thế giới.

Công việc xây dựng cơ sở hậu cần đã được khởi công vào tháng 02/2016 tại đất nước chỉ có hơn một triệu dân. Djibouti đang cố gắng để trở thành một trung tâm vận chuyển quốc tế. Theo truyền thông Trung Quốc, một tuyến đường sắt trị giá 4 tỉ đô la sẽ nối liền thủ đô Addis Ababa của Ethiopia với cảng mới do Trung Quốc đầu tư ở Djibouti.

Nằm ở phía tây bắc Ấn Độ Dương, vị trí chiến lược của Djibouti đã khiến Ấn Độ lo ngại rằng quốc gia châu Phi này sẽ trở thành một viên ngọc trong “chuỗi ngọc trai” khác của Trung Quốc với các liên minh và phương tiện quân sự hiện gồm Bangladesh, Miến Điện và Sri Lanka, để bao vây Ấn Độ.

Các quan chức quân sự Ấn Độ phát biểu với hãng tin Reuters rằng sự hiện diện của hải quân Trung Quốc ở Djibouti sẽ buộc New Delhi mở rộng kế hoạch phòng vệ quân sự, mà cho đến nay chỉ giới hạn trong khuôn khổ hoạt động bộ binh và không quân, xuất phát từ các tranh chấp biên giới với Trung Quốc trên dãy núi Himalaya đã tồn tại từ nhiều thập niên gần đây.

Thiếu tướng Ấn Độ Mandip Singh nêu rõ trong một báo cáo, được đăng bởi Viện Nghiên Cứu và Phân Tích (do Nhà nước tài trợ), rằng cùng với sự tham gia của Trung Quốc tại cảng Gwadar ở Pakistan - một căn cứ quân sự tiềm năng, vai trò của lực lượng hải quân Trung Quốc sẽ được tăng cường đáng kể và có thể trở thành mối đe dọa cho hải quân Ấn Độ.

Ông viết : « Djibouti cũng có thể để cho Trung Quốc đặt nhiều phương tiện hải quân, không quân tầm xa tại đây, có khả năng duy trì giám sát trên biển Ả Rập cũng như các vùng lãnh thổ hải đảo của Ấn Độ ngoài khơi bờ biển phía Tây ».

Còn nhà ngoại giao phương Tây được Reuters phỏng vấn thì nhấn mạnh : « Nếu tôi là Ấn Độ, tôi sẽ rất lo ngại về những động thái của Trung Quốc tại Djibouti ».

Vào cuối năm 2015, một phát ngôn viên của bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ từng nói : « Chúng tôi mong nhận được những lời giải thích rõ ràng hơn, như vai trò và mục đích của cơ sở mới này, đồng thời chúng tôi ghi nhận rằng Trung Quốc tham gia vào các chiến dịch quốc tế chống cướp biển ở Vịnh Aden ».

“Chuỗi ngọc trai” châu Phi

Tại hội nghị thường niên của Quốc Hội Trung Quốc, ngoại trưởng Vương Nghị phát biểu cần phát triển thêm cơ sở hậu cần trên con đường tơ lụa nếu điều kiện cho phép. Tại châu Phi còn có một số các cảng khác mà Trung Quốc và các công ty của nước này đang giúp đỡ xây dựng và phát triển. Dĩ nhiên ngoài các tầu thương mại, tầu hải quân Trung Quốc có thể neo đậu tại đó trong tương lai.  

Một nguồn tin ngoại giao Trung Quốc giấu tên tiết lộ ý tưởng lập căn cứ tại Djibouti được đưa ra năm 2015 khi hải quân Trung Quốc tham gia di tản người nước ngoài tại Yemen.

Các tàu khu trục nhỏ của Trung Quốc tham gia chiến dịch phải chất đầy hàng tiếp tế trên tầu cho những người được sơ tán. Sau đó những con tầu này gặp khó khăn trong việc tiếp nhiên liệu hay đảm bảo nguồn tiếp tế mới. Không giống như Hoa Kỳ, Trung Quốc không có căn cứ hậu cần cố định. Nguồn tin trên nhấn mạnh : « Đó chỉ là một cơ sở hậu cần theo đúng nghĩa ».

Với Bắc Kinh, không thể gọi cở sở tại Djibouti là một “căn cứ quân sự” và các phương tiện truyền thông Nhà nước được lệnh tuyên truyền đúng như vậy.

Tờ Global Times, phiên bản tiếng Anh của tờ Hoàn Cầu Thời Báo, trích lời của các chuyên gia Trung Quốc, ngay sau bài phát biểu của ngoại trưởng Vương Nghị, rằng Trung Quốc không xây dựng một căn cứ quân sự ở Djibouti mà chỉ là một “cơ sở hậu cần”.

Trong khi đó, chính phủ Djibouti lại rất muốn phát triển hợp tác quân sự với Bắc Kinh. "Trung Quốc đã chuẩn bị tốt để hỗ trợ Djibouti, tăng cường khả năng quân sự và đảm bảo an ninh cho nước này". Đây là lời phát biểu của bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn trong chuyến công du Djibouti năm 2014. Nguyên văn vẫn được đăng trên website của sứ quán Djibouti tại Bắc Kinh. - RFI

***
Do bất đồng về vấn đề tài chính với Trung Quốc, chính quyền Thái Lan tuần rồi đã quyết định tự đầu tư vào một dự án đường sắt quy mô thay vì nhận tài trợ từ Bắc Kinh, tuy đôi bên đã tưng bừng khai trương vào năm 2015.

Tháng 07/2015, hai nước đã ký một thỏa thuận sơ bộ về việc xây dựng một tuyến đường sắt dài 870 km gồm hai đường ray, bắt đầu từ Nong Khai gần biên giới Thái-Lào, và mở rộng trên toàn quốc. Tuy nhiên, thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan O Cha đã thông báo cho đồng nhiệm Trung Quốc Lý Khắc Cường trong dịp hội nghị thượng đỉnh khu vực hôm thứ Sáu 25/03/2016, là Bangkok sẽ tự thực hiện dự án.

Hai bên không thỏa thuận được về chi phí, phần vốn góp cũng như việc quản lý. Thái Lan muốn Trung Quốc góp 60% vì Bắc Kinh hưởng lợi nhiều do đây là một phần của kế hoạch đường sắt xuyên Á, nhưng bị từ chối. Bangkok cũng phản đối Bắc Kinh cho vay với tỉ lệ lãi cao, bên cạnh đó Trung Quốc còn nhất định giành quyền quản lý dự án.

Tờ Nikkei Asian Review dẫn lời bộ trưởng Giao Thông Thái Lan, ông Arkhom Termpittayapaisith, cho biết Thái Lan sẽ tự đầu tư 170 tỉ bath cho tuyến đường sắt này. Do không thể hủy bỏ hẳn thỏa thuận đã ký, Thái Lan vẫn sẽ sử dụng một số công nghệ của Trung Quốc.

Theo nhận định của tờ báo Nhật Bản, quyết định trên đây của Bangkok là một đòn nặng, không chỉ giáng vào chiến lược xuất khẩu cơ sở hạ tầng của Trung Quốc, mà còn vào tham vọng xây dựng tuyến đường sắt xuyên Á. Tuyến đường này nối liền Côn Minh với Singapore, chạy qua Lào, Thái Lan và Malaysia, nhằm thúc đẩy việc giao thương với các quốc gia Đông Nam Á, đồng thời gia tăng ảnh hưởng chính trị của Bắc Kinh trong khu vực. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Nhật Bản chỉ trích chủ trương của ông Trump về an ninh Châu Á

Ông Donald Trump, người đang dẫn đầu trong cuộc đua để được đảng Cộng hoà đề cử làm ứng cử viên tổng thống, đã gây bất bình cho các đồng minh chính của Mỹ ở Châu Á sau khi ông chỉ trích sự đóng góp của họ cho an ninh khu vực và đề nghị họ tự phát triển kho vũ khí hạt nhân của mình. Thông tín viên Brian Padden của đài VOA gởi về bài tường thuật từ Seoul

Trong cuộc phỏng vấn mới đây dành cho tờ New York Times, ông Trump đã hô hào cho việc thực hiện một cuộc đánh giá lại toàn bộ những hiệp ước an ninh của Mỹ với Nhật Bản và Nam Triều Tiên.

Trong quá khứ ông Trump đã chỉ trích hai đồng minh chính của Mỹ ở Đông Bắc Á là ‘những kẻ ăn bám” vì chi trả quá ít cho việc Hoa Kỳ bố trí 50.000 binh sĩ ở Nhật Bản và 28.500 binh sĩ ở Nam Triều Tiên để duy trì hoà bình và bảo vệ an ninh cho khu vực này.

Ông Trump nói với tờ New York Times rằng Hoa Kỳ “không dư giả đến độ có thể phí phạm hàng tỉ đô la” để hỗ trợ cho hoà bình và an ninh, và ông sẽ xem xét tới việc triệt thoái binh sĩ nếu Tokyo và Seoul không chịu gia tăng khoản tiền bồi hoàn cho Washington.

Ông Trump cũng cho biết ông sẵn sàng để cho Nhật Bản và Nam Triều Tiên chế tạo bom hạt nhân để tự bảo vệ trước những mối đe dọa hạt nhân từ Bắc Triều Tiên và Trung Quốc. Ông nói thêm rằng “nếu Hoa Kỳ tiếp tục đi theo đường lối hiện nay, đường lối của sự nhu nhược, Nhật Bản và Nam Triều Tiên sẽ muốn có vũ khí hạt nhân.”

Chủ trương của Trump đã gặp phải sự phản bác mạnh mẽ của các giới chức chính phủ và các nhà phân tích. Họ cho rằng những sự thay đổi kịch liệt như vậy sẽ gây ra những sự thiệt hại to lớn cho uy tín của Mỹ và cho các mối quan hệ đồng minh trong khu vực, có phần chắc sẽ dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân ở Châu Á và sẽ gây phương hại cho các nỗ lực quốc tế để gây sức ép đòi Bắc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Phản ứng tiêu cực

Ông Daniel Pinkston, giáo sư môn quan hệ quốc tế của Đại học Troy ở Seoul, nhận định như sau về những đề nghị của ông Trump.

"Nó sẽ gây ra những thiệt hại cực kỳ to lớn và rơi ngay vào bẫy của những kẻ có chủ trương cứng rắn ở Bình Nhưỡng."

Chánh văn phòng nội các Nhật, ông Yoshihide Suga, hôm nay bác bỏ gợi ý cho rằng Nhật Bản có thể phát triển vũ khí hạt nhân. Ông nói “Nguyên tắc 3 không về hạt nhân -- không sản xuất, không sở hữu và không cho phép vũ khí hạt nhân hiện diện trên lãnh thổ Nhật, là một chính sách cơ bản quan trọng của chính phủ nước tôi.”

Tuy nhiên, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong thời gian qua đã ra sức để tăng cường khả năng phòng vệ của nước ông, và những phát biểu của ông Trump về việc triệt thoái binh sĩ Mỹ ra khỏi Châu Á có thể làm mạnh thêm những chủ trương cho rằng Nhật Bản cần có một quân đội hùng mạnh hơn.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nam Triều Tiên, ông Moon Sang Kyun, hôm nay nói rằng bình luận về các ứng viên tổng thống Mỹ là một việc không nên làm, nên ông chỉ có thể nói là nước Đại Hàn Dân Quốc tiếp tục ủng hộ cho những sự giàn xếp về an ninh đã có với Washington kể từ khi cuộc chiến Triều Tiên bùng ra năm 1950.

"Liên minh đó giữa Đại Hàn Dân Quốc và Hoa Kỳ đang được duy trì một cách hết sức chặt chẽ bởi Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ-Hàn. Không có sự thay đổi nào trong lập trường và nguyên tắc này."

Sau khi Bắc Triều Tiên tiến hành cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ tư hồi tháng giêng năm nay, một số nhà lập pháp Nam Triều Tiên nói rằng Nam Triều Tiên cũng nên phát triển khả năng răn đe hạt nhân.

Tuy nhiên, chính phủ của Tổng thống Park Guen Hye cho rằng Nam Triều Tiên không cần vũ khí hạt nhân, vì có thể dựa vào khả năng răn đe hạt nhân của Mỹ - một việc được bảo đảm trong hiệp ước đồng minh hiện có với Washington.

Lợi ích an ninh của Mỹ

Ông Donald Trump nói rằng ông không phải là một người chủ trương nước Mỹ không nên can dự vào công việc của thế giới, nhưng ông muốn đặt lợi ích của Mỹ “lên trên hết.”

Những người chỉ trích nói rằng doanh nhân giàu có và là tác giả cuốn sách “The Art of the Deal” (Nghệ thuật thương lượng) này đã không nghĩ tới những lợi ích kinh tế và chiến lược mà nước Mỹ có được từ sự hiện diện quân sự ở Châu Á.

Họ cũng cho rằng ông Trump không suy tính tới vấn đề là quyền lợi của nước Mỹ và các nước đồng minh sẽ bị tổn hại như thế nào nếu Mỹ rút quân và Châu Á bùng ra một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân, làm gia tăng mối rủi ro xảy ra chiến tranh hạt nhân. Ông Pinkston nhận định như sau.

Nếu chúng ta nghĩ trước vài nước cờ và nếu chúng ta nghĩ tới những hậu quả của một hành động như vậy thì chúng ta sẽ thấy đề nghị đó thật sự không hợp lý chút nào.

Một số tờ báo ở Nam Triều Tiên nói rằng những phát biểu của ông Trump là 'nguy hiểm và gây sốc'.

Ấn bản tiếng Anh của tờ Trung ương Nhật báo ở Nam Triều Tiên hôm nay cho đăng một bài bình luận với những lời lẽ gay gắt để chỉ trích ông Trump. Họ nói rằng quan điểm của ông là “hết sức thiển cận”.

Tờ Yomiuri Shimbun ở Nhật trích lời một nguồn tin dấu tên nói rằng “nếu ông Trump trở thành tổng thống Mỹ thì đó sẽ là một vấn đề cho hệ thống an ninh quốc gia Nhật-Mỹ.” - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Bộ trưởng Quốc phòng Việt-Trung ‘tay bắt, mặt mừng’ --- TQ muốn làm dịu quan hệ với VN?

Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh nắm chặt tay người đồng cấp Trung Quốc Thường Vạn Toàn ở Hà Nội hôm qua trước cuộc gặp song phương.

Quan chức quân đội nước láng giềng phương Bắc tới thăm Việt Nam trong hai ngày 27/3 – 28/3.

Các bức ảnh được truyền thông Việt Nam đăng tải cho thấy đôi bàn tay của quan chức quân sự Việt – Trung siết chặt vào nhau trước cuộc trao đổi được cho là tập trung vào tranh chấp biển Đông.

Theo Thông tấn xã Việt Nam, ông Thanh và ông Thường đã “trao đổi thẳng thắn về tranh chấp trên biển, cho rằng hai nước cần tiếp tục xử lý thông qua đàm phán hòa bình, hữu nghị”.

Ngoài ra, hai quan chức quốc phòng này cùng nhất trí rằng “quân đội hai nước phải kiềm chế, kiểm soát tốt tình hình, không đe dọa sử dụng vũ lực, không để xảy ra xung đột, cùng giữ gìn hòa bình, ổn định, hợp tác và lợi ích của hai nước, khu vực và thế giới”.

Trong khi đó, tin tức mới nhất cho hay, Cục Hải sự Trung Quốc thông báo giàn khoan Hải Dương 943 của nước này khoan thăm dò ở Biển Đông từ 25/3 đến 31/7.

Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa lên tiếng về thông báo này, nhưng một số bình luận trên mạng nói rằng việc Trung Quốc triển khai giàn khoan dầu như vậy ngay khi ông Thường đang ở Việt Nam cho thấy Bắc Kinh “không tôn trọng Việt Nam”.

Trên trang thông tin chính phủ chính thức của chính phủ Việt Nam trên Facebook, xuất hiện nhiều ý kiến chỉ trích Bắc Kinh dưới tin về cuộc gặp giữa ông Thanh và ông Thường.

Một người sử dụng mạng tên Tiến Lê viết: “Đoàn kết hữu nghị hai nước mà sao mấy anh lấy hết đảo của chúng tôi? Xây sân bay rồi đâm chìm tàu cá của đồng bào tôi là sao...?” - VOA

***
Báo trong nước đưa tin Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc thăm Việt Nam cùng thời điểm giàn khoan Hải Dương 943 đang cắm ở Biển Đông.

Hôm 28/3, báo Tiền Phong cho hay, trong buổi hội đàm tại Hà Nội, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh và người đồng cấp Trung Quốc Thường Vạn Toàn “thẳng thắn trao đổi về vấn đề tranh chấp trên biển ảnh hưởng quan hệ hai nước”.

“Hai bộ trưởng nhấn mạnh, hai bên tiếp tục xử lý thỏa đáng thông qua đàm phán hòa bình, hữu nghị; căn cứ chế độ pháp lý và nguyên tắc được xác định bởi luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982”.

“Hai bên nhất trí, quân đội hai nước phải bình tĩnh, kiềm chế, kiểm soát tốt tình hình, không đe dọa sử dụng vũ lực, không để xảy ra xung đột, cùng giữ gìn hòa bình, ổn định, hợp tác và lợi ích của hai nước, khu vực và thế giới; đồng thời tăng cường hợp tác thực chất, hiệu quả, ổn định, bền vững, qua đó tiếp tục khẳng định hợp tác quốc phòng là một trong những trụ cột của mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống giữa hai nước,” báo này viết.

Truyền thông Việt Nam cũng đưa tin Cục Hải sự Trung Quốc thông báo đặt giàn khoan Hải Dương 943 tại vị trí 17-47.5 độ vĩ bắc, 108-46.0 độ kinh đông, từ ngày 25/3 đến 31/7.

Cục Hải sự Trung Quốc cảnh báo tàu thuyền không đi lại trong phạm vi bán kính 1 hải lý (1,85 km). 

Hôm 28/3, trả lời BBC từ Hà Nội, ông Dương Danh Dy, nhà nghiên cứu quan hệ Việt - Trung nói: “Tôi đánh giá chuyến thăm Việt Nam của ông Thường Vạn Toàn vào thời điểm này có ý nghĩa là một bước chuyển, hai bên có vẻ muốn làm dịu những mối căng thẳng ở Biển Đông. Nhưng khi có tin Bắc Kinh điều giàn khoan Hải Dương đến Biển Đông thì rõ là họ vẫn chơi trò ‘hai mặt.”

“Các báo trong nước khi viết về quan hệ Việt - Trung thì lúc nào cũng nhấn mạnh ‘hữu nghị, hòa hảo’ nhưng sự thực có như thế đâu? Cứ tin Trung Quốc là chết!”, cựu Tổng lãnh sự Việt Nam tại Trung Quốc cho hay.

Ông cũng dự báo: “Mối quan hệ Việt - Trung khó có thể cải thiện trong thời gian tới, trừ phi Mỹ quyết định quay lại khu vực có tranh chấp tại Biển Đông. Và dù Bắc Kinh tiếp tục có những động thái lấn lướt trên Biển Đông, chính quyền Việt Nam cũng khó có khả năng bật đèn xanh cho những cuộc biểu tình chống Trung Quốc”. - BBC
|
|

6.
Vợ anh Ba Sàm kể chuyện bên trong tòa án

Vụ án anh Ba Sàm tuy đã kết thúc ở tòa sơ thẩm với kết quả 5 năm tù giam nhưng dư luận quốc tế vẫn tiếp tục lên tiếng đòi Việt Nam phải hủy bản án vì tính chất không minh bạch của nó. Mặc Lâm có cuộc trao đổi với bà Lê Thị Minh Hà, vợ của anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, đã có mặt bên trong tòa án trong phiên xử mà bà cho rằng vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong phiên xử này.

Mặc Lâm: Trước khi tòa sơ thẩm mở ra xét xử ông Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh bà được nghị sĩ Đức là ông Martin Patzelt hết lòng ủng hộ và bay từ Đức sang để mong tham dự phiên tòa. Bà có nghĩ rằng việc làm này của ông Martin Patzelt đã khiến cho Việt Nam cứng rắn hơn trong bản án đê chứng tỏ rằng họ độc lập và không chịu chi phối bởi thế lực nào hay không?

Bà Lê Thị Minh Hà: Tôi thì không nghĩ như vậy. Chuyện giảm án hay không giảm án hoàn toàn không phụ thuộc. Họ không vịn vào cơ sở luật pháp nào cả. Tôi cho rằng họ luôn luôn mong muốn một thỏa hiệp là anh ấy nhượng bộ, hoặc là anh ấy không nhượng bộ. Tức là việc mà cơ sở đưa ra bản án nó không căn cứ vào một cái gì hết, không chứng cứ, không một văn bản quy phạm pháp luật nào, không trên cơ sở hiến pháp. Rõ ràng rằng tất cả những hành xử ấy nó như là một nhà nước không có pháp quyền, thế thì mình làm sao hy vọng vào cái gì được?

Chính vì những suy nghĩ như thế, do một thông tin đến tôi mức án nặng hay nhẹ thì phụ thuộc vào thái độ của anh ấy. Tôi không hiểu nhà nước này có pháp quyền hay không? Chuyện vận động của tôi, tôi cho rằng ngay từ khi anh bị bắt tôi đã không trông chờ gì vào phiên xử cả, ngay cả khi bắt anh ấy thì họ đã vi phạm, nó chả có trên cơ sở nào, nó đã sai rồi.

Thế thì mình còn trông chờ gì vào phiên tòa nữa ạ? Tôi không trông chờ việc giải quyết bằng phiên tòa, còn chuyện người ta cứ phải đưa ra tòa đấy là để khẳng định vụ án có tiến triển mà thôi, chứ còn tôi không hy vọng và không trông chờ gì vào phiên tòa. Tôi cũng chẳng vì kết quả của phiên tòa mà ảnh hưởng đến suy nghĩ hay thay đổi của tôi hết.

An ninh bất thường

Mặc Lâm: Ngoại trừ những người được tòa sắp xếp, bà và mẹ của chị Minh Thúy là hai người được tham gia phiên tòa, xin cho biết nhận xét của bà về diễn tiến phiên tòa ra sao?

Bà Lê Thị Minh Hà: Có mấy vấn đề như thế này: Cảm giác đầu tiên mà khi tôi vào, một điều tôi rất ngạc nhiên không thể ngờ là tại sao phải cẩn mật, canh phòng đến mức độ như thế? Cái cảm giác như có một cuộc “đảo chính” sắp xảy ra. Cảm giác là tại sao “xử kín” mà lại huy động nhiều lực lượng đến độ như thế? Tất cả tại tầng một, hôm đó phiên tòa chỉ có duy nhất một phiên này và dừng tất cả những phiên tòa hình sự khác. Thứ hai nữa là tầng một đi vào đầy dẫy những thanh niên trẻ ăn mặc như côn đồ, xăm trổ, đeo dây chuyền vàng đủ thứ rất ghê.

Phải qua máy kiểm tra, thu giữ tất cả các loại như máy tính, điện thoại của tôi và các luật sư. Sau đó thì phải đi qua cái máy kiểm tra và đi lên tầng ba. Có một cái phòng khoảng 60 mét vuông thôi, cả ở trong và ngoài đều gần như là những người rất trẻ của bên công an, có thể bên Tòa án, Viện kiểm sát… là những người nhân viên nhưng mà tuổi còn trẻ.

Tôi nghĩ chắc là họ muốn nói cho mọi người biết “đây là một dạng tội phạm nguy hiểm” lại là “tội phạm công nghệ thông tin” cho nên rất khó cho việc xét xử, nên họ muốn qua phiên tòa đó để cho những người trẻ đó học tập, tôi cảm giác như thế.

Cái cảm giác lúc đầu tôi đã thấy không ổn. Người dân chỉ có duy nhất là tôi và mẹ của cô Nguyễn Thị Minh Thúy thôi, duy nhất có hai người dân, một vài nhà báo chắc là của báo “lề phải”, của đảng hoặc của nhà nước. Khi mà ông chủ tọa phiên tòa đọc lên vài lời, sau đó thì bên Viện kiểm sát, những người này nói bản cáo trạng này do Viện kiểm sát tối cao viết ra, nhưng mà ủy quyền cho Viện kiểm sát Hà Nội thực hiện.

Khi họ đọc lời truy tố thì tôi đã thấy là so với lực lượng luật sư hùng hậu có kinh nghiệm, và có tâm thì với một chủ tọa phiên tòa và hai vị bồi thẩm cùng hai người thuộc bên Viện kiểm sát của công tố viên thì thấy lực lượng quá chênh lệch.

Hơn nữa khi người ta đọc những danh từ riêng như Gmail thì họ đọc thành “Gờ Mai”, rồi không tranh tụng một cách sòng phẳng bởi vì họ không có khả năng để tranh tụng lại. Tôi đã thấy rất “đau khổ”.

Mặc Lâm: Về những nhân chứng, vật chứng mà tòa dùng để chống lại ông Ba Sàm theo bà có bình thường và hợp với thủ tục tố tụng hay không?

Bà Lê Thị Minh Hà: Đó là điều không bình thường. Toàn bộ tài liệu, tài liệu chứ không phải là “chứng cứ” nhé, tại vì chưa đủ cơ sở để coi là “chứng cứ”, và bản thân quy trình thu thập tài liệu đó không đúng quy trình pháp luật, cũng như không đúng cái thông tư thi hành về chứng cứ nhận tội thì bản thân nó đã không có giá trị trước tòa, nhưng lại được đưa vào bản án.

Trong khi đấy, khi mà đọc cáo trạng các tài liệu trong bản án không có một cáo trạng nào được đọc tại tòa, cũng như được mang ra kiểm chứng trước tòa, thì toàn bộ chứng cứ được đưa vào bản án đấy là không có giá trị pháp lý, thế mà họ vẫn có thể kết án được. Cái thứ hai nữa là cơ quan điều tra đã ba lần xác định trước tòa rằng trong kết luận điều tra, cơ quan điều tra nói rằng không có điều kiện để xác minh 24 bài viết trên, và các bị cáo không chịu khai báo, cho nên mặc nhiên là công nhận điều đấy và họ đưa vào cáo trạng để luận tội.

Rõ ràng, rất nhiều người trong số tác giả của 24 bài viết ấy đã làm đơn đề nghị ra tòa, được tham dự ở vị trí người liên quan và sẵn sàng làm người làm chứng rằng các bài viết đó là của họ. Họ có đầy đủ tài liệu để xác định bài viết đó là của họ, nhưng tòa án đã không trả lời cho họ và không cho họ được tham dự phiên tòa.

Mặc Lâm: Ngay sau khi phiên tòa kết thúc thì hầu như tất cả các nước có gửi đại diện sứ quán tham dự phiên tòa đều lên tiếng yêu cầu Việt Nam bãi bỏ bản án, ngay cả Ủy ban nhân quyền Liên Hiệp Quốc cũng lên tiếng về điều này. Bà nghĩ sao về việc này?

Bà Lê Thị Minh Hà: Cái bộ máy nhân sự mới thì tôi cho rằng họ rất là trẻ, và không biết là có yếu tố chính trị khác hay “yếu tố Trung Quốc” hay không, nhưng tôi nghĩ là họ cũng thừa hiểu quyết định phiên tòa này sẽ có rất nhiều ảnh hưởng đến quyền lợi của đất nước, ví dụ như kinh tế, chính trị, quân sự của quốc gia.

Nếu mà phiên tòa này họ tỏ ra là biết điều hoặc tỏ ra tôn trọng pháp luật hoặc tỏ ra là tôn trọng nhân quyền của người dân thì họ sẽ lường trước được là quyết định của phiên tòa sẽ ảnh hưởng đến chuyện chính sách của các nước lớn như Mỹ, Đức, Châu Âu hoặc là một số nước khác đối với chính sách của Việt Nam trong tương lai trong cái nhiệm kỳ mới của cái “chính phủ mới”. Thế nhưng, họ đã cương quyết không coi cái đấy là cái gì cả thì không còn gì nữa để bàn.

Mặc Lâm: Xin cám ơn bà Lê Thị Minh Hà đã giúp chúng tôi hoàn thành cuộc phỏng vấn này. - RFA

Sunday, March 27, 2016

Tin Cập Nhật Chủ Nhật 27/3

Tin Thế Giới

1.
Phe cánh hữu biểu tình ở Brussels trong lúc điều tra khủng bố tiếp tục --- Bỉ hoãn cuộc 'Tuần hành chống sợ hãi'

Cảnh sát chống bạo động Bỉ dùng vòi rồng giải tán những người biểu tình thuộc cánh cực hữu chống di dân đụng độ với những người tụ tập ở trung tâm Brussels tưởng nhớ các nạn nhân vụ tấn công khủng bố tệ hại nhất ở nước này hồi tuần trước.

Một nhóm những người biểu tình cánh hữu tràn vào quảng trường một lúc, hô khẩu hiệu theo kiểu cổ động trong trận đấu bóng đá, chào theo kiểu Đức Quốc xã, và dùng những ngôn từ nặng nề với những người tưởng nhớ các nạn nhân, trước khi cảnh sát chống bạo động đến nơi.

"Cuộc tuần hành chống sợ hãi" trước đó dự trù sẽ diễn ra hôm nay tại Brussels đã bị hoãn lại vì giới hữu trách lo ngại rằng việc công chúng tụ tập vào lúc này sẽ rút bớt các nguồn lực đang tập trung cho cuộc điều tra các vụ tấn công khủng bố hôm thứ Ba tuần trước.

Nhưng một nhóm người tưởng nhớ các nạn nhân vẫn tập trung tại một quảng trường ở trung tâm thành phố.

Thủ đô của Bỉ vẫn trong tình trạng không an tâm, trong lúc nhiều nghi can trong vụ tấn công khủng bố vẫn đào tẩu.  Nhưng hình như các nhà điều tra đã đạt được một số tiến bộ trong vụ này những ngày qua.

Hôm Chủ nhật cảnh sát Brussels tiến hành thêm 13 vụ lục soát chống khủng bố bên trong và quanh thủ đô Brussels, bắt giữ 9 người để thẩm vấn về những liên hệ với khủng bố. Công tố viên liên bang cho biết 5 người sau đó được thả ra.

Trong một diễn biến liên quan, cảnh sát Italia bắt giữ một nghi can người Algeria đã làm giả giấy tờ tùy thân được các nghi can tấn công khủng bố ở Brussels, và cả ở vác vụ tấn công khủng bố ở Paris hồi năm ngoái sử dụng.

Cảnh sát cho hay nghi can này tên là Djamal Eddine Ouali, bị bắt hôm thứ Bảy gần thị trấn Salerno. Các giới chức cho hay nghi can này có thể sắp bị dẫn độ sang Bỉ. - VOA

***
"Cuộc tuần hành chống sợ hãi" theo dự trù sẽ diễn ra hôm nay tại Brussels đã bị hoãn lại vì những lo ngại về an ninh. Giới hữu trách Bỉ nói rằng việc công chúng tụ tập vào lúc này sẽ rút bớt các nguồn lực đang tập trung cho cuộc điều tra các vụ tấn công hôm thứ Ba tuần trước tại phi trường và một ga xe điện ngầm ở Brussels. Ông Emmanuel Foulon, nhà tổ chức cuộc tuần hành nói: "An ninh cho người dân chắc chắn là ưu tiên hàng đầu."

Trong một diễn biến khác, Pháp tấn xã trích lời một giới chức Bỉ nói rằng tổng số nạn nhân thiệt mạng trong các vụ tấn công hôm thứ Ba vừa qua nay được xác định là 28 người, thay vì con số trước đó được công bố là 31 người trong đó có 3 kẻ đánh bom tự sát.

Các công tố viên Bỉ cũng vừa xác định danh tính và ra trát bắt một nghi can nữa trong các vụ tấn công.

Trong một thông báo hôm thứ Bảy, Văn phòng công tố liên bang nói đã ra lệnh bắt một người đàn ông có tên là Faycal C vì “dính líu tới một nhóm khủng bố, gây ra các vụ giết chóc khủng bố và âm mưu khủng bố và giết người”.

Thông cáo không xác nhận rằng Faycal C là nghi can khủng bố thứ ba tại phi trường Brussels.

Trong đoạn video do camera an ninh ghi lại, nhân vật này được trông thấy đi cùng hai nghi can khác sau đó đã tấn công tự sát.

Truyền thông Bỉ đưa tin rằng một người đàn ông tên là Faycal Cheffou bị nghi đã chạy khỏi phi trường ở Brussels.

Trước đó, các công tố viên Bỉ cho biết 3 người đã bị bắt giữ trong một vụ đột kích chống khủng bố ở Brussels.

Giới hữu trách nói rằng cuộc lục soát này được tiến hành sau khi một người Pháp bị bắt hôm thứ Năm ở Paris vì bị nghi đang lập kế hoạch cho một vụ tấn công mới.

Văn phòng công tố viên Bỉ cũng nói rằng các nhà điều tra dùng các xét nghiệm DNA để xác định Najim Laachraoui là một trong những kẻ nổ bom tự sát hôm thứ 3 tại phi trường Brussels.

Các giới chức nói phi trường này sẽ không mở cửa lại cho tới ít nhất là thứ Ba tuần sau.

Lacchraoui cũng dính líu tới vụ tấn công ngày 13 tháng 11 ở Paris giết chết 130 người. DNA của hung thủ này được tìm thấy trên một chiếc áo gắn bom tự sát và trên một mảnh vải được tìm thấy tại hí viện Bataclan, nơi 90 người bị giết hại.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm thứ Sáu có mặt tại Brussels để thảo luận với các nhà lãnh đạo Bỉ và Âu châu về những vụ tấn công.

Ông nói Hoa Kỳ và các nước trong liên minh chống khủng bố có một thông điệp cho những ai giết hại và gây thương tích cho thường dân vô tội là “Chúng tôi sẽ không chùn bước. Chúng tôi sẽ trở lại với quyết tâm mạnh mẽ hơn, với sức mạnh to lớn hơn, và chúng tôi sẽ không ngơi nghỉ cho tới khi nào chúng tôi quét sạch những niềm tin hư vô và sự hèn nhát của các người ra khỏi trái đất này.”

Một giới chức Mỹ mới đây đã xác nhận hai người Mỹ nằm trong số hơn 30 người thiệt mạng trong những vụ tấn công ở thủ đô nước Bỉ. - VOA
|
|

2.
Bôi đen cờ TQ ở Praha

Vụ bôi đen một loạt cờ Trung Quốc tại thủ đô CH Czech trước chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình đang gây tranh cãi trong chính giới nước chủ nhà.

Văn phòng Tổng thống CH Czech đổ trách nhiệm đạo đức về vụ việc cho thị trưởng khu Praha 6 và đảng TOP 09, thuộc về phái trung hữu.

Theo trang Prague Post bằng tiếng Anh thì trước chuyến thăm ngày thứ Hai 28/3 của lãnh đạo Trung Quốc, các lá cờ Trung Quốc treo cùng cờ Czech ở phố Evropska vào hôm thứ Sáu bị bôi đen.

Một người đàn ông 33 tuổi bị bắt trong vụ bôi cờ nhưng san đó được thả.

Phát ngôn viên từ Văn phòng Tổng thống Milos Zeman là ông Jiri Ovcacek đã nhắn trên Twitter và đổ trách nhiệm đạo đức và chính trị cho chính trị gia địa phương phụ trách khu Praha 6.

'Gieo gió thì gặt bão'

Nhưng đáp trả lại, thị trưởng quận Praha 6, ông Ondrej Kolar thuộc đảng trung hữu TOP 09 ví vụ treo cờ này như 'thời cộng sản, khi mà cờ Liên Xô bị chính quyền bắt treo ở nơi công cộng'.

Ông nói đảng của ông không khuyến khích ai vi phạm pháp luật cả nhưng chính quyền trung ương 'gieo gió thì gặt bão' khi đón khách Trung Quốc.

Điều đáng chú ý là các lá cờ TQ bị bôi bằng chất màu đen vẫn tiếp tục được treo trong mấy ngày cuối tuần mà không được thay.

Cảnh sát Praha nói họ vẫn để hiện trường như vậy để điều tra, theo Prague Post.

Được biết chính quyền của tổng thống Zeman mời chủ tịch Tập Cận Bình sang thăm để ký đối tác chiến lược, vào nước Trung Âu từng là cộng sản.

Một số nhóm vận động nhân quyền và ủng hộ người Tây Tạng cho hay họ sẽ chuẩn bị biểu tình phản đối chuyến thăm của ông Tập.

Kế hoạch của họ gồm cả phần trưng hình Đức Đạt lai Lạt ma trên phố Praha. - BBC
|
|

3.
Quân đội Miến Điện cam kết ủng hộ tiến trình dân chủ hóa

Tổng tư lệnh liên quân Miến Điện, tướng Min Aung Hlaing tuyên bố bảo vệ đất nước « trên con đường tiến đến dân chủ ». Lời cam kết của nhân vật đầy thế lực này được đưa ra trong bối cảnh một chính phủ dân sự, xuất phát từ quốc hội qua bầu cử tự do, trong đó có bà Aung San Suu Kyi, sắp nhậm chức.
Hôm nay (27/03/2016), ngày Quân lực của Miến Điện được tổ chức trọng thể tại thủ đô chính trị Naypyidaw. Theo AFP, tướng Min Aung Hlaing, tổng tư lệnh liên quân xác quyết quân đội sẽ ủng hộ tiến trình dân chủ hóa tại Miến Điện.

Ông nói: "Tôi long trọng tuyên bố rằng Tatmadaw (quân đội Miến Điện) sẽ hợp tác để đem lại phồn vinh cho đất nước và cho mọi công dân". Tướng Min Aung Hlaing nêu lên hai cản lực chính cho tiến trình dân chủ là sự "không thượng tôn pháp luật và phiến loạn vũ trang". Một khi dẹp được hai cản lực này, thì con đường dân chủ sẽ thênh thang, ông tuyên bố tiếp.

Vào thứ Tư 30/3 này, tân tổng thống Htin Kyaw và nội các dân sự, trong đó có bà Aung San Suu Kyi, sẽ tuyên thệ nhậm chức trong khuôn khổ tiến trình dân chủ. Trong cuộc diễn binh hôm nay, quân đội Miến Điện phô trương lực lượng và trang bị rất hùng hậu, chiến xa, tên lửa phòng không, trực thăng chiến đấu… theo mô tả của AFP. Bà Aung San Suu Kyi, mà thân phụ là người hùng sáng lập Tatmadaw không có mặt trên khán đài. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Ông Sanders thắng lớn ở Washington, Alaska, Hawaii

Thượng nghị sĩ bang Vermont Bernie Sanders giành thắng lợi áp đảo trong các cuộc họp bầu của Ðảng Dân chủ hôm thứ Bảy tại ba tiểu bang miền tây – Washington, Alaska và Hawaii – rút ngắn khoảng cách biệt với ứng cử viên Hillary Clinton, người đang dẫn đầu đảng này trong cuộc đua tranh chức tổng thống Mỹ.

Ông Sanders giành được 82% phiếu bầu tại bang Alaska và hơn 70% phiếu bầu tại hai bang Washington và Hawaii. Ðảng Dân chủ quy định phiếu đại biểu giành được theo tỉ lệ giành được phiếu bầu – có nghĩa là dù thua hôm thứ Bảy, bà Clinton vẫn giành được một số phiếu đại biểu theo tỉ lệ phiếu bà có được.

Trong cuộc vận động tại bang Wisconsin, ông Sanders nói: "Chúng tôi đã biết là sự ủng hộ sẽ tăng lên khi chúng tôi tiến về các bang miền tây."  

Bà Clinton chiếm ưu thế tại các bang miền nam trước đó trong cuộc đua giành quyền đề cử của đảng, nhưng ông Sanders đã thắng năm trong số sáu bang bầu cử gần đây nhất, và tất cả các bang đó ở miền tây.

Cho dù giành được những chiến thắng hôm thứ Bảy, ông Sanders vẫn kém bà Clinton gần 300 phiếu đại biểu, và ông đang tiếp tục đường đua khá cam go để thắng bà Clinton và giành quyền đề cử của Ðảng Dân chủ.

Ðảng Dân chủ sẽ có các cuộc bầu cử kế tiếp tại bang Wisconsin vào ngày 5 tháng 4, và tại bang dân số thấp Wyoming vào ngày 9 tháng 4.  Bà Clinton đang tập trung vào ngày 19 tháng 4 khi cử tri bang New York đi bầu, bang mà bà từng đại diện làm thượng nghị sĩ, nơi có 291 phiếu đại biểu.

Ông Trump nói chi tiết về chính sách đối ngoại

Người dẫn đầu bên Ðảng Cộng hòa, ông Donald Trump vạch ra quan điểm về chính sách đối ngoại của ông trong một cuộc phỏng vấn dài với báo New York Times.  Trong các cuộc nói chuyện qua điện thoại dài tổng cộng khoảng 100 phút, ông Trump đưa ra một hình ảnh rõ nét hơn về các chính sách và sáng kiến đối ngoại mà ông sẽ theo đuổi nếu ông trở thành tổng thống.

Ông Trump nói rằng ông sẽ dọa ngưng mua dầu hỏa của Ả Rập Xê-út và các đồng minh Ả Rập khác trừ phi họ cam kết đưa bộ binh vào chống Nhà nước Hồi giáo hoặc "hoàn trả đáng kể chi phí" mà Washington đã tiêu tốn để chống nhóm chủ chiến này. Ông cũng sẽ xem xét đến việc thương thảo lại nhiều hiệp ước cơ bản với các đồng minh của Mỹ, trong đó có hiệp ước an ninh với Nhật Bản, để làm cho các điều kiện có lợi hơn cho Hoa Kỳ.

Ông Trump nói có thể để cho Nhật Bản và Nam Triều Tiên tự tích lũy kho vũ khí hạt nhân của họ, và yêu cầu các nước này phải chi trả thích hợp hơn cho thỏa thuận mà Washington bảo đảm an ninh cho họ và đưa ra một sáng kiến khác thay thế cho NATO trong mục tiêu tập trung vào cuộc chiến chống khủng bố. Ông cũng nói rằng ông sẽ xem xét đến việc dùng thương mại để ngăn chặn Trung Quốc mở rộng tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.

Ông Trump không loại trừ khả năng theo dõi gián điệp các đồng minh của Mỹ, và ông chỉ trích thỏa thuận hạt nhân với Iran. Ông nói rằng đó là một chính sách sai lầm khi thỏa thuận này mở ra những khoản tiền lên đến 150 tỉ đôla cho Iran, mà không có một yêu cầu nào trong các lệnh chế tài cấm hầu hết doanh nghiệp Mỹ hợp đồng làm ăn với Tehran. - VOA
|
|

5.
Kiến nghị cho tự do mang súng đến đại hội toàn quốc của Ðảng Cộng hòa

Mỗi ứng cử viên tổng thống trong số ba đối thủ còn lại bên Ðảng Cộng hòa đều kêu gọi cho công chúng công khai mang vũ khí, và một kiến nghị trên mạng Internet thách thức các ứng cử viên này ủng hộ các chính sách đó và đề nghị cho phép mang vũ khí vào đại hội toàn quốc chọn đại điện ra tranh chức tổng thống của Ðảng Cộng hòa vào tháng 7.

Cả Thượng nghị sĩ bang Texas, ông Ted Cruz, và doanh gia Donald Trump đều chỉ trích luật gọi là "các khu vực cấm súng," nhất là tại các trường học.  Họ nói các chính sách này làm cho những nơi đó kém an toàn.

Ông Trump hồi tháng 12 nói rằng ông sẽ bỏ luật "khu vực cấm súng" ngay ngày đầu nhậm chức, còn ông Cruz nói với các phóng viên báo chí hồi tháng 12 rằng các khu vực đó chỉ tạo ra những nơi giúp cho kẻ âm mưu tấn công biết chắc rằng không ai ở đó có vũ khí.  

Thống đốc John Kasich của bang Ohio hồi năm ngoái đã bỏ luật khu vực cấm súng tại các cơ sở của Vệ binh Quốc gia trong tiểu bang của ông.

Hơn 30.000 người ký tên vào kiến nghị mang tên Change. org kêu gọi các ứng cử viên yêu cầu thao trường Cleveland hoãn chính sách khu vực cấm súng, vì Hiêp hội Súng Quốc gia lên án chính sách này, và vì chủ tịch Ủy ban Quốc gia của Ðảng Cộng hòa, ông Reince Preibus sẵn sàng đổi toàn bộ địa điểm tổ chức đại hội đảng toàn quốc nếu không cho phép mang súng.

Kiến ghị được lập ra bởi người có tên tài khoản là "N A."  Kiến nghị châm biếm ngôn từ được những người ủng hộ quyền sở hữu súng và các đảng viên Cộng hòa sử dụng.

Kiến nghị có đoạn: "Buộc người tham dự phải để vũ khí ở nhà, Ủy ban Quốc gia Ðảng Cộng hòa và thao trường Quiken Loans Arena đẩy hàng chục ngàn người vào rủi ro ở cả bên trong lẫn bên ngoài địa điểm."

Kiến nghị trích dẫn một đe dọa tấn công của Nhà nước Hồi giáo, và nói rằng không có súng trong tay, những người bên trong thao trường sẽ "hoàn toàn bất lực trước những kẻ hành động ác độc."

Kiến nghị cũng ám chỉ Tổng thống Barack Obama bằng việc nhấn mạnh tên lót của ông là Hussein được viết in đậm, châm chọc ngôn từ của những người không hài lòng với việc để cho ông làm tổng thống của họ suốt 7 năm qua.  

Một số lớn những người chia sẻ kiến nghị này trên mạng Twitter rõ ràng không thích những lý do bênh vực cho Tu chính án thứ hai về quyền sở hữu vũ khí, nhưng muốn gàn cho Ðảng Cộng hòa gắn bó lâu đời với vấn đề này.

Bất chấp có nhiều chữ ký đến bao nhiêu mà kiến nghị thu thập được, hoặc bất cứ sự ủng hộ thực sự nào đề nghị được mang súng tự do đến đại hội đảng, có rất ít khả năng thấy được người mang súng đến đại hội.

Đài truyền hình WEWS ở Cleveland hỏi Sở Mật vụ Mỹ, cơ quan chuyên lo bảo vệ an ninh cho hai địa điểm diễn ra đại hội toàn quốc của hai đảng, và câu trả lời cũng giống như ở cuộc tranh cử năm 2012 là cấm súng tại địa điểm đại hội của Ðảng Cộng hòa.  

Theo đài truyền hình này, Sở Mật vụ nói rằng quy định này cho phép họ "ngăn ngừa vũ khí đi vào các địa điểm mà những người họ có nhiệm vụ bảo vệ sẽ đến thăm." - VOA
|
|

Tin Việt Nam

6.
Thái Lan bắt 7 tàu đánh cá và 38 ngư dân Việt Nam

Truyền thông Thái Lan đưa tin, ngày 26/3/2016  Hải quân Vùng 2 của Thái Lan đã bắt giữ 7 tàu đánh cá Việt Nam cùng với 38 ngư dân, trong khi đang đánh bắt cá bất hợp pháp trong vùng biển Vịnh Thái Lan thuộc chủ quyền của nước này.

Theo đó, lực lượng Hải quân Thái Lan cho biết, khi phát hiện một số tàu cá nước ngoài đang tiến hành đánh cá trái phép trong khu vực khoảng 30 hải lý, phía đông bắc của đảo Kra, thuộc tỉnh Nakhon Si Thammarat – miền Nam, thuộc chủ quyền của Thái Lan, hải quân Thái đã cử hai tàu tuần tra cỡ lớn (có máy bay lên thẳng) là tàu Narathiwat và tàu KrongLuang của Hải quân vùng 2, tiến hành bắt giữ 7 tàu đánh cá Việt Nam với thủy thủ đoàn gồm 38 người, đang đánh bắt cá bất hợp pháp trong hải phận của nước họ. Sau đó đã đưa toàn bộ các tàu cá và ngư dân về Bộ chỉ huy Hải quân vùng 2, thuộc tỉnh Songkhla để xử lý theo pháp luật của Thái Lan.

Đài Á Châu Tự do đã liên lạc tới Bộ chỉ huy Hải quân vùng 2 Thái Lan, từ Songkhla, viên sĩ quan trực ban đề nghị không nêu danh tính cho biết:

“Toàn bộ các tàu cá và ngư dân đã được đưa vào bờ an toàn và được giao lại cho Cảnh sát tỉnh Songkhla để xử lý theo quy định pháp luật của Thái Lan. Qua điều tra ban đầu, được biết đây là 7 tàu cá của ngư dân Việt Nam thuộc các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang và Bến Tre đã xâm phạm hải phận Thái Lan để đánh bắt trái phép hải sản trong khu vực quản lý của lực lượng Hải quân vùng 2. Hành động này đã trái với Luật đánh bắt cá trong vùng biển của Thái ban hành năm 2482 và quy định về hoạt động ngư nghiệp năm 2558 (Phật lịch) của Vương Quốc Thái Lan. Ngay sau đó chúng tôi đã thông báo cho Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan biết về vụ việc này.” 

Chúng tôi đã liên lạc tới ông Trần Mạnh Hùng - Bí thư thứ nhất phụ trách bảo hộ công dân Việt Nam thuộc tòa Đại sứ Việt Nam tại Bangkok, Thái Lan và được ông cho biết:

“Vấn đề này chúng tôi đã nắm được và đang tích cực phối hợp để giải quyết, đồng thời sẽ đi thăm bà con ở dưới ấy. Nếu cần tìm hiểu thì đề nghị các anh gửi email trước cho chúng tôi, chứ nói qua điện thoại thì không tiện đâu.”

Theo báo chí Thái Lan, đây là lần bắt giữ ngư dân Việt Nam xâm phạm lãnh hải của Thái Lan để đánh bắt hải sản trái phép với số lượng người và phương tiện đánh cá lớn nhất từ trước đến nay. Từ đầu năm đến giờ, phía Thái Lan đã 16 lần bắt giữ tàu cá của Việt Nam, với tổng cộng 31 tàu đánh cá và 188 thuyền viên. Nói với báo chí, Thiếu tá Suwith Yalankar, phó tư lệnh Hải Quân vùng 2 Thái Lan cho biết: Hiện nay Hải quân Vùng 2 đã thành lập một đội tàu tuần tra với quy mô lớn, với các trang thiết bị tối tân kể cả máy bay trực thăng, có thể tiến hành bắt giữ tất cả các tàu đánh cá nước ngoài xâm phạm lãnh hải Thái Lan để đánh bắt cá trái phép. Theo ông, trong giai đoạn thời tiết thuận lợi, biển lặng như hiện nay, đã có rất nhiều thuyền đánh cá Việt Nam xâm phạm lãnh hải Thái để đánh bắt cá bất hợp pháp. Vì thế, Hải quân vùng 2 sẽ thường xuyên tổ chức tuần tra trên không và trên biển để bắt giữ và xử lý kịp thời.

Cần phải nhắc lại, ngày 17/9/2015, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã lên án hành vi đối xử vô nhân đạo của tàu tuần tra Hải quân Thái Lan đối với tàu cá Việt Nam. Trước đó, ngày 11/9/2016, hải quân Thái Lan đã nã súng vào tàu cá của ngư dân Việt Nam khiến 1 người thiệt mạng và 2 người bị thương. Đồng thời Bộ Ngoại giao Việt Nam yêu cầu nhà chức trách Thái Lan điều tra, xử lý nghiêm những người tấn công tàu cá Việt Nam. Tuy nhiên cho đến nay, phía Thái Lan vẫn chưa có thông tin về việc điều tra những cáo buộc này. - RFA