Wednesday, May 3, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Tư 3/5

Tin Thế Giới

1.
Ngũ Giác Đài chưa cho hải quân tuần tra gần đảo nhân tạo ở Biển Đông --- Thế chân vạc của Bắc Kinh ở Biển Đông: Hoàng Sa-Trường Sa-Scarborough

Kể từ năm ngoái, quân đội Mỹ chưa thông báo bất cứ cuộc tuần tra nào để đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông. Điều này báo hiệu sự thay đổi sau những lời lẽ đao to búa lớn trước đây của chính quyền ông Trump rằng sẽ kiềm chế tham vọng của Trung Quốc.

Ngũ Giác Đài đã nhiều lần bác đề nghị của Hải quân Mỹ thực hiện tuần tra bên trong phạm vi 12 hải lý cách các đảo nhân tạo và các thực thể do Trung Quốc kiểm soát, nơi nhiều nước khác, kể cả Việt Nam, tuyên bố chủ quyền, theo một phóng sự của New York Times hôm 3/5 và hãng tin Breibart hồi tháng 3.

Tin của New York Times cho hay, trong diễn biến gần đây nhất, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương cách đây khoảng 1 tháng rưỡi đã đề nghị điều tàu vào vùng 12 hải lý của Bãi Scarborough, cách bờ biển Philippines khoảng 195 km. Trung Quốc kiểm soát việc tiếp cận bãi này. Ngũ Giác Đài đã từ chối đề nghị đó.

Tổng thống Trump đã tỏ ý sẽ có cách tiếp cận mềm mỏng hơn với Trung Quốc với hy vọng nước này sẽ giúp ngăn chặn Bắc Triều Tiên phát triển chương trình vũ khí hạt nhân.

Ngoài ra, các chuyên gia nói với trang tin Breitbart hồi tháng 3 rằng việc thiếu một chính sách về châu Á và nhân sự chưa sắp xếp xong tại Ngũ Giác Đài có thể là lý do đằng sau tình trạng án binh bất động về các cuộc tuần tra vì tự do hàng hải.

Trong số 53 vị trí tại Ngũ Giác Đài do tổng thống bổ nhiệm, chỉ có chức Bộ trưởng Quốc phòng đã có người nắm giữ là ông Jim Mattis.

Mặc dù vậy, thời gian trôi qua đã đủ dài để xác định liệu sự thiếu vắng các cuộc tuần tra vì tự do hàng hải ở Biển Đông có phải là một phần trong lập trường mới của Tòa Bạch Ốc hay không.

Ông Euan Graham, giám đốc về an ninh quốc tế tại Viện Lowy, một tổ chức cố vấn ở Sydney, nói: “Tôi nghĩ chúng ta có thể kết luận rằng đây không chỉ là vấn đề quán tính … Điều này đang thể hiện tính đặc trưng của một chính sách có suy nghĩ”.

Khi còn tranh cử, ông Trump từng nói Trung Quốc xây đảo nhân tạo và quân sự hóa chúng vì Trung Quốc không tôn trọng nước Mỹ và tổng thống Mỹ.

Hồi tháng 1 năm nay, khi điều trần trước các nhà lập pháp để được chuẩn thuận chức ngoại trưởng Mỹ, ông Rex Tillerson báo hiệu Mỹ sẽ có chính sách cứng rắn hơn chính quyền của ông Obama đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, đến nay điều này chưa diễn ra.

Hải quân Mỹ vẫn thường xuyên tiến hành tuần tra vùng hải phận quốc tế trên Biển Đông. Khác với các cuộc tuần tra thông thường kiểu này, các cuộc tuần tra vì tự do hàng hải có mục đích thách thức những vi phạm các chuẩn mực quốc tế.

Tháng 10/2015, tàu USS Lassen đã tiến vào bên trong vùng 12 hải lý của Đá Subi bất chấp sự phản đối của Trung Quốc. Trước đây, Subi là một bãi chìm nhưng giờ ảnh vệ tinh cho thấy nơi này là một đảo nhân tạo do Trung Quốc xây, có diện tích xấp xỉ Trân Châu Cảng.

Hải quân Mỹ đã tiến hành thêm nhiều cuộc hành quân vì tự do hàng hải trong năm 2016. Cuộc cuối cùng là vào tháng 10, ngay trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. - VOA

***
Truyền thông trong thời gian gần đây rất chú ý đưa tin về việc Trung Quốc bồi đắp đảo nhân tạo, xây dựng công trình quân sự ở Biển Đông. Trong một bài viết trên trang web Mauldin Economics, chuyên gia phân tích địa chính trị nổi tiếng George Friedman, sáng lập viên hãng tham vấn Stratfor, đã tập trung xem xét các cơ sở quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông để đi đến kết luận rằng về căn bản thì đó hiện là những căn cứ mang tính chất phòng thủ, nhưng về lâu về dài, đó sẽ là bàn đạp để tấn công.

Bài viết có giá trị ở chỗ cung cấp cho độc giả một cái nhìn rõ rệt về trận đồ mà Trung Quốc đang bày ra ở Biển Đông trên những khu vực mà Bắc Kinh cho là của mình, bất chấp tuyên bố chủ quyền của các láng giềng, cũng như phán quyết của một tòa án quốc tế về tính chất không có cơ sở pháp lý của các yêu sách Trung Quốc.

Ghi nhận đầu tiên của Friedman là Trung Quốc không xây dựng bồi đắp tràn lan mà chủ yếu tập trung trên một số đảo đá, rạn san hô ở hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Tại đấy, Trung Quốc đã rầm rộ xây dựng, nào là bến cảng, phi đạo, nào là đài radar, hệ thống bắn tên lửa.

Tuy nhiên, đối với nhà phân tích, các cơ sở nói trên về bản chất chỉ mang tính chất phòng thủ, được Bắc Kinh dùng làm phương tiện để kéo dài tầm với của Trung Quốc ra thật xa bờ biển của họ.

Không phải tất cả các đảo đá đều được tôn tạo như nhau, và mỗi quần đảo đều nhằm phục vụ một ý đồ chiến lược riêng biệt. Chính trong bối cảnh đó mà Trung Quốc đã chú ý thêm đến bãi cạn Scarborough Shoal, hiện chưa được phát triển, nhưng đang là một điểm gây căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc. George Friedman đã nhắc lại rằng Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông dựa trên một tấm bản đồ 9 đường gián đoạn mà họ vẽ ra, đòi chủ quyền trên khoảng 90% vùng biển này, và vùng mà Trung Quốc cho là của họ, có chỗ cách bờ biển Trung Quốc đến 1.243 hải lý.

Trung Quốc đã lập luận rằng đường 9 đoạn đó đến từ các thỏa thuận lịch sử trước đây, điều mà tất cả các bên liên quan (ngoại trừ Trung Quốc) đều phủ nhận. Khi bị chất vấn, Bắc Kinh luôn mập mờ về các thỏa thuận đó.

Cơ sở của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa

Trung Quốc đã bồi đắp trên quy mô rộng lớn các đảo đá mà họ kiểm soát ở Trường Sa. Một báo cáo năm 2016 của Lầu Năm Góc cho thấy là đến cuối năm 2015, Trung Quốc đã bồi đắp xong khoảng 3.200 mẫu Anh (acre) đảo nhân tạo trong khu vực này, trước khi hứa hẹn là sẽ không bồi thêm nữa. Con số hàng ngàn mẫu Anh này đã vượt xa tổng cộng 50 mẫu Anh mà tất cả các bên tranh chấp còn lại đã bồi đắp trong cùng thời gian.

Trường Sa có rất nhiều bãi đá, nhưng Trung Quốc chỉ tập trung trên bảy địa điểm mà thôi.

Ba bãi lớn nhất - Đá Vành Khăn (Mischief), Đá Xu Bi (Subi) và Đá Chữ Thập (Fiery Cross) - giống nhau ở chỗ là cả 3 đều được trang bị các dàn phòng không cỡ lớn, và các hệ thống vũ khí đánh gần. Các thực thể này đều có bãi đáp trực thăng, phi đạo rất dài, và nhà chứa máy bay- có khả năng chứa đến 24 chiến đấu cơ và nhiều loại máy bay lớn hơn - kể cả các phi cơ lớn nhất của Trung Quốc hiện nay.

Đá Chữ Thập đã có hải cảng mà tàu lớn nhất của Trung Quốc có thể cập bến. Việc xây các cảng tương tự đang được tiến hành trên Đá Vành Khăn và Xu Bi. Trên ba thực thể này, người ta còn thấy bốn cấu trúc hình lục giác hướng ra phía biển. Hiện chưa rõ mục đích của các cấu trúc này là gì.

Riêng trên Đá Chữ Thập, có một lực lượng gồm 200 lính đồn trú, với các cơ sở giải trí và các tiền đồn cố định. Còn trên bốn đảo nhỏ hơn – Ga Ven (Gaven), Tư Nghĩa (Hughes), Gạc Ma (Johnson) và Châu Viên (Cuarteron) - đều có những cơ sở mà cơ quan Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á (AMTI), thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Tế và Chiến Lược CSIS của Mỹ cho là các đài radar hay bãi đáp trực thăng.

Một số cấu trúc khác như hải đăng, boong-ke, hoặc các bãi tiếp liệu nhỏ cũng được thấy trên các đảo nhỏ này, nhưng không phổ biến cho tất cả các đảo.

Quần đảo Hoàng Sa nhằm bảo vệ Hải Nam

Quần đảo Hoàng Sa là một tiền đồn phòng thủ khác của Trung Quốc, cách đảo Hải Nam khoảng 200 hải lý về phía đông nam. Hải Nam là nơi có một căn cứ tàu ngầm nguyên tử của Trung Quốc.

Trung Quốc hiện diện dưới nhiều hình thức khác nhau trên 8 đảo tại Hoàng Sa, với radar được bố trí trên ít nhất 6 đảo.

Đảo Phú Lâm (Woody) ở phía đông bắc Hoàng Sa, có lẽ là nơi có sự hiện diện quân sự đông đảo nhất của Trung Quốc ở Biển Đông. Bên cạnh một lực lượng quân sự gồm 1.400 người, đảo này còn có một phi đạo mà các loại chiến đấu cơ J-11 và oanh tạc cơ JH-7 có thể sử dụng, có các nhà chứa máy bay có thể dùng cho 20 phi cơ, bãi đáp trực thăng, cơ sở radar, và một dàn hỏa tiễn địa đối không HQ–9 (SAM), với tầm bắn 124 dặm. Cho dù vào giữa năm 2016, Bắc Kinh đã cho biết là các tên lửa này đã được gỡ đi, các hình ảnh vệ tinh mới đây cho thấy là các hỏa tiễn này vẫn còn ở đó.

Đảo Phú Lâm được chính thức chỉ định là thủ phủ của vùng biển đảo mà Trung Quốc đòi chủ quyền: Hoàng Sa, Trường Sa và cả vùng biển có bãi Scarborough.

Vào khoảng cuối năm 2016, Trung Quốc còn tìm cách bình thường hóa sự hiện diện của họ trên đảo Phú Lâm bằng cách cho mở các tuyến bay dân sự hàng ngày đến đây. Đưa thường dân đến đảo là cách khẳng định mạnh mẽ đòi hỏi chủ quyền. Việc làm gia tăng nguy cơ thường dân bị thương vong trong trường hợp đảo bị tấn công, quả là một chiêu có tính răn đe rõ rệt.

Các hòn đảo khác trong quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc chiếm đóng không có phi đạo, do đó có thể được coi là có chức năng yểm trợ cho đảo Phú Lâm. Một số công trình bồi đắp đã bắt đầu ở các đảo Bắc (North) và Trung (Middle) ở vùng Đông Hoàng Sa. Nhưng hiện chỉ có đảo Cây (Tree), nằm ngay phía đông bắc đảo Phú Lâm là có cơ sở quân sự, bao gồm radar và một số cấu trúc lục giác không rõ là gì, ngầm trong lòng đất.

Ở vùng Tây Hoàng Sa, các đảo Quang Ảnh (Money), Tri Tôn (Triton), Hoàng Sa (Pattle) và Quang Hòa (Duncan) đều có bãi đáp trực thăng và đài radar.

Scarborough: nguồn gốc tranh chấp Trung Quốc Philippines

Trên bãi Scarborough thì không có cơ sở quân sự gì của Trung Quốc, nhưng lại là điểm gây căng thẳng trong quan hệ Trung Quốc-Philippines.

Nhìn bản đồ thì có thể thấy rõ nguyên nhân: Scarborough nằm ở ngoài khơi bờ biển phía tây Philippines chỉ cách Manila 220 hải lý. Vào đầu tháng Ba, bãi này đã thu hút sự chú ý khi ông Tiêu Kiệt, thị trưởng Tam Sa, phụ trách quản lý vùng Biển Đông, loan báo ý định đặt một “trạm quan trắc môi trường” trên bãi Scarborough. Sự vụ đã làm người dân Philippines phẫn nộ, cho là bị Trung Quốc tấn công, và đòi tổng thống Duterte phải phản ứng.

Tuy nhiên, Duterte đã trả lời: “Muốn tôi làm gì? Tuyên chiến với Trung Quốc sao? Tôi không thể làm được. Chúng ta sẽ bị mất cả quân đội lẫn cảnh sát trong ngày một, ngày hai, và đất nước chúng ta sẽ bị hủy diệt”.

Một hôm sau, ngoại trưởng Trung Quốc cải chính, cho là Trung Quốc không có ý định xây dựng bất kỳ cái gì trên bãi Scarborough – kể cả cơ sở môi trường – và tuyên bố của thị trưởng Tam Sa đăng trên website của báo Hải Nam đã bị rút xuống. Và ông Duterte có dịp nói rằng ông không bao giờ tin là Trung Quốc sẽ xây dựng cơ sở trên bãi cạn này “vì tôn trọng tình hữu nghị với Philippines”.

Căn bản là phòng thủ, nhưng có thể chuyển thành tấn công

Qua các sự kiện được nêu bật, George Friedman kết luận: Trung Quốc đang tăng cường năng lực quân sự trên các đảo đá tranh chấp, nhưng các cơ sở chủ yếu là để phòng thủ.

Các tên lửa SAM Trung Quốc cài đặt trên các rạn san hô chủ yếu là các công cụ bảo vệ không phận, với một phạm vi giới hạn là 124 dặm, có nghĩa là để bắn hạ phi cơ địch bay đến. Những chiếc máy bay của Trung Quốc bị phát hiện trên các đảo ở Biển Đông cũng thuộc loại dùng để phòng thủ (như tiêm kích J-11, được sử dụng để duy trì ưu thế trên không phận các đảo).

Vị trí của các rạn san hô cũng có tính phòng vệ: Vị trí của quần đảo Hoàng Sa cho phép Trung Quốc ngăn chặn việc Đài Loan hoặc Philippine tiếp cận căn cứ tàu ngầm trên đảo Hải Nam.

Tuy nhiên, lực lượng quân sự Trung Quốc trên các rạn san hô này có thể chuyển từ phòng thủ sang tấn công. Sự hiện diện bất thường các máy bay ném bom JH-7, và việc xây dựng các bến cảng lớn có thể tiếp nhận các chiến hạm lớn nhất trong hạm đội Trung Quốc, cho thấy là Bắc Kinh cũng quan tâm đến việc chứng minh rằng, nếu bị khiêu khích, họ có thể thực hiện các cuộc tấn công trong tương lai từ các hòn đảo này.

Ngoài ra, nếu Scarborough Shoal trở thành một cơ sở quân sự khác của Trung Quốc, bãi này đủ gần Philippines để đặt ra một mối đe dọa tấn công, cho dù Bắc Kinh xem đó là một vị trí phòng thủ.

Vào lúc này, tương tự như mọi động thái khác của Trung Quốc ở Biển Đông, việc quân sự hóa các đảo chỉ là một kế nghi binh, nhằm cho thấy là Trung Quốc hùng mạnh và đáng sợ hơn là trong thực tế. - RFI
|
|

2.
Bom Mẹ của Mỹ ‘vô tác dụng’

Gần ba tuần sau khi Hoa Kỳ thả quả bom phi hạt nhân mạnh nhất xuống Đông Afghanistan, nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tiếp tục chứng tỏ khả năng hồi phục sức chiến đấu và cùng lúc, vẫn tiếp tục kênh phát thanh FM của họ trong khu vực.

Đầu tuần này, qua hãng tin Amaq của IS, nhóm Nhà Nước Hồi giáo tỉnh Khorasan (ISKP), chi nhánh IS hoạt động ở Afghanistan, Pakistan và Trung Á, rêu rao họ đã giành quyền kiểm soát một quận tại tỉnh Nangarhar từ tay của phe Taliban ở Afghanistan. Nangahar là địa điểm nơi Mỹ đã thả “Bom Mẹ của các loại bom”. Phát ngôn viên của chính quyền tỉnh, ông Ataullah Khogyani, xác nhận có một cuộc đụng độ giữa ISKP và quân Taliban.

Tuần trước, hai binh sĩ Mỹ tử trận trong một cuộc giao tranh dữ dội kéo dài 3 tiếng đồng hồ với lực lượng ISKP trong cùng khu vực. Lầu Năm Góc tin rằng Abdul Hasib, thủ lãnh của ISKP, bị giết cùng với 35 phần tử IS.

Chiến sự tại đây không có bất kỳ ảnh hưởng nào tới đài phát thanh Khilafat của ISKP, phát trên làn sóng FM, chương trình phát thanh của đài này vẫn được nghe trên khắp tỉnh Nangarhar, kể cả ở Jalalabad, thủ phủ tỉnh này.

IS đã sử dụng đài phát thanh này để phủ nhận tuyên bố của chính phủ Afghanistan rằng GBU-43, ‘Mẹ của tất cả các loại bom’, đã giết chết hơn 90 phần tử IS, trong số đó có 13 viên chỉ huy quân sự.

Người dân địa phương nói đài phát thanh này là một công cụ tuyên truyền hiệu quả của ISKP.

Kênh FM đã hoạt động hơn một năm rưỡi qua, bất chấp chính phủ Afghanistan và các lực lượng liên minh đã tìm cách phá, làm chương trình phát thanh phải ngưng hoạt động, đài này chỉ gặp những trở ngại không đáng kể.

Nhà nước Hồi giáo đã bén rễ tại tỉnh Nangarhar, đặc biệt ở huyện Achin và một số vùng lân cận, vào đầu năm 2015.

Gần đây, ISKP đã nhận trách nhiệm về một số cuộc tấn công quy mô ở thủ đô Kabul.

Lực lượng quân đội Afghanistan và NATO đã tăng cường các hoạt động chống nhóm ISKP, quyết đánh bại ISKP trong năm nay.

Tháng trước, các lực lượng Hoa Kỳ đã thả quả bom nặng khoảng 10 tấn xuống một hang động và hệ thống địa đạo ở huyện Achin. Phía Mỹ nói đây là loại vũ khí phù hợp cho tình huống này.

Việc sử dụng một vũ khí hạng nặng như vậy đã bị chỉ trích. Cựu Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai tố cáo Mỹ sử dụng Afghanistan làm nơi thử nghiệm vũ khí. Phe Taliban ở Afghanistan lên án Hoa Kỳ sử dụng loại vũ khí này trên lãnh thổ Afghanistan.

Các phóng viên ban tiếng Pashto và Dari của VOA tới khu vực bị ném bom tường thuật rằng họ chỉ thấy những thiệt hại không đáng kể: một vài ngôi nhà bằng đất bị phá hủy, nhưng hoa màu trong bán kính một dặm tính từ nơi trúng bom vẫn còn nguyên. Tại địa điểm bị ném bom có một hố lớn nhưng không sâu. Phóng viên không xác định được liệu cuộc tấn công có gây bất kỳ thiệt hại nào cho ISKP hay không.

Một số dân địa phương than phiền với phóng viên VOA rằng quả bom không có sức công phá như đã được tuyên truyền, và rằng họ muốn thấy ISKP bị tấn công bằng những quả bom lớn hơn. - VOA
|
|

3.
Trung Quốc ‘hoan nghênh’ tuyên bố ASEAN về Biển Đông

Ngày 2/5, Trung Quốc hoan nghênh lập trường mềm mỏng hơn của các quốc gia Đông Nam Á về khu vực tranh chấp Biển Đông tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN diễn ra vào cuối tuần qua. Bắc Kinh nói điều đó cho thấy là các nỗ lực nhằm giảm thiểu căng thẳng đã có hiệu quả.

Trong tuyên bố kết thúc hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại thủ đô Manila, Philippines năm nay, Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) không không hề đề cập đến “các hoạt động cải tạo đất đai và quân sự hóa”.

Hai vấn đề này đã được đề cập trong tuyên bố của ASEAN hồi năm ngoái, và trong một văn bản không được công bố năm trước đó mà Reuters đã được đọc hôm thứ Bảy,.

Hai nhà ngoại giao ASEAN cho Reuters biết, năm nay, Trung Quốc thúc ép Chủ tịch ASEAN, Philippines, gạt ra khỏi chương trình nghị sự chính thức các hoạt động gây tranh cãi của Trung Quốc trên tuyến hàng hải chiến lược trong khu vực.

Trung Quốc không phải là hội viên của ASEAN, nhưng rất nhạy cảm với nội dung bản tuyên bố hàng năm của khối.

Trung Quốc thường bị cáo buộc là gây áp lực để ảnh hưởng tới việc soạn thảo bản tuyên bố để dập tắt ngay những lời lẽ thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng không trả lời trực tiếp câu hỏi của báo chí rằng liệu Trung Quốc có gây sức ép trong việc soạn bản tuyên bố hay không.

Tại một cuộc họp báo thường nhật, ông Cảnh Sảng nói:

“Kể từ năm ngoái, với nỗ lực chung của Trung Quốc và các nước ASEAN, trong đó có Philippines, tình hình Biển Đông đã hạ nhiệt và tình hình đã lắng dịu. Tôi nghĩ điều này phù hợp với lợi ích của các nước trong khu vực”.

Bản tuyên bố với những lời lẽ nhẹ nhàng hơn được đưa ra khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tìm cách giảng hòa với Trung Quốc sau nhiều năm hai nước tranh cãi với nhau.

Sau khi ‘đi đêm’ với ông Duterte, Trung Quốc đồng ý cho ngư dân Philippine trở lại ngư trường phong phú hải sản ở bãi cạn Scarborough sau bốn năm phong tỏa nơi này. - VOA
|
|

4.
Gạt nhân quyền, Trump ‘ve vãn’ Đông Nam Á

Tổng thống Donald Trump đặt các lợi ích chiến lược lên trên vấn đề nhân quyền khi mời hai nhà lãnh đạo ở Đông Nam Á đang bị quốc tế lên án là Philippines và Thái Lan tới Tòa Bạch Ốc.

Tổng thống Rodrigo Duterte của Philippines dẫn đầu cuộc chiến đẫm máu chống ma túy gây tranh cãi và Thủ tướng Thái, Prayuth Chan-ocha, là người lên nắm quyền sau cuộc đảo chính 2014, củng cố sức mạnh quân sự và nhiều lần trì hoãn bầu cử.

Manila và Bangkok là đồng minh lâu năm của Mỹ và cả hai đều ‘xích mích’ với Washington vì những chỉ trích về hồ sơ nhân quyền.

Đông Nam Á từng thất vọng trước quyết định vội vàng của ông Trump rút Mỹ ra khỏi hiệp ước tự do thương mại TPP. Theo bài phân tích của AP, một phần lý do khiến ông Trump phải chú ý tới khu vực Châu Á xuất phát từ chương trình võ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên.

Đầu tuần này, phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc Sean Spicer bênh vực lời mời của ông Trump dành cho ông Duterte rằng Philippines có thể giúp cô lập Bắc Triều Tiên về mặt kinh tế và ngoại giao. Vẫn theo lời ông Spicer, “Sẽ sai lầm khi cho rằng Tổng thống Trump sẽ không nêu vấn đề nhân quyền [với Philippines.]”

Những cân nhắc của tân chính quyền Mỹ tại Đông Nam Á đang được mở rộng.

Phó Tổng thống Mike Pence tháng rồi thăm Indonesia và loan báo Tổng thống Trump cuối năm sẽ công du khu vực này. Ngoại trưởng Rex Tillerson tuần này chủ trì cuộc họp của Ngoại trưởng 10 nước Đông Nam Á. Trong một cuộc điện đàm cuối tuần rồi, ông Trump cũng đã mời Thủ tướng Singapore, Lý Hiển Long, tới Washington.

Bài nhận định trên AP nói các nước trong khu vực quan ngại về Trung Quốc hơn là Bắc Triều Tiên.

Dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, Mỹ cải thiện quan hệ với Miến Điện, Lào, Việt Nam. Ông Obama cũng phái tàu chiến tới hoạt động trong vùng và mở đường cho lực lượng Mỹ dùng các căn cứ Philippines.

Tuy nhiên, nỗ lực của ông Obama phần nào bị cản trở bởi các quan ngại về nhân quyền, đặc biệt ở Thái Lan và Philippines.

“Đây chắc chắn là nỗ lực của chính quyền Trump vực dậy các mối quan hệ này. Mỹ cần duy trì liên minh với các nước giúp tiếp tục hỗ trợ một trật tự dựa trên luật lệ và đẩy lùi sự ức hiếp từ Trung Quốc,” nhà phân tích Amy Searight thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược nói.

Mọi chuyện vẫn tiếp tục biến chuyển.

Cuối tuần qua, ba tàu hải quân Trung Quốc thăm hữu nghị Philippines.

Tại thượng đỉnh ASEAN, nước chủ tịch Philippines không hề chỉ trích các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Thái Lan, trung tâm quân sự Mỹ, tuần rồi loan báo kế hoạch mua tàu ngầm của Trung Quốc.

Tổng thống Trump, với kế hoạch thăm Manila mùa thu năm nay nhân thượng đỉnh khu vực, cũng đã ‘đổi giọng’ với Philippines khi ghi nhận chính phủ của ông Duterte đã ‘đấu tranh cật lực bài trừ ma túy’ trong cuộc điện đàm với ông Duterte hôm thứ bảy.

Chưa rõ kết cục mọi chuyện sẽ như thế nào, nhưng đôi khi những ‘lời lẽ ngọt ngào’ lại kém hiệu quả hơn những lời chỉ trích công khai. - VOA
|
|

5.
Ngày Tự do Báo chí Thế giới: Thách thức đối với nghề báo

Các hãng truyền thông công, tư và các hãng tin được chính phủ liên bang tài trợ nói báo chí đang đối mặt với nhiều thách thức, kể cả vấn nạn tin giả. Để đánh dấu Ngày Tự do Báo chí Thế giới, ngày 3/5, Hội đồng Quản trị Phát thanh và Truyền hình Hoa Kỳ (BBG) và Trường Truyền thông và Công vụ thuộc Đại học George Washington tổ chức một diễn đàn về tầm quan trọng của các nhà báo quốc tế Mỹ, bảo vệ tự do báo chí và an toàn cho các nhà báo. Phóng viên VOA Mariama Diallo VOA có thêm chi tiết sau đây.

Các diễn giả thảo luận về tình trạng ‘khát thông tin chính xác’ ngày càng tăng trong công chúng và nỗ lực của một số chính quyền hạn chế việc tiếp cận thông tin.

Ông Michael Oreskes – Phó Giám đốc cấp cao kiêm Tổng Biên tập đài NPR nói:

"Các chính quyền hạn chế thông tin thuộc đủ mọi đẳng cấp, từ các thể chế độc tài cho tới những chế độ mà chúng ta vẫn coi là dân chủ, nơi mà kiểm soát luồng thông tin đã trở thành một công cụ chính của chính phủ. Điều đó làm cho công việc nhà báo trở nên khó khăn và một số trường hợp, nguy hiểm."

Ông John Lansing, Giám Đốc điều hành Hội đồng Quản trị Phát thanh và Truyền hình Hoa Kỳ (BBG), nói ngày càng có hiện tượng "vũ khí hoá thông tin".

"Nhìn vào những gì đang xảy ra và những thông tin tung ra từ điện Kremlin, đây không chỉ là việc tung ra chuyện thất thiệt, mà đúng hơn là một chiến lược nhằm thuyết phục là không có gì có thể được coi là một sự thực mang tính thực nghiệm. Những sự thực đó đã bị các chế độ như thế thách thức, đó là điều cũng đang xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ."

Tuần trước, tổ chức Tổ chức Phóng viên không Biên giới (RSF) công bố phúc trình về tự do báo chí thế giới năm 2017, xếp hạng Nga thứ 148 trên 180 quốc gia được khảo sát. RSF nói từ năm 2012 cho đến nay, các hãng tin độc lập hàng đầu nước Nga hoặc đã bị chính phủ nắm trọn quyền kiểm soát hoặc bị ngăn chặn.

Thổ Nhĩ Kỳ sụt 4 bậc, xuống hạng 155 trong chỉ số tự do báo chí.

Theo Freedom House - một nhóm cổ vũ cho dân chủ, nói tự do báo chí trên toàn cầu đã sa sút xuống mức thấp nhất trong 13 năm qua. Một lý do là những mối đe dọa mới đối với các nhà báo và các cơ quan truyền thông ở các nền dân chủ hàng đầu.

Phóng viên Elise Labott của CNN nói:

"Chúng ta không chỉ vấp phải khó khăn trong việc đưa thế giới đến với Hoa Kỳ, mà ngày càng gặp khó khăn hơn trong việc đưa nước Mỹ đến với thế giới, vì chính môi trường ở đây, ngay ở nước Mỹ. Khó khăn không phải về mặt pháp lý hay về sự hiểm nguy, mà là lòng tôn trọng vẫn dành cho báo chí."

Tổng thống Donald Trump từng miêu tả truyền thông là "kẻ thù của nhân dân Mỹ". Ông tố cáo một số hãng tin Mỹ là loan truyền "tin giả ". Tổ chức Phóng viên Không Biên giới nói những luận điệu bài truyền thông của ông Trump khích lệ lãnh đạo các nước khác tăng cường ngược đãi giới truyền thông ở nước họ.

Đáp lại câu hỏi về liệu đài VOA có giữ được tính trung lập để không trở thành tiếng nói của chính quyền Tổng thống Trump? Giám Đốc Hội đồng Quản trị Phát thanh và Truyền hình Hoa Kỳ John Lansing nói mọi người cần hiểu rằng theo Hiến chương VOA, làm như vậy là bất hợp pháp. - VOA
|
|

6.
Pháp: Hai ứng cử viên tổng thống chuẩn bị tranh luận truyền hình

Vào tối nay, 03/05/2017, hai ứng cử viên tổng thống Pháp, ông Emmanuel Macron và bà Marine Le Pen, sẽ tranh luận trên đài truyền hình, một cuộc tranh luận có tính chất quyết định cho kết quả bầu cử vòng hai ngày 07/05 tới.

Qua cuộc tranh luận được hàng triệu khán giả theo dõi, hai ứng cử viên cố gắng thuyết phục những cử tri còn do dự hoặc những cử tri dự định không bỏ phiếu. Hiện giờ, theo các kết quả thăm dò mới nhất, ứng cử viên Macron vẫn được dự báo đắc cử tổng thống với 59 % hoặc 60% số phiếu, nhưng ứng cử viên cực hữu Le Pen đang thu ngắn khoảng cách với đối thủ cánh trung.

Tuy nhiên, theo kết quả một cuộc thăm dò được công bố hôm qua, tỷ lệ cử tri không đi bỏ phiếu ở vòng hai vẫn còn rất cao, trong khoảng từ 22 đến 28%. Rất nhiều người sợ rằng tỷ lệ không bỏ phiếu cao như vậy sẽ có lợi cho bà Marine Le Pen. Ngoài ra, trong số những cử tri chắc chắn hoặc gần như chắc chắc sẽ đi bầu, vẫn có đến 18% còn do dự, chưa biết sẽ bỏ phiếu cho ai.

Từ năm 1974 cho đến nay, cuộc tranh luận giữa hai ứng cử viên vào vòng hai bầu cử tổng thống Pháp vẫn là một trong những thời điểm mang tính chất quyết định, đây là lúc mà cử tri sẽ thấy rõ những nội dung của chương trình tranh cử cũng như cá tính của hai người có khả năng trở thành nguyên thủ quốc gia, cầm quyền trong 5 năm tới.

Trên đài truyền hình tối nay, ông Macron và bà Le Pen tranh luận với nhau về vị trí của nước Pháp trong Liên Hiệp Châu Âu và khu vực đồng euro, cũng như về các vấn đề an ninh, thị trường lao động và giáo dục.

Với một chương trình theo xu hướng xã hội - tự do và thân châu Âu, cựu bộ trưởng Kinh Tế Macron, lần đầu tiên ra tranh cử, hôm qua cho biết là ông sẽ tranh luận theo kiểu « cận chiến » với bà Le Pen, tức là tranh luận thẳng về những quan điểm, để chứng minh dự án của ứng cử viên của Mặt Trận Quốc Gia là rất « nguy hiểm » cho nước Pháp.

Về phần Marine Le Pen, ngay từ hôm qua trên mạng xã hội Twitter, bà đã đả kích ông Macron là « đối thủ của nhân dân » và là người kế thừa tổng thống mãn nhiệm François Hollande, mà hiện uy tín đã xuống rất thấp sau 5 năm cầm quyền.

Với xu hướng tự do về mặt kinh tế và xã hội, ông Macron thu hút chủ yếu là giới trẻ thành thị, tầng lớp trung lưu, và giới doanh nghiệp, trong khi bà Le Pen, với chủ trương chống châu Âu, chống « hệ thống » và chống nhập cư, lấy được cảm tình của nhiều cử tri thuộc thành phần bình dân, giới nông dân, những người thất nghiệp. - RFI
|
|

7.
Bắc Kinh siết chặt thông tin trên mạng trước Đại hội Đảng

Theo tin AFP hôm nay 03/05/2017, Trung Quốc đã ban hành quy định mới siết chặt thêm thông tin trên mạng, trong bối cảnh Đại hội Đảng sẽ diễn ra vào cuối năm nay.

Internet lâu nay vẫn bị Bắc Kinh kiểm soát chặt chẽ. Chính quyền cho chặn các mạng xã hội nước ngoài như Facebook và Twitter, kiểm duyệt tất cả các nội dung bị cho là nhạy cảm chính trị. Nhưng quy định mới do cơ quan kiểm soát không gian mạng Trung Quốc (ACC) ban hành, sẽ được áp dụng từ ngày 1/6, lại còn khắc nghiệt hơn.

Các trang mạng, ứng dụng điện thoại, diễn đàn thảo luận, blog, tiểu blog, truyền thông xã hội, dịch vụ tin nhắn, video phát trực tiếp và tất cả các tổ chức thông tin, từ nay phải xin phép trước khi phổ biến các nội dung liên quan đến chính phủ, quân đội, kinh tế, ngoại giao, các vấn đề xã hội.

Các nhà cung cấp phải « hướng dẫn đúng đắn dư luận xã hội », « phục vụ đường lối xã hội chủ nghĩa », trong khi vẫn« duy trì lợi ích của quốc gia dân tộc ». Tân Hoa Xã loan báo như trên, vào lúc chỉ còn vài tháng nữa là đến Đại hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc, sẽ giao phó cho chủ tịch Tập Cận Bình nắm quyền thêm một nhiệm kỳ nữa.

Các định chế không có tài trợ từ Nhà nước không được quyền thực hiện các phóng sự độc lập. Nhân viên những công ty dịch vụ trên mạng phải theo một khóa học và được Nhà nước đánh giá, công nhận chính thức ; còn các lãnh đạo cấp cao phải được chính quyền thông qua.

Bắc Kinh cũng cấm thành lập công ty liên doanh với đối tác nước ngoài, một khi chưa được chính quyền trung ương « đánh giá về an ninh » trước đó. Những đơn vị nào vi phạm sẽ bị phạt đến 30.000 nhân dân tệ (4.000 euro) và bị rút giấy phép. - RFI
|
|

8.
Anh sẽ không trả 'hóa đơn ly dị EU' 100 tỷ euro

Anh quốc sẽ không thanh toán "hóa đơn ly dị" 100 tỷ Euro để rời EU, Bộ trưởng Brexit của Anh David Davis tuyên bố.

Phát biểu trong chương trình Good Morning Britain của ITV, ông nói Anh quốc sẽ trả những gì họ cần trả theo quy định pháp lý chứ "không phải những gì mà EU muốn."

Lời phát biểu này được đưa ra sau khi tờ Financial Times đưa tin khoản tiền mà EU muốn Anh trả để ra khỏi EU đã tăng lên so với mức 60 tỷ Euro trước đây.

Ông Michel Barnier, trưởng đoàn đàm phán phía EU nói các tài khoản tiền phải được "thanh toán" và đây không phải là việc EU "trừng phạt" Anh quốc.

Khi công bố các nguyên tắc đàm phán Brexit, ông Barnier nói phía EU sẽ "nỗ lực hết sức" để đạt một thỏa thuận nhưng ông cũng cảnh báo rằng "đồng hồ đã bắt đầu tính giờ" và việc đàm phán phải bắt đầu sớm nhất khi có thể sau "mười tháng bất ổn".

Mặc dù phía EU sẽ tiếp cận quá trình đàm phán "một cách tỉnh táo và hướng tới việc tìm giải pháp", ông nói sẽ là ảo tưởng nếu cho rằng quá trình này sẽ được hoàn tất "nhanh chóng và dễ dàng" hay không có "tác động vật chất" tới cuộc sống của nhiều người.

Một nguồn tin của EU cho BBC biết giới chức Brussels sẽ không tham gia thảo luận về khoản tiền mà Anh quốc phải thanh toán, một trong những vấn đề có lẽ là nhạy cảm nhất và gây tranh cãi nhiều nhất trong quá trình thương thuyết Brexit.

Bộ trưởng Davis nói các cuộc đàm phán chưa thực sự bắt đầu nhưng phía Anh sẽ đưa ra một mức nhất định khi đàm phán về khoản thanh toán ly dị.

"Chúng tôi không phải là bên xin xỏ," ông nói. "Đây là một cuộc đàm phán. Họ đề nghị những gì họ muốn và chúng tôi đề nghị những gì chúng tôi muốn."

Ông nói đã có nhiều đồn đoán về khoản tiền mà Anh phải thanh toán, từ 50 đến 100 tỷ Euro, nhưng ông "chưa thấy con số nào" chính thức.

Khi được hỏi liệu con số 100 tỷ Euro có chấp nhận được không, ông đáp: "Chúng tôi sẽ không trả 100 tỷ Euro."

Ông nói thêm: "Chúng tôi sẽ đàm phán theo đúng cách. Chúng tôi sẽ hoàn thành trách nhiệm của mình một cách nghiêm túc. Điều mà chúng tôi cần làm là bàn bạc cụ thể những nghĩa vụ và quyền lợi của Anh quốc là gì.

"Chúng tôi đã nói chúng tôi sẽ hoàn thành nghĩa vụ quốc tế của mình, nhưng đó là nghĩa vụ gồm cả khoản có và khoản nợ và sẽ là nghĩa vụ đúng về luật pháp, không chỉ những nghĩa vụ mà Ủy ban Châu Âu muốn."

Sau đó ông cho BBC hay phải nhìn nhận con số 100 tỷ Euro một cách thận trọng và các cuộc đàm phán sẽ "không đến mức đó". Ông nói thêm khoản tiền thanh toán sẽ do hai bên thỏa thuận và ông không muốn Tòa án Công lý châu Âu phải tham gia.

Phía EU khăng khăng Anh quốc phải chấp nhận thanh toán các khoản phải trả vì Anh là thành viên của EU, trong đó có khoản đóng góp cho ngân sách EU.

Phía EU còn nêu rõ thỏa thuận về khoản tiền Anh phải trả sẽ là điều kiện tiên quyết trước khi họ bắt đầu đàm phán thương mại với Anh quốc. - BBC
|
|

9.
Đoàn xe Nato bị tấn công ở Afghanistan

Ít nhất 8 người chết trong một cuộc tấn công liều chết nhắm vào một đoàn xe làm nhiệm vụ cho Nato tại Afghanistan.

Tất cả nạn nhân là dân thường, một phát ngôn viên của chính phủ nói. Khoảng 25 người khác bị thương, trong đó có ba quân nhân Mỹ.

Cuộc tấn công vào đoàn xe quân sự đã xảy ra bên cạnh Sứ quán Hoa Kỳ vào giờ cao điểm lúc buổi sáng.

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) nói họ đứng sau vụ tấn công.

IS đã hoạt động ở Afghanistan từ năm 2015 và từng nhận trách nhiệm về một số cuộc tấn công tại đây.

Hai chiếc xe bị hư hỏng nặng, cùng với một vài chiếc xe khác đi ngang qua, theo hãng tin AFP.

Các xe bọc thép, được thiết kế để chống lại vụ nổ lớn, đã có thể quay lại căn cứ, Nato cho biết.

Được biết những người bị thương đang trong tình trạng ổn định với các vết thương không đe doạ đến tin mạng.

Vụ tấn công xảy ra ba tuần sau khi Mỹ thả "bom mẹ" vào một khu vực đường hầm được IS sử dụng ở Afghanistan mà tin cho hay là giết chết nhiều dân quân.

Trong khi đó, Hoa Kỳ đang thảo luận về việc có đưa thêm quân tới Afghanistan hay không. - BBC
|
|

10.
Đoàn TQ đuổi Đài Loan khỏi hội nghị ở Úc

Một hội nghị quốc tế chống buôn bán kim cương từ các vùng xung đột đã biến thành sân khấu cho đoàn Trung Quốc giành micro để to tiếng phản đối đoàn Đài Loan cho đến khi họ phải rời đi.

Hội nghị chống "kim cương dính máu" tại Perth, Australia bị ngưng lại khi đoàn của chính phủ Trung Quốc nhất quyết phản đối sự có mặt của một công ty kim cương Đài Loan.

Phía Trung Quốc lớn tiếng tỏ ý bất bình rằng có người Đài Loan cũng được mời đến sự kiện này.

Dù sự kiện "The Kimberley Process Intersessional Meeting" (01/05) do Bộ trưởng Ngoại giao Úc, bà Julie Bishop chủ trì, đoàn Trung Quốc vẫn không xuống thang.

Họ tức giận vì công ty "Rough Diamond Trading Entity of Chinese Taipei" được mời.

Dẹp luôn sự kiện

Theo sau đoàn Trung Quốc, các đoàn châu Phi cũng lên tiếng ủng hộ Bắc Kinh và làm cản trở cho một cuộc thảo luận tiếp theo trong ngày, khiến nước chủ nhà Australia quyết định dẹp bỏ luôn toàn bộ sự kiện.

Báo Sydney Morning Herald trích dẫn một đại biểu Úc nói, "Thật là chuyện bất thường, thiếu tôn trọng tối thiểu."

Năm nay đến lượt Úc làm chủ tịch của sự kiện "Kimberley Process", một diễn đàn của các chính phủ và ngành kinh doanh kim cương để ngăn chặn và chấm dứt khai thác kim cương từ các vùng xung đột bán ra thế giới.

Trung Quốc coi Đài Loan là một tỉnh của mình và chỉ đợi ngày thống nhất với 'đất mẹ'.

Đây không phải là lần đầu Trung Quốc tỏ thái độ với Đài Loan dù các tổ chức quốc tế đã chịu theo sức ép của Bắc Kinh và đa số chỉ gọi đoàn Đài Loan là "Trung Hoa Đài Bắc", tiếng Anh là "Chinese Taipei".

Tại sự kiện ở Perth, kết cục Úc đã lặng lẽ đẩy phái đoàn Đài Loan rời hội nghị tuy rằng Bộ Thương mại và Ngoại giao vụ của Úc (DFAT) nói họ đã nêu vấn đề với Sứ quán Trung Quốc, theo tờ Sydney Morning Herald.

Một số báo Anh hôm 03/05 chạy tựa nói rằng: 'Trung Quốc la ó đạp Đài Loan (kick out) ra cửa'.

Trung Quốc nổi lên là quốc gia nhập kim cương trong những năm qua, với trị giá nhập khẩu kim cương đã chế biến khoảng từ 6,4 đến 6,7 tỷ USD, trong giai đoạn 2015-16.

Thượng Hải là trung tâm nhập và bán sản phẩm kim cương của Trung Quốc với Shanghai Diamond Exchange (SDE) là cơ quan duy nhất được Quốc vụ viện Trung Quốc cho phép kinh doanh kim cương ở tầm quốc gia. - BBC
|
|

11.
Trump và Putin thống nhất ngừng bắn ở Syria

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đạt thỏa thuận ngừng bắn để tạm dừng cuộc chiến tại Syria.

Hai nhà lãnh đạo đã có cuộc điện đàm lần đầu tiên kể từ khi Hoa Kỳ tiến hành cuộc oanh kích ở Syria gần một tháng trước, căng thẳng hóa quan hệ.

Thông cáo từ Nhà Trắng và Điện Kremlin cho thấy đó là một cuộc điện đàm có kết quả.

Những vấn đề khác được thảo luận bao gồm Bắc Hàn và thời điểm cho buổi gặp mặt trực tiếp.

Ông Trump ra lệnh cho cuộc oanh kích sau vụ tấn công hóa học mà Mỹ quy trách nhiệm cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad, đồng minh của Nga. Phía Nga thì đổ lỗi cho quân phiến loạn Syria về việc sử dụng khí gas thần kinh bị cấm.

Một thông cáo từ Nhà Trắng nói "Tổng thống Trump và Tổng thống Putin thống nhất rằng nỗi đau và mất mát tại Syria đã kéo dài trong một thời gian quá dài và các bên phải làm tất cả có thể để kết thúc tình trạng bạo lực."

"Cuộc điện đàm diễn ra thành công, gồm nhiều thảo luận về các khu vực an toàn hoặc giảm căng thẳng để đạt được hòa bình vĩnh viễn sự nhân đạo và nhiều lý do khác."

Thông cáo từ Điện Kremlin nói rằng hai vị lãnh đạo đã thống nhất tìm biện pháp giữ vững tình trạng ngừng bắn.

"Mục tiêu là tạo ra các điều kiện phù hợp cho một quá trình hòa giải thực sự tại Syria," tờ thông cáo ghi thêm.

Nhà Trắng cũng nói là ông Trump và ông Putin cũng trao đổi "cách tốt nhất để giải quyết tình thế vô cùng nguy hiểm tại Bắc Hàn."

Kremlin nói: "Tình thế nguy hiểm tại bán đảo Triều Tiên đã được thảo luận chi tiết. Vladimir Putin kêu gọi việc kiềm chế và mong muốn mức độ căng thẳng suy giảm."

Cả hai cũng thảo luận về cuộc gặp mặt trực tiếp lần đầu tiên kể từ khi ông Trump nhậm chức bên thềm hội nghị G20 tại Hamburg đầu tháng bảy, Kremlin cho biết. - BBC
|
|

Tin Hoa Kỳ

12.
Hillary Clinton lên tiếng về nguyên nhân thất cử

Sau gần 6 tháng im lặng, hôm qua, 02/05/2017, cựu ứng viên tổng thống Mỹ, Hillary Clinton lần đầu tiên lên tiếng về nguyên nhân thất bại của bà trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ. Bà Clinton khẳng định, trong những tuần cuối chiến dịch tranh cử, nếu không có sự can thiệp của Wikileaks, Nga và của ông James Comey, giám đốc FBI, thì bà đã trở thành tổng thống Mỹ.

Trả lời phỏng vấn nhân một sự kiện của một tổ chức phi chính phủ vì quyền phụ nữ, bà Hillary Clinton nói, khi đó « tôi đang trên con đường chiến thắng, cho đến khi xuất hiện bức thư của James Comey hôm 28/10 và rồi Wikileaks, Nga đã tạo ra sự ngờ vực trong đầu những người đang ủng hộ tôi ». Cựu ứng viên tổng thống Mỹ nói tiếp : « Nếu cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 27/10 thì tôi đã là tổng thống rồi ».

Ngày 28/10/ 2016, giám đốc FBI, James Comey, thông báo với Quốc Hội là các nhân viên điều tra của ông đã tìm được những thông tin mới để có thể mở lại điều tra về vụ thư điện tử cá nhân của cựu ngoại trưởng Mỹ. Tháng 7 trước đó, hồ sơ điều tra này đã được khép lại, vì không đủ chứng cớ. Tiếp đó đến ngày 8/11, tức chỉ còn 2 ngày trước bầu cử, ông Comey lại khép lại hồ sơ điều tra của vụ việc, khiến cử tri của bà Clinton lại càng hoài nghi thêm.

Bà Hillary tỏ cay đắng khi thấy bà chỉ thua bởi những sự kiện nổ ra trong 10 ngày cuối của chiến dịch tranh cử và bà tin chắc là « tổng thống Nga đã cố tìm cách can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ, rõ ràng là để hại tôi và hỗ trợ cho đối thủ của tôi ». Cuối cùng bà Hillary Clinton nói « tôi trở lại là một công dân tích cực», tham gia phong trào không chính thức những người phản kháng tổng thống Trump. - RFI
|
|

13.
Ứng viên đại sứ Mỹ tại TQ cam kết ‘cứng rắn’

Ứng cử viên được Tổng thống Donald Trump đề cử vào chức đại sứ Mỹ tại Trung Quốc ngày 2/5 cam kết sẽ ‘cứng rắn’ với Bắc Kinh trong các vấn đề từ Bắc Triều Tiên cho tới tranh cãi thương mại và nhân quyền.

Thống đốc bang Iowa, Terry Branstad, tuyên bố sẽ dùng mấy chục năm kinh nghiệm với Bắc Kinh để thúc đẩy Trung Quốc nỗ lực khuyến khích Bình Nhưỡng kìm chế tham vọng hạt nhân.

“Có những việc họ có thể làm về mặt ngoại giao và kinh tế để gửi tín hiệu rằng họ, cũng như Hoa Kỳ và các nước trên thế giới, không dung chấp việc khuyếch trương công nghệ hạt nhân và phi đạn,” ông Branstad phát biểu trong cuộc điều trần để được Quốc hội chuẩn thuận đề cử.

Vẫn theo lời ông, các biện pháp, như ban hành chế thứ cấp lên các ngân hàng Trung Quốc hoặc các tổ chức vi phạm nghị quyết Hội đồng Bảo an khi làm ăn với Bình Nhưỡng, có thể cũng đóng một vai trò. Tuy nhiên, ông không nói rõ chi tiết.

Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, gọi ông Branstad, 70 tuổi, là ‘người bạn cũ’ sau hàng chục năm làm việc về mậu dịch nông nghiệp. Thế nhưng, thống đốc Branstad nhấn mạnh ông sẽ tập trung tới các vấn đề làm phức tạp hóa quan hệ của Washington với Bắc Kinh.

“Chuyện lãnh đạo Trung Quốc gọi chúng tôi là ‘người bạn cũ’ không có nghĩa là tôi sẽ ngần ngại hay rụt rè không dám nêu lên các vấn đề cho dù là nhân quyền hay quyền sở hữu trí tuệ,” ông Branstad tuyên bố trước Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện.

Tổng thống Trump, người đề cử ông Branstad vào chức đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, đi theo phương thức ‘Nước Mỹ hàng đầu’ trong lĩnh vực thương mại.

Ông Branstad cũng đưa ra quan điểm cứng rắn về vấn đề Biển Đông rằng “Không thể để cho Trung Quốc dùng các đảo nhân tạo của họ cưỡng ép các nước láng giềng hay giới hạn quyền tự do hàng hải-hàng không.”

Các thành viên trong Ủy ban không ai bày tỏ quan ngại về việc đề cử ông Branstad, một tín hiệu cho thấy ông sẽ được Thượng viện chuẩn thuận dễ dàng. - VOA
|
|

14.
Mỹ điều tra phá giá tủ dụng cụ từ Việt Nam, Trung Quốc

Bộ Thương mại Mỹ hôm 2/5 cho biết họ có kế hoạch tiến hành điều tra về việc Việt Nam và Trung Quốc có thể bán phá giá cũng như trợ giá cho môt số loại tủ đựng dụng cụ xuất sang Mỹ.

Bộ nói quyết định này được đưa ra sau khi có khiếu nại của Công ty Waterloo Industries Inc, một chi nhánh của hãng Fortune Brands and Home Security Inc.

Một tuyên bố của bộ cho biết trong năm 2016, Mỹ nhập khẩu các loại tủ dụng cụ từ Việt Nam với tổng giá trị là 77 triệu đôla, từ Trung Quốc là 990 triệu đôla.

Bộ Thương mại Mỹ nói Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ sẽ đưa ra quyết định vào ngày 26/5 về việc các hàng nhập khẩu này có gây thiệt hại hoặc có nguy cơ gây thiệt hại cho các nhà sản xuất Mỹ hay không, và nếu có, các cuộc điều tra sẽ tiếp tục.

Bộ nói họ dự kiến đưa ra quyết định sơ bộ về chống bán phá giá vào tháng 7, và đưa ra quyết định sơ bộ về chống trợ giá, hoặc đưa ra kết quả về việc trợ giá vào tháng 9.

Bộ cho biết có cáo buộc là biên độ phá giá các sản phẩm của Việt Nam ở mức 21,85%, của Trung Quốc lên đến 159,99%.

Các tủ dụng cụ thường có thân bằng carbon, hợp kim, và/hoặc thép không gỉ và có thể có ngăn kéo hoặc các phụ kiện khác bằng kim loại hoặc phi kim loại. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

15.
'Khó đoán kết quả bỏ phiếu ở Hội nghị Trung ương 5' --- Ông Đinh La Thăng ‘chưa phải là mục tiêu cuối cùng’?

Giới quan sát bình luận với BBC về những nội dung chính có thể xảy ra tại Hội nghị Trung ương 5, dự kiến diễn ra từ 5 đến 11/5 tại Hà Nội.

Thời gian trước, dư luận quan tâm việc Hội nghị lần này sẽ ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân hay là không.

Tuy vậy, hôm 27/4 tin loan ra gây rúng động khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật đối với Bí thư Thành ủy TPHCM, Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng.

Liệu ông Đinh La Thăng có nhận hình thức kỷ luật nào tại Hội nghị Trung ương 5 đang là câu hỏi được quan tâm nhất lúc này.

Nói với BBC, tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu độc lập ở Hà Nội, nhận định:

"Hội nghị Trung ương 5 không nhắm vào vấn đề nhân sự cấp cao, mà tập trung bàn về chính sách phát triển kinh tế xã hội cho khóa 12."

"Đã có báo cáo chính trị của Đại hội 12 đề ra chính sách. Hội nghị lần này sẽ bàn cách triển khai đường lối đó trên thực tế."

Ông Hà Hoàng Hợp nhìn nhận một nội dung khác "có thể bàn việc xem xét một số người trong diện Bộ Chính trị quản lý, trong đó có ông Đinh La Thăng".

Tuy vậy, ông Hợp bác bỏ tin đồn về chuyện 'phe cánh'.

"Đối với Đảng Cộng sản, khi xét những việc xảy ra trong một tổ chức, họ tập trung vào tổ chức ấy trước, rồi mới đến nhân sự."

"Lần này họ chọn điều tra tập đoàn dầu khí, có tên ông Thăng từng làm chủ tịch, nên họ buộc phải đụng đến trách nhiệm của ông ấy. Không phải là họ tập trung nhắm vào cá nhân ông ấy."

Trong khi đó, từ TP Hồ Chí Minh, blogger Nguyễn An Dân nói với BBC một số nội dung ông dự đoán được bàn tại Hội nghị Trung ương 5.

"Theo tôi họ sẽ bàn vấn đề sửa Luật Đất đai; xem xét đề xuất hình thức kỷ luật ông Đinh La Thăng; bàn về thảm họa Formosa và cuối cùng là chuẩn bị nhân sự trình Hội nghị Trung ương 6."

"Giả sử kỷ luật ông Thăng mà ông không còn trong Bộ Chính trị, họ phải nghĩ vấn đề nhân sự sau đó thế nào."

Ông An Dân đề ra khả năng TPHCM sẽ có Bí thư Thành ủy mới.

"Ai được làm Bí thư thì phải căn cứ đặc điểm Sài Gòn. Dù sao thành phố cũng có đặc điểm dân chủ kế thừa từ thời Việt Nam Cộng Hòa."

"Tư duy Đảng bộ Sài Gòn cũng tiến bộ hơn các địa phương khác."

Ông An Dân nói tiếp: "Bí thư Thành ủy phải mang tư duy đổi mới, nhưng không được làm 'vỡ bình'."

"Nhân sự sẽ được chọn theo hai tố chất đó, ví dụ ông Nguyễn Văn Bình hay Nguyễn Thiện Nhân."

Giải thích về quy chế kỷ luật có thể xảy ra tại Hội nghị Trung ương 5, tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cho biết.

"Theo thủ tục, đầu tiên Bộ Chính trị sẽ kiến nghị hình thức kỷ luật, sau đó Ban Chấp hành Trung ương bỏ phiếu kín để chọn hình thức kỷ luật."

"Nếu bỏ phiếu xảy ra tại hội nghị này, không ai dự báo được kết quả," ông Hợp nói. - BBC

***
Vụ xem xét kỷ luật ông Đinh La Thăng tiếp tục gây ra nhiều đồn đoán, giữa lúc có ý kiến nói rằng đảng cầm quyền ở Việt Nam đang “cố gắng thiết lập kỷ cương”, và rằng bí thư thành ủy Sài Gòn “chưa phải là mục tiêu cuối cùng”.

Những đồn thổi về số phận của người từng được báo chí Việt Nam mệnh danh là “Đinh tư lệnh” dâng lên khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đang chuẩn bị tổ chức hội nghị lần thứ 5, và theo giới quan sát, vụ ông Thăng có thể nằm trong nghị trình.

Trong khi đó, hai ngày qua, báo chí nhà nước đồng loạt đăng tải nhiều bài viết được cho là ám chỉ tới người từng tuyên bố muốn khôi phục TP HCM trở lại vị thế “hòn ngọc Viễn Đông” trước kia.

Có thể đọc thấy những hàng tít như, “xử lý nghiêm cán bộ sai phạm” hay “hy vọng người dám nghĩ, dám làm thì cũng dám nhận sai phạm”.

Cuối tháng trước, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng đề nghị kỷ luật ông Thăng vì liên quan tới các sai phạm trong khi lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Nhận định với VOA Việt ngữ, tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, một nhà quan sát chính trường Việt Nam, và đang làm việc tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, nói rằng “đây là một động thái cho thấy Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và đội ngũ của ông đang củng cố quyền lực bằng cách kiềm chế hay loại bỏ những nhân vật được cho là gần gũi với cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng”.

“Tuy nhiên, việc kỷ luật ông Đinh La Thăng, nếu diễn ra suôn sẻ như ý định của những người lãnh đạo Đảng, chắc chắn không chỉ là biểu hiện của việc đấu tranh phe phái đơn thuần”, chuyên gia này viết.

VOA Việt Ngữ không thể liên lạc được với ông Trọng để hỏi ý kiến của nhà lãnh đạo đảng cầm quyền ở Việt Nam về nhận xét của ông Hiệp.

Ông Hiệp trả lời qua email rằng “quan trọng hơn, ông Trọng và các cộng sự đang cố gắng thiết lập lại kỷ cương trong nội bộ Đảng Cộng sản cũng như toàn bộ xã hội” vì “thời gian qua đã có tình trạng các cán bộ của Đảng chạy theo quyền lực và các lợi ích vật chất, mạnh ai nấy làm, dẫn tới tình trạng theo cách nói của Đảng là tham nhũng, lợi ích nhóm, vi phạm điều lệ tổ chức, coi thường kỷ cương phép nước...”

Mới đây, báo chí trong nước đăng tải thông tin về 12 dự án “nghìn tỷ” bị thua lỗ, mà ông Hiệp cho là “gây bức xúc công luận”, “làm suy yếu uy tín, tính chính danh của Đảng Cộng sản, đe dọa tới khả năng cầm quyền của Đảng”.

Trong khi đó, tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore, cho VOA Việt Ngữ biết rằng “đây là chuyện kiểm tra, năm nào người ta cũng làm vài đợt, nhưng lần này đặc biệt là có đề nghị hình thức kỷ luật đối với một ủy viên Bộ Chính trị”.

Ông nói thêm rằng câu chuyện “đáng chú ý” này đang thu hút dư luận trong nước: “Một trong những mối quan tâm là người ta xem xem là đảng cầm quyền này xử lý các vấn đề làm không được việc, làm sai, làm hỏng hay phạm pháp như thế nào. Thứ hai, người ta cũng quan tâm xem sự đoàn kết nội bộ của chính quyền, đảng cầm quyền đang ở mức nào. Tiếp theo, người ta cũng quan tâm đến việc là nếu như có các động thái thay đổi, thì nó sẽ thay đổi theo hướng nào”.

Tiến sĩ Hợp nói rằng “hội nghị trung ương 5 họp mấy hôm nữa, người ta sẽ xem xét hình thức kỷ luật nào đấy, nhưng chưa biết hình thức kỷ luật sẽ là cái gì”.

Còn theo nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, “trước mắt, cần phải chờ xem liệu ông Trọng và đội ngũ của ông có thành công trong việc kỷ luật ông Thăng hay không, hay kịch bản kỷ luật ông Nguyễn Tấn Dũng hồi năm 2012 lại tái diễn”.

“Nếu lần này thành công, tôi nghĩ có thể ông Thăng chưa phải là mục tiêu cuối cùng. Việc cách các chức vụ trong quá khứ gần đây đã trở thành một tiền lệ trong Đảng Cộng sản, và không loại trừ khả năng hình thức này sẽ được áp dụng cho cả các nhân vật từng nằm trong "tứ trụ"', ông Hiệp nói thêm.

5 năm trước, Bộ Chính trị Việt Nam đã đề xuất xem xét kỷ luật đối với ông Dũng “vì các vụ bê bối tài chính và bất ổn kinh tế”, nhưng sau đó, quan chức này “không bị thi hành kỷ luật”.

Trang tin Zing News hôm 3/5 dẫn lời ông ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cho biết rằng trước ông Thăng, từng có 3 ủy viên Bộ Chính trị bị kiểm điểm, và thậm chí cách chức. - VOA
|
|

16.
‘Côn đồ’ đánh đập tàn nhẫn phụ nữ tham gia đấu tranh dân chủ --- Công an điều tra vụ đánh phụ nữ rồi tung clip lên mạng

Một phụ nữ tham gia đấu tranh dân chủ và hai người bạn bị một nhóm “côn đồ” hành hung dã man tại nhà rồi tung video clip lên mạng, làm dư luận phẫn nộ.

Bà Lê Mỹ Hạnh ở Hà Nội vào Sài Gòn để tham dự chuyến đi bộ xuyên Việt và ghé vào ở cùng một người bạn tại một chung cư nhỏ. Chiều ngày Thứ Bs 2/5/2017, bà và hai người bạn đã bị một nhóm người hành hung, đánh đấm, đạp, nắm tóc kèm theo những lời chửi bới.

Kèm theo câu hỏi “Phản động hả?” là cú đấm vào mặt người phụ nữ và tiếp theo là tiếng chửi gằn giọng của người đàn ông “Phản động!”

Clip hành hung bà Lê Mỹ Hạnh và các bạn của bà được tung ngay lên Youtube không bao lâu sau đó từ trang facebook Phan Hùng của một tên bặm trợn xâm trổ đầy người tên thật là Phan Sơn Hùng. Cộng đồng mạng sôi sục những lời bình luận, chỉ một ngày sau khi vụ hành hung xảy ra, đã có gần 265,000 người xem, chia sẻ.

Khi tung clip lên mạng, Phan Sơn Hùng còn kèm theo lời thách thức “Màn chào mừng thành viên cờ vàng 3 sọc đỏ Lê Mỹ Hạnh tại đất Sài Gòn! Còn thằng 3 que nào muốn xuyên tạc, kích động, lăng mạ lãnh tụ , bạo loạn lật đổ nữa thì cứ lên tiếng.”

Bà Lê Mỹ Hạnh đã tới Công an Quận 2 Sài Gòn để thông báo vụ hành hung và yêu cầu điều tra, truy tố nhóm côn đồ. Bà cũng đã từng bị hành hung ở Hà Nội thời gian gần đây.

Một số báo tại Việt Nam có loan tin này khi thấy cộng đồng mạng phản ứng vô cùng phẫn nộ. Các báo điện tử Vietnamnet và Infonet của Bộ Thông Tin và Truyền Thông CSVN đưa tin nói công an triệu tập một số người tới để điều tra .

Vietnamnet viết rằng “Hùng thừa nhận tham gia nhóm người hành hung bà H. và 2 người bạn, quay clip với mục đích để đưa lên mạng. Những đoạn clip mà Phan Hùng nói chuyện với cư dân mạng thì đều mang… màu sắc chính trị.”

Tuy nhiên, Vietnamnet thuật lời ông đại tá Nguyễn Sỷ Quang, phát ngôn của Công an Sài Gòn chối không có “màu sắc chính trị”. - nguoiviet

***
Cơ quan Công an Quận 2, thành phố Hồ Chí Minh đang điều tra làm rõ vụ việc một nhóm người hành hung phụ nữ trong một video clip được truyền đi trên mạng xã hội Facebook và một người tự nhận là nạn nhân trong cuộc đến khai báo với cơ quan này.

Mạng Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 3 tháng 5, dẫn lời trung tá Trần Văn Hiếu trưởng công an quận 2, nơi xảy ra vụ hành hung, cho biết như vừa nêu.

Cụ thể địa điểm nơi xảy ra vụ hành hung được khai báo nằm ở đường Trần Não, phường Bình An, thành phố Hồ Chí Minh.

Báo pháp luật chỉ nêu tên tắt của người bị hành hung là LMH, còn kẻ được cho là dẫn đầu nhóm người hành hung được nêu tên là Phan Hùng, và người này cho đăng video clip nói trên công khai trên facebook của mình.

Liên quan đến vụ hành hung này mà Báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh mô tả cụ thể là thủ phạm dùng nón và chân tấn công ba phụ nữ trong một căn phòng, vào ngày 3 tháng 5 trên mạng xuất hiện Tuyên bố phản đối việc đàn áp người dân lên tiếng ôn hòa, nhân vụ hành hung chị Lê Mỹ Hạnh’.

Tuyên bố do 20 tổ chức xã hội dân sự độc lập và 20 cá nhân ký tên đầu tiên; trong đó kêu gọi chính quyền Việt Nam phải có biện pháp xử lý thích hợp với trường hợp hành hung này.

Tuyên bố nêu rõ là nếu chính quyền không có hành động nào thích hợp thì các nhóm xã hội dân sự độc lập hoạt động bảo vệ nhân quyền Việt Nam sẽ ra lời kêu gọi biểu tình trên toàn quốc.

Tuyên bố nêu lại một số vụ việc công dân bị hành hung trong thời gian qua như hai người gồm Đỗ Thanh Vân và Nguyễn Viết Dũng hôm 14 tháng 3 sau khi đi tưởng niệm vụ Thảm sát Gạc Ma ở Hà Nội; vụ chị Nguyễn Hương khi đi làm từ thiện ở Dak Nong, Quảng Trị ngày 22 tháng tư; vụ anh Trương Văn Dũng hôm 30 tháng tư khi quay video người dân giương biểu ngữ phản đối Formosa; vụ anh Nguyễn Peng mới hôm 1 tháng 5 ở Sài Gòn. - RFA
|
|

17.
Kêu gọi trả tự do cho Nguyễn Văn Hóa

Nhân ngày Tự do báo chí quốc tế 3 tháng 5 năm nay, khoảng hơn 20 tổ chức nhân quyền và an ninh mạng quốc tế đã đồng loạt ký tên vào một bản kiến nghị thúc giục chính quyền Việt Nam phải trả tự do ngay lập tức cho anh Nguyễn Văn Hóa, một người đưa tin tự do trên mạng.

Nguyễn Văn Hóa, 22 tuổi, bị bắt vào ngày 11 tháng 1 năm nay với cáo buộc lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm các quyền và lợi ích của nhà nước theo điều 258 Bộ luật hình sự. Nguyễn Văn Hóa bị bắt sau khi đưa tin về thảm họa môi trường biển miền Trung do công ty Formosa gây ra và các cuộc biểu tình phản đối Formosa của người dân ở đây.

Anh Nguyễn Văn Hóa được cho biết sử dụng flycam để truyền tin trực tiếp về những vụ biểu tình ngoài cổng công ty Formosa ở tỉnh Hà Tĩnh vào hồi cuối tháng 12 năm ngoái.

Công an Việt Nam sau đó công bố một đoạn video cho thấy Hóa xin lỗi vì hành động đưa tin của mình. Theo bản kiến nghị hành động này từ phía chính quyền Việt Nam là nhằm mục đích khuyến cáo người dân không tham gia vào các hoạt động đưa tin ôn hòa.

Freedom House mới đây xếp Việt Nam vào vị trí 177 trong số 198 nước trong báo cáo về tự do báo chí toàn cầu công bố hôm 1 tháng 5. Tổ chức Phóng viên Không Biên giới hồi cuối tháng trước cũng xếp Việt Nam vào vị trí 175 trong số 180 nước tức là hoàn toàn không có tự do báo chí.

Trong một diễn tiến khác có liên quan, giới chức Việt Nam hôm nay 3 tháng 5 lên tiếng chỉ trích các hoạt động đưa tin và bình luận trên mạng internet vì cho rằng đây là những hành động bóp méo sự thật, bôi xấu người khác và kích động chia rẽ mối hận thù dân tộc.

Phát biểu tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước tháng 4 năm 2017 tại Hà Nội, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn nói rằng Việt Nam không sợ phải nói về vấn đề tự do nhân quyền, tự do ngôn luận. Nhưng ông nói tự do ngôn luận không có nghãi là tự do xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác, không có nghĩa là tự do xuyên tạc, bóp méo sự thật, tự do mạo danh người khác trên mạng xã hội.

Đề cập đến vấn đề xử lý các vi phạm liên quan tới các doanh nghiệp nước ngoài như Google, Facebook, ông Trương Minh Tuấn nói Việt Nam không cấm phát ngôn chính kiến trên Google, Facebook mà chỉ yêu cầu gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật, xuyên tạc, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức.

Hồi cuối tháng trước, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã có cuộc gặp với đại diện Facebook để nhờ can thiệp gỡ bỏ những video, tài khoản mang nội dung xấu, bôi nhọ Đảng và nhà nước. Theo báo chí nhà nước, Việt Nam đã yêu cầu Google gỡ bỏ hơn 2.000 video clip nói xấu lãnh đạo và đến giờ đã có hơn 1.000 clip được gỡ đi. - RFA

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9




No comments:

Post a Comment