Monday, May 8, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Hai 8/5

Tin Thế Giới

1.
Thế giới chúc mừng Tổng thống đắc cử Pháp --- Đồng euro ổn định sau kết quả bầu cử tại Pháp --- Chính phủ Macron sẽ bắt tay ngay vào 5 công trình trọng điểm

Lãnh đạo thế giới và các chính khách nặng ký khác đã gửi thông điệp chúc mừng Tổng thống-đắc cử Pháp Emmanuel Macron, về thành tích đánh bại bà Marine Le Pen.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump viết trên Twitter:

"Xin chúc mừng ông Emmanuel Macron về thắng lợi lớn của ông để trở thành Tổng thống kế tiếp của Pháp. Tôi mong đợi được làm việc với ông!"

Trước cuộc bầu cử Pháp, ông Trump không tuyên bố công khai là ủng hộ ứng cử viên nào, nhưng ông để lộ cho mọi người biết rằng nói chung, ông ủng hộ các quan điểm của bà Marine Le Pen.

Ứng cử viên tổng thống Hoa Kỳ Hillary Clinton, nhà lãnh đạo dân quyền Mỹ Jesse Jackson và Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio đã chúc mừng ông Macron và nhân dân Pháp về kết quả bầu cử.

Phát ngôn viên của Thủ tướng Đức Angela Merkel nói trong một thông cáo:

"Chiến thắng của ông là một chiến thắng cho một châu Âu mạnh mẽ và thống nhất, và cho tình hữu nghị Pháp-Đức.”

Nói chuyện với bà Merkel sau khi kết quả được công bố, ông Macron nói ông sẽ “sớm” sang thăm Berlin.

Một phát ngôn viên của Thủ tướng Anh Theresa May nói trong một tuyên bố:

"Xin chúc mừng Tổng thống đắc cử Macron về sự thành công của ông trong cuộc bầu cử. Pháp là một trong những đồng minh thân cận nhất của Anh và chúng tôi mong muốn làm việc với tân Tổng thống về một loạt các ưu tiên chung."

Phát ngôn viên của bà May cho biết thêm rằng bà cũng thảo luận với ông Macron về vấn đề Brexit, nói rằng "Anh muốn một mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với Liên hiệp Âu châu (EU), và một EU an toàn và thịnh vượng, một khi chúng tôi đã rút ra khỏi EU."

Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu cũng chúc mừng ông Macron. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker viết trên Twitter:

"Vui mừng vì người Pháp đã chọn một tương lai có châu Âu."

Chủ tịch Hội đồng EU Donald Tusk nói người Pháp đã chọn "tự do, bình đẳng, bác ái" và "nói không với sự khống chế của tin giả."

Trong một thông điệp tải lên trang mạng của điện Kremlin hôm thứ Hai, Tổng thống Nga Vladimir Putin chúc mừng ông Macron và kêu gọi ông hãy "vượt qua sự thiếu tin tưởng lẫn nhau và đoàn kết để đảm bảo ổn định và an ninh thế giới."

Ông Putin nói: "Các công dân Pháp đã tín nhiệm ông ra lãnh đạo đất nước trong một giai đoạn khó khăn cho châu Âu và cho xã hội toàn cầu. Mối đe dọa ngày càng tăng của chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan hiếu chiến đi kèm với sự leo thang trong các cuộc xung đột địa phương cũng như sự bất ổn của toàn thể nhiều khu vực."

Điện Kremlin cho hay ông Putin có trao đổi với ông Macron, nói rằng nhà lãnh đạo Nga sẵn sàng hợp tác về các vấn đề song phương, khu vực và toàn cầu.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói:

"Chiến thắng của Tổng thống-đắc cử Macron là một chiến thắng mang tính biểu tượng chống lại lập trường hướng nội và chủ nghĩa bảo hộ, thể hiện sự tin tưởng vào EU".

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói trong thông điệp chúc mừng ông Macron rằng Trung Quốc sẵn sàng đẩy quan hệ đối tác với Pháp lên tầm cao mới. Ông Tập nói hai nước đều chia sẻ "trách nhiệm đối với hòa bình và phát triển trên thế giới."

Ông Tập nhắc lại rằng Pháp là cường quốc phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc do Đảng Cộng sản lãnh đạo vào năm 1964.

Các nhà lãnh đạo thế giới khác, từ Canada sang châu Mỹ Latinh, tới Úc cũng đã chúc mừng chiến thắng lịch sử của ông Macron.

Ông Macron, nhà lãnh đạo trẻ tuổi nhất của nước Pháp kể từ Hoàng đế Napoleon, sẽ nhậm chức vào ngày 14/5/2017. - VOA

***
Đồng euro lên giá mức cao nhất trong 6 tháng so với USD trước khi hạ giá trong lúc thị trường phản ứng với chiến thắng của Emmanuel Macron trong cuộc bầu cử tổng thống ở Pháp.

Đã có lúc euro tăng lên mức $ 1.1024 trước khi quay lại mức $ 1.098.

Các nhà đầu tư trước đó đã rất mong đợi ông Macron, người ủng hộ EU đánh bại bà Marine Le Pen.

Ông đã đề xuất giảm thuế doanh nghiệp và thay đổi thị trường lao động, nhưng có những quan ngại về việc liệu ông có khả năng thực thi kế hoạch của mình hay không.

Là ứng viên tranh cử độc lập, ông Macron không có đại diện trong quốc hội.

Peter Hensman, chiến lược gia toàn cầu tại Newton Investment Management, cho biết: "Thách thức tới đây là ông Macron thiếu sự hậu thuẫn đáng kể trong quốc hội.

"Điều đó có nghĩa là các cuộc bầu cử nghị viện vào ngày 11 và 18 tháng Sáu sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với triển vọng tương lai của ông."

Sau chiến thắng của Macron, Thủ tướng Anh Theresa May đã gọi điện chúc mừng ông và họ đã thảo luận ngắn về Brexit.

Jean Pisani-Ferry, cố vấn kinh tế trưởng của ông Macron, nói với chương trình Today của BBC rằng tân tổng thống Pháp không quan tâm đến việc trừng phạt nước Anh và không muốn có Brexit một cách khắc nghiệt, nhưng ông nói ông sẽ "cứng rắn" trong các cuộc đàm phán. - BBC

***
Sau một chiến dịch vận động bầu cử căng thẳng, với chiến thắng vẻ vang vào tối hôm qua, ngay từ sáng nay, 08/05/2017, tổng thống tân cử Pháp Emmanuel Macron đã phải bắt tay vào việc thành lập một chính phủ chuyển tiếp trong khi chờ đợi bầu lại Quốc Hội vào tháng 6 tới đây. Dù chuyển tiếp, nhưng chính phủ này phải chuẩn bị thực hiện 5 trọng điểm từng được ứng viên Macron nêu bật.

Đó là 5 ưu tiên mà ông Macron cho biết sẽ làm ngay trong mùa hè này: Cải tổ Luật Lao Động, đạo đức hóa đời sống chính trị, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tái định hướng châu Âu và cải cách nền giáo dục tiểu học.

Trước mắt, sáng nay, tổng thống Pháp tân cử Macron đã chính thức trình diện quốc dân khi cùng với tổng thống sắp mãn nhiệm François Hollande ra đặt hoa tưởng niệm trước mộ « Chiến Sĩ Vô Danh » ở Khải Hoàn Môn, Paris nhân ngày lễ Chiến Thắng 08/05.

Ngay từ hôm nay, ông Emmanuel Macron từ chức lãnh đạo phong trào Tiến Bước, vì trên nguyên tắc, tổng thống là người lãnh đạo tất cả người Pháp.

Sau đó ông phải bắt tay vào việc thành lập chính phủ đầu tiên của ông, có trách nhiệm tiếp nhận quyền hành từ tay chính phủ của thủ tướng Bernard Cazeneuve, xử lý công việc Nhà nước cho đến khi nước Pháp bầu ra được một Quốc Hội mới vào giữa tháng Sáu.

Trong suốt cuộc vận động tranh cử vòng 2 vừa qua, đối thủ của ông là bà Le Pen, cũng như giới báo chí đều thúc ép ông Macron tiết lộ tên người sẽ là thủ tướng đầu tiên của ông, nhưng những yêu cầu này đều bị từ chối.

Dẫu sao thì chính phủ mới của ông Macron sẽ phải được hình thành trước ngày 14/05, là ngày mà tổng thống François Hollande kết thúc nhiệm kỳ và bàn giao chức vụ lại cho tổng thống tân cử. Chính phủ này sẽ điều hành công việc cho đến khi người Pháp bầu xong Quốc Hội mới, với một chính phủ mới được hình thành. - RFI
|
|

2.
'Một Vành đai, một con Đường' và Afghanistan

Trung Quốc đang tìm cách mở rộng Sáng kiến “Một Vành đai, một con Đường” (BRI) để bao gồm Afghanistan, khiến các nhà phân tích tự hỏi liệu Bắc Kinh đang cố gắng đẩy mạnh vai trò của Trung Quốc ở Trung Đông, và tự đặt mình vào tâm điểm cuộc chiến chống khủng bố quốc tế hay không.

Chương trình kết nối của Trung Quốc bao gồm mở rộng hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC), một phần trong sáng kiến “Một vành đai, một con đường” (BRI), sang tới Afghanistan, rồi sau đó kéo rộng "vành đai" tới các nước láng giềng Afghanistan, như Tajikistan, Turkmenistan và Iran.

Kế hoạch bao gồm hai xa lộ, hai tuyến đường sắt và một đập thủy điện lớn trên sông Kunar. Với ý định xây một con đường nối liền thành phố Peshawar của Pakistan với thủ đô Kabul và vùng Kunduz ở Afghanistan, trước khi tiếp tục tiến vào Trung Á. Các tuyến đường sắt dự kiến sẽ chạy từ Landi-Kotal ở Pakistan tới thành phố Jalalabad của Afghanistan, và từ Chaman ở Pakistan tới Spin Buldak ở Afghanistan.

Ông Ahmad Bilal Khalil, một nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và khu vực cho biết, Trung Quốc cần tiến vào Afghanistan với các dự án kinh tế để đảm bảo tiến độ của dự án trị giá 50 tỷ USD đang được xúc tiến ở Pakistan, không bị cản trở.

Ông nói nếu Afghanistan tham gia hai dự án đường xa lộ, ảnh hưởng tích cực tới tình hình an ninh ở Afghanistan, thì giới đầu tư Pakistan và Trung Quốc sẽ đưa lợi ích kinh tế vào Afghanistan. Ông nói:

"Nếu Afghanistan không có an ninh, thì tình hình sẽ tác động tới hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC) và cả sáng kiến “Một Vành đai, một con Đường”.

Quyền lực trên thế giới

Các kế hoạch của Trung Quốc quả là hết sức tham vọng, động cơ đằng sau là chính sách đối ngoại Trung Quốc, cho rằng nước này phải được nghiêm túc công nhận là một cường quốc lớn. Đối với Trung Quốc điều quan trọng là chứng minh rằng họ có thể làm những gì mà Mỹ đã thất bại, không thực hiện được ở Trung Đông.

Nếu “Một Vành đai, một con Đường” chạy ngang qua Trung Đông, Afghanistan sẽ là khu vực mà Trung Quốc hy vọng sẽ “tạo ra sự khác biệt".

Ông David Kelly, người đứng đầu một công ty tư vấn tại Bắc Kinh có tên là ‘China Policy’ nói ông hy vọng đầu tư vào những kết nối như thế sẽ giúp xoa dịu căng thẳng ở Afghanistan, và giúp Trung Quốc đạt được điều mà người Mỹ, và trước đó Liên Xô, không làm được, là giảm bạo lực và xung đột giáo phái.

Nhưng các kế hoạch đó dễ nói hơn làm. Những vụ đụng độ tại biên giới Pakistan và Afghanistan đã giết chết hơn 50 người trong hai ngày qua. Uzbekistan phản đối kế hoạch mở rộng tuyến đường sắt và xa lộ kết nối với Trung Á, nói rằng khủng bố sẽ sử dụng chúng để mở rộng hoạt động.

Mối nguy khủng bố

Gạt sang một bên các cao vọng đó, trong thực tế có những mối nguy liên quan tới khủng bố mà Trung Quốc muốn giải quyết bằng cách đưa ra một hình ảnh về Trung Quốc như là ân nhân của Afghanistan. Thành phần đòi ly khai bằng bạo lực ở Tân Cương được biết là có những liên hệ xuyên biên giới với phe Taliban ở Pakistan và Afghanistan, cũng như với các nhóm Hồi giáo ở Trung Á.

Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều vào các mỏ đồng ở Afghanistan mặc dù kết quả không mấy đáng khích lệ, vì những thách thức về chính trị và cấu trúc hạ tầng.

Bắc Kinh muốn xây dựng những trục kết nối để có thể tiếp cận tài nguyên khoáng sản trong các vùng núi non. Theo ông M.K.Bhadrakumar, tác giả và cũng là một nhà ngoại giao Ấn Độ, mở rộng sáng kiến “Một Vành đai, một con Đường” tới Afghanistan sẽ tạo điều kiện khai thác khoáng sản để phục vụ nền kinh tế Trung Quốc, và tạo điều kiện thuận lợi để nước này xuất khẩu thặng dư công nghiệp sang Afghanistan.

Các nhà phân tích nói Trung Quốc đang vạch ra con đường cho công nghiệp xây dựng quy mô của họ nhằm chuẩn bị tham gia, một khi công cuộc tái thiết Afghanistan được xúc tiến. Tuy nhiên mục tiêu chính của Bắc Kinh là thúc đẩy các lợi ích chiến lược và an ninh của Trung Quốc, bên ngoài Pakistan.

Các nhà phân tích thuộc Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế ở Stockholm trong một phúc trình gần đây nói

“Quả vậy, sáng kiến “Một Vành đai, một con Đường” tương thích với các khái niệm an ninh ngày càng năng động của Trung Quốc, nhấn mạnh an ninh chung qua phát triển và hợp tác kinh tế.”

Nhưng đây không chỉ là một việc khó khăn.

Có một số rủi ro đi kèm với quan điểm của Trung Quốc về thế giới. Bắc Kinh tin rằng chủ nghĩa cực đoan tôn giáo có thể được thay thế bằng cách mang lại những lợi ích kinh tế. Nhưng chính sách này đã bị chứng minh là sai lầm trong quá khứ, theo ông David Kelly, người đứng đầu công ty tư vấn ‘China Policy’. - VOA
|
|

3.
Diễn tập quân sự Mỹ-Philippines thu gọn

Hoa Kỳ và Philippines đã bắt đầu một hình thức thu gọn của cuộc diễn tập quân sự hỗn hợp hàng năm, trong bối cảnh Tổng thống Rodrigo Duterte tuyên bố ông muốn tăng cường các quan hệ với Trung Quốc và Nga.

Cuộc diễn tập năm nay ở Philippines tập trung vào nỗ lực ứng phó với thảm hoạ và chiến đấu chống khủng bố.

Các hoạt động bảo vệ lãnh thổ sẽ không được tiến hành trong năm nay. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên hầu hết diện tích Biển Đông, mặc dù một số quốc gia khác, kể cả Philippines và Việt Nam, cũng tuyên bố chủ quyền trên vùng biển này. Ông Duterte đã có một lập trường mềm mỏng hơn so với Tổng thống tiền nhiệm về vụ tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.

So với năm ngoái, năm nay Mỹ và Philippines cử ít quân hơn tham gia các cuộc diễn tập chung. Năm ngoái có khoảng 11.500 binh sĩ tham gia. Nhà chức trách cho biết là có khoảng 5.400 binh sĩ dự cuộc diễn tập năm nay. - VOA
|
|

4.
Hàn Quốc bầu cử cho sự thay đổi

Nam Triều Tiên sẽ bầu cử tổng thống vào thứ Ba 9/5 sau một năm bất ổn chính trị với nhiều vụ bê bối, biểu tình, và luận tội khiến công chúng đòi phải minh bạch và thay đổi.

Ứng cử viên cấp tiến Moon Jae-in của Đảng Dân chủ Triều Tiên, người đang dẫn trước trong các cuộc thăm dò dư luận với tỉ lệ ủng hộ vượt hơn 40%, ráo riết vận động cử tri trong ngày thứ Hai.

Ông Moon phát biểu: “Không có sức mạnh đoàn kết của nhân dân, chính quyền mới sẽ gặp khó khăn ngay trong bước đầu tiên. Chúng ta phải vượt qua cuộc khủng hoảng này bằng sức mạnh đoàn kết.

Hai đối thủ theo sát ông Moon nhất là ứng cử viên Hong Joon-pyo của Đảng Tự do Triều Tiên và ứng cử viên Ahn Cheol-soo của Đảng Nhân dân, cũng là người theo quan điểm cấp tiến. Cả hai ứng cử viên này đều đạt mức ủng hộ gần 20% trong các cuộc thăm dò trong lúc các ứng cử viên còn lại đạt dưới 10% mức ủng hộ.

Ông Hong trong cuộc vận động cuối hôm thứ Hai đã kêu gọi cử tri đoàn kết với ông để bảo vệ thị trường tự do và tăng cường các chính sách quốc phòng đã có trong tám năm qua.

Ông Hong phát biểu: “Tôi tranh cử để ngăn chặn cánh tả lên nắm quyền, và tôi hành động để bảo vệ một nước Cộng hòa Triều Tiên tự do. Chúng tôi sẽ thắng. Sự thật sẽ thắng. Người dân của chúng tôi sẽ thắng. Công lý sẽ thắng những kẻ đảo đức giả. Cộng hòa Triều Tiên sẽ thắng.

Ảnh hưởng của vụ bê bối chính trị vẫn bao trùm

Hàn Quốc bầu cử sớm do tổng thống trước đó là bà Park Geun Hye của phe bảo thủ bị luận tội vì bị cáo buộc thông đồng với bạn của bà là bà Choi Soon-sil, ép buộc các tập đoàn doanh nghiệp đóng góp gần 65 triệu đôla vào hai quỹ tài chính mờ ám và dành những ưu đãi ngân sách và hợp đồng thầu cho các công ty của bà Choi và người thân của bà.

Những tuần lễ trước cuộc biểu quyết luận tội ở Quốc hội, nhiều cuộc biểu tình lớn, được gọi là Cuộc cách mạng Đèn nến, đã diễn ra trên cả nước đòi lật đổ bà Park và cải cách hệ thống chính trị mà trong đó các tập đoàn kinh tế có nhiều quyền lực có ảnh hưởng quá lớn đối với các nhà lãnh đạo dân cử.

Sau khi bị phế truất , bà Park đã bị bắt và đang bị truy tố tội hối lộ và các tội trạng khác liên quan đến vụ bê bối. Phó chủ tịch tập đoàn Samsung, ông Lee Jae-yong và chủ tịch tập đoàn Lotte, ông Shin Dong Bin cũng bị truy tố liên quan đến tham nhũng và thông đồng.

Cải cách kinh tế

Ông Moon, một luật sư nhân quyền, hứa sẽ chấm dứt thông lệ lâu nay của các nhà lãnh đạo Hàn Quốc là bỏ qua những vi phạm của các công ty lớn. Ứng cử viên của Ðảng Dân chủ cũng nói rằng ông sẽ phá vỡ những mối quan hệ mờ ám thường thấy giữa các tập đoàn doanh nghiệp lớn với chính phủ tại nền kinh tế lớn thứ 11 trên thế giới này, và ông muốn mở thêm công việc làm trong các lãnh vực công và tăng thuế đánh vào giới giàu có.

Ông Ahn, đối thủ của ông Moon cũng theo quan điểm cấp tiến là một nhà doanh nghiệp trong ngành phần mềm điện toán. Ông Ahn nói rằng ông sẽ ủng hộ Ủy ban Thương mại Tự do (FTC) để chấm dứt sự lạm dụng của các tập đoàn kinh doanh. Nhưng ông cũng nói rằng chính phủ sẽ không can thiệp mạnh tay vào lãnh vực tư nhân, mà thay vào đó chính phủ sẽ tập trung vào việc tạo môi trường công bằng và thân thiện trong thị trường.

Ông Hong nói rằng “suy nghĩ chống lại doanh nghiệp sẽ không giúp thúc đẩy nền kinh tế.” Mặc dù ông hứa sẽ trừng phạt các doanh nghiệp làm sai, chẳng hạn như trốn thuế, ông Hong không ủng hộ việc gây khó khăn cho các hoạt động doanh nghiệp với những quy định, luật lệ không cần thiết sẽ hạn chế khả năng tạo ra công ăn việc làm.

Bắc Triều Tiên

Cuộc bầu cử này cũng sẽ là một cuộc trưng cầu dân ý về chính sách đối với Bắc Hàn.

Những người theo quan điểm bảo thủ muốn duy trì chính sách của bà Park ủng hộ đồng minh Mỹ và chính sách cứng rắn sử dụng các biện pháp trừng phạt mạnh và răn đe quân sự đế tăng áp lực lên chế độ của ông Kim Jong Un đòi họ phải giải trừ hạt nhân để đổi lại các bảo đảm về an ninh và kinh tế.

Hai ứng cử viên theo quan điểm cấp tiến muốn giảm bớt trừng phạt và tăng đối thoại. Ông Moon nói rằng ông sẽ theo đuổi các chính sách giao tiếp, chẳng hạn như mở lại hoạt động của khu công nghiệp liên doanh Kaesong với Bắc Triều Tiên. Liên doanh này đã bị ngưng hoạt động kể từ khi Bình Nhưỡng thử nghiệm hạt nhân lần thứ tư hồi năm ngoái.

Nhật báo Rodong của đảng cầm quyền ở Bắc Triều Tiên ủng hộ lối tiếp cận cấp tiến trong một bài bình luận số ra hôm thứ Hai, nói rằng “mâu thuẫn giữa hai miền Triều Tiên do những người bảo thủ Nam Triều Tiên cầm đầu phải nên chấm dứt, và một chương mới của thống nhất nên được mở ra trong sự hợp tác giữa hai nước.”

Những người bảo thủ duy trì quan điểm cho rằng trợ giúp và giao tiếp với Bắc Triều Tiên như trong các chính quyền cấp tiến trước đây từng làm đã không thuyết phục được Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân của họ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đòi Nam Triều Tiên phải trả một tỉ đôla cho chi phí triển khai hệ thống phòng thủ phi đạn THAAD trên Bán đảo Triều Tiên, và ông gọi hiệp ước thương mại tự do Mỹ-Hàn là một thỏa thuận “tồi” và cần được đàm phán lại. Điều đó cũng làm nản lòng các cử tri Hàn Quốc theo đường lối bảo thủ trong khi lại tạo thêm phấn khởi cho những người theo chủ trương cấp tiến mong muốn tổng thống kế tiếp của họ phải đứng lên đối phó với áp lực của Mỹ.

Tuy nhiên ông Moon nói rằng quan hệ đồng minh Mỹ-Hàn là thiết yếu cho an ninh quốc gia. - VOA
|
|

5.
Bom Thế chiến II buộc 50.000 người Đức di tản

Hơn 50.000 cư dân thành phố Hanover ở tây bắc nước Đức được yêu cầu rời khỏi nhà để các cơ quan chức năng chuẩn bị tiến hành một chiến dịch quy mô lớn để tháo gỡ bom để lại từ thời thế chiến thứ hai.

Các giới chức thành phố cho biết hai quả bom đã được tìm thấy tại một công trường xây dựng, và ba quả bom khác đã được phát hiện ở gần đó.

Hơn 70 năm sau khi chiến tranh kết thúc, nhiều quả bom chưa nổ thường xuyên được phát hiện ở nước Đức. Đây là di sản của các chiến dịch không kích dữ dội do lực lượng Đồng minh thực hiện, chống lại Đức quốc xã.

Phát thanh viên đài Deutsche Welle của Đức chỉ ra rằng chỉ riêng ngày 9/10/1943 có đến 261.000 quả bom được thả xuống thành phố Hanover, và nhiều quả bom trong số đó vẫn chưa nổ. Nhà chức trách lo ngại các quả bom này đang trở nên nguy hiểm hơn khi vật liệu tan rã với thời gian.

Vụ di tản lớn nhất diễn ra vào mùa Giáng sinh năm ngoái, khi 54.000 người phải ra khỏi nhà ở thành phố Augsburg phía nam nước Đức, để tháo gỡ một quả bom chưa nổ của Anh. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

6.
Điều trần tại Thượng viện về vai trò Nga trong bầu cử Mỹ

Hôm thứ Hai, một ủy ban Thượng viện Hoa Kỳ xem xét lại tầm mức của sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi năm ngoái.

Bà Sally Yates, người từng là quyền Bộ trưởng Tư pháp trong những ngày đầu của chính quyền Trump, sẽ ra điều trần trước tiểu ban Tư pháp Thượng viện Hoa Kỳ về Tội phạm và Khủng bố. Nội dung buổi điều trần xoay quanh những lời cảnh báo mà bà đưa ra với tân chính quyền Trump liên quan đến các cuộc trao đổi giữa cựu Cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn với đại sứ Nga Sergey Kislyak tại thủ đô Washington.

Tổng thống Donald Trump sa thải ông Flynn sau có 24 ngày từ khi xuất hiện bằng chứng cho thấy ông Flynn nói dối với Phó Tổng thống Mike Pence và những người khác về những cuộc trao đổi giữa ông với nhà ngoại giao Nga.

Bà Yates, người từng giữ chức Bộ trưởng Tư pháp dưới quyền cựu Tổng thống Barack Obama, bị ông Trump sa thải sau khi bà từ chối bảo vệ lệnh cấm nhập cư và du hành.

Ông James Clapper, Giám đốc tình báo quốc gia của chính quyền ông Obama, theo dự kiến cũng sẽ ra điều trần. Ông là người đóng vai trò thiết yếu dẫn đến kết luận của cộng đồng tình báo Hoa Kỳ rằng Nga muốn tìm cách tăng cơ may thắng cử cho ông Trump bằng cách tấn công máy tính của người đứng đầu chiến dịch tranh cử của đối thủ ông Trump, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton.

Tổng thống Trump tiếp tục gạt bỏ những cáo buộc cho rằng Moscow đã đóng một vai trò trong chiến thắng bất ngờ của ông Trump, đánh bại bà Clinton. Trong một bình luận trên trang Twitter, ông Trump mô tả cáo buộc vừa kể là một chuyện "giả mạo", được dùng như một "một cái cớ mà các đảng viên Dân chủ sử dụng để biện minh cho sự thất bại của họ trong cuộc bầu cử." - VOA
|
|

7.
Ông Obama nhận giải thưởng Gương Can đảm John F. Kennedy

Hôm Chủ Nhật, cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nói ông "đặt hết cả niềm hy vọng" vào các vị dân cử trong Quốc hội sẽ sẵn sàng "nhìn vào những sự việc xảy ra và nói sự thật, ngay cả khi sự thật này mâu thuẫn với lập trường của các đảng chính trị".

Tổng thống Mỹ gốc Phi đầu tiên đưa ra nhận xét vừa kể hôm Chủ nhật ở Boston, khi ông được trao Giải thưởng Gương Can đảm John F. Kennedy.

Ông Obama nhận giải thưởng chỉ vài ngày sau khi Hạ viện phê chuẩn một dự luật có thể thay thế Đạo luật Chăm sóc Y tế Giá Phải chăng, còn được gọi là Obamacare theo tên ông, thành tựu lập pháp mang đậm dấu ấn của ông.

Nhà cựu lãnh đạo Mỹ ca ngợi những nhà lập pháp của đảng Dân chủ, mà ông mô tả là "đã hành động với lòng dũng cảm" khi bỏ phiếu cho đạo luật Obamacare hồi năm 2010, nhiều người trong số này đã bị mất ghế trong Quốc hội trước sự chống đối mãnh liệt của đảng Cộng hòa.

Ông Obama nói:

"Tôi hy vọng rằng các thành viên đang phục vụ ở Quốc hội bây giờ nên nhớ rằng trên thực tế, không cần phải can đảm lắm để giúp những người đã nắm quyền hành trong tay, đã có vị thế vững vàng và nhiều ảnh hưởng. Ngược lại, bênh vực thành phần dễ bị tổn thương, những người ốm đau và yếu đuối, những người không tiếp cận được các hành lang quyền lực, mới đòi hỏi lòng can đảm."

Ông Obama không đề cập tới người kế nhiệm, Tổng thống Donald Trump, hoặc nêu ra bất kỳ mối liên quan trực tiếp nào tới nỗ lực của ông Trump nhằm hủy bỏ và thay thế Obamacare, ngoài việc nói rằng "cuộc tranh luận lớn vẫn chưa ngã ngũ.”

Giải thưởng này được đặt tên theo cuốn sách của ông John F. Kennedy, tổng thống thứ 35 của Hoa Kỳ, trong đó nêu gương của 8 thượng nghị sĩ Mỹ, những người đã mang cả sự nghiệp của mình của mình ra đánh cuộc, bằng cách bảo vệ các nguyên tắc đạo đức và theo đuổi những lập trường không được đa số ủng hộ.

Trong số những người được trao giải trước đây có hai cựu tổng thống, là Tổng thống George H.W. Bush và Tổng thống Gerald Ford, cựu Tổng Thư ký LHQ Kofi Annan và cựu Tổng thống Ukraina Viktor Yuschenko. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

8.
Nghệ An mở chiến dịch tấn công Linh Mục Đặng Hữu Nam

Hệ thống báo đài của nhà cầm quyền tỉnh Nghệ An đang mở chiến dịch tấn công kịch liệt Linh Mục Đặng Hữu Nam, người hướng dẫn các nạn nhân đi kiện Formosa đầu độc biển.

Linh Mục Đặng Hữu Nam, quản xứ Phú Yên, và linh mục Nguyễn Đình Thục, quản xứ Song Ngọc, của Giáo phận Vinh, là hai người hướng dẫn tinh thần cùng với các nạn nhân, phần lớn là người Công Giáo sống với nghề đi biển.

Hai vị linh mục và các ngư dân nhiều lần đi kiện nhà cầm quyền đòi bồi thường cho các thiệt hại mà họ phải chịu đựng vì nhà máy gang thép Formosa ở Vũng Áng xả chất thải độc hại ra biển.

Các lần mang đơn đi kiện của họ, từ Tháng Mười năm ngoái, hoặc bị chận lại hoặc tới được tòa án ở thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh, thì bị bác bỏ đơn kiện, lấy cớ họ không phải là các “đối tượng” được bồi thường dù trên thực tế họ cũng là nạn nhân. Bên trên sự thiệt hại đang phải chịu đựng, biển bị đầu độc còn di hại hàng nhiều thế hệ không biết bao giờ mới có thể hết độc hại.

Suốt từ đầu Tháng Năm đến nay, nhà cầm quyền tỉnh Nghệ An tổ chức nhiều cuộc biểu tình cho các đoàn thể “nhân dân” và cựu chiến binh ở huyện Quỳnh Lưu đấu tố Linh Mục Đặng Hữu Nam và đòi đưa ông ra tòa, lấy cớ ông đã “phỉ báng đảng nhân dịp ngày 30 Tháng Tư, 1975.”

Ngày 2 Tháng Năm, tỉnh Nghệ An cho Hội Cựu Chiến Binh của tỉnh ra bản tuyên bố đề nghị nhà cầm quyền “truy tố” Linh Mục Đặng Hữu Nam, lấy cớ ông đã “bịa đặt sai sự thật, thể hiện bản chất phản động, chống đối, chà đạp, phủ nhận thành quả cách mạng của đảng, của dân tộc và nhân dân ta.”

Những người này, theo báo Nghệ An, cáo buộc Linh Mục Đặng Hữu Nam rao giảng trong nhà thờ vào các ngày 29 và 30 Tháng Tư là “Sau sự kiện 1945 chính quyền cộng sản Việt Nam giành chính quyền tự do, danh dự và nhân phẩm con người; ngày 30 Tháng Tư là ngày tang thương của dân tộc, giáo xứ, sau biến cố năm 1954 và 1975 mà bà con trong giáo xứ phải chia cắt, người ra Bắc, kẻ vào Nam, kẻ sống người chết…”

Và “Ngày 30 Tháng Tư là ngày mà dân tộc Việt Nam mất đi tự do; ngày mà người dân Việt Nam không có quyền làm người; ngày đã làm cho đất nước tang thương; ngày đã đưa đất nước trở thành lạc hậu, nghèo đói; ngày mà Việt Nam mất đi cơ hội phát triển; ngày đã tạo nên những bất công trên mọi miền đất nước; ngày mà đánh dấu dân tộc Việt Nam chuẩn bị bước vào vòng nô lệ cho ngoại bang; 30 Tháng Tư là ngày đen tối nhất của dân tộc Việt Nam.”

Ngày 7 Tháng Năm, nhà cầm quyền lại cho hội cựu chiến binh huyện Quỳ Hợp tổ chức hội nghị đấu tố linh mục và cũng “kiến nghị đề xuất các cấp các ngành chức năng cần xử lý nghiêm” vị linh mục can đảm.

Cùng trong ngày này, nhà cầm quyền tổ chức một cuộc biểu tình tại sân vận động xã Quỳnh Nghĩa, cho người dân các xã vùng bãi ngang huyện Quỳnh Lưu, đấu tố linh mục “có hành vi phản bội xuyên tạc lịch sử.”

Ngày hôm trước, tức Thứ Bảy, 6 Tháng Năm, một cuộc đấu tố diễn ra tại xã Sơn Hải “bao gồm phụ nữ, cựu chiến binh, đoàn thanh niên, lao động, thuyền viên đi biển về nghỉ trăng” đấu tố Linh Mục Đặng Hữu Nam.

Báo của tỉnh Nghệ An nói rằng hai ngày trước đó, chủ tịch UBND tỉnh đã gửi một văn thư tới Giám Mục Nguyễn Thái Hợp, giám mục Giáo Phận Vinh, các linh mục đại diện giáo phận và linh mục quản hạt, thúc giục “xử lý, không bố trí Linh Mục Nam tiếp tục hoạt động mục vụ.”

Văn thư của ông chủ tịch cũng cáo buộc Linh Mục Nam “đã rao giảng nội dung xuyên tạc ý nghĩa lịch sử, phủ nhận vai trò và thành quả của cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đặc biệt là sự kiện 30 Tháng Tư, 1975 và vu khống chính phủ, các bộ, ban, ngành và các địa phương liên quan cố tình bao che cho Formosa…; tổ chức giáo dân tuần hành, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự, làm ảnh hưởng đến cuộc sống và sản xuất của nhân dân.”

Theo trang mạng thông tin Tin Mừng Cho Người Nghèo, “Hiện nay ở nhiều tuyến đường nối liền các xã trong huyện Quỳnh Lưu xuất hiện những biểu ngữ, tờ rơi mang những nội dung sai trái chống Linh Mục Đặng Hữu Nam” kể cả việc đòi “pháp luật xử lý.”

Các trường học cũng cho thầy giáo tuyên truyền trong lớp là “ngư dân đi kiện Formosa và biểu tình là sai pháp luật.” - nguoiviet
|
|

9.
Cá chết dày đặc đã hai tuần chính quyền chưa giải quyết

Cá chết bốc mùi hôi thối nồng nặc cả 2 cây số dọc khe Đá Mài từ cầu Xuân Nam trở ra sông Thu Bồn ở miền Trung.

Báo trong nước đưa tin ông Nguyễn Thanh Hải, trưởng thôn Xuân Nam, cho biết tình trạng cá chết dày đặc và trương sình khi tấp vào bờ tiếp tục kéo dài đến hôm nay là nửa tháng ngay khu vực khe Đá Mài thuộc thôn Xuân Nam, xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quang Nam. Ông nói cá chết hàng loạt khiến dòng nước bị đục ngầu và bốc tanh tưởi khó chịu, trong lúc người dân hoang mang lo sợ không dám sử dụng nước ở nơi này để tưới tiêu.

Đây là nơi người dân địa phương thường ra bắt cá và cào hến để mưu sinh nhưng nay không còn ai hành nghề này nữa. Tin nói Phòng Tài Nguyên Môi Trường huyện Đại Lộc đã báo cáo vụ việc lên Sở Tài Nguyên Môi Trường và đang chờ kết quả. - RFA
|
|

10.
Việt Nam nhập gỗ lậu từ Campuchia? --- Viên chức Việt Nam nhận hối lộ từ lâm tặc

Xuất gỗ lậu từ Campuchia sang Việt Nam tăng mạnh trong những tháng gần đây bất chấp lệnh cấm xuất khẩu nhằm chống lại nạn phá rừng tại một trong các nước nghèo nhất Đông Nam Á, một tổ chức bảo vệ môi trường cho biết trong phúc trình vào hôm thứ Hai.

Tổ chức Điều tra Môi trường (EIA) có trụ sở tại London ước tính rằng có hơn 300.000 mét khối gỗ đã được xuất lậu từ Campuchia từ tháng 11.

Tổ chức này cáo buộc giới chức Việt Nam nhận hối lộ từ những kẻ buôn lậu để làm việc xuất nhập gỗ này được thể hiện là hoạt động hợp pháp.

Trong thông cáo báo chí công bố hôm 8/5 tại London, EIA viết:

"Các quan chức tham nhũng thuộc chính quyền Việt Nam đã kiếm tiền từ nạn đốn trộm gỗ ở diện rộng tại Campuchia."

"Đây là hoạt động buôn lậu gỗ lớn nhất mà chúng tôi đã thấy từ nhiều năm nay," Jago Wadley, nhà vận động bảo vệ rừng của EIA nói.

Hãng tin Reuters nói Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa phản hồi lập tức về yêu cầu bình luận đối với cáo buộc này.

Người phát ngôn viên chính phủ Campuchia Phay Siphan cho biết một số gỗ đề cập trong bản báo cáo có thể là có phép xuất sang Việt Nam nhưng từ chối bình luận thêm.

Đầu năm ngoái, Thủ tướng Campuchia Hun Sen kêu gọi nỗ lực lớn hơn để hạn chế khai thác gỗ bất hợp pháp và cho biết ông đã ra lệnh cảnh sát bắn từ trên không vào những người khai thác gỗ, nếu thấy cần.

Vào lúc cao điểm của hoạt động khai thác gỗ, giữa tháng 12/2016 và 1/2017, khoảng 100 xe chở gỗ vượt biên giới Campuchia vào Việt Nam mỗi ngày, EIA cho biết trong báo cáo dựa trên một cuộc điều tra bí mật.

Nhóm vận động môi trường nói rằng nạn buôn lậu gỗ nên đưa ra câu hỏi về một thỏa thuận vào tháng 5 này giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu để đảm bảo rằng bất kỳ hoạt động xuất khẩu gỗ nào từ Việt Nam sang các nước EU đều là hợp pháp.

"Chúng tôi khuyến khích nhà chức trách Campuchia và Việt Nam khẩn trương điều tra các hoạt động bất hợp pháp được nói tới trong báo cáo và có hành động cương quyết chống lại các cá nhân và công ty bị phát hiện là tham gia vào việc khai thác gỗ bất hợp pháp," George Edgar, người đứng đầu phái đoàn EU, cho biết trong một email gửi tới Reuters. - BBC

***
Một cơ quan giám sát môi trường cáo buộc chính phủ Việt Nam và các quan chức quân đội nhận hối hộ để cho qua các vụ buôn lậu gỗ từ Campuchia về Việt Nam.

Báo cáo của Cơ quan điều tra Môi trường Anh EIA cho biết số tiền hối lộ các quan chức cả hai phía Việt Nam và Campuchia lên đến hàng triệu Mỹ kim. Trong đó, bên Việt Nam chịu trách nhiệm hạn ngạch nhập khẩu gỗ (còn gọi là quota) và phía Campuchia đảm nhận việc mở các khu vực khai thác và đường dây buôn lậu.

Hãng thông tấn AP ngày 8/5 cho biết Bộ Ngoại giao Việt Nam từ chối trả lời AP về cáo buộc này. Trong khi đó Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Campuchia khẳng định rằng việc buôn lậu gỗ đã dừng lại từ năm 2016, và nếu có tái diễn thì được thực hiện một cách bí mật.

Tin cho biết thêm rằng Việt Nam và Liên minh Châu Âu dự tính sẽ ký thỏa thuận nhằm đảm bảo chỉ có gỗ hợp pháp được xuất khẩu ra khỏi Việt Nam.

Campuchia đã ra lệnh cấm xuất khẩu gỗ tròn và kể từ đầu năm 2016 đã đóng cửa biên giới xuất khẩu gỗ sang Việt Nam. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê hiện tại khoảng 300.000 mét khối gỗ tròn đã được vận chuyển ra khỏi Campuchia và được đưa qua Việt Nam theo con đường hạn ngạch. - RFA
|
|

11.
Tàu cảnh sát biển Việt Nam thăm Trung Quốc --- Tàu chiến Việt Nam thăm Singapore

Vào sáng ngày 8 tháng 5, tàu cảnh sát biển 8004 của Việt Nam đưa đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam lên đường đến thăm Trung Quốc theo lời mời của cảnh sát biển Trung Quốc.

Theo báo Quân đội Nhân dân, đây là chuyến thăm hữu nghị đầu tiên của tàu cảnh sát biển Việt Nam đến một quốc gia khác. Báo Quân đội Nhân dân cho biết chuyến thăm nhằm tăng cường mối quan hệ hữu nghị sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa cảnh sát biển hai nước. Các hoạt động giao lưu giúp tạo không khí thân thiện và hữu nghị giữa hai lực lượng và giảm nguy cơ va chạm xung đột trên các vùng biển của Việt Nam.

Nhân chuyến thăm này, hai bên sẽ có những trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động ngăn chặn tội phạm xuyên quốc gia như cướp biển, buôn lậu, vượt biên, hoạt động khủng bố, vận chuyển và buôn lậu vũ khí, vật liệu nổ, ma túy, tiền giả, tìm kiếm và giúp đỡ người dân hai nước gặp nạn trên biển.

Hồi tháng 11 năm 2016, tàu cảnh sát biển Trung Quốc cũng đã ghé thăm cảng Hải Phòng của Việt Nam. - RFA

***
Tàu hộ vệ tên lửa 011 Đinh Tiên Hoàng của Hải quân Việt Nam đã rời cảng Cam Ranh đi Singapore tham gia những hoạt dộng nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Hải quân Singapore. Báo Quân đội nhân dân loan tin này hôm nay. Tàu có 137 sĩ quan và thủy thủ, do đại tá Lê Hồng Chiến, Phó từ lệnh vùng 4 Hải quân làm trưởng đoàn.

Các hoạt động của tàu hộ vệ tên lửa 011 Đinh Tiên Hoàng tại Singapore bao gồm duyệt binh tàu quốc tế, diễn tập biển đa phương trong khuon khổ Hội thảo Hải quân các nước Tây Thái Bình dương lần thứ 6 (WPNS-6), diễn tập chi sẻ thông tin hàng hải năm 2017 và tham gia triển lãm Quốc tế về Hàng hải quốc phòng châu Á 2017.

Theo báo Quân đội Nhân dân, tàu của hải quân Việt Nam đến Singapore lần này là nhằm thực hiện quan điểm chỉ đạo của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, đường lối đối ngoại của Đảng về tích cực chủ động hội nhập quốc tế.

Hồi cuối tháng 3 vừa qua, tàu buồn huấn luyện Lê Quý Đôn của Hải quân Việt Nam cũng đã đến thăm Trung Quốc, Philippines và Brunei. Quân chủng Hải quân Việt Nam cho biết chuyến đi nhằm mục đích tăng cường mối quan hệ nữu nghị, hợp tác, hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa quân đội và hải quân các nước. - RFA
|
|

12.
Chương trình đối tác Thái Bình Dương diễn ra tại Đà Nẵng

Tàu viễn chinh cao tốc USNS Fall River của Mỹ vừa đến cảng Đà Nẵng ngày hôm nay, 8 tháng 5 trong khuôn khổ chương trình đối tác Thái Bình Dương 2017.

Đây là lần thứ 8 chương trình đối tác Thái Bình Dương được tổ chức tại Việt Nam trong suốt 11 năm của sự kiện này và là năm thứ 4 liên tiếp chương trình được tổ chức tại Việt Nam. Cùng đến tham gia với tàu Mỹ trong năm nay còn có tàu của Anh, Australia và Nhật Bản.

Thông cáo báo chí của lãnh sự quán Mỹ tại Việt Nam cho biết một nửa thời gian của chương trình kéo dài 1 tuần tại Việt Nam lần này sẽ nhằm thúc đẩy hợp tác đối tác toàn diện giữa Mỹ và Việt Nam, và hợp tác với các nước khác. Các hoạt động chính bao gồm làm việc với đội ngũ y tế dân sự của Việt Nam, thăm Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, tham gia vào các dự án xây dựng công trình công cộng, trao đổi kinh nghiệm với đội ngũ y tế quân đội và tham gia các dự án cộng đồng khác. - RFA

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9




No comments:

Post a Comment