Tin Thế Giới
1.
Trump đòi các đồng minh đóng góp nhiều hơn cho an ninh của Mỹ
Bản dự thảo về chiến lược của tổng thống Mỹ Donald Trump về an ninh và chống khủng bố Hồi giáo yêu cầu các đồng minh của Hoa Kỳ đóng góp nhiều hơn.
Văn bản dài 11 trang mà hãng tin Reuters có được hôm qua, 05/05/2017 ghi rằng : « Để đạt được mục tiêu chống khủng bố, chúng ta phải tránh các cuộc can thiệp quân sự tốn kém và quy mô và chúng ta phải yêu cầu các đối tác chia sẽ ngày càng nhiều trong việc chống các nhóm khủng bố ».
Theo lời phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng, Michael Anton, chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ đang được xét duyệt lại để bảo đảm là « chiến lược mới nhắm vào việc chống các mối đe dọa đối với quốc gia, các công dân, các lợi ích của chúng ta ở nước ngoài và đối với các đồng minh của chúng ta ».
Kể từ khi công bố chiến lược chống khủng bố của tổng thống Barack Obama và onăm 2011, tức là trước khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo ra đời, « mối đe dọa khủng bố đã đa dạng hóa về tầm mức và tính chất phức tạp », theo ghi nhận bản dự thảo chiến lược an ninh mới .
Theo Reuters, vấn đề hiện nay là tổng thống Donald Trump sẽ thực hiện như thế nào mục tiêu của ông nhằm tránh các cuộc can thiệp quân sự vào các xung đột đang diễn ra, mà quân đội Mỹ đang tham gia ( Irak, Syria, Afghanistan, Yemen,…).
Trước mắt, thay vì giảm sự can thiệp của Mỹ, chính quyền Trump vẫn thi hành phần lớn chiến lược của chính quyền Dân Chủ chống các nhóm khủng bố Hồi giáo và cho Lầu Năm Góc quyền hành rộng rãi hơn trong việc chống các nhóm này chẳng hạn như ở Yemen và Somalia. Tại Afghanistan, chính quyền Trump cũng chưa dự tính sẽ triệt thoái quân, thậm chí còn có kế hoạch tăng viện từ 3.000 đến 5.000 quân cho lực lượng Mỹ, hiện bao gồm 8.400 quân ở nước này. - RFI
|
|
2.
Chuyên gia LHQ muốn điều tra, không muốn tranh luận với tổng thống Philippines
Một chuyên gia của Liên Hiệp Quốc, người đã làm phật lòng Philippines bằng một chuyến viếng thăm bất ngờ, hôm thứ Bảy nói rằng bà rất muốn quay trở lại và điều tra những vụ việc bị cáo buộc là giết người chóng vánh, nhưng chỉ khi Tổng thống Rodrigo Duterte từ bỏ điều kiện là bà phải tranh luận với ông.
Agnes Callamard, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về các vụ giết người ngoài vòng luật pháp, đã mạnh mẽ lên tiếng về những cáo buộc hành quyết có hệ thống ở Philippines như một phần trong cuộc chiến chống ma túy của ông Duterte. Hàng ngàn người đã bị giết kể từ khi ông ta lên nắm quyền vào tháng 6 năm ngoái.
Chuyến thăm được hoạch định của bà Callamard hồi tháng 12 đã bị hủy bỏ vì bà từ chối chấp nhận những điều kiện của ông Duterte.
Bà xuất hiện trên cương vị không chính thức hôm thứ Sáu, nói với một hội thảo học thuật về các vấn đề nhân quyền rằng bà sẽ không tiến hành bất cứ cuộc tìm hiểu nào vào lúc này.
"Tôi quyết tâm tiếp tục cuộc đối thoại của tôi với chính phủ và tôi quyết tâm thực hiện chuyến thăm chính thức, đi một mình hoặc cùng với một báo cáo viên đặc biệt về quyền sức khỏe," bà Callamard nói với các phóng viên tại Manila.
Ông Duterte đã tìm kiếm một cuộc tranh luận công khai với bà Callamard trước khi cho phép bà điều tra những cáo buộc vi phạm nhân quyền nhắm vào ông, và đòi bà phải tuyên thệ trước khi trả lời những câu hỏi của chính phủ.
Nhà lãnh đạo này trước đây đã tỏ ý sẵn lòng để cho Liên Hiệp Quốc và các chính phủ phương Tây điều tra, nhưng chỉ nếu ông được công khai đặt câu hỏi cho các điều tra viên. Ông nói ông sẽ "làm nhục" họ và làm "rùm beng" trong những cuộc chất vấn này.
Chính phủ Philippines nhấn mạnh rằng họ phải có được cơ hội chất vấn những báo cáo viên của Liên Hiệp Quốc vì Philippines vốn đã bị bêu xấu bởi những cáo buộc về những vụ sát hại có hệ thống được nhà nước bảo kê nhắm vào những người buôn bán và sử dụng ma túy. - VOA
|
|
3.
Duterte gọi Tập Cận Bình theo đề nghị của Trump
Tổng thống Philippines, Rodrigo Duterte, ngày 4/5 tuyên bố cuộc điện đàm của ông với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình thảo luận về khủng hoảng tại bán đảo Triều Tiên trong tuần được thực hiện theo yêu cầu của Tổng thống Mỹ, Donald Trump.
Ông Duterte cho biết ông nói chuyện với ông Tập hôm 3/5 để thuyết phục ông Tập nỗ lực hơn trong việc tháo gỡ căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên sau khi Bắc Triều Tiên thử nghiệm một phi đạn khác vào sáng ngày thứ Bảy tuần qua.
Sau đó, ông Duterte thảo luận về vụ thử nghiệm của Bắc Triều Tiên với ông Trump vào chiều tối thứ Bảy, lúc kết thúc hội nghị thượng đỉnh của ASEAN tại Manila. Ông Duterte là chủ tịch ASEAN trong năm nay.
“Tôi gọi Chủ tịch Tập, nói rằng ‘Tôi gọi ông theo đề nghị của Tổng thống Mỹ’,” ông Duterte cho biết trong bài diễn văn tại Davao.
Phát biểu tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Cảnh Sảng, xác nhận là chính ông Duterte yêu cầu được nói chuyện với ông Tập.
Hoa Kỳ đã thúc đẩy Trung Quốc, đồng minh chính duy nhất của Bắc Triều Tiên, làm nhiều hơn nữa để kìm chế chương trình hạt nhân và phi đạn của miền Bắc. Chương trình này đã khiến cho chính quyền Mỹ đáp ứng một cách mạnh mẽ với khuyến cáo rằng “ kỷ nguyên kiên nhẫn chiến lược đã qua.”
Ông Tập và ông Duterte thảo luận khoảng 26 phút, một nguồn tin tại văn phòng Tổng thống Philippines nói với Reuters, và hai bên trao đổi quan điểm về những phát triển trong vùng và làm thế nào để giải quyết một số quan tâm chung.
Ông Duterte nói nếu ông Trump hỏi, ông sẵn lòng cho biết về những gì đã thảo luận với ông Tập.
Trong tư cách chủ tịch ASEAN, tuần qua, ông Duterte cho biết sẽ thúc đẩy ông Trump chớ nên bị nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un khiêu khích, đồng thời cảnh báo tai họa nếu tình hình căng thẳng hơn khi ông Kim “muốn kết liễu thế giới”.
Lãnh đạo Mỹ-Trung gần đây cũng đã thành lập một mối quan hệ mà năm ngoái không ai dám nghĩ tới khi những lời lẽ tấn công Trung Quốc là tâm điểm chiến dịch tranh cử của ông Trump.
Ông Trump đang bị chỉ trích vì đã mời Tổng thống Philippines đến Tòa Bạch Ốc.
Các tổ chức nhân quyền và một số nhà lập pháp Mỹ lên án Tổng thống Trump về điều họ xem là tương đương như ủng hộ cuộc chiến ma túy đẫm máu của ông Duterte tại Philippines khiến hàng ngàn người thiệt mạng kể từ khi ông này nhậm chức cách đây 10 tháng. - VOA
|
|
4.
Nhật Bản, Trung Quốc hợp tác tăng cường quan hệ tài chính
Nhật Bản và Trung Quốc đã đồng ý tăng cường hợp tác kinh tế và tài chính, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso cho biết hôm thứ Bảy, trong khi lập trường bảo hộ mậu dịch của Tổng thống Mỹ Donald Trump và căng thẳng liên quan tới Bắc Triều Tiên gây lo ngại cho triển vọng tăng trưởng của Châu Á.
Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Tiêu Tiệp, người đã bỏ lỡ một cuộc họp ba bên với những người đồng cấp Nhật Bản và Hàn Quốc hôm thứ Sáu vì phải dự một cuộc họp khẩn cấp trong nước, đã bay tới dự cuộc hội đàm với ông Aso, tìm cách xóa tan những đồn đoán rằng sự vắng mặt của ông có bất kỳ hệ lụy ngoại giao nào.
"Chúng tôi đã tích cực trao đổi quan điểm về tình hình kinh tế và tài chính tại Nhật Bản và Trung Quốc và hợp tác trong lĩnh vực tài chính," ông Aso nói với các phóng viên sau cuộc họp, có sự góp mặt của những quan chức cao cấp của bộ tài chính và ngân hàng trung ương.
"Điều quan trọng là chúng tôi tái khẳng định sự cần thiết của hợp tác tài chính giữa hai nước trong khi chia sẻ kinh nghiệm của chúng tôi trong việc giải quyết các chính sách kinh tế và các vấn đề cơ cấu," ông nói thêm.
Hai nước đã đồng ý khởi động nghiên cứu chung về các vấn đề đôi bên cùng quan tâm – nhưng không nêu rõ chi tiết - và báo cáo kết quả tại cuộc hội đàm tiếp theo, sẽ được tổ chức vào năm 2018 ở Trung Quốc.
Họ không thảo luận về các vấn đề như tiền tệ và rủi ro địa chính trị từ chương trình hạt nhân và phi đạn của Bắc Triều Tiên trong cuộc đối thoại được tổ chức bên lề cuộc họp thường niên của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) ở thành phố Yokohama, miền đông Nhật Bản.
Quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc vẫn còn trong tình trạng căng thẳng vì tranh chấp lãnh thổ và vì việc Nhật Bản chiếm đóng Trung Quốc thời Thế chiến thứ hai, mặc dù các nhà lãnh đạo gần đây đã cố gắng hàn gắn quan hệ thông qua đối thoại.
Tuy nhiên, sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc trong lĩnh vực tài chính cơ sở hạ tầng đã làm một số nhà hoạch định chính sách Nhật Bản lo lắng. Họ e ngại rằng ngân hàng phát triển mới của Bắc Kinh, Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á (AIIB) có thể làm lu mờ ADB do Nhật Bản hậu thuẫn.
Dù vậy Nhật Bản và Trung Quốc đồng thuận về sự cần thiết phải tôn trọng thương mại tự do, điều mà họ cho là thiết yếu đối với các nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại của Châu Á.
Các quan chức tài chính Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đã nhất trí chống lại mọi hình thức bảo hộ trong cuộc họp ba bên hôm thứ Sáu, tỏ lập trường mạnh mẽ hơn so với các nền kinh tế lớn của khối G20 chống lại những chính sách bảo hộ mà ông Trump cổ vũ. - VOA
|
|
5.
Hàng loạt email, tài liệu của ban vận động Macron bị rò rỉ lên mạng
Đội ngũ của ứng cử viên tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người có lập trường trung dung và đang dẫn đầu cuộc đua vào Điện Élysée, tối thứ Sáu cho biết họ đã trở thành nạn nhân của một vụ tấn công tin tặc "quy mô lớn và có phối hợp" khiến những email và hồ sơ tài chính của ban vận động tranh cử này bị rò rỉ.
Gọi vụ việc là "chưa từng có trong một chiến dịch tranh cử ở Pháp," các nhân viên của ông Macron nói rằng vụ rò rỉ hàng ngàn email, tài liệu kế toán và những hồ sơ khác là một nỗ lực nhằm "gây bất ổn dân chủ, giống như trong chiến dịch tranh cử tổng thống vừa qua ở Mỹ."
"Rõ ràng, tất cả những tài liệu xuất hiện từ vụ tấn công tin tặc đều hợp pháp và cho thấy hoạt động bình thường của một chiến dịch tranh cử tổng thống," các trợ lý của ông Macron nói trong một tuyên bố.
Các tài liệu này được đăng lên mạng xã hội bởi một người nào đó tự xưng là EMLEAKS trước nửa đêm ngày thứ Sáu, khi ông Macron 39 tuổi và đối thủ cạnh tranh của ông, Marine Le Pen, chính thức khép lại chiến dịch vận động cho cuộc bầu cử diễn ra vào Chủ nhật.
Vào nửa đêm, các ứng cử viên không còn được phép vận động tranh cử nữa và truyền thông không còn được phép thảo luận về các ứng cử viên hoặc bất kỳ diễn biến nào trong vụ rò rỉ những tài liệu hoặc nội dung của chúng.
Các cuộc khảo sát công bố trước đó trong ngày thứ Sáu cho thấy ông Macron đang đạt được đà tiến, dự báo chiến thắng cho cựu chuyên viên ngân hàng có lập trường ủng hộ Châu Âu, ủng hộ doanh nghiệp với tỉ lệ khoảng 62 phần trăm so với 38 phần trăm dành cho bà Le Pen.
Website WikiLeaks đăng một đường dẫn trên Twitter, nói rằng họ không chịu trách nhiệm về vụ rò rỉ này nhưng nói họ đang "xem xét" một số phần của khối dữ liệu có dung lượng tổng cộng khoảng 9 gigabyte này. - VOA
|
|
6.
Hàn-Nhật-Trung cam kết chống bảo hộ mậu dịch
Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc ngày 5/5 cam kết chống lại “mọi hình thức bảo hộ mậu dịch” giữa những quan ngại ngày càng tăng về chính sách bảo hộ của Tổng thống Donald Trump.
Lời hứa này được đưa ra sau một phiên họp của các giới chức tài chánh cao cấp và ngân hàng trung ương ba nước bên lề hội nghị hàng năm của Ngân hàng Phát triển Á châu ADB.
Ba cường quốc Đông Bắc Á này nhất trí rằng “mậu dịch là một trong những động lực quan trọng nhất của tăng trưởng kinh tế và phát triển, và họ sẽ chống lại tất cả các hình thức bảo hộ,” tuyên bố chung nói.
Lời lẽ trong tuyên bố chung được xem như mạnh mẽ hơn tuyên bố của các Bộ trưởng Tài chánh thuộc Khối 20 nền kinh tế thế giới được công bố vào tháng 3 năm nay, trong đó đoạn nói về chống bảo hộ mậu dịch bị gạch bỏ vì dường như bị Hoa Kỳ chống đối.
Ba nước nói nhịp độ phục hồi kinh tế toàn cầu đang tiến nhanh hơn nhờ tăng trưởng trong lãnh vực sản xuất kèm theo sự phục hồi của thị trường tài chánh.
Tuy nhiên, Nhật-Hàn-Trung sẽ tăng cường hợp tác giữa những bất ổn của kinh tế thế giới và những nguy cơ về địa chính trị, theo bản tuyên bố.
Cuộc họp diễn ra với sự tham dự của các Bộ trưởng Tài chánh, Thống đốc ngân hàng trung ương của Hàn Quốc và Nhật Bản cùng Thứ trưởng Tài chánh và một giới chức cao cấp Ngân hàng trung ương Trung Quốc.
Bộ trưởng Tài chánh Trung Quốc Xiao Jie không tham dự hội nghị. Lý do ông vắng mặt không rõ, nhưng Trung Quốc xung đột với Hàn Quốc về việc triển khai hệ thống phòng thủ phi đạn tân tiến của Mỹ. Bắc Kinh cũng đang xích mích với Nhật Bản về lịch sử và những vấn đề an ninh. - VOA
|
|
7.
Trung Quốc đầu tư vào cảng chiến lược Myanmar
Trung Quốc đang tìm cách chiếm 85% cổ phần trong một cảng chiến lược quan trọng ở Myanmar, theo một tài liệu Reuters có được.
Bắc Kinh đang thúc đẩy để được ưu đãi tiếp cận cảng biển nước sâu Kyauk Pyu trên Vịnh Bengal, trong khuôn khổ tham vọng “Một Vành đai Một Con đường”, kế hoạch đầu tư hạ tầng cơ sở để làm sâu rộng các mối quan hệ của Trung Quốc với các nền kinh tế trên toàn vùng châu Á và các nơi khác.
Một tổ hợp do Tập đoàn CITIC của Trung Quốc lãnh đạo đề nghị mua từ 70 dến 85% cổ phần trong cảng nước sâu này trị giá 7,3 tỉ đô la, theo các tài liệu thương lượng Reuters có được và dựa trên nguồn tin từ 3 người biết rõ các cuộc đàm phán giữa tập đoàn quốc doanh Trung Quốc với chính phủ dân sự Myanmar.
Phần hùn Trung Quốc đề nghị lớn hơn tỉ lệ 50/50 liên doanh mà Myanmar đưa ra hồi cuối năm ngoái.
Theo Reuters, các nguồn tin hồi tháng trước cho hay Trung Quốc đã ra chỉ dấu muốn bỏ dự án xây đập Myitsong gây tranh cãi trị giá 3,6 tỉ đô la tại Myanmar để đổi lại những nhượng bộ về những cơ hội chiến lược tại quốc gia Đông Nam Á này, trong đó có cảng tại Vịnh Bengal.
Cảng Kyauk Pyu quan trọng đối với Trung Quốc vì là cửa ngõ cho một đường ống dẫn dầu và khí đốt Trung Quốc, giúp Bắc Kinh có một tuyến đường thay thế để nhập khẩu năng lượng từ Trung Đông, không qua Eo biển Malacca vốn là thủy lộ dễ bị tắc nghẽn.
Cảng Kyauk Pyu nằm trong khuôn khổ của hai dự án bao gồm một khu công nghiệp, phát triển một đặc khu kinh tế tại tiểu bang Rakhine thuộc miền tây Myanmar. CITIC được trao cho vai trò chủ chốt trong cả hai dự án này vào năm 2015. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
8.
Trumpcare: Xong Hạ Viện, chẳng dễ ở Thượng Viện
Nói rằng Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump “đã” đi được nửa chặng đường trong nỗ lực hủy bỏ Obamacare cũng đúng, bảo rằng ông “chỉ mới” đi được nửa chẳng đường cũng chẳng sai. Lý do: để được Thượng Viện thông qua chẳng phải là điều dễ làm.
Mặc dù trong cuộc họp mặt ăn mừng Hạ Viện Cộng Hòa thông qua dự luật hủy bỏ Obamacare được tổ chức hồi trưa Thứ Năm (mùng 4 Tháng Năm 2017) tại Vườn Hồng của Tòa Bạch Ốc, tổng thống nói với giọng đầy lạc quan, cho hay ông “tin tưởng” Thượng Viện Cộng Hòa “cũng sẽ thông qua dự luật” vì nhiều lý do khác nhau, từ chuyện “từ lâu tôi đã tiên đoán Obamacare chẳng ích lợi gì người dân” đến chuyện “trong tương lai (nhờ luật bảo hiểm y tế do đảng Cộng Hòa soạn thảo) số tiền dân chúng Hoa Kỳ bỏ ra để mua bảo hiểm sẽ giảm,” đã thế quyền lợi được hưởng lại còn tăng lên. Tổng Thống Trump nhắc lại điểm này ít nhất vài lần trong bài phát biểu ngắn của ông, đồng thời ông Chủ Tịch Hạ Viện Paul Ryan cũng hãnh diện nói trong 7 năm qua từ ngày Obamacare được ban hành “chúng ta (Cộng Hòa) đã hứa với cử tri là sẽ hủy bỏ luật này, thay thế bằng một đạo luật mới tốt hơn cho mọi người,” ca ngợi điều Hạ Viện mới làm được “là một thắng lợi chính trị dưới quyền lãnh đạo của tổng thống.”
Không phủ nhận kết quả cuộc bỏ phiếu ở Hạ Viện là thắng lợi chính trị của đảng Cộng Hòa, đặc biệt là thành công lớn cho Tổng Thống Trump và ông Chủ Tịch Hạ Viện Paul Ryan. Chỉ mới 3 tuần trước đây, ngay chính ông Ryan cũng không dám nghĩ tới chuyện sẽ được các đồng viên Cộng Hòa ủng hộ để thông qua dự luật, Tổng Thống Trump cũng bày tỏ sự bực bội của ông bằng những tin nhắn gửi qua mang Twitter, đại để dọa dẫm ông sẽ có biện pháp thích ứng đối với những vị dân cử Cộng Hòa “phá bĩnh” tức những người không gật đầu thông qua Trumpcare. Gần hơn nữa, mới sáng Thứ Hai đầu tuần này ông Chủ Tịch Ryan không dám quả quyết “sẽ đưa dự luật ra bỏ phiếu ngay trong tuần này,” đến trưa Thứ Ba ông phát ngôn viên Sean Spencer của Tòa Bạch Ốc còn nói “tổng thống không thúc đẩy, khi nào các vị dân cử Cộng Hòa lãnh đạo Hạ Viện thấy có đủ phiếu ủng hộ, lúc đó cuộc bỏ phiếu sẽ được tiến hành.” Nhưng vào tối Thứ Tư, sau cuộc họp riêng của thành phần lãnh đạo Cộng Hòa tại Hạ Viện, mọi người đều biết đã có đủ phiếu ủng hộ để thông qua, cho dù số phiếu tán thành rất khít khao với số phiếu chống (217/213), nhưng vẫn đủ để Tổng Thống Trump hãnh diện khoe “(cuộc bỏ phiếu) đã giúp đảng Cộng Hòa gắn bó với nhau.”
Vượt qua cửa ải Hạ Viện là một thành công, nhưng chính Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump và ông Chủ Tịch Hạ Viện Paul Ryan cũng biết đó chỉ là bước đầu, bước kế tiếp ở Thượng Viện sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Dẫn chứng: ngay sau khi có kết quả ở Hạ Viện, hai thượng nghị sĩ Cộng Hòa là các ông Lamar Alexander (Tennessee) và Roy Blunt (Missouri) thông báo sẽ soạn thảo một dự luật khác, không giống như những điều khoản đã được Hạ Viện thông qua. Trong cuộc tiếp xúc ngắn với các nhà báo, bà nghị sĩ Cộng Hòa Lisa Murkowski (Alaska) trình bày rõ hơn “hy vọng dự luật Thượng Viện soạn thảo sẽ thật sự đáp ứng đòi hỏi của người dân” hơn những điều khoản ghi trong dự luật mới được Hạ Viện thông qua.
Có nhiều thắc mắc đang được nói tới ở Thượng Viện.
Ðiều đầu tiên, dự luật Hạ Viện thông qua “vẫn chưa trả lời rõ rệt câu hỏi là số người được hưởng bảo hiểm y tế có tăng lên hay không, và liệu số tiền người dân phải đóng hàng tháng có thật sự giảm xuống hay không,” một nhân viên làm việc dưới quyền ông Chủ Tịch Khối Ða Số Mitch McConnell nêu thắc mắc. “Chúng tôi (bên Thượng Viện) chỉ nghe các vị dân cử lãnh đạo Hạ Viện trả lời là có, nhưng vẫn chưa thấy họ nói gì về con số 24 triệu người có thể mất bảo hiểm y tế trong 10 năm tới mà Ủy Ban Ngân Sách Quốc Hội (Congressional Budget Office) đã nêu ra ngay từ ngày đầu tiên.” Nếu không có câu trả lời thỏa đáng, “chúng tôi không thể có sự ủng hộ của những nghị sĩ thuộc nhóm trung hòa (moderate).”
Viên chức này nhắc lại trong một buổi điều trần về bảo hiểm y tế, đại diện Hiệp Hội Các Nhà Thương Hoa Kỳ nói rằng mục tiêu “phòng bệnh hơn chữa bệnh” là điều chính phủ đạt được “để mọi người đều có bảo hiểm” để “dân chúng được đi khám bệnh thường xuyên,” tránh cảnh “phải vào phòng cấp cứu khi bịnh tình quá nguy kịch.”
“Chuyện giá bảo hiểm sẽ giảm xuống là điều người dân mong muốn thấy,” nhưng không phải là điều “dễ làm,” theo trình bày của Thượng Nghị Sĩ Ted Cruz, một trong những vị dân cử Cộng Hòa có chủ trương bảo thủ. “Hiện giờ, theo kế hoạch của Hạ Viện,” ông nói tiếp, “giá giảm xuống vì các công ty bán bảo hiểm không bị bó buộc vào những điều kiện khắt khe quy định trong Obamacare, nhưng vẫn chưa đồng ý cho dân chúng tiểu bang này mua bảo hiểm ở tiểu bang khác,” đặt câu hỏi “nếu không có cạnh tranh thì làm sao đảm bảo giá sẽ giảm xuống?”
Một điểm khác nữa mới được bà Thượng Nghị Sĩ Susan Collins (Cộng Hòa-Maine) nói tới là số phận của những người mang những chứng bệnh hiểm nghèo trước khi họ mua bảo hiểm y tế. Trong cuộc phỏng vấn của đài CBS, bà Collins nói rõ “tôi không ủng hộ chuyện các công ty bảo hiểm bắt những người trong trường hợp này phải trả tiền cao hơn” nhấn mạnh “những người trong trường hợp này sẽ không có bảo hiểm nếu họ không được chính phủ trợ giúp.” Trong dự luật Hạ Viện thông qua, Tổng Thống Trump đồng ý dành ra $8 tỷ cho quỹ giúp những người “ở trong hoàn cảnh khó khăn,” nhưng bà Collins đòi hỏi phải có điều khoản ghi rõ “những người ở trong trường hợp đặc biệt sẽ được chính phủ giúp đỡ vĩnh viễn, không phải lo âu chuyện quỹ bị cạn tiền.”
Chỉ với những thắc mắc đó, dự luật Hạ Viện vừa thông qua không thể nào vượt cửa Thượng Viện. Chính vì thế nên bản thông cáo do văn phòng Thượng Nghị Sĩ John Cornyn (Texas) phổ biến vào chiều Thứ Năm viết rằng “chúng tôi không đặt ra thời hạn phải thông qua (luật hủy bỏ Obamacare).” Thông cáo mang chữ ký của vị nghị sĩ đứng thứ hai trong hệ thống lãnh đạo Cộng Hòa ở Thượng Viện viết tiếp “chúng tôi không vội vã thông qua bất kỳ dự luật nào (về bảo hiểm y tế) cho tới khi chúng tôi có được 51 phiếu ủng hộ.” - nguoiviet
|
|
9.
Mỹ: Thất nghiệp thấp kỷ lục, 4,4%
Thị trường nhân dụng Hoa Kỳ phát triển mạnh trong tháng Tư, với 211,000 lao động mới được ghi vào sổ lương giới chủ nhân, trong khi tỷ lệ thất nghiệp giảm còn có 4,4%, mức thấp nhất trong 10 năm qua.
Các số liệu về tỷ lệ thất nghiệp thể hiện một tiến bộ lớn so với tháng Ba trước đó khi nền kinh tế chỉ có thêm 98,000 việc làm mới.
Giới phân tích nói trong các điều kiện này, Cục Dự Trữ Liên bang đang tiến lên theo đúng hướng để tăng lãi xuất chính thêm một lần nữa vào tháng 6 tới đây.
Những công việc mới trong tháng Tư đến từ lĩnh vực nhà hàng và khách sạn cũng như các dịch vụ giải trí, tiếp theo đó là ngành chăm sóc y tế, và dịch vụ tài chính.
Trung bình thu nhập/giờ chỉ tăng đôi chút, lên 2,5% so với năm ngoái.
Bất chấp những biến động trong tháng Ba vừa rồi, nền kinh tế Mỹ mỗi tháng có trung bình thêm 185,000 việc làm trong năm 2017. - VOA
|
|
10.
Các đài truyền hình Mỹ từ chối phát quảng cáo của Trump
Một số đài truyền hình tin tức quốc gia ở Mỹ, cụ thể là ABC, CBS, NBC và CNN, đã từ chối phát quảng cáo của Tổng thống Donald Trump ca ngợi những thành tựu của 100 ngày đầu tiên ông tại nhiệm.
Quảng cáo này cho thấy dòng chữ "fake news" (tin tức giả) đè lên gương mặt của những người dẫn chương trình truyền hình được khắp cả nước biết tới.
Ông Trump dùng cụm từ "tin tức giả" chủ yếu để đả kích bất kỳ tường trình nào chỉ trích ông và chính quyền của ông.
Các mạng lưới truyền hình lập luận rằng quảng cáo này không chính xác. CNN và NBC cho biết họ sẽ phát quảng cáo này nếu dòng chữ "tin tức giả" được xóa bỏ.
CNN nói trong một thông cáo, "Truyền thông chính thống không phải là tin tức giả, và vì thế quảng cáo này là sai trái."
"Đối diện với quảng cáo không hợp với chủ trương thiên vị của họ, CNN, ABC, CBS, và NBC giờ chọn cách chặn quảng cáo của chúng tôi. Đây là một hành động kiểm duyệt chưa từng thấy ở Mỹ mà nên khiến tất cả những công dân yêu chuộng tự do lo lắng," Lara Trump, con dâu và cố vấn vận động tranh cử của tổng thống, nói. "Rõ ràng, truyền thông chính thống cổ vũ mạnh mẽ Tu chính án thứ Nhất chỉ khi nó phục vụ quan điểm chính trị của họ."
Tu chính án thứ Nhất xác lập quyền tự do ngôn luận ở Hoa Kỳ, cũng như quyền tự do báo chí.
Quảng cáo này do ban vận động của ông Trump sản xuất. Tổng thống đã nộp hồ sơ tái tranh cử vào năm 2020. - VOA
|
|
11.
Thêm một ứng viên được Trump đề cử rút lui
Người được Tổng thống Mỹ Donald Trump chọn làm Bộ trưởng Lục quân vừa quyết định rút lui, một giới chức Tòa Bạch Ốc loan báo ngày 5/5.
Ông Mark Green là người thứ ba được Tổng thống Trump đề cử vào vị trí Bộ trưởng tự rút lui.
Ông đối mặt với nhiều chỉ trích từ các nhóm bảo vệ nhân quyền và giới lập pháp về các cáo buộc liên quan đến những bình phẩm trước đây đối với các cộng đồng thiểu số và cộng đồng người đồng tính hay chuyển giới.
“Ông Green quyết định rút lui khỏi vị trí đề cử Bộ trưởng Lục quân là tin đáng mừng cho người Mỹ, đặc biệt những người từng bị ông lăng mạ bởi những lời lẽ làm mất thể diện đối với cộng đồng đồng tính, Hồi giáo, Latin, và nhiều người khác nữa”, ông Chuck Schumer, lãnh đạo phe Dân chủ trong Thượng viện nói.
Ông Green từng ba lần tham gia tác chiến ở Trung Đông. - VOA
|
|
12.
Xác định danh tính binh sĩ Mỹ tử trận ở Somalia
Ngũ Giác Đài đã xác định danh tính một Biệt kích Hải quân Hoa Kỳ thiệt mạng trong khi đang chiến đấu với nhóm khủng bố al-Shabaab ở Somalia là Kyle Milliken.
Milliken 38 tuổi, sống ở thành phố Falmouth, bang Maine, tử trận hôm thứ Năm khi một chiếc máy bay của Mỹ bị nã đạn trong khi đang thả những binh sĩ Somalia xuống tại một khu vực mục tiêu cách thủ đô Mogadishu 65 km về phía tây.
Milliken là quân nhân Mỹ đầu tiên thiệt mạng trong chiến sự ở đất nước bị chiến tranh tàn phá này kể từ một trận chiến chết chóc vào năm 1993 vốn đã được dựng thành phim Black Hawk Down.
Một quan chức quân sự Mỹ cho VOA biết ít nhất là hai biệt kích Hải quân khác và một thông dịch viên bị thương trong vụ tấn công ở làng Barire, phía tây Afgoye.
Bộ Tư lệnh Châu Phi Hoa Kỳ, chịu trách nhiệm về tất cả các hoạt động quân sự của Mỹ trên lục địa này, nói rằng lực lượng Mỹ bị tấn công trong một nhiệm vụ cố vấn và hỗ trợ bên cạnh những thành viên của Lục quân Quốc gia Somalia.
"Đây là một nhiệm vụ của Somalia," Đại tá Hải quân Jeff Davis, một phát ngôn viên của Ngũ Giác Đài, nói với các phóng viên hôm thứ Sáu. Lực lượng Mỹ khi đó đang "hoạt động để yểm trợ" các đơn vị Somalia, trong một cuộc tấn công nhắm vào một khu nhà có dính dáng tới những vụ tấn công nhắm vào các cơ sở gần đó được cả lực lượng Mỹ và Somalia sử dụng.
Các quan chức Tòa Bạch Ốc cho hay Tổng thống Donald Trump đã gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình của nạn nhân, cùng với sự tri ân đối với nỗ lực của tất cả nam nữ binh sĩ trong quân đội Hoa Kỳ.
Lực lượng đặc nhiệm của Mỹ và các biệt kích Somalia vẫn đang thực hiện các hoạt động chung suốt hơn một năm nay như một phần trong nỗ lực của Mỹ giúp chính phủ Somalia chống lại al-Shabab. Các hoạt động chung diễn ra ở Hạ Shabelle và Hạ Juba, hai khu vực nơi al-Shabab có sự hiện diện lớn, và đặc biệt ở vùng nông nghiệp chiến lược về phía tây Afgoye nơi mà hoạt động quân sự hôm thứ Sáu diễn ra. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
13.
Bất chấp biểu tình, Formosa mở rộng đầu tư tại Việt Nam --- Chính quyền tổ chức biểu tình đấu tố Linh mục giáo xứ Quỳnh Lưu
Giữa lúc làn sóng biểu tình phản đối thảm họa ô nhiễm môi trường do Formosa gây ra ở miền Trung còn chưa nguôi, Tập đoàn Nhựa Formosa (FPG) hôm 4/5 ra thông báo quyết định mở rộng đầu tư thêm 1 tỷ đôla vào liên doanh thép tại Việt Nam.
Với 5 công ty con và nhiều đơn vị, tập đoàn Formosa được xem là một trong những tập đoàn hàng đầu của Đài Loan.
Hiện tại, FPG sở hữu 70% cổ phần của công ty liên doanh tại Hà Tĩnh, trong khi Tập đoàn Thép Trung Quốc, nhà sản xuất thép lớn nhất Đài Loan, sở hữu 25%, và Công ty Thép JFE của Nhật Bản sở hữu 5% cổ phần.
Theo Focus Taiwan, số tiền đầu tư thêm của FPG sẽ giúp đẩy nhanh việc xây dựng nhà máy thép trị giá 10,5 tỷ đôla của công ty con của FPG, tức Công ty Cổ phần Formosa-Hà Tĩnh.
Thời báo Đài Loan dẫn nguồn Tập đoàn Formosa cho biết lò đốt đầu tiên của công ty Formosa tại Việt Nam dự kiến bắt đầu sản xuất hồi năm ngoái, thì nay sẽ bắt đầu hoạt động vào giai đoạn cuối nửa đầu năm nay.
Hoạt động của nhà máy thép này đã bị trì hoãn liên tục vì các cuộc biểu tình chống Trung Quốc và bảo vệ môi trường.
Vụ 200km biển miền Trung bị ô nhiễm hồi năm ngoái vì hoạt động của tập đoàn Formosa được cho là thảm họa môi trường lớn nhất Việt Nam từ trước tới nay. Nhiều người cho rằng Việt Nam sẽ phải mất hàng chục năm hoặc lâu hơn mới khắc phục được hậu quả của nó.
Mặc dù chính quyền Việt Nam và Formosa đã thỏa thuận bồi thường 500 triệu đôla cho các nạn nhân trực tiếp của thảm họa, nhưng nhiều người cho rằng mức bồi thường đó quá ít ỏi, chưa kể đến những hậu quả lâu dài khác.
Thời gian qua, làn sóng biểu tình phản đối Formosa đã lan từ khu vực miền Trung sang các tỉnh, thành khác ở Việt Nam và ngay cả ra nước ngoài.
Lm. Nguyễn Đình Thục, người đang giúp nhiều nạn nhân của vụ ô nhiễm môi trường biển, cho rằng một khi Tập đoàn Formosa chính thức đưa ra tuyên bố mở rộng đầu tư, thì điều đó có nghĩa là tập đoàn này đã nhận được tín hiệu đồng ý từ phía chính quyền Việt Nam.
Ông nói: “Mới ở một mức độ thấp mà nó [Formosa] đã gây ra mức độ thiệt hại rất nặng nề cho Việt Nam, thì nếu nó đầu tư theo dự định của nó thì thảm họa này sẽ trầm trọng đến mức độ như thế nào?”
Công ty thép tại Hà Tĩnh là khu sản xuất thép đầu tiên mà FPG xây dựng ở nước ngoài, bắt đầu khởi công từ tháng 12 năm 2013.
Bên cạnh nhà máy sản xuất thép, dự án đầu tư được xem là lớn nhất Việt Nam còn bao gồm các công trình cảng và nhà máy điện, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2020.
Trao đổi với VOA-Việt ngữ, Linh mục Nguyễn Đình Thục nói cuộc đấu tranh ôn hòa của người dân từ trước tới nay chỉ nhằm mục đích giúp chính quyền có những “quyết định tốt” mà thôi.
“Nhưng nếu họ lại tiếp tục để cho công ty Formosa phát triển thì quả thật là làm cho chúng tôi cảm thấy rất bất bình, và chắc chắn là chúng tôi sẽ phải đấu tranh mạnh mẽ hơn”.
Khu Kinh tế Vũng Áng của Tập đoàn Formosa Đài Loan là một trong những mục tiêu của các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Việt Nam hồi tháng 5/2014. Vụ bạo loạn giữa hơn 5.000 công nhân Việt Nam với khoảng 1.000 công nhân Trung Quốc xảy ra sau khi Bắc Kinh đưa một giàn khoan dầu trị giá 1 tỷ USD tới vùng biển tranh chấp ở Biển Đông, nơi Việt Nam tuyên bố chủ quyền. - VOA
***
Sáng ngày 6/5/2017 tại địa bàn xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An diễn ra một cuộc biểu tình kêu gọi chống linh mục Đặng Hữu Nam.
Từ những video clips và hình đưa lên mạng xã hội cho thấy một số trẻ em từ các trường học, tay cầm cờ đỏ sao vàng, gậy gộc, vừa đi, vừa chạy và hô to: "Bác Hồ muôn năm, Bác Hồ muôn năm"!
Cũng có nhiều câu khẩu hiện thể hiện dấu hiệu chia rẽ lương - giáo.
Liên lạc với Linh mục Đặng Hữu Nam vào tối thứ Bảy, ngày 6 tháng 5, ông xác nhận:
“Chính quyền tỉnh Nghệ An, huyện Quỳnh Lưu, phòng Giáo dục, Sở Giáo dục đã tổ chức cho người dân biểu tình để phản đối tôi. Trong động thái trước đó họ đã huy động và thành lập câu lạc bộ cựu chiến binh để đấu tố tôi trong những cuộc họp rồi đưa lên mạng truyền thông.
Ngày hôm nay họ huy động cựu chiến binh, thanh niên, phục nữ, tất cả các nguồn lực và đặc biệt là các học sinh, từ tiểu học cho đến cấp 3 đi biểu bình để lên án tôi bằng hình thức giống như đấu tố thời năm 1953 – 1957.”
Theo những gì Linh mục Đặng Hữu Nam chứng kiến trong ngày hôm nay, ông cho biết có một nơi huy động lực lượng là những phụ nữ để lên tiếng kết tội ông. Một nhóm học sinh ở nơi khác thì cầm cờ và hô những khẩu hiệu:
“Theo lệnh của Sở, Phòng giáo dục, có những thông tin là họ buộc học trò phải đi biểu tình vì nếu không đi, sẽ không cho thi tốt nghiệp, không cho chuyển cấp hoặc hạ hạnh kiểm.”
Trước đó hai ngày, cư dân mạng xã hội Facebook đã truyền nhau các video clips hình ảnh phó chủ tịch huyện Quỳnh Lưu, ông Hồ Ngọc Dũng về chỉ đạo cuộc đấu tố Linh mục Đặng Hữu Nam, qua lời hướng dẫn: "Biểu tình bên giáo, họ đã biểu tình ta, ta biểu tình họ"!
Ủng hộ quyền hiến định
Bên cạnh những video clips và thông tin về đoàn biểu tình đấu tố, người theo dõi sự việc nhận thấy có hình ảnh những chai nước uống với khẩu hiệu “Người dân giáo xứ Phú Yên tiếp nước cho đoàn biểu tình do huyện Quỳnh Lưu tổ chức”.
Giải thích về điều này, Linh mục Đặng Hữu Nam xác nhận và cho biết:
“Chúng tôi mặc dù không đồng ý với nội dung họ biểu tình tức là vu cáo tôi, nhưng chúng tôi ủng hộ nhà cầm quyền huyện Quỳnh Lưu, Phòng Giáo dục huyện Quỳnh Lưu tổ chức cho người dân biểu tình.
Vì bấy lâu nay tại Việt nam người ta bảo là không được biểu tình, mặc dù điều 25 Hiến pháp ghi rất là rõ là người công dân được quyền biểu tình.
Hôm nay chính nhà cầm quyền tổ chức nên chúng tôi rất hoan nghênh và ủng hộ mặc dù chúng tôi không ủng hộ nội dung.”
Trong một diễn tiến khác xảy ra cùng ngày, Linh mục Đặng Hữu Nam cho biết ông nhận được môt công văn của tỉnh Nghệ An gửi hoả tốc, với nội dung tái yêu cầu Toà Giám mục không bố trí công tác phục vụ cho Linh mục Đặng Hữu Nam tại tỉnh Nghệ An.
Theo thông tin nhận được thì sáng ngày mai, Chủ nhật, 7 tháng 5, tại địa bàn xã Quỳnh Nghĩa và trường cấp hai Quỳnh Bảng sẽ có các cuộc biểu tình lớn hơn gồm các học sinh của trường cấp ba Quỳnh Lưu 3 và các trường cơ sở trên địa bàn:
“Theo như tôi được biết ngày mai mới là đông. Bởi vì Sở Giáo dục và phòng Giáo dục huyện Quỳnh Lưu huy động tất cả các em học sinh từ tiểu học cho đến cấp 3 sẽ tổ chức biểu tình phản đối tôi bằng cách đấu tố như thế.”
Cũng theo lời Linh mục Nam, ông đã yêu cầu người dân trong giáo xứ chuẩn bị nước uống và nhà tiếp tế để hỗ trợ cho đoàn biểu tình ngày mai, như một động thái ủng hộ quyền hiến định. - RFA
|
|
14.
Ông Trọng muốn Trung Ương 'nhìn thẳng sự thật' --- TS Doanh nói về Hội nghị TƯ 5 và ông Thăng --- Hà Nội sắp định đoạt số phận Đinh La Thăng, Võ Kim Cự
Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam vừa khai mạc ngày 5/5. Trong bài phát biểu khai mạc, ngoài các nội dung về kinh tế, Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam còn đề nghị Trung ương “nhìn thẳng vào sự thật”, “đánh giá kỹ lưỡng những ưu điểm, những hạn chế, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư”.
Ông Nguyễn Phú Trọng cho biết Bộ Chính trị, Ban Bí thư hồi tháng 3 đã dành ra 7 ngày để “kiểm điểm”, tự phê bình và phê bình về sự lãnh đạo, chỉ đạo của mình.
Người đứng đầu Đảng Cộng Sản Việt Nam nói quá trình kiểm điểm được thực hiện “bài bản” và “hợp lý”.
“Các báo cáo kiểm điểm đều được chuẩn bị đúng hướng dẫn. Không khí kiểm điểm dân chủ, đoàn kết, thẳng thắn, chân tình”, ông Trọng phát biểu trong lúc khai mạc hội nghị.
Ông Trọng thừa nhận tình hình Việt Nam gần đây có những “vấn đề phức tạp mới nảy sinh” như vụ ô nhiễm môi trường biển miền Trung, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long…
Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đề cập đến các nỗ lực phòng chống tham nhũng, ông nói rằng “có những chuyển biến tích cực, rõ rệt”. Ông dẫn chứng nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng đã được đưa ra xét xử, nhiều sai phạm trong công tác cán bộ, nhiều cán bộ cấp cao vi phạm đã bị kỷ luật nghiêm minh, công khai, “được nhân dân đồng tình và ủng hộ”.
Trên thực tế, các vụ xử lý kỷ luật cán bộ cấp cao gần đây tại Việt Nam đã gây ra khá nhiều tranh cãi và đồn đoán trong giới quan sát và dư luận Việt Nam về “cuộc thanh trừng phe nhóm” trong nội bộ Đảng Cộng Sản.
Nổi bật nhất là vụ “đào thoát” ra nước ngoài của ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang. Vụ này đã dẫn tới hàng loạt các quan chức bị kỷ luật, trong đó có nguyên Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng và 7 cán bộ cao cấp khác. Vụ xử lý kỷ luật có thể xảy ra đối với Bí thư Thành ủy Sài Gòn Đinh La Thăng cũng bị cho là nằm trong loạt đấu đá này.
Trong ngày khai mạc Hội nghị Trung ương 5, ông Nguyễn Phú Trọng khẳng định Bộ Chính trị, Ban Bí thư luôn “vững vàng, đoàn kết” để đưa ra quyết sách kịp thời, được nhân dân “ghi nhận, hoan nghênh”.
Các nội dung khác về việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tái cơ cấu và đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân… cũng là những nội dung được bản thảo tại hội nghị.
Hội nghị Trung ương 5 sẽ kéo dài đến ngày 10/5. - VOA
***
Trong sự thua lỗ trong một dự án của Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam ở Venezuela trách nhiệm của ông Đinh La Thăng 'chỉ là một phần', còn phần trách nhiệm của những người đã có 'quyết định chính trị, giao lại cho ông Đinh La Thăng', nay là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, để ông Thăng khi đó thực hiện 'cũng cần phải được làm rõ', theo ý kiến của một cựu thành viên Tổ tư vấn và Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam trước đây.
Bình luận về Hội nghị Trung ương 5 khóa 12 đang nhóm họp của Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN khóa 12 và Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng, hôm 06/5/2017, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) của Việt Nam, nói:
"Đây được đánh giá là một trong những hội nghị quan trọng, trong Hội nghị này Bộ Chính trị, Ban Bí thư có Báo cáo tự kiểm điểm, coi như là một tự kiểm điểm giữa nhiệm kỳ đối với Ban Chấp hành Trung ương.
"Và trong đó Ban chấp hành Trung ương sẽ thảo luận về những vấn đề như là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam cần phải cải thiện như thế nào, cải cách doanh nghiệp nhà nước như thế nào và kinh tế tư nhân có thể được phát triển như thế nào.
"Ngoài ra còn có một số vấn đề như ông Tổng bí thư nói rất là quan trọng thí dụ như vấn đề kỷ luật mà như người ta đã biết trước khi họp, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng đã nêu lên vấn đề kỷ luật ông Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị và Bí thư thành ủy TP. Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế, xã hội của cả nước. Và vì vậy Hội nghị trung ương này là một Hội nghị rất quan trọng."
'Cần được làm rõ'
Về trường hợp đề nghị kỷ luật liên quan tới ông Đinh La Thăng trong bối cảnh Hội nghị Trung ương 5 nhóm họp, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nói:
"Theo điều lệ của Đảng Cộng sản Việt Nam, thì Ban Chấp hành Trung ương sẽ thảo luận hình thức kỷ luật đối với ông Đinh La Thăng, là Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị và hi nay đang đảm nhận chức vụ Bí thư thành ủy TP. Hồ Chí Minh.
"Và việc đó là việc theo đúng đi lệ. Vấn đề là trách nhiệm của ông Đinh La Thăng đến đâu? Và ông Đinh La Thăng đã chịu trách nhiệm về những vấn đề gì? Còn những vấn đề gì đã có những người khác đã quyết định ông Đinh La Thăng với tư cách là Tổng Giám đốc của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là người thực hiện?
"Thí dụ như dự án mà Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã đầu tư vào Venezuela và sau đó bị thua lỗ do tình hình kinh tế của Venezuela gặp khó khăn nghiêm trọng, phải rút ra, thì sự thua lỗ đó trách nhiệm của ông Đinh La Thăng chỉ là một phần, còn phần trách nhiệm của những người đã có quyết định chính trị, giao lại cho ông Đinh La Thăng để ông Đinh La Thăng thực hiện, thì cũng cần phải được làm rõ," TS Lê Đăng Doanh nói với Quốc Phương của BBC Tiếng Việt.
Được biết, theo thông báo về ngày làm việc thứ hai Hội nghị Trung ương 5 khoá XII được Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam loan hôm thứ Bảy, ngày 6/5, ngày làm việc thứ hai, Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN đã 'thảo luận về Đề án hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và Đề án sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước'.
"Cụ thể, buổi sáng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm việc tại Hội trường, thảo luận về Đề án hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Bộ Chính trị điều hành phiên họp.
"Buổi chiều, Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm việc tại tổ, thảo luận về Đề án sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước," cổng thông tin điện tử của Đảng CSVN cho biết thêm. - BBC
***
Số phận Bí Thư Thành Ủy Sài Gòn Đinh La Thăng, cùng một số ông như Võ Kim Cự, Nguyễn Minh Quang và nhiều ông nữa có thể được định đoạt tại Hội Nghị Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam vừa bắt đầu.
“Hội Nghị Lần Thứ Năm Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng khóa XII” của đảng Cộng Sản Việt Nam đã diễn ra tại Hà Nội ngày 5 Tháng Năm và sẽ kéo dài đến hết ngày 10 Tháng Năm. Tin tức phổ biến trên TTXVN và được nhiều báo chí của Hà Nội thuật lại với hai điểm nổi bật được nêu ra là đối phó với các khó khăn kinh tế và đặc biệt là “xem xét, đánh giá ưu khuyết điểm Bộ Chính Trị, Ban Bí Thư.”
Chuẩn bị cho kỳ hội nghị này, hồi Tháng Ba vừa qua, Bộ Chính Trị, Ban Bí Thư, tức nhóm chóp bu của đảng Cộng Sản Việt Nam đã có màn dành bảy ngày để “tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình về sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính Trị, Ban Bí Thư năm 2016 gắn với thực hiện Nghị Quyết Trung Ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.”
Hơn một tuần lễ trước khi có hội nghị lần thứ 5 của trung ương đảng mới khai diễn, ông Đinh La Thăng, ủy viên Bộ Chính Trị, bí thư Thành Ủy Sài Gòn, đã bị Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương Đảng “đề nghị kỷ luật” liên quan đến những sai phạm xảy ra tại Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam (PVN) khi ông Thăng đứng đầu, giai đoạn từ năm 2006 đến năm 2011.
Hệ thống đảng và nhà nước Việt Nam có bộ phận kiểm tra, thanh tra khắp mọi ban bệ, cơ quan từ trung ương xuống tới các địa phương cấp thấp dày đặc như thế nhưng vấn đề tham nhũng, cậy quyền thế để làm càn theo tinh thần “rừng nào cọp nấy” diễn ra vô cùng phổ biến.
Vài tuần trước đó, vào đầu Tháng Tư thì ông Võ Kim Cự, bị đề nghị cách chức chủ tịch Liên Minh Hợp Tác Xã, đồng thời hàm ý ông cũng sẽ mất luôn cái ghế đại biểu Quốc Hội của Hà Tĩnh. Hồi giữa Tháng Hai, ông (chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Hà Tĩnh 2011-2016) cùng với ông Hồ Anh Tuấn (trưởng Ban Quản Lý Khu Kinh Tế Vũng Áng 2010-2016) đã bị Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương Đảng quy cho “trách nhiệm chính” dẫn đến thảm họa Formosa xả chất thải ra biển.
“Những vi phạm, khuyết điểm của Ban Cán Sự Đảng Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Hà Tĩnh và các đồng chí Võ Kim Cự, Hồ Anh Tuấn là nghiêm trọng, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật,” theo bản thông cáo của Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam ngày 17 Tháng Hai.
Cũng “dính chùm” trọng vụ kỷ luật liên quan tới Formosa còn có Bộ Trưởng Tài Nguyên Môi Trường Nguyễn Minh Quang và hai thứ trưởng bộ này, Bùi Cách Tuyến và Nguyễn Thái Lai.
Việc một thành viên của Bộ Chính Trị bị “đề nghị kỷ luật” là chuyện hiếm xảy ra trong chế độ Hà Nội. Người ta thường chỉ thấy những người bị “kỷ luật” ở cấp bậc thấp hơn như ủy viên trung ương đảng, bộ trưởng, thứ trưởng, bí thư tỉnh ủy… khi mối quan hệ của họ với mấy ông đầu sỏ ngồi trong Bộ Chính Trị có vấn đề.
Để chuẩn bị cho việc thanh trừng ông Đinh La Thăng, mấy tuần lễ gần đây, những thất thoát và bê bối của PVN được nhiều tờ báo khai thác khá tỉ mỉ. Ông Thăng bị cáo buộc đã làm trái các quy định của chế độ về điều hành các công ty quốc doanh nên dẫn tới thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng. Kể cả chuyện “ném qua cửa sổ” hơn $500 triệu vào dự án liên doanh dò tìm dầu khí ở Venezuela, Nam Mỹ. Chuyện thất thoát, thua lỗ và “đắp chiếu” của năm trong số 12 đại dự án thiệt hại hàng chục ngàn tỷ đồng là các dự án công ty con của PVN dưới thời ông Thăng.
Hôm 3 Tháng Năm, bài bình luận trên tờ Nhân Dân viết “dạo đờn” và chuẩn bị dư luận rằng, “Những sai phạm ở PVN và các cá nhân liên quan là rất nghiêm trọng, vừa làm thất thoát khối lượng lớn tài sản nhà nước, vừa làm giảm lòng tin của nhân dân đối với chế độ và đội ngũ cán bộ của đảng, không thể không xử lý, kỷ luật.”
Theo thông lệ, sau các màn đấu tố, hội nghị giữa kỳ của trung ương đảng Cộng Sản Việt Nam sẽ có màn bỏ phiếu kín để quyết định kỷ luật các ông Đinh La Thăng, Võ Kim Cự và nhiều ông khác thế nào. - nguoiviet
|
|
15.
Đảng CS: 12 đại án nhắm vào nhiều ngân hàng --- Ngân hàng sa thải hai cán bộ 'liên quan vụ Bí thư Thăng'
Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII đã khai mạc hôm 5/5 tại Hà Nội.
Trong diễn văn khai mạc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập: "Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng cùng với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh và có những chuyển biến tích cực, rõ rệt."
Ông Nguyễn Phú Trọng cũng là Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Theo thông báo của Ban này, có 12 vụ án quan trọng được lên kế hoạch về kết thúc điều tra, truy tố, xét xử trong năm 2017.
Đáng chú ý, 5 trong 12 vụ này đều liên quan giai đoạn hai trong vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm.
Vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB), Ngân hàng TMCP Sài gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
Đây là giai đoạn hai của vụ án liên quan ông Phạm Công Danh, cựu chủ tịch VNCB.
Ông Danh và các đồng phạm bị cáo buộc rút khoảng gần 7.000 tỷ đồng của VNCB, đem gửi tại ba ngân hàng BIDV, Sacombank, TPBank, dùng số tiền đó bảo lãnh cho 29 lượt công ty của Phạm Công Danh vay tiền.
Ông Danh bị tòa phúc thẩm tháng Giêng 2017 giữ nguyên án 30 năm tù vì hai tội cố ý làm trái và vi phạm quy định cho vay, liên quan giai đoạn một của vụ án.
Vụ án "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" liên quan đến các thành viên Tổ giám sát của Ngân hàng Nhà nước đặt tại Ngân hàng thương mại cổ phần xây dựng Việt Nam (VNCB).
Vụ này cũng liên quan vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm.
Vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" liên quan đến hành vi của Phạm Thị Trang.
Cũng liên quan vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm, vụ này được khởi tố tại tòa hôm 9/9/2016.
Bà Trang bị cáo buộc giúp ông Danh huy động tiền.
Tuy vậy, báo chí trong nước nói bà Trang đã "trốn sang Mỹ".
Vụ án "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" liên quan đến hành vi của nhóm Hội đồng tín dụng ngân hàng Đại Tín gồm Hoàng Văn Toàn và các thành viên khác.
Vụ này cũng được khởi tố tại tòa hôm 9/9/2016 từ vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm.
Cựu Chủ tịch Ngân hàng Đại Tín Hoàng Văn Toàn bị Cơ quan điều tra tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam vào tối 10/1/2017.
Ngân hàng Đại Tín là tiền thân Ngân hàng Xây dựng Việt Nam VNCB.
Ông Toàn cùng các đồng phạm bị cáo buộc có dấu hiệu rút ra hơn 12.000 tỷ đồng của Ngân hàng Đại Tín để sử dụng riêng.
Vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Tín liên quan đến hành vi của Hứa Thị Phấn.
Vụ này cũng được Hội đồng xét xử sơ thẩm khởi tố tại tòa hôm 9/9/2016 từ vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm.
Bà Hứa Thị Phấn nắm giữ hơn 84% cổ phần Ngân hàng Đại Tín (nay là Ngân hàng Xây dựng) trước khi bán cho ông Phạm Công Danh.
Hôm 24/3/2017, nhà của bà ở TPHCM bị khám xét.
Bà bị cáo buộc cùng với các ông như Hoàng Văn Toàn, Trần Sơn Nam "thao túng toàn bộ hoạt động" của Ngân hàng Đại Tín, rút ruột hàng ngàn tỉ đồng.
Vụ án "Vi phạm các quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (Vinaconex)
Khởi tố từ tháng Bảy 2014, vụ này gây lùm xùm vì đến năm 2016 người ta được biết rằng một số lãnh đạo Vinaconex không bị khởi tố.
Vụ án liên quan nhiều lần vỡ đường ống nước sông Đà, gây ảnh hưởng tới hàng trăm nghìn hộ dân.
Đến tháng Tám 2016, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao yêu cầu xem xét lại vụ việc "không khởi tố cựu lãnh đạo Vinaconex" có liên quan.
Trong số người không bị khởi tố có ông Phí Thái Bình (nguyên Chủ tịch HĐQT, sau này là Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội), Nguyễn Văn Tuân, Tổng Giám đốc, Tô Ngọc Thanh, Hoàng Hợp Thương và Vũ Đình Chăm (đều là thành viên HĐQT).
Truyền thông Việt Nam khi đó dẫn lời một số người nói việc này có thể bỏ lọt tội phạm cũng như tạo ra tiền lệ xấu khi xử lý các vụ án tương tự.
Vụ án "Tham ô tài sản", "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty TNHH MTV đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội (Hadico)
Khởi tố ngày 24/2/2015, vụ án liên quan ông Phan Minh Nguyệt, nguyên là Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Hadico.
Khi vụ án được khởi tố năm 2015, ông Nguyệt bị bắt tạm giam khi đang là Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP Hà Nội.
Đến tháng Sáu 2016, Bộ Công an mới hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố ông Phan Minh Nguyệt và 5 đồng phạm.
Ông Phan Minh Nguyệt bị đề nghị truy tố hai tội: Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Tham ô tài sản.
Tháng Tư năm nay, VKSND Tối cao ra cáo trạng truy tố ông Phan Minh Nguyệt.
Vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Công ty cổ phần tập đoàn đầu tư xây dựng nhà đất (Housing Group)
Đây là vụ liên quan cựu đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga, Chủ tịch HĐQT Housing Group.
Mặc dù dự án xây dựng khu nhà CT5 và HH2 tại Cầu Diễn, Hà Nội chưa được chính quyền TP Hà Nội phê duyệt và cấp phép xây dựng, bà Nga vẫn ký kết 752 hợp đồng góp vốn và thu 377 tỷ đồng của các nhà đầu tư.
Thông tin lộ ra nói ra khi bị bắt, bà Nga khai đã chi 1.5 triệu USD cho một doanh nghiệp vàng, bạc đa quý tại Hà Nội để nhờ lo các thủ tục để bà Nga ứng cứ Đại biểu Quốc hội.
Tuy vậy, doanh nghiệp này phủ nhận.
Tháng Sáu 2015, Quốc hội Việt Nam ra Nghị quyết bãi miễn tư cách đại biểu của bà Châu Thị Thu Nga.
Vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính thuộc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)
Công ty cho thuê tài chính (BLC Hà Nội) thuộc Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV).
Ông Bùi Văn Khen (Nguyên giám đốc BLC Hà Nội), Nguyễn Việt Hưng (Trưởng phòng kinh doanh) bị khởi tố vì tội "cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".
Họ bị cáo buộc giải ngân cho công ty Xi măng Lào Cai số tiền là 11,8 tỉ đồng khi chủ đầu tư không có khả năng thanh toán.
Vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" xảy ra tại Chi nhánh Tây Sài Gòn thuộc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam và Công ty TNHH Đầu tư thương mại giao dịch xuất nhập khẩu Thiện Linh
Ông Huỳnh Công Thiện, Giám đốc Công ty TNHH đầu tư Thiện Linh, bị bắt tạm giam ngày 12/1/2016.
Hai cán bộ ngân hàng BIDV chi nhánh Tây Sài Gòn cũng bị bắt tạm giam khi đó.
Ông Thiện bị cáo buộc làm giả hồ sơ vay vốn tại BIDV, vay được 100 tỷ đồng trong khi mất khả năng chi trả.
Vụ án "Lạm quyền trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Chi nhánh 6 TP Hồ Chí Minh thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank)
Vụ này liên quan ông Dương Thanh Cường, từng bị tuyên án chung thân vì tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" ở Agribank.
Tại phiên xử ông Cương, hội đồng xét xử khởi tố thêm một vụ án khác về tội "lạm quyền trong khi thi hành công vụ" liên quan Agribank.
Vụ án "Đưa hối lộ" và "Nhận hối lộ" xảy ra tại Chi nhánh 7 TP Hồ Chí Minh thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank)
Vụ này được tách ra từ một vụ khác đã xử tháng 12 năm 2015 ở Agribank chi nhánh 7, với mức án 20 năm tù cho bị cáo Phạm Văn Cử (nguyên Giám đốc Agribank chi nhánh 7) về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng".
Khi đó ông Cử lại bị khởi tố thêm tại tòa về hành vi đưa hối lộ và nhận hối lộ. - BBC
***
Tin tức nói một ngân hàng ở Việt Nam vừa thông báo sa thải hai cán bộ được cho là liên quan đến công văn "yêu cầu gỡ bỏ toàn bộ ảnh Bí thư TP. Hồ Chí Minh Đinh La Thăng thăm ngân hàng này".
Văn bản ký hôm 5/5 của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) được rò rỉ ra ngoài có nội dung sa thải bà Lê Thị Minh Thảo, Giám đốc Trung tâm Marketing và Phát triển Thương hiệu SHB, và bà Nguyễn Thị Hà, Phó Giám đốc Ban Phát triển Thương hiệu cũng thuộc trung tâm này.
"Lý do xử lý kỷ luật: Vi phạm Nội quy Lao động, làm sai chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao gây thiệt hại nghiêm trọng," văn bản viết.
Động thái này được cho là liên quan đến việc rò rỉ một văn bản khác cũng của ngân hàng này bị lan truyền trên mạng xã hội mấy ngày trước, trong đó viết: "Do yêu cầu mang tính thời điểm, đề nghị các đơn vị kinh doanh trên toàn hệ thống SHB khẩn trương tạm thời gỡ bỏ toàn bộ ảnh Bí thư TP. Hồ Chí Minh Đinh La Thăng thăm và làm việc tại SHB TP. Hồ Chí Minh đang được truyền thông trên màn hình LCD hoặc ảnh treo tại đơn vị."
'Phát triển lành mạnh'
Ông Đinh La Thăng bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương "đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật" do liên quan tới vai trò của ông trong thời gian lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), 2009-2011.
Kiến nghị của Ủy ban đưa ra chỉ ít ngày trước khi khai mạc Hội nghị Trung ương 5, Khóa 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Theo thông tin trên cổng thông tin điện tử Chính phủ TP. Hồ Chí Minh, Bí thư Đinh La Thăng từng tới thăm và làm việc với ngân hàng SHB hồi hơn một năm trước, 3/2016.
"Tại buổi làm việc, Bí thư thành ủy đánh giá cao sự phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững của SHB cũng như những đóng góp của SHB vào sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố," website này viết.
Hôm 6/5, một chuyên gia tài chính đề nghị ẩn danh nói với BBC từ TP Hồ Chí Minh: "Tôi không rõ về mối liên hệ giữa Ngân hàng SHB và ông Đinh La Thăng là thế nào."
"Tuy vậy, có thể hiểu là ngân hàng này muốn giữ hình ảnh thương hiệu tốt, tránh những liên hệ tiêu cực trong bối cảnh ông Thăng đang là người bị đề nghị xử lý kỷ luật."
"Việc ngân hàng này trước đây quảng bá thương hiệu của họ với ông Thăng có thể là vì muốn gắn hình ảnh ngân hàng với một tên tuổi thành công trên chính trường." - BBC
|
|
16.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm Trung Quốc
Ngay sau khi kết thúc Hội nghị Trung ương 5, Chủ tịch Trần Đại Quang của Việt Nam công du Trung Quốc và tham dự Diễn đàn Cấp cao Hợp tác quốc tế ‘Một vành đai, Một con đường’.
Truyền thông Trung Quốc vào chiều ngày 5 tháng 5 dẫn lời của phát ngôn nhân Cảnh Sảng Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết chuyến thăm của chủ tịch nước Việt Nam sang Hoa Lục bắt đầu từ ngày 11 và kết thúc vào ngày 15 tháng 5.
Tại Trung Quốc, ông Trần Đại Quang sẽ có những cuộc họp với lãnh đạo Bắc Kinh. Mục đích nhằm trao đổi quan điểm về việc củng cố mối quan hệ láng giềng được cho là hữu nghị.
Hai phía tăng cường hợp tác thông qua những cuộc gặp cấp cao của hai phía, trao đổi mậu dịch cũng như văn hóa.
Theo phát ngôn nhân Cảnh Sảng thì Trung Quốc mong muốn có những nổ lực chung với phía Việt Nam thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.
Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành trung ương đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII khai mạc vào sáng ngày 5/5 tại Hà Nội, và két dài trong 5 này, bế mạc vào thứ Tư tuần tới 10/10/2017.
Hiện nay dư luận chú ý đến việc Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng sẽ quyết định về trường hợp của Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng, theo đề nghị kỷ luật của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đảng.
Xin nhắc lại, hôm 26/4 vừa qua Ủy ban Kiểm tra trung ương đảng đã đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy TP.HCM, vì những sai phạm của ông Thăng trong thời gian làm Bí thư Ban thường vụ Đảng ủy, hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam từ 2009 đến 2011. - RFA
Link:
http://bit.ly/2kWPNo9
No comments:
Post a Comment