Saturday, May 13, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Bảy 13/5

Tin Thế Giới

1.
Mỹ ‘khó chịu’ vì Trung Quốc mời Bình Nhưỡng dự thượng đỉnh --- Bắc Triều Tiên khuyến cáo Quốc hội Mỹ --- Nhà ngoại giao Bắc Triều Tiên nói sẵn lòng gặp Mỹ trong điều kiện thích hợp

Mỹ ngày 12/5 khuyến cáo Trung Quốc sự hiện diện của Bắc Triều Tiên tại thượng đỉnh “Vành đai-Con đường” của Bắc Kinh cuối tuần này có thể làm ảnh hưởng đến sự tham gia của các nước khác.

Reuters dẫn hai nguồn thạo tin cho hay đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh đã gửi công hàm ngoại giao tới Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu rõ mời Bình Nhưỡng tới thượng đỉnh là gửi ra tín hiệu sai lệch giữa lúc thế giới đang tìm cách áp lực Bắc Triều Tiên về các cuộc thử nghiệm phi đạn và hạt nhân của nước này.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chưa phản hồi yêu cầu bình luận.

Hôm thứ ba, Bắc Kinh loan báo Bình Nhưỡng sẽ gửi một phái đoàn sang thượng đỉnh, nhưng không nêu rõ chi tiết.

Theo nguồn tin được Reuters trích thuật, Mỹ nghĩ rằng không thích hợp để cho Bắc Triều Tiên đóng một vai trò gây chú ý.

Một nguồn tin khác cho Reuters biết một số nước Tây phương có thể sẽ bỏ vài buổi họp tại thượng đỉnh có phái đoàn Bình Nhưỡng tham dự nếu đoàn đại biểu của Bắc Triều Tiên được khoác một vai trò quá quan trọng.

Chưa rõ phái đoàn Triều Tiên sẽ tham dự những phiên họp nào trong thượng đỉnh. Trung Quốc không tiết lộ nhiều thông tin về các phái đoàn tham dự.

Một nguồn tin biết rõ về kế hoạch thượng đỉnh nói với Reuters rằng trưởng phái đoàn Bình Nhưỡng có thể sẽ xuất hiện trên sân khấu trong buổi chụp hình lưu niệm chung với các tham dự viên khác.

Lãnh đạo từ 29 nước sẽ tham gia Diễn đàn Vành đai-Con đường tại Bắc Kinh ngày 14 và 15 tháng này, một sự kiện nhằm cổ súy đề xướng mở rộng liên kết giữa Châu Á, Châu Phi, và Châu Âu qua hàng tỷ đô la đầu tư cơ sở hạ tầng.

Lãnh đạo duy nhất từ nhóm G7 tham dự sự kiện này sẽ là Thủ tướng Italy, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết.

Bắc Kinh ngày 12/5 loan báo Hoa Kỳ sẽ cử phái đoàn tham dự thượng đỉnh dẫn đầu bởi cố vấn Tòa Bạch Ốc Matt Pottinger. - VOA

***
Bắc Triều Tiên ngày 12/5 khuyến cáo Hạ viện Mỹ rằng các biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn chỉ củng cố thêm nỗ lực của Bình Nhưỡng phát triển võ khí hạt nhân.

“Hạ viện Mỹ càng thực thi thêm nhiều luật lệ thù nghịch liều lĩnh, các nỗ lực của Bắc Triều Tiên tăng cường phòng vệ hạt nhân sẽ càng tăng nhịp độ hơn, vượt ngoài sức tưởng tượng của mọi người,” Ủy ban Đối ngoại của Hội đồng Nhân dân Tối cao Bắc Triều Tiên nhấn mạnh trong lá thư được thông tấn xã trung ương KCNA của nhà nước loan tải.

KCNA nói thư được gửi đi ngày 12/5, một tuần sau khi Hạ viện Mỹ thông qua gói chế tài tăng cường trừng phạt Bình Nhưỡng hôm 4/5 giữa bối cảnh căng thẳng Mỹ-Triều dâng cao vì các cuộc thử nghiệm phi đạn và hạt nhân của Bình Nhưỡng bất chấp các nghị quyết Liên hiệp quốc.

Bắc Triều Tiên thường lên án các hành động của Washington, nhưng một lá thư phản kháng gửi trực tiếp từ Bình Nhưỡng tới Quốc hội Mỹ là chuyện hiếm thấy. - VOA

***
Một nhà ngoại giao cao cấp của Bắc Triều Tiên hôm thứ Bảy nói rằng Bình Nhưỡng sẽ sẵn lòng đối thoại với Mỹ - trong điều kiện thích hợp.

Choe Son Hui, Cục trưởng Cục Sự vụ Hoa Kỳ thuộc Bộ Ngoại giao Bắc Triều Tiên, phát biểu như vậy khi trả lời phóng viên tại sân bay quốc tế ở Bắc Kinh trên đường bà về nước từ Na Uy.

"Chúng tôi sẽ có cuộc đối thoại nếu có các điều kiện ở đó," bà nói, theo hãng tin Yonhap, khi được hỏi liệu miền Bắc có đang chuẩn bị để gặp gỡ chính quyền Trump hay không. Ở Oslo, bà Choe đã gặp gỡ các học giả và cựu quan chức Mỹ.

Các quan chức Mỹ chưa bình luận về phát biểu của bà Choe.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tháng trước nói rằng có thể có "xung đột lớn" với Bắc Triều Tiên, nhưng ông muốn một giải pháp ngoại giao hơn cho cuộc xung đột về chương trình hạt nhân và phi đạn của Bắc Triều Tiên.

Sau đó, ông Trump nói ông sẽ "lấy làm vinh hạnh" gặp gỡ lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un trong điều kiện thích hợp.

Moon Jae-in, tân tổng thống Hàn Quốc vừa nhậm chức trong tuần qua, cho biết ông cũng sẽ sẵn lòng đến Bắc Triều Tiên trong điều kiện thích hợp. - VOA
|
|

2.
Mỹ sẽ ‘cứng rắn’ với Trung Quốc về thương mại

Thượng viện Hoa Kỳ ngày 11/5 chuẩn thuận ông Robert Lighthizer, 69 tuổi, làm Đại diện Thương mại Mỹ, với 82 phiếu thuận và 14 phiếu chống. Với cương vị này, ông Lighthizer sẽ có quyền thi hành và thương thuyết lại những thỏa thuận thương mại mà phần lớn trong số này bị Tổng thống Trump xem là đã cướp đi việc làm của dân Mỹ.

Ông Robert Lighthizer là tiếng nói chỉ trích lâu nay rằng Hoa Kỳ thiệt thòi quá nhiều trước những chính sách thương mại lạm dụng của Trung Quốc, để thâm thủng mậu dịch và khiến cho các công xưởng Mỹ phải đóng cửa.

Giờ đây, luật sư thương mại kỳ cựu này có cơ hội để thay đổi thực trạng này.

Là người trong giới hoạch định chính sách thương mại tại Washington gần 4 thập niên, ông Lighthizer nổi tiếng là một nhà thương thuyết sắc sảo. Và như Tổng thống đã chọn ông, ông Lighthizer đại diện bước khởi đầu cho một Đảng Cộng hòa trong nhiều chục năm ủng hộ tự do mậu dịch để đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế.

“Tôi đồng ý với Tổng thống Trump là chúng ta nên có một chính sách về thương mại đặt ‘nước Mỹ trên hết’ ‘và chúng ta có thể làm tốt hơn trong việc thương thuyết các thỏa thuận mậu dịch, mạnh mẽ hơn trong việc thực thi luật lệ của chúng ta,” ông từng tuyên bố trước một ủy ban của Thượng viện.

Ông Lighthizer được đề cử đánh đi một tín hiệu khác nữa là chính quyền Trump có ý định đảo ngược chính sách của Mỹ trong nhiều thập niên qua và hành động tích cực ngăn hàng nhập khẩu từ các nước cạnh tranh không công bằng. - VOA
|
|

3.
Phản lực Nga áp sát máy bay do thám Mỹ

Hải quân Mỹ ngày 12/5 loan báo trong tuần này, một máy bay phản lực Nga áp sát máy bay do thám Mỹ trong cự ly 6 mét trên Hắc Hải, đồng thời mô tả đây là vụ ‘tiếp cận’ chuyên nghiệp.

Bộ Quốc phòng Nga nói máy bay phản lực Nga bay lên nghênh đón máy bay P-8A Poseidon của Hải quân Mỹ trên không phận quốc tế hôm 9/5 khi máy bay Mỹ bay gần lãnh thổ Nga.

Tuyên bố của Bộ cho biết phi công Nga bay cách máy bay do thám Mỹ “một khoảng cách an toàn” để xác nhận đây là một máy bay Mỹ, rằng máy bay Mỹ đã đổi hướng sau đó và máy bay Nga trở về căn cứ.

Phát ngôn viên Hải quân Mỹ, Pamela Kunze, nói vụ này được thực hiện “một cách an toàn và chuyên nghiệp,” hạ thấp tầm quan trọng của cự ly máy bay Nga áp sát máy bay Mỹ.

Bà Kunze nói: “Về tương tác trên không, khoảng cách, tốc độ, tầm cao, mức độ gần, tầm nhìn và những yếu tố khác tác động đến việc xem sự việc có an toàn hay không, chuyên nghiệp hay không. Mỗi một sự kiện đều khác nhau và một yếu tố đơn lẻ không nói lên bản chất sự kiện.”

Bà Kunze cho biết máy bay và tàu chiến của Hải quân Mỹ tương tác với các đối tác Nga trong vùng biển quốc tế thường xuyên, nhưng bà không cho biết thêm chi tiết về vụ việc hôm 9/5.

Đây là trường hợp mới nhất trong một loạt các vụ ‘áp sát đối phương’ giữa máy bay Mỹ và máy bay Nga.

Tháng 2 vừa qua, 4 máy bay Nga bay vần vũ trên một khu trục hạm của Hải quân Mỹ tại Hắc Hải với cao độ chỉ 91 mét.

Tháng trước, quân đội Mỹ ngăn chặn hai máy bay ném bom Nga trên không phận quốc tế ngoài khơi bờ biển Alaska. Vụ đó cũng được Hải quân Mỹ mô tả tương tự là “an toàn và chuyên nghiệp.” - VOA
|
|

4.
Pháp-Anh-Mỹ-Nhật khởi động lại đợt tập trận tại đảo Guam

Đợt tập trận đổ bộ tại khu vực đảo Guam thuộc Mỹ ở vùng Thái Bình Dương đã được liên quân 4 nước Pháp, Anh, Mỹ và Nhật Bản khởi động vào hôm nay, 13/05/2017, một hôm sau khi phải đình hoãn do việc một tàu đổ bộ của Pháp bị mắc cạn.

Theo thượng úy Joshua Hays, một phát ngôn viên của Sư Đoàn 3 Thủy Quân Lục Chiến Mỹ, nội dung tập trận hôm nay bao gồm việc bính lính Nhật Bản tập đổ bộ lên đảo bằng xuồng cao su. Vào ngày mai sẽ là nội dung tập trận bắn đạn thật, phối hợp giữa lực lượng Pháp và các đơn vị thủy quân lục chiến Mỹ.

Bên cạnh đó cũng có những bài tập phối hợp hành động giữa quân đội các nước khác nhau, chẳng hạn như các trực thăng Anh Quốc đáp xuống tàu chở trực thăng Pháp để không vận các đơn vị thủy quân lục chiến Mỹ lên bờ.

Theo hãng tin Mỹ AP, đợt trận kéo dài một tuần lễ, có cả quân đội Anh tham gia, đã được tổ chức nhằm cổ vũ cho quyền tự do hàng hải trên các vùng biển quốc tế, trong bối cảnh ngày càng có nhiều mối quan ngại là Trung Quốc có thể hạn chế quyền tự do đi lại trên vùng Biển Đông, mà hầu như toàn bộ diện tích bị Bắc Kinh cho là thuộc chủ quyền của họ.

Đợt tập trận được tổ chức ở khu vực xung quanh hai đảo Guam và Tinian, thuộc chủ quyền Hoa Kỳ, nằm cách Manila khoảng 1.500 hải lý về phía đông và Tokyo về phía nam.

Tham gia đợt tập trận, ngoài lực lượng Mỹ, như vậy là có hai chiến hạm Pháp - tàu chở trực thăng Mistral và hộ tống hạm tàng hình Courbet – chở theo một số trực thăng Anh Quốc cùng 70 lính Anh. Nhật Bản cũng cử một lực lượng bao gồm 50 quân nhân và 160 thủy thủ cùng chiến thuyền đổ bộ.

Đợt tập trận đã được tái khởi động, sau một ngày tạm hoãn do việc một chiếc tàu đổ bộ Pháp bất ngờ bị mắc cạn, buộc giới chức chỉ huy cuộc tập trận phải đình chỉ cuộc thao diễn để thẩm định tình hình. - RFI
|
|

5.
Pháp: Đảng cánh trung thỏa thuận với Macron về danh sách ứng cử Quốc Hội

Tại Pháp, tối qua 12/05/2017 chủ tịch đảng cánh trung MoDem, ông François Bayrou loan báo đã đạt được một thỏa thuận « vững chắc và quân bình » với đảng Cộng Hòa Tiến Bước của tổng thống tân cử Emmanuel Macron về danh sách các ứng cử viên Quốc Hội, kết thúc 24 tiếng đồng hồ căng thẳng giữa hai đồng minh.

Hai ê-kíp đã cùng bàn bạc suốt bốn tiếng đồng hồ tối qua để chốt được danh sách các ứng cử viên. Trước đó ông François Bayrou đã bất đồng về danh sách 428 người do Cộng Hòa Tiến Bước đưa ra, cho rằng đảng MoDem bị thiệt thòi, vì chỉ được giới thiệu khoảng 40 người, trong khi ông đòi hỏi phải có khoảng 100 ứng cử viên cho cuộc bầu cử Quốc Hội ngày 11 và 18 tháng Sáu tới.

Ông Bayrou không tiết lộ chi tiết về những thay đổi trong danh sách, chỉ thông báo là một nữ ứng cử viên của MoDem sẽ thay thế ông Rennes Gaspard Gantzer, cố vấn truyền thông của tổng thống mãn nhiệm François Hollande, và là bạn học cùng khóa với tổng thống tân cử Emmanuel Macron ở ENA. Ông Gantzer tối qua đã từ chối đề nghị ra tranh cử tại Bretagne, trước những phản ứng bất lợi thấy rõ.

Năm ngày sau khi Emmanuel Macron đắc cử tổng thống, liên minh giữa phong trào của ông với MoDem lần đầu tiên đã bị chao đảo do sự phản đối của cánh trung. Thêm vào đó là tranh cãi về việc đồng ý cho cựu thủ tướng Manuel Valls tham gia hay không, và rốt cuộc Cộng Hòa Tiến Bước không chấp nhận ông Valls, nhưng cũng không đưa người ra tranh cử tại đơn vị bầu cử Essonne của ông.

Trong khi đó đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa (LR) muốn sát cánh với nhau, hầu đạt được kết quả tốt trong kỳ bầu cử Quốc Hội. Đảng này tố cáo Macron muốn khuyến dụ một số tên tuổi cánh hữu, cũng như số lượng cựu dân biểu đảng Xã Hội hiện diện trong danh sách.

Riêng dân biểu Bruno Le Maire của LR đề nghị tổng thống tân cử nên bổ nhiệm thủ tướng là người của cánh hữu, vì nhiều cử tri thiên hữu đã dồn phiếu cho ông Macron trong vòng hai. Tên tuổi tân thủ tướng sẽ được tiết lộ vào thứ Hai tới, sau khi cựu và tân tổng thống chuyển giao quyền lực Chủ nhật này. - RFI
|
|

6.
Tranh luận dữ dội giữa các ứng cử viên tổng thống Iran

Cuộc tranh luận truyền hình lần thứ ba và cũng là lần cuối cùng giữa sáu ứng cử viên tổng thống Iran diễn ra hôm qua 12/05/2017, với những cuộc tấn công ác liệt cũng như những cáo buộc tham nhũng và quản lý tồi.

Tổng thống mãn nhiệm Hassan Rohani - từng chiến thắng vẻ vang bốn năm trước đây, với lời hứa sẽ đưa Iran thoát khỏi tình trạng cô lập – thứ Sáu 19/5 tới sẽ phải đối đầu với năm đối thủ khác. Trong đó có ứng viên bảo thủ Ebrahim Raisi được giáo chủ Ali Khomenei đỡ đầu, và Mohammad Baqer Qalibaf, đương kim đô trưởng Teheran.

Từ Teheran, thông tín viên RFI Siavosh Ghazi cho biết thêm chi tiết cụ thể :

« Hai ứng cử viên bảo thủ tố cáo chính phủ Rohani đã làm gia tăng tình trạng nghèo khó, và chỉ quan tâm đến một thiểu số người giàu. Tương tự, họ cáo buộc ông Hassan Rohani đã không đấu tranh chống tham nhũng - như đô trưởng Teheran, người ra tranh cử trong cuộc bầu cử ngày 19 tháng Năm tới, đã khẳng định.

Ông Qalibaf nói : « Chính ông phải hành động chống lại nạn tham nhũng. Ông biết những người thân cận của ông đã làm những gì trong các lãnh vực tài chính, ngân hàng và kinh tế. Vì sao ông chẳng làm gì cả, đó là vì ông cũng thủ lợi ».

Trước những cáo buộc này, ông Hassan Rohani khẳng định các đối thủ của ông thiếu kinh nghiệm, nhất là về ngoại giao. Ông bảo vệ thành quả nhiệm kỳ của mình, đặc biệt là hiệp định nguyên tử và việc quốc tế dỡ bỏ một phần các biện pháp trừng phạt. Rohani cũng hứa hẹn sẽ làm cho các trừng phạt khác được bãi bỏ.

Ông Rohani nói : « Tôi đã sẵn sàng, ngoài các trừng phạt về nguyên tử mà tôi đã gỡ được trong những năm gần đây, tiếp tục tháo gỡ các biện pháp trừng phạt khác nhắm vào Iran ».

Có điều tổng thống Rohani còn phải tính đến chính quyền Mỹ của ông Donald Trump, vốn có chính sách thù địch đối với Iran. »

Reuters cho biết thêm, trong ba tiếng đồng hồ tranh luận, ông Rohani đã tấn công vào những mục tiêu lâu nay bất khả xâm phạm, như định chế tư pháp và Pasdaran, đơn vị tinh nhuệ của Vệ Binh Cách Mạng đang kiểm soát phần lớn nền kinh tế quốc gia. Ông cũng tố cáo đô trưởng Qalibaf, cựu chỉ huy Vệ Binh Cách Mạng và giám đốc cảnh sát, là một kẻ lưu manh đã tự khoe khoang việc trấn áp các thanh niên biểu tình. - RFI
|
|

7.
Venezuela: Đến lượt các cụ già xuống đường đòi ‘‘tương lai’’ cho con cháu

Hàng nghìn cụ ông, cụ bà Venezuela đã tuần hành với ghế lăn và gậy chống, ngày hôm qua, 12/05/2017, tại thủ đô Caracas, để đòi tổng thống Maduro có biện pháp bảo đảm dược phẩm và thực phẩm cho các cháu. Biểu tình do đối lập tổ chức diễn ra ngay sau hôm bộ trưởng Y Tế bị sa thải, vì công bố các số liệu báo động về tình trạng trẻ tử vong rất cao.

Cuộc tuần hành của những người cao tuổi đã diễn ra tại phía đông thủ đô Caracas và nhiều thành phố khác trên khắp cả nước. Riêng tại Caracas, đoàn tuần hành bị an ninh ngăn không cho vào trung tâm thành phố.

Gilma Bernal, một người bà có ba cháu, không kìm được nước mắt khi, trả lời thông tín viên RFI Julien Gonzalez. Bà cho biết : « Tôi đến đây vì tất cả những anh hùng, các sinh viên, các thanh niên, đã ngã xuống trong các cuộc biểu tình. Họ ở lứa tuổi các cháu tôi. Trước kia, chúng tôi từng có một cuộc sống dễ chịu hơn nhiều, chúng tôi đã làm việc nhiều, nhưng chúng tôi đã có tất cả. Còn bây giờ, tôi phải xếp hàng để mua một thứ gì đó cho các cháu tôi, một bữa sáng, hay một bữa trưa. Với chính phủ này, các cháu tôi không có tương lai ».

Carlos Danos, một nhân viên Nhà nước về hưu chia sẻ cùng một nỗi giận dữ và tình cảm bất lực : « chính quyền vừa tăng lương hưu 85.000 bolivar, nhưng khoản tiền này chỉ đủ để mua được một hộp trứng to, nửa cân pho mát ». Theo ông, chế độ hưu trí tại Venezuela là « tồi tệ nhất hành tinh ».

Để đáp trả cuộc tuần hành giận dữ này, chính quyền Venezuela đã tổ chức tại trung tâm thành phố một mít tinh lớn khác, cũng toàn do người hưu trí thân chính quyền tham gia.

Đợt biểu tình phản kháng tại Venezuela diễn ra từ đầu tháng 4. Một trong những dấu hiệu thể hiện sự lúng túng của chính quyền, đó là việc bộ Y Tế phải cung cấp số liệu về tử vong trẻ em, tăng hơn 30% giữa hai năm 2015 và 2016. Các nguyên nhân chính là viêm đường hô hấp, nhiễm trùng máu. Theo hiệp hội y tế Venezuela, các bệnh viện hiện chỉ được cấp 3% thuốc men cần thiết.

Hôm nay, tổ chức bảo vệ nhân quyền Foro Penal tố cáo tòa án quân sự của chính quyền Venezuela đã bỏ tù ít nhất 155 thường dân kể từ đầu cuộc phản kháng. Một quan chức cao cấp trong ngành tư pháp Venezuela hôm thứ Tư cũng lên án tình trạng chính quyền sử dụng tòa án quân sự để kết án những người biểu tình bị bắt. - RFI
|
|

8.
Hàn Quốc hủy kế hoạch bắt dùng sách sử quốc doanh

Tân Tổng thống Hàn quốc, Moon Jae-in, ngày 12/5 hủy kế hoạch đưa sách giáo khoa do nhà nước soạn thảo vào học đường, xóa một chính sách quan trọng của người tiền nhiệm bảo thủ đã bị lật đổ Park Geun-hye.

Lệnh của ông Moon đưa ra cho Bộ Giáo dục căn cứ vào “ý chí sắt đá” của ông rằng không nên chính trị hóa giáo dục về lịch sử, Văn phòng Tổng thống cho biết.

Nhiều sử gia và giảng viên đã phản đối kế hoạch của cựu Tổng thống Park đưa sách giáo khoa do chính phủ biên soạn vào các trường cấp 2 và cấp 3 vì xem đây là nỗ lực xóa sạch những sai lầm của các chế độ độc tài tàn bạo trước khi Hàn Quốc chuyển tiếp sang dân chủ cuối những năm 1980. Cha của bà Park từng là một nhà độc tài.

Sự chống đối mạnh mẽ đã khiến chính phủ của bà Park dời hoãn kế hoạch từ năm 2017 sang năm 2018. Bộ Giáo dục từng tuyên bố sẽ buộc các trường học sử dụng sách giáo khoa của nhà nước. Đầu năm nay, Bộ đã chuyển sang một lập trường mềm dẻo hơn, nói rằng các trường học có thể tiếp tục tự do sử dụng các sách giáo khoa của các nhà xuất bản tư nhân sau năm 2018.

Thân phụ cựu Tổng thống Park là nhà độc tài quân phiệt Park chung-hee. Ông cai trị Hàn Quốc trong những năm 1960 và 1970, với di sản là một chiến lược gia kinh tế thành công nhưng bị tai tiếng về thành tích đàn áp dân chúng khốc liệt. Ông ban hành sách giáo khoa lịch sử do nhà nước soạn thảo vào năm 1974, hai năm sau khi ông công bố thiết quân luật giữa những cuộc biểu tình ngày càng sâu rộng của sinh viên và đưa ra một Hiến pháp mới giúp ông làm Tổng thống suốt đời. Ông bị ám sát vào năm 1979.

Hàn Quốc bắt đầu cho tự do phát hành các sách giáo khoa lịch sử đầu những năm 2000, và kể từ năm 2011, tất cả các sách giáo khoa sử dụng trong các trường cấp 2 và cấp 3 đều do các nhà xuất bản tư nhân soạn thảo.

Với lệnh của ông Moon ngày 12/5, các trường học sẽ tiếp tục dùng sách giáo khoa của các nhà xuất bản tư nhân như hiện nay.

Khi kêu gọi sử dụng sách giáo khoa lịch sử do nhà nước phát hành, cựu Tổng thống Park Geun-hye cho rằng điều quan trọng là giáo dục lịch sử phải khơi dậy lòng yêu nước trong sinh viên và những sách giáo khoa hiện hữu quá tả khuynh và khuyến khích những quan điểm có cảm tình với Bắc Triều Tiên. - VOA
|
|

9.
Tấn công mạng lan khắp toàn cầu, mối đe dọa tạm thời hạ giảm --- Tin tặc tấn công Châu Âu, tống tiền bệnh viện Anh

Một cuộc tấn công mạng toàn cầu lợi dụng những công cụ xâm nhập tin tặc được cho là do Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ phát triển đã nhiễm hàng chục ngàn máy tính ở gần 100 quốc gia, gây gián đoạn hệ thống y tế của Anh và công ty vận chuyển hàng toàn cầu FedEx.

Những phần mềm độc hại được gọi là “ransomware” đã mã hóa dữ liệu trên các máy tính, đòi nạn nhân trả từ 300 đến 500 đôla để khôi phục truy cập. Các nhà nghiên cứu bảo mật cho biết họ quan sát thấy một số nạn nhân trả tiền thông qua đồng tiền kỹ thuật số bitcoin, dù họ không biết bao nhiêu phần trăm những người này đã chịu nộp tiền chuộc.

Các nhà nghiên cứu thuộc công ty sản xuất phần mềm bảo mật Avast cho biết họ ghi nhận 57.000 vụ tấn công tại 99 quốc gia, với Nga, Ukraine và Đài Loan là những mục tiêu hàng đầu.

Một số chuyên gia cho biết mối đe dọa giờ đã hạ giảm, một phần là nhờ một nhà nghiên cứu ở Anh, người từ chối tiết lộ danh tính của mình, đăng ký một tên miền mà ông nhận thấy phần mềm độc hại này đang cố gắng kết nối, và việc này đã hạn chế sự lây lan của nó.

Nhưng những kẻ tấn công có thể chỉnh sửa mã và khởi động lại chu kỳ. Nhà nghiên cứu ở Anh này nói với hãng tin Reuters rằng ông chưa thấy bất kỳ điều chỉnh nào như vậy, "nhưng họ sẽ làm."

Trong khi đó ở Châu Á, một số bệnh viện, trường học, trường đại học và những cơ sở khác đã bị ảnh hưởng, dù vẫn chưa rõ mức độ thiệt hại tổng thể ra sao vì đang là cuối tuần.

Tân Hoa Xã, cơ quan thông tấn chính thức của Trung Quốc, cho biết một số trường trung học và đại học đã bị ảnh hưởng, nhưng không nêu rõ bao nhiêu hoặc xác định đó là những trường nào.

Tại Việt Nam, Vũ Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch phụ trách mảng Chống mã độc của công ty an ninh mạng Bkav, cho biết hàng chục trường hợp đã được báo cáo ở đây, nhưng ông từ chối xác định các nạn nhân này là ai.

Thông tấn xã Yonhap của Hàn Quốc đưa tin một bệnh viện trường đại học bị ảnh hưởng, trong khi một quan chức truyền thông ở Indonesia cho biết hai bệnh viện ở đó bị ảnh hưởng.

Các cuộc tấn công gây gián đoạn nhất được báo cáo ở Anh, nơi các bệnh viện và phòng khám đã buộc phải từ chối tiếp nhận bệnh nhân sau khi mất khả năng truy cập máy tính vào ngày thứ Sáu.

Công ty vận chuyển hàng quốc tế FedEx cho biết một số máy tính dùng hệ điều hành Windows của họ cũng bị nhiễm.

Các công ty an ninh mạng tư nhân xác định ransomware này là một biến thể mới của "WannaCry" vốn có khả năng tự động lan truyền khắp các mạng lưới lớn bằng cách khai thác một lỗi được biết đến trong hệ điều hành Windows của Microsoft. Microsoft cho biết họ đang tung ra những bản cập nhật Windows để bảo vệ khách hàng khỏi WannaCry. - VOA

***
Nhiều bệnh viện trên khắp nước Anh đã trở thành mục tiêu của một cuộc tấn công mạng quy mô hôm thứ Sáu 12/5, làm hệ thống máy tính của các bệnh viện phải ngưng hoạt động, và buộc bệnh viện phải hủy nhiều cuộc hẹn với bệnh nhân.

Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS), máy tính của các bệnh viện bị nhiễm mã độc, ngăn chặn việc sử dụng hệ thống máy tính cho tới khi nào nạn nhân đồng ý trả tiền chuộc cho những kẻ tấn công để hóa giải hậu quả vụ tin tặc.

Ảnh tải lên các trang mạng xã hội chụp màn ảnh các máy tính của NHS với những dòng chữ như: “Ooops, đáng tiếc hồ sơ của bạn đã bị mã hóa”, và loan báo đòi 300 đồng bitcoin, một loại tiền tệ trên mạng.

Có ít nhất 16 tổ chức của Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh bị tác động trong vụ tin tặc dùng mã độc này.

Các bệnh viện nạn nhân tin tặc bị buộc phải hủy các cuộc hẹn với bệnh nhân, và phải yêu cầu xe cứu thương chuyển hướng sang các cơ sở khác. Tuy nhiên NHS cho biết các dữ kiện liên quan tới hồ sơ bệnh nhân không bị xâm phạm.

Trong một thông báo NHS nói:

“Ban Kỹ thuật số của NHS đang hợp tác chặt chẽ với Trung tâm An ninh Mạng Quốc gia, Bộ Y tế và Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh để hỗ trợ các cơ sở bị tác động, và đề nghị những biện pháp khắc phục.”

NHS nói họ không phải là đích bị nhắm tấn công riêng, mà cuộc tấn công mạng này “tác động đến nhiều tổ chức trong một loạt lĩnh vực hoạt động khác nhau.”

Cũng vào cùng giờ thứ Sáu, Bộ Năng lượng Tây Ban Nha báo cáo một loạt cuộc tin tặc cũng dùng mã độc nhắm vào nhiều công ty Tây Ban Nha, kể cả tập đoàn viễn thông khổng lồ Telefonica. Hiện không rõ liệu hai vụ tin tặc này có liên hệ gì với nhau không.

Công ty viễn thông Telecom Portugal cũng bị tin tặc tấn công, nhưng không có dịch vụ nào bị ảnh hưởng, theo một nữ phát ngôn viên của công ty. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

10.
Donald Trump gây áp lực buộc cựu giám đốc FBI im lặng

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ngày càng lún sâu vào bê bối chính trị với vụ sa thải giám đốc Cục Điều Tra Liên Bang FBI, hôm thứ Ba, 09/05/2017. Các thông điệp mà ông Trump liên tiếp đưa ra sau đó để bào chữa hay để đe dọa càng khiến công chúng nhớ đến vụ bê bối Watergate, đã dẫn đến sự ra đi của tổng thống Nixon. Hôm qua 12/05, Donald Trump tung một Twitter ngầm ý là cuộc nói chuyện với cựu lãnh đạo FBI có thể đã bị ghi lén, để gây áp lực buộc ông James Comey phải im lặng.

Hành động nói trên không khác đổ thêm dầu vào lửa, thông tín viên Gregoire Pourtier tường trình từ New York,

"Thái độ của tổng thống Donald Trump trong tuần lễ vừa qua càng ngày càng nhắc người ta nhớ đến cựu tổng thống Richard Nixon. Thật khó mà không so sánh giữa vụ sa thải giám đốc FBI James Comey hôm thứ Ba, với vụ cách chức người phụ trách điều tra bê bối Watergate hồi 1973.

Hôm thứ Tư, Donald Trump thậm chí còn chụp hình chung không chút ngượng ngùng với Henry Kissingger, viên ngoại trưởng gây nhiều tranh cãi của tổng thống Nixon. Hôm qua, ông Trump còn hàm ý cho biết là có thể các cuộc nói chuyện với cựu giám đốc FBI đã bị ghi âm. Một thói quen kỳ quặc từng buộc Nixon phải trả giá đắt, với việc từ chức tổng thống.

Thông điệp mới trên Tweeter trong đó Donald Trump đe dọa cựu giám đốc FBI đã mở ra một mặt trận mới chống lại Nhà Trắng.

Có thể thấy, ngay cả khi đã có sẵn một nghi án lơ lửng trên đầu, với cuộc điều tra về khả năng Nga can dự giúp ông Trump đắc cử, tổng thống Mỹ mỗi ngày lại tự đâm thêm một chiếc gai vào chân mình. Tối hôm qua, Dick Durbin, một chính trị gia Dân Chủ kỳ cựu, thậm chí còn cho rằng việc sa thải giám đốc FBI có thể coi như một hành động ngăn cản tư pháp, bởi Donald Trump cũng thừa nhận đã trách cứ nguyên giám đốc FBI về các điều tra trong vụ này. Thượng nghị sĩ Dân Chủ cho biết thêm là các thông điệp đe dọa được che đậy trên Twitter nhắm vào James Comey có thể đã phạm luật Hoa Kỳ.

Nếu như vẫn còn khó hình dung về việc khởi sự một thủ tục phế truất Donald Trump trong hiện tại, do việc đảng Cộng Hòa đang kiểm soát đa số tại Hạ Viện, nhưng một kịch bản như vậy đã bắt đầu được báo chí nói đến nhiều. Năm 1974, tổng thống Nixon đã chọn con đường từ chức, hơn là phải chịu hình thức hạ nhục tột cùng này". - RFI
|
|

11.
Michelle Obama chỉ trích chính quyền Trump về quy định dinh dưỡng cho trẻ em

Cựu đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama chỉ trích quyết định của chính quyền Trump trì hoãn những quy định của liên bang nhằm làm cho các bữa ăn trưa trong trường lành mạnh hơn, trong lần xuất hiện đầu tiên gây chú ý trước công chúng kể từ khi rời Tòa Bạch Ốc.

Bà Obama, người đã dẫn đầu một nỗ lực toàn quốc nhằm giảm thiểu tình trạng béo phì ở trẻ em khi còn là đệ nhất phu nhân, phát biểu trước một hội nghị y tế hàng năm ở Washington hôm thứ Sáu rằng những bữa ăn trưa trường học nhiều dinh dưỡng hơn là điều quan trọng vì hàng triệu trẻ em nhận được những bữa ăn do liên bang trợ cấp tại trường.

Bà nói những bữa ăn trưa trường học lành mạnh hơn không phải là một vấn đề chính trị.

Các chuyên gia y tế nói rằng trẻ em ở Mỹ không tập thể dục đủ và rằng 1 trong 6 em bị thừa cân.

Không gọi tên chính quyền Trump, bà Obama kêu gọi các cha mẹ suy nghĩ về những chỉ thị của chính phủ mới và động cơ đằng sau chúng.

Chính quyền Trump gần đây nói sẽ trì hoãn những quy định của liên bang mà bà Obama cổ súy nhằm cố gắng làm cho các bữa ăn trưa trong trường học lành mạnh hơn. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

12.
Ông Đinh La Thăng còn bị ‘xử’ tiếp?

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hôm 13/5 tuyên bố rằng ông Đinh La Thăng mới chỉ bị xử lý “về mặt đảng”, ít ngày sau khi quan chức từng có nhiều tuyên bố thẳng thừng bị kỷ luật và thuyên chuyển công tác.

Cổng thông tin của chính phủ Việt Nam dẫn lời người đứng đầu đảng cầm quyền nói với cử tri ở Hà Nội rằng “còn về mặt chính quyền đang tiếp tục xử lý” và rằng “các cơ quan có trách nhiệm vẫn đang tiếp tục thực hiện”.

Ông Trọng được dẫn lời nói rằng đây là “lần đầu tiên chúng ta xử lý một đồng chí ủy viên Bộ Chính trị liên quan đến quản lý kinh tế”, nhưng không nói rõ việc “xử lý về mặt chính quyền” đối với ông Thăng sẽ được thực hiện như thế nào.

Trong cuộc họp với các cử tri, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam được VGP News trích lời nói phải “xử lý nghiêm tham nhũng, đúng người đúng tội”.

Ông Trọng cho biết rằng từ đầu năm 2016 đến nay, “đã chỉ đạo khởi tố 9 vụ án với 64 bị can, tiếp tục điều tra bổ sung 11 vụ với 169 bị can, xét xử sơ thẩm 9 vụ với 125 bị cáo, tuyên phạt 2 án tử hình, 4 án chung thân, 5 bị cáo 30 năm tù và 99 bị cáo dưới 30 năm tù; xét xử phúc thẩm 8 vụ án với 79 bị cáo, tuyên án tử hình 2 bị cáo, chung thân 4 bị cáo, 30 năm tù 2 bị cáo”.

Ông Đinh La Thăng đã bị loại khỏi Bộ Chính trị, đồng nghĩa với việc “mất ghế” Bí thư Thành ủy Sài Gòn, vì những sai phạm về chính sách khi lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, nhưng sau đó lại được bổ nhiệm vào cơ quan tham mưu kinh tế cho Đảng.

Trong một tin loan hôm 12/5 mà các nhà phân tích cho là có liên quan, “đoàn công tác của Bộ Chính trị vừa công bố kế hoạch kiểm tra công tác cán bộ tại Bộ Giao thông Vận tải”, nơi ông Thăng từng làm lãnh đạo.

Hôm 10/5, lên tiếng lần đầu tiên sau khi bị loại khỏi Bộ Chính trị, ông Thăng được báo chí trong nước trích lời nói đã “nhận thức sâu sắc” các sai phạm, đồng thời “xin lỗi” đảng và nhân dân.

Giới quan sát cho rằng vụ kỷ luật cựu Bộ trưởng Giao thông Vận tải này là một sự khởi đầu của chiến dịch chống tham nhũng kiểu “đả hổ diệt ruồi” của Trung Quốc.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mở chiến dịch chống tham này năm 2012, và tin cho hay, cho tới nay, hơn 120 quan chức cấp cao “đã sa lưới”, và hàng nghìn người bị truy tố. - VOA
|
|

13.
Mã độc tống tiền lan tới Việt Nam

Một tập đoàn cung cấp phần mềm chống virus của Việt Nam hôm 13/5 thông báo đã ghi nhận “các trường hợp lây nhiễm” mã độc đòi tiền chuộc có tên Wanna Crypt0r hay còn được nhiều người biết tới với tên gọi WannaCry (muốn khóc).

Trước đó, các chuyên gia của công ty thiết kế phần mềm bảo mật Avast được các hãng truyền thông quốc tế dẫn lời nói rằng họ đã phát hiện hơn 120 nghìn trường hợp bị lây nhiễm mã độc ở 99 nước, trong đó có Việt Nam.

Thông cáo đăng trên trang web của Bkav có đoạn: “Ngay trong sáng thứ 7 (13/5), Hệ thống giám sát virus của Bkav bước đầu ghi nhận, đã có những trường hợp lây nhiễm mã độc này tại Việt Nam. Con số này có thể tiếp tục tăng vì hôm nay vẫn đang là ngày nghỉ, nhiều máy tính không bật. Virus có thể bùng phát vào đầu tuần tới, khi mọi người đi làm trở lại”.

Theo tập đoàn chuyên về các sản phẩm bảo mật của Việt Nam, “Wanna Crypt0r tấn công vào máy nạn nhận qua file đính kèm email hoặc link độc hại” cũng như “có thể lây lan vào các máy có lỗ hổng mà không cần người dùng phải thao tác trực tiếp với file đính kèm hay link độc hại”.

Mã độc đòi tiền chuộc mã khóa các dữ liệu trên máy tính của nạn nhân rồi đòi tiền chuộc từ 300 tới 600 đôla tiền điện tử bitcoin để khôi phục lại quyền tiếp cận dữ liệu này.

Sau 3 ngày, mức tiền chuộc sẽ tăng lên gấp đôi và hết thời hạn 7 ngày nhưng chưa thanh toán thì dữ liệu của người dùng sẽ bị mất.

Mã độc “muốn khóc” ghi đầy đủ thông tin thanh toán, đếm lùi thời gian và được thể hiện bằng nhiều ngôn ngữ, trong đó có tiếng Việt.

Ông Vũ Ngọc Sơn, Phó chủ tịch phụ trách mảng Chống mã độc của Bkav nói trong thông cáo: "Kiểu lây nhiễm của mã độc Wanna Cprypt0r tuy không mới, nhưng cho thấy xu hướng tận dụng các lỗ hổng mới để tấn công, kiếm tiền sẽ còn được hacker sử dụng nhiều trong thời gian tới, đặc biệt là các lỗ hổng của hệ điều hành".

Tập đoàn này khuyến cáo người sử dụng “cần cập nhật bản vá càng sớm càng tốt”, “cần khẩn trương backup các dữ liệu quan trọng trên máy tính” và “nên mở các file văn bản nhận từ Internet trong môi trường cách ly Safe Run và cài phần mềm diệt virus thường trực trên máy tính để được bảo vệ tự động”.

Một loạt các tổ chức và tập đoàn trên thế giới đã bị tấn công, trong đó có Bộ Nội vụ Nga, các bệnh viện ở Anh, Indonesia, các trường học ở Philippines và Trung Quốc hay hãng chuyển phát nhanh FedEx của Mỹ, theo Reuters.

Tin cho hay, các tay tin tặc, hiện chưa rõ là ai và từ nước nào, đã "tận dụng các thiết bị do thám được cho là phát triển bởi Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ". - VOA
|
|

14.
Hải sản Việt Nam xuất sang Mỹ có thể nhiễm độc sau thảm họa Formosa?

Một chuyên gia luật của Mỹ vừa cảnh báo về nguy cơ hải sản Việt Nam xuất sang Mỹ có thể bị nhiễm độc sau thảm họa môi trường biển do Formosa gây ra, và kêu gọi thắt chặt việc kiểm tra hải sản nhập vào Mỹ.

Giáo sư Lisa Heinzerling thuộc khoa luật, trường Đại học Georgetown ở Washington, nêu lên lo ngại này tại một hội nghị ở Thượng viện Mỹ hôm 10/5, thảo luận những khía cạnh pháp lý và môi trường về việc xả thải độc ra biển.

"Ở Mỹ, chúng tôi nhập khẩu đến 80% lượng hải sản mà chúng tôi tiêu thụ. Điều ngạc nhiên là Mỹ vẫn chưa điều tra về chất lượng môi trường ở Việt Nam. Môi trường ở Việt Nam đang bị ô nhiễm. Như vậy thực phẩm mà chúng ta nhập từ Việt Nam có thể bị nhiễm độc," theo bà Heinzerling.

Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu hải sản hàng đầu của Việt Nam, chiếm hơn 20% tổng sản lượng hải sản Việt Nam xuất khẩu ra thế giới. Hải sản của Việt Nam được xuất tới hơn 140 nước và vùng lãnh thổ trên toàn cầu. Ngành công nghiệp này đạt mức thu 7 tỷ đô la mỗi năm. Hoa Kỳ, cùng với Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc chiếm 70% tổng mức xuất khẩu hải sản của Việt Nam.

Bà Heinzerling, một trong những diễn giả tại buổi hội thảo, nói: “nếu con người theo cách nào đó đóng góp làm nhiễm độc thực phẩm mà không qua việc tiêm thuốc, trong trường hợp xả thải độc ra biển Đông, đó là một cách tiêm thuốc không trực tiếp vào hải sản.”

“Mỹ có một cơ chế pháp lý và luật lệ lý tưởng và đầy quyền năng,” theo giáo sư Heinzerling của trường Đại học Georgetown. ​"Về luật mà nói, chúng tôi có những điều lệ chặt chẽ để kiểm duyệt hải sản nhập vào Mỹ. Chúng tôi muốn đảm bảo các công ty nhập khẩu hải sản phải có sẵn kế hoạch để giải quyết bất cứ mối nguy nào liên quan đến tính an toàn của hải sản đề có thể giải quyết sớm bất kỳ sự nguy hại nào do hải sản nhiễm độc nhập vào thị trường Mỹ."

Nhưng bà Heinzerling cho rằng cơ chế này trong thực tiễn không có tác dụng nhiều và bà kêu gọi “hãy thu hẹp khoảng cách giữa luật trên mặt lý thuyết, và luật trong thực tiễn.”

"Tôi lấy làm ngạc nhiên là hải quan Mỹ phần lớn bỏ việc thực thi luật an toàn thực phẩm tại cửa khẩu. Chỉ có 1% hải sản nhập khẩu vào Mỹ là qua kiểm tra, phần còn lại là được đưa vào Mỹ mà không có sự kiểm duyệt."

Ngay sau khi vấn nạn môi trường Formosa xảy ra hồi năm ngoái, một nhóm nhà hoạt động Mỹ gốc Việt đã gửi thỉnh nguyện thư tới Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ (FDA) để thúc giục cơ quan này xét nghiệm và điều tra toàn bộ các sản phẩm hải sản nhập từ Việt Nam. Hồi năm ngoái, Mỹ đã từng ngưng nhập khẩu cá từ Việt Nam vì nghi ngờ có hóa chất độc hại.

Chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam Ngô Văn Ích được seafoodsource.com trích lời nói rằng một số công ty xuất khẩu hải sản Việt Nam, sẽ tiếp tục đối mặt với các loại thuế chống bán phá giá mà Mỹ và các thị trường khác áp đặt lên sản phẩm của Việt Nam. Cũng theo trang web này, trong những năm gần đây các công ty xuất khẩu Việt Nam đã chuyển hướng bỏ qua những thị trường khó tính để xuất khẩu hải sản sang Trung Quốc – nước đang tiêu thụ khoảng 9% tổng sản lượng hải sản Việt Nam xuất khẩu.

Ngay sau khi hàng trăm tấn cá chết trôi dạt trên 200km bờ biển 4 tỉnh miền Trung vào tháng 4 năm ngoái, hải sản từ khu vực này đã không được tiêu thụ, đẩy cộng đồng ngư dân địa phương vào cảnh khốn khó. Tuy nhiên sau hơn 1 năm, khách du lịch đã trở lại tắm biển và ăn hải sản ở đây, theo truyền thông trong nước đưa tin.

Formosa đã nhận trách nhiệm và đền bù cho các nạn nhân 500 triệu đô la nhưng dân chúng ở Việt Nam vẫn tiếp tục biểu tình yêu cầu chính phủ đóng cửa nhà máy Formosa. Tuy vậy, tập đoàn Nhựa Formosa đầu tháng này ra thông báo đầu tư thêm 1 tỷ đô la vào liên doanh thép của họ ở Việt Nam. Hoạt động của nhà máy Formosa ở Hà Tĩnh liên tục bị trì hoãn vì các cuộc biểu tình phản đối, tuy nhiên dự kiến sẽ bắt đầu vào cuối nửa đầu năm nay.

Mặc dù Bộ Tài nguyên Môi trường đưa ra một kết luận tương đối lạc quan về nỗ lực khắc phục lỗi và bảo vệ môi trường của nhà máy này, nhưng nhiều nhà hoạt động môi trường Việt Nam vẫn lo ngại về nguy cơ ô nhiễm sau thảm họa Formosa trong những năm tới. - VOA
|
|

15.
Những con sông bị bức tử

Bắt nguồn từ đỉnh Ngọc Linh, len lỏi qua những lũng xanh, sườn núi và bãi biển, miên man về Cửa Đại, dòng chảy Thu Bồn như dòng máu của miền Trung, đặc biệt là Quảng Nam. Thu Bồn chở trên mình hai luồng văn hóa Chăm Pa và Đại Việt. Nền văn minh lúa nước ở miền Trung hoàn toàn dựa vào Thu Bồn. Tên sông Thu Bồn còn có nghĩa là Mẹ Thiêng Liêng. Chữ Thu Bồn phiên âm từ chữ Ponagar của Chăm Pa. Dòng sông thiêng triệu năm này đã cưu mang cả vùng đất Quảng Nam cần cù, hiếu học. Nhưng dường như chính những đứa con xứ Quảng đang bức tử bà mẹ thiêng liêng một cách không thương tiếc bằng kiểu làm ăn chụp giật, vô trách nhiệm hiện tại.

“Ở đầu nguồn của khe này, có nhà máy và các trại chăn nuôi tập trung trên đó. Việc sản xuất đầu nguồn làm cho khe này bị ô nhiễm chứ trước giờ khe này nước trong xanh, đâu có chuyện này,” trưởng thôn Xuân Nam, Đại Thắng, Đại Lộc, nơi có khe Đá Mài bị ô nhiễm nặng, chia sẻ với VOA.

Khe Đá Mài, một trong những phụ lưu của Thu Bồn, phải hứng một lượng chất thải từ nhà máy cồn trên thượng nguồn và các nhà máy sản xuất thức ăn gia súc ở đây. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến cái chết của khe Đá Mài. Nước từ khe Đá Mài đổ ra sông Thu Bồn, bên cạnh đó, sông Vu Gia cũng hợp lưu với Thu Bồn ở đoạn Giao Thủy, đoạn giáp giới giữa Đại Lộc, Duy Xuyên và Điện Bàn. Dòng Vu Gia cũng chịu hàng loạt các loại rác thải công nghiệp, nông nghiệp. Thói quen vứt rác ra sông cũng đang góp phần bức tử những con sông.

Ông Hải, nông dân huyện Đại Lộc, Quảng Nam, nói: “Cá chết ở đây vài năm nay rồi nhưng bữa nay nhiều hơn thôi. Hôm nay nước chảy cá chết đi hết rồi chứ thường thì cá chết hôi thối lắm, nước đen ngòm, nguy hiểm. Ngay cả trâu bò, người dân cũng không dám cho xuống. Nước cho trâu bò uống cũng phải bơm nước giếng. Mọi sinh hoạt không như thường ngày. Nói chung là cá chết, ô nhiễm lâu rồi nhưng đợt này cá chết nhiều hơn thôi.”

“Hôm 25 tháng 4, cá bắt đầu nổi đầu tại khu vực khe Đá Mài. Hai ngày sau thì cá bắt đầu chết. Sau đó phòng tài nguyên môi trường huyện Đại Lộc có về lấy mẫu nước đi xét nghiệm, chắc sắp có kết quả. Đối với khe này thì đây là khe cung cấp nước sản xuất cho dân làng Xuân Nam và các xã lân cận, như thế này sẽ ảnh hưởng đến mạch nước của các xã. Vậy nên đề nghị cơ quan chức năng sớm có biện pháp xử lý để trả lại nguồn nước sạch cho người dân,” trưởng thôn Xuân Nam bức xúc.

Hiện tại, Thu Bồn là dòng sông cung cấp nước cho các tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng. Một phần lớn nước sông Thu Bồn hợp lưu với sông Hàn, Đà Nẵng. Nhà máy nước Cầu Đỏ, Đà Nẵng, đã hút nước ngay từ đoạn hợp lưu này để cung cấp cho toàn thành phố.

Những con sông trở nên đen đúa, hôi thối bởi nước thải từ các nhà máy thượng nguồn, hàng triệu gia đình bị ảnh hưởng nặng nề. Sông bị bức tử, điều đó cũng đồng nghĩa với việc con người đang phải trả giá. - VOA
|
|

16.
Ông Trump nên 'ra điều kiện' nhân quyền khi gặp ông Phúc

Nhân ngày Nhân quyền Việt Nam 11/5, Dân biểu Chris Smith, đại diện bang New Jersey, ra tuyên bố nói rằng vấn đề nhân quyền Việt Nam có liên quan đến các chính sách về an ninh và giải quyết công ăn việc làm ở Hoa Kỳ.

Phát biểu tại sự kiện ngày Nhân quyền Việt Nam ở Điện Capitol, dân biểu Chris Smith nói Hoa Kỳ nên "ra điều kiện" là chỉ khi nào Việt Nam có tiến bộ “đáng kể, có thể kiểm chứng, và có những cải tiến không thể đảo ngược” về tự do tôn giáo, quyền lao động, tự do Internet và các quyền tự do dân chủ khác, thì Hoa Kỳ mới mở rộng các lợi ích thương mại hoặc bán vũ khí cho Việt Nam.

Quốc hội Hoa Kỳ chỉ định ngày 11/5 hàng năm là "Ngày Nhân quyền Việt Nam" từ năm 1994.

Là Chủ tịch một nhóm dân biểu chuyên giám sát nhân quyền quốc tế, ông Smith hối thúc Tổng thống Trump yêu cầu Việt Nam phóng thích các tù nhân lương tâm và "đảm bảo chính phủ Việt Nam hiểu rằng những cải tiến lớn về nhân quyền là cần thiết cho một mối quan hệ đối tác mạnh mẽ giữa hai quốc gia", khi ông gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong ba tuần nữa.

Trước cử tọa hơn 200 người tụ tập tại Điện Capitol, dân biểu Smith nói:

"Có một mối liên hệ trực tiếp giữa sức mạnh và sự thịnh vượng của Hoa Kỳ và sự tiến bộ của công lý, nhân quyền và tinh thần thượng tôn pháp luật ở Việt Nam. Nếu không có cải thiện về nhân quyền, nếu Việt Nam không thay đổi, thì người Mỹ vẫn tiếp tục hậu thuẫn những người ủng hộ dân chủ, các nhà báo, và các nhóm tôn giáo bị đàn áp khắc nghiệt. Chúng tôi hy vọng chính phủ Mỹ tìm cách để buộc Việt Nam trả tự do cho hơn 100 tù nhân chính trị và tôn giáo, như luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, nhà lãnh đạo Phật giáo Thích Quảng Độ, blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và nhiều người khác thuộc các cộng đồng tôn giáo và sắc tộc đa dạng của Việt Nam, gồm Công giáo, Tin lành, Phật giáo, Khmer Krom, Người Thượng, H’mong, Hòa Hảo và Cao Đài. "

Chính quyền Cộng sản Việt Nam hạn chế nghiêm ngặt tự do tôn giáo ở Việt Nam. Ủy ban lưỡng đảng Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế (USCIRF) đã ra kiến nghị vào ngày 1/5/2017 rằng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nên chỉ định Việt Nam là "Quốc gia cần Quan tâm Đặc biệt - CPC ", đưa vào danh sách đen cùng các nước khác như Trung Quốc, Ả Rập Saudi, Iran, Bắc Triều Tiên và Ai Cập vì đã tra tấn và giam giữ các tín đồ tôn giáo và nghiêm cấm việc thực hành tôn giáo.

USCIRF đã đưa ra khuyến cáo tương tự mỗi năm kể từ năm 2002 cho đến nay.

Dân biểu Smith là tác giả của Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế Frank Wolf, đã trở thành luật vào tháng 12 năm 2016. Ông Smith kêu gọi Chính phủ Hoa Kỳ sử dụng tất cả các công cụ sẵn có trong dự luật đó như từ chối visa, buộc các quan chức Việt Nam phải có trách nhiệm vì đã tra tấn và giam giữ các tín đồ tôn giáo.

Ông Smith cũng đã thông báo các kế hoạch tái giới thiệu Đạo luật Nhân quyền Việt Nam, một dự luật mà ông đã bảo trợ, và được Hạ viện thông qua bốn lần trước đây. Dự luật này dù được sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng, nhưng chưa được Thượng viện Hoa Kỳ thông qua. Đạo luật Nhân quyền Việt Nam yêu cầu nhiều hành động phối hợp của Hoa Kỳ về vấn đề nhân quyền, bao gồm tự do tôn giáo, ở Việt Nam. - VOA

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9




No comments:

Post a Comment