Sunday, May 21, 2017

Tin Cập Nhật Chủ Nhật 21/5

Tin Thế Giới

1.
Trump kêu gọi Hồi giáo đoàn kết chống khủng bố --- Mỹ và Ả Rập Xê Út ký hợp đồng hàng trăm tỷ đôla để chống Iran

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm Chủ nhật đã kêu gọi đoàn kết Hồi giáo trong cuộc chiến chống khủng bố. Ông phát biểu tại Riyadh trước hàng chục nhà lãnh đạo Ả-rập và Hồi giáo tại hội nghị thượng đỉnh khu vực rằng đó là “cuộc chiến giữa thiện và ác”.

Trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị tổng thống, ông Trump nói Hoa Kỳ muốn có một liên minh các quốc gia "cùng chia sẻ mục tiêu xóa bỏ chủ nghĩa cực đoan".

Ông Trump phát biểu: "Đây không phải là cuộc chiến giữa các tôn giáo khác nhau, các giáo phái khác nhau, hoặc các nền văn minh khác nhau. Đây là cuộc chiến giữa bọn tội phạm man rợ, những kẻ tìm cách hủy diệt đời sống con người, và những người tử tế thuộc tất cả các tôn giáo, những người muốn bảo vệ đời sống con người".

Ông Trump, người đang tìm cách cấm nhập cảnh vào Mỹ đối với người Hồi giáo từ 6 quốc gia có người Hồi giáo chiếm đa số, nơi các cuộc tấn công khủng bố đã xảy ra, đã không sử dụng cụm từ gây tranh cãi "chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan", như ông đã thường xuyên dùng trong các bài diễn văn ở Hoa Kỳ. Thay vào đó, ông kêu gọi các nhà lãnh đạo Hồi giáo đối mặt một cách trung thực với "cuộc khủng hoảng chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và các nhóm khủng bố Hồi giáo mà chủ nghĩa cực đoan đã truyền cảm hứng".

Ông đặt câu hỏi: “Liệu chúng ta có vô cảm trước cái ác hay không?”

Ông Trump nói rằng chống lại chủ nghĩa khủng bố "có nghĩa là sát cánh với nhau chống lại việc giết người Hồi giáo vô tội, đàn áp phụ nữ, bức hại của người Do Thái, và tàn sát các Kitô hữu. Các lãnh tụ tôn giáo cần phải nêu thật rõ điều này: Sự dã man sẽ không mang lại vinh quang, hết mình vì cái ác sẽ không mang lại phẩm giá".

Ông nói: "Mỹ là quốc gia có chủ quyền và ưu tiên hàng đầu của chúng tôi luôn là sự an toàn và an ninh của công dân chúng tôi. Chúng tôi không có mặt ở đây để rao giảng - chúng tôi không ở đây để bảo người khác sống ra sao, phải làm gì, hay thờ phượng như thế nào. Thay vào đó, chúng tôi đang ở đây để mời hợp tác dựa trên các mối quan tâm và lợi ích chung để mưu cầu một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả chúng ta. Mỗi khi một kẻ khủng bố giết người vô tội, và nhân danh Thượng Đế một cách sai trái, điều đó hẳn là một sự xúc phạm đối với tất cả những ai có đức tin".

Ông Trump nói: "Chủ nghĩa khủng bố đã lan khắp thế giới. Nhưng con đường đi đến hòa bình bắt đầu ngay tại đây, trên vùng đất cổ này, trong vùng đất thiêng này". Ông nhấn mạnh rằng "Nước Mỹ sẵn sàng sát cánh với quý vị trong việc mưu cầu những lợi ích và an ninh chung".

Ông khẳng định: “Đoàn kết lại, chúng ta không thể thất bại”.

Trước khi đọc diễn văn, Tổng thống Hoa Kỳ đã gặp gỡ với Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh gồm sáu nước thành viên để thảo luận về những sự khác biệt với Iran và cách đối phó với Tehran, cũng như cách trấn áp các thành phần chủ chiến Hồi giáo.

Bài diễn văn của ông Trump là một bước ngoặt đáng ngạc nhiên của vị tổng thống sau những lời lẽ to tát của ông về "nước Mỹ trên hết" cũng như lời kêu gọi của ông khi tranh cử là cấm du hành hoàn toàn đối với người Hồi giáo, về sau ông ta đã giảm bớt bằng cách kêu gọi một lệnh cấm du hành có tính chất hạn chế đối với người từ 6 nước có dân theo Hồi giáo chiếm đa số. Nỗ lực của ông đã bị các tòa án Hoa Kỳ chặn lại, mặc dù vậy, ông Trump đang khiếu nại các phán quyết định của tòa.

Đây là lần đầu tiên Ả-rập Xê-út là điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của bất kỳ một vị Tổng thống Mỹ nào. Quốc gia nhiều dầu mỏ có quan hệ lâu năm về năng lượng và quốc phòng với Hoa Kỳ không nằm trong lệnh cấm du hành của ông Trump. - VOA

***
Được tiếp đón nồng hậu tại Ryad, chuyến công du quốc tế đầu tiên của tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu ở Ả Rập Xê Út từ thứ Bảy (20/5). Sau khi cảnh báo Iran phải dẹp bỏ các « đường dây khủng bố », một cuộc gặp cấp thượng đỉnh diễn ra trong ngày Chủ Nhật 21/05/2017 với sáu nước trong Hội Đồng Hợp Tác Vùng Vịnh. Hàng loạt hợp đồng khổng lồ lên đến 380 tỷ đô la đã được loan báo, trong số này có 110 tỷ đôla vũ khí.

Theo Nhà Trắng, qua các hợp đồng khổng lồ này, Hoa Kỳ muốn hậu thuẫn lâu dài cho nền an ninh của đồng minh Ả Rập Xê Út và ở vùng Vịnh đối phó với đe dọa của Iran. Hồ sơ nhân quyền không được đề cập đến. Không khí nồng nhiệt tại nước chủ nhà Ả Rập Xê Út làm nổi bật tình hình căng thẳng tại Washington DC. Áp lực gia tăng lên Nhà Trắng trong suốt tuần qua sau những tiết lộ mới về mối quan hệ bí mật giữa nhóm cộng sự viên thân cận của ông Donald Trump và chính quyền Vladimir Putin.

Từ Washington, thông tín viên Jean Louis Pourtet tường trình:

Liệu Donald Trump có thể bị buộc tội cản trở công lý, một tội danh nghiêm trọng, có thể lãnh án tù ? Và trong trường hợp này, có thể bị phế truất ? Câu hỏi này được nêu lên tại Hoa Kỳ sau khi giám đốc FBI bị cách chức - James Comey tiết lộ với các cộng sự viên thân tín là tổng thống Trump có yêu cầu ngưng cuộc điều tra mối quan hệ giữa cựu cố vấn an ninh Mike Flynn với chính quyền Nga.

Phải chăng chủ nhân Nhà Trắng tìm cách gây sức ép với giám đốc FBI và sau đó cách chức nhân vật này vì yêu cầu bị từ chối. Theo báo New York Times ngày 19/05/2017, tổng thống Donald Trump đã tâm sự với ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov trong phòng Bầu Dục là từ khi sa thải James Comey, ông cảm thấy nhẹ nhõm. Phải chăng vì giám đốc FBI sắp nắm được chứng cớ nhóm cố vấn của ông Donald Trump và chính quyền Nga có mưu đồ giúp ông Donald Trump đắc cử.

Thứ Tư (17/05), tổng thống Trump khẳng định là chưa bao giờ cá nhân ông tiếp xúc với Nga cũng như không hề yêu cầu James Comey để yên cho cựu cố vấn Mike Flynn. Tình thế rối ren đến mức các luật sư của Nhà Trắng phải nghiên cứu kịch bản tổng thống bị phế truất để có thể sẵn sàng đối phó với mọi tình huống. Tuy nhiên, theo ý kiến chung, kịch bản này ít có khả năng xảy ra. - RFI
|
|

2.
Mỹ gây áp lực với tổng thống tái đắc cử Iran Hassan Rohani

Vừa được cử tri tín nhiệm thêm một nhiệm kỳ bốn năm, tổng thống Iran đã bị Hoa Kỳ gây sức ép. Từ Ryad, đối thủ của Teheran tại Trung Cận Đông và trong thế giới Hồi giáo phân cực Sunni và Shia, ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson trực tiếp kêu gọi chính quyền Iran ngưng yểm trợ khủng bố và thử nghiệm tên lửa đạn đạo.

Từ Teheran, thông tín viên Siavosh Ghazi phân tích :

Chính quyền Iran chưa lên tiếng về những tuyên bố của ngoại trưởng Mỹ. Nhưng trước đó, khi biết kết quả bầu cử, tổng thống Rohani khẳng định chiến thắng rõ nét của ông chứng tỏ nhân dân Iran muốn « sống trong hoà bình và hữu nghị với thế giới » nhưng ông không chấp nhận « đe dọa và sỉ nhục ».

Vài giờ trước khi ngoại trưởng Mỹ phát biểu, tổng thống Iran tuyên bố thêm : Con đường thiết lập an ninh trong khu vực là củng cố nền dân chủ chứ không phải dựa vào sức mạnh ngoại bang. Thông điệp này nhắm vào Ả Rập Xê Út, nơi tổng thống Mỹ Donald Trump và ngoại trưởng Rex Tillerson đang thăm viếng.

Chuyến công du của tổng thống Donald Trump, theo lời của ngoại trưởng Rex Tillerson là để « chống lại ảnh hưởng của Iran trong vùng », là một món quà xấu cho tổng thống Rohani. Trong suốt cuộc vận động tranh cử, nhà lãnh đạo thuộc xu hướng ôn hoà cam kết, một khi tái đắc cử, sẽ tìm cách đòi giải tỏa hết những cấm vận cuối cùng sau khi quốc tế đã bỏ lệnh trừng phạt Teheran đánh đổi với thỏa thuận hạt nhân.

Lời hứa này chắc khó mà thực hiện bởi vì, trong những tháng gần đây, Hoa Kỳ đã ban hành thêm nhiều biện pháp mới trừng phạt chương trình tên lửa của Teheran. Hơn nữa, chính quyền mới ở Washington muốn tiếp tục gây sức ép để Teheran thay đổi chính sách khu vực nhất là đối với Syria, Irak và Yemen.

Tân tổng thống Pháp Emmanuel Macron, trong thông điệp chúc mừng đồng nhiệm Iran tái đắc cử, khen ngợi diễn tiến tốt đẹp của cuộc bầu cử và thúc giục Iran « tuân thủ triệt để » thỏa thuận hạt nhân 2015. Còn tổng thống Nga Vladimir Putin, đồng minh của Iran, tỏ hy vọng sẽ tiếp tục củng cố và phát triển trục Matxcơva-Teheran bảo vệ « ổn định » tại Trung Đông và trên thế giới. - RFI
|
|

3.
Hội đồng Bảo an LHQ sắp bàn về Bắc Hàn --- Bắc Hàn phóng thử hỏa tiễn ngoài biển Nhật Bản

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc dự kiến ngày 23/5 sẽ họp kín về cuộc thử nghiệm tên lửa mới nhất của Bắc Hàn theo yêu cầu của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Hãng tin Reuters dẫn lời các nhà ngoại giao cho biết như vậy hôm 21/5, đúng ngày tin cho hay rằng Bình Nhưỡng phóng một tên lửa đạn đạo từ tỉnh Nam Pyeongan, và bay khoảng 500 km trước khi rơi xuống biển.

Đây là vụ thử tên lửa thứ hai của Bắc Hàn trong vòng một tuần, và Hàn Quốc nói rằng động thái mới nhất này dập tắt hy vọng của tân chính quyền Seoul về hòa bình giữa hai quốc gia láng giềng.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson hôm 21/5 nói với kênh truyền hình Fox rằng cả áp lực kinh tế lẫn ngoại giao cần phải tiếp tục sau động thái trên.

Ông Tillerson nói rằng “việc thử nghiệm tiếp diễn là điều đáng thất vọng, gây phiền toái”, và rằng Hoa Kỳ yêu cầu Bắc Hàn “ngừng chuyện đó”.

Liên Hiệp Quốc lần đầu tiên áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Bắc Hàn năm 2006 và đã siết chặt giải pháp này sau khi Bình Nhưỡng tiến hành 5 vụ thử hạt nhân và hai vụ phóng rocket tầm xa.

Theo Reuters, Bắc Hàn hiện đe dọa sẽ thực hiện một vụ thử hạt nhân lần thứ sáu bất chấp những lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế.

Lâu nay, chính quyền Bình Nhưỡng phớt lờ mọi lời kêu gọi ngưng chương trình tên lửa và hạt nhân, kể cả từ Trung Quốc, đồng minh lớn duy nhất của Bắc Hàn, với tuyên bố rằng nước này cần vũ khí để phòng vệ một cách chính đáng. - VOA

***
Bắc Hàn lại tiến hành một cuộc thử hỏa tiễn khác, theo giới quân sự Hàn Quốc.

Nhà Trắng nói hỏa tiễn tầm trung này có tầm bắn ngắn hơn so với những phi đạn được sử dụng trong ba cuộc thử nghiệm gần đây nhất của Bình Nhưỡng.

Diễn biến xảy ra chỉ một tuần sau khi Bắc Hàn thử nghiệm những gì nước này nói là một loại hỏa tiễn mới có khả năng mang đầu đạn hạt nhân lớn.

Thứ Hai tuần trước, hôm 15/7, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc một lần nữa yêu cầu Bình Nhưỡng không tiến hành thêm các cuộc thử nghiệm như vậy.

'Bất cẩn, vô trách nhiệm'

Hội đồng Bảo an nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Bắc Hàn "ngay lập tức thể hiện cam kết chân thành để phi hạt nhân hoá thông qua hành động cụ thể".

Bộ ngoại giao Hàn Quốc nói vụ phóng thử là "bất cẩn và vô trách nhiệm".

Hỏa tiễn mới nhất bay được khoảng 560km về phía Biển Nhật Bản, theo Tham mưu trưởng của quân đội Hàn Quốc.

Hỏa tiễn tuần trước bay được khoảng 700km.

Các hãng tin Nhật Bản cho hay phi đạn này có thể rơi xuống biển bên ngoài vùng biển Nhật Bản.

Bộ trưởng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nói trong một cuộc họp báo rằng nước này đã nêu phản đối với Bắc Hàn. - BBC
|
|

4.
Mỹ ‘chật vật’ tìm tiếng nói chung ở Việt Nam --- Các nước cố giữ TPP không có Mỹ

Trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên đầy sóng gió trên cương vị đại diện thương mại Mỹ, ông Robert Lighthizer không thể lôi kéo sự hậu thuẫn của các nước châu Á – Thái Bình Dương về chính sách “thương mại công bằng” của chính quyền của ông Trump, do khác biệt về vấn đề chủ nghĩa bảo hộ, theo nhận định của Reuters.

Hãng tin này hôm 21/5 đưa rằng một tuyên bố chung dự kiến sẽ được công bố sau cuộc họp ở Hà Nội, Việt Nam, đã bị hủy bỏ do các khác biệt giữa một bên là Mỹ và một bên là 20 thành viên khác của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC).

Theo một bản thảo về tuyên bố chung mà phóng viên của Reuters cho biết đã đọc, các quan chức Mỹ phản đối việc đề cập tới “các xu thế bảo hộ gây tác động mạnh tới tiến trình hội nhập kinh tế và hồi phục kinh tế toàn cầu”.

Phía Hoa Kỳ muốn đề cập tới “các hoạt động thương mại thiếu công bằng, gây ra sự mất cân bằng thương mại”, và cũng như kêu gọi dỡ bỏ các rào cản thương mại làm mất cân đối thương mại nhằm bảo đảm sự “tự do và công bằng”.

Rốt cuộc, theo Reuters, không có tuyên bố chung mang tính toàn diện mà chỉ có một tuyên bố của chủ tịch cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, và một “tuyên bố hành động chung” khác.

Bộ trưởng của Việt Nam được Reuters dẫn lời nói rằng đã có “các khác biệt về quan điểm”.

Tuyên bố của ông chủ tịch dựa trên một bản thảo mà nhóm đã thảo luận trước đó, nhưng hầu như phớt lờ tất cả các đề xuất sửa đổi của Mỹ, và thay vào đó, đề cập cả chuyện “chống lại mọi hình thức bảo hộ”.

Một quan chức không muốn nêu tên nói rằng “Hoa Kỳ không muốn thêm từ chủ nghĩa bảo hộ, nhưng 20 thành viên khác lai muốn cho vào”.

Quan chức này cũng được Reuters trích lời nói rằng phía Mỹ muốn dùng từ “quốc tế” thay cho “đa phương” khi nói tới các hệ thống thương mại.

Ông Lighthizer, luật sư thương mại 69 tuổi được coi là nhà đàm phán cứng rắn từ thời Tổng thống Reagan, mới được Thượng viện Mỹ chuẩn thuận làm đại diện thương mại Hoa Kỳ hôm 11/5.

Khi được hỏi về những bất đồng về ngôn từ, ông Lighthizer nói rằng việc Mỹ tìm cách kiến tạo thương mại tự do và công bằng đã bị nhầm lẫn với chủ nghĩa bảo hộ.

Phát biểu tại cuộc họp báo, quan chức Mỹ cho rằng đó là điều “đáng tiếc”. Theo Reuters, trọng tâm của ông Lighthizer ở Hà Nội là các cuộc gặp song phương với các đối tác chính, cho thấy xu hướng chuyển dần sang các thỏa thuận song phương trong chính sách “Nước Mỹ trên hết” của chính quyền của Tổng thống Trump.

Một trong các hành động đầu tiên của ông Trump sau khi nhậm chức là rút Mỹ khỏi thỏa thuận đa phương TPP.

Tuy nhiên, hôm 21/5, 11 thành viên còn lại của hiệp định này đồng ý khôi phục nó dù không có Mỹ, sau khi ông Lighthizer nói rằng Hoa Kỳ sẽ không bao giờ tái gia nhập. - VOA

***
Nhật Bản và các thành viên khác của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã đồng ý hôm Chủ nhật tiếp tục theo đuổi hiệp định thương mại này mà không có Hoa Kỳ tham gia. Cùng lúc, chính sách "nước Mỹ trước hết" của ông Trump đã tạo ra căng thẳng tại hội nghị của các nước châu Á-Thái Bình Dương.

Những xáo trộn trong các cuộc đàm phán thương mại toàn cầu đã thể hiện hết ra tại một hội nghị của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC), hội nghị đã không thể nhất trí về tuyên bố chung sau khi Hoa Kỳ phản đối lời văn nói về tự do thương mại và chống chủ nghĩa bảo hộ.

Hội nghị ở Hà Nội, Việt Nam, là hội nghị thương mại toàn cầu lớn nhất kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump phê phán trật tự cũ, lập luận rằng các hiệp định thương mại tự do đa phương làm mất nhiều việc làm của Mỹ và ông muốn đạt được các hiệp định mới.

Bên lề hội nghị APEC, 11 quốc gia còn lại của TPP đã đồng ý tìm cách để họ có thể tiếp tục thực hiện hiệp định mà không có đất nước nắm vai trò lãnh đạo là Hoa Kỳ, họ phần nào hy vọng Washington sẽ xem xét lại việc rời khỏi hiệp định.

Đại diện Thương mại mới của Hoa Kỳ Robert Lighthizer nói không có chuyện quay trở lại.

Ông Lighthizer, 69 tuổi, từng là nhà đàm phán thương mại thời Tổng thống Reagan, nói trong một cuộc họp báo: "Tôi tin rằng sau này sẽ có một loạt thỏa thuận song phương với các đối tác trong khu vực này. Đàm phán song phương tốt hơn cho Hoa Kỳ".

Mặc dù các thành viên TPP vẫn duy trì hiệp định thương mại này, họ thiếu một cam kết hết lòng đối với việc thúc đẩy ngay lập tức một hiệp định mà các thành viên cũng xem nó như là một cách để kiềm chế một Trung Quốc đang ngày càng chiếm ưu thế.

Một trong những thách thức lớn nhất là giữ lại được Việt Nam và Malaysia, hai nước đã đăng ký tham gia TPP và hứa sẽ thực hiện những cải cách lớn để được tiếp cận tốt hơn với Hoa Kỳ.

Lượng thương mại giữa các nước còn lại chỉ bằng một phần tư so với mức của trường hợp giả sử Hoa Kỳ vẫn ở trong TPP.

Các quan chức của các quốc gia TPP sẽ gặp lại nhau tại Nhật Bản vào tháng 7 và đưa ra các đề xuất trong tháng 11, Bộ trưởng Thương mại New Zealand Todd McClay cho biết.

Chủ nghĩa bảo hộ

Những lo ngại về chủ nghĩa bảo hộ đã tăng lên dưới thời Tổng thống Trump. Thêm vào đó, việc các nước Châu Á-Thái Bình Dương không thể nhất trí về tuyên bố chung đã không giúp ích gì cho việc ngăn chặn những lo ngại đó.

Hoa Kỳ đã chống lại lời văn đã được 20 quốc gia APEC khác đồng ý. Đó là lời văn ủng hộ tự do thương mại và phản đối chủ nghĩa bảo hộ, các quan chức tại các hội nghị cho biết.

Một tuyên bố của vị chủ tọa Việt Nam tại hội nghị đưa ra "cam kết thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư".

Tuy nhiên, thông cáo duy nhất từ tất cả các thành viên là một "Tuyên bố Hành động" không có cam kết như vậy. Tuyên bố đề cập đến các chủ đề như tăng trưởng bền vững, các doanh nghiệp nhỏ và hợp tác kỹ thuật.

Sự bất đồng này cũng tương tự như những gì đã xảy ra tại các hội nghị G20 và hội nghị lãnh đạo tài chính của G7, ở đó các tuyên bố đã được điều chỉnh để phù hợp với chương trình nghị sự mới của Hoa Kỳ.

Giải thích về sự phản đối của Hoa Kỳ đối với việc sử dụng thuật ngữ bảo hộ mậu dịch, Đại diện Thương mại Mỹ Lighthizer nói thuật ngữ này đang bị nhầm lẫn với các bước thực sự cần thiết để thúc đẩy thương mại tự do.

Ông nói: "Quan điểm của chúng tôi là chúng tôi muốn thương mại tự do, chúng tôi muốn thương mại công bằng, chúng tôi muốn có một hệ thống dẫn đến hiệu quả thị trường lớn hơn trên toàn thế giới”. - VOA
|
|

5.
Tillerson: Mỹ choáng về bạo lực tại ĐSQ Thổ Nhĩ Kỳ

Ngoại trưởng Rex Tillerson nói Hoa Kỳ đã bày tỏ với các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ rằng Hoa Kỳ “choáng váng” về vụ bạo lực hồi tuần trước, trong đó nhân viên an ninh Thổ Nhĩ Kỳ dường như đã tấn công người biểu tình ở Washington.

Ông Tillerson nói với Fox News rằng đại sứ của Thổ Nhĩ Kỳ tại Hoa Kỳ đã được thông báo rằng vụ bạo lực hôm thứ Ba tuần trước "đơn thuần là không thể chấp nhận được".

Ông nói: "Đang có một cuộc điều tra", và nói thêm ông sẽ chờ kết quả điều tra trước khi quyết định có thêm động thái chính thức.

Vụ xô xát xảy ra giữa nhân viên an ninh Thổ Nhĩ Kỳ và người biểu tình bên ngoài tư dinh đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ trong chuyến thăm Washington của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Những người biểu tình nói họ đã bị lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ tấn công khi họ biểu tình ôn hòa. Thổ Nhĩ Kỳ đổ lỗi cho người biểu tình về vụ xô xát, khẳng định là họ đã kích động những người tụ tập để nhìn thấy ông Erdogan.

Ban Thổ Nhĩ Kỳ của VOA đã ghi lại hình ảnh tại hiện trường cho thấy các vệ sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đột nhiên tấn công người biểu tình, đánh ngã họ và đá họ cho đến khi cảnh sát Hoa Kỳ tách những người Thổ ra khỏi nhau. Video này cho thấy ông Erdogan đứng bên cạnh chiếc limousine, xem vụ xô xát.

Một số nhà lập pháp Mỹ đã yêu cầu Hoa Kỳ hành động mạnh mẽ hơn, trong đó có Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain, ông đã kêu gọi trục xuất đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ. - VOA
|
|

6.
Tòa án binh Ai Cập xử 48 kẻ đánh bom

Nhà chức trách Ai Cập đã chuyển 48 người cho tòa án binh xét xử việc những người này bị cáo buộc dính líu vào 3 vụ đánh bom nhà thờ gây chết chóc.

Nhà nước Hồi giáo đã tuyên bố trách nhiệm về các vụ đánh bom tự sát nhắm mục tiêu là các nhà thờ hồi tháng 12 và tháng 4.

Công tố viên Ai Cập nói một số nghi phạm bị cáo buộc đã hình thành các ổ nhóm khủng bố ở Cairo và tỉnh miền nam Qena, để thực hiện các vụ tấn công.

Một vụ đánh bom vào tháng 12 đã nhắm mục tiêu là Cairo, trong khi các nhà thờ Coptic đã bị tấn công hồi tháng 4 ở Tanta và Alexandria. Hơn 70 người đã thiệt mạng.

Sau cuộc tấn công tháng 4, Ai Cập đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp kéo dài ba tháng. - VOA
|
|

7.
NYT: TQ thủ tiêu nguồn tin CIA, phá hoạt động gián điệp Mỹ từ 2010 đến 2012

Trung Quốc đã thủ tiêu hoặc bỏ tù từ 18 đến 20 nguồn tin của CIA từ năm 2010 đến năm 2012, gây gián đoạn hoạt động gián điệp của Mỹ trong một vụ xâm phạm tình báo quy mô to lớn mà nguồn gốc của nó vẫn chưa được xác định, theo tin mà báo The New York Times loan tải hôm thứ Bảy.

Các nhà điều tra vẫn chia rẽ quan điểm về việc liệu có điệp viên nào trong Cơ quan Tình báo Trung ương đã phản bội các nguồn tin hay không, hay liệu Trung Quốc đã xâm nhập hệ thống liên lạc bí mật của CIA, tờ báo dẫn lời các quan chức Mỹ hiện nhiệm và tiền nhiệm cho biết.

Trung Quốc đã thủ tiêu ít nhất một chục người cung cấp thông tin cho CIA từ năm 2010 đến năm 2012, phá vỡ một mạng lưới mất nhiều năm để kiến tạo, tờ báo nói.

Một người bị bắn chết trước một tòa nhà chính phủ ở Trung Quốc, ba quan chức nói với tờ Times. Họ nói thêm việc này được hoạch định để gửi đi một thông điệp tới những người khác về việc cộng tác với Washington.

Vụ xâm phạm được coi là đặc biệt nguy hại, với số nguồn tin bị mất sánh ngang với số người ở Liên bang Soviet và Nga thiệt mạng sau khi thông tin được chuyển đến Moscow bởi hai gián điệp Aldrich Ames và Robert Hanssen, tờ báo cho biết. Ames là điệp viên hoạt động trong những năm 1980 và Hanssen trong những năm 1979-2001.

CIA từ chối bình luận khi được hỏi về bài báo của tờ Times hôm thứ Bảy.

Những hoạt động của Trung Quốc bắt đầu lộ ra vào năm 2010, khi cơ quan gián điệp của Mỹ nhận được thông tin chất lượng cao về chính phủ Trung Quốc từ những nguồn nằm sâu bên trong bộ máy quan liêu, bao gồm những người bất mãn về tình trạng tham nhũng của chính phủ Bắc Kinh, bốn cựu quan chức nói với tờ Times.

Đến cuối năm đó thông tin bắt đầu cạn dần và các nguồn tin bắt đầu biến mất vào đầu năm 2011, bài báo cho biết.

Khi thêm nhiều nguồn tin bị thủ tiêu, FBI và CIA bắt đầu một cuộc điều tra chung nhắm vào vụ xâm phạm, kiểm tra tất cả những điệp vụ được vận hành ở Bắc Kinh và mỗi một nhân viên của Đại sứ quán Mỹ ở đó.

Cuộc điều tra cuối cùng tập trung vào một cựu điệp viên CIA làm trong bộ phận giám sát Trung Quốc, tờ báo nói, nhưng không có đủ bằng chứng để bắt giữ ông ta.

Một số nhà điều tra tin rằng Trung Quốc đã xâm nhập hệ thống liên lạc bí mật của CIA.

Tuy nhiên những người khác nghĩ rằng vụ xâm phạm này là kết quả của công tác gián điệp bất cẩn, trong đó có việc đi cùng những tuyến đường tới cùng những điểm gặp gỡ hoặc gặp gỡ các nguồn tin tại những nhà hàng nơi Trung Quốc đã cài thiết bị nghe lén, tờ báo cho biết.

Tới năm 2013, tình báo Mỹ kết luận khả năng của Trung Quốc xác định những điệp viên của họ đã bị hạn chế, tờ báo cho biết, và CIA vẫn đang cố gắng xây dựng lại mạng lưới gián điệp của mình ở đó. - VOA
|
|

8.
Tổng thống Brazil nhất quyết không từ chức trong vụ bê bối tham nhũng --- Vì sao Pháp điều tra vụ bán tàu ngầm cho Brazil?

Tổng thống Michel Temer của Brazil khẳng định ông sẽ không từ chức bất chấp một vụ bê bối tham nhũng mà dường như ông có dính líu trong đó thông qua một cuộc nói chuyện bị ghi âm.

Trong bài phát biểu trước toàn quốc hôm thứ Bảy, ông Temer nói: "Brazil sẽ không bị chệch hướng" bởi vụ tham nhũng. Ông nói ông sẽ yêu cầu tòa án tối cao của nước này đình chỉ điều tra nhắm vào ông cho đến khi có thể xác minh rằng đoạn ghi âm này không bị chỉnh sửa.

Ông Temer cho rằng đoạn ghi âm đã bị "chỉnh sửa và giả mạo" và rằng đất nước cần ông tại chức để dẫn dắt Brazil qua những cải cách kinh tế.

Công tố viên trưởng của Brazil hôm thứ Sáu cáo buộc ông Temer tham nhũng và cản trở công lý, theo hồ sơ tòa án được Tòa án Tối cao nước này công bố.

Những cáo buộc của Tổng công tố viên Rodrigo Janot được đưa ra sau khi một đoạn ghi âm công bố trong tuần này được nói là cho thấy tổng thống đã tìm cách làm chậm hoặc đình chỉ một cuộc điều tra tham nhũng quy mô lớn được gọi là "Rửa Xe."

Cuộc nói chuyện bị ghi âm bí mật, do một trong những tờ báo có tiếng nhất của Brazil O Globo tiết lộ đầu tiên, cho thấy ông Temer chấp thuận những khoản chi trả tiền ém nhẹm hàng tháng cho một chính trị gia đang ngồi tù, Eduardo Cunha.

Từng là một thành viên đầy quyền thế trong đảng đương quyền của ông Temer, ông Cunha đang ngồi tù vì tội nhận hối lộ. Ông được cho là có những thông tin gây tổn hại về những chính trị gia khác có liên quan đến vụ bê bối hối lộ.

Ông Temer nắm quyền tổng thống Brazil chỉ một năm trước sau khi người tiền nhiệm cánh tả Dilma Rousseff bị luận tội, nhưng giờ chính quyền trung hữu của ông đang gặp nguy khốn. Ông đối diện một cuộc điều tra của Tòa án Tối cao và khả năng cơ sở ủng hộ của ông trong Quốc hội sẽ đổ vỡ, mở đường cho tiến trình luận tội.

Tổng thống phủ nhận bất kỳ hành vi sai trái nào trong bài phát biểu trên truyền hình hôm thứ Năm và bác bỏ lời kêu gọi ông từ chức được đưa ra bởi hàng ngàn người biểu tình tại thủ đô Brasilia và tại thành phố Rio de Janeiro. - VOA

***
Các công tố viên tài chính Pháp đã mở một cuộc điều tra vụ mua bán trị giá khoảng 7,5 tỷ đôla năm 2008 giữa nhà cung cấp khí tài hải quân DCNS và Brazil, trong đó có vụ bán 5 tàu ngầm.

Reuters dẫn lời một nguồn tin thân cận với cuộc điều tra cho biết như vậy hôm 21/5, xác nhận thông tin do tờ Le Parisien đăng tải trước đó.

Nguồn tin này nói với hãng tin của Anh rằng cuộc điều tra bắt đầu tháng 10 năm ngoái về khả năng “tham nhũng của các quan chức nước ngoài”.

Động thái trên có liên quan tới một cuộc điều tra trên diện rộng của Brazil từ năm 2014 về khả năng hối lộ dính tới hàng trăm chính trị gia và quan chức.

Reuters đưa tin rằng DCNS bác bỏ đã gây ra bất kỳ hành động sai trái nào, nhấn mạnh công ty “hoàn toàn tôn trọng luật lệ trên thế giới”.

Các công tố viên Pháp viết trên Twitter hôm 12/5 rằng họ đã trao đổi với người đứng đầu Tòa án Tối cao Brazil và thăm văn phòng chống tham nhũng của nước này, nhưng không đề cập tới cuộc điều tra mà Le Parisien đưa tin.

Tờ Folha de S. Paulo đăng tin hồi năm 2015 rằng cảnh sát liên bang Brazil đã điều tra những bất thường trong chương trình quân sự nhằm sản xuất một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân mà nước này hợp tác với Pháp vào năm 2023.

Tờ báo không đề cập liệu DCNS, mà nhà nước Pháp sở hữu 62% cổ phần, có bị điều tra hay không. - VOA
|
|

9.
Tập Cận Bình "dọa" Rodrigo Duterte: Thẩm phán Philippines đòi kiện Bắc Kinh

Thẩm phán Tối Cao Pháp Viện Philippines kêu gọi chính phủ đệ đơn kiện Trung Quốc ở Liên Hiệp Quốc sau khi tổng thống Rodrigo Duterte tiết lộ bị chủ tịch Tập Cận Bình « dọa đánh » nếu Manila thực thi phán quyết của Tòa Trọng Tài La Haye về chủ quyền biển đảo.

Thứ Sáu 19/05/2017, trở về nước sau cuộc hội kiến với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tổng thống Philippines cho biết lãnh đạo Trung Quốc « đe dọa sẽ đánh » Philippines nếu Manila quyết tâm bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông theo phán xử của Tòa Trọng Tài La Haye (tháng 07/2016) và khoan dầu ở vùng biển mà Trung Quốc đơn phương giành chủ quyền.

Bắc Kinh chưa phản ứng về lời tuyên bố này của tổng thống Duterte. Tuy nhiên, lời đe dọa « sử dụng vũ lực » của Trung Quốc, do tổng thống Philippines kể lại, bị một thẩm phán có uy tín tại Manila công kích. Theo Reuters, với nhận định lời đe dọa của Tập Cận Bình « vi phạm trắng trợn » Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, Công Ước Liên Hiệp Quốc Về Luật Biển và Hiệp Ước Hữu Nghị Và Hợp Tác Đông Nam Á mà Trung Quốc và Philippines đều là thành viên, thẩm phán Antonio Carpio, nhân vật cột trụ trong vụ đưa hồ sơ Biển Đông ra Toà Án Trọng Tài La Haye, thúc giục chính phủ một lần nữa kiện Trung Quốc ra các cơ quan trọng tài quốc tế cũng như ở Liên Hiệp Quốc.

Thẩm phán Antonio Carpio đả kích chính sách « bỏ Mỹ theo Trung Quốc » và thái độ thụ động của tổng thống Duterte, theo ông, đã đưa đến hệ quả là « khuyến khích » Bắc Kinh lấn tới tại Biển Đông : « Tổng thống không làm gì cả, thậm chí còn đồng lòng với Trung Quốc không bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế quốc gia ».

Nhân vật số hai của Tối Cao Pháp Viện Philippines cũng chỉ trích tổng thống Duterte chọn giải pháp đàm phán song phương với Trung Quốc và « lúc nào cũng trình bày vấn đề (chủ quyền biển đảo) một cách bi quan để dân chúng cuối cùng phải chấp nhận luận điểm của Trung Quốc ».

Đe dọa của chủ tịch Trung Quốc được tổng thống Philippines thuật lại trong bài diễn văn hôm thứ Sáu trước những chỉ trích từ công luận. Phát ngôn viên tổng thống Ernest Abella, trái lại, cho rằng trong cuộc gặp hôm thứ Hai 15/05, « lãnh đạo hai bên đã thảo luận một cách thẳng thắn về khả năng thăm dò dầu khí trong tương lai và đồng ý tiếp tục một giải pháp ôn hòa tôn trọng quyền kinh tế và chủ quyền quốc gia". - RFI
|
|

10.
Ý: Tuần hành rầm rộ tại Milano vì người nhập cư

Khoảng 2.000 người nhập cư đã được cứu ngoài khơi Địa Trung Hải chỉ trong vòng 24 giờ từ ngày 19 đến 20/05/2017. Từ năm 2016, các chuyến vượt biển từ Libya thường được tổ chức theo đợt lớn. Chỉ tính từ đầu năm 2017, số di dân đến Ý đã tăng thêm 40% so với cùng thời điểm năm trước.

Trong khi đó, chiều 20/05, khoảng 100.000 người đã xuống đường tuần hành tại Milano để ủng hộ việc đón nhận di dân và kêu gọi xã hội Ý mở cửa cho những người mới đến. Từ Milano, thông tín viên RFI Anne Tréca tường trình :

"Thị trưởng Milano là người khởi xướng cuộc tuần hành và có thể hài lòng về thành công của sự kiện. Số người tham gia nhiều gấp 10 lần so với dự tính. Đa số là người Ý, nhưng cũng có rất nhiều người Hoa, Bolivia, Mêhicô và châu Phi, đã xuống đường để ủng hộ một xã hội đa dân tộc.

Lombardia là vùng đón nhiều người nhập cư nhất tại Ý và quy mô cuộc tuần hành đã vượt qua mọi mong đợi. Họ tập trung thành một đoàn dài, giương cao những lá cờ mầu cầu vồng tượng trưng cho hòa bình, khoác những tấm khăn choàng cứu hộ mầu vàng óng mà nhân viên cứu hộ vẫn đưa cho người nhập cư được cứu trên biển.

Tất cả những biểu tượng này để kêu gọi chính phủ phải tiếp đón người nước ngoài và phải thay đổi luật vì hiện nay, nhập cư bất hợp pháp là một hình thức phạm tội tại Ý. Để giúp đất nước phát triển, mà vẫn tôn trọng pháp chế, họ cũng yêu cầu các chính sách đón tiếp và giúp hòa nhập, hiện chưa có tại Ý.

Vài chục địa phương lân cận Milano cũng tham gia cuộc tuần hành, mà đại diện là các thị trưởng đeo dải băng ba mầu. Thành viên của hàng trăm hiệp hội cũng có mặt. Họ đã thành công biến cuộc tuần hành vì người nhập cư chiều 20/05 thành sự kiện lớn nhất trong vòng 20 năm gần đây.

Sự kiện trên được tổ chức sau khi một thanh niên cực đoan người Ý gốc Tunisa đã đâm chết một cảnh sát tại nhà ga Milano ngày 17/05. Thủ phạm bị tình nghi là khủng bố. Thêm một lý do cho những người muốn đóng cửa biên giới và thúc đẩy các vụ trục xuất. Còn những người biểu tình tại Milano đáp trả bằng khẩu hiệu : Chúng ta không xây tường". - RFI
|
|

11.
Cúm gà bùng phát, Trung Quốc đóng chợ gia cầm

Trung Quốc sẽ đóng cửa chợ gia cầm tại một số quận, huyện ở hai thành phố sau khi phát hiện cúm gia cầm H7N9.

Reuters dẫn lại tin mà truyền thông của quốc gia đông dân nhất thế giới đăng hôm 21/5. Đây là vụ mới nhất trong đợt bùng phát dịch nghiêm trọng hơn trong năm nay.

Một người đàn ông 44 tuổi bán gia cầm tại một khu chợ nông sản ở thành phố Tự Cống thuộc tỉnh Tứ Xuyên đã được chẩn đoán nhiễm H7N9.

Sau đó, chính quyền địa phương đã thông cáo đóng cửa chợ gia cầm trong vòng một tháng tại quận Tự Lưu Tỉnh kể từ nửa đêm ngày 22/5.

Trong một diễn biến khác, một người đàn ông 74 tuổi cũng bị nhiễm H7N9 sau khi tới một chợ gia cầm ở thành phố Tân Châu thuộc tỉnh Sơn Đông.

Vụ nhiễm bệnh đã khiến chính quyền đóng cửa chợ gia cầm tại ba quận huyện của thành phố này.

H7N9 có thể gây nhiễm ở người. Các trường hợp cúm gia cầm đã tăng cao bất thường ở Trung Quốc kể từ năm ngoái.

Các ca tử vong trong những tháng đầu năm nay cao gấp 3 lần so với cả năm ngoái. Nhưng số người chết trong tháng Tư giảm tháng thứ ba liên tiếp, theo Reuters. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

12.
Cha của ông Comey: ‘Trump rất sợ con trai tôi’

Cha của cựu giám đốc FBI James Comey nói rằng con trai ông bị bãi nhiệm vì Tổng Thống Trump “rất sợ con trai tôi.”

Trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại dành cho hệ thống truyền hình CNN hôm Thứ Bảy, ông J. Brien Comey gọi việc con trai của ông bị bãi nhiệm tuần qua là một hành vi cá nhân của ông Trump.

“Con trai tôi không hứa sẽ trung thành 100% với ông ấy, điều mà ông Trump đòi hỏi ở những người làm việc với ông,” theo lời người cha 86 tuổi của ông Comey. “Con tôi nói sẽ cho 100% sự thành thật, nhưng không có việc trung thành.”

Ông J. Brien Comey nói con trai ông, người mà ông gọi là “thẳng thắn và thành thật,” bị giải nhiệm vì “James nói sự thật, trong khi ông Trump cả ngày cứ đi nói dối.”

Các phát biểu của cha ông Comey được đưa ra sau hai tuần lễ có nhiều biến động cho chính phủ Trump, khởi sự bằng việc ông Trump bãi nhiệm ông Comey hôm 9 Tháng Năm và sau đó làm bẽ mặt các phụ tá cao cấp khi có các giải thích khác biệt về hành động này. Và sau cùng là việc ông Trump nêu lên việc bãi nhiệm ông Comey khi gặp giới chức cao cấp Nga ở Tòa Bạch Ốc.

Theo một bản tóm tắt những gì được thảo luận, ông Trump khoe là vừa cho giám đốc FBI nghỉ việc và điều này giảm được áp lực lên ông về vấn đề Nga. Ông Trump còn gọi ông Comey là người “khùng, điên.”

Cha của ông Comey không che giấu sự chán ghét đối với Tổng Thống Trump.

“Tôi nghĩ ông ấy nên được đưa vào dưỡng trí viện. Ông quả là người khùng,” ông J. Brien Comey nói.

Ông cho hay không hề có ý định bỏ phiếu cho ông Trump hay bà Clinton trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua.

“Tôi sẽ không tiết lộ điều tôi nghĩ về bà ấy,” ông nói. “Chúng ta có hai sự lựa chọn quá tệ.” - nguoiviet
|
|

13.
Đề nghị ngân sách của TT Trump cắt Medicaid rất nhiều

Đề nghị ngân sách đầu tiên của Tổng Thống Donald Trump, sẽ được đưa ra vào Thứ Ba, bao gồm cắt giảm chương trình Medicaid cho người nghèo rất nhiều và thay đổi các chương trình chống đói nghèo, trong đó, tiểu bang có quyền giới hạn một số quyền lợi cho người thụ hưởng, mặc dù Quốc Hội không hài lòng, nhật báo The Washington Post trích lời những người biết nội dung ngân sách cho biết.

Đối với Medicaid, chương trình bảo hiểm sức khỏe cho người nghèo giữa liên bang và tiểu bang, kế hoạch ngân sách của tổng thống sẽ dựa theo một dự luật do đảng Cộng Hòa ở Hạ Viện thông qua, cắt hơn $800 tỷ trong hơn 10 năm.

Văn Phòng Ngân Sách Quốc Hội dự đoán dự luật ngân sách này sẽ cắt hẳn quyền lợi Medicaid của khoảng 10 triệu người Mỹ trong một thập niên tới.

Tòa Bạch Ốc cũng yêu cầu Quốc Hội để cho tiểu bang nhiều quyền hạn hơn trong việc bắt buộc người thụ hưởng các chương trình chống đói nghèo phải đi làm, và điều này có thể tạo ra nhiều thay đổi tại các tiểu bang có thống đốc bảo thủ.

Nhiều chương trình chống đói nghèo có các phần do liên bang và tiểu bang quản trị, và khi Washington cho phép các tiểu bang bắt buộc người thụ hưởng phải đi làm, điều này có thể có ảnh hưởng lớn trong việc ai được hưởng các khoản tiền trợ cấp – và trong bao lâu.

Có nhiều chương trình xã hội được tạo ra trong thời kỳ khủng hoảng tài chánh, làm cho nhiều người Cộng Hòa phàn nàn rằng, cần phải có giải pháp buộc người thụ hưởng rút ra khỏi chương trình, hoặc đi làm trở lại.

Ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức tổng thống, ông Trump nói rằng: “Chúng ta muốn người dân ra khỏi chương trình ‘welfare’ và đi làm trở lại… Chương trình này bắt đầu mất kiểm soát rồi.”

Quyết định của ông Trump bao gồm cắt giảm Medicaid là lạ lùng, bởi vì nó cho thấy, ông phản đối đề nghị của các thượng nghị sĩ Cộng Hòa không muốn bỏ chương trình này, do Tổng Thống Barack Obama mở rộng như một phần của Obamacare.

Hạ Viện trước đây bỏ phiếu cắt Medicaid trong dự luật hủy bỏ Obamacare, nhưng các thượng nghị sĩ Cộng Hòa ngỏ ý cho thấy, họ sẽ bắt đầu dự luật lại từ đầu. - nguoiviet
|
|

Tin Việt Nam

14.
Trung Quốc 'đánh giá cao' hậu thuẫn của Việt Nam

Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Châu Sơn nói với Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang rằng Bắc Kinh “đánh giá cao sự hậu thuẫn tích cực và sự tham dự của Việt Nam vào Diễn đàn Hợp tác Quốc tế Vành đai và Con đường mới được tổ chức ở Bắc Kinh”, theo Xinhua.

Quan chức hai nước gặp nhau ở Hà Nội hôm 20/5 bên lề một sự kiện trong khuôn khổ của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) mà Việt Nam tổ chức.

Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc đã thông báo cho nguyên thủ Việt Nam về “thành công và thành quả toàn diện” của diễn đàn mà nhiều hãng tin gọi là sáng kiến “con đường tơ lụa mới” nhằm củng cố quan hệ hợp tác giữa châu Á, châu Phi và châu Âu.

Theo Tân Hoa Xã, ông Quang đã “chúc mừng thành công của Trung Quốc trong việc tổ chức diễn đàn” và rằng Việt Nam “coi trọng việc mở rộng và củng cố quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư với Trung Quốc”.

Theo Reuters, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sử dụng hội nghị thượng đỉnh với sự tham dự của nhiều nhà lành đạo và các quan chức hàng đầu thế giới, trong đó có Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang, để củng cố vị trí lãnh đạo của Trung Quốc trên thế giới.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump thúc đẩy chiến lược “Nước Mỹ trên hết”, và đặt dấu hỏi về các thỏa thuận thương mại tự do trên thế giới.

Theo trang web của chính phủ Việt Nam, ngoài quan chức thương mại của Trung Quốc, ông Quang còn tiếp bộ trưởng thương mại của các nước như Nga, Indonesia và Canada.

Tân Đại diện thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer hiện ở Việt Nam tham dự sự kiện của APEC.

Theo Reuters, tại Hà Nội, Nhật Bản và các thành viên khác của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương hôm 21/5 đã đồng ý tiếp tục theo đuổi hiệp định thương mại này mà không có Hoa Kỳ tham gia. - VOA
|
|

15.
Tổng thống Trump sẽ tiếp đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 31/5

Tin tức xuất phát từ Washington cho hay, Tổng thống Hoa Kỳ sẽ tiếp đón Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Nhà Trắng vào ngày 31/05/2017.

Một nguồn tin đáng tin cậy nói với Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do RFA rằng, cùng với việc bàn thảo về mối quan hệ song phương, Tổng thống Trump sẽ giải thích rõ chủ trương của ông với Thủ tướng Việt Nam về việc Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP.

Nguồn tin này nói thêm là Tổng thống Trump sẽ đề nghị với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc hai nước cùng duyệt lại và mở rộng bản Hiệp Định Thương Mại Song Phương đã được ký kết hồi tháng 12/2001”. Theo ông Trump “điều này sẽ có lợi cho cả Hoa Kỳ lẫn Việt Nam”.

Cũng liên quan đến Hiệp ước TPP và quan hệ thương mại giữa Hoa Kỳ với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, tuần rồi trước khi Đại Diện Thương Mại Mỹ rời Washington sang Hà Nội để dự cuộc họp cấp bộ trưởng thương mại APEC, tin từ Nhà Trắng cho biết theo chủ trương của Tổng Thống Trump, “Hoa Kỳ sẽ mở một loạt đàm phán thương mại song phương với các nước đối tác” thay vì đàm phán đa phương như chủ trương của các chính phủ tiền nhiệm. - RFA
|
|

16.
Little Saigon: Công bố báo cáo nhân quyền tại Việt Nam 2016-2017

Trái ngược với tuyên truyền của chính quyền Việt Nam cho rằng tình hình nhân quyền đang được cải thiện, báo cáo nhân quyền thường niên của Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam (MLNQVN) trong năm 2016 và ba tháng đầu năm 2017 vạch rõ nhiều diễn biến suy thoái trong tất cả các lãnh vực kinh tế, xã hội, và văn hoá tại quê nhà.

Bản báo cáo nhân quyền thường niên được đại diện MLNQVN công bố trong buổi tiếp xúc với giới truyền thông Little Saigon vào sáng Chủ Nhật, 21 Tháng Năm, tại Thư Viện Việt Nam Toàn Cầu, Westminster.

Mở đầu buổi họp báo, Tiến Sĩ Nguyễn Bá Tùng, trưởng Ban Phối Hợp MLNQVN, cho biết cách thức để thực hiện bản báo cáo, là “nhờ sự phối hợp giữa MLNQVN và một số nhà hoạt động nhân quyền trong nước. Những tài liệu chúng tôi dùng là những tài liệu mở, nghĩa là người đọc có thể kiểm chứng được những điều chúng tôi nói trong bản báo cáo. Những tài liệu này hoặc do những nhà đấu tranh trong nước đưa ra và chúng tôi đã kiểm chứng qua những thông tin chính thức của trong và ngoài nước.”

Giáo Sư Nguyễn Thanh Trang, thành viên Ban Phối Hợp MLNQVN, trình bày tóm tắt về vấn đề “Quyền được tham gia đời sống chính trị quốc gia” và “Quyền tự do phát biểu và tự do ngôn luận.”

Ông Trang cho rằng, “Hiến pháp nhà nước Việt Nam sau khi được sửa đổi, bổ sung có qui định rằng người dân có quyền tham gia quản lý nhà nước qua bầu cử và ứng cử, tự do ngôn luận, hội họp, lập hội và biểu tình. Tuy nhiên, cũng chính Điều 4 của Hiến Pháp lại khẳng định vai trò lãnh đạo tuyệt đối của đảng CSVN trong mọi sinh hoạt của đất nước.”

“Nghĩa là đảng Cộng Sản còn đứng trên cả nhà nước và quốc hội,” ông nói.

“Chính ở sự mâu thuẫn nầy và ý đồ duy trì độc quyền chính trị bằng mọi giá mà tất cả những quy định về quyền chính trị được công nhận nơi Điều 20, Điều 21 trong Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và Điều 21, Điều 22 trong Công Ước Quốc Tế về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị mà Việt Nam cam kết tôn trọng đã bị triệt tiêu. Người dân bị tước đoạt tất cả quyền chọn lựa thể chế chính trị và người đại diện. Người dân không có quyền có quan điểm, chính kiến khác với đường lối của đảng CSVN. Tất cả các nhóm đối lập bị đàn áp và đặt ra ngoài vòng pháp luật,” bản báo cáo viết.

Cũng theo Giáo Sư Nguyễn Thanh Trang, Hiến Pháp Việt Nam quy định “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.”

“Tuy nhiên tình hình sinh hoạt báo chí, truyền thanh, truyền hình, và Internet trong năm 2016 chứng tỏ cho thấy đó chỉ là những khẩu hiệu trống rỗng. Chính quyền vẫn tiếp tục xâm phạm quyền tự do ngôn luận của người dân bằng cách tiếp tục chiếm giữ độc quyền thông tin; tiếp tục ngăn chặn thông tin bất lợi cho chế độ; và tiếp tục đàn áp những người trình bày sự thật hoặc dám bày tỏ quan điểm chính kiến trái ngược,” bản báo cáo viết.

Tiến Sĩ Nguyễn Bá Tùng tóm tắt nội dung báo cáo về “Quyền sống, quyền tự do và an ninh thân thể” và “Quyền được toà án độc lập xét xử công bằng và vô tư.”

Ông Tùng cho biết, “Mỗi năm ở Việt Nam có 1,434 người bị án tử hình, đứng thứ tư trên thế giới.”

“Theo báo cáo của Bộ Công An công bố vào Tháng Ba, 2015, trong giai đoạn từ Tháng Mười, 2011 đến Tháng Chín, 2014 đã xảy ra 226 trường hợp chết tại nhà tạm giữ, trại tạm giam trên toàn quốc. Trong năm 2016 và đầu năm 2017, ít nhất có đến 12 trường hợp chết do bạo hành của công an và các lực lượng an ninh khác được tiết lộ qua mạng truyền thông,” Tiến Sĩ Tùng dẫn báo cáo.

Nạn buôn người cũng được đề cập trong báo cáo, theo đó, Việt Nam được tổ chức Walk Free Foundation xếp ở vị trí thứ 47 trên tổng số 167 quốc gia trong bảng xếp hạng về số lượng người phải sống trong cảnh nô lệ, với khoảng 139,000 người.

Việc sửa đổi luật lệ, giam giữ tùy tiện và hình sự hóa các sinh hoạt chính trị đi ngược lại quyền lợi của đảng CSVN, vi phạm những nguyên tắc cơ bản của Luật Tố Tụng Hình Sự, vai trò trang trí của luật sư cũng được ông Tùng nêu ra.

Trong phần trình bày của mình, ông Đỗ Anh Tài, thành viên Ban Phối Hợp MLNQVN, tóm tắt những vi phạm của nhà cầm quyền Việt Nam liên quan đến “Quyền tự do tôn giáo và thờ phượng” và “Quyền được đối xử bình đẳng không kỳ thị” với những dẫn chứng hùng hồn, cụ thể.

Theo báo cáo, “Khoảng 95% trong số 90 triệu người ở Việt Nam có tín ngưỡng hay tôn giáo, phần lớn trong số họ thực hành tín ngưỡng truyền thống và hơn 24 triệu người theo các tôn giáo khác nhau tại Việt Nam.”

“Tuy nhiên, từ khi nắm được chính quyền, với chủ trương xóa bỏ tôn giáo để thực hiện chế độ cộng sản toàn trị, nhà nước CSVN đã tìm mọi cách để ngăn cấm quyền tự do tôn giáo của người dân bằng nhiều phương tiện khác nhau như ngăn chặn bằng pháp luật, kiểm soát bằng tổ chức, và đàn áp bằng bạo lực,” báo cáo viết.

Đối với “Quyền được đối xử bình đẳng không kỳ thị,” theo ông Tài, “ngoại trừ vấn đề quyền của của nhóm đồng tính – song tính – chuyển tính mà chính quyền Việt Nam khai thác tối đa để che lấp thành tích tệ hại của họ đối với những bất bình đẳng và kỳ thị về xã hội, kinh tế và chính trị khác, thì thực tế tình trạng kỳ thị, đối xử bất bình đẳng nói chung vẫn không cải thiện hơn.”

Sự kỳ thị ở đây bao gồm kỳ thị với những thành phần thuộc chế độ cũ, người ngoài đảng, người có tôn giáo, người thuộc các sắc tộc thiểu số và cả kỳ thị với phụ nữ.

Những vi phạm về “Quyền được làm việc và hưởng thụ thành quả lao động” và “Quyền được hưởng an sinh xã hội” được ông Nguyễn Bá Lộc, thành viên Ban Phối Hợp MLNQVN, tóm lược.

“Trong năm 2016, Việt Nam vẫn tiếp tục vi phạm quyền của người lao động trên bình diện pháp luật và nhất là trong thực tế, đặc biệt trong lãnh vực quyền thành lập nghiệp đoàn và quyền đình công,” báo cáo viết.

Vi phạm quyền của người lao động trong luật lệ lao động, trong thực tế sinh hoạt như gia tăng kiểm soát sinh hoạt công đoàn, người lao động tiếp tục bị bóc lột, nhà nước tiếp tục chính sách lao động cưỡng bách và bóc lột lao động xuất khẩu là những điều được ông Lộc đề cập đến.

Bên cạnh đó, ông còn nêu lên một cách vắn tắt những vấn đề về an sinh cho người thiểu số, cho trẻ em, cũng như vấn nạn dân oan liên quan đến việc quyền tư hữu đất đai bị tước đoạt, và nạn tham nhũng – tác nhân của các vi phạm quyền an sinh.

Cũng trong buổi này, ông Tùng còn cho biết, “Ngoài giải thưởng Nhân Quyền được trao hằng năm, mỗi tháng một lần, chúng tôi còn thu xếp tài chánh để trao giải Phóng Viên Vỉa Hè, tức trao cho tác giả của những video clip được hiện để nói về vấn đề đấu tranh nhân quyền, chứ không phải nhân vật được nêu trong các video clip đó.”

Bản Báo Cáo Nhân Quyền thường niên của MLNQVN còn cập nhật danh sách của 145 tù nhân lương tâm còn bị giam giữ và 37 tù nhân lương tâm còn bị quản chế đến ngày 30 Tháng Ba, 2017.

Với bản báo cáo nầy, MLNQVN không những muốn báo động dư luận thế giới về tình hình nhân quyền tồi tệ tại Việt Nam hiện nay, mà còn yêu cầu nhà cầm quyền CSVN chấm dứt những vi phạm đã tồn tại trong nhiều năm qua đồng thời phải bồi thường xứng đáng những thiệt hại gây ra cho nhân dân và các tập thể quần chúng. MLNQVN cũng ước mong các chính quyền dân chủ và yêu chuộng tự do và các tổ chức nhân quyền quốc tế có thái độ thích đáng đối với Việt Nam vì những thành tích tệ hại về nhân quyền của họ; đặc biệt cần ngăn cản việc chính quyền Việt Nam làm hoen ố uy tín của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc khi họ lạm dụng tư cách thành viên của hội đồng.

MLNQVN được thành lập từ năm 1997, quy tụ một số cá nhân và đoàn thể dấn thân trong lãnh vực tranh đấu và bảo vệ nhân quyền và quyền tự do mà mọi người dân Việt Nam đều có quyền hưởng như đã được quy định trong Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và các văn kiện quốc tế nhân quyền khác. - nguoiviet
|
|

17.
Tám triệu dân Sài Gòn có thể bị đầu độc?

Dân chúng Sài Gòn đang hoang mang trước nguy cơ bị đầu độc vì công ty cấp nước của thành phố này (SAWACO) sử dụng ống dẫn nước bằng gang dẻo do Trung Quốc sản xuất.

Cuối tuần trước, tờ Pháp Luật TP.HCM cho biết, chính quyền thành phố Sài Gòn đã yêu cầu ba sở (Khoa Học-Công Nghệ, Giao Thông-Vận Tải, Y Tế) phối hợp để kiểm tra xem hệ thống ống dẫn nước có an toàn cho sức khỏe cộng đồng hay không.

Yêu cầu này phát xuất từ tố giác của ông Trương Văn Hải hồi Tháng Sáu năm ngoái. Lúc đó, ông Hải, một người từng làm việc tại SAWACO, nhấn mạnh, trong kế hoạch phát triển 260 cây số ống dẫn nước cấp 1, 2 và 1,000 cây số ống dẫn nước cấp 3, SAWACO đã quyết định dùng ống gang dẻo do Trung Quốc sản xuất.

Theo ông, nguy cơ cho sức khỏe cộng đồng từ lựa chọn này rất lớn vì Trung Quốc sử dụng phế phẩm của quân đội Trung Quốc (vật liệu phân hủy sinh học, vũ khí, bom mìn hết hạn sử dụng) để đúc ống gang dẻo.

Ông còn dẫn một cảnh báo của ông Đoàn Đình Phương, viện phó Viện Khoa Học Vật Liệu, để nhắc nhở, lòng ống gang dẻo thường được phủ bằng một lớp vữa xi măng hoặc một lớp epoxy từ 5 mm đến 9 mm (tùy kích thước ống). Nếu nguyên liệu và kỹ thuật phủ không đạt các yêu cầu vốn hết sức nghiêm ngặt, nước sẽ bị nhiễm độc và người dùng nước lãnh đủ.

Cảnh báo của ông Phương được đưa ra hồi Tháng Tư, 2016, sau khi công ty cấp nước của tập đoàn Vinaconex là Viwasupco loan báo đã chọn ống gang dẻo do Xinsing – một công ty của quân đội Trung Quốc – làm nhà cung cấp ống dẫn nước từ sông Đà về Hà Nội. Sau cảnh báo này, chính quyền thành phố Hà Nội đã đề nghị chính phủ Việt Nam chỉ đạo Vinaconex dừng hợp đồng với Xinsing để nghiên cứu lại. Tháng Mười Một, 2016, Vinaconex loan báo đã hủy hợp đồng đặt mua ống dẫn nước của Xinsing.

Trả lời tờ Tuổi Trẻ về việc sử dụng ống gang dẻo do Trung Quốc sản xuất, ông Hồ Văn Lâm, tổng giám đốc SAWACO, cho biết từ năm 2000 đến nay, SAWACO đã mua 470,000 mét ống gang dẻo để cải tạo và phat triển hệ thống ống dẫn nước ở Sài Gòn. Trong số này có 53% ống dẫn nước do một số công ty của Trung Quốc như Xinsing, Sun… sản xuất.

Ông giải thích, việc mua sắm vật tư cho lĩnh vực cấp nước phải tổ chức đấu thầu và vì giá sản phẩm của Trung Quốc thường rẻ hơn giá của các nhà thầu khác từ 10% đến 30% nên các công ty Trung Quốc thường thắng thầu.

Ông cũng trấn an là khi nhận sản phẩm, SAWCO đã thuê Trung Tâm Kỹ Thuật Tiêu Chuẩn-Đo Lường-Chất Lượng 3 kiểm định lại phẩm chất trước khi lắp đặt nên các ống đã dùng đều “bảo đảm về chất lượng theo quy định.”

Một đại diện của Trung Tâm Y Tế Dự Phòng ở Sài Gòn, nơi đảm nhận trách nhiệm giám sát nguồn nước, nói với tờ Tuổi Trẻ rằng, thỉnh thoảng, lượng clor và độ đục trong nước sinh hoạt cấp cho dân chúng Sài Gòn có thay đổi nhưng chưa bao giờ tìm thấy kim loại nặng trong nước.

Cần lưu ý là thời gian sử dụng của các ống gang dẻo trong cấp nước khoảng 100 năm.

Cũng theo tờ Tuổi Trẻ, ngoài SAWCO, Saigon Water – một công ty đang cấp nước cho dân chúng khu vực Củ Chi – cũng đang sử dụng ống gang dẻo do Xinsing sản xuất. Saigon Water khẳng định, nước dẫn qua hệ thống ống do Trung Quốc sản xuất “đạt chất lượng theo quy định.”

Ông Nguyễn Lý Trọng, một kỹ sư, thành viên của Hội Khoa Học-Kỹ Thuật Xây Dựng Sài Gòn, nhận định trong thực tế, ống cấp nước, ống dẫn nước của Trung Quốc giảm phẩm chất sau khi sử dụng một thời gian, dẫn đến các “sự cố” nên làm nhiều người nghi ngại, thành ra nên sử dụng một đơn vị độc lập, kiểm tra lại phẩm chất.

Câu chuyện về ống dẫn nước của Trung Quốc và sức khỏe cộng đồng ở Việt Nam chắc chắn sẽ còn rất dài. Người ta tin rằng, không chỉ Hà Nôi, Sài Gòn mà công ty cấp nước của các tỉnh, thành phố khác cũng dùng ống cấp nước do Trung Quốc sản xuất. - nguoiviet
|
|

18.
Đối thoại 'tín hiệu mới rất đáng khích lệ'

[LMN: Trong quá khứ, khi CS yếu, họ đề nghị đối thoại. Khi mạnh, họ bóp mũi đối lập. CS chưa từ bỏ Mác-Lê thì họ không bao giờ chấp nhận đối lập. Thưởng kêu gọi đối thoại, nhưng cùng lúc các activists dân chủ như Đoan Trang bị bao vây, khi phái đoàn Mỹ sắp đến Hà Nội thảo luận nhân quyền]

Dự định đề nghị xem xét mở 'đối thoại' với bất đồng chính kiến của Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đảng CSVN, ông Võ Văn Thưởng, là tín hiệu mới, đáng khích lệ và là 'lời mời rất quý báu', một 'cơ hội' cần được 'chớp lấy', theo một số ý kiến bình luận, quan sát của khách mời tại Tọa đàm cuối tuần của BBC Việt ngữ.

Hôm thứ Bảy, 21/5/2017, Tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ, nhà bất đồng chính kiến, cựu tù nhân chính trị của Việt Nam từ Hoa Kỳ nói với BBC ông ủng hộ động thái mà ông gọi là sự 'ngỏ lời' này của đảng cộng sản đang cầm quyền ở Việt Nam, ông nói:

"Ngỏ lời đối thoại với những người bất đồng chính kiến Việt Nam từ Đảng Cộng sản Việt Nam, mà ở đây là thông qua phát biểu của ông Võ Văn Thưởng... là một tín hiệu mới và rất đáng khích lệ.

"Tuy nhiên, nếu chúng ta thực sự là những người đấu tranh vì dân chủ, nhân quyền, những người bất đồng chính kiến mà có kinh nghiệm, đồng thời bản lĩnh, thì không đời nào chúng ta lại đòi hỏi nhà cầm quyền tự nhiên lại có cuộc đối thoại sòng phẳng với những người bất đồng chính kiến được.

"Tôi nói như vậy để nói rằng cứ mở ra đối thoại đi đã, Đảng Cộng sản Việt Nam có thể mời những người có quan điểm khác biệt theo mức độ của Đảng CSVN muốn đi đã.

"Để mà khơi mào, để mở đầu, người ta gọi là 'vạn sự khởi đầu nan', mọi cái chưa xảy ra, mà mình có quan điểm bi quan, thậm chí quan điểm bác bỏ, bảo là Đảng CSVN lừa đấy, thì bản thân chúng ta trong cuộc sống mà lúc nào chúng ta cũng không nhìn hướng về cái tốt, kể cả trong tình huống xấu nhất..."

'Đối thoại phải trực tiếp'


Tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ làm rõ thêm quan điểm của mình từ kinh nghiệm và niềm tin cá nhân cho đến cách hiểu về lý thuyết đối thoại, và cho rằng đối thoại phải là 'trực tiếp', ông nói với Tọa đàm cuối tuần của BBC:

"Tôi cũng xin nói ngay, tôi bị tù, trong khi đang bị cầm tù rất khắc nghiệt như thế, nhưng tôi luôn có một niềm tin rằng cuộc đấu tranh của bản thân tôi cũng như bao nhiêu người bất đồng chính kiến khác ở Việt Nam là chính nghĩa, Đảng CSVN trước sau và thậm chí trong một thời gian ngắn, rồi cũng phải nghe...

"Bởi không phải Đảng CSVN sống một mình ở trên cõi đời này, còn có thế giới, còn có các nước công nghiệp phát triển mà Việt Nam rất cần sự giúp đỡ, để mà phát triển kinh tế, có Mỹ mà Việt Nam rất cần để có thể tự bảo vệ mình trước sự xâm lăng của Trung Quốc.

"Thành ra sự thay đổi phải đến, cho nên tôi khẳng định lại là việc Đảng CSVN ngỏ lời đối thoại như thế là chúng ta phải ủng hộ, còn chúng ta... từ cá nhân, cho đến nhóm người, chúng ta đừng tự xếp mình là 'tôi mới là bất đồng chính kiến', 'tôi mới là nhân vật quan trọng nhất' để ĐCS đối thoại, nhưng vì tôi có quan điểm quá ngược với ĐCS đi, tôi cần phải có người trung gian.

"Tôi cho rằng cách đặt vấn đề như thế vừa không khoa học theo con đường phát triển của xã hội, đặc biệt lý thuyết về đối thoại, nó phải đi từ ít đến nhiều. Thứ hai, tôi nghĩ đối thoại là trực tiếp giữa Đảng CSVN và những người có quan điểm chính trị khác biệt với Đảng CSVN, thì phải là đối thoại trực tiếp.

"Phải đối thoại trực tiếp cho dù những người ban đầu mà Đảng CSVN ngỏ ý muốn đối thoại không phải bao hàm tất cả những người bất đồng chính kiến, ví dụ như tôi từ năm 2010, tôi yêu cầu phải hủy bỏ điều 4 trong Hiến pháp (nước CHXHCNVN) quy định độc quyền lãnh đạo của Đảng CSVN để thiết lập một chế đọ dân chủ, đa đảng, rồi một nhà nước tam quyền phân lập, tức là nhà nước pháp quyền...

"Quan điểm của tôi có thể nói là đi đến tận cùng để Việt Nam có được một chế độ dân chủ đa đảng, tuy nhiên để đi đến chỗ mà đất nước VN có được một chế độ... như thế, thì chúng ta phải tiến hành đối thoại."

'Tránh quan điểm cực đoan'

Nhà bất đồng chính kiến và cựu tù nhân chính trị Việt Nam từ Mỹ nhân dịp này cũng nhấn mạnh việc tránh mọi quan điểm cực đoan có thể gây ra xung đột nghiêm trọng, để hướng đến một cuộc đối thoại mà ông kỳ vọng, ông Cù Huy Hà Vũ nói:

"Chúng ta phải loại bỏ mọi quan điểm, tư tưởng cực đoan để có thể dẫn đến việc Đảng CSVN co cụm lại, bảo thủ và quyết chí giữ quyền lợi của mình, đến cùng, bằng mọi phương tiện kể cả bằng máu lửa, cái đấy tôi thấy hoàn toàn có hại cho dân tộc Việt Nam.

"Chúng ta đã có cuộc chiến tranh, cuộc nội chiến trong giai đoạn trước năm 1975 rồi, chúng ta phải rút kinh nghiệm chuyện đấy, không để Việt Nam rơi vào vòng nội chiến, những người Việt đánh nhau nữa, mà chúng ta phải hướng đến làm thế nào giải quyết những bất đồng, cho dù sự bất đồng ấy gần như có thể gọi là 'nước với lửa'...

"Nhưng tôi nghĩ rằng, với thời gian, mọi bất đồng và với một tâm muốn vì dân vì nước, chứ đừng vì cá nhân mình, đừng vì gia đình mình, đừng vì lợi ích cục bộ của bè nhóm mình, thì mọi cái đều có thể đặt lên trên bàn đối thoại và đều có thể giải quyết được," ông Hà Vũ nói với BBC.

Cũng tại Bàn tròn hôm thứ Bảy, Luật sư Lê Công Định, một nhà bất đồng chính kiến và cựu tù nhân chính trị chia sẻ với BBC quan điểm của mình qua bút đàm, về ý tưởng của ông Võ Văn Thưởng đề nghị Ban bí thư của Đảng CSVN xem xét 'tổ chức đối thoại', đề cập khía cạnh hình thức và nội dung 'của đối thoại' nếu có, ông Định viết:

"Tôi nghĩ phải có trung gian để tránh trường hợp phía đảng cầm quyền áp đặt mọi điều kiện đối thoại. Như tôi đã nói, phải tránh khả năng đảng cầm quyền dùng đối thoại để PR, nên không thể để họ tự ý lựa chọn người và đề tài đối thoại.

"Chủ đề ưu tiên nên là quyền biểu tình, quyền lập hội, quyền tự do báo chí và trả tự do cho các tù nhân lương tâm. Tôi tin nếu có đối thoại, nhà nước sẽ bảo đảm an toàn cho người đối thoại, vì họ đang làm PR (tuyên truyền, quảng cáo) nên cần giữ hình ảnh."

Luật sư Định cũng bày tỏ quan điểm cho rằng ông không tin sẽ diễn ra 'đối thoại' thực sự, ông viết: "Giả sử lời ông Thưởng nói là đúng và cuộc đối thoại diễn ra, tôi vẫn nghĩ rằng họ sẽ lựa chọn người dễ bảo và dễ đồng ý những gì họ áp đặt, chứ không phải sẽ đối thoại với ai mà phía bất đồng chính kiến muốn.

"Nói cách khác, họ sẽ đặt ra thể lệ đối thoại, chọn người đối thoại, nêu ra đề tài đối thoại và chỉ đưa lên truyền thông nội dung đối thoại nào có lợi và họ muốn. Đây là một chiến dịch PR không hơn không kém nếu nó diễn ra. Tuy nhiên, tôi không tin nó sẽ diễn ra. Bởi như tôi đã nói, phát biểu của ông Thưởng nhằm mục đích duy nhất là cuộc đối thoại nhân quyền với Hoa Kỳ vào tuần sau."

'Cơ hội cần được chớp'

Ngay tại Bàn tròn, một khách mời khác, nhà báo Lương Đình Cường, Tổng Biên tập báo điện tử Nguoiviet.de từ Cộng hòa Liên bang Đức đưa ra quan điểm của mình, ông nói:

"Cá nhân tôi không chia sẻ và không nhất trí với một đề nghị hay dự kiến của ông Lê Công Định nói rằng trong cuộc đối thoại này cần phải có trung gian, theo tôi toàn là người Việt Nam cả, chúng ta tại sao lại phải cần có trung gian? Tôi cho rằng sẽ không cần và không nên có trung gian.

"Thứ hai là chúng ta phải như thế này, nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay nắm trong tay toàn bộ lực lượng công an, quân đội, tòa án, (kiểm) sát... nghĩa là toàn bộ hệ thống chính trị, còn chúng ta là những người lực lượng dân chủ, xã hội dân sự v.v... Chúng ta tuy là lực lượng mạnh mẽ, nhưng chúng ta đừng đòi hỏi một sự bình đẳng, từ tín hiệu như ông Cù Huy Hà Vũ đã phân tích là lời mời rất là quý báu, là một chuyển biến rất lớn, thì chúng ta cần phải chớp lấy cơ hội dù cho rằng trong quá trình đối thoại ấy lãnh đạo Việt Nam chọn những đối tượng đối thoại theo họ muốn.

"Tức là trong số mấy chục tổ chức xã hội dân sự, họ không mời tất, mà họ lựa chọn một số nào đó. Tôi cho rằng cũng là tốt thôi. Những người chưa được đối thoại thì cứ chờ đó, những người được đối thoại trước cũng không nên vì quyền lợi của riêng tổ chức của mình mà khi vào đối thoại cũng nên nói lên tiếng nói của chung, của dân tộc, của các hội đoàn khác. Chứ không nên chúng ta đòi hỏi là phải được đông đảo, hoặc phải được ra điều kiện phải những hội đoàn này được vào đối thoại, theo tôi là không cần thiết, mà chúng ta thấy rằng đấy là một tiến bộ."

Về chủ đề đối thoại, nhà báo Lương Đình Cường nêu quan điểm:

"Chủ đề đối thoại cũng vậy, theo tôi chúng ta cũng không thể nào sòng phẳng quá mà đòi hỏi một sự bình đẳng quá mà chúng ta cứ đối thoại đi, chọn một số đề tài nào đó, mà có thể lãnh đạo Việt Nam chọn trước đi, chúng ta cứ đối thoại đi và dần dần chúng ta sẽ thêm những đề tài khác và những điều kiện khác.

"Chứ không nên nghi ngờ quá và đòi hỏi nhiều quá và lại làm khó khăn cho đối thoại, vạn sự khởi đầu nan, chúng ta cứ đối thoại và... trong quá trình đối thoại đó, thành công lớn nhất tôi cho là lãnh đạo Việt Nam sẽ bỏ chuyện ngăn cản, cấm đoán các nhà hoạt động dân chủ ra khỏi nhà mình (nơi cư trú) để đi hoạt động ở nơi này, nơi khác.

"Nhưng bây giờ, các nhà hoạt động dân chủ, cứ có một sự kiện gì là bị công an, an ninh canh cửa, gác cổng, rồi cấm đoán, theo tôi, nếu xảy ra đối thoại, hiện tượng đó đương nhiên sẽ được giảm bớt hoặc là hoàn toàn gỡ bỏ, sẽ là thành công lớn nhất. (Thêm) nữa là việc đối thoại sẽ còn là khởi đầu cho cả một quá trình giải quyết những bức xúc của xã hội, như tôi nói... sẽ là một sự kiện rất lớn mà đây là chúng ta phải chớp cơ hội, chứ không nên nghi ngờ quá, dè dặt quá, rồi đòi hỏi bình đẳng quá mà nó mất cơ hội này đi...

"Bởi vì tương quan lãnh đạo ở trong Đảng CSVN (hiện nay), (nên cần) chớp cơ hội để đối thoại, mà cứ dùng dằng, nêu điều kiện nọ kia mà bỏ lỡ, thì đến một lúc nào đó tương quan lực lượng nó khác đi, có thể cơ hội đối thoại không còn nữa, sẽ là một cơ hội rất uổng phí," nhà báo Lương Đình Cường từ CHLB Đức nói với Bàn tròn Cuối tuần của BBC Việt ngữ.

Ngay sau Tọa đàm, khi được hỏi liệu có muốn phản hồi ý kiến của các khách mời khác tại Bàn tròn hay không, Luật sư Lê Công Định chia sẻ bằng bút đàm với BBC, ông viết: "Tôi không bình luận gì về nhận định của hai vị khách mời đối với quan điểm của tôi, vì tôi nghĩ hai vị đã nói hết suy nghĩ của mình một cách rất rõ ràng."

Khi được hỏi liệu các ý kiến khách mời khác có lạc quan quá hay không hay là có sự 'ngây thơ chính trị' nào đó, hoặc có thể các ý kiến này đang có tính toán nào đó khi coi đây là một cơ hội thật sự, ông Định trả lời:

"Mỗi người đều đứng ở góc độ riêng để tiếp nhận và phản hồi lại thông tin về việc ĐCSVN chuẩn bị đối thoại với người có ý kiến khác với họ. Ai cũng có những kinh nghiệm và lý do riêng để đưa ra quan điểm của mình. Tôi rất tôn trọng điều này," ông trả lời BBC. - BBC

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9




No comments:

Post a Comment