Tuesday, May 9, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Ba 9/5

Tin Thế Giới

1.
Hàn Quốc: chính trị gia trung tả Moon Jae In trúng cử tổng thống

Theo truyền thông Hàn Quốc, ứng cử viên Moon Jae In của đảng Dân Chủ trung tả đã chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử tổng thống trước thời hạn ngày 09/05/2017. Ông lên cầm quyền trong bối cảnh người kế nhiệm, bà Park Geun Hye, bị truất phế vì dính líu đến một tai tiếng tham nhũng lạm quyền nghiêm trọng.

Theo ghi nhận của hãng tin Anh Reuters, cả ba đài truyền hình lớn của Hàn Quốc đều loan báo là ông Moon Jae In đắc cử với tỷ lệ áp đảo là 41,4%. Tổng thống Hàn Quốc tân cử nguyên là một luật sư nhân quyền, trợ lý hàng đầu của cựu tổng thống Roh Moo-Hyun.

Tổng thống Hàn Quốc được bầu theo phương thức đa số đơn danh một vòng và không được quyền tái ứng cử.

Đối thủ trực tiếp của ông là Hon Joon Pyo, ứng viên bảo thủ xuất thân từ đảng của bà Park Geun Hye, tuy về nhì, nhưng bị bỏ xa đằng sau, chỉ được 23,3% số phiếu. Về thứ ba là ứng cử viên cánh trung Ahn Cheol Soo được 21,8%.

Dù trên đây chỉ là kết quả thăm dò, nhưng kết quả thực tế được cho là sẽ tương tự, nhất là khi khoảng cách giữa người dẫn đầu và người đi sau quá lớn như vậy.

Dân Hàn Quốc nô nức đi bầu

Theo AFP, người dân Hàn Quốc đã rất hăng hái đi bầu. Một tiếng đồng hồ trước khi phòng phiếu đóng cửa, tỷ lệ đi bầu đã đạt 75,1%. Nhân đợt bỏ phiếu trước vào tuần qua, 20% cử tri đã đến phòng phiếu, một con số được cho là cao kỷ lục, chứng tỏ mong muốn thay đổi của người dân Hàn Quốc.

Từ Seoul, thông tín viên RFI Frédéric Ojardias giải thích :

"Một ngọn gió phấn khởi đã thổi trên cuộc bầu cử này. Người dân Hàn Quốc muốn chấm dứt với nạn tham nhũng được đưa ra ánh sáng với vụ tai tiếng đã nhận chìm bà tổng thống Park Geun Hye và cũng làm cho một phần dân chúng quan tâm trở lại đến đời sống chính trị, nhất là giới trẻ.

Cuộc bỏ phiếu hôm nay trước tiên có hệ quả kinh tế và xã hội : phần đông cử tri quyết định tùy theo những vấn đề xã hội – bảo hiểm xã hội, bất bình đẳng ngày càng tăng, công việc làm bấp bênh hay việc cải tổ các tập đoàn mang tính cách gia đình trị bị tố cáo tham nhũng.

Tình hình căng thẳng với Bắc Triều Tiên thời gian gần đây làm cho vấn đề quan hệ với người anh em phương Bắc và quan hệ với nước Mỹ của Donald Trump, chiếm một vị trí quan trọng hơn trong cuộc bầu cử lần này so với những lần trước đây. Những lời đe dọa của tổng thống Mỹ đối với Bình Nhưỡng đã gây lo ngại.

Tất cả các ứng cử viên đều muốn Hàn Quốc chủ động trở lại trong ván cờ ngoại giao lớn trên bán đảo sau nhiều tháng bị gạt qua một bên. Ứng viên đảng Dân Chủ Moon Jae In, còn cho biết ông sẵn sàng đối thoại với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un".

Với việc ông Moon Jae In trở thành tổng thống, theo giới quan sát, tình hình trên bán đảo Triều Tiên sẽ bớt căng thẳng do quan điểm ôn hòa của ông đối với Bình Nhưỡng. Khi tranh cử, ông không ngần ngại công khai kêu gọi thống nhất về kinh tế, chính trị và quân sự với Bình Nhưỡng.

Quan điểm hòa hoãn của ông Moon Jae In với Bắc Triều Tiên cũng dễ hiểu : ông và cố tổng thống Hàn Quốc Roh Moo Hyun đều ủng hộ chính sách Vầng Thái Dương (từ năm 1998 đến 2008) của đảng Dân Chủ và của ông Kim Dae Jung, hòa dịu với Bắc Triều Tiên với hy vọng hướng Bình Nhưỡng đi theo con đường mở cửa và từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.

Nhưng quan hệ với Mỹ có thể phức tạp hơn, nếu ông Moon thực hiện lời hứa lúc tranh cử là xem xét lại việc triển khai hệ thống lă chắn chống tên lửa THAAD của Mỹ.

Quan hệ giữa Seoul và Bắc Kinh cũng được cho là sẽ bớt căng thẳng. - RFI
|
|

2.
Ngoại trưởng Mỹ, Nga họp về Syria và Ukraine --- LHQ ngờ vực dự án của Nga lập các vùng giảm căng thẳng tại Syria

Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Rex Tillerson sẽ họp với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov thứ Tư 9/5 tại Washington để bàn về vấn đề Syria, Ukraine và những vấn đề khác.

Thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ hôm thứ Hai nói: “Về Syria, Ngoại trưởng dự tính thảo luận về các nỗ lực hạ giảm bạo động, hỗ trợ nhân đạo cho người dân Syria, và đặt ra giai đoạn giải quyết chính trị cho cuộc xung đột.”

Thông báo đưa ra vào lúc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nói rằng Hoa Kỳ sẽ xem xét kỹ kế hoạch của Nga thành lập các vùng “an toàn" ở Syria.

Khi được hỏi về sáng kiến này của Nga, Bộ trưởng Mattis hôm thứ Hai nói: “Cạm bẫy thường nằm ở những chi tiết nhỏ. Chúng tôi sẽ nghiên cứu kỹ đề nghị để xem có thực hiện được hay không.”

Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran chấp nhận một thỏa thuận do Nga đề nghị hồi tuần trước nhắm thành lập các vùng gọi là “an toàn” ở Syria trong nỗ lực chấm dứt cuộc xung đột đã kéo dài suốt 6 năm qua ở nước này.

Đề nghị kêu gọi thực hiện các biện pháp hạ giảm xung đột tại 4 khu vực được lập ra tại Syria, nơi phe nổi dậy không liên kết với Nhà nước Hồi giáo, nhóm kiểm soát nhiều vùng lớn đáng kể ở Syria.

Kế hoạch được đưa ra tại vòng đàm phán cuối của hội nghị hòa bình cho Syria do Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức tại thủ đô Astana của Kazakhstan. Hoa Kỳ cử một giới chức cấp cao tham gia hội nghị nhưng không ký kết thỏa thuận.

Sáng kiến đó có hiệu lực vào giữa đêm thứ Sáu tuần qua. Nga nói máy bay của liên quân do Mỹ lãnh đạo không được bay vào không phận của các vùng an toàn đó.

Hội nghị hòa bình Astana không nằm trong kế hoạch của Liên hiệp quốc nhắm đưa các bên xung đột ở Syria đến thương lượng với nhau để chấm dứt chiến tranh và khởi động tiến trình chuyển đổi chính trị với một hiến pháp mới và bầu cử.

Ðặc sứ Liên hiệp quốc về Syria, ông Staffan de Mistura hôm thứ Hai nói rằng kế hoạch hạ giảm bạo động Astana sẽ được thực thi đầy đủ và giúp đặt ra một chiếu hướng tốt cho vòng đàm phán kế tiếp do Liên hiệp quốc điều giải giữa chính phủ Syria và phe nổi dậy theo dự trù sẽ bắt đầu và ngày 16/5 tại Geneva. - VOA

***
Thứ Sáu 05/05/2017, Nga đã cho lưu hành tại Liên Hiệp Quốc dự thảo nghị quyết ủng hộ thỏa thuận về việc lập « vùng an toàn » còn gọi là vùng giảm căng thẳng, đã được ba nước bảo trợ là Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran ký kết tại Astana một ngày trước đó.

Nga đã liên tục gây sức ép để có được sự ủng hộ của Hội Đồng Bảo An đối với thỏa thuận này. Tuy nhiên, theo AFP, giới ngoại giao tại Liên Hiệp Quốc tỏ ra ngờ vực vì văn bản còn có nhiều điểm chưa rõ ràng.

Từ trụ sở Liên Hiệp Quốc tại New York, thông tín viên Marie Bourreau cho biết thêm thông tin :

"Không có chuyện khoán trắng, lại phó mặc cho Nga tung hoành trong cuộc khủng hoảng Syria. Văn bản mà điện Kremlin cho lưu hành tại Hội Đồng Bảo An rất sơ lược và hoàn toàn không làm rõ được những điểm mập mờ trong thỏa thuận được ký kết bởi Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, những nước bảo trợ cho tiến trình hòa đàm Astana.

Trước khi bắt đầu đàm phán một văn bản như vậy, các nhà ngoại giao muốn biết cụ thể việc hoạch định trên thực tế các vùng giảm căng thẳng và cơ chế giám sát ra sao.

Ngoại trưởng Syria đã thông báo trước là Damas bác bỏ mọi vai trò giám sát của Liên Hiệp Quốc và trước mắt để cho Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ quyết định tương lai của Syria.

Hội Đồng Bảo An không sẵn sàng ủng hộ một thắng lợi ngoại giao của điện Kremlin mà không được trả giá.
Vả lại, ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov và đồng nhiệm Mỹ Rex Tillerson sẽ gặp nhau vào thứ Tư, 10/05/2017, tại Washington. Dự án lập vùng giảm căng thẳng nằm trong chương trình đàm phán giữa hai ngoại trưởng, để làm rõ những điểm còn mập mờ". - RFI
|
|

3.
Mỹ và Bắc Triều Tiên gặp nhau tại Na Uy

Nhiều quan chức Bắc Triều Tiên và một nhóm chuyên gia Mỹ ngày 08/05/2017 bắt đầu thảo luận tại Oslo, Na Uy. Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước gia tăng và Washington đang tìm cách đối thoại với Bình Nhưỡng.

Hãng tin Hàn Quốc Yonhap trích nhiều nguồn tin ngoại giao cho biết cuộc gặp gỡ giữa các quan chức của Bình Nhưỡng và các chuyên gia dân sự Mỹ bắt đầu từ hôm qua ở ngoại ô Oslo và tiếp tục vào hôm nay 09/05.

Dẫn đầu phái đoàn Bắc Triều Tiên là bà Choe Son-hui, vụ trưởng vụ Bắc Mỹ, bộ Ngoại Giao. Trưởng phái đoàn Mỹ là bà Suzanne DiMaggio, giám đốc New America, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington.

Các cuộc gặp không chính thức giữa đại diện các tổ chức dân sự, phi chính phủ, hoặc quan chức cấp thấp thường được gọi là Track II (Track II diplomacy).

Cuộc gặp kiểu này đã từng diễn ra một lần tại Genève, Thụy Sĩ cách đây 6 tháng. Theo Yonhap, có lẽ bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ không mấy chú ý tới cuộc gặp «Track II» diễn ra 2 lần/năm kiểu này. Tuy nhiên, giới chuyên gia về Bắc Triều Tiên lưu ý về thời điểm cuộc gặp lần này và cho rằng có thể đây là những cuộc thảo luận thăm dò.

Trong khi đó, trang mạng Nikkei Asian Reviews cho biết Hoa Kỳ đã báo cho Trung Quốc biết về kế hoạch Washington hứa sẽ không làm gì có hại cho Kim Jong Un nếu Bình Nhưỡng chấp nhận từ bỏ chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Mỹ đưa ra bốn lời hứa : không yêu cầu thay đổi chế độ Bình Nhưỡng, không tìm cách lật độ Kim Kong Un, không có hành động vượt quá ranh giới vĩ tuyến 38 giữa Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên và không thúc đẩy thống nhất bán đảo Triều Tiên.

Dường như Trung Quốc đã chuyển thông điệp của Hoa Kỳ tới Bắc Triều Tiên đồng thời cho rằng Hoa Kỳ cần đưa thêm nhiều đề xuất hơn nữa để thuyết phục Bình Nhưỡng.

Còn tại Bắc Triều Tiên, ngày 08/05/2017, một ngày trước khi diễn ra bầu cử tổng thống tại Hàn Quốc, tờ báo nhà nước Rodong Sinmun đã đăng bào xã luận về tình hình chính trị với tiêu đề « Cần phải chấm dứt đụng độ hai miền Nam - Bắc Triều Tiên ».

Tác giả Sim Chol Yong phê phán các tổng thống Hàn Quốc cầm quyền trong 10 năm qua là bảo thủ, khiến căng thẳng chính trị, quân sự giữa hai miền Nam - Bắc Triều Tiên gia tăng, làm sống lại những mâu thuẫn trước đây và đẩy hai miền tới bờ vực chiến tranh nguyên tử bất chấp mong muốn thống nhất và hòa bình của cả dân tộc Triều Tiên.

Ông Sim Chol Yong cũng nhấn mạnh rằng nếu Hàn Quốc vẫn tiếp tục có một chính phủ bảo thủ thì quan hệ giữa hai miền sẽ không thể được cải thiện và nguy cơ chiến tranh hạt nhân sẽ ngày càng trầm trọng. - RFI
|
|

4.
Tư lệnh Mỹ: Không thay đổi chính sách Biển Đông

Không có thay đổi chính sách liên hệ đến những hoạt động về tự do hàng hải của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump, Đô đốc Scott Swift, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, tuyên bố hôm 8/5.

Dưới thời chính quyền trước, hải quân Mỹ thực hiện những chuyến tàu như vậy qua Biển Đông khiến Trung Quốc tức giận. Chưa có chuyến tàu thực thi tự do hàng hải nào được thực hiện trong khu vực từ khi ông Trump lên nhậm chức.

Báo New York Times tuần trước loan tin các giới chức cao cấp Ngũ Giác Đài đã bác yêu cầu của Bộ Chỉ huy Lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương hồi tháng 3 đề nghị đi ngang qua Bãi cạn Scarborough đang có tranh chấp, một ngư trường đánh cá lớn mà Trung Quốc chiếm giữ vào năm 2012.

New York Times cho biết thêm là hai yêu cầu khác của Hải quân vào tháng 2 năm nay cũng bị bác bỏ.

Một số người cho rằng đây là một chỉ dấu cho thấy Hoa Kỳ muốn tránh sự phản đối của Trung Quốc trong khi chờ xem Trung Quốc tiến xa như thế nào trong việc giúp làm áp lực lên Bắc Triều Tiên để nước này từ bỏ chương trình phi đạn đạn đạo và hạt nhân.

Việc Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền trên hầu hết Biển Đông nơi có khoảng 5.000 tỉ hàng hóa qua lại mỗi năm, đã gặp phải thách thức của Brunei, Malaysia, Philippines, và Việt Nam cũng như Đài Loan.

Hoa Kỳ chỉ trích việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo và củng cố các cơ sở quân sự ở đây, đồng thời bày tỏ quan ngại là các cơ sở này có thể dùng để hạn chế tự do hàng hải.

Cuối tháng trước, Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh các Lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương, nói Hoa Kỳ sẽ sớm tiến hành những hoạt động tự do hàng hải tại Biển Đông nhưng không đề cập chi tiết.

Đô đốc Swift nay khẳng định không có thay đổi về tầm quan trọng mà Hoa Kỳ đặt trên vấn đề Biển Đông.

Ông nói “Chúng tôi đang chuẩn bị thực hiện khoảng 900 ngày hải hành tại Biển Đông trong năm nay.”

Về việc Trung Quốc gần đây tiết lộ tự đóng một tàu sân bay, Đô đốc Swift nói “Nếu anh có một nền kinh tế toàn cầu, anh cần có hải quân toàn cầu để bảo vệ nền kinh tế này. Tôi nghĩ Trung Quốc cần tàu sân bay để hỗ trợ cho chiến lược hàng hải của họ, nên tôi không quan ngại việc này.” - VOA
|
|

5.
'Một Vành đai, một con Đường' và Afghanistan

Trung Quốc đang tìm cách mở rộng Sáng kiến “Một Vành đai, một con Đường” (BRI) để bao gồm Afghanistan, khiến các nhà phân tích tự hỏi liệu Bắc Kinh đang cố gắng đẩy mạnh vai trò của Trung Quốc ở Trung Đông, và tự đặt mình vào tâm điểm cuộc chiến chống khủng bố quốc tế hay không.

Chương trình kết nối của Trung Quốc bao gồm mở rộng hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC), một phần trong sáng kiến “Một vành đai, một con đường” (BRI), sang tới Afghanistan, rồi sau đó kéo rộng "vành đai" tới các nước láng giềng Afghanistan, như Tajikistan, Turkmenistan và Iran.

Kế hoạch bao gồm hai xa lộ, hai tuyến đường sắt và một đập thủy điện lớn trên sông Kunar. Với ý định xây một con đường nối liền thành phố Peshawar của Pakistan với thủ đô Kabul và vùng Kunduz ở Afghanistan, trước khi tiếp tục tiến vào Trung Á. Các tuyến đường sắt dự kiến sẽ chạy từ Landi-Kotal ở Pakistan tới thành phố Jalalabad của Afghanistan, và từ Chaman ở Pakistan tới Spin Buldak ở Afghanistan.

Ông Ahmad Bilal Khalil, một nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và khu vực cho biết, Trung Quốc cần tiến vào Afghanistan với các dự án kinh tế để đảm bảo tiến độ của dự án trị giá 50 tỷ USD đang được xúc tiến ở Pakistan, không bị cản trở.

Ông nói nếu Afghanistan tham gia hai dự án đường xa lộ, ảnh hưởng tích cực tới tình hình an ninh ở Afghanistan, thì giới đầu tư Pakistan và Trung Quốc sẽ đưa lợi ích kinh tế vào Afghanistan. Ông nói:

"Nếu Afghanistan không có an ninh, thì tình hình sẽ tác động tới hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC) và cả sáng kiến “Một Vành đai, một con Đường”.

Quyền lực trên thế giới

Các kế hoạch của Trung Quốc quả là hết sức tham vọng, động cơ đằng sau là chính sách đối ngoại Trung Quốc, cho rằng nước này phải được nghiêm túc công nhận là một cường quốc lớn. Đối với Trung Quốc điều quan trọng là chứng minh rằng họ có thể làm những gì mà Mỹ đã thất bại, không thực hiện được ở Trung Đông.

Nếu “Một Vành đai, một con Đường” chạy ngang qua Trung Đông, Afghanistan sẽ là khu vực mà Trung Quốc hy vọng sẽ “tạo ra sự khác biệt".

Ông David Kelly, người đứng đầu một công ty tư vấn tại Bắc Kinh có tên là ‘China Policy’ nói ông hy vọng đầu tư vào những kết nối như thế sẽ giúp xoa dịu căng thẳng ở Afghanistan, và giúp Trung Quốc đạt được điều mà người Mỹ, và trước đó Liên Xô, không làm được, là giảm bạo lực và xung đột giáo phái.

Nhưng các kế hoạch đó dễ nói hơn làm. Những vụ đụng độ tại biên giới Pakistan và Afghanistan đã giết chết hơn 50 người trong hai ngày qua. Uzbekistan phản đối kế hoạch mở rộng tuyến đường sắt và xa lộ kết nối với Trung Á, nói rằng khủng bố sẽ sử dụng chúng để mở rộng hoạt động.

Mối nguy khủng bố

Gạt sang một bên các cao vọng đó, trong thực tế có những mối nguy liên quan tới khủng bố mà Trung Quốc muốn giải quyết bằng cách đưa ra một hình ảnh về Trung Quốc như là ân nhân của Afghanistan. Thành phần đòi ly khai bằng bạo lực ở Tân Cương được biết là có những liên hệ xuyên biên giới với phe Taliban ở Pakistan và Afghanistan, cũng như với các nhóm Hồi giáo ở Trung Á.

Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều vào các mỏ đồng ở Afghanistan mặc dù kết quả không mấy đáng khích lệ, vì những thách thức về chính trị và cấu trúc hạ tầng.

Bắc Kinh muốn xây dựng những trục kết nối để có thể tiếp cận tài nguyên khoáng sản trong các vùng núi non. Theo ông M.K.Bhadrakumar, tác giả và cũng là một nhà ngoại giao Ấn Độ, mở rộng sáng kiến “Một Vành đai, một con Đường” tới Afghanistan sẽ tạo điều kiện khai thác khoáng sản để phục vụ nền kinh tế Trung Quốc, và tạo điều kiện thuận lợi để nước này xuất khẩu thặng dư công nghiệp sang Afghanistan.

Các nhà phân tích nói Trung Quốc đang vạch ra con đường cho công nghiệp xây dựng quy mô của họ nhằm chuẩn bị tham gia, một khi công cuộc tái thiết Afghanistan được xúc tiến. Tuy nhiên mục tiêu chính của Bắc Kinh là thúc đẩy các lợi ích chiến lược và an ninh của Trung Quốc, bên ngoài Pakistan.

Các nhà phân tích thuộc Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế ở Stockholm trong một phúc trình gần đây nói

“Quả vậy, sáng kiến “Một Vành đai, một con Đường” tương thích với các khái niệm an ninh ngày càng năng động của Trung Quốc, nhấn mạnh an ninh chung qua phát triển và hợp tác kinh tế.”

Nhưng đây không chỉ là một việc khó khăn.

Có một số rủi ro đi kèm với quan điểm của Trung Quốc về thế giới. Bắc Kinh tin rằng chủ nghĩa cực đoan tôn giáo có thể được thay thế bằng cách mang lại những lợi ích kinh tế. Nhưng chính sách này đã bị chứng minh là sai lầm trong quá khứ, theo ông David Kelly, người đứng đầu công ty tư vấn ‘China Policy’. - VOA
|
|

6.
Đô trưởng Jakarta Ahok bị kết tội báng bổ

Đô trưởng Jakarta Ahok, người vừa mãn nhiệm, bị kết án hai năm tù vì tội báng bổ và kích động bạo lực, một bản án nặng hơn trông đợi.

Ông Basuki Tjahaja Purnama, còn được gọi là Ahok, là người Kitô giáo gốc Hoa được bầu vào vị trí này, vụ án này được coi là thử thách cho sự khoan dung tôn giáo tại Indonesia.

Ông bị cáo buộc là lăng mạ đạo Hồi bằng cách trích dẫn một câu kinh Koran trong một bài phát biểu vận động tranh cử hồi tháng 9/2016.

Ông Purnama bác tội danh nêu trên và nói rằng ông sẽ kháng cáo.

Mức án nặng hơn đề xuất của công tố viên (một năm tù hưởng án treo). Vị đô trưởng này "phạm tội thực hiện hành động báng bổ một cách hợp pháp và thuyết phục, và vì thế chúng tôi kết án ông hai năm tù giam", vị thẩm phán cho tòa biết.

Bản cáo trạng này gây phản kháng mạnh mẽ. Các nhóm đạo Hồi cực đoan cho rằng mức án này là quá nhẹ so với mức tối đa là 5 năm tù cho tội này, còn những người ủng hộ ông nói bản án quá nặng và đáng lẽ ra ông phải được tha bổng.

Những người biểu tình từ cả hai phía tập trung bên ngoài tòa án, nơi được 15.000 nhân viên an ninh thuộc lực lượng cảnh sát và quân đội bảo vệ.

Năm 2016, trong bài phát biểu vận động tranh cử chức đô trưởng, ông Purnama ám chỉ các lãnh đạo Hồi giáo tìm cách lừa cử tri bằng cách dẫn một câu trong kinh Koran để lý luận rằng người Hồi giáo không được bầu cử cho một lãnh đạo không theo đạo Hồi.

Những phát biểu của ông, được chia sẻ rộng rãi trong một đoạn video được biên tập, khiến những người theo Hồi giáo cực đoan phẫn nộ. Họ tổ chức các cuộc mít tinh lớn kêu gọi đưa ông ra tòa, thậm chí một số người cực đoan còn kêu gọi hành quyết ông.

Trong suốt thời gian xét xử, ông Purnama phủ nhận mình có sai trái, nhưng ông xin lỗi về những lời phát biểu của mình.

Các thẩm phán (bốn người Hồi giáo, một người Hindu), áp dụng điều về báng bổ để kết án ông.

Ông Purnama trở thành đô trưởng khi người tiền nhiệm Joko "Jokowi" Widodo được bầu làm tổng thống năm 2014.

Là người gốc Hoa và theo Ki tô giáo, ông là người thiểu số và là đô trưởng không theo đạo Hồi đầu tiên của Jakarta trong 50 năm.

Sự nghiệp chính trị thành công của ông Purnama được coi là một diễn biến đáng kể sau khi các cuộc náo loạn bài người Hoa diễn ra ở Jakarta năm 1998.

Trước khi bị cáo buộc "phỉ báng", ông được ca ngợi là một lãnh đạo thẳng thắn với quan điểm chống tham nhũng mạnh tay.

Nhưng vụ việc này đã làm ảnh hưởng đến uy tín của ông trong cuộc bầu cử hồi tháng trước.

Mặc dù được lòng dân Jakarta vì có nhiều nỗ lực cải thiện mức sống, ông đã thua trước đối thủ là ứng viên Hồi giáo Anies Rasyid Baswedan.

Indonesia là quốc gia Hồi giáo đông dân nhất trên thế giới. Khoảng 85% dân số theo đạo Hồi, dù nước này chính thức tôn trọng sáu tôn giáo khác nhau. - BBC
|
|

7.
Macron và Trump điện đàm về khủng bố và khí hậu --- Mỹ: Cả tả lẫn hữu hoan nghênh Macron đắc cử tổng thống Pháp --- Bầu Quốc Hội Pháp: Cựu thủ tướng Valls "Tiến Bước" theo Macron

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua 08/05/2017 đã gọi điện thoại cho tổng thống tân cử Pháp Emmanuel Macron, trao đổi về cuộc chiến chống khủng bố và nạn biến đổi khí hậu.

Từ Washington, thông tín viên RFI Anne-Marie Capomaccio cho biết thêm chi tiết :

"Hai tổng thống Pháp và Mỹ sẽ gặp nhau lần đầu tiên vào ngày 25/5, bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO ở Bruxelles. Thông cáo ngắn gọn của Nhà Trắng mang những ngôn từ ngoại giao như thường lệ : nước Pháp là đồng minh lâu đời nhất của Hoa Kỳ, và tổng thống Trump vui mừng được làm việc với tổng thống Macron để đối phó với những thách thức đang chờ đợi hai nước.

Nạn khủng bố, và việc kiểm soát biên giới là chủ đề ưa thích của chính quyền Donald Trump. Theo ê-kíp của Emmanuel Macron, vấn đề khí hậu và hiệp định Paris đã được tân tống thống Pháp nêu ra. Washington vẫn chưa bày tỏ quan điểm về chủ đề này. Và nếu tin vào những gì ông Donald Trump nói trong chiến dịch tranh cử trước đây, thì tình trạng trái đất nóng lên chỉ là một trò lừa đảo.

Nhưng một cuộc họp quan trọng diễn ra hôm nay tại Nhà Trắng, chính là bàn về chủ đề này. Ê-kíp của ông Trump bất đồng ý kiến với nhau, giữa những người đòi thẳng thừng rút khỏi hiệp định Paris như Steve Bannon chẳng hạn, và những người như cặp vợ chồng Ivanka và Jared Kushner, muốn Hoa Kỳ tôn trọng chữ ký trong văn bản ».

Được gần 200 quốc gia ký kết vào tháng 12/2015 trong hội nghị COP-21 và bắt đầu có hiệu lực từ tháng 11/2016, trong đó có đóng góp rất lớn của ông Barack Obama, hiệp định Paris nhắm đến mục tiêu dưới 2°C, tức là không để cho nhiệt độ trên trái đất tăng ở mức này và giảm bớt khí thải gây hiệu ứng nhà kính. - RFI

***
Đại đa số chính giới Mỹ ngày 08/05/2017 đều lên tiếng hoan nghênh ông Emmanuel Macron đắc cử tổng thống Pháp. Trước tiên là tổng thống thực dụng Donald Trump, vốn giữ khoảng cách với bà Marine Le Pen cho dù những người ủng hộ ông đều cổ vũ cho ứng viên cực hữu Pháp.

Năm năm trước đây, vào buổi tối 06/05/2012, tổng thống Dân Chủ Barack Obama đã nhấc điện thoại gọi cho ông François Hollande của đảng Xã Hội vừa đắc cử tổng thống Pháp để chúc mừng, mời đến thăm Nhà Trắng trước hội nghị thượng đỉnh G8 tại Hoa Kỳ.

Lần này, cuộc điện thoại được chờ đợi vào hôm sau, thứ Hai. Nhưng nhà tỉ phú đã viết ngay trên Twitter chúc mừng Emmanuel Macron, chỉ 82 phút sau khi kết quả bầu cử được loan báo tối Chủ nhật. Donald Trump viết : « Hoan nghênh Emmanuel Macron về chiến thắng vang dội hôm nay, trở thành tổng thống nước Pháp. Tôi rất mong được làm việc với ông ấy ! »

Trong cuộc điện đàm, tổng thống Mỹ nhấn mạnh « những thách thức chung » và chiều dài lịch sử gắn bó giữa Hoa Kỳ và Pháp quốc, được mô tả - như những người tiền nhiệm – là « đồng minh lâu đời nhất » của Mỹ.

Cũng như ông Obama và Hollande đã có cuộc gặp tay đôi trước thượng đỉnh G8 và NATO tháng 5/2012 ở Mỹ, hai nhà lãnh đạo đã thỏa thuận sẽ gặp gỡ tại Bruxelles ngày 25/05/2017, nhân hội nghị thượng đỉnh của Liên minh Bắc Đại Tây Dương. Cả hai ông Trump và Macron cũng sẽ tham dự hội nghị G7 ở Ý sau đó.

Trước cuộc bầu cử vòng một, Donald Trump đã nhấn mạnh rằng bà Marine Le Pen « là người cứng rắn nhất » về vấn đề biên giới và nạn khủng bố. Tuy nhiên ông Trump đã không tiếp bà Le Pen khi bà này đến New York hồi tháng Giêng, và ngược với lãnh tụ cực hữu Anh Nigel Farage, Donald Trump chưa bao giờ công khai đứng chung với bà Le Pen.

Sau khi đón tiếp nồng hậu Tập Cận Bình, tổng thống Mỹ dường như đã khẳng định rằng tính thực tế và các vấn đề chiến lược quan trọng hơn là ý thức hệ.

Tại Quốc Hội Mỹ, chủ tịch Hạ Viện của phe Cộng Hòa, ông Paul Ryan ngay lập tức đã nồng nhiệt chúc mừng tân tổng thống Pháp : « Chúng tôi nóng lòng làm việc với ông Macron để phát triển mối quan hệ mạnh mẽ giữa Hoa Kỳ và Pháp ». Còn thượng nghị sĩ Cộng Hòa Marco Rubio vốn rất gắn bó với các hồ sơ quốc tế tuyên bố : « Nước Pháp là bạn hữu và là đồng minh thân cận của Mỹ. Tôi mong sớm được làm việc với ông Emmanuel Macron để củng cố quan hệ và làm tiến triển những giá trị chung của chúng ta ».

Nhiều chính khách Mỹ coi chiến thắng của Emmanuel Macron là thất bại của một đối thủ chung : đó là nước Nga của ông Vladimir Putin, nhân vật bị cả phe tả lẫn phe hữu trong Quốc Hội đều ghét, do các mưu toan can thiệp vào tiến trình bầu cử Hoa Kỳ.

Vụ tấn công tin học vào ê-kíp tranh cử của ứng cử viên trung dung Macron tối ngày 05/05/2017, bỗng chốc làm khơi dậy trong người Mỹ đoạn cuối chiến dịch bầu cử ở Hoa Kỳ, khi mỗi ngày đều có những thư điện tử của chủ tịch ủy ban tranh cử ê-kíp Clinton bị WikiLeaks tung hê lên.

Thượng nghị sĩ Dân Chủ Ben Cardin khen ngợi : « Mặc cho các hành động can thiệp được cho là của Nga, tương tự như đã xảy ra tại đất nước chúng ta năm ngoái, các định chế dân chủ ở Pháp đã chứng tỏ sức chịu đựng bền bỉ ».

Còn bà Hillary Clinton, vẫn cho rằng một trong những lý do khiến bà thất cử là do tin tặc Nga, nhận định trên Twitter : « Thất bại của những kẻ muốn can thiệp vào nền dân chủ ».

Nhìn chung, cuộc bầu cử tổng thống Pháp trong những tháng trước đây thường được phân tích qua lăng kính Brexit và chiến thắng của Donald Trump ; còn Emmanuel Macron chỉ đứng hàng thứ hai, đôi khi về đời tư : báo chí nhấn mạnh đến sự chênh lệch tuổi tác với bà vợ Brigitte.

Trên truyền hình, chính là bà Marine Le Pen chiếm đa số trang nhất các báo trong những tuần lễ gần đây. Đến hôm thứ Hai 8/5, New York Times và Washington Post đã dành trang bìa để giới thiệu chiến thắng của Emmanuel Macron trước hết như thất bại của cực hữu.

Tất nhiên là phe cực hữu Mỹ rất thất vọng khi ứng cử viên « toàn cầu hóa » đã đánh bại ứng viên của họ, các trang web ủng hộ ông Trump đưa tin liên tục về bà Le Pen trong chiến dịch bầu cử. Nhưng trên trang cực đoan nhất là Breibart, các chủ đề thời sự khác như Bắc Triều Tiên đã chiếm trang nhất hôm qua. - RFI

***
Ngày 08/05/2017, cựu thủ tướng Pháp Manuel Valls thông báo tham gia « đa số ủng hộ tổng thống » Macron và khả năng tranh cử Lập Pháp dưới màu cờ của đảng La République En Marche, tên mới của phong trào En Marche !. Bầu cử Quốc Hội Pháp dự trù vào ngày 11 và 18/06/2017.

Một ngày sau khi Emmanuel Macron đắc cử tổng thống, hôm 08/05/2017 phong trào Tiến Bước ! đổi tên thành đảng La République En Marche - đảng Cộng Hòa Tiến Bước.

Cựu thủ tướng Manuel Valls kêu gọi đảng Xã Hội phải có lập trường rõ ràng về việc có muốn tổng thống tân cử Macron có được đa số trong Quốc Hội hay không. Chỉ vài phút sau phát biểu nói trên của cựu thủ tướng Manuel Valls, trả lời phỏng vấn trên đài phát thanh Europe 1, ông Benjamin Griveaux, phát ngôn viên của đảng Cộng Hòa Tiến Bước cho biết, để được chỉ định ra tranh cử Quốc Hội, trước tiên ông Valls phải gia nhập đảng. Điều tới nay cựu thủ tướng Valls vẫn chưa làm.

Tổng thống Macron tuyên thệ ngày 14/05/2017

Tổng thống mãn nhiệm François Hollande xác định, lễ chuyển giao quyền lực cho tổng thống tân cử Emmanuel Macron sẽ diễn ra vào ngày Chủ Nhật 14/05/2017, một ngày trước khi ông Hollande chính thức kết thúc nhiệm kỳ. Theo các nguồn tin báo chí, có nhiều khả năng tổng thống Macron sẽ chỉ định thủ tướng vào ngày 15/05/2017. Hội đồng bộ trưởng đầu tiên dưới thời tổng thống Macron sẽ họp vào ngày Thứ Tư 17/05.

Biểu tình "cảnh cáo" tổng thống tân cử

Chiều hôm qua 08/05/2017 hàng ngàn người biểu tình trên đường phố Paris, theo kêu gọi của giới công đoàn, dưới tên gọi của "Mặt Trận Xã Hội- Front Social". Mục đích của cuộc xuống đường chỉ một ngày sau khi ông Macron đắc cử nhằm khuyến cáo tổng thống tân cử không được bãi bỏ các quyền lợi của giới làm công ăn lương.

Theo ban tổ chức, cuộc tuần hành hôm qua huy động từ 6.000 đến 7.000 người. Cảnh sát Paris đưa ra con số là 1.600. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

8.
Obama từng cảnh báo Trump về việc bổ nhiệm Michael Flynn

Ông Barack Obama từng cảnh báo Donald Trump khi ông này vừa đắc cử về việc bổ nhiệm tướng Michael Flynn làm cố vấn an ninh quốc gia, Nhà Trắng cho hay.

Ông Obama cảnh báo người kế nhiệm trong 48 giờ sau cuộc bầu cử tháng 11/2016 trong cuộc trò chuyện tại Phòng bầu dục, các quan chức của cựu Tổng thống Obama nói.

Các cuộc tiếp xúc của ông Flynn với Đại sứ Nga khiến ông ta có nguy cơ bị tống tiền, phiên điều trần tại Ủy ban Tư pháp Thượng viện hôm 8/5 cho thấy.

Ông Flynn bị sa thải hồi tháng 2/2017 do che giấu bản chất những mối liên hệ này.

Ông Flynn, một tướng về hưu, đã lừa dối chính quyền Trump về việc ông thảo luận các lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào Nga với Đại sứ Sergei Kislyak trước lễ nhậm chức của ông Trump.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer phát biểu trong cuộc họp báo hôm 8/5: "Sự thật là Tổng thống Obama là người không ưa Tướng Flynn".

Tuy nhiên, ông Spicer nói rằng điều đó không có gì ngạc nhiên khi Tướng Flynn từng làm cho Tổng thống Obama và là người phê bình thẳng thắn những thiếu sót của ông Obama nhất là việc ông thiếu chiến lược đối đầu với IS và các mối đe dọa khác với nước Mỹ ".

Chính quyền Obama sa thải ông Flynn khỏi vai trò giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng năm 2014 do quản lý kém và có vấn đề về tính khí.

Ông Obama đưa ra cảnh báo trước khi có những quan ngại về mối liên hệ của ông Flynn với đại sứ Nga, một cựu quan chức thời Obama nói với NBC News.

Ông Obama nói ông Flynn không thích hợp với một vị trí cấp cao như vậy.

'Bỏ qua lời khuyên'

Anthony Zurcher, phóng viên BBC tại Washington phân tích:

Khi ông Trump gặp ông Obama hai ngày sau khi thắng cử tháng 11/2016, người ta chỉ thấy nụ cười của họ.

Còn bây giờ, theo truyền thông, hóa ra ông Obama dành phần thời gian trong cuộc gặp để cảnh báo ông Trump tránh xa Michael Flynn - và tổng thống đắc cử đã bỏ qua lời khuyên này.

Ngẫm lại, có lẽ đã tốt hơn cho ông Trump nếu ông lưu tâm đến lời khuyên của người tiền nhiệm và không để xảy ra vụ bê bối khiến ông Flynn mau chóng mất chức cố vấn an ninh quốc gia.

Việc tiết lộ lời khuyên của ông Obama diễn ra chỉ vài giờ trước khi cựu Quyền Bộ trưởng Tư pháp Sally Yates làm chứng về mối liên hệ của ông Flynn với Nga và những nỗ lực của bà để cảnh báo chính quyền Trump. - BBC
|
|

9.
Lệnh cấm của ông Trump ra tòa phúc thẩm

Lệnh của Tổng thống Donald Trump cấm nhập cảnh Mỹ công dân 6 nước có đa số dân theo Hồi giáo hôm 8/5 được đưa ra trước tòa phúc thẩm liên bang tại Virginia.

Tòa Phúc thẩm Liên bang khu vực 4 tại Richmond dự trù mở phiên tranh tụng 1 giờ đồng hồ về đơn kháng cáo của chính quyền Trump đối với phán quyết ngày 16/3 của thẩm phán liên bang Theodore Chuang ở Maryland.

Phán quyết của ông Chuang ngăn chặn một phần sắc lệnh ký hôm 6/3 hạn chế vào Mỹ trong vòng 90 ngày công dân các nước Libya, Iran, Somalia, Sudan, Syria và Yemen.

Lệnh này là nỗ lực lần hai của ông Trump nhằm hạn chế du hành. Lệnh đầu tiên được công bố vào ngày 27/1 năm nay, đưa đến xáo trộn và biểu tình tại các phi trường. Lệnh đã bị Tòa án chặn lại trước khi có hiệu lực ngày 16/ 3.

Một thẩm phán liên bang khác tại Hawaii ngăn chặn sắc lệnh cấm nhập cảnh và một phần của lệnh ngưng cho vào Mỹ những người xin tị nạn trong vòng 120 ngày. Một phiên xử về trường hợp này sẽ được đưa ra Tòa Phúc thẩm liên bang khu vực 9 vào ngày 15/5.

Sáu người kiện ra tòa Maryland, một số là công dân Mỹ, nói lệnh cấm không cho thân nhân họ vào Mỹ, vi phạm luật di trú liên bang và một phần của Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp vốn không cho kỳ thị căn cứ trên tôn giáo.

Trong văn kiện đệ trình tòa, chính quyền Mỹ nói các cáo giác đó mang tính ‘đồn đoán, không tới nơi tới chốn’ và rằng không nguyên đơn nào chứng minh được ‘tổn thương cụ thể và lâu dài’ phát xuất từ lệnh này.

Các luật sư của chính phủ nói tòa không nên căn cứ vào những lời lẽ của ông Trump khi vận động tranh cử Tổng thống năm 2016 về ý định áp đặt ‘lệnh cấm Hồi Giáo’ vì những tuyên bố này được đưa ra trước khi ông tuyên thệ nhậm chức Tổng thống hôm 20/1.

Luật sư của Liên hiệp các quyền Tự do dân sự Mỹ, đại diện cho các nguyên đơn, nói không thể bỏ qua những lời bình luận của ông Trump trước cuộc bầu cử.

Dù tòa phán quyết như thế nào, vụ này chắc chắn sẽ được kháng cáo lên Tối cao Pháp viện Mỹ để có quyết định cuối cùng. - VOA
|
|

10.
X-37B hoàn tất nhiệm vụ bí mật

Tàu vũ trụ thí nghiệm X-37B của quân đội Mỹ hạ cánh ngày 7/5 tại Trung tâm Không gian Kennedy của NASA ở Florida, hoàn thành nhiệm vụ bí mật kéo dài gần 2 năm, theo nguồn tin từ Không lực Mỹ.

Thiết bị không người lái X-37B mô phỏng một phi thuyền con thoi thu nhỏ đã đáp xuống phi đạo từng dành cho các phi thuyền con thoi hiện không còn hoạt động nữa lúc 7:47 sáng giờ miền Đông Hoa Kỳ, Không quân Mỹ cho biết.

X-37B do Boeing chế tạo được phóng lên hồi tháng 5, năm 2015 gần Căn cứ Không quân Mũi Canaveral trên một rocket Atlas 5 do United Launch Alliance, một đối tác giữa Lockheed Martin Corp (LMT.N) và Boeing Co (BA.N), chế tạo.

X-37B một trong hai chiếc của đội bay Không Lực Mỹ tiến hành những thí nghiệm bí mật hơn 700 ngày trên quỹ đạo trái đất. Cho đến nay, đây là chuyến bay thứ 4 và dài nhất của chương trình bí mật do Phòng Rapid Capabilities của Không Lực Mỹ điều hành.

Phi thuyền bay trên quỹ đạo này “thực hiện công tác giảm thiểu nguy cơ, thí nghiệm và phát triển những ý niệm hoạt động đối với công nghiệp sử dụng lại những phi thuyền không gian,” Không Lực Mỹ nói nhưng không cho biết thêm chi tiết. Phí tổn của chương trình cũng bí mật.

Quỹ An ninh Thế giới, một tổ chức bất vụ lợi quảng bá việc thám hiểm không gian một cách hòa bình, nói những bí mật chung quanh X-37 B cho thấy có sự hiện hữu của những máy móc liên hệ đến tình báo được thí nghiệm hay được đánh giá trên phi thuyền.

Phi thuyền dài 9 mét, và có sải cánh gần 4 mét rưỡi bằng một phần tư Phi thuyền Con thoi của NASA hiện đã về hưu.

Chiếc X-37B, còn gọi là Phi thuyền thí nghiệm Quỹ đạo, hay OTV, lần đầu tiên cất cánh vào tháng 4 năm 2010 và trở về sau 8 tháng. Lần phóng thứ hai của phi thuyền được thực hiện vào tháng 3 năm 2011 và kéo dài 15 tháng trong khi chuyến bay thứ 3 là vào tháng 12 năm 2012 và trở về sau 22 tháng trên quỹ đạo.

Lần hạ cánh hôm 7/5 của chiếc X-37B là chuyến hạ cánh đầu tiên tại Florida. Ba chuyến trước nó đáp xuống Căn cứ Không quân Vandenberg ở California. Không Lực Mỹ tái phố trí lại chương trình này vào năm 2014, sử dụng hai kho xử lý phi thuyền con thoi trước đây của NASA.

Không Lực Mỹ dự trù phóng chuyến bay thứ 5 của X-37B từ Căn cứ Không quân tại Mũi Canaveral, phía nam Trung tâm Không gian Kennedy, vào cuối năm nay. - VOA
|
|

11.
Texas ra luật trừng phạt các ‘thành phố lánh nạn’

Thống đốc Texas, Greg Abbott, ngày 7/5 ký ban hành luật trừng phạt “những thành phố lánh nạn,” bất chấp lời kêu gọi của cảnh sát trưởng các thành phố lớn nhất trong tiểu bang yêu cầu ngưng đạo luật này vì cho rằng luật gây trở ngại khả năng chống tội phạm.

Luật Texas được ban hành giữa lúc Tổng thống Donald Trump đưa công tác bài trừ di dân bất hợp pháp lên ưu tiên hàng đầu. Texas có khoảng 1,5 triệu di dân bất hợp pháp và có biên giới dài nhất với Mexico hơn bất cứ tiểu bang nào khác, là tuyến đầu trong những cuộc tranh luận về di trú.

“Là Thống đốc, ưu tiên hàng đầu của tôi là an toàn công cộng, và luật này sẽ đẩy mạnh mục tiêu này hơn nữa bằng cách dọn sạch các tội phạm nguy hiểm ra khỏi đường phố của chúng ta,” Thống đốc Abbott nói. Luật sẽ có hiệu lực vào ngày 1 tháng 9 năm nay.

Quốc hội tiểu bang do đảng Cộng hòa kiểm soát thông qua dự luật này và đưa dự luật lên ông Abbott trước đây trong tháng. Luật qui định trừng phạt giới hữu trách địa phương không tuân hành những yêu cầu hợp tác với các giới chức di trú liên bang.

Các viên chức cảnh sát vi phạm luật này có thể bị cách chức, bị phạt tiền và bị phạt tù đến một năm, nếu bị kết tội.

Luật cũng cho phép cảnh sát xét hỏi tình trạng di trú của một người khi người này bị câu lưu một cách hợp pháp ngay cả trong các trường hợp vi phạm luật giao thông.

Bất cứ luật lệ nào chống lại ‘thành phố lánh nạn’ đều có thể phải đối mặt với một con đường khó khăn sau khi một thẩm phán liên bang vào tháng 4 vừa qua chặn một lệnh hành pháp của ông Trump tìm cách giữ lại ngân khoản dành cho các thành phố nào không sử dụng nguồn lực của họ để thực thi luật di trú liên bang.

Đảng Dân chủ đã cảnh báo là luật này có thể đưa đến việc đối xử vi hiến căn cứ trên chủng tộc và các tổ chức nhân quyền cam kết sẽ kiện luật của Texas ra tòa.

“Luật này không tốt cho Texas và sẽ làm cho cộng đồng của chúng ta nguy hiểm hơn cho tất cả mọi người,” cảnh sát trưởng các thành phố kể cả Houston và Dallas viết trong một bài quan điểm đăng trên Báo Dallas Morning News vào cuối tháng 4.

Các cảnh sát trưởng nói di trú là một nghĩa vụ của liên bang và luật sẽ làm căng thẳng thêm những nguồn lực vốn đã nghèo nàn bằng cách biến cảnh sát địa phương thành những nhân viên di trú.

Họ lập luận rằng luật sẽ khoét sâu thêm cách biệt giữa cảnh sát và cộng đồng di dân, tạo nên các nạn nhân câm lặng và hủy diệt khả năng của di dân trong việc giúp giải quyết hay ngăn ngừa tội phạm. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

12.
Một phường ở Tp.HCM chặn copy giấy tờ về Formosa

Nhiều người sử dụng mạng xã hội hôm 9/5 chia sẻ ảnh chụp một công văn cấp phường ở thành phố Hồ Chí Minh có tính chất như một chỉ thị gây tranh cãi.

Công văn ngày 17/4 được cho là của Ủy ban Nhân dân Phường Tân Tạo A “đề nghị” các cơ sở in ấn, photocopy ở địa phương không in, sao các tờ rơi, khẩu hiệu “có nội dung xấu hoặc có liên quan đến Formosa”.

Văn bản có dấu đỏ và mang chữ ký của bà Phó Chủ tịch phường Huỳnh Đặng Hà Tuyên cũng đề nghị các cơ sở “báo cáo” cơ quan công an “nếu phát hiện có người đến in ấn, photocopy các tài liệu có nội dung xấu hoặc có liên quan đến Formosa”.

VOA đã gọi đến số điện thoại di động của bà Tuyên vào cuối buổi chiều ngày 9/5 để kiểm chứng thông tin, nhưng bà tắt máy.

Nói về độ xác thực của văn bản kể trên, nhà hoạt động dân chủ Đỗ Đức Hợp ở tp.HCM nói:

“Văn bản mà cái thể chế này họ ra thì thật sự nói chung là cái gì họ đã đóng mộc, ký tên, đóng dấu rồi mà họ đưa đến tay người dân nói chung và những doanh nghiệp nói riêng, thì cái đó cái tính xác thực rất là cao. Đại đa số những người chúng tôi quen biết, bà con họ hàng làm nghề in ấn như vậy họ đã được nhận những cái đó rồi. Và đó là tính xác thực không thể chối cãi, nó rất là cao”.

Nhiều người bày tỏ bất bình về văn bản “nhắc nhở” của phường Tân Tạo A, cho rằng nó vượt quá thẩm quyền cũng như xâm phạm quyền tự do của công dân được làm những gì không bị luật pháp cấm.

Nhà hoạt động Đỗ Đức Hợp có chung suy nghĩ, anh nói:

“Một phó chủ tịch phường ra cái văn bản đó trên địa bàn là nó không đúng. Công dân người ta có quyền mở ra kinh doanh. Formosa nó gây thảm họa cho dân tộc Việt Nam mà họ cấm [in, sao] là họ rất sai lầm. Sống ở trên đất nước Việt Nam này cái cảm xúc tức giận thì nó thường trực, nó thường xuyên xảy ra khi mà những cơ quan công quyền của đảng cộng sản họ ra những văn bản. Người dân thường xuyên tức giận với những văn bản trái pháp luật của đảng cộng sản tại Việt Nam”.

Tập đoàn Formosa của Đài Loan gây ra một thảm họa môi trường biển cách đây hơn một năm khi một nhà máy của họ ở Hà Tĩnh xả thải trái phép làm cá chết hàng loạt ven biển 4 tỉnh miền trung.

Vụ này ảnh hưởng đến sinh kế của hàng triệu người sống dựa vào đánh bắt, buôn bán hải sản và du lịch.

Cuối tháng 6/2016, Formosa đã nhận trách nhiệm và đền bù chính phủ Việt Nam 500 triệu đôla.

Mặc dù vậy, ở nhiều vùng của Hà Tĩnh và Nghệ An, người dân chưa thỏa mãn với các khoản đền bù. Họ đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình phản đối, đòi đóng cửa Formosa và tìm cách kiện hãng này. Các nỗ lực của họ được nhiều nhà hoạt động ở các nơi khác trong cả nước ủng hộ.

Một số quan chức Việt Nam nói hồi cuối tháng 4 năm vừa qua rằng Formosa đã khắc phục hầu hết các lỗi về môi trường, nhưng giới hoạt động và nhiều người dân sống gần nhà máy Formosa vẫn chưa hết nghi ngờ về nguy cơ nhà máy gây ô nhiễm trong tương lai. - VOA
|
|

13.
Mỹ, Việt “làm sâu sắc thêm” Đối tác Thái Bình Dương

Chương trình Đối tác Thái Bình Dương 2017 đang diễn ra tại Việt Nam từ ngày 8/5 cho đến gần cuối tháng, tập trung vào tăng cường hợp tác trong lĩnh vực hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa.

Tại Đà Nẵng, chương trình - được gọi tắt là PP17 - diễn ra trong 10 ngày, kết thúc hôm 18/5, sau đó sẽ tiếp tục diễn ra tại tỉnh Khánh Hòa. Đây là lần thứ 8 chương trình được thực hiện ở Việt Nam và là lần thứ tư liên tiếp tại Đà Nẵng.

Tham gia các hoạt động ở Việt Nam là hơn 300 sĩ quan, thủy thủ, chuyên gia của nước chủ nhà và các nước Mỹ, Việt Nam, Nhật Bản, Úc, Anh.

Phía Mỹ điều tàu vận tải viễn chinh cao tốc USNS Fall River (T-EPF-4) của Hải quân Hoa Kỳ tham gia chương trình.

Tại Đà Nẵng, các đối tác sẽ có các hoạt động chính bao gồm trao đổi kinh nghiệm với đội ngũ y tế dân sự và đội ngũ quân y, hỗ trợ thành phố nâng cao năng lực y tế, điều trị bệnh cho người dân, tăng cường năng lực đối phó thảm họa, xây dựng công trình công ích và hỗ trợ cộng đồng.

Một cán bộ thuộc Sở Ngoại vụ Đà Nẵng không muốn nêu danh tính nói thêm với VOA về những điểm đặc biệt của chương trình năm nay:

“Các hoạt động mang tính chất đi vào chiều sâu hơn và nâng cấp độ cao hơn. Ví dụ, các công trình xây dựng thì những năm trước mình sửa chữa nhỏ, thì năm nay làm công trình rất là lớn, như xây trường mầm non Hòa Liên. Chính lực lượng của công binh, lực lượng Seabees của Hoa Kỳ qua làm trực tiếp, cùng với hải quân Nhật Bản. Ngày 12 tới sẽ động thổ nhà trú bão đa năng ở xã Hòa Nhơn. Năm nay, sẽ tiến hành phối hợp với Hải quân Hoa Kỳ và các đối tác liên quan của chương trình [diễn tập] ứng phó sự cố tràn dầu trên sông Hàn. Nhiệm vụ của Đà Nẵng là việc này làm hàng năm, nhưng về hợp tác quốc tế thì đây là lần đầu tiên mình làm. Về lĩnh vực y tế, năm nay có 60 ca thay khớp háng và khớp gối cho bà con ở khu vực miền trung chứ không riêng gì Đà Nẵng”.

Đối tác Thái Bình Dương là chương trình về sẵn sàng ứng phó thảm họa và hỗ trợ nhân đạo đa quốc gia được thực hiện hằng năm tại châu Á và châu Đại Dương do chính phủ Hoa Kỳ khởi xướng sau thảm họa sóng thần năm 2004.

Chương trình PP17 ở Việt Nam được hai nước Việt, Mỹ nhìn nhận sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện song phương và quan hệ hữu nghị hợp tác giữa các nước tham gia chương trình.

Cuối năm nay, Đà Nẵng sẽ là địa điểm đăng cai hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác châu Á-Thái Bình Dương (APEC). Mỹ đã xác nhận Tổng thống Trump sẽ dự hội nghị này.

Cán bộ Sở Ngoại vụ Đà Nẵng cho VOA biết tại cuộc gặp xã giao giữa lãnh đạo thành phố và đoàn Mỹ tham gia PP17, phía Đà Nẵng bày tỏ hy vọng khi Tổng thống Trump dự hội nghị APEC, sẽ có nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư Mỹ tháp tùng ông đến thành phố.

Lãnh đạo Đà Nẵng mong rằng điều đó sẽ mở ra “nhiều cơ hội hợp tác, đầu tư” giữa hai bên hơn nữa, cán bộ Sở Ngoại vụ nói. - VOA
|
|

14.
Ai sẽ thay ông Đinh La Thăng?

Giới quan sát đang nêu lên nhiều cái tên có thể nắm vị trí bí thư thành ủy Sài Gòn, trong đó có ông Nguyễn Thiện Nhân, sau khi ông Đinh La Thăng “ngã ngựa”.

Quan chức trực ngôn quê Nam Định hôm 7/5 “bị cảnh cáo” vì những quyết định đưa ra thời còn làm lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), đồng thời bị “mất ghế” trong Bộ Chính trị.

Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về chính trị Việt Nam, nói với VOA Việt Ngữ rằng ông Thăng là “nạn nhân” trong chiến dịch chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

“Ông Trọng và các đồng sự đã mất tới bảy tháng để nghiên cứu trường hợp này trước khi ra quyết định”, nhà nghiên cứu chính trường Việt Nam nói.

Dư luận trên mạng xã hội nhiều tháng trước đã “nóng” quanh các tố cáo về sai phạm ở PVN dưới thời nắm quyền của ông Thăng, nhất là sau khi xuất hiện các bài viết của Facebooker Trương Huy San cuối năm 2016.

Bí thư thành ủy Sài Gòn sau đó không thấy phản hồi trước cáo buộc của blogger từng được biết tới với cái tên Osin Huy Đức về chuyện “nguồn tài nguyên trong lòng biển của quốc gia mà tập đoàn Dầu khí được giao khai thác đã bị [ông] Đinh La Thăng đổ trăm nghìn tỷ xuống biển, xuống sông”.

Giáo sư Thayer cho rằng “người dân quan tâm tới vụ này vì thông tin trên mạng xã hội trong suốt một thời gian dài trong khi truyền thông do đảng kiểm soát im tiếng”, và rằng “vụ việc liên quan tới nhiều quan chức tại PetroVietnam nên câu chuyện này giống như một series truyền hình nhiều tập”.

“Công chúng quan tâm tới chuyện cuộc điều tra sẽ đi tới cấp cao nào, và các biện pháp trừng phạt sẽ như thế nào. Còn nhớ rằng hai đại hội đảng trước, quan chức đảng đã coi tham nhũng là một mối đe dọa lớn đối với tính chính danh của đảng”, giáo sư rành chuyện chính trường Việt Nam nói.

Trong tuyên bố mới nhất liên quan tới việc chống tham nhũng, hồi cuối tháng Hai, phát biểu tại một hội nghị tổng kết về chống lãng phí tại TP HCM, theo báo Tuổi Trẻ, ông Thăng tuyên bố “cần phải kiên quyết thực hiện điều chuyển, thay thế những cán bộ lãnh đạo, quản lý có nhiều dư luận, biểu hiện tham nhũng, lãng phí, uy tín giảm sút, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ”.

Sau khi ông Thăng bị cảnh cáo vì những sai phạm ở PVN, giáo sư Carl Thayer cho rằng “sẽ tiếp tục có các vụ bắt giữ và xét xử những cá nhân từng làm ở PetroVietnam”, và rằng “ông Thăng rồi sẽ chìm đi”.

Giáo sư Thayer nói rằng “vị thế của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và những người hậu thuẫn ông ấy sẽ được củng cố, và chiến dịch chống tham nhũng sẽ tiếp tục”.

Việc ông Thăng bị loại khỏi vị trí trong Bộ Chính trị đồng nghĩa với việc “mất” chức bí thư thành ủy Sài Gòn, vốn thường được giao cho một trong các thành viên của cơ quan đầy quyền lực này.

Trả lời VOA tiếng Việt hôm 9/5 từ Việt Nam, giáo sư Thayer nói: “Theo tôi biết thì ông Nguyễn Thiện Nhân sẽ rời vị trí người đứng đầu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và trở thành Bí thư Thành ủy TP HCM”.

“Ông Nhân giờ sẽ được tạo cơ hội để thể hiện nhằm được cân nhắc các chức vụ cao hơn nếu ông thành công ở miền nam”, nhà nghiên cứu này nói thêm.

Tên của ông Nhân cũng được nhà quan sát Phạm Chí Dũng nêu lên trong một bài blog gửi cho VOA Việt Ngữ về người sẽ “tiến về Sài Gòn” để thay ông Thăng.

Tuy nhiên, ông Dũng viết: “… kể từ lúc ông Nhân đã khởi xướng từ chủ trương ‘hai không’ của ông thời còn là Bộ trưởng giáo dục ["Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục"], mãi đến giờ này rất nhiều người đành chua chát nhận ra một con số không to tướng khi ông Nhân chẳng có được một kết quả điều hành nào ra hồn”.

VOA Việt Ngữ không thể liên lạc được với ông Nhân để hỏi ý kiến của ông về nhận định của nhà báo tự do Phạm Chí Dũng.

Blogger này cũng đề cập tới một số cái tên khác như ông Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; bà Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Quốc hội hay ông Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Việt Nam.

Trên mạng xã hội lớn nhất thế giới, Facebooker Lê Nguyễn Hương Trà, một người thạo tin ở Việt Nam, hôm 8/5 viết rằng “Sài Gòn sẽ là nơi quay về và ở lại của [ông] Nhân sau khi hết nhiệm kỳ!”

Quyết định cảnh cáo ông Thăng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng hôm 7/5 không cho biết sẽ xử lý ra sao về vị trí người đứng đầu đảng bộ trung tâm tài chính ở miền nam.

Theo giáo sư Carl Thayer, quan chức từng nắm chức Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải này “sẽ được chỉ định làm Phó Ban Kinh tế Trung ương”.

Tới tối ngày 9/5, chính quyền Việt Nam chưa thông báo các bước đi tiếp theo liên quan tới trường hợp ông Đinh La Thăng. - VOA
|
|

15.
Nghệ An: Giáo dân phản đối cuộc đấu tố nhằm vào linh mục

Ngay sau khi chính quyền tổ chức biểu tình và đấu tố hai linh mục thuộc giáo xứ Quỳnh Lưu, các linh mục và giáo dân tại hai giáo hạt thuộc giáo phận Vinh đã ra tuyên tố phản đối hôm 8/5.

Toàn thể 18 các linh mục và nhiều giáo dân tại giáo hạt Thuận Nghĩa và giáo hạt Vàng Mai đã ký tuyên bố phản đối việc chính quyền tổ chức các cuộc biểu tình và đấu tố Linh mục Đặng Hữu Nam, quản xứ Phú Yên và Linh mục Nguyễn Đình Thục, quản xứ Song Ngọc.

Từ Nghệ An, Linh mục Đặng Hữu Nam nói với VOA Việt ngữ như sau:

“Bản tuyên bố của các linh mục và các giáo dân trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu. Hình thức đấu tố là một hình thức vô lý và vô nhân đạo. Nhà cầm quyền làm những việc như thế thì không hợp thời với thời hạn hôm nay, đặc biệt không phải là một nhà nước pháp quyền.”

Đấu tố

Cuộc đấu tố bắt đầu ba ngày trước với sự tham gia của nhiều hội đoàn do chính quyền tổ chức, trong đó có hội liên hiệp phụ nữ, thanh niên, cựu chiến binh, mặt trận, sở giáo dục, và học sinh các cấp. Báo Nghệ An nói số người tham gia phản đối lên đến 3.000.

Cũng theo tờ báo này, sáng ngày 9/5, hơn 400 phụ nữ xã Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Lưu tham gia “cuộc mít tinh phản đối Linh mục Đặng Hữu Nam.”

Truyền thông địa phương ngày 6/5 đưa tin một cuộc biểu tình phản đối Linh mục Đặng Hữu Nam đã diễn ra ở Nghệ An vì “hành động trái pháp luật, bóp méo chiến thắng lịch sử 30/4/1975” và "rao giảng nói xấu Đảng Cộng Sản Việt Nam” của vị linh mục Công Giáo.

Đáp lại chỉ trích của chính quyền về việc ông bóp méo lịch sử ngày 30/4, Linh mục Nam nói rằng:

“Tôi đã nhìn nhận cuộc chiến ngày 30/4: Miền Bắc không phải là bên thắng cuộc, miền Nam cũng không phải là bên thua cuộc, mà người thua cuộc là dân tộc Việt Nam của chúng ta.”

Linh mục Nam nói với VOA rằng trong những cuộc biểu tình do chính quyền tổ chức, có nơi trả tiền 30.000 đồng/ người để người dân tham gia nhưng họ đã từ chối.

Bản tuyên bố ngày 8/5 viết: “Việc tổ chức biểu tình, viết thư công kích, dùng truyền thông vu cáo, kết án bôi nhọ Linh mục Đặng Hữu Nam và Linh mục Nguyễn Đình Thục thực chất là hành động đấu tố. Đây là phiên bản của thời cải cách ruộng đất mà chính quyền đã nhận sai lầm và xin lỗi.”

“Hành động đe dọa đòi xử lý, truy tố và kết án Linh mục Đặng Hữu Nam và Linh mục Nguyễn Đình Thục một lần nữa cho thấy các quyền cơ bản của công dân, nhất là quyền tự do ngôn luận chưa được tôn trọng đúng mức.”

Tinh thần hiệp thông

Tuyên bố này do được 18 linh mục thuộc hai giáo hạt và các giáo dân ký để "bày tỏ tinh thần hiệp thông" với Linh mục Đặng Hữu Nam và Linh mục Nguyễn Đình Thục.

Theo Linh mục Nam, bản tuyên bố cho thấy “tinh thần hiệp thông” của các linh mục khác và của giáo dân trong giáo hạt Thuận Nghĩa và giáo hạt Vàng Mai đối với ông và Linh mục Thục, những người đã hỗ trợ người dân thu thập bằng chứng, soạn thảo văn bản khởi kiện công ty Formosa, một doanh nghiệp đã và đang gây ra thảm họa môi trường biển nghiêm trọng ở các tỉnh miền Trung.

“Việc các linh mục và các giáo dân ra bản lên tiếng phản đối như thế đồng thời nói lên sự hiệp thông ở trong giáo hội, và hiệp thông bảo vệ công lý và sự thật.”

‘Mưu hèn kế bẩn’

Linh mục Nam nói thêm rằng các cuộc đấu tố thể hiện “mưu hèn kế bẩn” của chính quyền tỉnh Nghệ An:

“Lâu nay thì nhà cầm quyền đã dùng mọi hình thức, dùng mọi biện pháp, dùng mọi nguồn lực và dùng mọi cách mà tôi phải dùng đến từ là ‘mưu hèn kế bẩn’ để hành xử đối với những người nói lên sự thật, sống cho sự thật, đấu tranh cho công lý và nhân quyền.”

Ngoài ra, theo Linh mục Nam, việc Sở giáo dục tỉnh ép các học sinh tham gia biểu tình, đấu tố là không thể chấp nhận được:

“Người ta buộc các em học sinh đi biểu tình, đấu tố Linh mục Nam. Nếu em nào không đi thì hạ hạnh kiểm, xuống hạnh kiểm xấu, em nào không đi thì không cho thi chuyển cấp, không cho thi tốt nghiệp. Thậm chí tôi còn được thông tin rằng các em học sinh cấp ba phải nộp để phục vụ cho việc đấu tố, mỗi em 50.000.”

Chia rẻ lương – giáo?

Luật sư Đặng Đình Mạnh ở Sài gòn nhận định trên Facebook về các cuộc biểu tình, đấu tố này như sau: “hàng loạt cuộc biểu tình được tổ chức nhân danh đoàn thể Cựu chiến binh, phụ nữ ... Thậm chí, cả học sinh ‘ăn chưa no, lo chưa tới’ cũng được huy động để phục vụ sự ‘biểu đạt’ ý chí chính trị một cách công khai, rầm rộ, căng băng-rôn, phất cờ đỏ, hô khẩu hiệu ...”

“Đương nhiên, số đồng bào tham gia biểu tình là người lương giáo, thờ ông bà hoặc không tín ngưỡng, vì không thể lôi kéo đồng bào công giáo tham gia.”

Luật sư Mạnh lo ngại rằng: “việc dùng đồng bào khác tin ngưỡng tấn công trực diện vào một người đang là chức sắc tôn giáo, là vị chủ chăn tinh thần và nhiều uy tín của cả một cộng đồng tín ngưỡng, rõ ràng, là cách thức dễ dàng nhất để có thể thổi bùng lên khả năng xung đột tôn giáo.”

Linh mục Nam cũng đồng ý với nhận định của Luật sư Mạnh, ông cho rằng nếu ông sai thì chính quyền hãy truy tố và bắt giam ông, chứ không nên tổ chức biểu tình, đấu tố và chia rẻ đồng bào giáo dân: “

“Nhà cầm quyền cố tình chia rẻ lương - giáo, với chiêu trò đấu tố này, họ muốn dùng người dân để trị người dân, để đạt được mục đích của họ là bịt miệng những ai tố cáo về Formosa và đấu tranh cho môi trường sống. Họ thực hiện điều này có thể sẽ đẩy tới việc xung đột lương - giáo. Nếu đưa dân tộc đến chỗ xung đột tôn giáo thì điều đó quả thật là tệ hại. Qủa thật nó sẽ gây ra những hậu quả vô cùng nặng nề, mà người dân chính là người thiệt hại.”

Linh mục Nguyễn Thanh Tịnh ở Brussels cũng nhận định trên trang Thanh niên Công giáo rằng việc đấu tố của chính quyền tỉnh Nghệ An là “chiêu trò chia rẻ tôn giáo:”

“Hôm nay, chiếc bẫy được giăng ra để tạo một cuộc xung đột lương - giáo để đục khoét những vết thương đã liền da, để tạo nên những hầm hố mới trong nhận thức và tâm lý của lớp trẻ.”

Linh mục Tịnh viết tiếp: “Rất an lòng khi thấy những hình ảnh đầy tính nhân văn và ôn hoà của giáo dân Phú Yên khi họ để nước hai bên đường đến tiếp đoàn biểu tình. Điều này cho thấy họ nhận ra những người lương dân đó là anh em, không phải kẻ thù. Họ là những nạn nhân thì đúng hơn.” - VOA
|
|

16.
Nhiều loại cá chết dạt vào bờ biển Kiên Giang

Nhiều cá, tôm, hải sản chết bất thường tại bãi biển tỉnh Kiên Giang trong suốt vài ngày qua.

Tin cho biết người dân xã Thuận Yên, Dương Hòa huyện Kiên Lương phát hiện nhiều loại cá tầng nước mặt như cá sơn, cá suốt, cá bống, tôm, cua, ghẹ và cả cá ở tầng nước đáy chết nổi trên bờ biển thuộc huyện này.

Ngoài ra, theo ông Ong Vĩnh Kim, Chủ nhiệm hợp tác xã Thuận Yên, trong suốt 3 ngày qua khoảng 50 tấn nghêu do người dân nuôi, sắp đến ngày thu hoạch nhưng cũng đột nhiên chết.

Chủ tịch UBND xã Thuận Yên, ông Đặng Trung Tính cho biết cơ quan chức năng đã lấy mẫu nước đi kiểm tra nhưng chưa có kết quả. Đồng thời cũng cảnh báo người dân không vớt cá lên sử dụng khi chưa rõ nguyên nhân chết.

Cũng liên quan đến môi trường, tình trạng cá chết bốc mùi hôi thối trên các ao hồ, đồng ruộng gần khu công nghiệp Quán Ngang, tỉnh Quảng Trị hiện nay gây ảnh hưởng cuộc sống khiến dân chúng địa phương hoang mang.

Tin tức vào ngày 9/5 cho biết đây không phải là lần đầu tiên cá chết gần khu công nghiệp này nên người dân lo ngại rằng nguyên nhân là do nước thải từ khu công nghiệp.

Cá chết nằm la liệt và người dân vẫn chưa thu gom, gây mùi hôi thối ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Người dân gần khu công nghiệp cho biết khoảng nửa tháng trở lại đây cá chết nhiều lên đến hàng trăm kilogram. Dân cũng nói rằng từ khi có khu công nghiệp là hiện tượng này xảy ra, người lội xuống ruộng cũng bị ngứa và trồng lúa thì năng suất không cao, thu hoạch toàn hạt lép.

Tin cho biết thêm hiện tại UBND huyện Gio Linh đang chỉ đạo Phòng Tài nguyên môi trường đi kiểm tra và tiến hành xét nghiệm mẫu nước.

Trước đó năm 2015 tại khu công nghiệp này đã có 1 nhà máy bị xử phạt, tạm dừng hoạt động cho xả thải ra môi trường. - RFA
|
|

17.
Thêm 6 căn nhà chìm xuống sông do sạt lở

Có 6 căn nhà sạt lở xuống kênh khiến người dân hoảng sợ bỏ chạy. Vụ sạt lở đất mới nhất xảy ra ngày 8/5 tại xã Phú Hữu, huyện An Phú, An Giang.

Ông Cao Xuân Diệu, Chủ tịch UBND xã Phú Hữu cho biết đoạn sạt lở có chiều dài khoảng 80m, làm 6 căn nhà sập và 2 căn phải di dời, gây thiệt hại khoảng 30 triệu/căn. Ông Diệu cho biết thêm chính quyền sẽ hỗ trợ 1 triệu tiền mặt trước mắt cho mỗi hộ. Nguyên nhân vụ sạt lở được cho là do thủy triều xuống thấp và biến đổi khí hậu.

Trước đó ở An Giang cũng xảy ra một vụ sạt lở nghiêm trọng khiến 16 căn nhà bị chìm xuống sông. Theo Phó chủ tịch tỉnh An Giang Lâm Quang Thi hiện tại tỉnh này có 51 đoạn sạt lở với tổng chiều dài 162km, ảnh hưởng trực tiếp đến 20.000 hộ dân.

Truyền thông trong nước ngay sau đó cho biết các cơ quan chức năng địa phương và trung ương đến thị sát hiện trường để có biện pháp ứng phó. Tuy nhiên nay lại xảy ra vụ việc nhà dân sạt lở xuống sông. - RFA
|
|

18.
Quốc hội xem xét rút tư cách đại biểu ông Võ Kim Cự

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có phiên họp xem xét rút tư cách Đại biểu Quốc hội của ông Võ Kim Cự, nguyên bí thư và chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh từng ký giấy phép cho Formosa thuê đất lập nhà máy gây ô nhiễm ở Vũng Áng..

Tin cho biết phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 15 đến ngày 18 tháng Năm tới đây và Ủy ban sẽ đưa ra quyết định rút tư cách Đại biểu Quốc hội của cựu Chủ tịch và Bí thư tỉnh Hà Tĩnh, ông Võ Kim Cự hay không sau nghi nghe báo cáo từ Trưởng Ban công tác đại biểu về ông Võ Kim Cự, người bị quy kết có nhiều sai phạm liên quan đến thảm họa môi trường Formosa làm cá chết hàng loạt dọc ven biển 4 tỉnh Bắc Trung bộ hồi đầu tháng Tư năm ngoái.

Xin được nhắc lại, vào đầu tháng Tư năm nay, cựu Chủ tịch và Bí thư tỉnh Hà Tĩnh, ông Võ Kim Cự bị Đảng ủy khối cơ quan Trung ương bỏ phiếu đề nghị kỷ luật cách chức. - RFA

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9




No comments:

Post a Comment