Wednesday, May 24, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Tư 24/5

Tin Thế Giới

1.
Anh than phiền Mỹ lộ tin tình báo vụ Manchester

Anh chỉ trích các quan chức tình báo Mỹ vì đã rò rỉ thông tin cho các nhà báo sau vụ tấn công tự sát ở Manchester hôm thứ Hai.

Bộ trưởng Nội vụ Anh Amber Rudd cho biết bà đã gửi thư khiếu nại với Hoa Kỳ sau khi chi tiết vây quanh cuộc tấn công ở Manchester được truyền thông Mỹ loan truyền trước khi chính quyền Anh công bố tin này.

Trong chương trình Today của kênh BBC Radio 4, bà Rudd nói:

"Cảnh sát Anh nêu rõ rằng họ muốn kiểm soát luồng thông tin nhằm bảo vệ toàn diện các hoạt động của mình, hầu duy trì yếu tố bất ngờ".

"Vì vậy, thật là bực bội khi tin được các nguồn khác công bố, tôi đã nói rất rõ với những người bạn của chúng tôi rằng chuyện đó không nên để xảy ra thêm một lần nữa".

Thông tin chi tiết về vụ tấn công tự sát, kể cả số người chết và danh tính kẻ tấn công, đã được một số hãng truyền thông Mỹ công bố, dẫn lời các quan chức Mỹ không nêu danh tính.

Bà Rudd nói sau vụ khủng bố ở Manchester, dẫn đến vụ rò rỉ thông tin, bà sẽ tái xét cách chia sẻ tin tình báo của nước Anh. Tuy nhiên, bà khẳng định rằng các thông tin rò rỉ đã không gây hại cho cuộc điều tra do Anh thực hiện. - VOA
|
|

2.
Tổng thống Trump gặp Đức Giáo hoàng ở Vatican --- Tương lai NATO sẽ ra sao? Lãnh đạo Châu Âu chuẩn bị gặp Trump

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Đức Giáo hoàng Phanxicô đã gặp gỡ trong 30 phút ở Vatican hôm thứ Tư, nêu bật trọng tâm của chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Trump trong cương vị tổng thống Mỹ, là ba tôn giáo độc thần cùng có tổ phụ là Abraham.

Ông Trump và Đức Giáo hoàng đã “lời qua tiếng lại” với nhau hồi năm ngoái, khi ông Trump đang vận động tranh cử với cam kết sẽ xây một bức tường dọc theo biên giới Mỹ-Mexico.

Đức Giáo hoàng nói bất cứ ai nghĩ đến việc xây những bức tường thay vì những chiếc cầu, "không phải là Kitô hữu", lời phát biểu này đã bị ông Trump phản bác là "đáng hổ thẹn".

Sau khi gặp gỡ các nhà lãnh đạo Ý hôm thứ Ba, ông Trump lên đường sang Brussels để dự hội nghị thượng đỉnh NATO. Hôm thứ Sáu và thứ Bảy, tổng thống Mỹ sẽ trở lại Ý để tham dự hội nghị thượng đỉnh G7, sẽ được tổ chức trên đảo Sicily.

Trong chuyến thăm Israel hôm thứ Ba, khi phát biểu tại Bảo tàng Israel, ông Trump tuyên bố rằng các nhà lãnh đạo của cả Israel lẫn Palestine đều sẵn sàng để đi đến hòa bình.

Ông Trump đã hội đàm với Thủ tướng Benjamin Netanyahu hôm thứ Hai và gặp lại ông hôm thứ Ba sau chuyến thăm ngắn tại Bờ Tây để bàn thảo trong một giờ với Tổng thống Thẩm quyền Palestine Mahmoud Abbas. - VOA

***
Các nhà lãnh đạo NATO lên đường sang Bruxelles để dự hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào ngày 25/5, họ trông đợi sẽ đạt thỏa thuận với nhau về các nguyên tắc chính.

Phủ bóng lên hội nghị là cuộc tấn công khủng bố ở Anh hôm thứ Hai, các bên tham hội dự kiến sẽ nhanh chóng đạt đồng thuận về sự cần thiết phải chiến đấu chủ nghĩa khủng bố cả ở trong nước lẫn ở ngoài nước tại những nơi như Afghanistan. Nhưng chống khủng bố như thế nào?

Chiến tranh ở Afghanistan là một trong những chủ đề mà giới lãnh đạo Châu Âu hy vọng sẽ hiểu thêm một khi đã gặp Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Nhà lãnh đạo Mỹ muốn các nước NATO gia tăng đóng góp vào nỗ lực chiến tranh.

Nhưng chưa gì Thủ Tướng Đức Angela Merkel dã ra dấu hiệu cho thấy bà không mấy hào hứng về đề nghị này, và muốn chờ các cuộc thảo luận của NATO.

“Chúng tôi đang phối hợp sự hợp tác của khoảng 20 nước thành viên tích cực hoạt động ở đó. Tôi sẽ chờ những quyết định. Tôi không nghĩ chúng tôi sẽ đi tiên phong trong việc mở rộng khả năng chiến đấu tại đó.”

Bên cạnh chiến tranh ở Afghanistan, ông Trump muốn xác định rõ là ông muốn các thành viên NATO thỏa đáng điều kiện đóng góp tối thiểu, là chi ra ít nhất 2% GDP cho ngân sách quốc phòng.

Lãnh đạo EU trông đợi sẽ nghe nhà lãnh đạo Mỹ tái khẳng định rằng các nỗ lực chống khủng bố của NATO vượt ra khỏi giới hạn Châu Âu và vùng Đại Tây dương.

Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Anh, Lord David Owen, nói:

“Tôi tin là có lý do để mở rộng vai trò trong lúc này để đối phó với ISIS. Tôi biết đây là điều gây tranh cãi nhưng tôi tin rằng nếu ta tiếp cận vấn đề một cách thận trọng từng bước, NATO sẽ chấp nhận là gia hạn quyền ủy nhiệm ở Iraq để tiến tới đối phó với ISIS, tôi tin đây là một phương thức tốt hơn nhiều để sức mạnh của Mỹ có thể được sử dụng trên toàn cầu trong khuôn khổ NATO.”

Nga cũng là một quan tâm lớn của giới lãnh đạo Châu Âu tại cả hội nghị thượng đỉnh NATO lẫn tại hội nghị Thất cường, G-7.

Đức, Áo và các nước khác hy vọng sẽ có một hướng đi mới trong các quan hệ với Moscow sau cuộc khủng hoảng Ukraine, giữa lúc các biện pháp chế tài áp đặt lên Nga cùng lúc đã tăng sức ép đối với các quốc gia tây phương phụ thuộc vào các mặt hàng năng lượng do Nga xuất khẩu.

Hy vọng lớn của một số nhà lãnh đạo Châu Âu là gặp mặt đối mặt với ông Trump và nghe ông đích thân lặp lại cam kết rằng ông không còn nghĩ NATO là lỗi thời nữa, hầu có thể xoa dịu những âu lo về vai trò của Hoa Kỳ trong việc đảm bảo an ninh cho Châu Âu.

Các bản tin trích dẫn nguồn tin NATO nói rằng các giới chức của liên minh sẽ trì hoãn, không sớm đưa ra một tuyên bố chung như theo thông lệ sau khi kết thúc các hội nghị cấp cao.

Việc ra tuyên bố chung sẽ tùy thuộc vào những gì được phát biểu tại hội nghị. Trong giai đoạn chuyển tiếp có nhiều bất ngờ như hiện nay, không ai dám tiên đoán điều gì sẽ xảy ra tại hội nghị. - VOA
|
|

3.
Anh tăng cảnh báo ‘nguy cấp’ sau vụ khủng bố Manchester --- Anh bắt thêm 3 nghi can vụ đánh bom Manchester

Anh tăng mức đe dọa an ninh từ ‘nghiêm trọng’ lên thành ‘nguy cấp’ sau cuộc tấn công tự sát ở Manchester khiến 22 người thiệt mạng, theo loan báo của Thủ tướng Theresa May ngày 23/5.

Lãnh đạo Anh cũng cho biết thêm rằng thành viên các lực lượng võ trang sẽ tăng cường an ninh tại những địa điểm chính và quân đội có thể được triển khai tới các sự kiện công cộng như các buổi biểu diễn văn nghệ và thi đấu thể thao.

Thủ tướng May nói cơ quan độc lập quyết định mức cảnh báo về đe dọa khuyến cáo tăng cảnh báo sau vụ nổ bom tự sát do một người đàn ông tên Salman Abedi thực hiện tối ngày 22/5. Vụ nổ xảy ra sau buổi trình diễn ca nhạc tại sân vận động Manchester, lúc khán giả tan hàng ra về.

“Kết luận dựa trên các cuộc điều tra hôm nay rằng mức báo động đe dọa được tăng từ nghiêm trọng lên thành nguy cấp,” bà May thông báo sau cuộc họp với ủy ban của chính phủ phụ trách đáp ứng thảm họa.

Thủ tướng Anh nhấn mạnh điều này có nghĩa là theo đánh giá của cơ quan hữu trách, không chỉ có khả năng cao về một cuộc tấn công mà còn có thể sắp có thêm một cuộc tấn công khác nữa. - VOA

***
Cảnh sát Anh nói rằng họ bắt thêm ba người nữa trong cuộc điều tra vụ đánh bom đại nhạc hội tối thứ Hai 22/5 tại thành phố Manchester.

Thông báo của Sở Cảnh sát hôm thứ Tư 24/5 nói rằng cảnh sát bắt ba người này theo trát bắt của chính quyền Nam Manchester. Không có thông tin nào về ba người vừa bị bắt giữ, cũng như một người thứ tư bị bắt hôm 23/5 trước đó, ngoài thông tin người đó 23 tuổi, có thể dính líu trong vụ tấn công.

Bộ trưởng Nội vụ Anh Amber Rudd hôm thứ Tư nói rằng hung thủ đánh bom tự sát được nhận diện là Salman Abedi, 22 tuổi, đã được các cơ quan tình báo Anh “biết” trước vụ đánh bom.

Bộ trưởng Rudd nói với đài BBC rằng “có khả năng hung thủ không tự thực hiện vụ tấn công này một mình.”

Cuộc điều tra vẫn đang tiếp tục để xác định liệu nghi can này có thuộc một tổ chức nào hay không.

Ông Mark Rowley, lãnh đạo Cảnh sát chống khủng bố quốc gia, nói cuộc điều tra đến chiều tối thứ Ba có được “những tiến bộ” và đang tiếp tục lần theo một số manh mối. Nhưng ông cũng cho biết là giới hữu trách chưa thể nói được liệu nghi can Abedi hành động một mình hay không.

Phát biểu của ông Rowley được đưa ra sau khi chính quyền tăng báo động khủng bố lên mức nguy hiểm, tức là mức cao nhất, có nghĩa là một vụ tấn công khác có khả năng xảy ra hoặc sắp xảy ra.

Các thay đổi có thể nhận thấy được qua việc quân đội được triển khai để giúp cảnh sát bảo vệ một số khu vực, trong đó có một số sự kiện như các đại nhạc hội hay các trận đấu bóng đá.

Vụ nổ xảy ra khi đại nhạc hội của ngôi sao nhạc pop Mỹ Ariana Grande vừa tan tại vận động trường Manchester Arena, làm 22 người thiệt mạng và 59 người bị thương. Kẻ tấn công đã chết tại hiện trường.

Nhà nước Hồi giáo tuyên bố đứng sau vụ tấn công, nhưng tình báo của Anh lẫn của Mỹ chưa xác định thông tin đó.

Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerard Collomb nói với đài truyền hình BFM hôm thứ Tư rằng tình báo Anh và Pháp có thông tin về việc nghi can Abedi hình như đã đi sang Syria.

Cảnh sát đã bắt một người đàn ông 23 tuổi ở Manchester hôm thứ Ba 23/5, nhưng chưa đưa ra thông tin nào về việc người bị bắt này có liên hệ như thế nào đến vụ tấn công.

Thủ tướng Anh Theresa May trong phát biểu toàn quốc chiều tối thứ Ba nói rằng giới hữu trách sẽ làm mọi việc có thể để bảo vệ công chúng, và yêu cầu mọi người tiếp tục đề cao cảnh giác.

Thủ tướng May nói: “Tôi không muốn công chúng có cảm giác phải ở trong tình trạng báo động quá đáng. Chúng ta đã đối diện với đe dọa khủng bố nghiêm trọng trên đất nước của chúng ta nhiều năm qua.”

Nữ hoàng Elizabeth đã cử hành phút mặc niệm tại Điện Buckingham. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến Ðại sứ quán Anh ở Paris để chia buồn. Thủ tướng Đức Angela Merkel nói vụ tấn công này tăng thêm quyết tâm của Đức làm việc với Anh.

Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc lên án vụ tấn công.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, trong khi đang công du Bethlehem và Khu Bờ Tây, gọi những kẻ gây ra vụ tấn công này là “loại đồi bại ác tâm.”

Ông Trump nói: “Tôi không gọi bọn chúng là yêu quái nữa bởi vì chúng sẽ thích cái tên đó, chúng sẽ cho rằng đó là cái tên hay. Từ giờ trở đi tôi gọi chúng là loài đồi bại bởi vì chúng đúng là những kẻ đồi bại.”

Nhà lãnh đạo Hoa Kỳ nói tiếp: “Chúng ta sẽ không thể nào chịu đựng được nữa việc thường dân vô tội bị sát hại.” - VOA
|
|

4.
ASEAN-Trung Quốc: Đường đến giải pháp cho Biển Đông còn xa vời

Trung Quốc và ASEAN ngày 18/05/2017 đã nhất trí trên một bản dự thảo khung của một bộ Quy Tắc Ứng Xử hầu phòng ngừa xung đột tại Biển Đông. Chi tiết thỏa thuận không được tiết lộ, nhưng nhiều người nhìn thấy đấy là dấu hiệu tiến bộ đối với một văn kiện đã được gợi lên từ 15 năm nay. Câu hỏi đặt ra là liệu dự thảo khung đó có thể dẫn tới một thỏa thuận mang tính ràng buộc chấm dứt tranh chấp hay không ?

Trả lời phỏng vấn của truyền thông Đức Deutsche Welles, Bill Hayton, một chuyên gia nổi tiếng về châu Á, hoài nghi về khả năng hai bên đạt được một thỏa thuận thực thụ khả dĩ chấp nhận được trong thời gian trước mắt, đàm phán sẽ còn gay go, và điểm tích cực duy nhất theo chuyên gia này việc hai bên thảo luận với nhau sẽ cho phép xây dựng sự tin tưởng, và dù tranh cãi, điều đó vẫn tốt hơn nhiều so với không nói năng gì cả.

Trung Quốc chiêu dụ các láng giềng ?

Về tình hình tại Biển Đông tương đối lặng sóng trong vài năm gần đây sau cơn sốt giàn khoan HD-981, chuyên gia Hayton cho rằng đó chủ yếu vì Bắc Kinh đang tung chiến dịch chiêu dụ các nước Đông Nam Á, và dồn sức vào việc bồi đắp các thực thể mà họ kiểm soát tại vùng Trường Sa.

Ông nhận thấy có một số chuyện diễn ra cùng lúc. Một là Trung Quốc đang mở chiến dịch chiêu dụ Đông Nam Á và cố tránh làm những điều có thể khiến cho các láng giềng tức giận.

Từ gần 3 năm nay tình hình khá yên ắng. Từ khi căng thẳng bùng lên với Việt Nam sau khi Trung Quốc triển khai giàn khoan trong vùng biển tranh chấp, Trung Quốc dường như hành xử tốt hơn nhiều. Chuyên gia này cho rằng Bắc Kinh đã cảm thấy đã thua thiệt nhiều trong vụ đó và từ đấy đã không làm như thế nữa.

Nhưng cùng lúc thì Trung Quốc cho ồ ạt bồi đắp các đảo trong vùng. Có lẽ việc đó đã hút hết nghị lực của Trung Quốc. Khi mà các đảo này xây xong thì có thể thấy Trung Quốc có thái độ hung hăng trở lại.

Một điểm khác cần lưu ý là Trung Quốc cũng có tranh chấp với Nhật Bản và đang dồn nhiều sức lực vào tranh chấp về Senkaku/Điếu Ngư. Trên mặt lịch sử, Trung Quốc chưa bao giờ tiến hành dồn sức vào hai mặt trận cùng một lúc. Thông thường nếu mặt trận này tích cực thì mặt trận kia kém năng động hơn. Và dường như đó là điều đang diễn ra hiện nay.

Vả lại Trung Quốc sẽ tiến hành Đại Hội Đảng trong năm nay, và có thể là giới lãnh đạo Bắc Kinh không muốn gây xáo trộn, làm mất ổn định khu vực trước lúc diễn ra một sự kiện then chốt như thế.

Hơn nữa Trung Quốc đang vận động để nhiều người ủng hộ kế hoạch con đường tơ lụa mới OBOR của ông Tập Cận Bình, đó cũng là lý do khác khiến cho Trung Quốc kềm giữ cho tình hình yên tĩnh vào lúc này.

Trung Quốc đã thực hiện những gì muốn làm ?

Theo quan điểm nhiều người hiện nay, Trung Quốc đã hoàn tất những gì họ muốn hoàn tất ở Biển Đông, cho nên tình hình hiện tại yên ắng hơn một chút.

Đối với chuyên gia Hayton lập luận này có phần đúng : Trung Quốc đã chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, họ đang xây dựng căn cứ của họ ở đấy.

Họ cũng đang xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông, nhưng công trình xây cất chưa xong hẳn. Đó sẽ là những căn cứ rất hùng mạnh. Nhiều chuyên gia nghĩ là Trung Quốc cũng muốn xây dựng cơ sở trên bãi Scarborough nữa, và đó là điểm thứ 3 trong tam giác sắt ở Biển Đông.

Trung Quốc có nhiều lý do để muốn xây dựng các đảo này. Một số đảo là do vấn đề lịch sử, lãnh thổ, còn một số khác là nhằm che giấu tàu ngầm nguyên tử ở Biển Đông hay để làm bàn đạp tung lực lượng ra gần eo biển Malacca, ngăn ngừa Mỹ phong tỏa đường tiếp tế của họ trong trường hợp nổ ra chiến tranh.

Dự thảo khung COC không dẫn đến đâu ?

Riêng về sự kiện Trung Quốc và ASEAN vừa thông báo đạt thỏa thuận trên dự thảo khung bộ quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông, ông Bill Hayton cho rằng từ lúc có dự thảo khung cho đến khi đạt được thỏa thuận thực thụ trên một bộ quy tắc ứng xử, con đường còn rất nhiều chông gai, nhất là khi Trung Quốc vẫn muốn bồi đắp bãi Scarborough thành một cứ điểm quân sự để khống chế Biển Đông.

Do đó ông không nghĩ là bản thân dự thảo khung này sẽ dẫn đến một cái gì sắp tới đây. Nhưng các cuộc thảo luận trên vấn đề này là một phương thức tốt xây dựng sự tin tưởng. Việc mọi người ngồi vào bàn và thảo luận với nhau về những chuyện này là tốt hơn không nói gì cả.

Ông Hayton phân tích lý do khiến ông không nghĩ là các bên sẽ đạt một thỏa thuận.

Một là Trung Quốc vẫn giữ ý muốn xây dựng trên bãi Scarborough. Và họ sẽ không ký bất kỳ một cái gì có thể ngăn chặn không cho họ làm việc này.

Điểm khác nữa là Trung Quốc rất ghét bị một thỏa thuận trói buộc về mặt pháp lý, trong lúc mà ASEAN thì lại muốn điều này. Đối với các nước ASEAN ký một bộ quy tắc ứng xử mà không có « răng » (tức là không có tính ràng buộc) thì không có ý nghĩa gì cả. Họ muốn có một loại công cụ để kiểm soát hành vi của Trung Quốc, Bắc Kinh thì không muốn điều này chút nào.

Một điểm bất đồng thứ ba là Trung Quốc muốn giới hạn việc áp dụng bộ quy tắc ứng xử ở Trường Sa trong lúc những nước như Việt Nam và Philippines muốn đưa Hoàng Sa và bãi Scarborough vào. Hiện chưa thấy hướng giải tỏa bất đồng này là như thế nào.

Chính sách của Mỹ gây bất an

Đối với chuyên gia Hayton, chính sách chưa rõ ràng về Biển Đông của chính quyền Mỹ hiện nay đang khiến cho đồng minh và đối tác của Mỹ trong vùng bất an, nhất là khi có dấu hiệu là ông Donald Trump có khả năng nhẹ tay với Trung Quốc trên hồ sơ Biển Đông để tranh thủ Trung Quốc trên vấn đề Bắc Triều Tiên.

Trước hết ông Hayton nêu lên vấn đề liên quan đến hành trình của chiếc tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson, thoạt đầu được cho là đi về phía bán đảo Triều Tiên nhưng lại không đi đến đó như theo thông báo ban đầu tiên mà chỉ đến khu vực sau đó. Trên nguyên tắc con tàu có con đường ngắn hơn để đến vùng bán đảo Triều Tiên là đi xuyên qua Biển Đông, nhưng Mỹ lại không chọn con đường đó mà lại đi vòng.

Điều đó khiến người ta tự hỏi liệu đó cũng là động thái thiện chí của Mỹ đối với Trung Quốc để Bắc Kinh mạnh tay hơn với Bắc Triều Tiên hay không.

Theo Bill Hayton những gì mà chính quyền Trump đang làm đã tạo ra nhiều cảm giác bất ổn nơi các quốc gia Đông Nam Á. Họ cảm thấy vững tâm hơn với chính sách tổng thống Mỹ tiền nhiệm Barack Obama.

Các quốc gia này muốn Mỹ cam kết, dấn thân nhiều hơn, và với ông Obama, họ cũng thấy rõ hơn điều Mỹ chuẩn bị thực hiện. Nhưng bây giờ thì họ không biết cam kết của Mỹ đối với họ như thế nào, ông Trump có gạt qua một bên quyền lợi của họ để chỉ tập trung vào Bắc Triều Tiên hay không. Đó là điều có lẽ hiện đang xẩy ra.

Trong tình hình mơ hồ, bấp bênh đó, những nước trong vùng đang nghĩ đến việc dựa vào các tác nhân khác như Nhật Bản, đang gia tăng những cam kết dấn thân như cung cấp tàu, hỗ trợ tài chính, tập trận chung chẳng hạn.

Việt Nam - Trung Quốc, quan hệ hữu nghị nhưng sẵn sàng đối phó vũ trang

Riêng về Việt Nam, ông Bill Hayton ghi nhận hai hướng hành động song song : xây dựng lại quan hệ với Trung Quốc, nhưng tăng cường võ trang để sẵn sàng đối phó với Bắc Kinh khi cần.

Một điều rõ ràng là Việt Nam đang xây dựng lại mối quan hệ với Trung Quốc. Đã có những cuộc gặp song phương, Việt Nam đang hàn gắn lại quan hệ. Yếu tố hai nước cùng là cộng sản cũng là điều kiện thuận lợi. Mối liên hệ giữa hai đảng thân mật hơn trước nhiều, và cho phép những thảo luận cởi mở hơn là thảo luận giữa hai chính quyền với nhau.

Nhưng Việt Nam đồng thời cũng nâng cấp quân đội, mua một loạt trang thiết bị quân sự kể cả tàu ngầm có thể đe dọa tàu Trung Quốc.

Tóm lại Việt Nam đang làm hai chuyện cùng một lúc : xây dựng quan hệ hữu nghị với Trung Quốc trong lúc vẫn nâng cao khả năng quân sự, theo hướng xây dựng một khả năng đe dọa quân sự đáng kể đối với Trung Quốc nếu phải đi đến một cuộc đối đầu. - RFI
|
|

5.
Ông Duterte muốn áp dụng thiết quân luật toàn quốc

Tổng thống Rodrigo Duterte cho biết thiết quân luật tại trên đảo Mindanao có thể được gia hạn trên toàn Philippines trong bối cảnh quân đội giao tranh với dân quân Hồi giáo.

Ông Duterte nói rằng phe nổi dậy đã chặt đầu một cảnh sát ở hòn đảo phía nam. Tin cho hay ít nhất ba thành viên khác của lực lượng an ninh đã chết.

Vào hôm thứ Ba, ông đã tuyên bố thiết quân luật trong 60 ngày tại Mindanao, nơi các nhóm nổi dậy Hồi giáo đang tìm kiếm khả năng giành quyền tự trị.

Một số nhóm đã cam kết ủng hộ cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).

Hàng ngàn người đã chạy nạn khỏi trong thành phố Marawi sau khi các tay súng kéo vào đây.

Marawi cách thủ đô Manila khoảng 800km về phía nam.

"Tôi sẽ không ngần ngại làm bất cứ điều gì và mọi thứ cần làm để bảo vệ đất nước Philippines," ông tổng thống nói. "Tôi có thể tuyên bố thiết quân luật trên khắp đất nước để bảo vệ người dân."

Tổng thống Duterte, một người sinh trưởng tại Mindanao, nói cảnh sát trưởng Malabang trên đảo Mindanao đã bị bắt dừng lại trên đường về nhà "tại một chốt kiểm soát do các phần tử khủng bố đứng đó và họ chặt đầu ông ngay tại chỗ".

Ông cảnh báo hôm thứ Ba rằng ông sẽ nặng tay hơn đối phó với khủng bố.

"Nếu phải mất một năm để làm điều đó, chúng tôi sẽ làm điều đó. Nếu kết thúc trong vòng một tháng, tôi sẽ rất vui," ông nói trong video được chính phủ công bố trực tuyến.

Ông Duterte đã cắt ngắn chuyến thăm Nga của mình để đối phó với bạo lực.

Trong các cuộc hội đàm tại Moscow với Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông cũng nói rằng Philippines cần thêm vũ khí hiện đại để chống lại IS và các nhóm nổi dậy khác.

Hiến pháp Phillipines cho phép tổng thống chỉ được áp dụng thiết quân luật trong 60 ngày để ngăn một cuộc xâm lược hoặc nổi loạn.

Quốc hội có thể hủy lệnh này trong 48 giờ trong khi Tòa án Tối Cao sẽ xem xét tính hợp pháp của nó. - BBC
|
|

6.
Hàn Quốc bắn cảnh cáo vật thể bay ở biên giới miền Bắc

Quân đội Hàn Quốc hôm thứ Ba đã bắn hơn 90 phát đạn vào một vật thể bay nghi ngờ là của Bắc Triều Tiên. Sự cố này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng đang lên cao về cuộc thử nghiệm tên lửa mới nhất của Bình Nhưỡng, đã bị cộng đồng quốc tế lên án và cả Bắc Kinh lên tiếng cảnh cáo.

Quân đội Hàn Quốc nói vẫn chưa được xác định được vật thể bay là gì, nhưng hãng tin Yonhap nói đây có thể là một máy bay không người lái.

Quân đội Hàn Quốc không cho biết liệu vật thể bay có bị trúng đạn hay không, nhưng vật thể này đã biến mất khỏi màn hình radar.

Bắc Triều Tiên trước đây từng đưa máy bay không người lái vào không phận Hàn Quốc, một số bị rớt. Hồi tháng 1 năm 2016, Hàn Quốc bắn cảnh báo vào một máy bay không người lái, buộc chiếc máy bay này bay ngược trở lại.

Hành động của Hàn Quốc hôm thứ Ba xảy ra giữa lúc căng thẳng đang tăng trên bán đảo Triều Tiên sau vụ phóng thử tên lửa đạn đạo do miền Bắc thực hiện hôm Chủ nhật. Bình Nhưỡng nói vụ thử nghiệm này chứng minh những tiến bộ trong chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân của họ, hướng nhắm bắn tới các mục tiêu trên lãnh thổ Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ đã cố thuyết phục Trung Quốc, đồng minh duy nhất của Bắc Triều Tiên, hãy làm nhiều hơn nữa để kiềm chế Bắc Triều Tiên, vốn đã thực hiện hàng chục vụ phóng tên lửa và thử nghiệm hai quả bom hạt nhân từ đầu năm ngoái, bất chấp nghị quyết và lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc.

Bắc Triều Tiên không hề giấu giếm kế hoạch phát triển tên lửa có khả năng tấn công Hoa Kỳ. Bình Nhưỡng bỏ ngoài tai những kêu gọi, kể cả từ Trung Quốc, đòi họ ngưng phát triển vũ khí, nói rằng chương trình này là cần thiết để chống lại âm mưu xâm lược của Hoa Kỳ.

Hôm thứ Hai, Bắc Triều Tiên nói vụ phóng thử hôm Chủ nhật đáp ứng tất cả các yêu cầu kỹ thuật cho phép sản xuất đại trà tên lửa mà nước này gọi là Pukguksong-2.

Đây là vụ thử nghiệm thứ hai của Bắc Triều Tiên trong vòng một tuần.

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc lên án vụ phóng tên lửa mới nhất và bày tỏ lo ngại về hành vi của Bắc Triều Tiên. Hội đồng Bảo an cho biết sẽ mở phiên họp kín trong ngày thứ Ba. - VOA
|
|

7.
IS chiếm thành phố Marawi, Philippines

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố đặt miền Nam vào tình trạng thiết quân luật trong 60 ngày.

Tuyên bố này được đưa ra sau khi các lực lượng an ninh Philippines tìm cách bắt giữ một thủ lĩnh phiến quân hàng đầu có liên hệ với Nhà nước Hồi giáo, khởi sự một cuộc đụng độ dẫn đến việc một thành phố lớn ở miền nam Philippines bị vây hãm.

Hôm thứ Tư, ông Duterte nói ông sẽ cân nhắc việc áp dụng thiết quân luật ở các vùng khác nếu hoạt động của phiến quân lan rộng.

Ít nhất hai binh sĩ và một nhân viên cảnh sát đã thiệt mạng, 12 người khác bị thương ở Marawi trên đảo Mindanao, nơi mà người ta tin rằng thủ lĩnh IS, Isnilon Hapilon, đã bình phục sau khi bị thương trong một vụ đụng độ trước đó.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, Delfin Lorenzana, nói hàng chục tay súng đã chiếm thành phố Marawi, phóng hỏa đốt một nhà thờ và nhiều ngôi nhà.

Giáo hội Công giáo Philippines cho biết một linh mục và một số người khác đang bị giữ làm con tin sau khi những kẻ chủ chiến xông vào một nhà thờ.

Edgard Arevalo, người phát ngôn quân đội Philippines, nói:

“Chúng tôi không có kế hoạch để cho cuộc xung đột này kéo dài hơn 60 ngày. Mục tiêu của các lực lượng an ninh và của Lực lượng Vũ trang Philippines là nhanh chóng kết thúc vụ đối đầu để thị trấn này và cuộc sống của người dân có thể trở lại bình thường, như trước kia".

Hapilon đã tuyên thệ trung thành với thủ lĩnh Nhà nước Hồi giáo Abu Bakr al-Baghdadi.

Trong thời gian Hapilon cầm đầu nhóm Abu Sayyaf, nhóm khủng bố tàn bạo này đã thực hiện một vụ đánh bom một chiếc phà ở Vịnh Manila năm 2004, giết chết hơn 100 người.
Nhóm Abu Sayyaf khét tiếng về những vụ chặt đầu, bắt cóc đòi tiền chuộc mạng, và nhiều vụ đánh bom khác.

Hoa Kỳ treo giải thưởng 5 triệu đôla cho bất cứ ai cung cấp thông tin đưa đến việc bắt giữ Hapilon, bị cáo buộc về những hành động khủng bố đối với các công dân Mỹ.

Miền nam Philippines, đặc biệt là Mindanao, khu vực giàu tài nguyên nhưng đầy rẫy đói nghèo, từ lâu là nơi Abu Sayyaf và các nhóm cực đoan khác hoạt động mạnh.

Với sự giúp đỡ của các lực lượng chống khủng bố Mỹ, quân đội Philippines đã có những bước tiến lớn chống Abu Sayyaf, nhưng sự xuất hiện của nhiều nhóm nhỏ có liên hệ tới IS trong ba, bốn năm qua đã làm nảy sinh những lo ngại về khả năng chiến đấu của quân đội Philippines trên nhiều mặt trận. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

8.
Bạch Ốc đề xuất ngân sách “ưu tiên người đóng thuế” --- Trump muốn giảm chi tiêu của chính phủ

Các quan chức Tòa Bạch Ốc hôm thứ Ba công bố đề xuất ngân sách năm 2018, cắt giảm chi tiêu liên bang để trang trải các khoản chi tiêu mới của quân đội lên tới hàng tỷ đôla.

Các đảng viên Dân chủ đả kích nặng nề dự thảo ngân sách này, nói rằng không có cách nào dự thảo được thông qua khi được trình lên Quốc hội.

Tòa Bạch Ốc gọi đây là kế hoạch ngân sách "người đóng thuế trên hết".

Giám đốc Ngân sách của Tòa Bạch Ốc, Mick Mulvaney, nói:

"Chúng tôi nhìn vào ngân sách này qua con mắt của những người thực sự trả các hóa đơn".

Bản đề xuất ngân sách được công bố hôm thứ Ba là một trong những nội dung cụ thể đầu tiên cho thấy chính sách "nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Donald Trump vận hành như thế nào trên thực tế.

Như đã tiên liệu, dự thảo ngân sách muốn tăng ngân quỹ cho quân đội và an ninh biên giới, trong khi cắt giảm chi tiêu của các cơ quan chính phủ và chương trình dành cho người nghèo.

Các quan chức Tòa Bạch Ốc khẳng định kế hoạch này sẽ cân bằng ngân sách trong 10 năm, chủ yếu nhờ vào mức tăng trưởng kinh tế nhanh hơn đáng kể.

Tuy nhiên, các đại biểu đảng Dân chủ lưu ý rằng những mức tăng trưởng được giả định không có gì là chắc chắn, họ nói kế hoạch này sẽ làm tổn thương người nghèo.

Thượng nghị sĩ Charles Schumer, lãnh tụ khối Dân chủ, nói:

"Ngân sách của ông Trump là một đòn mạnh giáng vào đầu tầng lớp trung lưu và tầng lớp lao động Mỹ, rộng lượng ưu đãi thuế cho người giàu, trong khi ảo tưởng rằng mọi vấn đề về thâm hụt ngân sách sẽ biến mất với những phép toán mơ tưởng".

Nhiều đảng viên Cộng hòa cũng không hài lòng về một số phần trong kế hoạch.

Nhưng Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan là một trong số người ủng hộ.

Ông Ryan nói:

"Chúng ta có một tổng thống đã đề ra một kế hoạch ngân sách cân bằng thực sự. Đó là một kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng kinh tế".

Dự kiến dự thảo ngân sách này sẽ có những thay đổi đáng kể trước khi được Quốc hội thông qua. - VOA

***
Tổng thống Donald Trump muốn bên lập pháp cắt 3.600 tỉ đô la chi tiêu của chính phủ trong thập niên tới, với một ngân sách thắt lưng buộc bụng vừa được tiết lộ vào ngày 23/5 nhắm cắt giảm chi tiêu về chăm sóc sức khỏe cùng các chương trình trợ cấp thực phẩm cho người nghèo trong khi tăng cường ngân khoản cho quân đội.

Đảng Cộng hòa kiểm soát Quốc hội và nắm hầu bao liên bang sẽ quyết định có nên thực hiện các khoản cắt giảm nhạy cảm chính trị hay không và đề nghị của Tổng thống khó có thể được chấp thuận theo hình thức hiện hành.

Dù đề nghị của ông Trump khó ‘bảo toàn’ tại Điện Capitol, nhưng nó cho thấy viễn kiến của Tổng thống về vai trò của chính phủ với một ngân sách cắt giảm mạnh mẽ các khoản trợ giúp đối với những người Mỹ lợi tức thấp.

Tiết kiệm lớn nhất là từ cắt giảm chương trình chăm sóc sức khỏe Medicaid đối với người nghèo nằm trong dự luật chăm sóc sức khỏe của Cộng hòa được Hạ viện thông qua.

Ông Trump muốn các nhà lập pháp cắt hơn 800 tỉ đô la của chương trình Medicaid, và hơn 192 tỉ đô la tem phiếu thực phẩm trong 10 năm tới. Theo kế hoạch, ông Trump muốn cân bằng ngân sách vào cuối thập niên.

Ủy ban Ngân sách Liên bang có Trách nhiệm, một tổ chức lưỡng đảng về chính sách công, nói kế hoạch ông Trump dựa vào “những giả thiết màu hồng,” khoa trương và không thực tế.

Ngân sách dựa trên dự đoán là kinh tế tăng trưởng 3% vào cuối nhiệm kỳ đầu của ông Trump, tức vượt quá dự đoán của Văn phòng Ngân sách Quốc hội là 1,9%.

Có một số chi tiêu mới trong kế hoạch của ông Trump trong năm tài chánh 2018, bắt đầu vào tháng 10 năm nay.

Chi tiêu của Ngũ Giác Đài sẽ tăng, và sẽ có 1,6 tỉ đô la ứng trước để xây tường dọc biên giới Mexico, lời hứa chính của ông Trump trong cuộc vận động tranh cử Tổng thống.

Đề nghị ngân sách của ông Trump dự trù bán một nửa số dầu dự trữ khẩn cấp của Mỹ, được thành lập vào năm 1975 sau khi cấm vận dầu hỏa Ả Rập Xê-út do những lo ngại là giá dầu tăng cao. Việc loan báo này làm thị trường dầu mỏ sửng sốt và làm giá dầu thô của Hoa Kỳ giảm sút. - VOA
|
|

9.
Mỹ bắt đầu thanh lọc ‘gắt gao’ người tị nạn

Giới hữu trách Bộ An ninh Nội địa Mỹ khởi sự các cuộc phỏng vấn ‘thanh lọc kỹ lưỡng’ tại các trại tập trung người tị nạn ngoài khơi bờ biển Australia, thực thi chương trình trao đổi người tị nạn với Australia mà Tổng thống Donald Trump từng gọi là ‘thỏa thuận ngu xuẩn.’

Các cuộc phỏng vấn an ninh đầu tiên hoàn tất tuần rồi tại trung tâm Manus Island của Papua New Guinea, Reuters dẫn lời hai người tị nạn vừa trải qua các cuộc phỏng vấn này cho biết.

Nguồn tin này cho hay các cuộc phỏng vấn kéo dài 6 giờ đồng hồ với các câu hỏi sâu rộng về thân nhân, gia đình, bạn bè, giao tiếp liên lạc để xem ứng viên có liên hệ gì với Nhà nước Hồi giáo hay không.

Đây là giai đoạn chót trong tiến trình xét đơn xin tị nạn Mỹ.

Chính quyền Tổng thống Trump tháng trước loan báo thỏa thuận cho phép tới 1250 người đang tá túc tại các trại tị nạn ngoài khơi Australia tái định cư sang Mỹ sẽ được xúc tiến với điều kiện người tị nạn phải hội đủ điều kiện sau các cuộc kiểm tra nghiêm ngặt.

Đổi lại, Australia cam kết nhận người tị nạn Trung Mỹ từ một trại tập trung ở Costa Rica, theo thỏa thuận ký kết giữa hai nước dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama.

Manus Island là một trong những trại tập trung người tị nạn do Australia vận hành. Nơi đây hiện có gần 1300 người bị bắt giữ trên đường tìm cách vượt biên sang Australia bằng tàu.

Các tổ chức hoạt động nhân quyền lên án chính sách bắt giữ người tị nạn và các điều kiện khắc nghiệt trong các trung tâm giam giữ.

Quyết định về số phận 70 người đầu tiên được phỏng vấn sẽ được định đoạt trong tháng tới.

Một phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay người tị nạn từ các cơ sở tập trung do Australia vận hành sẽ bị thanh lọc y như nhau.

Chương trình nhận người tị nạn sang Mỹ tái định cư nhằm giúp Papua New Guinea và Australia xúc tiến kế hoạch đóng cửa trại Manus vào ngày 31/10.

Những người không được Mỹ nhận hoặc được định cư tại Papua New Guinea hoặc phải hồi hương.

Australia đồng ý cấp tới 25.000 đô la cho những ai tự nguyện về nước, nhưng những người tị nạn chỉ muốn tìm nơi định cư mới, không mấy ai muốn nhận khoản tiền này. - VOA
|
|

10.
Cựu Giám đốc CIA từng lưu ý liên hệ Nga-Trump --- Giới chức Tòa Bạch Ốc: không có liên hệ Nga-Trump

Cựu Giám đốc CIA, John Brennan, ngày 23/5 tuyên bố ông đã lưu ý thấy mối liên hệ giữa các phụ tá trong ban vận động tranh cử của Tổng thống Donald Trump với Nga trong kỳ bầu cử 2016 và quan ngại rằng Moscow đã tìm cách đẩy người Mỹ vào con đường ‘phản quốc.’

Phát biểu tại cuộc điều trần trước Ủy ban Tình báo Hạ viện, ông Brennan, người lãnh đạo CIA cho tới khi ông Trump lên nhậm chức Tổng thống hồi tháng Giêng, còn nói thêm rằng ông từng đích thân cảnh cáo lãnh đạo cơ quan an ninh FSB của Nga trong cuộc điện đàm vào tháng 8 rằng can thiệp vào bầu cử Mỹ sẽ gây tổn hại cho mối quan hệ Nga-Mỹ.

Thông tin này càng thổi bùng tranh cãi xung quanh việc Tổng thống sa thải cựu Giám đốc FBI, James Comey, hai tuần trước trong lúc FBI đang tiến hành cuộc điều tra về khả năng có sự thông đồng giữa ban vận động tranh cử cho ông Trump với Nga.

Ông Brennan nói ông biết thông tin cho thấy có liên lạc và trao đổi qua lại giữa giới chức Nga với người có liên hệ trong chiến dịch tranh cử của ông Trump, nhưng ông không thể khẳng định chắc chắn có sự thông đồng.

Vẫn theo lời ông, ông lo ngại rằng người Nga đã tìm cách tuyển mộ người Mỹ làm việc cho Moscow trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ vừa qua.

Ông cho biết đã nêu vấn đề với phía Nga, viện dẫn cuộc điện đàm ngày 4/8/16 với lãnh đạo FSB của Nga, ông Alexander Bortnikov.

Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Trump tiếp tục giảm trong cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos công bố ngày 23/5, với 57% không tán thành, 37% ủng hộ. - VOA

***
Các cuộc điều trần tại Thượng viện và Hạ viện hôm 23/5 chứng tỏ không có bằng chứng có sự thông đồng giữa chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump với Nga và rằng ông Trump chưa bao giờ làm phương hại các nguồn tin tình báo, phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc tuyên bố.

Reuters dẫn lời một phát ngôn nhân của Tòa Bạch Ốc khẳng định “Các cuộc điều trần sáng nay củng cố những gì chúng tôi đã nói trước nay rằng dù có điều tra 1 năm vẫn không có bằng chứng về sự thông đồng nào giữa Nga-Trump.

Vẫn theo nguồn tin này các cuộc điều trần vừa kể cũng cho thấy Tổng thống Trump chưa từng gây phương hại các nguồn tin tình báo hay chia sẻ tin tình báo. Tuy nhiên, người phát ngôn không đồng ý cho Reuters nêu tên khi trích dẫn phát biểu. - VOA
|
|

11.
Các công ty bảo hiểm sức khỏe dự trù tăng giá năm tới

Các công ty bảo hiểm sức khỏe trên khắp nước Mỹ hiện đang chuẩn bị tăng tiền bảo hiểm hoặc nếu không sẽ rút ra khỏi chương trình Obamacare vì không biết là chính phủ Donald Trump sẽ có biện pháp giải quyết tình hình hiện nay ra sao.

Trong khi đó, các giới chức điều hành bảo hiểm cấp tiểu bang, cả Dân Chủ lẫn Cộng Hòa, đều ngày càng đi đến kết luận rằng họ không thể trông cậy vào chính phủ hiện nay để bảo đảm rằng tất cả mọi người đều sẽ có bảo hiểm sức khỏe trong năm tới, theo bản tin của Tribune Washington Bureau.

Các giới chức chính quyền địa phương cũng như phía kỹ nghệ bảo hiểm y tế cho rằng, chính phủ hiện đang gây ra tình trạng bất ổn vì không chịu xác nhận sẽ có biện pháp ra sao để các thị trường bảo hiểm y tế tiếp tục hoạt động, trước những vấn đề như tiếp tục tài trợ cho giới có lợi tức thấp, hay phạt những người không chịu mua bảo hiểm.

“Tất cả những gì không rõ ràng hiện nay đều tạo khó khăn,” theo lời tổng giám đốc công ty bảo hiểm Blue Shield of California, ông Paul Markovich.

Ông Markovich là một trong số rất ít các giới chức cao cấp ngành bảo hiểm chịu để nêu tên khi phát biểu, vì nhiều người sợ sẽ bị Tòa Bạch Ốc hay các đồng minh nơi này “đưa vào sổ đen,” theo Tribune Washington Bureau.

Tổng Thống Trump và giới lãnh đạo đảng Cộng Hòa ở Quốc Hội khẳng định rằng thị trường bán bảo hiểm “đang dãy chết” vì những lầm lỗi trong luật lúc ban đầu.

Họ nêu ra những thí dụ như giá bảo hiểm tăng tại một số tiểu bang, cùng là quyết định của một số công ty bảo hiểm chấm dứt bán bảo hiểm y tế, gồm cả các công ty lớn như Humana và UnitedHealth Group.

Điều này khiến một số nơi trong nước nay chỉ còn có một công ty duy nhất bán bảo hiểm y tế, sang năm tới.

“Obamacare đã thất bại,” theo lời bà Alleigh Marre, một phát ngôn viên của Bộ Y Tế. “Vì lý do này, phía Cộng Hòa đang cải cách chương trình y tế để có thể cung cấp dịch vụ tốt đẹp với giá phải chăng cho người dân Mỹ.”

Nhưng, cũng có những người như bà Ceci Connolly, tổng giám đốc điều hành liên minh Alliance of Community Health Plan, gồm cả các công ty như Kaiser Permanente và Geisinger Health Plan, nói rằng những gì chính phủ hiện nay đưa ra không thống nhất và tạo thêm rối rắm.

Chính phủ Trump đưa ra các chỉ dấu khác nhau về việc là có tiếp tục thi hành điều khoản của Obamacare buộc mọi người phải có bảo hiểm hay không.

Đây là điều nhiều người không ưa, nhưng lại là điều quan trọng để khiến giới trẻ, khỏe mạnh, mua bảo hiểm, giúp duy trì Obamacare.

Chính phủ cũng thường xuyên đe dọa sẽ giữ lại số tiền bồi hoàn của chính phủ liên bang, hiện giúp hàng triệu người dân có mức thu nhập thấp có thể trả được phần “deductible” và “co-payment” của họ.

Các công ty bảo hiểm nói rằng, nếu chính phủ không tiếp tục trợ giúp phần này, thì các nơi bán bảo hiểm y tế sẽ ngưng hoạt động hay phải tăng giá bảo hiểm lên rất cao. - nguoiviet
|
|

12.
TT Trump ‘kiệt sức’ khi dùng sai lệch từ về ‘Hồi Giáo cực đoan’

Tối hôm Chủ Nhật, một giới chức cao cấp Tòa Bạch Ốc nói Tổng Thống Donald Trump dùng từ “Hồi Giáo cực đoan” thay vì “người Hồi Giáo cực đoan” như đã soạn trước, không do cố ý mà do ông quá đuối sức vì chuyến công du đầy vất vả.

Đài CNN trích lời giới chức Tòa Bạch Ốc nói rằng chẳng qua do ông quá mệt mỏi vì thiếu ngủ.

Theo lời ông Sean Spicer, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc, vị tổng thống 70 tuổi cùng các phụ tá hiệu đính bài diễn văn trong suốt chuyến bay dài 14 tiếng từ thủ đô Washington, DC và thời gian còn lại tổng thống ngồi đọc báo.

Cách dùng từ hơi đổi khác trong bài diễn văn đọc ở Saudi Arabia của tổng thống có thể không gây sự chú ý của thính giả bình thường Hoa Kỳ, nhưng khi một tổng thống muốn gây ấn tượng tốt với một đồng minh quan trọng trong chuyến công du đầu tiên ra ngoại quốc thì điều này có thể tạo ảnh hưởng không thuận lợi.

Khi đề cập đến “khủng bố,” dùng từ “Hồi Giáo,” là nói đến cả một tôn giáo, trong khi dùng từ “người Hồi Giáo” chỉ nhắm đến những phong trào chính trị muốn áp đặt luật lệ và lý thuyết của Hồi Giáo, khiến dân Hồi Giáo nói chung không cảm thấy bị xúc phạm.

Đó là lý do tại sao cựu Tổng Thống Barack Obama luôn luôn thận trọng về cách dùng từ như vậy trong nhiệm kỳ của ông.

Trong thời gian vận động tranh cử ông Trump từng lập đi lập lại nhóm từ gây nhiều tranh cãi “khủng bố Hồi Giáo cực đoan.”

Chuyến công du của tổng thống lần này là cơ hội để củng cố lại vị thế của Hoa Kỳ trong mối quan hệ với thế giới Hồi Giáo, và tổng thống chọn Saudi Arabia, nơi có hai thánh địa linh thiêng nhất của Hồi Giáo, cho chuyến dừng chân đầu tiên, điều mà các phụ tá hàng đầu của ông mô tả như là một cử chỉ hết sức biểu tượng. - nguoiviet
|
|

13.
Diễn viên Roger Moore đóng vai James Bond qua đời

Diễn viên Anh Roger Moore, người đóng vai James Bond trong 7 bộ phim trong những năm 1970 và 1980, qua đời hôm thứ Ba, thọ 89 tuổi.

Gia đình ra thông báo cho biết ông Moore qua đời ở Thụy Sĩ sau một thời gian ngắn chống chọi với bệnh ung thư.

Ông Moore là người theo chân Sean Connery, diễn viên từ Scotland, đóng vai người hùng điệp viên 007, nhân vật trong các tác phẩm hư cấu của tác giả Ian Fleming.

Trong bộ phim ‘Live and Let Die’ năm 1973, diễn viên Roger Moore đã thu hút nhiều fans mới cho series phim James Bond, khi ông tận dụng óc hài hước tinh tế đi kèm với sức quyến rũ lãng mạn của nhân vật James Bond.

Lần cuối cùng ông đóng vai James Bond là trong phim ‘A View to a Kill’ phát hành năm 1985.

Trước khi nhận đóng vai Bond, Roger Moore có mặt trong các bộ phim truyền hình nhiều tập ở Anh và Hoa Kỳ. Trong số các phim tập đó có “The Saint”, trong đó ông thủ vai Simon Templar, một kẻ trộm hoạt ngôn.

Năm 1991, Roger Moore trở thành đại sứ thiện chí của UNICEF và được Nữ hoàng Anh Elizabeth phong tước hiệp sĩ năm 2003. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

14.
Indonesia phóng thích nhiều ngư dân Việt Nam

Indonesia vừa hoàn tất thủ tục trao trả cho Việt Nam 100 ngư dân trong đợt thứ 5 trong năm 2017, không lâu sau khi xảy ra vụ “va chạm” giữa lực lượng tuần duyên hai nước.

Thông Tấn Xã Việt Nam đưa tin rằng 40 ngư dân Việt Nam đã lên máy bay về nước hôm 23/5, và số còn lại sẽ trở về Việt Nam vào các ngày tiếp theo.

Tin cho hay rằng tới nay, hơn 300 ngư dân Việt đã được thả trong khi hàng trăm người khác vẫn còn bị giữ tại quốc đảo nằm ở Đông Nam Á vì bị cáo buộc đánh bắt cá trái phép.

Vụ thả ngư dân Việt Nam được tiến hành ít ngày sau khi xảy ra đụng độ giữa lực lượng chấp pháp hàng hải của hai nước cùng là thành viên của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á tại vùng biển mà đôi bên nói là thuộc nước mình.

Việt Nam được cho là đang cầm giữ một viên chức Indonesia, trong khi chính quyền Jakarta đang giữ 11 ngư dân Việt bị cáo buộc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của quốc đảo này. Tin nói rằng hai bên đang sử dụng các biện pháp ngoại giao để xử lý vụ việc.

Không chỉ Indonesia, mà ngày càng nhiều nước trong khu vực như Philippines, Thái Lan, Malaysia hay thậm chí Australia, bắt giữ các ngư dân Việt đánh bắt trái phép.

Khi được hỏi ý kiến về những nhận định trên mạng rằng “chính việc Trung Quốc ngăn chặn đánh bắt ở vùng biển truyền thống của Việt Nam trên biển Đông, nên ngư dân Việt phải đi các vùng biển của nước khác để đánh bắt”, ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam từng nói với VOA tiếng Việt: “Có thể có nhiều người suy nghĩ như thế này, như thế nọ. Còn đối với phía chúng tôi vẫn khẳng định rằng vùng biển một triệu km vuông đặc quyền kinh tế của chúng tôi vẫn được đảm bảo để bà con ngư dân đánh bắt. Các cơ quan chấp pháp của chúng tôi như là kiểm ngư, hải quân cũng như bộ đội biên phòng thì luôn luôn cố gắng hiện diện để bảo vệ ngư trường truyền thống của bà con”.

Quan chức này nói tiếp: “Chúng tôi cũng tổ chức đoàn đội để giữ vững ngư trường của mình, cũng không để đến nỗi có một suy nghĩ như thế. Còn những việc tàu bè Trung Quốc va đập, húc tàu của Việt Nam ở khu vực Hoàng Sa của Việt Nam thì có chứ không phải không, nhưng không thể nào làm bà con ngư dân chùn bước, không đánh bắt ở vùng biển của mình”.

Năm ngoái, Bộ trưởng phụ trách Ngư nghiệp và Hàng hải của Indonesia, Susi Pudjiastuti, cho VOA Việt Ngữ biết rằng Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Vũ Văn Tám tới thăm Natuna, quần đảo tiền tiêu nằm tiếp giáp với Biển Đông ở quốc gia Đông Nam Á này.

Tin cho hay, đôi bên đã soạn biên bản ghi nhớ, trong đó có việc “thiết lập đường dây nóng để xử lý các vụ việc đột xuất xảy ra trên biển”.

Khi được hỏi về tầm quan trọng của quan hệ hàng hải giữa Indonesia và Việt Nam, bà Pudjiastuti nói rằng “đây là sự hợp tác hết sức chiến lược”. - VOA
|
|

15.
Vì sao hàng nghìn người Việt ở lại Mỹ dù quá hạn visa?

Hàng nghìn người Việt nằm trong danh sách người nước ngoài ở quá hạn thị thực ở Hoa Kỳ, trong xu hướng mà giới hữu trách nước này nói là gây “nguy cơ về an ninh quốc gia”.

Theo phúc trình của Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ, công bố đầu tuần này, tính tới cuối năm 2016, con số người Việt ở quá hạn visa đi du lịch hoặc giao thương ở Mỹ là khoảng 3 nghìn người.

Trong khi đó, con số du học sinh hoặc sinh viên trao đổi của Việt Nam ở quá thời hạn thị thực được cấp là hơn 1 nghìn người.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Giám đốc Điều hành BPSOS, tổ chức từng giúp đỡ một số người Việt gặp rắc rối vì ở quá hạn visa, nói với VOA Việt Ngữ rằng có nhiều lý do dẫn tới tình trạng này.

Ông nói thêm: “Lý do thứ nhất, họ sang bên này với chủ ý ở lại. Cái thứ hai, họ bị ‘gạ’ sang bên này bằng con đường du lịch, với sự hứa hẹn được đi làm này kia, nhưng mà chủ sử dụng lao động, chẳng hạn ở tiệm nail [sơn sửa móng tay] hoặc tiệm ăn, lại không gia hạn cho họ visa. Hoặc là chồng bảo lãnh họ sang xong rồi không làm giấy tờ gì hết, và coi như người vợ kẹt cứng với người chồng, cứ ở suốt ngày trong nhà”.

Việt Nam nằm trong số các quốc gia có số lượng du học sinh nằm trong top 10 ở Mỹ với con số lên tới hơn 20 nghìn sinh viên, trong khi số du khách Việt tới Mỹ cũng ngày càng tăng, với hàng chục nghìn người mỗi năm.

Ngoài Việt Nam, công dân các quốc gia Đông Nam Á khác cũng nằm trong “danh sách đen” của Bộ An ninh Nội địa Mỹ là Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Philippines hay Thái Lan.

Khi được hỏi lý do vì sao mà người Việt lại chấp nhận rủi ro để ở lại Mỹ, tiến sĩ Thắng nói thêm: “Qua bên này, họ làm ăn, buôn bán được dễ hơn, rồi họ có những khu mà chỉ cần nói tiếng Việt thôi họ cũng có thể lẫn lộn vào trong đó. Ở bên Mỹ dù sao cũng dễ kiếm tiền hơn. Mỗi ngày làm lao động thì cũng kiếm được một số tiền và dành dụm được gửi về trong nước”.

Ông Thắng nói thêm rằng tổ chức của ông đã “can thiệp cho một số trường hợp” và chứng minh họ có “đủ tư cách tị nạn hay là nạn nhân của nạn buôn người”.

Theo phúc trình của Bộ An ninh Nội địa, tính tới cuối năm 2016, hơn 600 nghìn người tới thăm Hoa Kỳ vẫn ở lại nước này, dù đã hết hạn visa.

Cho dù con số này rất nhỏ so với khoảng 50 triệu người tới thăm Mỹ, Bộ này nói trong phúc trình trên rằng những người ở quá hạn thị thực gây ra một “nguy cơ về an ninh quốc gia”.

Tin cho hay, hai kẻ không tặc trong vụ khủng bố 11/9 ở Mỹ, khiến hàng nghìn người thiệt mạng, cũng từng thuộc diện này.

Các quốc gia châu Phi nằm trong số các nước có tỷ lệ người ở quá hạn visa tại Mỹ nhiều nhất trong phúc được công bố trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Donald Trump “mạnh tay” với các di dân không có giấy tờ hợp lệ, nhất là từ quốc gia láng giềng Mexico. - VOA
|
|

16.
18 thuyền nhân Việt ở Indonesia được cấp qui chế tị nạn

Ba gia đình từ Bình Thuận vượt biên sang Úc lần thứ nhì đang ở Indonesia, vừa được Cao ủy Tị nạn LHQ (UNHCR) cấp quy chế tị nạn hôm 23/5.

Ba gia đình gồm tất cả 18 người, kể cả 12 trẻ em, đang chờ được một nước thứ ba nhận cho tái định cư, theo chị Grace Bùi, một thiện nguyện viên người Mỹ gốc Việt nhận hỗ trợ nhóm người tị nạn.

Từ Thái Lan, chị Grace Bùi cho VOA Việt ngữ biết:

“Sáng ngày hôm qua, Cao Uỷ Tị nạn LHQ vào trại giam người tị nạn của Sở Di trú. Họ có gọi cho tôi và tôi có nói chuyện trực tiếp cho Cao Uỷ Tị nạn LHQ. Họ nói những người này đã được quy chế tị nạn. Những người tị nạn vẫn lưu tại đó và chờ Cao Uỷ Tị nạn LHQ và Sở Di trú sắp xếp cho họ đi nước thứ ba.”

Trước đó nhóm tị nạn đã qua hai cuộc phỏng vấn với Cao ủy Tị nạn LHQ vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4.

Chị Grace cho biết chị sẽ sang Indonesia vào tuần sau để liên lạc với chính phủ các nước và vận động các nước này nhận người tị nạn.

“Chúng tôi đang suy nghĩ sẽ tiếp xúc với Mỹ và Canada để xin cho họ. Nhưng điều này cũng chưa chắc chắn. Hiện giờ, ở bên Mỹ dưới Tổng thống mới, họ không chấp nhận người tị nạn trong thời gian ngắn, nhưng chúng tôi vẫn có thể liên lạc với các thượng nghị sĩ và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, hoặc Canada.”

Chị Grace chia sẻ thêm về việc làm thiện nguyện của mình:

“Khi biết được những gia đình này sang Indonesia và không có ai giúp đỡ thì tôi bắt đầu giúp họ bằng cách liên lạc với Cao Uỷ Tị nạn LHQ, và từ đó cứ tiếp tục giúp họ.”

Trên đường vượt biên lần hai vào tháng 2/2017, ghe bị hỏng nên nhóm người vượt biên trôi dạt vào đảo Java của Indonesia.

Ba gia đình này đã một lần vượt biên sang Úc vào năm 2015, nhưng bị bắt và gửi trả về Việt Nam năm 2016. Họ bị Tòa án tỉnh Bình Thuận phạt tổng cộng hơn 6 năm tù giam về tội “tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép”.

Chị Trần Thị Thanh Loan bị tuyên 36 tháng tù. Chồng chị, anh Hồ Trung Lợi, bị tuyên án 24 tháng tù giam, và chị Trần Thị Lụa, 30 tháng tù giam.

Chị Loan và chị Lụa được hoãn chấp hành án tù 1 năm để chăm sóc con còn nhỏ. Anh Hồ Trung Lợi, cha của 4 con nhỏ trong nhóm tị nạn, phải chấp hành án tù ở Bình Thuận.

Chị Lụa, mẹ của 3 đứa con còn nhỏ, từng bị chính quyền Việt Nam giam giữ 10 tuần hồi năm 2016.

Trong một cuộc phỏng vấn với VOA-Việt ngữ, chị Lụa cho biết 3 gia đình đã quyết định vượt biên lần thứ nhì, bất chấp anh Lợi bị giam cầm, “để mưu cầu một cuộc sống tốt hơn cho gia đình” vì “án tù quá ác độc”.

Về tình cảnh hiện nay của anh Hồ Trung Lợi, Luật sư Võ An Đôn nói với VOA-Việt ngữ :

“Cách đây mấy hôm tôi có nói chuyện với chị Trần Thị Thanh Loan, chị nói còn vài ngày nữa chồng của chị sẽ ra tù. Trước đây, theo chị Loan thì chồng của chị ở Việt Nam bị đe dọa, nhưng hết hạn tù thì phải thả ra chứ không được giữ thêm một ngày nào khác.”

Trước đó chị Loan nói với ký giả người Úc Shira Sebban rằng chính quyền sẽ không trả tự do cho chồng chị nếu những người vượt biên trái phép không quay về Việt Nam.

Trong một diễn biến liên quan, tuần qua giới hữu trách Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ đã khởi sự các cuộc phỏng vấn ‘thanh lọc kỹ lưỡng’ tại các trại tạm giam người tị nạn ở ngoài khơi Australia, trong khuôn khổ thỏa thuận giữa Hoa Kỳ và nước Úc đạt được giữa chính phủ Mỹ tiền nhiệm với Canberra, mà Tổng thống Donald Trump từng miêu tả là một ‘thỏa thuận ngu xuẩn.’

Chính quyền của ông Trump hồi tháng trước loan báo sẽ xúc tiến thỏa thuận cho phép 1.250 người đang có mặt tại các trại tị nạn ở ngoài khơi Australia được sang Mỹ tái định cư với điều kiện họ hội đủ điều kiện, sau một tiến trình thanh lọc nghiêm ngặt. - VOA
|
|

17.
Về vụ SkyViet: Đảng không làm thay mà làm luôn?

Tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ xem xét Đề án thành lập hãng hàng không SkyViet thu hút nhiều ý kiến trên mạng xã hội và đặt lại vấn đề có phải Đảng CSVN sẽ làm thay nhiều việc của bộ máy chính quyền.

Ý kiến trên mạng xã hội

Trên trang Facebook của BBC Tiếng Việt từ 23/05 đã có nhiều ý kiến khác nhau về chủ đề này.

Có ý kiến nhắc lại thời nhà thơ Tố Hữu phụ trách kinh tế:

"Hồi đó có nhà thơ làm Phó Thủ tướng phụ trách Kinh tế ... Thời nay có nhà lý luận Mác - Lê xem xét đề án kinh doanh. Các bố giỏi thật!"

"Chống tham nhũng quá khó khăn đối với ĐCS. Ông TBT ôm hết các quyền lực cho phép của thể chế cả Đảng và chính quyền nhưng đến thời điểm sau hội nghị TƯ5, kết quả qua vụ Thăng-Thanh...có đồng chinh nào thu lại cho dân đâu...

Một ý kiến khác, của Vương Quốc Chiến thì cho rằng "tư nhân hoá là đúng với quy luật thị trường nhưng phải thu đúng giá của doanh nghiệp về cho ngân sách chống thất thu, tiền vào túi cá nhân, tư sản đỏ".

Còn Nhungsmile Quynh thì muốn biết: "Từ hồi nào TBT lại tham gia trực tiếp vào điều hành kinh tế thế này nhỉ, có trong điều lệ Đảng hay quy định gì không nhỉ?"

Hien Huynh thì nêu ý kiến: "TBT lại đích thân xem xét đề án kinh doanh thì vấn đề đặt ra là thủ tướng VN để làm gì?"

Thiếu tầm chiến lược?

Theo truyền thông Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải cũng sẽ phải báo cáo việc cấp giấy phép kinh doanh hàng không SkyViet cho Văn phòng Tổng bí thư về đề án này trong tháng 5/2017.

Ngay từ hồi năm 2012 báo chí ở Việt Nam đã nêu ra các ý kiến từ bên trong hệ thống của Đảng Cộng sản yêu cầu xem lại tình trạng Đảng này "bao biện, làm thay" cho cơ quan hành chính và chính quyền.

Một bài của Tiến sỹ Nguyễn Việt Hùng đăng trên báo Pháp Luật (09/02/2012) viết:

"Sự chồng chéo trong lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đối với hoạt động của Quốc hội, Chính phủ và MTTQ Việt Nam cùng các đoàn thể chính trị-xã hội khác là một điểm nghẽn khác làm cho bộ máy của Đảng cồng kềnh, thiếu hiệu quả, sa vào sự vụ trong chỉ đạo điều hành, thiếu tầm chiến lược..."

"Đây cũng là nguyên nhân làm xuất hiện tình trạng quan liêu, bảo thủ, chậm chạp… không theo kịp tốc độ phát triển của kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập..."

"Việc Đảng quyết định quá nhiều vấn đề liên quan đến quản lý nhà nước và hoạt động của các đoàn thể chính trị-xã hội dẫn đến tình trạng Đảng bao biện làm thay một cách thiếu sâu sát, thiếu chuyên nghiệp."

"Điều này làm cho vai trò của Nhà nước và các đoàn thể lu mờ, cũng là nguyên nhân làm cho hệ thống chính trị chưa thực sự đổi mới, chưa theo kịp những đòi hỏi của nền kinh tế thị trường XHCN,"

Ông Nguyễn Việt Hùng, Trưởng khoa Xây dựng Đảng, Trường Cán bộ TP.HCM khi đó đã viết về hội thảo "Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng thể hiện trong các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI" về nhu cầu luật hóa sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Vẫn mới đây, các văn kiện và tài liệu của Đảng tiếp tục nhấn mạnh Đảng này không làm thay chính quyền.

Một bài của GS Nguyễn Đăng Dung trên báo Điện tử Đảng Cộng sản (12/10/2016) còn coi đây là một khiếm khuyết của chế độ một đảng và đề ra kiến nghị khắc phục:

"Thể chế chính trị nào cũng có những nhược điểm nhất định. Bên cạnh những thuận lợi mà cơ chế một đảng đem lại, như dễ dàng cho việc triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, ổn định chế độ chính trị..., cơ chế Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội của chúng ta cũng dễ dẫn đến hiện tượng các cơ quan của Đảng bao biện làm thay chức năng của các cơ quan nhà nước, can thiệp vào chức năng các cơ quan nhà nước, quan liêu hách dịch, và nạn cửa quyền..."

"Những năm gần đây, chúng ta mất rất nhiều công sức cho việc phân biệt sự lãnh đạo của Đảng với sự quản lý của Nhà nước.

"Kết quả của vấn đề là ở Việt Nam hiện nay hình thành hai bộ máy: một của Đảng và một của Nhà nước. Bộ máy của Đảng có quyền lãnh đạo bộ máy của Nhà nước, theo nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện."

"Hệ quả của vấn đề là sự đùn đẩy trách nhiệm giữa người đứng đầu các cơ quan nhà nước và người đứng đầu các cơ quan của Đảng."

Sang năm 2017, Ban Lãnh đạo cao nhất của ĐCSVN đã trực tiếp vào cuộc trong các vụ 'đại án' ngành dầu khí, giao thông và ngân hàng để điều tra thất thoát, lãnh phí và tham nhũng, đi trước cả cơ quan tư pháp, kiểm sát.

Tiến thêm một bước nữa, nay Văn phòng Tổng bí thư còn tự quyết định về việc thành lập doanh nghiệp lớn của ngành hàng không như trong ví dụ của SkyViet.

Đề án thành lập hãng hàng không SkyViet được xây dựng trên cơ sở tổ chức lại Công ty Bay dịch vụ hàng không (Vasco), trực thuộc Vietnam Airlines.

Trong đó, Vietnam Airlines góp 51% vốn điều lệ, Công ty TNHH MTV Quản lý quỹ kỹ thương (Techcom Capital) 48% và Techcomdeveloper 1%. - BBC
|
|

18.
Bôi nhọ lãnh đạo cao cấp sẽ bị coi là tội hình sự?

Một đại biểu Quốc hội đề nghị xử lý hình sự các hành vi "gây mất uy tín, xúc phạm nhân phẩm, danh dự các lãnh đạo Đảng, Nhà nước" trong buổi thảo luận dự án luật sửa đổi sáng 24/5, truyền thông trong nước đưa tin.

Báo Vietnamnet dẫn lời bà Nguyễn Thị Xuân, đại biểu Quốc hội tỉnh Daklak, theo đó nói "hoạt động tuyên truyền, chống phá, xuyên tạc, bịa đặt, lan truyền những nội dung biết rõ là sai sự thật nhằm bôi nhọ, gây mất uy tín, xúc phạm nhân phẩm, danh dự các lãnh đạo Đảng, Nhà nước ngày càng gia tăng".

Bà Nguyễn Thị Xuân, hiện đang là phó giám đốc công an tỉnh Daklak, đề nghị bổ sung quy định vào khoản 2, điều 155 (Tội bôi nhọ), điều 156 (Tội vu khống) tình tiết phạm tội đối với lãnh đạo Đảng, nhà nước.

Tuy nhiên, một số luật sư và nhà hoạt động dân sự tại Việt Nam cho rằng bổ sung các nội dung trên là không hợp lý.

Nhà hoạt động Phạm Lê Vương Các cho rằng đề nghị của bà Xuân không phù hợp với vai trò của đại biểu Quốc Hội.

"Đại biểu Quốc hội phải phản ánh tiếng nói nguyện vọng của người dân. Người này thay vì phản ánh theo nguyện vọng của dân thì lại quay sang bảo vệ lãnh đạo," ông nói với BBC.

Từ khía cạnh pháp lý, luật sư Hà Huy Sơn bình luận với BBC:

"Nếu có dự luật bôi xấu Đảng, nhà nước, thì cần có quy định rõ ràng, cần làm rõ như thế nào là bôi xấu."

"Trong Bộ luật Hình sự, hiện tôi chỉ thấy tuyên truyền chống phá nhà nước chứ không có điều chống Đảng. Đó là một khái niệm mới."

Nhà hoạt động Phạm Lê Vương Các cho rằng khái niệm bôi xấu lãnh đạo Đảng và nhà nước là một khái niệm mơ hồ.

"Điều này sẽ dẫn đến vấn đề tuỳ tiện diễn giải tư pháp và hậu quả pháp lý của việc thiếu cơ chế bảo vệ tiếng nói phê phán, tiếng nói bất đồng chính kiến. Mà trong một xã hội dân chủ, việc phê phán lãnh đạo là một điều cần thiết."

"Với tư cách một công dân, việc phê phán lãnh đạo thể hiện quyền làm chủ đất nước."

"Hình sự hoá việc phê phán lãnh đạo là rất nguy hiểm. Cách hiểu của các nhà lãnh đạo và của người dân khác nhau, và sẽ xảy ra mâu thuẫn."

Về việc hành vi bôi nhọ, vu khống thực sự, ông Các nói có thể xử lý dân sự. "Người lãnh đạo có thể nộp đơn ra toà án để yêu cầu cơ quan điều tra xử lý."

"Tôi không bất ngờ vì chính phủ trước vẫn không dung thứ cho các tiếng nói phê phán, bất đồng chính kiến. Trước đây, chính quyền luôn xử lý theo Điều 88, quy định về tội tuyên truyền chống phá nhà nước.

"Đề xuất này có thể là bước tiếp theo để phân loại mức độ. Mức độ nghiêm trọng, gây tác động lớn sẽ bị xử lý theo hướng vu khống."

Quan ngại của giới chức

Hồi đầu năm ngoái, một cựu bộ trưởng ở Việt Nam nói "lãnh đạo nào cũng bị tố cáo, khiếu nại" nên cần "phản bác thông tin sai, nói xấu lãnh đạo".

Ông Lê Doãn Hợp, người từng giữ chức Bộ trưởng Thông tin Truyền thông, được trang Tuổi Trẻ hôm 11/1/2016 trích lời nói:

"Đã là lãnh đạo thì không anh nào không bị khiếu nại hay tố cáo cả, chỉ có ít hay nhiều, đúng hay sai mà thôi."

Tuy nhiên, khi đó, ông Lê Doãn Hợp nói rằng thái độ phù hợp của giới lãnh đạo trong vấn đề này là "Nếu đúng thì tiếp thu, sai thì phải phản bác, đấu tranh lại để tự bảo vệ mình."

Trước đó, hồi giữa năm 2015, Bộ trưởng Truyền thông và Thông tin Nguyễn Bắc Son từng tuyên bố phải 'nghiêm trị' đối với việc sử dụng Facebook để "nói xấu Đảng, nhà nước".

Gần đây, chính phủ đã gây áp lực lên một số trang mạng xã hội và dịch vụ tìm kiếm internet nổi tiếng thế giới, có đông người dùng tại Việt Nam như Facebook, YouTube, Google.

Việt Nam muốn "các nội dung xấu, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại các clip đăng tải trên trang YouTube như phản ánh cần được Bộ Thông tin và Truyền thông ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời", một văn bản của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch gửi Bộ cho Thông tin và Truyền thông hồi tháng Hai viết. - BBC
|
|

19.
Gần 2000 công nhân đình công ở Thái Bình

Gần 2000 công nhân công ty chuyên sản xuất hàng may mặc Ivory Việt Nam, tại thị trấn Vũ Thư, tỉnh Thái Bình đình công vào sáng ngày 24 tháng 5. Mục tiêu cuộc đình công được cho biết đòi tăng tiền chuyên cần, tiền thâm niên và tiền hỗ trợ xăng xe.

Báo trong nước trích lời một nữ công nhân tham gia đình công nói rõ vì lý do lương cơ bản của người lao động quá thấp nên buộc các công nhân đòi hỏi các chế độ phụ cấp để có thể bảo đảm cuộc sống.

Công nhân đã nhiều lần phản ảnh đề nghị công ty tăng tiền chuyên cần từ 500 ngàn lên 700 ngàn đồng/tháng, xăng từ 300 ngàn lên 500 ngàn đồng/tháng và tiền thâm niên từ 30 ngàn lên 50 ngàn đồng/tháng nhưng công ty không thực hiện.

Sau khi xảy ra vụ đình công, Liên đoàn lao động huyện Vũ thư đã phối hợp với cơ quan chức năng của tỉnh để giải quyết vụ việc; nhưng đến cuối giờ chiều ngày 24 tháng 5 vẫn chưa có thỏa thuận cụ thể.

Công ty Ivory VIệt Nam là công ty 100% vốn Hàn Quốc chuyên sản xuất hàng may mặc tại thị trấn Vũ Thư, huyện Vũ thư, tỉnh Thái Bình. - RFA

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9




No comments:

Post a Comment