Monday, May 15, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Hai 15/5

Tin Thế Giới

1.
'Vành đai và Con đường’ Trung Quốc mở ra nhiều mục tiêu --- Châu Âu và Ấn Độ tẩy chay Con Đường Tơ Lụa Mới của Trung Quốc --- Vì sao Ấn Độ phản đối 'Một Vành đai, Một Con đường'? --- Toàn cầu hóa ‘‘kiểu Trung Quốc’’ đe dọa nước yếu

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng các nước tham gia diễn dàn Vành đai và Con đường đã đồng ý với một kế hoạch hành động với 270 mục tiêu sau 2 ngày thảo luận.

Phát biểu bế mạc diễn đàn, nhà lãnh đạo Trung Quốc nói rằng 30 nhà lãnh đạo tham gia diễn đàn tại Bắc Kinh và Hồ Diên Kỳ đã ký một thông cáo nhằm thúc đẩy nền kinh tế mở toàn cầu, tái cân bằng quá trình toàn cầu hóa, và tăng cường tự do hóa thương mại.

Sáng kiến phát triển Vành đai và Con đường của ông Tập tập trung vào việc kết nối và hợp tác giữa các quốc gia chủ yếu là Trung Quốc và phần còn lại của khu vực Á-Âu. Sáng kiến này bao gồm "Vành đai kinh tế" dựa trên Con đường tơ lụa trên đất liền và "Con đường Tơ lụa trên biển".

Chiến lược này nêu bật vai trò ngày càng lớn mạnh củaTrung Quốc trong các vấn đề toàn cầu. Ông Tập nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẽ không đặt sự hợp tác này lên trên hệ tư tưởng hoặc sử dụng Vành đai và Con đường để theo đuổi chương trình nghị sự chính trị. Phát biểu này của ông Tập đã làm dịu bớt mối quan ngại của các nhà phê bình, những người nêu bật tác động địa chính trị tiềm ẩn của dự án này.

Ông Tập nói: "Chúng tôi có mọi lý do để tin tưởng vào triển vọng của sáng kiến Vành đai và Con đường. Đồng thời, sáng kiến này là một dự án mở rộng và con đường phía trước rất dài và sự hợp tác là vấn đề cốt lõi."

Vành đai và con đường mở rộng

Mặc dù có nhiều quốc gia và các tổ chức tham gia hội nghị thượng đỉnh hoan nghênh các nỗ lực của Trung Quốc nhằm thúc đẩy thương mại và đóng vai trò lớn hơn trong các vấn đề toàn cầu, sự tham gia vào diễn đàn là còn nhiều sự pha trộn. Một số quốc gia tuy đã cử đại diện tham dự, nhưng chưa chính thức ủng hộ dự án này.

Tham gia diễn đàn này có các đại diện từ Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên.

Các nước như Hoa Kỳ và Đức đã nhấn mạnh sự cần thiết phải có tính minh bạch và một sân chơi bình đẳng.

Ông Tập nói trong các bài phát biểu trước hội nghị thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo hôm thứ Hai: "Sáng kiến ​Vành đai và Con đường bắt nguồn từ Trung Quốc, nhưng nó thuộc về cả thế giới. Vành đai và Con đường trải rộng qua các khu vực khác nhau, các giai đoạn phát triển và các nền văn minh. Đó là một nền tảng hợp tác mở và toàn diện."

Hôm Chủ nhật, ông Tập đã vạch ra tầm nhìn cho kế hoạch Vành đai và Con đường và cam kết sử dụng phát triển để chống lại một loạt các vấn đề từ khủng bố đến nghèo đói.

Kế hoạch của ông Tập bao gồm việc tạo ra 6 hành lang kinh tế nối Trung Quốc với 65 quốc gia. Sự tham gia của các nước này sẽ chiếm 60% dân số thế giới và 30% GDP toàn cầu.

Ước tính sẽ cần 900 tỷ đôla cho các dự án kết nối trên đất liền và trên biển, làm cho kế hoạch phát triển Vành đai và Con đường trở thành một dự án tốn kém nhất trong lịch sử, tốn gấp nhiều lần so với kế hoạch Marshall của Hoa Kỳ đã sử dụng để tái thiết châu Âu sau Chiến tranh thế giới II.

Trung Quốc đề nghị đóng vai trò trách nhiệm lớn, cam kết 124 tỷ đô la, gấp đôi số tiền ngân hàng Thế giới cho vay trong năm 2016. Các nhà phân tích nói Bắc Kinh có thể dễ dàng chia sẻ gánh nặng này. Trung Quốc có dự trữ ngoại hối hơn 3 nghìn tỷ đô la. Năm ngoái, các công ty Trung Quốc đầu tư 170 tỷ USD vào các dự án ở nước ngoài. - VOA

***
Thượng đỉnh Con Đường Tơ Lụa thế kỷ 21 tổ chức tại Bắc Kinh kết thúc hôm nay, 15/05/2017. Nhiều thành viên trong Liên Hiệp Châu Âu từ chối ký kết văn bản về thương mại trong dự án Một Vành Đai Một Con Đường. Đối với New Delhi, tham vọng của Bắc Kinh thiết lập một vành đai từ Âu sang Á xuyên qua Cachemire vùng có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ là một mối đe dọa.

Theo một nguồn tin ngoại giao được hãng tin Pháp AFP trích dẫn, ít nhất 6 nước trong Liên Hiệp Châu Âu gồm Anh, Đức, Pháp, Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Estonia từ chối ký kết vào thông cáo kết thúc thượng đỉnh ở Bắc Kinh liên quan đến vế thương mại. Nhiều nước châu Âu tẩy chay đề xuất của Trung Quốc do văn bản này không quan tâm đúng mức đến "các chuẩn mực về môi trường, về các tiêu chuẩn xã hội, không bảo đảm tính minh bạch mỗi khi các cơ quan nhà nước gọi thầu".

Trong trường hợp của Ấn Độ, New Delhi tẩy chay thượng đỉnh Một Vành Đai Một Con Đường tổ chức tại Bắc Kinh trong hai ngày 14 và 15/05/2017 do bất đồng về chủ quyền lãnh thổ, theo như giải thích của thông tín viên đài RFI từ New Delhi, Sébastien Farcis :

"Thái độ kình địch giữa hai Ấn Độ và Trung Quốc trong khu vực lên đến đỉnh cao vào cuối tuần này. Điều ấy được thể hiện qua việc New Delhi tẩy chay thượng đỉnh quốc tế quan trọng được tổ chức tại Bắc Kinh. Thật vậy, từ lâu nay Trung Quốc đã yểm trợ kẻ thù truyền thống của Ấn Độ là Pakistan, xem Islamabad là một trong những cánh tay đắc lực để thực hiện dự án Con Đường Tơ Lụa mới.

Trung Quốc dự trù đầu tư 42 tỷ euro tại Pakistan, với nhiều dự án xây dựng cầu đường, hải cảng. Vấn đề đặt ra là xa lộ chính của dự án vĩ đại này lại đi ngang qua vùng Cachemire của Pakistan, nơi mà từ 70 năm nay Ấn Độ vẫn khẳng định chủ quyền. Đây là điều New Delhi không thể chấp nhận được.

Dù vậy trong cuộc đối đầu với Trung Quốc, Ấn Độ đang trong thế đơn độc. Tất cả các quốc gia trong vùng, ngoại trừ Bhoutan, đều đã ngả vào vòng tay Bắc Kinh. Trung Quốc hứa giúp các quốc gia này nhanh chóng phát triển cơ sở hạ tầng, cấp tín dụng và huy động các tập đoàn xây dựng của Trung Quốc.

Trước mắt, New Delhi đang mở chiến dịch phản công : vận động một vài nước lân cận như là Sri Lanka hay Nepal kháng cự với Bắc Kinh. Nhưng có khả năng, Ấn Độ sẽ khó cưỡng lại trước sức thuyết phục mạnh mẽ của Trung Quốc". - RFI

***
Ấn Độ không cử lãnh đạo dự hội nghị 'Vành đai và Con đường' tại Bắc Kinh, dù Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói sáng kiến này sẽ giúp "kinh tế các nước tăng trưởng mạnh hơn, cơ sở hạ tầng hoàn thiện hơn".

'Một vành đai, một con đường', chủ trương của ông Tập Cận Bình từ 2013, là chương trình ngoại giao kinh tế lớn nhất của Trung Quốc.

Khoảng 30 lãnh đạo các nước, trong đó có Việt Nam, cùng đại diện hơn 100 nước, đang tham dự hội nghị tại Bắc Kinh.

Theo viễn kiến của Bắc Kinh, các dự án kinh tế, hạ tầng sẽ được dựng lên dọc Con đường Tơ lụa cổ xưa đi qua Á - Âu cùng tuyến đường biển qua Đông Nam Á.

Tuy vậy, Ấn Độ giận dữ vì sáng kiến này bao gồm đề xuất Hàng lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan đi qua thành phố cảng Gwadar của Pakistan đến Tân Cương, Trung Quốc.

Hàng lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan sẽ đi qua vùng Kashmir, phần do Pakistan kiểm soát, mà Ấn Độ cũng đòi chủ quyền.

Một người phát ngôn ngoại giao Ấn Độ tuyên bố:

"Không nước nào có thể chấp nhận một dự án bỏ qua lo ngại cốt lõi về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ."

Trả lời BBC Tiếng Việt, Giáo sư B. R. Deepak, chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Jawaharlal Nehru, New Delhi, Ấn Độ, xác nhận Ấn Độ không hài lòng vì dính đến tranh chấp Kashmir.

"Hàng lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan đi qua bang Kashmir đoạn do Pakistan chiếm đóng, và một phần cũng đang nằm trong kiểm soát của Trung Quốc."

"Ấn Độ tin rằng dựa theo hiệp ước sáp nhập 1947, toàn bộ Kashmir thuộc về Ấn Độ."

Ngoài ra, theo giáo sư B. R. Deepak, Ấn Độ lo ngại về quan hệ Trung Quốc - Pakistan.

"Ấn Độ chủ yếu xem quan hệ Trung Quốc - Pakistan là trục nhắm chống Ấn Độ, nên Ấn Độ tin rằng hai nước này sẽ càng chèn ép Ấn Độ."

"Ấn Độ cũng cho rằng khi các láng giềng gia nhập dự án, không gian chiến lược của Ấn Độ sẽ bị suy giảm cả ở tầm khu vực và toàn cầu."

Tờ báo mang quan điểm dân tộc chủ nghĩa của Trung Quốc, Global Times, đã chỉ trích Ấn Độ.

"Nếu Ấn Độ không muốn tham gia, thì hãy nên là khán giả tốt."

"Vai trò vẫn còn đó nếu Ấn Độ thay đổi ý kiến, nhưng có lẽ chỉ còn vai trò nhỏ thôi nếu chờ đến khi quá muộn," báo này viết.

Ngoài Pakistan, hai láng giềng của Ấn Độ là Sri Lanka và Nepal cũng tham dự hội nghị.

'Không bài xích'

Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang đang có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc và dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế "Vành đai và Con đường".

Nhìn từ Ấn Độ, Giáo sư B. R. Deepak nhận xét:

"Về các nước sẽ gia nhập 'Vành đai và Con đường', nó phụ thuộc loại dự án gì và ai sẽ chi tiền?"

"Đa số các nước hợp tác với Trung Quốc là những nước đang nổi hoặc nghèo, họ cần tiền, khả năng và công nghệ của Trung Quốc."

"Trung Quốc cũng cần càng nhiều nước tham gia càng tốt, vì dự án quá khổng lồ, cần vốn quốc tế. Chỉ nguồn vốn của Trung Quốc thôi sẽ không đủ."

Họp báo tại Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói:

"Chúng tôi cho rằng việc xây dựng 'Một vành đai, một con đường' đã mở ra mặt bằng phát triển bao trùm, các nước đều là người tham gia, người đóng góp, người được hưởng lợi bình đẳng."

"Chúng tôi mong tiếp tục hợp tác trong mở cửa, cùng có lợi cùng thắng trong hợp tác, không có vạch đỏ về ý thực hệ, không có chương trình nghị sự về chính trị, cũng không có sự sắp xếp mang tính bài xích," ông Tập phát biểu. - BBC

***
Báo Le Monde chú ý đến thượng đỉnh « Con Đường Tơ Lụa Mới » tại Bắc Kinh, diễn ra trong hai ngày, 14 và 15/05, với bài phân tích : « Một cuộc toàn cầu hóa ‘‘kiểu Trung Quốc’’'».

Le Monde ghi nhận một thực tế rất mới là, kể từ một năm nay, cứ mỗi tuần lại có một đoàn tàu chở hàng từ Trung Quốc vượt qua hơn 10.000 km, tới khoảng 15 thành phố Châu Âu, từ Lyon, đến Luân Đôn, Madrid, Duisburg (Đức)… Việc hàng hóa lưu chuyển bằng đường sắt từ Đông qua Tây, và ngược lại, là một trụ cột trong dự án Con Đường Tơ Lụa Mới của Bắc Kinh, còn gọi là dự án « Một vành đai, một con đường », khởi sự từ năm 2013, có tham vọng bao trùm hơn 60 quốc gia, với hai phần ba dân số và gần một nửa GDP toàn cầu.

Phải chăng đây là dấu hiệu cho thấy một « thời kỳ vàng son » cho thương mại song phương châu Âu – Trung Quốc đang đến ?

« Hoàn toàn không có gì chắc chắn » ! Bên cạnh một loạt các cản trở hiện tại, như hàng rào thuế quan còn tồn tại ở nhiều nơi, tuyến đường sắt hiện chưa được nối liền hoàn toàn, an ninh tại nhiều khu vực bất ổn suốt dọc tuyến đường sắt…, Le Monde nhấn mạnh đến « tính chất nguy hiểm của dự án đối với các nước dễ tổn thương nhất ».

Đầu tư rất khó hoàn vốn

Hồi tháng 1/2017, công ty thẩm định tài chính Ficht cho rằng các nước nghèo rất ít có khả năng hoàn trả các khoản tín dụng khổng lồ, để xây dựng các cơ sở hạ tầng, vay từ Trung Quốc. Cụ thể như, dự án đường sắt cao tốc qua Lào, có trị giá ước tính 7 tỉ đô la, tương đương một nửa GDP quốc gia nghèo nhất hành tinh này. Theo chuyên gia văn phòng tư vấn Gavekal Dragonomics, một số quan chức Trung Quốc thừa nhận rằng sẽ phải chấp nhận mất đến 80% số vốn đầu tư vào Pakistan chẳng hạn.

Dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ của Trung Quốc, về mặt hình thức, có vẻ rất hấp dẫn. Khoảng 140 thỏa thuận về giao thông các loại đã được Trung Quốc ký kết với các đối tác, riêng tại khu vực Trung Á. Thế nhưng theo chuyên gia François Godement của một viện tư vấn hàng đầu của châu Âu (European Council on Foreign Relations), cách làm ăn của Trung Quốc rõ ràng mang tính manh mún, bởi các thỏa thuận song phương như vậy hoàn toàn không thể thay thế cho một thỏa thuận thương mại toàn thể.

Theo chuyên gia nói trên, phần lớn các dự án bắt nguồn từ mục tiêu « địa chính trị » hơn là « thuần túy thương mại ». Rất nhiều quốc gia ký kết hợp đồng với Trung Quốc ở trong trạng thái rất mong manh về tài chính, bất ổn về an ninh và nạn tham nhũng đè nặng.

Chủ yếu để giải quyết hàng dư thừa

Phân tích của Le Monde nhấn mạnh đến động lực ẩn đằng sau quyết tâm mở ra dự án « toàn cầu hóa theo kiểu Trung Quốc » này, trước hết là để Bắc Kinh xuất khẩu khối lượng lớn hàng hóa công nghiệp đang dư thừa trong nước, sau nhiều thập niên tăng trưởng quá nóng. Bao nhiêu thép, xi măng, máy móc không có người tiêu thụ tại Trung Quốc cần đến các thị trường mới.

Theo Ngân hàng Phát Triển Châu Âu, từ nay đến 2030, nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng riêng tại châu Á ước tính là 26.000 tỉ đô la. Với lý do này, nhiều người hy vọng, nếu được quản lý tốt dự án Một Vành Đai Một Con Đường có thể thúc đẩy nhiều khu vực kinh tế « chậm phát triển nhất ». Nhưng nhiều thực tế như đã dẫn ở trên cho thấy trong hiện tại, dự án khổng lồ của Trung Quốc rõ ràng là một mối nguy với nhiều nước nghèo.

Cũng về chủ đề này, báo La Croix dẫn nhận định của đại sứ Liên Hiệp Châu Âu tại Trung Quốc, ông Hans Dietmar Schweisgut, lưu ý : để khẳng định thiện chí thúc đẩy tự do thương mại của mình, trước hết Trung Quốc nên thực hiện, ngay tại nước mình, những điều mà Bắc Kinh thường « rao giảng » trên trường quốc tế, cụ thể là không ngăn cản hàng hóa của châu Âu vào Trung Quốc. - RFI
|
|

2.
TQ và Việt Nam chú trọng thương mại, hoãn việc tranh chấp

Hai cựu thù Trung Quốc và Việt Nam đang nhắm tới các thỏa thuận thương mại, đầu tư và chia sẻ tài nguyên biển, mặc dù hai nước có tranh chấp chủ quyền, mà căng thẳng đã từng bùng lên cách đây một năm.

Hai nước Cộng sản láng giềng đang hướng tới những mối quan hệ thương mại và đầu tư mới mà các nhà phân tích nói sẽ giúp củng cố mối quan hệ chung. Một số người tin rằng hai quốc gia sau này có thể tiếp cận các chủ đề khó khăn hơn như việc sử dụng chung vùng biển đang có tranh chấp hoặc đối xử nhân đạo với ngư dân. Hai nước vẫn đang có những tranh chấp chủ quyền đối với vùng biển rộng lớn, giàu tài nguyên ở Biển Đông.

Truyền thông nhà nước từ Hà Nội cho biết tâm điểm trong chuyến thăm Trung Quốc kết thúc hôm thứ Hai của Chủ tịch nước Trần Đại Quang là các triển vọng hợp tác giữa hai nước. Theo đó, ông đề nghị hai bên bổ sung lợi thế thương mại và đầu tư của nhau, nhằm hướng tới cải thiện quan hệ toàn diện.

Ông Yun Sun, chuyên gia cao cấp của Chương trình Đông Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Stimson có trụ sở ở Washington cho biết: "Chủ tịch Trần Đại Quang đang ở Trung Quốc, và Trung Quốc đã hứa rất nhiều. Về mặt kinh tế, chắc chắn các triển vọng này là thực tế và có lợi cho Việt Nam khi đạt được một số thỏa thuận, nhưng một lần nữa tôi nghĩ rằng vẫn còn tương đối sớm để nhận định về điều này."

Theo Tân hoa xã Tân Hoa Xã, trong một cuộc họp với ông Quang hôm thứ Năm, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi mở thêm nhiều khu vực hợp tác kinh tế xuyên biên giới và xây dựng cơ sở hạ tầng chung. Ông Sun nói Trung Quốc cam kết giảm thâm hụt mậu dịch với Việt Nam và sẽ gia tăng đầu tư trực tiếp.

Ông Alaistair Chan, một nhà kinh tế chuyên theo dõi các vấn đề Trung Quốc thuộc tập đoàn nghiên cứu thị trường Moody's Analytics cho biết: "Cuộc gặp có lẽ sẽ giúp giảm căng thẳng và cải thiện quan hệ."

Báo mạng Vietnamnet.vn cho biết chủ tịch nước của Việt Nam đề nghị Trung Quốc hoàn thiện các quy tắc về việc mở cửa thị trường cho nông sản, sữa và hải sản của Việt Nam. Báo này cũng cho biết ông Quang kêu gọi Trung Quốc cấp nhiều “khoản vay ưu đãi” hơn và kêu gọi một nhóm làm việc để phát triển các dự án đầu tư năng lượng tái tạo mà Trung Quốc có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu.

Hôm thứ Sáu, các công ty của cả hai nước đã ký thỏa thuận hợp tác về phân phối sữa, du lịch và chế biến gạo.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, kim ngạch xuất nhập khẩu năm ngoái là khoảng 72 tỷ đô la Mỹ. Việt Nam cũng xếp Trung Quốc vào một trong 10 nhà đầu tư hàng đầu trong nước.

Trung Quốc và Việt Nam đã tăng cường đối thoại sau tháng 7 năm 2016, khi trọng tài quốc tế ra phán quyết rằng Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với hơn 90 % biển Đông thiếu cơ sở pháp lý.

Cả hai quốc gia đều đang đặt nền móng phát triển kinh tế nhanh hướng về xuất khẩu. Các công ty Việt Nam bất bình về việc Trung Quốc sử dụng quy mô sản xuất lớn, bán hàng với số lượng lớn và giá tương đối thấp.

Các chuyên gia nói rằng thỏa thuận quản lý các vùng lãnh hải có tranh chấp ở Biển Đông có thể sẽ có muộn hơn, nếu hai bên tiếp tục đồng hành.

Ông Carl Thayer, giáo sư của trường Đại học New South Wales, Úc, cho biết: "Việt Nam và Trung Quốc đã đồng ý với một đường trung tuyến" không chính thức "trong vùng biển có tranh chấp chồng lấn. Họ có thể sẽ tiếp tục mở rộng việc thăm dò dầu mỏ dưới đáy biển và một biện pháp để đảm bảo việc đối xử “nhân đạo” với ngư dân. - VOA
|
|

3.
Pháp: Một chính trị gia cánh hữu làm thủ tướng --- Pháp: Tuần lễ quyết định với tân tổng thống Macron

Một ngày sau khi nhậm chức, tân tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhanh chóng bắt tay vào việc bổ nhiệm thủ tướng và lên đường sang Berlin, hội kiến với thủ tướng Angela Merkel, tăng cường trục Pháp-Đức , đầu tàu của Liên Hiệp Châu Âu. Tên tuổi tân thủ tướng được Elysée thông báo lúc 14 giờ 50 hôm nay, 15/05/2017 : Edouard Philippe, 46 tuổi, thuộc phe hữu.

Bổ nhiệm thủ tướng và thành lập nội các đầu tiên trong 48 giờ tới là công việc được xem là cực kỳ quan trọng của ông Emmanuel Macron. Tổng thống thứ 8 của Đệ Ngũ Cộng Hoà Pháp cần chứng tỏ khả năng tập họp những người có thiện chí và tài năng, không phân biệt tả hữu để thi hành dự án cải cách nước Pháp, cũng như có được một đa số tại Quốc Hội trong kỳ bầu cử vào tháng Sáu tới.

Thủ tướng 46 tuổi

Edouard Philippe, 46 tuổi dân biểu thị trưởng thành phố cảng Le Havre, thuộc đảng Những Người Cộng Hoà, nhưng không phải là sản phẩm thuần túy của phe hữu.

Trước khi trở thành một chính trị gia thân cận của cựu thủ tướng Alain Juppé, nay là thị trưởng Bordeaux, ông Edouard Philippe bước vào con đường hoạt động chính trị với đảng Xã Hội cánh tả khi còn là sinh viên đại học.

Cũng tốt nghiệp hai trường đào tạo nhân tài xuất sắc của Pháp là Học Viện Chính trị Sciences Po và Quốc Gia Hành Chánh ENA, khóa đàn anh của tổng thống Emmanuel Macron, tân thủ tướng Edouard Philippe lúc đầu hoạt động trong lãnh vực tư nhân, trong một văn phòng luật sư Mỹ và sau đó, từ 2007 đến 2010, làm giám đốc trong tập đoàn năng lượng hạt nhân Pháp Areva.

Từ tháng 03/2014, Edouard Philippe là thị trưởng thành phố Le Havre. Tuy theo cánh hữu, nhưng ông Edouard Philippe giữ lập trường trung lập, không chống cũng không ủng hộ luật hôn nhân đồng giới tính. Là người của đảng Những Người Cộng Hoà, ông nhanh chóng tách xa ứng cử viên François Fillon khi tai tiếng nhũng lạm quyền thế và tạo việc làm ảo nổ ra.

Như vậy, tân thủ tướng Pháp là một nhân vật trung dung của phe hữu. Chính trị gia biểu tượng này, ngoài khả năng và kinh nghiệm trong hai lĩnh vực tư và công để điều hành nội các mới, còn là một tín hiệu chính trị chuẩn bị bầu Quốc Hội. Chủ nhân mới của Điện Elysée hy vọng cử tri tin tưởng vào lời hứa tập hợp tả hữu và thêm nhiều lá phiếu cho đảng Cộng Hoà Tiến Bước, đang cần một đa số ở lập pháp. - RFI

***
Không để lãng phí thời gian, tân tổng thống Pháp bắt tay ngay vào công việc chỉ một ngày sau khi nhậm chức : chỉ định thủ tướng để tìm đa số ở Quốc Hội và bay sang Berlin, hội kiến thủ tướng Đức Merkel để bàn về tương lai châu Âu.

Về mặt đối nội, trận đấu kế tiếp chờ đợi tân chủ nhân điện Elysée là bầu cử Quốc Hội với đa số rộng rãi để có thể thi hành những biện pháp cải tổ sâu rộng cho đất nước. Báo giới thường nói, bầu cử tổng thống Pháp là một cuộc tuyển chọn qua bốn vòng, tổng thống tân cử còn phải chuẩn bị cho trận chiến ở Quốc Hội. Như tất cả những người tiền nhiệm, để giành được thắng lợi đó, Emmanuel Macron phải tìm được một vị "tướng tài".

Trên phương diện ngoại giao, xây dựng một Liên Hiệp Châu Âu vững mạnh là ưu tiên của tân lãnh đạo Pháp. Để đạt được mục tiêu đó, Paris cần thuyết phục nước Đức của thủ tướng Merkel. Sau Jacques Chirac, Nicolas Sarkozy và tổng thống François Hollande, chiều nay thủ tướng Đức Angela Merkel tiếp tân tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Lập trường thân châu Âu của tân lãnh đạo Pháp đã trấn an được Berlin.

Chỉ một ngày sau khi bước chân vào điện Elysée, tổng thống Macron dành chuyến xuất ngoại đầu tiên sang Đức, để cùng thủ tướng Merkel mở ra một trang sử mới trong quan hệ Paris-Berlin, đem lại một làn gió mới cho Liên Hiệp Châu Âu. Emmanuel Macron lên cầm quyền trong bối cảnh cách nay chưa đầy một năm, người dân Anh bỏ phiếu đưa nước này ra khỏi châu Âu-Brexit. Các phong trào bài châu Âu tại nhiều nước thành viên, từ Hà Lan đến Áo và nhất là ở Pháp liên tục dâng cao. Châu Âu đang phải đối mặt với nhiều thách thức, từ kinh tế, an ninh đến vấn đề nhập cư.

Theo như phân tích của nhà chính trị học Olivier Ihl, chuyến công du Đức chiều nay không chỉ là một bài toán trắc nghiệm về quan hệ Paris-Berlin mà còn mang tính định đoạt cho một Liên Hiệp Châu Âu đang có nguy cơ bị tan rã.

Trục Paris-Berlin luôn được coi là động cơ của con tàu châu Âu. Nhưng nói như thế không có nghĩa là đôi bên lúc nào cũng đồng thuận với nhau. Chưa gì mà báo chí Berlin đã sợ rằng, chính sách châu Âu của tân tổng thống Macron sẽ gây tốn kém cho người Đức, cho nước Đức.

Cố vấn đặc biệt của viện nghiên cứu chiến lược Pháp, FRS, François Heisbourg còn đi xa hơn khi cho rằng, Đức và châu Âu sẽ là "tâm điểm trong chính sách đối ngoại" của tổng thống Macron và tất cả nỗ lực của tân tổng thống Pháp sẽ xoay quanh châu Âu.

Có điều theo phân tích của chuyên gia này quan hệ quốc tế thường đầy rẫy những bất ngờ. Những cuộc xung đột vũ trang trên thế giới chẳng mấy khi được báo trước. Khi lên cầm quyền, tổng thống François Hollande từng cam kết rút quân khỏi Afghanistan, để rồi khi rời khỏi điện Elysée ngày 14/05/2017, sau 5 năm cầm quyền, ông Hollande là vị tổng thống Pháp đã khởi động ba chiến dịch quân sự ở Mali, Trung Phi và Irak-Syria. Ba mặt trận mới trong vỏn vẹn 5 năm cầm quyền, một kỷ lục trong lịch sử của nền Đệ Ngũ Cộng Hòa.

Emmanuel Macron muốn châu Âu là tâm điểm trong chính sách đối ngoại của ông. Nhưng theo quan điểm của một nhà ngoại giao được AFP trích dẫn, về mặt đối ngoại, tổng thống, sẽ gặp nhiều bất ngờ. Trước mắt, tình hình Algéri, thuộc địa cũ của Pháp có thể là một thách thức lớn. Sức khỏe của tổng thống Algeri Abdelaziz Bouteflika đã suy sụp nhiều năm qua, mở đường cho rất nhiều các cuộc đấu đá ở hậu trường, với những hệ lụy khó lường. Theo quan chức này, Algéri mới là " hồ sơ gai góc nhất".

Bên cạnh đó từ xung đột Syria đến khủng hoảng Ukraina, từ hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên đến cuộc chiến chống khủng bố … tất cả những chủ đề đó đòi hỏi nhiều thời gian và nghị lực của tân lãnh đạo Pháp.

Chắc chắn là một loạt các thượng đỉnh quốc tế vào cuối tháng này, từ thượng đỉnh NATO ở Bruxelles đến G7 ở Ý sẽ là những đợt thử lửa với ông Emmanuel Macron : tổng thống Pháp lần đầu làm việc với tổng thống Hoa Kỳ, Donald Trump với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Đến thượng đỉnh G20 vào tháng 7 tới đây, áp lực càng lớn khi tổng thống Pháp phải tìm ra một ngôn ngữ chung để nói chuyện với các nguyên thủ Trung Quốc Tập Cận Bình và Nga Vladimir Putin. - RFI
|
|

4.
Tấn công mạng đòi tiền chuộc có thể lan rộng

Một cuộc tấn công mạng máy tính ở 150 quốc gia có thể lan rộng thêm vào hôm thứ Hai, khi nhiều người quay trở lại làm việc sau ngày cuối tuần và sử dụng các máy tính chưa được cập nhật bản vá bảo mật.

Nhật Bản đã trở thành nạn nhân của một vụ tấn công mạng "tống tiền" toàn cầu. Vụ tấn công đã gây ra sự hỗn loạn ở 150 nước, với hàng trăm máy tính bị đánh sập tại 600 địa điểm.

Các chuyên gia bảo mật máy tính nói rằng người sử dụng máy tính cá nhân với hệ điều hành được cập nhật thì tương đối an toàn, nhưng kêu gọi các công ty và chính phủ nên đảm bảo rằng họ áp dụng các bản vá bảo mật hoặc nâng cấp các hệ thống mới hơn.

Thư ký nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nói có những trường hợp bị tấn công được xác nhận ở Nhật Bản.

Yoshihide Suga nói:

Chính phủ đã ban hành các cảnh báo thông qua Trung tâm An ninh Không gian mạng nội bộ (Trung tâm quốc gia về sẵn sàng ứng phó Sự cố và Chiến lược về An toàn Không gian mạng) và các tổ chức có liên quan, dựa trên các vụ việc xảy ra ở nhiều nước khác nhau và chúng tôi đã thực hiện các biện pháp để tăng cường thu thập thông tin.

Chính phủ khuyên những người có máy tính bị tấn công đánh sập không nên trả tiền cho hacker bằng tiền tệ kỹ thuật số, còn gọi là bitcoin, số tiền tương đương với 300 đô la.

Nhưng kẻ tấn công đòi tiền chuộc "WannaCry" nói với nạn nhân số tiền mà họ phải trả sẽ tăng gấp đôi nếu họ không tuân thủ thanh toán trong vòng ba ngày kể từ ngày nhiễm virus ban đầu và tất cả các tệp tin trên các hệ thống bị nhiễm bệnh sẽ bị xóa nếu không nhận được thanh toán trong vòng bảy ngày.

Công ty phần mềm bảo mật Avast cho biết những vụ tấn công đòi tiền chuộc tăng lên nhanh chóng vào ngày thứ Bảy với 57.000 trường hợp bị phát hiện xâm nhập. - VOA
|
|

5.
Bắc Triều Tiên: tên lửa mới có thể mang đầu đạn hạt nhân

Theo KCNA, lãnh đạo Kim Jong Un đã đích thân giám sát cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo thế hệ mới Hwasong-12, tầm trung và tầm xa hôm Chủ Nhật. Giới chuyên gia nhìn nhận Bắc Triều Tiên đạt được tiến bộ quan trọng . Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc chuẩn bị họp khẩn cấp vào ngày mai 16/05/2017.

Trong bản tin ngày 15/05/2017, hãng tin của Bình Nhưỡng cho rằng vụ phóng thử tên lửa chiến lược Hwasong-12 ngày hôm trước là để trắc nghiệm khả năng tên lửa loại mới mang đầu đạn hạt nhân thật mạnh. Tên lửa đạt độ cao 2.115 km trước khi rơi xuống biển Nhật Bản cách điểm xuất phát 787 km.

Đây lần đầu tiên kể từ khi tân tổng thống Hàn Quốc nhậm chức (09/05) và cũng là lần thứ hai trong vòng hai tuần, Bình Nhưỡng phóng tên lửa ra biển Nhật Bản.

Giới chuyên gia Mỹ được AFP trích dẫn, như Jeffrey Lewis và John Hopkins, thẩm định đây là loại tên lửa có thể bay xa đến 4.500 cây số và chắc chắn đủ sức tấn công vào các căn cứ Mỹ ở Thái Bình Dương.

Washington và Tokyo đã phản ứng tức khắc, đề nghị triệu tập khẩn cấp Hội đồng Bảo An vào ngày thứ Ba 16/05/2017. Nhưng các biện pháp do Mỹ gợi ý giới hạn ở mức độ « gia tăng trừng phạt tài chính ».

Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, Nikki Haley, khẳng định « mối đe dọa là xác thực », tên lửa rơi « gần nước Nga », Trung Quốc « không thể đối thoại » với Bắc Triều Tiên.

Liên Hiệp Châu Âu và NATO cũng lên án hành động « đe dọa hoà bình ».

Thế nhưng, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Nga Vladimir Putin, đang tham dự hội nghị « Con Đường Tơ Lụa Mới » tại Bắc Kinh chỉ lo ngại « căng thẳng trong vùng leo thang ». Khẳng định « nước Nga không bị đe dọa », tổng thống Putin chỉ trích « hành động thiếu xây dựng của chế độ Bắc Triều Tiên » cùng lúc kêu gọi « ngưng hù họa Bình Nhưỡng ».

Về phần Seoul, tân tổng thống Moon Jae In lên án « một vụ khiêu khích nguy hiểm ». Còn giới phân tích Hàn Quốc thẩm định dụng ý của Bình Nhưỡng là « tạo uy thế để đàm phán và thăm dò chính sách hợp tác giữa hai chính quyền mới ở Mỹ và Seoul". - RFI
|
|

6.
Nga: Biểu tình ở Matxcơva chống kế hoạch phá hủy hàng ngàn chung cư

Trong một kế hoạch thiết kế đô thị đại quy mô, chính quyền Nga dự trù phá hàng ngàn khu tập thể của thập niên 1950, di dời hàng trăm ngàn dân cư, đặc biệt là tại thủ đô. Từ tháng Ba đến nay, nhiều lời kêu gọi xuống đường để phản đối dự án được cho là phục vụ các nhóm đầu cơ địa ốc. Cuộc biểu tình được cho phép hôm Chủ Nhật đã huy động khoảng 20 000 người.

Từ Matx cơva, thông tín viên Muriel Pomponne tường thuật :

'' Cuộc xuống đường hôm Chủ Nhật 14/05/2017 đã gây bất ngờ vì số người tham gia rất đông. Sự kiện này phản ánh tâm trạng lo ngại trong dân chúng Nga. Từ những yêu sách cụ thể liên quan đến đời sống thường này như dự án quy hoạch đô thị này, dân chúng tự tổ chức thành từng tổ khu phố để đối phó.

Một thanh niên cho biết, các nhà tranh đấu phát báo trong khu phố, để kêu gọi biểu tình và để phân tích ý nghĩa pháp lý của dự luật canh tân thành phố.

Người biểu tình gồm đủ mọi tầng lớp xã hội, già có, trẻ có, cũng như những người hoài niệm thời xô-viết. Nhiều người vỗ tay hoan hô nhà đối lập Alexei Navalny, người khác thì không muốn vị luật sư chống tham ô có mặt trong đoàn biểu tình được cho là phi chính trị.

Tuy nhiên, đa số giương cao khẩu hiệu : chúng tôi chán ngấy. Một thanh niên cầm chân dung của đô trưởng Matxcơva, mặt bị gạch chéo bằng từ chán ngấy, giải thích : Nước Nga trở lại thời độc tài. Ở Matxcơva, thị trưởng là đại diện của chính quyền chứ không phải là đại diện của dân.

Chán ngấy - Nadoel đang trở thành một trong những từ ngữ mà người Nga thích dùng trong bối cảnh sắp bước vào mùa bầu cử và thấy đương kim tổng thống Vladimir Putin, nắm quyền từ 17 năm nay, ra tranh cử một lần nữa.'' - RFI
|
|

7.
Đức: Đảng cầm quyền giành thắng lợi quan trọng trong bầu cử địa phương

Hôm qua, 14/05/2014, đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo CDU của thủ tướng Đức đã giành thắng lợi trong cuộc bầu cử lập pháp tại bang lớn nhất nước Bắc Rhénanie-Westphalie. Kết quả này tạo đà thắng lợi cho đảng cầm quyền trên phạm vi toàn quốc trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 9 tới. Bà Angela Merkel đang có nhiều cơ hội tiếp tục nhiệm kỳ thủ tướng thứ 4.

Thông tín viên Pascal Thibaut tại Berlin :

"Đảng CDU của bà Angela Merkel giành thắng lợi tuyển cử thứ 3 trong vài tuần. Chiến thắng ngày Chủ Nhật hôm qua đặc biệt ngoạn mục vì đây là cuộc bầu cử theo thông lệ vẫn được coi như là một cuộc bỏ phiếu ở quy mô quốc gia thu nhỏ. Một phần năm cử tri Đức đã tham gia bầu cử tại bang Bắc Rhénanie-Westphalie.

Chiến thắng của đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo trong vùng này càng có ý nghĩa khi đây chính là thành trì truyền thống của đảng Xã Hội Dân Chủ, hiện đang mất quyền lãnh đạo.

Sẽ ra tranh cử nhiệm kỳ thứ 4 trong cuộc bầu cử Quốc Hội vào tháng 9 tới, bà Angela Merkel thấy ở đây chính sách của mình đã được khẳng định và cơ hội tiếp tục nắm quyền càng tăng.

Đối với đối thủ của bà Merkel là ông Martin Schulz, thì tối qua là một đòn nặng nề. Đảng Xã Hội Dân Chủ thừa nhận thua đau. Sự hứng khởi khi ông được chỉ định lãnh đạo đảng Xã Hội Dân Chủ hồi đầu năm nay đã xẹp xuống. Đảng này lại thụt lùi thêm 10 điểm trong cuộc thăm dò dư luận so với đảng CDU.

Đảng Xã Hội Dân Chủ sẽ phải xem lại chiến lược và chương trình hành động không mấy thuyết phục của chủ tịch đảng. Bà Angela Merkel chắc không cần phải đề xuất gì thêm nhiều trong chương trình, bản thân con người bà vẫn tiếp tục thuyết phục được người dân Đức." - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

8.
Tổng thống Trump ráo riết tìm giám đốc mới cho FBI --- Trump bị yêu cầu giao nộp bằng chứng về Comey --- ‘Cách chức giám đốc FBI khiến các định chế của Hoa Kỳ bị đe dọa’

Tổng thống Donald Trump đang tìm giám đốc mới cho Cục Điều tra Liên bang (FBI) thay chỗ ông James Comey, người bị cách chức hồi tuần trước.

Ít nhất 8 ứng viên cho chức giám đốc FBI đã được phỏng vấn, và Tổng thống Trump nói rằng ông có thể sẽ có quyết định trước khi ông bắt đầu chuyến công du nước ngoài đầu tiên vào thứ Sáu tới.

Tổng thống Trump nói: “Việc này phải được tiến hành nhanh chóng. Các ứng viên nhất thiết phải được xem xét chặt chẽ xuyên suốt sự nghiệp của họ, nổi tiếng, được kính trọng, thực sự có tài. Và đó là những gì chúng ta cần cho FBI.”

Tổng thống Trump tiếp tục là tin hàng đầu trên báo chí, trong lúc các nhà lập pháp của cả hai đảng chỉ trích việc sa thải ông Comey vẫn chưa nguôi với những hành động của Tổng thống Trump hồi tuần trước, trong đó có những giải thích bất nhất về quyết định sa thải và một thông báo đăng trên Twitter có ý cảnh cáo ông Comey không nên bình luận với truyền thông báo chí.

Hôm Chủ nhật, các nhà lập pháp kêu gọi Tổng thống Trump cung cấp tất cả ghi âm đối thoại với ông Comey. Thượng nghị sĩ Lindsey Graham của Ðảng Cộng hòa nói rằng Tòa Bạch Ốc phải nói rõ ràng liệu có bất cử cuộc đàm thoại nào của ông Comey bị ghi âm hay không.

Ông Graham nói trong chương trình Meet the Press trên kênh truyền hình NBC rằng “Nếu có bất cứ ghi âm nào về cuộc đàm thoại đó thì cần phải được đưa ra.”

Thượng nghị sĩ Mark Warner, thành viên của Ủy ban Tình báo Thượng viện, nói: “Tôi không mập mờ về việc liệu có băng ghi âm hay không. Nhưng thực tế là Tổng thống Trump không rõ ràng về việc đó và rồi Tòa Bạch Ốc không xác nhận mà cũng không phủ nhận. Trước hết tôi muốn bảo đảm rằng các ghi âm này, nếu có, chúng sẽ không thể bí ẩn biến mất. Do đó tôi và các giới chức khác đã yêu cầu phải giữ các ghi âm đó. ”

Phe Dân chủ cũng cáo buộc Tổng thống Trump tìm các cản trở cuộc điều tra của FBI về cáo buộc Nga phá cuộc bầu cử Mỹ, và khả năng có những liên hệ giữa Moscow với ban vận động bầu cử của ông Trump. Nhiều người đòi mở cuộc điều tra độc lập. - VOA

***
Các nhà lập pháp Hoa Kỳ đang yêu cầu Tổng thống Donald Trump cung cấp đoạn ghi âm các cuộc đối thoại với giám đốc FBI vừa bị cách chức, James Comey.

Lãnh đạo Đảng Dân Chủ trong Thượng viện Charles Schumer cảnh cáo việc hủy hoại các đoạn ghi âm là vi phạm pháp luật.

Thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa Lindsey Graham nói rằng Nhà Trắng cần "làm sáng tỏ" về sự tồn tại của các đoạn ghi âm.

Những lời bình luận này được đưa ra sau khi ông Trump đăng trên Twitter, đưa ra một lời đe dọa mỏng manh cho cựu giám đốc FBI.

Ông Trump cảnh cáo ông Comey không được trao đổi với truyền thông vào tuần trước, nói rằng ông Comey nên "hi vọng là không đoạn ghi âm nào" giữa các cuộc đối thoại của họ.

Nhà Trắng không xác nhận hay phủ nhận sự tồn tại của các đoạn ghi âm.

Ông Schumer cũng cảnh báo rằng các thượng nghị sĩ Dân Chủ sẽ từ chối bầu vị trí giám đốc FBI mới cho đến khi có một công tố viên đặc biệt được bổ nhiệm điều tra các buộc can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử năm ngoái.

FBI đang điều tra các cáo buộc về sự cấu kết giữa Moscow và chiến dịch tranh cử của Trump.

Ông Trump phủ nhận các cáo buộc cấu kết và nói ông Comey đã cam đoan rằng ông Trump không bị điều tra. Ông nói ông sa thải ông Comey vì ông ta không làm tốt.

Các quan chức Đảng Dân Chủ, tuy nhiên, cáo buộc Tổng thống Trump đã đuổi việc ông Comey để cản trở cuộc điều tra.

Ông Schumer nói với CNN rằng nếu các đoạn ghi âm này tồn tại "tổng thống phải giao nộp ngay lập tức. Việc phá hủy chúng sẽ là vi phạm pháp luật."

"Nếu không có đoạn ghi âm nào, ông Trump nên xin lỗi ông Comey và toàn thể người dân Mỹ vì đã lừa dối họ."

Thượng nghĩ sĩ Graham nói với NBC rằng dòng tin trên Twitter của ông Trump là "không phù hợp" và yêu cầu tổng thống nên "tránh ra và để cuộc điều tra được tiếp tục".

Trong khi đó ông Trump nói ông sẽ công bố người thay thế ông Comey trong tuần này.

Mười một người được cân nhắc cho vị trí này, cần được thượng viện thông qua. - BBC

***
Phản ứng trước việc Tổng Thống Donald Trump cách chức giám đốc FBI James Comey, cựu Giám Đốc Cơ Quan Tình Báo Quốc Gia James Clapper nói, các định chế của Hoa Kỳ “đang bị tấn công.”

Ông Comey bị cách chức khi đang điều khiển cuộc điều tra của cơ quan liên bang trong vụ Nga xen vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua và việc có thể có sự thông đồng của các thành viên trong ban vận động tranh cử của ông Trump.

Hãng thông tấn UPI tường thuật việc ông Jake Tapper, người điều hợp chương trình của đài CNN, hỏi ông Clapper rằng liệu các định chế có bị Tổng Thống Trump tấn công ngay bên trong không thì ông Clapper đáp: “Chính xác như vậy.”

Ông Clapper nói: “Các bậc tổ phụ lập quốc của chúng ta thật kỳ tài khi tạo ra một hệ thống gồm ba ngành của chính quyền với quyền hạn ngang nhau, có thể kiểm soát và cân bằng lẫn nhau. Tôi có cảm tưởng hệ thống này đang bị tấn công và xói mòn.”

Các dân cử Dân Chủ và nhiều vị thuộc đảng Cộng Hòa muốn Bộ Tư Pháp bổ nhiệm một công tố viên đặc biệt hoặc thiết lập một cơ chế điều tra độc lập.

Nghị Sĩ Mike Lee (Cộng Hòa-Utah) đề nghị tổng thống nên chỉ định Chánh Án Tòa Phá Án Liên Bang Merrick Garland làm giám đốc FBI. Ông Garland từng được cựu Tổng Thống Barack Obama chọn thay thế Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện Antonin Scalia, người qua đời hồi năm ngoái nhưng không được sự tán đồng của phe Cộng Hòa. Cuối cùng ông Trump đề cử ông Neil Gorsuch và được Quốc Hội chấp thuận.

Tuy nhiên hôm Chủ Nhật, Nghị Sĩ Chuck Schumer (Dân Chủ-New York), lãnh đạo khối thiểu số Thượng Viện, nói rằng ông ủng hộ việc ngăn chận bất kỳ ai làm giám đốc FBI cho đến khi nào một ủy viên công tố độc lập được chỉ định.

Nghị Sĩ Mark Warner (Dân Chủ-Virginia) nhận định rằng việc sa thải ông Comey có vẻ là một mưu toan nhằm làm ngưng cuộc điều tra của FBI trong vụ Nga xen vào cuộc bầu cử. “Hành động và phát biểu của tổng thống chứng tỏ điều đó,” ông nói.

Trong một cuộc phỏng vấn của đài Fox News và được phát hình hôm Thứ Bảy, Tổng Thống Trump nói rằng ông quyết định cách chức ông Comey vì ông không còn tin tưởng ông ấy nữa.

Một thăm dò của NBC/Wall Street Journal cho thấy, 65% nói họ tin tưởng khả năng điều tra công bằng của FBI về vụ Nga xen vào cuộc bầu cử vừa qua, trong khi 40% tin tưởng nếu Quốc Hội làm việc ấy.

Hỏi giữa Quốc Hội, một ủy ban độc lập hay công tố viên đặc biệt, nên chọn ai thực hiện cuộc điều tra, thì chỉ 15% chọn Quốc Hội, trong khi 78% ủng hộ một ủy ban độc lập hay công tố viên đặc biệt. - nguoiviet
|
|

9.
Ngoại trưởng Mỹ bào chữa vụ không nhắc can dự bầu cử khi gặp ngoại trưởng Nga

Ngoại Trưởng Mỹ Rex Tillerson trong cuộc phỏng vấn hồi cuối tuần tìm cách bào chữa cho chính phủ Trump về vấn đề Nga can dự cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 không được nhắc tới trong các cuộc gặp giữa Tòa Bạch Ốc và Bộ Ngoại Giao với Ngoại Trưởng Nga Sergei Lavrov tại thủ đô Washington, DC mới đây.

Bản tin NBC News nói rằng trong cuộc phỏng vấn dành cho chương trình truyền hình “Meet The Press,” được phát hình hôm Chủ Nhật, ông Tillerson nói: “Có nhiều vấn đề quan trọng cần phải đề cập trong mối quan hệ giữa Mỹ và Nga. Rõ ràng là việc can dự bầu cử là một trong các vấn đề này. Tôi thấy rằng đây là điều được nói nhiều rồi.”

Hôm Thứ Tư tuần vừa qua, trong chuyến viếng thăm đầu tiên của ông Lavrov tại Washington, DC kể từ khi ông Trump lên giữ chức Tổng Thống Mỹ, ông Tillerson gặp ông Lavrov tại Bộ Ngoại Giao và Tổng Thống Donald Trump tiếp ông Lavrov tại Văn Phòng Bầu Dục Tòa Bạch Ốc.

Cá nhân ông Lavrov cũng tuyên bố trong cuộc họp báo tại Tòa Bạch Ốc là “những vấn đề ngớ ngẩn” liên quan đến can dự cuộc bầu cử không được nêu lên trong cuộc họp. Ông còn lập lại nhận định của Tổng Thống Donald Trump rằng câu chuyện can dự là “tin giả” (fake news).

“Không hề có một dữ kiện nào, không có chứng cớ xác thực nào, được đưa ra về việc Nga can dự, và thế là đủ rồi,” ông Lavrov cho hay, theo bản tin NBC News.

Khi được hỏi thêm trong chương trình “Meet The Press” là tại sao vấn đề này không được nêu lên, ông Tillerson không trả lời thẳng, chỉ nói rằng chính phủ Trump khởi sự mối liên hệ với Nga với những gì đang có giữa hai quốc gia và cũng không tìm cách “làm lại từ đầu.” - nguoiviet
|
|

10.
Mỹ: Hậu quả gián tiếp của các sắc lệnh cấm nhập cư

Một tòa phúc thẩm ở miền tây Hoa Kỳ, ngày hôm nay, 15/05/2017, xem xét sắc lệnh chống nhập cư của chính quyền Donald Trump nhắm vào công dân của sáu nước Hồi Giáo. Các văn bản cho đến lúc này vẫn bị tư pháp ngăn chặn, nhưng đã và đang gây ra một hệ quả tiêu cực : Người nhập cư bất hợp pháp bị bạo hành nhưng không dám đi khai báo nữa vì sợ bị trục xuất.

Từ Washington, thông tín viên Anne-Marie Capomaccio gửi về bài tường trình :

"Bầu không khí trong các cộng đồng người châu Mỹ Latinh và Hồi Giáo tại Hoa Kỳ không còn như trước nữa. Hội Đồng Quan Hệ Mỹ-Hồi Giáo, một tổ chức có thế lực tại Hoa Kỳ đã nói đến hiện tượng này trong thư liên lạc với các thành viên, tình hình đã xấu đi kể từ khi các sắc lệnhh về nhập cư được công bố, cho dù các văn bản này đã bị tư pháp chặn lại.

Cảnh sát cũng ghi nhận sự thay đổi này, cụ thể là tại nhiều thành phố lớn, số các vụ phạm trọng tội và khinh tội đã giảm khoảng 12% kể từ tháng Giêng.

Vậy tình trạng này liên quan gì đến các sắc lệnh về nhập cư ? Tại Houston, Texas và Los Angeles ở California, số các vụ bạo hành giảm ở các khu vực đông dân nhập cư. Cảnh sát cho rằng trên thực tế, các nạn nhân không đi khai báo và cũng không ra làm chứng nữa. Chưa có gì chứng minh được nhận định này, thế nhưng rất đông nạn nhân là những người không có giấy tờ lưu trú hợp pháp và họ không muốn bị trục xuất sau khi gặp cảnh sát để khai báo.

Thống đốc bang Texas vừa cho thông qua một văn bản cấm các thành phố trong bang này tiếp đón và trở thành cứ địa của người nhập cư bất hợp pháp. Cảnh sát và các tổ chức bảo vệ người nhập cư lo ngại về biện pháp này." - RFI
|
|

11.
Chuyên viên hạt nhân đoạt ngôi Hoa hậu Mỹ 2017

Kara McCullough, Hoa hậu vùng thủ đô Washington DC, đã giành vương miện Hoa hậu Hoa Kỳ năm 2017.

Cô McCullough, một nhà hóa học 25 tuổi làm việc cho Ủy ban Quản lý Hạt nhân Hoa Kỳ, đã được trao vương miện hoa hậu hôm Chủ nhật tại Trung tâm Hội nghị Vịnh Mandalay, ở thành phố Las Vegas. Cô McCullough sẽ tham gia cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ.

Cô nói cô muốn truyền cảm hứng cho trẻ em, chuyên cần học tập trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học.

51 người đẹp đại diện cho 50 tiểu bang và thủ đô của Hoa Kỳ đã tham gia vào cuộc thi hoa hậu này, cuộc thi đã có từ hàng thập kỷ qua.

Cô McCullough sinh ra ở thành phố Naples của Italy, và lớn lên ở thành phố biển Virginia Beach của bang Virginia.

Năm ngoái, một thí sinh cũng của thủ đô Washington, cô Deshauna Barber, đã trở thành nữ quân nhân đầu tiên giành ngôi Hoa hậu Mỹ. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

12.
Công an bắt nhà hoạt động Hoàng Đức Bình --- Người dân biểu tình ở Nghệ An sau vụ bắt giữ Hoàng Bình --- Việt Nam truy nã nhà hoạt động Thái Văn Dung

Công an đã bắt nhà hoạt động Hoàng Đức Bình sáng 15/5 tại Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Trong một năm trở lại đây, ông Bình tích cực tham gia các hoạt động phản đối vụ hãng Formosa gây thảm họa ô nhiễm biển miền trung Việt Nam, nhất là tại một số vùng có đông giáo dân ở Nghệ An và Hà Tĩnh.

Ông Bình, 34 tuổi, là Phó Chủ tịch Phong trào Lao động Việt, tổ chức được thành lập năm 2008 với mục tiêu giúp người lao động đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của họ. Chính quyền Việt Nam không công nhận tổ chức này.

Trực tiếp chứng kiến vụ bắt bớ, Linh mục Nguyễn Đình Thục, cho VOA biết cảnh sát giao thông đã chặn xe ô tô chở linh mục và ông Bình trên đường quốc lộ, tiếp đến hàng chục nhân viên công an mặc cảnh phục lẫn thường phục đã “tấn công một cách thô bạo và mở cửa” chiếc xe, “lôi” ông Bình ra rồi “đưa đi mất”.

Linh mục Thục nói tại thời điểm đó công an “không đọc lệnh bắt”, “không giải thích lệnh”, “không có biên bản” và như vậy họ đã không làm đúng pháp luật. Ông nói thêm:

“Bắt anh Hoàng Bình buổi sáng hôm nay là như kiểu mà họ bắt một con vật vậy đó. Họ bắt người mà như hành động của bọn côn đồ vậy đó. Chúng tôi cảm thấy rất là đau lòng trước hành động của họ và cảm thấy rất là tức giận. Họ quá coi thường pháp luật và coi thường người dân của họ, trong đất nước Việt Nam mà họ là chính quyền”.

VOA không liên lạc được với công an Diễn Châu để có thông tin hai chiều từ phía họ.

Vị linh mục quản xứ Song Ngọc, Quỳnh Lưu, Nghệ An, cho hay ngay sau vụ bắt giữ những người đi cùng xe với ông Bình đã loan tin trên mạng xã hội. Hàng nghìn người dân, gồm cả giáo dân và lương dân, cùng một số linh mục đã đổ về nơi vụ bắt bớ diễn ra, gần Đền Cuông trên quốc lộ 1 đoạn qua huyện Diễn Châu.

Các hình ảnh và thông tin do người dân và các nhà hoạt động chia sẻ trên mạng xã hội khẳng định quốc lộ đã “tê liệt” khi ước chừng 10.000 người dân đổ về phản đối vụ bắt giữ.

Theo Linh mục Thục, đến 3 giờ chiều, mọi người đã di chuyến đến trụ sở công an huyện Diễn Châu để “đòi người”. Thông tin trên mạng xã hội cho hay phía chính quyền đã đối phó bằng cách bố trí “hàng ngàn” cảnh sát cơ động và công an quanh trụ sở.

Đã không có đụng độ giữa người dân và công an. Vào lúc 6h chiều 15/5, giờ Việt Nam, Linh mục Thục giải thích với VOA:

“Khi chúng tôi về đến đó thì thấy gần tối rồi. Chúng tôi nghĩ rằng là cần phải có sự an toàn đối với người dân là trên hết. Hơn nữa, chúng tôi cũng nhận được sự góp ý của anh em linh mục và của bề trên thì chúng tôi quyết định để cho bà con ra về. Và hơn nữa là chúng tôi biết buổi chiều hôm nay họ đã có một cái lệnh bắt người của tỉnh Nghệ An đối với trường hợp anh Hoàng Bình. Chúng tôi nghĩ rằng một khi họ ra lệnh như vậy thì việc đòi người xem ra là không có nhiều hy vọng”.

Các báo Việt Nam đưa tin chiều ngày 15/5 rằng công an Nghệ An đã bắt ông Bình với cáo buộc ông “chống người thi hành công vụ” và “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”. Các bài báo không nêu chi tiết những vụ việc cụ thể mà ông Bình có liên quan.

Trong nhiều tháng nay, ông Hoàng Đức Bình thuộc Phong trào Lao Động Việt và nhà hoạt động Bạch Hồng Quyền, thành viên của Con Đường Việt Nam, đã giúp đỡ nhiều hoạt động truyền thông cho người dân ở Nghệ An và Hà Tĩnh bị ảnh hưởng bởi vụ ô nhiễm biển do hãng Formosa của Đài Loan gây ra.

Formosa đã chấp nhận đền bù cho chính phủ Việt Nam 500 triệu đôla sau vụ nhà máy của hãng xả thải gây cá chết hàng loạt ven biển miền trung. Người dân nhiều nơi, nhất là Hà Tĩnh và Nghệ An, cho rằng họ chưa nhận được đền bù thỏa đáng và vẫn đấu tranh đòi đóng cửa Formosa do lo ngại các nguy cơ môi trường về lâu dài.

Cách đây 4 ngày, công an Hà Tĩnh đã ra lệnh bắt và sau đó truy nã nhà hoạt động Bạch Hồng Quyền về tội “gây rối trật tự công cộng”. Một số báo Việt Nam nói ông Quyền có vai trò “cầm đầu” một số cuộc biểu tình chống Formosa ở Hà Tĩnh.

Dường như hiện nay ông Quyền vẫn đang tự do. Một trang Facebook mang tên ông hồi 4h30 chiều ngày 15/5 có một bài ngắn viết: “Hôm qua anh còn nói là ‘nếu em bị bắt, anh sẽ ra cơ quan công an để nhận tội chung với em’. Giờ em vẫn đang bình an mà anh đã bị bắt là sao Bình ơi. Mong anh được bình an trong tay quỷ dữ”.

Linh mục Nguyễn Đình Thục nói với VOA các linh mục và các giáo xứ sẽ bàn bạc để tìm con đường đấu tranh phù hợp nhằm đòi trả tự do cho ông Hoàng Đức Bình. - VOA

***
Sau khi một nhà hoạt động đột ngột bị công an bắt giữ tại Nghệ An, nhiều người dân đã tuần hành đến trụ sở công an Diễn Châu yêu cầu thả người.

Linh mục Nguyễn Đình Thục cho BBC biết lúc sáng 15/5, nhà hoạt động dân sự Hoàng Đức Bình cùng linh mục và một số cá nhân khác đang trên xe đi công việc thì bị một công an giao thông chặn lại.

Ngay sau đó, khoảng hơn 10 người mặc thường phục tấn công xe, mở cửa, lôi ông Bình khỏi xe một cách thô bạo và bắt lên xe cảnh sát đưa đi, theo lời linh mục Thục.

Linh mục Thục nói với BBC rằng công an không đọc lệnh bắt khi đưa ông Bình đi.

Được biết linh mục Thục đã liên hệ với các linh mục và giáo dân trong khu vực.

Cũng có mặt tại hiện trường, nhà hoạt động Chu Mạnh Sơn cho biết ngay sau khi vụ việc xảy ra, một số người đã nhanh chóng loan báo thông tin trên mạng xã hội.

Chỉ trong chưa đầy một tiếng, nhiều người dân đã tập trung gần Đền Cuông, gây ách tắc gần 5km.

Theo ước đoán của ông Sơn, số người lên tới hàng ngàn người.

Người dân cũng bắt giữ bốn đối tượng, mà theo dân là công an, quân đội mặc thường phục. Bốn người này bị nghi là trà trộn nhằm gây hỗn loạn trong đám đông.

Linh mục Thục cho biết là dựa trên những trình bày của các đối tượng với người dân thì bốn người này gồm một thuộc Đoàn Đội huyện Diễn Châu, hai của quân đội và một của công an huyện.

Đoàn người sau đó diễu hành đến trụ sở công an Diễn Châu yêu cầu thả ông Bình.

Vào lúc khoảng giữa buổi chiều 15/5, lúc gần 3 giờ, báo Nghệ An đưa tin bắt giữ "phản động Hoàng Bình" và đăng lệnh bắt giữ ký ngày 13/5, theo đó cáo buộc ông Hoàng Đức Bình vi phạm điều 257, 258 Bộ luật Hình sự.

Sau khi được thông báo chính quyền đã công bố lệnh bắt giữ, linh mục Thục cho biết đã khuyên người dân ra về để đảm bảo sự an toàn.

Về bốn đối tượng trước đó bị người dân bắt giữ, linh mục Thục cho biết những người tuần hành muốn có thứ trong tay để đòi chính quyền thả ông Bình.

"Nhưng tôi nói mình nên đối xử với họ bằng tình người. Chính tôi đưa họ lên xe, thả họ ở một nơi ít người dân để họ không bị người dân bắt lại và gọi taxi đưa họ về nơi họ để xe," linh mục cho biết.

Bản tin thời sự tối 15/5 của VTV tường thuật:

"Linh mục Nguyễn Đình Thục đã chỉ đạo giáo dân, cao điểm [đông] đến 500 người, kéo ra Quốc lộ 1A, nơi bắt Hoàng Đức Bình, tiến hành bắt giữ trái pháp luật ba người đi đường, kéo đến trụ sở công an Diễn Châu, ra yêu sách đòi thả người, gây ách tắc giao thông từ 10 giờ 30 cho đến 15 giờ 30 phút. Đến 16 giờ mới chịu thả người."

Vụ bắt giữ Bình xảy ra chỉ vài ngày sau khi có lệnh truy nã một nhà hoạt động khác, ông Bạch Hồng Quyền.

Các ông Hoàng Đức Bình và Bạch Hồng Quyền đã tham gia giúp đỡ dân viết đơn kiện, cùng người dân biểu tình và yêu cầu chính quyền bồi thường thoả đáng sau thảm họa môi trường do Formosa gây ra từ tháng 5 năm ngoái.

Linh mục Thục cho biết ông và người dân sẽ tiếp tục đấu tranh và cân nhắc các hình thức phản đối ôn hoà khác. - BBC

***
Công an tỉnh Nghệ An ra quyết định truy nã toàn quốc đối với nhà hoạt động Thái Văn Dung, 29 tuổi, về tội “không chấp hành án”, theo truyền thông trong nước ngày 15/5.

Quyết định được ban hành từ đầu tháng 3 nay được phía công an nhắc lại dường như để chứng tỏ quyết tâm đi đến cùng việc này.

Thời gian gần đây, liên tục có những lệnh bắt hoặc truy nã các nhà hoạt động liên quan đến những cuộc biểu tình chống Formosa ở Nghệ An, Hà Tĩnh.

Cùng ngày 15/5, nhà hoạt động Hoàng Bình bị công an bắt bất ngờ ở Diễn Châu, Nghệ An, với cáo buộc “chống người thi hành công vụ” và “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước”.

Trước đó ít ngày, chính quyền ra lệnh bắt và truy nã nhà hoạt động Bạch Hồng Quyền về tội “gây rối trật tự công cộng.” Anh Quyền bị tố cáo “cầm đầu” một số cuộc biểu tình chống Formosa ở Hà Tĩnh.

Anh Thái Văn Dung, quê ở xã Diễn Hạnh, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, là một nhà hoạt động chống bất công xã hội, từng tích cực tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc.

Cách đây 6 năm, anh Dung bị bắt cùng một số thanh niên Công giáo với cáo buộc “âm mưu hoạt động lật đổ chính quyền”. Anh lãnh 4 năm tù giam và 4 năm quản chế và mãn hạn tù vào tháng 8/2015.

Truyền thông nhà nước nói kể từ khi ra tù, anh Dung “không chấp hành hình phạt quản chế” 4 năm, “không chịu trình diện” cũng như “không xin phép khi đi khỏi địa phương”.

Theo các báo, cuối tháng 2 năm nay, công an tỉnh Nghệ An đã ra lệnh bắt tạm giam đối với anh Dung về tội “không chấp hành án”.

Với lý do anh không có mặt tại nơi đăng ký hộ khẩu lẫn nơi đăng ký tạm trú, ngày 8/3/2017, công an Nghệ An đã ra quyết định truy nã toàn quốc đối với Dung.

Một số báo Việt Nam mô tả rằng anh Thái Văn Dung “từng là đối tượng” có nhiều hoạt động “kích động, gây rối an ninh trật tự”, “chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc”, thường xuyên “xuyên tạc chủ trương, chính sách của đảng, pháp luật của nhà nước”.

Kể từ ngày ra tù, anh Dung khẳng định sẽ tiếp tục “dấn thân đấu tranh bằng con đường công khai” cho dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam “dù có phải mất đi tính mạng này”. - VOA
|
|

13.
Hacker thân chính phủ Việt Nam tấn công nhiều hãng

Công ty an ninh mạng FireEye nói các hacker làm việc cho chính phủ Việt Nam hoặc thay mặt chính phủ đã đột nhập vào các máy tính của các công ty đa quốc gia hoạt động trong nước. Đây là một phần của chiến dịch gián điệp trên mạng đang ngày càng trở nên tinh vi hơn.

Nick Carr, quản lý cao cấp nhóm Ứng phó Sự cố Mandiant thuộc FireEye, nói trong một cuộc phỏng vấn rằng chính nhóm hacker này cũng chịu trách nhiệm về việc hack máy tính của các nhà bất đồng chính kiến và các nhà báo Việt Nam.

Ông nói rằng không thể xác định chính xác danh tính hoặc địa điểm của các hacker hoặc khẳng định họ đang làm việc cho chính phủ Việt Nam.

Chính phủ đã bác bỏ cáo buộc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói: "Chính phủ Việt Nam không cho phép bất kỳ hình thức tấn công trực tuyến nào chống lại các tổ chức, cá nhân. Tất cả các cuộc tấn công trên mạng hoặc các mối đe doạ đến an ninh mạng phải bị lên án và bị trừng phạt nghiêm theo luật và các quy định".

Ông Carr cho biết FireEye đã đặt tên nhóm này là APT32 và theo dõi. Kết quả cho thấy nhóm đã nhắm mục tiêu vào các tập đoàn nước ngoài có hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ khách sạn của Việt Nam từ năm 2014.

Ông nói trong một số trường hợp, tin tặc đã tìm kiếm thông tin về hoạt động của công ty và việc họ tuân thủ các quy định của địa phương, điều mà ông hiếm khi thấy các nhóm hacker khác làm.

Các nạn nhân bao gồm một công ty sản xuất của Đức sắp xây dựng một nhà máy ở Việt Nam, một hãng phát triển khách sạn Trung Quốc có kế hoạch mở rộng hoạt động ở trong nước và văn phòng địa phương của một công ty tư vấn toàn cầu có trụ sở tại Anh.

Ông nói trong hầu hết các trường hợp các công ty đều rất nổi tiếng. Ông từ chối nêu tên chính xác vì lý do giữ bí mật khách hàng. Ông cho biết thêm các chuyên gia, nhân viên và nhân viên tài chính cũng đã bị nhắm làm mục tiêu.

Báo cáo này cho thấy đây là lần đầu tiên một công ty an ninh mạng đã chỉ ra Việt Nam là xuất xứ của các cuộc tấn công trên được nhà nước đứng sau. Đây cũng là lần đầu tiên FireEye đã dùng thuật ngữ APT cho một nhóm ở ngoài Trung Quốc và Nga. APT là cụm từ viết tắt theo tiếng Anh có nghĩa “mối đe dọa ở cấp độ cao và kéo dài”, thường áp dụng với các nhóm hacker được nhà nước bảo trợ.

Nhóm này cũng liên quan đến các cuộc tấn công vào các nhà báo, các nhà hoạt động, các nhà bất đồng chính kiến và các blogger ở Việt Nam đã được Quỹ Biên giới Điện tử (Electronic Frontier Foundation) báo cáo vào năm 2013. Nhóm này cũng nhắm mục tiêu vào người Việt Nam ở nước ngoài và đột nhập vào máy tính của quốc hội một nước phương Tây, theo báo cáo của ông Carr.

Ông cho biết các cơ quan báo chí, truyền thông Việt Nam cũng đã bị nhắm mục tiêu. - VOA
|
|

14.
Thôi nhiệm vụ đại biểu quốc hội với ông Võ Kim Cự

Ủy ban Thường vụ Quốc Hội Việt Nam chiều ngày 15 tháng 5 đã bỏ phiếu đồng ý cho thôi nhiệm vụ đại biểu quốc hội với ông Võ Kim Cự, đoàn đại biểu tỉnh Hà Tĩnh, nguyên Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh.

Trước đó, hôm 25 tháng 4, ông Võ Kim Cự đã có đơn xin thôi đại biểu quốc hội vì lý do sức khỏe.

Ngày 21 tháng 4, Ban Bí Thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra quyết định kỷ luật ông Võ Kim Cự, cách chức ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy tỉnh Nghệ An nhiệm kỳ 2005 – 2010 và 2010 – 2015, bao gồm cả chức vụ Bí thư ban cán sự đảng ủy ban nhân dân tỉnh, Phó Bí thư tỉnh ủy, Bí thư tỉnh ủy Hà tĩnh.

Theo kết luận, ông Võ Kim Cự đã trực tiếp ký nhiều văn bản không đúng quy định và thiếu giám sát trong dự án Formosa.

Công ty gang thép Formosa Hà Tĩnh xả thải ra môi trường biển 4 tỉnh miền Trung Việt Nam vào tháng 4 năm ngoái khiến cá chết hàng loạt và làm ảnh hưởng đến đời sống của hàng trăm ngàn người. Công ty này sau đó đã chấp nhận bồi thường 500 triệu đô la cho các nạn nhân và khắc phục thảm họa môi trường.

Khi bị dư luận hỏi về trách nhiệm liên quan đến vụ Formosa, ông Cự đã nói rằng dự án nhà máy Formosa trước khi thẩm định đã có ý kiến của 12 bộ chuyên ngành, kể cả các cơ quan trong khối nội chính, quốc phòng, an ninh… ông cũng nói Chính phủ đã đồng ý để cho Hà Tĩnh được cấp phép. - RFA

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9




No comments:

Post a Comment