Tin Thế Giới
1.
Ông Macron ‘đắc cử tổng thống Pháp’ --- Tổng thống Trump chúc mừng ông Macron --- Bầu tổng thống vòng 2 quyết định đường lối nước Pháp
Ông Emmanuel Macron hôm 7/5 đã được bầu làm tổng thống Pháp, đánh bại nữ đối thủ Marine Le Pen với khoảng cách biệt lớn.
Reuters dẫn dự đoán kết quả của cử tri rời phòng phiếu cho biết như vậy ít lâu sau khi cuộc bầu cử vòng hai kết thúc.
Theo đó, ứng viên ủng hộ sự hội nhập của châu Âu giành được khoảng 65% số phiếu, trong khi đối thủ từng đe dọa đưa Pháp rời Liên hiệp châu Âu giành được 35% phiếu.
Phát biểu sau khi giành thắng lợi, ông Macron nói rằng một trang mới đã mở ra trong lịch sử Pháp. "Tôi muốn nó là một trang của sự hy vọng và niềm tin", ông nói.
Cuộc bầu cử này được cho là có thể quyết định liệu nước Pháp tiếp tục con đường toàn cầu hoá, hay sẽ rẽ sang con đường mới tách khỏi Liên hiệp châu Âu.
Trong cuộc đua bị chi phối mạnh mẽ bởi các vấn đề về công ăn việc làm, nhập cư và an ninh, cử tri đứng trước những lựa chọn khó khăn trong cuộc bỏ phiếu vòng hai và cũng là vòng chung cuộc.
Một bên là cựu bộ trưởng kinh tế theo đường lối trung dung, ông Emmanuel Macron. Đối thủ của ông là người theo chủ nghĩa dân tộc, chống di dân, bà Marine Le Pen.
Các cuộc thăm dò trước hôm 7/5 cho thấy ông Macron dẫn trước với tỉ lệ ủng hộ là 63%, cách xa đáng kể so với mức 37% của bà Le Pen.
Bà Le Pen, với quan điểm chống EU và thúc đẩy việc ngăn chặn dòng người di cư Hồi giáo đến nước Pháp, đang thu hút sự chú ý của thế giới tới cuộc chạy đua.
Bà kêu gọi trục xuất những người Hồi giáo, đóng cửa các nhà thờ Hồi giáo nơi các thày tế thuyết giảng chủ nghĩa cực đoan, cắt giảm người nhập cư, bãi bỏ đồng euro, và trưng cầu dân ý về tư cách thành viên EU của Pháp.
Lý do chính để bà Le Pen chống lại EU cũng tương tự như lý do của những người Anh đã nêu ra để thực hiện Brexit: Các chính sách của EU về tự do đi lại đồng nghĩa là EU mới kiểm soát biên giới chứ không phải các quốc gia riêng rẽ.
Còn ông Macron có cái nhìn khác hoàn toàn. Vị cựu lãnh đạo ngân hàng đã nhiều lần nói ông tin rằng không có chuyện rút lui khỏi toàn cầu hóa.
Ông Macron chủ trương kiên định ủng hộ EU nhưng cũng nói ông muốn thấy có các cải cách để làm cho tổ chức này trở nên dân chủ hơn. Ông đã cảnh báo rằng nếu EU cứ tiếp tục vận hành như hiện nay, sẽ dẫn đến Frexit, tức là việc nước Pháp rút khỏi EU giống nước Anh.
Nhiều cử tri ở vùng thành thị, hầu hết là thịnh vượng, có chung quan điểm với ông Macron. Họ đánh giá rằng quốc gia của mình là thí nghiệm thành công về sự tập hợp những người từ nhiều nơi trên thế giới, và toàn cầu hoá không chỉ là bất khả kháng mà còn là chìa khóa đi đến sự thịnh vượng kinh tế trong tương lai.
Thông điệp của bà Le Pen đã cộng hưởng với nhiều người cho rằng tương lai của họ bị đe dọa bởi chủ nghĩa tư bản thân hữu và sự phá hoại văn hoá bản xứ của Pháp. Những nơi ủng hộ bà mạnh mẽ chủ yếu là các khu vực ở đông bắc nước Pháp, nơi các công xưởng và nhà máy thép đóng cửa đã làm mất đi hàng nghìn việc làm, đẩy tỷ lệ thất nghiệp của Pháp lên gần 10%, một trong những mức cao nhất ở châu Âu.
Dự kiến sẽ có nhiều người đi bỏ phiếu hôm Chủ nhật và an ninh đã được thắt chặt ở khắp đất nước.
Tuy nhiên, các quan chức cho hay, số người đi bỏ phiếu tính đến giữa trưa trên cả nước thấp hơn một chút so với cùng kỳ năm 2012, đạt mức 28%. - VOA
***
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 7/5 lên tiếng chúc mừng ông Emmanuel Macron đắc cử tổng thống Pháp.
Trên Twitter, nhà lãnh đạo Hoa Kỳ viết: “Chúc mừng ông Emmanuel Macron giành thắng lợi lớn hôm nay để trở thành Tổng thống kế tiếp của nước Pháp. Tôi thực sự nóng lòng muốn làm việc chung với ông ấy”.
Trước đó, Reuters dẫn thăm dò của cử tri rời phòng phiếu cho biết rằng ông Macron giành được khoảng 65% số phiếu, trong khi nữ đối thủ Marine Le Pen nhận được 35% phiếu.
Hãng tin này cũng dẫn lời Tổng thống Pháp sắp rời nhiệm sở, ông Francois Hollande, nói rằng chiến thắng của ông Macron cho thấy phần lớn các cử tri muốn đoàn kết quanh “các giá trị của nền Cộng hòa”.
Ông Hollande cho biết đã gọi điện chúc mừng vị cựu bộ trưởng kinh tế sau khi ông đánh bại ứng viên bài Liên hiệp châu Âu và chống di dân, bà Marine Le Pen.
Trong khi đó, phát ngôn viên của Thủ tướng Đức Angela Merkel viết trên Twitter: “Chiến thắng của ông là một chiến thắng cho một châu Âu đoàn kết, hùng mạnh và cho mối quan hệ bạn hữu Đức – Pháp”.
Cũng thông qua Twitter của người phát ngôn viên, Thủ tướng Anh Theresa May chúc mừng nồng nhiệt ông Macron.
“Pháp là một trong các đồng minh gần gũi nhất của chúng tôi và chúng tôi trông chờ được làm việc với tân tổng thống về một loạt các mối ưu tiên chung”, bà May nói.
Thủ tướng Italia Paolo Gentiloni tweet: "Chúng mừng Tổng thống Macron! Đã có hy vọng cho châu Âu!" - VOA
***
Cử tri Pháp đi bỏ phiếu bầu tổng thống hôm Chủ nhật. Cuộc bầu cử này có thể quyết định liệu nước Pháp tiếp tục con đường toàn cầu hoá, hay sẽ rẽ sang con đường mới tách khỏi Liên hiệp châu Âu.
Trong cuộc đua bị chi phối mạnh mẽ bởi các vấn đề về công ăn việc làm, nhập cư và an ninh, cử tri đứng trước những lựa chọn khó khăn trong cuộc bỏ phiếu vòng hai và cũng là vòng chung cuộc. Một bên là cựu bộ trưởng kinh tế theo đường lối trung dung, ông Emmanuel Macron. Đối thủ của ông là người theo chủ nghĩa dân tộc, chống di dân, bà Marine Le Pen.
Các cuộc thăm dò trước hôm Chủ nhật cho thấy ông Macron dẫn trước với tỉ lệ ủng hộ là 63%, cách xa đáng kể so với mức 37% của bà Le Pen.
Bà Le Pen
Bà Le Pen, với quan điểm chống EU và thúc đẩy việc ngăn chặn dòng người di cư Hồi giáo đến nước Pháp, đang thu hút sự chú ý của thế giới tới cuộc chạy đua.
Bà kêu gọi trục xuất những người Hồi giáo, đóng cửa các nhà thờ Hồi giáo nơi các thày tế thuyết giảng chủ nghĩa cực đoan, cắt giảm người nhập cư, bãi bỏ đồng euro, và trưng cầu dân ý về tư cách thành viên EU của Pháp.
Lý do chính để bà Le Pen chống lại EU cũng tương tự như lý do của những người Anh đã nêu ra để thực hiện Brexit: Các chính sách của EU về tự do đi lại đồng nghĩa là EU mới kiểm soát biên giới chứ không phải các quốc gia riêng rẽ.
Ông Macron
Ông Macron có cái nhìn khác hoàn toàn. Vị cựu lãnh đạo ngân hàng đã nhiều lần nói ông tin rằng không có chuyện rút lui khỏi toàn cầu hóa.
Ông Macron chủ trương kiên định ủng hộ EU nhưng cũng nói ông muốn thấy có các cải cách để làm cho tổ chức này trở nên dân chủ hơn. Ông đã cảnh báo rằng nếu EU cứ tiếp tục vận hành như hiện nay, sẽ dẫn đến Frexit, tức là việc nước Pháp rút khỏi EU giống nước Anh.
Đất nước bị chia rẽ
Nhiều cử tri ở vùng thành thị, hầu hết là thịnh vượng, có chung quan điểm với ông Macron. Họ đánh giá rằng quốc gia của mình là thí nghiệm thành công về sự tập hợp những người từ nhiều nơi trên thế giới, và toàn cầu hoá không chỉ là bất khả kháng mà còn là chìa khóa đi đến sự thịnh vượng kinh tế trong tương lai.
Thông điệp của bà Le Pen đã cộng hưởng với nhiều người cho rằng tương lai của họ bị đe dọa bởi chủ nghĩa tư bản thân hữu và sự phá hoại văn hoá bản xứ của Pháp. Những nơi ủng hộ bà mạnh mẽ chủ yếu là các khu vực ở đông bắc nước Pháp, nơi các công xưởng và nhà máy thép đóng cửa đã làm mất đi hàng nghìn việc làm, đẩy tỷ lệ thất nghiệp của Pháp lên gần 10%, một trong những mức cao nhất ở châu Âu.
Dự kiến sẽ có nhiều người đi bỏ phiếu hôm Chủ nhật và an ninh đã được thắt chặt ở khắp đất nước.
Tuy nhiên, các quan chức cho hay, số người đi bỏ phiếu tính đến giữa trưa trên cả nước thấp hơn một chút so với cùng kỳ năm 2012, đạt mức 28%. - VOA
|
|
2.
Hải Quân Mỹ bác tin "đánh đổi" Biển Đông với Trung Quốc
Cách nhau một ngày, Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương và đại sứ Mỹ tại Philippines tuyên bố không có chuyện « giảm hoạt động tại Biển Đông để được Trung Quốc hợp tác trên hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên ».
Theo nhật báo Inquire của Philippines, vào chủ nhật 07/05/2017, đích thân ông Sung Kim, đại sứ Mỹ tại Manila tuyên bố không có chuyện tổng thống Trump nhắm mắt làm ngơ : lập trường cơ bản của chính phủ Hoa Kỳ tại Biển Đông không thay đổi. Mỹ tiếp tục bảo tự do hàng hải tại Biển Đông vì quyền lợi của Mỹ và của cộng đồng quốc tế.
Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, đô đốc Scott Swift, cũng khẳng định « chính sách Biển Đông không thay đổi và cần phải giải quyết theo quy định của Hiến Chương Liên Hiệp Quốc Về Luật Biển UNCLOS », khi được hỏi phải chăng tổng thống Donald Trump đánh đổi Biển Đông để làm giảm căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên.
Trong tuần qua, New York Times và CNN cho rằng chiến thuyền của Mỹ, từ ba tháng nay không tuần tra tại Biển Đông và tổng thống Trump không cho hạm đội tuần tra dưới 12 hải lý, sát các đảo bị Trung Quốc chiếm đóng, là để làm hài lòng Bắc Kinh. Tổng thống Trump cố gắng đổi lấy sự hợp tác của Trung Quốc trên hồ sơ hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng đe dọa an ninh Hoa Kỳ.
Đang viếng thăm Ấn Độ để thắt chặt hợp tác hải quân Mỹ-Ấn, đô đốc Scott Swift, tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương (hạm đội 7 và hạm đội 3) cũng phủ nhận tin cho là hải quân Mỹ được lệnh « án binh bất động » ở Biển Đông. Ông lên án chính sách dùng vũ lực và áp đặt bằng sức mạnh của Trung Quốc tại Biển Đông. Chiến lược « một con đường, một vành đai » của Bắc Kinh, theo đô đốc Scott Swift, đang gây lo ngại cho khu vực. Hải Quân Hoa Kỳ và Ấn Độ đang tìm cách tăng cường hợp tác song phương để đề phòng cũng như chuẩn bị một cuốc « tập trận khổng lồ », phong tỏa tàu ngầm, vào tháng 07. Các thông tin này được báo Ấn Độ loan tải hôm thứ bảy 06/05/2017.
Cho dù Mỹ có giảm hoạt động ở Biển Đông hay không, Philippines vẫn tiếp tục bảo vệ Pag-asa, đảo lớn nhất mà quân đội Philiipines kiểm soát trong quần đảo Trường Sa. Bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Delphin Lorenzana nhận định như trên và « hy vọng quyền tự do lưu thông vẫn được duy trì » khi trả lời câu hỏi của báo chí về tin đồn Donald Trump giảm sự hiện diện của Hải Quân Mỹ tại Biển Đông. - RFI
|
|
3.
Trung Quốc từng ép Mỹ cách chức chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương --- Trung Quốc củng cố ‘chủ quyền trên mạng’
Bắc Kinh mặc cả với Washington : Thay thế tướng Harry Harris để đổi lấy việc Bắc Kinh tăng sức ép với chính quyền Bình Nhưỡng trong bối cảnh căng thẳng hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên. Một nguồn tin nắm rõ quan hệ Mỹ-Trung tiết lộ vụ việc này ngày 06/05/2017, một tháng sau cuộc hội kiến Donald Trump - Tập Cận Bình.
Hãng tin Nhật Kyodo, trích nguồn tin ẩn danh, cho biết chính quyền Bắc Kinh, thông qua đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ, đã đưa ra yêu cầu cách chức đô đốc Harry Harris, nổi tiếng « cứng rắn » với Trung Quốc, trong đó có các vấn đề liên quan đến Biển Đông.
Đặc phái viên Trung Quốc Thôi Thiên Khải (Cui Tiankai) đã chuyển yêu cầu đến phía Mỹ, trùng thời điểm cuộc gặp đầu tiên giữa hai nguyên thủ Tập Cận Bình và Donald Trump tại Florida ngày 06/04. Dường như chính quyền Mỹ đã bác bỏ yêu cầu trên.
Vẫn theo nguồn tin, ông Thôi Thiên Khải còn yêu cầu chính quyền Trump ngừng cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ. Về điểm này, Hoa Kỳ chấp thuận để tranh thủ sự hỗ trợ của Bắc Kinh trong hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên.
Chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Harry Harris, sinh tại Nhật Bản và lớn lên ở Hoa Kỳ, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì an ninh trong vùng. Tháng 04/2017, ông là người ra lệnh chuyển hướng tầu sân bay USS Carl Vinson đến khu vực bán đảo Triều Tiên nhằm thị uy với chính quyền Bình Nhưỡng đang chuẩn bị bắn tên lửa hoặc tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ sáu.
Đô đốc Harris cũng là người thúc đẩy triển khai hệ thống lá chắn tên lửa THAAD của Mỹ tại Hàn Quốc. Bắc Kinh kịch liệt phản đối và cho rằng dự án quốc phòng Hàn-Mỹ có thể phá hoại lợi ích an ninh và cân bằng chiến lược trong vùng của Trung Quốc.
Chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương cũng kêu gọi tiếp tục các chiến dịch vì « tự do hàng hải » của Mỹ tại vùng Biển Đông có tranh chấp. Đòi hỏi chủ quyền chồng lấn lên nhau của các nước trong vùng, cũng như việc quân sự hóa một số tiền đồn là nguồn gốc dẫn đến căng thẳng tại Biển Đông.
Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương thống lĩnh toàn bộ lực lượng ba binh chủng hải-lục-không quân Mỹ trên toàn khu vực bao gồm Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. - RFI
***
Trung Quốc hôm 7/5 tuyên bố sẽ siết chặt các quy định về Internet, nhất là tăng cường kiểm soát các công cụ tìm kiếm và các cổng thông tin.
Theo Reuters, đây là bước đi mới nhất của Chủ tịch Tập Cận Bình trong nỗ lực duy trì quyền kiểm soát nội dung trên Internet của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Hãng tin Anh đưa tin rằng ông Tập từng coi “chủ quyền trên mạng” của Trung Quốc là một ưu tiên hàng đầu trong chiến dịch tăng cường an ninh của ông.
Ông cũng được cho là tái khẳng định vai trò của Đảng Cộng sản trong việc giới hạn và hướng dẫn việc thảo luận trên mạng.
Tin cho hay, kế hoạch cải tổ và phát triển văn hóa trong 5 năm do Đảng này công bố hôm 7/5 kêu gọi việc “hoàn thiện” các luật lệ liên quan tới mạng Internet.
Tân Hoa Xã trích kế hoạch này viết: “Đánh mạnh vào các tin đồn trên mạng, các thông tin độc hại, tin giả mạo, việc bịa tin, truyền thông giả mạo, và phóng viên giả mạo”.
Ông Tập từng tuyên bố rõ rằng truyền thông cần phải tuân theo đường lối của đảng và tuân thủ các hướng dẫn đúng đắn về quan điểm của công chúng, và thúc đẩy “tuyên truyền tích cực”.
Kế hoạch này được đưa ra trong bối cảnh Bắc Kinh hiện tăng cường kiểm soát Internet, trong đó có việc chặn các trang như Google hay Facebook. - VOA
|
|
4.
Biển Đông: Tư pháp Philippines ra sách điện tử vạch rõ đòi hỏi phi lý của Trung Quốc
Một thẩm phán của Tòa Án Tối Cao Philippines công bố ngày 04/05/2017 một cuốn sách đặt nghi vấn về những đòi hỏi chủ quyền lịch sử của Trung Quốc trên hầu hết vùng Biển Đông. Cuốn sách được đăng trên internet để tránh kiểm duyệt của Trung Quốc và giúp người dân nước này truy cập được.
Trong cuốn sách mang tựa đề « Tranh chấp tại Biển Đông : Quyền chủ quyền của Philippines và quyền tài phán tại Biển Tây Philippines » (The South China Sea Dispute : Philippine Sovereign Rights and Jurisdiction in the West Philippine Sea), thẩm phán Carpio sử dụng các bản đồ cổ, hình ảnh, các trích đoạn phán quyết của Tòa Trọng Tài, các tuyên bố và nhiều tài liệu của chính phủ Trung Quốc để phản đối giá trị pháp lý các đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh.
Hãng tin AP cho biết tác phẩm được phát hành dưới dạng sách điện tử và được tải miễn phí bằng tiếng Anh. Các phiên bản bằng tiếng Hoa, tiếng Việt, Bahasa, Nhật Bản và Tây Ban Nha sắp được hoàn thiện nhằm giúp công luận hiểu rõ hơn cơ sở lập trường của Philippines trong việc phản đối những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc.
Trong buổi ra mắt cuốn sách tại Manila, thẩm phán Carpio nhận xét : « Quyển sách này, nếu được in giấy, sẽ không bao giờ được phát hành tại Trung Quốc. Nó sẽ bị cấm. Cách tốt nhất là làm dưới dạng sách điện tử để có thể đưa cuốn sách đến người dân Trung Quốc thông qua internet ».
Ông nói tiếp : « Tôi tin rằng, như các dân tộc khác trên thế giới, về bản tính, người Trung Quốc là người tốt, nhưng chính phủ của họ nghĩ rằng họ sở hữu Biển Đông từ 2.000 năm nay. Điều này hoàn toàn sai và thế giới sẽ không bao giờ chấp nhận điều đó ».
Ông Carpio cho rằng công luận, kể cả công luận tại Trung Quốc, có thể giúp gây sức ép đối với Bắc Kinh trong việc tuân thủ phán quyết hồi tháng 07/2016, theo đó Tòa Trọng Tài La Haye bác bỏ đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên hơn 80% diện tích Biển Đông. Thẩm phán Carpio là người tham gia chuẩn bị đơn kiện của Philippines lên Tòa Án La Haye.
Sứ quán Trung Quốc tại Philippines chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào.
Trong tác phẩm, thẩm phán Carpio cũng cảnh báo Trung Quốc đang tính xây thêm nhiều tiền đồn trên đảo Luconia, ngoài khơi Malaysia và bãi cạn Scarborough, phía tây bắc Philippines.
Nghiên cứu của ông Carpio về tranh chấp tại Biển Đông không nằm trong khuôn khổ công việc của ông tại Tòa Án Tối Cao Philippines. - RFI
|
|
5.
Biểu tình Venezuela: Phụ nữ phản đối Maduro
Hàng trăm người phụ nữ đã tuần hành tại thủ đô Venezuela, Caracas, tiếp tục làn sóng biểu tình chống lại sự cai trị của Tổng thống Nicolas Maduro.
Những người phụ nữ, mặc màu trắng và được dẫn đầu bởi các nghị sĩ phe đối lập, lên án cái họ cho là sự đàn áp của lực lượng an ninh.
Hoa Kỳ cũng bày tỏ quan ngại về cái mà đại sứ Liên Hiệp Quốc Nikki Haley gọi là "một sự trấn áp bạo lực".
Ít nhất 36 người chết và hàng trăm người bị thương trong các tuần diễn ra các cuộc biểu tình.
Trong một thông cáo, bà Haley tố cáo ông Maduro "coi thường nhân quyên cốt yếu của người dân của ông ta," và bà nói điều này "chỉ làm khủng hoảng chính trị và kinh tế của quốc gia ngày càng tăng cao."
Trong khi đó Nhà Trắng nói cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump, ông HR McMaster đã gặp Julio Borges, chủ tịch của Quốc hội quốc gia kiểm soát bởi phe đối lập hôm 5/5.
Họ thảo luận về sự cấp thiết về việc chính phủ Venezuela thả tự do cho các tù nhân chính trị và tổ chức các cuộc bầu cử tự do và dân chủ, thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer nói.
Trước đó một thanh niên đã bị bắn chết trong tình trạng bạo lực tại thành phố Valencia. Tại Caracas một xe cảnh sát trang bị vũ khí đã cố tình đâm vào dòng người biểu tình.
"Chế độ độc tài đang sống trong những ngày tháng cuối cùng của nó và Maduro biết rõ điều này," cựu nghị sĩ Maria Corina Machado nói với AFP tại buổi tuần hành phụ nữ.
"Đó là lí do tại sao lại có những mức độ đàn áp chưa từng thấy."
Những người tuần hành nổi giận về cái họ cho là kế hoạch của ông Maduro để đưa hết quyền lực về trong tay mình.
Họ đặc biệt nổi giận với một nghị định gần đây cho phép tạo dựng một nhóm đại biểu 500 người để sửa đổi hiến pháp, một quyết định chắc chắn sẽ bị phớt lờ bởi Quốc Hội.
Trong sự hỗn loạn, nhiều thanh niên đã trộm cắp tại nhiều cửa hàng trong các thành phố bị ảnh hưởng nặng bởi khủng hoảng kinh tế.
Phóng viên của AFP tại thành phố phía tây bắc Valencia nói nó trông giống như một khu vực thảm họa thiên tai.
Trong khi đó một video đăng tải trên mạng xã hội chủ đích cho thấy một bức tượng nhỏ của Hugo Chavez bị kéo đổ tại một thành phố phía tây Rosario de Perija.
Ông Maduro là người kế nhiệm ông Chavez, người đã tiến hành nhiều chính sách bảo trợ xã hội trước khi qua đời năm 2013.
Từ khi đó, giá dầu xuất khẩu của Venezuela giảm làm cắt giảm ngân sách của chính phủ và dẫn đến tình trạng khan hiếm thực phẩm, sữa dinh dưỡng, dược phẩm, và các hàng hóa thiết yếu khác.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo tình trạng lạm phát tại Venezuela sẽ tăng đến hơn 700% trong năm nay.
Cuộc bầu cử tổng thống theo lịch trình sẽ diễn ra vào cuối năm sau. - BBC
|
|
6.
Đức Giáo hoàng ‘hổ thẹn vì Bom Mẹ’
Đức Giáo hoàng Francis hôm 6/5 chỉ trích việc đặt tên “Bom Mẹ” cho quả bom phi hạt nhân lớn nhất của quân đội Mỹ.
Reuters dẫn lời người đứng đầu Tòa thánh Vatican nói rằng từ “mẹ” không nên được dùng để đề cập tới một loại vũ khí gây chết chóc.
Không quân Mỹ đã thả quả bom có biệt danh là “Bom Mẹ”, hay “Mẹ của các loại bom”, vào nơi mà các chiến binh Nhà nước Hồi giáo trú ngụ ở miền Đông Afghanistan tháng trước.
“Tôi thấy hổ thẹn khi nghe cái tên”, Đức Giáo hoàng được hãng tin của Anh dẫn lời nói trước các sinh viên hôm 6/5.
“Một người mẹ mang lại sự sống và thứ này lại mang lại chết chóc, và chúng ta lại gọi thiết bị này là mẹ. Chuyện gì đang xảy ra vậy”.
Afghanistan nói quả bom khổng lồ do một máy bay chiến đấu Mỹ thả xuống tháng trước đã giết chết 36 thành viên của nhóm Nhà Nước Hồi giáo và phá huỷ một kho vũ khí lớn.
Cựu Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai mạnh mẽ lên án việc thả quả bom này tại đất nước ông.
Đức Giáo hoàng dự kiến sẽ gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 24/5.
Theo Reuters, đây là cuộc gặp có thể gây khó xử cho cả hai bên, nhất là khi hai vị lãnh đạo này có các quan điểm trái ngược về các vấn đề như nhập cư, di dân và biến đổi khí hậu. - VOA
|
|
7.
Ba Lan: Hàng chục nghìn người biểu tình chống chính phủ
Hơn 40.000 người Ba Lan đã xuống đường tuần hành ngày 06/05/2017 tại thủ đô Vacxava theo lời kêu gọi của phe đối lập. Người dân biểu tình để « bảo vệ các quyền tự do » mà theo họ đang bị đe dọa vì một loạt đạo luật do chính quyền của đảng bảo thủ Pháp Luật và Công Lý (PiS) ban hành, liên quan đến tư pháp, giáo dục và truyền thông.
Có mặt trong cuộc biểu tình tại Vacxava, thông tín viên RFI Maya Szymanowska tường trình :
"Hôm nay, cả nước Ba Lan ở đây ! » « Ba Lan tự do là châu Âu ! » Ngân vang những khẩu hiệu này, người dân Ba Lan đã tập trung đông đảo để thể hiện sự gắn bó với châu Âu và chán nản với chính sách của đảng bảo thủ PiS cầm quyền từ một năm rưỡi nay. Cuộc tuần hành nhằm thể hiện sức mạnh được đánh giá là thành công đối với đảng tự do Nền Tảng Công Dân, đơn vị khởi xướng cuộc xuống đường vì tự do ngày 06/05.
Trong bầu không khí rất ôn hòa, người dân Ba Lan đã đi biểu tình cùng với gia đình. Rất nhiều người đến từ phía bên kia của đất nước để tham gia sự kiện. Cuộc tuần hành vì tự do nhận được sự ủng hộ của các nghiệp đoàn giáo viên, tổ chức phi chính phủ và đại diện chính quyền địa phương.
Số người tham gia rất lớn, dù số liệu tổng kết còn khác nhau : 90.000 người biểu tình (theo thị trưởng đảng tự do) và 9.000 người (theo cảnh sát ủng hộ chính phủ đương nhiệm).
Trong bài diễn văn khai mạc cuộc biểu tình, ông Grzegorz Schetyna, người đứng đầu đảng tự do, tố cáo biện pháp cải cách tư pháp được cho là nhằm phục vụ đảng bảo thủ, chương trình cải cách giáo dục, quyết định đóng cửa nhiều trường học cũng như vi phạm các quyền tự do báo chí và quyền của phụ nữ". - RFI
|
|
8.
Đụng độ Pakistan-Afghanistan làm 50 người chết
Pakistan nói các cuộc đụng độ biên giới với Afghanistan trong tuần qua đã khiến hơn 50 lính an ninh Afghanistan thiệt mạng và nhiều người khác bị thương, cùng lúc, 5 trong số các tiền đồn của họ đã bị phá hủy.
Thiếu tướng Nadeem Anjum, chỉ huy lực lượng biên phòng bán quân sự cấp tỉnh, đã chia sẻ các thông tin hôm Chủ nhật tại Quetta, thủ phủ của tỉnh biên giới tây nam Baluchistan. Tỉnh này là nơi xảy ra những cuộc giao tranh hôm thứ Năm tuần trước.
Chính phủ Afghanistan nhanh chóng bác bỏ tuyên bố này, họ nói chiến sự đã làm 4 người thiệt mạng, trong đó có 2 nhân viên an ninh, ngoài ra có hơn 30 người bị thương.
Afghanistan có tranh chấp về nhiều đoạn trên đường biên gần 2.600 km với Pakistan, còn gọi là Đường Durand. Đường biên này hình thành năm 1896 khi Anh cai trị Tiểu Lục địa Ấn Độ. - VOA
|
|
9.
Đấu súng ở Kashmir, 5 người chết
Cảnh sát trong vùng Kashmir do Ấn Độ kiểm soát nói phiến quân đã tấn công một đội cảnh sát, giết chết ba thường dân và một viên cảnh sát. Một kẻ tấn công cũng đã chết khi các cảnh sát bắn trả.
Các quan chức cho biết đơn vị cảnh sát đã bị bắn vào tối thứ Bảy khi họ đang dọn đường sau một vụ tai nạn xe cộ.
Nhiều nhóm phiến quân đã chiến đấu trong nhiều thập kỉ qua để đòi giành độc lập cho Kashmir từ tay Ấn Độ, hoặc đòi sáp nhập vùng này với Pakistan. Cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ Kashmir.
Hai nước láng giềng có vũ trang hạt nhân đã có hai cuộc chiến tranh nhằm giành quyền kiểm soát vùng này. - VOA
|
|
10.
Nga chặn ứng dụng của Trung Quốc
Nga đã chặn ứng dụng của WeChat do một công ty của Trung Quốc phát triển vì không cung cấp thông tin liên lạc cho cơ quan quản lý truyền thông của Nga, Reuters đưa tin hôm 6/5.
Việc tiếp cận ứng dụng mạng xã hội được nhiều người ưa thích của Trung Quốc đã bị giới hạn kể từ ngày 4/5.
Năm ngoái, Nga chặn mạng xã hội về việc làm LinkedIn của Microsoft vì vi phạm một điều luật, theo đó yêu cầu dữ liệu về công dân Nga phải được lưu trên máy chủ của Nga.
Tencent, công ty phát triển WeChat, cho Reuters biết rằng họ đang tìm hiểu về hiện trạng của WeChat ở Nga và sẽ trao đổi với các cơ quan liên quan về việc này.
Việc chặn mạng xã hội ra mắt năm 2011 và được nhiều người ưa thích ở Nga được cho là ảnh hưởng tới các du khách Trung Quốc và việc người Nga làm ăn với các đối tác ở quốc gia đông dân nhất thế giới.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, theo Reuters, các ứng dụng mạng xã hội như Facebook và Twitter đã bị chặn, trong bối cảnh Chủ tịch Tập Cận Bình thể hiện quyết tâm bảo vệ “chủ quyền mạng”. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
11.
Thượng Viện sẽ nhức đầu với Trumpcare của Hạ Viện --- Trump tin Thượng viện cũng ủng hộ bỏ Obamacare
Sau nhiều tuần lễ căng thẳng, hôm Thứ Năm, Hạ Viện thông qua dự luật y tế thay thế Obamacare và bây giờ bản dự luật “American Heath Care Act,” còn được gọi là Trumpcare, được chấp thuận vội vã này sẽ được chuyển lên Thượng Viện.
Mặc dù 20 dân biểu Cộng Hòa không tán thành, dự luật vẫn được thông qua bằng một kết quả biểu quyết xít xao 217-213. Điều này không thể làm được hồi Tháng Ba, khi Chủ Tịch Hạ Viện Paul Ryan đã phải rút lại, không đưa ra biểu quyết. Những người thiểu số đảng Dân Chủ đành phải chấp nhận không ngăn cản được, nhưng hy vọng rằng hậu quả của việc này sẽ đem đến thắng lợi chính trị cho đảng của họ trong cuộc bầu cử năm 2018.
Tại Thượng viện, toàn thể 48 thượng nghị sĩ Dân Chủ minh định sẽ đồng thuận chống dự luật. Nếu có thêm hai thượng nghị sĩ Cộng Hòa nữa không đồng ý thì dự luật sẽ chỉ có thể được thông qua bằng lá phiếu quyết định của Phó Tổng Thống Mike Pence với tư cách là chủ tịch.
Thượng Nghị Sĩ Chuck Schumer (Dân Chủ-New York), trưởng khối thiểu số, nói rằng ‘Trumpcare” này là một dự luật vô trách nhiệm gây nguy hiểm về sức khỏe cho hàng chục triệu người dân Mỹ và tổn hại tiền bạc cho hàng triệu người khác.
Một số thượng nghị sĩ Cộng Hòa khác cũng tỏ bày hoài nghi về sự ủng hộ.
Thượng Nghị Sĩ Lindsey Graham (Cộng Hòa-South Carolina) hôm Thứ Sáu đánh đi một tweet: “Dự luật hôm qua chưa phải là đã xong, chưa có những tu chính, và ba giờ thảo luận chung quyết cần phải được duyệt xét lại cẩn thận.”
Kaiser Health News, bản tin của tổ hợp y tế Kaiser Permanente, có một bài nhận định về dự luật Trumpcare, và cho rằng việc Hạ Viện thông qua dự luật này mới chỉ là bước đầu. Thượng Viện sẽ phải đối phó giải quyết năm vấn đề chính sau đây: Medicaid, mức độ dân chúng không được bảo hiểm, giảm thuế, tài trợ cho Planned Parenthood, và thủ tục tại cơ quan lập pháp này.
Medicaid
Giới lãnh đạo Cộng Hòa ở Hạ Viện cho rằng là dự luật này là thay đổi lớn nhất của chương trình y tế trợ giúp dân nghèo giữa liên bang và tiểu bang có từ năm 1965.
Lần đầu tiên, trợ cấp y tế liên bang cho người thu nhập thấp có thể bị giới hạn và chuyển nhiệm vụ về cho tiểu bang. Dân Biểu Paul Ryan nói rằng đây là điều ông mong ước từ lâu. Tuy nhiên, quan điểm này không phải là được đồng thuận trong đảng Cộng Hòa. Một số người ôn hòa tán thành chương trình như hiện hữu, đặc biệt là cho trẻ em và người khuyết tật. Thêm nữa, nhiều thống đốc Cộng Hòa dùng tài trợ của liên bang trong Obamacare để mở rộng chương trình Medicaid cho những người ở tuổi lao động không bị khuyết tật, và lo ngại về tác động tới dân chúng và ngân sách tiểu bang nếu tài trợ bị cắt giảm.
Các thống đốc Ohio, Michigan, Arkansas, và Nevada gởi thư về Hạ Viện và Thượng Viện, nói là dự luật mới “không để các tiểu bang được linh hoạt và không bảo đảm có ngân khoản cần thiết để đừng người dân nào bị bỏ rơi, đồng thời làm cho các tiểu bang phải chịu thêm nhiều tốn kém mới.”
Thượng Nghị Sĩ Rob Portman (Cộng Ho-Ohio), Thượng Nghị Sĩ Bill Cassidy (Cộng Hòa-Louisiana), Thượng Nghị Sĩ Dean Heller (Cộng Hòa-Nevada), và Thượng Nghị Sĩ Moore Capito (Cộng Hòa-West Virginia) là những người bày tỏ quan tâm đến dự luật.
Tăng số người không có bảo hiểm
Những thành viên Cộng Hòa ở Thượng Viện lo sợ vì Văn Phòng Ngân Sách Quốc Hội (CBO) ước lượng, trong vòng một thập niên, hơn 24 triệu người Mỹ sẽ không có bảo hiểm y tế. CBO minh định là Trumpcare sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho hàng triệu gia đình Mỹ và hàng triệu người khác, nhất là người già, sẽ phải trả thêm tiền săn sóc sức khỏe.
Giảm thuế
Những người ôn hòa cho rằng sồ tiền $85 tỷ giảm thuế do các giới lãnh đạo Cộng Hòa Hạ viện đề ra để giúp những người cao niên trả lệ phí bảo hiểm thay thế Obamacare, được coi là quá ít, đặc biết với các người lứa tuổi 50-60. CBO ước lượng theo luật mới, lệ phí bảo hiểm cho một người 64 tuổi, thu nhập mỗi năm $26,000, có thể từ $1,700 hiện nay lên tới hơn $14,000.
Hiệp Hội Người Cao Niên Hoa Kỳ (AARP), một tổ chức mạnh mẽ ủng hộ Obamacare, đưa ra tuyên bố: “Dù không ai nghĩ hệ thống y tế hiện tại là hoàn hảo, dự luật tai hại của Hạ Viện sẽ khiến bảo hiểm y tế kém an toàn và vừa túi tiền.”
Thượng Nghị Sĩ Susan Collins (Cộng Hòa-Maine) nói rằng bà sẽ không ủng hộ dự luật của Hạ Viện như nguyên trạng vì sự quan tâm về tác động đối với thành phần cử tri cao niên.
Những thượng nghị sĩ Cộng Hòa bảo thủ trong lý tưởng vẫn chống biện pháp miễn trừ thuế – như Ted Cruz (Texas), Mike Lee (Utah), và Rand Paul (Kentucky) – quan tâm về sự kiện Trumpcare quá giống với Obamacare mà họ coi như là “Obamcare Lite.” Theo họ, tiền của dân đóng thuế chạy vào túi các công ty bảo hiểm là không thích đáng.
Planned Parenthood
Phe Cộng Hòa từ lâu vẫn thề sẽ cắt bỏ tài trợ cho tổ chức kế hoạch hóa gia đình Planned Parenthood. Dự luật y tế mới của Hạ Viện chắc chắn không bỏ qua việc này, nhưng dường như chỉ trong thời hạn một năm. Lý do là vĩnh viễn bãi bỏ tài trợ cho chương trình này sẽ khiến liên bang tốn kém nhiều hơn. Theo CBO, phụ nữ không được trợ giúp ngừa thai, phá thai sẽ sinh đẻ nhiều hơn và đủ điều kiện để thụ hưởng Medicaid. Thượng Nghị Sĩ Susan Collins và Thượng Nghị Sĩ Lisa Murkowski (Cộng Hòa-Alaska) nói rằng họ chống điều khoản cắt tài trợ Planned Parenthood và sẽ đưa ra tu chính án cho vấn đề này.
Thủ tục
Thượng Viện Cộng Hòa trước đây biểu quyết biện pháp “fast track” không để cho phe Dân Chủ dùng thủ tục “filibuster” để ngăn trở. Nhưng để áp dụng thể thức thức này, tất cả mọi điều khoản của dự luật phải liên quan đến ngân sách. Vì thế, dự luật mới sẽ không được hủy bỏ quy định của Obmacare đòi hỏi các hãng bảo hiểm không được từ chối thân chủ đã sẵn có vấn đề về tình trạng sức khỏe.
Vậy thì Thượng Viện sẽ quyết định thế nào về dự luật Trumpcare? Chắc chắn, họ sẽ đề nghị nhiều điểm tu chính và sẽ còn phải thương lượng để đi đến sự đồng ý. Thượng Nghị Sĩ John Cornyn (Cộng Hòa-Texas), nhân vật số hai của đảng Cộng Hòa tại Thượng Viện, tuyên bố là không có gì vội vã phải thông qua dự luật của Hạ viện. Ông nói: “Không có lịch trình cố định. Khi nào có đủ 51 phiếu đồng ý, chúng tôi sẽ biểu quyết.” - nguoiviet
***
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump bày tỏ tin tưởng rằng Thượng viện sẽ đứng về phía Hạ viện trong việc bãi bỏ chương trình cải cách chăm sóc y tế do cựu Tổng thống Barack Obama thúc đẩy.
Chỉ vài ngày sau khi Hạ viện bỏ phiếu với tỉ lệ sít sao thông qua việc bãi bỏ luật y tế đã tồn tại 7 năm, thường được gọi là Obamacare, hôm Chủ nhật, ông Trump viết trên Twitter: "Các Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa sẽ không để người dân Mỹ thất vọng!"
Cuộc tranh luận kéo dài về chăm sóc y tế ở Hoa Kỳ giờ đây chuyển đến Thượng viện. Hiện vẫn chưa có gì chắc chắn về số phận của nỗ lực nhằm bãi bỏ Obamacare. Một số nhà lập pháp của đảng Cộng hòa bày tỏ quan ngại rằng dự luật đã được Hạ viện thông qua sẽ khiến hàng triệu người không có bảo hiểm, trong khi đảng Dân chủ hoàn toàn đoàn kết chống lại dự luật này và hy vọng sẽ làm thay đổi nó. Các cuộc thăm dò trên toàn quốc cho thấy sự ủng hộ cho dự luật đang tăng lên.
Trong bài viết ngắn trên Twitter, ông Trump tranh luận rằng "Phí bảo hiểm và các khoản miễn thường của ObamaCare quá cao - đó là một lời nói dối và nó đã chết!"
Hạ viện đã bỏ phiếu với tỉ lệ 217/213 ủng hộ việc bãi bỏ Obamacare, đây là chiến thắng lớn đầu tiên của ông Trump về mặt lập pháp trong nhiệm kỳ tổng thống của ông. - VOA
|
|
12.
Số người lãnh án tù chung thân ở Mỹ nay tăng vọt
Số người lãnh án tù chung thân ở Mỹ tăng gần gấp bốn lần kể từ năm 1984 tới nay, theo kết quả một báo cáo do tổ chức chuyên nghiên cứu về các vấn đề hình sự Sentencing Project đưa ra.
Bản báo cáo này cho thấy hiện có 206,268 tù nhân đang bị bản án tù chung thân hay coi như tù chung thân mà không có cơ hội được thả sớm, tức là khoảng 1/7 số tù nhân tại Mỹ.
Tù coi như chung thân, theo tổ chức Sentencing Project, là những bản án mà tù nhân nhiều phần sẽ chết trong tù trước khi mãn hạn.
Trong số này, Sentencing Project thấy cứ năm tù nhân người da đen thì sẽ có một người bị bản án chung thân hay coi như chung thân.
Có khoảng hơn 17,000 tù nhân bị án chung thân hoặc coi như chung thân, bị lãnh án này về các tội không có tính cách bạo động, theo bản báo cáo.
Bà Ashley Neillis, một nhà nghiên cứu của Sentencing Project và cũng là tác giả cuộc nghiên cứu, cho ABC News hay rằng các dữ kiện này được lấy từ bộ cải huấn ở các tiểu bang và cơ quan điều hành các nhà tù liên bang Mỹ.
Bà Neillis nói rằng vấn đề đằng sau các con số này là chi phí lớn lao đối với người đóng thuế ở Mỹ.
“Bất cứ tù nhân nào khởi sự vào tù ở tuổi ngoài 30, trung bình sẽ khiến tiểu bang chi khoảng $1 triệu mỗi năm,” bà Nellis cho ABC News hay.
Bà nói rằng nhiều tù nhân có đủ thứ bệnh trước khi vào tù và số tiền phải chi cho họ tăng lên cùng với tuổi tác. - nguoiviet
|
|
13.
Chị của con rể Trump mời chào nhà đầu tư Trung Quốc
Chị gái của con rể Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đang ở Trung Quốc mời chào những người giàu có đầu tư 500.000 đôla vào các tòa căn hộ cao cấp ở gần thành phố New York. Việc đầu tư này được quảng bá là một phần của một chương trình cho phép họ định cư ở Hoa Kỳ.
Nicole Kushner Meyer là chị gái của Jared Kushner, con rể ông Trump. Jared Kushner là một trong những cố vấn hàng đầu tại Tòa Bạch Ốc.
Bà Nicole Kushner Meyer đã phát biểu hôm Chủ nhật với các nhà đầu tư tiềm năng ở Thượng Hải sau khi cũng đã quảng bá ở Bắc Kinh. Bà Meyer nói với hơn 100 người tại một khách sạn ở Bắc Kinh rằng dự án trị giá 976 triệu đôla là một tháp đôi 66 tầng với gần 1.500 căn hộ. Bà nói dự án "rất có ý nghĩa đối với tôi và gia đình".
Bà đã đề cập rằng em trai bà trước đây là tổng giám đốc điều hành của Kushner Companies. Ông đã từ chức khi ông và vợ; là bà Ivanka, người cũng là con gái lớn của ông Trump; chuyển đến Washington và gia nhập đội ngũ nhân viên của ông Trump.
Để tránh những xung đột lợi ích giữa công việc kinh doanh và vai trò tại Tòa Bạch Ốc, ông Jared Kushner đã rút phần đầu tư của mình trong hoạt động kinh doanh của gia đình khi ông đảm nhận vai trò tại Tòa Bạch Ốc, bao gồm cả phần liên quan của ông đến dự án One Journal Square ở Jersey City, bang New Jersey, là dự án mà chị gái ông đang quảng bá.
Tại buổi quảng bá ở Bắc Kinh, không có lời nào đề cập rõ ràng đến mối liên kết giữa ông Jared Kushner với ông Trump, nhưng những tấm áp phích quảng cáo có dòng chữ "Chính phủ ủng hộ, nhà phát triển bất động sản nổi tiếng xây dựng dự án".
Bà Meyer đang tìm kiếm các nhà đầu tư theo chương trình thị thực EB-5 của Hoa Kỳ, chương trình này trao quyền định cư ở Mỹ cho các nhà đầu tư nước ngoài giàu có, nếu họ đầu tư ít nhất nửa triệu đôla vào một hoạt động kinh doanh ở Hoa Kỳ tạo ra 10 việc làm.
Một tập sách quảng cáo về tòa tháp căn hộ có đoạn "Hãy đầu tư 500.000 đôla và di cư sang Hoa Kỳ". - VOA
|
|
Tin Việt Nam
14.
Ông Đinh La Thăng bị cảnh cáo, thôi ủy viên bộ chính trị --- Ông Đinh La Thăng bị cảnh cáo, Facebook ‘dậy sóng’
Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định thi hành kỷ luật ông Đinh La Thăng bằng hình thức “cảnh cáo” và “cho thôi giữ chức” Uỷ viên Bộ Chính trị khoá 12.
Thông tin về việc kỷ luật ông Thăng, hiện là Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, được nêu trong thông cáo báo chí về phiên họp hôm 7/5 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá 12, thường gọi là Hội nghị Trung ương 5.
Thông cáo của Văn phòng Trung ương Đảng cho biết Ban chấp hành Trung ương đã biểu quyết với tỉ lệ phiếu rất cao, trên 90%, về biện pháp kỷ luật ông Đinh La Thăng.
Để đi đến quyết định kỷ luật, Ban chấp hành Trung ương đã xác định rằng ông Thăng “đã mắc những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng” trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và công tác nhân sự trong thời gian ông giữ cương vị Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá 10, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam giai đoạn 2009-2011.
Ban chấp hành Trung ương nêu rõ rằng những khuyết điểm, vi phạm của ông Thăng đã “ảnh hưởng xấu” đến uy tín của “cấp uỷ”, “tổ chức đảng” và cá nhân ông Thăng, “gây bức xúc” trong cán bộ, đảng viên và nhân dân đến.
Thông cáo cho hay Tổng Bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì phiên họp của Ban Chấp hành hôm 7/5 về xem xét, thi hành kỷ luật cán bộ.
Tại phiên họp này, ông Đinh La Thăng đã phát biểu ý kiến nhưng thông cáo không cho biết ông đã bày tỏ những gì trước khi quyết định kỷ luật được đưa ra.
Những đồn đoán về chức vụ của ông Thăng bị lung lay đã xuất hiện từ cuối tháng 4 sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp 4 về các sai phạm ở Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), nơi ông Thăng từng nắm các chức vụ quan trọng nhất từ 2009-2011.
Ủy ban Kiểm tra khẳng định ông Thăng có những sai phạm gồm ký một nghị quyết của Đảng ủy Tập đoàn hồi năm 2009 “không phù hợp với quy định pháp luật” để tập đoàn và các đơn vị thành viên chỉ định nhiều gói thầu “trái pháp luật”; hành động quá quyền hạn khi ký thỏa thuận góp vốn hồi năm 2008 với Oceanbank; quyết định đầu tư tràn lan nhưng lại thiếu kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện, dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp; một số dự án bị dở dang, thua lỗ kéo dài, gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Ngày 27/4, Ủy ban đã đề nghị Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng - hai cơ cấu quyền lực cấp cao nhất của đảng - “xem xét, thi hành kỷ luật” đối với ông Thăng.
Trong một cuộc phỏng vấn mới đây với VOA, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, nhận định một khi Ban Chấp hành Trung ương kỷ luật ông Đinh La Thăng, vị trí bí thư thành ủy Tp.HCM “có lẽ sẽ không còn thích hợp” với ông. Tiến sĩ Doanh cho rằng “chắc chắn sẽ có một người khác về làm bí thư thành ủy Tp.HCM”.
Trước phiên họp của Ban chấp hành Trung ương về việc kỷ luật ông Thăng, nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, nói với VOA rằng nếu ông Trọng và đội ngũ của ông “thành công trong việc kỷ luật ông Thăng”, có thể “ông Thăng chưa phải là mục tiêu cuối cùng”.
Tiến sĩ Hiệp nói việc “cách các chức vụ trong quá khứ” gần đây đã trở thành một tiền lệ trong Đảng Cộng sản. Ông Hiệp nói thêm là “không loại trừ khả năng” hình thức này sẽ được áp dụng cho cả “các nhân vật từng nằm trong ‘tứ trụ’”, tức là bốn nhà lãnh đạo hàng đầu về mặt đảng, quốc hội và chính phủ của Việt Nam. - VOA
***
Người sử dụng mạng xã hội lớn nhất thế giới đưa ra nhiều ý kiến trái chiều sau khi ông Đinh La Thăng “bị cảnh cáo” và “mất ghế Bộ Chính trị”.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng hôm 7/5 đã ra quyết định trên, với “tỉ lệ phiếu biểu quyết rất cao (trên 90%)”, trong buổi họp do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng “chủ trì và điều hành”.
Trang Faceook của chính phủ Việt Nam cho biết rằng dù trong 35 năm làm việc tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), ông Thăng “có những đóng góp nhất định”, ông đã “mắc những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng” trong khi lãnh đạo cơ quan nhà nước này từ năm 2009 tới 2011.
Trong phần bình luận dường như đã được “sàng lọc” phía dưới tin này, ý kiến đầu tiên nói rằng đây là quyết định “sáng suốt”.
Vụ việc liên quan tới ông Thăng khiến cái tên của quan chức trực ngôn này trở nên “hot” trên Facebook hôm 7/5 với hàng chục nghìn lượt tìm kiếm.
Trên một trang không rõ nguồn gốc có tên Đinh La Thăng, tin về vụ cảnh cáo ông thu hút được hơn một nghìn bình luận, một Facebooker tên Thophuong Nguyen viết: “Tiếp tục mạnh mẽ như bản tính vốn có của mình ông Đinh La Thắng nhá... Không bao giờ lùi bước”.
Thông cáo báo chí của Văn phòng Trung ương Đảng về vụ cảnh cáo ông Thăng không nói chi tiết các “khuyết điểm, vi phạm” của ông là gì, nhưng theo báo điện tử VnExpress, quan chức mạnh miệng này “được cho là đã có một số quyết định đầu tư gây thất thoát vốn và ban hành một số văn bản trái pháp luật, vi phạm quy chế làm việc”.
Về việc này, một Facebooker tên Công Trần nhận xét trên trang Facebook của VOA Việt Ngữ rằng “dân sai phạm gây hậu quả nhỏ thì tù tội, còn đảng sai phạm gây hậu quả nghiêm trọng thì chỉ kỷ luật cảnh cáo thôi sao???”
Trong khi đó, bạn đọc Minh Đức viết: “Ông Đinh La Thăng có bị trừng phạt thì cũng không làm cho đảng CSVN trong sạch hơn. Ông Đinh La Thăng mà không bị trừng phạt thì cũng không làm cho đảng CSVN xấu xa hơn”.
Còn một bạn đọc khác có tên Hoang John viết cho VOA tiếng Việt: “… còn nhiều chuột lắm, cái thể chế này nuôi và đẻ ra chuột có những con lão luyện chén hết cả đất cả rừng cả biển....! Bác Trọng đã bắt đầu diệt chuột trong bình cảm ơn cảm ơn!”
Cách đây ba năm, trong cuộc tiếp xúc với cử tri ở Hà Nội, người lãnh đạo đảng cầm quyền ở Việt Nam tuyên bố rằng “phải bình tĩnh, tỉnh táo” trong cuộc chiến chống tham nhũng, và “diệt chuột đừng để vỡ bình”, “giữ cho được cái ổn định”.
Sau khi được bầu vào Bộ Chính trị rồi được chỉ định làm Bí thư thành ủy Sài Gòn, ông Thăng từng tuyên bố "không chấp nhận thành phố tụt hậu như một định mệnh” mà phải giành lại ngôi vị "Hòn ngọc viễn Đông".
Một bạn đọc tên Tuấn Nguyễn viết trên trang Facebook của VOA tiếng Việt: “Hoà bình lâu rồi nhưng những cuộc chiến ngầm còn đang sôi sục lắm? Thôi rồi, còn đâu mơ ước Hòn ngọc Viễn Đông?”
Hiện chưa rõ chức vụ Bí thư Thành ủy Sài Gòn của ông Thăng sẽ được xử lý ra sao, và liệu có người sẽ lên thay ông trong Bộ Chính trị hay không. - VOA
|
|
15.
Nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng không được vào khu vực cách ly sân bay
An ninh sân bay Nội Bài, Hà Nội, sáng thứ Sáu 5/5/2017, đã từ chối đề nghị cho nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng vào khu vực cách ly của sân bay, tức khu vực dành cho những người đã làm thủ tục đi nước ngoài, chuẩn bị lên máy bay.
Cụ thể, báo Dân Trí trích dẫn một nguồn tin riêng cho hay, lấy lý do là trên chuyến bay mang số hiệu VN 512 của Vietnam Airlines khởi hành lúc 10:10 phút sáng ngày 5/5/2017, có người thân đi nước ngoài, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đề nghị được vào khu vực cách ly của sân bay để “đưa tiễn” người nhà, nhưng đã bị từ chối.
Một nhân viên làm việc tại bộ phận tiếp nhận văn bản đề nghị cho ông Hoàng vào khu vực cách ly, không muốn tiết lộ danh tính, nói với báo Dân Trí: "Thực tế là cả ngày hôm đó 5/5 không có ai được vào khu vực cách ly cả. Tất nhiên là không có cả ông Vũ Huy Hoàng".
"Không có một cơ quan nào giải quyết chuyện này cả: Tổng công ty Hàng không cũng không, An ninh cũng không, Hải quan cũng không có thông báo, không có ý kiến gì nên không có hoạt động nào được triển khai ở khu vực cách ly hôm đó", nguồn tin từ một cơ quan nhận được văn bản đề nghị cấp thẻ an ninh cho ông Hoàng khẳng định với Dân Trí.
Cũng theo nguồn tin của Dân Trí, chính Bộ Công Thương đã gửi văn bản xin được tạo điều kiện cấp thẻ an ninh cho ông Vũ Huy Hoàng vào khu vực cách ly sân bay để tiễn người thân đi công tác nước ngoài, nhưng cuối cùng đã bị từ chối.
Đề nghị này được gửi đến tất cả các cơ quan: An ninh, Công an, Hải quan cửa khẩu Nội Bài, Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Cảng vụ Hàng không miền Bắc, Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài.
Theo gải thích của cơ quan an ninh, việc đề xuất cho ông Vũ Huy Hoàng có quyền đi vào khu vực cách ly sân bay tại thời điểm này được cho là "nhạy cảm". Vì ông Vũ Huy Hoàng vừa bị Ban bí thư Trung ương Đảng ra quyết định kỷ luật vì những sai phạm trong thời gian lãnh đạo Bộ Công Thương (nhiệm kỳ 2011-2016).
Đây là thời điểm xảy ra các vụ bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh, Vũ Quang Hải vào chức vụ lãnh đạo các đơn vị kinh doanh của Bộ Công Thương, gây thất thoát công quỹ hàng ngàn tỷ đồng. Sau khi sai phạm bị phát hiện, ông Trịnh Xuân Thanh đã bỏ trốn ra nước ngoài và hiện đang bị Bộ Công An Việt Nam phát lệnh truy nã.
Theo một số nhận định, thì đây có thể coi là một trong những lý do khiến ông Vũ Huy Hoàng mặc dù được Bộ Công Thương đề nghị cấp thẻ an ninh để vào khu vực cách ly của sân bay Nội Bài, nhưng đã bị các cơ quan chức năng từ chối. - RFA
Link:
http://bit.ly/2kWPNo9
No comments:
Post a Comment