Saturday, May 20, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Bảy 20/5

Tin Thế Giới

1.
Ả Rập Xê-út trải thảm đỏ đón Tổng thống Trump --- Lãnh đạo NATO chờ ông Trump tới thăm với nhiều âu lo

Tổng thống Donald Trump đã tới “Riyadh, thủ đô của Ả Rập Xê-út, khởi đầu chuyến công du đầu tiên ra nước ngoài trong cương vị Tổng thống Hoa Kỳ.

Ông Trump và phu nhân Melania được Quốc vương Salman Bin Abdulaziz nghênh đón tại phi trường. Nhà vua cùng vợ chồng ông Trump sau đó đi bộ trên thảm đỏ tới ‘hội trường hoàng gia’, một cổng ở phi trường này. Vài phút sau, Tổng thống và phu nhân cùng nhà vua Ả Rập Xê-út rời phi trường trên đoàn xe có hộ tống chạy vào thành phố.

An ninh được siết chặt thấy rõ tại phi trường với sự hiện diện của nhiều quân xa trang bị vũ khí.

Từ trước tới nay, chưa từng có một Tổng thống Mỹ nào chọn Ả Rập Xê-út làm điểm đến trong chuyến công du đầu tiên ra nước ngoài.

Quyết định này của Tổng thống Trump là một chọn lựa gây ngạc nhiên, đặc biệt sau những lời lẽ cổ vũ cho chính sách “Nước Mỹ trên hết” mà ông Trump liên tục nhắc đến trong chiến dịch vận động tranh cử, cũng như lời kêu gọi của ông cấm người Hồi giáo nhập cư và những sắc lệnh hạn chế du hành đối với 6 nước có đa số dân theo Hồi giáo.

Ả Rập Xê-út, nước có quan hệ lâu dài và sâu rộng với Hoa Kỳ về mặt năng lượng và quốc phòng, không có tên trong danh sách các nước bị cấm du hành.

Trong hai ngày ở Ả Rập Xê-út, dự kiến một thỏa thuận vũ khí trị giá hơn 100 tỉ đôla sẽ được trình làng, và gia đình hoàng gia Ả Rập Xê-út đã mời hàng chục nhà lãnh đạo trên khắp thế giới Hồi giáo đến gặp ông Trump.

Trong ngày đầu tiên tại đây, ông Trump sẽ dành hầu hết thời gian để gặp Quốc vương Salman và các thành viên khác trong gia đình hoàng gia trước khi dự một buổi dạ tiệc. Ngày mai, Chủ nhật 21/5, ông sẽ gặp hàng chục nhà lãnh đạo Ả rập và Hồi giáo tại một hội nghị thượng đỉnh mà chủ đề là thảo luận về những phương án chống chủ nghĩa cực đoan.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo hôm thứ Sáu xác nhận ông sẽ đến dự hội nghị cấp cao này.

Một người phát ngôn của chính phủ Indonesia nói:

“Chúng tôi coi đây là một cuộc họp quan trọng bởi vì đây là lần đầu có cuộc gặp gỡ giữa tân chính phủ Mỹ và các nước Hồi giáo, để bàn về những vấn đề mà tất cả đều quan tâm, đặc biệt là cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa khủng bố.”

Trọng tâm chuyến đi

Đối mặt với những vụ tai tiếng chính trị ở trong nước, Tổng thống Trump muốn dùng chuyến công du để đưa ra một hình ảnh về chính quyền của ông như một lãnh đạo toàn cầu bằng cách giúp thiết lập một liên minh với các nhà lãnh đạo Hồi giáo đồng tâm muốn chiến đấu chống “chủ nghĩa khủng bố cực đoan Hồi giáo”, theo cách gọi của ông Trump, một cụm từ mà người Ả Rập Xê-út tránh dùng.

Dân biểu Thomas Suozzi, một thành viên thuộc tiểu ban đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ về Trung đông, nói với VOA rằng điều rất quan trọng là Tổng thống Trump phải vươn ra tới các nước có đa số dân theo Hồi giáo, phân biệt đâu là bạn hữu và hợp tác với họ để cùng chung tay đánh bại những kẻ thù chung.

Ông nói: “Chúng ta phải thừa nhận rằng đa số tín đồ Hồi giáo là những người yêu chuộng hòa bình, có niềm tin tôn giáo mạnh mẽ và muốn thấy một thế giới hài hòa, và chúng ta cần đồng hành với họ.”

Một viễn kiến chung với Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh và Tổ chức Hợp tác Hồi giáo để củng cố cuộc chiến chống lại al-Qaida và nhóm tự xưng là Nhà Nước Hồi giáo, cũng sẽ đặt ông Trump rõ rệt vào một phe trong sự chia rẽ ý thức hệ giữa người Hồi giáo Sunni và Hồi giáo Shia trong thế giới Hồi giáo.

Người Ả Rập Xê-út theo Hồi giáo Sunni, trong khi người Iran, đa số theo Hồi giáo Shia.

Tranh chấp khu vực

“Đi thăm Riyadh là một động thái mang biểu tượng lớn đối với Iran”, theo ông Mike Pregent, một nhà nghiên cứu thuộc viện Hudson.

Nhà phân tích các vấn đề Trung đông nói với VOA rằng nỗ lực thiết lập các liên minh mới bao gồm các thế lực chống Iran trong khu vực đang diễn ra bởi lẽ các nước này coi Iran là “mối đe dọa lớn nhất sau ISIS, và ISIS sẽ không bao giờ bị tiêu diệt vì có Iran hậu thuẫn.”

Trong khi các giới chức chính phủ Mỹ nói ông Trump là người mạnh mẽ tin tưởng vào nhân quyền, họ thừa nhận vấn đề nhân quyền sẽ không phải là đề tài quan trọng được mang ra thảo luận trong chuyến đi này.

Điều này gây phẫn nộ nơi nhiều người.

Bà Sarah Leah Watson, Giám Đốc Tổ chức Human Rights Watch tại Trung Đông, nói với VOA rằng Ả Rập Xê-út là một đối tác ‘lạ đời’ của Mỹ, nếu Mỹ muốn đánh bại ý thức hệ cực đoan bạo động “bởi vì chính quyền Ả Rập Xê-út và các chính sách của họ là một trong những nguồn chủ yếu đưa đến cực đoan bạo động”

Để chứng tỏ mong muốn của họ muốn thắt chặt liên minh thân thiết hơn nữa với Washington, nước chủ nhà sẽ chủ trì một diễn đàn trên truyền thông xã hội, để lắng nghe ông Trump đọc một bài diễn văn gửi đến thế giới Hồi giáo vào ngày mai.

Thêm vào đó, Ả Rập Xê-út còn tổ chức một hội nghị chống khủng bố, khai mạc một trung tâm nghiên cứu “chống tư tưởng cực đoan”, đồng thời tiên đoán rằng nhiều thỏa thuận doanh thương quan trọng sẽ được ký kết tại diễn đàn dành cho các giám đốc điều hành công ty. - VOA

***
Trong chuyến công du đầu tiên ra nước ngoài, Tổng thống Donald Trump sẽ gặp lãnh đạo các nước thành viên NATO khác ở Bruxelles. Một số nhà lãnh đạo rất lo ngại về cam kết Tổng Thống Mỹ đối với liên minh phòng thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO), một liên minh trong đó Hoa Kỳ đã đóng vai trò chủ lực từ khi thành lập vào lúc khởi đầu Chiến tranh lạnh.



Tổng thống Trump cho biết ông đã thay đổi ý kiến sau khi gặp gỡ Tổng Thư Ký NATO vào tháng trước. Ông nói:


“Trước đây tôi nói NATO đã lỗi thời, NATO không còn lỗi thời nữa.”



Trong chiến dịch vận động tranh cử, ông Trump đã gây lo ngại cho các thành viên NATO khi ông cam kết sẽ đưa ra một lập trường về thế giới có tính cách dân tộc chủ nghĩa và có khuynh hướng cô lập hóa. Nhưng sau rốt, lập trường đó được coi là không thực tế, theo lời một số nhà phân tích.



Giáo sư James Goldgeier thuộc đại học American phát biểu:



“Trước đây, ông Trump nhận những thông tin khá sai lạc. Bây giờ vẫn không rõ ông ấy được thông tin tốt hơn thế nào, nhưng rất khó có thể vứt bỏ một liên minh đã được Hoa Kỳ đặt ở hạng ưu tiên đầu trong chính sách an ninh quốc gia từ năm 1949 cho tới bây giờ.”



Các cố vấn hàng đầu nói ông Trump sẽ mang theo thông điệp đó tới Bruxelles. Cố vấn An ninh Quốc gia McMaster:



“Tổng thống Trump hiểu rằng chính sách Nước Mỹ Trên Hết không có nghĩa là Nước Mỹ đơn độc. Ngược lại, đặt các lợi ích của nước Mỹ lên hàng ưu tiên cao hơn có nghĩa là phải củng cố các quan hệ liên minh và đối tác khả dĩ có thể giúp chúng ta nới rộng ảnh hưởng và cải thiện an ninh của nhân dân Mỹ.”



Tuy nhiên ông Trump vẫn duy trì lập trường cứng rắn về một vấn đề, ông nhấn mạnh tất cả các nước hội viên NATO phải chia sẻ gánh nặng một cách công bằng bằng cách thực thi cam kết sẽ đóng góp 2% GDP cho ngân sách quân sự của mình.



Ông Stephen Blank thuộc Hội đồng Chính sách Đối ngoại Hoa Kỳ, nhận định:



“Vấn đề đặt ra ở đây là, những khoản đầu tư đó sẽ mang lại kết quả nào? Họ phải làm rất nhiều điều trước khi có thể đuổi kịp. Họ chỉ mới bắt đầu đổ ra những khoản đầu tư cần thiết. Và lẽ dĩ nhiên, là phải thành lập một lực lượng đa quốc, rồi hội nhập lực lượng đó thành một đơn vị chiến đấu có quy củ.”



Những người ủng hộ NATO nói rằng trong bối cảnh nước Nga đang trở nên ngày càng trở nên hung hăng hơn, vùng Trung Đông đang tan rã và chiến dịch chống khủng bố vẫn kéo dài tại Afghanistan và nhiều nơi khác, thì sự hiện diện của liên minh phòng thủ Bắc Đại Tây Dương, tức NATO, vẫn cần thiết hơn bao giờ hết. Những người này hy vọng các nguyên thủ quốc gia khác tham dự hội nghị thượng đỉnh Bruxelles, có thể thuyết phục Tổng thống Trump về thực tế đó. - VOA
|
|

2.
Tài chính cạn kiệt, Nhà Nước Hồi giáo ngày càng bế tắc

Theo các công tố viên Iraq, nguồn tài chánh của Nhà Nước Hồi giáo (IS) ngày càng cạn kiệt giữa lúc nhóm này tiếp tục mất thêm lãnh thổ ở Syria và Iraq, và đó là lý do khiến IS bán tống bán tháo tất cả những gì có thể mang ra bán.

Trong một phúc trình gần đây, Hội đồng Tư Pháp Tối cao Iraq nói các cuộc thẩm vấn do các công tố viên thực hiện với một nhóm thành viên IS bị bắt giữ, cho thấy IS đã đổ hàng hóa vào các ngôi chợ ở Iraq, hy vọng mang về lợi tức nhanh chóng hầu có tiền chi vào các hoạt động quân sự.

Lời thú nhận của nhóm chiến binh IS xác nhận rằng nhóm này gần đây đã phải gây quỹ gián tiếp bằng cách gửi hàng hóa tới các nhà cung cấp, để họ bán lại sau đó cho các nhà bán lẻ.

Trước khi bắt đầu mất lãnh thổ, IS thu về hàng triệu USD tiền thu nhập dựa trên các hoạt động bất hợp pháp như chuyển lậu dầu hỏa và khí đốt, đồng thời áp đặt một hệ thống thu thuế khắc nghiệt tại các vùng lãnh thổ bị nhóm này chiếm đóng.

Nhưng trong bối cảnh liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo thả bom vào các xe bồn và hệ thống hạ tầng sản xuất dầu hỏa, Bộ Tài chính Mỹ nói thu nhập do dầu hỏa mang lại cho IS đã sụt giảm tới 90% so với cao điểm năm 2015, là 80 triệu đôla mỗi tháng.

Trong khi IS phải chạy ra khỏi nhiều khu vực ở Iraq và Syria, khả năng bắt dân đóng thuế cũng không còn. Các bản tin gần đây nói rằng các chiến binh IS trong tình trạng túng quẫn, đã ngưng trả lương cho chiến binh tại môt số khu vực.

Nhà chức trách Iraq nói IS đang đổ tháo ra chợ những mặt hàng lương thực giá rẻ, gần ngày hết hạn để bán đi thật nhanh.

Hàng được đưa vào Iraq từ các nước kế cận qua một hệ thống chở hàng lậu bằng xe tải là nguồn tài chính đã giúp thành phố Mosul hoạt động trước khi khởi sự chiến dịch quân sự được Hoa Kỳ yểm trợ, nhằm đẩy bật Nhà Nước Hồi giáo ra khỏi thành phố Mosul hồi cuối năm ngoái.

Các con buôn nói các sản phẩm rẻ tiền của IS làm cho giá cả tuột dốc, ảnh hưởng tới lợi nhuận.

Các chuyên gia thì cho rằng việc IS bán tháo hàng hóa cho thấy nhóm này ngày càng lâm vào tình trạng thiếu tái chính nghiêm trọng. - VOA
|
|

3.
Khó thi hành Bộ qui tắc ứng xử Biển Đông

Các quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc nên bắt đầu bằng một “thỏa thuận danh dự” về vấn đề Biển Đông vì không có cơ chế nào để thi hành bất cứ thỏa thuận nào về mặt pháp lý, Ngoại trưởng Philippines tuyên bố ngày 19/5.

Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc ngày 18/5 đã hoàn tất dự thảo khung để thương lượng về Bộ Quy tắc Ứng xử Biển Đông, dù có hoài nghi rằng Trung Quốc không tuân hành các luật lệ hạn chế tham vọng hàng hải của họ.

Các nước Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền chồng chéo tại Biển Đông từ lâu muốn Trung Quốc ký một bộ qui tắc có tính cách ràng buộc pháp lý và thực thi được. Hiện chưa rõ điều này có được đề cập đến trong khung dự thảo hay không vì nội dung chi tiết chưa được công bố.

Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Alan Peter Cayetano hạ giảm tầm quan trọng của một thỏa thuận có tính ràng buộc về phương diện pháp lý.

“Nếu đó là một thỏa thuận ràng buộc pháp lý, các bên có thể đưa ra tòa án nào? Và những quốc gia không tuân thủ, liệu họ có tôn trọng phán quyết của tòa án đó hay không?” ông Cayetano nêu vấn đề.

Ông nói: “Hãy bắt đầu bằng thỏa thuận danh dự có tính cách ràng buộc. Chúng ta có một cộng đồng các nước ký bản thỏa thuận này.”

Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền hầu hết Biển Đông, hải lộ với khoảng 5.000 tỉ đô la hàng hóa qua lại mỗi năm. Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền ở đây.

Năm ngoái, Tòa án Trọng tài Thường trực tại La Haye, quyết định vô việu hóa bản đồ lưỡi bò của Trung Quốc trong một vụ kiện về ranh giới biển mà chính phủ trước của Philippines đệ nạp năm 2013.

Một bộ qui tắc ứng xử là mục tiêu chính yếu của Tuyên bố Ứng xử năm 2002, mà phần lớn tuyên bố này đã bị Trung Quốc phớt lờ, đặc biệt là cam kết không chiếm hay lấy đất lấn biển những vùng không có người ở.

Trung Quốc đã lấp cát trên các vĩa san hô để xây dựng 7 đảo nằm trong quần đảo Trường Sa. Mọi việc chưa hoàn tất và ba bãi đá đã bị Trung Quốc biến thành căn cứ tiền phương, theo nhận xét của các chuyên gia.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 19/5 mô tả các đảo nhân tạo này như là một “loại tiền đồn.”

Khung qui tắc ứng xử có thể bao gồm một đường dây nóng 24/24 và thúc đẩy các giới chức quốc phòng tìm cách thuân thủ qui tắc, ông Chee Wee Kiong thuộc Bộ Ngoại giao Singapore cho biết hôm 18/5.

Một số nhà ngoại giao lo ngại là việc Trung Quốc bất chợt quan tâm đến việc hoàn tất bộ quy tắc có thể là một chiến lược mua thời gian giúp Trung Quốc kết thúc các hoạt động xây dựng.

Các chuyên gia nói Trung Quốc muốn làm ra vẻ như giao tiếp với ASEAN hay ràng buộc các nước đòi chủ quyền với một bộ qui tắc ứng xử ‘mềm’ hơn giữa lúc chính sách của Hoa Kỳ về Biển Đông chưa rõ ràng.

Một nhà ngoại giao ASEAN nói dự thảo cuối cùng không đề cập đến cơ chế giải quyết tranh chấp nào hay chế tài những vi phạm, nhưng chú trọng hầu hết vào việc quản lý căng thẳng và xây dựng lòng tin.

“Chúng tôi rất thực tế và rõ ràng,” nguồn tin ẩn danh của Reuters cho biết. “Trước nhất chúng tôi muốn gặt hái những gì trong tầm tay. Nếu chúng tôi đi thẳng vào vấn đề tranh cãi, chúng tôi sẽ không đến nơi chúng tôi đang đứng hiện nay.”

Dự thảo khung là một tiến bộ, nhưng chúng ta cũng nên thực tế trong kỳ vọng của mình, ông Jay Batongbacal, một học giả Philippines và là một chuyên gia về Biển Đông, nhận xét. - VOA
|
|

4.
Căn cứ không quân Libya bị tấn công, nhiều binh sĩ bị hành quyết

Ít nhất 141 người, đa số là binh sĩ dưới trướng của Nguyên soái Khalifa Haftar của Quân đội Quốc gia Libya, đã bị giết chết hôm thứ Sáu trong một cuộc tấn công vào một căn cứ không quân ở Nam Libya, theo người phát ngôn của lực lượng dân quân Libya.

Người phát ngôn, ông Ahmad al-Mismari, nói với hãng tin AFP rằng cuộc tấn công nhắm vào căn cứ không quân Brak al-Shati đã được thực hiện bởi một lực lượng dân quân trung thành với Chính phủ Đoàn kết Quốc gia ở Tripoli được Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn.

Ông này cho biết là các binh sĩ lúc đó vừa trở về sau một cuộc diễn binh.

“Họ không mang theo vũ khí. Đa số bị hành quyết”, ông nói.

Chính phủ Đoàn kết Quốc gia Libya (GNA) đã lên án vụ tấn công và bác bỏ mọi cáo buộc cho rằng họ có dính líu trong vụ này.

GNA hứa sẽ điều tra vụ tấn công và cho biết sẽ đình chỉ công tác Bộ trưởng Quốc phòng al-Mahdi al-Barghati cho tới khi nào xác định được danh tính của những kẻ chịu trách nhiệm.

Các lực lượng dân quân đối nghịch đã kèn cựa nhau để giành thế thượng phong ở Libya từ năm 2011, khi một cuộc nổi dậy lật đổ nhà lãnh đạo lâu năm của Libya, Moammar Gadhafi, ra khỏi vị thế cầm quyền.

Quân đội Quốc gia Libya (LNA) nhất mực không chấp nhận tính chính đáng của Chính phủ Đoàn kết Quốc gia (GNA), và thay vào đó, ủng hộ một chính thể đối nghịch ở Đông Libya. - VOA
|
|

5.
Iran: Tổng thống mãn nhiệm Rohani tái đắc cử với tỷ lệ 57%

Theo kết quả chính thức do chính bộ trưởng Nội Vụ Iran công bố vào trưa nay, 20/05/2017, tổng thống Iran Hassan Rohani đã chiến thắng trong cuộc bầu cử vào hôm qua, được bầu lại làm tổng thống ngay vòng đầu với 57% số phiếu.

Dựa trên 99,7% phiếu đã kiểm, ông Rohani đã thu được 23,5 triệu phiếu, trong lúc đối thủ chủ chốt của ông là nhân vật bảo thủ Ebrahim Raisi chỉ được 15,8 triệu phiếu, tương đương với 38,3%.

Thắng lợi của tổng thống Iran Rohani còn vẻ vang hơn nữa khi tỷ lệ người đi bầu rất đông đảo, đạt mức 73%. Theo hãng tin Anh Reuters, chính lượng cử tri đi bầu đông đảo này đã giúp vị tổng thống ôn hòa này chiến thắng dễ dàng để có thể tiếp tục chính sách hòa dịu mà ông đã khởi sự trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình.

Số người đi bầu đông đảo đến mức mà chính quyền đã phải nhiều lần lùi giờ đóng cửa phòng phiếu để cho mọi cử tri có thể thực hiện quyền công dân của mình.

Giải thích về thái độ hăng hái đi bầu của người dân Iran, ông Nasser, một nhà báo 52 tuổi cho rằng việc các nhóm cực kỳ bảo thủ tại Iran rầm rộ huy động lực lượng, và khả năng nhân vật bảo thủ Raisi - được giáo chủ Ali Khamenei hậu thuẫn - thực sự đắc cử, đã làm nhiều cử tri sợ hãi và thôi thúc họ đị bầu.

Nhìn chung, tương tự như vào cuộc bầu cử năm 2013, nhưng sau một chiến dịch vận động căng thẳng và gay gắt, ông Hassan Rohani, 68 tuổi, đã chiến thắng ngay vòng đầu.

Cho dù trong thể chế Cộng Hòa Hồi Giáo của nước Iran, quyền hạn của tổng thống bị quyền lực của lãnh đạo Hồi Giáo tối cao hạn chế, nhưng quy mô to lớn của chiến thắng mà tổng thống Rohani giành được sẽ tạo điều kiện thuận lợi công cuộc cải tổ mà ông muốn tiếp tục thực hiện.

Trước mắt, sự kiện tổng thống Rohani tái đắc cử sẽ là một bảo đảm cho tính bền vững của các thỏa thuận về hạt nhân Iran được ký kết vào tháng 7 năm 2015 giữa chính quyền Téheran với nhóm sáu cường quốc được gọi là P5 + 1 (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức). - RFI
|
|

6.
Trung Quốc triển khai tên lửa HQ-9 tại Hải Nam để lập vùng cấm bay?

Trung Quốc đã cho triển khai hệ thống tên lửa địa đối không HQ-9 trên đảo Hải Nam, gần với Việt Nam. Thông tin được công ty ImageSat International (ISI) của Israel đưa ra dựa trên những phân tích các hình ảnh mới nhất chụp từ vệ tinh.

Theo bản báo cáo của ISI, được trang ABS-CBN News đăng ngày 20/05/2017, « dường như Trung Quốc bắt đầu thực hiện vùng cấm bay trên Biển Đông ».

Cụ thể là nhưng hình ảnh được chụp ngày 08/05 cho thấy hai xe phóng tên lửa HQ-9, một trung tâm radar và ba đường phóng tên lửa trên một ngọn đồi được cảnh giới ở phía nam đảo Hải Nam. Trung tâm radar dường như được sử dụng để triển khai hệ thống radar cảnh báo sớm và radar kiểm soát hỏa lực.

Những hình ảnh chụp ngày 15/03 trước đó không cho thấy bất kỳ xe phóng tên lửa hay radar nào trên cùng vị trí.

Trước đó, Trung Quốc đã triển khai hệ thống tên lửa HQ-9 trên đảo Phú Lâm (Woody Island) thuộc quần đảo Hoàng Sa, do Trung Quốc kiểm soát nhưng cả Việt Nam và Đài Loan cùng đòi chủ quyền.

Theo báo cáo của ISI, kế hoạch triển khai hệ thống tên lửa trên hai đảo Phú Lâm và Hải Nam nhằm mục đích « hình thành một khu vực cấm bay rộng lớn bao phủ trục đường hàng hải quan trọng trong vùng ». Các chuyên gia của ISI nhận định « trong tương lai sẽ có nhiều giàn pháo hơn trên các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp » nhằm tăng cường đòi hỏi chủ quyền tại Biển Đông.

Trong một báo cáo khác, các chuyên gia của ISI nhận thấy dường như Trung Quốc đã triển khai hệ thống tên lửa đối hạm tại căn cứ hải quân Du Lâm (Yulin), cực nam đảo Hải Nam. Những tên lửa này có tầm bắn khoảng 400 km.

Căn cứ vào việc Trung Quốc cho triển khai hệ thống tên lửa địa đối không và tên lửa đối hạm ở căn cứ Du Lâm và quần đảo Hoàng Sa, các chuyên gia đánh giá « Trung Quốc đã bắt đầu thiết lập một hành lang kiểm soát hàng hải và hàng không tại Biển Đông". - RFI
|
|

7.
Indonesia tập trận rầm rộ tại vùng Natuna nhìn ra Biển Đông

Lần thứ hai trong vòng bảy tháng, Quân Đội Indonesia vào hôm qua, 19/05/2017 đã lại tổ chức một cuộc tập trận lớn nhằm phô trương lực lượng tại vùng quần đảo Natuna, nơi có vùng biển bị đường lưỡi bò Trung Quốc gặm nhấm và thường xẩy ra va chạm giữa tàu thuyền hai bên.

Theo nhật báo Indonesia The Jakarta Post, có khoảng 5.900 binh lính trong lực lượng phản ứng nhanh của Quân Đội Indonesia, cao hơn gấp ba lần so với con số khoảng 2.000 quân được huy động vào cuộc tập trận không quân Angkasa Yudha, cũng được tổ chức tại Natuna tháng 10 năm ngoái. Cuộc tập trận còn huy động đến chiến đấu cơ, xe tăng và chiến hạm.

Cuộc tập trận này nhấn mạnh đến chính sách của tổng thống Indonesia Joko Widodo muốn tăng cường lực lượng bảo vệ các vùng biên giới trên biển nhằm bảo vệ chủ quyền hàng hải của Indonesia chống lại tệ nạn buôn lậu ma túy và đánh trộm cá.

Vùng Natuna rất được Jakarta quan tâm vì một phần khu vực đặc quyền kinh tế của Indonesia quanh quần đảo này đã bị Bắc Kinh đưa vào bên trong đường lưỡi bò mà họ vẽ ra để đòi chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông.

Phát biểu sau khi đến tận nơi quan sát cuộc tập trận, tổng thống Indonesia khẳng định : « Cho dù là ở trên bộ, trên không hay trên biển, quân đội Indonesia đều sẵn sàng khi đất nước cần đến ».

Mỹ-Philippines hoàn tất đợt tập trận Vai Kề Vai

Cũng hôm qua, quân đội Philippines và Mỹ đã kết thúc cuộc tập trận song phương thường niên Balikatan (Vai Kề Vai), kéo dài 12 ngày.

Trái với những lần trước đây, khi cuộc tập trận song phương Mỹ-Philippines lớn nhất tập trung vào nội dung tác chiến như tập trận bắn đạn thật và đổ bộ tái chiếm đảo, lần này, theo chỉ thị của tổng thống Rodrigo Duterte, hai bên chủ yếu tập đối phó đe dọa khủng bố và ứng phó với các thiên tai.

Mỹ-Nhật tập trận ở Biển Đông

Cũng tại Biển Đông, Hoa Kỳ và Nhật Bản hôm 18/05/2017 cũng đã hoàn tất cuộc tập trân mang tên PASSEX, huy động chiến hạm lớn nhất của Hải Quân Nhật Bản là tàu chở trực thăng JS Izumo cùng với khu trục hạm JS Sazanami, và tàu cận chiến duyên hải USS Coronado của Mỹ.

Trong bản thông cáo công bố hôm 19/05, Hải Quân Mỹ nêu bật là cuộc tập trận chung này đã cho phép hai bên cải thiện năng lực tương tác để sẵn sàng đối phó với các tình huống xung đột hoặc cứu trợ nhân đạo.

Chuẩn đô đốc Nhật Bản Yoshihiro Goka thì khẳng định : « Liên Minh Mỹ-Nhật hiện đã mạnh hơn hơn bao giờ hết, và sẽ ngày càng mạnh hơn". - RFI
|
|

8.
Tranh cãi Mỹ-Trung lại nổ ra về sự cố không quân trên Biển Hoa Đông

Vào tối hôm qua, 19/05/2017, Bắc Kinh đã xác nhận việc hai chiến đấu cơ của họ đã ngăn chặn một phi cơ dò phóng xạ của Mỹ trên Biển Hoa Đông hôm 17/05, nhưng khẳng định rằng máy bay Trung Quốc đã hành động « đúng luật, chuyên nghiệp », qua đó bác bỏ cáo buộc của phía Mỹ đưa ra trước đó là phi công Trung Quốc đã có hành vi « thiếu chuyên nghiệp ».

Trong một thông báo công bố trên trang web của họ, bộ Quốc Phòng Trung Quốc khẳng định rằng các báo cáo liên quan đến vụ việc từ phía Mỹ « không phản ánh đúng sự thật ». Theo phía Trung Quốc, vào hôm 17/05, chiếc máy bay tuần thám của Mỹ hoạt động ở trên vùng biển Hoàng Hải thuộc Trung Quốc ở Biển Hoa Đông, và chiến đấu cơ Trung Quốc đã tới nơi để điều tra « theo đúng luật ».

Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã nhân dịp đó yêu cầu phía Mỹ dừng các hoạt động do thám để tránh những sự việc tương tự tái diễn.

Trước đó, Lầu Năm Góc Hoa Kỳ đã xác nhận các thông tin báo chí Mỹ, và cho biết là một máy bay dò phóng xạ WC-135 của không quân Mỹ đã bị hai chiến đấu cơ Su-30 Trung Quốc áp sát hôm 17/05.

Theo Lầu Năm Góc, phi cơ của Mỹ lúc đó đang tiến hành một « nhiệm vụ thường xuyên trong không phận quốc tế bên trên Biển Hoa Đông ». Phi cơ Trung Quốc đã có những hành động bị phi hành đoàn chiếc WC-135 đánh giá là « không chuyên nghiệp". - RFI
|
|

9.
Brazil: Ba tổng thống gần đây đều bị tố cáo nhận hối lộ

Tòa Án Tối Cao Brazil công bố ngày 19/05/2017 bằng chứng cáo buộc tổng thống Michel Temer và hai người tiền nhiệm, Lula da Silva và Dilma Rousseff, đã nhận hối lộ khoảng vài chục triệu euro.

Theo Reuters, đây là lời khai của các lãnh đạo tập đoàn thực phẩm JBS để được giảm án, trong khuôn khổ cuộc điều tra về vụ tham nhũng quy mô lớn « Lava Jato » đang làm đảo lộn Brazil.

Bằng chứng này vừa cáo giác đảng cầm quyền (đảng Phong Trào Dân Chủ Brazil, cánh trung) và phe đối lập (đảng Lao Động). Theo đó, tổng thống Michel Temer có thể đã nhận khoảng 4 triệu euro từ tập đoàn JBS. Về cựu tổng thống Lula da Silva, Tòa Án Tối Cao Brazil đưa ra con số chừng 45 triệu euro, được tập đoàn JBS chuyển vào các tài khoản ở nước ngoài. Còn cựu tổng thống Dilma Rousseff có thể nhận khoảng 27 triệu euro, cũng được chuyển vào các tài khoản ở nước ngoài.

Tập đoàn JBS chuyên về đóng gói thịt và phát triển mạnh nhờ có được các khoản vay với lãi xuất ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển Brazil trong vòng 13 năm, dưới thời cầm quyền của đảng Lao Động, với hai đời tổng thống Lula da Silva và Rouffeff. Tuy nhiên, cả hai tổng thống cánh tả nhiều lần tuyên bố vô tội.

Trong một bài diễn văn ngày 18/05, tổng thống đương nhiệm Michel Temer thông báo không có ý định từ chức, dù trước đó, Tòa Án Tối Cao Brazil chính thức cho phép điều tra tổng thống và công bố một đoạn ghi âm lén ông Temer nói chuyện với chủ tịch tập đoàn JBS, Joesley Batista, vào tháng 03/2017.

Theo đoạn ghi âm, dường như tổng thống Brazil tỏ ra không phản đối việc chuyển tiền hối lộ cho ông Eduardo Cunha, để mua sự im lặng của cựu chủ tịch Hạ Viện. Rất nhiều chính trị gia sợ rằng nếu ông Cunha ra làm chứng, vài chục nghị sĩ và thành viên chính phủ có nguy cơ bị tố cáo. - RFI
|
|

10.
Trung Quốc đập phá nơi tu học Phật Giáo Tây Tạng ở Tứ Xuyên

Chính quyền tỉnh Tứ Xuyên miền tây nam Trung Quốc đang trục xuất các tín đồ Phật Giáo Tây Tạng và đập phá hàng trăm căn nhà tại nơi được coi là một trong những địa điểm tu tập lớn nhất thế giới của Phật Giáo Tây Tạng.

Các giới chức huyện Garzê cho biết là họ phải phá các căn nhà để tránh tình trạng quá đông đúc và cũng để tân trang thành phố Larung Gar, nằm trên sườn núi, nơi có hơn 10.000 nhà sư và ni cô đến nơi đây để tu học Phật Giáo Tây Tạng trong nhiều tháng trời. Giới chức Trung Quốc muốn giảm một nửa số người ở đây, xuống còn 5.000.

Theo các nhóm Phật Giáo Tây Tạng ở ngoại quốc, việc cưỡng bách cư dân phải rời khỏi nơi này cũng như đập phá nơi ở là nhằm mục đích ngăn chặn việc tu tập và phát triển Phật Giáo Tây Tạng.

Ngôi chùa Larung Gar ngày càng thu hút nhiều tín đồ, cả người Hán lẫn người ngoại quốc đến từ khắp nơi trên thế giới.

Vào đầu năm 2017, một đoạn video lưu hành trên mạng xã hội cho thấy nhiều tu sĩ Tây Tạng trẻ trong một cơ sở của chính quyền, bị buộc phải hát ca ngợi tính chất Trung Hoa và cam kết trung thành với Nhà Nước.

Nhiều báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc đã viết thư gởi chính quyền Trung Quốc vào tháng 11 năm 2016 để bày tỏ quan ngại về tình trạng ‘đàn áp nghiêm trọng » nhắm vào văn hóa và Phật Giáo Tây Tạng trong vùng. - RFI
|
|

11.
Mỹ gặp đối tác chủ chốt ở APEC tại Hà Nội

Đại diện Thương mại của Tổng thống Trump có cuộc gặp với các đối tác chủ chốt hôm thứ Bảy 20/5 bên lề kỳ họp của các Bộ trưởng phụ trách Thương mại APEC (MRT) đang diễn ra tại Hà Nội, hãng tin Anh Reuters đưa tin.

Cuộc họp này diễn ra trong bối cảnh Hoa Kỳ đang theo xu hướng từ bỏ các hiệp định thương mại đa phương và ưu tiên các hiệp định song phương.

Với chủ trương giành lại việc làm cho dân Mỹ, tổng thống Trump gây lo ngại về một thời kỳ của chủ nghĩa bảo hộ mới.

Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer, một nhà đàm phàn thương mại có tư tưởng bảo hộ và đầy kinh nghiệm từ thời tổng thống Reagan, mang đường lối "Đặt Hoa Kỳ lên trước" tới kỳ họp các bộ trưởng phụ trách thương mại APEC lần này, hãng tin AFP bình luận.

Sáng Chủ nhật 21/5, Bộ trưởng Công thương Việt Nam Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Thương mại New Zealand - Todd McClay sẽ chủ trì buổi làm việc của các bộ trưởng TPP- 11 để bàn thảo về tương lai của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Ông Lightzier có các cuộc gặp ngoài lề với đối tác Nhật Bản và Canada hôm thứ Bảy 20/5.

Theo một thông cáo chung của ông Lighthizer và đối tác Nhật Hiroshige Seko, hai bên "đồng ý thúc đẩy thương mại có lợi cho hai bên, chống các cản trở thương mại và các biện pháp bóp méo thương mại," hãng tin AFP cho hay.

Bộ trưởng Thương mại Canada nói cuộc gặp của ông với ông Lighthizer là tốt đẹp và họ thảo luận "một số vấn đề đa phương", theo hãng Reuters.

Hoa Kỳ rút khỏi hiệp định TPP hồi tháng Một, sau khi ông Trump gọi hiệp định này là "hiệp định giết chết việc làm". Từ đó, nó được gọi là 'TPP-11', hay 'TTP trừ 1'

Bộ trưởng thương mại của 11 nước còn lại được cho là cam kết khởi động lại hiệp định này mà không có Washington, trong khi vẫn mở cửa cho Mỹ quay lại tham gia nếu muốn.

Hãng Reuters cho biết một dự thảo thông cáo chung dự kiến sẽ ra hôm 21/5 nhấn mạnh vào tự do thương mại và cảnh cáo mối nguy của chủ nghĩa bảo hộ.

Nhưng các nước thể hiện sự khác biệt trong kỳ họp các Bộ trưởng phụ trách Thương mại APEC lần này ở Hà Nội.

Về một mặt, Trung Quốc muốn có vai trò quán quân của tự do thương mại toàn cầu sau khi Mỹ đã thay đổi về chính sách. Trung Quốc vận động cho một hiệp định thương mại tự do với sự tham gia của hầu hết các nền kinh tế châu Á có tên gọi Hợp tác Kinh tế Toàn diện Khu vực.

Mặt khác, Nhật Bản đang dẫn đầu các quốc gia muốn theo đuổi TPP, một hiệp định không bao gồm Trung quốc và có phạm vi rộng hơn hiệp định mà Trung Quốc đề nghị.

Nhật Bản vẫn kỳ vọng đưa Mỹ quay trở lại tham gia TPP, nhưng cũng đang nỗ lực vận động để toàn bộ 11 thành viên còn lại thông qua hiệp định này.

"Lợi ích thu được từ TPP đáng để chúng ta giữ lại hiệp định này nếu có thể. Chúng ta muốn có sự đồng thuận cho TPP-11", Bộ trưởng Thương mại Úc Steven Ciobo nói với báo giới.

Thách thức lớn nhất là đạt được đồng thuận của Việt Nam và Malaysia, hai nước chủ yếu là hưởng lợi nếu được tiếp cận vào thị trường Mỹ, hãng Reuters bình luận. Giới chức cả hai nước này đều nói nếu Mỹ không tham gia TPP, họ sẽ muốn đàm phán lại.

Một quan chức Nhật Bản nói việc đàm phán sẽ không có ý nghĩa nếu mục tiêu cuối cùng là đưa Mỹ trở lại với TPP.

Với Washington hiện nay, việc đàm phán lại Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) là quan trọng hơn nhiều.

Lãnh đạo 21 nước trong khối APEC, trong đó có ông Trump, sẽ nhóm họp tại Đà Nẵng, Việt Nam vào tháng 11/2017.

Tại kỳ họp gần đây nhất vào tháng 11/2016, lãnh đạo các nước này đã cam kết chống chủ nghĩa bảo hộ thương mại. - BBC
|
|

Tin Hoa Kỳ

12.
Một cố vấn cao cấp của Trump đang bị ‘chú ý’

Một cố vấn cao cấp của Tòa Bạch Ốc ‘bị chú ý’ trong cuộc điều tra về mối liên hệ có thể có giữa Nga với chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump, tờ Washington Post dẫn một nguồn thạo tin ngày 19/5 cho hay.

Các nguồn tin không nêu tên giới chức ‘bị chú ý’ này nhưng chỉ mô tả đó là một người thân cận với Tổng thống Trump.

Công luận Mỹ còn chưa lắng dịu về vụ ông Trump hồi tuần trước sa thải Giám đốc FBI, James Comey, người đứng đầu cuộc điều tra về cáo giác Nga can thiệp bầu cử Mỹ và có thể Moscow có liên hệ với ban vận động tranh cử của ông Trump.

Vụ sa thải cộng với tin tức nói rằng ông Trump trước đó có yêu cầu ông Comey ngưng điều tra cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn khiến người ta nghi rằng Tổng thống Trump có lẽ đã tìm cách tác động đến cuộc điều tra của FBI.

Phản hồi trước tin Washington Post vừa loan, người phát ngôn Tòa Bạch Ốc Sean Spicer tuyên bố ‘Như Tổng thống đã nói, một cuộc điều tra kỹ lưỡng sẽ xác nhận rằng không có sự thông đồng nào giữa chiến dịch tranh cử của Tổng thống với bất kỳ thực thể nước ngoài nào.’

Cùng ngày hôm nay, tờ New York Times loan tin ông Trump, trong cuộc gặp tuần trước tại Tòa Bạch Ốc, đã nói với các giới chức Nga rằng sa thải ông Comey giải tỏa ‘áp lực lớn’ mà Tổng thống Trump đối mặt trong vụ điều tra về bầu cử Mỹ và tác động của Nga.

“Tôi đối diện với áp lực rất lớn vì vụ Nga. Giờ đã nhẹ gánh,” tờ New York Times dẫn lời ông Trump trích văn bản tóm tắt cuộc họp.

Ông Trump gặp Ngoại trưởng và đại sứ Nga tại Phòng Bầu Dục một ngày sau khi sai thải ông Comey.

New York Times nói văn bản này dựa vào những ghi chú được ghi chép từ bên trong Phòng Bầu Dục. - VOA
|
|

13.
Trump: Vụ sa thải 'gã điên' FBI 'làm giảm áp lực' --- Tỷ lệ ủng hộ Trump giảm mạnh

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã nói với giới chức Nga rằng vụ sa thải giám đốc FBI James Comey làm giảm "áp lực" cho ông, truyền thông Mỹ tường thuật.

New York Times dẫn một tài liệu tổng kết cuộc họp tuần trước, cho biết ông Trump gọi ông Comey là "gã điên thực sự".

Ông Comey khi đó đang điều tra về khả năng thông đồng giữa Nga và chiến dịch tranh cử của Trump.

Cựu giám đốc FBI đã đồng ý ra làm chứng trước Ủy ban Tình báo Thượng viện về cuộc điều tra.

Bài báo mới nhất được đăng tải trong lúc ông Trump lên đường tới Trung Đông trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên.

Theo bài báo, ông Trump nói: "Tôi vừa sa thải người đứng đầu FBI. Ông ta rất điên."

"Tôi đã chịu áp lực rất lớn vì Nga."

Nhà Trắng không bình luận về ngôn từ được dùng trong cuộc họp tại Phòng Bầu dục giữa ông Trump, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Đại sứ Nga tại Mỹ Sergei Kislyak.

'Vấn đề thời gian'

Anthony Zurcher, phóng viên BBC Bắc Mỹ bình luận:

Những bài báo mới nhất cung cấp thêm bằng chứng về động cơ loại bỏ giám đốc FBI James Comey của ông Trump vì ông này đang xử lý vụ điều tra về những liên hệ với Nga.

Tiết lộ về cuộc gặp của ông Trump với giới chức Nga mà một trong số đó là nhân tố chính trong cuộc điều tra, càng củng cố thêm chứng cứ.

Dường như cuộc điều tra này đang mở rộng đến một cá nhân hiện đang nắm giữ vị trí cao cấp trong Nhà Trắng, chứ không chỉ liên quan một cựu cố vấn (Michael Flynn) hoặc giới chức trong chiến dịch (Paul Manafort). Nếu đúng như vậy, chỉ là vấn đề thời gian trước khi trát hầu tòa được ban hành.

Donald Trump đã nói với các vị khách người Nga rằng việc ông sa thải ông Comey làm giảm bớt 'áp lực lớn' cho chính quyền của ông do cuộc điều tra về liên hệ với Nga.

Hóa ra điều đó là mơ tưởng quá mức. - BBC

***
Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Donald Trump rớt xuống mức thấp nhất kể từ ngày ông nhậm chức tới nay, theo cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos vừa công bố ngày 19/5, sau khi Tổng thống bị tố cáo xử lý không đúng với thông tin mật và can thiệp vào cuộc bầu cử của FBI.

Theo cuộc khảo sát từ ngày 14 đến 18/5, 38% tán thành ông Trump trong khi tỷ lệ phản đối là 56%.

Người Mỹ dường như ‘chán’ ông Trump sau một tuần đầy ‘sự cố’ tại Tòa Bạch Ốc.

Tuần lễ bắt đầu với thông tin rằng Tổng thống tiết lộ thông tin mật với các nhà ngoại giao Nga. Ngay sau đó rộ lên tin rằng cựu Giám đốc FBI, James Comey, người vừa bị ông Trump sa thải, đã ghi chú lại những quan ngại rằng Tổng thống áp lực ông phải ngưng điều tra mối liên hệ giữa Tổng thống với Nga. Tiếp đó là tin Bộ Tư pháp chỉ định cựu Giám đốc FBI, Robert Mueller, đảm trách cuộc điều tra độc lập ve62lien6 lạc giữa Nga với ban vận động tranh cử của ông Trump.

Tổng thống Trump bác tin nói rằng ông thông đồng với Nga. Ông nói chưa từng một chính trị gia nào trong lịch sử bị cư xử tệ hơn và bất công hơn bản thân ông.

Về phía đảng Cộng hòa, 23% trong cuộc thăm dò mới nhất cho biết không ủng hộ Trump trong khi tỷ lệ này tuần trước chỉ 7%. Sự sụt giảm ủng hộ bên ‘sân nhà’ dường như là lý do chính khiến tỷ lệ ủng hộ dành cho ông Trump tổng thể đang ở mức thấp nhất kể từ khi ông lên làm Tổng thống.

Cuộc khảo sát Reuters/Ipsos thực hiện trên mạng, bằng tiếng Anh, ghi nhận ý kiến 1971 người trên khắp nước Mỹ, trong đó có 721 người bên Cộng hòa và 795 người bên Dân chủ. - VOA
|
|

14.
Thứ Trưởng Tư Pháp điều trần kín trước Hạ Viện --- Mỹ: Cựu giám đốc FBI James Comey chấp nhận điều trần trước Thượng Viện

Thứ Trưởng Tư Pháp Hoa Kỳ Rosenstein trở lại điện Capitol hôm thứ Sáu để dự cuộc điều trần kín trước các dân biểu Hạ viện về quyết định bổ nhiệm cựu Giám Đốc FBI Robert Mueller ra dẫn đầu một cuộc điều tra độc lập vào khả năng có sự “thông đồng giữa chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống của ông Trump với người Nga.

Thứ Trưởng Tư Pháp Rosenstein xuất hiện trước các dân biểu Hạ viện tại điện Capitol, một ngày sau một cuộc điều trần kín trước toàn thể Thượng viện.

Tiếp theo sau cuộc họp kín hôm thứ Sáu, dân biểu Darrel Issa thuộc Đảng Cộng hoà, đại diện bang California, nói có đồng thuận là công tố viên đặc biệt sẽ có phạm vi quyền hạn cần thiết để tiến hành một cuộc điều tra công bằng vào những cố gắng của Nga nhằm ảnh hưởng tới cuộc bầu cử của Mỹ.

“Tôi tin rằng có sự đồng thuận lớn về cuộc điều tra vai trò của người Nga, can dự vào cuộc bầu cử của chúng ta là một vấn đề phi đảng phái, và được cả hai đảng quan tâm, đây cũng là một vấn đề mà hai bên cần giải quyết trước cuộc bầu cử kế tiếp, chứ không thuần chỉ là tìm hiểu làm cách nào họ đã thực hiện được điều đó, và làm sao để tránh, không để chuyện đó xảy ra thêm một lần nữa.”

Dân biểu Elijah Cummings của Đảng Dân chủ, đại diện bang Maryland, nói với các nhà báo rằng truyền thông cũng có một vai trò quan trọng trong vụ này.

“Nếu có bất cứ thời điểm nào trong lịch sử đất nước mà truyền thông phải đóng một vai trò quan trọng, thì đây chính là thời điểm đó. Đây là thời khắc của quý vị. Quý vị phải làm nhiệm vụ như thế nào để công chúng hiểu được những gì đang diễn ra. Trước đây tôi đã nói và tôi xin lặp lại ở đây một lần nữa: đây là một cuộc đấu tranh để giành lại linh hồn của nền dân chủ của chúng ta. Chúng ta không thể thất bại trong cuộc chiến này.”

Dân biểu Cummings nói ông tin rằng ông Mueller là một chọn lựa tối ưu để đảm nhiệm vai trò công tố viên đặc biệt. Ông mô tả ông Mueller là “một người chính trực”, sẽ không khuất phục bất cứ một ai, và là người có thể “mang lại sự bình thường cho tiến trình điều tra.” - VOA

***
Cựu giám đốc Cục Điều Tra Liên Bang Mỹ FBI, bị tổng thống Donald Trump cách chức ngày 09/05/2017, đã chấp nhận công khai điều trần tại Thượng Viện. Thông tin được các lãnh đạo của Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện thông báo ngày 19/05.

Theo thông cáo được Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện công bố vài giờ sau khi tổng thống Mỹ lên đường đi Ả Rập Xê Út, buổi điều trần công khai chưa được ấn định ngày cụ thể, nhưng sẽ không diễn ra trước ngày 30/05.

Bản thông cáo giải thích : « Giám đốc Comey đã nhiệt tình phục vụ đất nước trong vòng nhiều năm và ông xứng đáng được nêu lên cách nhìn của ông về vụ việc. Hơn nữa, người dân Mỹ cũng cần được nghe ông nói ».

Thượng nghị sĩ Dân Chủ Mark Warner, nhân vật số 2 của Ủy Ban Tình Báo, phát biểu « hy vọng tường thuật của cựu giám đốc Comey sẽ giúp giải đáp một số thắc mắc từ khi ông bất ngờ bị tổng thống cách chức ».

Hãng tin AFP nhắc lại, cựu giám đốc FBI James Comey bị tổng thống Mỹ cách chức khi đang cho điều tra về nghi mối quan hệ giữa nhóm vận động tranh cử của Donald Trump với Nga. Từ đó, ông James Comey giữ im lặng. Cựu giám đốc FBI từng từ chối điều trần trước Ủy Ban Tư Pháp Thượng Viện, khiến các lãnh đạo Cộng Hòa và Dân Chủ của Ủy ban này "thất vọng". - RFI
|
|

15.
California rút dự luật cho phép nhận đảng viên Cộng Sản làm công chức

Một nhà lập pháp bang California vừa rút lại dự luật cho phép nhận các đảng viên Đảng Cộng sản vào làm việc trong các cơ quan chính phủ của tiểu bang, đồng thời ngỏ lời xin lỗi các cựu chiến binh Mỹ và cộng đồng người Mỹ gốc Việt.

Dự luật AB 22 do Dân Biểu Rob Bonta đề xuất, loại bỏ một điều khoản của đạo luật đã có từ thời Đe Dọa Đỏ, theo đó các cơ quan chính phủ Mỹ được phép sa thải các công chức nào là thành viên của Đảng Cộng sản, hoặc cổ xúy cho chủ nghĩa Cộng Sản. Mục đích của đạo luật này là nhằm ngăn chặn nguy cơ những người Cộng Sản có thể lật đổ chính quyền tiểu bang hoặc liên bang.

Tuần trước, dự luật AB 22 được thông qua trong kỳ họp của Hạ viện tiểu bang với tỷ lệ 41-30 phiếu.

Trao đổi với VOA-Việt ngữ, Phó Thị trưởng Phát Bùi của thành phố Garden Grove, Chủ tịch Cộng đồng người Việt Quốc Gia Nam California, nói ông cảm thấy “yên tâm” khi Dân biểu Rob Bonta rút lại Dự luật AB 22, vì tất cả cộng đồng người Việt đều không muốn dự luật được thông qua để thành luật.

“Vì như vậy, những thành viên của Đảng Cộng Sản, không nhất thiết là Đảng Cộng Sản ở Hoa Kỳ mà là ở khắp nơi trên thế giới như Đảng Cộng Sản Việt Nam, Đảng Cộng Sản Trung Hoa, đều có thể chính thức vô làm việc trong các cơ quan công quyền của tiểu bang California. Điều đó hết sức tai hại cho những người tị nạn Cộng Sản nói riêng, và chúng tôi nghĩ nó cũng không có lợi cho Hoa Kỳ”.

Thời gian qua, Dự luật AB 22 đã vấp phải sự chống đối gay gắt của các cựu chiến binh và cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Trong thư vận động phản đối dự luật AB 22, nữ Thượng nghị sĩ gốc Việt Janet Nguyễn nói:

“Dự luật này là một sự xúc phạm trầm trọng đối với người dân California đã chạy trốn khỏi chế độ Cộng Sản, mà trong đó có hơn 500,000 người Mỹ gốc Việt. Dự luật này cũng là một sự phủ nhận công lao của những binh sĩ Hoa Kỳ can đảm, những người đã chiến đấu và hy sinh một cách dũng cảm, chống lại các lực lượng Cộng Sản khắp thế giới, như họ từng chiến đấu tại Việt Nam”.

Phó Thị trưởng Phát Bùi của thành phố Garden Grove, Chủ tịch Cộng đồng người Việt Quốc Gia Nam California, nhận định Dân biểu Rob Bonta đã làm một việc “thiếu suy nghĩ chín chắn” khi đưa ra Dự luật AB 22.

“Đáng lẽ, những việc như thế, những người làm luật cần phải liên lạc với những người lãnh đạo hay đại diện trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt để tham khảo ý kiến trước khi đưa dự luật đó ra”.

Ông Phát Bùi nói cộng đồng người Mỹ gốc Việt cần rút ra 2 bài học kinh nghiệm từ sự việc này. Thứ nhất, cần theo dõi các dự luật được đưa ra ở Hạ viện và Thượng viện tại tiểu bang và liên bang Hoa Kỳ. Thứ hai, cần liên lạc chặt chẽ với các dân biểu để nắm các thông tin liên quan tới cộng đồng.

Phó Thị trưởng Garden Grove nói vụ này cũng cho thấy sự thiếu nhạy cảm của một số dân biểu tiểu bang đối với những vấn đề quan tâm của cộng đồng người Việt.

Ông cho rằng Dự luật AB 22 “là một khuyến khích sai lầm, không đúng đắn cho Đảng Cộng Sản cứ tiếp tục đàn áp người dân trong nước. Bởi vì họ thấy mặc dù họ làm như thế mà một số dân biểu của tiểu bang California vẫn thờ ơ, và không hề có lập trường chống đối dứt khoát đối với việc làm của Cộng Sản Việt Nam”.

Hôm thứ Tư, Dân biểu Bonta tuyên bố rút lại dự luật AB 22. Trong thông cáo báo chí, Dân biểu Bonta cho biết: “Qua những cuộc nói chuyện với các cựu chiến binh và thành viên trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt, tôi đã được nghe về Dự luật AB 22 có thể làm tổn thương và gây ra đau khổ cho những người đáng kính và đáng tự hào như thế nào. Vì vậy, tôi rất ân hận”. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

16.
Nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình 'sắp mãn hạn sáu năm tù'

Tin cho hay ông Trần Vũ Anh Bình sẽ mãn hạn tù hôm 21/5 sau sáu năm thụ án về tội "Tuyên truyền chống Nhà nước".

Hồi tháng 10/2012, ông Trần Vũ Anh Bình và ông Võ Minh Trí, tức nhạc sĩ Việt Khang, bị Tòa án TP Hồ Chí Minh tuyên phạt lần lượt 6 và 4 năm tù giam, với tội danh quy định tại Điều 88 Bộ luật Hình sự.

Hai ông khi đó bị kết tội là đã tham gia một tổ chức chống chính quyền có tên gọi là "Tuổi trẻ yêu nước".

Tòa xác định ông Bình đã đăng tải các bài hát có nội dung "tuyên truyền chống Nhà nước" do ông Việt Khang sáng tác, cùng các tin tức khác lên trang mạng của tổ chức này.

'Hạn chế tự do ngôn luận'

Ông Bình cũng bị cáo buộc tham gia rải truyền đơn và treo cờ vàng ba sọc của chế độ cũ rồi chụp ảnh đưa lên mạng.

Thời điểm đó, Sứ quán Mỹ tại Việt Nam phát đi thông cáo: "Việc kết án tù này là động thái của chính phủ Việt Nam nhằm hạn chế tự do ngôn luận."

Hôm 20/5, trả lời BBC từ Mỹ Tho, Tiền Giang, nhạc sĩ Việt Khang, người được trả tự do từ tháng 12/2015, nói: "Tiếc là do vẫn đang trong thời gian bị quản chế nên tôi không đi đón anh Bình được."

"Tôi với Bình là anh em chung một vụ án, chung một con đường sáng tác nhạc nên rất mừng và mong anh ấy trở về khỏe mạnh."

"Tôi được biết là trong tù, Bình vẫn tiếp tục sáng tác một nhạc phẩm cho tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức," tác giả ca khúc 'Anh Là Ai' và 'Việt Nam Tôi Đâu' cho biết thêm.

"Tôi có nhiều điều muốn nói với Bình nhưng có lẽ chỉ nói trực tiếp với anh ấy thôi."

Hôm 20/5, bà Nguyễn Thị Kim Liên, mẹ tù nhân lương tâm Đinh Nguyên Kha, người bị giam cùng nhà tù với Trần Vũ Anh Bình, cho hay: "Trần Vũ Anh Bình với những người tù cùng trại - Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đinh Nguyên Kha và Liêu Ny từng đồng lòng tuyệt thực nhiều ngày để phản đối vụ biệt giam và ngược đãi Đặng Xuân Diệu [nay đã được trả tự do và đang ở Pháp] cùng nhiều vấn đề trong trại tù."

Sau khi ra tù, ông Trần Vũ Anh Bình sẽ chịu thêm hai năm quản chế. - BBC

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9




No comments:

Post a Comment