Tin Thế Giới
1.
Tên lửa Tomahawk phủ bóng tiệc Tập-Trump? --- Thượng đỉnh Trump-Tập ‘khuấy động’ Florida
Phía Trung Quốc kỳ vọng nhiều ở cuộc gặp tại dinh thự riêng của Tổng thống Donald Trump ở Mar-a-Lago, Florida nhưng có vẻ như chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình bị vụ phóng hỏa tiễn Syria phủ bóng.
Theo bài của Joshua Berlinger trên CNN 07/04, ông Trump ra lệnh tấn công Syria ngay trước khi ngồi vào bữa tiệc tối thứ Năm đón lãnh đạo tối cao của Trung Quốc, ông Tập Cận Bình và phu nhận, bà Bành Lệ Viện.
Đoàn Trung Quốc rời bữa tiệc lúc 21:00 để ra nghỉ ở một nơi gần đó, và ngay sau đấy, Tổng thống Trump mở cuộc họp báo nói vì sao ông ra lệnh bắn tên lửa hành trình Tomahawk vào một căn cứ của quân đội Syria.
Bình luận của Willy Lam, nhà quan sát từ Hong Kong nói với CNN, cho rằng phía Trung Quốc rất muốn "nhận hào quang" từ chuyến thăm này.
Nhưng vụ bất ngờ bắn hỏa tiễn tấn công Syria của ông Trump đã phủ bóng lên chuyến đi.
Tin về vụ oanh kích Syria bị đài CCTV của Trung Quốc đặt xuống thấp, giữa bản tin.
Phần cao nhất tất nhiên là về cuộc gặp Tập - Trump.
Cả hai đồng minh của tổng thống Bashar al-Assad tại Syria là Nga và Iran đều đã lên án cuộc oanh kích.
Hoàn cầu Thời báo ở Trung Quốc phê phán vụ tấn công thể hiện chính sách "bất nhất" của ông Trump.
Nhưng Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ và kêu gọi "không làm tình hình tồi tệ đi".
Trước các cáo buộc mà Hoa Kỳ nêu ra rằng quân đội Syria đã dùng khí Sarin làm thường dân bị chết, điều mà chính quyền Syria bác bỏ, Bắc Kinh chỉ nêu về mặt nguyên tắc là Trung Quốc phản đối việc sử dụng vũ khí hóa học ở bất cứ tình huống nào.
Nói về "cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học tại Syria gần đây", bà Hoa Xuân Oánh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đề nghị Liên Hiệp Quốc mở cuộc điều tra chứ không nói là đó là vụ do quân đội Syria gây ra.
Đã nhận lời mời
Sau ngày đầu gặp gỡ tại Florida, hiện chưa rõ phái đoàn Tập Cận Bình đạt được gì từ ông Trump trong chuyến thăm.
Điều duy nhất báo chí Trung Quốc nói là ông Trump đã nhận lời mời sẽ thăm Trung Quốc trong năm 2017.
BBC News tường thuật từ Boston trong ngày thứ Sáu cho hay chủ đề thương mại được bàn đến tại Florida giữa phái đoàn Trung Quốc và nước chủ nhà.
Ông Tập cũng đề nghị tái khởi động một quan hệ Trung - Mỹ mới cho 45 năm tới, nhân sự kiện Hoa Kỳ và nước Trung Quốc cộng sản thiết lập quan hệ ngoại giao 45 năm trước.
Nhưng Hoàn cầu Thời báo cũng nói ông Trump ra quyết định "vội vã, bất nhất" trong vụ oanh kích Syria và tỏ ý lo ngại rằng tổng thống Mỹ có thể sẵn sàng ra tay về quân sự "đơn phương và bất ngờ".
Theo BBC News, sự tương phản đến từ chỗ ông Tập Cận Bình là "quan chức cộng sản nói năng nhỏ nhẹ" và ông Donald Trump là "tỷ phú địa ốc bạo miệng".
Cũng có tin cuộc gặp được thu xếp chỉ mới cuối tuần trước để ông Tập Cận Bình sang gặp Donald Trump tại Mỹ.
Còn theo một bình luận trên CNN, có thể quyết định bất ngờ cho oanh kích Syria của ông Trump lại làm tăng vị thế nói chuyện của ông với ông Tập, dù hai sự kiện có thể không liên quan.
Lý do là, theo nhà bình luận Zhang Baohui từ Đại học Lingnan, Hong Kong, phía Trung Quốc nay thấy rằng kể cả trong trường hợp Bắc Hàn, ông Trump cho thấy ông ta sẵn sàng ra tay đơn phương, theo CNN.
Trước khi lên máy bay rời Tòa Bạch Ốc đến Florida đón ông Tập, ông Trump lại nói với báo chí rằng Trung Quốc "cần phải làm nhiều hơn để ngăn Bắc Hàn phát triển vũ khí hạt nhân".
Trung Quốc từng phản đối mọi kế hoạch loại bỏ tổng thống Assad ở Syria và chống việc "can thiệp vào tình hình các nước khác".
Phía Hoa Kỳ nói họ có thông báo cho Nga về vụ tấn công nhưng không nói phía Trung Quốc có được báo trước hay là không.
Những diễn biến mới nhất này có vẻ như ông Trump đã khiến ông Tập bị động. - BBC
***
Palm Beach, một quận duyên hải yên bình ở bang Florida miền Nam nước Mỹ, bỗng trở nên sôi động vào chiều ngày 6/4, chung quanh địa điểm nơi diễn ra cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Miêu tả nơi ông Tập Cận Bình đặt chân tới, hãng tin Tân Hoa Xã của nhà nước Trung Quốc nói Palm Beach “giống như một hạt ngọc nhỏ nổi lên trên mặt biển ngọc lam”. Đây vốn là một địa điểm nghỉ mát, thư giãn, nổi tiếng với những bãi biển đầy nắng và gió của bang Florida. Nhưng báo chí địa phương ngày 6/4 cho hay nơi đây đã bị khuấy động bởi sự kiện mà cả thế giới đều dồn mắt theo dõi: cuộc gặp lịch sử giữa ông Trump và ông Tập.
Ngay từ trước khi ông Tập Cận Bình đến Florida, nhiều nhóm biểu tình người Việt và người Hoa đã có mặt tại một công viên gần khu nghỉ mát Mar-a-Lago của ông Trump, nơi gặp gỡ của lãnh đạo của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Ông Châu Ngọc An, Phó trưởng ban tổ chức biểu tình của phái đoàn người Việt Orlando, nói với VOA-Việt ngữ rằng đây là cuộc biểu tình “khí thế nhất” từ trước tới nay của cộng đồng người Việt.
Ông cho biết: “Khí thế rất sôi nổi. Tôi đã sinh hoạt cộng đồng này 20 năm nay, dự nhiều cuộc biểu tình, chưa có cuộc biểu tình nào sôi nổi như hôm qua. Đông người và khí thế nhất trong những cuộc biểu tình trong những năm vừa qua. Đếm không nổi. Nhiều quá. Khoảng hơn 500 người”.
Xen giữa những người biểu tình là một nhóm Pháp Luân Công người Hoa quyết tâm trụ lại tại đây cả hai ngày 6/4 và 7/4 để gióng lên tiếng nói phản đối chính quyền Bắc Kinh đàn áp và bắt giam các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc.
Thành viên các nhóm biểu tình đến từ nhiều tiểu bang trên khắp nước Mỹ.
Băng rôn, biểu ngữ, cờ xí tràn ngập xung quanh nơi đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc.
Trong khi cộng đồng người Việt đòi “Trung Quốc dừng xâm lấn Việt Nam”, “Trung Quốc cút khỏi vùng biển Việt Nam”…, thì cộng đồng người Hoa yêu cầu Bắc Kinh “Trả tự do cho tất cả tù nhân chính trị ngay lập tức” hay “Giải phóng Tây Tạng”. Người biểu tình nói họ muốn người Mỹ biết rõ những gì đang xảy ra trên quê hương họ và nhận diện “bộ mặt thật” của chính quyền Trung Quốc.
Bên cạnh các nhóm chống đối ông Tập Cận Bình, còn có một nhóm người Hoa mang quốc kỳ Trung Quốc đi ủng hộ, nghênh đón Chủ tịch Trung Quốc.
Ông Châu Văn An cho biết: “Họ khoảng 40 người. Họ đi theo quấy rối trong lúc chúng tôi đi bộ từ công viên tới chỗ tập kết biểu tình. Họ đi dọc theo phá rối, chĩa những cái loa có công suất mạnh vào đoàn chúng tôi, nhưng chúng tôi vẫn giữ bình tĩnh. Họ chen vô chỗ chúng tôi đứng biểu tình. Nhưng rốt cục mình đông quá, mạnh quá nên trước khi phái đoàn của Tập Cận Bình tới nơi thì họ đã cuốn cờ rút lui”.
Cảnh sát Hạt Palm Beach cho hay có ít nhất 3 người bị bắt giữ trong lúc ông Tập đang trên đường tới dự cuộc họp với Tổng thống Mỹ. Những người này đã cố vượt lên trước đoàn xe mô tô đón Chủ tịch Trung Quốc. Ngoài ra, cảnh sát cũng tịch thu hai can xăng và các máy phát điện nhỏ mà các học viên Pháp Luân Công sử dụng cho dàn âm thanh của họ.
Ông Châu Ngọc An cho biết trong đoàn Việt Nam không có ai bị bắt giữ hay gặp trở ngại trong suốt cuộc biểu tình. Ông An nhận xét phái đoàn Việt Nam “rất đoàn kết” trong mục tiêu chống Tập Cận Bình, cho dù là người ủng hộ hay không ủng hộ ông Trump.
“Mục đích duy nhất là chống Tập Cận Bình thôi. Chuyện chống hay ủng hộ ông Trump thì hôm qua họ không thể hiện ra”.
Truyền thông địa phương cho hay một số người Mỹ cũng nhập đoàn với nhóm người có mặt tại địa điểm diễn ra thượng đỉnh. Một cặp vợ chồng ủng hộ ông Trump cho đài WPBF biết họ đến để “ủng hộ ông và cầu nguyện cho mọi chuyện diễn ra an toàn trong các cuộc hội đàm sắp tới với Chủ tịch Trung Quốc, và có thể hai nhà lãnh đạo sẽ đạt được thỏa thuận nào đó trước khi những chuyện như ở Syria xảy ra”.
Cuộc họp thượng đỉnh giữa hai lãnh đạo Mỹ-Trung kéo dài 2 ngày (6/4 và 7/4). Nhiều vấn đề “nóng” trong chương trình nghị sự dự kiến sẽ được mang ra bàn thảo, trong đó có vấn đề Biển Đông, Bắc Triều Tiên, Đài Loan, thương mại, tiền tệ.
Trong buổi dạ tiệc sau cuộc họp dài với Chủ tịch Trung Quốc, ông Trump đùa rằng “Tôi chẳng có được gì cả, tuyệt nhiên không được gì cả” từ ông Tập. Nhưng ông cho biết thêm rằng hai bên đã nhanh chóng “phát triển tình bạn” và hứa hẹn “về lâu dài, chúng tôi sẽ xây dựng một tình bạn tuyệt vời, tôi đang mong chờ điều đó”.
Chủ tịch Trung Quốc không đưa ra bất cứ phát biểu nào với các nhà báo có mặt tại phòng ăn của khu nghỉ mát Mar-a-Lago. - VOA
|
|
2.
Chiến đấu cơ TQ ở Biển Đông khi Trump-Tập gặp ở Florida
Một máy bay chiến đấu Trung Quốc đã được trông thấy trên một hòn đảo bị nước này chiếm đóng ở Biển Đông, lần đầu tiên người ta thấy máy bay chiến đấu Trung Quốc tại đây trong 1 năm qua và cũng là lần đầu từ khi ông Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ.
Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở thủ đô Washington cho biết một chiến đấu cơ J-11 đã được nhận ra trong ảnh vệ tinh chụp hôm 29/3 tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Tin này được loan tải giữa lúc ông Trump đang có mặt ở Florida để gặp Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình trong hai ngày thứ Năm và thứ Sáu 6-7/4.
Dự kiến trong cuộc họp thượng đỉnh, ông Trump sẽ nêu lên những quan tâm của Mỹ về việc Trung Quốc tranh chấp lãnh thổ và quân sự hoá các căn cứ trên Biển Đông.
Chỉ vào một máy bay chiến đấu duy nhất trên tấm ảnh, Giám Đốc AMTI Greg Poling nói “có phần chắc là có nhiều hangar chứa máy bay khác ở gần đó.”
Ông Poling nói không rõ chiếc máy bay chiến đấu đã được điều đến đảo Phú Lâm từ bao lâu, nhưng ông nói thêm rằng dự kiến sẽ những vụ triển khai tương tự trên các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đã xây dựng trên quần đảo Trường Sa xa hơn về hướng Nam, bởi vì các cơ sở quân sự đã được hoàn tất tại đó.
Hoa Kỳ trong quá khứ đã nói rằng các vụ triển khai luân phiên điều máy bay chiến đấu Trung Quốc tới đảo Phú Lâm là một phần trong xu hướng quân sự hoá ‘rất đáng lo ngại’, đặt ra những nghi vấn về ý đồ của Trung Quốc trên Biển Đông, tuyến hàng hải quốc tế quan trọng.
Đại sứ quán Trung Quốc không trả lời yêu cầu xin bình luận. Trung Quốc trước đây bác bỏ những tố cáo của Mỹ cho rằng Bắc Kinh đang quân sự hoá Biển Đông, và tháng Ba vừa rồi, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói các thiết bị quốc phòng đặt trên các hòn đảo trong vùng biển tranh chấp có mục đích “duy trì tự do hàng hải.”
Một giới chức Mỹ xin giấu tên, nói sự hiện diện của máy bay chiến đấu Trung Quốc trên đảo Phú Lâm không gây ngạc nhiên. Ông nói:
“Đảo Phú Lâm đã được quân sự hoá quá mức rồi. Không có gì đáng ngạc nhiên khi chúng ta thấy xuất hiện máy bay quân sự ở đó.”
Hôm qua, 6/4, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố đã hạ lệnh cho quân đội chiếm đóng các đảo và bãi đá không người ở mà Philippines tuyên bố chủ quyền trong Biển Đông, điều chắc chắn sẽ làm Bắc Kinh giận dữ vì Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên hầu hết tuyến lãnh hải có tính chiến lược này. - VOA
|
|
3.
Nga lên án Mỹ bắn hỏa tiễn vào căn cứ của quân chính phủ Syria
Hoa Kỳ vừa mở cuộc tấn công bằng hỏa tiễn vào mục tiêu ở Syria để đáp trả vụ nghi dùng vũ khí hóa học tại nơi quân nổi dậy nắm giữ.
Phát ngôn viên của Tổng thống Vladimir Putin ngay sau đó lên án Mỹ là có hành động hung hăng nhắm vào một quốc gia có chủ quyền.
Một quan chức Lầu Năm Góc nói rằng khoảng 50 tên lửa hành trình Tomahawk được bắn từ các tàu khu trục của Hải quân Hoa Kỳ tại phía đông Địa Trung Hải nhắm vào một căn cứ không quân ở Syria.
Trong tuyên bố phát trên truyền hình, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng căn cứ này là nơi triển khai vụ tấn công hôm 4/4.
Ông kêu gọi "tất cả các quốc gia văn minh" giúp chấm dứt xung đột ở Syria.
Đây là hành động quân sự trực tiếp đầu tiên của Mỹ nhằm vào lực lượng của chính phủ Syria.
Nga, vốn ủng hộ Bashar al-Assad, đã lên án vụ tấn công.
Phóng viên BBC tại Moscow Steve Rosenberg nói điện Kremlin mô tả vụ tấn công này là "hành động gây hấn", vi phạm chuẩn mực quốc tế về can dự và sẽ gây thiệt hại đáng kể cho quan hệ Nga-Mỹ.
Hãng tin Reuters dẫn lời Bộ Ngoại giao Nga nói rằng Nga sẽ đình chỉ thỏa thuận an toàn hàng không với Hoa Kỳ, vốn được đưa ra để hạn chế đụng độ giữa máy bay của không quân hai bên trên bầu trời Syria.
Tấn công 'bằng vũ khí hóa học'
Vụ này xảy ra chỉ vài ngày sau khi hàng chục thường dân, trong đó có nhiều trẻ em, đã thiệt mạng trong cuộc tấn công nghi là dùng chất độc thần kinh ở thị trấn Khan Sheikhoun, tỉnh Idlib.
Evgeny Poddubnyy, phóng viên của kênh Russia 24 vào được căn cứ của quân đội Syria bị tên lửa Hoa Kỳ bắn phá và đăng hình lên mạng Instagram.
Ông cho hay không phải tất cả các máy bay của Syria tại đây bị phá hủy, và tin tức ban đầu nói có 9 phi cơ bị cháy khi đậu bên trong nhà.
Phát biểu từ dinh thự Mar-a-Lago ở Florida, Tổng thống Trump nói Tổng thống Syria Bashar al-Assad là một "nhà độc tài", người "phát động vụ tấn công vũ khí hóa học khủng khiếp nhắm vào thường dân vô tội".
"Đêm nay tôi kêu gọi tất cả các quốc gia văn minh cùng chúng tôi tìm cách chấm dứt vụ tàn sát, tắm máu ở Syria cũng như chấm dứt các loại chủ nghĩa khủng bố," ông nói.
"Chúng tôi hy vọng rằng chừng nào mà nước Mỹ vẫn đứng về phía công lý, hòa bình và hòa hợp cuối cùng cũng sẽ thắng thế."
'Thay đổi tất cả'
Anh Quốc tỏ thái độ ủng hộ với hành động quân sự của Hoa Kỳ. Sir Michael Fallon, bộ trưởng quốc phòng, nói chính phủ Anh "ủng hộ hoàn toàn cuộc tấn công bằng hỏa tiễn vào Syria".
Jon Sopel, Biên tập viên khu vực Bắc Mỹ của BBC phân tích:
"Hiếm khi có một chính sách được thay đổi nhanh như vậy - và hiếm khi có hành động ngay lập tức như vậy.
Khi Tổng thống Trump lên nắm quyền, nhà lãnh đạo Syria còn được xem là đồng minh hữu ích trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo. Những cuộc hội đàm về việc thay đổi chế độ này đã ngưng lại.
Nhưng nay vụ tấn công dùng vũ khí hóa học đã làm thay đổi tất cả. Chỉ trong vòng hai ngày, Hoa Kỳ đã đảo ngược quan điểm của Tổng thống Assad, xác định mục tiêu và tấn công.
Những gì chúng ta không biết là liệu đây có phải là một hành động mang tính nhất thời, hoặc việc khởi đầu một chiến dịch dài hơi chống lại chính quyền Assad. Chúng ta cũng không biết là cuộc tấn công sẽ ảnh hưởng thế nào đến mối quan hệ của Mỹ với Nga, đồng minh chủ chốt của Syria."
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc cho biết, địa điểm bị các tên lửa hành trình nhắm đến "liên quan trực tiếp tới vụ tấn công dùng vũ khí hóa học khủng khiếp".
"Chúng tôi đã xem xét và tin rằng vụ tấn công vũ khí hóa học hồi đầu tuần này được triển khai từ khu vực này dưới sự chỉ đạo của chế độ Assad", phát ngôn viên này nói.
"Chúng tôi cũng tin rằng chế độ Assad dùng một chất độc thần kinh như Sarin trong những vụ tấn công này."
Truyền hình nhà nước Syria phát đi thông báo rằng "cuộc tấn công của Mỹ với một số tên lửa" nhắm mục tiêu một căn cứ quân sự của Syria nhưng không thông tin chi tiết.
Quân đội Syria bác bỏ cáo buộc nói họ dùng vũ khí hóa học.
Trước đó, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson báo hiệu việc thay đổi chính sách đột ngột của của chính quyền Trump và nói rằng Tổng thống Assad không nên có vai trò nào trong tương lai của Syria.
Đây là một sự thay đổi 180 độ vì chỉ mới tuần trước, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley, nói rằng Washington không còn ưu tiên cho việc lật đổ tổng thống Syria. - BBC
|
|
4.
Xe đâm vào cửa hàng ở Stockholm: 3 người chết
Cảnh sát Thụy Điển cho hay một chiếc xe tải vừa đâm vào một cửa hàng ở trung tâm thủ đô Stockholm làm ít nhất ba người chết.
Họ nói cũng có một số người bị thương. Đã có nổ súng trong vụ này.
Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven tuyên bố đất nước Thụy Điển đã bị tấn công và mọi chỉ dấu cho thấy đây là một cuộc tấn công khủng bố. Ông cho hay một nghi phạm đã bị bắt nhưng không cho biết thêm chi tiết.
Vụ việc xảy ra trên phố Drottninggatan (Phố Hoàng hậu), một trong các phố đi bộ chính của thủ đô, khoảng 3 giờ chiều 7/4 (8 giờ tối giờ Hà Nội).
Có tin cũng có nổ súng ở một khu vực khác trong thành phố, theo phóng viên chuyên an ninh của BBC Frank Gardner, người vừa nói chuyện với các nguồn tin an ninh.
Hiện chưa rõ hai vụ này có liên quan tới nhau không.
Các nhân chứng nói họ thấy xe đâm vào cửa kính trung tâm mua sắm Ahlens và người ngã xuống ở hiện trường.
Nhân chứng Leif Arnmar, người làm việc trong trung tâm mua sắm đó, nói với kênh truyền thông quốc gia SVT: "Tình trạng thật là hỗn loạn, tôi không biết có bao nhiêu người bị thương, nhiều người bị sốc".
Tập đoàn bia và nước giải khát Spendrups nói xe tải của họ bị cướp khi đang trên đường mang đồ uống tới các nhà hàng. - BBC
|
|
Tin Hoa Kỳ
5.
Phó Tổng thống Mike Pence sẽ công du Châu Á vào giữa tháng Tư --- ASEAN chờ đợi cuộc gặp với phó tổng thống và ngoại trưởng Mỹ
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đi thăm Hàn Quốc trễ hơn trong tháng này giữa lúc Bắc Hàn phô trương các chương trình hạt nhân và phi đạn của họ, làm leo thang những căng thẳng tại vùng Đông-Bắc Á.
Ông Pence sẽ thực hiện chuyến công du 10 ngày tới thăm 4 nước thuộc khu vực Á Châu-Thái Bình Dương, bao gồm các chặng dừng chân ở Nhật Bản, Indonesia, Australia và Hawaii.
Ông sẽ lên đường vào ngày 15/4, theo tin Toà Bạch Ốc.
Đây sẽ là chuyến công du chính thức đầu tiên của Phó Tổng thống Pence tới thăm các nước Á Châu-Thái Bình Dương. Tại đây ông sẽ gặp các lãnh đạo khu vực để thảo luận về các liên minh quân sự của Mỹ, cũng như về vấn đề thương mại và kinh tế.
Chuyến đi của ông Pence tới thăm Hàn Quốc diễn ra sau khi Bắc Hàn phóng đi 1 phi đạn đạn đạo vào các vùng biển ngoài khơi vùng duyên hải phía Đông Triều Tiên, khiến Tổng thống Trump lên tiếng cảnh cáo rằng Mỹ sẽ hành động đơn phương để chặn đứng các hành động hung hăng của miền Bắc.
Chuyến công du của ông Pence là một cơ hội để ông thảo luận về quyết định của Tổng thống Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương - TPP, một hiệp định bao gồm Australia và Nhật Bản.
Chiến dịch đàn áp di dân của ông Trump và hạn chế du hành áp dụng cho 6 nước có đa số dân theo Hồi giáo, có phần chắc sẽ là đề tài được mang ra thảo luận với các nhà lãnh đạo Indonesia, nước có nhiều tín đồ Hồi giáo nhất trên thế giới.
Mặc dù Indonesia không có trên danh sách các nước có đa số dân theo Hồi giáo bị cấm du hành, giới lãnh đạo Indonesia đã bày tỏ sự bất bình của họ đối với lệnh cấm du hành, vốn đã bị các toà án ở Mỹ chặn lại, không cho thi hành. - VOA
***
Trong khi tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp đón chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Florida thì các bộ trưởng ASEAN đang đặt nhiều kỳ vọng vào cuộc gặp mặt với ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và chuyến thăm sắp tới của phó tổng thống Mike Pence.
Phó tổng thống Mike Pence dự kiến sẽ có chuyến công du tới châu Á vào tháng này trong lúc có những mối lo ngại về việc chính quyền Tổng thống Donald Trump đang lật ngược chính sách “xoay trục châu Á” của người tiền nhiệm Barack Obama.
Hôm 4/4, ngoại trưởng Philippines đã công bố về cuộc gặp mặt sắp tới của các nhà ngoại giao hàng đầu ASEAN với ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và nói “chúng tôi đang rất mong đợi cuộc gặp này.”
Nhận định về cuộc gặp sắp tới của ngoại trưởng Mỹ với các bộ trưởng ASEAN, Amy Searight, giám đốc chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Washington cho rằng “đây là một dấu hiệu tốt.”
"Ngoại trưởng Rex Tillerson đã mời 10 đối tác đương nhiệm của ông là các bộ trưởng ngoại giao của khối ASEAN tới Washington vào đầu tháng 5. Tôi không nghĩ là họ đã có ngày giờ cụ thể nhưng điều này chắc chắc sẽ xảy ra," theo bà Searight.
Tổng thống Barack Obama khi còn đương nhiệm cũng đã có cuộc gặp với các bộ trưởng ngoại giao của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. Tổng thống Obama lúc đó đã chủ trì cuộc họp thượng đỉnh với những nhà ngoại giao hàng đầu của khu vực tại Sunnylands vào tháng 2 năm 2016. Đó cũng là cuộc gặp đầu tiên giữa một tổng thống Mỹ với các bộ trưởng ngoại giao ASEAN trên đất Mỹ.
Theo các nhà phân tích, chính sách “xoay trục châu Á” là một phần quan trọng trong các chính sách ngoại giao của Mỹ trong thời gian 8 năm ông Obama làm tổng thống và châu Á, và chính quyền Obama rất chú trọng tới châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á, để kiềm chế sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. "Rõ ràng là dưới thời của chính quyền Obama đã có rất nhiều nỗ lực để tái cân bằng (về châu Á), để tham gia một cách đầy đủ hơn nữa với các nước Đông Nam Á và với toàn bộ khối ASEAN. Do đó đã có một sự tái cân bằng thực sự trong chính sách về châu Á, tập trung nhiều về Đông Nam Á hơn bất cứ lúc nào trong lịch sử. Những sự tiếp cận trước đây hầu như chỉ tập trung vào đông bắc Á. Nhưng dưới chính phủ của ông Trump, chưa có gì rõ ràng về việc liệu (Mỹ) sẽ tập trung vào Đông Nam Á ở mức độ nào."
Khi nhà tỷ phú Donald Trump lên nắm quyền, ông đã đánh đi các tín hiệu cho thấy chính sách xoay trục châu Á của tổng thống Obama sẽ không được tiếp tục nữa, và điển hình là việc tuyên bố rút Mỹ ra khỏi hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP. Đây là hiệp định thương mại mà chính quyền tổng thống Obam đã dày công thương thuyết với 11 đối tác khác trong khu vực, trong đó có Việt Nam,
Với cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-Trung sắp diễn ra tại tư gia của tổng thống Trump ở Mar-a-Lago, Florida, các nước trong khu vực châu Á, đặc biệt là ASEAN đang lo lắng theo dõi kết quả cuộc gặp này và xem có những dấu hiệu cho thấy Mỹ sẽ rút lui sự hiện diện quân sự trong khu vực khi mà Trung Quốc ngày càng có nhiều hành động bành chướng sức mạnh nhất là trên biển Đông.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia tại cuộc họp kín về mối quan hệ Mỹ-ASEAN do CSIS tổ chức với sự tài trợ của bộ Ngoại giao Mỹ, có nhiều mối lo ngại về những phát triển chính trị ở Washington và quan điểm rằng Đông Nam Á không ở trong “tầm ngắm” của chính quyền Donald Trump. Và họ cho rằng Mỹ đang đối mặt với một thách thức về lòng tin và sự tín nhiệm của họ trong khu vực.
Nhà nghiên cứu Amy Searight cho rằng đây là “thời điểm tốt khi phó tổng thống Mike Pence sẽ tới Jakarta trong 1 vài tuần tới và chúng ta phải chờ xem ông ấy sẽ mang đến những thông điệp gì: liệu ông ấy sẽ nói đến các vấn đề trong khu vực nói chung hay đặc biệt trong khối ASEAN nói riêng.”
Bà nói: "Đó có thể là một chỉ dấu đầu tiên của quan điểm chiến lược của chính quyền (Trump) về khu vực Đông Nam Á. Nhưng cho đến lúc này chúng ta chưa nhìn thấy nhiều hành động cho thấy quan điểm của họ về Đông Nam Á như thế nào."
Cố vấn cao cấp của CSIS nói “mọi con mắt sẽ đổ dồn về phía Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis khi ông tới tham dự Đối thoại Shangri La (ở Singapore) để tìm những dấu hiệu hé lộ quan điểm của Bộ Quốc phòng Mỹ đối với một số đồng minh và đối tác quan trọng của Mỹ ở Đông Nam Á.” Bà Searight nói chính sách “xoay trục châu Á” chưa hẳn đã “chết” và vẫn còn quá sớm để kết luận và rằng “chính quyền của Tổng thống Trump mới lên nắm quyền chưa được 100 ngày và họ còn đang tập trung vào những vấn đề lớn như Bắc Triều Tiên và Trung Quốc.” Nhà nghiên cứu này nói “chúng ta phải chờ vài tuần có thể là vài tháng nữa mới thấy được những bàn luận về Đông Nam Á xuất hiện.” - VOA
|
|
6.
Thượng Viện sẵn sàng chuẩn thuận Gorsuch vào Tối cao Pháp viện
Thượng viện Hoa Kỳ đang trong thế sẵn sàng chuẩn thuận cho ông Neil Gorsuch, người được Tổng thống Donald Trump đề cử, làm thẩm phán Tối cao Pháp viện, sau khi phe Cộng hòa dùng thế mạnh đa số để thực hiện một thay đổi lịch sử trong các quy định của Thượng viện. Từ nay đảng thiểu số ở Thượng viện sẽ không còn khả năng đơn phương ngăn cản việc chuẩn thuận cho người được đề cử vào Tối cao Pháp viện nữa.
Sau những đổ lỗi qua lại và xỉ vả nhau bằng những từ ngữ căm tức đang tăng dần lên đỉnh điểm, các nghị sĩ Cộng hòa hôm 6/4 đã dùng một chiến thuật của thế đa số mà ngôn từ ở Quốc hội gọi là “tùy chọn hạt nhân” để thay đổi quy định của Thượng viện, chấm dứt khả năng của Ðảng Dân chủ dùng chiến thuật tranh luận câu giờ filibuster để truy cản việc chuẩn thuận cho ông Gorsuch.
Các nghị sĩ Cộng hòa nói rằng họ không còn chọn lựa nào khác hơn là phải hành động.
Thượng nghị sĩ Mitch McConnell của Ðảng Cộng hòa phát biểu:
“Chúng tôi cần phải khôi phục lại những quy tắc tiêu chuẩn và truyền thống của Thượng viện và đẩy vào quá khứ thủ thuật tranh luận câu giờ filibuster chưa có tiền lệ này.
Quan điểm của phe Dân chủ về sự việc này hoàn toàn khác. Thượng nghị sĩ Chuck Schumer của Ðảng Dân chủ phát biểu:
“Khi lịch sử phán xét điều gì đã xảy ra, trách nhiệm của việc thay đổi quy định này sẽ đặt lên vai của thủ lãnh khối đa số Thượng viện, ông McConnell. Không ai ép họ phải làm. Họ đã hành động tự tung tự tác.”
Phe Cộng hòa nói rằng phe Dân chủ đừng nên đổ lỗi cho ai mà hãy tự trách mình là rõ ràng đã tìm cách cản trở tiến trình. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Chuck Grassley phát biểu:
“Quý vị biết là ông Gorsuch sẽ được chuẩn thuận, và trong thâm tâm quý vị hiểu rõ rằng ông Gorsuch xứng đáng được chuẩn thuận.
Thay đổi quy định này ở Thượng viện không ngoài mục đích gì khác hơn là đảm bảo cho ông Gorsuch được chuẩn thuận vào Tối cao Pháp viện bổ khuyết cho chiếc ghế của Thẩm phán Antonin Scalia, người đã qua đời năm ngoái. Kể từ thay đổi quy định này, quyền lực mà đảng thiếu số trong Thượng viện lâu nay vẫn dùng để bảo vệ mình nay sẽ yếu đi.
Thượng nghị sĩ Schumer của Ðảng Dân chủ nói:
“Việc thay đổi quy định này làm suy yếu vị thế của cả Thượng viện nói chung, trong chức năng kiểm soát quyền lực của tổng thống và định hình cho ngành tư pháp. Đó là công thức gây ra thêm xung đột và thù nghịch giữa hai đảng.
Chính các nghị sĩ Dân chủ đã thay đổi quy định của Thượng viện vào năm 2013 để loại trừ chiến thuật tranh luận câu giờ để chặn một đề cử khác không phải cho Tối cao Pháp viện. Chiến thuật filibuster đó vẫn tiếp tục xuất hiện trong hầu hết các quy trình lập pháp. Nhưng sau khi Thượng viện đã hai lần tấn công vào chiến thuật này, áp lực có thể sẽ tiếp tục tăng theo xu hướng phải làm suy yếu chiến thuật filibuster nhiều hơn nữa trong những năm tháng sắp tới. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
7.
Trung Quốc ca ngợi Việt Nam “chăm sóc tốt phần mộ liệt sỹ” của họ
Hãng thông tấn của nhà nước Trung Quốc hôm 5/4 ca ngợi người Việt chăm sóc tốt các phần mộ của những người lính Trung Quốc tử trận trong chiến tranh Việt Nam.
Xinhua trích lời một người canh mộ ở nghĩa trang Kim Anh giành cho các liệt sỹ Trung Quốc ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội, nói những liệt sỹ Trung Quốc hy sinh vì giúp Việt Nam trong cuộc ‘chiến tranh chống Mỹ’ đang yên nghỉ tại đây.
Người đàn ông 69 tuổi có tên Nguyen Duc Quyet nói với Xinhua rằng ông trông nom các phần mộ này cẩn thận như chính những phần mộ của liệt sỹ Việt Nam và cho biết ông đã đến sống ở gần đó trong 25 năm qua để tiện chăm sóc nghĩa trang này, nằm cách Hà Nội 40km.
Một phái đoàn của sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội cùng các đại diện từ các công ty và nhiều tổ chức khác Trung Quốc tại Việt Nam hôm 5/4 đã đến đặt vòng hoa và viếng những ngôi mộ nhân dịp Tiết Thanh Minh, theo Xinhua. Cùng tham gia viếng mộ liệt sỹ Trung Quốc có một số quan chức Việt Nam.
Thông tin này không được nhắc đến trên truyền thông Việt Nam. Cổng thông tin điện tử huyện Sóc Sơn cũng không đăng tải thông tin này.
Xinhua trích dẫn thông tin của đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội nói rằng nhiều binh sĩ Trung Quốc đã “tham gia chiến đấu ở Việt Nam trong 2 cuộc chiến của người Việt chống Pháp và Mỹ theo yêu cầu của chính phủ Việt Nam”. Hơn 320.000 binh lính Trung Quốc đã sát cánh chiến đấu với binh sĩ miền Bắc trong 2 cuộc chiến này.
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên trưởng Ban biên giới Chính phủ, nói với VOA Việt Ngữ rằng “mặc dù quan hệ của Việt Nam và Trung Quốc có những lúc thăng trầm trong lịch sử” nhưng ông khẳng định Trung Quốc có giúp Việt Nam trong các cuộc chiến tranh đó. "Có những giai đoạn phía Trung Quốc giúp Việt Nam nhất là trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Họ giúp Việt Nam rất là nhiều và có thể nó rất có ý nghĩa và quan trọng để đóng góp vào sự chiến thắng của dân tộc (Việt Nam) trong công cuộc chống ngoại xâm."
Trong chiến tranh Việt Nam vào thập niên 1960, hơn 1.400 lính Trung Quốc hy sinh đã được chôn cất ở 40 nghĩa trang tại 22 tỉnh thành trải dài từ miền Bắc tới miền Trung Việt Nam.
Theo một bản tin của China News Service vào tháng 5/1989, Trung Quốc, ngoài việc gửi hàng trăm nghìn binh lính sang Việt Nam trong thập niên 1960, còn cung cấp cho Hà Nội 20 tỷ đô la để trang bị cho quân đội miền Bắc và các đội quân du kích.
Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Khổng Huyễn Hựu được hãng tin nhà nước Trung Quốc trích lời nói “sự phát triển của quan hệ Trung Quốc-Việt Nam hiện nay, một sự hợp tác chiến lược toàn diện, chứng minh rằng máu của người Trung Quốc đổ xuống trong cuộc chiến tranh chống Mỹ của người Việt là không vô ích.”
Tuy nhiên tiến sĩ Trục nói “những vấn đề hiện nay như vấn đề biển Đông và tranh chấp chủ quyền tại hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, quần đảo của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng, đã dẫn đến những căng thẳng trong quan hệ 2 nước. "Trung Quốc gây ra cuộc thảm sát Gạc Ma và 64 công binh hải quân Việt Nam đã chiến đấu hy sinh ở khu vực này. Rồi hiện nay họ đang quân sự hóa và làm nhiều hoạt động khác. Tất cả những hành động đó gây ra căng thẳng mà Việt Nam đã có lên tiếng phản đối về mặt ngoại giao.
Cách đây 2 năm, Xinhua cũng đăng 1 bài viết về việc người Việt Nam sẽ “mãi mãi biết ơn” các liệt sỹ Trung Quốc tử trận trong chiến tranh ở Việt Nam và ghi nhận công lao của những người chăm sóc các nghĩa trang này.
Theo tiến sĩ Trục, điều đó cho thấy Trung Quốc công nhận một thực tế rằng “Việt Nam ghi nhận công lao giúp đỡ của các nước trong đó có Trung Quốc.”
Tiến sỹ này cho rằng "phía Trung Quốc, họ đã nghĩ đến điều đó và ca ngợi điều đó thì đối với bản thân họ cũng phải làm như vậy đối với những người Việt Nam chúng tôi đã hy sinh trong chiến tranh biên giới năm 1979 cũng như bảo vệ phía tây bắc quần đảo Trường Sa năm 1988. Khi mà họ nói đến việc người Việt Nam thắp hương cho những người Trung Quốc đã hy sinh trên mặt trận ở Việt Nam thì họ phải hiểu rằng họ cần phải làm điều tương tự." - VOA
|
|
8.
Trung Quốc và Việt Nam đạt thỏa thuận về nhà máy điện hạt nhân gần biên giới
Việt Nam và Trung Quốc đạt được một số thỏa thuận liên quan 3 nhà máy điện hạt nhân mà Bắc Kinh cho xây dựng giáp biên giới Việt Nam.
Cục trưởng Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân thuộc Bộ Khoa học- Công nghệ Việt Nam, ông Nguyễn Tuấn Khải, cho biết như vừa nêu.
Theo thông tin được đưa ra thì vào tháng 9 năm ngoái, Việt Nam hoàn tất dự thảo biên bản ghi nhớ về vấn đề hợp tác giữa cơ quan pháp quy và ngành năng lượng hạt nhân hai nước và gửi sang cho phía Trung Quốc liên quan hợp tác đối với ba nhà máy điện hạt nhân giáp biên giới với Việt Nam.
Đó là các nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành ở Quảng Tây, nhà máy điện hạt nhân Trường Giang ở Quảng Đông và nhá máy điện hạt nhân Xương Giang trên đảo Hải Nam.
Gần đây phía Việt Nam nhận được văn bản trả lời từ phía Trung Quốc cho biết đồng ý phần lớn các điểm ghi nhớ hợp tác được Hà Nội đề xuất ra.
Điểm mà Bắc Kinh chưa đồng ý là hợp tác trong xây dựng mạng lưới quan trắc phóng xạ, tăng cường năng lực ứng phó sự cố hạt nhân.
Thỏa thuận hợp tác giữa hai phía được dự kiến ký kết vào quý hai năm nay. - RFA
|
|
9.
Cá nuôi bè ở Vũng Tàu chết hàng loạt
Hiện tượng cá chết hàng loạt lại xảy ra đối với các lồng cá bè nuôi trên sông Chà Và, xã Sơn Long, thành phố Vũng Tàu.
Tin loan đi ngày 7 tháng tư cho hay trong 5 ngày qua cá nuôi trong lồng bè tại hộ của ông Nguyễn Văn Lợi đã chết trắng với số lượng 30.000 con. Đặc biết đây là những loại cá giống vừa được thả trong một vài tháng. Ông Lợi còn cho biết không chỉ cá mà tôm nuôi cũng chết với số lượng lớn. Những bè nuôi cá lồng sát với bè ông Lợi cũng xảy ra chuyện cá chết bất ngờ hàng loạt.
Người dân địa phương báo cáo nguyên nhân cá chết là do nước thải từ cống số 6 chảy ra sông Chà Và và gây ô nhiễm nguồn nước. Hôm 6 tháng tư, Chi Cục Thủy Sản tỉnh Bà Rịa, Vũng Tàu, đến kiểm tra và thống kê, cho biết khoảng 45.000 con cá giống đã chết.
Trước đó báo chí trong nước từng đưa tin về việc nguồn nước tại hồ chứa nước thải ở khu vực cống số 6 chuyển màu và bốc mùi hôi thối. Người dân tin rằng dòng nước bị ô nhiễm này chảy thoát ra nước sông Chà Và khiến hàng trăm hộ dân nuôi cá ở đây bị tác động.
Lãnh đạo địa phương đang cam kết làm rõ và xử lý việc này.
Trong khi đó thì hiện tượng ca chết trắng trên sông Bồ ở Thừa Thiên, Huế được cơ quan chức năng giải thích là do nuôi lồng quá dày.
Đó là kết luận ban đầu của Chi Cục Thú Y tỉnh Thừa Thiên, Huế, nói rằng cá chết hàng loạt là do được thả quá nhiều trong lúc dòng chảy không có, thiếu lượng oxy trong nước và lượng thức ăn lại dư thừa.
Vẫn theo nhận định của Chi Cục Thú Y Thừa Thiên Huế thì phân tích mẫu nước cho thấy cá chết không phải vì dịch bệnh mà do môi trường nuôi thả không bảo đảm đúng phương cách.
Người dân nuôi cá lồng trên sông Bồ được khuyến cáo không nên thả thêm cá giống vào lúc này, nới rộng khoảng cách giữa các lồng cá và bơm thêm không khí vào các lồng nuôi.
Tình trạng cá chết tại Sông Bồ trong những ngày qua được người nuôi cho biết khiến họ phải lâm cảnh nợ nần. - RFA
Link:
http://bit.ly/2kWPNo9
No comments:
Post a Comment