Monday, April 24, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Hai 24/4

Tin Thế Giới

1.
Toàn thể Thượng viện tới Bạch Ốc điều trần về Bắc Hàn --- Trump kêu gọi LHQ tăng trừng phạt Bắc Triều Tiên --- Trump họp với Hội đồng Bảo an LHQ tại Tòa Bạch Ốc --- Trump điện đàm với Tập, Abe về vấn đề Bắc Hàn --- Bắc Hàn 'sẵn sàng nhấn chìm' USS Carl Vinson

Các giới chức hàng đầu trong chính phủ của Tổng thống Donald Trump chiều ngày 24/4 sẽ mở phiên điều trần hiếm thấy tại Tòa Bạch Ốc cho toàn thể Thượng viện Mỹ bàn về tình hình Bắc Triều Tiên, các phụ tá cao cấp ở Thượng viện vừa cho biết.

Tất cả 100 Thượng nghị sĩ đã được yêu cầu tới Tòa Bạch Ốc tham dự cuộc điều trần với Ngoại trưởng Rex Tillerson, Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Dan Coats và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, Đại tướng Joseph Dunford.

Các giới chức cao cấp của chính quyền thường tới Quốc hội để phát biểu với các nhà lập pháp về các vấn đề an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại, nhưng toàn thể 100 thành viên của Thượng viện tới dự một sự kiện như thế tại Tòa Bạch Ốc là điều ‘bất thường’, đặc biệt với sự tham gia của 4 giới chức hàng đầu như vừa kể.

Các giới chức Mỹ ngày càng tỏ ra quan ngại về các cuộc thử nghiệm phi đạn và hạt nhân của Bắc Triều Tiên cũng như lời đe dọa tấn công Mỹ và các đồng minh Châu Á của Mỹ xuất phát từ Bình Nhưỡng.

Trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, hôm chủ nhật 23/4, Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh hành động của Bắc Triều Tiên gây bất ổn.

Cuộc điều trần tại Tòa Bạch Ốc sẽ diễn ra lúc 3 giờ chiều (giờ thủ đô Hoa Kỳ) hôm nay, 24/4.

Các trợ lý ở Hạ viện cho hay đang làm việc với Tòa Bạch Ốc để định ngày giờ cho một cuộc điều trần tương tự như thế với sự tham gia của các dân biểu Hạ viện. - VOA

***
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ngày 24/4 kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc phải chuẩn bị ban hành lệnh trừng phạt mới đối với Bắc Triều Tiên trong lúc gia tăng quan ngại rằng Bình Nhưỡng có thể thử nghiệm một quả bom hạt nhân thứ sáu, sớm nhất là vào ngày 25/4.

“Hiện trạng ở Bắc Triều Tiên lúc này cũng không thể chấp nhận được,” ông Trump phát biểu tại cuộc họp với 15 đại sứ của Hội đồng Bảo an, kể cả Trung Quốc và Nga, tại Tòa Bạch Ốc. “Hội đồng phải chuẩn bị áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung và mạnh mẽ hơn đối với các chương trình phi đạn đạn đạo và hạt nhân của Bắc Triều Tiên.”

“Đây là mối đe dọa thực sự đối với thế giới, cho dù chúng ta muốn nói tới hay không. Bắc Triều Tiên là một vấn đề lớn của thế giới và là vấn đề mà chúng ta sẽ phải giải quyết”, ông Trump nói.

Reuters dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết lệnh trừng phạt mạnh tay hơn có thể bao gồm lệnh cấm vận dầu, cấm các hãng hàng không của Bắc Triều Tiên, chặn tàu hàng, và trừng phạt các ngân hàng Trung Quốc cũng như hoạt động kinh doanh của các nước với Bình Nhưỡng.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sẽ tổ chức một phiên họp đặc biệt cấp Bộ trưởng của Hội đồng Bảo an bàn về Bắc Triều Tiên vào thứ sáu tuần này để tìm cách tối đa hóa tác động của các biện pháp trừng phạt hiện tại và chứng tỏ ‘quyết tâm đáp lại các hành động khiêu khích với các biện pháp mới phù hợp.’

Tòa Bạch Ốc loan báo Tổng thống Trump và Thủ tướng Đức Angela Merkel trong cuộc điện đàm ngày 24/4 đã thảo luận về ‘thách thức an ninh cấp bách’ của Bắc Triều Tiên. - VOA

***
Tổng thống Trump ngày 24/4 tiếp các thành viên Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc tại Tòa Bạch Ốc.

Cuộc gặp này là một điều bất thường vì ông Trump trong cuộc vận động tranh cử đã kịch liệt chỉ trích Liên hiệp quốc.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên hiệp quốc, Nikki Haley, dự trù họp với Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc vào ngày 25 tháng 4.

Bà Halley tham dự cuộc họp tại Tòa Bạch Ốc trước khi các thành viên Hội đồng Bảo an trở về New York để dự các phiên họp của Hội đồng vào ngày mai, 25 tháng 4.

Dự thảo ngân sách của Tổng thống đề nghị cắt giảm mạnh sự đóng góp của Hoa Kỳ cho Liên hiệp quốc. Việc này có thể ảnh hưởng đáng kể đến nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc trên toàn thế giới.

Các nhiệm vụ quan trọng khác của Liên hiệp quốc gồm có cứu trợ người tị nạn và kiểm tra lý lịch những người xin visa tị nạn vào Mỹ, trông coi công việc của Tổ chức Y tế Thế giới, UNICEF và Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế tại Vienna, cơ quan thanh tra vũ khí theo dõi việc Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân.

Bắc Triều Tiên chắc chắn là đề tài thảo luận chính trong cuộc họp tại Tòa Bạch Ốc hôm nay.

Tuần trước, Trung Quốc không bỏ phiếu về một nghị quyết của Liên hiệp quốc lên án vụ thử phi đạn mới đây của Bắc Triều Tiên-thay vì phủ quyết nghị quyết. Cho tới nay Bắc Kinh vẫn phản đối những hành động mạnh mẽ hơn đối với Bắc Triều Tiên.

Chính quyền ông Trump có thể đơn phương áp đặt những chế tài mạnh tay hơn về ngân hàng đối với Bắc Triều Tiên nếu muốn, giống như những chế tài tương tự của chính quyền Obama đối với Iran-chẳng hạn như ngăn không cho các ngân hàng nước ngoài giao dịch với Bắc Triều Tiên trao đổi bằng đô la hay làm các dịch vụ ngân hàng tại Mỹ. Đây sẽ là một cú giáng trực tiếp đối với việc Trung Quốc tài trợ cho chế độ Bình Nhưỡng.

Hiện Tòa Bạch Ốc chưa chọn phương án này nhưng đã nhiều lần tuyên bố “tất cả giải pháp đều được tính đến,” ngụ ý kể cả giải pháp quân sự.

Nhiều chuyên gia, trong đó có cựu Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta, xem nhẹ khả năng có thể tấn công phủ đầu Bắc Triều Tiên vì mật độ dân số hàng triệu người tại Seoul và 28.500 binh sĩ Mỹ tại Hàn quốc, tất cả đều nằm trong tầm pháo kích của Bắc Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng trả đũa.

Một công dân Mỹ gốc Triều Tiên giảng dạy về kế toán bị bắt giữ hôm 23/4 tại phi trường Bình Nhưỡng khi sắp rời khỏi Bắc Triều Tiên sau 1 tháng có mặt tại nước này.

Bộ Ngoại giao Mỹ đã tiếp xúc với tòa đại sứ Thụy Điển, nước bảo vệ quyền lợi của Mỹ tại Bắc Triều Tiên, để yêu cầu phóng thích công dân Mỹ này. - VOA

***
Hôm thứ Hai, 24/4, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thúc giục việc kìm chế Bắc Triều Tiên. Đây là cuộc điện đàm thứ hai kể từ cuộc họp thượng đỉnh ở Florida vào đầu tháng 4.

Người dẫn chương trình của đài truyền hình nhà nước Trung Quốc cho biết ông Tập nhấn mạnh sự phản đối của Bắc Kinh đối với các vi phạm nghị quyết Hội đồng Bảo an LHQ và hy vọng tất cả các bên sẽ kìm chế và tránh bất cứ điều gì làm trầm trọng thêm tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Nhà phân tích tình hình Bắc Triều Tiên Woo Su-keun thuộc trường đại học Đông Hoa ở Thượng Hải cho biết, mối đe dọa quân sự ngày càng gia tăng của chính quyền Tổng thống Trump đã khiến giới lãnh đạo Bắc Kinh phải dùng những biện pháp mạnh mẽ hơn để ngăn chặn một cuộc xung đột nghiêm trọng mà có thể đẩy khu vực này vào chiến tranh.

Ông Woo nói: "Nếu Chủ tịch Tập không hợp tác với Tổng thống Trump, thì ông Trump có thể đưa ra những hành động gây ảnh hưởng đến Trung Quốc cả bên trong và bên ngoài, vì vậy chiến lược của Chủ tịch Tập sẽ hợp tác với Tổng thống Trump càng nhiều càng tốt.”

Ông Trump cũng đã điện đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe về tình hình Bắc Triều Tiên.

Ông Abe cũng nói rằng ông và ông Trump đồng ý rằng Trung Quốc nên đóng một vai trò lớn hơn trong việc đối phó với Bình Nhưỡng.

Theo các quan chức ở Tokyo, cuộc điện đàm 30 phút giữa ông Trump và ông Abe đã tăng thêm áp lực lên Bình Nhưỡng trong yêu cầu nước này không có thêm các hành động khiêu khích, nhưng không mang lại bất kỳ sự thay đổi đáng kể nào cho tình hình khu vực.

Hôm thứ Hai, ông Abe nói với các phóng viên tại Tokyo rằng: "Chúng tôi mạnh mẽ yêu cầu Bắc Triều Tiên, quốc giá đang lặp đi lại sự khiêu khích, phải kiềm chế."

Ông Abe nói thêm: "Chúng tôi sẽ duy trì mối quan hệ khắng khít với Hoa Kỳ, tiếp tục đề cao cảnh giác, và kiên quyết đáp trả."

Nhà lãnh đạo Nhật Bản nói ông đồng ý về sự cần thiết phải kìm chế và cho rằng các chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng là một mối đe dọa đáng kể đối với an ninh Nhật Bản.

Hiện đang có quan ngại rằng Bắc Bắc Hàn có thể sẽ tiến hành một cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ 6 vào thứ Ba này, nhân dịp kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Triều Tiên. Hạm đội tác chiến của Mỹ do tàu sân bay Carl Vinson dẫn đầu được cho là còn vài ngày nữa là đến vùng biển Nhật Bản, gần bờ biển Hàn Quốc.

Trong lúc ấy, Bắc Triều Tiên đang bắt giữ công dân Mỹ thứ ba, người không được phép đi ra khỏi Bắc Triều Tiên hôm thứ Bảy. Người đàn ông này được xác định là người Mỹ gốc Hàn, tên Tony Kim, dạy kế toán tại Đại học Khoa học và Công nghệ Bình Nhưỡng (PUST). Chuyên gia về Hàn Quốc Sung Yoon-Lee thuộc Đại học Tufts nói với phóng viên Victor Beattie của đài VOA rằng trường học này do tư nhân quản lý, phần lớn do các Kitô hữu phái Phúc âm hỗ trợ, đã mở các lớp học cách đây 7 năm.

Có hai công dân Mỹ khác cũng đang ở trong nhà tù của Bắc Triều Tiên. Đó là nhà truyền giáo người Mỹ gốc Hàn Kim Dong Chul, bị kết án 10 năm lao động khổ sai về tội âm mưu lật đổ chính phủ, và sinh viên cao đẳng Otto Warmbier, 22 tuổi, đang phải chịu án 15 năm lao động khổ sai vì tội có âm mưu lấy trộm một biểu ngữ tuyên truyền. - VOA

***
Bắc Hàn hôm 23/4 tuyên bố 'sẵn sàng nhấn chìm' hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson và cảnh báo sẽ tấn công Úc bằng vũ khí hạt nhân nếu nước này tiếp tục là đồng minh của Mỹ.

Nhóm hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson của Mỹ bắt đầu cuộc tập trận chung với hải quân Nhật ở Biển Phillippines và dự tính sẽ tới khu vực bán đảo Triều Tiên vào cuối tháng Năm.

Nổi giận về việc nhóm hàng không mẫu hạm này đang tới gần, Bắc Hàn hôm thứ Hai 24/4 nói rằng đây là "một hành động cực kỳ nguy hiểm của những kẻ âm mưu tiến hành xâm lăng bằng một cuộc chiến hạt nhân", hãng tin Anh Reuters tường thuật.

"Mỹ không nên điên cuồng mà nên suy xét cẩn thận những hậu quả khôn lường từ hành động quân sự khiêu khích ngu xuẩn của mình," tờ Rodong Simun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động cầm quyền tại Bắc Hàn viết.

Trong bài xã luận ra hôm Chủ Nhật 23/4, tờ Rodong Sinmun cảnh báo hàng rằng không mẫu hạm USS Carl Vinson có thể bị đánh chìm "chỉ với một cú đánh duy nhất".

"Các lực lượng cách mạng của chúng ta đã sẵn sàng nhấn chìm tàu hàng không mẫu hạm dùng năng lượng hạt nhân của Mỹ, chỉ cần dùng tới một cú đánh duy nhất," bài xã luận viết. Bài còn viết thêm một cuộc tấn công vào cái mà họ gọi là "đồ súc sinh ghê tởm" sẽ là "một dịp để phô diễn sức mạnh quân sự của chúng ta".

Bài xã luận này được̀ đăng sau hình ảnh không rõ ngày chụp cho thấy lãnh đạo Kim Jong-un đi thăm một trang trại nuôi lợn ở Bắc Hàn.

Tờ báo quốc doanh Minju Joson cũng có cùng quan điểm, cảnh báo rằng quân đội Bắc Hàn sẽ "đánh những đòn không thương tiếc vào kẻ thù để chúng không thể vực dậy ́được nữa".

Chính quyền Trump đáp trả lời đe dọa của Bắc Hàn một cách ngắn gọn. "Chúng tôi kêu gọi (Bắc Hàn) không có những hành động khiêu khích, gây bất ổn và có sự lựa chọn chiến lược nhằm thực hiện những cam kết và nghĩa vụ quốc tế và quay trở lại đàm phán nghiêm túc," hãng tin Yonhap dẫn lời người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Mỹ Gary Ross.

Tuần trước, Ngoại trưởng Rex Tillerson trong chuyến đi thăm châu Á nói Mỹ đang "xem xét tình hình Bắc Hàn, cả việc nhà nước hỗ trợ khủng bố cũng như các biện pháp khác, để gây sức ép lên chế độ Bình Nhưỡng".

Tờ Rodong Sinmun phản công: "Trong trường hợp cuộc tấn công phủ đầu thần thánh của chúng ta bắt đầu diễn ra, thì nó sẽ xóa sổ hoàn toàn và ngay lập tức không chỉ bọn xâm lược đế quốc Mỹ ở Nam Hàn và các khu vực lân cận, mà còn cả trên đất Mỹ, và sẽ thiêu đốt chúng thành tro bụi." - BBC
|
|

2.
Trung Quốc: 8 điều cấm trên WeChat trước đại hội 19

Gần đây Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cảnh báo các đảng viên về tám "lằn ranh đỏ" khi sử dụng mạng xã hội phổ biến WeChat, cấm các hành vi như cho và nhận "phong bì đỏ" trên mạng để mua phiếu bầu.

Cảnh báo này cho thấy quyết tâm của đảng chống tham nhũng trước thềm Đại hội Đảng lần thứ 19 sẽ diễn ra trong năm nay, dự kiến đại hội sẽ bầu các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc cho nhiệm kỳ 5 năm tới.

Bằng cách thắt chặt kìm kẹp, các nhà quan sát nói rằng đảng có thể đã đi quá xa để có thể hạn chế sự hiện diện của 88 triệu đảng viên trên truyền thông mạng xã hội.

Các nhà quan sát nói rằng lệnh này có thể cũng phơi bày bản chất thực sự của các cuộc bầu cử theo phong cách Trung Quốc, hoàn toàn không phải là bầu cử tự do và không ứng cử viên nào được phép vận động bầu cử.

Lằn ranh đỏ

Tuần trước, Uỷ ban giám sát và kỷ luật trung ương, một tổ chức chống tham nhũng của đảng, công bố một thông báo trên mạng WeChat, nêu chi tiết các từ ngữ và các hành động mà đảng viên không được phép sử dụng trên mạng xã hội.

Theo đó, việc chỉ trích chính sách của chính phủ, chuyển tải thông tin có nội dung khiêu dâm, truyền bá tin đồn hoặc đưa ra nhận xét "không phù hợp", và làm rò rỉ bí mật nhà nước.

Hai trong số tám "lằn ranh đỏ" đặc biệt đề cập đến việc "sử dụng không đúng qui tắc phong bì đỏ trên mạng WeChat" như là hình thức hối lộ, hoặc để mua hoặc vận động phiếu bầu.

Thông báo cảnh báo rằng khi bị phát hiện vi phạm các quy định này, cán bộ đảng viên sẽ bị kỷ luật.

Đả hổ hay diệt ruồi?

Nhìn chung các nhà quan sát tin rằng các phong bì điện tử trên mạng WeChat có nhiều khả năng được phát hiện trong các vụ hối lộ hoặc dàn xếp bầu cử vì mỗi “phong bì” bị giới hạn ở mức 200 nhân dân tệ (khoảng 29 đôla).

Do đó, các quan chức cấp thấp chứ không phải các quan chức cấp cao có xu hướng sử dụng mạng xã hội này để hối hộ hoặc mua phiếu bầu. Nói cách khác, theo ông Qiao Mu, cựu giáo sư của Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh, qui định này trọng tâm nhắm vào mạng WeChat là nhắm các "con ruồi" tham nhũng chứ không phải là những "hổ" tham nhũng.

Giáo sư Qiao cho biết rằng thời điểm ra cảnh báo có thể áp dụng được cho cuộc bầu cử cấp cao của đảng, dự trù sẽ qui tụ 2.300 đại biểu cho đại hội đảng 19, và cũng nhằm vào những điều khác nữa.

Ông Qiao cho biết thêm: "Các cuộc bầu cử ở Trung Quốc chủ yếu do đảng sắp xếp trước, có nghĩa là sẽ không có bất kỳ sự cạnh tranh thực sự và bầu cử tự do nào. Do đó, vận động kêu gọi hoặc giành phiếu bầu [thông qua WeChat] trước hết là không được phép.”

Ông Qiao nói tiếp: "Nhưng lời cảnh báo này đúng vào thời điểm bầu cử đại biểu đại hội đảng lần thứ 19. Vì vậy, tôi nghĩ rằng lệnh cấm vận động bỏ phiếu thông qua mạng WeChat cũng có thể áp dụng cho các cuộc bầu cử toàn quốc.”

Ông Qiao nói các cuộc bầu cử theo kiểu Trung Quốc không bao giờ là bầu cử tự do hay công bằng, ngay cả khi chúng dường như có vẻ như vậy.

Một ví dụ có thể được tìm thấy trong một đơn vị bầu cử ở Quý Châu, bầu ông Tập Cận Bình làm đại biểu cho Đại hội toàn quốc lần thứ 19 bằng một cuộc bỏ phiếu kín vào ngày hôm thứ Năm, mặc dù thực tế ông Tập chưa bao giờ sống hoặc làm việc trong tỉnh Qúy Châu, hay thực hiện bất kỳ cuộc vận động nào ở đó.

Ông Qiao nói những cảnh báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc không chỉ hạn chế quyền tự do ngôn luận của các đảng viên trên mạng WeChat, mà còn hạn chế sự hiện diện của họ như là người sử dụng mạng xã hội WeChat. - VOA
|
|

3.
Bất ổn chính trị Venezuela: tử vong tăng

Ít nhất một người thiệt mạng vì bất ổn chính trị ở Venezuela hôm 24/4 khi các cuộc biểu tình chống chính phủ bước vào tuần thứ tư với các cuộc ‘tọa kháng’ đòi bầu cử sớm.

Một nhân viên chính quyền địa phương bị bắn chết ở bang Merdea trong một tuần hành chống biểu tình, bày tỏ ủng hộ chính quyền xã hội chủ nghĩa. Một người khác bị thương vì trúng đạn đang trong tình trạng nguy kịch, thanh tra của bang cho biết.

Tổng cộng có 11 người đã thiệt mạng trong một tháng bất ổn với các vụ nổ súng vì động cơ chính trị và những cuộc đụng độ hàng ngày giữa các lực lượng an ninh được trang bị đạn cao su, hơi cay với những người biểu tình ném đá và lựu đạn chai.

Ít nhất 10 người khác thiệt mạng trong vụ cướp bóc, hôi của vào ban đêm.

Chính phủ xã hội chủ nghĩa của Tổng thống Nicolas Maduro cáo buộc rằng những kẻ thù địch được sự che chở của Mỹ đang tìm cách đảo chính bạo động, trong khi phe đối lập tố cáo ông Maduro là một nhà độc tài đàn áp biểu tình ôn hòa.

Các yêu cầu chính của phe đối lập là đòi tổ chức bầu cử và phóng thích các nhà hoạt động bị bỏ tù. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình cũng được thúc đẩy bởi cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ tại đất nước giàu dầu mỏ gồm 30 triệu dân này.

Hơn 1400 người đã bị bắt trong tháng này vì tham gia biểu tình, 636 người vẫn còn bị giam cầm tính tới ngày 24/4, theo nhóm hoạt động nhân quyền địa phương Penal Forum.

Trước áp lực quốc tế đề nghị để người dân Venezuela được bỏ phiếu, ông Maduro kêu gọi sớm tổ chức các cuộc bầu cử ở các bang vốn bị trì hoãn từ năm ngoái.

Với khủng hoảng kinh tế hiện nay, hàng triệu người thiếu ăn, các cử tri nói đảng xã hội cầm quyền sẽ thất thế thảm hại nếu có bầu cử công bằng và tự do.

Tiếp tục áp lực ông Maduro, phe đối lập đang tìm các chiến thuật mới, như cuộc biểu tình câm lặng hôm thứ bảy và cuộc tọa kháng hôm nay. - VOA
|
|

4.
Hải quân Trung Quốc quấy nhiễu ngư dân Philippines

Thượng nghị sĩ Philippines, Leila de Lima, tuyên bố việc Trung Quốc quấy nhiễu ngư dân Philippines ở Biển Đông là “một diễn biến đáng ngại.”

Bà Lima, hiện đang bị giam cầm, nhấn mạnh hải quân, chứ không phải như tin nói trước đây là tuần duyên Trung Quốc, tấn công ngư dân Philippines cho thấy “sự táo bạo và quyết tâm của Bắc Kinh không dùng tuần duyên theo thông lệ để thực thi tuyên bố lãnh thổ.”

“Việc leo thang tình hình tại quần đảo Trường Sa phải bị chính phủ Philippines lên án mạnh mẽ,” bà Leila de Lima viết trong một bức thư gửi ra từ phòng giam tại trụ sở cảnh sát quốc gia.

Tuần duyên Trung Quốc xua đuổi ngư dân Bataan khi họ đến gần bãi Union Reef, theo tin tức tuần qua.

Union Reef nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines ở Biển Đông.

Bộ Ngoại giao Philippines cho biết đang kiểm chứng vụ này.

Bà De Lima cũng chỉ trích “sự do dự” của chính phủ Duterte trong việc giải quyết những đe dọa của Trung Quốc, và cảnh báo là Philippines có thể mất quyền trên biển trong khu vực tranh chấp.

Tổng thống Duterte đã chứng tỏ lập trường thân thiện đối với Trung Quốc, đảo ngược các mối quan hệ gay gắt giữa Manila và Bắc Kinh.

Bà De Lima, một người thường lên tiếng chỉ trích Tổng thống Rodrigo Duterte trong thời gian bà giữ chức Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền, bị giam tại Trại Crame vì các cáo buộc liên quan đến ma túy. Tổng thống Duterte là người đầu tiên công khai tố cáo bà dính líu đến ma túy.

Thượng nghị sĩ De Lima đã nhiều lần phủ nhận những cáo buộc này, cho rằng “đây là một vụ đàn áp chính trị.” - VOA
|
|

5.
Bộ trưởng Quốc phòng Afghanistan từ chức

Bộ trưởng quốc phòng và tư lệnh quân đội Afghanistan đã từ chức sau vụ vào một căn cứ quân sự lớn bị tấn công đẫm máu, khiến ít nhất 140 binh sĩ thiệt mạng và nhiều người khác bị thương hôm thứ Sáu.

Taliban tuyên bố đã thực hiện cuộc tấn công nhắm vào Quân đoàn Shaheen 209 ở thành phố Mazar-e-Sharif, thuộc miền bắc Afghanistan.

Trong một thông báo ngắn gọn hôm thứ Hai, Văn phòng phủ Tổng thống Ashraf Ghani cho hay: "Bộ trưởng Quốc phòng Abdullah Habibi và Tham mưu Trưởng lục quân Qadam Shah Shahim đã từ chức với hiệu lực ngay lập tức" và tổng thống đã chấp nhận việc từ chức của họ.

Ông Habibi trong cuộc họp báo chung với ông Shahim tại Bộ Quốc phòng sau đó nói rằng họ đã tự từ chức chứ không phải bị buộc phải từ chức.

Hôm Chủ Nhật, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ H.R. McMaster đã điện đàm với người đồng nhiệm Afghanistan, ông Haneef Atmar, và lên án cuộc tấn công khủng bố hôm thứ Sáu. - VOA
|
|

6.
Đảng Cộng sản Anh không ra tranh cử

Lãnh đạo của Đảng Cộng sản Anh Quốc (Communist Party of Britain - CPB) tuyên bố đảng này sẽ không cử ứng viên ra tranh ghế vào Hạ viện trong kỳ bầu cử tháng 6 năm nay.

Đây là lần đầu tiên từ năm 1920 Đảng Cộng sản Anh không ra tranh cử vào nghị viện, theo Tổng Bí thư Robert Griffiths.

Trái lại, ông Griffiths kêu gọi những người ủng hộ cho đảng ông hãy bỏ phiếu cho Đảng Lao động Anh Quốc nhằm "bác bỏ các chính sách thắt lưng buộc bụng, tư nhân hóa và chiến tranh đế quốc" của chính phủ Bảo thủ, theo tin trên trang BBC News.

Ông Griffiths cũng nói các đảng viên Đảng Cộng sản Anh Quốc sẽ hỗ trợ một cách thực tiễn các cơ quan của Đảng Lao động.

Dù vậy, ông Griffiths cũng không loại trừ khả năng Đảng Cộng sản Anh cử người ra tranh cử trong tương lai.

Ca ngợi chính sách 'vì hòa bình' của lãnh tụ Lao động Jeremy Corbyn, ông Griffiths cho rằng nghị trình rời EU của chính phủ Bảo thủ là 'không thành thật'.

Theo ông, chính phủ của bà May nói Anh sẽ ra khỏi 'thị trường chung châu Âu' nhưng trên thực tế thì không có gì thay đổi.

Đảng Cộng sản Anh theo đuổi đường lối Marxist, chống lại thị trường tư bản và được xếp vào nhóm đảng 'cực tả' (far-left).

Sự kiện đảng này ủng hộ ông Jeremy Corbyn đã bị một dân biểu Đảng Bảo thủ, bà Amanda Milling chê cười.

Bà nói:

"Hãy lắng nghe này: Jeremy Corbyn hôm nay được ủng hộ bởi một đảng muốn đóng cửa các doanh nghiệp, bỏ sự bảo vệ của khối NATO và tăng thuế lên mức chưa từng có ở đất nước chúng ta."

Tin Đảng Cộng sản không ra tranh cử nữa cũng được một loạt báo Anh đăng tải hôm 24/04.

Bầu cử sớm vào tháng 6

Sau khi Thủ tướng Theresa May (Đảng Bảo thủ đương quyền) đột nhiên công bố tổ chức bầu cử sớm vào ngày 8 tháng Sáu năm nay, các đảng chính trị Anh có bảy tuần để tung ra các cương lĩnh tranh cử.

Với Đảng Bảo thủ, nghị trình Brexit và vấn đề gìn giữ tính thống nhất của Liên hiệp Vương quốc Anh trước nguy cơ Scotland đòi trưng cầu dân ý độc lập lần nữa là tối quan trọng.

Đảng Lao động hiện ở vị trí đối lập số một trong Nghị viện nhưng có thể sẽ mất phiếu.

Lãnh đạo Lao động, ông Jeremy Corbyn tuyên bố bảo vệ hệ thống y tế công (NHS) và đòi công bằng xã hội, bảo vệ quyền lợi người lao động Anh kể cả sau khi rời EU vẫn được hưởng như khi Anh còn trong EU.

Riêng Đảng Anh quốc Độc lập (UKip) thiên hữu thì công khai đòi cấm phụ nữ Hồi giáo che mặt bằng mạng tại nơi công cộng.

Đảng này cũng muốn lập ra ủy ban pháp lý nhằm giải tán toà Hồi giáo Sharia vốn được trao quyền giải quyết một số vấn đề hôn nhân, gia đình cho tín đồ đạo Hồi tại Anh mà không cần qua tòa án bình thường.

Ukip cũng muốn mọi tài liệu văn bản công khai ở Anh phải được in bằng tiếng Anh.

Một thời cộng sản

Được thành lập năm 1920 trong nỗ lực của Lenin nhằm thúc đẩy cách mạng vô sản ở Anh, Đảng Cộng sản Đại Anh (Communist Party of Great Britain - CPGB) từng có tới 60 nghìn thành viên trong Thế Chiến 2.

Nhưng theo Brian Wheeler trong một bài trên BBC News hồi 2012, đảng này mất rất nhiều đảng viên sau khi Liên Xô xâm lăng Hungary và dùng xe tăng đàn áp người biểu tình ở Budapest năm 1956.

Đảng này tiếp tục chia rẽ trong thập niên 1960-70 khi có xung khắc giữa phái bảo thủ còn gọi là phái xe tăng (tankie), và phái Cộng sản châu Âu (Euro-communism), muốn cải cách qua chế độ nghị trường.

Sau khi khối Xã hội Chủ nghĩa Đông Âu tan rã, đảng CPGB cũng ngừng hoạt động năm 1991 và một nhánh của nó tái tổ chức và lấy tên là Đảng Cộng sản Anh Quốc (CBP, từ 1988) thì tồn tại bên rìa của chính trị Anh.

Tuy thế, những người ủng hộ chủ nghĩa cộng sản tại Anh đến nay vẫn dùng lá cờ búa liềm, khác với Đảng Cộng sản Pháp đã quyết định bỏ biểu tượng búa liềm từ năm 2012.

Ông Willie Clarke, ủy viên hội đồng địa phương Ballingry, Scotland là người cuối cùng mang thẻ đảng viên cộng sản trúng cử vào một chức cấp huyện tại Anh, theo báo Anh hồi 2015. - BBC
|
|

7.
SIPRI: Nga đứng thứ 3 trên thế giới về trang bị vũ khí

Bất chấp khủng hoảng kinh tế, Matxcơva vẫn dành hơn 69 tỷ đô la để trang bị vũ khí trong năm 2016. Chi phí quân sự của Nga đứng thứ ba trên thế giới, sau Mỹ và Trung Quốc. Trên đây là kết luận được Viện Nghiên Cứu về Hòa Bình Quốc Tế Stockholm SIPRI đưa ra ngày 24/04/2017.

Ngân sách quốc phòng của Nga trong năm 2016 tăng 5,9 % so với tài khóa 2015. Dù đang phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế do bị châu Âu và Mỹ trừng phạt, chi phí quân sự của Nga tương đương với 5,3 % GDP và đây là mức kỷ lục từ thời Liên Xô sụp đổ.

Vẫn theo viện SIPRI, các biện pháp trừng phạt kinh tế mà Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ nhắm vào Nga từ năm 2014 sau khi Matxcơva thôn tính bán đảo Crimée, dầu khí mất giá gây thiệt hại cho kinh tế Nga không ngăn cản quốc gia này tăng ngân sách quốc phòng. Trong khi đó, dầu hỏa mất giá trong năm 2016 khiến chi phí quân sự của Ả Rập Xê Út giảm 30 % so với 2015.

Về phía Mỹ, chi phí quân sự của quốc gia này đạt 611 tỷ đô la năm 2016, tăng 1,7 %. Kế tới là Trung Quốc với 215 tỷ đô la. Riêng châu Âu, theo viện SIPRI, do phải đối mặt với khủng bố, các nước Tây Âu trong năm vừa qua đã tăng ngân sách quốc phòng 2,6 %. Ngân sách quốc phòng của Anh và Pháp theo thứ tự lên tới hơn 48 và 55 tỷ đô la. Trung và Đông Âu cũng nâng cao khả năng phòng thủ để đối phó trước hiểm họa xuất phát từ Nga. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

8.
Trump - 100 Ngày Đầu: FBI, Quốc hội điều tra sự can thiệp của Nga

Sự tập trung vào dấu mốc 100 ngày đầu tiên của Tổng thống Donald Trump đã bị phân tâm vì nhiều cuộc điều tra về hành động can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Trong số những câu hỏi mà các cơ quan thi hành công lực và Quốc hội Mỹ muốn được giải đáp gồm có: liệu chiến dịch tranh cử của ông Trump có thông đồng với Moscow hay không? Thông tín viên Masood Farivar của VOA tường trình.

Ngày 10 tháng 1: Các viên chức tình báo hàng đầu Hoa Kỳ lần đầu tiên ra điều trần về các nỗ lực của Nga nhằm phá hoại cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm ngoái.

Cựu Giám Đốc Tình báo quốc gia James Clapper:

"Chúng tôi tin chắc rằng Tổng thống Putin vào năm 2016 đã ra lệnh tiến hành một chiến dịch gây ảnh hưởng nhắm vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Mục đích của chiến dịch này là làm suy yếu niềm tin của công chúng vào tiến trình dân chủ của Hoa Kỳ, bôi nhọ Ngoại trưởng Hillary Clinton và làm tổn hại đến triển vọng thắng cử của bà, và trong trường hợp bà đắc cử, phương hại đến nhiệm kỳ tổng thống của bà. Ông Putin và chính phủ Nga cũng dần dà nhen nhúm ý tưởng muốn thấy ông Trump đắc cử".

Đấy là những lời tố cáo quan trọng nhưng không mang lại giải đáp cho một trong các vụ bê bối chính trị lớn nhất từng làm rúng động Washington trong nhiều năm qua.

Tiếp theo đó là nhiều tuần lễ với những diễn tiến liên tục tới chóng mặt: cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump từ chức, Bộ trưởng Tư pháp, rồi Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện rút ra khỏi cuộc điều tra.

Tiếp theo đó Giám đốc FBI cuối cùng thừa nhận công khai điều mà nhiều người đã đồn đoán trong nhiều tuần lễ: FBI đã bắt đầu điều tra vai trò của Nga từ tháng 7 năm ngoái.

Giám Đốc FBI James Comey phát biểu:

"Tôi đã được Bộ Tư pháp cho phép xác nhận rằng FBI đang điều tra những âm mưu của chính phủ Nga nhằm can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016 - như một phần trong sứ mệnh phản gián của chúng tôi. Cuộc điều tra bao gồm việc tìm hiểu bản chất của bất kỳ mối liên kết nào giữa các cá nhân tham gia chiến dịch tranh cử của ông Trump với chính phủ Nga".

Như trong bất kỳ cuộc điều tra phản gián nào, FBI muốn biết liệu có bất cứ tội hình sự nào hay không.

Ông Trump khẳng định các cáo buộc liên quan tới sự can thiệp của Nga là một tin “giả mạo”, đồng thời nói vụ bê bối thực sự là chính quyền của Tổng Thống Obama đã theo dõi ông và các cộng sự của ông trong chiến dịch tranh cử.

"Tất cả đều là những tin giả mạo. Tin giả mạo."

Ông Richard Ben-Veniste, cựu công tố viên trong vụ tai tiếng Watergate, cho hay cuộc điều tra liên quan tới ông Trump khá nghiêm trọng":

"Vụ này nêu bật những điểm yếu của nền dân chủ của chúng ta cũng như của các nền dân chủ khác trên khắp thế giới trong việc đối phó với những hành động can thiệp bằng hacking, tung tin thất thiệt và các hình thức gây gián đoạn khác mà chúng ta phải đề phòng."

Các nhà lập pháp Mỹ nói họ muốn biết sự thật cho dù có mất bao nhiêu thời gian đi chăng nữa.

Chủ tịch Uỷ ban Tình báo Thượng viện Richard Burr:

"Tôi chỉ muốn nói rằng chúng tôi không thể nói hết về nhiệm vụ của ủy ban tình báo Thượng viện, là xem xét tất cả các hoạt động mà Nga có thể đã thực hiện nhằm thay đổi hoặc ảnh hưởng tới các cuộc bầu cử năm 2016 ở Hoa Kỳ".

Ủy ban Tình báo Thượng viện là một trong năm ủy ban đã xem xét hành động can thiệp của Nga.

Người ta quay sang chú ý tới ủy ban này sau khi Chủ tịch uỷ ban tình báo Hạ viện Devin Nunes, người dẫn đầu các cuộc điều tra vào vai trò của Nga, rút lui giữa những lời cáo buộc về việc rò rỉ tài liệu mật.

Để tìm câu trả lời, bảy chuyên gia của uỷ ban đặc biệt được phép xem tài liệu tối mật, bỏ công ra nghiên cứu hàng ngàn tài liệu tình báo mật. Uỷ ban dự định sẽ thẩm vấn ông Jared Kushner, con rể và cũng là cố vấn cao cấp của Tổng thống Trump, trong số ít nhất 20 nhân chứng được yêu cầu xuất hiện trước uỷ ban.

Các cuộc điều tra của FBI được thực hiện từ hai văn phòng ở hiện trường và trụ sở chính của FBI ở thủ đô Washington.

Để phối hợp các cuộc điều tra, tin cho hay FBI đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm ở Washington.

Trao đổi với VOA, FBI từ chối bình luận.

Được hỏi các cuộc điều tra như thế này thông thường kéo dài bao lâu, Giám đốc FBI James Comey hồi tháng trước trả lời:

"Không có chuyện thông thường ở đây. Thật tình mà nói, không thể nào trả lời câu hỏi này."

Tuy nhiên, theo cựu công tố viên vụ bê bối Watergate Ben-Veniste, cuộc điều tra có thể sẽ kéo dài một thời gian dài nữa trong năm tới.

"Điều đó phụ thuộc vào mức độ hợp tác của các nhân chứng, các thông tin thu thập bằng những phương tiện điện tử khác nhau có khả năng mang nhiều thông tin hứa hẹn cho các điều tra viên .... nhưng điều chắc chắn là, cuộc điều tra sẽ không kết thúc trong một vài tháng".

So sánh với cuộc điều tra về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, cuộc điều tra vào vụ tai tiếng Watergate trong những năm đầu của thập niên 1970 kéo dài hai năm, và cuộc điều tra vụ tai tiếng Iran Contra trong những năm 1980 kéo dài tới 6 năm. - VOA
|
|

9.
TT Trump gọi phone lên không gian chúc mừng bà Whitson

Phi hành gia Hoa Kỳ Peggy Whitson hôm thứ Hai đã phá kỷ lục người Mỹ có thời gian ở trong không gian dài nhất.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump chúc mừng nữ phi hành gia Whitson, người đang làm chỉ huy trưởng trên Trạm Không gian Quốc tế. Ông Trump đã nói chuyện bằng điện thoại video với các phi hành gia trên trạm không gian.

Từ Phòng Bầu dục, Tổng thống Trump nói: "Thành tích 534 ngày và còn thêm nữa, phá vỡ một kỷ lục thật đáng kinh ngạc. Thay mặt cho nước Mỹ, và xin thay mặt cho thế giới, tôi xin chúc mừng bà."

Bà Whitson, 57 tuổi, là phi hành gia giàu kinh nghiệm nhất của Hoa Kỳ. Bà dự kiến sẽ trở về trái đất vào tháng 9. Đến lúc đó, bà sẽ ở trong không gian được 666 ngày trong tổng cộng 3 chuyến bay.

Bà Whitson nói với Tổng thống Trump rằng: "Tôi rất vinh dự khi phá kỷ lục này.”

Bà Whitson cũng giải thích cho ông Trump về công nghệ trong trạm không gian điều chế nước tiểu của những người làm việc ở đó thành nước uống như thế nào. "Nó thực sự không quá ghê tởm như chúng ta tưởng tượng."

Ông Trump đáp lại: "Tốt, tốt lắm, tôi rất vui khi nghe về công nghệ đó. Tôi thật khâm phục bà.”

Ông Trump cũng trò chuyện với phi hành gia Mỹ Jack Fischer, người lần đầu tiên bay tới trạm không gian vào tuần trước. Khi được ông Trump hỏi về chuyến bay, ông Fischer, một phi công thuộc Không quân Mỹ trả lời: "Thưa ngài, thật tuyệt vời. Nó khiến tôi có cảm tưởng chiếc F-22 yêu dấu của trở nên quá nhỏ nhoi."

Ông Trump -- và ái nữ Ivanka Trump cùng tham gia cuộc điện thoại -- nói ông rất vinh dự được nói chuyện với các phi hành gia.

Ông nói: "Tôi đã làm việc rất nhiều với các chính trị gia. Nhưng tôi có ấn tượng sâu đậm hơn nhiều với các phi hành gia.” - VOA
|
|

10.
TT Trump lại nêu vấn đề xây tường ngăn Mexico

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 23/4 nói rằng ông kỳ vọng Mexico sẽ chi trả chi phí xây dựng bức tường ngăn biên giới phía nam giữa hai nước.

Ông Trump viết trên Twitter: “Rốt cuộc, Mexico sẽ chi trả, bằng một hình thức nào đó, cho bức tường hết sức cần thiết trên biên giới”.

Lãnh đạo Hoa Kỳ một lần nữa lại nêu lên cam kết trong chiến dịch tranh cử, vào buổi sáng mà ông cũng đồng thời gây áp lực lên các nhà lập pháp thuộc Đảng Dân chủ phải bao gồm khoản ngân quỹ cho việc xây tường trong dự thảo chi tiêu cần phải được thông qua để duy trì việc mở cửa các cơ quan chính quyền liên bang sau ngày thứ Sáu tuần tới.

Một phát ngôn viên của văn phòng Tổng thống Mexico nói rằng ông Enrique Pena Nieto đã nhiều lần nhấn mạnh không thanh toán chi phí xây tường.

Việc ông Trump yêu cầu Mexico phải thanh toán chi phí xây dựng từng gây ra cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa hai nước.

Chi phí xây dựng bức tường dự kiến vào khoảng 20 tỷ đôla. Đây là cách mà ông Trump cho rằng sẽ ngăn chặn tình trạng di cư trái phép. - VOA
|
|

11.
Xe bay đã trở thành hiện thực

Không còn là khoa học viễn tưởng. Một số công ty khởi nghiệp cũng như các hãng lớn đang nỗ lực chế tạo các máy bay cá nhân nhỏ gọn giúp người sử dụng có thể bay lượn vòng quanh thành phố.

Xe bay Kitty Hawk Flyer là một trong số các kiểu mẫu đang được phát triển bởi Kitty Hawk, một công ty khởi nghiệp ở Mountain View, California.

Gần đây, công ty Kitty Hawk vừa cho chạy thử chiếc xe bay, bay lượn trên một hồ nước cách San Francisco chừng 100 dặm.

Đây là chiếc xe không mui, 1 chỗ, vận hành bằng 8 cánh quạt chạy bằng pin.

Hơn 1 chục công ty khởi nghiệp được hậu thuẫn bởi các tên tuổi ‘giàu có’ trong ngành công nghiệp như Larry Page, một sáng lập viên của Google, cùng các hãng hàng không vũ trụ như Airbus, công ty Uber, và cả chính phủ Dubai, đang chấp cánh giấc mơ tạo xe bay.

Cách tiếp cận của các công ty cũng đa dạng khác nhau nhưng cùng mục tiêu: tin tưởng rằng một ngày không xa, những công dân bình thường có thể tự lái máy bay riêng của mình để di chuyển.

Thách thức trước mặt hãy còn nhiều, với rất nhiều các quy định của ngành và của chính phủ, nhưng có lẽ khó khăn nhất là phải làm sao thuyết phục được công chúng rằng ý tưởng này không điên rồ.

Kitty Hawk, công ty được ông Page hỗ trợ, đang tìm cách đi đầu trong lĩnh vực xe bay và bắt đầu bán sản phẩm trước cuối năm nay.

Năm 2013, Zee Aero, một nhánh của Kitty Hawk, trở thành đề tài bàn tán của Thung lũng Silicon khi thông tin về một chiếc máy bay nhỏ giống như taxi lần đầu tiên xuất hiện.

Công ty Kitty Hawk Flyer hy vọng lôi cuốn được nhiều người quan tâm, những khách hàng sẵn lòng chi 100 đô la để đăng ký được giảm giá 2000 đô la giá bán lẻ một chiếc xe bay, dù công ty chưa định giá thành chính thức cho sản phẩm. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

12.
Dự luật biểu tình phải chờ hội nghị Trung Ương Đảng?

Báo chí Việt Nam cuối tuần qua đưa tin chính phủ lại trì hoãn trình quốc hội luật biểu tình vốn được người dân chờ đợi nhiều năm nay. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý với việc hoãn này.

Tin cho hay hôm 22/4 UBTVQH đã bàn thảo việc điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, và chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018. Nhưng dự luật biểu tình đã không được chính phủ đưa vào cả hai chương trình.

Chính phủ cũng không đưa vào chương trình dự luật thi đua khen thưởng; dự thảo mới hoặc sửa đổi, bổ sung quy định về cán bộ, công chức, viên chức; dự luật về hội; và dự luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh.

Thường vụ Quốc hội đã đề nghị chính phủ báo cáo rõ nguyên nhân và trách nhiệm trong việc chưa trình được các dự luật, và sẽ trình sẽ vào thời điểm nào trong tương lai.

Một số báo Việt Nam đã đưa tin là Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long đã giải thích rằng “dự án Luật biểu tình do Bộ Công an chủ trì soạn thảo nằm trong chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2015 và năm 2016, hiện đã đến giai đoạn chuyển sang Bộ Tư pháp thẩm định. Tuy nhiên, nội dung luật chưa đạt yêu cầu nên rút lại”.

Bộ trưởng Long không nói rõ “chưa đạt yêu cầu” là như thế nào, và chính đoạn tường thuật này cũng đã bị các báo rút lại sau khi đăng vài giờ.

Luật sư Hà Huy Sơn nhận định về lý do dự luật biểu tình vẫn bị hoãn:

“Chính phủ Việt Nam người ta sợ cái chuyện biểu tình tại vì là trong xã hội bây giờ có quá nhiều bức xúc, quá nhiều mâu thuẫn mà không giải quyết được nên người ta sợ. Người ta sợ ảnh hưởng đến sự an nguy của chính quyền. Tóm lại, người ta sợ bị mất chính quyền”.

Nhà hoạt động Huỳnh Ngọc Chênh, người cũng từng là một nhà báo kỳ cựu, có chung quan điểm với luật sư Sơn:

“Chuyện không thông qua luật biểu tình thì nó xuất phát từ những nguyên nhân sâu xa. Người ta sợ những tổ chức xã hội dân sự, rồi sợ người dân sẽ dựa vào luật để biểu tình nhiều hơn, và gây căng thẳng hơn, và cũng gây ảnh hưởng tới sự an nguy của chế độ”.

Ông Chênh do rằng số phận của dự luật biểu tình không phải do quốc hội quyết định. Ông phân tích:

“Tôi nghĩ có thể là sau Hội nghị Trung ương 5 này thì có thể Quốc hội cho thông qua luật biểu tình. Bởi vì chuyện Quốc hội cho thông qua hay không cho thông qua tùy thuộc vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tùy thuộc vào Bộ Chính trị. Có thể luật biểu tình trong lần họp Quốc hội tới sẽ được thông qua, nếu như người ta giải quyết được những cái mắc mớ trong Hội nghị Trung ương này. Hoặc là phải chờ Trung ương Đảng họp những hội nghị khác. Phải giải quyết rốt ráo cái chuyện cho biểu tình hay không cho biểu tình. Còn Quốc hội tôi nghĩ không có quyền gì hết trong việc thông qua hay không thông qua luật biểu tình”.

Hội nghị Trung ương 5 khóa 12 Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ diễn ra vào tháng 5 sắp tới. Báo chí trong nước cho đến thời điểm này hầu như chưa đưa ra thông tin gì về những nội dung chính sẽ được bàn trong hội nghị.

Quyền biểu tình được khẳng định trong Hiến pháp Việt Nam, nhưng đến nay chưa có một luật riêng rẽ về biểu tình. Do tình trạng này, nhiều người dân và các nhà hoạt động cho rằng công dân có thể gặp bất lợi khi họ tập hợp đông người để bày tỏ quan điểm về một vấn đề gì đó. Trên thực tế, có nhiều trường hợp nhà chức trách đã quy các cuộc biểu tình vào tội gây rối trật tự xã hội.

Nhìn về tương lai, ông Huỳnh Ngọc Chênh, người cũng là một blogger nổi tiếng thúc đẩy dân chủ, nhân quyền, cho rằng cho dù sau này luật biểu tình có được ban hành đi nữa, chính phủ vẫn sẽ trấn áp biểu tình. Ông nói:

“Có luật hay không có luật, nhà nước vẫn cứ đàn áp. Bởi vì có bao nhiêu luật nhà nước làm có đúng đâu. Cần đàn áp các phong trào xã hội dân sự, cần đàn áp người dân nói lên tiếng nói chính đáng của mình thì nhà nước vẫn cứ đàn áp. Nhưng nếu có luật thì tình hình nó đỡ bất ổn hơn, sẽ không xảy ra những vụ rất nghiêm trọng như ở Đồng Tâm hay ở những nơi khác”.

Vụ Đồng Tâm mà ông Chênh đề cập đến là một cuộc đối đầu giữa người dân của một xã ở Hà Nội với chính quyền do tranh chấp đất đai kéo dài từ ngày 15 đến 22/4.

Người dân đã phản đối chính quyền địa phương vì thu hồi đất sai trái. Nhiều công an, cảnh sát đã được điều đến để trấn áp, song người dân đã phản kháng, thậm chí còn bắt giữ gần 40 viên cảnh sát và quan chức địa phương, sau đó cố thủ trong một thôn trong 1 tuần.

Vụ việc kết thúc ôn hòa khi chủ tịch Hà Nội cam kết điều tra và tranh chấp đất đai và không truy tố người dân.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn được báo Thanh Niên đăng hồi đầu tháng 3 năm ngoái, Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa nói chủ trương ban hành luật biểu tình được đặt ra trong một nghị quyết hồi tháng 5/2005 của Bộ Chính trị.

Ông Nghĩa chỉ ra rằng việc chưa có luật “làm cho nhà nước lúng túng về mặt quản lý” và “việc hạn chế biểu tình bằng văn bản dưới luật là trái với Hiến pháp”. Đại biểu Quốc hội này khi đó nhấn mạnh “10 năm rồi vẫn tiếp tục xin hoãn làm Đại biểu Quốc hội khó xử, không biết trả lời với nhân dân như thế nào”. - VOA
|
|

13.
Thủ tướng Phúc thăm Campuchia trước bầu cử --- Khánh thành cầu biên giới Việt Nam - Campuchia

Ông Nguyễn Xuân Phúc bắt đầu chuyến thăm sang Campuchia lần đầu tiên ở cương vị Thủ tướng Chính phủ Việt Nam nhiệm kỳ mới, không lâu trước bầu cử địa phương quan trọng ở nước láng giềng Tây Nam.

Cùng tham gia phái đoàn của Thủ tướng Phúc có Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh và Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam.

Chuyến thăm 24-25 tháng 4 diễn ra không lâu trước bầu cử địa phương trên toàn quốc ở Campuchia dự kiến vào ngày 4 tháng 6 năm nay, hơn một năm trước bầu cử Quốc hội tháng 7 năm 2018.

Các báo quốc tế cho hay vấn đề bài xích người gốc Việt tại Campuchia dễ trở thành một chủ đề tranh cãi chính trị trong các dịp giành phiếu ở nước này.

Tuần qua, hôm 20/04, kênh VOA của Hoa Kỳ trích lời người phát ngôn cho Liên đoàn Sinh viên Trí thức Campuchia, ông Muoy Piseth nói rằng:

"Chiến lược của một số chính trị gia để giành sự ủng hộ là lên án Việt Nam vì xâm lăng, và dùng từ ngữ xúc phạm."

Ông Muoy Piseth nói cách làm đó là hết sức vô lý nhưng được "truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác" ở Campuchia.

Ảnh hưởng của Trung Quốc

Quan hệ quốc phòng ngày càng thân mật giữa Campuchia và Trung Quốc cũng là vấn đề được các bên chú ý.

Trong khi đó, báo chí Việt Nam tập trung vào việc nhấn mạnh đến Năm Hữu nghị Việt Nam - Campuchia 2017 và nói chuyến thăm của Thủ tướng Phúc có mục tiêu thúc đẩy quan hệ này.

Thông tấn xã Việt Nam bản tiếng Anh hôm 24/04 nói Việt Nam đã đầu tư vào 194 dự án tại Campuchia, với số vốn đăng ký là 2,89 tỷ USD.

Campuchia cũng đầu tư 58 triệu USD vào Việt Nam trong 18 dự án, theo cơ quan truyền thông của nhà nước Việt Nam.

Sau chuyến thăm Campuchia, ông Phúc sẽ thăm Lào, theo lời mời của người tương nhiệm, ông Thongloun Sisoulith, từ 26 đến 27 tháng 4.

Cả Campuchia và Lào đều là các quốc gia một số nhà quan sát quốc tế cho là "chịu ảnh hưởng ngày càng sâu rộng của Trung Quốc".

Hồi tháng 1/2017, tác giả Taylor McDonald viết trên trang ASEAN Economist rằng với nhiệm kỳ của Donald Trump, cả vùng Đông Nam Á "sắp chia tay Hoa Kỳ" để chịu ảnh hưởng của Trung Quốc.

Nhưng ông cho rằng riêng tại Campuchia, ảnh hưởng của Trung Quốc là mạnh hơn cả, và Trung Quốc "đã thuyết phục Phnom Penh ngăn cản chính sách toàn ASEAN về Biển Đông". - BBC

***
Cầu Long Bình-Chey Thom giữa hai tỉnh An Giang, Việt Nam và Cal Dal, Campuchia được khánh thành vào ngày 24 tháng tư. Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và thủ tướng Hun Sen cùng cắt băng khánh thành.

Đây là cầu bê tông cốt sắt, bắt đầu xây dựng ngang sông Bình Di từ năm 2014 với phí tổn 38 triệu đô la. Cầu có chiều dài 440 mét qua cửa khẩu Long Bình và cửa khẩu Chrey Thom.

Cây cầu được đánh giá sẽ giúp thúc đẩy kinh tế và giao thương cũng như quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia.

Hiện thủ tướng Việt Nam đang có chuyến thăm Campuchia. Năm nay hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. - RFA

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9




No comments:

Post a Comment