Friday, April 28, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Sáu 28/4

Tin Thế Giới

1.
Trump khen ngợi Tập trong nỗ lực giải quyết Bắc Hàn --- ASEAN “hết sức quan ngại” về việc Bình Nhưỡng thử hạt nhân và tên lửa --- LHQ: Ở vị trí chủ tọa HĐBA, Mỹ sẽ gây sức ép chống Bình Nhưỡng --- Putin muốn nối lại đàm phán sáu bên về Bắc Triều Tiên --- Hạ viện Mỹ sắp biểu quyết tăng chế tài Bình Nhưỡng

Tổng thống Mỹ Donald Trump khen ngợi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong việc giải quyết vấn đề Bắc Hàn, và nói ông Tập là "một người đàn ông tốt," một người yêu nước.

Tổng thống Mỹ nói với Reuters rằng ông rất muốn giải quyết khủng hoảng theo phương cách ngoại giao nhưng nó "rất khó" và "một xung đột lớn, rất lớn" có thể xảy ra.

Ông nói hẳn đã "rất khó khăn" cho Kim Jong-un khi phải dẫn dắt Bắc Hàn khi tuổi đời còn trẻ.

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đang có một buổi họp để bàn luận về Bắc Hàn hôm 28/4.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói phía Trung Quốc đã trao đổi với Mỹ rằng nước này sẽ áp đặt lệnh trừng phạt lên Bắc Hàn nếu Bình Nhưỡng tiếp tục các vụ thử hạt nhân.

Sau khi nhậm chức, ông Trump đã cáo buộc Trung Quốc vì đã không nỗ lực đủ để kiểm soát Bắc Hàn, và đề nghị Hoa Kỳ sẽ có hành động đơn phương.

Nhưng trong một cuộc phỏng vấn với Reuters tại Phòng Bầu Dục, ông Trump - người đã gặp ông Tập vào tháng trước - nói chủ tịch Trung Quốc "không hề muốn thấy sự hỗn loạn và chết chóc."

"Ông Tập là một người tốt và tôi đã hiểu ông ấy hơn."

"Ông ta yêu Trung Quốc và yêu quý nhân dân Trung Quốc. Tôi biết ông ta rất muốn làm điều gì đó, có thể ông ấy không làm gì được," ông Trump nói.

Về ông Kim, ông Trump nói: "Anh ta chỉ mới 27 tuổi. Cha anh ta qua đời, anh ta lên thay thế. Nói gì thì nói, hẳn nó đã không dễ dàng gì ở độ tuổi đó."

Nhưng ông Trump nhấn mạnh rằng ông không "công nhận anh ta" và nói thêm "Tôi hi vọng anh ta suy nghĩ sáng suốt."

"Có khả năng là chúng ta sẽ có một xung đột lớn, rất lớn với Bắc Hàn. Chắc chắn vậy," ông Trump nói.

Bắc Hàn đã tiến hành nhiều đợt thử tên lửa liên tiếp trong vài tháng gần đây và đang đe dọa sẽ tiến hành cuộc thử hạt nhân lần thứ sáu. - BBC

***
Các nước ASEAN hôm nay 28/04/2017 bày tỏ thái độ « hết sức quan ngại » trước các vụ thử nghiệm nguyên tử và hỏa tiễn đạn đạo của Bắc Triều Tiên, bất chấp lời kêu gọi ủng hộ của Bình Nhưỡng.

Điều hiếm thấy là ngoại trưởng Bắc Triều Tiên Ri Yong Ho đã viết thư cho tổng thư ký Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN) đề nghị ủng hộ trong cuộc đối đầu với Hoa Kỳ, nhằm tránh « nạn diệt chủng nguyên tử ».

Nhưng các ngoại trưởng ASEAN họp hôm nay tại Manila, lại chỉ trích Bình Nhưỡng về hai vụ thử hạt nhân năm ngoái và các vụ phóng hỏa tiễn đạn đạo sau đó.

Theo dự thảo tuyên bố chung mà AFP có được, « ASEAN hết sức quan ngại về sự leo thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. ASEAN ý thức rằng tình hình bất ổn tại đây sẽ gây tác động nghiêm trọng trong và ngoài khu vực ». Các ngoại trưởng ASEAN « kiên quyết kêu gọi Bắc Triều Tiên tôn trọng hoàn toàn các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc » cấm các chương trình đạn đạo và nguyên tử.

Bên cạnh đó, ASEAN cũng kêu gọi « tất cả các bên liên quan ngưng mọi hành động khiêu khích, chứng tỏ sự kềm chế nhằm làm giảm căng thẳng, tránh các hành vi có thể làm trầm trọng thêm tình hình ». Có nghĩa là ngoài Bắc Triều Tiên, còn có Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Trong lá thư gởi cho ASEAN, ngoại trưởng Bắc Triều Tiên cho rằng tình hình tại bán đảo Triều Tiên « đang bên bờ vực chiến tranh » do các động thái của Hoa Kỳ. Ông Ri Yong Ho thúc giục các lãnh đạo ASEAN đưa ra những « đề xuất phù hợp » cho các ngoại trưởng của khối, đồng thời chỉ trích cuộc tập trận Mỹ-Hàn.

Được biết hôm thứ Tư 26/4, Mỹ đã đưa những bộ phận đầu tiên của hệ thống lá chắn tên lửa THAAD đến Hàn Quốc.

Bắc Triều Tiên lâu nay vẫn có quan hệ chặt chẽ với một số thành viên ASEAN trong đó có Cam Bốt và Lào. Nhưng quan hệ với Malaysia đã bị ảnh hưởng nặng nề sau vụ ám sát Kim Jong Nam ở Kuala Lumpur.

Các lãnh đạo ASEAN họp lại ngày mai tại Manila cũng sẽ bàn về tình hình bán đảo Triều Tiên. - RFI

***
Với tư cách chủ tịch luân phiên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, ngoại trưởng Mỹ Rex Tilleson sẽ đặt Trung Quốc trước trách nhiệm « kiểm soát » đồng minh Bình Nhưỡng trong mục tiêu chung « phi hạt nhân hóa » bán đảo Triều Tiên.

Theo AFP, ngày thứ Sáu 28/04/2017 sẽ là cơ hội thử lửa đầu tiên của Rex Tillerson tại Liên Hiệp Quốc trong bối cảnh Bình Nhưỡng phô trương chương trình tên lửa và hạt nhân, bất chấp các nghị quyết ngăn cấm.

Ngoại trưởng Mỹ có tiếng kín đáo, chủ tọa cuộc họp cấp ngoại trưởng của 15 thành viên Hội Đồng Bảo An và thảo luận song phương với đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị.

Trả lời phỏng vấn truyền hình Mỹ, ông Rex Tilleson cho biết « chiến lược » của Washington là « gây sức ép với chế độ Bình Nhưỡng » và thúc giục Trung Quốc « đảm nhận vai trò xử lý mối đe dọa to lớn này » có thể đưa đến chiến tranh. Hoa Kỳ không có thâm ý làm cho chế độ Bình Nhưỡng sụp đổ mà chỉ muốn giúp Bắc Triều Tiên phát triển kinh tế và góp phần ổn định ở Bắc Á.

Bắc Kinh cho biết đã cảnh báo Bình Nhưỡng nếu thử nghiệm hạt nhân một lần nữa, Trung Quốc sẽ thi hành các biện pháp trừng phạt như các nước phương Tây. Ngoại trưởng Mỹ nhận định là Trung Quốc « dường như » muốn hợp tác nhưng « để xem » thiện chí của Bắc Kinh đến đâu.

Các biện pháp gây sức ép sẽ được thảo luận nhân cơ hội Hoa Kỳ làm chủ tịch luân lưu Hội Đồng Bảo An trong tháng 5. - RFI

***
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 27/04/2017 cho biết muốn tái thúc đẩy vòng đàm phán sáu bên về hồ sơ Bắc Triều Tiên. Tuyên bố trên được đưa ra trong cuộc họp báo chung tại Matxcơva với thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Các nước tham gia tiến trình ngoại giao này gồm có hai nước Triều Tiên, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản. Bình Nhưỡng đã rút khỏi vòng đàm phán vào năm 2009.

Tổng thống Nga và thủ tướng Nhật cùng đề nghị các nước liên quan tránh mọi hành vi hay tuyên bố có thể gây thêm căng thẳng trong hồ sơ nguyên tử Bắc Triều Tiên. Hai nhà lãnh đạo Vladimir Putin và Shinzo Abe cho biết đã thỏa thuận sẽ hợp tác chặt chẽ, để cố gắng làm dịu bớt tình hình và nối lại cuộc thương lượng sáu bên.

Ông Putin nói : « Theo ý kiến của tôi và thủ tướng Nhật, tình hình bán đảo Triều Tiên rất tệ hại. Chúng tôi kêu gọi tất cả các chính phủ liên quan đến vấn đề khu vực nên kềm chế, tránh sử dụng những từ ngữ hiếu chiến, và nỗ lực đối thoại hòa bình ». Còn thủ tướng Shinzo Abe cho biết ông mong Bình Nhưỡng ngưng mọi hành động có thể bị các nước khác coi là khiêu khích.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump khẳng định sẽ ngăn chận việc Bắc Triều Tiên bắn hỏa tiễn mang đầu đạn nguyên tử sang đất Mỹ - một khả năng mà theo các chuyên gia, Bình Nhưỡng có thể đạt được sau năm 2020.

Hai lãnh đạo Nga-Nhật gặp gỡ để thảo luận về bốn hòn đảo tranh chấp đã khiến hai nước không thể ký hiệp ước hòa bình sau khi Đệ nhị Thế chiến kết thúc. Bên cạnh đó là việc cùng khai thác hải sản, phát triển du lịch. - RFI

***
Hạ viện Mỹ sớm nhất là tuần tới sẽ biểu quyết về dự luật tăng cường các biện pháp chế tài đối với Bắc Triều Tiên bằng cách nhắm mục tiêu vào ngành công nghiệp vận tải biển của Bình Nhưỡng và các công ty làm ăn với nước này, theo nguồn tin từ các phụ tá ở Hạ viện ngày 27/4.

Dự luật được Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ thông qua vào tháng trước nhắm mục tiêu cắt đứt nguồn cung cấp tiền mặt giúp tài trợ cho chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên và tăng áp lực để ngăn chặn vi phạm nhân quyền như sử dụng lao động nô lệ, Chủ tịch Ủy ban, dân biểu Ed Royce bảo trợ dự luật này, cho biết.

Dự luật cũng kêu gọi chính phủ của Tổng thống Donald Trump xác quyết liệu Bắc Triều Tiên có phải là nhà nước tài trợ cho khủng bố hay không.

Giữa những quan ngại quốc tế về leo thang hạt nhân tại Bắc Triều Tiên, giới chức hàng đầu của chính quyền Trump hôm 26/4 đã tổ chức buổi điều trần với toàn thể Thượng viện về vấn đề Triều Tiên tại Tòa Bạch Ốc và sau đó tới họp kín với 435 thành viên trong Hạ viện tại trụ sở Quốc hội.

Dân biểu Ed Royce hy vọng dự luật vừa kể sẽ xúc tiến nhanh chóng, một phần trong nỗ lực mạnh mẽ của quốc tế nhằm dùng mọi biện pháp có thể để áp lực Bình Nhưỡng hạn chế tham vọng hạt nhân.

Chính quyền Tổng thống Trump muốn thúc đẩy Bắc Triều Tiên giải giới bằng các biện pháp chế tài và áp lực ngoại giao khắt khe hơn, nhưng vẫn mở ngỏ cho các cuộc đàm phán để đưa đến kết quả.

Các quan chức Mỹ hôm 26/4 cũng cho biết muốn đưa Bắc Triều Tiên trở lại danh sách tài trợ khủng bố.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sẽ họp với Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm 28/4 để thúc đẩy các biện pháp trừng phạt quốc tế nghiêm ngặt hơn đối với Bình Nhưỡng. - VOA
|
|

2.
Nga nổi giận vì Sputnik và RT bị ứng viên tổng thống Pháp Macron từ chối

Matxcơva hôm qua 27/04/2017 lên án đội ngũ của ứng cử viên tổng thống Pháp Emmanuel Macron phân biệt đối xử khi từ chối cho hai cơ quan truyền thông Nga tham gia các sự kiện. Phía ông Macron khẳng định tờ Sputnik và đài RT là « các cơ quan tuyên truyền của Nhà nước », chuyên « đưa các thông tin dối trá một cách có hệ thống ».

Hai cơ quan báo chí được Nhà nước Nga tài trợ cho biết đã bị mời ra khỏi trụ sở của ban chỉ huy chiến dịch tranh cử của ông Emmanuel Macron hôm Chủ nhật tuần trước, khi đến để đưa tin kết quả vòng một.

Quyết định này khiến Matxcơva giận dữ. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Nga tố cáo một sự vi phạm tự do báo chí « quá đáng », cho rằng « đây là một sự phân biệt đối xử » với truyền thông Nga, của « ứng cử viên tổng thống một nước luôn chú trọng tự do ngôn luận ».

Một phát ngôn viên phong trào « Tiến Bước ! » của ông Emmanuel Macron khẳng định với Reuters là sẵn sàng giải thích với chính quyền Nga, cùng với đầy đủ chứng cớ cho việc từ chối Sputnik và RT. Phát ngôn viên này nhấn mạnh không coi đây là hai tổ chức báo chí mà « thực sự là cơ quan tuyên truyền của Nhà Nước », « chuyên đưa tin bịa đặt một cách có hệ thống » - một hiện tượng « khá đặc thù ».

Nga bị nghi ngờ đứng sau một loạt vụ tấn công tin tặc trong những tháng gần đây nhắm vào phong trào « Tiến Bước ! ». Theo báo cáo của công ty an ninh mạng Trend Micro hôm thứ Ba 25/4, phong trào này là mục tiêu tấn công của một nhóm tin tặc Nga trong tháng Ba.

Emmanuel Macron, ứng viên trung dung ủng hộ Liên Hiệp Châu Âu, được cho là có nhiều khả năng thắng ứng viên cực hữu thân Nga, bà Marine Le Pen. Tổng thống Nga Putin đã tiếp bà Le Pen hồi tháng Ba, nhưng Kremlin vẫn khẳng định không dành ưu ái cho chủ tịch đảng cực hữu Pháp.

Ngoài ra, Nga còn bị tố cáo là đã tấn công tin học vào đảng Dân Chủ Mỹ và bà Hillary Clinton, nhằm giúp ông Donald Trump thắng cử tổng thống năm ngoái. Berlin cũng bày tỏ quan ngại có bàn tay của Matxcơva. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Mỹ: Lầu Năm Góc điều tra cựu cố văn an ninh Michael Flynn

Bộ Quốc Phòng Mỹ ngày 27/04/2017 thông báo mở một cuộc điều tra liên quan đến tướng Michael Flynn, chỉ một ngày sau khi ủy ban của Quốc Hội tiết lộ cựu cố vấn an ninh quốc gia của Donald Trump đã vi phạm quy tắc. Ông Flynn đã không xin phép Lầu Năm Góc để xuất ngoại và làm việc có thù lao, cho nước ngoài, gồm Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo thông tín viên RFI Anne-Marie Capomaccio tại Washington, Lầu Năm Góc đã quyết định tham gia cuộc điều tra lại đang rộ lên về mối liên hệ giữa chiến dịch tranh cử tổng thống của Donald Trump và Matxcơva.

"Một lần nữa, tướng Flynn lại trở thành tâm điểm chú ý. Các nghị sĩ cho biết, cơ quan tình báo của bộ Quốc Phòng đã thông báo (bằng văn bản) cho cựu sĩ quan quân đội về các nghĩa vụ của ông khi xuất ngũ. Nhưng dường như, ông Michael Flynn đã không đoái hoài đến những nghĩa vụ này. Ngày 27/04, ông Sean Spicer, phát ngôn viên của Nhà Trắng, nhận định là chính quyền Obama phần nào cũng phải chịu trách nhiệm.

Ông nói : Chính chính quyền Obama đã đồng ý cho ông Flynn làm việc này. Khi ai đó xin phép và được chấp nhận ở cấp cao nhất và có giá trị trong vòng 5 năm, thì người được phép có nghĩa vụ theo luật định phải thông báo cho cơ quan chủ quản về mọi thay đổi.

Một sự hồi tưởng có lựa chọn. Tướng Flynn đã nghỉ hưu sớm vào năm 2014 dưới thời tổng thống Obama vì bất đồng sâu sắc về chiến lược và xung khắc với bộ Quốc Phòng, cơ quan hiện đang mở điều tra vị cựu sĩ quan Mỹ.

Theo ông Sean Spicer, một người được phép làm các việc có liên quan đến bí mật quốc phòng thì phải thông báo mọi thay đổi trong hoạt động của mình, mọi chuyến công du ngoại quốc và phải xin phép trước khi nhận thù lao. Điều mà tướng Flynn dường như đã « quên » làm trong giai đoạn từ khi ông rời bộ Quốc Phòng cho đến lúc được tuyển vào nhóm vận động tranh cử của Donald Trump". - RFI
|
|

4.
Mỹ: Visa cho 7 nước Hồi giáo giảm

Số visa Mỹ cấp cho công dân bảy nước trong sắc lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Donald Trump trong tháng ba ít hơn 40% so với mức trung bình hàng tháng hồi năm ngoái, theo phân tích của Reuters dựa trên dữ liệu sơ bộ của chính phủ Mỹ công bố hôm 27/4.

Tuy nhiên, số liệu cho thấy tổng số thị thực không định cư mà Hoa Kỳ cấp cho công dân tất cả các nước tăng gần 5% trong tháng rồi so với mức trung bình hàng tháng năm 2016.

Công dân từ 7 nước có đa số dân theo Hồi giáo trong lệnh cấm bao gồm Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen trong tháng 3 năm nay nhận được 3.200 thị thực không định cư tới Mỹ, so với trung bình khoảng 5.700 visa mỗi tháng trong năm tài chính 2016 và con số hơn 6.000 visa hàng tháng của năm 2015 và 2014.

Tòa Bạch Ốc chưa phản hồi yêu cầu bình luận.

Các luật sư nói mức sụt giảm trong tháng rồi là đáng chú ý và rằng số liệu được công bố ngày 27/4 cho thấy các chính sách của ông Trump tác động thế nào đến quyết định cấp thị thực của cơ quan hữu trách Mỹ.

Tổng thống Trump nói sắc lệnh cấm du lịch nhằm bảo đảm an toàn cho người Mỹ trước các cuộc tấn công khủng bố.

Sắc lệnh ông ký ngày 27 tháng 1 cấm người dân từ bảy quốc gia vừa kể vào Mỹ trong 90 ngày đã bị các tòa án liên bang ngăn chặn và chính quyền Trump đã thay thế bằng lệnh cấm sửa đổi hôm 16 tháng 3, bỏ Iraq khỏi danh sách. Lệnh lần hai này cũng bị các tòa án đình chỉ. - VOA
|
|

5.
United Airlines và David Đào 'dàn xếp' ổn thỏa

Hãng hàng không United Airlines của Mỹ vừa đạt thỏa thuận về khoản bồi thường không được tiết lộ với bác sĩ David Đào, hành khách bị lôi ra khỏi chuyến bay Chicago trước đây trong tháng, theo nguồn tin từ luật sư ông Đào ngày 27/4.

Bác sĩ Đào, 69 tuổi, phải nhập viện sau khi bị cảnh sát hàng không Chicago lôi xuống máy bay để nhường chỗ cho 4 thành viên phi hành đoàn từ phi trường quốc tế O’Hare đi Louisville, Kentucky.

Vụ này được hành khách quay phim và tung lên các trang mạng xã hội, gây phẫn nộ công luận trong lẫn ngoài nước và khơi mào nhiều chiến dịch đòi CEO của hãng phải từ chức, đồng thời kêu gọi tẩy chay United Airlines về cách hành xử thô bạo.

Một luật sư của bác sĩ Đào, ông Thomas Demetrio, cho biết hãng United đã ‘chịu hoàn toàn trách nhiệm về những gì đã xảy ra trên chuyến bay 3411, không cố quy lỗi cho bên nào khác kể cả thành phố Chicago.’

“Chúng tôi vui mừng loan báo rằng hãng United và bác sĩ Đào đã đạt được giải pháp hòa giải về sự cố không hay xảy ra trên chuyến bay 3411,” hãng hàng không cho biết trong một thông cáo riêng.

Thông cáo của United Airlines còn nhấn mạnh rằng “Chúng tôi mong thực thi những cải thiện mà chúng tôi vừa loan báo, vốn sẽ đặt hành khách làm trọng tâm trong mọi việc chúng tôi làm.” - VOA
|
|

6.
Hai lính Mỹ thiệt mạng ở Afghanistan

Ngũ Giác Đài cho biết hai binh sĩ Mỹ đã thiệt mạng và người thứ ba bị thương trong một cuộc đột kích chống các phần tử nổi dậy tại khu vực hoạt động của Nhà nước Hồi Giáo ở miền đông Afghanistan.

Một thông báo của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ nói rằng hôm tối thứ Tư, các binh sĩ Mỹ đang hành quân cùng với các lực lượng an ninh Afghanistan thì bị tấn công.

Tướng John W. Nicholson, Tư lệnh Lực lượng Hoa Kỳ-Afghanistan, nói: "Cuộc chiến chống lại ISIS tại tỉnh Khorasan rất quan trọng đối với thế giới, nhưng thật đáng buồn, không thể tránh khỏi hy sinh, mất mát.”

Đầu tháng này, một máy bay chiến đấu Mỹ đã thả một quả bom lớn nhất trong kho vũ khí của Hoa Kỳ vào mạng lưới hầm trú ẩn của IS ở tỉnh Nangarhar. Cuộc tấn công này được mô tả là một phần của một chiến dịch để tiêu diệt IS.

Các giới chức nói ít nhất 92 phần tử nổi dậy bị hạ sát trong vụ đánh bom đó.

Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani cho biết các lực lượng Afghanistan và Mỹ phối hợp chặt chẽ với nhau trong vụ đánh bom. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

7.
Việt Nam thua to nếu Hoàng Sa nằm ngoài bộ Quy Tắc Ứng Xử COC

Họp tại Manila tuần này, lãnh đạo 10 thành viên ASEAN thảo luận về khả năng hợp tác trong hoà bình tại Biển Đông. Mục tiêu của các nước Đông Nam Á là hoàn tất bộ Quy Tắc Ứng Xử COC từ năm 2018, để phòng ngừa xung đột giữa các bên tranh chấp. Tuy nhiên, do Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên 80% diện tích vùng biển chiến lược và nhiều tài nguyên này, COC sẽ làm Việt Nam thiệt hại nhiều nhất, đặc biệt là sẽ mất vĩnh viễn Hoàng Sa, theo nhận định của một số chuyên gia.

Trong bài phân tích về cố gắng dài hơi của ASEAN nhằm tránh xảy ra chiến tranh tại Biển Đông và bảo vệ chủ quyền trước tham vọng biển đảo của Trung Quốc tạp chí kinh tế Mỹ Forbes tỏ ra bi quan cho Việt Nam.

Từ nay đến tháng 06/2017, ASEAN và Trung Quốc, theo dự kiến, sẽ đạt được một thỏa thuận khung về bộ Quy Tắc Ứng Xử COC để được ký kết vào cuối năm hay vào năm 2018. Theo các nhà phân tích thì bộ quy tắc này sẽ có lợi cho ASEAN nếu phủ nhận đường « 9 đoạn » của Trung Quốc, bao trùm hơn 80% diện tích Biển Đông mà Bắc Kinh gọi là Nam Hải. Tính kế lâu dài,Việt Nam muốn quần đảo Hoàng Sa cũng phải được nằm trong quy định của COC.

Tháng 7/2016, theo yêu cầu phân xử của Philippines, Tòa Trọng Tài La Haye đã phủ nhận chủ quyền của Bắc Kinh trên một số đảo trong vùng Trường Sa.Thế nhưng, Trung Quốc đã bác bỏ phán quyết này và càng không có lý do gì để nhượng bộ ASEAN, chấp nhận quy tắc ứng xử COC ở Hoàng Sa.

Do vậy, một khi ASEAN ký với Trung Quốc thỏa thuận COC thì Việt Nam sẽ là nước bị thiệt hại nhiều nhất : mất hẳn quần đảo Hoàng Sa.

Trung Quốc đã không để cho tàu chiến, tàu cá của bất cứ nước nào lai vãng đến Hoàng Sa mà họ đã chiếm của Việt Nam, sau một trận hải chiến với Việt Nam Cộng Hoà, vào đầu năm 1974.

Từ đó đến nay, cho dù chính phủ Việt Nam thống nhất vẫn khẳng định chủ quyền, nhưng Trung Quốc từng bước lấn chiếm Biển Đông xuống tận Trường Sa, xây dựng hàng loạt căn cứ quân sự.

Theo giáo sư Carl Thayer, chuyên gia quốc phòng Úc, không một nước ASEAN nào đủ sức « trục xuất » Trung Quốc ra khỏi Hoàng Sa. Bốn ngày họp tại Philippines, cho đến thứ Bảy, cho dù Việt Nam có muốn đưa Hoàng Sa vào COC cũng khó mà làm được vì ASEAN chia rẽ. Trong ASEAN, Trung Quốc mua chuộc được Cam Bốt và Lào. Dùng vũ khí kinh tế và đầu tư, Bắc Kinh thuyết phục được Manila để tranh chấp chủ quyền qua một bên.

Cũng theo giáo sư Carl Thayer, chuyện gọi là « khả thi » nhất mà Hà Nội có thể làm được là đưa hồ sơ Hoàng Sa ra Tòa Trọng Tài La Haye. Tuy nhiên, cho dù dân chúng Việt Nam chống Trung Quốc xâm lược Biển Đông, nhưng Hà Nội lại thảo luận vấn đề xung khắc với Bắc Kinh ngoài khuôn khổ ASEAN để được những lợi ích về thương mại và lượng du khách Trung Quốc.

Một khi Hoàng Sa bị loại ra khỏi COC thì Trung Quốc tha hồ củng cố « chủ quyền » sau khi đã xây một thành phố nhỏ trên đảo Phú Lâm và căn cứ quân sự, trong thế cô đơn của Việt Nam.

Chuyên gia Collin Koh, đại học Nam Dương ở Singapore đoán chắc là « không một thành viên ASEAN nào ủng hộ lập trường Việt Nam » vì họ xem Hoàng Sa là « yếu tố phiền toái vô ích ».

Để vuốt ve ASEAN, Trung Quốc đem viện trợ và đầu tư ra làm bửu bối. Áp lực duy nhất mà Bắc Kinh phải đối đầu là chính phủ Hoa Kỳ, theo nhận định của Forbes trong bài « Việt Nam sẽ mất nhiều nhất vì bộ Quy Tắc Ứng Xử COC ở Biển Đông". - RFI
|
|

8.
USCIRF ra báo cáo tự do tôn giáo 2017: Việt Nam đáng bị đưa vào CPC

Hôm 26/4, trong báo cáo thường niên về tình hình tự do tôn giáo Việt Nam, Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) đánh giá rằng Việt Nam “tiếp tục có tiến bộ về các điều kiện tự do tôn giáo”, nhưng “các vi phạm tự do tôn giáo nghiêm trọng vẫn tiếp diễn, đặc biệt nhắm vào các cộng động dân tộc thiểu số ở những vùng nông thôn tại một số tỉnh, thành.”

Trong báo cáo năm 2017, USCIRF một lần nữa kết luận rằng Việt Nam đáng bị đưa vào danh sách “các quốc gia đáng quan tâm” hay CPC, theo Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế (IRFA).

Hiện tại Việt Nam bị USCIRF xếp vào Cấp 1 (Tier 1), tức là thuộc Các Quốc gia cần phải Quan tâm Đặc biệt – CPC. Trong tương lai, USCIRF có thể đưa Việt Nam vào danh sách Cấp 2 (Tier 2), tức Các quốc gia và Khu vực cần Theo dõi, nhưng USCIRF nói điều này còn tùy thuộc liệu chính phủ Việt Nam có thực hiện và thực thi luật mới “theo tinh thần bảo đảm quyền lợi của các tổ chức tôn giáo và các đạo hữu, đem lại sự đối xử bình đẳng và công bằng cho cả những nhóm tôn giáo được nhà nước bảo trợ cũng như những nhóm độc lập, các nhóm có đăng ký và không đăng ký.”

Trong một thông báo hôm 26/4, Chủ tịch USCIRF, Linh mục Thomas Reese, nói “tình hình vi phạm tự do tôn giáo đang ngày càng xấu đi cả về chiều sâu và diện rộng”.

USCIRF kêu gọi quốc hội và chính quyền Hoa Kỳ tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do tôn giáo “cho tất cả mọi người, ở mọi nơi, thông qua những tuyên bố chính thức cũng như tại các cuộc gặp gỡ công khai hay trong vòng riêng tư.”

Báo cáo về tình hình tự do tôn giáo Việt Nam 2017 của USCIRF dài 6 trang, nhắc đến việc chính quyền tỉnh Nghệ An tấn công và tra hỏi các nhà hoạt động tôn giáo và những người khác ở Giáo xứ Song Ngọc vì đã biểu tình ôn hòa phản đối cách đối phó của chính quyền trước thảm họa môi trường Formosa.

Báo cáo viết: “các nhà phê bình vẫn tin là Luật Tôn giáo và Tín ngưỡng hạn chế các quyền tự do bằng các quy định rườm rà, cho phép chính quyền Việt Nam can thiệp vào nhiều khía cạnh của đời sống tôn giáo. Luật này có một điều khoản về an ninh quốc gia có từ ngữ mơ hồ liên quan tới những nhà hoạt động nhân quyền và các cộng đồng tôn giáo có thể được hiểu theo nghĩa rộng, và như vậy sẽ hạn chế tự do, đặc biệt ở cấp địa phương.”

USCIRF nói các giới chức Việt Nam chủ ý nhắm vào các cá nhân có tiếp xúc với đại diện các nước ngoài, đặc biệt là người phương Tây. Ví dụ, vào tháng 3 năm 2016, nhà chức trách giam giữ Trần Thị Hồng, vợ của Mục sư Nguyễn Công Chính đang bị bỏ tù, khi bà đang trên đường đi gặp Đại sứ Lưu động Hoa Kỳ đặc trách về Tự do Tôn giáo Quốc tế David Saperstein. Cuối cùng bà đã gặp phái đoàn Hòa Kỳ ở nhà riêng, nhưng từ đó bị sách nhiễu nhiều lần.”

USCIRF hôm 6/4 công bố việc lập danh sách tù nhân lương tâm tôn giáo quốc tế, nêu trường hợp của Mục sư Nguyễn Công Chính và bà Trần Thị Hồng.

Từ Pleiku, Gia Lai, bà Trần Thị Hồng cho VOA biết bà tán thành việc USCIRF đề nghị Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh sách CPC năm 2017:

“Rất là hoan nghênh việc Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC, do vi phạm về tự do tôn giáo, là điều hết sức chính đáng. Ở Việt Nam vấn đề tôn giáo vẫn còn sự kiểm chế của nhà nước, đặc biệt là những người theo đạo Tin Lành ở vùng núi cao nguyên, họ luôn bị kìm kẹp và đàn áp của chính quyền Việt Nam. Khi Việt Nam bị đưa vào danh sách CPC thì điều đó chính đáng.”

Linh mục Thomas Reese, Chủ tịch USCIRF, nhận định về tình hình tự do tôn giáo Việt Nam trong một phỏng vấn với VOA-Việt ngữ:

“Tuy ghi nhận có tiến bộ về tự do tôn giáo tại Việt Nam, chúng tôi vẫn quan ngại. Chúng tôi muốn theo dõi kỹ xem Luật Tôn giáo và Tín ngưỡng mới được thực thi như thế nào ở Việt Nam. Chúng tôi cũng rất quan tâm tới việc các linh mục, tu sĩ, mục sư bị công an hành hung và bị tống giam. Điều này thật không phù hợp cho một quốc gia tôn trọng tự do tôn giáo.”

Trong báo cáo năm 2017, USCIRF đề nghị chính phủ Hoa Kỳ “bảo đảm nhân quyền và tự do tôn giáo được nêu bật tại mọi cấp độ trong quan hệ Việt-Mỹ, kể cả trong các cuộc thảo luận liên quan đến quân sự, mậu dịch, hay trợ giúp kinh tế và an ninh, cũng như các chương trình về tự do Internet và phát triển xã hội dân sự.”

USCIRF còn đề nghị chính phủ Hoa Kỳ hối thúc Hà nội ngưng bắt giữ và bỏ tù các thành viên của các tổ chức tôn giáo, các nhà hoạt động nhân quyền chỉ vì họ tham gia các hoạt động tôn giáo ôn hòa, và nhanh chóng thả tất cả các tù nhân lương tâm.

USCIRF còn đề nghị chính phủ Hoa Kỳ sử dụng các công cụ chống lại các viên chức và cơ quan được xác định là tham gia hoặc chịu trách nhiệm về các vi phạm nhân quyền, đặc biệt là các vi phạm nghiêm trọng về tự do tôn giáo, như danh sách “những công dân bị chỉ định trừng phạt đặc biệt” được lưu ở Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài của Bộ Ngân Khố, từ chối cấp visa theo điều 604(a) của IRFA và phỏng tỏa tài sản theo Đạo Luật Magnitsky Toàn cầu.

USCIRF là một ủy ban độc lập, lưỡng đảng của chính phủ liên bang Hoa kỳ, được thành lập theo Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế (IRFA), chuyên giám sát quyền phổ quát về tự do tôn giáo và tín ngưỡng ở nước ngoài. USCIRF sử dụng các tiêu chuẩn quốc tế để giám sát các vi phạm tự do tôn giáo và đưa ra khuyến nghị về chính sách cho tổng thống, ngoại trưởng, và quốc hội.

Kể từ khi Việt Nam được xoá tên khỏi CPC từ 2006 đến nay, mỗi năm USCIRF đều đề nghị đưa Việt Nam trở lại CPC vì thường xuyên vi phạm tự do tôn giáo, nhưng đề nghị này cho tới nay vẫn bị Bộ Ngoại giao Mỹ bác bỏ.

Lần đầu tiên Việt Nam bị chính phủ Hoa Kỳ đưa vào danh sách CPC là từ tháng 9/2004 đến tháng 11/2006. - VOA
|
|

9.
Hơn 40% diện tích rừng Sơn Trà bị chuyển đổi mục đích sử dụng

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội Thảo Giải Pháp Bảo Tồn Và Phát Triển Bền Vững Bán Đảo Sơn Trà ngày 28 tháng Tư tổ chức tại Đại Học Sư Phạm Đà Nẵng.

Buổi hội thảo có sự phối hợp giữa Trung Tâm Con Người Và Thiên Nhiên, Trung Tâm Bảo Tồn Đa Dạng Sinh Học, Nước Việt Xanh và nhóm nghiên cứu giảng dạy về môi trường của Đại Học Sư Phạm Đà Nẵng.

Tại buổi hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng việc cắt giảm 41% diện tích rừng chuyển sang đất khác, tức chuyển đổi mục đích sử dụng, là quá lớn, trong lúc khu vực rừng bị cắt giảm nằm ở chân núi thuộc vùng đệm có khả năng bảo vệ cũng như bảo tồn sinh thái và động vật quí hiếm trước những hoạt động của con người.

Theo chủ tịch Hiệp Hội Du Lịch Đà Nẵng, ông Huỳnh Tấn Vinh, việc phát triển du lịch ở Sơn Trà phải dựa trên nguyên tắc là giảm thiểu tác động đối với môi trường , cung cấp lợi ích tài chính thiệt thực cho việc bảo tồn thiên nhiên.

Vừa qua việc phát hiện 40 móng biệt thực xây dựng trên bán đảo Sơn Trà khiến dư luận bức xúc. Một chiến dịch kêu gọi cứu Sơn Trà được phát động trên mạng xã hội. - RFA
|
|

10.
Bộ Công an rút quy định cấm ghi âm, ghi hình ngụy trang

Bộ Công an Việt Nam quyết định rút bỏ một nội dung trong dự thảo Nghị định về điều kiện kinh doanh thiết bị phần mềm nguỵ trang vốn gây nhiều tranh cãi trong thời gian qua.

Trả lời Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, một lãnh đạo Cục pháp chế và Cải cách Hành chính Tư pháp cho biết việc quy định đối tượng sử dụng thiết bị ghi âm ghi hình bí mật là chưa phù hợp vì mâu thuẫn với quyền tự do tác nghiệp của báo chí.

Cũng theo vị lãnh đạo này, một số qui định trong dự thảo liên quan đến “nghiêm cấm cá nhân” sử dụng những thiết bị trên cũng được rút bỏ.

Khoản 3, Điều 4 của dự thảo Nghị định nói rằng “chỉ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh, quốc gia trật tự, an toàn xã hội được sử dụng thiết bị, phần mềm nguỵ trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị phục vụ cho hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phòng chống tội phạm và an ninh quốc phòng.” - RFA
|
|

11.
Cử tri yêu cầu thông qua luật biểu tình

Cử tri huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh sáng ngày 28 tháng tư có buổi tiếp xúc với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về vấn đề xử lý hậu quả của sự cố môi trường biển do Formosa gây ra.

Việc thực hiện đền bù, tạo việc làm cho người dân bị ảnh hưởng được thảo luận trong buổi gặp.

Tại buổi tiếp xúc với cử tri, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết nhận được kiến nghị Quốc hội sớm thông qua Luật Biểu tình để người dân thực hiện quyền công dân và xử lý nghiêm biểu tình trái phép.

Tại Hà Tĩnh từ khi xảy ra thảm họa môi trường do nhà máy thép Formosa gây nên, nhiều cuộc biểu tình đòi bồi thường thiệt hại đã diễn ra. Có những cuộc đông đến gần chục ngàn người bên ngoái nhà máy Formosa, có cuộc biểu tình người dân chiếm trụ sở ủy ban nhân dân huyện như ở Lộc Hà hồi đầu tháng tư vừa qua.

Cơ quan an ninh ra quyết định khởi tố vụ án gây rối trật tự đối với cuộc biểu tình chiếm trụ sở ủy ban nhân dân huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Trong khi đó người dân cho rằng họ đi đòi hỏi quyền lợi chính đáng, cũng như phản đối hành vi sai trái của chính quyền địa phương trong bồi thường thiệt hại cũng như trong hành xử với công dân. - RFA

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9




No comments:

Post a Comment