Sunday, April 9, 2017

Tin Cập Nhật Chủ Nhật 9/4

Tin Thế Giới

1.
Tàu chiến Mỹ triển khai về phía bán đảo Triều Tiên

Quân đội Mỹ vừa hạ lệnh đưa một nhóm các tàu chiến di chuyển về phía bản đảo Triều Tiên vào khi đang có những quan ngại ngày càng gia tăng về chương trình vũ khí của Bắc Hàn.

Toán tàu chiến Carl Vinson Strike Group gồm một hàng không mẫu hạm và các tàu khu trục, tuần dương khác.

Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ nói việc điều động về phía vùng biển Tây Thái Bình Dương này là một biện pháp khôn ngoan để duy trì tính sẵn sàng chiến đấu tại vùng này.

Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump, cho biết Hoa Kỳ đã sẵn sàng hành động đơn phương nhằm giải quyết đe dọa hạt nhân từ Bắc Hàn.

"Bắc Hàn tiếp tục là mối đe dọa số một tại vùng do chương trình thử nghiệm hỏa tiễn vô trách nhiệm, liều lĩnh và bất ổn của họ và do việc theo đuổi khả năng có vũ khí hạt nhân của nước này," phát ngôn viên Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ, ông Dave Benham, nói.

Những gì đang được triển khai?

Các tàu chiến đang được triển khai bao gồm Hàng không mẫu hạm loại Nimitz, chiếc USS Carl Vinson, cùng hai khu trục có hỏa tiễn dẫn đường và một tuần dương có hỏa tiễn dẫn đường.

Cùng với sức mạnh tấn công hàng loạt, nhóm tàu chiến do Đô đốc hải quân Nora Tyson dẫn đầu còn có khả năng phá hủy các hỏa tiễn đạn đạo đã được phóng ra.

Nhóm tàu chiến này đáng lẽ sẽ tới cặp bến tại Úc nhưng thay vào đó được điều động từ Singapore tới tây Thái Bình Dương nơi họ mới đây vừa tiến hành tập trận với Hải quân Nam Hàn. - BBC
|
|

2.
Thủ tướng Nhật ca ngợi Tổng thống Trump

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 9/4 đã ca ngợi “cam kết mạnh mẽ” của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đối với an ninh toàn cầu và đồng minh, sau khi có cuộc điện đàm thứ hai với nhà lãnh đạo Mỹ trong bốn ngày.

Hai nguyên thủ của Nhật và Hoa Kỳ đạt đồng thuận rằng Washington, Tokyo và Seoul sẽ duy trì liên lạc chặt chẽ về vấn đề Bắc Hàn.

Trao đổi với các phóng viên, ông Abe cũng nói rằng Nhật và Mỹ sẽ theo dõi sát xem phản ứng của Trung Quốc đối với các diễn biến liên quan tới hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.

Lời ca ngợi của ông Abe được đưa ra trong bối cảnh hải quân Hoa Kỳ điều một nhóm tàu tấn công tới bán đảo Triều Tiên để củng cố sự hiện diện của Hoa Kỳ ở đó nhằm gửi một thông điệp đến Bình Nhưỡng.

Trong một cuộc điện đàm giữa tuần trước, một ngày sau vụ thử tên lửa mới nhất của Bắc Hàn, ông Abe nói rằng cả ông và Tổng thống Trump đều cho rằng vụ phóng tên lửa đạn đạo là “một mối đe dọa nghiêm trọng và một sự khiêu khích nguy hiểm”.

Hôm 8/4, chính quyền Seoul cho biết rằng họ đã được chính quyền của Tổng thống Trump thông báo về việc nhà lãnh đạo Mỹ đã giải thích cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về quan điểm của Hoa Kỳ đối với việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở Hàn Quốc.

Trung Quốc lâu nay vẫn phản đối hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân viết tắt là THAAD ở Hàn Quốc, cho rằng nó có thể đe dọa tới an ninh của Bắc Kinh, nhưng cả Seoul và Washington nói rằng hệ thống đó nhằm chống lại mối đe dọa tên lửa của Bắc Hàn.

Trong một diễn biến khác, hôm 7/4, Thủ tướng Nhật cũng đã bày tỏ sự ủng hộ đối với việc ông Trump hạ lệnh không kích Syria, sau khi Damascus cho thực hiện một cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học gây chết chóc ở một khu vực do quân nổi dậy kiểm soát. - VOA
|
|

3.
Bình Nhưỡng: Vụ Syria khẳng định cần lực lượng răn đe nguyên tử

Bắc Triều Tiên ngày 08/04/2017 đã lên tiếng tố cáo vụ tấn công của Mỹ vào một sân bay quân sự của Syria là « hành động xâm lược không thể chấp nhận được ». Theo Bình Nhưỡng, hành động trên của Mỹ càng « chứng minh hơn triệu lần » sự đúng đắn trong chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên.

Theo AFP, bình luận trên được phát trên các đài truyền hình Nhà nước là phản ứng đầu tiên của Bắc Triều Tiên về vụ tấn công Syria đêm 06 rạng sáng 07/04 theo lệnh của tổng thống Mỹ Donald Trump, sau vụ tấn công hóa học vào thường dân mà chế độ Damas bị quy trách nhiệm.

Hãng tin chính thức KCNA trích phát biểu của một phát ngôn viên của bộ Ngoại Giao Bắc Triều Tiên, khẳng định : « Thực tế ngày nay cho thấy chúng ta phải lấy quyền lực chống lại quyền lực và điều này chứng minh hơn triệu lần rằng quyết định tăng cường lực lượng răn đe nguyên tử của chúng ta là lựa chọn đúng đắn ».

Vẫn theo quan chức ngoại giao này, « vụ tấn công nhắm vào Syria nhắc lại cho chúng ta rằng ảo tưởng vào chủ nghĩa đế quốc là rất nguy hiểm, chỉ có sức mạnh quân sự mới bảo vệ được chúng ta khỏi sự xâm lược của đế quốc… Chúng ta tiếp tục bảo vệ sức mạnh phòng thủ quân sự bằng nhiều cách khác nhau để đối mặt với các hành động xâm lược ngày càng gia tăng của Hoa Kỳ ».

Nhiều nhà phân tích cho rằng đợt tấn công của Mỹ vào sân bay quân sự tại Syria là một thông điệp rõ ràng gửi đến Bình Nhưỡng để chế độ Kim Jong Un hiểu rằng Hoa Kỳ không ngại dùng đến giải pháp quân sự chống lại Bắc Triều Tiên. Trước đó, tổng thống Donald Trump đã đe dọa Bình Nhưỡng rằng Mỹ sẽ đơn phương hành động nếu Trung Quốc không kìm hãm được chương trình vũ khí hạt nhân của nước láng giềng.

Vẫn liên quan đến Bắc Triều Tiên, ngày 30/03, Washington thông báo cấm mọi hoạt động thương mại của Mỹ liên quan đến lĩnh vực quân sự với hải quân Eritrea. Lệnh cấm có hiệu lực trong vòng hai năm, vì theo một bản báo cáo của Liên Hiệp Quốc, được công bố vào tháng Hai, một lô hàng thiết bị quân sự được gửi từ Bắc Triều Tiên đến quốc gia đông bắc Phi này đã bị giữ vào tháng 07/2016. Ngày 04/04, chính phủ Eritrea cho rằng những biện pháp trừng phạt của Mỹ là "vô căn cứ". - RFI
|
|

4.
Nga và Iran thông báo đẩy mạnh tấn công các tổ chức vũ trang ở Syria

Sau vụ Hoa Kỳ tấn công một căn cứ không quân của Syria, hai đồng minh chủ chốt của chế độ Damas là Iran và Nga đã có phản ứng mạnh mẽ, tố cáo Hoa Kỳ muốn hỗ trợ các nhóm vũ trang nổi dậy. Quân đội hai nước cho biết sẽ gia tăng các hoạt động quân sự nhắm vào các nhóm này ở Syria.

Từ Teheran, thông tín viên Siavosh Ghazi gửi về bài tường trình :

"Trong một động thái chưa từng thấy, chỉ huy quân đội Nga và Iran, ngày hôm qua, 08/04, đã khẳng định quyết tâm tiếp tục cuộc chiến chống các nhóm vũ trang Syria. Iran và Nga là hai đồng minh chủ yếu của Syria trong khu vực.

Tham mưu trưởng quân đội Iran và Nga lên án vụ tấn công của Mỹ nhắm vào một căn cứ không quân Syria và coi đây là một hành động xâm lược chống một quốc gia độc lập. Theo tham mưu trưởng hai nước, vụ tấn công của Mỹ nhằm làm chậm lại các chiến thắng của quân đội Syria và các đồng minh và nhằm hỗ trợ củng cố các tổ chức khủng bố. Lãnh đạo quân đội hai nước cam kết gia tăng cuộc đấu tranh chống các tổ chức vũ trang ở Syria.

Theo thông cáo của phía Iran, quân đội hai nước sẽ tiếp tục hợp tác quân sự với Syria cho đến khi đánh bại hoàn toàn những tên khủng bố và những kẻ ủng hộ chúng.

Cũng trong ngày hôm qua, trước đó, tổng thống Iran Hassan Rohani đã tố cáo tổng thống Mỹ Donald Trump ủng hộ các tổ chức vũ trang, qua việc tấn công quân đội Syria đang chiến đấu chống các nhóm khủng bố.

Phản ứng của Iran và Nga về cuộc tấn công của Mỹ chống Syria làm cho cuộc khủng hoảng trong vùng thêm nghiêm trọng, với nguy cơ dẫn đến đối đầu quân sự lớn ».

Ngoại trưởng Nga-Mỹ điện đàm về Syria

Sau cuộc phản công của Mỹ nhắm vào sân bay quân sự Al Chaayrate của Syria, ngày 08/04/2017, ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov đã điện đàm với đồng nhiệm Mỹ Rex Tillerson về tình hình Syria.

Trong bản thông cáo, được Reuters trích dẫn, ông Lavrov nhấn mạnh : « Tấn công nhắm vào một đất nước mà chính phủ nước đó đang chiến đấu chống chủ nghĩa khủng bố chỉ mang lại lợi ích cho lực lượng cực đoan và tạo ra những mối đe dọa mới cho an ninh khu vực và thế giới ». Ông cũng khẳng định với ngoại trưởng Mỹ là quân đội Syria không sử dụng vũ khí hóa học trong vụ không kích ngôi làng Khan Cheikhoune ở tỉnh Idlib.

Trên thực địa, tại tỉnh Idlib, ít nhất 18 thường dân làng Urum Al Joz bị thiệt mạng, trong đó có 5 trẻ em, trong một trận không kích ngày 08/04. Tỉnh Idlib do liên quân nổi dậy chiếm đóng, trong đó có một chi nhánh cũ của Al Qaida ở Syria, và thường xuyên bị quân chính phủ và quân đội Nga oanh kích. - RFI
|
|

5.
Hải quân Trung Quốc và Ấn Độ phối hợp chặn hải tặc

Tàu hải quân của Trung Quốc với sự yểm trợ của một máy bay trực thăng của hải quân Ấn Độ đã chặn một vụ tấn công của những kẻ bị nghi là hải tặc Somalia vào một tàu chở hàng treo cờ của quốc đảo Tuvalu nằm ở Thái Bình Dương, Bộ Quốc phòng Ấn Độ thông báo hôm 9/4.

Theo Reuters, tàu OS 35 bị tấn công hôm 8/4, và bốn tàu của hải quân Ấn Độ đã phản ứng sau khi nhận được tín hiệu kêu gọi ứng cứu từ tàu này. Lực lượng của Ấn Độ đã tiếp cận tàu chở hàng sớm 9/4.

Bộ trên cho biết rằng tất cả 19 thủy thủ đoàn người Philippines an toàn và thuyền trưởng đã ngỏ lời cám ơn hải quân Ấn Độ đã ứng cứu.

Vụ tấn công trên xảy ra vài ngày sau khi các tên cướp biển bắt giữ một tàu của Ấn Độ.

Năm 2011, khi tình trạng hải tặc ở mức cao điểm, các tên cướp biển thực hiện gần 240 vụ tấn công ngoài khơi Somalia và bắt cóc hàng trăm con tin, theo Reuters.

Hành động của chúng gây thiệt hại cho nền kinh tế thế giới khoảng 7 tỷ đôla, và khiến nhiều tổ chức phải trả các khoản tiền chuộc lên tới 160 triệu đôla. - VOA
|
|

6.
Lập trình viên Nga bị bắt ở Tây Ban Nha

Ông Pyotr Levashov, một lập trình viên người Nga, đã bị bắt ở thành phố Barcelona, Tây Ban Nha, Reuters đưa tin hôm 9/4.

Kênh truyền hình RT của Nga đưa tin rằng ông Levashov bị nghi có liên quan tới các vụ tin tặc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ năm ngoái.

Ông này bị bắt theo trát bắt quốc tế mà Hoa Kỳ phát đi trước đó, RT dẫn lời cảnh sát cho biết như vậy trên website của kênh này.

Reuters đưa tin rằng phát ngôn viên đại sứ quán Nga ở Madrid không nêu ra lý do dẫn tới vụ bắt giữ lập trình viên trên.

Còn cảnh sát Tây Ban Nha và Bộ Nội vụ nước này chưa đưa ra bình luận nào.

Chính phủ Hoa Kỳ đã chính thức cáo buộc Nga đánh cắp các thông tin từ email của Đảng Dân chủ Mỹ để giúp mang lại lợi thế cho ông Donald Trump trong cuộc bầu cử năm ngoái.

Quốc hội Mỹ cũng đang xem xét mối liên hệ giữa Nga và chiến dịch tranh cử của ông Trump.

Các quan chức Nga, trong đó có cả Tổng thống Vladimir Putin, đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc trên.

Hồi tháng Một, cảnh sát Tây Ban Nha cũng đã bắt giữ một lập trình viên khác của Nga theo trát bắt quốc tế của Mỹ. - VOA
|
|

7.
Báo chí TQ: Đối đầu Mỹ-Trung không sớm xảy ra --- Mỹ và Trung Quốc bàn về hệ thống phòng thủ tên lửa

Truyền thông Trung Quốc hôm 8/4 ca ngợi cuộc gặp giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cho rằng nó chứng tỏ cho thế giới thấy rằng cuộc đối đầu Mỹ - Trung sẽ không sớm xảy ra.

Tờ China Daily viết rằng cuộc họp thượng đỉnh kéo dài hai ngày ở khu nghỉ dưỡng của ông Trump ở Florida “diễn ra tốt đẹp”, sau khi có “các dấu hiệu lẫn lộn” từ Washington về cách thức tiếp cận của chính quyền này đối với quan hệ Mỹ - Trung.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump có nhiều tuyên bố chỉ trích Trung Quốc khiến Bắc Kinh tức giận, và ông làm phật lòng giới lãnh đạo Trung Quốc vì điện đàm với Tổng thống Đài Loan, trước cả khi lên nhậm chức.

Nhưng đôi bên đôi bên đã tránh được các tuyên bố gây căng thẳng ngoại giao khi ông Trump đón tiếp ông Tập tại khu nghỉ mát Mar-a-Lago ở Florida, theo Reuters.

China Daily viết rằng đôi bên dường như đều tỏ ra “cùng nồng nhiệt về mối quan hệ mang tính xây dựng mà họ cam kết sẽ vun xới”.

“Điều này nghe có vẻ không tưởng đối với những ai bị ám ảnh bởi kịch bản về một cuộc xung đột ‘không thể tránh khỏi’ giữa một bên họ cho là siêu cường đang lên và một siêu cường hiện thời”, tờ báo viết trong một bài xã luận.

“Nhưng việc Bắc Kinh và Washington tới nay đã cố gắng ngăn chặn xung đột cho thấy rằng việc đối đầu sẽ không sớm xảy ra”, China Daily viết.

Trong khi đó, tờ Global Times viết rằng cuộc gặp là “một chỉ dấu cho thấy quan hệ Mỹ - Trung vẫn theo đúng hướng kể từ khi chính quyền Trump nhậm chức vào tháng Một”, và rằng hai nước nhiều khả năng sẽ phát triển một “mối quan hệ thiết thực”.

Các ấn phẩm của báo chí Trung Quốc ở nước ngoài cũng có những bình luận giống như trên.

Tờ People's Daily của Đảng Cộng sản Trung Quốc viết rằng cuộc gặp đề ra đường hướng cho viêc phát triển quan hệ giữa hai nước.

Trong một đoạn tweet hôm 8/4, ông Trump viết rằng “thiện chí và tình bạn đã được hình thành, nhưng chỉ có thời gian mới trả lời về vấn đề thương mại”.

Tuy nhiên, theo Reuters, báo chí Trung Quốc không đề cập tới cuộc không kích bằng tên lửa của Mỹ vào một căn cứ không quân của Syria, được cho là phủ bóng lên cuộc gặp thượng đỉnh. - VOA

***
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 8/4 cho đối tác Hàn Quốc biết rằng ông đã giải thích cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về quan điểm của Hoa Kỳ đối với việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở Hàn Quốc.

Reuters đưa tin rằng ông Trump đã thông báo cho Thủ tướng Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn trong một cuộc điện đàm vào cuối tuần.

Trung Quốc lâu nay vẫn phản đối hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân viết tắt là THAAD ở Hàn Quốc, cho rằng nó có thể đe dọa tới an ninh của Bắc Kinh, nhưng cả Seoul và Washington nói rằng hệ thống đó nhằm chống lại mối đe dọa tên lửa của Bắc Hàn.

Trung Quốc ngày càng gia tăng áp lực và áp đặt các hạn chế đối với một số công ty ở miền nam bán đảo Triều Tiên làm ăn ở Trung Quốc, khiến nhiều người ở Hàn Quốc tin rằng Bắc Kinh đang trả đũa việc Mỹ triển khai hệ thống THAAD.

Thông cáo của quyền lãnh đạo Hàn Quốc có đoạn: “Tổng thống Trump nói rằng ông và Chủ tịch Tập đã thảo luận sâu về sự nghiêm trọng của vấn đề hạt nhân của Bắc Hàn cũng như cách thức đối phó, và cũng nói rằng ông đã truyền đạt quan điểm của Mỹ về việc triển khai THAAD”.

Ông Trump gây áp lực cho nhà lãnh đạo Trung Quốc làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn chương trình hạt nhân của Bắc Hàn trong cuộc họp thượng đỉnh tại khu nghỉ mát Mar-a-Lago ở Florida, theo Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson.

Quân đội Hoa Kỳ bắt đầu triển khai THAAD tháng trước, một ngày sau khi Bắc Hàn phóng bốn quả tên lửa đạn đạo.

Trung Quốc không công khai thừa nhận rằng nước này đang nhắm mục tiêu vào các công ty Hàn Quốc. - VOA
|
|

8.
Biểu tình nổ ra thêm ở Venezuela sau khi lãnh đạo đối lập bị cấm nắm quyền

Cảnh sát tại thủ đô Caracas của Venezuela đã bắn hơi cay và đạn cao su vào những người biểu tình chống chính phủ hôm thứ Bảy sau khi chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro cấm một ứng cử viên đối lập nắm quyền.

Một quận trưởng ở thủ đô nói có ít nhất 17 người đã được điều trị vì bị thương.

Một số người biểu tình đã phá vỡ các rào chắn của cảnh sát gần tòa nhà Tòa án Tối cao và sử dụng vật liệu từ một công trường gần đó để đập phá và đốt cháy một số văn phòng của tòa án.

Đất nước này đã bị bất ổn trong hơn một tuần, sau khi Tòa án Tối cao cố gắng tước bỏ quyền hành của cơ quan lập pháp nằm dưới sự kiểm soát của phe đối lập. Hành động đó đã bị rút lại sau nhiều lời chỉ trích của quốc tế cũng như do bị phản đối trong nước.

Có rất ít dấu hiệu cho thấy những cuộc biểu tình ở Caracas và một số thành phố khác sẽ sớm chấm dứt.

Hôm thứ Sáu, văn phòng Cục Quản lý Công sản Venezuela đưa ra lý do có "những sự bất thường về hành chính" để ngăn chặn Thống đốc bang Miranda Henrique Capriles nắm quyền trong 15 năm. Ông Capriles đã thua sít sao trước ông Maduro trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2013 và dự kiến sẽ là đối thủ tranh cử trong cuộc bầu cử tiếp theo vào năm tới.

Chính phủ Venezuela đã cáo buộc các thành viên phe đối lập, bao gồm cả ông Capriles, về việc kích động các cuộc biểu tình bạo lực. Nhóm các nhà hoạt động nhân quyền Penal Forum cho biết gần 100 người đã bị bắt trong thời gian bất ổn gần đây, và một viên cảnh sát đã bị bắt sau khi một nam thanh niên 19 tuổi bị bắn chết hôm thứ Năm, theo tin Reuters. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

9.
Ông Tillerson đi Moscow sau khi các cuộc oanh kích vào Syria làm Nga tức giận

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson sẽ tới Moscow vào ngày 12/4, chỉ vài ngày sau khi Hoa Kỳ phát động cuộc tấn công tên lửa vào một căn cứ không quân Syria để thể hiện phản ứng về một vụ tấn công bằng vũ khí hóa học của Syria giết hại nhiều thường dân.

Các giới chức nói rằng ngoại trưởng Mỹ sẽ thúc giục Nga suy nghĩ lại về việc họ tiếp tục trợ giúp chính phủ Syria Bashar al-Assad.

Ngoại trưởng Anh Boris Johnson hôm thứ Bảy nói ông đã huỷ bỏ chuyến thăm Moscow, dự kiến diễn ra vào ngày 10/4. Ông Johnson phát biểu: "Những diễn biến ở Syria đã thay đổi tình hình về cơ bản".

Ngoại trưởng Tillerson dự kiến sẽ tới Moscow vào thứ Tư, sau khi ông tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G-7 ở Ý từ ngày 9 đến 11/4.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã không trả lời câu hỏi của VOA liệu chuyến đi Moscow của ông Tillerson có thay đổi hay bị hủy bỏ hay không sau khi quân đội Mỹ tiến hành oanh kích. Nhưng tính đến ngày Chủ Nhật, cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bị đưa ra khỏi lịch trình chuyến thăm Moscow của ông Tillerson.

Các nhà phân tích nói rằng dù sao Washington cũng cần có các hoạt động ngoại giao tiếp sau hành động quân sự. - VOA
|
|

10.
Con rể TT Trump không khai báo những cuộc gặp phía Nga

Khi ông Jared Kushner, con rể và cũng là cố vấn cao cấp của Tổng Thống Donald Trump, muốn được tiếp cận những thông tin tối mật, ông phải nộp hồ sơ an ninh cá nhân trong đó kê khai tất cả những cuộc gặp gỡ với chính giới ngoại quốc trong bảy năm qua.

Theo báo New York Times, nhưng ông Jared Kushner, chồng của cô Ivanka Trump, ái nữ của tổng thống, đã không nhắc đến hằng chục cuộc tiếp xúc với các lãnh đạo hay giới chức nước ngoài trong những tháng gần đây, gồm một cuộc gặp hồi Tháng Mười Hai với Đại Sứ Nga Sergey I Kislyak, và một lần khác với trưởng ngân hàng Vneshconombank của chính phủ Nga, qua sự sắp đặt của ông Kislyak.

Những sự thiếu sót mà luật sư của ông Kushner gọi là nhầm lẫn, có tính cách nhạy cảm đặc biệt, vào lúc Quốc Hội và FBI đang mở cuộc điều tra về những cuộc liên lạc giữa các giới chức Nga với những phụ tá của ông Trump.


Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện cách đây vài tuần thông báo với Tòa Bạch Ốc, rằng trong cùng khuôn khổ của cuộc điều tra, họ muốn hỏi ông Kushner về những lần gặp gỡ mà ông dàn xếp với đại sứ Nga, gồm lần gặp với ông Sergey N. Gorkov, người tốt nghiệp trường tình báo Nga và nay đang đứng đầu ngân hàng Vnesheconombank.

Trong mẫu đơn hồ sơ an ninh phải khai trước khi được giữ chức vụ về an ninh quốc gia, ứng viên phải trả lời nhiều câu hỏi của FBI, trong phần kiểm tra lý lịch. Qua đó họ phải kê khai ngày tháng và chi tiết tất cả những lần liên lạc với đại diện chính quyền các nước.

Đây không chỉ là thủ tục hành chánh thông thường, mà mẫu đơn còn cảnh cáo rằng “giấu giẹm thông tin, cố tình diễn giải sai lạc, hay man khai” có thể dẫn đến việc bị mất quyền tiếp cận các thông tin mật, bị khước từ một chức vụ nhạy cảm và ngay cả bị truy tố. Khai gian có chủ ý hay che giấu các sự kiện là một tội hình sự liên bang mà kết quả có thể đưa đến án tù tối đa năm năm hoặc phải đóng tiền phạt.

Người nộp đơn thường được phép khai bổ túc để tránh khỏi bị trừng phạt nếu sự thiếu sót là do sơ ý chứ không phải cố tình, trong khi việc truy tố hiếm khi xảy ra. - nguoiviet
|
|

Tin Việt Nam

11.
Tàu hải quân Việt Nam thăm Philippines --- Việt Nam ‘rất quan tâm’ tin Philippines mở rộng Trường Sa --- Biển Đông: Trung Quốc "quan ngại" về lệnh đưa quân đến các đảo của Philippines

Một tàu hải quân Việt Nam đã cập cảng của Philippines hôm 8/4 trong chuyến thăm bày tỏ thiện chí với quốc gia cũng có tranh chấp ở Biển Đông.

Trang tin Rappler của Philippines cho biết rằng một tàu hải quân của nước này đã hộ tống tàu của Việt Nam có tên gọi Lê Quý Đôn vào nơi thả neo.

Trên tàu của Việt Nam có hơn 50 người gồm chỉ huy và các thuỷ thủ.

Tin cho hay, họ dự kiến sẽ tham gia một loạt các hoạt động với đối tác nước chủ nhà, trong đó có lên chiến hạm của Philippines và giao hữu bóng rổ.

Chuyến đi kéo dài tới ngày 10/4 nhằm mục đích tăng cường quan hệ giữa hải quân hai nước nói riêng và quân đội hai quốc gia nói chung, theo báo chí Việt Nam.

Cuối năm ngoái, một chiếm hạm của hải quân Philippines đã cập cảng quốc tế Cam Ranh (Khánh Hòa), thăm Việt Nam 4 ngày.

Một số hoạt động trong chuyến thăm bao gồm diễn tập đối phó những cuộc chạm chán bất ngờ trên biển, tìm kiếm cứu hộ, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa.

Tàu của hải quân Việt Nam cập cảng ở Philippines một ngày trước khi Bộ Ngoại giao Việt Nam có phản ứng về phát biểu của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte về việc "chiếm đảo" ở Biển Đông.

Nữ phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng tuyên bố: “Việt Nam rất quan tâm và đang theo dõi, xác minh các thông tin vừa nêu”. - VOA

***
Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 9/4 đã có phản ứng về phát biểu của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, 3 ngày sau khi ông ra lệnh cho các binh sĩ tới “chiếm đóng” các đảo và bãi đá không người ở trên quần đảo Trường Sa mà Manila tuyên bố chủ quyền.

Một thông cáo của nữ phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng trên trang web của Bộ này có đoạn: “Việt Nam rất quan tâm và đang theo dõi, xác minh các thông tin vừa nêu”.

Bà Hằng nói rằng “mọi hành vi của quốc gia khác tại hai quần đảo này mà không được sự cho phép của Việt Nam đều là bất hợp pháp và vô giá trị” vì “như đã nhiều lần được khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.

Thông cáo của nữ phát ngôn viên viết tiếp: “Trong khi chờ đợi tìm kiếm một giải pháp cơ bản và lâu dài cho tranh chấp, các bên cần kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp tình hình hay mở rộng tranh chấp, phù hợp với tinh thần và lời văn của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002”.

Hôm 6/4, ông Duterte đã yêu cầu quân đội đến “chiếm đóng” tất cả những nơi mà Philippines đã tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, và thậm chí ông còn tính sẽ tới một hòn đảo để treo quốc kỳ vào ngày quốc khánh Philippines vào tháng Sáu tới.

Sau đó một ngày, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết rằng Bắc Kinh quan ngại về các tuyên bố của ông Duterte.

Bộ này cũng bày tỏ hy vọng rằng Philippines sẽ tiếp tục xử lý các tranh chấp về lãnh hải với Trung Quốc một cách phù hợp.

Sau khi vấp phải phản ứng của Trung Quốc, các quan chức quốc phòng và quân sự của Philippines đã lên tiếng đính chính rằng Manila sẽ không đưa quân tới chiếm đóng các đảo mới ở Biển Đông.

Thông cáo của Việt Nam hôm 9/4, không đề cập tới việc tuần trước, cơ quan Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở thủ đô Washington công bố một hình ảnh vệ tinh, cho thấy một chiến đấu cơ J-11 của Trung Quốc trên một hòn đảo thuộc Hoàng Sa. - VOA

***
Trung Quốc bày tỏ quan ngại về việc tổng thống Rodrigo Duterte ra lệnh triển khai quân đội Philippines đến chiếm các đảo ở Biển Đông. Bắc Kinh cũng yêu cầu Manila « giải quyết hợp lý » các vấn đề tranh chấp hàng hải.

Trong buổi họp báo ngắn gọn ngày 07/04/2017, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh, phát biểu là Bắc Kinh hy vọng Manila sẽ cố gắng để duy trì quan hệ song phương giữa Philippines và Trung Quốc.

Còn trong bản thông cáo trên website của bộ Ngoại Giao, được trang ABS-CBN News trích dẫn, bà nhấn mạnh : « Sau khi được biết thông tin, phía Trung Quốc rất quan ngại. Chúng tôi hy vọng phía Philippines sẽ tiếp tục xử lý đúng đắn các tranh chấp hàng hải với Trung Quốc và hợp tác với chúng tôi để duy trì mối quan hệ vững chắc và tăng cường giữa hai nước ».

Bà Hoa Xuân Oánh cũng cho biết Bắc Kinh kiên quyết trong việc bảo vệ quyền lợi hàng hải của Trung Quốc cũng như duy trì hòa bình và ổn định tại Biển Đông. Vẫn theo phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc, tình hình chung ở Biển Đông « ngày càng tốt hơn » và tình hình tiến triển này « không phải dễ dàng mà có và cần được các bên liên quan coi trọng và bảo toàn ».

Thông cáo trên được đưa ra chỉ một ngày sau khi tổng thống Duterte tuyên bố (ngày 06/04) Philippines « phải duy trì quyền tài phán của mình tại Biển Đông », đồng thời cho biết đã ra lệnh cho quân đội Philippines triển khai và xây dựng căn cứ tại các đảo mà nước này đòi chủ quyền ở Biển Đông.

Ngày 07/04, tham mưu trưởng Eduardo Año giải thích rõ hơn là Lực lượng Quân đội Philippines (AFP) sẽ tăng cường và cải thiện các khu đồn trú trên các đảo nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (ZEE) của Philippines ở Biển Đông. Ông cũng cho biết quân đội nước này không gặp khó khăn gì trong việc thi hành lệnh của tổng thống Duterte, đồng thời nhắc đến phán quyết của Tòa Trọng tài La Haye. - RFI
|
|

12.
Chủ tịch Quốc Hội VN thăm Hungary

Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đã đến Hungary, quốc gia thứ hai trong chặng thăm ba nước châu Âu vào thượng tuần tháng Tư của bà.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao của Quốc hội Việt Nam đã đến Sân bay quốc tế Budapest, thủ đô Budapest, bắt đầu chuyến thăm chính thức Hungary từ ngày 8 - 11/4 theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Hungary Kover Laszlo, cổng thông tin điện tử của Quốc hội Việt Nam hôm thứ Bảy cho hay.

Trước đó, vẫn theo nguồn này, đoàn đã 'kết thúc tốt đẹp' chuyến thăm tới Vương quốc Thụy Điển, trang mạng quochoi.vn viết:

"Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Vương quốc Thụy Điển, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta Hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Thụy Điển Urban Ahlin; gặp Thị trưởng thành phố Stockholm, Vương quốc Thụy Điển; chào xã giao Công chúa kế vị Thụy Điển; đến thăm, làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Ericson, tham quan thành phố thông minh Hammarby Sjostad và thăm Tập đoàn Sweco."

Vẫn theo trang mạng của Quốc hội Việt Nam, trước khi rời Thụy Điển tới Hungary, bà Kim Ngân và đoàn đại biểu đã đặt vòng hoa tại địa điểm mới xảy ra vụ bạo lực khủng bố làm chết nhiều người, trên một đường phố ở thủ đô Stockholm.

"Trước đó, được tin vào chiều 7/4 (giờ địa phương), trên phố Drottninggatan- khu phố đi bộ lớn nhất của Thủ đô Stockholm- Vương quốc Thụy Điển đã xảy ra vụ tấn công bằng xe tải nhằm vào những thường dân vô tội, sáng 8/4 (giờ địa phương), trước khi kết thúc chuyến thăm chính thức Thụy Điển, nhiều thành viên trong Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã đến phố Drottninggatan đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong vụ tấn công," trang mạng Quốc hội VN cho hay.

Liên quan chuyến thăm Hungary của đoàn Quốc hội Việt Nam, vẫn theo nguồn tin chính thức trên, tính đến năm 2016, Hungary có 15 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 50,66 triệu USD, đứng thứ 55 trong tổng số 105 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam.

"Chuyến thăm chính thức Hungary của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân có ý nghĩa quan trọng nhằm tiếp tục củng cố, tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Hungary, trong đó có quan hệ hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Cơ quan lập pháp của nước bạn," trang quochoi.vn viết.

'Thắt chặt quan hệ kinh tế'

Bình luận với BBC về chuyến thăm Hungary của đoàn cao cấp Quốc hội Việt Nam, từ Budapest, ông Nguyễn Hoàng Linh, chủ biên tờ báo mạng Nhịp Cầu Thế Giới, điểm lại quan điểm của chính quyền Hungary, cho hay:

"Hungary muốn có một đầu cầu trong vùng và Việt Nam là cầu nối quan trọng trong khu vực Asean - là một thị trường trọng điểm mà Hungary coi là như vậy. Và ngược lại về phần mình thì Hungary cũng sẽ cố gắng thúc đẩy để sớm ký kết, phê chuẩn Hiệp định thương mại Việt Nam - EU."

Trích lời của giới chức lãnh đạo Quốc hội Hungary trong buổi tiếp đoàn đại biểu khối lập pháp của Việt Nam do bà Kim Ngân dẫn đầu, nhà báo Nguyễn Hoàng Linh cho biết thêm quan điểm của nước chủ nhà:

"Chuyến thăm của đoàn cấp cao Quốc hội Việt Nam sẽ làm sâu sắc thêm nữa các mối quan hệ chính trị, kinh tế, xã hội vốn đã hết sức tốt đẹp trong thời gian qua."

Về điều được cho là mục đích chung của phái đoàn Quốc hội Việt Nam khi thăm ba nước châu Âu dịp này, chủ biên báo điện tử Nhịp Cầu Thế Giới nói:

"Đương nhiên mục đích chung của tất cả những chuyến viếng thăm như thế này, cho dù là đoàn của Quốc hội, hay đoàn của Chính phủ, hoặc là các đoàn khác đi nữa, thì bao giờ cũng nhằm thắt chặt hơn nữa một số mối quan hệ.

"Mà cá nhân tôi nghĩ cái chính ở đây, đương nhiên quan hệ ngoại giao và quan hệ chính trí là một phần, nhưng quan hệ về mặt kinh tế, tôi nghĩ chẳng hạn như đối với Đông Âu, đối với Hungary và đối với CH Czech, cũng là một trong những cái mà Việt Nam muốn đạt đến.

"Và ngược lại, những nước như là Hungary hoặc thậm chí CH Czech đi nữa, thì cũng muốn có một sự thắt chặt hơn nữa trong quan hệ kinh tế," nhà báo Nguyễn Hoàng Linh từ Budapest nói với Quốc Phương của BBC.

Được biết, theo Quốc hội Việt Nam, nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Thụy Điển Urban Ahlin, Chủ tịch Quốc hội Hungary Kover Laszlo và Chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Séc Milan Stech, Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, dẫn đầu thăm chính thức Vương quốc Thụy Điển, Hungary và Cộng hòa Czech từ ngày 6 - 14 tháng Tư. - BBC

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9




No comments:

Post a Comment