Thursday, April 13, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Năm 13/4

Tin Thế Giới

1.
Mỹ thả ‘Mother of all bombs’ xuống Afghanistan

Quân đội Mỹ vừa thả quả bom có sức công phá mạnh nhất trong tất cả các loại bom không phải hạt nhân, vào các mục tiêu ISIS ở Afghanistan.

Quả bom, mệnh danh “Mẹ của tất cả các loại bom” – Mother of all bombs, được thả lúc 7:32 phút tối thứ Năm, giờ địa phương.

Đây là lần đầu tiên loại vũ khí này được sử dụng trên chiến trường.

Bom có tên chính thức là “GBU-43/B Massive Ordnance Air Blast Bomb - MOAB,” dài 30 foot (9.14 mét), nặng 21 ngàn 600 pound (9797 kg), có hệ thống định vị toàn cầu dẫn hướng.

Cùng ngày, tổng thống Hoa Kỳ, Donald Trump, phát biểu: “Thêm một thành công nữa.”

Quả bom được thả bởi vận tải cơ MC-130, đậu tại Afghanistan, do Bộ Tư Lệnh Chiến Dịch Đặc Biệt của Không Quân chỉ huy. CNN dẫn lời phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài, Adam Stump.

“Ai cũng biết điều gì đã xảy ra. Vậy thì, những gì tôi đã làm là tôi ủy quyền cho quân đội của chúng ta.” Ông Trump nói khi được hỏi có phải ông ra lệnh vụ thả bom hay không. “Chúng ta đã ủy thác họ toàn quyền hành động, và đó là điều họ đang làm.”

CNN dẫn lời nguồn tin riêng nói rằng tướng John Nicholson, chỉ huy các lực lượng Hoa Kỳ tại Afghanistan, ký chuẩn thuận việc sử dụng bom MOAB. Và Tòa Bạch Ốc được thông báo về kế hoạch hành động trước khi vận tải cơ MC-130 thả quả bom nặng gần một tấn này.

Phát ngôn nhân Bạch Ốc, Sean Spicer, xác nhận vụ thả bom nhắm vào “một hệ thống địa đạo và hang động mà các chiến binh ISIS sử dụng để di chuyển.”

Vụ thả bom này xảy ra chỉ một tuần sau khi ông Trump ra lệnh nã hỏa tiễn vào một căn cứ không quân của Syria – lần đầu tiên trong cuộc nội chiến kéo dài 6 năm của đất nước này. - VOA
|
|

2.
Trump nói Trung Quốc 'không là kẻ thao túng tiền tệ'

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, chính quyền Mỹ sẽ không gọi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ, trái với lời hứa hẹn trong chiến dịch tranh cử.

Tổng thống Trump cũng để ngỏ khả năng tái đề cử Janet Yellen làm người đứng đầu Cục Dự trữ liên bang dù đã chỉ trích bà.

Ông đưa ra tuyên bố này vài ngày sau cuộc gặp thượng đỉnh với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Trung Quốc bị cáo buộc phá giá đồng nhân dân tệ để giúp hàng xuất khẩu của họ cạnh tranh hơn với hàng Mỹ.

Trước cuộc bầu cử Mỹ, ông Trump ví von điều này với "hãm hại" Hoa Kỳ, và hứa hẹn sẽ chỉ đích danh Trung Quốc là kẻ thao túng tiền tệ trong ngày đầu tiên vào Nhà Trắng.

Điều đó làm nảy sinh các cuộc đàm phán giữa hai quốc gia và có khả năng dẫn đến lệnh trừng phạt của Mỹ nhưng một số chuyên gia cảnh báo khả năng Trung Quốc sẽ trả đũa.

Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn với tờ Wall Street Journal hôm 12/4, ông Trump nói rằng Trung Quốc không phải là "kẻ thao túng tiền tệ" và nước này đã cố gắng ngăn chặn đồng nhân dân tệ suy yếu hơn.

Ông cũng nói: "Tôi nghĩ rằng đồng đôla đang quá mạnh, một phần do lỗi của tôi bởi vì mọi người tin tưởng vào tôi."

Ông nói thêm rằng đồng đôla mạnh thì có lợi, nhưng cuối cùng sẽ làm tổn thương nền kinh tế Mỹ.

"Rất, rất khó để cạnh tranh khi quý vị có đồng đôla mạnh trong lúc các nước khác đang phá giá đồng tiền của họ." - BBC
|
|

3.
TQ liệu có giúp Mỹ kiềm chế tham vọng hạt nhân Bắc Hàn? --- Abe: Bắc Triều Tiên có khả năng bắn phi đạn chứa sarin

Trong một dấu hiệu thể hiện mối quan hệ đang nồng ấm lên với Trung Quốc, Tổng thống Donald Trump hôm thứ Tư 12/4 nói ông tin rằng Chủ tịch Tập Cận Bình 'muốn có hành động đúng đắn' liên quan tới mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Bắc Hàn. Phát biểu bên cạnh Tổng Thư Ký NATO Jens Stoltenberg không lâu sau cuộc họp thượng đỉnh với ông Tập, Tổng thống Trump nói không như Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông đã hiểu được nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Trước đó, ông Trump nói với tờ The Wall Street Journal rằng khác với những tuyên bố đưa ra trong chiến dịch tranh cử trước đây, ông không nghĩ Trung Quốc là một quốc gia thao túng tiền tệ. Chuyên gia về Trung Quốc Bonnie Glaser thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington (CSIS) nói với phóng viên Victor Beattie của VOA rằng hội nghị thượng đỉnh "rất tích cực" ở Florida giữa hai nhà lãnh đạo dường như đang mang lại kết quả.

Bà Bonnie Glaser nói bà vẫn chưa thấy một sự thay đổi trong chính sách của Trung Quốc đối với Bắc Hàn. Nhưng bà cho rằng việc Trung Quốc từ chối không cho tàu chở than của Bắc Hàn cập cảng Trung Quốc là một dấu hiệu tốt.

Theo bà, vấn đề quan trọng hơn là liệu Bắc Kinh có tiếp tục với hướng hành động này hay không và siết chặt việc tuân thủ tất cả các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an LHQ đối với Bình Nhưỡng, ngay cả đóng cửa các ngân hàng và các công ty trá hình đã cho phép Bắc Hàn tiếp cận hệ thống tài chính toàn cầu.

Nhà nghiên cứu nói một động cơ có thể là lời khuyến cáo của ông Trump rằng Mỹ sẽ đơn phương đối phó với Bắc Hàn mà không cần sự hợp tác của Trung Quốc để chấm dứt mối đe dọa hạt nhân từ Bắc Hàn. Trong các biện pháp này có các biện pháp chế tài phụ trội nhằm trừng phạt các ngân hàng và công ty Trung Quốc có liên quan. - VOA

***
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe hôm thứ Năm cảnh báo Bắc Triều Tiên có thể có năng lực bắn một phi đạn chứa khí độc thần kinh sarin hướng về Nhật Bản, trong khi cộng đồng quốc tế ngày càng lo ngại rằng một vụ thử phi đạn hạt nhân của nhà nước độc đoán này sắp sửa xảy ra.

"Có khả năng Bắc Triều Tiên đã có năng lực phóng phi đạn với đầu đạn sarin," ông Abe nói trước một ủy ban quốc hội về an ninh quốc gia và ngoại giao.

Ông Abe khi đó đang trả lời câu hỏi về tính sẵn sàng của Nhật Bản vào lúc căng thẳng trong khu vực gia tăng. Một hàng không mẫu hạm của hải quân Mỹ đang hướng về bán đảo Triều Tiên trong khi Bình Nhưỡng đang chuẩn bị lễ kỷ niệm 105 năm ngày sinh của lãnh tụ lập quốc Kim Il Sung vào cuối tuần này. Và với những cuộc tập trận Mỹ-Hàn Quốc đang diễn tiến, Bắc Triều Tiên đưa ra những lời lẽ cứng rắn hơn cảnh báo rằng họ sẽ giáng trả quyết liệt bất kỳ hành vi gây hấn nào.

Hàn Quốc từ lâu đã nói họ tin rằng Bắc Triều Tiên có thể tiến hành vụ thử hạt nhân thứ sáu vào bất cứ khi nào họ lựa chọn. Website 38 North chuyên theo dõi tình hình ở Bắc Triều Tiên nói rằng, hình ảnh vệ tinh chụp khu vực thử nghiệm hạt nhân Pyunggye-ri của nước này cho thấy nó đã "được chuẩn bị sẵn sàng" cho một vụ nổ.

Bắc Triều Tiên, chưa bao giờ ký kết Công ước Vũ khí Hóa học Quốc tế, được cho là có tới 5.000 tấn vũ khí hoá học, theo bạch thư quốc phòng của Hàn Quốc, mặc dù Bắc Triều Tiên chưa bao giờ thừa nhận điều này.

Các chuyên gia nói rằng nếu Bắc Triều Tiên tấn công Hàn Quốc thì họ có thể nó sẽ nhắm mục tiêu vào hệ thống phòng thủ của Seoul bằng vũ khí hoá học và sinh học được thả khỏi máy bay hoặc được đưa tới bằng phi đạn, pháo kích và lựu đạn.

Ông Abe dẫn ra Syria, nơi mà hàng chục người chết hồi gần đây trong một cuộc tấn công bị cáo buộc là bằng khí độc thần kinh, như một ví dụ mà Nhật Bản cần cân nhắc nghiêm túc, nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường khả năng răn đe đối với Bắc Triều Tiên.

Nhật Bản đã thực hiện một số bước trong tuần này để trấn an công chúng về nỗ lực bảo vệ công chúng. Hôm thứ Ba, Bộ Ngoại giao đưa ra cảnh báo du hành cho cư dân và du khách Nhật Bản ở Hàn Quốc, nhắc nhở họ về căng thẳng đang gia tăng. Tuy nhiên Chánh Văn phòng Nội các Yoshihide Suga phủ nhận bất kỳ "mối nguy hiểm sắp sửa xảy tới," theo AP.

Sau đó trong ngày thứ Năm, ông Abe kêu gọi tổ chức một cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia để phân tích những diễn biến mới nhất ở Bắc Triều Tiên và những cách ứng phó trong trường hợp có sự "khiêu khích" từ Bình Nhưỡng, theo lời ông Suga, một thành viên của hội đồng. Ông nói thêm Bắc Triều Tiên đã tích lũy được một lượng lớn vũ khí hoá học được sản xuất tại một số cơ sở, nhưng không dẫn nguồn. - VOA
|
|

4.
Assad: Vụ tấn công hóa học ở Syria là chuyện 'bịa đặt' --- Syria: Nga lại phủ quyết nghị quyết của Liên Hiệp Quốc

Tổng thống Syria Bashar-al Assad nói các cáo buộc lực lượng quân đội Syria có cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học là "bịa đặt 100%".

Trong video phỏng vấn độc quyền với hãng tin Agence France-Presse, ông nói "không có lệnh tấn công nào" được đưa ra.

Hơn 80 người thiệt mạng hôm 4/4 tại thị trấn Khan Sheikhoun do phiến quân chiếm giữ, hàng trăm người bị các triệu chứng cho thấy họ nhiễm chất độc thần kinh.

Các nhân chứng nói họ thấy có các chiến đấu cơ tấn công thị trấn, nhưng phía Nga nói một nhà kho chứa vũ khí hóa học của phiến quân đã bị trúng bom.

Những hình ảnh cho thấy các nạn nhân, trong đó có nhiều trẻ em, bị co giật và sùi bọt mép, đã làm chấn động thế giới.

Các nạn nhân được đưa đến bệnh viện ở bên kia biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia phản đối ông Assad. Thổ Nhĩ Kỳ sau đó nói họ đã có "bằng chứng cụ thể" cho thấy chất độc thần kinh Sarin đã được sử dụng.

Tổng thống Assad cho hãng tin AFP hay chính phủ Syria đã từ bỏ kho vũ khí hóa học năm 2013. "Cho dù chúng tôi có vũ khí hóa học đi nữa, chúng tôi cũng không sử dụng," ông nói thêm.

Tuy nhiên, kể từ 2013, đã tiếp tục có những cáo buộc nói các chất hóa học như chlorine và ammonia đã được dùng để tấn công dân thường trong cuộc nội chiến tại Syria.

Hoa Kỳ, Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO) và các thanh tra vũ khí hóa học đều nghi ngờ những lời phát biểu trên của Nga và Syria.

Ông Assad cáo buộc phương Tây dựng lên câu chuyện này để có cớ tiến hành các cuộc không kích vào căn cứ không quân của chính phủ Syria. Cuộc không kích xảy ra chỉ ít ngày sau cuộc tấn công ở Khan Sheikhoun.

"Đây là giai đoạn một, vở kịch [mà họ dàn dựng] mà chúng ta thấy trên mạng xã hội và truyền hình, rồi tuyên truyền sau đó đến giai đoạn hai, cuộc tấn công quân sự," ông Assad nói, và tỏ ý nghi ngờ tính xác thực của đoạn video này.

Ông nói Khan Sheikhoun, thuộc tỉnh Idlib ở tây bắc Syria, không có giá trị chiến lược và hiện không phải là tiền tuyến giao tranh. "Câu chuyện này không thuyết phục chút nào," ông nói với AFP.

Ông Assad cũng nói ông chỉ cho phép cái ông gọi là một cuộc điều tra "không thiên vị" về các sự việc ở Khan Sheikhoun, để đảm bảo cuộc điều tra này sẽ không được dùng cho "mục đích chính trị."

Nga, đồng minh chủ chốt của Syria, đã làm Hoa Kỳ, Anh và Pháp tức giận hôm thứ Tư 12/4 khi phủ quyết một dự thảo nghị quyết Liên Hiệp Quốc yêu cầu chính phủ của ông Assad hợp tác trong một cuộc điều tra vụ tấn công này. - BBC

***
Không có gì ngạc nhiên, hôm qua, 12/04/2017, Nga lại bác bỏ một nghị quyết của Hội Đồng Bảo An lên án và kêu gọi điều tra về vụ tấn công vũ khí hóa học tại Syria. Đây là lần thứ tám, trong tư cách là thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An, Nga dùng quyền phủ quyết trong hồ sơ Syria. Trung Quốc không tham gia bỏ phiếu. Ngay lập tức, Pháp cáo buộc Nga phải chịu trách nhiệm nặng nề về việc liên tục dùng quyền phủ quyết để bảo vệ đồng minh Bachar al Assad.

Từ trụ sở Liên Hiệp Quốc tại New York, thông tín viên Marie Bourreau gửi về bài tường trình :

"Hoa Kỳ rất muốn là vụ tấn công bằng vũ khí hóa học tại Syria, cách nay một tuần, sẽ làm thay đổi tương quan lực lượng có lợi mình. Thế nhưng, với việc dùng quyền phủ quyết lần thứ tám này, Matxcơva tỏ ra không đếm xỉa đến những đe dọa của Washington. Đại diện của Nga tại Liên Hiệp Quốc lại một lần nữa quyết liệt tố cáo các nước phương Tây muốn thay đổi chế độ ở Syria với cáo buộc là đã tiến hành tấn công bằng khí độc sarin, ngày 04/04 vừa qua, nhưng không hề có bằng chứng gì. Đại diện Nga còn nổi nóng chất vấn : Vì sao các vị biết ? Không một ai đã đi tới nơi xẩy ra tội ác cả.

Thế nhưng, đây cũng chính là mục đích của dự thảo nghị quyết. Văn bản này, nếu được thông qua, sẽ cho phép tiến hành một cuộc điều tra sâu rộng, buộc chính quyền Syria phải cộng tác để xác định rõ ai phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công.

Cho dù Nga tuyên bố ủng hộ một cuộc điều tra như vậy, nhưng không phải vì thế mà Matxcơva để cho đồng minh Bachar al Assad phải đối mặt với nguy cơ bị truy tố.

Đối với Liên Hiệp Quốc, việc Nga dùng quyền phủ quyết lần này, lại một lần nữa cho thấy Matxcơva bị cô lập trên trường quốc tế và không đáng tin cậy trong việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho Syria ».

Liên quân oanh kích một kho khí độc của Daech

Tối hôm qua, liên quân quốc tế do Hoa Kỳ dẫn đầu đã oanh kích một khu nhà kho chứa khí độc hại của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo ở tỉnh Dair Az Zour, miền đông Syria. Theo chính quyền Damas, có hàng trăm người bị chết, trong đó có nhiều thường dân. Bản thông cáo của chính quyền Syria khẳng định quân thánh chiến Daech và những lực lượng có liên quan đến tổ chức Al Qaida đều có vũ khí hóa học. Hiện chưa có khẳng định nào từ phía các nhà quan sát độc lập. - RFI
|
|

5.
Trump muốn đạt đồng thuận với Nga, dù quan hệ song phương ở mức thấp nhất --- Putin than phiền quan hệ Mỹ-Nga "xấu đi"

Trong suốt chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ 2016 và thậm chí trong thời gian đầu khi mới đặt chân vào Nhà Trắng, ông Donald Trump luôn thể hiện muốn xích lại gần hơn với tổng thống Nga Vladimir Putin. Thế nhưng, quan hệ Mỹ-Nga đã trở nên căng thẳng, sau vụ Syria bị cáo buộc tấn công bằng vũ khí hóa học nhắm vào thường dân Syria và Hoa Kỳ bắn tên lửa vào một căn cứ không quân Syria.

Trong bối cảnh đó, ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã đến Matxcơva và cuộc gặp gỡ giữa hai ngoại trưởng Hoa Kỳ và Nga đã diễn ra trong không khí lạnh nhạt.

Từ Washington, thông tín viên RFI Anne-Marie Capomaccio cho biết thêm chi tiết:

"Sau những đe dọa và tối hậu thư giữa Washington và Matxcơva, giới ngoại giao đã làm việc mà họ cần làm. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cuối cùng đã được tổng thống Nga tiếp đón… và trong buổi họp báo chung với ngoại trưởng Nga, Rex Tillerson đã dịu giọng hơn. Dịu đi nhưng vẫn rất lạnh nhạt. Mỹ và Nga không đồng thuận về bất cứ điều gì. Ngoại trưởng Mỹ đã thừa nhận điều đó.

Rex Tillerson phát biểu : « Quan hệ giữa Mỹ và Nga hiện đang ở mức thấp nhất … Có rất nhiều điều hai nước ngờ vực lẫn nhau. Quan hệ giữa hai cường quốc hạt nhân quan trọng nhất không thể tiếp tục theo hướng như thế. »

Hai quốc gia không thống nhất được quan điểm trong nhiều hồ sơ, đặc biệt là hồ sơ về Syria. Washington khẳng định nắm được nhiều bằng chứng cho thấy Nga đồng lõa với chế độ Syria trong vụ tấn công bằng vũ khí hóa học. Còn Nga thì hoài nghi.

Người Mỹ cho rằng Bachar al-Assad không thể tiếp tục nắm quyền. Người Nga đáp lại là việc Bachar al-Assad ra đi sẽ khiến mọi chuyện trở nên hỗn loạn.

Và cuối cùng, về cuộc điều tra mà Hạ Viện Mỹ đang tiến hành liên quan đến sự can thiệp của Nga trong chiến dịch tranh cử tổng thống và khả năng những nhân vật thân cận với Donald Trump cũng có liên hệ với Matxcơva, ngoại trưởng Nga đã có « màn độc thoại tràng giang đại hải » để tránh không trả lời câu hỏi. Ngoại trưởng Mỹ kết luận ngắn ngọn bằng một câu : Điều này là rất tồi tệ ».

Điểm duy nhất mà Washington và Matxcơva nhất trí, đó là duy trì một kênh giao tiếp, và tiếp tục đối thoại, trước tiên là về các hồ sơ ít quan trọng nhất… »

Trước khi đón tiếp ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tại điện Kremlin, tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói lấy làm tiếc rằng quan hệ Nga-Mỹ lại xuống cấp từ khi Donald Trump chính thức bước vào Nhà Trắng, thậm chí mối quan hệ này còn bị tổng thống Nga đánh giá là tồi tệ hơn thời Obama làm tổng thống Mỹ.

Sau những cáo buộc, phản đối, dường như cả Nga và Mỹ vẫn cố tìm cách đưa ra những tín hiệu bày tỏ mong muốn cải thiện quan hệ song phương.

Trong cuộc họp báo ngày hôm qua ở Nhà Trắng với ông Jens Stoltenberg - tổng thư ký Liên Minh Quân Sự Bắc đại Tây Dương NATO, tổng thống Donald Trump phát biểu : «Sẽ rất tuyệt vời, nếu NATO và Mỹ có thể hòa hợp với Nga » mặc dù ông cũng thừa nhận « vào thời điểm hiện tại, chúng tôi không hòa hợp chút nào với Nga » và thậm chí ông còn nói quan hệ giữa hai nước « đang ở mức thấp nhất từ trước tới nay ».

Về phần mình, Nga đã có một cử chỉ xoa dịu hiếm hoi trong hồ sơ Syria : Ngoại trưởng Sergei Lavrov cho biết « tổng thống Putin sẵn sàng » cho áp dụng lại thỏa thuận tránh đụng độ trên không, mà Matxcơva đã tạm ngừng sau khi Mỹ phóng 59 hỏa tiễn hành trình vào một căn cứ không quân của Syria sau vụ tấn công bằng vũ khí hoá học ở Khan Cheikhoun khiến 87 người thiệt mạng, trong có 31 trẻ em. - RFI

***
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bất ngờ quyết định tiếp ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, tại điện Kremlin ngày hôm qua, 12/04/2017, trong bầu không khí căng thẳng vì hồ sơ Syria.

Không khí song phương căng thẳng đến mức mà hồi đầu tuần này, ngay trước chuyến công du của ngoại trưởng Mỹ, Matxcơva để ngỏ khả năng là sự kiện này không nằm trong kế hoạch.

Trong một buổi trả lời phỏng vấn đài Mir 24 ít giờ trước cuộc gặp, tổng thống Putin lấy làm tiếc về mối quan hệ Nga-Mỹ bị xuống cấp kể từ khi ông Donald Trump trở thành chủ nhân Nhà Trắng. Ông nói : "Mức độ tin tưởng trong quan hệ làm việc, trong đó có cả lĩnh vực quân sự, không được cải thiện mà ngược lại chỉ xấu đi".

Chuyến công du của ông Tillerson là chuyến viếng thăm Nga đầu tiên của một quan chức cấp cao trong tân chính quyền Mỹ, theo dự kiến là để "bình thường hóa" mối quan hệ giữa hai nước, điều mà ông Donald Trump từng hứa khi vận động tranh cử tổng thống. Tuy nhiên, vụ "tấn công bằng vũ khí hóa học" và cuộc không kích của Mỹ nhắm vào một sân bay của chính quyền Syria để trả đũa, đã khiến quan hệ Nga-Mỹ trở nên căng thẳng, làm lu mờ nhiều hồ sơ khác.

Cuộc phỏng vấn tổng thống Nga được phát đúng vào lúc ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov đang tiếp đồng nhiệm Mỹ.

Báo chí Nga: Hội kiến ngoại trưởng trong không khí "không đối đầu"

Về cuộc hội kiến hai ngoại trưởng, theo thông tín viên RFI Muriel Pomponne, báo chí Nga hôm nay ghi nhận đã “không có đối đầu” trong buổi làm việc kéo dài ba giờ đồng hồ. Mỗi bên bảo vệ lập trường của mình, nhưng nhấn mạnh là đối thoại cần được tiếp tục.

Phát biểu cuối cùng của ngoại trưởng Nga trong buổi họp báo là : “Chúng ta có thể tiêu diệt quân khủng bố, mà không cần đụng đến chế độ, nhưng nếu lật đổ chế độ, chúng ta có thể tạo điều kiện để Daech phát triển”. Ngoại trưởng Mỹ đã không phản bác. - RFI
|
|

6.
Thượng đỉnh ASEAN ở Manila thảo luận về Biển Đông --- Biển Đông: Tổng thống Philippines hủy thăm đảo Thị Tứ, vì Trung Quốc phản đối --- Chúng ta đã mất Biển Đông chưa?

Hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á - ASEAN sẽ diễn ra vào ngày 29/04/2017, tại Manila, Philippines, quốc gia chủ tịch luân phiên. Ngoài việc thảo luận tăng cường hợp tác để xây dựng và nâng cao ý thức cộng đồng nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập, các vấn đề an ninh khu vực như các tranh chấp ở Biển Đông và tình hình bán đảo Triều Tiên nằm trong chương trình nghị sự.

Báo Thái Lan The Nation, ngày 12/04/2017, trích lời phó tổng vụ trưởng vụ ASEAN, bộ Ngoại Giao Thái Lan Suriya Jindawong, cho biết, cuộc họp thượng đỉnh ASEAN năm nay mang chủ đề: “Tăng trưởng dựa vào dân và cải tiến công nghệ, phát triển một ASEAN bền vững”.

Tuy nhiên, cuộc họp thượng đỉnh cũng sẽ đề cập đến Bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông COC, mang tính ràng buộc về pháp lý, do ASEAN và Trung Quốc cùng soạn thảo để kiểm soát hành vi của các quốc gia tại khu vực có tranh chấp chủ quyền lãnh hải.

Philippines và một số thành viên khác của khối như Việt Nam, Malaysia đang có những tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông.

Năm 2002, khối ASEAN đã ký bản Tuyên Bố Về Ứng Xử Các Bên tại Biển Đông (DOC). Thế nhưng văn kiện không mang tính ràng buộc này đã thất bại trong việc ngăn ngừa tình hình căng thẳng thêm tồi tệ.

Theo phó tổng vụ trưởng vụ ASEAN bộ Ngoại Giao Thái Lan, thì hiện nay, chuyên gia và quan chức của ASEAN và Trung Quốc đang xây dựng một bộ khung cho Bộ Quy Tắc – COC và dự kiến kết thúc vào giữa năm nay. Một khi bộ khung được thông qua, các bên sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán về nội dung Bộ Quy Tắc Ứng Xử. - RFI

***
Tổng thống Rodrigo Duterte tuyên bố hôm nay, 13/04/2017, sẽ không đến cắm cờ Philippines trên một nhóm đảo thuộc quần đảo Trường Sa, sau khi Trung Quốc phản đối.

Theo CNN Philippines, trong chuyến công du Ả Rập Xê Út, trước hơn 2.000 công dân Philippines tại thủ đô Ryad, ông Duterte cho biết Trung Quốc đã yêu cầu ông không đến thăm nhóm đảo Kalayaan, thuộc tỉnh Palawan của Philippines, nằm trong quần đảo Trường Sa và không cắm cờ trong khu vực này.

Vì vậy, ông quyết định : « Vì tình hữu nghị với Trung Quốc, và vì chúng ta đề cao tình hữu nghị này, tôi sẽ không đến cắm cờ Philippines nữa. Tôi sẽ không đến bất kỳ hòn đảo nào thuộc quần đảo Trường Sa ». Tuy nhiên, AFP cho biết tổng thống Duterte có thể cử con trai đến, « chỉ để chứng minh rằng những đòi hỏi chủ quyền của chúng ta có giá trị với mọi thế hệ người Philippines ».

Ngày 06/04, tổng thống Duterte tuyên bố sẽ làm lễ thượng cờ trên đảo Thị Tứ (Philippines gọi là Pag-asa), nhân dịp quốc khánh Philippines ngày 12/06. Ông Duterte còn muốn tăng cường an ninh bằng việc xây một số lán trại cho các hòn đảo không có người ở trong quần đảo Trường Sa, mà Philippines đòi chủ quyền, nhưng có tranh chấp với một số nước khác như Việt Nam, Trung Quốc.

Theo hãng tin Reuters, những tuyên bố trên của tổng thống Philippines có nguy cơ khiến Bắc Kinh phật lòng. Thực vậy, trong buổi họp báo ngày 07/04, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh, đã bày tỏ « quan ngại » về tuyên bố của tổng thống Rodrigo Duterte.

Sau đó vài hôm, thứ Hai 10/04, tổng thống Philippines đã có lời lẽ hòa hoãn hơn với Trung Quốc. Ông trấn an Bắc Kinh là không thực hiện chính sách hung hăng tại Biển Đông và cũng không cho triển khai vũ khí có khả năng đe dọa đến an ninh của Trung Quốc tại vùng biển này.

Thị Tứ là đảo lớn nhất trong số 9 đảo và đá tại Biển Đông mà Philippines đòi chủ quyền, và là đảo duy nhất có dân Philippines sinh sống. Trên đảo Thị Tứ có một đường băng do quân đội Philippines kiểm soát.

Đảo Thị Tứ nằm gần đá Xubi (Subi Reef), một trong bẩy đảo nhân tạo thuộc quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc bị cáo buộc quân sự hóa. - RFI

***
« Chúng ta đã bị mất Biển Đông hay chưa ? ». Đó là tựa đề bài viết của giám đốc tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á, ông Gregory B.Poling, trên trang web của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) ngày 11/04/2017.

Theo chuyên gia Poling, Trung Quốc đang ngày càng có nhiều quyền lực trên Biển Đông, nhờ vào các căn cứ có thể sử dụng cho mục đích quân sự lẫn dân sự tại quần đảo Trường Sa, và việc nâng cấp các thiết trí quân sự ở Hoàng Sa. Bắc Kinh nhất quyết bảo vệ « quyền lịch sử » rộng rãi nhưng lại được định nghĩa một cách mơ hồ của mình, về « đường lưỡi bò » chín đoạn, vốn vi phạm luật pháp quốc tế.

Trong khi đó tân chính quyền Mỹ vẫn chưa có chiến lược rõ ràng về Biển Đông, để lại những dấu hỏi lớn về sự cam kết của Washington trong khu vực. Và ngoại trừ Hà Nội, các nước Đông Nam Á khác có yêu sách chủ quyền tại Biển Đông, trước những diễn biến gần đây đã có những phản ứng khác nhau – từ thái độ chấp nhận thua cuộc ở Manila, đến ý định nhắm mắt cho qua của Jakarta và Kuala Lumpur.

Mặc dù trong chín tháng vừa qua Trung Quốc không leo thang mạnh mẽ lắm, nhưng chưa bao giờ cán cân ở Biển Đông nghiêng hẳn về Bắc Kinh như lúc này, với chiến lược bậc thầy của Trung Nam Hải. Tình hình này khiến các nhà phân tích phải tự hỏi, liệu Hoa Kỳ và các quốc gia có cùng quan điểm đã thua trận trong cuộc chiến đấu hay không. Phải chăng bây giờ là lúc Mỹ ra đi, bỏ lại các nước Đông Nam Á phải tự chống chọi, trong cuộc chiến không cân sức với Trung Quốc ?

Biển Đông chưa được quan tâm đúng mức

Một lý do chính cho sự yếu kém thấy rõ của Mỹ và các nước khác trong khu vực, là đa số người Mỹ vẫn chưa hiểu được tại sao Washington phải quan tâm đến Biển Đông. Ngay cả trong chính phủ, câu trả lời cũng bất nhất giữa các cơ quan với nhau, và trong nội bộ từng cơ quan. Làm thế nào Hoa Kỳ và các đối tác có thể theo đuổi một chiến lược dẫn đến thành công, hoặc thừa nhận thất bại, nếu họ không thể đồng ý với nhau về những gì được coi là chiến thắng ?

Chính quyền Obama đã duy trì một danh sách khá logic về các lợi ích của Mỹ tại Biển Đông : bảo vệ trật tự dựa trên cơ sở luật pháp, duy trì an ninh khu vực (trong đó có sự an toàn của các đồng minh Mỹ), và tự do hàng hải. Tiếc rằng cũng như nhiều chính sách châu Á khác, đội ngũ của ông Obama chứng tỏ có tầm nhìn chiến lược mạnh mẽ, nhưng trong việc giải thích và áp dụng thì lại yếu ớt. Cũng giống như khái niệm xoay trục được định nghĩa qua các sáng kiến an ninh, mặc dù đã tốn rất nhiều thời gian cho các nỗ lực kinh tế, ngoại giao và văn hóa xã hội, cuộc tranh luận về Biển Đông vẫn bị đè nặng bởi lý giải sai lầm rằng đây là sự ganh đua giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc về quân sự.

Tranh chấp Biển Đông không phải là vấn đề song phương Mỹ-Trung, và không thể giải quyết bằng cách mặc cả giữa Washington và Bắc Kinh. Biển Đông cũng không phải chủ yếu là sự đối đầu quân sự, và như vậy không thể có giải pháp quân sự.

Điều này không có nghĩa là quân đội Trung Quốc không nhìn thấy một mệnh lệnh chiến lược mạnh mẽ trong tranh chấp Biển Đông, hay năng lực bành trướng của Trung Quốc đang mở rộng từ các đảo nhân tạo, sẽ không gây khó khăn cho cuộc chiến đấu của Hoa Kỳ trong một cuộc xung đột tiềm năng. Đó là những nhân tố góp phần trong tranh chấp, cũng như việc tranh giành tài nguyên, tuyến đường hàng hải chiến lược và nhiều vấn đề khác. Nhưng đây không phải là gốc rễ của tranh chấp Biển Đông, cũng không là lợi ích cơ bản của Hoa Kỳ và các nước bạn.

Như chuyên gia Bill Hayton đã lập luận một cách đầy thuyết phục, tranh chấp Biển Đông thực chất là sự ganh đua của các chủ nghĩa dân tộc. Đặc biệt là luận điệu về các quyền của Trung Quốc, đang thách thức mọi sự kiện lịch sử, luật pháp quốc tế và lợi ích của các nước láng giềng. Bắc Kinh cho là mình có quyền và quyết tâm độc chiếm Biển Đông bằng mọi phương tiện cần thiết. Việc này đã trực tiếp đe dọa lợi ích của Hoa Kỳ, mà lợi ích này vượt xa lên trên khả năng tự do hoạt động của Hải quân Mỹ tại Biển Đông.

Đó chính là một hệ thống quốc tế rộng rãi – gọi là « trật tự dựa trên luật pháp » vẫn thường được chính quyền Obama nêu ra. Trong đó các Nhà nước đều bình đẳng với nhau theo các quy định và tiêu chuẩn đã cùng thỏa thuận ; đàm phán cũng như thủ tục trọng tài thay thế cho cưỡng bức và vũ lực - được coi là phương cách giải quyết tranh chấp.

Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) và các luật lệ theo tập quán quốc tế làm chỗ dựa cho công ước, là những thành phần chủ yếu của hệ thống này. Tất cả đã bị thiệt hại nghiêm trọng bởi những hành vi nhằm xác quyết chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông. Các quốc gia khác sẽ nhanh chóng nhận ra rằng họ bị bất lợi khi nghiêm túc tôn trọng UNCLOS, trong khi Trung Quốc bất chấp.

Hậu quả : Biển Đông sắp mất

Tiếc thay, trật tự dựa trên cơ sở luật pháp thì trừu tượng, không giúp bán được báo. Sự yểm trợ quân sự của Hoa Kỳ và các cường quốc bậc trung khác như Úc, Nhật Bản, Ấn Độ hết sức quan trọng để giúp các nước Đông Nam Á không bị Trung Quốc đè bẹp.

Hoa Kỳ phải đóng vai trò chủ đạo để răn đe thái độ hiếu chiến và các hành động leo thang quan trọng khác của Trung Quốc - như đã từng lên tiếng cảnh cáo ý định xây dựng trên bãi cạn Scarborough mùa xuân vừa rồi. Các quốc gia đối tác cần tìm cách tăng cường năng lực cho Hải quân và tuần duyên các nước Đông Nam Á, để họ có thể bảo vệ vùng biển tranh chấp, vốn đang phải đối mặt với áp lực chưa bao giờ tăng cao đến thế của Trung Quốc. Nhưng những nỗ lực an ninh này nhằm cải thiện tình hình tại chỗ, chứ chưa phải là hồi kết.

« Chiến thắng » tối hậu trên Biển Đông cho Hoa Kỳ và các đối tác là thuyết phục được Trung Quốc điều chỉnh những yêu sách của mình cho phù hợp với luật pháp quốc tế, và bình đẳng với các nước láng giềng. Đó là một thử thách khổng lồ, đòi hỏi phải có một chiến dịch ngoại giao và luật pháp tập trung vào việc vạch trần tính bất hợp pháp của các yêu sách Trung Quốc, khiến Bắc Kinh phải mang tai tiếng.

Quan trọng nhất là phải có những cam kết dài hạn. Việc vạch mặt chỉ tên và tố cáo để Trung Quốc tỏ ra khiêm tốn hơn, có thể phải mất cả một thập niên. Trung Quốc không phải là miễn nhiễm trước áp lực quốc tế hay trước cái giá phải trả cho việc trở thành một kẻ ở ngoài vòng pháp luật, nhưng sức kháng cự của họ rất lớn.

Hoa Kỳ và Philippines muốn tập hợp một liên minh quốc tế cho nỗ lực này. Trước hôm Manila chiến thắng ở Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye tháng 7/2016, một số đáng kể các quốc gia trên thế giới đã kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết của tòa. Nhưng liên minh này đã tan rã sau khi tổng thống Rodrigo Duterte quyết định từ bỏ việc sử dụng áp lực quốc tế, với hy vọng Bắc Kinh sẽ đáp ứng một cách hòa hoãn hơn.

Quyết định của ông Duterte chủ yếu do quan điểm tư tưởng của ông, nhưng được biện minh là do Hoa Kỳ sẽ không bảo vệ Philippines chống lại Trung Quốc. Đây là một vết thương tự gây ra, có thể tránh được nếu chính quyền Obama nói rõ là hiệp ước quân sự hỗ tương giữa hai nước có thể áp dụng, để hỗ trợ cho quân đội và tàu chiến của Philippines trong vùng biển tranh chấp.

Trong khi được Duterte chìa ra cành ô liu và chính quyền Trump lo tập trung vào những hồ sơ khác, Trung Quốc tiếp tục củng cố các lợi ích của mình. Nhờ có các hải cảng và cơ sở hạ tầng đi kèm, số lượng tàu Trung Quốc tăng lên đáng kể tại khu vực nửa phía nam của đường 9 đoạn. Trong khi đội quân tiên phong này liên tục lấn chiếm vùng biển của các nước láng giềng, Trung Quốc tăng cường hơn bao giờ hết khả năng can thiệp, để ngăn trở các nước Đông Nam Á sử dụng vùng biển và đáy đại dương mà luật pháp quốc tế bảo đảm cho họ.

Nếu không có gì thay đổi, Trung Quốc trên thực tế sẽ kiểm soát toàn bộ vùng biển, vùng trời và tài nguyên của Biển Đông. Hải quân Hoa Kỳ có thể tiếp tục tiến hành các hoạt động ở vùng biển tranh chấp, làm ngơ trước những hành vi quấy nhiễu của đối tác Trung Quốc, nhưng sẽ không dễ chịu chút nào cho các nước Đông Nam Á cũng đòi hỏi chủ quyền Biển Đông. Việt Nam có thể tiếp tục phản đối thực tế mới này, nhưng những nước khác có cơ phải thích ứng với thực trạng tại chỗ. Hậu quả là hệ thống quốc tế và trật tự khu vực châu Á sẽ thường xuyên bị thay đổi theo hướng gây thiệt hại nặng nề cho lợi ích của Mỹ.

Thế nên, phải chăng Hoa Kỳ và các nước bạn đã bị mất Biển Đông ? Câu trả lời là chưa. Nhưng họ đang đánh mất, và mất một cách nhanh chóng.

Để thay đổi tình hình, trước tiên Washington cần phải nhìn nhận tầm quan trọng của hồ sơ này. Chính quyền Trump cần có chính sách rõ ràng và mạnh mẽ để bảo vệ lợi ích của Mỹ, đặc biệt là trật tự dựa trên luật pháp tại Biển Đông. Thứ đến, chính phủ Hoa Kỳ cần nắm lấy cơ hội, khi chính quyền Duterte nhận ra rằng Bắc Kinh không nhượng bộ như họ vẫn hy vọng - có lẽ qua lệnh cấm đánh cá trong khu vực, kể cả ở bãi cạn Scarborough kể từ ngày 1/5 của Trung Quốc.

Để đặt nền móng cho việc này, chính quyền ông Trump phải làm một việc từ lâu được chờ đợi : nói rõ rằng theo hiệp ước hỗ tương giữa hai nước, Mỹ sẽ yểm trợ lực lượng Philippines tại Biển Đông, vì vùng biển này thuộc Thái Bình Dương, theo điều V của hiệp ước. Như vậy công việc khó khăn là tái lập lực lượng quốc tế đối phó với yêu sách của Trung Quốc mới có thể khởi đầu. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

7.
Donald Trump: NATO “hết lỗi thời”! --- TT Trump: ‘Chúng ta sẽ không tới Syria’

Chỉ trong vòng có ba tháng cầm quyền, ông Donald Trump liên tục có những thái độ quay ngoắt 180° không chút sượng sùng trên phương diện đối ngoại, bất kể đó là với Trung Quốc, Nga hay là NATO.

Hôm qua, 12/04/2017, trong buổi họp báo chung với tổng thư ký khối NATO, Jens Stoltenberg, tổng thống Mỹ Donald Trump, sau khi đã cảm ơn sự ủng hộ của các nước thành viên trong vụ tấn công khu căn cứ quân sự Syria, đã tuyên bố: “Tôi có từng nói là NATO lỗi thời. Nay thì không còn nữa”.

Tổng thống Mỹ cũng không quên nói thêm rằng Liên Minh Bắc Đại Tây Dương đã thích ứng tốt với nhiệm vụ của mình: Cuộc chiến chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo.

Tương tự với Trung Quốc, ông Donald Trump hôm qua khi trả lời phỏng vấn tờ Wall Street Journal cũng không ngần ngại khẳng định: “Trung Quốc không thao túng đồng nội tệ”.

Reuters nhắc lại trong suốt chiến dịch vận động tranh cử, nhà tỷ phú Mỹ đã không ngừng cáo buộc Bắc Kinh thao túng đồng nội tệ, đồng thời liên tục chỉ trích mạnh mẽ khối Liên Minh Bắc Đại Tây Dương là “lỗi thời”. - RFI

***
Tổng Thống Donald Trump nói rằng Hoa Kỳ sẽ không dính líu thêm nữa vào Syria, mặc dù ông đã ra lệnh tấn công bằng tên lửa hồi tuần trước vào căn cứ không quân Syria, nơi được cho là nguồn vũ khí hóa học giết chết nhiều người, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em.

Trong một cuộc phỏng vấn dự kiến phát sóng hôm thứ Tư, ông Trump nói với phóng viên của Maria Bartiromo Fox Business News: "Chúng ta sẽ không tới Syria".

Ông Trump cho biết sau khi nhìn thấy hình ảnh trẻ em đang chết dần trong vụ tấn công hóa học ở thị trấn Khan Sheikhoun của Syria, ông đã quyết định rằng phản ứng quân sự là cần thiết: "Khi tôi nhìn thấy điều đó, tôi đã nói chúng ta phải làm gì đó".

Ông Trump cảnh báo với Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng sự ủng hộ dành cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad, người bị cáo buộc thực hiện tấn công bằng vũ khí hóa học với sự trợ giúp của Nga, là việc "rất xấu đối với nước Nga" cũng như "rất xấu cho nhân loại".

Đồng thời, Hoa Kỳ đã dứt khoát bác bỏ những tuyên bố của Nga cho rằng khí độc thần kinh sarin phát tán ra là hậu quả không chủ ý của cuộc không kích vào một kho vũ khí của quân nổi dậy. Người ta tin rằng sarin đã làm nhiều người tử vong ở Syria hồi tuần trước.

Một báo cáo của Hoa Kỳ nói rằng rõ ràng vụ tấn công bằng vũ khí hóa học là hành động có chủ ý đánh vào thường dân.

Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ công bố một báo cáo tại Tòa Bạch Ốc hôm thứ Ba, tuyên bố rằng việc sử dụng vũ khí hóa học bất hợp pháp "không thể chấp nhận được" của Syria là một mối đe dọa rõ ràng đối với thế giới. Hội đồng cáo buộc cả Syria lẫn Nga cố gắng "làm rối trí cộng đồng thế giới về việc ai chịu trách nhiệm về vụ sử dụng vũ khí hóa học chống người Syria," cả trong vụ này lẫn các vụ trước đây. - VOA
|
|

8.
Bác sĩ David Đào: Bị lôi khỏi máy bay còn tệ hơn vượt biển 1975 --- David Đào nộp đơn lên tòa về vụ United Airlines

“Năm 1975, ông Đào rời Việt Nam trên chuyến tàu vượt biển sau khi Sài gòn sụp đổ, lúc đó ông rất hoảng sợ. Thế nhưng bị kéo lê dọc theo hàng lang máy bay là một trải nghiệm còn đáng sợ, và kinh hoàng hơn cả những gì ông ấy từng trải qua khi trốn chạy khỏi Việt Nam,” Luật sư của ông David Đào, Tom Demetrio, nói trong cuộc họp báo tổ chức tại Chicago sáng ngày thứ Năm 13/04.

Luật sư của ông Đào cho biết vị bác sĩ 69 tuổi bị mất hai răng cửa, bị vỡ mũi, và chấn động não sau khi bị ba nhân viên an ninh lôi ra khỏi chuyến bay của United Airlines. Hiện ông Đào đã được ra viện, nhưng có thể sẽ phải được phẫu thuật chỉnh hình.

Trong cuộc họp báo, con gái của ông Đào, Crystal Dao Pepper, cư ngụ tại Chicago cho biết:

"Không có bất cứ con người nào đáng phải chịu đựng những gì cha tôi đã phải trải qua, bất kể trong tình huống nào… chúng tôi cảm thấy kinh hoàng và sốc, cũng như ghê sợ khi biết được những gì đã xảy ra cho bố chúng tôi.” ​

Ông Demetrio, luật sư của ông Đào cho biết là sau khi sự việc được điều tra thấu đáo, đơn kiện sẽ được nộp lên tòa án. Trước đó hôm thứ Tư, phía ông Đào đã gửi đơn lên thành phố Chicago cũng như hãng United Airlines, yêu cầu giữ lại toàn bộ băng ghi hình, ghi âm, cũng như bất cứ báo cáo nào liên quan đến sự việc.

Hôm 12/4, CEO của hãng United Airlines Oscar Munzo đã lên tiếng xin lỗi ông David Dao và các hành khách trên chuyến bay. Trước đó, trong một phát biểu sau khi vụ việc xảy ra, ông Munzo bênh vực nhân viên của mình, đồng thời nói rằng ông Đào đã có hành vi “hung hãn”. Luật sư của ông David Đào nói theo ông, những gì ông Munoz nói là không thực lòng, tuy nhiên gia đình ông Đào chấp nhận lời xin lỗi này.

Vụ việc xảy ra với ông David Đào đã gây phẫn nộ không chỉ trong nước Mỹ mà còn lan ra các nước khác, đặc biệt là tại Trung Quốc và Việt Nam. Cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ cũng tiến hành nhiều hình thức để phản đối hãng United Airlines.

Phát ngôn viên Toà Bạch Ốc Sean Spicer cho biết Tổng thống Donald Trump cũng cảm thấy đây là một vụ việc “tệ hại”. - VOA

***
Luật sư của hành khách David Đào, người bị lôi khỏi chuyến bay United Airlines. đã đệ đơn khẩn cấp lên tòa yêu cầu hãng hàng không này bảo lưu chứng cứ về vụ việc.

Trong một đoạn video có hàng triệu lượt xem, ông David Đào được thấy bị lôi ra ghế trên chuyến bay đã bị bán thừa chỗ ở sân bay O'Hare, thành phố Chicago, trong tình trạng bị chảy máu và la hét.

Hãng United Airlines nói họ sẽ hoàn lại tiền vé cho tất cả các hành khách trên chuyến bay hôm Chủ nhật 9/4.

Luật sư của ông Đào cho biết cho tới ngày thứ Ba 12/4, ông Đào vẫn đang dần bình phục dần trong một bệnh viện ở Chicago, nhưng một thành viên trong gia đình ông sẽ có cuộc họp báo vào thứ Năm 14/4.

Việc kiện lên tòa bang Illinois yêu cầu United Airlines và Thành phố Chicago bảo toàn tất cả các video theo dõi, các băng thu âm trong buồng lái, và danh sách tổ bay và hành khách của chuyến bay này.

Thành phố Chicago điều khiển Sân bay Quốc tế O'Hare.

Hãng United Airlines khẳng định họ đang "tiếp cận" tất cả các hành khách trên chuyến bay United 3411 và "trả tiền bồi thường cho chuyến bay của họ".

Hôm thứ Tư, CEO Oscar Munoz nói ông thấy "hổ thẹn và ngượng ngùng" và hứa cách đối xử với hành khách như lần này sẽ không lặp lại.

Theo tờ báo Anh The Independent, ông Đào đã thuê hai luật sư có tiếng ở Chicago để đại diện cho mình - chuyên gia luật công ty Stephen Golan và chuyên gia thương tích cá nhân Thomas Demetrio.

Tờ này cũng dẫn lời ông Paul Callan, một luật sư tố tụng hình sự và dân sự ở New York, nói phản ứng dữ dội về cách đối xử của United Airlines với ông Đào có lẽ sẽ đẩy hãng này đến việc bồi thường nhanh chóng và hậu hĩnh cho ông Đào.

"Vì United đã có một thảm họa về PR, vụ này đã có giá trị [bồi thường] lớn hơn nhiều so với các vụ khác," ông cho tờ The Independent hay. - BBC
|
|

Tin Việt Nam

9.
GDP dự kiến tăng, hiệu quả doanh nghiệp lại giảm

Công bố của Ngân hàng thế giới sáng thứ Năm 13 tháng 4 cho biết GDP của Việt Nam dự kiến sẽ tăng trong các năm 2017-2019 nhờ vào sức cầu và những hoạt động xuất khẩu.

Theo Ngân hàng thế giới thì năm nay tăng trưởng của Việt Nam sẽ là 6.3% và tăng lên 6,4% trong hai năm tiếp theo. Dự báo về lạm pháp trong giai đoạn này chỉ tăng ở mức 4% mỗi năm.

Tuy nhiên các chuyên gia Ngân hàng thế giới cũng đề cập những rủi ro của Việt Nam vẫn có thể xảy ra trong khoảng thời gian này, do chậm trễ trong việc triển khai cải cách ngân sách và chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Về ảnh hưởng ngoại vi, rủi ro có thể đến từ sự biến động của kinh tế thế giới tác động đến triển vọng tăng trưởng của Việt Nam qua các kênh thương mại và đầu tư.

Cũng trong ngày 13 tháng tư, bức tranh về thực trạng doanh nghiệp Việt Nam không mấy tốt đẹp được trưng dẫn tại buổi Công bố chỉ số phát triển doanh nghiệp của Cục Thống kê.

Trong buổi công bố, ông Phạm Đình Thuý, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp, Tổng cục Thống kê bày tỏ lo lắng về năng suất của doanh nghiệp trong nước thấp hơn cả các thị trường như Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Trung Quốc.

Vấn đề được ông Thuý nêu rõ là tình trạng doanh nghiệp trong nước phát triển nhanh về quy mô và vốn nhưng thực tế lại thấp về hiệu quả. Theo ông, hiệu quả của doanh nghiệp Việt Nam thấp hơn cả nước láng giềng là Thái Lan và Indonesia.

Dẫn chứng rõ thêm, ông Thuý cho biết tổng số doanh nghiệp cả nước tính đến cuối năm 2016 tăng 8% so với năm 2015, bao gồm 3 thành phần là tư nhân, nước ngoài và đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Về hiệu quả kinh tế, ông Thuý cho biết trong giai đoạn 15 năm, từ 2000 – 2015, lợi nhuận của các doanh nghiệp tăng thấp hơn so với mức tăng của vốn và doanh thu. Cụ thể là bình quân mỗi năm, lợi nhuận của các doanh nghiệp chỉ tăng 19%, trong đó, 10 năm đầu là 24,1%. Năm năm sau chỉ tăng 7,5%.

Điều này dẫn đến chỉ tiêu nộp ngân sách Nhà nước cũng sụt giảm.

Lý do được Ông Phạm Đình Thuý dẫn giải là do quy mô doanh nghiệp Việt nam nhỏ và lạc hậu về kỹ thuật. thêm vào đó giai đoan 2010 – 2015 là giai đoạn khủng hoảng kinh tế thế giới.

Đề cập đến quí 1 của năm nay, ông Thuý cho biết tình hình vẫn không tốt đẹp hơn, khi số doanh nghiệp mới tăng kỷ lục (111.000 doanh nghiệp) nhưng số hoạt động có doanh thu chỉ chiếm 41%. - RFA
|
|

10.
Nực cười về lệnh cấm và cấm lầm các ‘ca khúc trước 1975’

Sắp đến ngày 30 Tháng Tư, dư luận tại Việt Nam liên tiếp dậy sóng sau những tiếng “tuýt còi” từ cơ quan quản lý văn hóa liên quan tới việc cấm các ca khúc ra đời ở đô thị miền Nam trước 1975.

Rộn ràng nhất là sự kiện 5 ca khúc: Cánh Thiệp Ðầu Xuân (Lê Dinh-Minh Kỳ), Rừng Xưa (Lam Phương), Chuyện Buồn Ngày Xuân (Lam Phương), Ðừng Gọi Anh Bằng Chú (Diên An), Con Ðường Xưa Em Ði (Châu Kỳ-Hồ Ðình Phương) đang lưu hành bị Cục Biểu Diễn, Bộ Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch cho rằng sai lời, sai tên tác giả, cần ngưng lưu hành vĩnh viễn.

Sự phi lý khiến dư luận phản ứng mạnh mẽ tập trung vào hai lý do: đi kèm lệnh cấm, cơ quan này không đưa ra văn bản gốc của các ca khúc để chứng minh được thế nào là sự biến dạng của tác phẩm đang lưu hành; thứ hai, vấn đề làm biến dạng ca khúc thường thuộc về tác giả, bên sở hữu tác quyền, hoàn toàn không liên quan gì đến chức năng của nhà quản lý hành chính.

Thế nhưng sự sốt sắng trong việc cấm đoán cùng với sự “ăn có” của những “nhà phê bình tay chân” với chiêu trò quy chụp quan điểm tư tưởng quen thuộc đã tạo ra những trò hài hước, phơi bày sự bệnh hoạn trầm kha trong cỗ máy kiểm soát văn hóa của nhà cầm quyền Việt Nam. Trong khi trên thực tế, lệnh cấm luôn làm cho tác phẩm được chú ý nhiều hơn.

Hài hước nhất là sau việc siết chặt kiểm tra, cấm đoán những ca khúc miền Nam trước 1975 thực thi từ trung ương thì các cơ quan quản lý văn hóa địa phương cũng vào cuộc hăng hái thừa hành, hưởng ứng.

Từ đây xảy ra một sự cố dở khóc dở mếu: Sở Văn Hóa Thể Thao và Du Lịch Tiền Giang vì quá sốt sắng vào cuộc nên đã buộc gỡ nhầm một ca khúc “nhạc đỏ” (bài Màu Hoa Ðỏ của Thuận Yến phổ thơ Nguyễn Ðức Mậu) trên hệ thống kinh doanh karaoke trong tỉnh này. Sau đó, chính cơ quan này đã công khai nhận lỗi sơ suất, lầm tưởng… nhạc đỏ là “nhạc vàng.”

Và gần nhất, đêm nhạc “Nối Vòng Tay Lớn” do trường Ðại Học Y Dược Huế và gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tổ chức vào đêm 21 Tháng Tư bị tuýt còi vì trong chương trình có bốn ca khúc do ông Trịnh Công Sơn viết trước 1975: Ca Dao Mẹ, Nối Vòng Tay Lớn, Huế-Sài Gòn-Hà Nội, Ðêm Thấy Ta Là Thác Ðổ. Bốn ca khúc này bị liệt vào danh sách chưa được Cục Nghệ Thuật Biểu Diễn cấp phép.

Sự đời trớ trêu, ca khúc này do chính Trịnh Công Sơn hát trên đài phát thanh Sài Gòn lúc 11 giờ 45 trưa 30 Tháng Tư 1975. Trong giờ phút miền Nam đang trải qua biến động, xáo trộn lớn thì sau lời phát biểu được nhiều trí thức Sài Gòn thời bấy giờ cho là khó hiểu và khó chấp nhận được, Trịnh Công Sơn đã hát “Nối Vòng Tay Lớn” không phải với cây guitar thùng như đã từng hát ca khúc Da Vàng đầy tình tự dân tộc hay những tình ca đầy nhân bản trước đó.

Nối vòng tay lớn có thể xem là một dấu mốc cho thấy sự xoay chiều đột ngột trong sự nghiệp sáng tác của Trịnh Công Sơn. Công chúng nghe nhạc và quan tâm đến thái độ chính trị của ông từ đây cũng bắt đầu phân hóa quan điểm mạnh mẽ khi nhìn về Trịnh Công Sơn theo hai hướng cơ bản: với người này sự thay đổi đó là xoay chiều hợp lý, nhưng với người kia là sự suy thoái của phẩm chất trí thức lẫn thẩm mỹ.

Vì tính cổ động reo vui hân hoan, ca khúc này vẫn được hát một cách rất đỗi bình thường trong các sinh hoạt hội, đoàn chính thống, nó cũng thường là ca khúc hát tập thể trước khi kết thúc các chương trình nhạc Trịnh tổ chức trong nước. Vậy mà một ngày nó được phát hiện nằm trong danh sách chưa được cấp phép. Sự chưng hửng với chính những cán bộ đoàn, hội trong hệ thống là nằm ở chỗ: hóa ra lâu nay họ đã hát vang một ca khúc còn ở trong “vùng cấm” nhưng lại lầm tưởng đó là một ca khúc an tâm nằm trong dòng nhạc đỏ rồi.

Ngày 12 Tháng Tư 2017, sau khi một số tờ báo chính thống lên tiếng “đòi công bằng” cho ca khúc này thì trên trang web của Cục Nghệ Thuật Biểu Diễn, “Nối Vòng Tay Lớn” được chính thức cấp phép cùng với 2,586 ca khúc sáng tác trước 1975. Một sự “sửa sai” nhanh chóng. “Nối Vòng Tay Lớn” lập tức trở về đúng vị trí và màu sắc của nó: đỏ. Một ca khúc bị… cấm lầm!

Ðã đến lúc bộ lọc quản lý văn hóa của nhà cầm quyền Việt Nam bắt đầu phơi bày những lúng túng, bất lực, giới hạn trước sức sống thực tế mạnh mẽ tự nhiên của những tác phẩm trong lòng dân chúng.

Càng lúng túng, thiểu hiểu biết, duy ý chí cộng với tính hăng hái “hồng vệ binh’ đã gây ra tình trạng “gậy ông đập lưng ông” qua những lệnh cấm là điều mà công chúng đang thấy với cường độ ngày càng cao.

Ðã đến lúc cho thấy cơ chế kiểm soát trở nên hài hước hơn bao giờ hết, bởi sự cấm đoán của nhà cầm quyền đưa ra là một gợi ý để sản phẩm bị cấm trở nên có cơ hội phổ biến hơn trong thực tế. Dĩ nhiên, trừ ra những sản phẩm bị cấm nhầm! - nguoiviet

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9




No comments:

Post a Comment