Sunday, April 23, 2017

Tin Cập Nhật Chủ Nhật 23/4

Tin Thế Giới

1.
Bầu tổng thống Pháp: Emmanuel Macron và Marine Le Pen vào vòng 2 --- Emmanuel Macron: Lần đầu xuất hiện đã chiến thắng

Theo kết quả thẩm định sơ bộ của nhiều viện thăm dò dư luận, hai ứng viên về đầu tại vòng 1 là Emmanuel Macron : 23,7% và Marine Le Pen : 21,7%.

Trên đây là số liệu thăm dò của các viện IPSOS/ SOPRA STERIA thực hiện dành cho các cơ quan truyền thông : France Television, Raidio France, RFI và France 24 chỉ được công bố từ 20h00 giờ địa phương. Như vậy, hai ứng cử viên Emmanuel Macron của phong trào Tiến Bước (EM) và Marine Le Pen của đảng Mặt Trận Quốc Gia (FN) sẽ đối mặt trong cuộc đua cuối cùng ngày 07/05 tới đây để trở thành tổng thống Pháp.

Lần đầu tiên hai đảng truyền thống lớn là đảng Những Người Cộng Hòa với ứng cử viên François Fillon và Đảng Xã Hội với ứng viên Benoit Hamon đã bị loại ngay từ vòng 1 của cuộc đua. - RFI

***
Emmanuel Macron, trẻ tuổi, tài cao, tham vọng lớn, xuất hiện lần đầu tiên trong chiến dịch tranh cử tổng thống nổi lên nhanh chóng và giành ngay chiến thắng ở vòng đầu cuộc bầu cử tổng thống, tiến gần đến vị trí lãnh đạo nước Pháp.

Chưa đầy 40 tuổi, mới chỉ bước chân vào chính trường 5 năm, từng được coi là con cưng của hệ thống cầm quyền nhưng lại tự cho mình là người « phản –hệ thống » ? Là người biết chạy theo thời thế hay can đảm ? Thật khó có thể đánh giá chính xác được con người Emmanuel Macron « chẳng tả cũng không hữu » nhưng ngày càng cuốn hút cử tri Pháp.

Emmanuel Macron sinh năm 1977 tại Amien, trong một gia đình trí thức, bố là giáo sư thần kinh học, mẹ là bác sĩ.

Lần lượt tốt nghiệp các trường lớn danh giá như Khoa Học Chính Trị Paris, thạc sĩ triết học Đại học Paris-Nanterre rồi Trường Hành Chính Quốc Qia (ENA). Năm 2004, Emmanuel Macron trở thành thanh tra tài chính trong Tổng Thanh Tra Tài Chính khi mới 27 tuổi. Nhưng chỉ 3 năm sau, ông đến với tập đoàn tài chính tư nhân nổi tiếng Rothschild.

Năm 2012, François Hollande đắc cử tổng thống, Emnanuel chia tay với thế giới tài chính sau khi được chỉ định làm phó tổng thư ký văn phòng phủ tổng thống Elysée, để rồi 2 năm sau được đưa lên làm bộ trưởng Kinh Tế và Công Nghiệp trong chính phủ của thủ tướng Manuel Valls.

Tháng 4 năm 2016, ông thành lập phong trào chính trị lấy tên là Tiến Bước – En Marche để rồi 4 tháng sau đó từ chức bộ trưởng và đến ngày 16/11, ông chính thức thông báo ra tranh cử tổng thống 2017.

Phong trào Tiến Bước chưa định hình thành một đảng phái chính trị nhưng đã nhanh chóng thu hút được khoảng 250 000 người gia nhập mà nòng cốt là các tổ chức xã hội dân sự và những người của các xu hướng chính trị tả cũng như hữu và cánh trung.

En Marche chỉ thực sự tiến bước lớn trong chiến dịch tranh cử sau khi ứng viên cánh hữu François Fillon bị cuốn vào các rắc rối tư pháp, trong khi đó đảng Xã Hội rơi vào chia rẽ nội bộ. Các điều kiện « thiên thời, địa lợi, nhân hòa » dường như đã hội tụ đủ cho con đường thăng tiến chính trị của Emmanuel Macron.

Ông tự nhận En Marche đại diện cho trào lưu chính trị « tiến bộ » không ngả theo xu hướng chính trị truyền thống nào. Ông thừa nhận xuất xứ chính trị từ cánh tả trên khía cạnh xã hội, nhưng ông cũng không phủ nhận những mặt tích cực của cánh hữu trên bình diện kinh tế.

Ra tranh cử tổng thống, một cuộc cờ chính trị lớn, Emmanuel Macron thường xuyên bị các đối thủ chỉ trích vì chương trình hành động lập lờ, chắp nhặt từ nhiều cánh. Ứng cử viên của En Marche chỉ đáp lại bằng lập luận rằng ông muốn thay đổi diện mạo để hiện đại hóa chính trị để đưa nước Pháp vững vàng bước vào thế kỷ 21.

Nét chính cương lĩnh tranh cử :

- Trong nỗ lực giảm bội chi ngân sách và nợ công : Tiết kiệm 60 tỷ euro trong nhiệm kỳ 5 năm nhờ giảm đội ngũ công nhân viên chức Nhà nước và cắt bớt ngân sách cho các chính quyền cấp vùng.

- Lao động : Bãi bỏ quy định 35 giờ làm việc một tuần với giới trẻ ; giảm thuế doanh nghiệp, giữ nguyên mức thuế cho tư nhân để khuyến khích tiêu thụ ; đầu tư vào các công nghệ của tương lai : người máy, tự động hóa, kỹ thuật số.

- An ninh : Tuyển dụng thêm 10.000 cảnh sát và hiến binh ; tăng ngân sách quốc phòng.

- Đối ngoại : Đẩy mạnh hội nhập chính trị, kinh tế và tài chính trong Liên Hiệp Châu Âu và Eurozone ; duy trì hiệp định tự do đi lại trong khối Shengen đồng thời tăng cường kiểm soát biên giới ngoài châu Âu.

- Môi trường : Giảm số lượng xe hơi chạy bằng dầu diesel ; giảm tỷ trọng của năng lượng hạt nhân. - RFI
|
|

2.
Bộ trưởng Mattis đến căn cứ duy nhất của Mỹ ở châu Phi

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis hiện có mặt ở Djibouti, quốc gia nhỏ bé ở Đông Phi, nơi có căn cứ quân sự duy nhất của Hoa Kỳ ở châu lục.

Ông Mattis hôm Chủ nhật đã đến Trại Lemonnier trước khi gặp tổng thống Djibouti và bộ trưởng quốc phòng nước này.

Các quan chức cho biết Trại Lemonnier là một trong những khu vực chiến lược quan trọng nhất đối với quân đội Hoa Kỳ do vị trí địa lý của nó.

Theo các quan chức, căn cứ này rất quan trọng đối với các cuộc thao dượt và các hoạt động của Hoa Kỳ ở châu Phi, cũng như đối với các lực lượng đặc nhiệm Mỹ sử dụng căn cứ để tiến hành các hoạt động chống khủng bố nhắm vào al-Shabab ở Somalia.

Chuyến thăm Djibouti của ông Mattis diễn ra chưa đầy một tháng sau khi Tòa Bạch Ốc thông qua đề nghị của Ngũ Giác Đài cho phép người đứng đầu Bộ Tư lệnh châu Phi tấn công các tay súng al-Shabab ở Somalia để trợ chiến cho các lực lượng của đối tác.

Chỉ thị mới dọn đường cho Hoa Kỳ hiện diện nhiều hơn trên thực địa, cũng như cho phép tiến hành nhiều cuộc oanh kích của Mỹ hơn nhắm vào nhóm chủ chiến.

Trại Lemonnier cũng rất quan trọng đối với các hoạt động quân sự ở Trung Đông, với thực tế là Djibouti và Yemen chỉ bị ngăn cách bởi eo biển hẹp Bab al-Mandeb.

Sự có mặt của Trung Quốc

Căn cứ Mỹ ở Djibouti sẽ sớm thấy một quân đội nước ngoài khác ở gần kề khi Trung Quốc hoàn thành xây dựng căn cứ quân sự đầu tiên của họ ở nước ngoài.

Tướng Thomas Waldhauser, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Mỹ ở châu Phi, mới đây nói rằng đây sẽ căn cứ của một đối thủ cạnh tranh nằm sát nhất với một căn cứ Mỹ. Ông nói điều này đã gây ra một số "lo ngại về an ninh".

Cựu Thứ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Rudy DeLeon nói với VOA rằng căn cứ của Trung Quốc là một nỗ lực để tăng cường "sự hiện diện mạnh mẽ" của Bắc Kinh ở vùng Sừng Châu Phi.

Ông Mattis là Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của Hoa Kỳ đến thăm căn cứ ở Djibouti kể từ thời ông Leon Panetta thăm vào năm 2005. - VOA
|
|

3.
Nga tiếp cận thông tin quốc phòng của Đan Mạch --- Một tin tặc Nga bị Mỹ tuyên án 27 năm tù

Nga tấn công vào mạng của Bộ Quốc phòng Đan Mạch, và tiếp cận được với các email của bộ này trong năm 2015 và 2016.

Theo Reuters, thông tin trên được Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch, một thành viên NATO, tiết lộ với tờ báo Berlingske hôm 23/4.

Tin này được công bố trong bối cảnh nhiều chính phủ phương Tây, như Mỹ, Anh và Pháp, cáo buộc Nga sử dụng hoạt động tin tặc để gây ảnh hưởng tới các cuộc bầu cử ở các nước này.

Nhưng chính quyền Moscow luôn bác bỏ mọi cáo buộc như vậy là “vô căn cứ”.

Theo Reuters, một phúc trình của đơn vị an ninh mạng thuộc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Đan Mạch viết rằng “một nhân tố nước ngoài” đã theo dõi chính quyền Đan Mạch và tiếp cận được các tài liệu không phải tuyệt mật.

Báo cáo này không nói đó là nước nào, nhưng Bộ trưởng Ngoại giao Claus Hjort Frederiksen nói với tờ Berlingske rằng đó là Nga.

Phát ngôn viên của Điện Kremlin không có bình luận nào hôm 23/4. - VOA

***
Một tin tặc Nga đã bị tư pháp bang Seattle, Mỹ, tuyên án 27 năm tù. Roman Seleznev bị bắt tại Maldiva vào năm 2014 khi đang đi nghỉ cùng bạn gái, rồi được chuyển tới Mỹ. Roman Seleznev bị cáo buộc đã tấn công vào hệ thống máy tính của các siêu thị Mỹ để ăn cắp thông tin tài khoản ngân hàng của khách hàng.

Washington đánh giá án tù 27 năm đối với Roman Seleznev là một đòn mạnh tay vào giới tin tặc Nga. Còn Matxcơva gọi đây là một vụ « bắt cóc ».

Thông tín viên RFI cho biết Roman Seleznev bị cáo cuộc đã chiếm đoạt hàng trăm triệu đô la bằng cách đánh cắp thông tin, dữ liệu trong máy tính của các ngân hàng và nhà hàng ở Mỹ. Công dân Nga này còn bị buộc tội đã bán lại thông tin 2 triệu thẻ ngân hàng trên Darnet. Vẫn theo RFI, Roman Seleznev đã thực hiện các hành vi trên từ Bali và Vladivostok.

Ông Valery Seleznev, cha của Roman Seleznev, là một nghĩ sĩ và có mối quan hệ thân cận với tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông tin rằng con trai ông sẽ được Washington dùng để đánh đổi với Matxcơva lấy Edward Snowden, cựu nhân viên tình báo Mỹ hiện đang tị nạn tại Nga.

Còn ngày 22/04, kênh truyền hình Mỹ CNN khẳng định các nhân viên tình báo Nga đã tìm cách tác động lên chiến dịch tranh cử của Donald Trump bằng cách mua chuộc các cộng sự thân cận của ứng viên đảng Cộng Hòa, trong đó có cựu cố vấn ngoại giao Carte Page. - RFI
|
|

4.
Thành viên IMF ‘ủng hộ thương mại tự do’

Các nước thành viên của Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) đều đồng lòng về sự cần thiết phải duy trì thương mại tự do và công bằng, Agustin Carstens, Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo của tổ chức nói hôm 22/4.

Các nước thành viên của IMF còn cam kết hợp tác để giảm tình trạng mất cân đối thương mại trên toàn cầu, nhưng không lặp lại cam kết trước đây về việc chống lại tình trạng bảo hộ.

Theo Reuters, khi được hỏi vì sao thông cáo của Ủy ban Tài chính và Tiền tệ Quốc tế lại bỏ đi cam kết trong quá khứ về việc chống lại mọi hình thức bảo hộ, ông Carstens nói rằng từ này “rất mơ hồ”.

Tổng giám đốc IMF, bà Christine Lagarde, ngày 19/4 tuyên bố rằng IMF sẽ tiếp tục cải tổ để đáp ứng với nhu cầu của 189 nước thành viên, nhưng khẳng định rằng không một nước nào chống đối mậu dịch tự do và công bằng. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

5.
TT Trump lại nêu vấn đề xây tường ngăn Mexico

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 23/4 nói rằng ông kỳ vọng Mexico sẽ chi trả chi phí xây dựng bức tường ngăn biên giới phía nam giữa hai nước.

Ông Trump viết trên Twitter: “Rốt cuộc, Mexico sẽ chi trả, bằng một hình thức nào đó, cho bức tường hết sức cần thiết trên biên giới”.

Lãnh đạo Hoa Kỳ một lần nữa lại nêu lên cam kết trong chiến dịch tranh cử, vào buổi sáng mà ông cũng đồng thời gây áp lực lên các nhà lập pháp thuộc Đảng Dân chủ phải bao gồm khoản ngân quỹ cho việc xây tường trong dự thảo chi tiêu cần phải được thông qua để duy trì việc mở cửa các cơ quan chính quyền liên bang sau ngày thứ Sáu tuần tới.

Một phát ngôn viên của văn phòng Tổng thống Mexico nói rằng ông Enrique Pena Nieto đã nhiều lần nhấn mạnh không thanh toán chi phí xây tường.

Việc ông Trump yêu cầu Mexico phải thanh toán chi phí xây dựng từng gây ra cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa hai nước.

Chi phí xây dựng bức tường dự kiến vào khoảng 20 tỷ đôla. Đây là cách mà ông Trump cho rằng sẽ ngăn chặn tình trạng di cư trái phép. - VOA
|
|

6.
Chính quyền Trump không cho phép ExxonMobil khoan dầu ở Nga

Bộ trưởng Ngân khố Mỹ Steven Mnuchin nói hôm thứ Sáu 21/4 chính phủ Mỹ sẽ không cho phép tập đoàn ExxonMobile 'vượt rào' lệnh trừng phạt Nga, theo đó các công ty Mỹ không được làm việc với đối tác Nga.

Mỹ và Liên minh Châu Âu áp dụng các lệnh trừng phạt với Nga sau khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014 và vì Nga có vai trò trong các cuộc xung đột ở Đông Ukraine. Lệnh trừng phạt này đã buộc Exxon phải ngừng hoạt động khai thác dầu trên vùng biển Bắc của Nga năm 2014.

Tuyên bố thẳng thắn này của Bộ Ngân khố khẳng định lại quan điểm cứng rắn của Mỹ về các lệnh trừng phạt Moscow.

Ông Mnuchin có tuyên bố này sau khi truyền thông đưa tin Exxon tìm kiếm một miễn trừ để khởi động lại liên doanh khai thác dầu với tập đoàn năng lượng Rosneft của Nga, hãng AFP đưa tin.

"Sau khi tham khảo ý kiến Tổng thống Donald J Trump, Bộ Ngân khố Mỹ sẽ không cấp miễn trừ cho các công ty Mỹ, kể cả Exxon, được phép khoan dầu khí, điều mà lệnh trừng phạt Nga hiện nay đang cấm," hãng tin AP trích lời ông Mnuchin.

Thất bại trong việc xin miễn trừ của chính quyền Obama năm 2015, ExxonMobil bắt đầu gây áp lực lên Bộ Ngân khố Mỹ để tiếp tục xin miễn trừ hồi tháng Ba năm nay, ngay sau khi cựu giám đốc ExxonMobil trở thành ngoại trưởng Mỹ, tờ Wall Street Journal cho hay hôm 19/4.

Ông Tillerson khi còn làm việc cho ExxonMobil từng xây dựng quan hệ gần gũi với Tổng thống Nga Putin và với tập đoàn năng lượng Nga Rosneft. Với tư cách là Ngoại trưởng Mỹ, ông đã loại mình ra khỏi quyết định cấp miễn trừ cho Exxon.

Chính quyền Trump có nhiều mối quan hệ với ngành năng lượng và cam kết thúc đẩy khai thác và sản xuất dầu khí cũng như cắt giảm luật lệ cho ngành này.

ExxonMobil nói trong một thông cáo hãng này hiểu quyết định của chính quyền Trump, nhưng nhấn mạnh hoạt động của Exxon bị ảnh hưởng lớn bởi lệnh trừng phạt này. - BBC
|
|

7.
Cựu Tổng thống Barack Obama tái xuất

Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama ngày 24/4 sẽ lần đầu tiên chính thức xuất hiện trở lại kể từ khi ông kết thúc nhiệm kỳ ba tháng trước.

Ông Obama sẽ tới thành phố Chicago, nơi khởi nguồn sự nghiệp chính trị của ông, theo Reuters.

Tin cho hay, cựu tổng thống Mỹ sẽ gặp các thủ lĩnh trẻ tuổi để thúc đẩy hoạt động cộng đồng gần khu South Side, nơi ông bắt đầu các hoạt động xã hội.

Thị trưởng Chicago, Rahm Emanuel, người từng đảm nhiệm vị trí chánh văn phòng Nhà Trắng thời ông Obama nắm quyền, nói rằng ông tự hào vì ông Obama chọn Chicago là nơi để phát biểu cuối cùng trên cương vị tổng thống cũng như nơi phát biểu đầu tiên sau khi rời nhiệm sở.

“Tôi nghĩ rằng nó cho thấy sự cam kết về mặt cảm xúc lẫn trí tuệ của ông với thành phố này và coi đây là nhà của ông”, ông Emanuel nói.

Trong năm cuối cùng của nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Obama, Chicago đánh bại Hawaii và New York để trở thành nơi xây dựng thư viện tổng thống của ông Obama.

Ông Obama hiện vẫn có một ngôi nhà ở Chicago. Ông được nuôi dạy ở Hawaii. Cựu tổng thống Mỹ dự kiến sẽ chuyển từ Washington tới New York sau khi cô con gái thứ hai tốt nghiệp trung học. -VOA
|
|

Tin Việt Nam

8.
Sạt lở sông ở An Giang, nhiều người ‘tháo chạy’

Nhiều hộ dân mà báo chí trong nước nói là tới gần 200 nhân khẩu ở xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới (An Giang), đã phải sơ tán khẩn hôm 22/4 sau khi nhà cửa đổ sập xuống sông Vàm Nao vì tình trạng sạt lở kéo dài.

Báo điện tử VnExpress đưa tin rằng dòng sông “ăn sâu vào đất liền hơn 50 mét, khiến 40 nhà dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng” ở ấp Mỹ Hội.

Tin cho hay, tình trạng sạt lở diễn ra trong suốt nhiều ngày qua, và dường như “không có dấu hiệu dừng lại”.

Những người dân sơ tán được bố trí trú tạm tại trường học và chùa ở địa phương, theo VnExpress.

Các đoạn video đăng tải trên trang Youtube cho thấy rằng nhiều ngôi nhà kiên cố đã bị đổ sập xuống sông.

Theo truyền hình An Giang, 19 căn nhà đã bị đổ xuống sông hôm 22/4, và chính quyền đã "di dời khẩn cấp các hộ trong vùng nguy cơ sạt lở".

Truyền thông trong nước đưa tin, không có thiệt hại về người trong sự cố trên.

Dù chính quyền chưa công bố nguyên nhân, báo CA TP HCM dẫn lời một người dân nói rằng "sạt lở một phần do việc khai thác cát làm thay đổi dòng chảy của sông Vàm Nao".

Nhiều bình luận sau các bài báo được truyền thông trong nước loan tải cũng cho rằng tình trạng "cát tặc" gây ra sự việc trên, và không chỉ xảy ra ở tỉnh An Giang. - VOA
|
|

9.
Việt Nam tiếp tục tăng trưởng, hưởng lợi từ Trung Quốc: ADB

Trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang chậm lại, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng và đang hưởng lợi từ sự chuyển dịch trong nền kinh tế chuyển từ sản xuất sang tiêu dùng của quốc gia láng giềng.

So với mức tăng trưởng 6.2% trong năm 2016, Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng cao hơn vào năm nay, 6.5%, và cao hơn nữa vào năm sau, 6.7% – bằng với mức tăng trưởng của năm 2015, theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB).

Giải thích về sự thụt lùi trong tăng trưởng vào năm ngoái, giám đốc bộ phận nghiên cứu kinh tế vĩ mô của ADB, Joseph Ernest Zveglich Jr., cho VOA Việt Ngữ biết thời tiết khắc nghiệt trong năm 2016 là một nhân tố chính. ​“Có một sự chậm lại trong sản xuất nông nghiệp đã ảnh hưởng đến sự tăng trưởng kinh tế ở (Việt Nam). Nhưng chúng tôi dự đoán rằng Việt Nam sẽ trở lại mức phát triển trước đó trong 2 năm nữa.”

Cũng theo báo cáo của ADB, Trung Quốc tiếp tục giảm tốc về tăng trưởng, từ 6.9% trong năm 2015 xuống 6.5% trong năm 2016, và cắt giảm công suất trong các ngành công nghiệp.

Theo chuyên gia Ernest Zveglich của ADB, chiều hướng này có lợi cho Việt Nam. ​“Việt Nam đang hưởng lợi từ những thay đổi ở Trung Quốc nơi có nhiều công ty đầu tư trong ngành sản xuất công nghiệp nhưng họ đang bắt đầu chuyển hướng sang Việt Nam do giá lao động rẻ hơn. Việt Nam cũng đang tận dụng được điều này bằng việc đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng để thu hút đầu tư hơn nữa.”

Giải thích về sự thụt lùi trong tăng trưởng vào năm ngoái, giám đốc bộ phận nghiên cứu kinh tế vĩ mô của ADB, Joseph Ernest Zveglich Jr., cho VOA Việt Ngữ biết thời tiết khắc nghiệt trong năm 2016 là một nhân tố chính. ​“Có một sự chậm lại trong sản xuất nông nghiệp đã ảnh hưởng đến sự tăng trưởng kinh tế ở (Việt Nam). Nhưng chúng tôi dự đoán rằng Việt Nam sẽ trở lại mức phát triển trước đó trong 2 năm nữa.”

Cũng theo báo cáo của ADB, Trung Quốc tiếp tục giảm tốc về tăng trưởng, từ 6.9% trong năm 2015 xuống 6.5% trong năm 2016, và cắt giảm công suất trong các ngành công nghiệp.

Theo chuyên gia Ernest Zveglich của ADB, chiều hướng này có lợi cho Việt Nam. ​“Việt Nam đang hưởng lợi từ những thay đổi ở Trung Quốc nơi có nhiều công ty đầu tư trong ngành sản xuất công nghiệp nhưng họ đang bắt đầu chuyển hướng sang Việt Nam do giá lao động rẻ hơn. Việt Nam cũng đang tận dụng được điều này bằng việc đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng để thu hút đầu tư hơn nữa.”

Tuy nhiên, đi kèm với sự phát triển kinh tế là mức lạm phát tăng cao. Kinh tế gia trưởng Yasuyuki Sawada của ADB nói như vậy tại một buổi họp công bố báo cáo dự báo tăng trưởng khu vực châu Á hàng năm hôm 21/4 tại Washington.

Báo cáo của ADB cho thấy mức lạm phát của Việt Nam tăng từ 0.6% lên 2.7% sau 1 năm. Kinh tế gia trưởng của ngân hàng lớn nhất khu vực giải thích: ​“Giá dầu thế giới tăng lên là nhân tố đóng góp vào xu hướng lạm phát tăng. Thêm vào đó sự hạn hán nông nghiệp về cơ bản làm tăng giá thực phẩm và đó là những yếu tố đằng sau sự tăng cao về lạm phát.”

Kinh tế gia Sawada nhận định mức lạm phát của Việt Nam không “đến nỗi tệ lắm.” Các chuyên gia kinh tế trong nước cũng cho rằng mức lạm phát 4.74% trong năm 2017 của Việt Nam nằm trong mức an toàn và thấp hơn so với mức 5% dự đoán hàng năm.

Vẫn theo báo cáo của ADB, Việt Nam có mức đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) kỷ lục và đây có thể là yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự tăng trưởng của Việt Nam trong những năm tiếp theo. ​“Có nhiều yếu tố tác động đến sự tăng trưởng liên tiếp của Việt Nam mà 1 trong những yếu tố rõ ràng nhất là FDI. Không giống như dòng chảy tiền tệ không trực tiếp, FDI là một sự cam kết lâu dài, các nguồn lực chảy vào trong sự đầu tư dài hạn. Do đó chúng ta thấy được rằng FDI là yếu tố lèo lái sự phát triển kinh tế của Việt Nam.”

Theo dữ liệu về chỉ số kinh tế của Trading Economics, FDI vào Việt Nam tăng hơn 4.000 tỷ đô la trong quý 4 năm ngoái. Trong 15 năm qua, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam luôn ở mức trung bình gần 37.000 tỷ USD với mức cao nhất là gần 25.800 tỷ USD vào quý 2 của năm 2008.

FDI là một trong những yếu tố giúp Việt Nam trở thành nền kinh kế có mức thu nhập trung bình nhưng vẫn đang ở trong nhóm thấp. Mặc dù nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đã cảnh báo Việt Nam có thể bị rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” , nhưng kinh tế gia Sawada lại có cái nhìn tích cực. Ông cho rằng Việt Nam đang làm rất tốt việc đầu tư nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng.

“Tôi nghĩ với sự đầu tư cơ sở hạ tầng có tiềm lớn năng như vậy và sự đầu tư vào nguồn nhân lực, Việt Nam có một cơ hội rất tốt để tiến tới lọt vào nhóm thu nhập cao. Do vậy Việt Nam nên tiếp tục đầu tư vào nguồn nhân lực và phát triển cơ sở hạ tầng cũng như giám sát chặt chẽ việc quản lý tham nhũng. Theo tôi Việt Nam đang ở vị thế tốt để tiếp tục tiến lên để ra khỏi mức thu nhập trung bình,” theo ông Sawada.

Chuyên gia kinh tế Ernest Zveglich cũng cho rằng Việt Nam mới chỉ bắt đầu bước vào mức thu nhập trung bình nên không phải lo lắng nhiều về “rơi vào bẫy” mà là phải có được sự khác biệt trong mô hình phát triển kinh tế.

Theo gợi ý của ADB trong báo cáo mới nhất, các nước có thu nhập trung bình như Việt Nam cần tập trung vào cải tiến công nghệ, giáo dục đào tạo để có thế hệ người lao động có kỹ năng cao.

Dữ liệu của Ngân hàng Thế giới cho thấy Việt Nam trở thành nước có mức thu nhập trung bình vào năm 2011 sau 25 năm đứng trong nhóm các nước nghèo nhất thế giới. Hiện mức thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam là gần 1.300 USD/năm.

Ngân hàng ADB dự đoán các nước đang phát triển ở châu Á, trong đó có Việt Nam, tiếp tục là lực đẩy cho sự phát triển kinh tế toàn cầu trong năm nay. Theo ADB, sự tăng trưởng liên tục giúp các nước đang phát triển ở châu Á chiếm 60% mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu. GDP của toàn khu vực được dự đoán sẽ tăng trưởng 5.7% trong năm nay và năm sau.

Vẫn theo dự báo của ADB, khu vực Đông Nam Á cũng sẽ tăng trưởng hơn nữa, ở mức 4.8%, tức tăng 0.1% so với năm 2016 và sẽ tăng lên mức 5% vào năm 2018. - VOA
|
|

10.
Phiên bản Tượng Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ được trưng bày vĩnh viễn tại Ngũ Giác Đài

Phiên bản của Tượng Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ tại Westminster, California, cao 24 inch, do điêu khắc gia Nguyễn Tuấn sáng tác, vừa được đưa đến Ngũ Giác Đài và trưng bày vĩnh viễn tại đây.

Đây là một vinh dự lớn lao cho ông Tuấn cũng như cho cộng đồng người Việt tị nạn tại Mỹ.

“Công đầu trong việc này là của chú Tony Lâm,” ông Tuấn khẳng định.

Ông Tony Lâm, cựu nghị viên Westminster, trình bày đầu đuôi cớ sự về việc này rằng bảy năm về trước, ông tổ chức một buổi họp mặt tại khu Little Saigon với những giới chức ông từng có quan hệ từ hồi còn ở Việt Nam.

“Trong đó có ông Rufus Phillips, giám đốc Nông Thôn Vụ (Rural Affairs) vào những năm đầu thập niên 1960,” ông Tony nói.

Được ông Tony đưa đến viếng thăm Tượng Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ tại Westminster, ông Phillips có ấn tượng sâu sắc với tượng đài này, nhất là sau khi được biết tác giả là người gốc Việt.

Bảy năm sau, ông Phillips cho ông Tony hay Ngũ Giác Đài muốn được trưng bày phiên bản Tượng Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày quân đội Hoa Kỳ đổ bộ tại Đà Nẵng, chính thức tham chiến tại Việt Nam.

“Tôi phải liên lạc khắp nơi để tìm anh Tuấn vì từ trước đến giờ đâu có dịp nào để gặp anh ấy đâu. Hỏi hết người này đến người kia, sau cùng mới tìm ra anh ấy,” ông Tony kể.

Ông Tuấn kể: “Qua sự giới thiệu của chú Tony, bà Devon K. Hardy, đại diện Ngũ Giác Đài, liên lạc với tôi để xúc tiến công việc.”

Không phải đã làm được tượng lớn rồi thì làm tượng nhỏ là chuyện… nhỏ.

Ông Tuấn tâm sự: “Tưởng là dễ, mà công việc lại trở nên khó khăn, vì một người nghệ sĩ không bao giờ hoàn toàn thỏa mãn với sáng tác của mình. Bởi vậy, gọi là phiên bản cho gọn thôi, chứ thật ra tôi phải sáng tác lại. Có những chi tiết không ai để ý đến, nhưng tôi vẫn muốn sửa lại cho hoàn thiện hơn. Cái tôi giữ lại từ tượng đài lớn chỉ là bố cục mà thôi.”

Nhưng đây chỉ mới là giai đoạn đầu thôi. Giai đoạn kế là phải quyên góp tiền để đúc phiên bản với chiều cao là 24 in.

Ông Tuấn nói: “Đây là một vinh dự cho cả cộng đồng người Việt chúng ta nên tôi sẵn sàng làm việc miễn phí. Nhưng tôi cần tiền để đúc tượng. Chú Tony và tôi cũng đóng góp một ít tiền. Sau đó thì chú kêu gọi thêm.”

“Công sức của anh Tuấn mới đáng kể chứ số tiền để đúc tượng thì có đáng chi. Tôi chỉ kêu gọi vài vị mạnh thường quân là được thôi. Và họ sẵn sàng đóng góp ngay,” ông Tony nói.

Số tiền đúc tượng nhỏ bằng đồng này chỉ là $9,000, ông Tony cho hay.

Ông Tuấn nói: “Tôi rất hãnh diện. Hãnh diện vì trong cả một hành lang trưng bày của Ngũ Giác Đài, chỉ có một bức tượng duy nhất mà thôi, bức tượng của người Việt.”

Ông Tuấn, tác giả của Tượng Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ tại Westminster và bây giờ có phiên bản tại Ngũ Giác Đài, nói: “Tôi chưa bao giờ nghĩ đây là sáng tác của riêng tôi. Tôi luôn nghĩ rằng đây là tài sản chung của cộng đồng người Việt tị nạn cộng sản chúng ta.”

Phiên bản Tượng Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ sẽ được trưng bày vĩnh viễn tại Ngũ Giác Đài, nơi hàng năm có trên 200,000 người thăm viếng.

Tốt nghiệp trường Art Institute of Southern California, nguyện vọng của ông Tuấn là muốn để lại những sáng tác của mình cho hậu thế.

Ông còn muốn thực hiện một công trình vô cùng qui mô để vinh danh những thuyền nhân vượt biển và đang chờ dịp để bắt tay vào việc.

Tượng Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ tại Westminster, do điêu khắc gia Nguyễn Tuấn thực hiện, được khánh thành ngày 27 Tháng Tư, 2003 để kịp làm lễ tưởng niệm ngày 30 Tháng Tư năm ấy. - nguoiviet

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9




No comments:

Post a Comment