Tuesday, April 18, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Ba 18/4

Tin Thế Giới

1.
Pence cảnh báo: “không loại trừ giải pháp nào” đối với Bắc Hàn --- Pence nói quan hệ thương mại với Hàn Quốc còn "bất cập"

Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence cảnh báo rằng “mọi phương án sẽ được để ngỏ” để đối phó với Bắc Triều Tiên.

Ông Pence đưa ra cảnh báo hôm thứ Ba sau khi tới Tokyo để hội đàm với Thủ tướng Shinzo Abe và các quan chức khác. Ông trấn an nhà lãnh đạo Nhật Bản rằng Hoa Kỳ sẽ sát cánh với nước đồng minh châu Á kiên định trong những thời điểm khó khăn.

Phó tổng thống Mỹ phát biểu:
“Như tôi đã nói rõ thay mặt cho tổng thống trong chuyến thăm mới đây ở Hàn Quốc, thời đại kiên nhẫn chiến lược đã hết. Trong khi mọi lựa chọn đều được xem xét, Tổng thống Trump quyết tâm làm việc chặt chẽ với Nhật Bản, với Hàn Quốc, với tất cả các đồng minh của chúng tôi trong khu vực, và với Trung Quốc để đạt được một giải pháp hòa bình và phi hạt nhân hoá Bán đảo Triều Tiên".

Ông Abe hoan nghênh cách tiếp cận "mọi lựa chọn" của chính quyền ông Trump đối với chế độ cộng sản tự cô lập.

Thủ tướng Nhật Bản phát biểu:
"Tất nhiên chúng ta nên tìm cách giải quyết hòa bình cho vấn đề, mặc dù vậy, tôi nghĩ rằng đối thoại chỉ để đối thoại thật vô nghĩa, chúng ta cần phải áp lực Bắc Triều Tiên để họ phải tham gia đối thoại nghiêm túc".

Chuyến thăm của ông Pence tới Đông Bắc Á diễn ra vào thời điểm căng thẳng gia tăng liên quan đến các nỗ lực có tính thách thức của Bắc Triều Tiên để phát triển cho được một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mang đầu đạn hạt nhân, có khả năng bắn tới lãnh thổ Hoa Kỳ.

Tổng thống Trump đã triển khai một tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân tới khu vực để ứng phó với các báo cáo rằng Bình Nhưỡng đang chuẩn bị tiến hành một cuộc thử hạt nhân trong dịp kỷ niệm ngày sinh của lãnh tụ lập quốc Kim Nhật Thành.

Bắc Triều Tiên vẫn chưa tiến hành thử hạt nhân lần thứ 6 như người ta tiên liệu, nhưng miền Bắc đã tổ chức một cuộc duyệt binh lớn hôm thứ Bảy, phô diễn một số tên lửa tầm xa và tên lửa lắp trên tàu ngầm mới. Chính quyền nước này đã tiến hành một vụ phóng tên lửa từ căn cứ tàu ngầm tại Sinpo vào Chủ nhật, nhưng tên lửa đã nổ tung chỉ vài giây sau khi phóng.

Thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc Sean Spicer nói quan điểm của chính quyền hiện nay cho rằng "thời kỳ kiên nhẫn chiến lược" là một chính sách của chính quyền của ông Obama mà "về cơ bản là chờ xem", và đó không phải là điều khôn ngoan đối với Hoa Kỳ. - VOA

***
Trong chuyến thăm Hàn Quốc tuần này, khi phát biểu với các lãnh đạo doanh nghiệp ở Seoul, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cho biết quan hệ kinh tế song phương đang có vấn đề.

Hiệp định thương mại tự do Hàn Quốc-U.S. (KORUS FTA) có hiệu lực vào năm 2012 là thỏa thuận thương mại lớn nhất được thực thi dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama. Kể từ khi thực hiện hiệp định, thâm hụt thương mại của Mỹ với Hàn Quốc đã tăng hơn gấp đôi. Xuất khẩu của Mỹ sang Hàn Quốc giảm 1,2 tỷ đôla, trong khi nhập khẩu từ Hàn Quốc vào Mỹ tăng hơn 13 tỷ đôla. Năm 2016, mức thặng dư là 23,2 tỷ đôla, theo dữ liệu chính thức của Hoa Kỳ.

Phó tổng thống Mỹ nhắc lại mối quan ngại của cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ rằng Hàn Quốc đã sử dụng các quy định phi thuế quan về môi trường và kiểm tra để lách qua hiệp định FTA.

Ông nói: "Đó là sự thật phũ phàng, và các doanh nghiệp của chúng tôi tiếp tục phải đối mặt với quá nhiều rào cản để nhập hàng vào, những rào cản đó gây bất lợi cho sự tăng trưởng của công nhân Mỹ và người Mỹ”.

Ông Pence cho biết Mỹ sẽ tìm cách đàm phán lại một số điều khoản của hiệp định thương mại với Hàn Quốc mang lại cho các công ty Mỹ con đường tiếp cận thị trường rộng rãi hơn và công bằng.

Ông phát biểu: “Chúng tôi sẽ mưu cầu thương mại vừa tự do vừa công bằng. Và điều đó sẽ đúng trong mọi quan hệ thương mại của chúng tôi, kể cả hiệp định KORUS. Chúng tôi sẽ xem xét lại tất cả các hiệp định thương mại của chúng tôi trên toàn thế giới để đảm bảo rằng các hiệp định đó đem lại lợi ích cho nền kinh tế của chúng tôi tương tự như các đối tác thương mại của chúng tôi".

Mặc dù các nhà lãnh đạo doanh nghiệp ở Seoul đã chỉ trích việc Hàn Quốc áp dụng các rào cản thương mại phi thuế quan, nhất là trong ngành công nghiệp ô tô, chiếm tới 80% thâm hụt thương mại của Mỹ, nhưng về tổng thể họ ủng hộ hiệp định KORUS FTA.

Các lãnh đạo Phòng Thương mại Hoa Kỳ đã lên tiếng lo ngại rằng chính quyền ông Trump đang chỉ trích thái quá về hiệp định khi nhấn mạnh quá nhiều vào thâm hụt thương mại, vốn chỉ là một khía cạnh trong mối quan hệ kinh tế phức tạp và vẫn đang phát triển.

Ví dụ, đầu tư của Hàn Quốc vào Hoa Kỳ, từ các công ty như Samsung và Hyundai, đã tạo ra hơn 45.000 việc làm ở Mỹ. Ông James Kim, Chủ tịch của GM Korea và cũng là Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ ở Hàn Quốc, nói: "Đầu tư trực tiếp của các công ty Hàn Quốc ở Hoa Kỳ kể từ khi có KORUS đã nhiều hơn mức thâm hụt thương mại với Hàn Quốc”.

Cựu Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ ở Hàn Quốc Jeffery Jones cũng cho rằng hiệp định KORUS có thể đã giúp hàng nhập khẩu Mỹ vào Hàn Quốc không bị giảm nhiều hơn so với mức độ trong thời gian vừa qua. Ông lưu ý rằng tất cả hàng nhập khẩu từ nước ngoài vào Hàn Quốc đều giảm trong những năm gần đây, nhưng nhập khẩu của Mỹ chỉ giảm 2,8%, trong khi nhập khẩu của Nhật giảm 15%, nhập khẩu của Úc giảm 20% và nhập khẩu từ EU giảm gần 10%.

Sau cuộc gặp với các lãnh đạo doanh nghiệp ở Seoul, Phó Tổng thống Pence đã tới Tokyo để gặp Bộ trưởng Tài chính Taro Aso của Nhật Bản, bàn về các biện pháp thương mại song phương sau khi Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP. - VOA
|
|

2.
Bắc Hàn 'sẽ thử tên lửa hàng tuần'

Bắc Hàn sẽ tiếp tục thử tên lửa, một quan chức cấp cao cho BBC biết tại Bình Nhưỡng, mặc cho những chỉ trích của quốc tế và căng thẳng quân sự leo thang với Hoa Kỳ.

"Chúng tôi sẽ tiến hành thêm nhiều cuộc thử tên lửa hàng tuần, hàng tháng và hàng năm," Thứ trưởng Ngoại giao Bắc Hàn Han Song-ryol nói với phóng viên BBC John Sudworth.

Ông nói một "cuộc chiến tổng lực" sẽ xảy đến nếu Mỹ có động thái quân sự.

Trước đó, Phó Tổng thống Mike Pence cảnh báo Bắc Hàn đừng thử thách Mỹ.

Ông nói "thời kỳ kiên nhẫn chiến lược" với Bắc Hàn đã kết thúc.

Ông Pence đến Seoul hôm 16/4 chỉ vài giờ sau khi Bắc Hàn thử tên lửa thất bại.

Căng thẳng giữa Bắc Hàn và Mỹ leo thang chỉ trong vài tuần gần đây, với những tuyên bố nóng hổi từ hai bên.

Ông Han nói với BBC: "Nếu Mỹ lên kế hoạch tấn công quân sự, chúng tôi sẽ đáp trả bằng cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu theo cách thức và biện pháp của chúng tôi."

Bắc Hàn đẩy mạnh việc thử tên lửa và hạt nhân trong những năm gần đây, dù bị quốc tế lên án và Liên Hiệp Quốc trừng phạt.

Mục tiêu của Bắc Hàn là phát triển đầu đạn hạt nhân thu nhỏ có thể gắn vào các tên lửa đạn đạo có thể nhắm mục tiêu tại Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump nói điều đó sẽ không xảy ra, và gây thêm áp lực cho Bắc Hàn.

Ông Trump lệnh cho một hạm đội đến bán đảo Triều Tiên. Mỹ và Nam Hàn đang triển khai hệ thống phòng vệ tên lửa gây tranh cãi.

Mặc cho căng thẳng leo thang, Bắc Hàn có thể sẽ tiến hành cuộc thử tên lửa lần thứ sáu, giới quan sát cho biết.

Mỹ nói gì với Bắc Hàn?

Phát biểu trước Quyền tổng thống Nam Hàn Hwang Kyo-ahn hôm 17/4, ông Pence nói Bắc Hàn không nên thử thách Tổng thống Donald Trump.

"Chỉ trong hai tuần rồi, cả thế giới chứng kiến sức mạnh và sự quyết đoán của tổng thống Trump tại Syria và Afghanistan," ông Pence nói.

"Tốt hơn hết Bắc Hàn không nên thử thách sự quyết đoán của tổng thống và sức mạnh của quân đội Hoa Kỳ trong khu vực này."

Ông tái cam kết sự hậu thuẫn của Mỹ với Nam Hàn, nói: "Chúng tôi ủng hộ quý vị 100%".

Tháng trước, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cảnh cáo động thái tấn công phủ đầu "đã được đặt lên bàn".

Nhưng Mỹ cũng đang làm việc với Trung Quốc, đồng minh lớn nhất của Bắc Hàn, để gây áp lực buộc Bình Nhưỡng dừng các vụ thử tên lửa và hạt nhân.

Bắc Hàn nói gì?

Ông Song-ryol nói Bình Nhưỡng tin rằng các vũ khí hạt nhân của nước này sẽ "bảo vệ" nước này khỏi mối đe dọa từ Hoa Kỳ.

"Nếu Mỹ liều lĩnh dùng biện pháp quân sự thì ngay từ ngày đó, sẽ có một cuộc chiến tổng lực." - BBC
|
|

3.
Thủ tướng Anh muốn có bầu cử sớm

Thủ tướng Anh Theresa May vừa tuyên bố rằng sẽ đề nghị quốc hội bỏ phiếu về việc tổ chức tổng tuyển cử sớm vào ngày 8/6.

Trước đây, bà May nói sẽ không có bầu cử sớm trước khi quốc hội hiện nay mãn nhiệm vào năm 2020.

Nhưng sáng ngày 18/4, trước văn phòng thủ tướng, bà May nói bà miễn cưỡng kết luận rằng bầu cử sớm là cách duy nhất để bảo đảm sự chắc chắn và ổn định cho tương lai.

Bà May nói bà sẽ đề xuất bỏ phiếu tại Quốc hội. Theo luật định, đề xuất của bà cần được phiếu thuận của hai phần ba số nghị sĩ.

Trước năm 2010, Thủ tướng Anh chỉ cần sự chấp thuận của Nữ hoàng để tổ chức bầu cử sớm.

Nhưng năm 2010, Thủ tướng khi đó David Cameron đưa ra luật mới quy định nhiệm kỳ quốc hội phải kéo dài đủ năm năm.

Vì thế, để bầu cử sớm diễn ra, Thủ tướng Anh phải có sự chấp thuận của hai phần ba số nghị sĩ.

Hiện đảng Bảo thủ của bà May chỉ có đa số sít sao trong quốc hội.

Tuy vậy, lãnh đạo đảng Lao động đối lập Jeremy Corbyn từng nói rằng ông sẽ ủng hộ việc có bầu cử sớm. - BBC
|
|

4.
Trump chúc mừng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump chúc mừng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan về chiến thắng cuộc trưng cầu dân ý hôm 16/4 mà ông được gia tăng quyền lực.

"Quý vị hãy hành xử theo đúng vị trí của mình," ông nói sau khi các nhà quan sát cho biết tổng thống được thiên vị nhờ một chiến dịch "không công bằng".

Chiến thắng sít sao của ông Erdogan được ủy ban bầu cử Thổ Nhĩ Kỳ công nhận là hợp lệ, dù phe đối lập cáo buộc có những bất thường.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump chúc mừng ông Erdogan về chiến thắng, với 51,4% cử tri ủng hộ sự thay đổi này.

Trong cuộc điện đàm, ông Trump cũng cảm ơn nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ vì ủng hộ cuộc oanh kích tên lửa của Hoa Kỳ nhắm vào một căn cứ không quân của chính phủ Syria hôm 7/4, Nhà Trắng cho hay.

Trong một diễn biến khác, Thổ Nhĩ Kỳ gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm ba tháng. Biện pháp vốn được ban bố sau cuộc đảo chính bất thành vào tháng 7/2016 sẽ hết hạn trong hai ngày tới.

Dù nhận định rằng ngày trưng cầu "được tổ chức tốt", Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) và Ủy hội châu Âu chỉ trích chiến dịch này và nói rằng:

Đó là "sân chơi bất bình đẳng" và hai phía "không có cơ hội bình đẳng"

Cuộc trưng cầu không cân bằng do có sự chi phối của tổng thống và một số quan chức cấp cao

Nguồn lực nhà nước bị lạm dụng

Do tình trạng khẩn cấp, các quyền tự do cơ bản cần thiết đã bị hạn chế

Dù có một số biện pháp, khuôn khổ pháp lý vẫn chưa đảm bảo cuộc trưng cầu mang tính dân chủ thực sự

Cezar Florin Preda, người đứng đầu phái đoàn Ủy hội châu Âu, nói: "Nhìn chung, cuộc trưng cầu này không đạt được các tiêu chuẩn của Ủy hội châu Âu."

Tổ chức này là cơ quan giám sát nhân quyền toàn châu Âu mà Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên.

Giới giám sát cũng chỉ trích sự thay đổi vào giờ chót của các viên chức bầu cử cho phép những phiếu bầu cử không dán tem chính thức cũng được kiểm. Việc này bị phe đối lập phản đối.

Tuy nhiên, người đứng đầu ủy ban bầu cử Thổ Nhĩ Kỳ, Sadi Guven, nói rằng các phiếu không dán tem được Hội đồng bầu cử tối cao phát hành và có giá trị hợp lệ. Ông nói rằng các cuộc bầu cử trước đây cũng áp dụng cách thức này. - BBC
|
|

5.
Tướng McMaster cảnh cáo chiến thuật "hai mặt" của Pakistan

Nhân chuyến viếng thăm Afghanistan, cố vấn an ninh tổng thống Mỹ ghé qua Pakistan, ngày hôm qua, 17/04/2017. Tại Islamabad, tướng McMaster khuyến cáo chính quyền và quân đội Pakistan không nên chơi trò hai mặt vừa chống khủng bố trong nước vừa dung thứ một số tổ chức cực đoan đánh phá các nước lân cận.

Từ Islamabad, thông tín viên Michel Picard tường thuật :

"Từ Kaboul, tướng Mc Master đã bất ngờ quá cảnh tại Islamabad trên đường về Mỹ. Vài giờ sau khi chỉ trích Pakistan thiếu hiệu năng trong cuộc chiến chống khủng bố, cố vấn an ninh tổng thống Mỹ đưa ra một thông điệp có thể nói là thẳng thừng cảnh báo giới tướng lĩnh Pakistan : Phải chấm dứt chuyện phân biệt ở hậu trường giữa « taliban xấu » và « taliban tốt ». Taliban hoạt động ở Afghanistan là « tốt » còn taliban khủng bố trong lãnh thổ Pakistan là « xấu ».

Tướng McMaster yêu cầu Islamabad phải nỗ lực hơn nữa chống tất cả các nhóm võ trang cực đoan mà không phân loại thứ bậc xấu - tốt và bài trừ khủng bố dù dưới hình thức nào.

Tiếp theo đó, cố vấn an ninh Mỹ khen ngợi nền kinh tế và dân chủ của Pakistan. Trong cuộc hội kiến với thủ tướng Nawaz Sharif, tướng McMaster gián tiếp báo trước là trong tương lai, hàng trăm triệu đô la viện trợ quân sự hàng năm cho Pakistan của Mỹ có thể sẽ được gắn liền với điều kiện : đó là thành quả cụ thể của chính sách diệt trừ khủng bố ". - RFI
|
|

6.
Philippines sẽ tiếp tục tập trận với Mỹ

Quân đội Philippines ngày 16/4 loan báo sẽ tiến hành cuộc tập trận thường niên Balikitan với binh sĩ Mỹ. Quyết định này đảo ngược quan điểm của Tổng thống Rodrigo Duterte rằng Manila nên hủy bỏ các cuộc thao dượt quân sự với Hoa Kỳ và ‘đuổi’ binh sĩ Mỹ về nước trong lúc ông Duterte ‘xoay trục’ về Trung Quốc.

Cuộc diễn tập Vai kề Vai sẽ diễn ra vào tháng 5 tới đây, kéo dài trong 10 ngày.

Tuy nhiên, cuộc thao dượt này chỉ tập trung vào nội dung chống khủng bố và hải tặc, không bao gồm các cuộc diễn tập bắn đạn thật hay mô phỏng liên hệ tới tranh chấp Biển Đông.

Tuần rồi, Tổng thống Duterte đã hủy kế hoạch ra thăm một hòn đảo có tranh chấp để cắm cờ Philippines, một động thái càng chứng tỏ quyết tâm ‘xoay trục’ của ông hướng về một mối quan hệ nồng ấm hơn với Trung Quốc, xa rời đồng minh lâu năm Hoa Kỳ.

Các giới chức quân sự ở Philippines từng loan báo các cuộc thao dượt hàng năm với Mỹ sẽ tiếp tục dù nhiệm vụ chính sẽ tập trung chủ yếu vào hoạt động nhân đạo, hỗ trợ dân sự, và chống khủng bố, chứ không phải là các cuộc diễn tập bắn đạn thật.

Đây là cuộc diễn tập đầu tiên dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte, người năm ngoái từng tuyên bố rằng nên hủy bỏ các cuộc thao dượt hằng năm giữa Manila với Washington và các binh sĩ Mỹ nên rút về nước, rời khỏi lãnh thổ Philippines.

Trước thời ông Duterte, các cuộc tập trận đôi bên từng được tăng cường trong bối cảnh căng thẳng tranh chấp lên cao ở Biển Đông. - VOA
|
|

7.
Giành mua MoneyGram, công ty Trung Quốc đánh bại đối thủ Mỹ

Một công ty dịch vụ tài chánh khổng lồ của Trung Quốc vừa tăng đề nghị mua lại công ty chuyển tiền quốc tế MoneyGram với giá $1.2 tỷ.

Theo CNN, giá đề nghị ban đầu hồi Tháng Giêng là $880 triệu, nhưng vào tháng trước công ty Mỹ Euronet Worldwide vào cuộc với giá cao hơn là $1 tỷ.

Ðiều này khiến công ty Trung Quốc Ant Financial, chi nhánh của đại tập đoàn bán lẻ Alibaba, phải nâng giá đề nghị mua để tiếp tục cuộc tranh đua.

Một thông cáo chung của MoneyGram đưa ra hôm Chủ Nhật, nội dung nói rằng hội đồng điều hành công ty đồng chấp thuận với đề nghị mới này.

Tuy nhiên kế hoạch trao tay quyền làm chủ MoneyGram gặp phải sự chống đối của một số nhân vật chính trị ở Hoa Kỳ.

Hai dân biểu liên bang, Robert Pittenger và Chris Smith, công khai chỉ trích cuộc thương lượng sơ khởi giữa MoneyGram với Ant Financial hồi đầu năm nay, nêu quan ngại rằng nhà nước Trung Quốc có số cổ phần “quan trọng,” khoảng 15% trong công ty Trung Quốc.

Hai ông lý luận: “Nếu cuộc chuyển nhượng này được chấp thuận thì chính quyền Trung Quốc sẽ có thể tiếp cận cũng như lấy được những thông tin quan trọng về sự lưu thông nguồn tiền của những khách hàng quốc tế đặc biệt và của những thị trường tài chánh.”

MoneyGram và Ant Financial hôm Chủ Nhật nói họ vừa “đạt được tiến triển tốt đẹp” qua sự chấp thuận những luật lệ của phía Hoa Kỳ.

Tuy nhiên còn phải chờ sự thông qua của Ủy Ban Ðầu Tư Nước Ngoài ở Hoa Kỳ, nơi chịu trách nhiệm trong việc điều tra cặn kẽ sự đầu tư của nước ngoài vào Hoa Kỳ và xem có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia ra sao. - nguoiviet
|
|

Tin Hoa Kỳ

8.
Illinois có thể cấm đuổi hành khách xuống máy bay

Một nhà lập pháp bang Illinois ngày 17/4 đưa ra một dự luật cấm nhân viên chính quyền địa phương hay chính quyền liên bang không được cưỡng chế hành khách xuống máy bay sau vụ một hành khách của hãng hàng không United Airlines bị lôi ra khỏi máy bay hồi tuần trước.

Đạo luật Bảo vệ Khách hàng Hàng không do dân biểu Peter Breen bảo trợ xuất hiện sau vụ bác sĩ gốc Việt David Dao, 69 tuổi, bị đuổi khỏi chuyến bay United Airlines tại sân bay quốc tế O'Hare của Chicago để có chỗ cho bốn thành viên phi hành đoàn.

Vụ việc của bác sĩ Đào gây phẫn nộ công luận, làm hãng United Airlines phải nhiều lần lên tiếng xin lỗi, cũng như khiến mọi người thắc mắc về các chính sách của các hãng hàng không liên quan đến tình trạng đặt chỗ quá tải.

Theo dự luật của dân biểu Breen đề xuất, hành khách không thể bị cưỡng chế ra khỏi máy bay trừ khi họ đề ra nguy hiểm cho bản thân hoặc cho người khác, trong trường hợp khẩn cấp hay hành khách đó gây rối nghiêm trọng.

Luật cũng cấm tiểu bang Illinois không được sắp xếp lữ hành, kinh oanh hoặc đầu tư vào bất kỳ hãng hàng không thương mại nào duy trì chính sách tống xuất hành khách để nhường chỗ cho nhân viên.

Sau sự cố hôm 9/4, bác sĩ Đào bị gãy mũi, chấn động tâm lý, và bị gãy hai chiếc răng vì bị lực lượng an ninh Cục Hàng không Chicago cưỡng chế ra khỏi máy bay để có chỗ cho bốn nhân viên trên chuyến bay quá tải.

Giám đốc điều hành của United Airlines, Oscar Munoz, ngày 17/4 một lần nữa lên tiếng xin lỗi công chúng vì sự việc này.

Luật sư của bác sĩ Đào đã yêu cầu bảo vệ chứng cứ, gửi đơn yêu cầu giữ lại các đoạn video an ninh và các tài liệu khác có liên quan đến chuyến bay 3411 để chuẩn bị cho một vụ kiện.

Chính quyền thành phố và hãng United đã đồng ý bảo vệ chứng cứ, luật sư của bác sĩ Đào cho biết hôm thứ Bảy. - VOA
|
|

9.
Bầu cử tại Georgia: trắc nghiệm đối với Quốc Hội lưỡng viện Mỹ

Ngày 18/04/2017, một cuộc bầu cử bổ sung được tổ chức tại bang Georgia Hoa Kỳ, để thay thế ông Tim Price, dân biểu thuộc đảng Cộng Hòa, vừa được tổng thống Donald Trump bổ nhiệm làm bộ trưởng Y Tế. Có tổng cộng 11 ứng viên trong đó có Jon Ossoff, 30 tuổi, ứng viên của đảng Dân Chủ. Từ ba thập niên qua, phe Cộng Hòa luôn luôn giành thắng lợi tại Georgia.

Từ Washington, thông tín viên Anne Marie Capomaccio gửi về bài tường trình :

"Kể từ khi Jon Ossoff sinh ra, năm 1987, chưa bao giờ một ứng viên đảng Dân Chủ lại giành thắng lợi tại Georgia. Ứng viên trẻ tuổi này ý thức được sự thách thức và trách nhiệm của mình. Nếu Jon Ossoff giành được chiếc ghế dân biểu, đảng Dân Chủ của cựu tổng thống Barack Obama sẽ cảm thấy lại có được một luồng khí mới, sau thất bại nghiêm trọng hồi tháng 11/2016.

Ngân sách tranh cử của ứng viên đảng Dân Chủ lên tới 8 triệu đô la và sự ủng hộ đến từ khắp nơi, ví dụ như diễn viên, nhà làm phim Samuel Jackson. Ông kêu gọi : Hãy đi bỏ phiếu, hãy bỏ phiếu cho đảng Dân Chủ. Hãy ngăn chặn Donald Trump. Ông ta là người khuyến khích kỳ thị chủng tộc, phân biệt tôn giáo, phân biệt giới tính. Mọi người đừng quên những gì đã xẩy ra vừa qua, khi mọi người phải ở nhà. Chúng ta bị ngăn chặn, bế tắc do Donald Trump.

Thậm chí tên của ứng viên Ossoff không được nhắc tới. Chiến dịch vận động tranh cử tập trung tấn công Donald Trump. Trận đấu tuy chưa thua nhưng cũng rất khó khăn. Bang Georgia là nơi có đông tư sản, giàu có và dân số ở đây vừa mới bắt đầu được đa dạng hóa. Ứng viên trẻ tuổi của đảng Dân Chủ trông cậy nhiều vào các cử tri gốc châu Phi và Mỹ Latinh, những người thường không tham gia bỏ phiếu. Theo các viện thăm dò dư luận, ứng viên đảng Dân Chủ có thể giành được thắng lợi ở vòng một, nhưng vòng hai vào tháng 6/2017 sẽ khó khăn hơn". - RFI
|
|

10.
Ða số dân Mỹ không tin TT Trump giữ lời hứa khi tranh cử

Ða số người Mỹ không tin Tổng Thống Donald Trump giữ những gì ông hứa trong thời gian vận động tranh cử.

Trang mạng TheHill trích thuật theo kết quả thăm dò của viện Gallup công bố hôm Thứ Hai, theo đó chỉ 45% người Mỹ tin rằng ông giữ lời hứa, giảm từ 62% qua thăm dò hồi Tháng Hai.

Trong thăm dò gần đây nhất, chỉ 40% phụ nữ cho rằng ông giữ đúng lời hứa, so với 51% của phái nam.

Chỉ 16% người của đảng Dân Chủ tin ông giữ lời, so với 81% của phía Cộng Hòa.

Thăm dò cũng nhận thấy 52% người Mỹ cho rằng ông Trump là nhà lãnh đạo cương quyết và cứng rắn, giảm từ 59% qua thăm dò hồi Tháng Hai.

Chỉ 46% tin tổng thống là người có thể mang lại những đổi thay mà quốc gia cần đến, giảm từ 53% của thăm dò hồi Tháng Hai.

Có 36% đánh giá ông Trump là người lương thiện và khả tín, trong khi 41% nghĩ ông có thể quán xuyến việc nước một cách hiệu quả.

Cho đến nay tổng thống chưa thỏa mãn nhiều hứa hẹn ông đưa ra trong thời gian tranh cử, gồm việc bãi bỏ luật bảo hiểm y tế Obamacare.

Trong cuộc phỏng vấn thực hiện sau cuộc thăm dò hồi tuần trước, ông Trump thay đổi hoặc đảo ngược những vấn đề trong chính sách đối ngoại và kinh tế, gồm việc hành xử đối với Trung Quốc và tương lai của nữ chủ tịch Quỹ Dự Trữ Liên Bang. - nguoiviet
|
|

Tin Việt Nam

11.
Chủ tịch Hà Nội đã 'không về Đồng Tâm' hôm 18 tháng 4

Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung không xuất hiện tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, hôm 18/4, trong lúc báo Việt Nam ghi nhận dân vùng này đã thả 18 trong số 38 cán bộ, chiến sĩ "bị bắt giữ trái pháp luật".

Trên Facebook cá nhân, luật sư Trần Vũ Hải cho biết:

"Ông Nguyễn Đức Chung, chủ tịch UBND TP Hà nội vừa gọi điện thoại cho tôi, nói rằng ông không hứa hẹn khi trao đổi điện thoại với một người dân xã Đồng Tâm, sẽ đến làm việc và đối thoại với dân Đồng Tâm trong ngày hôm nay và đề nghị tôi đính chính."

Do "tôn trọng ông Chung", luật sư Hải nói ông rút bỏ đoạn thông báo trước đó trên Facebook, mặc dù ông nói nhiều người "cũng nghe rõ câu chuyện trao đổi qua điện thoại, được bật loa".

Trước đó, luật sư Trần Vũ Hải đã trả lời BBC, cho biết nội dung cuộc trao đổi qua điện thoại giữa ông Nguyễn Đức Chung và một vài người dân ở xã Đồng Tâm.

Người dân Đồng Tâm đã thả 18 trong số 38 cán bộ, chiến sĩ bị bắt giữ trái pháp luật, theo báo Thanh Niên hôm 18/4.

Tuy vậy, báo Tuổi Trẻ cho hay ba trong số 18 người này "tự giải cứu và thoát được".

Một số báo Việt Nam hôm 18/4 đồng loạt dẫn lời ông Bạch Thành Định, Phó giám đốc Công an TP Hà Nội, nói người dân Đồng Tâm "có những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, cần phải xử lý nghiêm minh, không để ảnh hưởng đến tư tưởng cán bộ, nhân dân Mỹ Đức cũng như người dân Hà Nội".

Admin của fanpage Mỹ Đức, đề nghị không nêu danh tính nói với BBC qua điện thoại: "Tôi ở ngay làng Đồng Tâm và thấy rằng đến hôm nay, người dân vẫn tiếp tục bức xúc và mệt mỏi."

"Người dân chờ lãnh đạo thành phố xuống như đã hứa mà chưa thấy."

"Hiện tại, sóng điện thoại di động và mạng Internet tại xã đã bị cắt, nên chỉ những ai đi ra khỏi xã mới liên lạc được với bên ngoài."

"Đến hôm nay, vẫn còn khoảng 20 người của chính quyền bị người dân tạm giữ và tình hình vẫn rất căng thẳng."

'Sức mạnh'

Hôm 18/4, trả lời BBC, Luật sư Hà Huy Sơn, công ty luật Hà Sơn, nói: "Trong vụ Đồng Tâm, các luật sư có vai trò rất hạn chế, nên đừng lầm tưởng mình có thể đóng vai trò trung gian hòa giải giữa chính quyền và người dân."

"Môi trường thực tế tại Việt Nam chưa đủ điều kiện cho luật sư làm việc đó."

"Đến khi nào có nhà nước pháp quyền thì luật sư mới có thể thực thi vai trò của họ đúng nghĩa".

Luật sư cũng cho biết thêm: "Theo những gì tôi quan sát được hôm nay, chính quyền vẫn dựa vào sức mạnh để giải quyết vụ việc Đồng Tâm."

"Từ kinh nghiệm của tôi, trong các vụ tranh chấp đất đai, chính quyền chẳng bao giờ nhận sai về phía họ cả."

"Do vậy, tôi dự báo rằng trong vụ Đồng Tâm, cuối cùng thì đất vẫn sẽ bị thu hồi, một số người dân bị khởi tố và đi tù."

"Với việc thả một số cảnh sát cơ động hôm nay, người dân đã cho thấy thiện chí và tính chính đáng thuộc về họ nhưng theo tôi, việc đàm phán với chính quyền không phụ thuộc vào việc người thi hành công vụ bị tạm giữ."

"Việc công an và cơ quan hành pháp tuyên bố người dân Đồng Tâm đã vi phạm pháp luật chỉ là ý kiến của một phía."

"Lẽ ra phải có tòa án tuyên sự thật trong vụ này đúng sai thế nào."

Cùng ngày, nhà hoạt động Paulus Lê Văn Sơn nói với BBC: "Các cộng sự của tôi ở Đồng Tâm nói rằng hiện người dân không tiếp đón bất kỳ ai, ngay cả phóng viên."

"Nguyên do là vì họ bức xúc, không còn niềm tin vào ai nữa. Họ rào làng, thay nhau gác, họ lắp kẻng báo động."

"Hôm nay, các báo Việt Nam tiếp tục đưa tin vụ Đồng Tâm theo mang tính quy chụp, thiếu sự không có sự khách quan, dù chỉ là một khía cạnh rất nhỏ của sự việc."

"Có thể là vì các nhà báo không có được những thông tin chính xác về việc người dân Đồng Tâm phản kháng việc cưỡng chế đất đai của chính quyền."

"Dường như các báo đang làm truyền thông theo chỉ đạo chứ không làm truyền thông để chia sẻ thông tin đa chiều về vụ việc."

"Tôi thấy thương cho người dân Đồng Tâm vì họ là nạn nhân của những chính sách bất công khiến cho họ bây giờ không còn tin vào bất cứ ai."

Hôm 18/4, BBC gọi cho Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung và Chủ tịch huyên Mỹ Đức nhưng các ông không nghe máy. - BBC
|
|

12.
Youtube xóa hơn 1000 clips bôi nhọ lãnh đạo

Cơ quan chức năng Việt Nam yêu cầu Google gỡ bỏ hơn 2000 clip nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo Đảng và Nhà nước trên YouTube và cho đến nay đã có hơn 1000 clip đã bị xóa.

Thông tin vừa nêu được Bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Trương Minh Tuấn thông báo trong buổi chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vào chiều thứ Ba, ngày 18 tháng 4.

Trả lời câu hỏi của Đại biểu về xử lý các trang mạng giả mạo các lãnh đạo và tung tin thất thiệt như thế nào, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết Luật pháp của Việt Nam có đủ điều kiện xử phạt các hành vi vi phạm và đã xử phạt 10 trường hợp, tính từ đầu năm 2017. Đối với các trường hợp không xác định được nhân thân, cơ quan chức năng của Việt Nam sử dụng Thông tư 38 để xử lý những trường hợp vi phạm trên các trang mạng xã hội như Google, YouTube và Facebook.

Ông Bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông cũng cho biết đang làm việc với Giám đốc nội dung của Facebook để yêu cầu gỡ bỏ các trang mạng mạo danh lãnh đạo đăng tải trên trang mạng xã hội này. - RFA
|
|

13.
Trung Quốc mua 50% lượng dầu thô xuất khẩu của Việt Nam

Trung Quốc hiện là nhà nhập khẩu hàng đầu mặt hàng dầu thô của Việt Nam với lượng nhập khẩu gần 50% tổng lượng dầu thô xuất đi của Việt Nam trong 3 tháng qua.

Truyền thông trong nước trích số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết như vậy vào ngày 18 tháng tư.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 3 tháng đầu năm, Việt Nam xuất hơn 1,5 triệu tấn dầu thô với kim ngạch dạt hơn 637 triệu đô la. Trung Quốc nhập hơn 700,000 tấn với kim ngạch đạt 293 triệu đô la. Tuy nhiên điều đáng chú ý là Trung Quốc chỉ nhập với giá bình quân là 9,4 triệu đồng một tấn, thấp hơn 200,000 đồng một tấn so với mức giá xuất khẩu trên toàn thị trường.

Từ năm 2014 đến nay, tận dùng giá dầu thô xuống thấp khoảng 40 đô la một thùng, Trung Quốc đã tranh thủ nhập dầu thô của Việt Nam. Trước đó, khi giá dầu thô cao, Trung Quốc rất ít nhập dầu thô từ Việt Nam. - RFA
|
|

14.
Nguyễn Phú Trọng yêu cầu ‘tập trung truy bắt Trịnh Xuân Thanh’

Tổng bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng thúc hối guồng máy an ninh của chế độ “tập trung lực lượng truy bắt, dẫn độ Trịnh Xuân Thanh về nước” để trị tội.

Truyền thông của nhà cầm quyền CSVN hôm 17 Tháng Tư 2017 loan tin, ông Nguyễn Phú Trọng chủ tọa cuộc họp cùng ngày của “Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng” ở trung ương mà ông là người đứng đầu.

Các nguồn thông tin một chiều và độc quyền của nhà cầm quyền gồm cả VNExpress, Dân Trí, VOV thuật lời ông Nguyễn Phú Trọng ra lệnh “Tập trung lực lượng điều tra mở rộng vụ án xảy ra tại Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC); truy bắt, dẫn độ Trịnh Xuân Thanh về nước phục vụ điều tra, xử lý vụ án”.

Hiện mới chỉ thấy nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị; Vũ Đức Thuận, nguyên Tổng Giám đốc , Đỗ Văn Hồng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty PVC-KB; và Nguyễn Mạnh Tiến, nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty PVC, cùng 4 người cấp thấp hơn bị tống giam với các cáo buộc “tham ô tài sản” và cố ý làm trái…”

Không biết ông Trịnh Xuân Thanh ra ngoại quốc lúc nào, chỉ thấy ngày 16 Tháng Chín 2016, “Ủy ban Kiểm tra Trung ương” đến Hậu Giang “thi hành quyết định khai trừ Đảng” đối với ông Trịnh Xuân Thanh thì không thấy ông ta đâu.

Cùng ngày vừa kể, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã “ra quyết định khởi tố bị can đối với Trịnh Xuân Thanh về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; đồng thời ra Lệnh bắt tạm giam và Lệnh khám xét đối với Trịnh Xuân Thanh”. Vì ông Thanh đã bỏ trốn, Bộ Công an ra quyết định truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế đối với ông.

Báo chí trong nước cũng lờ mờ về chuyện Trịnh Xuân Thanh trốn khỏi Việt Nam khi nào mà chỉ ước đoán khoảng cuối Tháng Bảy 2016 khi Trịnh Xuân Thanh gửi đơn đến Tỉnh ủy Hậu Giang xin nghỉ phép từ 25 đến 29 Tháng Bảy 2016. Đến ngày 19 Tháng Tám 2016, lại thấy ông ta gửi đơn lần 2 xin nghỉ một tháng (3/8-2/9) để “đi nước ngoài trị bệnh”. Nhà cầm quyền tỉnh Hậu Giang cho người tới nhà ông ta tại Hà Nội cũng không thấy tăm tích.

Ông Thanh đã trốn ra nước ngoài sau khi đánh hơi thấy nhiều phần có thể bị bắt sau một loạt bài bới móc các việc làm của ông khi còn là Chủ tịch Hội đồng quản trị tổng công ty Xây lắp Dầu khí (PVC), một công ty con của Tập đoàn dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam). Trong đó, những nghi vấn về số tiền thất thoát hơn 320 tỉ đồng tại PVC bị cho là ông phải chịu trách nhiệm chính thì chỉ có một số thuộc cấp của ông bị tống giam, còn ông thì lại được nhảy về Bộ Công Thương ở trung ương và sau cùng là chạy về Hậu Giang làm phó chủ tịch tỉnh.

Ban đầu, chỉ là một cái lỗi xe tư nhân của ông lại gắn bảng số “xanh”, tức công xa bị đem ra bới móc “lạm quyền” rồi ông tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng nhảy vào đòi điều tra dẫn tới những bài bới móc về trách nhiệm của ông tại PVC mấy năm trước.

Trên blog của Người Buôn Gió, sau khi ông ta trốn ra nước ngoài, một số loạt bài rất hấp dẫn có vẻ như thuật lại lời của ông Trịnh Xuân Thanh về những gì xảy ra ở PVC nhằm bác bỏ các cáo cuộc thấy phơi bày trên hệ thống báo chí chính thống tại Việt Nam. Người ta cũng thấy phóng ảnh của lá thư thông báo bỏ đảng của ông Trịnh Xuân Thanh (trước khi bị khai trừ đảng) với câu tuyên bố không còn tin tưởng vào sự lãnh đạo của ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nữa.

Cho tới nay, ông Trịnh Xuân Thanh ở đâu, làm gì, không ai biết. Dư luận có vẻ cho ông ta ở đâu đó tại Âu Châu, một nước không có thỏa hiệp dẫn độ nghi can với Việt Nam.

Tại sao ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lại đòi “tập trung truy bắt, dẫn độ nghi can trốn truy nã quốc tế Trịnh Xuân Thanh” trong khi một nhân vật khác có thể rất dễ cho ông ta truy bắt hơn, lại gây thiệt hại cả chục lần nhiều hơn cho ngân sách nhà nước lại vẫn không bị đụng chạm?

Sau khi ông Trịnh Xuân Thanh trốn khỏi Việt Nam, vài tháng sau, báo chí trong nước hô hoán ông Vũ Đình Duy, nguyên tổng giám đốc PVTex cũng gửi đơn cáo ốm rồi hết thời gian xin nghỉ cũng không thấy mặt ở cơ quan. Một hai tờ báo dịp đó nói ông này gửi đơn xin đi học về quản trị ở Singapore, một nước của khối ASEAN hợp tác chặt chẽ nhiều mặt với Hà Nội.

Công ty Vải Sợi (PVTex) tại Đình Vũ, Hải Phòng, mà ông Vũ Đình Duy từng là tổng giám đốc hiện đang “đắp chiếu”, bị cáo buộc lỗ hơn 3 ngàn tỉ đồng vì những sai phạm, khuất tất của giàn lãnh đạo công ty.

Từ vụ án Trịnh Xuân Thanh, người ta thấy lôi ra một loạt quan chức chóp bu ở Bộ Công Thương, gồm cả bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã có các vai trò đạo diễn vào việc chạy nhảy lung tung ngoạn mục của ông Trịnh Xuân Thanh. Đúng ra phải bị gép vào tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng….” (bổ nhiệm trái quy định tới 91 ông ở cấp lãnh đạo, gồm cả con trai) nhưng ông Hoàng chỉ bị “cảnh cáo” và rút mất cái chức “bí thư đảng bộ” tại Bộ công thương trong khi ông ta đã nghỉ hưu. Còn thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa chỉ bị “khiển trách”.

Vụ “tập trung lực lượng truy bắt, dẫn độ Trịnh Xuân Thanh” được hệ thống báo đài tại Việt Nam tung tít lớn nhằm gây chú ý giữa lúc nhà cầm quyền thành phố Hà Nội lo đối phó với việc dân chúng xã Đồng Tâm huyện Mỹ Đức bắt giữ hơn 30 cảnh sát cơ động đòi đổi những người địa phương bị nhà cầm quyền bắt giam trong vụ chống đối giải tỏa đất đai. - nguoiviet

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9

Nhận định (LMN):
- Vụ Đồng Tâm đã có chỉ dấu chính quyền CSVN cấp cao hơn ông Nguyễn Đức Chung cương quyết không nhượng bộ nông dân, tiếp tục lấy đất cho nhóm lợi ích quốc phòng Viettel. Hậu quả là dân sẽ bị đàn áp nguội và đất nông dân vẫn mất, trừ khi có sự nổi dậy của nông dân ở nhiều nơi khác để ủng hộ Đồng Tâm.

- Việc Mỹ răn đe Bắc Hàn cho thấy (1) Bắc Hàn không nao núng, (2) Mỹ có vẻ muốn loại trừ giải quân sự khi chọn chiến lược "áp lực tối đa và tiếp cận" (http://apne.ws/2pOwA9k), việc nói gởi đội mẫu hạm chiến đấu Carl Vinson đến bán đảo Triều Tiên nhưng cho đến nay vẫn còn đang tập trận với Úc ở ngoài bờ biển Sumatra, cách xa 3,500 dặm (http://bit.ly/2pczk43), (3) Mỹ có ý dựa vào Trung Quốc để giải quyết vấn đề Bắc Hàn, trong khi TQ muốn dùng BH để tạo lợi thế với Mỹ, đưa tới việc Mỹ chỉ giơ cao đánh khẻ TQ và ở thế cần TQ hơn, dễ tương nhượng TQ ở các lãnh vực khác như Biển Đông hay tiền tệ.



No comments:

Post a Comment