Saturday, April 29, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Bảy 29/4

Tin Thế Giới

1.
ASEAN ra tuyên bố chung nêu việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông

Hôm nay, 29/04/2017, tại cuộc họp thượng đỉnh ở Manila, thủ đô Philipines, các lãnh đạo ASEAN đã đạt được một bản tuyên bố chung trong đó có nêu lên vấn đề Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở Biển Đông và quân sự hóa các đảo này, mặc dù Bắc Kinh đã nỗ lực gây tác động để gạt bỏ những vấn đề đó ra khỏi văn kiện của ASEAN.

Tuy nhiên, cũng như tại thượng đỉnh năm ngoái ở Lào, các lãnh đạo ASEAN không nêu đích danh Trung Quốc, đối tác thương mại hàng đầu của khối này. Bản tuyên bố cũng không nói đến việc Bắc Kinh bị thua trước Tòa Trọng tài Thường trực. Xử đơn kiện của Philippines, tòa này đã ra phán quyết đầu tháng 7 năm ngoái cho rằng Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để khẳng định quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong đường 9 đoạn.

Hồ sơ Biển Đông quả là đã được thảo luận sôi nổi trong hậu trường hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Manila. So sánh khác biệt về cách nói về Biển Đông giữa bản dự thảo ban đầu về tuyên bố chung đúc kết hội nghị với bản cuối cùng vào hôm nay, 29/04/2017, thì thấy ngay điều đó.

Trong bản dự thảo đầu tiên được chủ tịch hội nghị là Philippines đưa ra thảo luận, đã có hai vấn đề bị bỏ qua : Việc Trung Quốc bồi đắp đảo nhân tạo và quân sự hóa Biển Đông và phán quyết tháng Bẩy năm 2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye về Biển Đông. Tuy nhiên, ngay từ trưa nay, trong một bản dự thảo mới mà các hãng thông tấn ngoại quốc đọc được, vấn đề quân sự hóa các đảo nhân tạo đã được ghi nhận trở lại, dù theo thông lệ, Trung Quốc không hề bị nêu đích danh.

Theo hãng tin Anh Reuters, hai nguồn tin ngoại giao ASEAN đã tiết lộ rằng có bốn quốc gia thành viên ASEAN không đồng ý với việc xóa bỏ các từ ngữ « cải tạo đất và quân sự hóa », đã có trong bản tuyên bố chung hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Lào vào năm ngoái..

Hãng Reuters đã dẫn hai nguồn tin ngoại giao ASEAN cho biết là trong những ngày qua, đại sứ quán Trung Quốc tại Manila đã tăng cường vận động các quan chức Philippines để tìm cách thay đổi nội dung của bản tuyên bố chung của hội nghị thượng đỉnh ASEAN. Một nguồn tin xác nhận rằng phía Philippines đã bị phía Trung Quốc áp lực rất dữ dội.

Theo hãng tin Anh, Bắc Kinh không muốn thấy bất cứ điều gì mà họ cho là nói đến việc Trung Quốc mở rộng bảy hòn đảo nhân tạo mà họ chiếm giữa tại quần đảo Trường Sa, và xây dựng trên đó nào là phi đạo, nhà chứa máy bay, đài radar, bệ phóng tên lửa… Trung Quốc cũng không muốn thấy nhóm từ « các tiến trình ngoại giao và pháp lý », gợi đến phán quyết của Tòa Trọng Tài La Haye mà Bắc Kinh phủ nhận.

Nhưng một số nước ASEAN đã không chịu khuất phục. Theo hãng tin Pháp AFP, giới ngoại giao tại Manila khẳng định rằng trong các cuộc họp, các nước này đã cố tìm cách làm cho bản tuyên bố cứng rắn hơn đối với các hành động của Bắc Kinh, dẫn đến việc đưa một số từ ngữ trở lại vào văn kiện.

Một nhà ngoại giao đã tiết lộ với AFP rằng chính Việt Nam đã yêu cầu đưa trở lại nhóm từ liên quan đến hành động quân sự hóa và cải tạo đất vào trong dự thảo tuyên bố chung.

Một nhà ngoại giao khác đã nói với AFP rằng : « Không thể cho rằng ASEAN đã hoàn toàn đầu hàng trước sức ép của Trung Quốc ».

Trước đó, trong bài phát biểu khai mạc thượng đỉnh Manila, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã không đả động gì đến Biển Đông, mà chỉ nói đến Hồi giáo cực đoan, cướp biển, chống ma túy và nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau… Đặc biệt ông kêu gọi các lãnh đạo ASEAN hợp lực chống ma túy để tiêu diệt tệ nạn này « trước khi nó tiêu diệt xã hội chúng ta ». Chiến dịch bài trừ ma túy do ông Duterte phát động bị quốc tế phản đối, do đã có hàng ngàn người bị sát hại trong thời gian qua.

Trước cuộc họp thượng đỉnh ASEAN, trả lời hãng tin Reuters, tổng thư ký ASEAN, ông Lê Lương Minh cho rằng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông ( COC ) cần phải mang tính ràng buộc pháp lý để ngăn chận « những hành động đơn phương »). ASEAN và Trung Quốc hy vọng là trong năm nay sẽ đạt được thỏa thuận về bộ quy tắc nói trên. Nhưng theo Reuters, một số nhà ngoại giao ASEAN tỏ vẻ hoài nghi về thực tâm của Bắc Kinh trên vấn đề này. - RFI
|
|

2.
Bình Nhưỡng bắn hỏa tiễn sau khi Mỹ kêu gọi chống mối đe dọa nguyên tử

Bắc Triều Tiên hôm nay 29/04/2017 đã bắn hỏa tiễn đạn đạo, tuy không thành công, nhằm đáp trả lời kêu gọi của Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc chống lại « mối đe dọa nguyên tử » từ Bình Nhưỡng thông qua việc tăng cường trừng phạt của quốc tế. Đây là lần bắn thử thất bại thứ tư của Bắc Triều Tiên kể từ tháng Ba.

Theo bộ Quốc Phòng Hàn Quốc, chỉ vài giờ sau cuộc họp khẩn của Hội Đồng Bảo An, « Bắc Triều Tiên đã bắn hỏa tiễn đạn đạo chưa rõ thuộc loại nào, từ một địa điểm phía bắc Bình Nhưỡng. Chúng tôi cho rằng vụ bắn thử này đã thất bại ». Tên lửa đạt đến độ cao 71 km rồi bị vỡ tan.

Về phía Mỹ, Bộ chỉ huy Thái Bình Dương (PACOM) xác nhận vụ bắn thử diễn ra vào lúc 20 giờ 33 GMT gần căn cứ không quân Bukchang, nhưng « hỏa tiễn không ra khỏi lãnh thổ Bắc Triều Tiên ». Một nguồn tin chính phủ Mỹ nói rằng đây là hỏa tiễn đạn đạo tầm trung loại KN-17.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nhanh chóng tố cáo Bình Nhưỡng đã « thiếu tôn trọng » đồng minh chính là Trung Quốc. Trước đó ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson chủ trì cuộc họp Hội Đồng Bảo An đã kêu gọi các đối tác chống lại « mối đe dọa nguyên tử » Bắc Triều Tiên sẽ gây ra thảm họa. Ông đòi hỏi Trung Quốc gây áp lực về ngoại giao lẫn kinh tế lên Bình Nhưỡng.

Từ New York, thông tín viên RFI Marie Bourreau tường trình :

"Trong lần đầu tiên chủ trì Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, vị ngoại trưởng kín tiếng của Mỹ, Rex Tillerson đã đưa ra lời cảnh báo rất rõ ràng.

Ông nói : « Mối đe dọa một vụ tấn công nguyên tử từ Bắc Triều Tiên vào Seoul và Tokyo là thực sự và có lẽ chỉ còn là vấn đề thời gian, trước khi Bình Nhưỡng đạt đến khả năng bắn sang lãnh thổ Hoa Kỳ. Và như chúng tôi đã nói, tất cả các biện pháp đáp trả các hành động khiêu khích mới đều phải được cân nhắc ».

Tuy bài diễn văn mang giọng điệu cứng rắn, nhưng ông Rex Tillerson cho biết vẫn để ngỏ cho giải pháp ngoại giao, với các biện pháp trừng phạt mới. Và như vậy sự hỗ trợ của Trung Quốc, đối tác kinh tế chủ yếu của Bắc Triều Tiên, là hết sức quan trọng.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói : « Trung Quốc không phải là nguồn gốc của vấn đề Triều Tiên. Chìa khóa để giải quyết không nằm trong tay chúng tôi. Là nước láng giềng gần gũi, Trung Quốc đã có thái độ trách nhiệm và không ngừng cổ vũ cho giải pháp thương lượng ».

Như vậy ông Vương Nghị vẫn giữ nguyên chủ trương tái lập đối thoại. Dù sao thì hai ngoại trưởng Mỹ-Trung cũng sẽ gặp riêng để cố tìm được một phương thức chấm dứt khủng hoảng". - RFI
|
|

3.
Người Nga biểu tình đòi ông Putin từ chức

Hàng trăm người Nga hôm 29/4 xuống đường ở trung tâm thủ đô Moscow để kêu gọi Tổng thống Vladimir Putin từ chức.

Cuộc biểu tình có tên gọi “Chúng tôi chán ngấy ông ta” được tổ chức bởi phong trào “Nước Nga cởi mở” do nhân vật chỉ trích Kremlin, ông Mikhail Khodorkovsky, sáng lập.

Sự kiện ở Moscow hôm 29/4 diễn ra ôn hòa hơn trước, nhưng chính quyền vẫn triển khai nhiều cảnh sát chống bạo loạn.

Một phóng viên của Reuters đếm được ít nhất 30 chiếc xe buýt của cảnh sát với hàng trăm cảnh sát chống bạo động.

Trong khi đó, truyền thông Nga chiếu các đoạn video cho thấy cảnh sát trang bị dụng cụ chống bạo động bắt người biểu tình ở thành phố St Petersburg.

Các nhà hoạt động cho biết về hơn 100 vụ bắt giữ, nhưng phía chính quyền chưa đưa ra xác nhận chính thức.

Tổng thống Putin đã thống trị chính trường Nga trong suốt 17 năm qua.

Nhà lãnh đạo này chưa lên tiếng cho biết rằng ông có tiếp tục chạy đua trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng Ba năm 2018 hay không.

Nhưng nhiều người nhận định rằng chính trị gia 64 tuổi này, vốn đang có tỷ lệ ủng hộ cao, sẽ tiếp tục ra tranh cử.

Tháng trước, hàng nghìn người Nga đã xuống đường trên khắp cả nước để phản đối tình trạng tham nhũng và yêu cầu Thủ tướng Dmitry Medvedev từ chức.

Các cuộc tuần hành này do lãnh đạo phe đối lập Alexei Navalny kêu gọi. Vị thủ lĩnh này đã bị bắt ở Moscow trong khi ông đang đi tới đường Tverskaya ở trung tâm thủ đô nước Nga. Nơi đây là một phần của khu vực biểu tình mà chính quyền chưa cho phép. - VOA
|
|

4.
Đức Giáo Hoàng Francis khởi sự chuyến công du lịch sử ở Ai Cập

Đức Giáo Hoàng Francis trong chuyến viếng thăm lịch sử kéo dài hai ngày tại Ai Cập, lên tiếng kêu gọi các imam (thầy tế) hàng đầu ở quốc gia này hãy có lời dạy bác bỏ các hành vi bạo động dưới danh nghĩa của Thượng Đế và thay vào đó là các thông điệp về hòa bình và khoan hòa.

Đức Giáo Hoàng đến Cairo, thủ đô của quốc gia có đông dân nhất trong thế giới Ả Rập, trong sự bố trí dày đặc của các đơn vị cảnh sát và an ninh.

Tuy nhiên, ngài không màng đến các nguy hiểm cho cá nhân khi hạ cửa kính chiếc xe Fiat màu xanh giản dị trên đường vào thành phố này, không sử dụng xe có bọc thép “popemobile” như những vị tiền nhiệm trước đây.

Đức Giáo Hoàng Francis cho biết ngài muốn mang một thông điệp hòa bình tới Ai Cập, nơi đang phải đối phó một cuộc chiến ngày đẫm máu do thành phần liên hệ với ISIS gây ra.

Trong bài diễn văn đọc trước Tổng Thống Abdel-Fattah El-Sissi và ngoại giao đoàn, Đức Giáo Hoàng Francis mạnh mẽ bày tỏ sự ủng hộ dành cho nỗ lực tiêu diệt thành phần khủng bố quá khích của chính phủ Ai Cập, nói rằng quốc gia này có một vai trò đặc biệt để tạo hòa bình trong khu vực và “đánh bại mọi bạo động cũng như khủng bố.”

Hoạt động chính trong ngày đầu ở Cairo của Đức Giáo Hoàng Francis là đến thăm đại học Al Azhar ở thủ đô này, nơi từ 1,000 năm nay là nơi huấn luyện các thầy tế và học giả giáo phái Hồi Giáo Sunni từ khắp nơi trên thế giới.

Ở nơi đây, ngài ôm lấy Đại Imam của Al-Azhar là Sheikh Ahmed el-Tayeb, người tiếp đón Đức Giáo Hoàng cùng các nhà lãnh đạo khác của Hồi Giáo, học giả cùng các học viên trong một cuộc hội thảo về hòa bình.

Khi nói với đám đông, Đức Giáo Hoàng Francis nhắc lại rằng nền văn minh cổ của Ai Cập rất coi trọng sự hiểu biết và sự cởi mở trong giáo dục, nói rằng ngày nay cũng cần có quan niệm tương tự để chống lại “sự man rợ” của chủ nghĩa tôn giáo quá khích trong thành phần trẻ.

Sau đó trong ngày Thứ Sáu, Đức Giáo Hoàng Francis đến thăm Đức Thượng Phụ Tawadros II của Hội Thánh Công Giáo Coptic, với giáo dân chiếm đa số trong khoảng 9 triệu người theo Thiên Chúa Giáo tại Ai Cập.

Cả Đức Giáo Hoàng Francis và Thượng Phụ Tawadros sau đó chủ tọa buổi cầu nguyện tại nhà thờ St. Peter, ở ngay trung tâm thủ đô Cairo, nơi từng bị khủng bố tự sát tấn công hồi Tháng Mười Hai khiến 30 người thiệt mạng, phần lớn là phụ nữ. - nguoiviet
|
|

Tin Hoa Kỳ

5.
Hàng ngàn người biểu tình vì môi trường ở Washington

Hàng chục ngàn người hoạt động bảo vệ môi trường tuần hành tại trung tâm thủ đô Washington hôm nay, thứ Bảy 29/4, trong một nỗ lực nhằm huy động sự ủng hộ cho các phong trào liên quan tới môi trường và khí hậu.

Được mệnh danh là “Tuần hành của Nhân dân vì Khí hậu”, sự kiện này được ấn định trùng với mốc điểm 100 ngày đầu tiên của Tổng thống Donald Trump. Các nhà tổ chức lên án điều mà họ cho là thái độ thờ ơ của chính quyền Tổng thống Trump đối với các vấn đề về môi trường.

“Phong trào Khí hậu Nhân dân”, một tập hợp gồm 50 nhóm hoạt động có lập trường tự do, nói trong một tuyên bố:

“Các chính sách của chính quyền ông Trump là một thảm họa cho khí hậu và cho các cộng đồng, nhất là các cộng đồng có thu nhập thấp và da màu, là thành phần đứng ở tuyến đầu cuộc khủng hoảng.”

Các nhóm có chân trong ban thường vụ của các nhà tổ chức sự kiện này phần lớn là các nhóm đấu tranh bảo vệ môi trường, nhưng cũng bao gồm nhiều công đoàn, các nhóm chống chiến tranh và các nhóm bênh vực quyền lợi của các cộng đồng thiểu số, như NAACP, tức Hiệp hội quốc gia vì sự Tiến bộ của người Da màu.

Sự hiện diện của nhiều tổ chức bảo trợ không liên quan tới khí hậu cũng phản ánh trong cương lĩnh đấu tranh, với danh sách những vấn đề mà các nhà hoạt động cho là quan trọng mà theo họ, không được chính quyền Tổng thống Trump giải quyết đúng mức.

Cương lĩnh phối hợp những vấn đề mà những người trong ban tổ chức nói đã được tạo ra bởi biến đổi khí hậu với những vấn đề kinh tế và công bằng xã hội, kêu gọi cải cách chẳng hạn như tăng mức lương tối thiểu lên tới 15 đôla/giờ.

“Đây là lúc nên đoàn kết các phong trào cấp tiến vận động cải cách xã hội”, nhóm tổ chức nói trên trang web của họ.

Theo dự kiến, những người biểu tình sẽ tuần hành từ Điện Capitol, trụ sở quốc hội Mỹ, tới Toà Bạch Ốc, nơi họ tổ chức một cuộc mít-tinh.

Theo chương trình ấn định, hàng chục thành phố trên khắp nước cũng sẽ tổ chức tuần hành để tỏ tình đoàn kết.

Một sự kiện tương tự đã diễn ra vào cuối tuần trước khi hàng ngàn người tham gia cuộc “Tuần hành vì Khoa học”. Những người biểu tình phản đối chính quyền của Tổng thống Trump, chối bỏ các dữ kiện khoa học. - VOA
|
|

6.
Hoa Kỳ: Trump "tấn công" Tổ Chức Thương Mại Thế Giới

Hôm nay, 29/04/2017, tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ ký một sắc lệnh ra lệnh xem xét lại « những vi phạm và lạm dụng » của các hiệp định thương mại song phương và đa phương mà Hoa Kỳ đã ký kết, trong đó có hiệp định với Tổ Chức Thương Mại Thế Giới WTO/OMC.

Theo lời bộ trưởng Thương Mại Wilbur Ross trong cuộc họp báo hôm qua tại Nhà Trắng, trong vòng 180 ngày sẽ có một báo cáo về các hiệp định thương mại, nêu bật những vấn đề, nhưng cũng đưa ra những giải pháp thay thế. Ông Ross không loại trừ khả năng là sửa đổi các quy định của những hiệp định đó, kể cả hiệp định ký với WTO.

Theo lời bộ trưởng Thương Mại Mỹ, hiệp định WTO bao gồm 164 nước, mà đa số là những nước xuất khẩu sang Mỹ nhiều hơn là nhập khẩu từ Mỹ. Ông Ross chỉ trích điều khoản « tối huệ quốc » buộc các đối tác thương mại phải mở rộng những điều kiện ưu đãi nhất cho một quốc gia ra toàn bộ các nước thành viên WTO. Bộ trưởng Thương Mại Hoa Kỳ cũng chỉ trích WTO đã không quản lý hiệu quả những hàng rào thương mại ngoài hàng rào thuế quan, cũng như không giải quyết được các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ và kinh tế kỹ thuật số.

Sắc lệnh nói trên là nỗ lực mới nhất của chính quyền Donald Trump nhằm giảm bớt thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ và thúc đẩy sản xuất trong nước Mỹ.

Cuối tháng 3 vừa qua, tổng thống Trump đã yêu cầu bộ Thương Mại Mỹ lập một danh sách các quốc gia « gian lận » khiến thâm hụt thương mại của Mỹ quá lớn. Ông cũng đã dọa sẽ thương lượng lại hiệp định tự do mậu dịch với Mêhicô và Canada ( NAFTA ).

Trong số 10 quốc gia mà tổng thống Trump khẳng định Hoa Kỳ bị thâm hụt thương mại, đứng đầu là Trung Quốc (347 tỷ đôla), tiếp đến là Nhật Bản (68,9 tỷ), Đức (64,9 tỷ) và Mêhicô (63,2 tỷ), nhưng trong danh sách này cũng bao gồm cả những quốc gia nhỏ như Việt Nam và Ireland. - RFI
|
|

7.
Donald Trump mừng 100 ngày nắm quyền

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm nay 29/04/2017 tái ngộ những người ủng hộ nồng nhiệt nhất tại Pennsylvania, trong một cuộc mít-tinh mang màu sắc cuộc vận động tranh cử trước đây, để mừng 100 ngày cầm quyền gây nhiều tranh cãi.

Nhà tỉ phú 70 tuổi nhiều lần nhìn nhận là nhiệm vụ tổng thống khó hơn ông tưởng rất nhiều. Như để tránh các áp lực từ Phòng Bầu dục, tổng thống Mỹ tối nay gặp gỡ những người ủng hộ ở Harriburg, Pennsylvania, một trong những bang đã giúp ông giành chiến thắng hồi tháng 11. Ông có thể tạm quên đi những chỉ trích trong và ngoài nước về sự thiếu kinh nghiệm, khó tạo được sự tin cậy.

Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, mà chiến thắng bất ngờ trước bà Hillary Clinton đã gây sững sờ cho toàn thế giới, đã phải chật vật cụ thể hóa những lời hứa khi tranh cử. Đặc biệt là lời hứa mang tính biểu tượng : hủy bỏ và thay thế « Obamacare », luật bảo hiểm y tế của người tiền nhiệm, đã vấp phải sự chia rẽ trong đảng Cộng Hòa tại Quốc Hội.

Việc tài trợ cho bức tường biên giới Mêhicô, được Donald Trump hứa hẹn nhiều lần, tuần này đã bị rút khỏi dự án luật tài chính liên bang để tránh khủng hoảng ngân sách, làm tê liệt chính phủ.

Còn về cuộc cải cách thuế khóa quy mô, được công bố vội vã trong tuần này để đánh bóng kết quả 100 ngày nắm quyền, mà tổng thống giới thiệu có thể là « vụ giảm thuế lớn nhất trong lịch sử », bị đông đảo dư luận coi là món quà nhiều tỉ đô la dành cho người giàu, chỉ làm nặng thêm gánh nợ của đất nước.

Từ khi bước vào Nhà Trắng, ông Donald Trump đã ký vài chục sắc lệnh để bãi bỏ các biện pháp của ông Obama về kỹ nghệ, môi trường hay hạn chế khoan thăm dò dầu khí. Các nỗ lực này được phe Cộng Hòa hoan nghênh. Nhưng sắc lệnh gây xôn xao nhiều nhất, cấm công dân nhiều nước Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ, đã bị tư pháp hai lần ngăn chận.

Chiến thắng giành được cho phe Cộng Hòa là việc bổ nhiệm thẩm phán bảo thủ Neil Gorsuch vào Tòa án Tối cao Hoa Kỳ. Nhưng tỉ lệ ủng hộ ông Donald Trump hiện thấp nhất so với các đời tổng thống trước, tỉ lệ tăng trưởng quý 1/2017 của Mỹ được công bố hôm qua là con số tệ hại nhất từ ba năm qua. Bên cạnh đó là hồ sơ về sự can thiệp của Nga trong tranh cử vẫn đang đe dọa, với cuộc điều tra của Quốc Hội và FBI. Chưa kể là Bình Nhưỡng hôm nay tiếp tục bắn tên lửa, bất chấp lời cảnh cáo của ông Trump.

Tuy vậy, tân tổng thống vẫn mô tả 100 ngày đầu trong nhiệm kỳ của ông là « thành công nhất trong lịch sử đất nước ». Hôm qua Donald Trump tuyên bố với báo chí : « Tôi nghĩ rằng không có ai làm được như những gì chúng tôi đã làm trong 100 ngày qua, chúng tôi rất vui sướng". - RFI
|
|

Tin Việt Nam

8.
30/4: Người Mỹ vẫn bị giằng xé về cuộc chiến tại Việt Nam

Hơn 4 thập kỷ sau khi cuộc chiến tranh làm gần 2 triệu người thiệt mạng, những người Mỹ, dù tham gia cuộc chiến hay không, vẫn còn cảm nhận vết thương chiến tranh để lại.

Những người Mỹ từng tới Việt Nam lần đầu hoặc trở lại sau chiến tranh đều cho rằng những dấu vết của chiến tranh không còn tồn tại ở đây nữa. Họ chỉ cảm nhận được một xã hội đang bận rộn với sự phát triển kinh tế nhanh chóng và hai quốc gia cựu thù nay đã trở thành bạn. Tuy nhiên, họ nói cuộc chiến tranh lẽ ra không nên có, và một một sự giằng xé vẫn còn hiện diện trong họ.

David Cortright, hiện là một giáo sư của trường Đại học Notre Dame ở Indiana từng phục vụ trong hải quân Mỹ trong thời gian chiến tranh, là một trong số những người đó. Ông trở lại Việt Nam 4 năm sau khi cuộc chiến kết thúc với một tổ chức nhân đạo.

Ông nói: “Người Mỹ vẫn còn bị giằng xé về cuộc chiến tranh. Chúng tôi vẫn bị chia rẽ về một số phương diện. Đó là cuộc chiến tranh đầu tiên mà người Mỹ thua cuộc. Và nhiều người Mỹ vẫn không muốn tìm hiểu tại sao và để học một bài học. Và với cảm nhận đó, đất nước của chúng tôi vẫn tiếp tục mắc sai lầm bằng việc xâm chiếm Iraq và cuộc chiến ở Afghanistan. Chúng tôi cứ nghĩ rằng nếu chúng tôi tiếp tục xâm chiếm và tấn công những nước khác để có được những kết quả tốt hơn. Và thường thì nó chỉ làm cho vấn đề tệ hơn vì nó tạo ra những thiệt hại không cần thiết.”

Giáo sư của Đại học Notre Dame nói những người lãnh đạo chính trị của Mỹ không đại diện cho ý chí của người dân Mỹ muốn chấm dứt cuộc chiến.

Đồng tình với ý kiến đó, David Hughes – một diễn viên kiêm nhà hoạt động chống chiến tranh – cho rằng chỉ một phần nhỏ những người Mỹ tham gia vào cuộc chiến tranh này và phần lớn trong số họ không tham gia vào việc ra quyết định.​ “Chúng ta có thể nói rằng chính quyền và chính phủ đã không học được từ sai lầm đó. Với phần lớn dân chúng, đó là việc khác. Trong một số trường hợp, họ còn không biết những nước đó ở đâu. Do vậy những lỗi lầm tiếp tục bị mắc phải và ở một cấp độ cao hơn những người dân bình thường.”

Năm 1994, Mỹ bỏ cấm vận thương mại đối với Việt Nam và một năm sau đó quan hệ giữa 2 nước được bình thường hóa. Trong những thập kỷ tiếp theo, quan hệ này ngày càng được cải thiện, đặc biệt dưới thời Tổng thống Barack Obama khi ông xóa bỏ cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam, một động thái mà nhiều chuyên gia cho rằng là bước cuối cùng để mối quan hệ giữa 2 nước trở nên toàn diện. Sự nồng ấm của mối quan hệ Việt-Mỹ được tăng lên phần lớn trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường sức mạnh trên biển Đông và bành trướng ra thế giới.

“Việt Nam giờ đây là những người bạn của chúng tôi. Các công ty Mỹ giờ đây đang đầu tư vào Việt Nam và tôi luôn nghĩ rằng đáng lẽ ra chúng tôi đã phải làm điều này từ những năm 1945-46 ngay sau cuộc chiến tranh Thế giới thứ 2 và không phải trải qua những đau đớn của các cuộc chiến tranh chống Pháp và của người Mỹ và làm bạn với Việt Nam ngay từ lúc đó,” theo ông Cortright.

Vẫn theo lời giáo sư Cortright, mối quan hệ được cải thiện giữa Mỹ và Việt Nam đang giúp làm lành vết thương chiến tranh khi “nhiều người cựu chiến binh có thể quay trở lại để gặp những người Việt Nam hay con cái những người mà họ từng chống lại trong chiến tranh.”

Theo thống kê của Bộ Cựu chiến binh Hoa Kỳ, một số lượng lớn các cựu chiến binh tham gia chiến đấu tại Việt Nam vẫn bị hậu sang chấn tâm lý. Người sáng lập quỹ Loose Cannons ủng hộ nạn nhân chất da cam Dick Hughes nói việc những người từng chiến đấu trong chiến tranh Việt Nam được trở lại và gặp những người Việt Nam từng đứng bên kia chiến tuyến giúp hàn gắn vết thương chiến tranh.

Ông Hughes từng nói rằng ông “là một trong những người Mỹ cuối cùng rời khỏi Việt Nam” sau khi chiến tranh kết thúc. Ông đến Việt Nam trong thời gian diễn ra cuộc chiến tranh và đã ở lại để giúp đỡ trẻ em đường phố trong thời gian cuối thập kỷ 1960 đầu thập kỷ 1970. Khi trở lại Việt Nam vào những thập kỷ sau đó và gần đây nhất là năm 2016, ông Hughes – người từng tham gia các vai diễn trong 1 số bộ phim nổi tiếng của Mỹ bên cạnh Leonardo DiCaprio – ngạc nhiên với sự phát triển của Việt Nam và “mối quan hệ Việt-Mỹ đang tập trung vào hướng tới tương lai.” Nhưng theo ông, vẫn cần phải giải quyết những vấn đề còn tồn đọng thì “mới có thể làm lành vết thương chiến tranh” như vấn đề chất độc màu da cam.

Ron Carver, một người Mỹ sống ở Washington DC, cũng từng tới thăm Việt Nam năm ngoái, cho rằng chính phủ Mỹ đã chưa làm đủ để đền bù cho những nạn nhân chất da cam. Mỹ đã chi trả 2 tỷ đô la cho những nạn nhân nhưng phần lớn là những cựu chiến binh của Mỹ. Trong khi đó 2 triệu nạn nhân của Việt Nam không được đền bù, theo The Guardian.

Ông Carver nói với VOA Việt Ngữ rằng ông “đã gặp những người thân của những nạn nhân chất độc màu da cam. Không ai trong số họ được nhận đền bù của chính phủ Mỹ. Tôi không nghĩ là Mỹ đang có trách nhiệm (về việc này). Tôi nghĩ vậy vì các chính phủ và chính quyền kế nhiệm đã thấy xấu hổ vì 1 thực tế là Mỹ đã thất bại trong cuộc chiến đó.”

Nhưng giờ đây, những người Mỹ khi tới thăm Việt Nam không có cảm nhận về một sự thù hận. Trong chuyến trở lại Việt Nam vào năm 1979, ông Cortright đã đến thăm khu làng diễn ra cuộc thảm sát Mỹ Lai năm 1968, trong đó gần 500 thường dân Việt Nam thiệt mạng, và cho biết ông đã rất xúc động. “Nó làm cho mọi thứ rất đáng buồn vì đất nước của chúng tôi đã gây ra nhiều những thiệt hại như vậy chẳng vì một lý do gì hay ho nào cả. Tôi thực sự muốn khóc khi nghĩ rằng cộng đồng (này) đã bị tàn phá một cách tàn bạo bởi những người lính Mỹ lại đón nhận những người Mỹ đến đây bây giờ.”

Những cựu chiến binh này đều mong muốn quay trở lại Việt Nam.

“Tôi hy vọng sẽ được quay trở lại,” ông Cortright mong muốn như vậy. Ông Carver sẽ có chuyến đi thứ 2 vào mùa hè này để trở lại Việt Nam. Ông nói “Tôi muốn quên đi tất cả những nỗi buồn và chỉ để thưởng thức các món ăn của Việt Nam.” Còn ông Hughes thì cho biết ông cam kết bản thân với một nhiệm vụ giúp đỡ những nạn nhân chất độc màu da cam ở Việt Nam. - VOA
|
|

9.
Hành trình ‘tự diễn biến’ trong giới du học sinh Việt

Có một quá trình “tự diễn biến” trong giới du học sinh Việt Nam ở nước ngoài, mà ngay cả bản thân họ không phải lúc nào cũng nhận thấy.

Theo nhận xét của một chuyên viên tư vấn cho sinh viên nước ngoài ở Mỹ, khi mới bước chân ra “biển lớn,” du học sinh Việt thường khá thụ động và khép kín vì rào cản ngôn ngữ trong giao tiếp với người bản xứ. Tuy nhiên, ngay cả với cộng đồng người Việt Nam, du học sinh Việt cũng không tránh khỏi những “cú sốc tư tưởng” nhất định.

Từ ‘Cộng Sản mới sang…’

Mới đến thành phố Houston, Texas, Mỹ, học được 8 tháng, Như Quỳnh chia sẻ với VOA rằng nhiều bạn bè của cô khi mới sang thường bị cộng đồng người Việt địa phương gọi là “Cộng Sản mới sang”.

“Bạn em nói khi đi đăng ký học lái xe thì ông thầy dạy lái xe, có tư tưởng chống Cộng, nói ‘con này ở bên đó là Cộng Sản, dân Cộng Sản mới qua.’ Lời nói làm cho bạn em tủi thân, vì dù răng, Cộng Sản hay không Cộng Sản thì cũng là người Việt Nam”, Như Quỳnh kể lại.

Tự nhận “vẫn còn rất yêu quý nước Việt Nam”, Như Quỳnh nói “người Việt ở Mỹ có tư tưởng không tốt về Việt Nam là điều bình thường”, và như vậy là “sai lệch”.

… đến tự so sánh

Hầu hết du học sinh Việt Nam mà VOA phỏng vấn đều cho biết khi còn ở trong nước, họ hoàn toàn không để ý đến “ý nghĩa” của ngày 30/4 như các khẩu hiệu, tuyên truyền được lặp lại hàng năm. Họ chỉ đơn giản tập trung vào kế hoạch “ăn chơi” là chính. Nhưng khi ra khỏi Việt Nam, những cuộc biểu tình của cộng đồng gốc Việt vào ngày này lại mang đến “một góc nhìn khác” về ngày được gọi là “giải phóng”.

Quỳnh Võ, một du học sinh vừa tốt nghiệp cao học tài chánh ở Pháp, nói: “Ngày xưa thì 30/4, 1/5 là được nghỉ làm nên mừng muốn chết. Toàn là tuyên truyền không! Theo công cuộc tuyên truyền thì mình thấy nhiều cái cũng nhảm. Mình biết vậy nhưng biết nói gì hơn. Giờ qua đây lại thấy một góc khác: ngày quốc hận!”

Góc nhìn khác không chỉ dừng ở các sự kiện lịch sử, mà còn trong những sự việc hàng ngày khi người trẻ Việt Nam bỗng nhiên được đặt vào một thế giới khác và có cơ hội so sánh.

Thanh Hương, một du học sinh mới sang thành phố Brisbane, bang Queenland, Úc, học chương trình MBA được 2 năm, giải thích về kết luận “Việt Nam không thực sự tự do như mình nghĩ”:

“Mặc dù mình vẫn nói mình là xã hội dân chủ, công bằng, văn minh… Hồi đi học được học như vậy, nhưng khi sang bên này mới thấy không phải như vậy. Khi sang đây, mình thấy ở bên đây mới thực sự là dân chủ. Cái gì cũng có luật lệ rõ ràng, được quyền tự do thật sự, được bảo vệ rõ ràng, từ quyền cho phụ nữ hay tất cả về y tế, giáo dục…, nhất là về quyền con người. Bên này mọi điều đều minh bạch, rõ ràng, được xử lý nghiêm bằng luật. Còn ở Việt Nam thì không như vậy.”

Thanh Hương dẫn chứng một sự kiện điển hình trong nước mà cô theo dõi từ bờ bên kia: “Ví dụ biểu tình Formosa. Người ta chỉ biểu tình để đòi lại quyền được bồi thường do biển bị nhiễm bẩn hoặc chỉ đòi làm minh bạch tại sao lại gây ra ô nhiễm môi trường như vậy thôi, em thấy biểu tình đúng như vậy mà vẫn để xảy ra bạo loạn trong biểu tình rồi chẳng đâu vào đâu hết. Còn bên này mà một sự việc gì đó không rõ ràng là người ta phải biểu tình, và người ta sẽ được cảnh sát hỗ trợ cho việc biểu tình.”

Trong khi vẫn ngầm phản đối quan điểm của cộng đồng người Việt ở Mỹ, Như Quỳnh cũng thừa nhận Mỹ tốt hơn Việt Nam. “Giả sử như ở đây có chương trình hỗ trợ cho người già giống như bảo hiểm Medicare, Medicaid… Mình đi học, nếu mình là resident (thường trú dân), thì cũng có những chương trình hỗ trợ giảm học phí cho người dân ở đây. Nó theo mục đích của người dân nhiều hơn. Nói chung là cái gì ra cái đấy, tính toán rất kỹ nên xã hội và cuộc sống em thấy tốt hơn Việt Nam nhiều”.

Và đắn đo, không về

Cho dù xung đột tư tưởng trong giới du học sinh, những người trẻ có cơ hội được sống ở cả hai bên “chiến tuyến,” là nặng hay nhẹ, thì đa số đều không mong muốn có một “chiến tuyến” nào giữa những con người mang dòng máu Việt. Quỳnh Võ chia sẻ: “Người trẻ hoặc là nhìn với góc độ ngày chiến thắng, hoặc nhìn với góc độ ngày quốc hận, thì cuối cùng, trong lòng Việt Nam sẽ có rất nhiều nước Việt khác nhau.”

Quỳnh Võ và chồng đều là du học sinh từ Việt Nam sang Pháp. Cả hai đã có công việc làm ổn định và một mái ấm hạnh phúc với hai con nhỏ. Cô tâm sự về thay đổi quyết định trở về Việt Nam của gia đình mình:

“Thật ra ai có cơ hội ở lại thì họ ở lại hết. Có ai muốn sống với Cộng Sản đâu? Chẳng qua trước đây họ không nói ra thôi. Ví dụ như em, qua bên này thấy về mặt chuyên môn được làm việc sâu hơn, về học hành cũng được học thích hơn. Ngay cả một chuyện thực tế là bây giờ con cái em, mình có con rồi, con đi học trong một môi trường trong veo như vậy, tự nhiên về mặt cá nhân mình cũng đắn đo khi quyết định về dù đó là về cho con đi nữa”.

Giải thích về những thay đổi trong tư tưởng của du học sinh, cô Camila McTighi, chuyên viên tư vấn cho học sinh nước ngoài của Trường Cao Đẳng Cộng Đồng Bắc Virginia, Mỹ, đưa ra nhận xét chung: “Tôi có thể nói đó là sự điều chỉnh khi bạn phải thích nghi với cái mới. Có vẻ như, đối với tôi, họ đều trải qua các giai đoạn giống nhau cho tới khi họ sẵn sàng thích nghi với văn hóa Mỹ”.

Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng, gần đây liên tục đề cập đến mối nguy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong giới Đảng Viên, công chức chính quyền. Hồi đầu tháng 1/2017, ông Trọng yêu cầu Ủy Ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam xây dựng và thực hiện cơ chế bảo vệ, khuyến khích người dân phản ánh, tố giác, đấu tranh chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Nhưng có một hành trình “tự chuyển hóa” mà không cần có một cuộc vận động nào đang diễn ra trong giới du học sinh, trong đó có không ít người là thế hệ tiếp theo của những người Cộng Sản. - VOA

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9




No comments:

Post a Comment