Sunday, April 2, 2017

Tin Cập Nhật Chủ Nhật 2/4

Tin Thế Giới

1.
Trung Quốc giục Mỹ tôn trọng quy tắc quốc tế

Trung Quốc kêu gọi Hoa Kỳ tôn trọng các quy tắc thương mại quốc tế và cải thiện hợp tác cũng như đối thoại, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu điều tra về tình trạng lạm dụng thương mại.

"Bất kỳ các biện pháp thực thi thương mại nào cũng phải tuân thủ các quy tắc thương mại quốc tế đã được chấp thuận, và các khác biệt giữa hai nước phải được xử lý một cách phù hợp", Reuters dẫn lời một phát ngôn viên của Bộ Thương mại Trung Quốc nói như vậy hôm 1/4.

Phát biểu của người phát ngôn được đăng trên trang web của Bộ này có đoạn: “Trung Quốc sẵn lòng hợp tác với Hoa Kỳ trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi”.

Ông Trump ký các sắc lệnh hành pháp hôm 31/3 nhằm mục đích điều tra khả năng có việc lạm dụng thương mại, gây ra tình trạng thâm hụt thương mại lớn của Mỹ, và ngăn chặn tình trạng trốn thuế nhập khẩu.

Tổng thống Mỹ dự kiến sẽ đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào giữa tuần này ở khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở Florida, và vấn đề thương mại dự kiến sẽ nằm cao trong nghị trình.

Ông Trump từng có những chỉ trích nhắm vào các hoạt động thương mại của Trung Quốc.

Tuần trước, viết trên Twitter, nhà lãnh đạo Mỹ nói rằng cuộc gặp với ông Tập “sẽ rất khó khăn”, đồng thời dẫn ra tình trạng thâm hụt thương mại khổng lồ cũng như việc người Mỹ mất việc làm.

Bắc Kinh luôn duy trì quan điểm cho rằng sự mất cân bằng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ là do sự khác biệt về cấu trúc của nền kinh tế cũng như giai đoạn phát triển của hai nước. - VOA
|
|

2.
Kinh tế Trung Quốc 'vẫn ổn định'

Kinh tế Trung Quốc “nhìn chung vẫn ổn định”, nhưng Bắc Kinh đang vấp phải những phức tạp “không thể xem nhẹ”.

Reuters dẫn một thông cáo của ngân hàng trung ương quốc gia đông dân nhất thế giới cho biết như vậy hôm 1/4.

Nhận định này được đưa ra sau cuộc họp hàng quý của ủy ban chính sách tiền tệ của ngân hàng này.

​Trong thông cáo đăng trên website, ngân hàng trung ương Trung Quốc cho rằng nền kinh tế thế giới vẫn còn trong một giai đoạn điều chỉnh sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, và vẫn còn nhiều rủi ro trong các thị trường toàn cầu.

Định chế tài chính này nói sẽ tiếp tục thực thi một chính sách tiền tệ trung lập và lành mạnh, và dựa vào một loạt các công cụ chính sách tiền tệ để giữ thanh khoản ở mức ổn định.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc nói tiếp rằng tổ chức này sẽ tiếp tục duy trì tỷ giá hối đoái đối với đồng Nhân dân tệ ở tỷ lệ ổn định và hợp lý. - VOA
|
|

3.
Mỹ ‘sẵn sàng một mình đối phó với Bắc Hàn’

Hoa Kỳ chuẩn bị sẵn sàng một mình đối phó với các mối đe dọa hạt nhân của Bình Nhưỡng, nếu Trung Quốc không thể gây áp lực lên Bắc Hàn, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói như vậy với tờ Financial Times hôm 2/4.

Reuters dẫn lời ông Trump nói với tờ báo tài chính: “Nếu Trung Quốc không thể giải quyết Bắc Hàn, chúng tôi sẽ [làm chuyện đó]. Đó là tất cả những gì tôi muốn nói lúc này”.

Tổng thống Mỹ dự kiến sẽ đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào giữa tuần này ở khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở Florida, và ngoài thương mại và tham vọng của Bắc Kinh ở Biển Đông, vấn đề Bắc Hàn dự kiến sẽ nằm cao trong nghị trình.

Nhà lãnh đạo Hoa Kỳ nói với tờ Financial Times: “Trung Quốc có ảnh hưởng lớn đối với Bắc Hàn. Và Trung Quốc có thể quyết định giúp chúng tôi về Bắc Hàn hoặc là họ sẽ không làm vậy”.

Theo tờ báo, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia của ông Trump, K.T. McFarland, nói rằng có “khả năng thật sự” về việc Bắc Hàn có thể đánh trúng Hoa Kỳ bằng tên lửa hạt nhân vào cuối nhiệm kỳ đầu của tỷ phú bất động sản.

Trong khi đó, các chuyên gia tình báo không đồng tình với đánh giá của ông McFarland, nói rằng khả đó của Bắc Hàn “nhiều năm nữa” mới đạt được.

Đầu tháng trước, Bình Nhưỡng phóng bốn quả tên lửa đạn đạo để đáp lại cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn Quốc mà Bắc Hàn coi là sự chuẩn bị cho chiến tranh.

Bắc Hàn đã tiến hành hai vụ thử hạt nhân và một loạt các vụ phóng tên lửa kể từ đầu năm 2016, theo Reuters.

Washington đã thúc ép Bắc Kinh làm nhiều hơn nữa để chấm dứt chương trình hạt nhân và tên lửa của Bắc Hàn. - VOA
|
|

4.
Mỹ, Ai Cập tìm cách tăng cường hợp tác chống Hồi giáo cực đoan

Hoa Kỳ và Ai Cập dự kiến sẽ đạt thỏa thuận tăng cường hợp tác trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoanvào thứ Hai khi Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sissi gặp Tổng thống Donald Trump tại Tòa Bạch Ốc.

H.A. Hellyer, nghiên cứu sinh kỳ cựu tại Trung tâm Trung Đông Rafik Hariri thuộc Hội đồng Atlantic, nói: "Cả hai ông đều ác cảm với Hồi giáo gắn chính trị. Cả hai đều coi an ninh là ưu tiên hàng đầu, hàng thứ hai và thứ ba trong chính trị".

Một tuyên bố được Tòa Bạch Ốc đưa ra trước chuyến thăm nói "Mối quan hệ trước đây đã được thúc đẩy bởi các lợi ích an ninh, và đó sẽ vẫn là một phần quan trọng trong sự can dự".

Trong các cuộc nói chuyện với VOA, các nhà phân tích và các chuyên gia khu vực đồng ý rằng cuộc gặp này nhất định sẽ thành công. Người ta cho rằng hai nhà lãnh đạo này có quan hệ tốt khi ông Trump dù còn là ứng cử viên Trump đã gặp nhà lãnh đạo Ai Cập vào tháng 9 bên lề Hội nghị Liên Hiệp Quốc. Các nhà phân tích nói rằng vì cả hai đều chú trọng đến an ninh, việc hồi sinh mối quan hệ bị sứt mẻ trong thời kỳ ông Obama làm tổng thống sẽ dễ dàng.

Ông Obama đã phong tỏa viện trợ cho Cairo sau khi quân đội Ai Cập, do tướng Sissi chỉ huy, đã lật đổ tổng thống đầu tiên được bầu lên một cách dân chủ của Ai Cập, ông Mohammed Morsi, vào năm 2013. Ông Sissi được bầu làm tổng thống một năm sau đó. Ông Obama đã từ chối mời ông Sissi đến Tòa Bạch Ốc.

Một quan chức cao cấp của Tòa Bạch Ốc hôm thứ Sáu cho biết chính quyền ông Trump sẽ làm việc lặng lẽ với Ai Cập về các vấn đề nhân quyền. Quan chức này nói: "Cách tiếp cận của chúng tôi là xử lý các loại vấn đề nhạy cảm này một cách không ồn ào, kín đáo. Chúng tôi tin rằng đó là cách hiệu quả nhất để thúc đẩy những vấn đề đó để đạt kết quả tích cực".
|
|

5.
Đảng của bà Aung San Suu Kyi giành thêm ghế

Đảng cầm quyền của biểu tượng dân chủ của Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi, đã giành gần một nửa số ghế tại quốc hội trong cuộc bầu cử bổ xung hôm 2/4.

Đây là cuộc bỏ phiếu đầu tiên kể từ khi đảng này giành thắng lợi vang dội một năm trước, cho thấy Liên đoàn Đấu tranh cho Dân chủ Toàn quốc (NLD) vẫn duy trì được sự ủng hộ, trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm và giao tranh giữa quân chính phủ và các nhóm vũ trang thuộc các sắc tộc thiểu số vẫn gia tăng.

NLD giành 9 trong số 19 ghế trong các cơ quan lập pháp quốc gia và khu vực, theo Reuters.

Trong một bài phát biểu đầu tuần này, bà Suu Kyi thừa nhận sự bực dọc của công chúng đối với tốc độ phát triển và cải cách chậm chạp.

Nhưng bà cũng nhắc lại ưu tiên hàng đầu của mình là chấm dứt các cuộc xung đột sắc tộc đã khiến Miến Điện lâu nay vẫn ở trong tình trạng nội chiến.

Trong khi kết quả bỏ phiếu của cuộc bầu cử bổ xung không ảnh hưởng tới cán cân quyền lực trong quốc nội mà NLD chiếm thế đa số, nó được coi là cuộc trắc nghiệm đối với bà Aung San Suu Kyi cũng như đảng của bà. - VOA
|
|

6.
Ấn Độ, Malaysia kêu gọi các nước tôn trọng Công ước về Luật Biển

Độ và Malaysia hôm 2/4 đã ra tuyên bố chung kêu gọi các nước giải quyết tranh chấp Biển Đông với sự kiềm chế khi tiến hành các hoạt động và tránh các hành động đơn phương có thể làm tăng căng thẳng. Hai nước cũng đề nghị các bên tranh chấp không đi đến việc đưa ra những lời đe dọa.

Hai nước nhấn mạnh các bên cần phải thể hiện sự tôn trọng cao nhất đối với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Công ước này thiết lập trật tự pháp lý về các vùng biển và đại dương.

Tuyên bố chung được công bố sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và người đồng cấp Malaysia Najib Abdul Razak ở New Delhi.

Malaysia là một bên tranh chấp ở Biển Đông. Ngoài ra, các bên tranh chấp khác gồm có Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Đài Loan và Brunei.

Dù không đề cập cụ thể đến Trung Quốc nhưng báo giới Ấn Độ đánh giá rằng tuyên bố này đáng chú ý vì Trung Quốc đã không đếm xỉa đến một phán quyết của một tòa trọng tài thành lập theo UNCLOS. Tòa đã bác bỏ tính pháp lý của những lời tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc về hầu hết Biển Đông.

Hai nhà lãnh đạo của Ấn Độ và Malaysia đã nhắc lại cam kết của họ đối với tôn trọng tự do hàng hải và hàng không, cũng như thương mại hợp pháp không bị cản trở, căn cứ vào các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và UNCLOS.

Về quan hệ song phương, hai nhà lãnh đạo đã hoan nghênh sự hợp tác mạnh mẽ trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh và quyết tâm hoàn tất một biên bản ghi nhớ về Hợp tác Chống Khủng bố và Tội phạm Xuyên Quốc gia. - VOA
|
|

7.
Pakistan: 20 người bị giết ở đền thờ Punjab

Hai mươi người bị giết chết và một số khác bị thương tại một ngôi đền Sufi gần thành phố Sargodha, tỉnh Punjab của Pakistan, theo cảnh sát.

Phó cảnh sát viên Liaquat Ali Chatta nói nghi phạm chính là người chăm sóc ngôi đền, Abdul Waheed.

Một người sống sót nói với cảnh sát rằng ông Waheed đã gọi từng người một vào phòng của ông ta và cho họ thức ăn bị đầu độc.

Ông ta và những người đồng phạm sau đó giết họ bằng dao găm và gậy.

Một phụ nữ bị thương trong số nhiều nạn nhân đã báo động khi tìm cách thoát ra được.

Tranh quyền kiểm soát?

Cảnh sát địa phương ngay sau đó ập đến ngôi đền và bắt ông Waheed, cùng với một số người khác được cho là đồng lõa của ông ta.

Hiện chưa rõ về động cơ vụ việc, nhưng một sĩ quan cảnh sát cao cấp địa phương nói nghi phạm dường như không ổn định về tinh thần, và các vụ giết người có thể liên quan đến cạnh tranh để kiểm soát đền thờ.

"Người giữ đền Abdul Waheed 50 tuổi đã thú nhận rằng ông đã giết những người này vì ông sợ rằng họ đến để giết ông", Zulfiqar Hameed nói với hãng tin AFP.

Pervaiz Haider, một bác sĩ bệnh viện, nói hầu hết các nạn nhân đều bị đánh từ sau gáy.

Ông nói với hãng tin Reuters: "Có những vết thâm tím và thương tích do một cây gậy và dao găm gây ra trên thi thể các nạn nhân."

Theo một người sống sót, một số trẻ em chứng kiến cảnh bạo lực qua cửa đã báo động. Những tín đồ người lớn sau đó đã tấn công các nghi phạm.

Tin cho hay các nạn nhân có thể là những người hành hương. Cảnh sát nói thông thường thức ăn được phân phối tại nhà thờ trong tuần lễ đầu tiên của Rajab, một tháng thiêng liêng của lịch Hồi giáo bắt đầu vào cuối tháng Ba.

Dòng phái Sufi là một chi nhánh thần bí của đạo Islam, vốn lan rộng khắp Tiểu Lục địa Ấn Độ vào thế kỷ 13.

Những người theo dòng này tin vào các vị thánh, những người mà họ nói có thể cầu nguyện trực tiếp thay cho họ với Đức Chúa Trời. Hàng triệu người theo đạo Islam ở Pakistan được cho là theo các giáo lý của dòng Sufi này. - BBC
|
|

8.
Trung Quốc khánh thành 7 vùng tự do mậu dịch mới

Trung Quốc kêu gọi Hoa Kỳ tôn trọng quy tắc thương mại quốc tế, đồng thời giải quyết một cách thích hợp mọi bất đồng giữa hai nước thông qua đối thoại. Phát biểu ngày 01/04/2017 của một phát ngôn viên bộ Thương Mại Trung Quốc được cho là để phản đối hai sắc lệnh mới được tổng thống Donald Trump ký ngày 31/03, nêu đích danh những nước gây thiệt hại cho Mỹ trong lĩnh vực trao đổi mậu dịch, trong đó có Trung Quốc.

Trong khi Hoa Kỳ mạnh tay bảo hộ nền kinh tế Mỹ, thì Trung Quốc tỏ ra cởi mở hơn khi khai trương 7 vùng tự do mậu dịch (FTZ) mới ngày 01/04, bốn năm sau khi khu vực tự do mậu đầu tiên được thành lập ở Thượng Hải. Thông tín viên Angélique Forget, từ Thượng Hải, cho biết, Bắc Kinh hy vọng những khu vực này sẽ là đầu tầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

"Thêm bảy vùng tự do mậu dịch mới vào tổng số bốn vùng khác đã tồn tại và nằm trong vùng duyên hải phía đông Trung Quốc. Lần này, Bắc Kinh chọn đầu tư vào khu vực phía tây, ít phát triển hơn, để thành lập các khu vực dành cho tự do mậu dịch. Những khu vực được chọn trên cũng nằm trong dự án Con Đường Tơ Lụa Mới nhằm tạo điều kiện cho trao đổi thương mại với các nước láng giềng.

Bảy khu vực tự do mậu dịch mới trải rộng trên khoảng 100 km2. Tại đây, các doanh nghiệp nước ngoài có thể xuất khẩu sản phẩm hay dịch vụ của họ với mức thuế nhẹ hơn, thậm chí là được miễn thuế.

Đối với bộ trưởng Thương Mại Trung Quốc, dự án bảy vùng tự do mậu dịch mới này thể hiện rõ mong muốn thúc đẩy mở cửa đất nước của chính quyền Bắc Kinh. Tháng 01/2017, tại thượng đỉnh Davos, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gây bất ngờ với bài diễn văn đề cao chủ nghĩa tự do mậu dịch. Vì thách thức đối với Bắc Kinh là thu hút đầu tư nước ngoài trên lãnh thổ Trung Quốc và thuyết phục doanh nghiệp nước ngoài ở lại để bù đắp cho tình trạng thất thoát vốn nghiêm trọng khỏi Trung Quốc". - RFI
|
|

9.
Nga phong tỏa mạng để chặn giới trẻ biểu tình

Chính quyền Nga mở một cuộc điều tra hình sự ngày 01/04/2017 sau lời kêu gọi biểu tình tại trung tâm thủ đô Matxcơva vào ngày 02/04. Lời kêu gọi nặc danh được đăng trên Internet và bị chính quyền tố cáo là « bất hợp pháp » nhằm chống lại chính phủ.

Nga đã chặn đường truy cập vào nhiều website kêu gọi xuống đường, chỉ một tuần sau nhiều cuộc biểu tình phản đối nạn tham nhũng khiến hàng trăm người bị bắt, trong đó có nhà đối lập Alexei Navalny. Các nhà tổ chức cuộc biểu tình ngày Chủ Nhật 02/04 tự nhận là « những thanh niên trẻ và sinh viên bình thường ở Matxcơva » và khẳng định không liên quan đến nhà đối lập Navalny.

Thông cáo của Văn phòng Ủy ban Điều Tra Liên bang Nga tại Matxcơva, cơ quan có thẩm quyền điều tra các vi phạm nghiêm trọng, nêu rõ : « Trên Internet, một người không rõ danh tính, dùng biệt danh, đã gửi nhiều tin nhắn kêu gọi các hành động vô cùng cực đoan ». Chính quyền đã mở điều tra để truy tìm tung tích những người có liên quan.

Theo tin mới nhất, cảnh sát Nga đã bắt khoảng 32 nhà đối lập vẫn cố tình xuống đường biểu tình ngày 01/04, trong đó có 4 trẻ thành niên. Nổi bật là Pavel Diatlov, 16 tuổi, người trở thành một biểu tượng phản kháng của giới trẻ Nga sau khi bị chụp ảnh trong cuộc biểu tình vào tuần trước khi cậu trèo lên một cột điện.

Trong cuộc biểu tình tuần trước, bị đàn áp mạnh, những người xuống đường đã gọi đích danh thủ tướng Mevedev là « đại gia tham nhũng ». Còn tổng thống Nga Vladimir Putin, người có thể ra tranh cử nhiệm kỳ thứ tư vào năm 2018, tuyên bố những người vi phạm luật pháp sẽ bị trừng trị. - RFI
|
|

10.
Thủ tướng Serbia nhận được nhiều ủng hộ trong bầu cử tổng thống

Các cử tri Serbia đi bỏ phiếu hôm Chủ nhật trong cuộc bầu cử tổng thống mà qua đó cũng đánh giá về thời gian nắm quyền của vị thủ tướng mạnh mẽ Aleksandar Vucic trong bối cảnh Nga đang ngày càng tăng ảnh hưởng ở khu vực Balkan.

Người ta dự báo ông Vucic sẽ giành chiến thắng với cách biệt lớn trước 10 ứng cử viên đối lập trong cuộc bầu cử tổng thống.

Ông Vucic, một người trước đây theo đường lối dân tộc cực đoan đã chuyển thành một chính trị gia tự nhận là thân châu Âu, có thể gặp khó khăn nếu ông không thắng đậm trước các đối thủ trong vòng bỏ phiếu đầu tiên.

Vị thủ tướng 47 tuổi phải giành được hơn 50% phiếu bầu để tránh một cuộc bầu cử một mất một còn vào ngày 16/4.

Nếu Vucic thắng cử, người ta tiên liêu ông sẽ làm cho chức vụ tổng thống trở nên có tính thực chất hơn, không còn mang tính hình thức.

Mặc dù ông Vucic đã nói ông muốn đưa Serbia vào Liên hiệp châu Âu, song lâu nay ông đã theo đuổi mối quan hệ gần gũi hơn với Nga, một đồng minh lâu năm.

Ngay trước cuộc bầu cử, ông Vucic thậm chí đã thăm Tổng thống Nga Vladimir Putin, người đã hứa sẽ cung cấp máy bay chiến đấu, xe tăng và xe bọc thép cho Serbia. Tin tức này đã làm dấy lên mối quan ngại về một cuộc chạy đua vũ trang ở tây Balkans, một khu vực mà Nga coi là nằm trong tầm ảnh hưởng của nước này. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

11.
Đại sứ Haley nói ông Trump không ngăn bà công kích Nga

Bà Nikki Haley, Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên hợp quốc, nói hôm Chủ nhật rằng Tổng thống Donald Trump chưa hề ngăn cản bà công kích Nga, ngay cả khi ông tiếp tục tấn công giới truyền thông Mỹ về việc họ đưa tin về các cuộc điều tra của quốc hội và tư pháp để xác định xem liệu các phụ tá của ông có câu kết với các quan chức Nga để giúp ông giành chiến thắng trong bầu cử hay không.

Bà Haley nói với ABC News: "Tổng thống chưa bao giờ gọi cho tôi và nói 'Đừng công kích Nga' – ông chưa bao giờ gọi cho tôi và bảo tôi phải nói gì. Tôi vẫn công kích Nga".

Bà Haley nói việc Nga giành lấy bán đảo Crimea của Ukraine vào năm 2014 là sai trái, và việc Moscow vẫn tiếp tục dính líu và ủng hộ các chiến binh thân Nga ở Đông Ukraine chống lại các lực lượng của Kiev cùng là sai trái.

Bà nói: "Khi họ làm điều gì sai trái, tôi không ngần ngại gì khi nói ra điều đó. Tổng thống chưa bất đồng với tôi về việc bắt Nga phải chịu trách nhiệm giải trình".

Khi được hỏi liệu ông Trump cũng cần phải "công kích Nga" hay không, bà Haley trả lời: "Dĩ nhiên rồi, ông ấy có rất nhiều việc đang làm, nhưng ông ấy sẽ không ngăn tôi công kích Nga".

Bà Haley nói: "Hoa Kỳ tiếp tục lên án và kêu gọi Nga chấm dứt ngay lập tức việc chiếm đóng Crimea”. Bà nói thêm rằng "các biện pháp trừng phạt liên quan đến Crimea" áp dụng với Nga sẽ tiếp tục "được duy trì cho đến khi Nga trả lại Ukraine quyền kiểm soát bán đảo". - VOA
|
|

12.
Sắc luật bảo hộ mậu dịch của Donald Trump bị lên án

Hôm thứ Sáu 31/03/2017, tổng thống Mỹ Donald Trump ký hai sắc luật gọi là « chống các nước gây hại cho kinh tế Mỹ ». Nhà Trắng muốn gì, làm gì ? Phản ứng quốc tế ra sao ?

Theo bộ trưởng Ngoại Thương Wilbur Ross, trong vòng ba tháng tới đây sẽ thiết lập một danh sách « từng quốc gia, từng món hàng, từng trường hợp gian lận » trong giao dịch với Mỹ. Mọi châu lục đều bị đặt trong tầm nhắm : Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam…ở châu Á. Đức, Pháp, Ý, Thụy Sĩ, Ai Len… ở châu Âu rồi Canada, Mêhicô ở châu Mỹ.

Mục đích của Washington là sử dụng danh sách này để xét lại các hiệp định tự do mậu dịch đa phương mà định chế cột trụ là Tổ Chức Thương Mại Thế Giới WTO. Nhiều nước đã lên tiếng tố cáo âm mưu bảo hộ mậu dịch của chính quyền Trump đi ngược lại trào lưu toàn cầu hóa hiện nay.

Tại châu Âu, chính phủ Đức phản ứng mạnh. Bộ trưởng Thương Mại Brigitte Zypries lưu ý Washington là lý do làm cho cán cân ngoại thương Mỹ-Đức, nghiêng về phía Đức và tăng gấp đôi trong 10 năm qua, không phải vì nước ngoài mà một phần là do lỗi xí nghiệp Mỹ cạnh tranh yếu.

Thủ tướng nước Ý, Paolo Gentiloni, trước những chỉ trích Roma « lạm dụng tự do mậu dịch », cho biết ông sẽ nhân Thượng đỉnh G7, vào tháng 5 tới đây tại Sicile, có tổng thống Mỹ tham dự, kêu gọi « tái xác định niềm tin vào kinh tế tự do và xã hội rộng mở » cội nguồn của sự phồn vinh từ nhiều thập niên qua. Còn tại Bắc Mỹ, thủ tướng Canada Justin Trudeau tránh đối đầu với Donald Trump nhưng khẳng định chủ trương của Ottawa là « tăng trưởng đồng đều". - RFI
|
|

13.
Các giấy tờ tài chính mới của ông Flynn tiết lộ mối liên hệ với Nga

Ông Michael Flynn, vị tướng quân đội hồi hưu bị Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sa thải khỏi vị trí cố vấn an ninh quốc gia, đã sửa lại văn bản công bố về tài chính của ông, tiết lộ mối quan hệ của ông với Nga.

Các hồ sơ mới của ông Flynn cho thấy hãng tin tức được nhà nước Nga tài trợ Russia Today (RT) đã trả ông 45.000 đôla để phát biểu tại lễ kỷ niệm 10 năm thành lập hãng. Ngoài ra, hai công ty khác của Nga đã trả cho ông vài ngàn đôla cho các bài phát biểu.

Ông Robert Kelner, luật sư của ông Flynn, cho biết bản khai ban đầu của ông Flynn là một bản sơ thảo, đã được nộp chỉ vài ngày trước khi thân chủ của ông từ chức. Ông Kelner cho biết rằng trước khi rời chức vụ, ông Flynn đã không có cơ hội tham vấn với Văn phòng Luật sư Tòa Bạch Ốc và Văn phòng Đạo đức Chính phủ Hoa Kỳ; việc tham vấn làm một phần trong thủ tục nộp các bản khai. Ông Kelner nói khi Tòa Bạch Ốc sau này đề nghị ông Flynn hoàn thành thủ tục này, "ông đã làm như vậy".

Các văn bản đã sửa lại của ông Flynn được công bố vào tối thứ Sáu cùng với nhiều báo cáo tài chính khác của các nhân viên cao cấp thuộc Tòa Bạch Ốc.

Tin tức về việc ông Flynn không báo cáo tất cả các giao dịch tài chính của mình với Nga đã xuất hiện khi Cục Điều tra Liên bang cũng như các Ủy ban Tình báo của Thượng viện và Hạ viện đang điều tra về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ năm 2016 cũng như mức độ tương tác giữa các nhân viên cao cấp của Tòa Bạch Ốc với Nga.

Ông Trump đã chọn ông Flynn làm cố vấn an ninh quốc gia trước khi ông tuyên thệ nhậm chức tổng thống. Theo các quan chức trong chính quyền ông Trump, ông Flynn đã làm việc trên cương vị người đứng đầu Hội đồng An ninh Quốc gia chỉ trong 24 ngày trước khi ông buộc phải từ chức - không phải vì các mối quan hệ của ông với Nga, mà vì ông làm Phó Tổng thống Mike Pence hiểu nhầm khi không kể ra là ông đã có các cuộc gặp với Đại sứ Nga tại Mỹ.

Ông Flynn đã gặp Đại sứ Nga Sergey Kislyak trong giai đoạn chuyển giao sau bầu cử mà không thông báo cho chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama, người vẫn còn tại vị vào thời điểm đó. Vị tướng hồi hưu cũng đã cung cấp thông tin sai cho ông Pence và các quan chức khác của Tòa Bạch Ốc về việc ông tiếp xúc với đại sứ Nga. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

14.
Indonesia lại đánh chìm tàu cá Việt Nam

Indonesia lại phá hủy tàu cá của ngư dân Việt Nam trong chiến dịch ngăn chặn nạn đánh bắt hải sản trái phép tại ngư trường của quốc gia Đông Nam Á này.

81 tàu của nước ngoài, trong đó có Việt Nam, Philippines, Malaysia và Thái Lan, đã bị cho nổ tung tại nhiều địa điểm khác nhau của đảo quốc này hôm 1/4.

Nhiều tàu cá bị phá hủy nhất (26 chiếc) ở Natuna nằm gần Biển Đông, và tiếp theo (10 chiếc) ở cảng biển Tarempa gần đó, theo AP.

Kể từ khi lên nhậm chức năm 2014, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã mạnh tay đối với tình trạng đánh bắt cá trái phép trên lãnh hải nước mình. 317 tàu nước ngoài, kể cả số mới nhất, đã bị đánh chìm kể từ đó.

Trả lời VOA Việt Ngữ cuối năm ngoái, Bộ trưởng phụ trách Ngư nghiệp và Hàng hải của Indonesia, Susi Pudjiastuti, cho biết rằng chuyện ngư dân Việt đánh bắt trái phép là một vấn đề được mang ra thảo luận trong cuộc gặp giữa bà và Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Vũ Văn Tám khi quan chức người Việt thăm Indonesia.

Bà Pudjiastuti nói thêm rằng việc đánh đắm các tàu nước ngoài “hết sức hiệu quả trong việc ngăn chặn hàng trăm tàu bè khỏi lãnh hải của chúng tôi”, nhấn mạnh rằng “đây là cách tốt nhất”.

Bộ Ngoại giao Việt Nam từng “bày tỏ quan ngại sâu sắc trước việc lực lượng chức năng Indonesia đánh chìm một số tàu cá của Việt Nam vi phạm vùng biển của Indonesia", và kêu gọi chính quyền Jakarta xử lý ngư dân Việt vi phạm lãnh hải của Indonesia “trên tinh thần nhân đạo và quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước, cùng là thành viên của ASEAN”.

Không chỉ Indonesia, mà nhiều nước như Philippines, Thái Lan, Palau hay thậm chí Australia thời gian qua đã bắt nhiều ngư dân Việt, sau khi cáo buộc họ đánh bắt hải sản trái phép.

Khi được hỏi ý kiến về những nhận định trên mạng rằng “chính việc Trung Quốc ngăn chặn đánh bắt ở vùng biển truyền thống của Việt Nam trên biển Đông, nên ngư dân Việt phải đi các vùng biển của nước khác để đánh bắt”, ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam từng nói với VOA Việt Ngữ: “Có thể có nhiều người suy nghĩ như thế này, như thế nọ. Còn đối với phía chúng tôi vẫn khẳng định rằng vùng biển một triệu km vuông đặc quyền kinh tế của chúng tôi vẫn được đảm bảo để bà con ngư dân đánh bắt".

Ông Thắng nói thêm: "Các cơ quan chấp pháp của chúng tôi như là kiểm ngư, hải quân cũng như bộ đội biên phòng thì luôn luôn cố gắng hiện diện để bảo vệ ngư trường truyền thống của bà con. Chúng tôi cũng tổ chức đoàn đội để giữ vững ngư trường của mình, cũng không để đến nỗi có một suy nghĩ như thế. Còn những việc tàu bè Trung Quốc va đập, húc tàu của Việt Nam ở khu vực Hoàng Sa của Việt Nam thì có chứ không phải không, nhưng không thể nào làm bà con ngư dân chùn bước, không đánh bắt ở vùng biển của mình”.

Tháng trước, kênh ABC của Úc đưa tin, tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông là một trong các lý do khiến các ngư dân Việt Nam phải chuyển hướng sang đánh bắt cá trái phép ở vùng lãnh hải của Australia.

Cơ quan truyền thông của Úc này dẫn lời ba ngư dân Việt mới bị tống giam nói tại tòa ở Queensland rằng “họ bị Trung Quốc đẩy ra khỏi ngư trường truyền thống gần Trường Sa”.

Trước đó, gần 30 ngư dân Việt trên hai tàu cá bị bắt ngoài khơi Queensland vì đánh bắt hải sâm trái phép. - VOA

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9




No comments:

Post a Comment