Saturday, April 8, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Bảy 8/4

Tin Thế Giới

1.
TT Mỹ nói có thể vượt qua nhiều khác biệt với Chủ tịch TQ --- Ông Tập ghé thăm Alaska trên đường trở về Trung Quốc

Tổng thống Donald Trump ngày 7/4 tuyên bố đạt tiến bộ trong các cuộc thảo luận với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và hy vọng đôi bên sẽ vượt qua được nhiều vấn đề, một phát biểu trái ngược với những ngôn từ gay gắt chống Trung Quốc của ông Trump trong cuộc vận động tranh cử 2016.

Ngồi đối diện với ông Tập trong ngày thứ nhì của hội nghị thượng đỉnh Florida, ông Trump tuyên bố là mối quan hệ của ông với nhà lãnh đạo Trung Quốc thật tuyệt vời sau khi hai bên thảo luận về những bất bình trong thương mại và những quan ngại về chương trình hạt nhân Bắc Triều Tiên.

Trước cuộc gặp, ông Trump từng tuyên bố sẽ nêu quan ngại về cách thức buôn bán của Trung Quốc và áp lực để ông Tập nỗ lực hơn kìm chế tham vọng hạt nhân của Bắc Triều Tiên, dù không hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận quan trọng nào về hai vấn đề này.

Tuần qua, ông Trump cũng lên Twitter chia sẻ rằng Hoa Kỳ không thể tiếp tục chấp nhận thâm thủng mậu dịch và tình trạng mất công ăn việc làm vì Trung Quốc nữa và dự đoán rằng cuộc họp với ông Tập Cận Bình sẽ ‘rất cam go.’

Ông đã thay đổi giọng điệu vào ngày 7/4 khi nói rằng “Chúng ta đã đạt được tiến bộ lớn trong quan hệ với Trung Quốc. Tôi nghĩ đã thật sự đạt tiến bộ. Chúng ta sẽ tiếp tục đạt thêm nhiều tiến bộ nữa. Mối quan hệ giữa tôi và Chủ tịch Tập thật tuyệt vời.”

Tổng thống Mỹ nói thêm: “Và tôi tin là nhiều vấn đề rất khó khăn sẽ qua đi.”

Tuy nhiên, hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung được nhiều người trông đợi bị mất một phần chú ý vì những cuộc tấn công phi đạn của Mỹ nhắm vào một căn cứ không quân của Syria đêm qua. Ông Trump cho rằng căn cứ này là nơi cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học gây chết người đã được thực hiện. Đây là cuộc tấn công trực tiếp đầu tiên của Hoa Kỳ vào chính phủ Bashar al-Assad được Nga ủng hộ trong 6 năm nội chiến Syria.

Hành động mạnh mẽ của Mỹ tại Syria có thể được giải thích như là một tín hiệu đặc biệt đối với Bắc Triều Tiên, và rộng hơn nữa là Trung Quốc, cũng như nhiều quốc gia khác như Iran hay Nga rằng ông Trump sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự nếu cần.

Những quan ngại về an ninh của Mỹ đối với Trung Quốc cũng chú trọng đến việc Bắc Kinh mở rộng tuyên bố chủ quyền tại vùng Biển Đông chiến lược.

Một giới chức cao cấp trong chính quyền Mỹ nói ông Trump thông báo cho ông Tập về cuộc tấn công tại Syria vào lúc kết thúc buổi ăn tối ngày thứ Năm. Ông Trump sau đó loan báo trên truyền hình là đã ra lệnh tấn công để trả đũa vụ tấn công bằng khí độc làm chết nhiều người, trong đó có trẻ em, tại một khu vực do phe nổi dậy chiếm đóng.

Tại Bắc Kinh, Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi tất cả các bên tại Syria tìm một giải pháp chính trị cho cuộc nội chiến tại đây. - VOA

***
Sau hai ngày tham dự những cuộc hội đàm thu hút nhiều sự chú ý với Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã dừng chân tại một điểm tiếp nhiên liệu ở bang Alaska vào tối thứ Sáu, nhân dịp đó gặp gỡ thống đốc của bang này.

Thống đốc Bill Walker chào đón ông Tập tới thủ phủ Anchorage của bang lớn nhất nước Mỹ nằm gần Bắc Cực, nơi cả hai thực hiện một chuyến tham quan ngắn và nói về quan hệ thương mại của Alaska với Trung Quốc.

"Chúng tôi có tiềm năng hết sức to lớn trong các ngành dầu khí, du lịch, đánh bắt thủy sản, hàng không và tài nguyên khoáng sản," ông Walker nói trong một thông cáo được đưa ra trước cuộc hội kiến.

Ông Tập đã yêu cầu một cuộc gặp gỡ với ông Walker. Ông Walker đã nhân dịp này quảng bá tài nguyên khoáng sản dồi dào của Alaska cũng như cổ súy một đường ống dẫn khí đốt sẽ tạo điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc.

Trung Quốc mua hàng hóa của Alaska trị giá gần 1,2 tỉ đôla trong năm 2016, theo số liệu từ Cục Điều tra Dân số Hoa Kỳ, và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của bang này.

Chris Hladick, người đứng đầu Sở Thương mại Alaska, nói với hãng tin AP rằng cuộc hội kiến này là "cơ hội một lần trong đời." - VOA
|
|

2.
Ngoại trưởng Anh hủy chuyến đi Moscow sau vụ Syria --- Hoa Kỳ tuyên bố sẵn sàng tiếp tục tấn công Syria

Ngoại trưởng Anh tuyên bố hủy bỏ chuyến công du tới Moscow sau vụ tấn công bằng vũ khí hóa học tại Syria.

Ông Boris Johnson lẽ ra theo kế hoạch sẽ lên đường vào thứ Hai, nhưng nay nói tình thế đã thay đổi "một cách căn bản" và ưu tiên hàng đầu của ông vào lúc này là tạo dựng các hỗ trợ quốc tế nhằm đạt được một thỏa thuận ngừng bắn.

Ông nói rằng Anh quốc đã kêu gọi Nga làm mọi thứ có thể nhằm đem đến "một dàn xếp chính trị tại Syria".

"Chúng tôi lấy làm tiếc là Nga đã tiếp tục bảo vệ cho chế độ Assad," ông nói thêm.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson sẽ tới Nga theo đúng kế hoạch, sau khi dự cuộc họp G7 vào hôm 10-11/4.

Ông Johnson nói ông đang làm việc để đưa 'các đối tác có cùng suy nghĩ' lại bên nhau nhằm 'sớm tìm kiếm những bước đi tiếp theo'.

Ông Tillerson có thể sẽ đưa ra một "thông điệp rõ ràng, có sự phối hợp [giữa các bên] cho phía Nga" sau cuộc họp giữa bảy quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới, ông Johnson nói.

Ông kêu gọi Nga hãy hợp tác với cộng đồng quốc tế để "đảm bảo rằng những sự kiện gây chấn động hồi tuần trước sẽ không bao giờ xảy ra nữa".

Tổng số 89 người, trong đó có 33 trẻ em và 18 phụ nữ, đã thiệt mạng trong vụ nghi là tấn công bằng chất độc thần kinh tại thị trấn Khan Sheikhoun của Syria, nơi các phiến quân đang nắm giữ, vào hôm thứ Ba.

Chính phủ Syria bác bỏ việc họ sử dụng khí độc.

Hôm thứ Sáu, Hoa Kỳ đã tiến hành một loạt các vụ phóng hỏa tiễn vào một căn cứ không quân của Syria mà phía Mỹ nói nghi là nơi cất trữ vũ khí hóa học. Tin tức nói ít nhất sáu người thiệt mạng trong vụ này.

Để đáp trả, đồng minh của Syria là Nga cáo buộc Hoa Kỳ là khuyến khích "những kẻ khủng bố" bằng các hành động đơn phương.

Nga đã cam kết thêm trong việc củng cố các hệ thống phòng không của Syria và nay cắt bỏ đường dây nóng với Hoa Kỳ, vốn được thiết lập nhằm tránh để xảy ra tình trạng đụng độ giữa các lực lượng không quân của hai nước tại Syria.

Chuyến đi của ông Johnson nhằm có các cuộc thảo luận với người tương nhiệm, Ngoại trưởng Sergey Lavrov, và nếu diễn ra sẽ là chuyến đi đầu tiên của một ngoại trưởng Anh tới Nga trong vòng hơn năm năm qua. - BBC

***
Ít giờ sau khi Mỹ tấn công căn cứ không quân của chế độ Damas, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã triệu tập phiên họp khẩn cấp theo đề nghị của Nga và Bolivia để thảo luận về hành động tấn công Syria của Mỹ. Các cuộc đấu khẩu giữa đại diện Nga và Mỹ đã diễn ra rất gay gắt xung quanh tính hợp pháp của vụ can thiệp quân sự. Khẳng định hành động của mình là sự đáp trả chính đáng, Hoa Kỳ thậm chí còn cảnh báo sẵn sàng đi xa hơn nữa.

Thông tín viên RFI tại New York Marie Bourreau tường trình:

« Hoa Kỳ đã có quyết định rất chừng mực tối qua, chúng tôi sẵn sàng làm hơn thế, nhưng tôi hy vọng điều đó không cần thiết ».

Không có ý làm dịu tình hình, Hoa Kỳ qua lời đại diện tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley đã gửi đến Bachar al-Assad và đồng minh Nga lời cảnh báo mới. Hoa Kỳ không thể chấp nhận thêm các cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học tại Syria. Làn ranh đỏ đó nếu bị vượt qua lần nữa sẽ dẫn tới một chiến dịch quân sự mới.

Một phần của cuộc thảo luận hôm qua xoay quanh tính hợp pháp của cuộc can thiệp của Mỹ mà không có đồng ý của Liên Hiệp Quốc. Nga đánh giá đó là hành động bất hợp pháp và họ được đại diện của Bolivia ủng hộ. Đại sứ Bolivia phát biểu : « Giờ đây, Hoa Kỳ tự cho mình vừa là người điều tra, luật sư, thẩm phán và là đồ tể luôn. Việc làm này hoàn toàn không phù hợp với luật pháp quốc tế ».

Phần đông các nhà ngoại giao không muốn tranh cãi về vấn đề đánh giá sự đáp trả của Mỹ có hợp pháp hay không. Tuy nhiên, giờ đây họ mong đợi Mỹ cam kết lại là thực sự ủng hộ tiến trình chính trị tại Syria.

Mỹ nghi Damas đã được trợ giúp trong vụ tấn công hóa học

Giới quân sự Mỹ nghi rằng chế độ Syria đã được « trợ giúp » để tiến hành vụ tấn công bằng vũ khí khí hóa học ngày 04/04/2017, nhưng chưa thể khẳng định đó là sự trợ giúp của nước Nga, đồng minh chủ chốt của tổng thống Bachar al-Assad. Đó là tuyên bố của của một quan chức quân sự cao cấp của Mỹ, xin miễn nêu tên, với các phóng viên hôm qua, 07/04.

Theo lời quan chức này, ít ra là Matxcơva đã không kiểm soát được hoạt động của đối tác Syria, vì người Nga đã có mặt tại căn cứ không quân al-Chaayrate bị tấn công bằng tên lửa Tomahwak của Mỹ, nơi mà các máy bay Syria đã cất cánh để tấn công bằng vũ khí hóa học vào Khan Cheikhuon, khiến 86 người chết, trong đó có nhiều trẻ em.

Quan chức quân sự Mỹ tuyên bố hiện giờ chưa thể xác định được vai trò của Nga trong vụ này, nhưng nếu có bằng chứng hoặc cáo buộc khả tín nào, họ sẽ có hành động tương xứng.

Theo thẩm định của Lầu Năm Góc, hiện có khoảng từ một chục đến một trăm người Nga ở căn cứ không quân bị tấn công. Họ đã được Hoa Kỳ thông báo trước về cuộc tấn công. Theo các quân nhân Mỹ, các tên lửa Tomahwak đã tránh khu vực mà Nga sử dụng ở sân bay này.

Tuy nhiên, vụ tấn công bằng tên lửa của Mỹ đã bị Matxcơva lên án kịch liệt. Hôm qua, Nga loan báo đã đình chỉ thi hành thỏa thuận với Hoa Kỳ về việc ngăn ngừa các sự cố giữa phi cơ hai nước trên không phận Syria. Matxcơva và Washington đã ký thỏa thuận này vào tháng 10/2015, vài tuần sau khi Nga khởi động chiến dịch can thiệp vào Syria để hỗ trợ cho chế độ Bachar al-Assad.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson hôm nay cũng vừa thông báo hủy chuyến viếng thăm ở Nga, dự trù cho ngày thứ hai tuần tới, do có những « diễn biến ở Syria làm thay đổi căn bản tình hình ». Ông Johnson lấy làm tiếc là Matxcơva tiếp tục bảo vệ chế độ al-Assad, ngay cả sau khi xảy ra vụ tấn công hóa học vào thường dân vô tội. - RFI
|
|

3.
Philippines ‘không chiếm đóng các đảo mới’ ở Biển Đông

Quan chức quốc phòng Philippines hôm 7/4 đã đồng loạt lên tiếng làm rõ tuyên bố của Tổng thống nước này, ông Rodrigo Duterte, ra lệnh cho các binh sĩ tới chiếm đóng các đảo và bãi đá không người ở mà Manila tuyên bố chủ quyền ở vùng biển tranh chấp với nhiều nước.

Nguyên thủ Philippines hôm 6/4 còn cho biết rằng ông có thể tới thăm một hòn đảo nằm dưới sự kiểm soát của nước này để giơ cao quốc kỳ nhằm khẳng định chủ quyền của Manila.

Nhưng, theo Reuters, các quan chức quân sự nước này đã lên tiếng “đính chính” các tuyên bố của ông Duterte.

​Hãng tin này dẫn lời một tư lệnh hải quân nói: “Mệnh lệnh của tổng thống rất rõ ràng. Chỉ chiếm đóng những khu vực mà chúng tôi đã có chủ quyền”.

Quan chức hải quân này nói thêm rằng “theo như một thỏa thuận ký năm 2002 [Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông], Philippines không được phép chiếm đóng các vùng lãnh hải mới ở Trường Sa”.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 7/4 bày tỏ quan ngại về các tuyên bố của ông Duterte.

Bộ này cũng bày tỏ hy vọng rằng Philippines sẽ tiếp tục xử lý các tranh chấp về lãnh hải với Trung Quốc một cách phù hợp.

Phát biểu của ông Duterte được đưa ra sa khi ông được các quan chức quân sự và quốc phòng cập nhật thông tin về các diễn biến ở Biển Đông tại Palawan.

Reuters dẫn lời một phát ngôn viên quân đội nói rằng ông Duterte đề cập tới “các đảo đã chiếm đóng”.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana nói rằng chỉ có các kế hoạch “sửa chữa và nâng cấp các cơ sở ở Trường Sa”.

Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối ra tuyên bố về phát biểu của ông Duterte, nhưng trong quá khứ, từng kêu gọi các bên tranh chấp ở Biển Đông hạ giảm căng thẳng và giải quyết các khác biệt theo luật pháp quốc tế. - VOA
|
|

4.
Lãnh đạo đối lập Venezuela bị cấm tranh cử trong 15 năm

Chính phủ Venezuela đã cấm nhà lãnh đạo phe đối lập Henrique Capriles tranh cử trong 15 năm tới. Ông Capriles là một trong những người chỉ trích Tổng thống Nicolas Maduro mạnh mẽ nhất và hai lần từng là ứng cử viên tổng thống nặng ký.

Ông Capriles đọc những trích đoạn lệnh cấm của tổng trưởng tài vụ tại một cuộc tập hợp vào tối thứ Sáu và kêu gọi những người ủng hộ xuống đường, bắt đầu với cuộc biểu tình dự kiến diễn ra hôm thứ Bảy để bảo vệ các quyền chính trị của họ và đòi bãi nhiệm Tổng thống Nicolas Maduro.

Ông Capriles, 44 tuổi, hiện là thống đốc bang Miranda giáp khu vực thủ đô Caracas, là một trong những nhà lãnh đạo nổi bật nhất đằng sau phong trào phản kháng đang lan rộng khắp toàn quốc trong tuần qua.

Ông Maduro không bình luận về lệnh này khi xuất hiện trên truyền hình toàn quốc vào ngày thứ Sáu, nhưng kêu gọi những người ủng hộ ông đừng để bị phân tâm bởi lời lẽ cứng rắn đến từ "Capriloca," một kiểu chơi chữ trong tiếng Tây Ban Nha ý nói ông Capriles "bị điên."

Những nhà lãnh đạo đảng Xã hội đương quyền trong những ngày qua đã cáo buộc ông Capriles tìm cách gây nên một cuộc tắm máu thông qua sự lãnh đạo của ông trong các cuộc biểu tình gần như hàng ngày. Nhiều cuộc biểu tình đã kết thúc bằng một vụ xả hơi cay và bắn đạn cao su.

Các cuộc biểu tình đã gia tăng cường độ trước đó trong tháng này sau khi Tòa án Tối cao của Venezuela ra phán quyết hạn chế quyền hành của cơ quan lập pháp do phe đối lập kiểm soát. Tòa án đã đảo ngược phán quyết này vài ngày sau đó sau khi vấp phải sự công phẫn, nhưng phe đối lập nói hành động này cho thấy bản chất độc đoán của chính quyền. - VOA
|
|

5.
Bắc Hàn: Vụ không kích Syria ‘không thể tha thứ’

Bắc Hàn hôm 8/4 nói rằng các vụ không kích bằng tên lửa của Mỹ vào một căn cứ không quân của Syria trước đó một ngày là "một hành động xâm lược không thể tha thứ”, và rằng quyết định phát triển vũ khí hạt nhân của nước này là “sự lựa chọn đúng đắn một triệu phần trăm”.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Bắc Hàn được hãng tin chính thức của nước này là KCNA loan đi.

Hãng tin này dẫn lời một phát ngôn viên không rõ danh tính của Bộ Ngoại giao Bắc Hàn nói: “Vụ tấn công bằng tên lửa của Mỹ vào Syria là một hành động xâm lược nhắm vào một nước có chủ quyền và chúng tôi mạnh mẽ lên án hành động này”.

KCNA nói rằng lãnh tụ Kim Jong Un và Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã trao đổi những lời chúc nồng ấm cũng như cam kết về tình bạn hữu và hợp tác giữa hai nước.

Theo hãng tin này, ông al-Assad đã cám ơn ông Kim vì đã nhận ra sự tranh đấu của người Syria nhằm “đối mặt với các thách thức như các hành động độc ác của những kẻ khủng bố trên thế giới và khuyến khích Syria đương đầu thành công với cuộc khủng hoảng”.

Đây là phản ứng đầu tiên của Bình Nhưỡng kể từ khi các tàu chiến của Mỹ ở Địa Trung Hải phóng hàng chục tên lửa vào một căn cứ không quân của Syria mà Lầu Năm Góc cáo buộc có liên quan tới vụ tấn công bằng vũ khí hóa học trước đó trong tuần.

Reuters đưa tin, quốc gia bị quốc tế cô lập nằm ở phía bắc bán đảo Triều Tiên coi Syria là một trong các đồng minh chính.

Trước đó, Nga, một đồng minh khác của Damascus, cảnh báo về các hậu quả “hết sức nghiêm trọng” từ vụ không kích bằng tên lửa Tomahawk vào căn cứ Shayrat từ các tàu chiến USS Porter và USS Ross của Mỹ.

Đây được coi là quyết định ngoại giao lớn nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump kể từ khi nhậm chức vào tháng Một, cũng như sự can thiệp được coi là trực tiếp đầu tiên của Mỹ vào cuộc nội chiến kéo dài suốt 6 năm qua ở Syria.

Hành động của Hoa Kỳ được cho là đẩy Washington vào thế đối đầu với Nga, nước có các cố vấn tại thực địa để hỗ trợ Tổng thống Syria Assad.

Cuộc không kích được tiến hành khi ông Trump tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Florida nhằm tìm cách thuyết phục đồng minh chính yếu của Bắc Hàn ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

6.
Nghị sĩ Mỹ muốn giám sát quyền can thiệp quân sự của tổng thống Trump --- Hậu trường vụ tấn công Syria: Tướng lãnh Mỹ lấn lướt giới chính trị

Sau quyết định nhanh chóng của Donald Trump cho tấn công căn cứ không quân Syria tối 06/04/2017 vừa qua, nhiều nghị sĩ Mỹ đã lên tiếng yêu cầu từ giờ trở đi, nếu có ý định tuyên chiến hay can thiệp quân sự, tổng thống Trump phải xin phép hoặc ít ra phải thông báo cho Quốc Hội.

Các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình vào căn cứ quân sự của Syria theo lệnh của tổng thống Donald Trump đã làm dấy lên các tranh luận xung quanh quyền lực quân sự của tổng tư lệnh quân đội, tức tổng thống. Ở Mỹ, quyền hạn này của tổng thống vẫn được hiểu là phải nằm trong khuôn khổ của quyền lập pháp.

Nhiều tiếng nói trong cả phe Cộng Hòa lẫn Dân Chủ đã ủng hộ quyết định hành động của tổng thống Donald Trump. Nhưng cũng không ít các nghị sĩ cho đó là quyết định nóng vội, không mang tính chiến lược và trong một quyết định lớn mang tính chiến lược thì cần phải có sự can dự của Quốc Hội. Đó có thể là các tham khảo ý kiến, các cuộc điều trần và được phép chính thức sử dụng sức mạnh.

Trên thực tế, nhiều tổng thống Mỹ đã đơn phương ra lệnh mở các chiến dịch quân sự, nhân danh quyền của tổng tư lệnh quân đội đã được Hiến pháp Mỹ quy định.

Từ sau chiến tranh Việt Nam, Quốc Hội Mỹ đã thông qua luật War Powers Resolution để buộc tổng thống phải thông qua Quốc Hội trước khi tiến hành các cuộc can thiệp quân sự kéo dài trên 60 ngày, dưới thời hạn trên thì phải có thông báo trước. Tuy nhiên, nhiều tổng thống đã làm ngơ trước bộ luật trên. Đó là trường hợp của tổng thống Bill Clinton trong các cuộc chiến ở Bosnia-Herzegovina năm 1995 và Kosovo 1999, và của tổng thống Barack Obama trong cuộc tấn công Libya năm 2011.

Sau vụ tấn công vào Syria hôm thứ Năm, nhiều nghị sĩ của cả hai đảng đã lên tiếng kêu gọi tổng thống Mỹ nên hành động theo luật. Hầu hết các tổng thống Mỹ trước khi tuyên chiến ở nước ngoài đều thông qua phê chuẩn ở Quốc Hội. - RFI

***
Reuters hôm 07/04/2017 dẫn lời một số nhân vật trung tâm trong cuộc tấn công vào Syria mới đây cho biết, để giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao quan trọng đầu tiên trong nhiệm kỳ, tổng thống Mỹ đã dựa vào các chuyên gia quân sự hơn là các chính khách – trước đây vẫn chiếm ngôi vị cao trong những tuần lễ đầu ông Donald Trump mới nhậm chức. Quyết định này cũng cho thấy ông Trump muốn có phản ứng nhanh chóng.

Rất nhanh, chỉ vài giờ sau vụ tấn công bằng vũ khí hóa học làm mấy chục người chết hôm thứ Ba 4/4 tại một ngôi làng ở tỉnh Idlib, miền tây bắc Syria, các cố vấn về tình báo của Donald Trump đã cung cấp cho ông những chứng cứ cho thấy tổng thống Syria Bachar Al Assad đứng sau sự kiện tàn bạo này.

Tổng thống Trump, mà ưu tiên ở Syria là đấu tranh chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (Daech, IS), ngay lập tức ra lệnh lập ra danh sách các biện pháp trừng phạt chế độ Assad. Các quan chức cao cấp đã tham dự các cuộc họp kín kéo dài hai ngày liên tiếp, cho Reuters biết như trên.

Chiều thứ Năm 6/4, nhà tỉ phú địa ốc đã trở thành tổng thống đại cường hàng đầu thế giới, ra lệnh khai hỏa. Một cơn mưa hỏa tiễn Tomahawk trút xuống căn cứ không quân Chayrat ở phía bắc Damas – căn cứ được Lầu Năm Góc nhận định là nơi tồn trữ các vũ khí hóa học, sử dụng trong vụ tấn công Khan Cheikhoune hôm thứ Ba.

Ngoại trưởng Rex Tillerson nói với báo chí : « Đối với tôi, điều này chứng tỏ tổng thống Trump muốn hành động thực sự, khi các chính phủ hoặc những người có quyền quyết định đã đi quá trớn (…) Đây rõ ràng là lời tuyên bố của tổng thống Trump trước thế giới ».

Các quan chức chính quyền Mỹ kể lại là họ đã họp với tổng thống từ tối thứ Ba. Trong cuộc họp này, họ trình bày các khả năng hành động : trừng phạt, gây áp lực ngoại giao, và một kế hoạch quân sự tấn công Syria đã được thảo ra từ trước khi Donald Trump lên nắm quyền.

"Quý vị sẽ thấy"

Một quan chức cho biết: « Tổng thống đưa ra rất nhiều câu hỏi. Ông nói muốn cân nhắc, nhưng cũng có những điểm được ông gợi lên, để xoáy sâu vào từng giải pháp ».

Tối thứ Tư, các cố vấn quân sự nói với ông Trump rằng họ đã biết được căn cứ không quân nào đã được sử dụng để tung ra vụ tấn công hóa học, và nhận dạng được chiếc Soukhoi-22 đã tiến hành vụ này. Tổng thống bèn bảo họ tập trung vào kế hoạch quân sự. Một viên chức khác kể lại : « Chỉ cần lấy lại kế hoạch cũ, thay vào mục tiêu và thời điểm thích ứng ».

Cũng trong buổi chiều hôm ấy, Donald Trump xuất hiện trong vườn hồng của Nhà Trắng và tuyên bố vụ tấn công « không thể gọi tên » nhắm vào « cả những em bé xinh đẹp », đã làm thay đổi quan điểm của ông về Bachar Al Assad. Được hỏi có chuẩn bị một chính sách mới về Syria hay không, Donald Trump chỉ đáp gọn : « Rồi quý vị sẽ thấy ! ».

Cuối buổi chiều thứ Năm, tổng tham mưu trưởng liên quân đã triệu tập một hội nghị ở Lầu Năm Góc để hoàn chỉnh kế hoạch tấn công quân sự, trong lúc tổng thống đến dinh cơ nghỉ mát Mar-a-Lago tại Florida để gặp gỡ đồng nhiệm Trung Quốc Tập Cận Bình. Tại đó, trong một cuộc họp khác, tổng thống Donald Trump đã bật đèn xanh cho việc phóng hỏa tiễn, rồi đi ăn tối với Tập Cận Bình.

Đấu tranh quyền lực trong Nhà Trắng

Và, vào lúc hai nhà lãnh đạo kết thúc bữa tối, hai chiến hạm Mỹ neo đậu tại phía đông Địa Trung Hải là USS Ross và USS Porter đã bắn đi 59 hỏa tiễn hành trình, nhắm vào căn cứ quân sự Syria ở vùng duyên hải phía đông. Lúc đó là khoảng 00 giờ 40 GMT (2 giờ 40 sáng ở Paris, 7 giờ 40 sáng Việt Nam).

Những người tham dự hội nghị cho biết trong ba ngày họp, những cố vấn quân sự có ảnh hưởng lớn lên tổng thống Trump là cố vấn an ninh quốc gia H.R.McMaster, bộ trưởng Quốc Phòng Jim Mattis và tổng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Joseph Dunford.

Trong Nhà Trắng vốn nhiều lần dậy sóng, một cuộc đấu tranh giành ảnh hưởng đã diễn ra giữa tướng H.R.McMaster và ông Stephen Bannon, cố vấn chiến lược của Donald Trump. Ông Bannon đã bị mất ghế trong Hội Đồng An Ninh Quốc Gia hôm thứ Tư, ngay trong thời điểm đang bận rộn chuẩn bị tấn công quân sự.

Bộ Ngoại Giao Mỹ hôm thứ Năm đã báo cho các đồng minh của Hoa Kỳ biết rằng sẽ tấn công Syria lập tức, nhưng không cho biết thêm chi tiết.

Quyết định này khiến Nga, đồng minh lớn của Bachar Al Assad giận dữ. Khả năng xích lại gần nhau giữa Matxcơva và Washington mà ông Trump gợi ra, có vẻ đang lùi xa, nhất là trong cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo.

Tuy nhiên theo ngoại trưởng Rex Tillerson, không nên suy diễn là người đứng đầu Nhà Trắng khi quyết định như thế đã từ bỏ chủ trương « America First ». Và, đối với một quan chức khác có tham gia vào kế hoạch tấn công Syria, các hỏa tiễn hành trình được trút xuống căn cứ Chayrat là một cuộc tấn công tập trung vào một mục tiêu chứ không phải là một chiến dịch quân sự trên diện rộng. - RFI
|
|

7.
Đề xuất xây tường chặn di dân bằng tiền di dân

Tại cuộc gặp 45 phút với Tổng thống Donald Trump ở Tòa Bạch Ốc, hôm 4/4, dân biểu Dana Rohrabacher, đại diện tiểu bang California, đề xuất ý tưởng thu phí 1 triệu đô la người nào muốn trở thành công dân Mỹ. Và nếu ai nộp đủ số tiền này, họ sẽ thành ‘dân Mỹ’ trong vòng 2 năm.
Đối tượng mà ông Rohrabacher nhắm tới là con số trung bình hàng năm có 50,000 người, chủ yếu từ Đông Âu và Châu Phi, được sang Mỹ định cư qua chương trình xổ số di dân. Những người này phải tốt nghiệp trung học và xuất thân từ một đất nước có ít di dân tới Hoa Kỳ. Khác với hàng trăm ngàn visa khác mà Mỹ cấp mỗi năm như diện đoàn tụ gia đình hay diện lao động có tay nghề cao hoặc trong các ngành nghề Mỹ cần nhân lực, chương trình xổ số visa này là chương trình duy nhất dựa trên ý muốn của người ‘trúng giải’ sẵn sàng phủi bỏ tất cả mọi thứ để di cư sang Mỹ.

Dân biểu Rohrabacher nói chương trình visa lựa chọn ngẫu nhiên nên chấm dứt, thay vào đó, ai muốn tới Mỹ phải trả tiền, và số tiền đó sẽ dùng để xây tường thành biên giới với Mexico theo kế hoạch của Tổng thống Trump nhằm ngăn di dân lậu tràn vào Mỹ. Để hiện thực hóa ý tưởng này, cần có luật, tuy nhiên, dân biểu Rohrabacher cho biết ông chưa hoàn tất soạn thảo.

Ý tưởng xây tường chặn di dân từ tiền của di dân đang gây tranh cãi trong cộng đồng di dân người Việt tại Hoa Kỳ.

Anh Nguyễn Văn Thắng, một chủ tiệm nail tại Florida, nói: “ Đây là một câu chuyện thật hài hước. Họ nói muốn ngăn chặn di dân, bảo vệ nước Mỹ, nhưng thực tế cái gì họ cũng dựa vào di dân. Từ những công việc nặng nhọc như xây dựng đường xá, nhà cửa, dọn dẹp môi trường cho tới những dịch vụ nhà hàng, làm đẹp. Bây giờ không có tiền để xây bức tường như tuyên bố trước đây thì đối tượng đầu tiên mà người ta nghĩ tới để cầu cứu lại cũng là… di dân.”

“Như vậy là giành quyền ưu tiên cho những người có tiền. Nước Mỹ từ khi được thành lập đến nay qua hàng trăm vẫn tự hào là quốc gia đi đầu trong tự do và công bằng xã hội. Nếu ý tưởng này được thực thi thì rõ ràng nó đã đi ngược lại những giá trị cốt lõi của nước Mỹ. Chẳng lẽ nước Mỹ thiếu tiền đền mức phải làm những chuyện đó hay sao,” ông Đỗ Văn Toàn, chủ tiệm 99 cent tại Phoenix, bang Arizona, nêu thắc mắc.

Chị Nguyễn Vân Hà, một di dân mới tới Mỹ và hiện đang sinh sống tại California, chia sẻ suy nghĩ: “Những người có tiền, đóng góp nhiều cho nước Mỹ thì tất nhiên là họ có quyền được ưu tiên. Nhưng chẳng ai dám chắc, sau khi trở thành công dân Mỹ, họ sẽ tiếp tục đóng góp nhiều hơn những người nhập cư chăm chỉ lao động. Mà nếu chỉ toàn người có tiền, thì lấy ai đảm trách những công việc của những người lao động hiện nay. Tôi chắc rằng những người Mỹ bản địa sẽ không có nhiều người làm những công việc chân tay đó đâu.”

Nước Mỹ là thỏi nam châm thu hút di dân từ khắp thế giới với cụm từ “Giấc mơ Mỹ” đã tồn tại từ nhiều thập kỷ nay, nơi các quyền tự do-dân chủ luôn được đặt lên hàng đầu. Nhưng có thể nói ngược lại, nước Mỹ có được vị thế dẫn đầu hiện nay cũng nhờ vào những đóng góp rất quan trọng từ các cộng đồng di dân. Vì thế, khi gặp khó khăn về tài chính trong việc xây dựng tường thành với Mexico, xuất hiện ý tưởng tìm kiếm nguồn quỹ từ những di dân giàu có không phải là chuyện đáng ngạc nhiên. Theo dân biểu Dana Rohrabacher, có vẻ như Tổng thống Trump khá hứng thú với ý tưởng này. - VOA
|
|

8.
Mỹ lo ngại Trung Quốc mua công ty năng lượng nguyên tử Westinghouse Electric

Chính phủ Tổng Thống Trump hiện đang lo ngại các nhà đầu tư từ Trung Quốc sẽ mua được công ty Westinghouse Electric, chuyên về năng lượng nguyên tử, hiện do công ty Toshiba của Nhật làm chủ và đang muốn bán đi để giảm bớt nợ nần nặng nề, theo bản tin của tờ New York Times.

Các công ty Trung Quốc hiện đang ào ạt mua lại các công ty ở Mỹ cũng như khắp thế giới, kể cả Đức.

Trung Quốc đang nhanh chóng phát triển chương trình năng lượng điện tử của mình.

Quốc gia này có hơn 20 lò nguyên tử đang xây cất và dự tính sẽ tăng gấp đôi lượng điện do các nhà máy nguyên tử cung cấp trong ba đến bốn năm nữa, cũng theo New York Times.

Tuy nhiên, kỹ thuật của Trung Quốc thua kém rất nhiều so với các quốc gia Tây Phương.

Các lò phản ứng nguyên tử tối tân nhất ở quốc gia này không do các công ty nội địa xây cất mà là sản phẩm của các công ty Tây Phương, kể cả Westinghouse Electric, với hai lò tiên tiến nhất là loại AP1000 ở hai khu vực Trung Quốc.

Từ trước đến nay, giới tình báo Mỹ vẫn tin rằng gián điệp Trung Quốc tìm cách thu thập các bí mật kỹ nghệ của Westinghouse. Nay nếu một công ty Trung Quốc có thể mua công ty thì chẳng cần vất vả mà cũng có được các bí mật này.

Chính quyền Donald Trump không giải thích lý do tại sao không muốn công ty Trung Quốc làm chủ Westinghouse.

Một lý do giải thích điều này là vấn đề kinh tế. Hiện nay, sự phục hồi sử dụng năng lượng nguyên tử trong thế giới các quốc gia đã phát triển không nhanh như dự tưởng, tuy nhiên, nếu có kỹ thuật của Westinghouse, Trung Quốc có thể cạnh tranh với Mỹ trên đường dài.

Tuy nhiên, cũng có lý do thứ nhì quan trọng hơn: đó là về lãnh vực an ninh. Chính quyền Trump lo ngại rằng Trung Quốc có thể tìm ra cách sử dụng kỹ thuật của Westinghouse để cải tiến kho võ khí nguyên tử của họ, một trong các cột trụ chính của sức mạnh ngày càng gia tăng của Trung Quốc, theo New York Times. - nguoiviet
|
|

Tin Việt Nam

9.
Dân California sẽ bị tăng lệ phí đăng bộ xe và thuế xăng

Người lái xe ở California sẽ phải đóng thêm lệ phí và thuế xăng, theo một dự luật vừa được quốc hội tiểu bang thông qua hôm Thứ Năm, tăng thêm $52 tỷ để có tiền sửa chữa đường xá và cầu cống, theo nhật báo The SF Gate.

Sau khi thông qua, dự luật này, SB1, đã được gởi qua Thống Đốc Jerry Brown, và ông cho biết sẽ ký thành luật.

SB1, do Thượng Nghị Sĩ Jim Beall (Dân Chủ-San Jose) đưa ra, sẽ thu được $52 tỷ trong 10 năm, bằng cách tăng lệ phí đăng bộ xe từ $25 lên đến $175, tùy theo xe, bắt đầu từ ngày 1 Tháng Giêng, 2018.

Xăng dầu sẽ bị tăng thuế kể từ ngày 1 Tháng Mười Một, và bắt buộc xe không thải khói phải đóng $100 lệ phí, bắt đầu từ năm 2020.

Cụ thể, thuế xăng của tiểu bang, hiện nay là 18 cent/gallon, sẽ tăng thêm 12 cent nữa, là 30 cent/gallon.

Đối với dầu diesel, hiện do kỹ nghệ xe tải sử dụng nhiều, thuế sẽ tăng thêm 20 cent/gallon, thành 36 cent/gallon.

Thuế bán dầu diesel cũng tăng từ 1.75% hiện nay lên 5.75%.

Với tỉ lệ phiếu 2/3 cần thiết để thông qua dự luật, Thống Đốc Brown và các nhà lãnh đạo quốc hội làm việc với một số nhà lập pháp chần chừ, đồng ý cung cấp hàng trăm triệu đô la cho những dự án trong địa hạt của họ, để đổi lấy lá phiếu thuận.

Ông Brown đã vận động cho dự luật này từ khi nó được giới thiệu với các lãnh đạo quốc hội hồi tuần trước, nói rằng đây là cách tốt nhất để tiểu bang có tiền sửa chữa các cơ sở hạ tầng cũ kỹ.

Dự luật được thông qua Thượng Viện với tỉ lệ phiếu 27-11, đủ số phiếu tối thiểu cần thiết. Tạ Hạ Viện, SB1 được thông qua với tỉ lệ tối thiểu 54-26. Tất cả các vị dân cử thuộc đảng Dân Chủ bỏ phiếu thuận, chỉ trừ một người.

“Tôi rất cảm kích vì là người thuộc đảng Dân Chủ và những gì đảng Dân Chủ làm,” ông Brown nói sau cuộc bỏ phiếu. “Có một lý do tại sao thành viên của đảng khác giảm nhiều trong mấy thập niên qua. Đó là bởi vì họ không làm gì cả. Họ không làm gì để sửa chữa đường xá California.”

Ngoài dự luật này, các nhà lãnh đạo quốc hội đồng ý chi thêm hàng trăm triệu đô la, và sẽ được bỏ phiếu trong những tháng tới, để làm lợi cho các địa hạt của những vị dân cử ban đầu không muốn bỏ phiếu.

Số tiền này bao gồm $400 triệu cho địa hạt của Thượng Nghị Sĩ Anthony Cannella (Cộng Hòa-Ceres) (Stanislaus County), để làm đường xe điện Altamont Commuter Express tới Ceres và Merced, và $427 triệu cho các dự án trong các địa hạt thuộc Riverside County của Thượng Nghị Sĩ Richard Roth (Dân Chủ-Riverside) và Dân Biểu Sabrina Cervantes (Dân Chủ-Corona) (Riverside County).

Thống Đốc Brown cho rằng, chi tiêu thêm “những khoản này” có lợi cho tiểu bang. - nguoiviet
|
|

10.
Chủ tịch quốc hội VN gặp thị trưởng Stockholm

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân đã gặp Thị trưởng thành phố Stockholm, bà Eva Louis Erlandsson, hôm 7/4, đúng ngày xảy ra vụ tấn công khủng bố ở thủ đô của Thụy Điển làm 4 người thiệt mạng.

Trong cuộc gặp với bà Erlandsson, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đã bày tỏ hy vọng rằng nữ thị trưởng “sẽ thúc đẩy, khuyến khích các doanh nghiệp ở Stockholm tăng cường các mối quan hệ hợp tác, kinh tế, thương mại, đầu tư, thúc đẩy quan hệ hợp tác văn hóa, du lịch với các địa phương của Việt Nam”.

Theo trang web của chính phủ Việt Nam dẫn lời bà Ngân còn kêu gọi “lãnh đạo thành phố Stockholm tiếp tục tạo thuận lợi để cộng đồng người Việt tại đây phát huy vai trò làm cầu nối, đóng góp cho việc tăng cường quan hệ hợp tác giữa thành phố Stockholm, các địa phương của Việt Nam nói riêng và giữa hai nước nói chung”.

Không chỉ gặp thị trưởng Stockholm, sáng 7/4, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam còn “chào xã giao Công chúa kế vị Victoria Alice Désirée”, VGP News cho hay.

Tin cho biết, bà Ngân cám ơn Thụy Điển đã giúp đỡ Việt Nam thời gian qua, “đặc biệt là khoản viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam (lên đến hơn 3 tỷ USD)”.

Chiều cùng ngày, ngay sau khi biết tin về vụ khủng bố xe tải lao vào một cửa hàng bách hóa ở trung tâm Thủ đô Stockholm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã gửi lời chia buồn tới Chủ tịch Quốc hội Thụy Điển Urban Ahlin.

Theo VNA, thông tin ban đầu cho biết, không có người Việt Nam nào thương vong trong vụ khủng bố này.

Hôm 8/4, cảnh sát Thụy Điển cho biết đã bắt giữ một người đàn ông Uzbekistan bị nghi đã đâm một chiếc xe tải giao bia vào đám đông ở trung tâm thủ đô Stockholm một ngày trước đó làm 4 người chết và làm bị thương 15 người khác, theo Reuters.

Người đàn ông 39 tuổi này từng được đề cập trong các tài liệu tình báo của quốc gia Bắc Âu này, nhưng không liên quan tới những kẻ cực đoan.

Sau khi xảy ra vụ tấn công, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cũng đã gửi điện chia buồn tới người đồng nhiệm Thụy Điển Stefan Löfven.

Sáng 6/4, bà Nguyễn Thị Kim Ngân cùng đoàn tùy tùng đã rời Hà Nội thăm chính thức 3 nước châu Âu gồm Thụy Điển, Hungary và Cộng hòa Séc, cho tới ngày 14/4. - VOA

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9




No comments:

Post a Comment