Friday, November 11, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Sáu 11/11

Tin Thế Giới


1.

Cố vấn an ninh: Trump xem Nhật là đồng minh đẩy lùi TQ --- Thụy Điển muốn minh xác quan điểm của Trump về NATO, EU --- Đức: Trump chớ nên phớt lờ hành động của Nga tại Ukraine, Syria


Cuộc họp tuần tới giữa Tổng thống tân cử của Mỹ, Donald Trump với Thủ tướng Nhật, Shinzo Abe, có thể đánh dấu bước đầu các cuộc thảo luận để huy động sự hậu thuẫn của Nhật nhằm đẩy lùi ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc tại châu Á, một cố vấn an ninh của ông Trump cho biết.


Những phát biểu của ông Trump trong chiến dịch tranh cử, trong đó có yêu cầu Nhật chi trả thêm tiền để duy trì lực lượng Mỹ trên lãnh thổ Nhật, đã khiến Tokyo quan ngại về sự rạn nứt trong đồng minh an ninh với Washington trước một Trung Quốc trỗi dậy và một Bắc Triều Tiên khó lường.


Thủ tướng Nhật sẽ gặp ông Trump tại New York vào thứ năm tuần tới trước khi tham dự thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế châu Á Thái Bình Dương tại Peru.


Cố vấn của ông Trump không muốn nêu tên nói với Reuters rằng ông Trump trông đợi Nhật ‘đóng vai trò tích cực hơn tại châu Á.’


Các tư lệnh cao cấp của hải quân Hoa Kỳ đã ngỏ ý hoan nghênh các cuộc tuần tra trên không và trên biển chung với quân đội Nhật tại Biển Đông, trong khi Tokyo tỏ dấu hiệu muốn hỗ trợ các nước trong khu vực có tranh chấp với Trung Quốc như Việt Nam hay Philippines.


Trong 100 ngày đầu nhiệm kỳ, Tổng thống Trump sẽ đệ trình một ngân sách tài trợ cho việc xây dựng hàng chục tàu chiến mới, vị cố vấn ẩn danh cho biết.


Ông nói thêm rằng việc này sẽ gửi thông điệp cho Bắc Kinh và các đồng minh của Mỹ như Nhật, Hàn Quốc và các nước khác rằng Hoa Kỳ có ý định hiện diện ở châu Á lâu dài.


Ông Abe trong cuộc gặp sắp tới tại New York với tân Tổng thống Mỹ có phần chắc sẽ muốn bắt đầu xây dựng một mối quan hệ có thể đưa tới cái nhìn chung về thế giới, một người thân cận với Thủ tướng Abe cho biết. - VOA


***

Thụy Điển muốn Tổng thông tân cử Mỹ Donald Trump minh xác xem liệu chính quyền ông có tôn trọng thỏa thuận hợp tác quốc phòng được ký kết gần đây hay không cũng như sự cam kết của ông đối với NATO như thế nào, Bộ trưởng Quốc phòng Peter Hultqvist tuyên bố.


Sau nhiều năm căng thẳng gia tăng với Nga tại vùng Baltic, Thụy Điển và Mỹ ký Tuyên bố về Ý định hồi tháng 6 để tăng cường hợp tác quốc phòng.


Thỏa thuận bao gồm các cuộc tập trận chung và thích nghi công nghệ lẫn các áp dụng thực tế với tiêu chuẩn NATO chung.


Bộ trưởng quốc phòng Thụy Điển nói với Reuters rằng các hành động của ông Trump trong chiến dịch tranh cử đã ‘đặt ra rất nhiều dấu hỏi.’


Tuy nhiên, vẫn theo lời ông, Thụy Điển cho rằng tất cả những hợp đồng và thỏa thuận mà Thụy Điển cũng như các nước khác đã ký với Mỹ sẽ giữ vững.


Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump dọa sẽ bỏ rơi các đồng minh trong châu Âu nếu họ không chi tiêu đủ cho quốc phòng, đồng thời ca ngợi Tổng thống Nga về tài năng lãnh đạo. 


Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển nói ông sẽ tìm sự minh xác về quan điểm của ông Trump liên quan đến NATO, EU, và mối quan hệ với Nga.


Thụy Điển, không phải là thành viên NATO, đã tăng cường đội tàu ngầm trước sự lai vãng của các tàu Nga.


Quốc gia láng giềng Phần Lan cũng phàn nàn rằng không phận của họ bị máy bay chiến đấu của Nga xâm phạm. - VOA


***

Đức ủng hộ đối thoại Mỹ-Nga, nhưng Tổng thống tân cử Donald Trump không được phớt lờ các hành động của Nga tại Crimea và Aleppo khi ngồi xuống thảo luận với Tổng thống Vladimir Putin của Nga, Bộ trưởng Quốc phòng Đức khuyến cáo.


Phát biểu tại Berlin ngày 11/11, Bộ trưởng Ursula von der Leyen cũng nói rằng NATO sẽ ‘chết’ nếu bất kỳ thành viên nào trong khối từ chối bảo vệ một thành viên khác đang bị tấn công.


Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã nhiều lần ca tụng nhà lãnh đạo Nga và chất vấn liệu Mỹ có nên bảo vệ các đồng minh NATO không chịu chung vai gánh vác gánh nặng tài chính trong NATO hay không.


Chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã gây bất an cho chính phủ Berlin, xung lực chính đằng sau các chế tài của EU đối với Nga vì can thiệp quân sự của ông Putin tại Ukraine và Đức cũng đã mạnh mẽ lên án các lực lượng do Nga hậu thuẫn đánh bom thường dân tại thành phố Aleppo của Syria. 


Nga hy vọng mặt trận thống nhất giữa châu Âu và Washington trong việc chế tài Moscow sẽ sụp đổ dưới tân chính quyền của ông Trump. Hôm 10/11, một phát ngôn nhân của điện Kremlin mô tả phương thức về chính sách ngoại giao của ông Trump và ông Putin rất gần với nhau.


Bộ trưởng Quốc phòng Đức thừa nhận rằng ông Trump đắc cử cũng đồng nghĩa với việc Đức và châu Âu có phần chắc sẽ phải gánh thêm trách nhiệm để tự lo quốc phòng của mình. - VOA

|

|


2.

Nhật-Ấn ký thỏa thuận hạt nhân dân sự


Nhật Bản và Ấn Độ ngày 11/11 ký thỏa thuận hạt nhân dân sự, mở đường để Tokyo cung cấp cho New Delhi nhiên liệu, thiết bị và công nghệ sản xuất năng lượng hạt nhân trong lúc Ấn đang hướng tới năng lượng nguyên tử để duy trì tăng trưởng kinh tế nhanh.


Đây là lần đầu tiên Nhật, quốc gia duy nhất trên thế giới từng gánh chịu một cuộc tấn công hạt nhân, chung kết một thỏa thuận hạt nhân dân sự với một nước không phải thành viên ký kết Hiệp ước Không phổ biến võ khí hạt nhân (NPT).


Thỏa thuận ghi rõ các nhiên liệu và thiết bị Nhật cung cấp sẽ chỉ được sử dụng cho các mục đích hòa bình, một văn kiện riêng được ký kết kèm theo thỏa thuận hạt nhân này có đoạn nói Nhật được quyền chấm dứt thỏa thuận nếu Ấn tiến hành một vụ thử nghiệm hạt nhân.


Thỏa thuận Nhật-Ấn hôm nay được ký sau cuộc họp giữa Thủ tướng Shinzo Abe với người đồng nhiệm Narendra Modi.


Ấn nói Hiệp ước Không phổ biến võ khí hạt nhân mang tính phân biệt và bày tỏ quan ngại về một nước Trung Quốc có trang bị hạt nhân cũng như đối thủ lâu năm của Ấn có trang bị hạt nhân là Pakistan.


Ấn đang thương thuyết với công ty Westinghouse Electric đặt tại Mỹ do tập đoàn Toshiba của Nhật làm chủ để xây 6 lò phản ứng hạt nhân ở miền Nam Ấn , trong khuôn khổ kế hoạch tăng cường khả năng hạt nhân của New Delhi lên hơn 10 lần trước năm 2032.


Thỏa thuận hạt nhân giữa Ấn với Nhật theo sau một thỏa thuận tương tự với Mỹ hồi 2008, vốn giúp Ấn tiếp cận với công nghệ hạt nhân sau nhiều chục năm cô lập.


Đây là bước đi lớn để biến Ấn thành một đối trọng với Trung Quốc trong khu vực,


Thủ tướng Ấn hôm nay nói các mối quan hệ vững mạnh Ấn – Nhật sẽ giúp hai nước đóng một vai trò bình ổn ở Châu Á và thế giới. - VOA

|

|


3.

Mùa xuân Ả-rập 'gây tổn thất cho khu vực 600 tỷ USD'


Phong trào nổi dậy Mùa xuân Ả-rập đã khiến khu vực này tổn thất 614 tỷ đôla do không tăng trưởng kể từ năm 2011 đến nay, Liên Hiệp Quốc nói.


Đây là con số ước tính đầu tiên do một tổ chức kinh tế lớn đưa ra.


Con số này tương đương với 6% tổng GDP của khu vực trong thời gian từ 2011 đến 2015, Ủy ban Kinh tế Xã hội vùng Tây Á (ESCWA) của Liên Hiệp Quốc nói.


Các cuộc nổi dậy, khởi đầu từ Tusinia, đã khiến các nhà lãnh đạo tại bốn quốc gia bị lật đổ, và dẫn tới chiến tranh tại Libya, Syria và Yemen.


Liên Hiệp Quốc nói các nước Ả-rập đã phải đối diện với tình trạng trì trệ về kinh tế xã hội kể từ khi có các cuộc nổi dậy, 2011. Bản phúc trình mô tả tiến trình xã hội ở khu vực là "ảm đạm" và nói quyền công dân đã bị thụt lùi tại một số quốc gia.


Số liệu cũng cho thấy các cuộc xung đột đã làm tồi tệ thêm tình trạng nợ nần, thất nghiệp, tham nhũng, đói nghèo, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng tỵ nạn.


Các phân tích kinh tế được đưa ra dựa trên các ước tính tăng trưởng có từ trước khi nổ ra tình trạng nổi dậy.


Việc phân tích xem xét đến cả các quốc gia không trực tiếp bị ảnh hưởng bởi xung đột chính trị nhưng bị tác động từ hậu quả xảy ra, chẳng hạn như do dòng người tỵ nạn đổ vào, do mất các khoản tiền chuyển từ nước ngoài về, và do ngành dịch vụ du lịch bị đi xuống.


Phong trào nổi dậy ở thế giới Ả-rập


Phòng trào nổi dậy, hay còn được gọi là Mùa xuân Ả-rập, bắt đầu nổ ra sau khi một thanh niên trẻ, thất nghiệp, Mohamed Bouazizi, tự thiêu do bị một số nhân viên công quyền cấm bán rau quả tại miền trung Tusinia hồi tháng 12/2010.


Hành động của Bouazizi đã làm nổ ra hàng loạt các cuộc biểu tình phản đối trên toàn Tusinia, khiến tổng thống khi đó phải từ chức và đi lưu vong, dẫn đến cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên ở nước này được tổ chức vào 2011.


Các cuộc biểu tình tại Tunisia như ngòi nổ, dẫn tới các cuộc nổi dậy, biểu tình ở một số quốc gia Ả-rập khác, gồm Ai Cập, Yemen, Syria, Bahrain, Libya, Oman, Jordan và Morocco.


Hầu hết các cuộc biểu tình đòi có thêm tự do dân chủ và chấm dứt tình trạng tham nhũng. Nhưng nhiều sự kiện đã bị chính phủ đáp trả bằng bạo lực và trấn áp mạnh tay.


Libya, Yemen và Syria hiện vẫn đang trong tình trạng nội chiến, tổn thất hàng chục ngàn nhân mạng, và rơi vào tình trạng chính quyền trung ương không hoạt động nổi.


Tại Syria, nơi các cuộc biểu tình chống chính phủ đã dâng cao thành cuộc xung đột với sự can dự của các thế lực nước ngoài, GDP và tổn thất kinh tế kể từ 2011 đến nay đã tới 259 tỷ đôla Mỹ, theo Nghị trình Quốc gia về Tương lai Syria do ESCWA đưa ra.


Tại các nước có tiến trình chuyển giao chính trị, tân chính phủ đã không đáp ứng được việc cải cách kinh tế nhằm xử lý "những vấn đề dẫn tới tình trạng bạo loạn từ lúc ban đầu," bản phúc trình viết. - BBC

|

|


Tin Hoa Kỳ


4.

Bà Clinton, màu tím hàn gắn và phụ nữ Việt Nam --- Mỹ: Biểu tình chống Trump tiếp tục bùng phát


Việc bà Clinton thừa nhận thất bại, rồi bày tỏ hậu thuẫn cho Tổng thống đắc cử Trump sau mùa tranh cử đầy tranh cãi, đã khiến phụ nữ Việt cho rằng bà “giống như một nguyên thủ”.


Phát biểu hôm 9/11, cựu ngoại trưởng Mỹ cho biết đã “gọi điện chúc mừng ông Donald Trump và đề nghị làm việc với ông vì đất nước”.


Với phu quân Bill Clinton và con gái Chelsea đứng kế bên, và trước hàng trăm ủng hộ viên cũng như các nhân viên, bà nói rằng “chúng ta phải chấp nhận kết quả này và hướng tới tương lai”.


Một điểm nhấn trong khi cựu đệ nhất phu nhân Mỹ lên sân khấu phát biểu trước hàng trăm người đó là màu tím đậm trên trang phục của bà cũng như trên cà vạt của phu quân Bill Clinton.


Không chỉ nhiều người trên mạng xã hội mà một số tờ báo cũng cho rằng việc bà Clinton sử dụng màu chủ đạo, pha trộn giữa màu xanh nước biển đậm và màu đỏ của Đảng Dân chủ và Cộng hòa, để chuyển đi thông điệp đoàn kết và hàn gắn.


Dù bà không trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ, bà Dương Thị Tân từ Sài Gòn nói với VOA Việt Ngữ rằng cựu đệ nhất phu nhân Mỹ đã truyền cảm hứng cho bà cũng như những người phụ nữ khác ở mọi nơi.


Bà Tân nói tiếp: “Tâm lý phụ nữ mà, đương nhiên là bà ấy gây một ấn tượng rất là mạnh mẽ. Đến như con gái tôi, cháu còn rất là bé, khi nghe tin bà ấy không thắng, không thể vượt qua được ông Trump thì cháu cũng rất là buồn, cũng bàn tán, cũng bình luận những chuyện thế này, thế kia. Đương nhiên, những người phụ nữ như chúng tôi ở Việt Nam và rất là nhiều người phụ nữ khác ở trên thế giới rất là buồn”.


Cựu Ngoại trưởng Mỹ thất bại trước tỷ phú bất động sản thuộc phe Cộng hòa, trong cuộc đua gay cấn tới phút chót hôm 9/11.


Trong chiến dịch vận động kéo dài, cả bà Clinton lẫn ông Trump nhiều lần chỉ trích nhau kịch liệt và thậm chí còn gọi nhau là “kẻ dối trá”.


Nhưng khi phát biểu thừa nhận thất cử, nữ ứng viên tổng thống đầu tiên của một chính đảng ở Hoa Kỳ còn thúc giục những người ủng hộ mình đoàn kết.


“Ông Donald Trump sẽ là tổng thống của chúng ta, chúng ta cần phải mở lòng và cho ông ấy cơ hội lãnh đạo”, bà Clinton nói, và bày tỏ hy vọng rằng tỷ phú bất động sản “sẽ là một tổng thống thành công cho toàn bộ người Mỹ”.


Bà Dương Thị Tân cho biết bà từng theo dõi nhiều kỳ tổng thống trước đây, và theo bà, dù trong chiến dịch tranh cử, các ứng viên dùng nhiều cách để hạ bệ đối thủ, nhưng người chiến bại luôn  “có những bài diễn văn rất là cảm động”, thể hiện sự đoàn kết với người đắc cử.


Bà nói thêm: “Tôi nghĩ rằng tất cả họ làm những cái việc như thế, thứ nhất chứng tỏ họ là những người vì đất nước họ. Họ hòa giải, hòa hợp để xây dựng đất nước họ vì một nước Mỹ cường thịnh. Cách làm của bà Clinton, tôi nghĩ rằng người nào sau cuộc tranh đua cũng sẽ làm như vậy, và tôi không ngạc nhiên lắm. Bà Clinton là người thua cuộc, nhưng mà cũng thể hiện là một người Mỹ yêu đất nước mình. Bà kêu gọi mọi người hãy cùng chung tay, gác lại những bất đồng và xây dựng nước Mỹ cường thịnh. Bà đã thể hiện rõ bà là một người có đầy đủ phẩm chất của một người phụ nữ Mỹ, một người dù không làm tổng thống nhưng giống như một người đứng đầu đất nước”.


Bà Clinton đã nhiều lần tới Việt Nam trên cả cương vị đệ nhất phu nhân cũng như ngoại trưởng Mỹ. Và việc  ông Bill Clinton đóng vai trò quan trọng trong quá trình bình thường hóa quan hệ Hà Nội – Washington nên nhiều tờ báo ở Việt Nam từng coi gia đình Clinton là “người bạn của Việt Nam”.


Dù bà đã phát biểu chấp nhận thất bại, không ít tờ báo ở trong nước cho rằng bà “vẫn còn cơ hội lội ngược dòng” vì cựu ngoại trưởng Mỹ nhiều hơn ông Trump về số phiếu phổ thông. - VOA


***

Hàng chục ngàn người trên khắp các tiểu bang từ New York đến California hôm nay đổ ra các thành phố lớn của Mỹ trong ngày thứ ba liên tiếp biểu tình phản đối việc ông Donald Trump đắc cử thành Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ.


Các cuộc biểu tình hôm nay diễn ra từ Portland, Oregon, đến Chicago, sang tận New York và nhiều vùng khác nữa, mỗi nơi quy tụ sự tham gia của hàng trăm người, ít hơn con số hàng ngàn trong các cuộc biểu tình bùng phát ngay sau khi ông Trump thắng cử hôm 8/11.


Trong dòng tin nhắn sáng sớm hôm nay 11/11, ông Trump tán dương người biểu tình về ‘lòng nhiệt huyết với đất nước’, chỉ sau vài giờ tố cáo họ là ‘những người biểu tình chuyên nghiệp, bị kích động bởi truyền thông.’


Cảnh sát cho biết tại Portland tối qua, biểu tình trở nên bạo động khi hàng ngàn người tuần hành khắp thành phố. Người biểu tình đập vỡ kính các cửa tiệm và đốt pháo.


Cảnh sát tuyên bố biểu tình trở thành cuộc bạo loạn, nhiều người trong đám đông mang theo gậy gộc dùng loa phóng thanh kêu gọi mọi người xông tới.


Các giới chức Sở Giao thông Vận tải Oregon đã ra lệnh đóng nhiều đoạn trên hai quốc lộ Interstate 5 và Interstate 84 trong khu vực để phòng bất trắc.


Tại Denver, người biểu tình đêm qua đã phong tỏa quốc lộ Interstate 25 gần trung tâm Denver trong một lúc.


Khoảng 10 giờ tối, cảnh sát Denver loan báo người biểu tình tràn ra xa lộ này và giao thông bị tắc nghẽn trên những làn đường hướng nam và hướng bắc. Vẫn theo cảnh sát, nửa giờ sau, quốc lộ Interstate 25 được mở lại sau khi người biểu tình quay trở lại trung tâm thành phố.


Các cuộc biểu tình trước đó trong ngày 9 và 10/11 tại Denver, Boulder và Colorado Springs diễn ra ôn hòa.


Các quốc lộ ở Minneapolis cũng bị người biểu tình phong tỏa.


Ở Philadelphia, người biểu tình gần Tòa Thị chính giơ cao các biểu ngữ chống ông Trump như ‘Không phải Tổng thống của chúng tôi’, ‘Hãy trả lại an toàn cho nước Mỹ.’


Khoảng 500 người xuống đường tại Louisville, Kentucky, và ở Baltimore, hàng trăm người tuần hành tới sân vận động.


Trước đó trong ngày hôm qua, tại San Francisco, nhiều người biểu tình chủ yếu là các học sinh Mỹ gốc Phi và gốc Latin nói rằng luận điệu của ông Trump về vấn đề di trú trong chiến dịch tranh cử khiến họ lo sợ, đồng thời tố cáo ông bài ngoại và kỳ thị.


Tại thành phố New York, trong đám đông biểu tình bên ngoài Tháp Trump có siêu sao nhạc pop Lady Gaga.


Hàng trăm học sinh bỏ học hôm qua ở San Francisco để biểu tình chống Trump.


Một số người biểu tình ở Los Angeles đốt ảnh của ông Trump và chuẩn bị phong tỏa các đường cao tốc đông đúc của thành phố.


Những người khác ở Oakland, gần San Francisco, ném bom xăng và pháo bông vào cảnh sát, đốt rác phong tỏa các đường cao tốc. Ít nhất  30 người bị bắt.


Trong số những bình luận gay gắt của ông Trump trong chiến dịch bầu cử nhắm vào di dân gốc Mexico, nói rằng nhiều người trong số này là tội phạm. Trong các bài diễn văn tranh cử, ông đã dọa sẽ trục xuất hàng loạt di dân cư trú bất hợp pháp tại Mỹ.


Ông Trump cũng có những lời lẽ nặng nề đối với người Mỹ gốc Hồi giáo, cả di dân và cư dân lâu năm tại Mỹ.


Ông Trump hứa sẽ là vị Tổng thống của tất cả dân chúng Mỹ nhưng chưa thảo luận chi tiết quan điểm chính sách của mình kể từ khi đắc cử.


Trong phát biểu chấp nhận thua cuộc, ứng viên Tổng thống bên đảng Dân chủ, Hillary Clinton, nói ‘Ông Donald Trump sẽ thành Tổng thống của chúng ta. Chúng ta nợ ông một cái nhìn cởi mở và một cơ hội lãnh đạo.’ - VOA

|

|


5.

Ông Trump thảo luận quan hệ song phương với Anh, Đức, Pháp --- Mỹ: Donald Trump được rảnh tay khai tử hiệp định TPP --- Trung Quốc, đích ngắm trong chính sách bảo hộ của Donald Trump


Thủ tướng Đức, Angela Merkel, và Tổng thống tân cử Mỹ, Donald Trump, ngày 10/11 điện đàm thảo luận về các mối quan hệ lâu dài trước nay giữa hai nước, một phát ngôn nhân của bà Merkel hôm nay cho biết.


Người phát ngôn chính phủ, Georg Streiter, không tiết lộ thêm chi tiết về các vấn đề trao đổi giữa hai nhà lãnh đạo này. Ông Trump và bà Merkel chưa từng gặp nhau trực tiếp.


Vẫn theo nguồn tin này, bà Merkel sẽ họp với đương kim Tổng thống Barack Obama tại Berlin vào thứ năm, một phần nhằm thảo luận về các cuộc đàm phán tự do mậu dịch bị bế tắc giữa Mỹ và Châu Âu.


Trong cuộc điện đàm cùng ngày với Thủ tướng Anh, Theresa May, ông Trump ngỏ lời mời nhà lãnh đạo Anh sớm sang thăm Mỹ.


Hai bên đồng ý với nhau rằng mối quan hệ Mỹ-Anh ‘hết sức quan trọng và đặc biệt, và rằng xây dựng trên nền tảng đó sẽ là một ưu tiên hàng đầu cho cả đôi bên.’


Thông cáo của văn phòng Thủ tướng Anh nói: “Tổng thống đắc cử Trump đề ra những mối liên lạc gần gũi của cá nhân ông và sự nồng ấm dành cho Anh quốc. Ông nói ông tin rằng mối quan hệ đặc biệt này sẽ đi từ sức mạnh tới sức mạnh.”


Thủ tướng Anh cũng bày tỏ với ông Trump rằng bà hy vọng tăng cường mậu dịch và đầu tư song phương với Hoa Kỳ trong lúc Anh rời khỏi EU.


Theo dự kiến, hôm nay ông Trump sẽ điện đàm với Tổng thống Pháp, Francois Hollande.


Phát biểu với truyền thông Pháp, ông Hollande cho biết ông hy vọng ông Trump sẽ minh định rõ ràng quan điểm về các vấn đề bao gồm xung đột tại Syria, Ukraine, và thỏa thuận hạt nhân Iran.


Tổng thống Pháp nhấn mạnh: ‘Nhiệm vụ của tôi là đảm bảo sao cho chúng ta có các mối quan hệ tốt đẹp nhất có thể với Mỹ, nhưng phải dựa trên sự thẳng thắn và rõ ràng.’ - VOA


***

Ngày 10/11/2016, lãnh đạo của cả phe đa số Cộng Hòa lẫn thiểu số Dân Chủ tại Thượng Viện Mỹ đều xác nhận rằng hiệp định tự do mậu dịch Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương, TPP, mà Mỹ đã ký kết với 11 nước khác - trong đó có Việt Nam - sẽ không được đưa ra xem xét trước ngày tổng thống Mỹ tân cử Donald Trump tuyên thệ nhậm chức vào tháng Giêng 2017.


Như vậy, quyết định của Thượng Viện Mỹ - tức là ngành lập pháp - đã có tác dụng khai tử hẳn hiệp định TPP, vì về phía hành pháp, bản thân ông Donald Trump đã từng hứa với cử tri là ông sẽ rút Hoa Kỳ ra khỏi Hiệp định TPP ngay trong ngày đầu làm tổng thống Mỹ.


Theo nhật báo Mỹ USA Today, việc Hoa Kỳ rút khỏi hiệp định TPP có tác dụng khai tử hẳn văn kiện này, kể cả khi được 11 nước còn lại phê chuẩn vì sẽ thiếu mất điều kiện hội đủ 85% trọng lượng các nền kinh tế thành viên của hiệp định.


Gs. Nguyễn Mạnh Hùng: Phá bỏ TPP còn là "phản bội lại quyền lợi chiến lược của Mỹ"


Theo phân tích của giáo sư chính trị học Nguyễn Mạnh Hùng, đại học George Mason (Hoa Kỳ), khi khai tử hiệp định TPP, ông Donald Trump đã thỏa mãn mong muốn “phá bỏ một di sản ngoại giao quan trọng của Obama”, nhưng lại “phản bội lại quyền lợi chiến lược của Mỹ”.


Trả lời phỏng vấn của RFI, giáo sư Hùng phân tích:


"Trong khi tranh cử, Trump cam kết với cử tri rằng trong ngày đầu tiên khi nhậm chức tổng thống Hoa Kỳ ông sẽ tuyên bố đòi thương thuyết lại Hiệp Ước Mậu Dịch Tự Do Bắc Mỹ NAFTA và rút khỏi Hiệp Ước Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP.


Đây là một quyết định có hệ quả quan trọng đối với chính sách xoay trục của chính quyền Obama. Làm được việc ấy, ông Trump có cái thích thú là phá bỏ một di sản ngoại giao quan trọng của Obama, nhưng đồng thời ông Trump cũng phản bội lại quyền lợi chiến lược của Mỹ.


TPP không chỉ là một hiệp ước kinh tế mà nó còn có một ý nghĩa chiến lược quan trọng. Nó là xương sống của chính sách xoay trục của Mỹ về Á Châu. Bỏ TPP, chính sách xoay trục bị giảm rất nhiều hiệu lực.


Các nhà lãnh đạo Á Châu đều coi Mỹ là một “lực lượng ổn định” (stabilizing force) ở Á Châu Thái Bình Dương trước sự lấn lướt của Trung Quốc. Bỏ TPP, cán cân lực lượng trong vùng Á Châu Thái Bình Dương sẽ thay đổi lớn lao. Mỹ lui thì Trung Quốc tiến, Mỹ bỏ thì Trung Quốc tràn vào.


Khi các nước Á Châu mất tin tưởng ở khả năng và quyết tâm can dự của Mỹ, họ sẽ bắt buộc phải thích ứng với sự thay đổi ấy và làm suy yếu vị thế cường quốc của Mỹ ở vùng này. Chính sách của tổng thống Philippines Rodrigo Duterte là một chỉ dấu đầu tiên của tiến trình có thể xảy ra này.


Trump có quyền xé bỏ hiệp định TPP ?


Vấn đề là liệu Trump có làm được điều ông muốn hay không ? Câu trả lời là “có, nếu . . .”. Ở Mỹ, Hành Pháp có quyền thương lượng hiệp ước quốc tế và, trước khi Quốc Hội biểu quyết, Hành Pháp cũng có quyền đơn phương chấm dứt cam kết của mình. Ngay cả trong trường hợp đã được đưa ra để Quốc Hội phê chuẩn, Hành Pháp cũng có quyền yêu cầu Quốc Hội ngưng thảo luận việc phê chuẩn hiệp ước. Đó là trường hợp tổng thống Carter đã yêu cầu Quốc Hội ngưng phê chuẩn hiệp ước hạn chế vũ khí nguyên tử chiến lược SALT II mà chính ông ký hồi tháng 6 năm 1979 với Brezhnev, vì Nga tấn công vào Afghanistan tháng 12 năm ấy.


Nhung nếu Quốc Hội đã phê chuẩn rồi thì việc lại khác. Đó là lý do tại sao Trump tuyên bố sẽ rút khỏi TPP, nhưng chỉ đòi điều đình lại NAFTA.


Để tránh trường hợp này, trong khóa họp “vịt què” giữa thời gian Trump đắc cử cho đến thời gian ông nhậm chức, ngày 20 tháng 1 năm 2017, Quốc Hội có thể bỏ phiếu phê chuẩn TPP, tam thời trấn an các đồng minh và đối tác của Mỹ ở Á Châu, và đặt Trump vào một sự đã rồi (fait accompli).


Ở Mỹ có những nhóm lợi ích lớn ủng hộ TPP, ngoài các công ty đa quốc gia, còn có quyền lợi của quân đội và hải quân Mỹ, cộng với ý muốn ủng hộ TPP của một số lãnh đạo quan trọng của đảng Cộng Hòa mà Trump sẽ phải giảng hòa, như Chủ tich Ủy Ban Quân Vụ Thượng Viện John McCain, thượng nghị sĩ Lindsey Graham, thượng nghị sĩ Marco Rubio, thượng nghị sĩ Tez Cruz.


Với vận động hành lang mạnh mẽ của các nhóm lợi ích tư bản và quân đội, song song với vận động của các nước ủng hộ TPP, việc tạo nên một khối ủng hộ việc phê chuẩn TPP giữa các nghị sĩ Cộng Hòa và Dân Chủ không phải là việc không làm được.


Tuy nhiên, triển vọng này mới bị thượng nghị sĩ Mitch McConnell, lãnh tụ phe đa số tại Thượng Viện của đảng Cộng Hòa, tạt một gáo nước lạnh, khi ông tuyên bố Thượng Viện sẽ không cứu xét TPP trong khóa họp “vịt què.” - RFI


***

Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc. Thế nhưng, quốc gia Đông Á này đang bị đe dọa trước những biện pháp bảo hộ của Donald Trump, được cho là làm tăng thêm nguy cơ dẫn đến một « cuộc chiến thuế quan ». Dù vậy, Trung Quốc cũng có thể tận dụng cơ hội để kiến thiết lại cảnh quan trao đổi thương mại tại châu Á.


Theo hãng tin Pháp AFP ngày 10/11/2016, tỉ phú dân túy Donald Trump, người bất ngờ chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng Mỹ, đã liên tục chỉ trích dữ dội nhà khổng lồ châu Á, cũng như chính sách thương mại của nước này, trong suốt chiến dịch tranh cử. Ông còn hứa áp dụng biểu thuế cao ngất ngưởng, 45% đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc.


Kinh tế gia Liệu Quần (Liao Qun), thuộc Citic Bank International, phát biểu với AFP: "Từ giờ phải tính thêm sức ép bất thường đối với hàng xuất khẩu của chúng tôi và sự phục hồi của Trung Quốc sẽ còn chậm lại hơn rất nhiều".


Theo dự báo của công ty môi giới Daiwa Capital Markets, mức thuế 45%, so với 4,2% hiện nay, có lẽ sẽ có "những hậu quả khó đoán". Quyết định trên sẽ dẫn đến sự sụt giảm khoảng 87% khối lượng xuất khẩu của Trung Quốc sang thị trường Hoa Kỳ (khoảng 420 tỉ đô la). Thâm hụt này, cùng với các hậu quả gián tiếp, sẽ cắt bớt trong tương lai 4,82% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc. Vẫn theo công ty Daiwa Capital Markets, ngay cả mức thuế tăng 15% cũng đã khiến GDP Trung Quốc mất 1,75% và 142 tỉ đô la đầu tư nước ngoài sẽ bị rút khỏi nước này.


Đây sẽ là một đòn đau cho nền kinh tế thứ hai thế giới, hiện đang suy yếu. Tuy nhiên, rất nhiều chuyên gia tỏ ra thận trọng trước một kịch bản thê thảm đến như vậy. Quả thực, những mối đe dọa của tổng thống tân cử Mỹ, đi ngược với những quy tắc của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO), nên khó lòng thực hiện được. Giáo sư Christopher Balding, giảng dạy tại đại học Bắc Kinh, nhận định với AFP: "Trump không có thẩm quyền để một mình đưa ra quyết định. Ông sẽ chịu sức ép lớn từ các nghị sĩ, kể cả phía đảng Cộng Hòa hay đảng Dân Chủ".


Đòn trả đũa của Trung Quốc


Theo phân tích của chuyên gia Raymond Yeung của ngân hàng ANZ, Trung Quốc hiện đang tái cân bằng kinh tế, nên "bớt phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Nếu như thặng dư thương mại (với Mỹ) giảm 25%, thì khoản thất thu tức thì chiếm khoảng 0,6% GDP". Đây là một tác động "đáng kể" nhưng có thể kiểm soát được.


Hơn nữa, ông cũng nhấn mạnh, "chỉ cần một biện pháp trả đũa nhỏ của Trung Quốc cũng sẽ khiến Hoa Kỳ bị thiệt hại". Ví dụ, Trung Quốc có thể ngừng các đơn đặt hàng máy bay Boeing, ngừng nhập khẩu giá đỗ (soja) hay dây chuyền cung ứng cho điện thoại iPhone. Những quyết định này sẽ tác động mạnh đến các công ty hàng đầu của ngành công nghiệp Mỹ vì một phần lớn doanh thu của họ là nhờ vào thị trường Trung Quốc, theo phân tích ngay từ tháng 09/2016 của các chuyên gia thuộc Viện Kinh Tế Quốc Tế Peterson (Peterson Institute for International Economics).


Vẫn theo các chuyên gia này, vì Trung Quốc và Mêhicô chiếm đến 1/4 trao đổi hàng hóa và dịch vụ của Mỹ, một "cuộc chiến thuế khóa với hai nước này sẽ có nguy cơ đe dọa gần 4,8 triệu việc làm trong lĩnh vực tư nhân" ở Hoa Kỳ từ nay đến năm 2019.


Dĩ nhiên, như từng hứa, tổng thống Trump có thể chính thức tố cáo chính quyền Trung Quốc đã thao túng đồng nhân dân tệ. Đây là "một việc dễ dàng để chứng tỏ ông Trump là người "cứng rắn". Nhưng điều này sẽ không gây hậu quả trực tiếp ngoài việc mở ra những cuộc thảo luận giữa bộ Tài Chính Mỹ và Bắc Kinh", theo đánh giá của Mark Williams, thuộc văn phòng Capital Economics, song ông không nghĩ là sẽ có bất kỳ biện pháp trừng phạt nào.


Thực ra Trung Quốc can thiệp ồ ạt vào thị trường ngoại hối để hỗ trợ đồng nhân dân tệ và duy trì sự ổn định của đồng tiền này, "nhưng không phải để tạo lợi thế thương mại với một đồng tiền giá rẻ. Về điểm này, ông Trump hoàn toàn nhầm", chuyên gia Balding nhấn mạnh.


Những hiệp định thương mại mới


Chiến thắng của nhà tỉ phú Mỹ xẩy ra vào lúc các đàm phán về thỏa thuận thương mại đang gặp khó khăn. Pháp đã yêu cầu ngừng đàm phán thoả thuận giữa Liên Hiệp Châu Âu với Hoa Kỳ (TAFTA hay TTIP). Theo giới chuyên gia, ông Donald Trump cũng sẽ yêu cầu thương lượng lại thỏa thuận tự do mậu dịch Bắc Mỹ (Alena), có hiệu lực cách đây hơn 20 năm dưới thời tổng thống Bill Clinton, giữa Mêhicô, Canada và Hoa Kỳ.


Còn đối với hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), được ký năm 2015 giữa Hoa Kỳ và 11 nước châu Á-Thái Bình Dương (trừ Trung Quốc), TPP hiện vẫn đang chờ phê chuẩn và từ giờ lại càng không chắc chắn vì sự phản đối kịch liệt của nhà tỉ phú.


Thế nhưng, chính khuynh hướng tự cô lập mà nhà tỉ phú bảo vệ có lẽ lại có lợi ích cho Trung Quốc. Chuyên gia Mark Williams nhận định, "nếu Hoa Kỳ ít can thiệp vào châu Á, Bắc Kinh sẽ có cơ hội để tái kiến thiết sự sáp nhập kinh tế và chính trị trong vùng theo cách của họ".


Dòng đầu tư Trung Quốc tại Trung Á ("Những con đường tơ lụa mới") và tại Đông Nam Á có thể giúp nước này làm bàn đạp chính trị trước sức ảnh hưởng đang dần suy yếu của Mỹ, mà ví dụ cụ thể nhất là việc Manila đang xích lại gần Bắc Kinh.


Hơn nữa, theo tuyên bố ngày 10/11 của thứ trưởng Ngoại Giao Lý Bảo Đông, Trung Quốc đang thúc đẩy dự án thương mại riêng, Khu Vực Thương Mại Tự Do Mậu Dịch châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP), quy tụ 21 nước thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC).


Về phần mình, cùng ngày, Úc lên tiếng cảnh báo chỗ trống do thất bại của TPP gây ra "có thể sẽ được bù lại" bằng RCEP, dự án thỏa thuận tự do mậu dịch giữa ASEAN, Úc và Trung Quốc mà không có Hoa Kỳ. - RFI

|

|


Tin Việt Nam


6.

Tàu tuần duyên Trung Quốc lần đầu cập bến Việt Nam


Một chiếc tàu của lực lượng tuần duyên Trung Quốc hôm 10/11 cập cảng Hải Phòng, bắt đầu chuyến thăm “hữu nghị” lần đầu tiên kéo dài ba ngày.


Sau khi được lãnh đạo cảnh sát biển Việt Nam đón tiếp, lực lượng hai nước đã thi đấu giao hữu thể thao.


Theo Tân Hoa Xã, người dân địa phương và các đại diện doanh nghiệp Trung Quốc ở Việt Nam hôm 11/11 đã được lên thăm tàu.


Hãng tin nhà nước của quốc gia đông dân nhất thế giới còn cho biết rằng chuyến thăm của tàu tuần duyên Trung Quốc là một phần của thỏa thuận đạt được giữa lãnh đạo hai nước nhằm tăng cường tuần tra chung ở Vịnh Bắc Bộ.


Trong khi đó, Đài tiếng nói Việt Nam đưa tin, chuyến thăm kéo dài từ ngày 10 đến 13/11 nhằm “tăng cường mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa quân đội hai nước Việt Nam và Trung Quốc nói chung, giữa lực lượng cảnh sát biển hai nước nói riêng”.


Tháng trước, đội tàu hộ tống 23 của hải quân Trung Quốc gồm ba chiến hạm Tương Đàm, Châu Sơn và Sào Hồ lần đầu tới cảng Cam Ranh của Việt Nam để, theo lời quan chức quốc gia đông dân nhất thế giới, nhằm “củng cố quan hệ hải quân”.


Tuy nhiên, chuyến cập cảng nằm ở tỉnh Khánh Hòa kéo dài 5 ngày này đã vấp phải sự phản đối của một số người dân trong nước.


Ông Trần Bang, người từng nhiều lần xuống đường biểu tình chống Trung Quốc, nói với VOA Việt Ngữ rằng những hành động mà nhà hoạt động này nói là “bạo lực” của Trung Quốc đối với người Việt đã khiến ông và những người bạn khác phải lên tiếng.


Khi Trung Quốc đưa giàn khoan dầu 981 vào khu vực mà Việt Nam nói là thềm lục địa của mình, tàu tuần duyên của nước láng giềng đã nhiều lần phun vòi rồng và đâm va tàu của người Việt. - VOA


|

|


7.

Việt Nam phản đối Indonesia bắn chết ngư dân Việt


Việt Nam chính thức phản đối Indonesia về vụ nổ súng ở Biển Đông khiến một ngư dân Việt thiệt mạng.


Hãng tin Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ dẫn báo chí Việt Nam ngày 11/11 cho hay Bộ Ngoại giao Việt Nam yêu cầu Indonesia trả lời về sự cố hôm 21/10 khi hai tàu cá Việt cùng 13 ngư dân bị tàu Hải quân Indonesia truy đuổi và nổ súng khiến 3 ngư dân bị thương, 1 người trong số này đã tử vong vì bị thương nặng.


“Việt Nam yêu cầu các cơ quan chức năng Indonesia nhanh chóng điều tra vụ việc, xử lý nghiêm những cá nhân vi phạm đồng thời bồi thường thỏa đáng cho các ngư dân Việt Nam,” phát ngôn nhân Lê Hải Bình nhấn mạnh.


Việt Nam nói vụ việc xảy ra tại vùng chồng lấn trong khu vực đặc quyền kinh tế đang phân định giữa hai nước.


Ông Bình nói: “Việt Nam phản đối mạnh mẽ hành vi sử dụng vũ lực của lực lượng chức năng Indonesia đối với tàu cá và ngư dân Việt Nam. Hành động này của lực lượng chức năng Indonesia không phù hợp với quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước và nguyên tắc đối xử nhân đạo với ngư dân.”


Ông Bình cho biết đầu tháng này, Bộ Ngoại giao đã trao công hàm phản đối tới đại sứ quán Indonesia và rằng cơ quan ngoại giao của Việt Nam tại Indonesia đang phối hợp làm việc để đưa thi hài nạn nhân về nước.


Hồi tháng tư, Indonesia đã tiêu hủy 23 tàu đánh cá từ Việt Nam và Malaysia bị thu giữ vì đánh bắt bất hợp pháp trong vùng biển Indonesia. - VOA

|

|


8.

Tổng thống đắc cử Donald Trump, TPP và Việt Nam


Tổng thống đắc cử Donald Trump từng khẳng định sẽ bác bỏ TPP nếu ông lên cầm quyền. Điều này gây bất lợi rất lớn cho Việt Nam trong vấn đề giao dịch thương mại với Hoa Kỳ cũng như xuất khẩu sẽ bị áp thuế qua các biện pháp kỹ thuật của Mỹ. Mặc Lâm phỏng vấn TS Lê Đăng Doanh, nguyên giám đốc Viện Nghiên Cứu Quản lý Kinh tế Trung ương. Thành viên UB chính sách phát triển LHQ, để biết thêm ý kiến của một chuyên gia về vấn đề này.


Không dễ hủy Hiệp định TPP?


Mặc Lâm: Thưa TS Lê Đăng Doanh, Tổng thống đắc cử Donald Trump từng tuyên bố sẽ không chấp nhận TPP vì hiệp ước này làm cho Hoa Kỳ bất lợi. Điều này gây ra một phản ứng kinh tế tiêu cực nhất là đối với các nước đang phát triển như Việt Nam. Theo ông thì tuyên bố này của ông Trump được thực hiện như thế nào và có phần trăm nào ông ta sẽ đổi ý hay không?


TS Lê Đăng Doanh: Trước nhất việc ông Donald Trump được bầu lên làm Tổng thống chắc chắn sẽ gây nên nhiều xáo động kể cả tại Hoa Kỳ cũng như trong quan hệ quốc tế về nhiều mặt. Nhưng cũng phải nói rằng ông Trump đã nói một đằng và lại thay đổi hành động của mình một cách rất nhanh chóng. Thí dụ như trong website của ông ấy thì cái đoạn chống người hồi giáo đã bị cắt đi. Rồi việc ông ấy nói chuyện với nữ Tổng thống Hàn quốc ông ấy đã thay đổi hẳn 180 độ về việc ông ấy dọa là sẽ rút quân, không thực hiện các cam kết và đòi bất cứ nước nào cũng phải tự bảo vệ mình. Tất cả những việc ấy đã thay đổi lập tức sau khi hai bên nói chuyện trong 10 phút.


Vì vậy nên tôi có hy vọng mong manh rằng những tuyên bố của ông Trump sẽ không được thực hiện hoàn toàn và trong đó tôi cũng hy vọng rằng việc ông Trump hủy Hiệp định Xuyên Thái bình dương (TPP) sẽ không phải dễ dàng bởi vì Hạ Nghị viện Nhật Bản vừa thông qua và sắp tới đây Thủ tướng Nhật bản Shinzo Abe cũng sẽ sang thăm Hoa Kỳ và như vậy hai bên sẽ trao đổi với nhau.


Tôi hy vọng những người bên Thượng Viện cũng như Hạ viện sẽ có những người có uy tín quan tâm về những điều mà ông ấy định làm và làm cho chính sách của ông ta nó không quá đến nỗi bị thay đổi một cách đột ngột như những lời ông từng tuyên bố, thí dụ như xây bức tường với Mexico đấy là điều mà tôi nghĩ rằng ông ấy sẽ khó thực hiện được.


Mặc Lâm: Vâng thưa TS đối với ông Trump thì quan điểm của ông ấy là bảo vệ công ăn việc làm của người Mỹ mà không đem nó ra ngoại quốc bằng cách sẽ áp dụng việc phòng vệ thương mại cho nước Mỹ. Nếu ông Trump vẫn quyết định theo đuổi quan điểm chống TPP thì theo TS Việt Nam phải đối phó như thế nào để sống còn trong giai đoạn khó khăn này?


TS Lê Đăng Doanh: Dĩ nhiên nếu ông Trump áp dụng một loạt các biện pháp không ủng hộ tự do hóa thương mại thì ông ấy cũng sẽ phản đối các biện pháp mà vừa rồi Tổ chức Thương Mại Thế giới đã có thống nhất và Hoa Kỳ cũng nhất trí tức là hiệp định tạo thuận lợi cho thương mại tôi cũng không hiểu rằng lúc đó ông Trump sẽ làm gì.


Dĩ nhiên xuất khẩu của Việt Nam sẽ gặp khó khăn hơn và phải nói rằng là hiện nay Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam đang có thặng dư thương mại với Hoa Kỳ. Nếu yếu tố đó mất đi hay chí ít là giảm đi thì đấy là khó khăn đối với Việt Nam trong thời gian tới đây.


Mặc Lâm: Vâng trong trường hợp Hoa Kỳ quay lưng và từ chối cho Việt Nam có cơ hội như TS vừa phân tích thì Việt Nam phải tìm một con đường khác để sống còn chẳng hạn như quay lại với Trung Quốc hay với EU hay ngay cả Nhật Bản? Theo TS thì trong hai con đường ấy con đường nào có lợi cho Việt Nam trong giai đọan sắp tới?


TS Lê Đăng Doanh: Nền kinh tế Việt Nam và nền kinh tế Hoa Kỳ bổ xung cho nhau tức là những cái Việt Nam sản xuất mà Hoa Kỳ nhập khẩu có lợi cho Hoa Kỳ rất nhiều, có lợi cho người tiêu dùng Hoa Kỳ và Hoa Kỳ có thể sử dụng lao động của họ để làm các công việc có giá trị gia tăng cao hơn. Nếu như Việt Nam và Hoa Kỳ không tiếp tục có được quan hệ thương mại thuận lợi thì tôi nghĩ Việt Nam sẽ tăng cường thương mại với Nhật Bản bởi vì kinh tế Nhật Bản và kinh tế Việt Nam cũng bổ xung cho nhau và Việt Nam cũng sẽ đẩy mạnh mối quan hệ với Liên minh Châu Âu bởi vì kinh tế Việt Nam và kinh tế Liên Minh Châu Âu cũng bổ xung cho nhau.


Còn kinh tế Việt Nam và kinh tế Trung Quốc thì hiện nay đang có yếu tố cạnh tranh thí dụ như Trung Quốc hiện nay đang quá thừa thép và xi măng cho nên họ sẽ tìm cách xuất khẩu thép và xi măng sang các nước khác. Vừa rồi Trung Quốc đã có đụng độ về thép đối với Hoa Kỳ và EU.


Quan hệ kinh tế và quan hệ cơ cấu giữa Việt Nam và Trung Quốc có phần bổ xung cho nhau nhưng cũng có phần cạnh tranh với nhau bởi vì hai nước có trình độ phát triển kinh tế có những nét tương đồng với nhau. Trung Quốc có điều kiện cho nên họ có thể cho Việt Nam vay để rồi sau khi vay Việt nam phải mua thép mua xi măng của Trung Quốc và thậm chí thuê cả nhân công của Trung Quốc mà đấy là điều mà người ta phải suy nghĩ. Cho đến nay Việt Nam đã học được bài học vay vốn của Trung Quốc trên giấy tờ thì rẻ nhưng thực tế lại rất đắt.


Mặc Lâm: Xin cám ơn TS. - RFA

No comments:

Post a Comment