Thursday, November 10, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Năm 10/11

Tin Thế Giới


1.

Trung Quốc và cơ hội làm suy yếu Hoa Kỳ --- Donald Trump khiến các đồng minh châu Á lo lắng, Bắc Kinh hoài nghi --- Donald Trump đắc cử: Việt Nam thận trọng, Philippines và Malaysia hài lòng --- Nhật Bản lo ngại bị nước Mỹ của Donald Trump bỏ rơi --- Ông Trump mời Thủ tướng Anh sang thăm ‘sớm’ --- Trump đắc cử, Canada lo ngại về môi trường, mậu dịch


Ông Trump có thể đã giành chiến thắng tại đất nước của mình, nhưng trong cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc, câu nói trở thành thương hiệu của tổng thống mới được bầu Donald Trump "Hãy làm nước Mỹ vĩ đại trở lại" đã trở thành sự đối đầu trực tiếp với khẩu hiệu của Trung Quốc, làm hồi sinh lại dân tộc Trung Quốc và giấc mơ Trung Hoa.


Ngay tại thời điểm ông Trump có bài diễn văn mừng thắng lợi, các kênh truyền hình của Trung Quốc phát dày đặc các chương trình về công cuộc chinh phục không gian và Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói chuyện với các phi hành gia về kết quả bầu cử Mỹ thông qua đường truyền vệ tinh.


Khó có thể phủ nhận câu nói của ông Trump là một cách diễn đạt khác của John F Kennedy, "Chúng ta chọn đi lên Mặt Trăng", thông điệp nhằm nhắc nhở người dân rằng dù chúng ta có đi đâu trên thế giới này, vẫn phải chú ý đến vấn đề Trung Quốc ngày càng lớn mạnh.


Có lẽ ở chốn riêng tư, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đang ăn mừng với thắng lợi từ cuộc bầu cử Mỹ.


Như tôi và nhiều người khác đã từng nói trước đó, cuộc đua tranh vào Nhà Trắng lần này giống như một món quà cho Đảng Cộng sản Trung Quốc. 


Tại đất nước được vận hành bởi chế độ độc đảng mà người dân không thể bàn tán công khai về điểm mạnh và điểm yếu của hệ thống, thì Hoa Kỳ, với những lợi thế về phương tiện, văn hóa và chính trị, luôn là một chuẩn để so sánh.


Không phải ngẫu nhiên mà khẩu hiệu về giấc mơ Trung Hoa của Chủ tịch Tập Cận Bình chính là sự phản ảnh từ giấc mơ Mỹ. Với một cường quốc đang trỗi dậy, Hoa Kỳ chính là đối thủ họ cần phải đánh bại.


Trong những năm gần đây, các nhà bình luận Trung Quốc luôn nói cuộc chiến của người Mỹ ở Afghanistan và Iraq làm ảnh hưởng đến niềm tin của Trung Quốc, khiến Bắc Kinh khó có thể tin cậy vào Hoa Kỳ trong việc giải quyết các vấn đề địa chính trị của thế giới; cuộc khủng hoảng tài chính vào năm 2008 khiến Trung Quốc không còn tin Hoa Kỳ trong việc dẫn dắt kinh tế toàn cầu.


Với cuộc bầu cử tổng thống vừa kết thúc trong đó hai đối thủ có quá nhiều sự thóa mạ lẫn nhau cũng như dính vào nhiều vụ bê bối, Trung Quốc thậm chí không còn tin rằng Hoa Kỳ có thể tự làm chủ đất nước họ.


Mặc dù chính phủ Trung Quốc rất thận trọng trong việc đưa ra những nhận định trực tiếp đến các ứng cử viên hoặc về chiến dịch tranh cử, truyền thông nhà nước, vốn bị kiểm soát chặt chẽ, vẫn được toàn quyền trong việc đưa tin về sự chia rẽ và sự nhục mạ lẫn nhau của cuộc đua ở Hoa Kỳ. 


Tổng thống mới được bầu cũng nhắc lại nhận định của Bắc Kinh khi cho rằng hệ thống bầu cử Mỹ bị lũng đoạn bởi những nhà tài phiệt.


Và truyền thông Trung Quốc cũng đã thảo luận khá sâu về những công chức có nhiều kinh nghiệm và năng lực trong cơ chế độc đảng như một ưu việt so với chế độ bầu cử dân chủ có tính mị dân và hời hợt.


Với một dân tộc còn những ký ức đau thương bởi cuộc nội chiến và những ám ảnh của cuộc Cách mạng Văn hóa, thì vị đắng của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đã xóa nhòa những câu chuyện đẹp mà nền dân chủ Hoa Kỳ đã từng đại diện.


Tuy nhiên, cái nhìn của công chúng về tân tổng thống Hoa Kỳ lại khá lẫn lộn.


Rất nhiều người Trung Quốc ngưỡng mộ ông Trump trên tư cách một nhà kinh doanh, là một người hay nói thẳng và kẻ ngoại đạo về chính trị. Nếu trong bốn năm tới, ông Trump có thể "làm nước Mỹ vĩ đại trở lại", thì hệ thống chính trị của Mỹ có thể lấy lại được một chút sự tín nhiệm.


Nhưng nếu dàn lãnh đạo đứng sau "giấc mơ Trung Hoa" làm người dân Trung Quốc giàu hơn, đưa tên lửa lên sao Hỏa và kiểm soát toàn châu Á, thì ngày 09/11/2016 sẽ là ngày mà Trung Quốc biến "giấc mơ Hoa Kỳ" thành chuyện đứng sau mãi mãi.


Nhưng trước tiên, chính phủ Trung Quốc cần phải chấp nhận sự thật là Donald Trump đã trở thành tổng thống và không có tí thành tích nào được ghi nhận, không có một đội ngũ được biết đến và không có một chính sách rõ ràng đối với Trung Quốc.


Trong quá trình vận động tranh cử, ông Trump từng nói Mỹ có thể làm bạn với Trung Quốc. Nhưng cũng chính ông nói: "Họ đến đây, họ lấy việc làm của chúng ta, họ kiếm được kha khá. Chúng ta phải sống cùng với kẻ ăn cướp việc làm lớn nhất trong lịch sử thế giới."


Và đôi khi ông Trump cho thấy dường như đã tìm được giải pháp.


"Tôi đã ký nhiều hợp đồng làm ăn với Trung Quốc. Trung Quốc rất tuyệt vời. Tôi không có gì bực tức Trung Quốc, mà tôi giận dữ với những người đã để chuyện đó xảy ra. Trung Quốc rất tuyệt, nhưng họ đã thoát tội 'sát nhân'."


Một phần trong lời hứa "Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại" của mình, ông Trump thường nói rằng Hoa Kỳ phải "chiến thắng" trong mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc.


Nhưng hơn bốn thập kỷ qua, những lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã hiểu ra rằng không nên tin vào những hứa hẹn trong chiến dịch tranh cử ở Hoa Kỳ.


Họ theo dõi bao đời tổng thống Mỹ đến rồi đi, đưa ra những đe dọa kinh khủng với Trung Quốc khi vận động tranh cử, để rồi quay lại chính sách bắt tay hợp tác chỉ sau vài tháng lên nắm quyền.


Có thời điểm mức độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc bị giảm sút, đường vào thị trường Hoa Kỳ rất quan trọng và khi đó, chính phủ Trung Quốc sẽ lo ngại về chủ nghĩa bảo hộ của chính phủ ông Trump. 


Nhưng các nhà thương thuyết về thương mại tự do vẫn còn nhiều tháng để tìm hiểu về động thái của ông Trump về thuế quan, cơ hội tiếp cận thị trường và tỉ giá hối đoái. 


Và Bắc Kinh sẽ cần tiếp cận với nhiều chuyên gia gốc châu Á trong đảng Cộng Hòa, là những người cho biết sẽ không làm việc khi ông Donald Trump làm tổng thống. Bắc Kinh sẽ sẵn sàng đối đầu với cuộc chơi về kinh tế của ông Trump.


Ngoài ra, thương mại chính là cuộc chơi có thể giúp ông Trump giành một số thắng lợi, đổi lại là một số ưu thế trong cuộc tranh giành về địa chính trị ở châu Á.


Ở điểm này, ông Trump chính là cơ hội lớn cho Trung Quốc. 


Khi tranh cử, tân tổng thống tỏ ra không mặn mà với việc Mỹ hiện diện ở châu Á bằng Trung Quốc. Ông đặc biệt phê phán chính sách xoay trục về châu Á theo góc độ kinh tế của chính phủ Tổng thống Obama.


Hơn vậy, trên góc độ quân sự, ông Trump từng tuyên bố rằng những đồng minh lâu đời của Mỹ như Nhật và Nam Hàn phải trả tiền để đổi lại sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ.


Dư luận trong vùng cảnh báo rằng sự gia tăng của chủ nghĩa cô lập hoặc chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ, hoặc mọi cuộc trao đổi với Bắc Kinh, sẽ làm Đài Loan và Biển Đông trở nên nguy hiểm, và giảm đi sự lãnh đạo của Mỹ ở châu Á vào thời điểm khi mà cả Philippines, Malaysia và Thái Lan đều đang cân nhắc lợi ích chiến lược sẽ đặt vào nước nào.


Những nhà nghiên cứu địa-chiến lược của Trung Quốc đang hy vọng rằng nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump sẽ giúp Trung Quốc làm giảm đi sự ảnh hưởng của Mỹ và có thể vẽ lại bản đồ châu Á. Và hy vọng của họ hoàn toàn có thể đúng. - BBC


***

Đối ngoại luôn là xương sống của chính sách của nước Mỹ. Đắc cử tổng thống Hoa Kỳ trong cuộc bầu cử hôm 08/11/2016, ông Donald Trump đang có trước mặt một chồng hồ sơ quốc tế lớn mà trong đó Hoa Kỳ đang đóng vai trò chủ chốt. Giới quan sát đang đặc biệt chú ý đến chính sách của Mỹ tới đây với khu vực châu Á, một trọng tâm của chính quyền Obama.



Trong suốt cuộc vận động tranh cử kéo dài hơn một năm qua, ông Donald Trump chỉ duy nhất có một lần diễn thuyết về chính sách đối ngoại hồi thắng Tư năm nay. Theo ông Trump, Hoa Kỳ không thể còn đóng vai trò sen đầm quốc tế nữa, nước Mỹ phải cắt bớt trợ giúp với bên ngoài trong đó có cả các nước đồng minh.


Bởi thế mà với chiến thắng của Donald Trump các đồng minh của Mỹ ở châu Á chắc chắn không khỏi lo ngại về những cam kết của Washington bảo vệ các đồng minh trước sự lấn lướt về sức mạnh của Trung Quốc cùng mối đe dọa khó lường của Bắc Triều Tiên.


Ở Trung Quốc, việc nhà tỷ phú New York đắc cử tổng thống một cách ngoạn mục đang đặt ra những vấn đề mang tính chiến lược và những vấn đề kinh tế cấp bách.


Trong suốt chiến dịch tranh cử, ứng viên Cộng Hòa đã nhiều lần hứa lập lại trật tự quan hệ thương mại giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới. Với luận điểm đầy màu sắc bảo hộ của ông Donald Trump "nước Mỹ là trước tiên – America first", Donald Trump đã tuyên bố đòi các nước đồng minh châu Á có quân Mỹ đóng quân để bảo vệ an ninh cho họ phải đóng góp tài chính nếu không có thể Mỹ sẽ rút quân.


Chính quyền Obama đã tốn không ít công sức để Hiệp ước đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương ( TPP) được ký kết với 11 nước châu Á nhằm phục vụ cho chính sách xoay trục về châu Á của chính quyền Obama. Thế nhưng, ôgn Donald Trump đã không ít lần phản đối gay gắt hiệp định này, với lý do đó là thỏa thuận phá hoại công ăn việc làm của người Mỹ.


Ông Toshihiro Nakayama, giáo sư Đại học Keiko tại Tokyo phân tích: "TPP không đơn thuần chỉ là một thỏa thuận thương mại mà nó còn có ý nghĩa rằng Hoa Kỳ và Nhật Bản, hai nước cùng chia sẻ những giá trị chung, cùng tạo ra một trật tự khu vực hoàn thiện liên quan không chỉ đến kinh tế mà cả ngoại giao và an ninh".


Mối lo của các đồng minh châu Á đã thấy ngay. Ngay sau khi có kết quả bầu cử ở Mỹ, hôm quan Seoul đã nhanh chóng lên tiếng khẳng định rằng việc triển khai hệ thống lá chắn tên lửa THAAD tại Hàn Quốc nhằm đối phó với mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên sẽ vẫn phải được tiến hành như dự trù dưới chính quyền Trump.


Lãnh đạo nhóm nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền tại Hàn Quốc, ông Chung Jin-suk nhận định sắp tới sẽ phải có những thay đổi ngoạn mục trong bối cảnh an ninh khu vực. Nhưng ông nhấn mạnh "trong mọi trường hợp, liên minh quân sự Mỹ-Hàn không được lung lay vì đó là cơ sở cho sự thịnh vượng của Hàn Quốc".


Còn tại Tokyo, một thành viên chính phủ Nhật thậm chí còn lên tiếng trước khi có kết quả Donald Trump thắng cử để kêu gọi tổng thống tương lai của Mỹ hãy tuyên bố "bảo đảm các cam kết của Mỹ với các đồng sẽ vẫn mạnh mẽ và tin cậy". Nhân vật này cũng nói thêm là những phát biểu tranh cử của ông Donald Trup tất nhiên đã gây lo ngại cho chính phủ Nhật, nhưng giờ phải chờ xem liệu tân tổng thống Mỹ có hành động đúng như những gì ông đã nói hay không.


Tuy nhiên theo một số nhà phân tích thì cam kết của Mỹ đối với các đồng minh châu Á, nền tảng cơ sở cho ổng định khu vực chắc sẽ không có gì thay đổi. Donald Trump đã thông báo sẽ tăng cường phương tiện cho hải quân Mỹ. "Chỉ riêng điều này cũng có thể trấn an tâm các đồng minh rằng Hoa Kỳ cam kết về lâu dài sẽ vẫn đóng vai trò người bảo lãnh trật tự tự do ở châu Á", theo nhà phân tích chính trị Alexander Gray, giảng viên Đại học California.


Biểu tượng bất trắc hay một doanh nhân thực dụng


Còn Bắc Kinh đang muốn duy trì mối quan hệ ổn định với Washington nên chủ tịch tập Cận Bình đã nhanh chóng gửi lời chúc mừng tới tổng thống tân cử Mỹ một cách long trọng. Trong một thông điệp truyền trực tiếp trên truyền hình, ông Tập cận Bình nói "đặt tầm quan trọng lớn trong quan hệ Trung-Mỹ" và ông khẳng định mong muốn cùng ông Trump làm việc để "bảo vệ những nguyên tắc không xung đột, không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác hai bên cùng có lợi". 


Tuy nhiên những lời hứa tranh cử của ông Trump đòi đánh thuế 45% hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và những tố cáo chính thức Trung Quốc thao túng tỷ giá đồng tiền…. đó lại là những dấu hiệu cho thấy mối quan hệ hai nước sẽ khó mà có thể ổn định như mong muốn của ban lãnh đạo Trung Quốc.


Ở Bắc Kinh, nhiều câu hỏi đang được đặt ra xung quanh vị tổng thống tân cử của nước Mỹ. Chuyên gia Giả Khánh Quốc (Jia Quingguo) thuộc Đại học Bắc Kinh và cố vấn cho chính phủ Trung Quốc, tóm tắt ngắn gọn: Donald Trump là một "biểu tượng của sự bất trắc".


Nhưng một số chuyên gia Trung Quốc cũng cho rằng, ban lãnh đạo Trung Quốc vốn rất ngán những chỉ trích của Hillary Clinton về vấn đề nhân quyền thì lại nghĩ rằng nhà tài phiệt bất động sản New York có thể sẽ có những ứng xử như một doanh nhân thực dụng.


Trong một thông cáo ra hôm qua (9/111), ông James Zimmerman, lãnh đạo phòng thương mại Mỹ tại Trung Quốc, một người ủng hộ Clinton, nhấn mạnh là: đọc một diễn văn cứng rắn dễ hơn nhiều so với việc hình thành và đưa ra các quyết định cứng rắn". Ông cũng nói thêm là "cô lập hay trừng phạt Trung Quốc không phục vụ các lợi ích của nước Mỹ". - RFI


***

Vào hôm nay, 10/11/2016, Việt Nam cho biết đã chính thức gởi điện chúc mừng tổng thống Mỹ tân cử Donald Trump. Theo Bộ Ngoại Giao Việt Nam, giới lãnh đạo Việt Nam đồng thời bày tỏ hy vọng là chính quyền của ông Trump vẫn tiếp tục thúc đẩy và củng cố quan hệ đối tác với Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể du thời tổng thống Obama.


Theo báo chí trong nước, ông Lê Hải Bình, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam đã xác nhận rằng ngay từ hôm qua 09/11/2016, hai lãnh đạo Việt Nam là Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi điện chúc mừng ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ.


Theo ông Lê Hải Bình, trong bức điện, lãnh đạo Việt Nam đã nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ hợp tác với Mỹ và mong rằng chính quyền mới của ông Donald Trump sẽ "tiếp tục thúc đẩy, làm sâu sắc mối quan hệ Đối tác toàn diện" giữa hai nước.


Trong số các lãnh vực được nêu bật trong bức điện, dĩ nhiên là có hai lãnh vực hợp tác đã có những bước tiến đáng kể dưới thời tổng thống Obama: an ninh, quốc phòng và hợp tác về các vấn đề khu vực và quốc tế.


Giống như nhiều nước châu Á khác, phản ứng của Việt Nam được cho là khá thận trọng. Vì không nước nào chờ đợi là ông Trump đắc cử.


Tuy nhiên có vẻ vui mừng ra mặt lại là tổng thống Philippines, người từng được mệnh danh là "Trump Phương Đông". Theo hãng tin Reuters, phát biểu vào hôm qua khi tiếp xúc với cộng đồng người Philippines ở Malaysia, ông Duterte cho biết: "Tôi không muốn tranh cãi với Mỹ nữa, vì Trump đã đắc cử. Tôi muốn chúc mừng tổng thống Trump. Trump muôn năm! Chúng ta giống nhau".


Tuyên bố hoan nghênh tổng thống Mỹ tân cử, hoàn toàn trái ngược với những lời thóa mạ, nguyền rủa mà ông Duterte đã dành cho tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Barack Obama.


Thủ tướng Malaysia Najib Razak cũng đã gửi lời chúc mừng "chiến thắng phi thường" của ông Trump trong cuộc bầu cử Mỹ. Thủ tướng Malaysia, hiện đang bị bộ Tư pháp Hoa Kỳ nghi là có dính líu đến một vụ biển thủ hàng tỷ đô la từ một quỹ đầu tư nhà nước Malaysia, được cho là có thể hưởng lợi từ chính sách tự cô lập của nước Mỹ.


Trong một bản tuyên bố, ông Najib Razak nhận xét rằng sở dĩ ông Trump giành được chiến thắng, đó là vì ông đã quan tâm đến những người Mỹ bị bỏ lại phía sau, những người muốn thấy chính phủ tập trung chăm lo quyền lợi và phúc lợi của người dân trong nước, hơn là can thiệp vào nước ngoài, điều không có lợi cho nước Mỹ. - RFI


***

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe gọi điện chúc mừng tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump ngày hôm qua 09/11/2016. Hai bên hẹn gặp nhau vào ngày 17. Theo lãnh đạo Nhật Bản, quan hệ Tokyo-Washington vẫn bền chặt. Trong khi đó, bộ tài chính và Ngân hàng trung ương gián tiếp cho biết sẽ can thiệp để chận đồng Yen lên giá do tâm lý thiếu tin cậy của giới đầu tư sau khi ông Donald Trump đắc cử.


Từ Tokyo, thông tín viên Frédéric Charles phân tích:


Thủ tướng Shinzo Abe linh cảm nhu cầu phải nhấn mạnh tính chất "không lay chuyển" trong quan hệ Mỹ-Nhật sau chiến thắng của ông Donald Trump. Lời tuyên bố gián tiếp để lộ mối lo ngại của thủ tướng Nhật. 


Ông Shinzo Abe lo âu vì trong cuộc vận động tranh cử, ông Trump đã nhiều lần nhắc đến tên nước Nhật để nói rằng đồng minh này đã được Mỹ bảo vệ quá nhiều, với chiếc ô dù hạt nhân, mà không tốn một xu.


Donald Trump dường như không biết rằng tất cả những chi phí hoạt động của các căn cứ quân sự Mỹ tại Nhật, những căn cứ quan trọng nhất trên thế giới ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ, từ hóa đơn tiền điện, tiền ga là do Nhật chi trả. 


Thủ tướng Nhật lo ngại tổng thống mới tại Mỹ sẽ xét lại hiệp định an ninh chung Mỹ-Nhật hoặc thậm chí giảm sự hiện diện của quân đội Mỹ trong khu vực mà kẻ thủ lợi sẽ là Trung Quốc.


Sàn giao dịch Tokyo, ngày 09/11, đã mất 5% trị giá trong khi đồng yen tăng 2,6% so với đô-la. Thị trường Á châu lo ngại với Donald Trump ở Nhà Trắng, nước Mỹ sẽ theo con đường bảo hộ mậu dịch."


Hàn Quốc tin rằng chính sách Mỹ vẫn như trước


Trong khi đó tại bán đảo Triều Tiên, bộ quốc phòng Hàn Quốc tin rằng Donald Trump sẽ không xét lại kế hoạch bố trí hệ thống lá chắn chống tên lửa đạn đạo THAAD. Công việc chuẩn bị đã "gần như hoàn tất". Trong cuộc điện đàm với tổng thống Park Geun Hye, ông Donald Trump cam kết "quyết tâm không lay chuyển" của Mỹ bảo vệ Hàn Quốc.


Về phần Bắc Triều Tiên, nhật báo chính thức của chế độ Bình Nhưỡng kêu gọi "chính quyền mới"  của Mỹ "thay đổi chính sách". - RFI


***

Tổng thống tân cử của Mỹ, Donald Trump, mời Thủ tướng Anh, Theresa May, sang thăm càng sớm càng tốt.


Lời mời được đưa ra nhân cuộc điện đàm đầu tiên giữa hai người kể từ khi ông Trump đắc cử, văn phòng Thủ tướng Anh cho biết.


Hai nhà lãnh đạo đồng ý với nhau rằng mối quan hệ Mỹ-Anh ‘hết sức quan trọng và đặc biệt, và rằng xây dựng trên nền tảng đó sẽ là một ưu tiên hàng đầu cho cả đôi bên.’


Thông cáo của văn phòng Thủ tướng Anh nói: “Tổng thống đắc cử Trump đề ra những mối liên lạc gần gũi của cá nhân ông và sự nồng ấm dành cho Anh quốc. Ông nói ông tin rằng mối quan hệ đặc biệt này sẽ đi từ sức mạnh tới sức mạnh.”


Thủ tướng Anh cũng bày tỏ với ông Trump rằng bà hy vọng tăng cường mậu dịch và đầu tư song phương với Hoa Kỳ trong lúc Anh rời khỏi EU. - VOA


***

Thủ tướng Canada, Justin Trudeau, tuyên bố trông chờ hợp tác với ông Donald Trump sau khi tỷ phú này đắc cử Tổng thống, một chiến thắng có thể gây hại cho các nhà xuất khẩu Canada và phá hỏng kế hoạch ấn định giá carbon trên toàn quốc.


Phát biểu tại một diễn đàn giới trẻ hôm 9/11, Thủ tướng Trudeau nhấn mạnh: “Chúng ta có cùng mục đích, hai quốc gia chúng ta…Tôi sẽ làm việc với chính quyền của ông Trump trong lúc chúng ta tiến tới một cách tích cực.”


Văn phòng ông Trudeau cùng ngày cho biết Thủ tướng Canada đã nói chuyện với Tổng thống tân cử Donald Trump của Mỹ, tái xác nhận tầm quan trọng của mối quan hệ Canada-Mỹ và thảo luận các lĩnh vực cùng quan tâm. 


Ông Trudeau mời ông Trump sang thăm Canada và ông Trump cũng mời đáp lại, văn phòng Thủ tướng Canada cho biết.


Trong chiến dịch tranh cử, ông hứa sẽ sửa lại hoặc hủy bỏ Thỏa thuận Tự do Mậu dịch Bắc Mỹ (NAFTA) mà nhờ đó Canada bán 75% hàng xuất khẩu của họ sang Mỹ.


Đại sứ Canada tại Washington, ông David MacNaughton, nói với báo giới rằng ông diễn giải phát biểu của ông Trump như một mong muốn cải thiện thỏa thuận này. Nếu ông Trump muốn thảo luận những sửa đổi, Canada sẽ ngồi vào bàn thương lượng, đại sứ MacNaughton nói.


Thách thức với Ottawa là họ dự trù bà Hillary Clinton đắc cử và xem nhẹ nhu cầu cần có một nước cờ kế hoạch nếu ông Trump thắng. Vì vậy, các giới chức Canada giờ đây phải giải bài toán để làm sao nền kinh tế phụ thuộc xuất khẩu của Canada vẫn duy trì được các lợi thế ưu đãi tiếp cận thị trường Mỹ.


Một cuộc khảo sát do Cơ quan Phát triển Xuất khẩu Canada thực hiện trong tháng này nói rằng hàng xuất khẩu sang Mỹ có thể giảm từ 1.2% đến 4.5% , tùy vào các bước đi của chính quyền Trump.


Ông Trump làm Tổng thống Mỹ cũng có thể gây phương hại cho kế hoạch của Thủ tướng Canada muốn ban hành giá carbon trong khuôn khổ cam kết đáp ứng các mục tiêu quốc tế về biến đổi khí hậu.


Ông Trump từng tuyên bố rằng mục tiêu về biến đổi khí hậu là giả tạo, và nếu ông giảm bớt cam kết của Mỹ trong cuộc chiến chống khí thải nhà kính thì điều đó sẽ khiến cho các doanh nghiệp Canada bị giảm tính cạnh tranh hơn. - VOA

|

|


2.

Hàng triệu người xếp hàng đổi tiền ở Ấn Độ


Hàng triệu người Ấn Độ xếp hàng dài bên ngoài ngân hàng hôm thứ Năm, 10/11, để đổi tiền giấy mệnh giá lớn bị loại bỏ trong một động thái bất ngờ nhằm diệt trừ tham nhũng.


Nhiều chuyên gia đã hoan nghênh động thái loại bỏ những giấy bạc này, coi đó là bước đi táo bạo nhất của đất nước nhằm dẹp trừ tham nhũng và truy tìm những người trốn thuế, mà theo ước tính đã cất giấu lượng tiền mặt trị giá hàng tỷ đôla. Nhưng những người hoài nghi cảnh báo rằng biện pháp này sẽ chỉ có tác động ngắn ngủi ở một đất nước nơi mà những chiếc ‘vòi bạch tuộc của tham nhũng’ đã vươn sâu.


Có 23 tỷ giấy bạc cần phải đổi, một con số khổng lồ. Vì vậy tiến trình đổi sang tiền mới sẽ không dễ dàng. Các quan chức nói rằng sẽ mất 3-4 tuần để bơm những tờ tiền mới mệnh giá lớn vào hệ thống ngân hàng.


Ở một đất nước nơi có bất bình sâu sắc về tham nhũng liên quan đến các quan chức, chính trị gia và các doanh nghiệp, nhiều người dân thường đang xếp hàng nói họ sẵn sàng chấp nhận khó khăn trong vài ngày nếu việc này có thể làm sạch hệ thống.


Các quan chức nói việc loại bỏ những tờ tiền mệnh giá lớn là một phần trong một chiến dịch bài trừ tham nhũng quy mô. Thủ tướng Modi thề sẽ nhổ tận gốc tham nhũng khi ông lên nắm quyền.


Động thái bất ngờ này được công bố vào đêm thứ Ba, 8/11.


Chính phủ cũng cho biết việc này không chỉ nhắm mục tiêu vào tham nhũng, mà còn để chống khủng bố. Các quan chức nói một lượng lớn các tờ tiền giả được những kẻ khủng bố đưa vào đất nước, và việc loại bỏ các tờ tiền mệnh giá lớn hiện thời sẽ làm gián đoạn hoạt động của chúng. Chính phủ cho biết những tờ tiền mới sẽ có các tính năng bảo mật mạnh hơn, khiến khó có thể làm bạc giả. - VOA

|

|


3.

Kinh tế dao động sau bầu cử tổng thống Mỹ


Cả thế giới chưa hết kinh ngạc trước kết quả bất ngờ của cuộc bầu cử tổng thống đầy kịch tính tại Hoa Kỳ. Các thị trường tài chánh thế giới theo dự đoán sẽ tiếp tục dao động cho đến khi các nhà đầu tư đủ thời giờ để tìm hiểu ảnh hưởng của nhà lãnh đạo mới chưa qua thử thách, đối với nền kinh tế lớn nhất của thế giới. Thông tín viên Mil Arcega của VOA dẫn lời một số nhà phân tích nói rằng cho tới giờ phút này, thì không có lý do để sợ hãi.


Ngay cả trước khi các phòng phiếu sau cùng đóng cửa, chứng khoán tương lai Dow đã bắt đầu rớt giá tới mức báo động, giá chứng khoán trên thị trường châu Á gần như rơi tự do, trong lúc các nhà đầu tư Âu châu so sánh kết cục của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ giống như kết quả bất ngờ của cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 6 khi nước Anh quyết định rút ra khỏi Liên hiệp Âu châu.


Ông Michael Hewson là chuyên gia của công ty tài chánh CMC. Ông nói:


"Phản ứng ban đầu như vậy ngay trong đêm là điều có thể dự đoán được. Rất giống với diễn biến ở cuộc trưng cầu dân ý Anh rút khỏi EU – giá rớt mạnh trên các thị trường."


Mặc dù giá chứng khoán ở Mỹ đã nhanh chóng hồi phục, một số nhà kinh tế nói rằng việc ông Trump đắc cử tổng thống sẽ có ảnh hưởng rất lớn đối với nền kinh tế Mỹ.


Kinh tế gia Gus Faucher nói với đài VOA:


"Chúng ta đang nói đến toàn cảnh nền kinh tế. Chúng ta đang nói tới lực lượng lao động về phương diện chính sách đối với di dân. Chúng ta đang nói tới xuất nhập khẩu, về ảnh hưởng đối với các hoạt động giao thương, và người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng như thế nào. Chúng ta đang nói tới vấn đề chăm sóc sức khoẻ, khả năng đạo luật Chăm sóc y tế giá phải chăng có thể bị rút lại."


Thông tín viên chuyên về thị trường Jill Malandrino của VOA nói rằng bất chấp thương mại toàn cầu có thể chịu những hậu quả, giá của nhiều loại chứng khoán đã tăng, trong đó có cổ phiếu của ngành năng lượng và tài chánh. Giá thương phẩm quốc tế cũng tăng. Khuynh hướng bảo hộ kinh tế dự kiến sẽ được đẩy mạnh hơn. Thông tín viên Malandrino nói:


"Ông Trump hứa sẽ đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng khiến các dự đoán về mức cầu về đồng thau và các khoáng sản khác tăng. Các chính sách bảo hộ dự trù sẽ được nêu bật. Mỹ hiện đã thiếu sắt thép, và nhập khẩu giảm sẽ làm tăng giá trên thị trường nội địa."


Đang có những lo ngại cho tương lai, kể cả thắc mắc về quyền lực không bị giới hạn của tổng thống tân cử với thế đa số ở cả hai viện Quốc hội của Đảng Cộng hoà, cho đến khi ông Trump đưa ra kế hoạch kinh tế rõ ràng. Trong giai đoạn hiện nay, kết quả bầu cử bất ngờ này có thể khiến kế hoạch tăng lãi suất cơ bản của Ngân hàng Dự trữ Liên bang chưa thể thực hiện được.


Kinh tế gia Gus Faucher của Công ty tài chánh PNC nhận định:


"Chúng ta thấy giá chứng khoán giảm. Chúng ta thấy dao động trên thị trường sau kết quả bầu cử. Tôi dự đoán rằng nếu tình hình cứ tiếp tục như vậy cho đến khi Cục Dự trữ Liên bang họp vào giữa tháng 12, thì có nhiều khả năng lãi suất cơ bản sẽ không tăng cho đến khi tình hình lắng dịu lại."


Các thị trường tài chánh thế giới cũng dao động một thời gian, nhưng theo thông tín viên Malandrino, thì các nhà đầu tư sẽ bình tĩnh chờ đợi:


"Ông Trump sẽ bị áp lực lớn phải nêu rõ một số chính sách mà ông định thực hiện. Sau đó thì chúng ta sẽ thấy thị trường hồi phục, giống như chúng ta đã thấy từ vụ Anh quyết định rút khỏi EU. Dù gì đi nữa thì các doanh nghiệp kinh tế của Mỹ có khả năng thích ứng rất cao." - VOA

|

|


Tin Hoa Kỳ


4.

Biểu tình chống ông Trump --- Mỹ siết chặt an ninh, biểu tình chống Trump tiếp diễn --- TT Obama-Trump thảo luận chuyển giao quyền lực --- TNS Sanders công bố điều kiện làm việc với ông Trump


Hàng nghìn người đã xuống đường mang theo biểu ngữ và hô to các khẩu hiệu chống tổng thống đắc cử Donald Trump “là người phân biệt chủng tộc”, “là kẻ ghét phụ nữ” trên khắp nước Mỹ hôm thứ Tư.


Ngay phía trước tòa tháp mang tên ông, Trump Tower, ở thành phố New York, cũng là nơi ông cư ngụ, đám đông mang biểu ngữ “Tình yêu sẽ chiến thắng thù hận”.


Tại thủ đô Washington, nhóm biểu tình tập họp trước Toà Bạch Ốc, nơi ông Trump sắp dọn vào. Trên đại lộ Pennsylvania, tại khách sạn mang tên ông mới khai trương, người biểu tình phản đối chính sách di dân của của ông Trump với biểu ngữ: “Hãy lớn tiếng nói rõ: Di dân được nghênh đón tại đây.”


Các cuộc biểu tình cũng diễn ra ở các thành phố bên bờ Đông như Miami, Philadelphia và Boston. Người biểu tình kêu gọi truất phế Tổng thống tân cử Donald Trump và chấm dứt hệ bầu cử theo cử tri đoàn, tiến trình hiến định đã trao phần thắng vào tay ông Trump, cho dù ông thua bà Hillary Clinton về số phiếu phổ thông.


Tại Los Angeles, San Francisco, Portland, và Seattle, người dân biểu tình trên khắp các đường phố gây tắc ngẽn giao thông, để bày tỏ sự phẫn nộ của họ về việc ông Trump đánh bại bà Clinton. 


Các cuộc biểu tình còn diễn ra tại các thành phố Chicago, St. Paul và Minneapolis ở Minnesota, Omaha ở Nebraska và thành phố Kansas ở bang Missouri.


Không có tin về bạo lực xảy ra, hoặc có người bị bắt. Tại Oakland, bang California, người biểu tình đốt rác ngoài đường và cửa kính của một số cửa hàng bị đập vỡ. 


Một người dân ở Chicago nói với hãng tin AP rằng ông Trump sẽ làm chia rẽ đất nước và gây thù hận. 


Trong bài phát biểu khi thắng cử, ông hứa sẽ là vị tổng thống của mọi người Mỹ và kêu gọi người dân đoàn kết. 


Trong bài phát biểu thừa nhận thất cử, bà Clinton chia sẻ nỗi thất vọng của các ủng hộ viên về thất bại bầu cử, nhưng bà kêu gọi họ hãy cho ông Trump một cơ hội để chứng tỏ khả năng lãnh đạo của ông.


***

Cảnh sát dựng hàng rào an ninh kim loại xung quanh khách sạn mới của Tổng thống tân cử Donald Trump tại Washington và một dãy ụ bê tông bên ngoài Tháp Trump ở New York trong lúc các cuộc biểu tình phản đối ông Trump trên cả nước bước sang ngày thứ nhì.


Một ngày sau khi hàng ngàn người xuống đường tại ít nhất 10 thành phố từ Boston đến Berkeley, California, hô vang khẩu hiệu ‘Không phải Tổng thống của tôi’, thêm nhiều cuộc biểu tình đã được lên kế hoạch diễn ra tại thủ đô DC, Baltimore và Madison, Wisconsin.


Đại diện chiến dịch tranh cử của ông Trump không đáp ứng yêu cầu bình luận tức thì về các cuộc biểu tình bài Trump, nhưng Rudy Giuliani, cựu thị trưởng thành phố New York và là một ủng hộ viên có thế lực của ông Trump, gọi người biểu tình là ‘một đám trẻ kêu gào vì bị nhồi sọ.’


Người biểu tình, đa phần là giới trẻ, phản đối tỷ phú Donald Trump về những tố cáo lạm dụng tình dục phụ nữ cùng những luận điệu chỉ trích di dân và người Hồi giáo.


Hơn 20 người bị bắt sáng sớm ngày 10/11 vì phong tỏa các đường cao tốc ở Los Angeles (California) và Richmond (Virginia).


Nhiều cuộc biểu tình chống Trump được hoạch định diễn ra vào cuối tuần này, theo thông báo trên mạng của những người tổ chức. Có người còn kêu gọi tuần hành ở thủ đô vào Ngày Tuyên thệ của ông Trump, 20/1/17.


Các ủng hộ viên của ông Trump kêu gọi mọi người bình tĩnh và chờ xem ông làm Tổng thống thế nào. - VOA


***

Tổng thống Barack Obama chào đón Tổng thống tân cử Donald Trump tại Tòa Bạch Ốc hôm 10/11, bước đầu tiên trong quá trình chuyển giao quyền lực sau chiến thắng bất ngờ của doanh nhân Đảng Cộng hòa trong chiến dịch tranh cử cay nghiệt.


Hai người vốn không có thiện cảm với nhau và hầu như chưa từng giáp mặt trước đây. Ông Trump đi đầu trong việc chất vấn sinh quán, quốc tịch của ông Obama và tuyên bố sẽ đảo ngược những thành tựu về mặt chính sách của ông Obama sau khi nhậm chức vào ngày 20 tháng 1 tới đây.


Còn ông Obama đã cực lực vận động cho đối thủ Dân chủ của ông Trump là cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton và nhận xét tính khí của ông Trump không thích hợp làm Tổng thống cũng như thiếu nền tảng để sẵn sàng tiếp cận các mật mã hạt nhân Hoa Kỳ.


Hai người sẽ tìm cách gác căng thẳng qua một bên, ít nhất là trước ống kính camera, trong cuộc gặp tại Phòng Bầu dục Tòa Bạch Ốc hôm nay. Đoàn xe của ông Trump đưa ông đến cổng sân vườn phía Nam để vào Tòa Bạch Ốc, tránh ống kính truyền hình.


Đệ nhất Phu nhân Michelle Obama sẽ gặp riêng với bà Melania, vợ ông Trump tại Tòa Bạch Ốc.


Hôm qua, Tổng thống Obama nói dù có những bất đồng lớn với ông Trump nhưng ông sẽ theo chân cựu Tổng thống Cộng hòa George W. Bush vào năm 2008, đảm bảo chuyển giao quyền hành êm thắm cho ông Trump.


Trong khi các chính trị gia Dân chủ tại Washington đang kêu gọi hợp tác với Tổng thống tân cử, các cuộc biểu tình chống ông Trump vẫn bùng phát mạnh mẽ tại các thành phố trên khắp nước Mỹ. - VOA


***

Thượng nghị sĩ Bernie Sanders tuyên bố sẵn sàng làm việc với Tổng thống tân cử Donald Trump để giúp giai cấp công nhân, nhưng sẽ ‘mạnh mẽ phản đối’ các chính sách khác mà ông Trump hứa hẹn.


Thượng nghị sĩ độc lập của bang Vermont vừa công bố thông cáo lưu ý rằng ông Trump đã chạm vào nỗi bất bình của tầng lớp trung lưu tuột dốc.


Ông Bernie nói rằng nếu ông Trump ‘nghiêm túc theo đuổi các chính sách cải thiện cuộc sống của các gia đình lao động trong đất nước này, tôi và những người cấp tiến khác sẵn sàng làm việc với ông ấy.’


Nhưng ông Sanders nhấn mạnh rằng nếu ông Trump ‘theo đuổi các chính sách phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính, bài ngoại và chống môi trường, chúng tôi sẽ mạnh mẽ phản đối ông.’


Ông Sanders là đối thủ của bà Hillary Clinton trong cuộc tranh tài để được đảng Dân chủ đề cử làm ứng viên Tổng thống của đảng. Sau khi bị bà Clinton đánh bại, ông đã ủng hộ bà Clinton. - VOA

|

|


5.

Ông Trump đe doạ xé bỏ Hiệp định Khí hậu Paris --- GS Nguyễn Mạnh Hùng "Với Donald Trump, chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ "diều hâu" hơn" --- Nga tiết lộ có tiếp xúc với ban vận động của Trump trong mùa bầu cử


Thắng lợi của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đã gửi một thông điệp tiêu cực đến Hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu diễn ra trong tuần này tại Morocco. Mục đích của hội nghị này là đề ra những chi tiết cụ thể cho Hiệp định Khí hậu Paris, một thoả thuận có tính bước ngoặt đạt được hồi năm ngoái, nhưng ông Trump đã tuyên bố sẽ xé bỏ thoả thuận này, để mở lại những mỏ than và xúc tiến các dự án khai thác khí đốt và đá phiến có dầu.


Giáo sư Samuel Fankhauser thuộc Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu Grantham nhận định: 


“Một trong những nguyên do các nỗ lực của chúng ta đã lấy đà như đang thấy hiện nay, tại sao chúng ta đạt được hiệp định Paris và nhanh chóng phê chuẩn hiệp định này là nhờ vào sự lãnh đạo của Hoa Kỳ.”


Hiệp định Paris tìm cách hạn chế nhiệt độ trái đất ấm lên quá 2 độ C so với mức của thời kỳ tiền công nghiệp, phần lớn thông qua các biện pháp nhằm giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính.


Trong chiến dịch tranh cử, ông Donald Trump tuyên bố sẽ rút ra khỏi hiệp định này trong vòng 100 ngày từ khi lên nhậm chức, và xoay sang tập trung vào nỗ lực giúp Hoa Kỳ tự túc về năng lượng.


Tổng thống tân cử Donald Trump đã tuyên bố: 


“Chúng ta sẽ đưa các thợ mỏ trở lại làm việc, nhất định là như thế. Chúng ta sẽ mở lại các quặng mỏ.”


Việc Washington hoàn toàn lật ngược lập trường của mình có nguy cơ phương hại tới các nỗ lực toàn cầu nhằm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.


Giáo sư Samuel Fankhauser, Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu Grantham nói: 


“Mỹ từ bỏ vai trò lãnh đạo trong nỗ lực sẽ tạo ra một khoảng trống. Tin vui là, giả như có tin vui, một khi hiệp định Paris có hiệu lực, và khi Hoa Kỳ là một thành viên ký hiệp định, thì rút ra khỏi hiệp định sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, là so với khi Hoa Kỳ chưa tham gia hiệp định.”


Các đại biểu tham gia hội nghị LHQ về khí hậu ở Morocco lo sợ rằng những tiến bộ đã đạt được sẽ tan thành mây khói.


Nhà lập pháp Weram Mannasseh Chlanga, thành viên quốc hội Malawi nói: 


“Nếu ông Trump rút ra khỏi hiệp định Paris, thì điều này có nghĩa là chúng ta đi thụt lùi, và sự thể này sẽ không tốt cho thế giới.”


Bà Catherine Bowes, thuộc Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang dã Hoa Kỳ, nói:


“Tôi phải tin rằng các lập luận ủng hộ năng lượng gió từ đại dương vững chắc tới mức chúng sẽ không bị tác động bởi bất kỳ một chính phủ mới nào.”


Các nhà quan sát nói rằng phải chờ thêm vài tháng nữa mới biết tác động toàn diện của thắng lợi bầu cử của ông Trump đối với chính sách về biến đổi khí hậu, và sự thể này sẽ gây ra nhiều bất định cho tương lai của hiệp định Paris. - VOA


***

Sự kiện ông Donald Trump bất ngờ được bầu làm tổng thống Mỹ tiếp tục được giới quan sát phân tích và bình luận rộng rãi. Trong một bài phỏng vấn dành cho ban Việt Ngữ từ viện Đông Nam Á tại Singapore nơi ông đang được mời đến nghiên cứu, giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng thuộc trường đại học George Mason (Hoa Kỳ) đã nêu bật ý nghĩa của sự kiện ông Trump đắc cử, cũng như một số hệ quả đối với nước Mỹ và thế giới.


Trong lãnh vực đối ngoại, giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh đến khả năng đường lối của Mỹ sẽ "diều hâu và cứng rắn hơn", trong lúc thách thức đặt ra là cần phải trấn an các đồng minh ở cả châu Âu lẫn châu Á.


Trump đắc cử: Một vài ý nghĩa


1/ Đây là một cái tát vào mặt giới lãnh đạo chính trị Hoa Kỳ, cả Cộng Hòa lẫn Dân Chủ. Nó là cuộc nổi loạn của đám đông bất mãn đối với giới trí thức, truyền thông. Nó là cái thắng của cảm tính trước suy luận, của cực đoan trước ôn hòa.


Nó là biến thể mới của đảng Know Nothing (chống di dân) thập niên 1840 và 1850 thế kỷ thứ 19, và bảo thủ cực đoan của Barry Goldwater trong cuộc bầu cử năm 1964 với câu tuyên bố bất hủ "Cực đoan trong việc bảo vệ tự do không phải là điều xấu.” Khuynh hướng chính trị này tiềm ẩn trong lịch sử chính trị Hoa Kỳ và nay được Trump khơi dậy thành công.


Đó là thắng lợi của chính sách bảo hộ kinh tế, chống di dân, kỳ thị tôn giáo, chủng tộc, và giới tính trong một thế giới toàn cầu hóa và đa diện.


2/ Nó là thất bại của giới truyền thông chính mạch và các thăm dò dư luận cứ phần lớn dựa vào phỏng vấn qua điện thoại với một mẫu phỏng vấn (sample) cũ không còn hiệu lực nữa.


Nhưng điều ấy không có nghĩa là mọi mô hình phỏng đoán khoa học đều sai. Trong khi các mô hình khác sai, mô hình tiên đoán của giáo sư Allan J. Litchman tiên đoán đúng về bầu cử tổng thống, từ năm 1984 cho đến nay vẫn đúng. Ông quả quyết Trump sẽ thắng ngay cả khi đa số các đồng nghiệp và các cuộc thăm dò dư luận trong giai đoạn cuối đều đoán là Clinton sẽ thắng.


3/ Nó là thái độ vô trách nhiệm, từ bỏ vai trò lãnh đạo của giai cấp cầm quyền Mỹ (abdication of leadership). Người dân bầu ra những người đại diện cho quyền lợi của mình, nhưng họ cũng muốn những người đón vì hiểu biết hơn, hướng dẫn họ.Chính trị gia phải làm đủ 2 bổn phận: đai diện và lãnh đạo. 


Giới lãnh đạo trong nhiều nước ở Âu Châu không có can đảm hướng dẫn và thuyết phục người dân trong các vấn đề khó khăn nên chọn giải pháp dễ dàng là dựa vào chính sách mị dân. Brexit là một trường hợp điển hình: Thủ tướng Anh (Cameron) có quyền vẫn ở trong Cộng Đồng Âu Châu, nhưng vì bị chống đối và tin vào các cuộc thăm dò dư luận nghĩ rằng buộc người dân phải chọn thì mình sẽ thắng, và ông đã thua và nước của ông cũng thua.


Trong trường hợp của Trump, lãnh đạo của đảng Cộng Hòa không có can đảm đoàn kết chống Trump ngay từ đầu vì nghĩ rằng dân chúng sẽ cho ông ấy ngã ngựa giữa đường. Họ đã làm, và Hoa Kỳ có một tân tổng thống Donald Trump! Ông là người duy nhất có hai địa chỉ trên đại lộ Pennsylvania: một ở Nhà Trắng, 1600 Pennsylvania Ave. và một ở Trump International Hotel ở 1100 Pennsylvania Ave.


4/ Chỉ có dân chủ mới cho ta thấy được thực tế chính trị: người dân có quyền phát biểu bất mãn của họ qua cuộc bỏ phiếu để thay đổi chính sách công theo ý của họ. Người ta bất mãn vì hiện tượng toàn cầu hóa và cạnh tranh kinh tế làm họ mất việc làm, địa vị xã hội đi xuống, chi phí bảo hiểm y tế tăng, sự áp đặt của chính trị phải đạo (political correctness), chia rẽ và bất lực của giới lãnh đạo ở trung ương, thất vọng vì 8 năm cầm quyền của một vị tổng thống da đen.


Ông Trump và những lời hứa khó thực hiện


Đảng Cộng Hòa nay đã nắm được cả Hành Pháp lẫn Lập Pháp. Họ có ủy nhiệm để thay đổi. Họ không thể làm việc chỉ để phá đám và chọc gậy bánh xe (ông Obama) nữa. Họ phải chứng tỏ mình làm được việc, và chịu trách nhiệm trước nhân dân và sẽ bị nhân dân trừng trị nếu thất bại.


Chính quyền Trump sẽ phải đối phó với những vấn đề hết sức khó khăn để thực hiện lời hứa tranh cử của Trump: xây bức tường ngăn di dân giữa Mỹ và Mêhicô và buộc Mêhicô trả tiền ; giải quyết và trục xuất 11 triệu di dân không có giấy tờ hợp lệ; cải tổ bảo hiểm y tế, lập chương trình mới thay thế cho Obamacare; đánh bại ISIS (tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo), trừng phạt Iran, giải quyết các cuộc khủng hoảng ở Libya và Syria, chế tài kinh tế đối với Trung Quốc, đàm phán lại hiệp ước NAFTA và TPP, trấn an các đồng minh ở Âu Châu và Á Châu…


Tất cả những vấn đề trên đòi hỏi khả năng chuyên môn và một thái độ cẩn trọng, trong khi ấy, tổng thống tân cử rất ít hiểu biết về chính trị quốc tế, và các cố vấn hiện có của ông không sẵn sàng.


Tờ báo có khuynh hướng bảo thủ thiên giới tài phiệt Wall Street Journal cho biết trong giai đoạn tranh cử, các cố vấn của Trump chỉ đưa ra những talking points ghi trên 1, 2 trang giấy hoặc bản ghi nhớ (memos) dài tối đa là 20 trang, khác hẳn với các ứng viên khác khi bộ máy tranh cử của họ soạn các nghiên cứu chính sách một cách chi tiết và rõ rệt hơn.


Đối nội: bảo thủ lâu dài; đối ngoại: diều hâu hơn


Về chính sách đối nội thì vì khả năng bổ nhiệm một số thẩm phán Tối Cao Pháp Viện có khuynh hướng bảo thủ của tân tổng thống, nước Mỹ sẽ đi vào một khuynh hướng chính trị bảo thủ trong nhiều năm tới.


Về đối ngoại, vì chưa biết các cố vấn của ông Trump sẽ là ai cho nên khó đoán được chính sách đối ngoại của Mỹ, nhưng căn cứ vào tuyên bố của ông Trump và một số tướng lĩnh ủng hộ ông, người ta có thế đoán rằng chính sách đối ngoại mới có tinh cách “diều hâu” và cứng rắn hơn. 


Chính sách ấy có thế làm hài lòng những người chỉ trích thái độ “nhu nhược” của chính quyền Obama, nhưng cũng có thể đưa Hoa Kỳ vào những cuộc chiến tốn phí và không lối thoát.


Về khía cạnh tích cực, ông Trump có thể làm một cái deal với Nga để yên vấn đề ở Trung Âu và Trung Đông, mà dồn toàn lực đối phó với Trung Quốc ở Á châu.


Thách thức lớn: Trấn an các đồng minh Âu Á


Dưới mắt các nhà lãnh đạo và giới chuyên viên ngoại quốc, ông Trump thể hiện hình ảnh của một Nước Mỹ Xấu Xí (The Ugly America) của thế kỷ 21, thay thế cho hình ảnh Người Mỹ Xâu Xí (The Ugly American) của thập niên 1950 trong cuốn tiểu thuyết của William Lederer và Eugene Burdick.


Vi thế, thách thức lớn của ông Trump là làm sao hàn gắn và trấn an được các đồng minh Âu châu và Á châu của Mỹ. Nước Mỹ không có khả năng trí lực, tài lực, và nhân lực để hành động một mình như ông ấy tưởng.


Điều làm người ta lo ngại là : 


(1) sự thiếu hiểu biết và kinh nghiệm của ông Trump về những vấn đề thế giới phức tạp ; 


(2) tính nóng nẩy, hiếu thắng, và độc tôn của ông không thích hợp với những tình huống phức tạp, tế nhị, và đòi hỏi sự tự chế.


Điều hy vọng là với tính quyết liệt và sự khôn ngoan của một con buôn, ông ấy có thế có những quyết định thực tiễn và làm được một số thương lượng có lợi cho nước Mỹ. - RFI


***

Chính phủ Nga có tiếp xúc với các thành viên thuộc toán chính trị của Tổng thống tân cử Donald Trump trong chiến dịch bầu cử Tổng thống Mỹ và biết hầu hết những người thân cận của ông Trump, một trong những nhà ngoại giao cao cấp nhất của Nga tiết lộ với thông tấn xã Interfax ngày 10/11.


Bị bà Hillary Clinton của Đảng Dân chủ cáo buộc là con rối của Tổng thống Vladimir Putin sau khi ông Trump ca ngợi nhà lãnh đạo Nga, ông Trump đã bác bỏ những ý kiến cho rằng ông có dính líu với chính phủ Nga trong chiến dịch tranh cử.


Tuy nhiên, trong phát biểu có thể gây khó khăn về chính trị cho ông Trump, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov xác nhận thực ra đã có một vài sự liên lạc giao tiếp giữa đôi bên.


Interfax dẫn lời ông Ryabkov rằng: ‘Đã có những sự liên lạc. Chúng tôi đang làm như thế và đã làm như thế trong suốt chiến dịch tranh cử.’


Ông nói thêm những sự liên lạc tiếp xúc ấy sẽ tiếp tục, và rằng chính phủ Nga biết và đã tiếp xúc với nhiều đồng minh thân cận nhất của ông Trump, dù không nêu tên cụ thể.


Ông Ryabkov cho biết Moscow đã bắt đầu xem xét cách thức thiết lập những kênh thông tin chính thức để liên lạc với chính quyền Trump.


Một nữ phát ngôn viên của ông Trump không đáp ứng yêu cầu bình luận tức thời về tin này.


Theo những nguồn tin quen thuộc với vấn đề này thì Cục Điều tra Liên bang Mỹ trong những tháng gần đây đã mở một cuộc điều tra sơ khởi về những cáo buộc là ông Trump và những cộng sự có thể đã có những giao dịch đáng ngờ với người dân hay doanh nghiệp Nga, nhưng không tìm thấy chứng cớ để mở một cuộc điều tra toàn diện. FBI không công khai thảo luận về cuộc điều tra này. - VOA

|

|


Tin Việt Nam


6.

Formosa bắt đầu chuyển đổi công nghệ sản xuất vào năm 2017


Hôm 10/11, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Việt Nam cho biết Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh sẽ thực hiện việc chuyển đổi phương pháp làm nguội than cốc từ ướt sang khô, bắt đầu từ ngày 31/3/2017. Tập đoàn Đài Loan gây ra thảm họa cá chết hàng loạt ở vùng biển miền Trung cam kết sẽ hoàn thành tiến trình chuyển đổi trước ngày 30/6/2019.


Theo cam kết với chính phủ Việt Nam khi bắt đầu đầu tư tại Việt Nam, Formosa sẽ sử dụng phương pháp làm nguội than cốc theo phương pháp khô (dùng khí N2). Tuy nhiên trên thực tế, công ty gang thép của Đài Loan đã dùng phương pháp ướt, dùng nước tuần hoàn, để làm nguội. 


Luật sư Phạm Công Út từ TP.HCM nói việc thực hiện sai quy trình sản xuất có thể dẫn đến việc rút giấy phép đầu tư, nếu Formosa không thay đổi lại theo cam kết. Ông nói:


“Thay đổi quy trình sản xuất từ khô sang nước, thứ nhất là họ làm lợi cho doanh nghiệp của họ về chi phí đầu tư ban đầu, thứ hai là giá thành sẽ cạnh tranh được. Họ làm sai quy trình cấp phép ban đầu thì nhà nước có thể rút giấy phép”.


Do sử dụng phương pháp ướt nên Formosa đã phải lén lút xả các chất thải độc hại ra biển thông qua ống xả thải đặt ngầm dưới đáy biển. Sau khi xuất hiện hiện tượng hải sản chết hàng loạt vào đầu tháng 4/2016, các thợ lặn ở địa phương đã phát hiện ra ống xả thải này. 


Cuối tháng 6/2016, Việt Nam chính thức công bố Formosa là thủ phạm gây ra sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên. Tuy nhiên, khoản tiền 500 triệu đôla mà Formosa bồi thường thiệt hại trong vụ này đã không nhận được sự đồng tình của người dân địa phương. Hàng trăm người dân đã đệ đơn lên tòa án để kiện công ty của Đài Loan.


Anh Hường, một người làm nghề biển tại Hà Tĩnh, nói với VOA:


“Khi nào biển sạch? Bao lâu, thời gian? Nhà nước quy hoạch bây giờ đền cho người dân 6 tháng thì tất nhiên người ta sẽ không chấp nhận được. Đợt bọn em làm hồ sơ kiện lên gửi tòa án, bọn em đòi hỏi ít nhất phải được 5 năm”.


Người dân tỉnh Quảng Bình đã bắt đầu nhận số tiền bồi thường thiệt hại của Formosa, theo Báo Tuổi Trẻ số ra ngày 10/11.


Linh mục Đặng Hữu Nam, người đã giúp hơn 500 người dân địa phương làm hồ sơ khởi kiện, nói số tiền bồi thường 500 triệu đôla của Formosa là không thấm tháp gì so với những thiệt hại trên thực tế mà người dân phải gánh chịu. Mặt khác, việc quy định mức bồi thường và chỉ bồi thường cho 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế là không thỏa đáng vì theo Lm. Nam, người dân ở tỉnh Nghệ An cũng bị thiệt hại về sinh kế do sự cố môi trường trên. Lm. Nam nói rằng người dân sở dĩ chấp nhận bồi thường là vì hoàn cảnh quá khó khăn hiện nay.


“Ngư dân vốn đã nghèo rồi, mà hơn 6 tháng qua, người ta không có một thu nhập nào cả. Gia sản của người ta dù có tích góp thì người ta cũng phải bán, cầm cố để mà chống chọi, bám trụ với cuộc sống. Con cái của người ta đã không được đến trường. Món nợ ngân hàng để đầu tư vào các phương tiện đánh bắt là gánh nặng và đã làm cho người ta phá sản. Thử hỏi trong hoàn cảnh đó, cộng với 2 lần lũ lụt như thế này, ngập và mất hết tài sản, trong hoàn cảnh éo le như vậy chắc chắn người ta không thể từ chối món tiền có thể đến. Mặc dù, họ biết rằng sau khi họ nhận món tiền đó, tương lai của họ u ám hơn, mờ mịt hơn”.


Bộ TN&MT nói Formosa đang thực hiện nghiêm túc các giải pháp trước mắt và lâu dài theo yêu cầu của Bộ. Công ty Đài Loan sẽ bắt đầu khởi công việc chuyển đổi công nghệ vào ngày 31/3/2017 và cam kết hoàn thành việc này trước ngày 30/6/2019. - VOA

|

|


7.

Việt Nam dừng điện hạt nhân Ninh Thuận


"Tôi hết sức vui mừng được tin Chính phủ Việt Nam dừng dự án điện hạt nhân ở Ninh Thuận," cựu cố vấn chiến lược Tập đoàn Điện quốc gia Pháp (EDF) bình luận với BBC về tin Việt Nam dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.


"Như thế thì quê hương và người Việt sẽ tránh được những hậu quả khủng khiếp của những vụ khủng hoảng hạt nhân như Tchernobyl hay Fukushima," Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn, Đại học Bách khoa Grenoble nói hôm 10/11.


Tin cho hay Chính phủ bất ngờ trình Quốc hội dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.


Báo Việt Nam dẫn lời Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Hồng Tịnh mô tả động thái này là "quyết định dũng cảm của Chính phủ".


'Nguy cơ'


"Tôi không rõ nguyên nhân thật sự của việc dừng điện hạt nhân Ninh Thuận," Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn nói.


"Nhưng có thể là vì Chính phủ mới của Việt Nam thấy rõ bài toán điện hạt nhân rất khó giải quyết: nguồn nhân lực, chuyên môn và nguồn tài chính eo hẹp, quá nguy hiểm cho người dân, giá điện hạt nhân càng ngày càng tăng, chất thải phóng xạ không biết phải xử lý thế nào."


"Hoặc cũng có thể Chính phủ thấy việc Trung Quốc cho vận hành nhiều nhà máy điện hạt nhân gần biên giới làm tăng xác suất và nguy cơ cho đất nước."


"Từ mấy năm nay, quan điểm của tôi là các dự án nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam không có tính khả thi chút nào."


"Theo tôi, giải pháp lâu dài là cần dừng điện hạt nhân đề đầu tư mạnh và gấp rút vào năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng và tăng hiệu suất năng lượng." 


"Đó cũng là lời giải hợp lý nhất của bài toán thay đổi khí hậu. Nhân loại sẽ khỏi cần điện hạt nhân và các nguồn năng lượng có điện như than, dầu, khí, để tránh CO2."


"Việt Nam cần gấp một cuộc cách mạng về năng lượng, cũng như giáo dục mới có thể theo kịp nền kinh tế số và kinh tế xanh để phát triển bền vững đúng nghĩa", giáo sư nói với BBC.


Dừng dự án


Báo Tuổi Trẻ hôm 10/11 tường thuật lời ông Lê Hồng Tịnh: "Việc giải phóng mặt bằng và các việc chuẩn bị khác thì có lãng phí. Nhưng mặt bằng đấy chúng ta có thể xây dựng nhà máy điện sử dụng nguyên liệu khác, hoặc phát triển khu công nghiệp. Tôi cho rằng không hoàn toàn lãng phí số tiền đã bỏ ra."


"Tất nhiên, dù có lãng phí thì việc dừng là cần thiết, còn hơn triển khai tiếp tục, nhập máy móc thiết bị về, rồi đầu tư không hiệu quả thì hậu quả sẽ rất lớn".


Báo Zing hôm 9/11 trích lời ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam lý giải dự án điện hạt nhân Ninh Thuận phải dừng do "không cạnh tranh được với các nguồn năng lượng khác".


Tháng 12/2015, Việt Nam loan báo nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam sẽ khởi công năm 2020, chậm sáu năm so với kế hoạch ban đầu.


Lý do chính là để xem xét lại điều kiện an toàn của dự án.


Thời điểm đó, Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Liên bang Nga (Rosatom) được xác định là đơn vị thi công nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam - Ninh Thuận 1, đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận. 


Nhà máy sẽ được xây dựng với vốn vay 8 tỷ đôla của Nga.


Nhà máy thứ hai sẽ do Nhật Bản xây, đặt ở xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải.


Theo kế hoạch ban đầu, đáng ra 2020 nhà máy đầu tiên đã có thể phát điện.


Hôm 10/11, BBC đã liên hệ Ban Quản lý Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận nhưng không nhận được phản hồi. - BBC

No comments:

Post a Comment