Tin Thế Giới
1.
Hàn Quốc: biểu tình 'lớn nhất' chống Tổng thống
Hàng trăm ngàn người đã xuống đường trên khắp Hàn Quốc trong ngày thứ Bảy, 26/11, trong những gì được cho là cuộc biểu tình lớn nhất từ trước tới nay yêu cầu Tổng thống Park Geun-hye từ chức.
Bà Park bị cáo buộc đã để cho thân hữu của bà, bà Choi Soon-sil, thao túng quyền lực từ hậu trường.
Tổng thống đã hai lần xin lỗi nhưng tới nay vẫn cự tuyệt các lời kêu gọi đòi bà từ chức.
Các nhà tổ chức biểu tình nói khoảng 800.000 người đã xuống đường biểu tình riêng ở trung tâm thủ đô Seoul vào tối ngày thứ Bảy.
Họ ước tính 1,5 triệu người sẽ tập hợp tại Seoul vào trước lúc nửa đêm và 500.000 người tham gia ở các vùng khác.
Khoảng 25.000 cảnh sát được triển khai tại thủ đô, theo truyền thông địa phương.
Ảnh hưởng từ vụ bê bối cho thấy không có dấu hiệu thuyên giảm, với Hàn Quốc đang chứng kiến các cuộc xuống đường lớn nhất kể từ khi diễn ra các cuộc biểu tình đòi dân chủ từ những năm thuộc thập niên 1980.
Hôm thứ Bảy, các thành viên của Hội nông dân Hàn Quốc, liên đoàn nông dân lớn nhất của nước này, dự kiến sẽ tham gia cuộc biểu tình phản đối tại Seoul.
Các nông dân đã muốn mang 1.000 máy kéo và các máy móc, thiết bị khác tới gần khu chính phủ, nhưng họ đã bị một lệnh của tòa án cấm làm như vậy.
'Ngăn chặn nông dân'
Truyền thông địa phương nói đã xảy ra các cuộc ẩu đả hôm thứ Sáu, khi cảnh sát ngăn chặn các nhóm nông dân đi trên xe của họ vào thủ đô.
Nhưng họ đã được phép tiếp tục đi bộ để tham gia cuộc biểu tình hôm thứ Bảy.
Các nhà tổ chức nói khoảng 500.000 người đã tham dự một cuộc biểu tình thắp nến ôn hòa tại thủ đô vào cuối tuần trước, sự kiện đã làm cho nhiều đường phố bị tắc nghẽn.
Cảnh sát đưa ra con số thấp hơn nhiều.
Bà Park, người mà tỷ lệ ủng hộ giảm xuống còn 5%, đã xin lỗi hồi đầu tháng này vì đã đặt "quá nhiều niềm tin vào một mối quan hệ cá nhân" và cam kết sẽ hợp tác trong một cuộc điều tra chính thức về vụ bê bối.
Hiến pháp của Hàn Quốc không cho phép một Tổng thống đương nhiệm bị truy tố, và bà Park còn lại 15 tháng trong nhiệm kỳ của bà.
Nhưng hiện tại các công tố viên đã trực tiếp liên kết bà với vụ bê bối, có khả năng bà bị buộc tội vi phạm luật pháp.
Các công tố viên được dự kiến sẽ buộc tội bà Choi, cùng hai cựu phụ tá tổng thống. Bà đã bị bắt vào đầu tháng này.
Bà Choi bị buộc tội cố gắng ép buộc các công ty của Hàn Quốc phải bỏ ra những khoản tiền lớn, và bà cũng bị nghi ngờ sử dụng tình bạn của bà với bà Park để nhận quyên góp của các doanh nghiệp cho một quỹ phi lợi nhuận mà bà kiểm soát. - BBC
|
|
2.
Biểu tượng cách mạng Cuba Fidel Castro qua đời --- Fidel Castro ra đi, lịch sử Cuba sang trang --- Fidel Castro qua đời: Phản ứng quốc tế
Fidel Castro, cựu chủ tịch Cuba và là biểu tượng cách mạng cộng sản, qua đời ở tuổi 90, truyền hình nhà nước thông báo.
Chưa có thông tin chi tiết về nguyên do.
Fidel Castro lãnh đạo Cuba, quốc gia độc đảng trong gần nửa thế kỷ trước khi chuyển giao quyền lực cho người em trai Raul năm 2008.
Những người ủng hộ ca ngợi ông như người đưa Cuba trở lại cho dân chúng. Nhưng cũng có cáo buộc ông đàn áp tàn bạo phe đối lập.
Tháng 4/2016, Fidel Castro có bài phát biểu hiếm hoi trong lễ bế mạc Đại hội Đảng Cộng sản Cuba.
Ông thừa nhận mình tuổi đã cao nhưng cho biết lý tưởng cộng sản Cuba vẫn còn giá trị và người dân Cuba "sẽ chiến thắng".
"Tôi sắp 90 tuổi", cựu chủ tịch nói thêm rằng đây là "một điều gì đó tôi chưa bao giờ tưởng tượng đến".
"Chẳng bao lâu tôi sẽ giống như những người khác, đến một khúc quanh của cuộc đời," Fidel Castro nói.
Những cột mốc của Fidel Castro
1926: Sinh ra tại tỉnh Oriente, đông nam Cuba
1953: Bị cầm tù sau khi dẫn dắt phong trào chống lại chế độ Batista không thành công
1955: Ra tù do được ân xá
1956: Cùng Che Guevara, tiến hành cuộc chiến tranh du kích chống chính phủ
1959: Đánh bại Batista, tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Cuba
1961: Đánh tan đạo binh người Cuba lưu vong do CIA tài trợ tại Vịnh Con Heo
Hai cái nhìn của người Việt về Castro
1962: Khơi mào cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba khi chấp thuận cho Liên Xô triển khai tên lửa hạt nhân ở Cuba
1976: Được Quốc hội Cuba bầu làm Chủ tịch
1992: Đạt thỏa thuận với Mỹ về người tỵ nạn Cuba
2006: Thôi làm chủ tịch Cuba do vấn đề sức khỏe. - BBC
***
Với việc cha đẻ của Cách mạng Cuba Fidel Castro qua đời hôm qua, 25/11/2016, Cuba lật qua một trang sử mới, bởi vì lần đầu tiên chủ tịch Raul Castro thật sự nắm quyền một mình. Theo lời chủ tịch Quốc hội Cuba Ricardo Alarçon nói vào cuối năm 2011, kể từ khi được chỉ định làm chủ tịch Cuba năm 2006, ông Raul Castro vẫn tham khảo ý kiến của người anh trước khi ra những quyết định quan trọng.
Tuy vậy, ông Raul Castro, năm nay 85 tuổi, từ 10 năm nay đã âm thầm thúc đẩy tiến trình xích lại gần Hoa Kỳ, được chính thức thông báo vào tháng 12 năm ngoái, cho thấy ông có một đường lối rất thực dụng, khác hẳn với tư tưởng chống Mỹ đến cùng của người anh Fidel.
Theo nhận định của ông Michael Shifter, chủ tịch trung tâm Inter-American Dialogue, nói với hãng tin AFP hôm nay, 26/11/2016, sau cái chết của Fidel, tình hình kinh tế và chính trị của Cuba sẽ được cởi mở hơn. Nó sẽ trút đi một gánh nặng cho ông Raul Castro. Kể từ nay ông không còn sợ nói trái ý người anh nữa.
Tuy nhiên ông Shiffer cảnh báo rằng cái chết của Fidel chắc chắn sẽ dẫn đến nhiều xung đột, đấu đá giữa những người đang nắm quyền ở Cuba: “ Raul sẽ rộng tay hành động hơn, nhưng các đối thủ chính trị của ông cũng vậy.”
Chuyên gia về Cuba thuộc đại học Texas Arturo Lopez Levy thì không tin vào ảnh hưởng của ông Raul, người đã tuyên bố là sẽ rút lui vào năm 2018. Ông Levy dự đoán, sau cái chết của Fidel, việc mở cửa cho kinh tế thị trường và bãi bỏ những trói buộc của những quy định Cộng sản sẽ được thúc đẩy. Không còn sức hấp dẫn của Fidel nữa, tính chính đáng của Đảng Cộng sản Cuba sẽ chỉ còn dựa trên thành quả kinh tế. Tuy vậy, tác động lên nhịp độ và bản chất các cải tổ của Raul Castro sẽ rất hạn chế.
Đối với nhà đối lập ôn hòa Miriam Leyvan, cái chết của Fidel Castro có thể giúp gạt sang một bên những thành phần thủ cựu của chế độ, vốn chống lại những thay đổi. Bà Leyvan tin rằng đây là cơ hội để Cuba mở cửa xã hội hơn nữa và tiến nhanh hơn trên con đường cải tổ. - RFI
***
Một trong những lãnh đạo đầu tiên có phản ứng về việc cha đẻ Cách mạng Cuba từ trần là tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, đồng minh thân cận nhất của La Habana. Trên trang twitter của ông, tổng thống Maduro kêu gọi “toàn thể các nhà cách mạng của thế giới” tiếp nối “di sản” của Fidel. Ông Maduro cho biết đã đích thân gọi điện cho người em Raul Castro để “chuyển tình đoàn kết và tình yêu thương của Venezuela đến nhân dân Cuba”.
Tại châu Âu, chỉ vài giờ sau khi thông tin Fidel Castro qua đời được loan báo, tổng thống Pháp François Hollande, hiện đang dự thượng đỉnh khối Pháp ngữ ở Madagascar, đã ra thông cáo, xem cựu chủ tịch Cuba đã là hiện thân của Cách mạng Cuba, “với những hy vọng mà cuộc cách mạng này đã dấy lên, và sau đó là với những thất vọng mà nó đã gây ra”.
Tổng thống Hollande cho rằng đối với người dân Cuba ông Fidel Castro đã là “niềm tự hào của một dân tộc chống sự thống trị của ngoại bang”. Thủ tướng Tây Ban Nha Marino Rayoy thì nêu bật “ tầm vóc lịch sử” của Fidel Castro, nhấn mạnh đến ảnh hưởng của ông đối với Cuba và khu vực.
Tại Nga, tổng thống Vladimir Putin cũng đã ra ngay thông cáo, cho rằng ông Fidel Castro đã là “biểu tượng của một thời kỳ” trong lịch sử đương đại của thế giới. Còn cựu tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev, được hãng tin Interfax trích dẫn, thì ca ngợi Fidel đã biết “củng cố đất nước” và “đương đầu với cuộc phong tỏa của Mỹ”.
Tại châu Á, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong một phát biểu được đọc trên truyền hình tối nay, đã tuyên bố rằng ông Fidel Castro, “người đồng chí tốt và chân thành của nhân dân Trung Quốc”, sẽ sống mãi.
Trước khi chính phủ có phản ứng chính thức, báo chí hai nước Trung Quốc và Việt Nam hôm nay đã ca ngợi ông Fidel Castro, nêu lên mối quan hệ đặc biệt giữa cựu chủ tịch Cuba với các chế độ Cộng sản châu Á. Đài truyền hình Nhà nước Trung Quốc CCTV nhắc lại rằng Cuba đã là quốc gia châu Mỹ đầu tiên lập bang giao với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1960. Còn Thông tấn xã Việt Nam thì ca ngợi ông Fidel Castro là một “lãnh tụ vĩ đại”, là “tấm gương sáng chói của các phong trào giành độc lập và phong trào cách mạng của các quốc gia châu Mỹ Latinh và thế giới”. - RFI
|
|
3.
"Krokodil" - ma túy cá sấu: Loại ma túy nguy hiểm nhất thế giới
Loại ma túy nguy hiểm nhất thế giới được gọi là ma túy cá sấu – Krokodil. Tên gọi này là do vùng da quanh chỗ chích thuốc sau đó sẽ đóng vảy như da cá sấu. Krokodil còn được gọi là « ma túy cho người nghèo » vì giá thành rẻ hơn héroine rất nhiều. Con nghiện Krokodil đầu tiên được phát hiện tại Siberia vào năm 2002. Rất nhiều người đã chết ngay sau lần đầu tiên tiêm chích Krokodil. Kể từ khi được phát hiện tại Siberia, ma túy cá sấu đã lan sang nhiều nước trên thế giới.
Ma túy cá sấu thực chất có thành phần chính là désamorphine, một loại dẫn xuất của morphine. Désamorphine được tổng hợp tại Mỹ vào năm 1932 và là một loại thuốc giảm đau cực mạnh. Tuy nhiên, người ta đã nhanh chóng từ bỏ désamorphine vì nó có khả năng gây nghiện quá cao.
Thế nhưng, loại chất gây nghiện này xuất hiện vào năm 2002 tại Siberia và vùng cực đông của Nga. Chỉ trong vòng ba năm, nó đã lan rộng sang khắp lãnh thổ Nga. Theo một báo cáo năm 2009 của nhà chức trách Nga, Krokodil ngày càng được nhiều con nghiện ma túy dùng thay cho héroine vì giá rẻ và dễ pha chế.
Theo tờ báo Nga Pravda, trong ba tháng đầu năm 2011, nhà chức trách Nga đã thu giữ được 65 triệu liều Krokodil. Ông Viktor Ivanov, lãnh đạo cơ quan liên Bang Nga về kiểm soát ma túy đã báo động cho tổng thống Nga khi đó là Dimitri Medvedev về mức độ gây chết người khủng khiếp của loại ma túy tổng hợp này. Tổng thống Nga sau đó đã ra một loạt các biện pháp như bắt buộc học sinh phải làm xét nghiệm ma túy cá sấu, xây dựng mạng lưới bệnh viện tư điều trị chứng nghiện Krokodil.
Tổng thống Dimitri Medvedev cũng tìm cách hạn chế thị trường chất codéine, thành phần chính của Krokodil. Nhưng các tập đoàn dược phẩm kinh doanh chất codéine không muốn vì họ đang « hái ra tiền » với chất codéine. Codéine là chất gây nghiện cùng họ với morphine, thường có trong các loại thuốc ho và giảm đau như Dafalgan Codéine, Paracétamol Codéine …
Năm 2016, nhà chức trách Nga đưa ra con số 100.000 người nghiện Krokodil nhưng các hiệp hội cho rằng có 1 triệu người nghiện ma túy cá sấu và tỉ lệ tử vong khi sử dụng Krokodil là rất cao.
Năm 2011, ma túy cá sấu bị phát hiện trong cộng đồng người Nga tại khu vực biên giới miền Đông nước Đức. Vài tháng sau đó, người ta thấy con nghiện Krokodil ở miền Tây nước Đức. Trong những năm sau đó, nhiều trường hợp nghiện ma túy cá sấu được tìm thấy ở Thụy Điển, Hà Lan và Bỉ, gần đây nhất là tại Anh Quốc.
Nước Pháp có vẻ như may mắn chưa bị loại ma túy cá sấu nguy hiểm này tấn công. Thế nhưng, nhiều hiệp hội đã tích cực tiến hành các chiến dịch ngăn ngừa, phòng chống Krokodil.
Còn Mêhicô đang lo lắng. Báo chí nước này cho biết ma túy tổng hợp ngày càng được sử dụng nhiều thay cho các loại ma túy truyền thống như marijuana, cocaine và héroine. Nhà chức trách Mêhicô cũng đã thu giữ được nhiều liều Krokodil tại biên giới nước này.
Tại bang Jalisco, một cô gái trẻ 17 tuổi tới từ Puerto Vallarta đã đến Viện phòng ngừa các bệnh xã hội để điều trị các vết thương do ma túy cá sấu gây ra. Một nhân viên của Viện di dân Mêhicô cho báo chí biết : "Chúng tôi chưa bao giờ gặp một trường hợp như vậy tại trung tâm phòng ngừa các bệnh xã hội. Chỉ hai tháng sau khi dùng ma túy cá sấu, cô gái trẻ đã bị nhiễm khuẩn, nhiều phần thịt trên cơ thể đã bị thối rữa. Cô gái trẻ 17 tuổi cho biết Krokodil được bán như cocaine trong mọi ngõ ngách trên các đường phố."
Krokodil được pha chế từ các chất rất dễ mua như codéine, i-ốt, xăng, sơn và phốt pho đỏ (phần đầu đỏ của que diêm). Việc pha chế chỉ mất 45 phút và hợp chất sau đó được chích thẳng vào mạch máu. Những người may mắn thoát chết sau lần đầu tiên chích Krokodil sẽ «phê thuốc» trong vòng chưa tới 2 giờ. Điều này buộc con nghiện phải chích thuốc nhiều lần mỗi ngày. Thiếu thuốc sẽ khiến con nghiện vô cùng đau đớn.
Các chất có trong Krokodil với rất nhiều cặn bẩn sẽ tàn phá khủng khiếp cơ thể con người. Vì cơ thể không thể tự đào thải các chất cặn bẩn này trong máu, phần quanh vết tiêm chích sẽ bị hủy hoại bởi axit và các chất độc hại trong Krokodil. Da sẽ có màu xanh và xếp vảy như da cá sấu. Sau đó, nó sẽ bị hoại tử, phần thịt và cơ bị thối rữa, chỉ còn trơ lại xương, các cơ quan trong cơ thể bị tấn công. Theo các bác sĩ, người nghiện Krokodil ít khi sống được thêm quá 3 năm, phần lớn chết chỉ sau 1 năm kể từ khi bắt đầu tiêm chích. - RFI
|
|
Tin Hoa Kỳ
4.
Ban vận động của bà Clinton tham gia tái kiểm phiếu ở Wisconsin
Ban vận động tranh cử của cựu ứng cử viên tổng thống Đảng Dân chủ Hillary Clinton loan báo sẽ tham gia quá trình tái kiểm phiếu do cựu ứng cử viên tổng thống Đảng Xanh Jill Stein khởi xướng ở bang miền trung tây Wisconsin.
Luật sư của ban vận động tranh cử của bà Clinton, Marc Elias, cho biết trong một bài viết đăng trên website Medium.com hôm thứ Bảy rằng quyết định tham gia quá trình tái kiểm phiếu ở Wisconsin được đưa ra sau khi ban vận động của bà Clinton nhận được hàng trăm lời yêu cầu làm như vậy. Ông Elias thừa nhận những yêu cầu đã khiến ban vận động âm thầm bắt đầu điều tra xem liệu có bất kỳ "sự can thiệp bên ngoài" nào trong kết quả cuộc bầu cử ngày 8 tháng 11 hay không.
Ông Elias cho biết ban vận động cũng sẽ tham gia những cuộc tái kiểm phiếu ở hai bang Michigan và Pennsylvania nếu những cuộc tái kiểm phiếu đó được sắp xếp.
Việc ông Trump bất ngờ đắc cử phần lớn là nhờ những chiến thắng với cách biệt rất hẹp ở Wisconsin, Pennsylvania và Michigan. Ông Trump thắng cả ba bang này với chỉ 107.000 phiếu.
Ông Elias nói không tìm thấy "bằng chứng khả hành nào về chuyện tin tặc xâm nhập hoặc về những nỗ bên ngoài tìm cách thay đổi công nghệ bỏ phiếu." Nhưng vì cách biệt chiến thắng mong manh, cùng với sự can thiệp dường như là của nước ngoài vào chiến dịch tranh cử tổng thống, một quyết định đã được đưa ra để loại trừ khả năng có sự dính dáng bên ngoài.
Đang có những lo ngại rằng tin tặc Nga có thể đã tìm cách gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử, đặc biệt là sau khi họ xâm nhập thành công mạng máy tính của Ủy ban Đảng Dân chủ Toàn quốc và tìm cách xâm nhập cơ sở dữ liệu đăng ký cử tri. Những nhà nghiên cứu điều tra những vụ tấn công mạng kết luận rằng Nga đã tạo ra và phát tán tin tức giả mạo về cuộc bầu cử, dường như để cố gắng giúp đỡ chiến dịch vận động tranh cử của ông Trump.
Bà Stein đã đệ đơn kiến nghị hôm thứ Sáu để yêu cầu kiểm phiếu lại ở Wisconsin, một trong ba cuộc tái kiểm phiếu mà bà đang yêu cầu tại những bang chiến trường mà ông Donald Trump đã thắng.
Wisconsin phải hoàn tất việc kiểm phiếu lại trước ngày 13 tháng 12, hạn chót của liên bang.
Trước đó hôm thứ Sáu, bà Stein đăng trên website của mình rằng những người ủng hộ đã đóng góp được 5 triệu đôla cho nỗ lực kiểm phiếu lại và những chi phí có liên quan khác, ở Wisconsin, Michigan và Pennsylvania. Bà cho biết trên website của mình rằng tổng chi phí cho cả ba cuộc tái kiểm phiếu sẽ lên tới 7 triệu đôla.
Bà Stein có ít cơ may hưởng lợi từ việc tái kiểm phiếu vì bà giành được khoảng 1 phần trăm tổng số phiếu bầu phổ thông.
Nhưng tuyên bố trên website của bà Stein nói rằng nỗ lực tái kiểm phiếu không có mục đích giúp bà Hillary Clinton mà "là về việc bảo vệ nền dân chủ của chúng ta."
Các chuyên gia đã nói rằng hầu như không có cơ may đảo ngược kết quả bầu cử. Nhưng với cách biệt dẫn đầu của bà Clinton trong số phiếu phổ thông giờ đã vượt quá hai triệu, những cuộc kiểm phiếu lại có thể khơi lên thêm tranh luận về tính chính danh của chiến thắng bầu cử bất ngờ của ông Trump.
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ không được định đoạt bởi số phiếu phổ thông. Thay vào đó, nó được định đoạt bởi những cuộc đua ở mỗi một bang trong số 50 bang, tầm quan trọng của từng bang trong kết quả tổng thể được quyết định bởi dân số. Ứng cử viên tổng thống giành chiến thắng phải giành được đa số 270 phiếu trong số 538 phiếu của Đại cử tri Đoàn dựa trên kết quả ở từng bang. - VOA
|
|
5.
Ông Trump: “Fidel Castro là một nhà độc tài tàn ác” --- TT Mỹ chia buồn với nhân dân Cuba về cái chết của lãnh tụ Fidel Castro
Trong khi Tổng thống Obama ngỏ lời chia buồn với nhân dân Cuba về cái chết của lãnh tụ Fidel Castro của họ, và hứa sẽ tiếp tục làm việc để bình thường hoá quan hệ với Cuba, Tổng thống tân cử Donald Trump tải lên trang Twitter của ông dòng chữ này:
“Fidel Castro đã chết!”
Sau đó ông Trump ra thông báo, miêu tả nhà lãnh đạo Cuba là “một kẻ độc tài tàn bạo” đã đàn áp nhân dân nước ông trong suốt 60 năm qua.
Thông báo của ông Trump có đoạn viết:
“Di sản mà Fidel Castro để lại là di sản của các đội xử bắn, trộm cắp, những gian khổ vượt ngoài sức tưởng tượng, dân nghèo đói và bị tước các quyền làm người căn bản.”
Trong khi đưa ra một quan điểm cứng rắn chống cá nhân ông Fidel Castro, ông Trump nói ông hy vọng rằng cái chết của ông Castro đánh dấu “một bước tiến bỏ xa những sự tàn bạo mà người dân Cuba đã chịu đựng từ quá lâu.”
Ông Trump viết:
“Tôi xin được cùng sát cánh với nhiều người Mỹ gốc Cuba, những người đã nhiệt liệt ủng hộ tôi trong cuộc vận động tranh cử- kể cả Lữ đoàn 2506 của Hội Cựu Chiến binh, trong niềm hy vọng rằng một ngày nào đó không xa, chúng ta sẽ được chứng kiến một nước Cuba tự do.”
Có cha mẹ di cư sang Hoa Kỳ trước khi ông chào đời, Thượng nghị sĩ bang Florida Marco Rubio cũng chia sẻ quan điểm với ông Trump và gọi ông Castro là “một kẻ độc tài giết người.”
Ông Rubio nói trong một thông báo:
“Ông Fidel Castro đã chiếm quyền lực với lời hứa sẽ mang lại tự do và thịnh vượng cho Cuba, nhưng chế độ cộng sản của ông đã biến đảo quốc này thành một hòn đảo ngục tù nghèo đói.”
Ông nói tiếp:
“Trong hơn 6 thập kỷ, hàng triệu dân Cuba bị đẩy vào thế phải bỏ nước ra đi, những người bị tố cáo là chống đối chế độ thường xuyên bị bỏ tù và thậm chí bị giết.”
Thượng nghị sĩ Rubio nói cái chết của ông Castro không có nghĩa là nhân dân Cuba giờ đã được tự do, mà có nghĩa là tương lai của Cuba bây giờ đang nằm trong tay của nhân dân Cuba. Ông kêu gọi quốc hội và tân chính phủ Mỹ của ông Trump hãy hậu thuẫn nhân dân Cuba trong cuộc “đấu tranh đòi tự do và quyền làm người căn bản.”
“Nhà độc tài đã chết, nhưng chế độ độc tài vẫn tồn tại. Một điều rõ rệt là, lịch sử sẽ không xoá tội ác của Fidel Castro. Lịch sử sẽ nhắc đến ông như một kẻ ác, một nhà độc tài giết người đã gây biết bao gian khổ cho chính nhân dân nước ông.” - VOA
***
Tổng thống Obama đã ngỏ lời chia buồn với nhân dân Cuba về cái chết của lãnh tụ cách mạng Cuba Fidel Castro.
Ông Obama cho biết sẽ tiếp tục các nỗ lực nhằm bình thường hoá các quan hệ bang giao với đảo quốc này.
Tổng Thống Obama nói trong một thông báo:
“Ngày hôm nay, chúng tôi xin chia buồn cùng gia đình Castro, và cầu nguyện cho nhân dân Cuba. Trong những ngày sắp tới, chúng ta sẽ nhắc lại quá khứ nhưng cũng sẽ hướng tới tương lai. Nhân dân Cuba nên biết rằng họ có một người bạn và đối tác nơi Hoa Kỳ.”
Biết rằng người Cuba tại Mỹ và trong nước có những xúc cảm lẫn lộn về di sản mà ông Castro để lại, ông Obama không ca tụng mà cũng không lên án ông Castro như một số nhà lãnh đạo thế giới. Thay vào đó ông nói ông sẽ để cho lịch sử phán xét ảnh hưởng của ông Castro đối với thế giới.
Nhà lãnh đạo Mỹ nói trong nhiệm kỳ tổng thống của ông, ông đã cật lực làm việc để bỏ quá khứ lại sau lưng để theo đuổi tương lai trong đó quan hệ giữa hai nước không được định nghĩa bằng những sự khác biệt mà qua nhiều lĩnh vực mà hai bên cùng chia sẻ trong tư cách là láng giềng và bạn của nhau, ông đơn cử liên hệ huyết thống giữa người Cuba sống lưu vong ở Mỹ và người Cuba trong nước, và những giá trị chung trong các lĩnh vực văn hoá, thương mại, và quan hệ giữa người với người.
Ông Fidel Castro qua đời hôm thứ Sáu 25/11, thọ 90 tuổi.
Trước khi qua đời, ông đã làm việc với ông Obama để tái lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. TT Obama đi thăm Cuba trước đây trong năm, đánh dấu lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ đặt chân lên lãnh thổ Cuba từ khi Tổng thống Calvin Coolidge đến thăm Cuba vào năm 1928.
Tổng Thống Obama đã dồn nỗ lực để tái lập quan hệ với Cuba, sự tan băng của mối quan hệ song phương được coi là một phần trong di sản về chính sách đối ngoại mà Tổng thống Obama để lại sau khi rời Toà Bạch Ốc. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
6.
Thủ tướng “gõ đầu” Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường giải trình và nêu giải pháp tập trung khắc phục 7 vấn đề lớn liên quan tới Nông nghiệp –Nông dân – Nông thôn. Nam Nguyên trình bày một số thông tin liên quan.
Vì sao cải cách chậm
Tại Hà Nội, ngày 21/11/2016, ông Mai Tiến Dũng Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và Tổ Công tác của Thủ tướng đã kiểm tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Theo các nguồn tin chính thức, qua Tổ Công tác Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn giải trình và nêu giải pháp khắc phục 7 vấn đề lớn. Những vấn đề này thể hiện tình trạng bế tắc ở nông thôn, nơi qui tụ 70% dân số Việt Nam, cũng như sự trì trệ đối với những cải cách đã được đặt ra từ nhiều năm trước.
Câu hỏi thứ nhất của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là nhiệm vụ tập trung tái cơ cấu nông nghiệp đã thực hiện ra sao. Doanh nghiệp muốn đầu tư vào nông nghiệp nhưng không có ruộng đất đủ lớn để làm. Thủ tướng nêu câu hỏi về vấn đề tích tụ ruộng đất, tín dụng cho doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn lãi suất trung hạn dài hạn từ 9-11% không hấp dẫn được nhà đầu tư. Ngoài ra còn nghịch lý kéo dài rất nhiều năm qua, xuất khẩu gạo được 2 tỷ USD nhưng lại nhập khẩu bắp hơn 3 tỷ USD.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được cho là đã “hạch tội” Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Nhưng sự dậm chân tại chỗ trong việc thực hiện kế hoạch tái cơ cấu nông nghiệp được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt năm 2013 và Nghị quyết Tam Nông, Nông nghiệp – Nông dân – Nông thôn được Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa 10 ban hành từ ngày 5/8/2008, là trách nhiệm chung của toàn bộ hệ thống chính trị ở Việt Nam.
Theo đó, đã 8 năm trôi qua mà Nhà nước không thực hiện được chủ trương của Đảng là Đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách để huy động cao các nguồn lực, phát triển nhanh kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân. Với mục tiêu ưu tiên là Xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, đồng thời phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn.
Theo Tiến sĩ Đặng Kim Sơn chuyên gia tư vấn về tái cơ cấu nông nghiệp, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn hiện sống và làm việc ở Hà Nội, thì sự chậm trễ trong vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp là vì chưa có những chính sách đồng bộ. Tiến sĩ Đặng Kim Sơn cho rằng, quá trình tái cơ cấu nông nghiệp phải song song với quá trình vẫn gọi là phát triển nông thôn mới. Nghĩa là phải làm thế nào nông nghiệp tăng được năng suất lao động lên. Nhưng đồng thời kinh tế nông thôn cũng phải đa dạng lên, trong nông thôn không chỉ là thuần nông nữa. Nếu nông thôn còn thuần nông thì nông dân sẽ bỏ đi hết, dứt khoát phải chuyển sang những ngành nghề phi nông nghiệp. Tiến sĩ Đặng Kim Sơn nhấn mạnh:
“Vì thế có thể nói là, bản thân tái cơ cấu nông nghiệp không thể đi một mình được mà nó phải đi với tái cơ cấu nền kinh tế, công nghiệp phải chuyển sang ủng hộ nông nghiệp, kinh tế đô thị cũng phải phối hợp với kinh tế nông thôn, còn không nó sẽ tách rời ra hai mảng và người dân xu hướng chung là họ sẽ di cư ra khỏi nông thôn đi về thành thị. Như thế không chỉ riêng nông thôn có khó khăn mà thành thị cũng tắc nghẽn, quá tải, không thể nào phát triển bền vững được.”
Tích tụ ruộng đất phải sửa luật
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nêu giải pháp về vấn đề tích tụ ruộng đất và dồn điền đổi thửa để có thể sản xuất lớn. Ông Thủ tướng thừa hiểu là Luật Đất đai 2013 qui định hạn điền và thời gian sử dụng đất. Về pháp luật một hộ gia đình ít hay nhiều nhân khẩu cũng bị giới hạn diện tích ruộng đất từ 2 ha tới 3 ha cho những nơi có quỹ đất lớn nhất. Thời hạn sử dụng đất tối đa là 50 năm, khi hết hạn phải xin gia hạn.
Ông Nguyễn Minh Nhị, cựu Chủ tịch tỉnh An Giang, một giới chức về hưu có nhiều trăn trở với đời sống của nông dân, nhận định:
“Ở Việt Nam có giới hạn, đất thì manh mún mà gom lại thì chưa có hướng dẫn rõ ràng cho nên người ta chưa biết cách như thế nào. Hơn nữa quyền sở hữu không có, quyền sử dụng cũng không có trên diện tích rộng lớn hơn, người đầu tư để phát triển ngành nông nghiệp người ta rất là ngại vì đây là ngành đầu tư lợi nhuận thu về ít nhất mà cực khổ nhất. Cho nên vấn đề này phải kết hợp tổng hòa các mối quan hệ về tâm lý, về kinh tế, kỹ thuật, hành chánh… phải đồng bộ nhiều thứ để tạo điều kiện cho người nông dân yên tâm sản xuất. Trên thế giới ở đâu cũng vậy người làm nông nghiệp đều thiệt thòi hơn các ngành khác cho nên tùy quốc gia, chính phủ có sự tài trợ để hỗ trợ ngành nông nghiệp của họ.”
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Bộ trưởng Bộ NN-PTNT phải quan tâm tới thị trường. Được biết, Việt Nam chỉ tập trung xuất khẩu những mặt hàng chủ lực như gạo. thủy sản, cà phê, cao su với khối lượng lớn, nhưng có nghịch lý xuất khẩu gạo được 2 tỷ USD nhưng lại nhập bắp (ngô) 3 tỷ USD mỗi năm. Ông Thủ tướng cho rằng vấn đề này liên quan tới quy trình sản xuất, sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.
Tại sao Việt Nam chưa thể phát triển trồng bắp để giảm bớt phần nhập khẩu 3 tỷ USD riêng cho bắp để chế biến thức ăn gia súc. Trong dịp trả lời chúng tôi, Giáo sư Bùi Chí Bửu nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam nói rằng, điều quan trọng nhất là phải thiết lập được thị trường tiêu thụ bắp bền vững, thì nông dân mới có thể chuyển sang trồng bắp từ các cây trồng khác. Về mặt kỹ thuật, Giáo sư Bùi Chí Bửu phân tích:
“Chúng tôi tính là bắp chỉ cần nâng từ 4 tấn lên 5 tấn/ha thì khỏi phải nhập vì hiện nay diện tích bắp hơn 1 triệu ha. Chúng tôi khuyến khích đưa bắp về Đồng Nai lên Đắc Nông trên Tây Nguyên, với điều kiện phải đầu tư nước tưới, nếu có nước tưới thì Việt Nam không phải nhập bắp nữa, điều kiện khó thì giá thành mới rẻ, còn đồng bằng sông Cửu Long giá thành vẫn rất đắt…nếu không có vùng tập trung thì cũng sẽ thất bại thôi, vận chuyển về nhà máy lớn xa quá thì tốn kém chuyên chở nhiều lắm.”
Trong 7 vấn đề mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường có tình trạng nông thôn mới được thực hiện như phong trào, chỉ chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, ít quan tâm tới chuyển đổi cơ cấu kinh tế.
Được biết, hầu hết địa phương trên cả nước chạy theo thành tích nông thôn mới và để lại món nợ đọng 15.000 tỷ đồng xây dựng cơ bản không trả được.
Ông Đỗ Việt Khoa, một nhà giáo ở Thường Tín Hà Nội, kể lại trải nghiệm về xây dựng “nông thôn mới” qua mắt thấy tai nghe:
“Chủ yếu là xin xỏ ngân sách Nhà nước nếu được, nếu không thì bắt nhân dân đóng góp, rồi xây dựng vài thứ hình thức bên ngoài như cổng làng, đường làng thế thôi, chứ thực tế thì nó chả mới ở chỗ nào cả.”
Bên cạnh câu chuyện tái cơ cấu nông nghiệp, tích tụ đất đai tổ chức sản xuất, vấn nạn nông thôn mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn yêu cầu Bộ trưởng Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường giải trình và nêu giải pháp khắc phục vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi. Ngoài ra là vấn đề bảo vệ rừng và phát triển lâm nghiệp và sau hết là nhắc nhỏ của Thủ tướng về cơ chế hỗ trợ ngư dân khai thác thủy sản, đặc biệt đối với người dân 4 tỉnh miền Trung chịu thảm họa môi trường biển.
Bảy vấn đề lớn mà Bộ trưởng Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu giải trính và nêu ra các giải pháp khắc phục, trên thực tế phủ trùm toàn bộ thực trạng Nông nghiệp – Nông dân – Nông thôn Việt Nam, di sản hai nhiệm kỳ của chính phủ tiền nhiệm. - RFA
No comments:
Post a Comment