Tuesday, November 15, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Ba 15/11

Tin Thế Giới


1.

Pháp, LHQ cảnh báo ông Trump chớ từ bỏ cam kết về biến đổi khí hậu


Pháp và Liên Hiệp Quốc hôm thứ Ba lên tiếng cảnh báo Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump về những rủi ro của việc rời bỏ kế hoạch toàn cầu năm 2015 chống lại tình trạng biến đổi khí hậu, nói rằng sự dịch chuyển lịch sử rời xa nhiên liệu hóa thạch là không thể dừng lại được.


Tổng thống Pháp François Hollande, phát biểu trước gần 200 quốc gia tề tựu ở Maroc về những cách thức làm chậm sự tăng nhiệt toàn cầu, nói rằng không có hành động nào sẽ là "thảm họa cho những thế hệ tương lai và sẽ nguy hiểm cho nền hòa bình."


Cả ông và Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon kêu gọi ông Trump, người từng nói rằng hiện tượng tăng nhiệt toàn cầu do con người gây ra là một trò bịp, không theo đuổi một tuyên bố lúc vận động tranh cử rằng ông sẽ hủy bỏ Hiệp định Paris 2015 toàn cầu nhắm mục tiêu chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang những nguồn năng lượng sạch hơn.


"Mỹ, cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới và là nước phát thải khí nhà kính lớn thứ hai thế giới, phải tôn trọng những cam kết mà mình đã đưa ra," ông Hollande nói trong khi cử tọa vỗ tay. Thỏa thuận này là "không thể đảo ngược được," ông nói.


Trong các cuộc họp như vậy của Liên Hiệp Quốc, rất hiếm khi những nhà lãnh đạo nêu đích danh những nước khác thậm chí khi họ chỉ trích một cách bóng gió. Cả ông Hollande và ông Ban là hai trong số những kiến trúc sư của Hiệp định Paris.


"Điều từng không thể hình dung nổi giờ đã trở thành điều không thể dừng lại được," ông Ban phát biểu tại một cuộc họp báo về thỏa thuận Paris, được gần 200 chính phủ nhất trí sau hai thập niên đàm phán đầy cam go. Hiệp định chính thức có hiệu lực vào ngày 4 tháng 11 sau khi được phê chuẩn nhanh kỷ lục.


Ông Ban nói là một "doanh nhân rất thành công," ông Trump sẽ hiểu rằng những lực của thị trường đang đưa đẩy nền kinh tế thế giới tới những nguồn năng lượng sạch như năng lượng gió và năng lượng mặt trời đang trở nên rẻ hơn, và rời xa những loại nhiên liệu hóa thạch.


"Tôi chắc chắn ông ấy sẽ đưa ra một quyết định nhanh chóng và khôn ngoan" về Hiệp định Paris, ông Ban nói. Ông cho biết ông đã nói chuyện với ông Trump qua điện thoại sau chiến thắng của ông và dự định sẽ gặp ông.


Ông Ban đã đưa vấn đề biến đổi khí hậu vào làm một phần cốt lõi trong khoảng thời gian 10 năm lãnh đạo Liên Hiệp Quốc của ông, kết thúc trong năm nay. Ông nói rằng biến đổi khí hậu đã có tác động nghiêm trọng từ Bắc Cực đến Nam Cực và năm 2016 đang sắp sửa trở thành năm nóng nhất trong lịch sử.


Ông Trump đã nói rằng ông muốn thúc đẩy những ngành công nghiệp than, dầu và dầu đá phiến ở Mỹ, từ bỏ kế hoạch của Tổng thống Barack Obama cắt giảm phát thải khí nhà kính 26-28 phần trăm dưới mức năm 2005 đến trước năm 2025. - VOA

|

|


2.

TPP sa sút, Malaysia ngả về Trung Quốc để tăng cường thương mại --- TPP có thể được thay thế bằng hiệp định mới không có Mỹ - VN sẽ tham gia? --- Thị trường châu Á chờ chính sách rõ ràng hơn của ông Trump --- Chính sách châu Á của chính quyền Trump sẽ ra sao?


Malaysia hôm thứ Ba cho biết họ sẽ tập trung nỗ lực của mình vào một hiệp định thương mại đa quốc gia do Trung Quốc dẫn đầu, trong khi quốc gia Đông Nam Á này chuẩn bị cho sự sụp đổ có thể xảy ra của thỏa thuận Quan hệ Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), do Mỹ lãnh đạo.


Phát biểu được đưa ra sau khi chính quyền của Tổng thống Barack Obama đình chỉ những nỗ lực để giành được sự chấp thuận của Quốc hội đối với TPP trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức, nói rằng số phận của thỏa thuận này tùy thuộc vào ông Trump và những nhà lập pháp Đảng Cộng hòa.


Bộ trưởng Thương mại Mustapa Mohamed cho biết Malaysia đang tìm cách thúc đẩy thỏa thuận Quan hệ Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) - được Trung Quốc mô tả là một phần trong nỗ lực của nước này tiếp cận với Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á 10 thành viên (ASEAN).


"Tình hình kinh tế quốc tế bất định hiện nay đã thúc đẩy và củng cố quyết tâm của các nước RCEP, nằm trong số những quốc gia phát triển nhanh nhất thế giới, để tiếp tục hợp tác chặt chẽ tiến tới hoàn tất thỏa thuận thương mại này," ông Mustapa cho biết trong một thông cáo.


Ông Trump đã nhiều lần tuyên bố sẽ hủy bỏ TPP trong suốt chiến dịch tranh cử của mình.


Phát biểu của ông Mustapa theo sau một loạt những thỏa thuận song phương trị giá 34 tỉ đôla mà Malaysia và Trung Quốc đã ký kết. Đây được coi là sự dịch chuyển về phía cường quốc châu Á này và rời xa Mỹ.


TPP chỉ có thể xúc tiến được nếu Mỹ, nước "chiếm khoảng 60% GDP của tất cả các nước thành viên TPP," vẫn là một phần của thỏa thuận này, ông Mustapa cho biết.


Nó chỉ có thể có hiệu lực nếu được phê chuẩn bởi ít nhất sáu nước có GDP chiếm 85% tổng số GDP của 12 nước trong thỏa thuận, ông nói thêm.


"Sẽ không có TPP nếu không có sự tham gia của Mỹ."


Ông Mustapa cho biết một bức tranh rõ ràng hơn về hiện trạng của TPP dự kiến sẽ hiện ra trong những cuộc thảo luận bên lề Hội nghị Thượng đỉnh APEC vào tuần sau ở Lima, thủ đô của Peru. - VOA


***

Tổng thống Peru vừa đề xuất một hiệp định thương mại mới để thay thế cho Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP và sẽ không có Mỹ tham gia.


Tổng thống Pedro Pablo Kuczynski nói với kênh truyền hình RT của Nga rằng hiệp định thương mại tự do TPP do Mỹ dẫn đầu có thể được thay bằng một hiệp định tương tự có sự tham gia của Nga và Trung Quốc.


Ngay sau khi tỷ phú Donald Trump, vốn phản đối TPP, đắc cử tổng thống Mỹ, hiệp định thương mại này được coi như đã chết. TPP là một nhân tố quan trọng trong chính sách xoay trục sang châu Á của chính quyền Tổng thống Obama.


Tổng thống Peru phát biểu trước thềm Hội nghị Hợp tác Kinh tế châu Á Thái Bình Dương APEC sẽ diễn ra ở thủ đô Lima của Peru vào cuối tuần này.


Đại diện Việt Nam, Chủ tịch nước Trần Đại Quang sẽ tham gia hội nghị APEC diễn ra vào 19-20 tháng 11.


Kinh tế gia Lê Đăng Doanh nói Việt Nam sẽ vẫn tìm cách đa phương hóa các quan hệ kinh tế để giữ vững thế độc lập và chủ quyền tại hội nghị. Ông nói:


"Ông Trần Đại Quang chắc chắn sẽ mang theo thông điệp của hội nghị 4 của Trung ương là sẽ tiếp tục đa dạng hóa đa phương hóa và tiếp tục không để cho nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc quá đáng vào một nền kinh tế nào."


Các nhà lãnh đạo của 21 quốc gia ven Thái Bình Dương – khối kinh tế chiếm 60% lượng GDP toàn cầu – sẽ họp mặt tại hội nghị APEC. Đó cũng là nơi mà các chuyên gia cho rằng Trung Quốc sẽ tìm kiếm sự ủng hộ cho một hiệp định thương mại mà họ đang xúc tiến để đối trọng với TPP. Nguyên viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương Lê Đăng Doanh nói Việt Nam đã tích cực tham gia đàm phán RCEP – hiệp định thương mại do Trung Quốc dẫn đầu:


"Việt Nam cũng đã tham gia ngân hàng đầu tư kết cấu hạ tầng châu Á VIIB mà Trung Quốc là người đứng đầu tức là Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia trong đó có vai trò của Trung Quốc. Tuy rằng kinh tế Mỹ đối với Việt Nam hiện nay vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất và Việt Nam lại có thặng dư thương mại đối với Mỹ cho nên nếu như không có TPP và quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Mỹ giảm sút hoặc đình trệ thì đấy cũng là một điều bất lợi đối với Việt Nam."


Kinh tế gia Lê Đăng Doanh cho rằng trong bối cảnh tương lai của TPP đang bấp bênh thì Trung Quốc muốn tận dụng cơ hội này “để đục nước béo cò” để thúc đẩy một hiệp định thương mại mới. Ông nói:


"Trung Quốc đã thúc đẩy rất mạnh mẽ hiệp định Hợp tác Kinh tế Khu vực Toàn diện (RCEP) và chủ tịch Tập Cận Bình muốn tháng 12 năm 2015 đã ký rồi nhưng cho đến bây giờ thì chưa thấy. Cho nên tôi nghĩ rằng chúng ta hãy rất là cởi mở nhưng cũng rất là tỉnh táo và thận trọng khi đón nhận những tin tức như vậy bởi vì từ những ý tưởng ban đầu cho đến khi thực hiện được vẫn còn 1 khoảng cách khá xa."


Hiệp định RCEP có 10 nước ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand tham gia đàm phán và theo các chuyên gia, Trung Quốc muốn có được hiệp định này để bành trướng ảnh hưởng hơn nữa trong khu vực. Mặc dù chính quyền mới của Mỹ không mấy mặn mà với TPP nhưng Nhật Bản đã tức thời phê chuẩn TPP sau khi ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ. Theo phân tích của ông Doanh, quyết định này của chính quyền ông Shinzo Abe “sẽ hy vọng tác động đến ông Donald Trump” vì vị tỷ phú này đã có những thay đổi đáng kể đối với các hứa hẹn trước đây sau khi được bầu làm tổng thống kế tiếp của Mỹ. - VOA


***

Tăng cường bảo hộ mậu dịch và chiến tranh thương mại với Trung Quốc là những lo ngại lớn trong lúc các thị trường châu Á chờ chính sách rõ ràng hơn của chính phủ Mỹ dưới sự lãnh đạo của Tổng thống tân cử Donald Trump.


Trong suốt chiến dịch vận động tranh cử, ông Trump luôn nói đến việc tăng mạnh thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc và tố cáo Bắc Kinh “thao túng tiền tệ” để trục lợi cho xuất khẩu của Trung Quốc.


Các nhà phân tích thị trường và các kinh tế gia ở châu Á nói rằng bất cứ một chính sách bảo hộ mậu dịch nào cũng tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu.


Ông Triphon Phumiwasana là một đối tác của công ty tài chánh Hatton Capital Partners ở Thái Lan. Ông nói:


"Điều tôi lo ngại nhất là chính sách bảo hộ mậu dịch trong nghị trình của ông Trump, nhất là đối với Trung Quốc. Một khi Trung Quốc bị tác động sẽ ảnh hưởng đến cả dây chuyền cung ứng nguyên liệu cho công xưởng sản xuất của thế giới, và cả dây chuyền cung ứng sẽ chậm lại là điều đáng lo ngại nhất."


Các nhà phân tích nói rằng nếu ông Trump đi theo chính sách tăng mạnh thuế nhập khẩu, thì hậu quả của nó không chỉ ảnh hưởng đến người lao động và các doanh nghiệp của Mỹ thôi, mà nó còn gây ra một cuộc chiến thương mại.


​Chiến tranh thương mại 


Bài xã luận đăng trên Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc số ra hôm thứ Hai nói rằng đe dọa của ông Trump về biểu thuế nhập khẩu rất có thể chỉ là những hô hào để vận động tranh cử mà thôi. Nhưng nếu ông Trump theo đuổi chính sách thuế nhập khẩu đó, Trung Quốc sẽ đáp trả sòng phẳng.


Tờ báo nói thêm: “Đơn đặt mua một loạt máy bay Boeing sẽ được thay bằng máy bay Airbus. Doanh thu từ điện thoại iPhone và xe ô-tô Mỹ trên thị trường Trung Quốc sẽ chịu tổn thất, đậu nành và bắp của Mỹ bán vào Trung Quốc sẽ bị chận lại. Trung Quốc cũng sẽ giới hạn số học sinh du học ở Mỹ.”


Xuất khẩu của Mỹ vào Trung Quốc tăng cao rõ rệt trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Barack Obama. Tuy nhiên cùng lúc đó thâm hụt của Mỹ trong trao đổi mậu dịch với Trung Quốc tiếp tục tăng lên những mức kỷ lục mới, vượt quá 365 tỉ đôla trong năm 2015.


Các nhà phân tích nói rằng một chính sách “Mỹ Trước” sẽ có lợi cho doanh nghiệp Mỹ trên sân nhà, nhưng các nhà phân tích cũng xem đó là xu hướng “tự cô lập” của Mỹ sẽ ảnh hưởng đến các mối quan hệ của Mỹ với Ðông Nam Á.


Đe dọa của ông Trump sẽ “phạt” các doanh nghiệp Mỹ đưa hàng ra nước ngoài gia công được xem có thể gây ra một tác động tài chánh đáng kể đối với Philippines. Các nhà bình luận nói rằng ngành sản xuất hàng gia công của Philippines thu về tương đương với 10% tổng sản phẩm quốc gia (GDP) của nước này.


Các nhà phân tích thị trường của hãng Capital Economics ở London nói rằng tăng cao biểu thuế đối với hàng hóa của Mỹ nhập khẩu vào Trung Quốc “có thể gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế Trung Quốc.” Các nền kinh tế chính khác trong khu vực vốn là những nhà cung ứng nguyên liệu cho thị trường Trung Quốc, như Ðài Loan, và Malaysia, cũng sẽ bị tác động.


Các nhà phân tích của Capital Economics nói rằng ông Trump rất có thể sẽ bắt đầu nhiệm quyền tổng thống bằng việc dán cho Trung Quốc nhãn hiệu “thao túng tiền tệ,” và bộ tài chính của hai nước phải nhanh chóng bước vào đàm phán về chính sách tiền tệ.


Bảo hộ mậu dịch và tăng trưởng kinh tế 


Ông Daniel Bean, trưởng ban nghiên cứu ngoại hối của Tập đoàn Ngân hàng ANZ ở Sydney, nhận định rằng trong bối cảnh Mỹ là đối tác thương mại chính của châu Á, thì việc tăng cường chính sách bảo hộ mậu dịch có thể tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.


Ông Bean cũng lo ngại về những chính sách khác của ông Trump đối với Trung Quốc:


"Việc ông Trump rêu rao rằng Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ ngay khi bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống sẽ không tạo ra một môi trường hợp tác thực sự hữu ích."


Ông Bean nhận định rằng châu Á đang trong tình trạng không rõ ràng “ít nhất là cho đến ngày nhậm chức của ông Trump vào tháng Giêng tới, và tất nhiên sẽ có rất nhiều câu hỏi đặt ra” mặc dù tăng trưởng kinh tế của Mỹ hiện tại “trông có vẻ hợp lý” và thương mại “vẫn tự do và minh bạch.”


Nhưng ông Derek Scissors, một kinh tế gia và là một học giả của Viện nghiên cứu American Enterprise ở thủ đô Washington, nói rằng vẫn còn quá sớm để suy đoán liệu chính quyền của ông Trump “sẽ ưu tiên cho những chiến lược thương mại hơn hay dứt khoát bảo hộ mậu dịch.”


Ông Bean nói: “Nếu chúng ta chỉ thấy những giới hạn, mà không thấy những sáng kiến mới mở rộng trao đổi thương mại, thì điều đó có nghĩa là chính quyền này theo chủ nghĩa bảo hộ.”


Trên mặt trận thương mại, những mối lo khác còn có việc chính quyền của ông Trump sẽ điều đình lại, thậm chí có thể bãi bỏ hoàn toàn hiệp định thương mại tự do Mỹ-Hàn (KORUS).


Các nhà phân tích của Capital Economics nói rằng “việc bãi bỏ hiệp định KORUS sẽ là một cú giáng mạnh vào ngành xuất khẩu của Hàn Quốc, đặt biệt là xe ô tô – ngành được hưởng lợi nhiều nhất từ hiệp định tự do thương mại này.


​TPP 


Một tiến trình thương mại đã chịu tác động ngay từ cuộc vận động tranh cử là Thỏa thuận Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, tức TPP, giữa 12 quốc gia vành đai Thái Bình Dương.


TPP là phần then chốt trong chiến lược xoay trục sang châu Á của chính quyền Obama. Nhưng cả ông Trump lẫn cựu đối thủ của ông là bà Hillary Clinton bên Ðảng Dân chủ đều lên tiếng phản đối TPP trong quá trình vận động tranh cử.


Ông Trump hứa sẽ rút TPP lại ngay ngày đầu tiên ông nhậm chức.


Thỏa thuận chung cuộc được 12 quốc gia đúc kết hồi tháng 10 năm 2015 đang chờ chính phủ của mỗi nước thông qua. Tất cả các nước tham gia TPP, trong đó có Việt Nam và Malaysia, là thị trường nhập khẩu đến 44% hàng xuất khẩu của Mỹ và đến 85% nông sản xuất khẩu của Mỹ.


Một báo cáo mới đây của Hội đồng Quan hệ Nước ngoài nói rằng những thay đổi trong các điều khoản của TPP có việc tăng cường bảo vệ tài sản trí tuệ, ủng hộ luật doanh nghiệp cạnh tranh và minh bạch cùng với việc thực thi các tiêu chuẩn về môi trường và lao động.


Mặc dù TPP từng được xem là một “biểu tượng của sự cam kết của Mỹ đối với khu vực Đông Á,” nay vẫn chưa thật sự rõ là nếu ông Trump rút lại TPP, thì hậu quả của nó sẽ như thế nào đối với vai trò của Mỹ trong khu vực.


Một số người tin rằng chấm dứt TPP sẽ có tác dụng khuyến khích cho thỏa thuận Đối tác kinh tế toàn diện trong khu vực của Trung Quốc, gọi tắt là RCEP, và sẽ mở ra cơ hội cho Trung Quốc bước vào một vị trí có nhiều ưu thế hơn để đẩy mạnh các hiệp ước thương mại của họ. 


Hệ quả 


Việc Washington rút khỏi TPP sẽ ảnh hưởng như thế nào đến Trung Quốc tùy thuộc vào việc ông Trump làm những gì tiếp theo sau đó.


Ông Scissors của American Enterprise nhận định: “Nếu Mỹ đi xa hơn nữa trong việc bác bỏ TPP rồi bắt đầu bỏ mặc châu Á, thì tất nhiên Trung Quốc sẽ giữ vai trò quan trọng hơn. Tuy nhiên điều đó có thể dẫn đến việc những nước khác như Nhật Bản và Ấn Ðộ sẽ tìm cách đối trọng với Trung Quốc thay vì đẩy mạnh hợp tác.”


Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Quốc tế của Malaysia, ông Mustapa Mohamed, trong phát biểu tại một cuộc họp báo ở Kuala Lumpur, nói rằng sẽ có đến một triệu công việc làm mới được tạo ra nhờ vào hiệp ước TPP. Ông nói: “Nếu không có TPP, thì sẽ không có một triệu công việc làm đó.”


Các kinh tế gia nói ông Trump có thể sẽ tương nhượng một số chính sách, trong đó có vấn đề thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc, và thương thuyết lại hiệp ước tự do thương mại với Hàn Quốc. - VOA


***

Phúc trình mới ra của tổ chức Asia Foundation (Quỹ châu Á) đánh giá rằng ở châu Á có nguy cơ xảy ra khoảng trống lãnh đạo và thậm chí chạy đua vũ khí hạt nhân nếu như Hoa Kỳ rút can dự khỏi khu vực này.


Với việc ông Donald Trump đắc cử tổng thống, chính sách Á châu của chính phủ Hoa Kỳ được trông đợi sẽ có thay đổi đáng kể.


Asia Foundation là tổ chức phát triển quốc tế phi lợi nhuận với trụ sở đặt tại San Francisco, Hoa Kỳ. Hoạt động sáu thập niên nay, tổ chức này nói cam kết của họ là cải thiện đời sống của người dân Á châu.


Mặt tích cực và tiêu cực


Các tác giả của phúc trình mới ra hôm thứ Ba 15/11 nói tại một số quốc gia, đang có hy vọng là dịch chuyển khỏi chính sách đối ngoại của Tổng thống Obama thực ra có mặt tích cực.


Nhiều người cho rằng chính sách "xoay trục" của ông Obama chủ yếu chỉ nhằm vào đối trọng với một nước Trung Quốc đang lên và ngày càng hung hăng. Chính sách này dẫn tới tăng đôi chút hiện diện của quân đội Mỹ tại khu vực, mở cửa chính trị ở Miến Điện và cải thiện quan hệ với nước cựu thù Việt Nam.


Về mặt kinh tế, kế hoạch Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership - TPP) gần như phá sản. Chiến thắng của ông Trump đã xóa đi mọi cơ hội cho việc Mỹ thông qua hiệp định TPP giữa 12 quốc gia.


Ngoài hai điều trên, người ta cũng đang xem xét liệu còn gì trong các hứa hẹn dân túy của ông Trump sẽ trở thành hành động.


Tổng thống đắc cử Trump đã đưa ra ý tưởng rút quân từ Nam Hàn và Nhật Bản ngay cả khi đang có đe dọa từ Bắc Hàn, trừ phi hai nước này chia sẻ bớt gánh nặng phục vụ 80.000 binh lính Mỹ.


Hiện Nam Hàn đóng góp 860 triệu đôla/năm, và thêm 9,7 tỷ đôla cho việc di chuyển căn cứ quân sự Mỹ đi chỗ khác. Nhật Bản đóng góp 2 tỷ đôla/năm, phân nửa ngân quỹ cần để duy trì lính Mỹ ở đây.


Asia Foundation, dựa trên tham vấn các học giả và cựu quan chức 20 quốc gia châu Á, cảnh báo rằng việc rút quân Mỹ sẽ khiến cho Tokyo và Seoul tìm cách tăng cường khả năng tự vệ, ngay cả bằng vũ khí hạt nhân, và gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới trật tự khu vực.


Trấn an đồng minh


Donald Trump đã sớm đưa ra lời trấn an các đồng minh như lãnh đạo Australia, Nhật Bản và Nam Hàn.


Thứ Năm 17/11 tới ông Trump sẽ có cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe ở New York khi ông này đang trên đường tới tham gia hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo châu Á-Thái Bình Dương ở Peru.


Trung Quốc chưa thấy tỏ ra bấn động gì lắm về việc Trump thắng cử. Bắc Kinh luôn coi chính sách xoay trục của chính quyền Obama là nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.


Tuy nhiên, Trung Quốc cũng quan ngại về đe dọa áp thuế nặng cũng như trừng phạt vi phạm thương mại và hối đoái từ phía tổng thống đắc cử của Mỹ. Chủ tịch Tập Cận Bình hôm thứ Hai 14/11 đã gọi điện cho Trump và kêu gọi hợp tác giữa hai quốc gia.


Nói chung các tác giả phúc trình cho rằng châu Á sẽ tìm cách ít dựa dẫm vào Mỹ hơn và chọn con đường riêng của mình.


Hiện các cặp mắt đang đổ dồn vào xem Trump sẽ đề cử ai cho các vị trí lãnh đạo ngoại giao và quốc phòng. Khi đó, ý định của vị tổng thống thứ 45 trong tương quan với châu Á sẽ rõ ràng hơn. - BBC

|

|


3.

Bộ trưởng Nga bị bắt vì cáo buộc nhận hối lộ 2 triệu đôla


Một bộ trưởng cao cấp trong Nội các của Nga đã bất ngờ bị thất sủng, bị cáo buộc nhận hối lộ và lạm dụng chức quyền. Nhưng nhiều nhà quan sát xem ông là nạn nhân của một hành động thị uy của Điện Kremlin để bảo đảm rằng Tổng thống Vladimir Putin là người phân xử cuối cùng ở Nga.


Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Alexei Ulyukayev bị câu lưu cuối ngày thứ Hai, ngay sau khi ông bị cáo buộc nhận khoản hối lộ 2 triệu đôla trong một phi vụ bí mật do Cục An ninh Liên bang FSB thực hiện, Ủy ban Điều tra của Nga cho biết trong một thông cáo hôm thứ Ba.


Hôm thứ Ba, ông Putin sa thải ông Ulyukayev mà không cần đợi xem liệu tòa án phán quyết ông có tội hay không, dẫn ra nguyên nhân là "sự mất lòng tin," theo Điện Kremlin.


Vụ bắt giữ ông Ulyukayev được nhiều người xem là một phần trong nỗ lực đang diễn tiến của ông Putin nhằm bảo toàn sự cân bằng giữa những phe phái kình địch ở những cấp cao quyền lực của Nga.


Những nhà điều tra của Nga cho biết ông Ulyukayev nhận tiền vì đã chấp thuận cho công ty quốc doanh Rosneft tham gia đấu thầu mua một công ty dầu mỏ.


Tuy nhiên, những người chỉ trích đặt nghi vấn tại sao khoản tiền này được trao một tháng sau khi Rosneft hoàn tất thỏa thuận, tại sao được trả bằng tiền mặt và tại sao một người dày dạn kinh nghiệm như ông Ulyukayev lại dại dột tới mức tống tiền một công ty siêu quyền lực như Rosneft.


Ông Ulyukayev, quan chức Nga cao cấp nhất bị bắt giữ kể từ năm 1993, chính thức bị buộc tội tống tiền hối lộ Rosneft và đe dọa "sử dụng quyền hạn của mình để gây trở ngại cho những hoạt động của công ty." Ông bị thẩm vấn vài giờ trong ngày thứ Ba trước khi bị đưa ra tòa án. Thẩm phán ra lệnh quản thúc tại gia đối với ông trong vòng hai tháng.


Ông Ulyukayev, được bổ nhiệm làm phó bộ trưởng tài chính vào năm 2000 và đã giữ chức vụ hiện thời kể từ năm 2013, là một người có chủ trương tự do. Ông đã lên tiếng chống lại sự hiện diện ngày càng tăng của chính phủ trong nền kinh tế của Nga. - VOA

|

|


4.

Pakistan, Trung Quốc cùng nhau mở con đường thương mại quốc tế mới


Pakistan và Trung Quốc trong tuần này đã khởi động một con đường thương mại quốc tế mới thông qua cảng Gwadar ở phía tây nam Pakistan trong khuôn khổ một thỏa thuận hợp tác kinh tế trị giá nhiều tỉ đôla giữa hai nước đồng minh thân cận này.


Bắc Kinh đầu tư 46 tỉ đôla theo thỏa thuận Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan CPEC. Thỏa thuận này sẽ đẫn tới việc xây dựng đường bộ, đường xe lửa và mạng lưới thông tin liên lạc và những dự án điện lực tại Pakistan dọc theo con đường nối liền vùng Tân Cương của Trung Quốc và Gwada.


Các giới chức Trung Quốc nói Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan là “dự án thí điểm chính của Vòng Đai và Đường xá” đã được chủ tịch Tập Cận Bình đề nghị trước đây.


Dự án sẽ biến cải cảng nước sâu Gwada với sự trợ giúp tài chính và kỹ thuật của Trung Quốc, thành một cửa ngõ cho nhập khẩu và xuất khẩu từ Tân Cương đến các thị trường quốc tế.


Cảng Gwada nằm vào nơi hội tụ của ba vùng thương mại quan trọng nhất thế giới, vùng Trung Đông giàu dầu mỏ, vùng Trung Á và Nam Á. Cảng này cũng nằm tại cửa Vịnh Ba Tư, bên ngoài Eo biển Hormuz.


Các giới chức Pakistan và Trung Quốc ngày Chủ Nhật tập trung tại cảng để chào mừng đoàn xe tải đầu tiên từ Trung Quốc đến. Các Công-tơ-nơ được đưa lên hai tàu hàng Trung Quốc để từ cảng Gwadar đi đến các nơi khác ở nước ngoài.


Đoàn xe chở hàng vượt qua 3.000km dọc theo xa lộ Karakoram xuyên qua miền tây Pakistan sau khi qua đèo Khunjerab, cửa khẩu cao nhất thế giới.


Các nhà lãnh đạo Pakistan hy vọng hành lang kinh tế này sẽ giúp phát triển và thịnh vượng cho hàng tỉ người dân trong vùng.


Đối với Trung Quốc, con đường Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan sẽ là con đường ngắn nhất để tiếp cận Biển Ả Rập và Ấn Độ Dương. Các tàu thuyền Trung Quốc hiện phải đi ngang que Eo biển Malacca và mất khoảng nửa tháng để chuyên chở hàng hóa đi hoặc đến Trung Quốc. - VOA

|

|


Tin Hoa Kỳ


5.

TT Obama trấn an châu Âu trong chuyến công du cuối cùng --- Obama: Donald Trump là tổng thống "thực dụng"


Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã đến Hy Lạp hôm thứ Ba và trấn an các nước châu Âu về cam kết của Hoa Kỳ đối với liên minh NATO dưới quyền tổng thống đắc cử Donald Trump. 


Athens là chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài cuối cùng của ông Obama trong cương vị tổng thống.


Các nhà lãnh đạo châu Âu, đã bị chấn động vì những tuyên bố của ông Trump trong chiến dịch tranh cử của ông, nêu nghi vấn về những cam kết của Hoa Kỳ, gây quan ngại sâu sắc cho các nước này, và họ mong Tổng thống Obama sẽ làm rõ vấn đề này.


Những tuyên bố trong chiến dịch tranh cử của ông Trump đã khiến các nước EU dồn nỗ lực để thành lập một lực lượng quốc phòng của châu Âu, riêng biệt với NATO.


Tại cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng EU tại Brussels hôm thứ Hai, các nhà lãnh đạo bàn về nhu cầu cấp bách hơn là phải thiết lập một cơ chế phòng thủ chung khi đối mặt với ‘một kỷ nguyên mới với chủ nghĩa cô lập của Mỹ’.


Hôm thứ Hai, các bộ trưởng cũng đã nhất trí về một kế hoạch phòng thủ, lần đầu tiên, cho phép các quốc gia EU gửi các lực lượng phản ứng nhanh ra nước ngoài.


Tổng thống Obama sẽ đến Đức vào ngày thứ Tư trước khi lên đường sang Peru vào cuối tuần này. - VOA


***

Trước khi bắt đầu chuyến công du cuối cùng với tư cách là tổng thống Mỹ, ngày 14/11/2016, ông Barack Obama đã có buổi họp báo đầu tiên kể từ khi ông Donald Trump trở thành người kế nhiệm ở Nhà Trắng.


Nhân dịp này, tổng thống sắp mãn nhiệm đề nghị người dân Mỹ chấp nhận kết quả bầu cử. Về tổng thống mới đắc cử, ông Obama đánh giá đó là một "người thực dụng" và "khuyên" ông Donald Trump nên duy trì các thỏa thuận lịch sử đã được Hoa Kỳ ký kết.


Từ Washington, thông tín viên RFI Anne-Marie Capomaccio tường trình:


"Cuộc họp báo lần này như lời mở đầu cho chuyến công du từ biệt với tư cách là tổng thống Mỹ mà ông Barack Obama còn đảm nhiệm đến ngày 20/01/2017. Vị tổng thống từng vận động chống lại nhà tỉ phú đảng Cộng Hòa phát biểu: "Dân tộc Hoa Kỳ đã lên tiếng lựa chọn, Donald Trump sẽ là vị tổng thống sắp tới, vị tổng thống thứ 45 của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ". Tuy nhiên, ông từ chối bình luận việc bổ nhiệm chính trị gia gây nhiều tranh cãi Steve Bannon làm cánh tay phải của tân tổng thống (cố vấn cao cấp và giám đốc chiến lược).


Tổng thống sắp mãn nhiệm cũng tin rằng quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng các hồ sơ sẽ làm thay đổi chính sách của ông Donald Trump, từng là ứng viên tổng thống theo khuynh hướng dân túy. Ông Obama nhận xét: "Tôi nghĩ ông ấy không phải là một người vì lý tưởng, đó là một con người thực dụng. Và điều này có thể giúp tổng thống tân cử nếu ông ấy có những người tốt quanh mình và nếu ông Trump có được một ý tưởng về mục tiêu muốn hướng tới về phía trước. Tôi có lo lắng không? Dĩ nhiên là có! Ông ấy và tôi bất đồng trên rất nhiều hồ sơ".


Tất nhiên là Barack Obama lo lắng, song ông yên tâm về "Obamacare" vì Donald Trump quyết định giữ lại những biện pháp quan trọng. Về hồ sơ hạt nhân Iran và thỏa thuận Paris về khí hậu, ông tỏ ra nghi ngờ Donald Trump trước khi chính quyền mới nghiên cứu hồ sơ. Cuối cùng, ông Barack Obama không ngần ngại yêu cầu người kế nhiệm đừng trục xuất những "người mang giấc mộng Mỹ", đó là những sinh viên không giấy tờ đến Hoa Kỳ từ khi còn nhỏ". - RFI

|

|


6.

Quốc hội Mỹ tái triệu tập sau chiến thắng của ông Trump


Quốc hội Hoa Kỳ bắt đầu làm việc trở lại sau cuộc bầu cử đã thay đổi hoàn toàn những giả định của các nhà lập pháp của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ về sự cân bằng quyền lực tại Washington trong năm tới, và có thể có tác động ngay lập tức trên những nỗ lực về ngân sách hoạt động của chính phủ Mỹ trong những tháng tới.


Thế đa số của Đảng Cộng hòa đã giảm sút ở cả hai viện Quốc hội nhưng đảng này sẽ nắm Tòa Bạch Ốc, bắt đầu từ tháng Giêng sang năm, khi Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên thệ nhậm chức.


Trước cuộc bầu cử, nhiều nhà lập pháp đảng Cộng hòa đã hình dung sẽ phải làm việc với Đảng Dân chủ về một dự luật dài hạn để tài trợ cho các hoạt động của chính phủ sau ngày 9 tháng 12, khi quyền chi tiêu của chính quyền liên bang hết hạn.


Nhưng triển vọng về ngân sách kéo dài một năm đã bị lu mờ cùng với chiến thắng của ông Trump. Các đảng viên Cộng hòa giờ đây ủng hộ dự luật tạm thời để tránh chính phủ phải đóng cửa, và sẽ tài trợ cho các hoạt động của chính phủ cho đến tháng Hai hoặc có thể tới tháng Ba, và sau đó sẽ hình thành một dự luật chi tiêu khác với chính phủ mới.


Dân biểu đảng Cộng hòa Kevin Cramer đại diện bang North Dakota nói:


“Chúng ta phải tìm cách để tài trợ hoạt động của chính phủ cho đến khi chúng ta đạt được một thỏa thuận quy mô hơn do tổng thống kế tiếp ký”. Ông Cramer nói thêm rằng ông hy vọng “thỏa thuận quy mô” sẽ bao gồm một danh sách dài các ưu tiên mà đảng Cộng hòa không thể thông qua khi đảng Dân chủ còn kiểm soát Tòa Bạch Ốc.


Thượng viện cũng sẽ trở lại làm việc trong ngày thứ Ba. Lãnh đạo Khối Đa số Mitch McConnell nói gia hạn tài trợ cho chính phủ liên bang là một ưu tiên cho giai đoạn hậu bầu cử, còn được gọi là “phiên họp vịt què” của Quốc hội.


Thiểu số đảng viên Dân chủ vẫn có thể ngăn chặn một số - nhưng không phải tất cả - các sáng kiến của đảng Cộng hòa tại Thượng viện với “thủ tục câu giờ”. - VOA

|

|


7.

Google, Facebook sẽ hạn chế quảng cáo trên website tin tức giả mạo


Công ty Google của Tập đoàn Alphabet và Tập đoàn Facebook hôm thứ Hai loan báo những biện pháp nhằm ngăn chặn sự lan truyền của "tin tức giả mạo" trên Internet bằng cách nhắm mục tiêu vào quảng cáo, là cách thức mà những người cung cấp nội dung giả mạo này kiếm tiền.


Google cho biết họ đang vạch ra một thay đổi về chính sách để ngăn chặn những website xuyên tạc nội dung sử dụng mạng lưới quảng cáo AdSense của họ, trong khi Facebook cập nhật những chính sách quảng cáo của mình để xác định rõ rằng lệnh cấm của họ đối với nội dung lừa đảo và gây ngộ nhận cũng áp dụng cho tin tức giả mạo.


Những thay đổi này diễn ra trong bối cảnh Google, Facebook và Twitter bị chỉ trích dữ dội về vai trò của họ trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ bằng cách cho phép thông tin sai lạc và thường là độc hại lan truyền, mà có thể đã khiến cử tri ngả về ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump.


Vấn đề này đã gây nên một cuộc tranh luận gay gắt, đặt biệt là trong nội bộ Facebook. Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg trong những ngày gần đây đã nhấn mạnh hai lần rằng website của họ không đóng vai trò nào gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử.


AdSense là một chương trình cho phép những người hoặc công ty quảng cáo đăng quảng cáo trên hàng triệu website nằm trong mạng lưới của Google. Đây là nguồn tiền chính cho nhiều nhà xuất bản.


Một bài báo của BuzzFeed News vào tháng trước cho biết những nhà xuất bản nhỏ ở Macedonia đang tạo ra những website đăng tin tức giả, phần nhiều bêu xấu bà Hillary Clinton, và được chia sẻ rộng rãi trên Facebook.


Những lượt chia sẻ đó khiến người ta bấm vào những đường dẫn đưa họ tới những website của Macedonia, và những website này kiếm tiền nhờ lưu lượng truy cập thông qua AdSense của Google. - VOA

|

|


8.

Hai ông Trump và Pence cân nhắc bổ sung các vị trí trong Nội các


Tổng thống và Phó Tổng thống tân cử Donald Trump và Mike Pence ngày thứ Ba thảo luận về việc bổ nhiệm những chức vụ quan trọng trong chính phủ mới. Các phụ tá cho biết cựu Thị trưởng New York Rudy Giuliani có thể được cử làm Ngoại trưởng.


Ông Trump và ông Pence phải cử nhiệm hơn 4.00 chức vụ trong chính phủ để sẵn sàng nhậm chức vào ngày 20 tháng 1 sang năm. Tuy nhiên trọng tâm ngay lúc này của hai ông là Ngoại trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Tư pháp và Bộ trưởng An ninh Nội địa. Tất cả những chức vụ này đại diện cho khuôn mặt của chính phủ Mỹ đối với thế giới và giúp lãnh đạo nước Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố.


Ông Giuliani, 72 tuổi, không có kinh nghiệm ngoại giao, nhưng các người có liên hệ đến ông Trump nói ông là người được ưa thích để trở thành Ngoại trưởng. Ông Giuliani là người ủng hộ trung thành của ông vua bất động sản tỉ phú này trong cuộc chạy đua dài ngày với kết quả chiến thắng bất ngờ của ông Trump cách đây một tuần. Ông Giuliani thường xuất hiện trên truyền hình để quảng cáo cho ứng cử viên Donald Trump.


Ông Giuliani ăn nói bộc trực đã nổi tiếng trong nước khi ông làm Thị trưởng New York cách đây hơn một thập niên. Đối với nhiều người Mỹ, ông trở thành một biểu tượng của quyết tâm của nước Mỹ trong cuộc chiến chống các phần tử khủng bố Hồi Giáo sau những cuộc tấn công khủng bố năm 2001 vào New York và Washington làm gần 3.000 người thiệt mạng.


Tuy nhiên việc bổ nhiệm ông Giuliani không chắc chắn. Các phụ tá của ông Trump nói tổng thống tân cử cũng đang xem xét một số tên tuổi khác, trong đó có ông John Bolton, một nhà cựu ngoại giao diều hâu, Đại sứ của Hoa Kỳ tại Liên hiệp quốc dưới thời Tổng thống George W. Bush. Ông Bolton thường xuyên xuất hiện trên đài truyền hình chỉ trích chính sách ngoại giao của Tổng thống Barack Obama cho rằng ông Obama đã làm suy yếu vị thế của Hoa Kỳ trên thế giới.


Truyền thông cho biết một người ủng hộ khác của ông Trump trong cuộc tranh cử là Đại tướng Lục quân hồi hưu Michael Flynn, từng là người đứng đầu Cơ quan Tình báo Quốc phòng, có thể được chọn là cố vấn an ninh quốc gia. Thượng nghị sĩ Alabama Jeff Sessions, một cố vấn trong thời kỳ đầu trong chiến dịch tranh cử của ông Trump, có thể được cử làm bộ trưởng quốc phòng hay bộ trưởng tư pháp. - VOA

|

|


Tin Việt Nam


9.

Hoàng tử William tới Việt Nam để làm gì?


Hoàng tử William của nước Anh sẽ lần đầu tiên tới Việt Nam và với mục đích tham gia chống lại nạn buôn bán động vật hoang dã ở đây.


Theo một thông báo của Điện Kensington, công tước xứ Cambridge sẽ có chuyến thăm chính thức tới Việt Nam trong 2 ngày 16-17 tháng 11 để tham dự một hội nghị quốc tế về buôn bán động vật hoang dã được tổ chức tại Hà Nội.


Chuyến thăm của hoàng tử Anh sẽ diễn ra chỉ vài ngày sau khi Việt Nam tiêu hủy hơn 2 tấn ngà voi và 70kg sừng tê giác. Theo ghi nhận của Reuters, đây là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện việc thiêu hủy công khai quy mô lớn để phát đi thông điệp mạnh mẽ về cuộc chiến chống buôn bán trái phép các sản phẩm động vật bị đe doạ.


Việt Nam bị đánh giá là quốc gia có hoạt động săn bắt, vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp. Quỹ Bảo vệ Động Vật Hoang Dã Thế Giới (WWF) và nhiều tổ chức quốc tế cho rằng Việt Nam là điểm trung chuyển cho các sản phẩm động vật hoang dã sang các quốc gia khác.


Chuyên gia về chống buôn bán lậu động vật hoang dã của WWF ở Việt Nam, Alegria Olmedo, khẳng định điều này với VOA Việt Ngữ:


"Việt Nam được xác định là điểm trung chuyển của khu vực về buôn bán và vận chuyển các sản phẩm động vật hoang dã. Sự thiếu thi hành luật pháp ở Việt Nam và ở các khu vực biên giới với các nước khác và sự thiếu hợp tác trong thực thi luật pháp đã cho phép việc buôn bán các động vật sắp tuyệt chủng diễn ra."


Trong khi các quốc gia châu Phi đang chật vật đối phó với nạn săn bắn trộm tê giác do nhu cầu tăng cao về sừng tê giác từ các quốc gia như Việt Nam, thì các tổ chức tội phạm tiếp tục vận chuyển lậu hàng nghìn sừng tê giác vào đây hàng năm. Theo WWF, Việt Nam là thị trường tiêu thụ bất hợp pháp sừng tê giác lớn nhất thế giới và chính phủ Việt Nam đã không làm gì để chấm dứt cuộc tàn sát các động vật hoang dã. Theo tổ chức bảo tồn thiên nhiên lớn nhất thế giới, việc Việt Nam không thể đóng cửa các thị trường bất hợp pháp và không thể phá vỡ các mạng lưới vận chuyển lậu cũng như không thể truy tố các tội phạm vận chuyển lậu đã trở thành tâm điểm tại hội nghị quốc tế về vấn đề này được tổ chức ở Johannesburg, Nam Phi, vào tháng trước.

 

Trang web của WWF đã phát đi một thỉnh nguyện thư kêu gọi chính phủ Việt Nam hành động để cứu tê giác và voi 1 tuần trước khi hội nghị tuần này diễn ra ở Hà Nội.


Ngôi sao tennis của Anh, Andy Murray đã trở thành một trong hơn 163.300 người ký vào thỉnh nguyện thư này.


Theo thống kê của WWF, kể từ năm 2007 Nam Phi đã mất đi gần 6.000 con tê giác do bị săn bắn trộm. Các cuộc khảo sát khác cho thấy mỗi năm khoảng 1.300 con tê giác bị giết để lấy sừng so với con số 100 vào năm 2008. Bà Olmedo cho biết:


"Việt Nam cũng là nơi tiêu thụ nhiều loại động vật quý hiếm mà chủ yếu cho mục đích chữa trị đông y và làm thức ăn. Những nghiên cứu gần đây – gần đây nhất là năm ngoái – cho thấy Việt Nam tiếp nhận các container chở sản phẩm động vật quý hiếm sống để chế biến và bán cho người dân địa phương và khách du lịch Trung Quốc để buôn lậu ra bên ngoài biên giới."


Trong 1 thông cáo của WWF, Phó Chủ tịch của tổ chức này, Ginette Hemley, đã chỉ trích hồ sơ thực thi luật pháp kém của Việt Nam và cho rằng việc chấm dứt buôn bán bất hợp pháp sừng tê giác và giúp cứu những con tê giác châu Phi không phải là một ưu tiên của chính phủ Việt Nam.


Nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác tăng cao ở Việt Nam xuất phát từ việc dùng nó trong chữa trị bệnh đông y và loại sừng này được coi là “thần dược” đặc biệt đối với bệnh ung thư. Cũng như ở Trung Quốc, sừng tê giác là nguyên liệu quý trong các bài thuốc đông y cổ truyền. Các giới chức Mỹ cho rằng nhu cầu sừng tê giác từ Trung Quốc và Việt Nam là nguyên nhân chính cho sự biến mất nhanh chóng của tê giác ở châu Phi.


Theo bà Olmedo của WWF, đã có các chiến dịch ở Việt Nam để đưa ra thông điệp rằng sừng tê giác không thể chữa được bệnh ung thư. WWF hy vọng hội nghị sắp diễn ra tại Hà Nội sẽ là nơi để chính phủ Việt Nam cam kết hành động. Bà Olmedo nói:


"Đối với quốc gia như Việt Nam nơi có thị trường cho các hợp pháp sản phẩm động vật hoang dã, điều đó có nghĩa là phải có những biện pháp để làm giảm thiểu nhu cầu bao gồm việc củng cố khung pháp lý và thực thi pháp luật để đóng cửa thị trường tiêu thụ và buôn bán trái phép các sản phẩm này. Chúng tôi hy vọng Việt Nam sẽ làm tất cả những điều này để đóng cửa thị trường đó."


Theo chi tiết về chuyến thăm 2 ngày của hoàng tử William từ Điện Kensington, sẽ gặp gỡ cộng đồng y học gia truyền và các nhà lãnh đạo chính trị ở Việt Nam trong 2 ngày tới. Hoàng tử William là Chủ tịch của United of Wildlife – một dự án liên hiệp giữa 7 tổ chức bảo vệ động vật hoang dã lớn nhất thế giới dưới sự chủ trì của Quỹ Từ thiện Hoàng Gia Anh. Bà Almedo nói có thể hoàng tử nước Anh sẽ muốn nhấn mạnh tới việc thảo luận những bằng chứng khoa học về sự vô tác dụng trong việc dùng động vật hoang dã sắp tuyệt chủng cho mục đích chữa bệnh. - VOA

|

|


10.

Khó kỷ luật hành chính ông Vũ Huy Hoàng vì chưa có tiền lệ


Theo tin tức trên báo chí Việt Nam, ngày 15/11, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết Bộ Nội vụ đã đề xuất nhiều phương án kỷ luật hành chính đối với cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, nhưng Chính phủ chưa quyết định. 


Ông Hoàng bị cho là có “những vi phạm, khuyết điểm” khi làm lãnh đạo Bộ Công thương trong các năm từ 2011-2016. Một cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam xác định ông “có biểu hiện vụ lợi” trong việc bổ nhiệm con trai là Vũ Quang Hải vào những chức vụ quan trọng ở các tập đoàn lớn của nhà nước.


Ngoài ra, ông Hoàng còn có những sai phạm khác về việc tuyển dụng, bổ nhiệm nhân sự vào các vị trí quan trọng trong bộ của ông.


Kỷ luật hành chính đối với cựu Bộ trưởng Hoàng có thể là miễn nhiệm chức danh Bộ trưởng, tước các quyền lợi vật chất, tinh thần khác gắn với chức danh ông nắm giữ sau khi ông đã rời chức vụ.


Tuy nhiên, tiến trình này xem ra còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão chỉ ra với báo giới rằng quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam “chưa có nội dung kỷ luật một nhân vật từng là Bộ trưởng, do Quốc hội phê chuẩn nhưng đã thôi chức vụ, cũng không thể bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với ông Vũ Huy Hoàng do ông không còn là đại biểu nữa”. 


Luật sư Trần Quốc Thuận, cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, phân tích thêm với VOA rằng có thể xử lý hình sự ông Hoàng về những sai phạm, nhưng xử lý hành chính sẽ dẫn đến một số rắc rối. Ông nói:


“Giả dụ kỷ luật là thôi chức bộ trưởng của ông đó đi, thôi cả một nhiệm kỳ. Như vậy thì được hiểu tất cả những chữ ký với tư cách bộ trưởng của ông Vũ Huy Hoàng là nó bị vô hiệu, tiêu vong hết. Như vậy thì những quyết định hành chánh của ông ấy, những văn bản ông ký với nước ngoài thì bị vô giá trị hết. Đó là câu chuyện không bình thường. Kỷ luật những hình thức như vừa qua như là khiển trách, cảnh cáo, thậm chí là khai trừ đảng, kể cả truy tố, truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể làm được. Nhưng mà bây giờ đưa một giả dụ như là bãi cái chức bộ trưởng đi trong nhiệm kỳ 2011-2016, nó dẫn đến hậu quả của chữ ký của ông ấy suốt nhiệm kỳ, thì đó là câu chuyện không đơn giản một chút nào”.


Nói với báo chí trong nước, ông Mai Tiến Dũng, người cũng là phát ngôn viên của chính phủ, cho hay trong số các phương án do Bộ Nội vụ đề xuất, “chưa thấy phương án nào nổi lên, do vậy phải bàn thêm trước khi trình cấp có thẩm quyền”.


Ông Dũng nói “việc cách chức ‘nguyên Bộ trưởng’” đối với ông Vũ Huy Hoàng có thể sẽ “tiến hành sớm” nhưng "phải có cơ sở pháp lý". Ông cũng cho biết cơ quan chức năng sẽ “nghiên cứu, bổ sung” những quy định hiện chưa có vì việc này "không phải để xử lý trường hợp này mà còn áp dụng về sau". - VOA

|

|


11.

Việt Nam đứng hạng 76/88 về Tự Do Internet


Freedom House, tổ chức NGO chuyên theo dõi nhân quyền và tự do báo chí toàn cầu, hôm thứ Hai 14 tháng 11 công bố phúc trình thường niên về Tự Do Internet 2016,  cho thấy Việt Nam đứng hạng 76 trong số 88 quốc gia trên thế giới.


Kiểm soát toàn diện Internet


Duy trì chính sách kiểm soát Internet, theo dõi, đánh sập các trang mạng xã hội, hạn chế thông tin và tiếp tục vi phạm quyền của người sử dụng mạng, bất chấp luật lệ, đàn áp bloggers bằng chiêu bài bảo vệ an ninh quốc gia... là tình trạng đã và đang xảy ra tại Việt Nam mà không có sự cải thiện đáng kể nào từ năm ngoái đến năm nay.


Những lý do đó khiến Việt Nam bị xếp hạng 76 trên 88 quốc gia trong phúc trình về Tự Do Internet 2016 được Freedom House công bố trưa thứ Hai 14 tháng Mười Một vừa qua.


Báo cáo thường niên về Tự Do Mạng 2016 của Freedom House xếp 30 quốc gia đầu với màu xanh lục được coi là có tự do mạng, trong đó những quốc gia gồm Mỹ, Canada, Đức, Australia, Nhật, Anh, Pháp, Italy, Estonia, Georgia, Nam Hàn, Philippines vân vân... Tiếp đến những nước có màu vàng tức chỉ có tự do phần nào; Việt Nam nằm gần cuối bảng trong nhóm các nước màu tím tức không có Tự Do Internet. Như vậy, Việt Nam kém Saudi Arabia một bậc và chỉ hơn Trung Quốc một bậc về Tự Do Internet mà thôi.


Với sự phối hợp của Google, buổi công bố phúc trình Tự Do Internet 2016 được Freedom House gọi là một sự kiện đặc biệt vì có một vòng thảo luận bao gồm chuyên gia của Freedom House cũng như các tổ chức xã hội dân sự khác tham dự.


Lên tiếng với đài Á Châu Tự Do, giám đốc chương trình Tự Do Internet của Freedom House, bà Sanja Kelly:


Tự do mạng là một dự án đặc biệt qua đó cho thấy sự tăng gia hoặc giảm sút những hành động kiểm duyệt mạng, bắt bớ tấn công người sử dụng hoặc những vấn đề khác liên quan đến các mạng xã hội và những người truy cập các trang mạng đó.


Việt Nam nắm quyền kiểm soát hầu như toàn diện Internet trong những năm qua và vẫn tiếp tục là một trong những nước kiểm duyệt mạng nghiêm khắc nhất trên thế giới. Chúng tôi biết có nhiều bloggers bị bắt nhốt hay bị sa thải khỏi công ty vì đã lên tiếng chỉ trích chính phủ. Chúng tôicũng nhìn thấy người dân bị bắt và bị xét xử vì những lời phát biểu của họ trên mạng. Trong rất nhiều trường hợp, chỉ một trang blog về nhân quyền hay dân chủ mà người viết bị tống giam từ 5 đến 10 năm tù trong lúc cái gọi là ‘tội’ mà chính quyền gán cho họ chỉ là đưa ra một hệ tư duy khác với chính quyền. 


Trong năm qua tại Việt Nam, đã có nhiều tổ chức xã hội dân sự không được phép thành lập, nhiều trang facebook bị ngăn chận. Đây là cả một vấn đề đáng quan ngại vì facebook là một kênh thông tin và truyền thông của rất nhiều người sử dụng ở Việt Nam mà nhà cầm quyền thì đã và đang tìm mọi cách để phá hủy đường truyền và đường liên lạc hữu hiệu này. 


Vẫn theo phúc trình của Freedom House về Tự Do Internet 2016, cả thế giới có 3 tỷ 200 triệu người lên mạng mỗi ngày, 67% số người ở các nước bị sách nhiễu, trù dập vì phê bình chính phủ hay quân đội, 38% số lượng các trang mạng xã hội hoặc những lời nhắn trên mạng, kể cả những đường truyền hay điện thoại di động với các dịch vụ trên mạng bị cố ý làm cho đứt quảng, thì Việt Nam là một trong những quốc gia áp dụng những hình thức kiểm duyệt như thế.


Buổi hội luận tiếp sau phần công bố phúc trình của Freedom House, cũng do tổ chức NGO này điều hợp, đã tạo sự chú ý của cử tọa khi ý kiến về sự nhanh nhạy, tiện ích và hữu hiệu của công nghệ thông tin đã khiến cho các chính phủ không thể nào ngăn chận hay kiểm soát được toàn diện mạng lưới toàn cầu qua Facebook, Twtter hoặc apps.


Tắt một lời, nhờ công nghệ thông tin của thế kỷ XXI mà càng bị ngăn chận bị kiểm duyệt chừng nào thì phương cách truyền tải thông tin cách này cách khác càng bùng nổ một cách tinh vi hiệu quả hơn bao giờ hết. - RFA

|

|


12.

Sự phẫn nộ từ phát ngôn của ông Bộ trưởng Giáo dục


Dư luận lại một lần nữa bùng lên phẫn nộ trước phát biểu của Bộ trưởng Bộ giáo dục Đào tạo Phùng Xuân Nhạ liên quan đến câu chuyện điều động hơn 20 giáo viên nữ đi tiếp khách, rót rượu hát karaoke cho quan khách tại Hà Tĩnh vừa qua.


Im lặng là đồng tình?


Vào sáng ngày 14 tháng 11 bên hành lang quốc hội Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho rằng việc UBND thị xã Hồng Lĩnh điều động giáo viên tiếp khách, rót rượu là sai nguyên tắc của cán bộ và ảnh hưởng uy tín của ngành vì những giáo viên này ngoài việc là các nhân viên chuyên môn còn là tấm gương xây dựng hình ảnh nhà giáo trong mắt phụ huynh và nhân dân.


Tuy nhiên, ông Nhạ sau đó lại nói rằng mức độ chưa đến nỗi trầm trọng và quan trọng hơn cả nếu các giáo viên ấy có thái độ im lặng đồng tình, không có kiến nghị, phản ứng gì thì trước tiên phải quy trách nhiệm cho các giáo viên này trước xong mới tính chuyện đến người ép buộc. Ông Bộ trưởng yêu cầu từng cô giáo trước tiên phải nghiêm túc trước đã.


Phát biểu này có hai chi tiết đáng chú ý, thứ nhất ông Bộ trưởng cho rằng có ai đó ép buộc khi ra lệnh điều động và thứ hai là chính các giáo viên bị điều động phải có bổn phận tự bảo vệ mình trước khi tố cáo.


Về chuyện ép buộc, ông Lê Bá Thiềm Trưởng phòng Giáo dục thị xã Hồng Lĩnh đã xác nhận chính ông là người ký lệnh và đây là điều bình thường kể cả người bị điều động là giáo viên nữ. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng đã được báo chí cho biết vụ việc nhưng ông cho rằng lỗi tới đâu xử lý tới đó. Câu nói nửa vời này không thỏa mãn bức xúc của dư luận trong khi ai cũng biết rằng từ nhiều chục năm qua vấn đề điều động nhân viên dưới quyền làm những công việc trái với chuyên môn của họ là chuyện bình thường trong xã hội Việt Nam.


Cô giáo Nguyễn Thị Bích Hạnh từ Nghệ An cho biết nhận xét của cô về nguyên nhân sâu xa để UBND cũng như các cơ quan toàn quyền điều động nhân viên, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục:


“Đối với người giáo viên khi họ phải chạy bằng chạy chức họ phải bỏ một khoản tiền rất là lớn và khi bỏ khoản tiền lớn để xin việc vào biên chế thì họ muốn ở lại để làm việc. Chính vì muốn được ở lại để dạy học thì họ phải chấp nhận đánh đổi, chấp nhận điều kiện cấp trên đưa ra kể cả tiếp khách hay thậm chí có thể phải ngủ với quan chức thì họ vẫn phải chấp nhận đánh đổi. Đời sống đạo đức của mình nó băng hoại đến như thế và đấy là vấn nạn nhức nhối. Cái đau khổ của họ là đạo đức, họ không thể nào giữ được đạo đức.


Theo như ông Bộ trưởng trả lời lỗi này là lỗi của giáo viên nhưng thực ra người giáo viên cán bộ nói chung họ chỉ vì cái lợi cá nhân và họ chấp nhận đánh đổi.”


Một giảng viên đại học khác, TS Vũ Thị Phương Anh nhìn vấn đề này khác hơn:


“Đây là quan niệm rất là phong kiến tức là xem dân, xem cấp xem cấp thấp hơn giống như là con dân, biểu gì làm đó, điều này tất nhiên là không chấp hận được, phải thay đổi nhưng không biết phải thay đổi cách nào đó là điều xảy ra trong bối cảnh chung của Việt Nam là như vậy. Tôi cho rằng lần này nó lộ ra vì có người than phiền, đưa lên báo chí mới thành om sòm. Có người cho là kinh khủng nhưng tôi cho rằng đây là dấu hiệu khá hơn vì trước đây chắc là nó xảy ra và có thể còn tệ hơn nhưng không ai dám than phiền hay là không ai cảm thấy cần phải than phiền, bây giờ có than phiền thì đã là có tiến bộ.”


Cáo buộc lòng tự trọng


Vấn đề thứ hai gây phản ứng mạnh mẽ nhất đến từ sự cáo buộc lòng tự trọng của các giáo viên khi ông Bộ trưởng gán ghép thái độ của họ gần như thỏa hiệp với chính quyền để làm công việc rót rượu, hát hò như những cô tiếp viên karaoke trong khi họ là cấp dưới còn người ra lệnh buộc họ phải làm việc ấy là UBND thị xã Hồng Lĩnh.


Ông Đinh Kim Phúc, giảng viên Đại Hoc Mở, cũng là nhà nghiên cứu Biển Đông bức xúc:


“Hà Tĩnh trong mấy ngày qua trong việc điều động các cô giáo phải đi phục vụ tiệc rượu và Karaoke không hề có trong tiền lệ của giáo dục Việt Nam. Thông qua bài phỏng vấn Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ mà VietnamNet phải rút bài rồi đưa lại bài khác, tất cả những gì trên báo chí nhất là báo Dân Trí đã đưa ra thì tôi nói với tư cách là một thầy giáo tất cả câu trả lời của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tôi đánh giá là trả lời của một tên đầu gấu bảo vệ cho những tên ma cô trong giáo dục Việt Nam hiện nay.


Từ ngày hôm qua đến nay dư luận Việt Nam rất là phẫn nộ. Phẫn nộ vì cách hành xử mất dạy của quan chức Hà Tĩnh khi điều các giáo viên đi tiếp rượu nhưng người ta lại quá phẫn nộ đối với câu trả lời của Bộ trưởng Bộ Giáo dục Việt Nam. Tôi nó rằng nếu như vợ của Bộ Trưởng Bộ giáo dục Việt Nam được điều đi để tiếp rượu thì Phùng Xuân Nhạ có lẽ sẽ không có những câu trả lời trước dư luận như thế.”


TS Vũ Thi Phương Anh nhận xét câu phát biểu này như sau:


“Tôi nghĩ ổng nói như vậy không sai về mặt nguyên tắc vì nếu như trong xã hội thối nát xấu xa nhưng từng người phản ứng khác nhau thì mức độ cái xấu nó cũng giảm đi, đó là cách nói khách quan.


Nhưng đúng là khi tôi đọc bài phát biểu của ông ấy thì tôi và mọi người đều mong đợi là ông ta lên án người điều động. Nếu không bênh vực thì thôi không nên phê phán. Tôi thông cảm cho các cô đó vì các cô ở quê mà là giáo viên tiều học, mầm non thì các cô ấy rất là trẻ nữa thì chắc chắn không dám cãi đâu vì nếu cãi thì hậu quả chắc là đuổi việc hoặc bị đì đủ thứ, chưa kể chung quanh ai cũng chấp nhận rất bình thường thì tôi nghĩ cũng hơi oan cho các cô mặc dù đúng là nếu các cô có phản ứng thì chắc là đã khác nhưng tôi chắc rằng các cô không dám phản ứng và chuyện đó là hiểu được.”


Vài giờ sau khi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu, trang VietnamNet rút bài xuống và thay vào một bài mới hơn, tuy nhiên hai ngày sau mạng xã hội vẫn còn sôi động với câu chuyện này cho thấy rằng người dân đã góp phần không nhỏ vào việc nhận xét phê bình phát ngôn của lãnh đạo ngày một rộng rãi và đa dạng hơn so với trước đây. - RFA

No comments:

Post a Comment