Saturday, November 19, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Bảy 19/11

Tin Thế Giới


1.

TT Peru chỉ trích xu hướng bảo hộ kinh tế của ông Trump --- Sắp có một tuần trăng mật Mỹ-Trung? --- Bên lề APEC: Barack Obama và Tập Cận Bình trao đổi về Bắc Triều Tiên


Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama đang ở Lima, thủ đô của Peru trong chặng dừng chân cuối của chuyến công du cuối cùng của ông trong cương vị Tổng thống Mỹ. Tại đây ông sẽ tìm cách trấn an các đồng minh của Mỹ ở khu vực Á Châu-Thái Bình Dương sau thắng lợi bầu cử của ông Trump.


Trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông, ông Obama đã tập trung vào nỗ lực tái cân bằng lực lượng của Mỹ sang châu Á, coi việc chuyển trục sang châu Á là nền tảng của chính sách đối ngoại của ông, nhưng chính sách này có thể thay đổi đáng kể dưới chính phủ do ông Donald Trump lãnh đạo, sau khi ông rời nhiệm sở trong 9 tuần nữa.


Tổng Thống Obama và các đồng minh của ông ủng hộ thương mại tự do trong nhiều năm đã hối thúc việc thực hiện Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, nhưng Tổng thống tân cử Trump chống đối hiệp định này, và đề nghị một hướng đi khác hẳn.


Ông Trump đề nghị sẽ bớt chú ý tới châu Á, và mạnh mẽ chỉ trích các đồng minh của Mỹ tại châu lục này, đồng thời gọi TPP là “phá hoại các quyền lợi của Mỹ”.


Tuy nhiên, Tổng thống Peru Pedro Pablo Kuczynski một kinh tế gia được đào tạo tại Hoa Kỳ có ý chỉ trích xu hướng bảo hộ kinh tế của ông Trump, ông nói với các vị nguyên thủ tham gia hội nghị ở Peru rằng bất cứ ai muốn cổ vũ cho chính sách bao cấp kinh tế, hãy đọc lại lịch sử của nền kinh tế trong những năm của thập niên 1930, ám chỉ cuộc đại suy thoái mà nhiều người quy cho các chính sách bảo hộ kinh tế. - VOA


***

Chiến thắng ngoạn mục của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tiếp tục được các tạp chí ra tuần này bình luận rộng rãi và dành cho những hồ sơ đặc biệt. Đáng chú ý nhất là bài phân tích về khả năng rất hiện thực của « Một chuyện tình Mỹ-Trung » - trái hẳn với dự đoán của nhiều người – trên tuần báo Anh The Economist đề ngày 19/11/2016.


Theo tuần báo, thoạt nhìn thì thấy quan hệ Mỹ-Trung sẽ rất tệ hại sau khi ông Trump lên cầm quyền : Trong chiến dịch tranh cử, Donald Trump đã vạch mặt Trung Quốc là thủ phạm chính trong việc cướp công ăn việc làm của người Mỹ, đe dọa khởi động một cuộc chiến tranh thương mại với Bắc Kinh, hứa là khi lên làm tổng thống, ông sẽ chính thức gọi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ, đánh mức thuế trừng phạt 45% trên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.


Và như để khẳng định thêm quyết tâm « chống » Trung Quốc, ông Trump còn cam đoan xé bỏ thỏa thuận khí hậu mà tổng thống Mỹ mãn nhiệm Barack Obama đã ký với đối tác Trung Quốc Tập Cận Bình tháng 09/2016, một điểm sáng hiếm hoi trong quan hệ Mỹ-Trung.


Thêm vào đó, trong mấy ngày qua, tin đồn về những người sẽ được ông Trump cử làm ngoại trưởng, tức là phụ trách giao dịch với Trung Quốc, cũng khiến Bắc Kinh không yên tâm. Hai tên được gợi lên là Rudy Giuliani, cựu thị trưởng New York, lính mới trong quan hệ với về Trung Quốc, và John Bolton, một con diều hâu rất ghét Bắc Kinh.


Bắc Kinh đổi giọng ca ngợi Donald Trump


Thế nhưng, theo The Economist, Trung Quốc lại bắt đầu nhìn thấy khía cạnh tươi sáng trong quan hệ Mỹ-Trung. Ở Bắc Kinh, người ta ngày càng lạc quan cho rằng, nếu thực sự muốn có thêm việc làm và tăng trưởng trong nước, sớm muộn gì ông Trump cũng phải mở cửa thương mại vì lẽ chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch không phù hợp với chủ trương « Hãy làm nước Mỹ lớn mạnh trở lại » mà ông từng đưa ra.


Các quan chức Trung Quốc hy vọng rằng những lời đe dọa của ông Trump trong chiến dịch tranh cử chỉ là để câu phiếu. Hơn thế nữa, các nhà lãnh đạo Trung Quốc còn thấy ông Trump có nhiều nét giống họ, tức là không thiết tha lắm với dân chủ mà đặt vấn đề phát triển và tăng trưởng lên trên hết.


Khi loan tin về cuộc điện đàm đầu tiên hồi đầu tuần này giữa ông Tập Cận Bình và ông Donald Trump, tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc thường khi rất hung hăng, thì lần này lại không ngớt tán dương tổng thống tân cử Mỹ đã có những lời lẽ « ngoại giao hoàn hảo » khi trả lời đề nghị hợp tác của ông Tập Cận Bình, đã củng cố triển vọng « lạc quan » về quan hệ giữa hai cường quốc trong vòng bốn năm tới.


Đối với Hoàn Cầu Thời Báo, ông Trump là người đã không bị « giới tinh hoa chính trị tại Washington bắt làm con tin », và sẽ là « một nhà lãnh đạo Mỹ biết tạo ra những bước tiến quyết định trong việc tái định hình quan hệ giữa các cường quốc một cách thực tiễn ».


Bắc Kinh hoan hỉ vì Trump đã “dẹp” Obama và sẽ “phá” nước Mỹ


Theo The Economist, thái độ lạc quan trong giới diều hâu Trung Quốc rõ ràng còn xuất phát từ tính toán của họ theo đó chính quyền của ông Trump sẽ hỗn loạn và bất tài, làm cho Mỹ mất uy tín.


Đây là điều rất có lợi cho Trung Quốc, vốn đang đặt cược trên khả năng về lâu dài nước Mỹ ngày càng suy thoái, trong lúc Trung Quốc ngày càng vươn lên. Chính tờ Hoàn Cầu Thời Báo đã viết chỉ cách nay một tuần về ông Trump là : « Chúng ta nên chờ xem ông ta có thể gây nên những hỗn loạn nào ».


Ngoài ra, cũng theo The Economist, các nhà lãnh đạo Trung Quốc rất vui mừng khi thấy ông Barack Obama rời khỏi chính trường. Họ rất ghét chiến lược « xoay trục » qua châu Á của ông, họ cay đắng với suy nghĩ « không khoan nhượng » của ông, vốn thúc đẩy ông từ chối đề nghị (gọi là nhóm G2) của ông Tập Cận Bình vào năm 2013 muốn hình thành một « loại quan hệ mới giữa hai cường quốc » trên cơ sở hợp tác « hai bên cùng có lợi ». Đối với The Economist, làm sao mà ông Obama có thể chấp nhận nhường vùng Đông Á lại cho Trung Quốc !


Tập Cận Bình sẽ lại dùng chiêu “kinh tế” để nhử Donald Trump ? 


Trong bối cảnh kể trên, tuần báo Anh cho là rất dễ tiên đoán những gì sẽ được hai lãnh đạo Mỹ-Trung thảo luận nhân cuộc tiếp xúc đầu tiên sau khi tân tổng thống Mỹ nhậm chức. Trong bài phát biểu mừng chiến thắng của mình, ông Trump từng cam kết xây dựng thêm tại Mỹ nào là đường cao tốc, sân bay, nào là trường học, bệnh viện. Ông Tập Cận Bình sẽ nhấn mạnh rằng ông vừa có tiền, vừa có chuyên môn trong lãnh vực xây dựng, xuất phát từ việc điều hành một đất nước rộng lớn với hơn 18.400km đường xe lửa cao tốc so với con số không tại Mỹ, với đập thủy điện Tam Hiệp trên sông Dương Tử cao gần bằng đập Hoover tại Mỹ nhưng dài hơn sáu lần.


Tóm lại, ông Tập Cận Bình sẽ cung cấp tiền và chuyên môn cho những nỗ lực xây dựng của tổng thống Mỹ mới đắc cử, và sẽ nhấn mạnh rằng sự giúp đỡ của Trung Quốc sẽ tạo ra công ăn việc làm tại Hoa Kỳ. Để đánh đổi lại, ông Trump có thể dễ dàng tỏ một cử chỉ thiện chí là tham gia vào Ngân Hàng Phát Triển Hạ Tầng Cơ Sở Châu Á do Trung Quốc lãnh đạo, điều mà ông Obama từng bác bỏ, và hậu thuẫn nhiều hơn cho chiến lược « Một vành đai, một con đường » của ông Tập Cận Bình. Nhiều cố vấn của ông Trump đã tiết lộ rằng việc đó đã được dự trù.


Tuần trăng mật không ngờ nhưng không thọ


Nhìn chung, theo The Economist, sẽ có một tuần trăng mật giữa hai ông Trump và Tập Cận Bình mà ít ai dự đoán. Nhưng có kéo dài hay không thì lại là một chuyện khác. Đối với ông Tập Cận Bình, ông đang cần có một môi trường bên ngoài yên ổn để rảnh tay thực hiện một cuộc cải tổ sâu rộng trong cơ chế lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc vào năm tới để củng cố quyền lực của mình.


Tuy nhiên, The Economist cho là đừng hy vọng tuần trăng mật Mỹ-Trung sẽ kéo dài. Lý do đầu tiên là rất có thể Trung Quốc đã đánh giá thấp sức mạnh của bản năng con buôn của ông Trump. Ngoài ra Bắc Kinh cũng có thể đổi ý nếu đồng đô la trở nên quá mạnh khiến cho đồng yuan Trung Quốc khó quản lý.


Bên cạnh đó, dù các đồng minh châu Á của Mỹ đang hoảng hốt sau khi ông Trump đắc cử, càng lúc càng có thêm những lời bảo đảm từ phía ông Trump rằng ông vẫn duy trì các liên minh mà Trung Quốc căm ghét, nhưng đã góp phần củng cố thêm sức mạnh của Mỹ ở vùng Đông Á từ khi Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc đến nay.


Sau cùng, theo The Economist, làm sao biết được chắc chắn là sẽ không có sự cố nào nghiêm trọng trong quan hệ Mỹ-Trung. Lãnh đạo hai nước chưa hề bị một cuộc khủng hoảng lớn nào thử thách từ sau vụ va chạm trên không vào năm 2001 giữa một chiến đấu cơ Trung Quốc và một máy bay do thám Mỹ. Một sự cố tương tự hoàn toàn có thể xẩy ra trên vùng Biển Đông và Biển Hoa Đông đầy tàu thuyền và đang có tranh chấp.


Điều đáng ngại là không chỉ có ông Trump là người hoàn toàn chưa được thử thách trong một cuộc khủng hoảng trên quy mô đó, mà ông Tập Cận Bình cũng vậy!


Hiệu ứng Donald Trump tại Pháp ?


Sự kiện ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ vẫn tiếp tục lôi cuốn báo giới. Tạp chí Pháp tuần này không thoát khỏi làn sóng, nhất là khi tại Pháp cũng đang diễn ra cuộc tranh cử sơ bộ cho cuộc bầu tổng thống năm sắp tới. 


Các tạp chí e ngại tác động dây chuyền từ Mỹ qua Pháp. Bên cạnh ảnh Donald Trump tươi cười trên trang bìa, L’Express đã chạy hàng tựa : « Trump và chúng ta », bên trên là dòng tiểu tựa nhắc đến sự kiện ở Pháp : « Hollande – Macron : hai ứng viên lâm chiến ».


Tạp chí L’Obs, trên phông nền đen, cũng ở trang bìa, chạy hàng tựa đỏ : « Làn sóng dân túy » với hai gương mặt đối diện nhau : Trump ở Mỹ và Marine Le Pen, lãnh đạo đảng cực hữu FN tại Pháp.


Courrier International, đăng môt tranh biếm họa trên trang bìa : bà Marine Le Pen như đang múa trong trang phục của nhân vật Bạch Tuyết với hai chú lùn bên cạnh : Ông Sarkozy nép vào váy phía sau và Juppé khom lưng nhìn lên với một quả táo nhỏ đặt trước mặt. Bên cạnh là dòng tựa lớn : « Pháp, rẽ ngay sang cánh hữu ! » bên trên câu hỏi : « Có chăng một hiệu ứng Trump ? » kèm theo ghi nhận : « Đối với báo giới nước ngoài, những ý tưởng của Marine Le Pen làm ô nhiễm cuộc bầu sơ bộ trong cánh hữu (Pháp) ».


Le Point nêu câu hỏi : « Có thể nào đắc cử mà không cần nói nhăng nói cuội ? », bên dưới có dòng ghi chú : « Sau Brexit và Trump, những gì đang diễn ra trong cuộc bầu cử sơ bộ Pháp » với 3 gương mặt : hai cựu thủ tướng François Fillon, Alain Juppé và cựu tổng thống Nicolas Sarkozy.


Ngoại giao Mỹ thời Trump : Chống Tàu, thân Nga, bỏ châu Âu ?


Giống như tuần báo Anh The Economist, hồ sơ chính trên tạp chí L’Express cũng dành cho đường lối đối ngoại của Donald Trump với hơn một chục trang cho hồ sơ này. Theo tuần san, một cách sơ lược có thể nói là Donald Trump nhắm vào Trung Quốc, nhưng tương đối hóa sức mạnh của Nga và… quay lưng lại lục địa già Châu Âu. Điểm này đã khiến tạp chí chạy tựa « nỗi buồn của Châu Âu ».


L’Express giải thích rằng các quốc gia Châu Âu rất ghét Donald Trump, và nhìn thấy họ bị thua thiệt lớn trong cuộc bầu cử Mỹ. Và điều này cũng đúng thôi. Người ta không hiểu làm thế nào mà nhà kinh doanh này lại có thể thương lượng được với một vật thể phức tạp như Liên Hiệp Châu Âu.


Tìm hiểu xem có cái gì có thể làm ông Trump quan tâm đến Châu Âu, tác giả bài viết cho là ngoài bà vợ là người Slovenia, thì có rất ít điều gắn bó ông với Châu Âu. Tập đoàn Trump Organisation có những cao ốc Trump Towers ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, hai sân golf trên lãnh thổ Châu Âu - ở Ireland và Scotland - nhưng tài sản chủ yếu của ông ở nước ngoài dưới dạng nhà chọc trời là ở Vancouver (Canada), Seoul, Manila, tựa như là ông Trump cũng đã xoay trục sang Châu Á như ông Obama !


Nhưng L’Express, trích dẫn nhà phân tích Knut Hammarskjold, cho là trong mắt Donald Trump, thì « Trung Quốc có tầm quan trọng chủ chốt vì nước này là mối đe dọa tài chính, chiến lược đối với Mỹ, đe dọa cuộc sống sung túc của cử tri cơ sở của ông, trong lúc Châu Âu, chỉ là một yếu tố gây bực mình vì tốn kém đối với Mỹ về mặt quốc phòng. Lãnh đạo Châu Âu lại luôn lên lớp, rất giống thành phần ưu tú tại Mỹ đã ủng hộ Hillary Clinton.»


Riêng về nước Pháp, trong mắt Donald Trump, đây là nước « xã hội chủ nghĩa » bị khủng bố nhắm vào. Cho nên để có uy tín trên chính trường thế giới, Paris phải định lại khung hợp tác với Washington. Theo L’Express, quan hệ Trump-Paris sẽ khó mà nồng ấm. Tạp chí nhắc lại câu nói của đại sứ Pháp tại Mỹ, Gérard Araud, trên twitter của ông, thể hiện thái độ sững sờ sau kết quả bầu cử : « Một thế giới đang sụp đổ trước mắt chúng ta. Thật là chóng mặt ». Câu này đã được xóa đi vài giờ sau đó. Nhưng sự việc đã rồi. Những ai rõ biết cá tính của Donald Trump cho là ông sẽ không quên và giận rất dai.


Bầu cử Mỹ : Người thắng cuộc là … Putin 


Đối với Nga, L’Express đặt mối quan hệ trong bối cảnh Donald Trump đã cam kết giảm đóng góp của Washington cho NATO. Điều này làm cho Nga rất hài lòng. Cho nên tác giả bài phân tích trên tạp chí L’Express đã chấm biếm bằng tiếng Anh : « And the Winner is …Vladimir Putin ! » (tạm dịch là « Và người chiến thắng là... Vladimir Putin »).


Thật vậy theo Axel Gylden, một người thắng khác của cuộc bầu cử tại Mỹ là tổng thống Nga, vốn rất lo ngại viễn cảnh người đắc cử là « ứng viên của chiến tranh », biệt hiệu mà Matxcơva đặt cho Hillary Clinton. Ngược lại, khi « ứng viên của hòa bình » - tức là Trump - thắng cử thì quan hệ Nga-Mỹ có thể « tan băng ».


Quan hệ Mỹ-Nga đã cực kỳ xấu đi từ sau chính sách « reset – tái khởi động » của Obama từ năm 2009. Obama muốn xây dựng lại một quan hệ mới tốt hơn giữa Nhà Trắng và điện Kremlin, nhưng ông đã không thành công, thậm chí tình hình còn xấu hơn, với một loạt biến cố từ việc lật đổ chế độ Kadhafi đến tình hình Ukraina, cuộc chiến Syria...


Trong khi đó, với Donald Trump thì không khí đã thay đổi. Từ nhiều năm qua, nhà tỷ phú Mỹ luôn khen ngợi tổng thống Nga. Ngay từ năm 2007, trên đài CNN, ông đã nói « Hãy nhìn Putin, ông đã xây dựng lại hình ảnh nước Nga và xây dựng lại đất nước ông ». Gần đây hơn, trong cuộc tranh cử, ông Trump không ngớt có những lời lẽ tốt đối với Putin, và từng chỉ trích bà Hillary như trong cuộc mít tinh tại Ohio, tháng 10/2016, khi ông tuyên bố : « Nói không tốt về Putin, tôi không nghĩ đó là hay ».


Ngoài những lời lẽ bênh Nga kể trên, điều làm tổng thống Nga hài lòng là thái độ của Trump đối với Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, không muốn nước đầu tầu là Mỹ phải gánh vác thêm nữa.


Những sai lầm khi đánh giá uy tín của Trump trong cử tri Mỹ


Tạp chí Le Point tuần này rà soát lại thành phần cử tri đã dồn phiếu cho Donald Trump, gây ra hệ quả hiện nay. Tờ báo đã nêu lên tình trạng một số đánh giá không sát với thực tế, chẳng hạn như việc cho rằng ông Donald Trump được ủng hộ ở những bang gặp khó khăn, thất nghiệp cao, cụ thể là vùng gọi là Rustbelt - bao quanh khu vực Đại Hồ (phía bắc). Nhưng xem kỹ kết quả thì không hẳn như vậy. Trong số 30 bang mà ông Trump đã thắng, thì có đến 18 bang có tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn mức trung bình trên toàn quốc.


Còn nói rằng ông Trump là người được tầng lớp giàu có ủng hộ cũng không đúng. Le Point nhìn thấy là ông đạt đa số nhưng bà Hillary tuy thua nhưng cũng được hậu thuẫn không kém là bao. Nếu những người thu nhập ‘thấp’ - dưới 30.000 đô la - dồn phiếu cho bà Hillary và khoảng cách với ông Trump khá rõ rệt (41% - 53%), thì khoảng cách giữa hai người trong tầng lớp thu nhập cao trên 200.000 đô la thì không là bao : Donald Trump 49% - Clinton 48%.


Tạp chí cũng nhìn thấy là phụ nữ không hề xa lánh ông Trump. Nhìn chung, 42% phụ nữ đã bỏ phiếu cho Trump, trong đó 53% là phụ nữ da trắng. Còn về người da màu, thành phần cử tri da đen bỏ phiếu cho Trump cao hơn 2% so với lần bỏ phiếu cho ứng viên đảng Cộng Hòa Romney năm 2012, tỷ lệ người gốc châu Mỹ La tinh bỏ phiếu cho Trump cũng cao hơn 2 điểm so với Romney trước đây. Điều đúng là ông Donald Trump giành được phiếu ở những bang mà tỷ lệ súng ống trên đầu người rất cao. - RFI


***

Lãnh đạo 21 nước thành viên Diễn Đàn Hợp Tác kinh Tế Châu Á-Thái Bình Dương APEC họp tại Peru. Tổng thống Obama tìm cách trấn an các đồng minh về chính sách thương mại của người kế nhiệm Donald Trump. Hạt nhân Bắc Triều Tiên là trọng tâm cuộc đối thoại Mỹ- Trung cuối cùng giữa Barack Obama và Tập Cận Bình.


Bên lề thượng đỉnh APEC tại Lima mở ra từ 18 đến 20/11/2016, tổng thống mãn nhiệm Hoa Kỳ có một buổi làm việc cuối cùng với lãnh đạo Trung Quốc vào 17 giờ chiều nay, giờ địa phương. Theo giới phân tích Barack Obama cố gắng thuyết phục Bắc Kinh có thái độ cứng rắn trước các chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên.


Mỹ luôn chủ trương tăng cường các biện pháp trừng hạt với chế độ Bình Nhưỡng. Trong hai nhiệm kỳ tổng thống của ông Obama, chính quyền Washington đã có lập trường cứng rắn trên hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên, xem tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên là điều kiện tiên quyết để nối lại đối thoại với chế độ Kim Jong Un.


Một số các nhà quan sát không loại trừ khả năng Bình Nhưỡng sẽ lại thử nghiệm hạt nhân để nắn gân chính quyền Donald Trump.


Nhưng có lẽ với Trung Quốc, ưu tiên hàng đầu tại diễn đàn APEC Lima lần này là hồ sơ thương mại. Trước viễn cảnh hiệp ước tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương TPP có nguy cơ bị chính quyền Trump khai tử, ông Tập Cận Bình cố gắng thuyết phục các đồng minh của Mỹ trong vùng châu Á Thái Bình Dương về dự án tự do mậu dịch mang tên Hiệp Định Đối Tác Kinh Tế Toàn Diện Khu Vực RCEP, bao gồm Trung Quốc với ASEAN, Úc, và Ấn Độ mà không có Hoa Kỳ.


Riêng về hiệp định TPP, ông Obama dự trù họp riêng với 11 đối tác tham gia Hiệp Định Tự Do Mậu Dịch Xuyên Thái Bình Dương. Sáu trong số 12 nước tham gia TPP tuyên bố quyết tâm tiếp tục con đường đã vạch ra, cho dù có sự tham gia của Hoa Kỳ hay không. Sáu nước đó gồm Nhật Bản, Mêhico, Úc , Malaysia, New Zealand và Singapore.


Ngoài cuộc gặp song phương với lãnh đạo Trung Quốc, bên lề thượng đỉnh Lima, tổng thống Barack Obama cũng nói lời từ dã với tổng thống Nga Vladimir Putin trong bối cảnh quan hệ Nga Mỹ đang xấu đi đáng kể vì có quá nhiều bất đồng, nhất là trên vấn đề Syria.


Vẫn tại Lima, hôm qua, 18/11, ngoại trưởng Mỹ và đồng nhiệm Philippines có cuộc gặp gỡ song phương. Đây là buổi làm việc đầu tiên giữa hai ông John Kerry và Perfecto Yasay kể từ khi tổng thống Philippines Rodrigo Duterte dọa cắt đứt quan hệ quân sự và kinh tế với Mỹ.


Trong thông cáo chung kết thúc buổi làm việc, hai bên khẳng định quan hệ vững chắc giữa Hoa Kỳ và Philippines, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực phi truyền thống như chống tham nhũng, cứu hộ cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai. - RFI

|

|


2.

APEC: Trung Quốc "rình chờ" Mỹ thoái lui tại châu Á-Thái Bình Dương --- TQ tìm cách nắm quyền lãnh đạo thương mại tự do châu Á


Đây là tựa bài nhận định trên Le Figaro số ra ngày 18/11/2016. Tại thượng đỉnh châu Á – Thái Bình Dương APEC đang diễn ra tại Lima, thủ đô Peru, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tận dụng cơ hội ông Trump bỏ rơi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương - TPP, vốn dĩ gạt Bắc Kinh ra khỏi cuộc chơi.


Cuối tuần này, Lima là nơi diễn ra cuộc chuyển giao quyền lực mang tính biểu tượng, có tầm cỡ của thế kỷ XXI giữa đôi bờ Thái Bình Dương. Đương nhiên, tại thượng đỉnh APEC lần này (quy tụ 21 quốc gia thành viên, trong đó có Nga, Mỹ và Trung Quốc), chủ tịch Tập Cận Bình sẽ chào từ biệt lần cuối ông Barack Obama, sau thắng lợi bất ngờ của ông Donald Trump.


Nhật báo ví cuộc gặp này như một biểu tượng ngắn gọn cho mối tương quan lực lượng giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới đang tranh giành ưu thế tại châu Á – Thái Bình Dương. Kể từ khi ông Trump đắc cử, cán cân ưu thế nghiêng về phía đại cường Trung Quốc hồi sinh, nhắm vào thương mại để củng cố vai trò bá quyền khu vực.


Do đó, tại Peru, Tập Cận Bình có thể sẽ tận hưởng niềm vui chiến thắng đầu tiên. Tổng thống Obama sẽ phải thông báo chính thức với các thành viên APEC việc khai tử Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, nạn nhân đầu tiên dưới thời tổng thống Trump.


Việt Nam lẻ loi


Thỏa thuận thương mại này, được chính quyền theo đảng Dân Chủ thương lượng với 11 quốc gia trong khu vực – không có Trung Quốc – chính là vũ khí kinh tế trong chính sách « xoay trục » sang châu Á của ông Obama, với mục đích kềm chế ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc tại khu vực chiến lược này. Được đúc kết sau các cuộc đàm phán quyết liệt, nhất là với Nhật Bản, Việt Nam hay Singapore, hiệp ước này giờ trở thành « tờ giấy lộn », khi Quốc Hội Mỹ quyết định từ bỏ việc phê chuẩn, sau thắng lợi của ứng viên tổng thống thuộc đảng Cộng Hòa.


Le Figaro trích phân tích của ông Nguyễn Ngọc Trường, chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến Lược và Phát Triển Quốc Tế, một tổ chức tư vấn tại Hà Nội, Việt Nam, cho rằng : « TPP từng là vũ khí tốt nhất của Obama để tái cân bằng tương quan lực lượng tại châu Á. Đó từng là phao cứu hộ để đưa nền kinh tế Việt Nam ra khỏi quỹ đạo Trung Quốc. Nhờ vào TPP, Việt Nam đã trở thành đồng minh chiến lược của Hoa Kỳ ». Với Donald Trump, kể từ giờ, Hà Nội lại lần nữa trở nên lẻ loi trước gã hàng xóm khổng lồ, mà tầm ảnh hưởng thương mại và tài chính ngày càng lớn trông thấy ở Việt Nam.


Úc chuyển hướng


Nỗi khiếp hãi về sự trống vắng và sự co cụm của Hoa Kỳ tạo cho Bắc Kinh một cơ hội bằng vàng để dúi các quân cờ của mình. Tại Lima, chủ tịch Tập sẽ cố gắng thúc đẩy dự án của chính ông về khu vực tự do mậu dịch châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP) bao gồm 21 thành viên của APEC, theo lời thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Lý Bảo Đông (Li Baodong). Ngay cả các đồng minh trung thành của Hoa Kỳ như Úc đang xem xét lại kế hoạch của họ và hiện đang đặt cược vào việc xích lại gần với Trung Quốc.


Theo quan điểm của Canberra, thất bại của TPP cũng « có thể bù đắp » bằng RCEP (Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực), một dự án thỏa thuận về tự do mậu dịch giữa ASEAN, Úc hay với Trung Quốc, mà không có Hoa Kỳ. Giờ phải chờ xem liệu các thỏa thuận đó có đáp ứng được các yêu cầu của các doanh nghiệp thuộc các nước phát triển hay không nhất là trên phương diện gỡ bỏ các rào cản đối với đầu tư trong ngành dịch vụ.


Bắc Kinh hiện vẫn tỏ ra dè chừng, lo ngại trước những lời đả kích mang tư tưởng bảo hộ của ông Trump, đe dọa áp thuế hải quan đến 45% lên hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ. Sau cuộc trao đổi điện đàm giữa Tập Cận Bình và chủ nhân tương lai của Nhà Trắng, báo chí chính thức tại Trung Quốc cho thấy tình hình có vẻ dịu xuống và bất ngờ đưa ra những lời ca tụng nhà tỷ phú New York.


Nhưng sự nghi kỵ vẫn tồn tại và các lãnh đạo Trung Quốc lưu ý tổng thống Mỹ tương lai không nên có ý định tiến hành một cuộc chiến thương mại, qua việc nhấn mạnh đến « sự lệ thuộc lẫn nhau » giữa các cường quốc.


Ông Thái Sùng Tín (Joe Tsai), phó chủ tịch tập đoàn Alibaba, chuyên buôn bán qua mạng cảnh báo : « Trung Quốc là một nguồn vốn và là một đầu ra quan trọng cho xuất khẩu Hoa Kỳ. Mỗi năm, Trung Quốc giúp cho thu nhập của Mỹ tăng 700 tỷ đô la. Nếu như ông là tổng thống, ông muốn tạo công ăn việc làm mà lại không hiểu điều đó, thì ông sẽ gặp nhiều vấn đề ».


Nếu như những cảnh báo này vẫn chưa đủ, thì Bắc Kinh còn sở hữu cả một kho « vũ khí trả đũa thương mại », sẵn sàng được sử dụng, Le Figaro kết luận. - RFI


***

Trung Quốc sẽ đặt mình vào vị trí lãnh đạo thương mại tự do mới tại hội nghị thượng đỉnh châu Á-Thái Bình Dương cuối tuần này giữa lúc hiệp ước thương mại vòng Đai Thái Bình Dương bị lu mờ dưới thời Tổng thống tân cử Donald Trump.


Tận dụng bối cảnh hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) bị bất động vì ông Trump, Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc dự kiến quảng bá một viễn ảnh khác đối với thương mại khu vực tại hội nghị Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương được tổ chức tại Peru trong tuần này.


Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump gọi TPP được Tổng thống Barack Obama ủng hộ là “một tai họa.” Tuần trước, Tổng thống Obama đã từ bỏ nỗ lực đạt được sự chấp thuận của Quốc hội trước khi ông Trump nhậm chức và nói rằng số phận của TPP tùy thuộc vào Tổng thống tân cử và các nhà lập pháp Cộng hòa.


Hiệp ước Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực RCEP do Trung Quốc dẫn đầu là một hiệp ước đối thủ của TPP, không có sự tham dự của Hoa Kỳ. Giờ đây, RCEP đang dẫn đầu các thỏa thuận thương mại tự do trong vùng.


Hiệp ước RCEP và TPP được xem như là song hành nếu không nói là cạnh tranh với nhau, để tiến tới Khu vực Thương mại Tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP).


Hiện nay RCEP được xem như là con đường chính tiến tới tương lai FTAAP, giúp Trung Quốc, nước có nền kinh tế lớn nhất trong số 16 quốc gia của hiệp ước, đóng vai trò đầu tàu trong tương lai thương mại của châu Á-Thái Bình Dương.


Tổng thống Obama cho rằng TPP sẽ cho phép Hoa Kỳ chứ không phải Trung Quốc định ra những qui luật thương mại trong khu vực.


Những nỗ lực của Trung Quốc nhằm thúc đẩy hiệp ước thương mại trùng hợp với những sáng kiến quyền lực mềm khác nhằm củng cố ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc, ví dụ như Một Vòng đai toàn cầu, kế hoạch hạ tầng cơ sở Một Con đường, và Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng cơ sở châu Á do Bắc Kinh lãnh đạo.


Trong một chỉ dấu cho thấy sự bất bình với Hoa Kỳ trong số những thành viên TPP khác, Tổng thống Peru nói là các nước vòng đai Thái Bình Dương có thể thỏa thuận thành lập một hiệp ước thương mại mới để thay thế TPP, trong đó có Trung Quốc và Nga, nhưng không có Hoa Kỳ.


Các chuyên gia cho rằng ngoài việc giáng một đòn nặng vào ảnh hưởng của Hoa Kỳ, TPP thất bại có thể có nghĩa là hàng hóa của Mỹ không được hưởng thuế quan thấp và tiếp cận các nước RCEP, bao gồm Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ. Thỏa thuận RCEP có thể đạt được sớm nhất vào năm tới. - VOA

|

|


3.

Người dân Malaysia rầm rộ biểu tình đòi thủ tướng từ chức


Thủ đô Kuala Lumpur hôm nay, 19/11/2016, tràn ngập người dân Malaysia, biểu tình đòi thủ tướng Najib Razak từ chức, bị nghi ngờ biển thủ công quỹ. Lực lượng an ninh lo ngại xảy ra các vụ đụng độ giữa hai phe chống và ủng hộ chính phủ.


Theo lời kêu gọi của phong trào Bersih – theo tiếng Mã Lai có nghĩa là “trong sạch”, hàng nghìn người dân mặc áo vàng, gõ trống và thổi kèn vuvuzela, đã xuống đường biểu tình rầm rộ. Họ hô vang các khẩu hiệu đòi tổ chức bầu cử tự do, một chính phủ trong sạch, yêu cầu phế truất thủ tướng và đưa ra tòa xét xử.


Làn sóng phản đối chống ông Najib Razak tập trung chủ yếu vào vụ tai tiếng tài chính ầm ĩ có liên quan đến tập đoàn Nhà nước 1MDB (1Malaysia Development Berhad). Được thành lập theo sáng kiến của ông Razak ngay khi ông lên cầm quyền vào năm 2009, tập đoàn này hiện đang mắc nợ đến 10 tỷ euro và người ta nghi ngờ thủ tướng Najib Razak đã biển thủ khoảng 640 triệu euro.


Tuy nhiên, theo ghi nhận của AFP, bầu không khí căng thẳng tăng lên từ nhiều tuần nay. Phe “Áo Đỏ” ủng hộ chính phủ đe dọa tấn công phe “Áo Vàng”. Vài giờ trước khi các cuộc biểu tình diễn ra, chính quyền đã tiến hành bắt giữ lãnh đạo của hai phong trào, có nguy cơ làm thổi bùng thêm căng thẳng hiện nay.


Lực lượng chống bạo động đã được huy động vây kín Kuala Lumpur. Giao thông tại thủ đô hầu như bị tê liệt do nhiều rào chắn được dựng lên. Hiện chưa có một vụ bạo động nào được ghi nhận.


AFP nhắc lại vào cuối tháng 08/2015, hàng chục nghìn người lần đầu tiên đã xuống đường yêu cầu ông Najib Razak từ chức trong vụ tai tiếng này. Hôm qua, phát biểu trên đài phát thanh, thủ tướng Malaysia đã xem lời kêu gọi biểu tình là một mưu toan “đáng xấu hổ” nhằm “lật đổ một chính phủ được bầu lên một cách dân chủ”.


Phong trào Bersih là một liên minh các hiệp hội và tổ chức phi chính phủ. Từ nhiều năm nay, phong trào này đã lên tiếng kêu gọi cải cách bầu cử. Trong hai năm qua, các cuộc biểu tình của phong trào chủ yếu nhắm vào vụ bê bối 1MDB. - RFI

|

|


4.

Nga: Ngân sách quốc phòng 2017 vẫn tăng


Hôm qua, 18/11/2016, Hạ viện Nga, nơi mà đảng Nước Nga Thống Nhất của tổng thống Vladimir Putin chiếm đa số, đã thảo luận và thông qua dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017. Hầu như tất cả các lĩnh vực đều bị cắt giảm, ngoại trừ quốc phòng. Dự toán ngân sách sẽ còn được xem xét và bỏ phiếu thêm hai vòng nữa tại Hạ viện, trước khi được chuyển lên Thượng viện.


Từ Matxcơva, thông tín viên Murielle Pomponne cho biết thêm thông tin :


«Tổng thống Putin yêu cầu giảm thâm hụt ngân sách xuống dưới mức 3% tổng sản phẩm quốc nội, cho dù nguồn thu nhập từ dầu lửa bị tụt giảm. Khoản thâm hụt ngân sách sẽ được bù đắp bằng quỹ dự trữ và quỹ này sẽ cạn kiệt vào cuối năm 2017.


Để đạt được mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách xuống còn 1,9% tổng sản phẩm quốc nội vào năm 2019, cần phải tiến hành cắt giảm mạnh các khoản chi. Ngân sách dành cho các bộ sẽ giảm 6% trong năm 2017, 9% trong năm 2018 và 11% trong năm 2019.


Ngân sách dành cho giáo dục trong năm 2019 sẽ chỉ chiếm 3,5% tổng sản phẩm quốc nội và như vậy, tỉ lệ này thấp hơn nhiều so với mức trung bình của các nước phát triển. Ngân sách cho y tế cũng bị cắt giảm.


Ngân sách quốc phòng cũng giảm từ 4,7% tổng sản phẩm quốc nội trong năm 2016 xuống còn 2,9% trong năm 2019. Thế nhưng, có tới 17% tổng ngân sách không xác định mục đích chi, có nghĩa là trên thực tế, đây là những khoản chi cho quân sự. Như vậy, quân đội và lực lượng an ninh vẫn được ưu tiên.


Dự toán ngân sách được lập ra trên cơ sở giá một thùng dầu thô là 40 đô la, một đô la ăn 67 rúp và lạm phát ở mức 4%.


Bộ trưởng Tài Chính Nga nhấn mạnh để kỷ luật ngân sách, như điều kiện cần thiết để bảo đảm mức tăng trưởng kinh tế vững chắc. Ông cũng khẳng định là các cam kết chi ngân sách cho lĩnh vực xã hội được tôn trọng.


Ngân sách đã được các dân biểu thuộc đảng Nước Nga Thống Nhất thông qua, còn các dân biểu cộng sản và dân tộc chủ nghĩa thì bỏ phiếu chống, coi đây là ngân sách tối thiểu để tồn tại". - RFI

|

|


5.

Dân Hàn Quốc tiếp tục biểu tình đòi Tổng thống từ nhiệm


Hàng chục ngàn người tuần hành tại Hàn Quốc hôm nay, 19/11, trong cuộc biểu tình thứ 4 trong 4 tuần lễ liên tiếp được tổ chức vào mỗi thứ Bảy, để đòi Tổng Thống Park Guen Hye từ chức.


Cảnh sát ước lượng khoảng 170.000 người tham gia các cuộc biểu tình tại thủ đô Seoul. Ban tổ chức nói con số đó là 600.000 người.


Các cuộc biểu tình về phần lớn diễn ra trong ôn hoà. Một sân khấu tạm đã được dựng lên và trở thành trung tâm của các cuộc tập họp, có máy vi âm mở cho những ai muốn phát biểu, và có cả phần trình diễn hài kịch hay nhạc rock, có cả trò chơi cho trẻ con, biến cuộc tuần hành thành một sự kiện dành cho cả gia đình.


Chiều tối thứ Bảy giờ địa phương, những người biểu tình hô khẩu hiệu đòi bà Park từ chức. Đám đông giương biểu ngữ, thắp nến và bật sáng điện thoại cầm tay ngay trước dinh Tổng thống.


Được biết người dân trên khắp nước đã tới thủ đô để tham gia các cuộc biểu tình.


Đây là cuộc tuần hành mới nhất trong một loạt cuộc biểu tình đòi bà Park từ chức về một vụ tai tiếng đã làm tê liệt chính quyền của bà. Mức độ ủng hộ dành cho Tổng thống đã tuột dốc, xuống chỉ còn có 5%.


Cuộc điều tra vào vụ tai tiếng lợi dụng quyền thế liên quan tới bà Choi soon-sil, một người bạn thân của bà Park, đã làm tan vỡ hình ảnh của bà Park dưới con mắt của công chúng như một nhà lãnh đạo “không thể bị mua chuộc” mà bà Park đã cố công vun xới.


Bà Choi bị tố cáo là lợi dụng thâm tình với Tổng thống để áp lực các tập đoàn công ty Hàn Quốc đóng góp 70 triệu đôla cho các hội do bà Choi kiểm soát. Vụ tai tiếng đã đẩy bà Park vào thế bị cô lập và mất quyền thế.


Theo cáo buộc, bà Choi có ảnh hưởng rất lớn đối với Tổng thống Park, quan hệ giữa hai người đã được báo giới mang ra so sánh với quan hệ giữa một tín đồ với người đứng đầu một giáo phái, trong khi bà Choi không nắm bất cứ chức vụ nào trong chính quyền. - VOA

|

|


Tin Hoa Kỳ


6.

Ông Trump, Romney họp bàn ‘tường tận, cặn kẽ’ về tình hình thế giới --- Ông Trump gặp ông Romney, một ứng viên cho vị trí Ngoại trưởng --- Ông Trump đề cử 3 nhân vật bảo thủ vào các vị trí hàng đầu


Mitt Romney, một trong những nhân vật theo Đảng Cộng hòa từng chỉ trích gay gắt Donald Trump trong giai đoạn đầu của chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ, đã gặp gỡ Tổng thống đắc cử hôm thứ Bảy và cho biết họ đã có "một cuộc thảo luận rất tường tận và cặn kẽ" về tình hình thế giới.


Ông Romney, ứng cử viên Đảng Cộng hòa thất bại trước Tổng thống Barack Obama trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2012, gần đây được nhắc tới như một ứng viên có thể được ông Trump lựa chọn làm bộ trưởng ngoại giao. Không có chỉ dấu nào từ cuộc hội đàm này cho biết ai sẽ nắm giữ chức vụ này. Cuộc hội đàm Trump-Romney diễn ra ở bang New Jersey, tại một câu lạc bộ golf do ông Trump sở hữu.


"Chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện sâu rộng về nhiều khu vực của thế giới nơi có những lợi ích to lớn của Hoa Kỳ," ông Romney nói sau cuộc gặp gỡ. "Chúng tôi đã bàn về những khu vực đó và trao đổi quan điểm của chúng tôi về những chủ đề đó."


Trong một diễn biến dường như là một cử chỉ hòa giải công khai với những nhà lãnh đạo chính thống của Đảng Cộng hòa, ông Trump và Phó Tổng thống đắc cử Mike Pence đã nồng nhiệt chào đón ông Romney bằng những cái bắt tay khi cựu Thống đốc bang Massachusetts đến dự cuộc hội đàm.


Ông Trump và ông Romney đã có mối quan hệ không mấy thuận thảo trong quá khứ, nhưng Thượng nghị sĩ Jeff Sessions, người được ông Trump chọn làm bộ trưởng tư pháp và là phó chủ tịch nhóm chuyển tiếp của ông, đã kêu gọi Tổng thống đắc cử cân nhắc ông Romney cho một vị trí trong chính quyền sắp tới.


Trong một bài phát biểu hồi tháng 3 thu hút nhiều sự chú ý, ông Romney đả kích ông Trump là "kẻ lừa đảo" và "tay bịp bợm." Ông Trump phản pháo rằng ông Romney "sặc như một con chó" trong nỗ lực tranh cử của ông bốn năm trước, và nhiều lần gán cho doanh nhân triệu phú này cái mác "kẻ thua cuộc." Mối quan hệ của họ chỉ bắt đầu tan băng trong tháng này, sau khi ông Romney gọi điện thoại cho ông Trump để chúc mừng chiến thắng gây kinh ngạc của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống.


Tin cho hay ông Trump đang cân nhắc một số người để bổ nhiệm vào chức vụ ngoại giao hàng đầu của đất nước, nhưng Tổng thống đắc cử đã nói rằng chỉ có mình ông mới biết ai là "những người nằm trong danh sách cuối cùng" cho chức vụ này. - VOA


***

Tổng thống tân cử Donald Trump hôm nay gặp ông Mitt Romney, một trong những đảng viên Đảng Cộng hoà từng gay gắt chỉ trích ông Trump, và là người được nhắc đến như một ứng viên cho chức vụ Ngoại trưởng.


Quan hệ giữa ông Trump và ông Romney không mấy thuận thảo, nhưng Phó Chủ tịch ban chuyển giao quyền lực của ông Trump và ông Jeff Sessions, người vừa được đề cử vào vị trí Bộ trưởng Tư pháp, hối thúc ông Trump nên chọn ông Mitt Romney cho một chức vụ trong chính phủ mới.


Việc ông Trump gặp ông Romney, ứng cử viên Tổng thống thất bại trong cuộc bầu cử năm 2012, được coi là một động thái hòa hoãn với giới lãnh đạo dòng chính của Đảng Cộng hoà.


Hồi tháng Ba, ông Romney mạnh mẽ công kích ông Trump, gọi ông Trump là “một kẻ gian manh” và “lừa đảo”. Ông Donald Trump phản bác lại, liên tục gọi ông Romney là “kẻ thất bại”.


Quan hệ giữa hai ông đã có dấu hiệu tan băng sau khi ông Romney điện thoại chúc mừng ông Trump đắc cử. - VOA


***

Tổng thống tân cử Donald Trump đã chọn 3 nhân vật bảo thủ vào các vị trí trọng yếu trong chính phủ của ông. Đó là Thượng nghị sĩ Jeff Sessions được đề cử giữ chức Bộ trưởng Tư pháp, Dân biểu Mike Pompeo được giao chức Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA), và Tướng hồi hưu Mike Flynn được đề cử vào vị trí Cố vấn An ninh Quốc gia.


Cả ba ứng viên đều là những người trung thành với ông Trump trong suốt chiến dịch tranh cử có nhiều tranh cãi của ông Trump. 


Ông Sessions là người kiên cường ủng hộ và cố vấn cho ông Trump từ khi chiến dịch tranh cử bắt đầu.


Ông Pompeo, 52 tuổi, nghị sĩ đại diện bang Kansas, là một thành viên của nhóm nghị sĩ thuộc phong trào bảo thủ Tea Party đầu tiên được bầu vào quốc hội vào năm 2010.


Và tướng lãnh hồi hưu Mike Flynn, một cựu chiến binh được trao nhiều huân chương, đã nắm giữ vai trò cố vấn an ninh trong chiến dịch tranh cử của ông Trump, và giờ đây có thể sẽ đóng một vai trò lớn trong các quyết định về chính sách đối ngoại của chính phủ Trump. - VOA

|

|


7.

Ông Trump: Diễn viên Broadway phải xin lỗi vì 'bất lịch sự' với ông Pence --- Ông Trump dàn xếp xong vụ kiện Đại học Trump


Tổng thống tân cử Donald Trump yêu cầu diễn viên đóng vai trong vở nhạc kịch Hamilton ở Broadway xin lỗi Phó Tổng thống đắc cử Mike Pence sau khi một trong các diễn viên chính đọc một bài phát biểu sau buổi trình diễn hôm thứ Sáu, chỉ trích ông Pence và bày tỏ lo ngại về chính phủ mới.


Ông Pence đến xem buổi trình diễn cùng con gái và một người cháu. Cử tọa đã có phản ứng trái ngược khi ông xuất hiện, nhiều người hoan hô chúc mừng, trong khi nhiều người khác ồ lên phản đối. Cuối buổi trình diễn, diễn viên Brandon Victor Dixon, đóng vai Aaron Burr, ngỏ lời trực tiếp với ông Pence, yêu cầu ông hãy phục vụ tất cả mọi người dân Mỹ.


“Thưa ông, nước Mỹ là một xã hội đa dạng, chúng tôi cảm thấy bất an, lo sợ chính phủ của ông sẽ không bảo vệ chúng tôi, không bảo vệ hành tinh này, không bảo vệ con cháu, cha mẹ chúng tôi, hay tôn trọng các quyền cơ bản không thể bị xâm phạm của chúng tôi.”


Cử tọa vỗ tay hoan nghênh phát biểu của ông Dixon, nhưng Phó Tổng thống Pence đã ra về trước khi ông Dixon dứt lời.


Ông Trump tỏ ra bất bình về cách đối xử với người đứng phó của ông, sáng hôm nay ông yêu cầu diễn viên vở Hamilton xin lỗi ông Pence.


Trên trang Twitter, ông Trump viết:


“Phó Tổng thống tương lai tuyệt vời của chúng ta, Mike Pence, đã bị các diễn viên của nhạc kịch Hamilton quấy nhiễu đêm hôm qua, giữa lúc máy quay phim chiếu thẳng vào ông. Điều đó lẽ ra không nên xảy ra. ”


Ông Trump nói các buổi trình diễn kịch nghệ phải là một nơi chốn đặc biệt và an toàn. Ông cho rằng các diễn viên đã có thái độ bất lịch sự với một người tử tế, và đòi họ phải xin lỗi ông Pence. 


Dixon đáp lại trên Twitter, nói với ông Trump rằng "trò chuyện không phải là quấy nhiễu," và nói rằng anh cảm kích việc ông Pence "dừng lại để lắng nghe."


Hamilton là một vở nhạc kịch đoạt nhiều giải thưởng dựa trên cuộc đời của Alexander Hamilton, một trong những người sáng lập nước Mỹ.


Sau khi ông Pence rời khỏi buổi diễn, nhà sản xuất chương trình Jeffrey Seller cho biết ông hy vọng thông điệp về sự đồng cảm sẽ có tác động tới phó tổng thống đắc cử.


"Tôi hy vọng có thể nó sẽ khiến ông ấy cảm thông với những người không giống như ông ấy," ông Seller nói. - VOA


***

Ông Donald Trump đã dàn xếp xong ba vụ kiện Đại học Trump với chi phí 25 triệu đôla, theo lời Tổng chưởng lý bang New York Eric Schneiderman.


Vị tổng thống tân cử của Mỹ đang bị các cựu sinh viên kiện. Những người này đã trả 35.000 đôla để tìm hiểu "bí mật" kinh doanh bất động sản.


Ông Trump đã liên tục nói ông sẽ không dàn xếp các vụ kiện tập thể.


Tổng chưởng lý bang New York nói việc dàn xếp là "sự đảo ngược đáng ngạc nhiên" của ông Trump và là "thắng lợi lớn" cho các nạn nhân.


Vị tỉ phú Mỹ đối diện ba vụ kiện lừa đảo cáo buộc trường học đã lừa sinh viên và không làm như lời hứa, tại California và New York.


Vụ xử một vụ trong đó theo dự kiến sẽ mở ngày 28/11 ở San Diego mặc dù luật sư của ông Trump cố gắng trì hoãn.


Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump bị chỉ trích vì nói vị thẩm phán California trong vụ kiện không công bằng vì có gốc Mexico.


Đại học Trump đã đóng cửa năm 2010. - BBC

No comments:

Post a Comment