Wednesday, November 9, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Hai 7/11

Tin Thế Giới


1.

Giữ nguyên trạng Biển Đông có thể là giải pháp tốt nhất


Trong khi một giải pháp về những cuộc tranh chấp tại Biển Đông sẽ không đạt được trong một tương lai gần, nhưng việc cải thiện những mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Manila có thể báo trước cho hòa bình trên mặt biển trong vùng.


Khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte thăm Trung Quốc vào tháng 10 vừa qua, một số người lo ngại là ông ta sẽ tránh xa Hoa Kỳ. Tuy nhiên ông Trần Trường Thủy, giám đốc điều hành của Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông ở Hà Nội nghĩ đây là tin mừng cho Biển Đông.


Tại một Hội nghị thượng đỉnh về Việt Nam mới đây của tạp chí Economist ở thành phố Hồ Chí Minh, ông Thủy nói nếu Trung Quốc tỏ ra thân thiện hơn với Philippines, thì chắc tiến bộ này sẽ không đe dọa, chẳng hạn như đòi chủ quyền tại các đảo gần Philippines.


Ông Thủy nói: “Hiện nay, nếu Trung Quốc đòi chủ quyền như thế sẽ lật ngược lại mối quan hệ của Bắc Kinh với Philippines. Và trong tương lai gần, tôi không nghĩ Trung Quốc sẽ hành động như vậy.”


Việc xáp lại gần nhau giữa Manila và Bắc Kinh hầu như không được mong đợi vì Tòa án Trọng tài Thường trực có trụ sở tại La Haye, Hà Lan vào tháng 7 năm nay đã ra phán quyết là việc xây dựng đảo của Trung Quốc lấn sang lãnh hải Philippines. Manila từng là đối thủ mạnh mẽ nhất của Trung Quốc trong việc Bắc Kinh đòi chủ quyền lãnh thổ trong vùng. Tuy nhiên tất cả đều thay đổi khi tổng thống mới của Philippines lên cầm quyền vào mùa hè năm nay.


Ông Ian Storey, một thành viên của một uỷ ban tại hội nghị thượng đỉnh và là một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Yusof Ishak ở Singapore nói “Chính quyền Duterte đã chọn cách hạ giảm tầm quan trọng của phán quyết này. Philippines công nhận sự hiện hữu của phán quyết này nhưng không nêu lên tại Trung Quốc.”


Ông Storey nói Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan có lẽ xem xét kỹ vụ kiện do Philippines khởi xướng này, trong trường hợp những bất đồng về Biển Đông bùng nổ. Tuy nhiên ông thấy đây là giải pháp cuối cùng, vì các nước nhỏ đòi chủ quyền sẽ không chọc giận Trung Quốc.


Ông Storey nói tiếp: “Vì Philippines đã quyết định không đẩy mạnh vụ này nên tôi không nghĩ các nước Đông Nam Á khác sẽ làm như vậy.”


Ông Bill Hayton là tác giả cuốn sách Đông Nam Á: Tranh chấp Quyền lực tại châu Á. Ông Hayton cho rằng dù Bắc Kinh chỉ trích phán quyết của Tòa án Trọng tài La Haye, nhưng hành động của Trung Quốc kể từ mùa hè năm nay đã phù hợp với phán quyết của tòa.


Ông Hayton nói: “Trung Quốc đang tuân thủ phán quyết, và mới đây cho phép ngư dân Việt Nam hay Philippines trở lại bãi cạn Scarborough.”


Ông Hayton cho biết việc Bắc Kinh không còn hung hăng nữa được chứng tỏ bằng những quan hệ với Hà Nội. Xung đột vũ trang dường như có thể xảy ra cách đây 2 năm, khi Trung Quốc thăm dò dầu khí tại một vùng biển ở Biển Đông mà Việt Nam tuyên bố có chủ quyền.


Ông Hayton nói: “Kể từ biến cố giàn khoan dầu năm 2014, trong đó Trung Quốc thất bại thảm hại—Việt Nam đã đối phó khá tốt vào năm 2014—Trung Quốc không khoan dầu tại những nơi không đúng chỗ.”


Dường như đã có sự đồng thuận trong uỷ ban là việc tuyên bố chủ quyền chồng chéo tại Biển Đông vẫn còn, cùng với điều được gọi là một miếng băng vết thương thường xuyên: Đó là chấp thuận nguyên trạng để giữ cho vùng biển này được yên tĩnh. - VOA

|

|


Tin Hoa Kỳ


2.

Có bước đột phá trong công cuộc tìm kiếm phương cách chữa Zika


Đã có một bước đột phá trong công cuộc tìm kiếm một phương cách chữa trị virus Zika. Những nhà nghiên cứu đã phát hiện một loại kháng thể làm giảm đáng kể mức độ nhiễm Zika, và có tiềm năng được bào chế thành một loại vắc-xin để bảo vệ phụ nữ mang thai khỏi loại virus do muỗi truyền này.


Nó được gọi là ZIKV-117, một loại protein của kháng thể hoặc của hệ miễn dịch mà những nhà nghiên cứu đã cô lập từ một bệnh nhân bị nhiễm virus Zika.


Trong một nghiên cứu bao gồm những con chuột mang thai bị nhiễm mầm bệnh do muỗi truyền này, ZIKV-117 đã bảo vệ bào thai khỏi bị nhiễm trùng. Kháng thể này, kích thích một phản ứng mạnh mẽ của hệ miễn dịch chống lại virus, vô hiệu hóa tất cả các chủng Zika được thử nghiệm. Số lượng virus ở chuột mẹ được hạ thấp đáng kể, số lượng mầm bệnh được tìm thấy trong mô bào thai, mô nhau thai và mô não cũng giảm.


Chuột đực nhiễm bệnh được cho một liều ZIKV-117 duy nhất có tỉ lệ sống sót hơn so với chuột không được chữa trị, thậm chí năm ngày sau khi nhiễm Zika. Điều này cho thấy kháng thể này có thể được sử dụng để chữa trị tình trạng nhiễm trùng đang hoạt động.


Khám phá này được thực hiện bởi những nhà nghiên cứu tại Trường Y thuộc Đại học Washington ở bang Missouri và Đại học Vanderbilt ở bang Tennessee của Mỹ, và được đăng tải trên chuyên san Nature.


Đây là lần đầu tiên các nhà nghiên cứu tìm ra phương cách chữa trị Zika, theo lời Michael Diamond, một nhà vi sinh học và miễn dịch học tại Đại học Washington và là đồng tác giả chính của nghiên cứu này. "Trước nghiên cứu này, không có vắc-xin nào hay bất kỳ nghiên cứu nào khác thử nghiệm bất cứ thứ gì ở động vật mang thai để cho thấy rằng có thứ gì có thể tiêu trừ hoặc ngăn ngừa căn bệnh. Vì vậy, một điều mà nghiên cứu này làm được là cho thấy các kháng thể có thể làm điều đó và điều này thực sự là tín hiệu tốt cho những nỗ lực bào chế vắc-xin trong tương lai," ông nói.


Zika có thể gây ra dị tật bẩm sinh nghiêm trọng, đặc biệt là chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh của những người phụ nữ bị nhiễm virus trong khi mang thai. Trẻ sơ sinh bị dị tật đầu nhỏ có có đầu và não nhỏ bất thường.


Zika cũng được cho là gây nên một tình trạng tê liệt thần kinh hiếm gặp ở người lớn được gọi là hội chứng Guillain-Barré.


Ông Diamond cho biết các nhà nghiên cứu giờ đang chuẩn bị thử nghiệm kháng thể này ở khỉ, một quá trình mà ông nói có thể mất từ sáu đến chín tháng. Nếu những thử nghiệm này thành công thì thử nghiệm trên con người có thể bắt đầu ngay sau đó. - VOA

|

|


Tin Việt Nam


3.

Mỹ điều tra thép Trung Quốc 'tuồn' qua ngả Việt Nam


Bộ Thương mại Hoa Kỳ dự kiến mở một cuộc điều tra chính thức hôm thứ Hai về việc các công ty Trung Quốc vận chuyển thép qua Việt Nam để tránh thuế nhập khẩu, Wall Street Journal đưa tin hôm Chủ nhật, dẫn một người biết về vấn đề này.


Động thái này được đưa ra sau khi các luật sư của 4 công ty sản xuất thép Hoa Kỳ cho biết vào tháng 9 rằng họ sẽ đệ đơn kiến nghị với Bộ trên với cáo buộc rằng các đối thủ Trung Quốc chuyển hướng vận chuyển qua Việt Nam ngay sau khi chính phủ Mỹ áp thuế chống bán phá giá ban đầu lên sản phẩm thép không gỉ của họ.


Thuế Hoa Kỳ, từ 63.86% đến 76.64%, được đề xuất sau khi kết quả sơ bộ cho thấy các sản phẩm nhập khẩu đã bị phá giá trên thị trường Mỹ dưới mức giá công bằng.


Các công ty Mỹ đã nghi ngờ thép Trung Quốc được thay đổi thành chống ăn mòn và sau đó chuyển sang Mỹ với mức thuế mà Mỹ áp với Việt Nam, thấp hơn so với Trung Quốc.


Bài báo cho biết, trọng tâm của vấn đề là liệu thép có được thay đổi đủ để trở thành một sản phẩm mới sản xuất tại Việt Nam hay không.


Bài báo cũng cho biết, một người phát ngôn của Bộ Thương mại Mỹ từ chối bình luận về vấn đề này. Bộ đã không hồi đáp ngay lập tức một yêu cầu bình luận từ Reuters hôm Chủ nhật. - VOA

|

|


4.

Việt Nam đón 1.000 thanh niên Trung Quốc sang dự liên hoan


Khoảng 1.000 thanh niên Trung Quốc và hơn 9.000 thanh niên Việt Nam đã khởi động Liên hoan Thanh niên Việt – Trung lần thứ 3 hôm thứ Hai nhằm tăng cường hiểu biết và tình hữu nghị giữa hai quốc gia.


Liên hoan với chủ đề “Thanh niên Việt – Trung chung tay vun đắp tình hữu nghị”, bao gồm các hoạt động ở Hà Nội và 6 tỉnh miền bắc Việt Nam.


Các hoạt động chính bao gồm sự tham gia bảo vệ và phát triển bền vững môi trường của thanh niên, cũng như giữ gìn bản sắc văn hóa và phát triển du lịch.


Chương trình liên hoan được tổ chức theo chủ trương chung của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam và Trung Quốc.


Theo báo Thanh Niên, đây là hoạt động nhằm vun đắp tình hữu nghị, sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa thế hệ trẻ hai nước Việt Nam - Trung Quốc, góp phần tăng cường, làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc theo “phương châm 16 chữ” và “tinh thần 4 tốt”.


Sự kiện được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc tổ chức tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn, cách Hà Nội 130km về phía bắc.


Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Bí thư Thường trực Ban chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, cho biết việc tập hợp những người trẻ giúp gia tăng sự tin tưởng và hiểu biết lẫn nhau giữa thanh niên hai nước và trở thành cầu nối thân thiện trong việc trao đổi giữa người dân hai nước.


Hôm thứ Năm, các đại diện Trung Quốc sẽ đến Hà Nội để tham gia một buổi biểu diễn nghệ thuật và bế mạc liên hoan. - VOA

|

|


5.

Cuộc chiến giữa đảng và chính phủ


Trong liên tục hai năm qua các viên chức cao cấp của đảng cộng sản Việt Nam thực hiện nhiều hoạt động đối ngoại, vốn là vai trò của ngành ngoại giao hay người đứng đầu chính phủ.


Các viên chức này là những người thuần túy hoạt động đảng chứ không giữ chức vụ gì trong chính phủ.


Điều gì đang xảy ra đằng sau những hoạt động này?


Sau đây là ý kiến một số nhà quan sát trong và ngoài nước về sự thay đổi này.


Thay đổi mô hình


Ông Đặng Xương Hùng, một cán bộ ngoại giao Việt Nam, từng là đảng viên cộng sản, nay bỏ đảng và tị nạn tại Thụy Sĩ nhận định về sự xuất hiện liên tục của các cán bộ đảng cộng sản cao cấp trong hoạt động đối ngoại:


“Đảng cộng sản Việt Nam họ muốn chứng tỏ cho mọi người rằng là các chính phủ trên thế giới, kể cả Mỹ, đều công nhận sự khác biệt về thể chế, tức là công nhận một chế độ do đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo.”


Giáo sư Vũ Tường, giảng dạy tại khoa chính trị, Đại học Oregon ở Mỹ phân tích thêm về sự lãnh đạo của đảng cộng sản trong những hoạt động của nhà nước Việt Nam trong thời gian gần đây:


“Từ 2010, 2012 khi ông Trọng lên đã có cái xu hướng tăng cường sự quản lý của đảng trong những hoạt động của nhà nước. Từ lãnh vực ngoại giao đến kinh tế, đến nội chính... Theo tôi đọc các tài liệu của đảng thì sự tăng cường quan hệ đối ngoại của đảng này mục đích của nó là để các nước tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam là do đảng lãnh đạo. Trong quá trình chuyển qua kính tế thị trường, thì vai trò của đảng lu mờ rất nhiều so với chính phủ. So sánh ông Nguyễn Phú Trọng với ông Nguyễn Tấn Dũng thì sẽ thấy là nước ngoài người ta đều biết Nguyễn Tấn Dũng mà không biết Nguyễn Phú Trọng là ai cả, hay Nông Đức Mạnh trước đó.”


Giáo sư Tường cũng nói thêm là hoạt động đối ngoại của đảng là cũng nhằm để giải quyết những bất đồng với các nước có thể chế tương tự với Việt Nam như Trung quốc. Theo quan sát của ông thì ông Nguyễn Phú Trọng đã thực hiện đến 17 chuyến viếng thăm ra nước ngoài.


Một nhà quan sát chính trị Việt Nam từ Pháp là ông Nguyễn Gia Kiểng, người thành lập tổ chức Tập hợp dân chủ đa nguyên, tranh đấu cho chính trị đa đảng tại Việt Nam, bình luận rằng mô hình phân biệt đảng và nhà nước ở Việt Nam đang bị thay đổi:


“Chính sách phân biệt đảng và nhà nước đã đưa tới tình trạng ông Nguyễn Tấn Dũng làm Thủ tướng và bất chấp Bộ chính trị. Cho nên khuynh hướng hiện nay đã được công khai hóa là nhất thể hóa chính trị, chính sách cầm quyền tại Việt Nam. Điều đó có nghĩa là họ trở lại với mô hình mà đảng cộng sản đã bỏ đi hồi năm 1986, khi mở cửa là phân biệt đảng và nhà nước.”


Nhưng riêng trong lĩnh vực ngoại giao, ông Đặng Xương Hùng cho rằng thực ra không có thay đổi gì. Khi được hỏi rằng liệu tới đây vai trò của các viên chức bộ ngoại giao có bị lép đi so với các viên chức đảng phụ trách đối ngoại hay không, ông Đặng Xương Hùng không cho là như thế:


“Theo quan sát của tôi thì tôi thấy những chuyến đi như của ông Trọng, ông Huynh, cũng là sự sắp xếp của ngoại giao Việt Nam với phía Mỹ, chứ không phải là của Ban đối ngoại, trong cái quan hệ, trong cái tình huống mà ngoại giao Việt Nam lợi dụng được việc người Mỹ chiều chuộng Việt Nam hơn trong bối cảnh người Mỹ thấy nguy cơ lấn át của Trung quốc ở châu Á Thái Bình Dương.


Sự quản lý đối ngoại của Việt Nam lâu nay vẫn như thế thôi, tức là mọi hoạt động đối ngoại đều thông qua ban bí thư và bộ chính trị hết. Các đề án quan trọng và các bước đi về đối ngoại cần thiết đều phải có các đề án được thông qua ở ban bí thư và bộ chính trị hết, chứ không hẳn ở một vai trò như ông Bộ trưởng Bộ ngoại giao.”


Trở lại việc thay đổi mô hình tách biệt hoạt động nhà nước và đảng cộng sản, ông Nguyễn Gia Kiểng cho rằng còn có một lý do nữa là sự lúng túng trong phương hướng điều hành, lãnh đạo đất nước của đảng cộng sản:


“Họ thấy rằng chủ nghĩa Mác lê Nin bị chối bỏ, rồi cái định hướng xã hội chủ nghĩa không còn hợp thời nữa, họ lại cố thủ trên cái mô hình đó, nên họ thấy rằng phải trở lại mô hình cũ. Hiện nay họ phải làm những việc mà họ không muốn làm. Những ai mà đọc nghị quyết của hội nghị trung ương bốn, và bài diễn văn bế mạc của ông Tổng bí thư thì đều thấy rằng họ phải làm những việc không muốn làm, ví dụ như họ nói nguyên nhân gây ra những khó khăn của kinh tế hiện nay là đầu tư công quá nhiều. Nhưng mà cuối cái bản phúc trình đó họ lại nói rằng muốn kinh tế giữ mức tăng trưởng thì phải tăng thêm đầu tư công.”


Đảng, nhà nước, và tranh chấp nội bộ


Sự xuất hiện của các viên chức cao cấp của đảng trên trường ngoại giao quốc tế cũng được ông Đặng Xương Hùng cho là có một lý do thứ hai là thể hiện sức mạnh của các nhân vật ấy trong cuộc đấu tranh nội bộ của đảng:


“Cái đó nó thể hiện sự đấu đá nội bộ giữa các lãnh đạo Việt Nam trong việc quản lý chính quyền cũng như là cai trị đất nước. Vừa rồi các nhân vật như Phạm Quang Nghị, Đinh Thế Huynh, Nguyễn Phú Trọng, tham gia vào các hoạt động ngoại giao có tính chất nổi bật để thể hiện mình.”


Có những viên chức, sau khi thực hiện một chuyến đi quan trọng tại nước ngoài như ông Phạm Quang Nghị lại bị thất bại khi trở về Việt Nam.


Từ khi Việt Nam mở cửa về kinh tế vào năm 1986, nhiều nhà quan sát trong và ngoài nước cho rằng vai trò của chính phủ Việt Nam ngày càng lên cao. Trước những diễn biến mới khi đảng cộng sản đang muốn tăng cường sự quả lý của họ lên mọi hoạt động của nhà nước, Giáo sư Vũ Tường nhận định:


“Đương nhiên đó là chuyện ông Trọng và các ban đảng của ông ấy muốn, nhưng có làm được hay không lại là chuyện khác. Tôi nghĩ là ông ta đã vung tay quá trán, ông ta không có quyền lực cá nhân để tạo ra thay đổi, dù có thể tạo ra hay đổi trong nhất thời. Nhưng không đủ lực cá nhân để tạo ra thay đổi.”


Ngay sau khi đại hội đảng cộng sản lần thứ 12 kết thúc hồi đầu năm nay, người ta thấy ông Nguyễn Tấn Dũng không còn giữ một cương vị nào nữa trong đảng cộng sản cũng như trong chính phủ. Ngay sau đó xảy ra một loạt vụ án kinh tế liên quan đến những người điều hành của Tổng công ty dầu khí Việt Nam, nằm dưới quyền của ông Nguyễn Tấn Dũng trước đây. Đó là vụ ông Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn ra nước ngoài, ông Vũ Huy Hoàng nguyên Bộ trưởng Bộ công thương bị cách chức.


Trong khi đó thì ông Đinh La Thăng, đương kim ủy viên Bộ chính trị, cơ quan quyền lực nhất nước, cũng bị chỉ trích, dù không chính thức, là phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về những chuyện tham nhũng ở tập đoàn dầu khí. Giáo sư Vũ Tường, dù cho biết là ông không có nhiều thông tin, nhưng cho rằng ông Thăng là một người thuộc nhóm của chính phủ ông Dũng, mà nhóm viên chức đảng muốn loại trừ.


Về quan hệ giữa đảng và chính phủ, gần đây trên tạp chí chuyên về lý luận của đảng cộng sản Việt Nam là Tạp chí cộng sản có đề cập một cách không chính thức chuyện nhất thể hóa bộ máy đảng và nhà nước. Theo Giáo sư Vũ Tường thì chuyện đó khó có thể xảy ra vì hiện không có một gương mặt nào đủ mạnh của nhóm cán bộ đảng có thể làm được điều đó. Giáo sư Tường nói thêm là chuyện như vậy có thể xảy ra do một nhân vật nào đó có nhiều quyền lực trong ngành công an hay quân đội, hay phải có nhiều tiềm lực kinh tế như ông Đinh La Thăng.


Khi chúng tôi thực hiện bài viết này, chúng tôi đã phỏng vấn ông Đặng Xương Hùng vào ngày 3 tháng 10, Ông Đặng Xương Hùng cho biết nhận định của ông về cuộc tranh chấp giữa nhóm đảng và chính phủ:


“Rồi sau này cũng sẽ có những nhân vật trốn đi nữa. Nó cho thấy rằng sự áp đặt khống chế hoàn toàn của ông Nguyễn Phú Trọng không hẳn là có hiệu quả. Vụ Trịnh Xuân Thanh, rồi Vũ Huy Hoàng cho ta thấy phản ứng của phe chính phủ không hẳn lép vế hoàn toàn, phe của ông Trọng không hẳn là áp đảo.”


Ngày 5 tháng 11, báo chí Việt Nam loan tin rằng ông Vũ Đình Duy, một cán bộ quản lý cao cấp của tập đoàn dầu khí Việt Nam là người chịu trách nhiệm trong vụ bê bối tài chính ở một nhà máy do tập đoàn này quản lý. Bài báo trên báo thanh niên viết rằng cơ quan chủ quản của ông Duy là Bộ công thương cho biết ông không có mặt ở Việt Nam, nhưng không biết ông đi đâu. - RFA

No comments:

Post a Comment