Sunday, November 27, 2016

Tin Cập Nhật Chủ Nhật 27/11

Tin Thế Giới


1.

Lãnh đạo Việt Nam, TQ tiếc thương ông Fidel Castro --- Quan hệ Mỹ-Cuba có thể thay đổi sau cái chết của ông Castro --- Cuba ban hành quốc tang cố chủ tịch Fidel Castro --- Thủ tướng Canada bị chỉ trích vì ca ngợi ông Castro


Giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam và Trung Quốc cùng tuyên bố đã "mất đi một người đồng chí", sau khi cựu lãnh tụ Cuba Fidel Castro qua đời.


“Tứ trụ” của Việt Nam gồm tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng và chủ tịch quốc hội hôm 26/11 đã gửi điện chia buồn, trong đó tuyên bố đã “mất đi một người đồng chí, anh em chiến đấu vô cùng thân thiết và quý mến”.


Các nhà lãnh đạo của Việt Nam còn viết rằng ông Fidel Castro “luôn sát cánh cùng Việt Nam trong những năm tháng gian khổ của cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất Tổ quốc, cũng như trong ngày vui thắng lợi và công cuộc 'xây dựng đất nước Việt Nam đàng hoàng hơn, to đẹp hơn'".


Ngoài ra, bức điện chia buồn được Bộ Ngoại giao Việt Nam đăng tải còn dẫn lời ông Fidel Castro từng nói rằng: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình".


Cựu lãnh tụ cộng sản Cuba qua đời hôm 25/11, thọ 90 tuổi. Hồi giữa tháng này, Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang là một trong số ít các nguyên thủ được diện kiến ông Fidel Castro.


Các bức ảnh được truyền thông đăng tải cho thấy ông Quang cùng với phu nhân hôm 15/11 tới thăm “người đồng chí” và tặng một bức vẽ thời trẻ của ông Fidel Castro.


Lịch sử ghi nhớ


Về phía Trung Quốc, theo AFP, Chủ tịch Tập Cận Bình nói trên truyền hình nhà nước rằng “người dân Trung Quốc đã mất đi một người đồng chí tốt và chân chính”, và tuyên bố rằng “đồng chí Castro sẽ sống mãi”.


Nhà lãnh đạo Trung Quốc nói thêm rằng ông Castro là “một người vĩ đại trong thời đại của chúng ta”, và rằng “lịch sử và người dân sẽ nhớ tới ông ấy”.


Ông Tập nói rằng bang giao giữa hai quốc gia cộng sản phát triển nhanh chóng nhờ các nỗ lực của ông Castro sau khi mối quan hệ ngoại giao được thiết lập năm 1960. 


Trong khi lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc thương tiếc cố lãnh tụ Cuba, nhiều người Cuba lưu vong ở Hoa Kỳ đã đổ ra đường phố ăn mừng sau khi nghe tin ông ông Fidel Castro qua đời.


Khác với tuyên bố chừng mực của đương kim Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, Tổng thống đắc cử Donald Trump gọi ông Fidel Castro là một “kẻ độc tài tàn bạo”, “đã tước đi các quyền cơ bản” của người dân Cuba. - VOA


***

Ông Fidel Castro qua đời chỉ vài năm sau khi mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và quốc gia cộng sản này nồng ấm hơn sau hơn 50 năm đóng băng.


Tháng 7/2015, lần đầu tiên trong hơn 50 năm qua quốc kỳ lại được treo trên đại sứ quán Mỹ ở Havana, đánh dấu sự kết thúc mối quan hệ băng giá giữa hai nước.


Vài tháng sau đó, ông Barack Obama trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên đặt chân đến Cuba kể từ cuộc cách mạng đưa ông Fidel Castro lên nắm quyền năm 1959.


Tổng thống Obama phát biểu hồi tháng 3/2016: “Tôi đến đây để chôn vùi tàn dư cuối cùng của Chiến tranh Lạnh ở châu Mỹ. Tôi đến đây để mở rộng vòng tay hữu nghị với nhân dân Cuba”.


Tổng thống Obama nói rằng ông biết vẫn có sự khác biệt giữa chính quyền Mỹ và Cuba – đặc biệt về dân chủ và nhân quyền – nhưng cách tốt nhất để giải quyết sự khác biệt là thông qua giao tiếp và trao đổi.


Và như vậy việc nới lỏng các chế tài đối với Cuba nhằm tạo ra nhiều cơ hội kinh tế hơn đã bắt đầu. Các chuyên gia tin rằng điều đó là điều quan trọng đối với sự phát triển của Cuba trong khi ông Fidel Castro vẫn còn sống. Nhưng họ thừa nhận vẫn còn nhiều việc phải làm.


Brian Fonseca, giám đốc Viện Chính sách Công thuộc Đại học Quốc tế Florida, cho biết qua Skype: “Tôi không nghĩ rằng cái chết này sẽ gây ra những thay đổi sâu sắc về mặt cải cách chính trị ở Cuba”.


Những người chỉ trích tin rằng cần có những lời hứa từ Cuba về cải thiện hồ sơ nhân quyền trước khi bất cứ sự thay đổi chính sách nào của Hoa Kỳ được thực hiện. Tổng thống đắc cử Donald Trump đã cam kết trong chiến dịch tranh cử của mình rằng ông sẽ đảo ngược mệnh lệnh hành pháp của ông Obama về Cuba, trừ khi chế độ Castro đáp ứng yêu cầu của Hoa Kỳ.


Ông nói: “Những yêu cầu này sẽ bao gồm tự do tôn giáo và chính trị đối với nhân dân Cuba, và phóng thích tù nhân chính trị.”


Các nhà quan sát Cuba không kỳ vọng nhiều vào sự thay đổi của quốc gia này sau cái chết của ông Castro. Nghị sĩ Mỹ gốc Cuba của bang Florida Ileana Ros-Lehtinen cho biết: “Ông Fidel Castro đã lùi vào hậu trường trong nhiều năm. Sự chuyển giao quyền lực sang Raul Castro đã diễn ra, vậy Cuba có thực sự thay đổi khi ông Fidel đã chết? It nhất đó là một gánh nặng tâm lý cần được dỡ bỏ”.


Trong hai năm qua, chính sách của Hoa Kỳ đối với Cuba đã thay đổi. Với việc bầu ra tổng thống mới và cái chết của ông Fidel Castro, dường như sẽ có sự thay đổi một lần nữa. - VOA


***

Sau những chấn động đầu tiên khi được thông báo là cựu lãnh đạo cách mạng Fidel Castro qua đời, ngày hôm nay 27/11/2016, người dân Cuba chuẩn bị quốc tang kéo dài một tuần lễ với nhiều nghi lễ tưởng niệm và tiễn biệt. Không khí tại La Habana và Little Havana (Miami) không giống nhau.


Tại Cuba, sau 50 năm cai trị độc đoán, cái chết của ông Fidel Castro tạo nên những phản ứng khác biệt trong lòng người dân Cuba. Nếu có người buồn thì cũng có người vui.


Những người dân Cuba đã di cư sang nước ngoài coi Fidel Castro là nhà độc tài thì vui mừng trước cái chết của ông. Còn ngay tại Cuba, không khí lại khác hẳn. Một nỗi buồn thực sự xâm chiếm hòn đảo, ngay cả với những người đã từng chỉ trích Fidel Castro.


Từ La Habana, thông tín viên Romane Frachon tường thuật :


«Có thể nhiều người Cuba đã trông ngóng, chờ xem các buổi tuần hành hay các buổi lễ kèm theo lời hứa hẹn thay đổi, được tổ chức ra sao. Tuy nhiên chưa có gì diễn ra cả. Ngày cuối tuần vẫn trôi qua hầu như bình thường, dưới cái nắng nóng gay gắt của vùng biển Caribê. Mỗi người một việc, ai cũng uể oải, từ người bán báo cho tới những người thợ máy. 


Chỉ có một điểm khác biệt nhỏ : Từ sáng thứ Bảy, trên mọi góc phố, ai cũng thốt lên « Thành kính phân ưu! ». Nhiều người chưa biết tin thì thắc mắc : « Tại sao ? ». Khi được thông báo là Fidel (họ quen gọi Fidel Castro là Fidel) đã qua đời, họ mở to mắt ngạc nhiên và tỏ ra hoài nghi. Nhiều người nghĩ Fidel Castro phải sống được trên 100 tuổi vì ông ấy đã từng nói là bất tử. 


Một cậu bé học sinh ở phố Sol, dù chưa từng được nghe những bài diễn văn dài bất tận của Fidel được phát trên truyền hình, nhưng vẫn rất xúc động. Với cậu, Fidel là một nhân vật trong những trang sách sử. Và trang sử này đã khép lại. »


Fidel Castro qua đời, dân Cuba tại Miami mở hội ăn mừng


Theo AFP, trước thông tin Fidel Castro qua đời, những người Cuba tị nạn tại Miami Hoa Kỳ vui mừng như trẩy hội. Họ không chia buồn mà trái lại chúc mừng nhau, hô vang các khẩu hiệu « Cuba tự do ! » và « Tự do ! Tự do ! » trong tiếng xoong nồi, tiếng kèn, tiếng trống bập bùng, với hy vọng sẽ có những thay đổi chính trị trong tương lai. 


Nhiều người mang biểu ngữ nhỏ mang tên của Donald Trump. Tổng thống tân cử của Mỹ cam kết sẽ « làm hết sức » để góp phần đem lại « tự do » cho Cuba. Thị trưởng Miami, Tomas Regalado cho rằng « không thể trách người Cuba vui mừng trước cái chết của Fidel Castro, một nhà độc tài ». 


Bầu không khí Little Havana, « thủ đô tị nạn » Cuba, được thông tín viên Grégoire Pourtier mô tả như sau :


«Cầu mong cho Cuba được tự do ». Ở tuổi 98, bà Maria Escoba, đến sống tại Miami từ 20 năm nay, chắc chắn là người cao tuổi nhất trong lễ hội đêm nay diễn ra trên phố số 8, Calle Ocho.


Bám chặt vào thành xe lăn, bà Maria, nói ít, nhưng lại là một trong những người có lời lẽ cay độc nhất với Castro, người mà bà gọi là tên độc tài. Nhiều người khác, trẻ có, già có, lại ca hát nhảy múa để thể hiện niềm vui. Đa số có trang phục mang mầu sắc Cuba hay tự hào vẫy cờ. 


Lazaro Retana nhớ lại đã vượt biển đến Miami cách đây 23 năm. « Đó là một bạo chúa đã chết. Chúng tôi không vui mừng về cái chết của một con người, mà là cái chết của một kẻ chuyên chế. Bây giờ, ở đó sẽ có tự do và thậm chí cả bầu cử ». Anh chưa bao giờ đặt chân về Cuba, nhưng vẫn thường gởi các con mang quốc tịch Mỹ về quê nhà trong các kỳ nghỉ hè. 


Lazara, 14 tuổi khẳng định em rất thích đến sống ở Cuba. « Vì ông chủ tịch ư, chắc chắn là không rồi! Nhưng vì đất nước và dân tộc thì có. Ở đó rồi sẽ có thay đổi, vì bây giờ chỉ còn lại có một Castro mà thôi, và ông ấy cũng già lắm rồi. Khi ông ấy ra đi, cả hệ thống sẽ sụp đổ theo ». 


Nhưng anh Elier Perez có vẻ ít lạc quan hơn. Cha mẹ của anh chạy trốn khỏi đảo quốc khi anh chưa đầy một tuổi, và anh có cảm giác đã bị tước mất bản sắc của mình. "Chúng tôi không thể giúp đỡ gì được cho đất nước, vì chế độ ở đó quá mạnh, người dân ở đó sợ hãi. Cách duy nhất để tôi có thể trở về có lẽ là đợi đến khi Cuba hoàn toàn được tự do". - RFI


***

Phản ứng của các nhà lãnh đạo thế giới khi cựu chủ tịch Cuba Fidel Castro qua đời bao gồm cả đau buồn lẫn chỉ trích. Tuy nhiên, lời ca ngợi của Thủ tướng Canada Justin Trudeau dành cho cuộc cách mạng cũng như và “sự cống hiến và tình yêu dành cho nhân dân Cuba” của nhà độc tài đã nhanh chóng bị một số chính trị gia Canada và Mỹ chỉ trích.


Thủ tướng Canada nói: “Tôi biết cha tôi rất tự hào khi gọi ông ấy là bạn và tôi đã có cơ hội gặp gỡ ông Fidel khi cha tôi qua đời”.


Ông Trudeau đã đến thăm Cuba hồi đầu tháng này. Ông cho biết: “Dù là nhân vật gây tranh cãi, cả những người ủng hộ và gièm pha ông Castro đều thừa nhận những cống hiến to lớn và tình yêu của ông ấy dành cho nhân dân Cuba, còn người dân Cuba dành tình cảm sâu sắc và lâu dài cho ‘Vị tổng tư lệnh’”.


Kellie Leitch, một nghị sĩ Đảng Bảo thủ Canada, cho biết nhận xét của ông Trudeau về cựu chủ tịch Castro “có vẻ như thủ tướng đã đọc từ một cuốn truyện”.


Ông Leitch viết trên Facebook: “Khi có cơ hội để nhận ra chế độ Castro là gì – tàn bạo, áp bức và giết chóc – thủ tướng của chúng ta lại chọn cách làm nổi danh người đàn ông đã bác bỏ quyền tự do cơ bản của nhân dân mình trong nhiều thập kỷ”.


Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Marco Rubio, một người gốc Cuba, đã bất ngờ trước lời khen ngợi ông Castro của ông Trudeau. Ông Rubio phát biểu: “Đây là lời tuyên bố thật hay đùa? Bởi vì nếu đây là lời tuyên bố thật từ Thủ tướng Canada thì nó thật đáng xấu hổ và hổ thẹn.”


Sự kính trọng của ông Trudeau đối với ông Castro cũng đồng thời bị chế giễu trên mạng truyền thông xã hội.


Trong khi đó, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã viết trên Twitter rằng ông Castro là “Một nhà độc tài tàn bạo đã áp bức nhân dân của mình gần 6 thập kỷ”. Ông Trump cho rằng di sản của ông Castro bao gồm “các nhóm xử bắn, trộm cắp, nỗi đau khổ không thể tưởng tượng được, nghèo đói và sự phủ phận các quyền cơ bản của con người.” - VOA

|

|


2.

Tranh cử Pháp: Fillon và Juppé 'đối mặt'


Cử tri tại Pháp đang lựa chọn giữa Francois Fillon và Alain Juppé làm ứng cử viên tổng thống phe trung hữu của họ trong cuộc bầu cử vào năm tới.


Ông Fillon nay được xem là ứng viên được ưa thích để giành chiến thắng trong vòng bỏ phiếu thứ hai, phân định thắng thua hôm Chủ nhật, sau khi đảm bảo 44,1% lượng phiếu bầu giành được trong vòng đầu một tuần trước đây. Ông Juppé giành được 28,5%.


Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã bị loại ra khỏi cuộc đua.


Ứng viên thuộc phe Cộng hòa được cho là sẽ đối diện với lãnh đạo phe Mặt trận Dân tộc cực hữu, bà Marine Le Pen vào mùa xuân tới.


Vòng bỏ phiếu được mở trên toàn nước Pháp vào lúc 07:00 (giờ GMT) và đóng cửa lúc 18:00 (GMT.)


Đây là cuộc bỏ phiếu sơ bộ đầu tiên của đảng này, theo mô hình hệ thống của Mỹ. Cuộc đua giữa các ứng viên cho vị trí đề cử của đảng đã rút gọn lại đến một lựa chọn giữa hai cựu Thủ tướng.


Hơn bốn triệu người đã bỏ phiếu ở vòng sơ bộ một tuần trước đây với kết quả đã từ chối ông Sarkozy tranh cử một nhiệm kỳ Tổng thống khác.


Cả ông Fillon, 62 tuổi, và ông Juppé, 71 tuổi, muốn cải cách kinh tế - nhưng họ khác nhau rất nhiều về quy mô và tốc độ cải cách.


Ông Fillon nói nước Pháp đang tức giận và muốn có thay đổi triệt để. Ông có kế hoạch cắt giảm 500.000 việc làm ở khu vực công cộng.


Ông Juppé đề nghị chỉ sa thải hơn một nửa con số đó, và tập trung vào một thông điệp về 'hòa hợp và đa dạng' trong quốc dân.


Đầu tuần này, hai ứng cử viên va chạm nhau về mức độ thay đổi họ hứa hẹn sẽ mang lại trên một cuộc tranh luận truyền hình.


Bảo thủ hay cải cách?


Một cuộc thăm dò với 908 người theo dõi cuộc tranh luận do Elabe tiến hành cho thấy 71% số người được hỏi thuộc phía bảo thủ thấy ông Fillon thuyết phục hơn, trong lúc 57% người theo dõi thuộc tất cả các đường hướng chính trị khác cũng cảm thấy như vậy.


Ông Juppé - người từng được ưa thích để giành chiến thắng ở vòng bỏ phiếu sơ bộ - đã dành một tuần qua để làm nổi bật quan điểm cá nhân của ông Fillon về phá thai và hôn nhân đồng tính - điều được nhiều người coi là một nỗ lực để huy động cử tri trung tả và có thể thậm chí thuộc cánh tả, theo phóng viên BBC Lucy Williamson từ Paris.


Ông Juppé cũng nói đối thủ của ông thân với Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa phương Tây và Moscow về cuộc khủng hoảng ở Syria và Ukraine.


"Đây hẳn là cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên mà trong đó Tổng thống của Nga chọn ứng cử viên của mình," ông Juppé nói.


Ông Fillon đã lập luận rằng EU và Mỹ đã "khiêu khích" Nga bằng cách mở rộng ở Đông Âu, và kêu gọi liên minh với Nga để chống lại các chiến binh Nhà nước Hồi giáo ở Syria.


Ông Fillon, một người Công giáo La Mã, cũng phàn nàn về việc bị miêu tả là một "người bảo thủ thời trung cổ", ông mô tả đối thủ của mình như một con người trung thành với "bộ máy" mà không có kế hoạch thực sự nào cho thay đổi.


Sau khi thua vòng bầu cử đầu tiên hôm Chủ Nhật, ông Sarkozy đã ủng hộ ông Fillon.


"Có rất nhiều người ở cánh trung và tả của chính trị Pháp nghĩ rằng Francois Fillon là quá hữu khuynh và rằng ông có ít cơ hội hơn Alain Juppé để đánh bại Marine Le Pen trong cuộc bầu cử Tổng thống," phóng viên Hugh Schofield của BBC từ Paris phân tích.


"Những người hoài nghi về ông Fillon được phép bỏ phiếu ở vòng bầu cử sơ bộ, được mở cửa cho tất cả các cử tri, và nếu tham gia bỏ phiếu với số lượng lớn, họ có thể tạo ra một sự khác biệt," vẫn theo phóng viên của chúng tôi. - BBC

|

|


3.

Ukraine: Nạn đói 1932-1933 là kế hoạch "diệt chủng" của Matxcơva


Hôm qua, 26/11/2016, người dân Ukraina tưởng niệm hàng triệu nạn nhân nạn đói trong những năm 1932-1933. Tổng thống Petro Porochenko xem đó là một hành động « diệt chủng » đã được chính quyền Xô Viết lên kế hoạch nhằm đè bẹp mọi đòi hỏi độc lập của người dân Ukraina lúc bấy giờ.


Trước hàng trăm người tụ tập tại Kiev nhân lễ tưởng niệm "Holodomor" (Nạn đói lớn), tổng thống Ukraina tuyên bố :


"Tập thể hóa và trấn áp phản đối của nông dân, giết hại trí thức Ukraina và xóa bỏ Giáo hội Ukraina đã không đem lại những kết quả như Matxcơva mong muốn. Chính vì thế Holodomor đã được lên kế hoạch và được thực thi ở mức độ một cuộc diệt chủng. Mục tiêu của chế độ Xô Viết là triệt tiêu mọi khả năng tự quyết của Ukraina".


AFP nhắc lại, vào năm 1932, chế độ Stalin đã khởi động một chiến dịch tập thể hóa cưỡng chế. Trong suốt chiến dịch này, các loại hạt giống, lúa mì, bột, rau củ và gia súc đã bị trưng thu, dồn nông dân đến nạn đói. Việc diễn giải lại nạn đói này đã bị Nga lên tiếng phản đối.


Theo các sử gia phương Tây và Ukraina, nạn đói lớn đó, do chính quyền Xô Viết cố ý gây ra, nhằm bẻ gãy mọi mầm mống đòi độc lập của Ukraina. Trong khi mỗi ngày có hàng ngàn người Ukraina chết đói, chính quyền Xô Viết đã cản trở việc cung cấp lương thực thực phẩm tại những vùng xảy ra nạn đói và tiếp tục xuất khẩu lúa mì ra nước ngoài. 


Còn theo lời kể của một nhân chứng đến dự lễ tưởng niệm tại Kiev với AFP, thì vào thời đó « người dân phải đào cả rễ cây để nấu súp, ăn cả giun đất để sống sót. Mục đích của nạn diệt chủng này là tiêu diệt dân tộc Ukraina với tư cách là một quốc gia, để buộc chúng tôi phải quên đi mình là ai và buộc chúng tôi phải thần phục chính quyền Xô Viết".


Hiện Ukraina đang tìm cách chứng minh để Liên Hiệp Quốc nhìn nhận « nạn đói » này là một tội diệt chủng. Mối quan hệ giữa cựu thành viên Xô Viết với Nga trong những năm gần đây đã xấu hẳn đi, kể từ sau vụ tổng thống thân Nga ông Viktor Ianoukovich bị lật đổ, tiếp theo việc Matxcơva cho sáp nhập bán đảo Crimée vào lãnh thổ Nga rồi xung đột với phe ly khai thân Nga ở miền đông Ukraina làm hơn 9.500 người chết. - RFI

|

|


4.

Gia tăng biểu tình nhằm lật đổ tổng thống Hàn Quốc --- Đạo diễn Cha Eun-taek bị bắt do liên quan tham nhũng


Hàng trăm ngàn người đã tập trung tại Seoul cho đến đêm khuya thứ Bảy, 26/11. Cho đến nay, đó là cuộc biểu tình lớn nhất đòi lật đổ Tổng thống Park Geun-hye.


Trong năm dịp cuối tuần liên tiếp, đám đông những người biểu tình đã tràn ngập những con đường lớn ở trung tâm thành phố Seoul sau khi một vụ bê bối tham nhũng bị đưa ra ánh sáng trong thời gian trước đây trong năm nay.


Cảnh sát cho biết khoảng 270.000 người đã xuống đường hôm thứ Bảy, nhưng các nhà tổ chức ước tính đám đông lên đến 1,5 triệu người.


Khoảng 25.000 cảnh sát đã được huy động để đề phòng bạo lực có thể xảy ra, và để ngăn chặn người biểu tình tuần hành ở trong Nhà Xanh, là dinh tổng thống, nơi bà Park ở.


Bà bị tình nghi giúp đỡ một người bạn lâu năm, Choi Soon-sil, người này bị cáo buộc thao túng công việc chính phủ và tống tiền các công ty để thu lợi bất hợp pháp.


Bà Choi bị cho là gây ảnh hưởng mờ ám đối với bà Park và kiểm soát nhân viên của tổng thống, mặc dù bà không có vai trò gì chính thức trong chính phủ.


Bà Choi đang bị điều tra về việc lợi dụng mối quan hệ cá nhân của bà với tổng thống để ép buộc các tập đoàn lớn phải cống nạp hơn 68 triệu đôla cho hai quỹ thể thao, và đã tuồn phần lớn số tiền đó vào các doanh nghiệp tư nhân của bà.


Các công tố viên điều tra vụ này đã truy tố bà Choi và đang tìm cách thẩm vấn bà Park về vai trò của bà trong vụ bê bối. - VOA


***

Một đạo diễn phim ca nhạc của Hàn Quốc bị bắt do liên quan tai tiếng tham nhũng làm đe dọa vị trí của Tổng thống Park Geun-hye.


Ông Cha Eun-taek sẽ ra hầu tòa vì bị cáo buộc sử dụng mối quan hệ với người thân cận của tổng thống để giành được các dự án có lợi.


Các cáo buộc gồm lạm dụng quyền lực, ép buộc và làm thâm hụt ngân quỹ.


Ông Cha, 46 tuổi, từng làm việc với ngôi sao Psy - ca sỹ Gangnam Style, và ban nhạc nam siêu sao Big Bang.


Việc ông dính líu trong vụ bê bối liên quan mối quan hệ với bà Choi Soon-sil, bạn thân của bà Park và là con gái của một lãnh đạo giáo phái, người được cho là đã dùng vị trí của mình để thu được số tiền lên tới hơn 60 triệu USD từ các doanh nghiệp hàng đầu như Samsung.


Bà bị cáo buộc can thiệp vào nhiều công việc quốc gia, trong đó có phần chuẩn bị của Hàn Quốc cho Thế Vận hội mùa Đông 2018.


Các công tố viên cho rằng chính bà Park đã yêu cầu cựu cố vấn kinh tế giúp ông Cha gây áp lực lên các công ty và quan chức để ông ta giành được các hợp đồng.


Chính phủ Hàn Quốc nhiều năm nay đã sử dụng các nghệ sỹ K-pop - từ khi nhạc pop của Hàn Quốc trở nên phổ biến - làm phương tiện để xuất khẩu văn hóa pop của nước này.


Bà Park, với tỷ lệ ủng hộ đã giảm xuống 4%, đầu tháng 11/2016 đã xin lỗi về việc "quá tin vào mối quan hệ riêng", và cam kết sẽ hợp tác với các nhà điều tra vụ tham nhũng.


Hiến pháp của Hàn Quốc không cho phép khởi tố tổng thống đương nhiệm, và bà Park vẫn còn 15 tháng trước khi kết thúc nhiệm kỳ.


Nhưng nay các công tố viên đã trực tiếp liên kết bà trong tố tụng hình sự, có khả năng bà sẽ bị buộc tội vi phạm luật pháp.


Trong năm tuần qua, các chiến dịch xuống đường khổng lồ đã diễn ra ở khắp Hàn Quốc nhằm yêu cầu tổng thống từ nhiệm.


Các nhà tổ chức biểu tình cho biết lần xuống đường hôm 26/11 thu hút khoảng 1,5 triệu người. Ước tính của cảnh sát cho thấy con số khoảng 270.000 người. - BBC

|

|


5.

Quân chính phủ Syria tái chiếm quận thứ nhì từ phiến quân


Quân đội Syria cho biết họ đã chiếm lại một quận của phiến quân ở đông Aleppo.


Các quan chức quân sự cho biết họ đã kiểm soát toàn bộ khu vực Jabal Badro. Đây là khu dân cư thứ hai ở đông Aleppo thuộc về tầm kiểm soát của chính phủ trong hai ngày qua.


Trong khi đó, có tin hàng trăm người dân ở thành phố Aleppo của Syria bị chiến tranh tàn phá đã chạy khỏi các khu vực do phiến quân nắm giữ, đi đến các quận giờ đây nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ.


Đài quan sát Nhân quyền Syria có trụ sở ở Anh, là tổ chức theo dõi và báo cáo về cuộc nội chiến dài gần sáu năm của nước này, cho biết ít nhất 400 người tị nạn đã chạy sang quận Masakan Hanano sau khi lực lượng chính phủ chiếm lại khu dân cư này.


Syria cho biết quân đội của họ được Nga hậu thuẫn đã giành "toàn quyền kiểm soát" đối với Masakan Hanano, một quận chủ chốt mà phiến quân nắm giữ ở Aleppo, sau 13 ngày chiến sự ác liệt.


Theo báo cáo, Đài quan sát ước tính vẫn có khoảng 250.000 thường dân bị mắc kẹt ở đông Aleppo thuộc quyền kiểm soát của phiến quân. Các gia đình đang đối mặt với tình trạng thiếu lương thực và nhiên liệu nghiêm trọng. - VOA

|

|


Tin Hoa Kỳ


6.

Ông Trump công kích bà Clinton về mong muốn kiểm phiếu lại


Tổng thống đắc cử Donald Trump hôm Chủ nhật, 27/11, đã đả kích bà Hillary Clinton khi bà tham gia vào một nỗ lực nhằm kiểm phiếu lại ở 3 bang có số phiếu sít sao mà ông Trump đã giành thắng lợi. Ông nhắc lại lời bà đã nói trong một cuộc tranh luận giữa hai ông bà rằng người thua trong cuộc bầu cử cần phải chấp nhận kết quả ngay cả khi họ không thích nó.


Ông Trump đã gọi nỗ lực của ứng cử viên Jill Stein của Đảng Xanh nhằm kiểm phiếu lại ở Wisconsin, Michigan và Wisconsin là "trò lừa đảo" và chế giễu quyết định của bà Clinton tham gia vào nỗ lực này. Trong số hàng triệu phiếu bầu, ông Trump đã thắng bà Clinton ở cả 3 bang – với chênh lệch khoảng 27.000 phiếu bầu tại Wisconsin, 12.000 ở Michigan và 68.000 ở Pennsylvania – còn ông Stein nhận được khoảng 1% số phiếu ở mỗi bang.


Ông Trump viết trên Twitter: "Bà Hillary Clinton thừa nhận thất cử khi bà gọi điện cho tôi ngay trước bài phát biểu thắng cử và sau khi các kết quả được đưa ra. Sẽ không có thay đổi gì hết".


Trong một tin Twitter khác, từ dinh thự ven biển Đại Tây Dương của ông ở Florida, ông Trump viết: "Các đảng viên Dân chủ, khi họ nghĩ một cách sai lầm là họ sẽ giành chiến thắng, họ đã đề nghị rằng kết quả của đêm bầu cử phải được chấp nhận. Giờ thì họ không như vậy nữa!"


Bộ máy vận động của bà Clinton đã không tung ra các nỗ lực đòi kiểm phiếu lại, họ tin rằng việc kiểm phiếu lại sẽ không đảo ngược kết quả. Nhưng hàng trăm người ủng hộ bà đã thúc giục bà tham gia vào nỗ lực của ông Stein ở Wisconsin, mà hiện đang diễn ra. - VOA

|

|


7.

Nhà thờ Hồi giáo ở California nhận thư đe dọa


Một tờ báo hàng đầu của Mỹ đưa tin là 3 nhà thờ Hồi giáo ở California đã nhận được thư đe dọa giống nhau. Thư có đoạn: "Giờ đây đã có lãnh đạo mới – đó là Tổng thống Donald Trump ..."và tổng thống đắc cử "sẽ đối xử với các người giống những gì Hitler đã làm với người Do Thái".


Tờ Los Angeles Times cho biết Hội đồng Quan hệ Mỹ-Hồi giáo, CAIR, đã đề nghị tăng cường cảnh sát bảo vệ tại các nhà thờ Hồi giáo địa phương sau khi bản photocopy của bức thư viết tay hồi tuần trước được gửi đến Trung tâm Hồi giáo Long Beach, Trung tâm Hồi giáo Claremont ở nam Cali và Trung tâm Hồi giáo Evergreen ở San Jose ở bắc Cali.


Theo Times, bức thư được gửi đến "những đứa con của quỷ Satan" và ký tên trong thư là "những người Mỹ vì một con đường cách tốt hơn".


Tờ báo cho biết Hussam Ayloush, giám đốc điều hành của chi nhánh Los Angeles của CAIR, tin rằng “những lời lẽ vô trách nhiệm, có tính hận thù” trong cuộc tranh cử của ông Trump đã nuôi dưỡng cho "một mức độ thô tục, hận thù ghê tởm và tức giận trong số nhiều người tự nhận mình là người ủng hộ ông Trump". - VOA

|

|


Tin Việt Nam


8.

Du khách Mỹ tới Việt Nam tăng mạnh


Việt Nam đang trở thành một điểm du lịch hấp dẫn với công dân Hoa Kỳ, với hơn 330 nghìn người tới thăm quốc gia Đông Nam Á này trong năm 2015, tăng 33% so với một năm trước đó.


Theo phúc trình mới công bố của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, người Mỹ năm ngoái đi du lịch nước ngoài nhiều hơn bao giờ hết, thực hiện 74 triệu chuyến du lịch sang các nước khác, và Việt Nam là một địa điểm hấp dẫn đối với họ.


Trả lời VOA, bà Kim Sykes từ công ty du lịch Carefree Vacations cho biết rằng Việt Nam là nơi ưa thích của các du khách Mỹ từ 18 tới 35 tuổi vì “các trải nghiệm thực tế đáng với đồng tiền bỏ ra của các du khách”.


Trang web của chính phủ Việt Nam dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê ước tính rằng đến hết tháng 11/2016, Việt Nam đã đón hơn 9 triệu lượt khách quốc tế, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2015, vượt qua mục tiêu ban đầu đề ra cho cả năm 2016 là 8,5 triệu lượt.


Các thị trường tăng mạnh nhất là Hong Kong, Trung Quốc và Hàn Quốc.


Theo Bộ Thương mại Mỹ, hai quốc gia mà người Mỹ tới thăm nhiều nhất trong năm ngoái là Mexico và Canada, hai nước láng giềng.


Điểm đến được ưa chuộng thứ ba là Anh rồi tiếp đó là Công hòa Dominic và Pháp.


Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế cho biết du lịch đã tăng lên trong những tháng gần đây, sau khi sụt giảm vì các cuộc tấn công khủng bố hồi đầu năm nay tại Bỉ, Thổ Nhĩ Kỳ và Pháp.


Giao thông hàng không quốc tế đã tăng cao hơn 7% vào tháng Chín năm 2016 so với cùng kỳ năm ngoái. - VOA

|

|


9.

Thiếu tá Campuchia mang vàng qua biên giới Việt Nam


Việt Nam hôm 26/11 đã “khởi tố vụ án hình sự” liên quan tới vụ một công an Campuchia vận chuyển trái phép vàng trị giá nhiều tỷ đồng qua biên giới.


Một ngày trước đó, hải quan cửa khẩu Tịnh Biên (An Giang) đã bắt giữ ông Rim Ri Linh khi ông này đang chở theo hơn 18 kg vàng trị giá hơn 17 tỷ đồng vào Việt Nam, theo Tuổi Trẻ.


Tờ báo này dẫn lời chính quyền cho biết rằng “khi làm việc với cơ quan chức năng, ông Linh khai nhận mình cấp bậc thiếu tá, phó đồn Công an cửa khẩu Phnom Denk, huyện Kirivong, tỉnh Tekeo (Campuchia)”.


Tờ Pháp luật TP HCM dẫn lời khai của ông Rim nói rằng “một người Campuchia ở Phnom Penh nhờ mang số vàng này qua Việt Nam đưa cho một phụ nữ ở thị trấn Nhà Bàng, huyện Tịnh Biên”.


Thiếu tá công an Campuchia này “còn khai nhận đã vận chuyển trót lọt ba vụ trước đó”.


Tin cho hay, biên giới Việt Nam và Campuchia được coi là “điểm nóng” trong quan hệ giữa hai nước, không chỉ bởi các tranh chấp về đất đai mà còn về các vụ phạm pháp hình sự.


Đầu tuần trước, theo Phnom Penh Post, Phó Chủ tịch Đảng Cứu nguy dân tộc Campuchia cam kết sẽ bảo vệ biên giới nếu giành chiến thắng trong kỳ bầu cử tới.


Ông Kem Sokha nói hôm 20/11 rằng chính sách của đảng đối lập này sẽ học theo Tổng thống đắc cử của Mỹ, ông Donald Trump, và một trong số đó là xây một bức tường dọc theo biên giới hơn một nghìn km với Việt Nam nếu có kinh phí.


Phó Chủ tịch Đảng Cứu nguy dân tộc Campuchia cũng thừa nhận rằng có ít khả năng Việt Nam sẽ chi trả cho việc xây một bức tường như vậy. - VOA

|

|


10.

Hòa giải và bức tường than khóc


Bị phản đối dữ dội


Một người đàn ông mặc áo mang cờ đỏ sao vàng xuất hiện tại trung tâm người Việt tại miền Nam California. Ông ta bị phản đối dữ dội. Người đàn ông đó tên là Lê Đình Hùng từ Việt Nam sang. Ông ta nói rằng hành động của ông là để góp phần vào công cuộc hòa giải dân tộc.


Một cuộc họp được tổ chức tại Sài Gòn kêu gọi Việt kiều góp phần xây dựng đất nước.


Ông Lê Minh Nguyên, thành viên một tổ chức đấu tranh cho nhân quyền Việt Nam, có trụ sở ở California viết rằng:


Cho đến nay, chưa bao giờ, người viết xin nhắc lại là "chưa bao giờ" Cộng Sản Việt Nam có chủ trương hoà giải, họ chỉ chủ trương đại đoàn kết hay hoà hợp, tức là muốn nạn nhân của họ phải thần phục họ, phải “bó thân về với triều đình”, phải chấp nhận là thần dân của họ, chung vào rọ của họ, nằm dưới sự lãnh đạo của họ.


Theo thông tin từ truyền thông nhà nước Việt Nam thì có khoảng 500 Việt kiều có mặt tại Sài gòn trong buổi họp do nhà nước Việt Nam tổ chức. Blogger Dân Nguyễn so sánh con số đó với những trí thức, những người cựu cộng sản trong nước bị đàn áp, và tác giả cho rằng buổi họp chỉ là một sự mỵ dân:


Các ông còn bày đặt việc “tạo điều kiện thuận lợi cho kiều bào tham gia góp ý xây dựng…”!? Mỵ dân như rứa là xưa lắm rồi. Biết bao “trí thức xã hội chủ nghĩa”, và cả trí thức (không xã hội chủ nghĩa), những con người tâm huyết với xã tắc, ngày đêm góp ý với các ông, bằng miệng có, văn bản có, các ông còn không thèm nghe, thậm chí còn đe nẹt, hăm dọa và cả tống vào tù. Nhiều “Lão thành cách mạng”, những người đáng bậc cha chú các ông về tuổi đời, tiền bối các ông về tuổi đảng và cả sự cống hiến…góp ý, các ông còn khinh lờn bỏ ngoài tai… “Việt kiều yêu nước” là cái thá gì?


Hơn 4 triệu kiều bào, liệu có được 500 “Việt kiều yêu nước”? Và trong 500 Việt kiều hôm rồi hiện diện tại cái thành phố từng là Hòn ngọc Viễn Đông xưa, liệu có mấy người “yêu nước” theo quan niệm “Yêu” của các ông?


Từ trong nước, blogger Nguyễn Lân Thắng cho rằng nếu nhà nước cộng sản Việt Nam thực tâm mong muốn hòa giải thì họ phải có những hành động khác:


Tôi nghĩ cách để hoà giải tốt nhất là những người cộng sản hãy tự khép lại thời đại độc tài đảng trị, tuyên bố bầu cử tự do, sửa đổi hiến pháp... những nạn nhân của chế độ này có lẽ hầu hết không cần lời xin lỗi, không cần đền bù những gì đã mất trong quá khứ... Tất cả chúng ta cần một nước Việt Nam trong tương lai không còn tồn tại một chế độ độc tài đè lên đầu lên cổ nhân dân..


Về hành động mang cờ đỏ sao vàng của ông Lê Đình Hùng, nhiều blogger hỏi ông rằng khi làm việc đó ông có nghĩ rằng nếu mang cờ vàng ba sọc đỏ của Việt Nam Cộng Hòa đứng tại Sài Gòn thì sẽ bị như thế nào hay không?


Tuy vậy, Luật sư Lê Công Định cũng cho rằng ý của ông Hùng là có thực tâm:


Khi tranh cử Quốc hội khoá 14 vừa rồi anh Lê Đình Hùng (Hùng Cửu Long) tuyên bố trong chương trình tranh cử của mình ý định trùng tu nghĩa trang Biên Hoà của các binh sĩ Việt Nam Cộng Hoà.


Đó là hành động cụ thể để hoà giải đôi bên tham chiến trong quá khứ mà anh chủ xướng. Chưa thấy ứng cử viên đại biểu quốc hội nào dám làm vậy. Cũng chưa thấy những người luyến tiếc chế độ Sài Gòn ở đây lên tiếng ủng hộ ý định đó của anh.


Mang cờ cộng sản sang thủ đô người Việt tị nạn cộng sản có khác nào chuyện đại náo thiên cung của Tề Thiên trong Tây Du Ký. Hoà giải đâu không thấy chỉ thấy chọc giận cộng đồng. Lẽ ra anh nên suy xét khía cạnh này trước khi nhập vai Tề Thiên.


Giữa muôn vàn lời công kích anh lúc này, tôi nghĩ bà con Việt Nam tị nạn cộng sản cũng nên xét đến kế hoạch trùng tu nghĩa trang Biên Hoà của các binh sĩ Việt Nam Cộng Hoà để thấy ý tưởng tốt đẹp và thành thật của anh Hùng.


Tôi đoan chắc rằng nhiều vị đòi đuổi cổ anh hôm qua có người thân đang yên nghỉ tại nghĩa trang đó. Nếu kế hoạch của anh được thực thi, có phải anh sẽ thay mặt nhiều bà con không thể hồi hương góp công sức hương khói cho thân nhân của mình không? Tuy chưa làm được, nhưng tấm lòng của anh Hùng rất đáng ghi nhận.


Bức tường than khóc và dân oan


Trong lúc ấy thì Quốc hội Việt Nam họp.


Lấy điển tích lịch sử bức tường than khóc tại Do Thái, blogger Cánh Cò viết:


Ở Việt Nam cũng có một bức tường than khóc như thế.


Mỗi năm một lần bức tường than khóc xuất hiện tại Quốc hội qua hình ảnh của 500 ông bà đại biểu như những viên gạch được người dân gửi tới nằm chồng lên nhau. Những viên gạch lằng nghe sự than khóc của những ông Bộ trưởng qua các báo cáo, chất vấn và những câu trả lời “nhận khuyết điểm” như tiếng than khóc của những đứa bé chưa trưởng thành được giao cho vai trò ngồi trên đầu thiên hạ.


Bức tường ấy đôi khi cũng giận dữ hay phê phán với một chừng mực nhất định để rồi cuối cùng nhận tấm giấy “hứa” nhét vào khe hở vốn toang hoác vì trơ trẽn.


Bức tường than khóc năm nay bị quá tải. Quá tải bởi sự than khóc của các Bộ trường trở nên đông đúc và khôi hài hơn.


Nói theo cách của blogger Cánh Cò, thì năm nay, những lời than khóc đáng được chú ý hơn cả là của các ông Bộ trưởng Công thương, Giáo dục. Ông Bộ trưởng Công thương phải giải trình việc cựu nhân viên của Bộ này bị truy tố tham nhũng và trốn ra nước ngoài mất tích. Vị Bộ trưởng Giáo dục lại gây giận dữ cho cả truyền thông tự do lẫn truyền thông nhà nước, khi bảo vệ cho một số quan chức ngành giáo dục trong vụ bê bối điều giáo viên nữ tiếp quan chức cấp trên.


Bên ngoài Việt Nam, các tổ chức nhân quyền trao giải thưởng cho hai nông dân bị mất đất vì sự hy sinh của họ trong việc mưu tìm công lý.


Một số người lên tiếng chỉ trích rằng những người nông dân này chỉ hành động cho riêng lợi ích bản thân của họ, không phải là công việc dân chủ hóa nói chung.


Nhiều blogger không đồng tình với những chỉ trích này.


Lin mục Phan Văn Lợi, một người đấu tranh cho tự do tôn giáo viết:


Dân oan khi tranh đấu đòi lại đất chính là đánh vào nguyên tắc mang tính chất và hậu quả chính trị: “Nhà nước sở hữu đất đai” hết sức vô lý và phi pháp, khiến mọi người ý thức rằng đó là một nguyên tắc không thể chấp nhận. 


Giải Nhân quyền Việt Nam trao cho bà Cấn Thị Thêu và bà Trần Ngọc Anh năm nay là lời công nhận phong trào dân oan đấu tranh đòi đất chính là đòi nhân quyền, và qua nhiều hành động khác, họ là một lực lượng đấu tranh nhân quyền rất đáng khâm phục và rất đáng được hỗ trợ. Đừng cho rằng đó là lợi dụng họ, là xúi bẫy họ kiểu “xịt chó vô gai”, là đẩy họ vào trò chính trị nguy hiểm! Không có những lực lượng quần chúng như nông dân, công nhân, ngư dân, tín đồ, thì những “bộ óc dân chủ” thông minh cũng chẳng làm gì được.


Một người tên là Nguyễn Thị Bích Nga viết trên mạng xã hội:


Các vị bảo, “Dân oan chỉ đấu tranh cho quyền lợi của chính mình.” Vâng, rất đúng. Và đó là cách đấu tranh đúng. Con người có các nhu cầu chính đáng và các nhu cầu đó cần được tôn trọng như: quyền được sống, được tự do thể hiện chính kiến, tự do tín ngưỡng, có quyền tư hữu, quyền bất khả xâm phạm thân thể… Khi một trong các nhu cầu này bị xâm phạm bởi tập đoàn độc tài, họ lên tiếng đấu tranh cho chính mình thì có gì sai? Các vị cho rằng phải đấu tranh cho người khác thì mới cao cả còn đấu tranh cho chính mình là thấp kém? Đó là một nhận định hết sức sai lầm và vô hình trung làm chia rẽ lực lượng đấu tranh ra làm hai thành phần.


Nhiều blogger cũng như những gương mặt đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam cho rằng sự chia rẽ đó là có thật.


Blogger Viết từ Sài Gòn so sánh lực lượng những người hoạt động cho dân chủ với những người cộng sản đang cai trị đất nước:


Hiện tại đã có hơn 60 tổ chức và đảng phái hoạt động công khai, bán công khai và manh nha hình thành. Nhưng có một thực tế: Không có đảng nào hội tụ được chừng 5 triệu đảng viên. Rất khó tìm ra một đảng phái có đủ ma lực để thu hút hàng trăm triệu người dân. Mặc dù người dân vẫn nhìn thấy cái sai của đảng Cộng sản, vẫn nhìn thấy sự gian ác, tham lam và dối trả của họ. Nhưng ma lực của họ vẫn mạnh nhất. Đây là sự thật không thể chối bỏ. Không phải vì nhân dân ngu ngốc, mà vì ma lực của các đảng phái, tổ chức chưa đủ mạnh, phải nhìn thẳng vào sự thật này.


Đây là một thực tế. Đảng Cộng sản, qua 41 năm nắm quyền bính và dày vò đất nước này, họ có trong tay một hệ thống quân đội, nhà nước, công an, ngân hàng, bệnh viện, phương tiện tuyên truyền và đặc biệt là tài nguyên con người và tài nguyên đất đai, họ đã dùng chính sách mị dân “sở hữu toàn dân, nhà nước quản lý” để nắm toàn bộ.


Luật sư Lê Công Định, người từng bị chính quyền cộng sản bỏ tù vì những tư tưởng cải cách chính trị của ông cũng kêu gọi mọi người phải nhìn nhận một thực tế là vai trò của đảng cộng sản vẫn rất mạnh trong xã hội Việt Nam hiện tại:


Dù bị mọi người chỉ trích vì các chính sách trong quá khứ và hiện tại, thú thật Đảng Cộng sản vẫn là tổ chức hùng mạnh nhất. Do đó, để giải quyết các vấn nạn của xã hội ngày nay, vai trò của họ vẫn còn rất quan trọng. Đây là sự thật không thể bác bỏ.


Viết về sự không đồng nhất trong những người đối kháng tại Việt Nam, blogger Đoan Trang cho rằng:


Viết những dòng này, tôi chỉ mong những người Việt Nam trong và ngoài nước, nếu quan tâm đến công cuộc đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam, xin đừng ảo tưởng rằng cứ hễ là nhà hoạt động thì là người tốt, đáng tin cậy.


Cũng xin đừng thất vọng tổng kết, khái quát chung rằng toàn bộ phong trào dân chủ chỉ gồm những người coi “đấu tranh này là trận kiếm tiền”.


Và nhất là, hãy cứ tin dân chủ, tự do là những giá trị tốt đẹp phổ quát, mà hàng chục, hàng trăm hay thậm chí hàng nghìn cá nhân xấu cũng không đại diện cho chúng được.


Những giá trị phổ quát mà blogger Đoan Trang đề cập, ngày càng thấm sâu vào xã hội Việt Nam hiện đại hơn, khi những người dân bình thường nhất đã xuống đường bảo vệ môi trường, và gần đây nhất là nhiều công dân trẻ tại Sài Gòn thể hiện sự phản kháng của mình bằng cách kéo những con cá bằng giấy trên đường phố, một hành động mà blogger Điền Phương Thảo viết trên trang Tin mừng cho người nghèo rằng người dân đã hiểu những việc làm chính đáng và đã vượt qua nổi sợ bị chụp mũ là làm chính trị. Vì chỉ có làm chính trị như thế, blogger Điền Phương Thảo viết tiếp, mới kéo đất nước này ra khỏi những vũng lầy, mà thảm họa Formosa chỉ là một. - RFA

No comments:

Post a Comment