Wednesday, November 9, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Ba 8/11

Tin Thế Giới


1.

TQ đổ đầu tư vào Malaysia để thưởng thái độ hoà hoãn về Biển Đông --- Trung Quốc cấm hai nhà lập pháp Hong Kong làm dân biểu


Các nhà phân tích nói rằng chuyến thăm Bắc Kinh của Thủ tướng Malaysia Najib Razak hồi tuần trước chỉ nhằm mục đích nhấn mạnh một thỏa thuận đã có theo đó Bắc Kinh hứa hỗ trợ kinh tế để đổi lại sự im lặng của Kuala Lumpur khi tàu thuyền Trung Quốc khuấy động vùng biển gần Malaysia.


Các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh hy vọng thỏa thuận với Malaysia tuyên bố chủ quyền trên một vùng giàu trữ lượng nhiện nhiệu hóa thạch lớn của Biển Đông một ngày nào đó sẽ được áp dụng với các chính quyền ở các nước khác. Brunei, Ðài Loan, Việt Nam và Philippines đều tuyên bố chủ quyền toàn bộ hoặc một phần Biển Đông.


Trật tự khu vực


Giáo sư Douglas Guilfoyle chuyên ngành luật quốc tế tại Đại học Monash ở Australia nhận định:


“Rõ ràng một số học giả cho rằng Trung Quốc muốn thiết lập một mô hình trật tự nào đó trong khu vực. Điều đó có nghĩa là Trung Quốc sẽ đặt ra chính sách tổng quát cho việc quản lý một số vấn đề khu vực nhất định, và mọi người phải làm theo ý của Bắc Kinh, không phải chỉ vì Trung Quốc hùng mạnh nhất, mà bởi vì chính sách của Bắc Kinh là có thiện chí và sẽ mang lại lợi ích hỗ tương cho tất cả các bên vì nền kinh tế của Trung Quốc đang trong thời kỳ nở rộ.”


Nhà lãnh đạo Malaysia họp với Chủ tịch Nước Trung Quốc Tập Cận Bình ở Bắc Kinh hôm thứ Năm. Truyền thông Trung Quốc nói trong chuyến thăm Trung Quốc 6 ngày của Thủ tướng Najib, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí chống lại “sự can thiệp từ bên ngoài” vào tranh chấp chủ quyền lãnh hải trong khu vực. Hai bên cũng cam kết duy trì ổn định trên biển và miêu tả tự do hàng hải là điều thiết yếu.


Quan hệ thương mại


Truyền thông Malaysia nói trong chuyến thăm Bắc Kinh của Thủ tướng Najib, Trung Quốc và Malaysia đã ký kết 14 thỏa thuận thương mại trị giá 34 tỉ đôla. Một trong những thỏa thuận đó là Trung Quốc sẽ bán tàu hải quân cho Malaysia.


Các nhà phân tích ở Kuala Lumpur nóicác thỏa thuận được ký kết trong chuyến thăm Bắc Kinh của Thủ tướng Najib được người dân Malaysia ủng hộ, nhất là những người gốc Hoa chiếm 21% dân số nước này.


Ông Ibrahim Suffain, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Merdeka, nhận định: “Người Malaysia xem Trung Quốc như là một cơ hội mở rộng kinh tế, do đó họ coi chính sách mở rộng kinh tế với Trung Quốc là một điều tích cực.”


Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia và là nguồn đầu tư nước ngoài chính yếu của nước này. Năm ngoái Tổng Công ty Năng lượng Hạt nhân của nhà nước Trung Quốc đã mua lại cổ phần của công ty đầu tư phát triển 1MDB của Malaysia trong một công ty năng lượng với giá 2,4 tỉ đôla, và Tổng Công ty Xây dựng Đường sắt Trung Quốc mua cổ phần trong công ty phát triển dự án địa ốc Bandar Malaysia.


Hồi tháng 3, 100 tàu Trung Quốc đã đi qua bãi cạn Luconia, nơi Malaysia tuyên bố chủ quyền, nhưng bộ trưởng quốc phòng Malaysia đã giảm nhẹ chi tiết này, thay vì lên tiếng phản đối Trung Quốc.


Ngoại giao


Các nhà phân tích nói rằng Trung Quốc có lẽ sẽ tiếp tục tránh tăng hoạt động quân sự trong vùng biển họ tuyên bố chủ quyền gần Malaysia để không đẩy nước này xích lại gần Mỹ. 


Theo một tài liệu năm 2015 của Vụ Nghiên cứu Quốc hội về hợp tác an ninh giữa Mỹ và Malaysia, hai nước đã thực hiện nhiều cuộc thao dượt quân sự chung, tàu bè qua lại thăm viếng và tăng các cuộc trao đổi giáo dục, mặc dù Malaysia không ồn ào về những vụ tranh chấp chủ quyền Biển Đông.


Giáo sư Johathan Bogais, chuyên ngành khoa học chính trị của Đại học Sydney, nhận định: “Rõ ràng là Malaysia muốn chơi với cả hai bên. Chính sách đó tỏ ra hữu hiệu đối với họ và trong lúc này họ vẫn tiếp tục với chính sách đó.”


Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông


Nhưng Bắc Kinh đã gây tức tối cho các chính phủ khác quanh Biển Đông bằng hành động đưa tàu thuyền đi qua các vùng đặc quyền kinh tế trong phạm vi 200 hải lý cách bờ biển các nước đó, và hành động lấn biển xây đảo. Vùng biển này là một ngư trường, hải lộ, và là nơi khác thác nhiêu liệu hóa thạch quan trọng.


Washington giúp Việt Nam chống lại sự bành trướng của Trung Quốc bằng việc dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Hà Nội, đồng thời tiến hành các cuộc thao dượt quân sự chung với Philippines. Trung Quốc lên án Mỹ giúp các nước khác có tranh chấp chủ quyền lãnh hải trong khu vực để khống chế sự bành trướng của Trung Quốc.


Việt Nam đã lớn tiếng phản đối khi Trung Quốc đưa giàn khoan dầu vào vùng biển tranh chấp, dẫn đến những cuộc biểu tình rầm rộ chống Trung Quốc năm 2014.


Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã mạnh mẽ ủng hộ Trung Quốc hồi tháng 10, và được đáp lại bằng những cam kết viện trợ. Tổng thống tiền nhiệm của Philippines là người đã kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, giúp Manila thắng kiện hồi tháng 7. - VOA


***

Trung Quốc tuyên bố không nên cho phép hai nhà lập pháp dân cử có chủ trương đòi độc lập cho Hong Kong làm dân biểu quốc hội, sau khi cân nhắc tuyên thệ của hai người này tại lễ nhậm chức hồi tháng trước. 


Hai chính trị gia đòi độc lập Yau Wai-ching và Baggio Leung quấn quanh mình khẩu hiệu “Hong Kong không phải là Trung Quốc” và hứa trung thành với quốc gia Hong Kong.


Hiện chưa rõ có bao nhiêu nhà lập pháp bị ảnh hưởng bởi lệnh này, nhưng kết luận của Trung Quốc là một số nhà lập pháp không xứng đáng giữ chức vụ vì cách thức họ tuyên thệ đã gây nên một làn sóng phẫn nộ trong quần chúng.


Cũng đang có chia rẽ trầm trọng hơn giữa cư dân Hong Kong và Bắc Kinh, với một số cảnh báo là lệnh của Bắc Kinh đã làm rung chuyển nền tảng khuôn mẫu “một quốc gia, hai hệ thống” được đặt ra cho thành phố cảng này sau khi Anh trao trả cựu thuộc địa này lại cho Trung Quốc dưới sự cai trị của cộng sản vào năm 1997.


Khuôn mẫu này được thiết lập để đảm bảo là Hong Kong tiếp tục con đường tự do, nhưng Trung Quốc ngày càng bị chỉ trích vì đã ảnh hưởng nặng nề lên chính quyền Hong Kong và làm xói mòn việc cai trị theo luật pháp.


Một tòa án tại Hong Kong đã duyệt xét lại việc tuyên thệ gây tranh cãi, nhưng Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, ở Bắc Kinh hôm thứ Hai đưa ra một giải thích về luật căn bản. Luật căn bản là hiến pháp thu nhỏ của Hong Kong.


Tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh, ông Li Fei, chủ tịch của Uỷ ban Luật căn bản của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc nói tòa án tại Hong Kong không có lựa chọn nào khác là thi hành lối giải thích của Bắc Kinh về luật căn bản. Khi được hỏi lệnh này có đe dọa đến tính độc lập của tư pháp Hong Kong, ông Li nói là chính Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, qua luật căn bản, ban tính độc lập cho hệ thống tư pháp Hong Kong. - VOA

|

|


2.

TT Philippines hủy bỏ thương vụ mua súng trường từ Mỹ --- Hài cốt nhà độc tài Philippines sẽ được đưa vào nghĩa trang anh hùng


Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm thứ Hai đã ra lệnh hủy bỏ thương vụ mua súng trường từ Mỹ cho cảnh sát nước này, sau khi những phụ tá trong Thượng viện Mỹ cho biết vào tháng trước rằng Washington sẽ ngừng thỏa thuận này do lo ngại về những vụ vi phạm nhân quyền.


"Chúng tôi sẽ không nhất mực mua vũ khí đắt tiền từ Mỹ. Chúng tôi luôn có thể mua chúng ở nơi khác. Tôi đang ra lệnh cho cảnh sát hủy bỏ thương vụ này. Chúng tôi không cần chúng," ông Duterte nói trong một bài phát biểu trên truyền hình tại một sự kiện có sự tham dự của những nhà lãnh đạo phiến quân Hồi giáo.


"Chúng tôi sẽ chỉ cần tìm một nguồn khác rẻ hơn và có lẽ cũng bền và tốt như những vũ khí sản xuất ở nơi chúng ta đang đặt hàng," ông Duterte nói.


Mối quan hệ giữa Mỹ và Philippines, nước đồng minh lâu năm, đã trở nên phức tạp trong thời gian gần đây vì phản ứng giận dữ của ông Duterte trước những chỉ trích của Washington về cuộc chiến đầy bạo lực của ông chống lại ma túy bất hợp pháp.


Hơn 2.300 người đã bị sát hại trong những hoạt động của cảnh sát hoặc bởi những người bị nghi là cảnh giới trong những nỗ lực chống ma túy của chính phủ, vốn là vấn đề cốt lõi trong chiến dịch tranh cử của ông Duterte.


Tháng trước, những phụ tá trong Thượng viện nói với hãng tin Reuters rằng Bộ Ngoại giao Mỹ đã ngưng kế hoạch bán khoảng 26.000 khẩu súng trường tấn công cho cảnh sát quốc gia của Philippines sau khi Thượng nghị sĩ Ben Cardin cho biết ông sẽ phản đối vì có những lo ngại về những vụ vi phạm nhân quyền.


Ông Duterte trước đây từng nói rằng Nga và Trung Quốc đã bày tỏ sự sẵn lòng bán vũ khí cho Philippines. - VOA


***

Tối cao Pháp viện Philippines hôm nay phán rằng nhà cựu độc tài Ferdinand Marcos có thể được chôn trong nghĩa trang dành cho các vị anh hùng dân tộc.


Phát ngôn viên của Tòa nói với các phóng viên rằng “Không có luật nào cấm điều đó.”


Ông Marcos cai trị Philippines từ cuối năm 1965 cho đến đầu năm 1986. Trong 20 năm làm tổng thống, ông gặp nhiều tai tiếng về tham nhũng và vi phạm nhân quyền để bịt miệng những tiếng nói đối lập. Ông bị buộc phải rời bỏ quyền lực vào tháng Hai năm 1986 khi các cuộc biểu tình nổ ra tiếp sau một cuộc bầu cử bị tố cáo là gian lận, khiến ông Marcos và gia đình phải đi sống lưu vong ở Mỹ.


Ông Marcos qua đời vào năm 1989 ở Hawaii. Thoạt tiên chính phủ của Tổng thống Corazon Aquino, người lên thay thế ông Marcos, bác yêu cầu cho phép đưa thi hài ông về nước, nhưng năm 1993, cuối cùng gia đình Marcos đã đưa hài cốt của ông về Batac quê ông.


Đương kim tổng thống Rodrigo Duterte hồi tháng 8 năm nay loan báo kế hoạch sẽ chôn cất ông Marcos tại nghĩa trang anh hùng tại Manila. Kế hoạch này bị nhiều người phản đối, kể cả Phó Tổng thống Philippines Leni Robredo. Ông Robredo nói “Làm thế nào chúng ta có thể cho phép chôn theo nghi thức anh hùng một người đã cướp bóc đất nước chúng ta và chịu trách nhiệm về cái chết và sự mất tích của rất nhiều người Philippines?”


Ông Duterte có cha phục vụ trong Nội các của ông Marcos cho rằng ông Marcos xứng đáng được chôn trong nghĩa trang vì ông từng là một cựu chiến binh và từng nắm chức vụ tổng thống. - VOA

|

|


3.

Samsung xin lỗi về vụ tai tiếng điện thoại bốc cháy


Sau vụ tai tiếng điện thoại bốc cháy, công ty điện tử Samsung của Hàn Quốc đã đăng lời xin lỗi gửi tới người tiêu dùng ở Mỹ trên những tờ báo lớn.


Điện thoại Galaxy Note 7 của Samsung đã bị thu hồi khắp toàn cầu do pin bị lỗi có thể khiến máy bốc cháy.


Quảng cáo được đăng trên ba tờ báo Wall Street Journal, New York Times và Washington Post và xin lỗi vì đã không "đem tới những công nghệ mang tính đột phá làm phong phú cuộc sống của con người."


Quảng cáo trọn trang của Samsung viết: "Chúng tôi thành thật xin lỗi." Quảng cáo nói thêm rằng Samsung sẽ tiến hành một cuộc điều tra về những vụ cháy do pin mà đã buộc công ty này thu hồi khoảng 2,5 triệu điện thoại.


"Chúng tôi sẽ kiểm tra lại mọi khía cạnh của thiết bị, bao gồm phần cứng, phần mềm, quá trình sản xuất và cơ cấu pin tổng thể," công ty cho biết. "Chúng tôi xúc tiến nhanh nhất có thể, nhưng sẽ cần phải có thời gian để tìm ra câu trả lời đúng đắn."


Điện thoại không chỉ là vấn đề gây đau đầu đối với Samsung, Samsung cũng đã thu hồi ba triệu máy giặt với nắp bị lỗi mà có thể bật tung khi máy đang sử dụng.


Vụ thu hồi Galaxy Note 7 đã dẫn tới sự sụt giảm đáng kể về lợi nhuận trong quý ba của Samsung. - VOA

|

|


4.

Thượng nghị sĩ đối lập Campuchia bị kết án 7 năm tù


Ngày 7/11, một tòa án Campuchia đã kết án một Thượng nghị sĩ đối lập 7 năm tù giam vì những tài liệu ông đưa lên Facebook. Các người chỉ trích nói rằng đây là một ví dụ cho thấy những nỗ lực của chính phủ Campuchia nhằm đàn áp đối lập.


Ông Hong Sok Hour, một đảng viên của Đảng Cứu quốc Campuchia, bị bắt vào năm 2015 sau khi ông đưa lên mạng một bản sao của hiệp ước biên giới năm 1979 giữa Campuchia và Việt Nam. Thủ tướng Campuchia Hun Sen nói tài liệu này ngụy tạo và cáo buộc ông Sok Hour phản quốc.


Tòa án Thành phố Phnom Penh xét thấy ông Sok Hour có tội vì ngụy tạo tài liệu, dùng các văn kiện giả mạo và xúi giục xáo trộn.


Thượng nghị sĩ Hong Sok Hour không có mặt tại tòa để nghe xét xử.


Ông Son Chhay, một thành viên quốc hội cũng thuộc Đảng Cứu quốc Campuchia nói: “Bản án này một lần nữa cho thấy sự yếu kém của hệ thống Tòa án Campuchia. Tòa án đại diện công lý cho toàn thể người dân Campuchia, không mang lại công lý cho ông Hong Sok Hour, không chỉ cho ông nhưng trong nhiều vụ án có động cơ chính trị khác.”


Tháng trước, một nhà lập pháp đối lập khác, ông Um Sam Ann, bị kết án 2 năm rưỡi tù vì đưa lên mạng vấn đề biên giới với Việt Nam. - VOA

|

|


Tin Hoa Kỳ


5.

Cử tri Mỹ đi bầu sau một chiến dịch vận động đầy cay đắng --- Phe Dân chủ dẫn trước với cách biệt mong manh trong cuộc đua vào Thượng viện --- Bà Clinton có cơ may lớn làm nên lịch sử


Cử tri Mỹ hôm nay sẽ đi bỏ phiếu trên khắp nước để bầu chọn một Tổng thống mới, tiếp theo sau một chiến dịch vận động tranh cử dai dẳng và đầy cay đắng, với những nỗ lực giờ chót của ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton và đối thủ bên Đảng Cộng hoà, Donald Trump, để giành những lá phiếu của cử tri cho tới giây phút cuối cùng.


Bà Hillary Clinton miêu tả cuộc bầu cử năm nay là một “cuộc trắc nghiệm của thời đại chúng ta”, trong khi ông Trump tuyên bố “hôm nay là Ngày Độc lập của chúng ta.” Hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ đưa ra những phát biểu vừa kể vào rạng sáng hôm nay, thứ Ba 8/11, giữa lúc ngày vận động cuối cùng vô cùng bận rộn của họ kéo dài quá nửa đêm.


Các sự kiện này, bà Clinton vận động ở North Carolina trong khi ông Trump vận động ở Michigan, vẫn tiếp diễn cho tới khi kết quả bầu cử đầu tiên tại phòng phiếu trong ngày bầu cử được công bố. Bà Clinton chiếm đa số phiếu tại thị trấn nhỏ bé Dixville Notch của bang New Hampshire, đánh bại ông Trump với số phiếu gấp đôi 4 trên 2.


Tại những nơi như Virginia và New York, cử tri đã xếp hàng dài chờ đợi trước khi các phòng phiếu mở cửa vào sáng hôm nay.  


Kết quả từ 50 tiểu bang nước Mỹ và đặc khu thủ đô DC sẽ không được loan báo cho tới khi các phòng phiếu đã đóng cửa. Tới 8 giờ tối giờ miền Đông Hoa Kỳ, tức 01:00 giờ quốc tế GMT, thì đa số các phòng phiếu đã đóng cửa ở các khu vực miền Đông và Trung nước Mỹ, tức là các bang chiếm hơn phân nửa tổng số 538 phiếu cử tri đoàn đang được tranh giành.


Bà Hillary Clinton vẫn tiếp tục kêu gọi đoàn kết trong bài diễn văn vận động cuối cùng ở North Carolina. Bà nói với các ủng hộ viên rằng bà muốn là Tổng thống của cả những người bỏ phiếu cho bà, lẫn những người không bỏ phiếu cho bà. Bà nói:


“Ngày này nhiều năm về sau, khi con cháu chúng ta hỏi ông/bà cha/mẹ đã làm gì vào năm 2016, khi tất cả mọi sự đang được định đoạt, quý vị có thể trả lời rằng ông/bà cha/mẹ đã bỏ phiếu để bầu cho một nước Mỹ hùng cường hơn, công bằng hơn, tốt đẹp hơn. Một nước Mỹ trong đó chúng ta xây những chiếc cầu chứ không xây những tường rào, và chúng ta chứng minh dứt khoát rằng, “vâng tình yêu đã chiến thắng lòng hận thù kiểu Trump”.


Trong khi đó, ông Trump nói với đám đông ở Michigan rằng thắng lợi của ông sẽ mang lại “những thay đổi thực sự” cho đất nước và cho phép thành phần lao động “đánh trả” điều mà theo ông là những chính khách tham nhũng, và các nhóm lợi ích đã cai trị đất nước này. Ông nói:


“Vậy điều đầu tiên mà chúng ta nên làm, là hãy tống khứ bà Hillary đi, có phải không? Đó sẽ là bước tích cực đầu tiên.”


Hôm thứ Hai 7/11, ông Trump cũng dừng chân tại các bang North Carolina, Florida, Michigan và Pennsylvania, những nơi quan trọng sẽ định đoạt ai giành được chiếc ghế trong Toà Bạch Ốc vào tháng Giêng năm tới.


Tại Pensylvania, ông Trump tuyên bố: “Chúng ta sẽ làm cho nước Mỹ giàu có trở lại, hùng mạnh trở lại, an toàn trở lại, và vâng, chúng ta sẽ làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại.”


Bà Clinton đến Philadelphia dự cuộc tập hợp quan trọng của Đảng Dân chủ, xuất hiện bên cạnh chồng, là cựu Tổng thống Bill Clinton, và Tổng thống Barack Obama và Phu nhân Michelle Obama.


Bà nói bà tin vào “một nước Mỹ đầy hy vọng, đa thành phần, và nhân ái”, và bà muốn xây dựng thêm dựa trên nền tảng những thành tích mà Tổng Thống Obama đã đạt được trong 8 năm làm Tổng thống.


Vận động cho bà Clinton, cựu Bộ trưởng Ngoại giao trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của ông, Tổng Thống Obama nói rằng bà Clinton được sự tôn trọng của giới lãnh đạo trên khắp thế giới, và bà là một nhân vật “mạnh mẽ, vững vàng, đã vượt thử thách.”


Các cuộc thăm dò trước ngày bầu cử cho thấy bà Clinton dẫn trước từ 2 tới 3 điểm so với ông Trump.


Hàng chục triệu người Mỹ đã đi đầu phiếu sớm trước ngày bầu cử. - VOA


***

Đảng Dân chủ có hy vọng mong manh giành lại quyền kiểm soát Thượng viện Hoa Kỳ đang nằm trong tay Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử hôm thứ Ba, theo nhận định của một số nhà phân tích. Kết quả cuối cùng sẽ định đoạt mức độ khó khăn của thách thức mà tổng thống kế tiếp sẽ phải đối mặt trong việc thông qua luật pháp.


Hy vọng của phe Dân chủ đạt được tiến bộ lớn trong Hạ viện và Thượng viện do phe Cộng hòa kiểm soát đã suy yếu trong những ngày cuối cùng của chiến dịch vận động tranh cử ngay cả khi ứng cử viên của họ, bà Hillary Clinton, giành được chức tổng thống.


Chỉ hai tuần trước, phe Dân chủ hy vọng sẽ thu hẹp thế đa số của phe Cộng hòa hiện đang nắm giữ 246 ghế tại Hạ viện và nắm quyền kiểm soát Thượng viện. Nhưng họ lo lắng rằng FBI có thể đã hãm đà tiến của họ bằng cách khơi lại tranh cãi về cách thức mà bà Clinton sử dụng email thời bà còn là ngoại trưởng Mỹ, theo nhận định của những trợ lý trong Quốc hội và của những nhà phân tích.


Ngoài việc bỏ phiếu chọn tổng thống, người dân Mỹ cũng đang bỏ phiếu chọn thượng nghị sĩ vào 34 ghế trong số 100 ghế ở Thượng viện và dân biểu cho cả 435 ghế ở Hạ viện.


Website thăm dò ý kiến RealClearPolitics.com hôm thứ Ba cho thấy phe Dân chủ có thể giành lại được một ghế Thượng Viện hiện do phe Cộng hòa nắm giữ và cho biết tám ghế khác của phe Cộng hòa khác vẫn đang ở thế giằng co. Những cuộc đua vào Hạ viện cho thấy không có xu hướng rõ ràng.


Nhưng dự đoán của báo New York Times và website dự báo FiveThirtyEight.com cho thấy xác suất phe Dân chủ kiểm soát Thượng viện chỉ nhỉnh hơn 50% một chút.


Nếu phe Cộng hòa tiếp tục thống trị trong Quốc hội thì việc này có thể cản trở bất kỳ nghị trình lập pháp nào mà bà Clinton đề ra. Một chiến thắng của ông Trump, cùng với Quốc hội Đảng Cộng hòa, có thể sớm đặt dấu chấm hết cho chương trình cải cách y tế của Tổng thống Barack Obama của Đảng Dân chủ. - VOA


***

Ngay từ sáng thứ Ba 8/11 khi mà cử tri Mỹ còn xếp hàng dài để đi đầu phiếu, truyền thông báo chí đã tiên đoán bà Hillary Clinton có cơ may cao sẽ đoạt thắng lợi trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016. Cuộc thăm dò mới nhất do Reuters/Ipsos thực hiện cho thấy là trong cuộc đua vào Toà Bạch Ốc đang diễn ra, xác suất bà Clinton có thể đánh bại đối thủ Trump lên tới 90%, coi như bà nắm chắc phần thắng trong tay.


Theo kết quả cuộc thăm dò giờ chót này thì bất kỳ bất ngờ nào đẩy cán cân nghiêng về phía ông Trump sẽ tuỳ thuộc vào một loạt yếu tố bao gồm tỷ lệ đi bầu trong thành phần cử tri da trắng, cử tri Mỹ gốc Phi và gốc Châu Mỹ La tinh tại 6 hoặc 7 tiểu bang. Triển vọng ông Trump có thể lật ngược tình thế là điều khó có thể xảy ra…


Về số phiếu phổ thông, bà Clinton dẫn đầu ông Trump 45% trên 42%, và đang đi đúng hướng để đoạt được 303 phiếu cử tri đoàn, so với 235 phiếu cử tri đoàn của ông Trump, như vậy bà Clinton đã vượt qua ngưỡng 270 phiếu cử tri đoàn cần thiết để chiến thắng.


Ông Trump vẫn hy vọng sẽ đạt kết quả thuận lợi tại các bang Florida, Michigan, North Carolina và Ohio. Ông sẽ phải thắng gần hết các bang ấy thì mới có thể tiếp tục hy vọng. Nếu thất bại tại 2 trong 3 bang Florida, Michigan và Pennsylvania, thì kể như phần thắng sẽ về tay bà Clinton.


Ngược lại, muốn còn cơ may trở thành chủ nhân toà Nhà Trắng, thì ông Trump phải thắng ở Arizona, nơi cuộc đua đang rất sít sao, và cùng lúc không bị ứng cử viên độc lập Evan McMullin đánh bại ở Utah, một thành trì khác của Đảng Cộng hoà.


North Carolina, một trong các bang đầu tiên công bố kết quả vào đêm thứ Ba, có thể hé lộ cho chúng ta thấy kết quả cuộc bầu cử chung cuộc. Nếu bà Clinton giành thắng lợi tại bang này, thì có phần chắc điều đó có nghĩa là người Mỹ gốc Phi đã rủ nhau đi bầu đông đảo tương tự như vào năm 2012, khi Tổng Thống Obama dẫn đầu 4 điểm so với đối thủ, Mitt Romney và sau cùng đánh bại ông Romney để vào Toà Bạch Ốc. 


Các cuộc thăm dò cử tri đi bầu sớm ở North Carolina cho thấy tỷ lệ ủng hộ bà Clinton ngang ngửa với tỷ lệ bầu cho ông Trump. Ông Trump dẫn trước 1 điểm tại North Carolina, 47 so với 46 bên bà Clinton. Ông dẫn trước 30% trong thành phần cử tri da trắng, trong khi bà Clinton dẫn trước khoảng 85 điểm trong thành phần cử tri da đen.


Với 29 phiếu cử tri đoàn, giành được phần thắng ở Florida sẽ có ảnh hưởng quyết định đối với ông Trump. Nếu thắng ở Florida, bà Clinton chỉ cần giành thắng lợi tại một trong 3 bang ‘xôi đậu’ Ohio, Michigan và Pennsylvania, trong khi ông Trump phải thắng ở cả 3 bang thì mới có hy vọng.


Theo viện nghiên cứu Ipsos, bà Hillary Clinton dẫn đầu 48 điểm so với 47 điểm của ông Trump ở Florida. Nhưng bà dẫn trước 75 điểm trong thành phần cử tri da đen, và dẫn trước đối thủ 20 điểm trong giới cử tri Châu mỹ La tinh. Sự thành công của bà Clinton tại đây sẽ tuỳ thuộc vào liệu tỷ lệ đi bầu trong thành phần người Mỹ gốc Phi có cao hay không. Nếu không, thì cuộc đua sẽ vô cùng sít sao, dù là các lá phiếu của cử tri gốc Châu Mỹ La tinh gia tăng đáng kể. - VOA

|

|


Tin Việt Nam


6.

Chuyên gia: Mục tiêu kinh tế của Quốc hội ‘không dễ thực hiện’


Quốc hội Việt Nam vừa thông qua Nghị quyết về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, trong đó có mục tiêu giảm dần tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước đến năm 2020 xuống dưới 3,5% GDP. Một chuyên gia kinh tế của Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng đây là một mục tiêu “không dễ thực hiện”.


Theo Nghị quyết được thông qua vào chiều ngày 7/11, mục tiêu cơ cấu nền kinh tế Việt Nam tập trung vào “3 bước đột phá chiến lược, gồm hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực và xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại”. Quốc hội đưa ra 12 chỉ tiêu, trong đó có mục tiêu tăng trưởng năm 2017 là 6,7%, xuất khẩu tăng 6-7%, nhập siêu khoảng 3,5%, lạm phát 4%... Đáng chú ý là giảm tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước xuống dưới 3,5% vào năm 2020.


Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương Việt Nam, nói với VOA rằng đây là mục tiêu “hết sức thách thức”, mặc dù kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong những năm qua cũng có những cải thiện nhất định về tình trạng lạm phát, cán cân thanh toán quốc tế, sự ổn định tương đối của tỷ giá đồng Việt Nam so với đồng đôla…


Ông nói: “Mục tiêu này là không dễ đạt được trong bối cảnh mà có rất nhiều điều cần nói. Ví dụ như việc phục hồi tăng trưởng của bản thân Việt Nam gắn với nền kinh tế thế giới cũng đang rất nhiều khó khăn. Và nó phải gắn với rất nhiều những chính sách cải cách khác. Nhưng hy vọng bên cạnh thông điệp, gắn với cải cách, gắn với quyết tâm thì Việt Nam sẽ thực hiện được”.


TS. Võ Trí Thành nói mục tiêu đưa ra thông điệp là phải tập trung xử lý những vấn đề lớn đang tồn tại và đằng sau đó là vấn đề kỷ luật về ngân sách và hiệu quả của đầu tư công.


Theo TS. Thành, vấn đề lớn hiện nay mà kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt là thâm hụt ngân sách và nợ công tăng nhanh. TS. Thành nói có rất nhiều vấn đề liên quan như đầu tư công, chi tiêu ngân sách… khiến cho nợ công Việt Nam tăng nhanh, nhưng ông muốn tập trung về vấn đề đầu tư công.


TS. Thành cho biết: “Vì nó liên quan đến việc chọn lựa những ưu tiên với nguồn lực còn hạn chế. Những ưu tiên ấy phải đảm bảo 2 nguyên tắc trong đầu tư công. Một là hiệu quả của bản thân dự án. Hai là sự lan tỏa của dự án, hình thức cũng như toàn bộ nền kinh tế. Đấy là một trong những vai trò rất quan trọng của đầu tư công. Ví dụ như đầu tư công ấy phải làm hấp dẫn các đầu tư tư nhân, các nguồn lực khác, chứ không phải làm thoái lui các đầu tư tư nhân và các đầu tư khác”.


Vấn đề thứ hai, theo TS. Thành, đầu tư công của Việt Nam gắn với các nguồn lực bên ngoài, mặc dù hiện nay có xu hướng giảm sút vì Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình thấp. Theo TS. Thành, Việt Nam có một sự tương tác với các nhà tài trợ trong việc giám sát các nguồn vốn đối ứng gắn với ưu tiên và hiệu quả của đầu tư công.


Ông cho biết: “Thông thường, giám sát về vấn đề đầu tư công có liên quan đến những phân cấp cả với trung ương và địa phương. Đấy là nội dung của quá trình cải cách sắp tới, để làm sao tăng được tính sáng tạo của địa phương nhưng lại giám sát, kiểm soát được các quá trình đầu tư công và tránh cái mà lâu nay Việt Nam vẫn vấp phải và vẫn nói rất nhiều là cái dàn trải. Và đằng sau ấy là cái thiếu hiệu quả”.


Trong cuộc họp thông qua Nghị quyết về tái cơ cấu kinh tế, Quốc hội cũng yêu cầu chính phủ Việt Nam triển khai dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành và các tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam và có giải pháp tiết kiệm vốn đầu tư công, chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả của các dự án BOT giao thông. - VOA

|

|


7.

Cảnh báo lũ lần thứ 3 tại các tỉnh miền Trung


Vào sáng hôm nay 8/11, Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn trung ương dự báo đợt không khí lạnh đang bao trùm các tỉnh biên giới phía Bắc có nguy cơ gây nên đợt lũ thứ 3 cho các tỉnh miền Trung, từ Quảng Bình đến Thừa Thiên-Huế.


Vào chiều cùng ngày, báo giới trong nước cũng loan tin mực nước ở sông Gianh, ở Quảng Bình đang dâng cao và đã có 1 người rơi xuống sông mất tích.


Tại Hà Tĩnh, thủy điện Hố Hô, hồ Kẻ Gỗ và các hồ chứa gia tăng lưu lượng xã nước. Hiện khu vực huyện Hương Khê đã bị ngập trở lại và nước lũ ở sông Ngàn Sâu vượt mức báo động 1.


Theo báo cáo của Chi cục phòng, chống thiên tai khu vực miền Trung-Tây Nguyên, nước ở sông Srêpốk, Đắk Lắk đang lên theo điều tiết của hồ thủy điện. Tình trạng ngập lụt tại các vùng trũng và ven sông thuộc địa bàn tỉnh này vẫn đang tiếp diễn.


Lũ chồng lũ


Trong khi đó, tổng kết thiệt hại do mưa lũ tuần qua tại miền Trung cho biết, có 15 người chết, 6 người mất tích, 20 người bị thương cùng gần 300 ngôi nhà bị ngập và hư hại hoàn toàn.


Tổng thiệt hại ước tính lên đến hơn 1.000 tỉ đồng tại 6 tỉnh bị ảnh hưởng do lũ, bao gồm: Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Kon Tum và Đắk Nông.


Hai tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên chính thức đề nghị Chính phủ hỗ trợ xấp xỉ 350 tỷ đồng để khắc phục hậu quả của đợt lũ thứ hai này. - RFA

|

|


8.

Đảng bối rối khi kỷ luật ông Vũ Huy Hoàng


Lần đầu tiên trong lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam một Bộ trưởng sau khi về hưu đã bị kỷ luật vì các sai phạm khi còn tại chức. Điều này cho thấy không còn chuyện hạ cánh an toàn khi về hưu như trước đây nữa.


Tuy nhiên qua vụ kỷ luật nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Bộ Chính Trị đã khá bối rối vì chưa tìm ra giải pháp tối ưu bởi quá nhiều nguyên tắc Đảng và pháp luật chồng chéo lên nhau khiến biện pháp kỷ luật giống như đánh vào chiếc áo chứ không phải nhân thân của người bị kỷ luật.


Đài Á Châu Tự Do tìm hiểu thêm qua ý kiến các đảng viên cao cấp và cái nhìn của họ trước sự việc này.


Từ việc ông Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn


Vấn đề trách nhiệm của nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng được đặt ra sau khi Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn do bị cáo giác đã làm thất thoát ngân sách hơn 3.000 tỷ trong khi còn làm việc dưới trướng của ông ta.


Ông Vũ Huy Hoàng buộc phải chịu trách nhiệm chính về những sai phạm, khuyết điểm của tổ chức đảng mà ông là người đứng đầu. Cá nhân ông Hoàng còn bị cho là thiếu gương mẫu, vụ lợi khi bổ nhiệm con trai của ông ta làm kiểm soát viên Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam, rồi đề cử tham gia Hội đồng quản trị, phó tổng giám đốc Tổng Công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn.


Tuy nhiên quan trọng nhất là thất thoát ngân sách lên tới hàng chục ngàn tỷ khi bao che cho Trịnh Xuân Thanh, Chủ tịch Tổng công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí (PVC) sau đó cơ cấu làm Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang cũng như đối với Vũ Đình Duy, cựu giám đốc của PVTex, thành viên Hội đồng Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cũng do Bộ trưởng Huy Hoàng nâng đỡ, bao che và có dấu hiệu thông đồng để cho Vũ Đình Duy thao túng mặc dù thua lỗ từ dự án này sang công trình khác.


Tuy nhiên, Vũ Đình Duy vẫn theo gót của Trịnh Xuân Thanh trốn ra nước ngoài một cách suôn sẻ an toàn để lại cho người dân một câu hỏi rất lớn về vai trò của cơ quan điều tra và Bộ Công an.


Sáng ngày 4/11, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho hay sau vụ việc Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn ra nước ngoài cần phải hết sức chú ý tới công tác quản lý cán bộ. Tuy nhiên cũng chính ông Vương cho rằng do chưa có bản án của tòa nên ông Vũ Đình Duy có thể tự do đi lại.


Nhưng tự do đi lại không đồng nghĩa với tự do xuất cảnh khi đã có dấu hiệu phạm tội mặc dù chưa chính thức bị khởi tố.


Câu hỏi đặt ra về sự thiếu năng động của cơ quan điều tra khi biết chắc Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đình Duy là hai đối tượng có chung một vấn đề trong thời gian ông Vũ Huy Hoàng làm Bộ trưởng.


Đại biểu Quốc hội liên tiếp hết người này tới người khác đều cho rằng sự bỏ trốn của Vũ Đình Duy là chạy tội và vì vậy ông Vũ Huy Hoàng khó bị kết án vì hai nhân vật Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đình Duy đã cao chạy xa bay.


Đại Biểu Quốc hội Dương Trung Quốc lo lắng khi cho rằng nếu nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng là người duy nhất bị kỷ luật rồi sau đó vẫn trở lại tình trạng “hạ cánh an toàn” như cũ thì rất nguy hiểm. Tuyên bố của ông được dư luận cho rằng ông muốn ám chỉ tới vấn đề thanh toán phe cánh chứ không phải triệt hạ thành phần tham nhũng trong đảng.


Đến cách chức người không còn chức!


Bộ Chính trị Ban Bí thư tỏ ra bối rối khi cách chức một người không còn giữ chức, dư luận cho rằng đây là hành động “đánh chiếc áo để răn người mặc áo”.


TS Nguyễn Thanh Giang, một cựu đảng viên, một nhà bất đồng chính kiến cho biết nhận định của ông về vai trò chính của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong việc này:


“Tôi thấy ông Nguyễn Phú Trọng ông ấy xử lý cái vụ này nó lúng túng như thế nào ấy. Ví dụ như vụ Trịnh Xuân Thanh thì sai trái quá rõ ràng lắm chịu trách nhiệm chính trong việc thua lỗ 3300 tỷ. Rồi bây giờ Vũ Huy Hoàng cũng như vậy nếu có thể quy kết liên đới trách nhiệm đối với Trịnh Xuân Thanh. Vũ Huy Hoàng đã làm thiệt thòi cho nhà nước, đã làm ảnh hưởng đến uy tín của đảng và lòng tin của nhân dân.


Khi mà giao cho ông Nguyễn Phú Trọng cái nhiệm vụ làm trưởng ban chống tham nhũng thì ông ta lại thanh minh cho tham nhũng ông ấy bảo Đường Tăng cũng phải hối lộ. Rồi ông bảo nếu mà đánh tham nhũng thì không khéo sẽ vỡ đảng, đánh chuột khéo vỡ bình. Cái câu gần đây nhất hết sức dở khiến người ta chê cười khi ông bảo rằng đánh tham nhũng là tự ta đánh vào ta. Đấy là những lời nói, chứ còn việc làm thì tôi thấy hoàn toàn vô tích sự, không làm được việc gì cả”.


Cũng có ý kiến cho rằng ông Vũ Huy Hoàng bị kỷ luật qua cách chức là hình phạt cụ thể khiến ông mất tất cả, từ quá trình hoạt động cho tới những ưu đãi vật chất sau này.


Nhưng không ít người nghi ngờ cho rằng việc kỷ luật này chỉ là hình thức vì cơ sở vật chất thì ông Hoàng đã quá thừa thãi còn tinh thần phục vụ thì chưa chắc ông ta cần tới sau khi đã về hưu.


Cũng có nhận định phải cách chức ông Hoàng trước rồi mới áp dụng luật hình sự trong các sai phạm của ông. Nhận định này không nhận được đồng tình vì việc khởi tố ông Hoàng sẽ liên quan đến rất nhiều nhân vật khác.


Ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên Cứu, Ban Dân vận Trung ương cho biết cái nhìn của ông về những động thái này:


“Bây giờ cách chức người đã về hưu, cách chức thời gian nó đang làm. Vấn đề là hiện nay nếu có luật pháp thì đưa ra đàng hoàng tội nó đến đâu xử đến đấy. Nó xà xẻo bao nhiêu tiền của, tước đoạt lấy lại nộp cho công quỹ. Cái trò người ta làm hiện nay tào lao cho vui vậy thôi chứ không ăn thua gì đâu. Những anh có chức có quyền đều nhà cao cửa rộng. Hãy hỏi nhà tiền đâu ra với đồng lương như thế. Tước đoạt lại tất cả bọn lưu manh ăn cướp của dân của nước không từ ai hết cả. Từ Nông Đức Mạnh, Nguyễn Tấn Dũng đến Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Phú Trọng rồi Đại Quang, Xuân Phúc... phải xem xét lại cho rành mạch chứ còn hiện nay là phe nọ đánh phe kia vậy thôi”


Mặc cho dư luận thế nào, ông Vũ Huy Hoàng xem ra vẫn tin vào vào vị trí mà ông từng có trong Bộ Chính trị. Không bị khai trừ đảng là lý do ông Hoàng vẫn có thể yên tâm rằng ông không thể bị khởi tố hình sự bất kể ông Tổng bí thư có nỗ lực thế nào nhằm triệt hạ ông. - RFA

No comments:

Post a Comment