Sunday, November 13, 2016

Tin Cập Nhật Chủ Nhật 13/11

Tin Thế Giới


1.

Nato cảnh báo ông Trump về 'lựa chọn đơn phương' --- EU bàn chuyện ‘đương đầu’ với tân tổng thống Mỹ --- Abe sẽ nhấn mạnh với Trump về tầm quan trọng của trục Nhật-Mỹ


Tổng thư ký Nato Jens Stoltenberg cảnh báo tân Tổng thống đắc cử Donald Trump của Mỹ rằng "đi riêng một mình" không phải là một lựa chọn cho cả châu Âu lẫn Hoa Kỳ.


Ông nói phương Tây đang phải đối mặt với thách thức an ninh lớn nhất trong một thế hệ.


Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump mô tả liên minh quân sự phương Tây Nato là lỗi thời.


Ông đề nghị rằng Hoa Kỳ nên suy nghĩ lại về việc trợ giúp bất kỳ đồng minh nào trong Nato bị tấn công nếu đồng minh đó không thanh toán (trả tiền) cho các nghĩ vụ (tài chính).


Viết trên tờ The Observer của Anh, ông Stoltenberg thừa nhận rằng ông Trump đã nêu ra được một điểm về việc một số thành viên (của Nato) cần có những đóng góp tài chính lớn hơn, khi mà Mỹ hiện chi trả cho gần 70% chi tiêu của Nato.


Nhưng ông nói thêm rằng các nhà lãnh đạo Mỹ đã luôn luôn công nhận rằng họ có một lợi ích chiến lược sâu sắc trong một châu Âu ổn định và an toàn.


"Thật là quá dễ dãi khi cho rằng việc chúng ta đang hưởng thụ tự do, an ninh và thịnh vượng là một điều hiển nhiên."


Nato rút quân khỏi biên giới Nga?


Cựu thủ tướng Na Uy viết:


"Trong những thời điểm bất chắc này, chúng ta cần một nền lãnh đạo mạnh mẽ của Mỹ và châu Âu cũng cần ghé vai san sẻ trách nhiệm và gánh nặng."


"Đi một mình không phải là một lựa chọn, cho cả châu Âu lẫn Hoa Kỳ. 


"Chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức lớn nhất về an ninh trong một thế hệ. Đây không phải là lúc đặt câu hỏi về giá trị của quan hệ đối tác giữa châu Âu và Hoa Kỳ."


Cuộc tấn công 11/9 vào nước Mỹ, ông Stoltenberg chỉ ra, là lần duy nhất mà Nato đã viện dẫn điều khoản tự vệ của mình vốn yêu cầu tất cả các thành viên trợ giúp một thành viên bị tấn công.


"Điều đó còn nhiều hơn là một biểu tượng đơn thuần. Nato đã đảm trách các chiến dịch tại Afghanistan. Hàng trăm ngàn binh sĩ châu Âu đã phục vụ tại Afghanistan kể từ.


"Và hơn 1.000 người đã phải trả giá cao nhất trong một chiến dịch là một phản ứng trực tiếp đối lại với cuộc tấn công nhắm vào Hoa Kỳ."


Phóng viên BBC Paul Adams ở Washington nói rằng những gì mà một số người, có lúc còn coi là những 'mơ màng' về một ứng cử viên không dự kiến đã giành chiến thắng, nay đang được xem gần như một mối đe dọa được đặt ra với sự tồn tại của khối liên minh.


Ông nói thêm rằng sự ngưỡng mộ rõ ràng của ông Trump đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin làm sâu sắc thêm điều quan ngại đó.


Vào ngày thứ Sáu, một phát ngôn viên của Tổng thống Putin nói rằng ông Trump có thể giúp xây dựng lòng tin với Nga bằng cách thuyết phục Nato rút quân khỏi các biên giới với Nga. - BBC


***

Đại diện các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) hôm 13/11 nhóm họp để bàn về cách thức đối phó với Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump, nhưng ngoại trưởng Anh và Pháp sẽ vắng mặt.


Người phụ trách chính sách đối ngoại của EU Federica Mogherini triệu tập phiên họp khẩn ở Brussels, sau chiến thắng bất ngờ của ông Trump với các cương lĩnh tranh cử đặt dấu hỏi về cam kết của Washington đối với châu Âu.


Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Anh cho biết rằng ông Boris Johnson sẽ không tham dự cuộc thảo luận hôm 13/11, mà sẽ tham gia một cuộc họp bình thường của Hội đồng Đối ngoại vào ngày 14/11.


Phát ngôn viên này cho rằng phía Anh thấy không cần thiết phải có thêm một cuộc họp vào ngày 13/11.


“Một hành động dân chủ đã diễn ra, giờ đang có một thời kỳ chuyển tiếp và chúng tôi sẽ làm việc với chính quyền hiện tại cũng như tương lai [của Mỹ] để bảo đảm kết quả tốt đẹp cho Anh Quốc”, người phát ngôn nói.


Sau khi giành thắng lợi, ông Trump đã điện đàm với Thủ tướng Anh Theresa May, và đôi bên cùng chung quan điểm rằng mối bang giao London và Washington “rất quan trọng, rất đặc biệt”, nên việc gây dựng mối quan hệ này là một “ưu tiên hàng đầu cho cả hai”.


Trong khi đó, hãng AFP đưa tin rằng Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault “sẽ vắng mặt vì lý do liên quan tới chương trình nghị sự”.


Đại diện cho Anh và Pháp tại cuộc họp bất thường sẽ là đại sứ hai nước tại EU.


Trong phát biểu thẳng thừng, cho thấy sự quan ngại của một số lãnh đạo châu Âu,  Chủ tịch Ủy ban EU Jean-Claude Juncker nói hôm 11/11 rằng ông Trump gây ra các nguy cơ cho quan hệ Mỹ và EU.


Trong chiến dịch tranh cử, tổng thống đắc cử thứ 45 của Mỹ ca ngợi Tổng thống Nga Putin, đặt dấu hỏi về nguyên tắc phòng thủ tập thể của NATO, cũng như chỉ trích chính sách nhập cư của một số quốc gia trong Liên minh châu Âu. - VOA


***

Trong bối cảnh chính sách đối ngoại của tổng thống tân cử Hoa Kỳ gây hoài nghi, ngoại trưởng Nhật khẳng định thủ tướng Shinzo Abe trong cuộc gặp tổng thống tân cử sẽ nhấn mạnh đến tầm quan trọng của quan hệ Tokyo-Washington với ông Donald Trump trong cuộc gặp quan trọng này. Ngoại trưởng Nhật cũng cho biết Tokyo sẽ tiếp tục đường lối không sở hữu vũ khí nguyên tử.



Theo Reuters, trả lời kênh truyền thông Nhật NHK ngày 13/11/2016, ngoại trưởng Fumio Kishida cho biết : « Cuộc gặp quan trọng sắp tới là nhằm để xây dựng lòng tin… chúng tôi hy vọng sử dụng cơ hội này để thúc đẩy liên minh Nhật-Mỹ ».


Ngày thứ Năm 17/11/2016, thủ tướng Nhật dự kiến sẽ có cuộc hội kiến đầu tiên với tổng thống tân cử Hoa Kỳ Donald Trump tại Mỹ, trong chặng dừng chân trên đường tới Peru dự APEC. Ông Shinzo Abe phải tìm cách làm rõ chủ trương về quan hệ song phương Mỹ-Nhật của chính trị gia Cộng Hòa hoàn toàn không có kinh nghiệm quốc tế nào, sau hàng loạt tuyên bố của ông Trump trong thời gian tranh cử, đi ngược lại với mối quan hệ đồng minh lâu đời với Tokyo.


Cũng liên quan đến quan hệ với Hoa Kỳ, ngoại trưởng Nhật khẳng định : « Tôi không tin Nhật sẽ có vũ khí hạt nhân. Nguyên tắc này sẽ không thay đổi ». Ông Donald Trump trong quá trình tranh cử đã để ngỏ khả năng Nhật Bản phải trang bị vũ khí hạt nhân để tự vệ.


Nữ bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Tomomi Inada một lần nữa nhấn mạnh : hiện tại Nhật Bản đang đảm nhiệm phần lớn gánh nặng tài chính cho lực lượng Mỹ triển khai tại nước này, trái ngược với những lời tuyên bố của chính trị gia Mỹ trước khi đắc cử, là Tokyo không đóng góp gì nhiều.


Về phía tổng thống đắc cử Hoa Kỳ, hôm 11/11 vừa qua, theo Reuters, một cố vấn của ông Donald Trump –xin giấu tên - cho biết các lo ngại của thủ tướng Nhật là « không có cơ sở », Washington sẽ tiếp tục các cam kết liên minh về an ninh với Tokyo, và khẳng định sự hiện diện lâu dài của Hoa Kỳ tại châu Á. - RFI

|

|


2.

Hàn Quốc: Công tố Seoul thẩm vấn tổng thống vào tuần tới


Trong khuôn khổ cuộc điều tra vụ tai tiếng chính trị gây chấn động Hàn Quốc từ ba tuần nay, chưởng lý toà án Seoul sẽ thẩm vấn tổng thống Park Geun Hye vào thứ ba tới. Chủ tịch tập đoàn Hyundai bị hỏi cung trước đó, từ tối thứ bảy đến sáng chủ nhật 13/11/2016.


Theo hãng Yonhap, viện công tố Seoul đã gửi đến phủ tổng thống Hàn Quốc một trát mời và đang chờ "trả lời chân thành" từ tổng thống Park Geun Hye. Nguồn tin của tư pháp ngày 13/11 cho biết muốn lắng nghe tổng thống vào ngày "thứ Ba hoặc thứ Tư". Tư pháp Hàn Quốc muốn biết tổng thống Park Geun Hye có dùng uy tín tổng thống để thuyết phục giới doanh nhân nộp tiền cho "quân sư" của mình hay không.


Trong đêm thứ bảy sáng chủ nhật , viện công tố đã thẩm tra chủ tịch tổng giám đốc tập đoàn xe hơi Hyundai, Chung Mong-Koo và một số lãnh đạo doanh nghiệp khác của Hàn Quốc. Người được xem là thừa kế của chủ nhân tập đoàn Samsung, Lee Jae Yong, cũng bị điều tra vào sáng nay 13/11.


Theo báo chí Hàn Quốc, Hyundai và Samsung đã đóng góp khoảng 70 triệu đô la cho các quỹ do bà Choi Soon Sil thành lập. Samsung còn bị nghi ngờ chi trả cho con gái của bà Choi tiền "học cỡi ngựa" tại Đức, khỏang 2,8 triệu euro.


Vụ tai tiếng lãnh đạo Hàn Quốc bị bà Choi Soon Sil, một nữ quân sư có tài "phù thủy" và cũng là bạn thân, mê hoặc, lạm dụng uy thế, làm tiền các doanh nhân, đang làm cho chiếc ghế của bà Park Geun Hye lung lay. Thứ bảy vừa qua, ít nhất có đến 260.000 ngàn người và có thể lên đến 1 triệu người xuống đường đòi tổng thống từ chức.


Các hiệp hội « phù thủy, đồng bóng » Hàn Quốc (khoảng 300.000 người) cũng phản ứng mạnh. Họ ký thỉnh nguyện thư yêu cầu báo chí đừng gọi bà Choi là "phù thủy" làm thiệt hại hình ảnh nghề nghiệp của họ : cầu nguyện cho linh hồn người chết được siêu thoát  và giúp cho người sống được may mắn. - RFI

|

|


3.

Venezuela: Chính phủ và đối lập đạt được thỏa thuận tối thiểu


Sau 10 ngày "hưu chiến", chính phủ xã hội Venezuela và đối lập trung hữu đã gặp nhau trong hai ngày thứ sáu và thứ bảy vừa qua với sự bảo trợ của Toà Thánh Vatican để tránh một biển máu. Thỏa thuận đầu tiên là dành ưu tiên giải quyết tình trạng khan hiếm thực phẩm và thuốc men. Vấn đề trưng cầu dân ý bị để qua một bên. Hai bên hẹn gặp lại vào ngày 06/12.


Từ Caracas, thông tín viên Julien Gonzales phân tích:


Một lần nữa, đối lập đòi hỏi rất nhiều nhưng kết quả đạt được chẳng bao nhiêu. Ưu tiên số một của liên minh đối lập là đòi mở lại tíen trình trưng cầu dân ý truất phế tổng thống cánh tả hoặc là tổ chức bầu tổng thống trước thời hạn. 


Hai yêu sách này không có trong bản tuyên bố chung.


Thế mà liên minh đối lập đã đe dọa sẽ bỏ bàn hội nghị nếu không có kết quả cụ thể. Đối lập cho biết họ đòi được phía chính phủ phải tôn trọng quyền độc lập của quốc hội.


Phe tổng thống Venezuela cũng tỏ ra "lạc quan". Mối quan ngại chính của tổng thống Nicolas Maduro là "chống phá hoại kinh tế" được ghi trong bản tuyên bố chung. 


Tổng thống cánh tả đã lập tức phổ biến trên mạng xã hội thông điệp "đạt được thỏa thuận tốt để củng cố tổ quốc".


Ngày đàm phán lần tới là 06/12. - RFI

|

|


4.

Chính phủ Colombia và Farc đạt thỏa thuận mới


Chính phủ Colombia và nhóm phiến quân Farc đã loan báo thỏa thuận hòa bình mới, sáu tuần sau khi thỏa thuận ban đầu bị bác trong trưng cầu dân ý.


Alvaro Uribe, cựu tổng thống, là người dẫn đầu chiến dịch phản đối nhưng lần này ông tham gia vào vòng đàm phán.


Thỏa thuận ban đầu bị cho là quá thuận lợi cho quân nổi dậy cánh tả.


Nay thỏa thuận mới sẽ cần được quốc hội thông qua, chứ không đưa ra trưng cầu dân ý.


Nhiều người trước đó phản đối mức án nhẹ dành cho các tay súng thú nhận có tội. 


Một số người sẽ không phải ngồi tù.


Những người phản đối thỏa thuận cũng tức giận vì kế hoạch trả tiền mỗi tháng cho các thành viên của Farc sau khi giải giáp.


Hồi tháng 10, giải Nobel Hòa bình 2016 về tay Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos cho dù thỏa thuận hòa bình với phe Farc đổ vỡ.


Các thành viên ủy ban Nobel ở Na Uy ca ngợi đóng góp của ông trong việc ký được thỏa thuận với phiến quân Farc sau bốn năm đàm phán.


Cuộc xung đột kéo dài 52 năm đã khiến khoảng 260.000 người chết và hơn sáu triệu người phải ly tán. - BBC

|

|


5.

Sóng thần ập vào New Zealand


Một trận động đất mạnh 7,8 độ richter đã làm rung chuyển miền trung New Zealand sáng sớm 14/11 (giờ địa phương), gây thiệt hại trên diện rộng và dẫn tới một trận sóng thần, theo Cơ quan thăm dò địa chất của Hoa Kỳ.


Hàng nghìn người sinh sống dọc theo bờ biển phía đông của nước này đã phải sơ tán lên những vùng đất cao, sau khi chính quyền cảnh báo về những đợt triều cường có thể cao tới 5 mét. 


Bà Sarah Stuart-Black, quan chức của Bộ Phòng vệ Dân sự New Zealand, được Reuters trích lời nói: “Những đợt sóng đầu tiên đã ập tới, nhưng chúng tôi biết rằng còn quá sớm để nói về những tác động. Điều chúng tôi quan ngại là những gì sắp xảy ra. Những đợt sóng sắp tới có thể lớn hơn trước”. 


Trận động đất có tâm chấn ở cách Christchurch 91 km về phía đông bắc. Đây là nơi hứng chịu trận động đất mạnh 6,3 độ richter hồi tháng Hai năm 2011, làm 185 người chết cũng như gây ra thiệt hại nặng nề.


Cảnh sát New Zealand cho biết đang điều tra các thông tin về một tòa nhà đổ sập tại thị trấn nghỉ mát nằm ở ven biển Kaikoura.


Cơn chấn động đầu tiên và các đợt hậu chấn sau đó có thể cảm nhận được ở hầu khắp New Zealand.


Theo Reuters, một loạt các dư chấn xảy ra sau đó, và một số có cường độ tới 6,1 độ richter.


Cơ quan Geonet của New Zealand đã thông báo cường độ trận động đất mới nhất là 7,5 độ richter, từ mức 6,5 độ mà cơ quan này công bố trước đó. 


Bộ Phòng vệ Dân sự cho biết còn quá sớm để đánh giá thiệt hại về của cũng như thương vong về người. - VOA

|

|


6.

Quân đội Iraq 'chiếm lại thành cổ từ tay IS'


Quân đội của chính phủ Iraq nói họ đã lấy lại được Nimrud là thành cổ từ thời lưỡng hà (Assyria) bị các chiến binh của nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) chiếm giữ từ hai năm qua.


Hồi tháng 3/2015, giới chức và các sử gia đã lên án IS phá hủy các địa điểm khảo cổ, có niên đại thuộc thế kỷ 13 trước Công nguyên.


Cơ quan văn hóa của Liên Hiệp Quốc đã mô tả hành động như một tội ác chiến tranh.


IS nói các đền thờ và tượng là các "thần tượng giả" cần phải được đập vỡ.


Nimrud nằm cách khoảng 30km về phía đông nam của thành phố Mosul, đô thị lớn mà các lực lượng của chính phủ Iraq đang tìm cách lấy lại từ tay IS.


Một tuyên bố của quân đội Iraq nói: 


"Các binh sỹ từ sư đoàn thiết giáp số 9 đã giải phóng thị trấn Nimrud hoàn toàn và treo cờ Iraq trên các tòa nhà sau khi gây thiệt hại về người và thiết bị đối với Nhà nước Hồi giáo tự xưng."


Phá hủy nhà cửa


Trong khi đó, các nhà hoạt động nhân quyền cáo buộc các lực lượng người Kurd ở Iraq đã phá hủy nhà cửa của người Ả-rập theo dòng Sunni tại ít nhất 20 ngôi làng và thị trấn trong các khu vực đặt dưới sự sự kiểm soát của IS.


Theo Tổ chức Quan sát nhân quyền (Human Rights Watch), một số làng của người Sunni đã gần như bị phá hủy hoàn toàn. 


Tổ chức này nói mức độ dường như lên tới mức của một mô hình phá hủy trái phép hàng loạt nhà cửa và các công trình xây dựng khác.


Một quan chức Thứ trưởng trong chính phủ người Kurd ở khu vực, Dindar Zebari, phủ nhận đã có chính sách hay chỉ đạo nào cho việc phá hủy nhà cửa của người Ả-rập theo dòng Sunni.


Thay vào đó, ông Zebari nói với BBC, khu vực của người Kurd là nơi ẩn náu an toàn cho gần hai triệu người Ả-rập theo dòng Sunni.


Ông nói thêm rằng một số người dân ở những khu vực bị phá hủy đã hỗ trợ hoặc trở thành thành viên của IS.


Thiệt hại về nhà cửa là hậu quả của các cuộc không kích hoặc đặt bom trong các ngôi làng khi các chiến binh IS rút lui, quan chức này cho hay. - BBC

|

|


7.

Bí ẩn kỳ thú về sự "lu mờ" của Trung Quốc - Phần I


Vào thế kỷ XVIII, nước Anh bé nhỏ tiến hành một cuộc cách mạng công nghiệp trong lúc đế chế Trung Hoa khổng lồ bắt đầu đi xuống. Vì sao như vậy ?


Cây bút xã luận của nhật báo kinh tế Les Echos, Jean-Marc Vittori, trong bài viết "Bí ẩn kỳ thú về sự lu mờ của Trung Quốc", ngày 14/10/2016 (cập nhật ngày 20/10), đã viện dẫn đến Marco Polo, Adam Smith, Max Weber và Karl Marx để làm sáng tỏ bức màn bí ẩn. Và giải thích làm thế nào Trung Quốc nhanh chóng bắt kịp các nước khác vào cuối thế kỷ XX.


PHẦN I


Một bên là quốc đảo xa lắc xa lơ với 6 triệu dân, tức là bằng dân số của Liban bây giờ, ở đó, một vương quân không được thần phục tiến hành nhiều cuộc chiến tranh tàn phá tốn kém, mức lương của người lao động cao kìm hãm các hoạt động, công nghệ thì cổ điển. Bên kia là một đế chế rộng lớn bao la nằm ở ngay trung tâm cái thế giới văn hóa của mình, có tới 260 triệu dân, tức là nhiều hơn dân số Brazil bây giờ, có đường biên giới hầu như được bình định, bộ máy cai trị hoạt động, thuế thu đầy đủ, có truyền thống phát minh từ lâu đời… Thế rồi trong có vài thập niên, một bên đã thay đổi nền kinh tế, làm đảo lộn thế giới và áp đặt quyền uy của mình đối với bên kia. Theo bạn thì đó là bên nào? Cái quốc đảo nhỏ bé đấy.


Đó là vào giữa thế kỷ XVII, một thời điểm quan trọng, khi cuộc cách mạng công nghiệp đang hừng hực diễn ra, sản xuất thép và vải sợi được cơ giới hoá với việc sử dụng các loại máy mới và làm chủ được nguồn năng lựợng. Chính vào thời điểm đó, Anh quốc cất cánh còn Trung Quốc thì tuột dốc. Ấy vậy mà cũng vào lúc đó, đế chế châu Á mê hoặc châu Âu. Adam Smith, người sáng lập ngành khoa học kinh tế, đưa ra tấm gương mô hình kinh tế Trung Quốc dựa trên ưu thế của ngành nông nghiệp. Thậm chí, đồng nghiệp của ông là Francois Quesnay viết đến 100 trang ca tụng Chủ nghĩa chuyên chế Trung Hoa (Despotisme de la Chine) – vì thế ông còn được mệnh danh là "Khổng tử của châu Âu". Và quả thực là đế chế Trung Hoa thời đó gây nhiều mơ tưởng. Còn Marco Polo, vào cuối thế kỷ XVIII, sau chuyến thám hiểm trở về, đã bị choáng ngợp vì sự phong phú ngoài sức tưởng tượng những phát minh quan trọng như giấy bạc ngân hàng, hoặc thành phố đông dân gấp 10 lần thành phố Venise quê hương của ông, được quy hoạch theo "một sơ đồ đẹp và tuyệt vời đến nỗi không có cách nào để tả được". Trung Quốc lúc bấy giờ đã phát minh ra la bàn, thuốc nổ và nghề in, ba phát minh mà sau này theo quan điểm của Karl Marx kiến tạo nên kỷ nguyên công nghiệp. Trung Quốc năm 1500 có mức thu nhập đầu người cao hơn Anh quốc.


Vậy mà mọi thứ đã đảo lộn sau thế kỷ XVIII. Năm 1842, nước Anh, về mặt quân sự, đã đánh bại nước Trung Hoa trong cuộc chiến tranh thuốc phiện đầu tiên. Vào lúc đó, thu nhập đầu người tại Anh cao gấp 6 lần so với tại Trung Quốc. Nhưng đó mới chỉ là sự khởi đầu của một "thế kỷ nhục nhã". Trung Quốc trở nên đồng nghĩa với tình trạng trì trệ, như Charles Dickens từng viết: "Hàng ngàn năm đã trôi qua kể từ khi Trung Quốc đóng chiếc thuyền đầu tiên, thế mà chiếc thuyền được hạ thủy gần đây nhất cũng chẳng có gì tốt hơn". Phải đợi đến cuối thế kỷ XIX, lần đầu tiên trong lịch sử của mình, Trung Quốc mới liếc nhìn sang hướng tây. Một trí thức Trung Quốc, ông Nghiêm Phục (Yan Fu) mới dịch Adam Smith ra tiếng Hoa để cho mọi người "hiểu rõ nguồn cội của sự giàu có" phương Tây. Năm 1913, một nghị viện đoản thọ, theo mô hình phương Tây, được thiết lập tại Trung Quốc. Năm 1980, thu nhập đầu người tại Anh cao hơn 30 lần so với tại Trung Quốc. Phải đợi đến lúc này, Đặng Tiểu Bình, người kế thừa mãi về sau này của các vị hoàng đế, mới quyết định phải đuổi kịp phương Tây, với một nhịp độ chóng mặt chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Hiện nay, tổng sản phẩm quốc nội Trung Quốc tính theo đầu người đã bằng 1/3 của Anh quốc.


Hai quốc gia đối mặt với nhau


Nhưng chuyện gì đã xảy ra trong nửa cuối thiên niên kỷ vừa qua giữa nước Anh nhỏ bé và nước Trung Quốc rộng bao la? Tại sao một nước thì tiến hành cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên, còn nước kia lại không ? Đó chính là ẩn số của sự "khác biệt vĩ đại", quan trọng nhất trong toàn bộ lịch sử kinh tế. Nói đúng ra, thế kỷ XX không phải là tâm điểm của ẩn số. Vào thời kỳ đó, sự tương phản giữa hai nước thật là dữ dội. Anh quốc đã có những định chế chính trị ổn định, các thị trường hoạt động hiệu quả (lao động, vốn, hàng hóa…), các ngành công nghiệp năng động, các ngân hàng mạnh. Tuy nước Anh trải qua nhiều thử thách (các cuộc chiến tranh thế giới, vai trò bá chủ thế giới rơi vào tay Hoa Kỳ, khủng hoảng tài chính nghiêm trọng, kinh tế trì trệ trong những năm 1970 buộc nước này xin IMF trợ giúp), nhưng nền kinh tế Anh quốc có tăng trưởng mạnh và sức bật đáng kinh ngạc. Người Anh vững chãi đi theo hướng hiện đại hóa nền kinh tế, ngược hẳn với người Trung Quốc. Năm 1912, sau khi hoàng đế cuối cùng Phổ Nghi (Puyi), thoái vị lúc 6 tuổi, đất nước Trung Hoa đã bị rúng động hơn bao giờ hết kể từ thiên niên kỷ đầu tiên sau Công Nguyên. Nào là các cuộc đối đầu giữa các lãnh chúa, Nhật Bản xâm lược, rồi Mao Trạch Đông lên cầm quyền, tập thể hóa nhà xưởng và đất đai, cuộc "Đại Nhảy Vọt" dẫn đến nạn đói giết chết hàng chục triệu người dân, các cuộc thanh trừng trí thức, và cuối cùng là Cách Mạng Văn Hóa…. Tiến trình nhanh chóng công nghiệp hóa bị thất bại. Hậu quả là nền kinh tế và cả đất nước đông dân nhất hành tinh đều lay lắt.


Thế nhưng trước đó, vào cuối thế kỷ XVIII, tình hình khác hẳn. Hai quốc gia không quay lưng lại với nhau, mà đối mặt với nhau. Ở đỉnh cao huy hoàng sau những chiến thắng chống Napoleon, Anh quốc thống trị thế giới bằng vũ khí, nhà xưởng và tàu chiến. Thu nhập tính theo đầu người tăng từ 0,3%/năm lên hơn 1%. Đế chế Trung Hoa bao la cung cấp cho Anh quốc nguyên liệu rẻ tiền. Hạm đội hoàng gia Anh nã pháo vùng Quảng Đông buộc đế chế Trung Hoa phải mở cửa biên giới. Đầu tiên là thị trường thuốc phiện mà thực dân Anh đưa từ Ấn Độ sang, rồi sau đó rộng ra hơn là thương mại quốc tế. Karl Marx kể lại như sau: "Hàng ngàn chiến thuyền của Anh và Mỹ giong buồm thẳng tiến về Trung Quốc... Ngành công nghiệp Trung Hoa sụp đổ trước sự cạnh tranh của việc dùng máy móc thay sức người". Đà thăng tiến của Luân Đôn dẫn đến sự suy tàn của Bắc Kinh. Thắng lợi của nước Anh đã làm lung lay đế chế nhà Thanh có từ bao đời, dẫn đến sự sụp đổ của triều đại này vài thập niên sau đó. Tại một quốc gia bị rối loạn như vậy, không thể đầu tư, xây dựng nhà máy, hiện đại hóa kinh tế. Nhưng phải ngược dòng thời gian xa hơn nữa thì mới hiểu được những động lực của sự "khác biệt vĩ đại" này. Chính trong quá khứ xa xôi đó, bức màn bí ẩn lại thêm dày đặc, các con số trở nên kém thuyết phục, các nhà sử học đối đầu với nhau một cách dữ dội. Tất cả những điều đó xóa bỏ các xác tín về dân số, năng lượng, cạnh tranh…


Trung Quốc tự giam hãm


Ngay từ năm 1780, Thomas Bentley đưa ra giải thích về cuộc cách mạng công nghiệp. Nhà công nghiệp Anh này, lúc đó làm việc với Josiah Wedgwood trong một xưởng sản xuất đồ sứ, đã giải thích sự phát triển của máy móc tại Anh quốc như sau: "Khi giá lao động tại một quốc gia tăng nhiều hơn so với các nước đối thủ, thì quốc gia có chi phí lao động cao đó sẽ bị mất thị trường và suy tàn nếu như họ không tìm cách bù lại giá lao động cao bằng cách dựa vào những phát minh máy móc quan trọng". Thế mà mức lương tại Anh lại tăng. Nước Anh sau trận "đại dịch hạch – hắc tử bệnh" giết chết gần phân nửa dân số nước này vào giữa thế kỷ XIV, nguồn lao động đã trở nên khan hiếm và đắt đỏ. So với những nơi khác, nước Anh có nhiều phụ nữ phải làm việc ở trang trại và các lãnh chúa buộc họ không được có con, và điều đó lại kềm hãm mức tăng dân số. Và do vậy, giá lao động cũng như giá thực phẩm lại càng đắt đỏ. Ngược lại, Trung Quốc thời kỳ đó lại bị giam hãm trong cái bẫy malthus – phương tiện nuôi dân tăng không kịp theo mức tăng dân số. Bởi vì, theo như giải thích của Montesquieu, ở đó "phụ nữ có khả năng sinh nở cao và dân số tăng nhanh đến mức đất đai cho dù được canh tác như thế nào, hầu như không đủ để nuôi sống người dân".


Sử gia kinh tế người Anh, ông Robert Allen bổ sung vào bức họa : Tại Vương quốc Anh, "lương nhân công quá cao và giá năng lượng quá rẻ". Bởi vì dưới lòng đất có nguồn than đá dồi dào dễ khai thác cũng như dễ vận chuyển đến các thành phố lớn, nằm dọc theo các bờ sông – trái ngược với nhiều thành phố của Pháp từ lâu đời đã nằm trong các khu vực phòng thủ. Khi vua George IV lên ngôi vào năm 1820, nước Anh nhỏ bé tiêu thụ than đá nhiều gấp 5 lần so với toàn bộ phần còn lại của châu Âu ! Đối với Allen, "cuộc cách mạng công nghiệp đã được phát minh tại Anh quốc vào thế kỷ XVIII bởi vì đó là nơi phù hợp, trong khi chưa chắc cuộc cách mạng này là có ích nếu xẩy ra ở các thời kỳ khác và tại những nơi khác". Về điểm này, Trung Quốc ngày nay mới là quốc gia xuất khẩu và tiêu thụ hàng đầu thế giới. Nhưng vào thế kỷ XVIII, rất khó cho Trung Quốc khai thác than đá với những kỹ thuật thời bấy giờ và các khu quặng mỏ lại rất xa chốn đô thị. (Còn nữa) - RFI

|

|


Tin Hoa Kỳ


8.

Siêu sao Hollywood trước chiến thắng của ông Trump --- Tổng thống đắc cử Trump kêu gọi ‘đoàn kết’ --- Mỹ: Donald Trump có thể phải điều chỉnh nhiều cam kết cực đoan


Trong khi hàng nghìn người khắp Hoa Kỳ tiếp tục biểu tình chống lại Tổng thống đắc cử Donald Trump, nhiều ngôi sao Hollywood hôm 12/11 kêu gọi tôn trọng “quyền tự do ngôn luận”.


Ca sĩ kiêm nhà sản xuất âm nhạc Pharrell Williams từng vận động ủng hộ cho ứng viên Hillary Clinton.


Ông bày tỏ sự thất vọng về chiến thắng của ông Trump, và cho rằng kết quả này sẽ “kích động” các cử tri.


Kể từ khi tỷ phú bất động sản giành thắng lợi, người biểu tình đổ ra đường phố ở nhiều nơi để phản đối các cương lĩnh tranh cử của ông Trump về vấn đề nhập cư, người Hồi giáo cũng như các cáo buộc về chuyện cựu ngôi sao truyền hình thực tế này lạm dụng tình dục phụ nữ.


Hàng chục người biểu tình, theo Reuters, đã bị bắt giữ, và một số cảnh sát đã bị thương.


Ông Lin-Manuel Miranda, tác giả của vở nhạc kịch “Hamilton”, nói rằng “đất nước của chúng ta không thay đổi qua một đêm”.


Ông Miranda được Reuters trích lời nói: “Các giá trị về lòng nhân từ, khoan dung, và tôn trọng lẫn nhau không mất đi…”


Còn ca sĩ và diễn viên Janelle Monae nói rằng là “một phụ nữ Mỹ gốc Phi đầy niềm tự hào, tôi nghĩ rằng điều quan trọng là chúng ta phải thực thi quyền tự do ngôn luận của chúng ta”.


Cô nói thêm rằng nếu mọi người biểu tình trong ôn hòa thì “hòa bình và tình yêu sẽ song hành với nhau”.


Nữ diễn viên người Pháp từng đoạt giải Oscar Marion Cotillard cũng khuyến khích mọi người thực thi quyền tự do ngôn luận của mình.


Cô cũng kêu gọi mọi người ủng hộ quyền này cũng như những người dám lên tiếng phản đối “chống lại người đàn ông từng có những tuyên bố mang tính xúc phạm”. “Họ không nên sợ hãi, và tôi ủng hộ họ”, cô nói.  


Tổng thống đắc cử Donald Trump từng phản đối các cuộc biểu tình, nhưng sau đó thay đổi quan điểm, ca ngợi “nhiệt huyết của họ vì đất nước vĩ đại của chúng ta”. - VOA


***

Ông Donald Trump hôm 12/11 kêu gọi “đoàn kết”, giữa bối cảnh hàng nghìn người đổ ra đường phố khắp nước Mỹ để phản đối tổng thống đắc cử.


Trên trang Twitter, ông Trump viết rằng việc ông giành thắng lợi sẽ dẫn tới “khoảng thời gian tuyệt vời trong cuộc đời của tất cả mọi người Mỹ”, và rằng “chúng ta sẽ đoàn kết, và chúng ta sẽ chiến thắng, chiến thắng, chiến thắng!”


Trong khi đó, hàng nghìn người tiếp tục xuống đường phản đối tân tổng thống đắc cử thứ 45 của Hoa Kỳ.


Theo Reuters, một số cuộc tuần hành lớn nhất xảy ra ở các thành phố Washington DC, Portland, Oregon, Los Angeles và Chicago.


Tại thủ đô của nước Mỹ, hàng trăm người đã tuần hành một cách hòa bình qua Nhà Trắng trước khi tập hợp bên ngoài khách sạn Trump International Hotel cách không xa nơi ở và làm việc chính thức của tổng thống đắc cử vào năm sau.


Kể từ khi ông Trump giành thắng lợi gây sốc, nhiều người biểu tình đã xuống đường phản đối tân tổng thống Mỹ vì những tuyên bố tranh cử gây tranh cãi của ông.


Phần lớn các cuộc tuần hành diễn ra ôn hòa, nhưng bạo lực đã xảy ra ở Portland, và một người đã bị thương vì bị bắn khi đi biểu tình chống ông Trump. Cảnh sát cho biết vẫn đang truy tìm nghi phạm.


Hôm 10/11, ông Trump lên Twitter để chỉ trích các cuộc biểu tình mà ông coi là “bất công”, và “bị kích động bởi truyền thông”.


Vài giờ sau đó, tỷ phú này thay đổi quan điểm, ca ngợi hàng nghìn người biểu tình đó là “bày tỏ cảm xúc mạnh mẽ vì đất nước vĩ đại của chúng ta”.


Trong một cuộc phỏng vấn với chương trình “60 minutes” của kênh truyền hình CBS, sẽ phát sóng hôm 13/11, ông Trump nói rằng mạng xã hội như Twitter đã giúp ông đánh bại bà Clinton, trong bối cảnh báo chí chính thống đưa nhiều tin tức tiêu cực về ông.


Tuy nhiên, tỷ phú này nói rằng ông sẽ “tiết chế” việc sử dụng truyền thông xã hội, sau khi chính thức nhậm chức. - VOA


***

Kể từ khi đắc cử tổng thống Hoa Kỳ, ngày 08/11/2016, liên tục có các tín hiệu cho thấy ông Donald Trump đang buộc phải điều chỉnh nhiều cam kết cực đoan trong quan hệ quốc tế, cũng như trong các vấn đề của nội bộ nước Mỹ.


Thông tín viên Jean-Louis Pourtet tường trình từ Washington:


Liệu Donald Trump sẽ yêu cầu Mêhicô bỏ tiền chi cho việc xây dựng bức tường biên giới giữa hai nước? Ông Newt Gingrich, người có thể sẽ trở thành ngoại trưởng, trả lời rằng: Rất ít khả năng. Ông Trump sẽ trục xuất 11 triệu người nhập cư bất hợp pháp? Chắc chắn là không ! Bởi vì điều này sẽ khiến nền kinh tế Hoa Kỳ tổn thất 400 tỉ đô la.


Về việc ngăn cản người Hồi Giáo vào nước Mỹ, người vừa đắc cử tổng thống tránh trả lời. Tuy nhiên, ông Trump đã giới hạn, việc cấm người Hồi Giáo chỉ liên quan đến những nước có lực lượng khủng bố.


Về cam kết sử dụng tra tấn, Mike Rogers, cựu lãnh đạo Ủy Ban Tình Báo Hạ Viện, cho rằng đây chỉ là ‘‘các luận điệu tuyên truyền tranh cử’’. Về khả năng tăng 45% thuế đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc, theo cố vấn của ông Trump, Wilbur Ross, điều này chỉ xảy ra, nếu Bắc Kinh can thiệp vào giá trị đồng nhân dân tệ.


Về viễn cảnh bác bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran, cố vấn của ông Trump về chính sách đối ngoại Walid Phares, trong một cuộc trả lời phỏng vấn với BBC, nhấn mạnh là : ‘‘Ông ấy sẽ xem xét, sẽ đưa ra Quốc Hội, yêu cầu phía Iran phải sửa đổi một vài điểm, và sẽ có một thảo luận’’.


Khó khăn của ông Trump hiện nay là, sau chiến thắng gây bất ngờ cho chính bản thân ông ta – theo New York Times, tổng thống tân cử sẽ buộc phải xem xét lại một số cam kết tranh cử cực đoan nhất, hoặc giảm nhẹ mức độ các cam kết, mà không làm mất lòng cử tri đã ủng hộ mình.


Donald Trump cũng từng nhiều lần tuyên bố xóa bỏ hệ thống bảo hiểm y tế cho người nghèo, Obamacare, một chủ trương hàng đầu của tổng thống Obama, áp dụng từ năm 2010, đã cho phép 22 triệu người Mỹ được bảo hiểm y tế, nhờ hỗ trợ của Nhà nước. Sau cuộc gặp tổng thống mãn nhiệm tại Nhà trắng ngày 10/11, ông Donald Trump có thể sẽ có quan điểm mềm mại hơn về vấn đề này.


Tổng thống tân cử khẳng định những người đang được hưởng Obamacare sẽ không bị mất bảo hiểm trong giai đoạn chuyển đổi, và thậm chí cả khi Obamacare bị xóa bỏ. Về phần mình, chính quyền kêu gọi người Mỹ tiếp tục đăng ký bảo hiểm này trước khi nhiệm kỳ Obama kết thúc. - RFI

|

|


9.

Hoa Kỳ: Hillary Clinton và Đảng Dân Chủ tự kiểm


Dù được nhiều phiếu bầu hơn Donald Trump trên bình diện quốc gia, nhưng bà Hillary Clinton vẫn bị thua, vì đã không giành được số đại cử tri quy đinh sau cuộc bỏ phiếu ở từng tiểu bang. Đảng Dân Chủ bắt đầu tự kiểm để hiểu các nguyên nhân thất bại và chuẩn bị cho tương lai. Riêng bà Hillary Clinton đã tìm thấy một giải thích cho thất bại của bà : sự can thiệp của giám đốc FBI.


Thông tín viên RFI tại Washington, Jean -Louis Pourtet tường thuật:


Hillary Clinton đã giải thích trước các ủng hộ viên một trong các lý do tại sao bà bị bại : đó là hai bức thư mà giám dốc FBI James Coney đã gởi lên Quốc Hội đã làm khựng đà vận động của bà vào lúc chót.


Trong bức thư đầu gởi khoảng hơn 10 ngày trước cuộc bỏ phiếu, ông thông báo mở lại điều tra về hồ sơ e mail của bà, và bức thứ hai gởi cách cuộc bỏ phiếu 2 ngày và thông báo không tìm được điều gì bất hợp pháp và đóng lại cuộc điều tra.


Đối với bà Clinton chính bức thư thứ hai như để xóa tội cho bà, rốt cuộc đã gây ra rất nhiều thiệt hại vì đã khiến giới ủng hộ ông Trump phẫn nộ, thúc đẩy họ đi bỏ phiếu đông đảo hơn nữa.


Đấy là một giải thích. Nhưng đối với một số người trong đảng Dân Chủ, bà Hillary và ê kíp vận động của bà cũng có trách nhiệm trong thất bại này, một phần trách nhiệm mà ứng viên trước đây, Bernis Sanders tóm tắt trong một câu:


"Không thể nói với người lao động là ta sát cánh bên họ khi mà cùng lúc ta lại đi gây quỹ nơi Wall Street và các nhà tỷ phú". Bà Hillary đã thu về gần 1 tỷ đô la, một phần lớn là nhờ các nhà tài trợ giàu có."


Thế hệ mới trong giới lãnh đạo đảng Dân Chủ muốn trong tương lai chú ý hơn đến nguyện vọng tầng lớp trung bình hơn là đi gây quỹ trong các buổi tiệc mà vé tham dự thường cao hơn rất nhiều  tiền lương cả năm của một người Mỹ tầng lớp trung bình. - RFI

|

|



10.

Ngoại trưởng Mỹ hy vọng ông Donald Trump thay đổi quan điểm về TPP


Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry hy vọng Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ thay đổi quan điểm về Hiệp Định Đối Tác Kinh Tế Xuyên Thái Bình Dương TPP mà Washington đã ký kết với 11 nước khác nhưng chưa được Quốc Hội Liên Bang Mỹ phê chuẩn.


Nói với các nhà báo tháp tùng ông trong chuyến viếng thăm New Zealand, Ngoại Trưởng Kerry nói rằng trao đổi thương mại quốc tế giữ vai trò quan trọng cho quyền lợi của nước Mỹ, và TPP sẽ giúp kinh tế Hoa Kỳ tăng trưởng.


Ông Kerry nói thêm với đại ý là, cuộc vận động tranh cử tổng thống Mỹ đã kết thúc, hy vọng nhà lãnh đạo tương lai của nước Mỹ nhìn lại vấn đề để thấy rõ tầm quan trọng của TPP.


Trong thời gian còn vận động tranh cử, ông Donald Trump từng nhiều lần gọi TPP là bản hiệp ước thương mại gây thảm họa cho nước Mỹ, giải thích sẽ có nhiều công nhân Hoa Kỳ thất nghiệp nếu bản hiệp định thương mại này được thi hành.


Không chỉ cam kết sẽ hủy bỏ TPP, ông Trump còn hứa với những người ủng hộ là sẽ đàm phán lại những bản hiệp định thương mại đã từng được các chính phủ tiền nhiệm ký kết và Quốc Hội thông qua, nếu những bản hiệp định đó không có lợi cho kinh tế và lao động Hoa Kỳ.


Giữa tuần trước, Nhà Trắng cho hay ngưng thúc đẩy Quốc Hội đưa TPP ra thảo luận và bỏ phiếu. Quyết định này được công bố sau khi người điều hành Thượng Viện Cộng Hòa là Thượng Nghị Sĩ Mith McConnell nói rằng TPP không nằm trong nghị trình thảo luận.


Trong một diễn biến liên quan, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ John Kerry bác bỏ những đồn đãi cho rằng Hoa Kỳ muốn dùng TPP để ngăn cản thế lực kinh tế của Trung Quốc trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.


Ông Kerry nhắc lại là Hoa Kỳ mong muốn thấy một nước Trung Hoa phát triển hài hòa, bảo thêm đó là điều giới lãnh đạo nước Mỹ đã trực tiếp nói với lãnh tụ Tập Cận Bình của Trung Quốc, bảo thêm quan điểm của Washington là không muốn cạnh tranh hay xung đột, mà chỉ muốn hợp tác với tất cả các nước.


Ngoài Hoa Kỳ, các nước tham gia TPP gồm Australia, Nhật Bản, Canada, Chile, New Zealand, Mexico, Peru, Singapore, Malaysia, Brunei và Việt Nam. - RFA

|

|


Tin Việt Nam


11.

VN điều cảnh sát vũ trang bảo vệ vụ tiêu hủy ngà voi


Việt Nam hôm 12/11 đã thiêu hủy nhiều tấn ngà voi và sừng tê giác, trị giá hơn 7  triệu đôla theo giá “chợ đen”, trong sự bảo vệ của lực lượng an ninh vũ trang.


Hơn 2 tấn ngà voi cùng 70kg sừng tê giác và xương hổ đã được nghiền nát rồi sau đó được hỏa thiêu, đốt thành tro và mang chôn dưới lòng đất.


Các hình ảnh được báo điện tử VnExpress đăng tải cho thấy lực lượng an ninh trang bị súng ống đã được huy động bảo vệ vụ thiêu hủy với sự chứng kiến của đại diện các đại sứ quán và nhiều tổ chức quốc tế.


Đây là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện việc thiêu hủy công khai quy mô lớn để phát đi thông điệp cứng rắn trong cuộc chiến chống tình trạng buôn bán các sản phẩm động vật trái phép, theo Reuters.


Thứ trưởng Nông nghiệp Hà Công Tuấn được trích lời nói: "Tiêu hủy mẫu vật ngà voi, sừng tê giác thể hiện quyết tâm Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế ngăn chặn, đẩy lùi nạn buôn trái pháp luật các sản phẩm động vật hoang dã".


Việt Nam bấy lâu nay được coi là điểm trung chuyển ngà voi để làm vật trang trí tiêu thụ ở Trung Quốc cũng như Hoa Kỳ.


Giá ngà voi đã tăng nhanh chóng mặt trong những năm gần đây, lên mức khoảng hơn 1.500 đôla Mỹ (khoảng 30 triệu đồng) một kg.


Các nhà hoạt động bảo vệ môi trường ở trong nước cho biết, việc dùng ngà voi để trang trí trong nhà của các quan chức của Việt Nam không phải là chuyện lạ.


Nhiều tổ chức chống buôn lậu động vật hoang dã cũng coi quốc gia Đông Nam Á này là một trong những nước tiêu thụ sừng tê giác nhiều nhất trên thế giới.


Nhiều chuyên gia quốc tế bấy lâu nay khẳng định rằng sừng tê giác không phải “thần dược”, mà nó chỉ có thành phần giống móng tay người, nên không có công dụng chữa bệnh như được quảng bá. - VOA

No comments:

Post a Comment