Sunday, November 20, 2016

Tin Cập Nhật Chủ Nhật 20/11

Tin Thế Giới


1.

APEC: Obama kêu gọi thế giới cho Trump "cơ hội"


Thượng đỉnh Diễn Đàn Hợp Tác Kinh Tế Châu Á Thái Bình Dương APEC diễn ra ngày 20/11/2016 tại Lima, thủ đô Peru trong bối cảnh quan ngại Hoa Kỳ sẽ theo đuổi chính sách bảo hộ thị trường. Tổng thống Barack Obama kêu gọi thế giới không nên sợ những lời tuyên bố gây sốc của tổng thống tân cử của Mỹ lúc tranh cử.


Bên lề diễn đàn thường niên APEC quy tụ lãnh đạo 21 quốc gia hai bờ Thái Bình Dương, tổng thống Mỹ Barack Obama đã nhân cơ hội tham dự lần cuối cùng để trấn an thế giới. Theo tổng thống mãn nhiệm thì « lãnh đạo quốc gia khác với vận động cử tri ». Do vậy, thế giới « không nên vội phê phán » qua những lời tuyên bố lúc tranh cử mà hãy để cho ông Donald Trump « một cơ hội ».


APEC cam kết chống bảo hộ mậu dịch


Theo chương trình, những thách thức kinh tế đang chờ đợi thế giới là chủ đề của cuộc họp vào sáng nay giữa 21 thành viên APEC và tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế IFM Christine Lagarde. Theo AFP, dự thảo tuyên bố chung của APEC khẳng định « chống mọi hình thức bảo hộ mậu dịch » nguồn cội làm suy yếu kinh tế toàn cầu.


APEC cam kết « tiếp tục mở cửa thị trường » và về lâu về dài « xây dựng một vùng trao đổi thương mại tự do xuyên Thái Bình dương toàn diện ».


Lập trường này, theo AFP, hoàn toàn đi ngược lại chủ trương « nước Mỹ trước đã » của ông Donald Trump, tạo cơ hội cho chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ tham vọng « lãnh đạo độc tôn » trong tiến trình xây dựng một hiệp định mới thay thế sáng kiến TPP của Mỹ có nhiều khả năng bị Donald Trump khai tử.


Từ Lima, thông tín viên Eric Samson tường thuật:


“Tổng thống Barack Obama có mặt tại thượng đỉnh Lima, nhưng mọi chú ý đều hướng về Donald Trump. Chủ tịch Trung Quốc không bỏ lỡ cơ hội để nhấn mạnh đến những khác biệt trong chính sách của Bắc Kinh với chủ trương của tổng thống tân cử Hoa Kỳ. 


Trong thời gian vận động tranh cử, ông Trump đã hứa áp dụng chính sách bảo hộ để bảo đảm công việc làm cho người lao động Mỹ trước sức cạnh tranh của Trung Quốc.


Về mặt chính thức, ông Tập Cận Bình mong muốn Bắc Kinh và Washington ‘tiếp tục hợp tác, giải quyết những bất đồng để bảo đảm giai đoạn chuyển tiếp được diễn ra một cách êm thắm’. Dù vậy lãnh đạo Trung Quốc đã lợi dụng cuộc gặp gỡ cuối cùng với tổng thống mãn nhiệm Hoa Kỳ, Barack Obama để quảng bá cho dự án Hiệp Định Đối Tác Kinh Tế Toàn Diện Khu Vực –RCEP- bao gồm Trung Quốc, 10 nước thành viên ASEAN và một số quốc gia như Úc hay Ấn Độ, nhưng trong đó không có Hoa Kỳ.


Dự án RCEP của Bắc Kinh trên nguyên tắc sẽ là viên gạch đầu tiên trên tiến trình xây dựng một khu vực tự do mậu dịch rộng lớn cho toàn khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. 


Trung Quốc muốn dự án này thay thế cho Hiệp Định Tự Do Mậu Dịch Xuyên Thái Bình Dương TPP do tổng thống Barack Obama đề xuất và tới nay, đã có 12 nước tham gia.



Hiệp định xuyên Thái Bình Dương của Hoa Kỳ bị chựng lại sau khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống. Ông Barack Obama không còn làm chủ tình thế tại một khu vực mà 21 thành viên diễn đàn APEC chiếm đến 60 % trao đổi mậu dịch toàn cầu”. - RFI

|

|


2.

Bà Merkel sẽ tranh cử nhiệm kỳ thứ tư


Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố bà sẽ ra tranh cử nhiệm kỳ thứ tư.


Phát biểu tại trụ sở đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU), bà xác nhận tin nói bà sẽ tranh cử chức lãnh đạo đảng, cũng có nghĩa là tranh chức thủ tướng.


Tổng tuyển cử dự kiến diễn ra năm 2017 tại Đức.


"Sau nhiều tháng đồn đoán, tin cho hay Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nói với các thành viên của Dân chủ Cơ đốc Giáo rằng ở Berlin rằng bà chuẩn bị lãnh đạo đảng này tiến tới kỳ bầu cử tiếp theo," Deutsche Welle cho hay hôm 20/11/2016.


'Gặp khó khăn'


Nhà lãnh đạo năm nay ở tuổi 62 đã trải qua một số khó khăn trong mấy tháng gần đây, từ các chỉ trích về việc bà xử lý cuộc khủng hoảng nhập cư cho đến để giảm thấp sự ủng hộ với đảng của bà, trong lúc phong trào dân túy cực hữu đang lên cao.


Tuy nhiên, kể từ khi nhậm chức vào năm 2005, bà Merkel cũng được ngợi khen là đã giúp đưa nền kinh tế lớn nhất của châu Âu vượt qua khủng hoảng tài chính và khủng hoảng ở vùng sử dụng đồng Euro.


Vẫn theo Deutsche Welle, một kết quả thăm dò dư luận đăng tải trên tờ "Bild am Sonntag" cho hay bà được 55% người dân Đức ủng hộ ở lại chức vụ là người đứng đầu Chính phủ cho bốn năm tiếp theo.


Tuy nhiên, vẫn theo thăm dò này, có tới 39% người được hỏi bày tỏ họ chống lại việc bà được tái cử.


Nhiều cơ quan truyền thông và báo chí quốc tế thời gian qua đã đăng tải các đánh giá, thăm dò về nhà lãnh đạo nữ của nước Đức, trong đó có ý kiến cho rằng bà là người phụ nữ 'quyền lực' nhất của Liên minh châu Âu.


Nếu thắng cử trong cuộc bầu cử năm sau, bà Merkel sẽ cân bằng được với kỷ lục số nhiệm kỳ mà một Thủ tướng Đức thời kỳ hậu chiến tại vị của ông Helmut Kohl.


Luật pháp Đức không có hạn chế về nhiệm kỳ với chức vụ cao cấp này. - BBC

|

|


3.

Phần mềm máy tính chuyển tín hiệu não thành lời nói


Những bệnh gây thoái hóa như ALS có thể chậm rãi làm các nạn nhân mất đi khả năng cử động và thậm chí là giao tiếp.


Giờ đây, công nghệ máy tính, kết hợp với các tín hiệu thần kinh của chính bộ não, sẽ giúp đỡ những người không thể cử động miệng có thể giao tiếp về một số nhu cầu cơ bản của họ.


Tom Chen là một người Đài Loan bị bệnh xơ cứng teo cơ một bên (ALS). Căn bệnh đã tiến triển đến mức Chen hiện nay gần như hoàn toàn bất động và nằm liệt giường.


Nhưng một số phần mềm mới đọc được sóng não cho phép anh giao tiếp với vợ mình.


Chị Kiki Qu, vợ anh Chen, cho biết: "Ở giai đoạn bệnh như thế này, khi tôi chăm sóc chồng tôi, khi tôi hỏi anh ấy, hệ thống này giúp tôi bằng cách hiển thị câu trả lời 'có' hoặc 'không'. Anh ấy không phải chớp mắt hoặc làm bất cứ điều gì".


Phần mềm giúp Chen giao tiếp là do các nhà nghiên cứu tại Đại học Công nghệ Đài Bắc phát triển. Nó cảm nhận và xử lý những thay đổi ở các sóng của bộ não thành dữ liệu.


Liu Yi-hung, thuộc Đại học Công nghệ Đài Bắc, nói: "Các dữ liệu đi qua một chương trình trí thông minh nhân tạo, chương trình này làm các phép tính toán học trong máy tính, và nhận diện những ý định đằng sau sóng não như vậy. Sau khi chương trình trí thông minh nhân tạo tính toán, thông tin được xuất sang một giao diện để người sử dụng, hoặc người thân của người sử dụng biết được ý định của những thay đổi trong các sóng của bộ não".


Chương trình trí tuệ nhân tạo chuyển những sóng đó thành những câu trả lời đơn giản là “có” hoặc “không”.


Ngay bây giờ, công nghệ này chỉ có ở Đài Loan, nhưng nhóm nghiên cứu hy vọng cuối cùng họ sẽ nhận được sự chấp thuận để bán sản phẩm tại Hoa Kỳ và châu Âu. - VOA

|

|


4.

Tổng thống Hàn Quốc ‘dính líu’ bê bối


Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã có vai trò "đáng kể" trong bê bối tham ô liên quan một người thân cận, theo phía công tố.


Phát biểu sau khi người thân cận Choi Soon-sil và hai trợ tá của tổng thống bị truy tố, Trưởng Công tố Lee Young-ryeol nói Tổng thống Park "liên quan như một đồng phạm" nhưng được miễn tố.


Tổng thống Hàn Quốc đã đối diện các cuộc biểu tình lớn và những người chống đối kêu gọi bà từ chức.


Trưởng Công tố nói sẽ sớm thẩm vấn tổng thống.


Tỉ lệ thăm dò dân chúng ủng hộ bà Park đã rớt xuống còn 5%.


Bà đã hai lần xin lỗi trên truyền hình nhưng từ chối ra đi.


Đã xảy ra các cuộc biểu tình lớn nhất tại Hàn Quốc kể từ ngày có các đợt biểu tình đòi dân chủ thập niên 1980.


Những người tổ chức nói có đến 500.000 người dự tuần hành ở Seoul cuối tuần này - đây là lần thứ tư liên tục có các cuộc biểu tình vào thứ Bảy.


Cảnh sát đưa ra con số thấp hơn.


Bà Choi Soon-sil bị tố cáo gây sức ép đòi tiền từ các công ty Hàn Quốc, và bị nghi dùng tình bạn với tổng thống để đòi doanh nghiệp tài trợ cho một quỹ phi lợi nhuận do bà kiểm soát. - BBC

|

|


5.

Duterte nói phương Tây ‘đạo đức giả’ --- Biển Đông: Manila "để qua một bên" xung khắc chủ quyền với Bắc Kinh


Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte chọn gặp song phương với lãnh đạo Trung Quốc và Nga đầu tiên, khi đến Peru dự hội nghị Apec có mặt 21 nguyên thủ quốc gia.


Tại Lima, Peru, ông Duterte gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đầu tiên.


Và hôm thứ Bảy, giờ địa phương, ông Duterte gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin.


Tại cuộc gặp với ông Putin, ông Duterte phê phán nhiều nước phương Tây "bắt nạt nước nhỏ" và "đạo đức giả".


"Gần đây, tôi thấy nhiều nước phương Tây bắt nạt nước nhỏ. Và họ thật đạo đức giả."


"Họ có vẻ bắt đầu một cuộc chiến nhưng lại sợ tham chiến. Đó là vấn đề của Mỹ và các nước khác."


Ông Duterte nói tiếp: "Họ đã gây chiến ở nhiều nước, tại Việt Nam, Afghanistan và Iraq."


"Họ đòi nếu anh liên minh với họ thì phải theo họ."


Trước chuyến đi tới Peru, ông Duterte không giấu sự ngưỡng mộ ông Putin, gọi Tổng thống Nga là "anh hùng".


Ông cũng từng nói ông sẽ là người đầu tiên gia nhập "trật tự thế giới mới" của Nga và Trung Quốc.


Khi thăm Trung Quốc vào tháng 10, ông Duterte nói: "Có ba nước đối đầu thế giới - Trung Quốc, Philippines, Nga." - BBC


***

Trong cuộc gặp gỡ bên lề thượng đỉnh APEC tại Lima, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mời tổng thống Philippines tham dự hội nghị nhóm BRICS gồm năm nước đang trỗi dậy là Trung Quốc, Nga, Ấn độ, Brazil và Nam Phi năm 2017.


Chủ tịch Trung Quốc cũng kêu gọi lãnh đạo Philippines giải quyết tranh chấp biển đảo qua đàm phán song phương. Tổng thống Duterte cam kết sẽ hợp tác với Bắc Kinh, « phối hợp chính sách ngoại giao để cùng khu vực phát triển kinh tế », theo tin của Tân Hoa Xã.


Bình luận về cuộc hội kiến này, ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay tuyên bố từ nay « Manila sẽ gác qua một bên xung khắc chủ quyền » để có thể phục vụ quyền lợi (kinh tế) của Philippines cho đến khi nào tìm thấy được một giải pháp trong tương lai.


Cũng theo lời ngoại trưởng Philippines thì Trung Quốc rất tốt, không những cho phép ngư dân Philippines trở lại ngư trường Scarborough mà còn đề nghị trợ giúp phát triển nghề chăn nuôi hải sản. - RFI

|

|


6.

Chuyên gia Nhật: Đội tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc đe dọa Biển Đông


Biển Đông và Hoa Đông sẽ bị Trung Quốc khống chế với các tàu ngầm trang bị vũ khí hạt nhân đã được kín đáo đưa vào vùng tranh chấp. Tokyo và Manila sẽ bị trói tay nếu Washington không phản ứng sớm. Trên đây là báo động của chuyên gia Nhật Bản nhân hội thảo về an ninh hàng hải ở Makaty City, Philippines, được báo The Standard số đề ngày 20/11/2016 thuật lại.


Các tàu ngầm Trung Quốc này sẽ tham gia tuần tra “răn đe” bảo vệ chủ quyền trong những tuần lễ tới ở Biển Đông và Hoa Đông. Trích dẫn thông tin này từ một bản báo cáo của Quân đội Mỹ, chuyên gia Tetsuo Kotami, một công chức cao cấp của Viện Quốc Tế Vụ của Nhật thẩm định kế hoạch của Trung Quốc, nếu thực hiện, sẽ làm hại cho uy tín chiếc ô hạt nhân của Hoa Kỳ.


Diễn biến mới này gây khó khăn cho Nhật Bản và các đồng minh khác của Mỹ, kể cả Philippines.


Nhật Bản bị Trung Quốc giành Senkeku, Philippines bị Trung Quốc lấn áp ở biển Đông và cả hai cần Mỹ trợ giúp. Thế nhưng, theo chuyên gia Nhật, với tên lửa nguyên tử có thể bắn tới Hoa Kỳ, hạm đội tàu ngầm Trung Quốc sẽ làm cho Mỹ phải “suy nghĩ hai lần” trước khi ra tay đáp trả để bảo vệ các đồng minh châu Á.


Chuyên gia Tetsuo Kotami cho biết thêm Tokyo rất lo âu vì chương trình tàu ngầm trang bị tên lửa hạt nhân của Trung Quốc với căn cứ ở đảo Hải Nam. Biển Đông đang bị quân sự hóa mà quốc tế không có một cơ sở luật pháp nào để quản lý hoạt động của tàu ngầm vì “ tàu ngầm họat động bí mật”. - RFI

|

|


7.

Ấn Độ: Xe lửa trật đường ray, hơn 100 người thiệt mạng


Tai nạn xảy ra vào lúc 3 giờ sáng ngày 20/11/2016, giờ địa phương, gần thành phố Kanpur, bang Uttar Pradesh phía bắc Ấn Độ, làm hơn 100 người chết và khoảng 150 người bị thương. Đây là tai nạn đường sắt nghiêm trọng nhất xảy ra tại nước Nam Á này từ năm 2010.


Chưa biết rõ về nguyên nhân dẫn vụ xe lửa bị trật đường ray nói trên. Thông tín viên Antoine Guinard từ New Delhi cho biết thêm :


“Hình ảnh trên đài truyền hình cho thấy hành khách ngơ ngác, chờ các toán cứu trợ bên cạnh 14 toa tàu đâm xuyên vào nhau như cái đèn xếp sau khi con tàu Indore-Patna Express bị trật đường ray vào sáng sớm ngày Chủ Nhật. Khoảng 30 xe cứu thương, 250 cảnh sát đã có mặt tại hiện trường, cách không xa thành phố Kanpur ở phía bắc Ấn Độ. 


Trước mắt chưa biết nguyên nhân gây ra tai nạn nghiêm trọng này. Báo chí Ấn Độ nêu lên khả năng một đoạn đường sắt bị hư hại dẫn đến thảm họa sáng nay. Hai toa tàu gần đầu máy xe lửa bị nặng nhất. 


Trên trang mạng cá nhân Twitter, thủ tướng Narendra Modi cam kết là bộ Giao Thông Đường Sắt sẽ cho mở điều tra, làm rõ vụ việc. Kanpur là nơi mỗi ngày có hàng trăm đoàn tàu đi qua, tương tự như ở rất nhiều các thành phố lớn khác tại Ấn Độ. Tai nạn xe lửa thường gây chết người tại một quốc gia mà hệ thống đường sắt đã quá cũ kỹ, trong lúc mỗi ngày vẫn có hơn 20 triệu người phải sử dụng phương tiện di chuyển này. 


Tháng 3/2015 một vụ trật đường ray tại phía bắc Ấn Độ đã làm 39 người thiệt mạng và 150 người bị thương. Nội các của thủ tướng Modi cam kết đầu tư 137 tỷ đô la trong 5 năm tới để hiện đại hóa và bảo đảm an toàn cho các tuyến đường sắt trên toàn lãnh thổ” - RFI

|

|


8.

Chiến đấu cơ Thụy Sĩ ‘áp sát’ máy bay chính phủ Nga


Thụy Sĩ hôm 19/11 nói rằng việc các chiến đấu cơ của nước này bay áp sát một máy bay của chính phủ Nga trên đường tới Peru chỉ đơn thuần là việc kiểm tra thường lệ, sau khi Moscow yêu cầu giải thích.


Một phóng viên của Reuters trên chiếc máy bay của Nga trông thấy những chiếc F/A-18 của Thụy Sĩ tiến gần tới chiếc máy bay của Nga chở một phái đoàn của nước này trên đường tới hội nghị thượng đỉnh APEC hôm 18/11, rồi sau đó áp tải chiếc máy bay khi nó bay trong không phận Thụy Sĩ.


Trên Twitter hôm 19/11, Đại sứ quán Nga ở Thụy Sĩ viết: “Chúng tôi cảm thấy bất ngờ và yêu cầu Thụy Sĩ giải thích”.


Sau đó, Bộ Quốc phòng Thụy Sĩ nói rằng hai chiếc F/A-18 của họ đã bay song song với chiếc máy bay của nga trong vòng 7 phút trên vùng lãnh thổ của Thụy Sĩ.


Bộ này nói rằng việc kiểm tra như vậy được tiến hành khoảng 400 lần một năm nhằm xác nhận các máy bay thuộc chính phủ nước ngoài.


Phát ngôn viên của Bộ này được Reuters dẫn lời nói: “Nó cũng giống như cảnh sát tuần tra trên đường phố, kiểm tra một chiếc xe để khẳng định rằng nó không bị ăn cắp”.


Tổng thống Nga Putin bay tới tham dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương trên một chiếc máy bay khác. - VOA

|

|


Tin Hoa Kỳ


9.

Biểu tình chống phong trào ‘Alt-Right’ ở Washington


Những người biểu tình đã tập trung bên ngoài một tòa nhà ở trung tâm Washington hôm thứ Bảy, 19/11, nơi những người theo chủ nghĩa dân tộc da trắng - được biết với tên gọi “alt-right”, đã gặp gỡ để ăn mừng chiến thắng của Tổng thống tân cử Donald Trump.


Truyền thông đưa tin không có vụ bắt giữ nào nhưng ít nhất một người đàn ông đã bị thương khi đụng độ với những người biểu tình bên ngoài Tòa nhà Ronald Reagan và Trung tâm Thương mại Quốc tế, chỉ cách Tòa Bạch Ốc vài khu phố.


Các cuộc biểu tình đã xảy ra trên toàn quốc để phản đối việc ông Trump đắc cử và những cuộc bổ nhiệm của ông, đặc biệt là việc bổ nhiệm Stephen Bannon vào vị trí cố vấn chiến lược của Tòa Bạch Ốc.


Thành công của ông Trump dường như đã tiếp năng lượng cho phong trào alt-right để họ lớn tiếng hơn về các vấn đề khác nhau, bao gồm cả mối lo ngại rằng người da trắng đang trở thành thiểu số tại Mỹ.


Viện Chính sách Quốc gia (NPI), nơi chủ trì cuộc gặp gỡ ở trung tâm Washington, cho biết trên trang web của mình rằng họ là một “tổ chức độc lập dành riêng cho di sản, bản sắc và tương lai của những người gốc châu Âu ở Hoa Kỳ và trên thế giới” và NPI “cống hiến cho sự hồi sinh và phát triển của nhân dân”.


Một số nhà phân tích đã mô tả NPI và những người theo NPI không khác gì nhóm Ku Klux Klan (KKK).


“Họ là những người chủ trương tôn sùng người da trắng. Họ là những người theo chủ nghĩa phát xít mới, các phần tử phát xít”, một người biểu tình nói với kênh truyền hình địa phương WJLA. “Khi bạn đối phó với thành phần đó, về cơ bản là bạn đối phó với thứ gì đó đang đe dọa các quyền và sự tự do của mọi người trong xã hội này”. - VOA

|

|


10.

Mitt Romney được xem xét làm ngoại trưởng Mỹ


Người sắp thành phó tổng thống Mỹ, Mike Pence, đã xác nhận ông Mitt Romney đang được xem xét cho chức ngoại trưởng.


Ông Donald Trump, tổng thống tân cử của Mỹ, đã gặp ông Romney, mặc dù bị ông Romney chỉ trích trong chiến dịch tranh cử.


Ông Mike Pence nói với kênh Fox News rằng ông Romney "đang được xem xét làm ngoại trưởng, cùng với một số người Mỹ xuất sắc khác".


Khi rời khỏi sân golf của ông Donald Trump tại Bedminster, New Jersey hôm 19/11, ông Romney không trả lời câu hỏi của báo chí liệu ông có gia nhập chính quyền không.


Ông chỉ nói hai người đã có "cuộc nói chuyện sâu rộng".


Trong chiến dịch tranh cử, ông Romney đã gọi ông Trump là một kẻ "gian lận" và "giả mạo".


Trong khi đó, ông Trump từng nói chiến dịch tranh cử bất thành của ông Romney khi ra tranh cử và cạnh tranh với ông Barack Obama hồi năm 2012 là "tồi tệ nhất" trong lịch sử.


Ông Trump đã sắp xếp được nhiều vị trí cho đến nay, một số trong đó được cho là gây tranh cãi.


Ứng viên cho chức tổng chưởng lý, Jeff Sessions, là người từng bị từ chối chức thẩm phán liên bang vào năm 1986 vì những nhận xét bị cáo buộc là phân biệt chủng tộc.


Trung tướng Michael Flynn, tân cố vấn an ninh quốc gia, đã thu hút quan ngại vì quan điểm gay gắt của ông về đạo Islam.


'Muốn những người giỏi nhất'


Trong một diễn biến riêng rẽ, hôm thứ Sáu, ông Trump đã giải quyết ba vụ kiện về gian lận chống lại ông ở Đại học Trump, cơ sở đào tạo mang tên ông.


Ông Donald Trump sẽ có mặt ở sân golf của ông tại Bedminster, New Jersey, trong suốt dịp cuối tuần này để tiến hành các cuộc họp với nhiều bổ nhiệm tiềm năng.


Ông đưa ra thông điệp trên Twitter: "sẽ làm việc tất cả các ngày cuối tuần để lựa chọn ra những người đàn ông và phụ nữ tuyệt vời sẽ làm việc để làm cho nước Mỹ mạnh trở lại!"


Khi được hỏi về cuộc họp với ông Romney, Sean Spicer, một phát ngôn viên về chuyển giao quyền lực của tổng thống, nói với các phóng viên:


"Tổng thống đắc cử muốn có những người giỏi nhất và thông minh nhất để đưa đất nước này về phía trước: cả những người ủng hộ và những người không ủng hộ ông."


Ông nói ông Trump thường bắt đầu cuộc trò chuyện bằng cách lấy ý kiến và sau đó quyết định liệu một ứng viên nào đó có đảm bảo cho một bổ nhiệm hay không.


"Cuộc trò chuyện với ông Mitt Romney chỉ là: một cơ hội để lắng nghe ý kiến và suy nghĩ của ông ấy," ông Spicer nói.


Ông Romney, tên đầy đủ là Willard Mitt Romney, sinh năm 1947, là một doanh nhân và chính trị gia.


Ông từng nắm chức vụ Thống đốc Tiểu Bang Massachusetts (2003 - 2007) và là ứng cử viên Tổng thống được bổ nhiệm của Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm 2012 mà thắng lợi thuộc về ông Obama. - BBC

|

|


11.

Zuckerberg ra kế hoạch chống tin giả


Người sáng lập Facebook Mark Zuckerberg đã tóm tắt kế hoạch đối phó vấn đề tin tức giả mạo trên Facebook.


Facebook trở thành tâm điểm tranh cãi sau khi một số người dùng nói rằng tin tức giả đã thay đổi kết quả bầu cử Mỹ.


Ông Zuckerberg đã viết bài cho biết về nhiều dự án đối phó "thông tin giả", gồm phương pháp xác minh và phát hiện hiệu quả hơn.


Trước đó ông nói rằng hơn 99% nội dung trên Facebook là "thật".


Trong bài mới nhất, tỉ phú Zuckerberg nhấn mạnh: "Chúng tôi xem trọng trách nhiệm này."


Nhưng ông nói các vấn đề "phức tạp cả về kỹ thuật và triết lý".


Theo ông, Facebook không muốn hạn chế chia sẻ bình luận hay trở thành "quan tòa quyết định sự thật".


Sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tuần trước, nhiều người phê phán ông Zuckerberg, nói rằng tin giả trên Facebook đã giúp ông Donald Trump.


Ông Zuckerberg bác bỏ cáo buộc. 


Tuy vậy, các trang tin giả đang gia tăng vì lợi nhuận có được nhờ quảng cáo mạng.


Một tin giả, được chia sẻ mạng trên Facebook sau bầu cử, đã viết sai rằng diễn viên Denzel Washington ca ngợi ông Trump.


Hôm thứ Hai, Google loan báo sẽ nỗ lực hơn để ngăn không cho các trang tin giả kiếm tiền nhờ quảng cáo.


Ngay sau đó, Facebook cũng loan báo hạn chế tương tự về việc sử dụng mạng quảng cáo của họ. - BBC

|

|


12.

Giới chức tình báo Mỹ đề nghị loại bỏ Giám đốc NSA


Truyền thông Mỹ hôm thứ Bảy, 19/11, đưa tin các lãnh đạo hàng đầu của giới tình báo và quân đội Mỹ muốn Tổng thống Barack Obama sa thải giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA).


Tờ Washington Post là báo đầu tiên đưa tin là Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter và Giám đốc Tình báo Quốc gia James Clapper hồi tháng trước đã đề xuất với Tòa Bạch Ốc về việc loại bỏ Đô đốc Michael Rogers, người đứng đầu cả Cơ quan An ninh Quốc gia lẫn Bộ tư lệnh Không gian mạng của Mỹ.


Ngay lúc này, chưa rõ vì lý do gì mà hai ông Carter và Clapper thúc giục việc sa thải. Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Devin Nunes đã đề nghị hai ông ra điều trần trước ủy ban về đề xuất của họ trước khi hết năm.


Tổng thống đắc cử Donald Trump, người đang cân nhắc ông Rogers cho một chức vụ về tình báo trong chính quyền của ông, đã phỏng vấn ông Rogers hôm 17/11. Có tin các quan chức trong chính quyền đã bị bất ngờ về cuộc gặp đó vào một thời điểm Tòa Bạch Ốc có thể đang xem xét việc loạt bỏ ông Rogers.


Ông Obama bổ nhiệm ông điều hành NSA vào năm 2014 sau khi xảy ra vụ lộ nhiều bí mật lớn do nhân viên hợp đồng Edward Snowden gây ra. Kể từ đó, đã xảy ra thêm nhiều vụ lộ thông tin mật. Cục Điều tra Liên bang hồi tháng 8 đã bắt giữ nhân viên hợp đồng Harold Martin của NSA, có tin người này đã lấy cắp lượng dữ liệu mật lớn đến mức 200 máy tính xách tay mới chứa hết. - VOA

|

|


Tin Việt Nam


13.

Ông Tập Cận Bình gặp riêng Chủ tịch Việt Nam ở Peru --- Biển Đông: Tập Cận Bình kêu gọi Việt Nam đàm phán song phương


Chủ tịch Trung Quốc gặp riêng với ông Trần Đại Quang bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC ở Peru, nhấn mạnh rằng tranh chấp biển Đông cần được xử lý song phương, báo chí quốc gia đông dân nhất thế giới đưa tin hôm 20/11.


Tân Hoa Xã viết rằng Chủ tịch Trung Quốc nói rằng hai nước nên “giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại và tham vấn song phương, tuân theo đường hướng hợp tác ‘gác lại các khác biệt để tham gia phát triển chung,’ và xử lý phù hợp các vấn đề nhằm duy trì hòa bình và bình yên trong khu vực”.


Tuy nhiên, hãng tin của Trung Quốc không đưa tin việc Chủ tịch Việt Nam có nhắc tới biển Đông trong cuộc gặp với ông Tập hay không.


Trang web của Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đưa tin về cuộc gặp giữa chủ tịch hai nước hôm 19/1, nhưng không thấy đề cập tới lời kêu gọi giải quyết song phương biển Đông của ông Tập.


Trang này viết: “Tại cuộc hội đàm cấp cao giữa Việt Nam - Trung Quốc, hai nhà lãnh đạo cho rằng quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc thời gian qua tiếp tục duy trì đà phát triển tích cực; việc tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác sâu rộng, toàn diện giữa hai đảng, hai nước là phù hợp với lợi ích căn bản của nhân dân hai nước”.


Website của Bộ Ngoại giao Việt Nam nói thêm rằng ông Quang và ông Tập “cũng cho rằng trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đang diễn biến phức tạp, hai bên cần thường xuyên trao đổi chiến lược, giải quyết ổn thỏa bất đồng, thúc đẩy hợp tác vì lợi ích chung của nhân dân hai nước cũng như vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực”.


Đây là cuộc gặp đầu tiên với nhà lãnh đạo Trung Quốc của ông Quang trên cương vị Chủ tịch Việt Nam.


Theo báo chí Việt Nam, ngoài cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc, ông Quang còn tiếp xúc và thảo luận với nhiều nhà lãnh đạo thế giới tham dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương ở thủ đô Lima của Peru, như Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama.


“Chia rẽ và chế ngự” 


Tuần trước, hãng tin Reuters đưa tin rằng Cơ quan Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Chiến lược Quốc tế ở thủ đô Washington công bố các hình ảnh vệ tinh cho thấy Việt Nam mở rộng một đường băng ở quần đảo Trường Sa. Bắc Kinh sau đó đã kêu gọi Hà Nội “ngừng xây dựng trên biển Đông”.


Ngoài việc kêu gọi Việt Nam giải quyết song phương vấn đề biển Đông, theo Xinhua, ông Tập cũng lên tiếng như vậy trong cuộc gặp với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.


Nhà lãnh đạo Trung Quốc kêu gọi ông Duterte “tích cực cân nhắc hợp tác hàng hải và thúc đẩy sự trao đổi tích cực trên biển” để biến biển Đông thành “một cơ hội cho hợp tác hữu nghị song phương”. 


Theo Reuters, những tuyên bố của ông Tập cho thấy việc Bắc Kinh tiếp tục phản đối các nước khác hoặc các tổ chức quốc tế tham gia xử lý tranh chấp biển Đông giữa Trung Quốc và các nước khác như Việt Nam hay Philipppines.


Hãng tin của Anh dẫn lời các chuyên gia nói rằng Bắc Kinh muốn áp dụng chiến thuật “chia rẽ và chế ngự” thay vì để cho các đối thủ hợp lực với nhau.


Bắc Kinh thời gian qua đã nhiều lần cáo buộc Hoa Kỳ khuấy động biển Đông, đồng thời phản đối phán quyết nghiêng về Philippines hồi tháng Bảy của Tòa Trọng tài Quốc tế. - VOA


***

Bên lề Diễn Đàn Hợp Tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương- APEC đang diễn ra tại thủ đô Lima, Peru, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang đã có buổi làm việc riêng ngày 19/11/2016.


Theo thông tin ngày 20/11/2016 của Tân Hoa Xã, được Reuters trích dẫn, chủ tịch Trung Quốc tuyên bố hai nước nên « giải quyết tranh chấp thông qua thảo luận và đối thoại song phương, tôn trọng con đường hợp tác (...) loại bỏ các bất đồng và tham gia vào phát triển chung  và giải quyết đúng đắn mọi vấn đề để duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực ».


Cũng trong buổi làm việc song phương, chủ tịch Trung Quốc khẳng định ủng hộ Việt Nam tổ chức thượng đỉnh APEC 2017.


Về phần mình, chủ tịch Trần Đại Quan nhấn mạnh Việt Nam cam kết phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước và vui mừng khi thấy quan hệ song phương phát triển nhanh trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, Tân Hoa Xã không cho biết chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang có cùng quan điểm về Biển Đông với người đồng cấp Tập Cận Bình hay không.


Ngày 17/11/2016, căn cứ vào các hình ảnh chụp từ vệ tinh, Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế của Mỹ tiết lộ Việt Nam đã mở rộng một đường băng trên đảo Trường Sa Lớn. Theo giới phân tích, hành động này nhằm đáp trả các hoạt động bồi đắp và nâng cấp cơ sở hạ tầng nhằm mục đích quân sự của Trung Quốc trên nhiều đảo nhân tạo tại Biển Đông. - RFI

|

|


14.

Tàu Việt Nam và Indonesia đâm nhau, 3 người chết


Một vụ va chạm giữa một tàu chở hàng của Việt Nam và một chiếc tàu của Indonesia ngoài khơi tỉnh Đông Java của nước này đã làm 3 người chết và 12 người khác mất tích.


AP dẫn lời cơ quan cứu hộ của Indonesia cho biết rằng tàu MV Thaison 4 của Việt Nam và tàu chở 27 người của Indonesia đâm nhau sớm hôm 19/11.


Truyền thông dẫn lời các nhân chứng cho biết chiếc tàu của Indonesia bị lật sau khi bị tàu hàng Việt Nam đâm từ phía sau.


Tàu chở bột sắn của Việt Nam đã được đưa về một thị trấn của Indonesia để điều tra.


Tất cả các nạn nhân là từ tàu của Indonesia. 12 người đã được cứu và được đưa tới bệnh viện để khám.


AP dẫn cơ quan cứu hộ quốc gia Indonesia cho biết rằng chiều hôm 20/11, họ đã phát hiện 3 thi thể ở đuôi tàu gặp nạn.


Cuộc tìm kiếm những người mất tích vẫn đang được tiến hành với sự hỗ trợ của hai tàu chiến của Indonesia.


AP đưa tin, tai nạn đường biển thường xảy ra ở Indonesia, quốc đảo lớn nhất thế giới, nơi tàu bè là hình thức đi lại rẻ tiền được nhiều người ưa chuộng. - VOA

|

|


15.

Mỹ giúp VN chống buôn lậu động vật hoang dã


Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius hôm 18/11 công bố “Dự án bảo tồn các loài quý hiếm” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ với mục tiêu giúp Việt Nam giảm tội phạm về các loài hoang dã.


Theo cơ quan đại diện ngoại giao Mỹ tại Hà Nội, dự án trị giá 10 triệu đôla được thực hiện trong 5 năm này “sẽ giúp giảm nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm trái phép từ các loài hoang dã, nâng cao năng lực thi hành pháp luật và xét xử tội phạm về các loài hoang dã, đồng thời kiện toàn và thống nhất khuôn khổ pháp lý cho hoạt động chống tội phạm về các loài hoang dã ở Việt Nam”.


Đại sứ Mỹ công bố dự án mới trên tại buổi toạ đàm có chủ đề “Đối tác Sáng tạo chống buôn lậu các loài hoang dã” được tổ chức tại Trung tâm Hoa Kỳ tại Hà Nội.


Ông Osius phát biểu: “Việt Nam là quốc gia ưu tiên của Chính phủ Hoa Kỳ trong Tuyên bố Hành pháp của Tổng thống [Mỹ] và Chiến lược Quốc gia Hoa Kỳ về Chống Buôn lậu các Loài hoang dã, vì vậy chúng tôi vui mừng hợp tác với Chính phủ Việt Nam, các nhóm bảo tồn trong nước và các cộng đồng địa phương để tạo nên chuyển biến thực sự trong công tác bảo tồn các loài có nguy cơ tuyệt chủng và các loài đặc hữu trong nước”.


Theo Đại sứ quán Mỹ, tội phạm toàn cầu về các loài hoang dã tiếp tục gia tăng nhanh chóng và hiện đã đến mức khủng hoảng. Hoạt động săn bắt và buôn bán bất hợp pháp động vật biển và động vật sống trên cạn có giá trị ước tính 20 tỷ đô la Mỹ mỗi năm. Với tốc độ hiện tại, các chuyên gia dự đoán rằng những loài nguy cấp mang tính biểu tượng nhất của thế giới, trong đó có tê giác, voi và hổ sẽ biến mất khỏi hành tinh trong vòng một thập kỷ tới.


Dự án của Mỹ được công bố đúng ngày kết thúc hội nghị quốc tế cấp cao lần thứ 3 về chống buôn bán trái pháp luật các loài động vật, thực vật hoang dã ở Hà Nội, với sự chủ trì của Hoàng tử Anh William.


Việt Nam hôm 12/11 đã thiêu hủy nhiều tấn ngà voi và sừng tê giác, trị giá hơn 7 triệu đôla theo giá “chợ đen”, trong sự bảo vệ của lực lượng an ninh vũ trang.


Đây là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện việc thiêu hủy công khai quy mô lớn để phát đi thông điệp cứng rắn trong cuộc chiến chống tình trạng buôn bán các sản phẩm động vật trái phép. - VOA

No comments:

Post a Comment