Wednesday, June 15, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Tư 15/6

Tin Thế Giới

1.
Biển Đông: ASEAN ra tuyên bố cứng rắn nhưng lại phải thu hồi

Biển Đông quả là một vấn đề luôn khuấy động quan hệ ASEAN-Trung Quốc. Ngày 14/06/2016, trong khuôn khổ một hội nghị "đặc biệt" với Trung Quốc tại Vân Nam, các ngoại trưởng ASEAN đã nhất trí trên một bản tuyên bố chung với nội dung được đánh giá là cứng rắn khác thường, chỉ trích các hành động quyết đoán của Trung Quốc tại Biển Đông. Thế nhưng chỉ vài giờ sau khi được công bố, khối Đông Nam Á đã chính thức thu hồi bản tuyên bố, viện lý do "nhầm lẫn". Nhiều chuyên gia khẳng định : Chính Trung Quốc đã gây sức ép buộc ASEAN rút lại bản tuyên bố.

Sự cố hiếm thấy này khởi nguồn từ một bản tuyên bố chung, do Ban Thư Ký ASEAN gởi đến hãng tin Pháp AFP vào tối ngày 14/06 , nội dung bày tỏ "mối quan ngại sâu sắc" trước các diễn biến mới đây trên Biển Đông.

Dù không nêu đích danh Trung Quốc, nhưng rõ ràng là các ngoại trưởng ASEAN đã nhắm vào các động thái quyết đoán gần đây của Bắc Kinh trên Biển Đông khi bày tỏ: "Mối quan ngại sâu sắc trước các diễn biến gần đây, vốn làm xói mòn niềm tin và sự tin tưởng, làm leo thang căng thẳng và có nguy cơ ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông".

Các ngoại trưởng ASEAN đồng thời nhấn mạnh đến: "Tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, tuân thủ luật pháp quốc tế bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982".

Theo nhận xét của AFP, thông điệp với lời lẽ mạnh mẽ khác thường đó là một tín hiệu ngoại giao cứng rắn gửi tới Trung Quốc, nước đã đứng ra tổ chức một hội nghị đặc biệt cấp ngoại trưởng với khối ASEAN.

Malaysia là nước đầu tiên đã công bố bản tuyên bố chung về Biển Đông sau khi được Ban Thư Ký ASEAN bật đèn xanh. Thế nhưng, chỉ 4 tiếng đồng hồ sau, cũng chính Ban Thư Ký ASEAN đã loan báo "thu hồi" văn kiện này, với lý do là "cần điều chỉnh khẩn cấp một số điểm".

Vào ngày 15/06, đến lượt Indonesia lên tiếng giải thích, cho rằng ASEAN đã nhầm lẫn trong văn kiện được gởi đến truyền thông vào tối hôm trước. Theo một phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Indonesia, văn kiện mà Malaysia đã cho lưu hành không phải bản tuyên bố chung, mà thực ra chỉ là một "bản hướng dẫn", để cho các ngoại trưởng ASEAN sử dụng trong cuộc họp báo sẽ mở ra sau hội nghị ASEAN-Trung Quốc.

Nguyên do dẫn đến sự cố kể trên là gì vẫn là một điều không rõ ràng, nhưng kết quả cụ thể là đối với ASEAN, bản tuyên bố chung nói trên không hề tồn tại. Ban Thư Ký ASEAN, trụ sở tại Jakarta vào ngày 15/06 đã khẳng định với AFP rằng không hề có một thông cáo chính thức nào được công bố sau Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN-Trung Quốc ở Vân Nam.

Đối với Trung Quốc cũng vậy. Tại hội nghị Vân Nam, ASEAN không hề ra tuyên bố nào về Biển Đông. Khi được hỏi về sự tồn tại của bản tuyên bố đó, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lục Khảng khẳng đinh rằng "Chúng tôi đã kiểm tra bên phía ASEAN, và cái gọi là tuyên bố mà hãng tin AFP nói đến không phải là một văn kiện chính thức của ASEAN".

Về việc thu hồi bản tuyên bố, theo AFP, có hai luồng ý kiến, bên cho rằng đúng là đã có nhầm lẫn như Indonesia nêu lên, nhưng một bên kia khẳng định rằng chính Trung Quốc đã gây sức ép, buộc ASEAN thu hồi văn kiện chỉ trích Bắc Kinh. - RFI
|
|

2.
Bắc Triều Tiên có thể đã chế tạo hơn 21 đầu đạn hạt nhân

Một trung tâm nghiên cứu của Mỹ ước tính Bình Nhưỡng có thể đã chế tạo được thêm 6 đầu đạn hạt nhân trong vòng 18 tháng qua, nâng tổng số đầu đạn hạt nhân này lên 21,thậm chí còn nhiều hơn nữa.

Viện Nghiên Cứu và An Ninh Quốc Tế ISIS đặt tại Washington đã đưa ra ước tính dựa trên phân tích sản xuất plutonium để chế tạo vũ khí và làm giàu uranium tại lò phản ứng hạt nhân Yongbyon nằm trong khu phức hợp đặt ở phía Bắc Bình Nhưỡng.

Tuần trước, trong một cuộc họp báo ở Vienna, ông Yukiya Amano, tổng thư ký Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (AIEA) cho biết dường như Bình Nhưỡng đã kích hoạt lại lò hạt nhân Yongbyon để tái chế plutonium nhằm sản xuất vũ khí hạt nhân. Do không có quan sát viên trực tiếp tại Bắc Triều Tiên, AIEA chỉ có thể căn cứ vào việc phân tích các hình ảnh vệ tinh để ước tính.

Cuối năm 2014, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế cho rằng Bình Nhưỡng sở hữu khoảng 10-16 đầu đạn hạt nhân. Tối thứ ba 14/06/16, cơ quan này tuyên bố Bắc Triều Tiên có thể đã chế tạo thêm được 4-6 đầu đạn, nâng tổng số đầu đạn hạt nhân trong kho vũ khí của nước này lên 13-21 đầu đạn. Đó là chưa tính tới việc Bình Nhưỡng có thể đã cho xây dựng thêm một lò phản ứng khác để làm giàu uranium. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Tổng thống Obama đáp trả chỉ trích của ông Trump --- Mùa bầu cử sơ bộ tổng thống Mỹ 2016 kết thúc --- Tin tặc Nga tiếp cận nhiều thông tin dùng để chống lại ông Trump

Tổng thống Barack Obama hôm 14/6 đã mạnh mẽ bênh vực chiến lược của ông và thành tích của quân đội Mỹ trong chiến dịch toàn cầu hủy diệt Nhà nước Hồi Giáo, khi ông đáp trả những lời chỉ trích gay gắt của ông Donald Trump, người được xem là được đảng Cộng hòa đề cử tranh chức vụ Tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử tháng 11 năm nay. Thông tín viên Richard Green của đài VOA gửi về bài tường thuật.

Hôm 13/6, ông Trump cáo buộc Tổng thống Obama có thái độ sợ sệt vì lý do chính trị khi từ chối không dùng từ “Hồi Giáo cực đoan” hay là “khủng bố Hồi Giáo” để nói tới vụ nổ súng làm chết nhiều người ngày 12/6 vừa qua tại một hộp đêm ở Orlando, tiểu bang Florida.

Lúc đầu Tòa Bạch Ốc đã bác bỏ chỉ trích của ông Trump là “quá nhỏ nhen” để bình luận. Tuy nhiên, Tổng thống Obama đã trực tiếp nói tới những phát biểu của ông Trump một ít lâu sau khi ông họp với toán cố vấn an ninh quốc gia. Ông cho rằng những phát biểu của ông Trump là một luận điệu chính trị sai lầm:

“Những tổ chức như Nhà nước Hồi Giáo và Al-Qaida muốn làm cho cuộc chiến này trở thành một cuộc chiến tranh giữa Hồi Giáo và nước Mỹ hay giữa Hồi Giáo và phương Tây. Họ muốn tự nhận là những lãnh tụ thực sự của hơn một tỉ người Hồi Giáo trên toàn thế giới, là những người bác bỏ quan điểm điên rồ của họ. Họ muốn chúng ta công nhận họ bằng cách cho rằng họ nói lên tiếng nói của hơn một tỉ người Hồi Giáo đó. Và rằng họ lên tiếng cho Hồi Giáo. Đó là luận điệu tuyên truyền của họ. Và đó là cách thức họ tuyển mộ chiến binh. Và nếu chúng ta rơi vào cái bẩy vơ đũa cả nắm đối với người Hồi giáo và nói rằng chúng ta đang có chiến tranh cả một tôn giáo thì chúng ta đã làm công việc khủng bố cho họ.”

Tuy nhiên ông Trump đã gia tăng sự chỉ trích nhắm vào Tổng thống Obama trong một cuộc vận động tranh cử tại thành phố Greensboro, tiểu bang North Carolina.

Ông Trump phát biểu: “Một trong những người trên truyền hình nói ‘có phải ông Trump đã nói trúng tẩy của tổng thống hay không.’ Nhưng ông ấy giận giữ nhiều hơn nữa - và nhiều người đã nói như thế này - đáng lẽ việc giận giữ này tổng thống nên dành cho tay súng, và những tên giết người đáng lẽ ra không được có mặt tại đây.”

Ông Trump nói nước Mỹ cần có những biện pháp để ngăn chặn những phần tử Hồi Giáo cực đoan vào Hoa Kỳ, đặc biệt là từ những nước có diều mà ông gọi là một “lịch sử” khủng bố.

Omar Mateen, tay súng trong vụ tàn sát tại hộp đêm ở Orlando, sanh tại Mỹ trong một gia đình người di dân Afghanistan. Tổng thống Obama nói những đề nghị của ông Trump cấm tất cả người Hồi Giáo di dân vào nước Mỹ phản bội “tất cả những giá trị mà nước Mỹ luôn ra sức bảo vệ.” - VOA

***
Mùa bầu cử sơ bộ của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 đã chính thức kết thúc hôm thứ ba trong lúc cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton đánh bại một cách dễ dàng Thượng nghị sĩ Bernie Sanders trong cuộc đầu phiếu tại thủ đô Washington.Thông tín viên Richard Green của đài VOA tường thuật.

Bà Clinton và ông Sanders hôm qua thảo luận riêng với nhau tại Washington về những đường lối và chủ trương mà đảng Dân chủ sẽ đưa ra tại đại hội đề cử ứng cử viên tổng thống vào tháng tới.

Trước đó, ông Sanders cho báo chí biết rằng ông sẽ thúc đẩy cho một chương trình nghị sự có tính chất tiến bộ.

"Chúng tôi sẽ tận lực tranh đấu để có được một đảng Dân chủ đại diện cho các gia đình của người lao động và những người có thu nhập thấp ở quốc gia này. Chúng tôi sẽ mang lại…chúng tôi đang bắt đầu nói về những vấn đề này ngay bây giờ…chúng tôi không biết một cách chính xác nhưng chúng tôi có khoảng 1.900 cho tới 2.000 đại biểu tham dự đại hội ở Philadelphia, Pennsylvania và tôi xin nói cho quí vị biết họ muốn gì: họ muốn thấy đảng Dân chủ được chuyển hoá, họ muốn thấy đảng Dân chủ đứng lên để đương cự với những người giàu có, những người có quyền thế và bắt đầu đại diện cho hàng triệu người đang bị tổn thương."

Sau cuộc họp tại Washington, cả hai ban vận động của ông Sander và bà Clinton đã đưa ra những thông cáo khá giống nhau. Họ cho biết hai chính khách này đã thảo luận với nhau về những ưu tiên chung như tăng mức lương tối thiểu, cải cách những luật lệ về tiền bạc dùng cho các cuộc vận động bầu cử và làm cho việc theo học đại học được dễ dàng hơn về mặt tài chánh.

Họ cũng đề cập tới việc cần phải đánh bại ông Donald Trump, người nắm chắc sự đề cử của đảng Cộng hoà để ra tranh cử tổng thống. Ông Sanders nói tỉ phú bất động sản này là người “hoàn toàn không thích hợp” để giữ chức tổng thống.

Một cuộc thăm dò của đài truyền hình NBC công bố hôm thứ 3 cho thấy số điểm mà bà Clinton dẫn trước ông Trump đã tăng tới 7 điểm.

Đại hội 3 ngày của Đảng Cộng hoà sẽ bắt đầu vào ngày 18 tháng 7 tại thành phố Cleveland, tiểu bang Ohio, và đảng Dân chủ sẽ nhóm họp ở Philadelphia một tuần sau đó. - VOA

***
Ủy ban Đảng Dân chủ Toàn quốc (DNC) hôm thứ Ba cho biết mạng máy tính của họ đã bị các tin tặc của chính phủ Nga xâm nhập, và họ đã truy cập những thông tin được dùng để chống lại ứng cử viên sắp được Đảng Cộng hòa đề cử tổng thống, Donald Trump.

Chủ tịch DNC Debbie Wasserman Schultz mô tả vụ việc là "nghiêm trọng" và cho biết Ủy ban đã nhanh chóng "trục xuất những kẻ xâm nhập và bảo mật mạng máy tính của chúng tôi" với sự giúp đỡ của công ty an ninh mạng CrowdStrike.

DNC cho biết vụ tấn công tin tặc này - được báo The Washington Post loan tin đầu tiên - dường như không dẫn tới những thông tin tài chính hoặc thông tin cá nhân nào.

Tờ báo dẫn lời những quan chức của Ủy ban và những chuyên gia an ninh cho biết những tin tặc đã truy cập được tất cả những email và những cuộc trò chuyện, và vào được mạng máy tính của DNC suốt khoảng một năm.

Nghị sĩ Đảng Dân chủ hàng đầu trong Ủy ban Tình báo Hạ viện Hoa Kỳ cho biết ông sẽ không nêu cụ thể chi tiết vụ việc, nhưng nói rằng việc Nga nhắm mục tiêu tấn công là điều nên được dự liệu.

Ông nói: "Dù tôi không thể đi vào chi tiết cụ thể của bất kỳ vụ tấn công hay vụ xâm nhập nào, trong bối cảnh mối quan hệ ngày càng mang tính đối đầu của chúng ta với Nga sau khi họ xâm lược Ukraine, chúng ta phải dự liệu rằng Nga sẽ nhắm mục tiêu tấn công không ngừng vào những tổ chức của chúng ta - và sẽ tấn công hành công những tổ chức nào không được phòng vệ kỹ càng."

Một phát ngôn viên của Đại sứ quán Nga nói với tờ báo rằng ông ta không hay biết gì về vụ xâm nhập. - VOA
|
|

4.
Tổng thống Mỹ tiếp Đạt Lai Lạt Ma tại Nhà Trắng --- TQ cảnh báo Tổng thống Obama chớ gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama ngày 15/06/2016 tiếp đón Đạt Lai Lạt Ma tại Nhà Trắng. Sự kiện này một lần nữa khiến Trung Quốc tức tối.

Cuộc hội đàm với lãnh tụ tinh thần Tây Tạng vào lúc 10 giờ 15 (14 giờ 15 GMT) không diễn ra tại "Phòng Bầu dục", mà trong "Phòng Bản đồ" và không mời báo chí tham dự.

Tổng thống Barack Obama và đức Đạt Lai Lạt Ma đã nhiều lần gặp gỡ. Hồi tháng 02/2014, Nhà Trắng đã thận trọng nhấn mạnh tiếp Đạt Lai Lạt Ma " với tư cách là lãnh tụ tinh thần và văn hóa được quốc tế tôn trọng ", hàm ý rằng không phải mời với tư cách lãnh tụ chính trị, và cũng không cho báo chí dự thính. Tuy vậy, ngay lập tức Bắc Kinh đã tố cáo đây là sự " can thiệp thô bạo " vào chuyện nội bộ của Trung Quốc.

Tháng 03/2014, Đạt Lai Lạt Ma lại đến Washington, nơi ông giành được cảm tình của cả cánh hữu lẫn cánh tả, để đọc kinh cầu nguyện theo truyền thống Tây Tạng trước khi khai mạc một phiên họp của Thượng Viện. Trong cuộc gặp các nghị sĩ Mỹ, ông kêu gọi Washington bảo vệ dân chủ và tuyên bố : " Hoa Kỳ là quốc gia lãnh đạo thế giới tự do ".

Đầu năm 2015, cũng tại thủ đô Hoa Kỳ, tổng thống Obama đã long trọng vinh danh đức Đạt Lai Lạt Ma trong một bài diễn văn, gọi ông là "một người bạn", cho dù không chính thức tiếp lãnh tụ tinh thần Tây Tạng. Theo tổng thống Mỹ, Đạt Lai Lạt Ma là " một ví dụ mạnh mẽ về ý nghĩa của tình thương, là nguồn cảm hứng khuyến khích chúng ta nói nhiều hơn về tự do và phẩm giá của mọi con người ".

Dù chính thức không còn hoạt động chính trị, đức Đạt Lai Lạt Ma luôn kêu gọi tự trị cho Tây Tạng, chứ không đòi hỏi độc lập. Người dân Tây Tạng tố cáo Bắc Kinh đàn áp tín ngưỡng và văn hóa của họ, và bị bỏ ngoài lề trong quá trình phát triển kinh tế của Trung Quốc. - RFI

***
Trung Quốc hôm 14/6 cảnh báo Tổng thống Obama chớ gặp Đức Đạt Lai Lạt ma và nói rằng làm như vậy có thể phương hại tới sự tin tưởng giữa hai nước.

Cuộc gặp gỡ được ấn định cho ngày 15/6, sẽ là một cuộc gặp riêng tư để tránh gây giận dữ cho Bắc Kinh, vốn coi Đức Đạt Lai Lạt ma là một nhân vật đòi ly khai nguy hiểm.

Tổng thống Obama đã nhiều lần gặp Đức Đạt Lai Lạt ma, vị lãnh tụ tinh thần được nhân dân Tây Tạng tôn sùng, và gọi ông là “một người bạn tốt”.

Nhưng Trung Quốc lo sợ cuộc gặp sẽ đánh đi một thông điệp sai lạc đến người dân Tây Tạng.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Lục Khảng, hôm 15/6 nói với các nhà báo: “Nếu cuộc gặp gỡ như vậy được tiến hành, nó sẽ đánh đi một tín hiệu không đúng tới thế lực đòi ly khai, đòi độc lập cho Tây Tạng, và như vậy sẽ phương hại tới sự tin tưởng và hợp tác giữa hai nước”.

Cuộc đối thoại giữa Đức Đạt Lai Lạt ma và chính quyền trung ương Trung Quốc đã đình chỉ từ năm 2010.

Người Tây Tạng lưu vong bầu lại thủ tướng của họ vào tháng Năm vừa rồi, và vẫn hy vọng có thể tiếp tục cuộc thảo luận với Trung Quốc về “một giải pháp trung dung” để Tây Tạng có quyền tự trị thật sự. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Cứu sống phi công trong tai nạn rớt chiến đấu cơ gần Nghệ An

Truyền thông Việt Nam đưa tin hôm 15/6 rằng Thiếu tá Nguyễn Hữu Cường, một trong hai viên phi công trong vụ rơi chiến đấu cơ SU-30 ngoài khơi bờ biển tỉnh Nghệ An ở miền trung, đã được cứu sống và đưa vào bờ.

Tin cho hay ông Cường và viên phi công còn lại đã nhảy dù khi đang bay huấn luyện vào sáng sớm 14/6 vì theo lời ông Cường “trong buồng lái có tiếng nổ”.

Ông Cường, 39 tuổi, đã được một tàu cá cứu. Ông cho biết sau khi nhảy dù ông và phi công Trần Quang Khải, 43 tuổi, “bị văng ra hai nơi cách nhau khoảng 4 kilomet”.

Địa điểm chính xác nơi máy bay gặp nạn vẫn chưa được xác định. Trong khi đó, nhà chức trách đang huy động tàu hải quân, biên phòng, cảnh sát biển, ít nhất 4 trực thăng và cả tàu cá của ngư dân để tìm kiếm viên phi công còn mất tích. Ông Khải là Phó trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Trung đoàn không quân 923.

Ông Đinh Viết Hồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, nói với báo chí rằng các tàu cá được chia làm 3 khu vực, dàn hàng ngang tìm kiếm trên diện tích biển từ Thanh Hóa vào đến Hà Tĩnh.

Khu vực máy bay bị nạn được cho là trên mặt biển cách bờ biển ở thị xã Cửa Lò, Nghệ An vài chục kilomet về phía đông. Tình hình thời tiết trong hai ngày 14 và 15/6 không có gì bất thường.

Trong điều kiện như vậy, việc tìm kiếm bằng trực thăng rất thuận lợi. Tuy nhiên, gần một ngày trôi qua kể từ thời điểm xảy ra tai nạn, một viên phi công được cứu là nhờ tàu cá, còn hơn một ngày trôi qua vẫn chưa tìm thấy viên phi công còn lại. Điều đó đặt ra câu hỏi lớn về khả năng cứu hộ bằng trực thăng ở Việt Nam. - VOA
|
|

6.
Một nhà ngoại giao VN gây tai nạn vì say rượu lái xe ở Ấn Độ

Một nhà ngoại giao cấp cao thuộc Đại sứ quán Việt Nam ở Ấn Độ đã gây tai nạn với chiếc xe của đại sứ quán chiều ngày 12/6.

Báo chí Ấn Độ hôm 15/6 cho hay vị bí thư thứ nhất của đại sứ quán Việt Nam đã đâm xe vào một chiếc xe khác rồi đâm tiếp vào tường một ngôi nhà ở khu vực Nam Dehli.

Bà Arti Gupta, 42 tuổi, là người dân có chiếc xe bị hư hại vì vụ tai nạn. Bà nói nhà ngoại giao Việt Nam đã say rượu và thậm chí không đứng nổi hay nói năng gì cả. Tên của nhà ngoại giao không được tiết lộ.

Cảnh sát đã lập hồ sơ về vụ tai nạn nhưng không kiểm tra y tế và bằng lái vì ông có quyền miễn trừ ngoại giao. Cảnh sát cũng nói rằng nhà ngoại giao “có vẻ như đã say rượu và hầu như không nói lên lời”. Vì vụ việc liên quan đến giới ngoại giao nên cảnh sát Dehli sẽ gửi báo cáo lên Bộ Ngoại giao.

Theo Luật hình sự của Ấn Độ, người bị kết án về tội lái xe ẩu có thể nhận mức án tối thiểu là 6 tháng tù giam hoặc bị phạt tiền. - VOA

No comments:

Post a Comment