Tuesday, June 7, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Ba 7/6

Tin Thế Giới

1.
Đối thoại Mỹ-Trung: Bắc Kinh không khoan nhượng về chủ quyền Biển Đông --- Mỹ, Trung: Ai chiếm thế thượng phong ở Biển Đông?

Bắc Kinh sẽ không nhượng bộ về yêu sách chủ quyền ở Biển Đông. Phía Trung Quốc hôm nay 07/06/2016 đã nhấn mạnh như trên, và như vậy cuộc đối thoại thường niên Mỹ-Trung kết thúc mà không có tiến bộ nào trong vấn đề này.

Trong hai ngày đàm phán tại Bắc Kinh, ngoại trưởng Mỹ John Kerry khuyến khích Trung Quốc nên giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Nhưng cố vấn chính phủ Dương Khiết Trì (Yang Jiechi), quan chức cao cấp nhất của Trung Quốc về ngoại giao, lại nói rằng Hoa Kỳ không nên dính dáng vào các xung đột diễn ra ở rất xa bờ biển nước mình, kể cả vụ kiện của Philippines tại Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye.

Dương Khiết Trì khằng định quan điểm của Bắc Kinh "phù hợp với luật quốc tế", nhấn mạnh rằng "đã và sẽ không thay đổi". Ông Dương nói vấn đề Biển Đông cần được các bên liên quan trực tiếp giải quyết, và kêu gọi Washington "nghiêm túc tôn trọng lời hứa không đứng về bên nào trong tranh chấp lãnh thổ".

Theo Dương Khiết Trì, Biển Đông "là lãnh thổ Trung Quốc kể từ thời cổ đại", và Bắc Kinh "có toàn quyền bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và các quyền hàng hải hợp pháp, chính đáng".

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói rằng Hoa Kỳ không thiên về nước nào trong vấn đề chủ quyền, nhưng tất cả các bên đều phải tỏ ra kềm chế. Ông tuyên bố: "Chúng tôi tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ về thương lượng và giải quyết một cách hòa bình, dựa trên luật pháp. Đồng thời cũng rất quan ngại trước bất kỳ hành động đơn phương của bên nào nhằm làm thay đổi nguyên trạng".

Trước đó, hôm thứ Bảy 5/6 bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố, các hoạt động của Hoa Kỳ tại châu Á-Thái Bình Dương luôn là "một trong những cam kết, quyết tâm và hòa nhập", và cảnh cáo Bắc Kinh "không nên có thái độ khiêu khích tại Biển Đông".

Trung Quốc yêu sách chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông, và ồ ạt xây dựng các đảo nhân tạo có thể sử dụng vào mục đích quân sự. Hoa Kỳ đáp trả bằng cách điều các chiến hạm đến tuần tra gần các đảo này, gây giận dữ cho Bắc Kinh.

Đối thoại Kinh tế và Chiến lược thường niên đã kết thúc một cách gay gắt, cho dù hai bên có nỗ lực làm dịu bớt những bất đồng. Tuyên bố trước báo chí, cả hai phía đều kêu gọi giải quyết hòa bình và tự do hàng hải, hàng không trong khu vực, nhưng cách nhìn rất khác nhau.

Cuộc đối thoại cũng trở nên u ám vì Hoa Kỳ quan ngại trước môi trường bất lợi cho kinh doanh ở Trung Quốc, tình trạng sản xuất dư thừa thép, và siết chặt hoạt động đối với các tổ chức phi chính phủ. - RFI

***
Trong lúc các giới chức cấp cao của Mỹ và Trung Quốc họp tại Bắc Kinh để tìm cách giải quyết những nguồn gây căng thẳng giữa hai nước, một cuộc tranh luận đã bùng ra về vấn đề nước nào chiếm thế thượng phong trong vụ tranh chấp ở Biển Đông hiện nay. Thông tín viên Michael Lipin của đài VOA tường thuật.

Trung Quốc đang chiếm đóng nhiều đảo nhỏ và bãi đá ở Biển Đông, nơi có tuyến vận chuyển then chốt của thương mại thế giới. Bắc Kinh đòi chủ quyền đối với hầu như toàn bộ vùng biển này, mặc dù năm chính phủ khác trong khu vực: (là) Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam cũng có những yêu sách chủ quyền chống lấn nhau và cũng chiếm đóng một số hòn đảo ở đây.

Hoa Kỳ bày tỏ lập trường trung lập đối với những vụ tranh chấp chủ quyền. Tuy nhiên, Washington thỉnh thoảng phái máy bay và tàu chiến tiến vào khu vực gần những hòn đảo do Trung Quốc kiểm soát và nói rằng họ muốn bảo vệ tự do hàng hải ở hải phận quốc tế.

Trung Quốc cho rằng những hành động đó của Mỹ là có tính chất gây hấn và có mục đích hậu thuẫn cho các nước đồng minh, như Philippines. Trong vài năm qua, Bắc Kinh cũng xây những hòn đảo nhân tạo trên 7 bãi đá mà họ kiểm soát và đã bố trí những khí tài quân sự trên một số đảo.

Ông Philip Reynolds là một nhà nghiên cứu về những vụ xung đột toàn cầu và là nghiên cứu sinh ban tiến sĩ của Đại học Hawaii. Ông cho rằng Trung Quốc đang chiếm thế thượng phong.

Trung Quốc đang nói rằng ‘Chúng tôi đang có mặt ở đây và các ông chẳng làm gì được cả.’ Đó chính là cơ sở của lập luận của tôi là Trung Quốc đang thắng, hoặc quả thật là họ đã thắng.

Ông Reynolds cho rằng cách thức duy nhất mà Mỹ có thể đảo ngược những vụ cải tạo, bồi đắp của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa là phát động một cuộc chiến tranh rất tốn kém mà người dân nước Mỹ không muốn. Ông nói rằng Bắc Kinh biết rõ điều đó và đó chính là lý do vì sao những hoạt động tự do hàng hải của Mỹ không khiến cho Trung Quốc phải làm điều gì khác hơn ngoài việc lớn tiếng phản đối.

Tôi không nghĩ rằng Trung Quốc nhất thiết phải tìm cách ngăn Mỹ hiện diện trong khu vực này. Mục tiêu của Trung Quốc là chứng tỏ cho mọi người thấy rằng Mỹ không thể ngăn chận sự hiện diện của Trung Quốc ở khu vực này.

Cả Washington lẫn Bắc Kinh đều tuyên bố họ muốn những vụ tranh chấp chủ quyền biển đảo được giải quyết thông qua đường lối ngoại giao.

Ông Bill Hayton, một chuyên gia Á châu của Viện Chatam House ở London, có một cái nhìn khác về những hành động của Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông.

Ông Hayton, tác giả cuốn “Biển Đông: Cuộc tranh giành Quyền lực ở Á châu”, tin rằng Bắc Kinh chưa “thắng” trong trận chiến với Mỹ, nhất là khi xét tới tình hình ở Bãi cạn Scarborough, nơi mà Trung Quốc và Philippines đều có yêu sách chủ quyền.

Trong những tuần lễ trước đó, có rất nhiều người bàn tán là Trung Quốc sẽ đưa nhiều tàu bè tới đó, họ chuẩn bị nạo vét để xây đảo nhân tạo hay xúc tiến những hoạt động tương tự như vậy. Nhưng chuyện đó đã không xảy ra. Và dường như Mỹ đã làm cho Trung Quốc sợ mà không thực hiện hoạt động xây dựng ở Scarborough. Nhưng chúng ta không thể biết chắc là có phải như vậy hay không.

Ông Hayton cũng cho biết Bắc Kinh đã không chiếm đóng hay khai thác bất kỳ một hòn đảo nhỏ nào ở Biển Đông trong hơn 20 năm bởi vì các nhà lãnh đạo Trung Quốc lo ngại về những hậu quả.

Họ biết là sẽ có một hậu quả rất lớn về mặt ngoại giao, làm cho vị thế của một bên có trách nhiệm của họ bị huỷ hoại hoàn toàn, và một hành động như vậy sẽ mâu thuẫn rất nhiều với Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 1982, nhiều đến độ nó sẽ phá huỷ uy tín của Trung Quốc và gây bất mãn cho toàn thể khu vực Đông Nam Á.

Uy tín của Trung Quốc sắp đối mặt với một mối đe dọa khác trong những tháng sắp tới.

Một tòa án trọng tài Liên Hiệp Quốc ở La Haye sắp đưa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines chống lại “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, một yêu sách mà Manila cho là không phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Bắc Kinh đã bác bỏ sự can dự của toà án La Haye vào vụ này và nói rằng vấn đề nên được giải quyết thông qua đàm phán trực tiếp với Manila.

Ông Hayton cho biết ông dự kiến toà án Liên Hiệp Quốc sẽ đưa ra phán quyết có lợi cho Philippines qua việc xác định là Trung Quốc không có đặc quyền kinh tế tại một số vùng ở Biển Đông. Nhưng ông nói rằng tác động của một phán quyết như vậy đối với lập trường của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ tuỳ thuộc vào phản ứng của họ.

Chúng ta phải xem liệu Trung Quốc có thật sự khuyến khích hay không khuyến khích tàu đánh cá của họ đến hoạt động tại những vùng đó, nếu toà án đưa ra phán quyết cho rằng Philippines có quyền tài phán tại những vùng đó.

Một sự thất bại tại toà án cũng sẽ củng cố quan điểm cho rằng Trung Quốc đang bị cô lập trên trường ngoại giao.

Phát biểu hôm thứ 6 vừa qua tại Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter nói rằng những hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông có thể làm cho Trung Quốc dựng lên “Vạn lý Trường thành của tự cô lập”. Ông cũng cho biết các nước đồng minh của Mỹ trong khu vực và các nước khác ở Á châu Thái Bình Dương chia sẻ mối lo ngại của Washington về những mưu đồ của Trung Quốc.

Trung Quốc đã tìm cách làm hạ giảm những mối lo ngại đó và nói rằng họ là sức mạnh của hoà bình và ổn định vì sẵn sàng giải quyết những vụ tranh chấp thông qua các cuộc đàm phán song phương với các lân bang nhỏ hơn.

Nhà nghiên cứu Reynolds của Đại học Hawaii cho biết Bắc Kinh cũng đang tranh thủ sự hậu thuẫn của các nước đồng minh.

Trung Quốc đang cố gắng rất nhiều để chiêu dụ Campuchia, ngõ hầu họ có thể có được một tấm chắn bên sườn để ứng phó với mối quan hệ giữa Mỹ với Việt Nam.

Hôm thứ hai, hãng tin Tân Hoa của nhà nước Trung Quốc trích lời Phó Thủ tướng Campuchia Hor Nam Hong nói với một giới chức Trung Quốc đang đi thăm Phnom Penh rằng ông ủng hộ lập trường của Trung Quốc. Tân Hoa Xã cũng cho biết Bắc Kinh đã tranh thủ được sự ủng hộ của các nước Phi châu như Tanzania, Uganda, Eritrea và Comoros.

Ông Reynolds cho rằng Trung Quốc đang tìm kiếm một giải thưởng lớn hơn trên trường ngoại giao. Ông nói “Cần phải lưu ý xem Liên bang Nga làm những việc gì. Nga và Trung Quốc đã cùng nhau thực hiện những cuộc diễn tập hải quân. Và tôi nghĩ rằng đó là một khối thế lực mà chúng ta cần lưu ý.” - VOA
|
|

2.
Ba Lan dẫn đầu cuộc thao dượt quân sự NATO

Ba Lan và hơn 20 nước thành viên NATO bắt đầu một cuộc thao dượt quân sự quy mô lớn hôm nay trong khuôn khổ của các nỗ lực trấn an các nước trung và đông Âu trước những hành động của Nga ở Ukraine.

Sáng thứ Ba, Điện Kremlin chính thức lên án cuộc thao dượt quân sự của NATO rằng việc làm đó không đóng góp cho sự tin tưởng và an ninh trên châu lục.

Căng thẳng giữa Nga và phương Tây tăng cao hơn trước kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Mặc dù Nga phản đối việc NATO mở rộng sang các quốc gia thuộc Liên Xô cũ, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg bảo đảm rằng “Chiến tranh Lạnh đã đi vào quá khứ và chúng tôi muốn giữ nguyên như vậy.”

Cuộc thao dượt quân sự Anakonda-16 dài 10 ngày do Ba Lan dẫn đầu với sự tham gia của 31.000 binh sĩ, 3.000 xe quân sự, 105 máy bay và 12 tàu chiến.

Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Antoni Macierewicz phát biểu: “Cuộc thao dượt quân sự Anakonda nhằm mục đích đánh giá khả năng bảo vệ an ninh của các thành viên NATO cho lãnh thổ ở mạn đông của liên minh.”

Tham mưu trưởng quân đội Mỹ, Trung tướng Mark Milley nói rằng Mỹ có một “mục đích duy nhất trong cuộc thao dượt này, và đó là “thể hiện sự tinh thần sát cánh với nhân dân Ba Lan. Chúng tôi sat cánh với quân đội Ba Lan. Chúng tôi sát cánh với NATO để bảo đảm rằng tất cả các nước thành viên NATO tiếp tục tự do và độc lập.” - VOA
|
|

3.
Campuchia, Thái Lan nhảy không đồng điệu?

Các giới chức chính phủ Thái Lan đang tìm cách xoa dịu sự phẫn nộ trên mạng xã hội ở nước láng giềng Campuchia về di sản của một môn nghệ thuật cổ điển được trình diễn ở cả hai quốc gia Ðông Nam Á này.

Phó Thủ tướng Thái Lan Wissanu Kreau-ngam nói Campuchia cũng được hoan nghênh về việc đăng ký sở hữu tài sản văn hóa vô hình của môn nghệ thuật này với UNESCO.

Theo Bộ trưởng Văn hóa Thái Lan, ông Weera Rojpojanarat, quốc gia đang đặt dưới chế độ quân nhân cầm quyền này, đang thực hiện kế hoạch nộp hồ sơ đăng ký với UNESCO, vì tổ chức Liên hiệp quốc này không giới hạn số nước sở hữu những di sản văn hóa như vậy.

Bộ trưởng Văn hóa Thái Lan nói rằng Campuchia, Indonesia và Thái Lan cùng tuyên bố sở hữu môn rối bóng, cũng giống như cả Argentina và Uruguay đều đăng ký sở hữu điệu nhảy tango trên danh sách của UNESCO. Ông cũng đưa ra dẫn chứng rằng hai nước thù địch Triều Tiên cùng đăng ký món kim chi là tài sản văn hóa về món ăn của họ.

Chuyện của môn hát bội

Nhưng người Campuchia lên mạng xã hội cảnh cáo kế hoạch đăng ký sở hữu di sản môn hát bội mà tiếng Thái gọi là Khon còn tiếng Campuchia gọi là Khol, và tiếng Lào gọi là Pra Lak Pra Ram. Họ nói đó là di sản của người Khmer, còn phiên bản của Thái sau này mới có và bắt chước.

Các đăng tải trên mạng xã hội của bộ văn hóa Campuchia tìm cách làm lắng dịu những phản đối về tuyên bố của Thái Lan rằng những phản ứng đó có thể “gây phương hại cho quan hệ giữa hai nước.”

Một hình ảnh khẳng định Campuchia sở hữu môn nghệ thuật này được loan truyền hơn 10.000 lần trong 3 ngày qua trên Facebook.

Thậm chí Thủ tướng Hun Sen cũng can thiệp vào tranh cãi này bằng một đăng tải trên Facebook bác bỏ tin nói rằng chính phủ của ông không quan tâm đến vấn đề này. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Cái chết của nhà báo Mỹ nêu bật mối nguy hiểm của nghề làm báo

Cái chết của một nhà báo của NPR và thông dịch viên của ông ở nam Afghanistan hôm Chủ Nhật một lần nữa khẳng định rằng nghề báo là một trong những nghề nguy hiểm nhất trên thế giới. Một số nhà báo vô tình bị thiệt mạng ở những vùng chiến sự hoặc trong khi đưa tin về các cuộc xung đột bạo lực; những người khác là mục tiêu của bọn tội phạm, các phe cánh chính trị hay bọn khủng bố. Năm ngoái, hơn 70 nhà báo đã thiệt mạng trên khắp thế giới. Thông tín viên đài VOA Zlatica Hoke tường trình rằng họ đã được vinh danh tại một sự kiện ở Washington hôm thứ Hai.

Bảo tàng về nghề báo có tên Newseum ở Washington đã tổ chức một buổi lễ để tưởng nhớ 20 nhà báo nam nữ của 11 nước đã thiệt mạng trong năm 2015 khi họ tác nghiệp.

Ông Jeffrey Herbst, một viên chức của Bảo tàng Newseum, cho biết:

“Năm 2015 là một năm đặc biệt thảm khốc đối với các nhà báo và đó là lý do chúng tôi chọn ra 20 người, một con số cao hơn nhiều so với bình thường, để đại diện cho tất cả những người đã thiệt mạng”.

Tên của 20 nạn nhân đã được bổ sung vào Đài Tưởng niệm Các Nhà báo, một cấu trúc bằng kính ghi danh gần 2.300 nhà báo thiệt mạng khi tác nghiệp kể từ năm 1837.

Tám nhà báo đã bị sát hại trong vụ tấn công khủng bố vào tạp chí châm biếm Charlie Hebdo của Pháp. Đại sứ Pháp tại Mỹ, ông Gerard Araud, cảnh báo với cử tọa ở Washington rằng tự do báo chí thường bị bóp nghẹt với cái cớ chống khủng bố.

“Nước Pháp không chỉ nói đãi bôi về tự do báo chí. Pháp hành động để biến điều đó thành hiện thực. Đó là lý do vì sao chúng tôi đang bảo vệ nguyên tắc này bằng cách cho giới truyền thông được miễn áp dụng một số điều luật cũng như không phải tuân theo tình trạng khẩn cấp được áp dụng sau các vụ tấn công ở Paris hồi tháng 11 năm ngoái”.

Trong khi những kẻ khủng bố, quân nổi dậy và thậm chí một số chính quyền sát hại các nhà báo để kiểm soát việc lan truyền thông tin, thì ở Mỹ, những nhân viên trong giới truyền thông thường là nạn nhân của những tay súng riêng lẻ. Nhiếp ảnh gia Joseph Goulart ở Wichita đã bị một kẻ bắn tỉa giết hại năm 1976. Con gái ông, Vicky Horton, đã dự buổi lễ ở Newseum và phát biểu như sau.

“Buổi lễ tưởng nhớ đến ông và tất cả những người đã hy sinh rất nhiều cho tất cả chúng ta, không chỉ ở nước Mỹ, mà trên toàn thế giới, và buổi lễ giữ cho hình ảnh ông luôn sống trong trái tim tôi”.

Một nhà báo đồng nghiệp đã bắn chết phóng viên Alison Parker và nhà quay phim Adam Ward ở Virginia khi họ đang tường thuật trực tiếp trên đài truyền hình địa phương. Kẻ sát nhân điên khùng đã ghi hình vụ giết chóc và đăng trên mạng. Cha của Parker nói việc vận động cho kiểm soát súng giúp ông chống chọi với nỗi đau tuyệt vọng.

“Tôi ước gì tôi không có mặt ở đây và không có lý do gì phải có mặt ở đây”.

Các nhà báo khác được vinh danh hôm thứ Hai là những người Bangladesh, Brazil, Cộng hòa Dân chủ Congo, Iraq, Mexico, Pakistan, Somalia, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. - VOA
|
|

5.
Bà Clinton nắm chắc sự đề cử của đảng Dân chủ

Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đã trở thành người phụ nữ đầu tiên nắm chắc sự đề cử của một trong hai đảng chính để làm ứng cử viên tổng thống Mỹ. Mời quí vị theo dõi chi tiết về diễn tiến có tính chất dấu mốc này qua bài tường thuật của thông tín viên Richard Green.

Bà Clinton sẽ không chính thức trở thành ứng cử viên của đảng Dân chủ cho tới khi đại hội toàn quốc của đảng này diễn ra vào tháng sau ở Philadelphia, nhưng bà đã giành được 2.383 phiếu đại biểu để đánh bại Thượng nghị sĩ Bernie Sanders của tiểu bang Vermont.

Tối hôm qua, bà Clinton bày tỏ sự dè dặt khi phát biểu tại một cuộc mít tinh gần Los Angeles.

"Tôi phải nói với các bạn như thế này: theo như tin tức, thì chúng ta đang đứng bên cạnh một thời điểm lịch sử, trước đây chưa từng có, nhưng chúng ta vẫn còn nhiều việc cần phải làm. Chúng ta có 6 cuộc bầu cử vào ngày mai và chúng ta sẽ ra sức tranh đấu để giành được tất cả mọi lá phiếu, nhất là ở ngay California đây."

Ông Sanders, trong khi đó, đã phớt lờ những con số tổng kết về phiếu đại biểu mà các cơ quan truyền thông đưa ra. Ông tiên đoán là ông sẽ giành được thắng lợi lớn trong các cuộc bầu cử sơ bộ ở California và 5 tiểu bang khác và cam kết sẽ tiếp tục tranh giành sự đề cử cho tới phút cuối.

"Nếu tỉ lệ cử tri đi bầu ở mức cao, nếu những người lao động và người trẻ rủ nhau đi bầu thật đông đảo, để đòi có được một chính phủ đại diện cho tất cả mọi người chúng ta chứ không chỉ đại diện cho 1% [những người giàu nhất], thì chúng ta sẽ thắng lớn. Và nếu chúng ta có thể thắng ở đây -- ở California, thắng ở South Dakota, North Dakota, Montana, New Mexico, có kết quả khả quan ở New Jersey, thì chúng ta sẽ tiến tới đại hội đó với một đà tiến vô cùng mạnh mẽ."

Ông Michael Briggs, người phát ngôn của ông Sanders, đã đưa ra một thông cáo cho rằng bà Clinton chỉ có thể tuyên bố chiếm được đa số phiếu đại biểu nếu bà tính luôn con số mấy trăm siêu đại biểu – là những người đang ủng hộ bà nhưng có quyền thay đổi ý kiến trước đại hội đảng.

Ông Briggs cho biết ban vận động của ông Sanders sẽ bắt đầu tìm cách thuyết phục các siêu đại biểu để họ tin rằng vị thượng nghị sĩ kỳ cựu này là ứng cử viên mạnh nhất để tranh với tỉ phú Donald Trump, người được xem là nắm chắc sự đề cử của đảng Cộng hoà, trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11.

Hôm nay là ngày quan trọng cuối cùng trong tiến trình bầu cử sơ bộ và là ngày định đoạt hầu như toàn bộ 851 phiếu đại biểu còn lại. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

6.
Việt Nam ‘mời’ tàu chiến Trung Quốc vào Cam Ranh --- Việt Nam đối phó ra sao với ADIZ của Trung Quốc ở Biển Đông? --- Trung Quốc xây bệnh viện trên Đá Chữ Thập ở Biển Đông

Một quan chức quốc phòng cấp cao của Việt Nam vừa lên tiếng trước thông tin mời tàu chiến Trung Quốc vào cảng Cam Ranh chiến lược.

Bên lề diễn đàn an ninh khu vực cuối tuần qua, Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh cho biết rằng Việt Nam không chỉ mời tàu Trung Quốc mà còn cả tàu của các nước khác.

Báo điện tử Zing News dẫn lời ông Vịnh nói: “Về lâu dài, cảng Cam Ranh sẽ được sử dụng trong mục đích kinh tế, vừa để phục vụ mục tiêu đối ngoại nhằm tăng cường mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và các nước”.

Còn về câu hỏi rằng liệu Việt Nam có kế hoạch mở cửa các căn cứ quân sự cho nước ngoài sử dụng hay không, quan chức quốc phòng này nói “Việt Nam không có các căn cứ quân sự để nước khác sử dụng”.

“Tất cả các căn cứ quân sự đều do Việt Nam quản lý và sử dụng. Khi những tàu các nước đến thăm đều là các chuyến thăm hữu nghị trong khuôn khổ những chương trình hợp tác”, ông Vịnh nói.

Trước phát biểu của ông Vịnh, tờ Hoàn Cầu Thời Báo thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc viết rằng “sau Nhật, Nga, Pháp và Ấn Độ, chiến hạm Trung Quốc nhận được lời mời của Việt Nam thăm cảng Cam Ranh, một con bài vạn năng của ngoại giao Việt Nam”.

Tờ báo nhiều lần chỉ trích Việt Nam xích lại gần Mỹ bình luận thêm rằng đây là động thái “khiến dư luận ít nhiều cảm thấy ngạc nhiên”, đồng thời đặt câu hỏi “phải chăng Việt Nam đã thực sự tận dụng tối đa Cam Ranh trên cả lĩnh vực quân sự, ngoại giao và kinh tế?”

Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La cuối tuần trước, Thứ trưởng Vịnh không cụ thể đề cập tới biển Đông và Trung Quốc, nhưng nói rằng “tất cả các quốc gia cần phải “Hợp tác và đấu tranh để giải quyết bất đồng, ngăn ngừa xung đột”, cũng như “tăng cường hợp tác cùng phát triển, xây dựng lòng tin, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau; đồng thời, thẳng thắn đấu tranh để tìm ra tiếng nói chung, lợi ích chung trong giải quyết tranh chấp, bất đồng”. - VOA

***
Theo nhiều dự đoán thì bước kế tiếp của Trung Quốc để áp đặt chủ quyền của họ trên Biển Đông sẽ là tuyên bố thiết lập một Vùng Nhận dạng Phòng không ( ADIZ ), tương tự như vùng mà Bắc Kinh đã lập trên biển Hoa Đông năm 2013.

Trong trường hợp đó, phản ứng của các nước khác, đặc biệt là Việt Nam, có thể sẽ là như thế nào? Đó là nội dung bài viết của giáo sư Alexander L. Vuving, thuộc Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á –Thái Bình Dương, Daniel K. Inouye (DKI-APCSS), đăng trên trang mạng The National Interest ngày 06/06/2016.

Trung Quốc được dự báo sắp tuyên bố lập ADIZ ở Biển Đông đúng vào lúc mà Tòa án Trọng tài Thường trực chuẩn bị ra phán quyết về vụ Philippines kiện bản đồ đường “lưỡi bò” mà Bắc Kinh tự vẽ ra để khẳng định chủ quyền của họ trên 80% diện tích vùng Biển Đông.

Nếu bản đồ đường “lưỡi bò” bị tòa án nói trên xem là phi pháp, thì ADIZ sẽ thay thế bản đồ này như là một công cụ pháp lý để tiếp tục áp đặt chủ quyền Trung Quốc trên Biển Đông. Như vậy, việc Bắc Kinh tuyên bố lập ADIZ là đúng thời điểm.

Theo giáo sư Alexander L. Vuving, trong trường hợp đó, Hoa Kỳ, vì không phải là một nước tranh chấp chủ quyền biển đảo của Trung Quốc, sẽ không thể làm gì khác hơn là gởi các oanh tạc cơ và chiến đấu cơ vào trong vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông để tỏ thái độ không chấp nhận quyết định này, tương tự như họ đã làm đối với ADIZ trên biển Hoa Đông.

Washington cũng có thể gia tăng tuần tra trên Biển Đông và điều thêm tàu và phi cơ đến sát các đảo mà Trung Quốc đang chiếm giữ. Nhưng sự hiện diện gia tăng này sẽ không thấm vào đâu so với đội ngũ hàng trăm tàu vũ trang của Trung Quốc thường xuyên có mặt tại Biển Đông.

Nhưng còn các nước tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông sẽ phản ứng như thế nào? Theo nhận định của giáo sư Alexander L. Vuving, trong ván bài này, các nước kia có những lá bài rất tốt, mà những lá bài tốt nhất là nằm trong tay Việt Nam.

Trước hết là đối với Philippines, nếu Trung Quốc lập ADIZ ở Biển Đông, Manila có thể tăng cường hiệp định hợp tác quốc phòng với Washington và cho Hoa Kỳ sử dụng thêm căn cứ hải quân của Philippines để nâng cao khả năng của Mỹ đối phó với Trung Quốc trên Biển Đông.

Về phần Malaysia và Việt Nam, theo giáo sư Vuving, có thể theo chân Philippines kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, cũng như cho Hoa Kỳ tiếp cận dễ dàng hơn các căn cứ hải quân và không quân trên các bờ biển hướng về Biển Đông. Về điểm này thì Việt Nam có lợi thế hơn vì Vịnh Cam Ranh và Đà Nẵng là hai địa điểm tốt nhất để vô hiệu hóa các tác động của những đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng ở Biển Đông.

Mặt khác, Việt Nam cũng có thể gây áp lực rất mạnh lên Trung Quốc nếu Hà Nội kiện Bắc Kinh ra trước tòa án quốc tế. Việc Trung Quốc lập ADIZ chồng lấn lên không phận Việt Nam sẽ là giọt nước làm tràn ly, Hà Nội sẽ không còn e ngại kiện láng giềng khổng lồ ra tòa.

Đối lại với ADIZ của Trung Quốc, Việt Nam, cùng với Philippines và Mmalaysia, cũng có thể tuyên bố lập một ADIZ riêng. Theo giáo sư Vuving, một vùng ADIZ của Việt Nam bao phủ luôn cả quần đảo Hoàng Sa sẽ gây những tác hại mà Trung Quốc cố tránh.

Lý do là vì cho tới nay Bắc Kinh chỉ công nhận có tranh chấp trên quần đảo Trường Sa, còn Hoàng Sa không có tranh chấp gì. Việc lập vùng ADIZ của Việt Nam, dù không phải là một hình thức khẳng định chủ quyền, coi như cũng là xác lập một sự quản lý của Việt Nam lên quần đảo Hoàng Sa, bị Trung Quốc chiếm giữ hoàn toàn và kiểm soát từ năm 1974.

Cho nên, giáo sư Vuving kết luận, việc Trung Quốc tuyên bố lập vùng ADIZ ở Biển Đông không hẳn là vấn đề thời điểm nữa, mà tùy thuộc nhiều vào phản ứng của các nước tranh chấp khác, đặc biệt là Việt Nam. - RFI

***
Hôm nay, 07/06/2016, tờ báo The South China Morning Post cho biết trong tháng Sáu này, Trung Quốc sẽ hoàn tất công trình xây dựng một bệnh viện trên một trong những đảo nhân tạo mà Bắc Kinh bồi đắp ở Biển Đông.

Báo The South China Morning Post, trích gẫn cổng thông tin chính thức của Trung Quốc Xinhuanet. com, cho biết công trình xây dựng bệnh viện trên Đá Chữ Thập ( Fiery Cross Reef ), Trường Sa, bắt đầu từ tháng 11 năm ngoái, sẽ được hoàn tất trong tháng 6 này và sẽ sớm được đưa vào sử dụng.

Theo nguồn tin nói trên, bệnh viện này sẽ có nhiều thiết bị hiện đại và các bác sĩ từ Hoa lục có thể, qua các phương tiện viễn thông, tham gia chẩn đoán và khám bệnh từ xa.

Trên đảo này còn có nhiều công trình dân sự khác, trong đó có một trại nuôi gà. Trong thời gian qua, Trung Quốc đã tăng tốc xây dựng các công trình, trong đó có cả các phi đạo, trên những đá và đảo nhỏ mà họ bồi đắp thành nhân tạo.

Năm ngoái, Bắc Kinh đã hoàn tất việc xây dựng ba ngọn hải đăng trên Đá Châu Viên (Cuarteron Reef), Đá Gạc Ma (Johnson South Reef), và Đá Xu Bi (Subi Reef), và sẽ xây hai hải đăng khác trên Đá Chữ Thập và Đá Vành Khăn (Mishcief Reef).

Trung Quốc vẫn khẳng định rằng những công trình nói trên, mặc dù một phần là nhằm mục đích quân sự, chỉ để phục vụ trong việc cung cấp thông tin thời tiết, tìm kiếm cứu nạn trên biển, hỗ trợ ngư dân. Nhưng những hành động này bị xem là mưu toan của Bắc Kinh nhằm áp đặt chủ quyền của họ trên vùng Biển Đông. - RFI

No comments:

Post a Comment