Friday, June 3, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Sáu 3/6

Tin Thế Giới

1.
Đối thoại Shangri-La và chủ đề Biển Đông

Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch hủy tham gia diễn đàn an ninh khu vực Đối thoại Shangri-La vào phút chót, hiện chưa rõ lý do.

Thay vào ông, Thứ trưởng Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh dẫn đầu đoàn Việt Nam và sẽ có bài tham luận vào ngày Chủ nhật 5/6.

Đây là năm thứ hai Việt Nam cử cấp thứ trưởng tham gia diễn đàn thường niên do Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), trụ sở chính tại London, tổ chức.

Đối thoại Shangri-La, bước vào năm thứ 15, được cho là hội nghi quan trọng về an ninh, nơi giới chức quốc phòng cao cấp của các nước có thể thảo luận và đối thoại trong môi trường không chính thức.

Tuy nhiên nhiều năm nay, diễn đàn này nóng lên vì tuyên bố nhiều khi cứng rắn của các bên, thí dụ trong vấn đề Biển Đông.

Mỹ-Trung tiếp tục đối đầu?

Ngoại trừ một năm Bắc Kinh điều bộ trưởng Quốc phòng tham gia hội nghị (Bộ trưởng Lương Quang Liệt năm 2011), trưởng đoàn Trung Quốc các năm là cấp Phó Tổng tham mưu trưởng.

Năm nay, cũng giống như năm ngoái, đó là Đô đốc Tôn Kiến Quốc.

Một trong các lý do là Bắc Kinh muốn giảm nhẹ tầm quan trọng của diễn đàn an ninh mà họ cho là luôn bị Hoa Kỳ thống lĩnh.

Hoàn Cầu Thời báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong bài xã luận sáng thứ Sáu 3/6 nói “không có gì lạ là Mỹ lại cầm đầu cuộc họp” tại Singapore lần này.

Còn hơn thế, vào buổi sáng trước khi Đối thoại Shangri-La mở màn, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter và người đồng nhiệm Singapore Ng Eng Hen đã có chuyến bay thị sát ngoài Biển Đông trên máy bay do thám P8 của Hoa Kỳ.

Hành động này được cho là nhắm vào Trung Quốc, cũng giống như ‘phép thử’ nhắm vào Washington mà Bắc Kinh đưa ra ngay trước hội nghị khi tung tin sắp thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông.

Liệu các động thái này có làm diễn đàn an ninh khu vực lần này nóng lên hay không?

Chủ nhật 5/6 này, Mỹ-Trung sẽ có vòng Đối thoại Chiến lược-Kinh tế cấp bộ trưởng thường niên.

Trước các cuộc họp chính thức, giới quan sát cho rằng Hoa Kỳ muốn tăng áp lực để làm đòn bẩy thế nhưng Trung Quốc sẽ không để cuốn theo áp lực của Hoa Kỳ.

Không phải ngẫu nhiên mà một trong các chủ đề trên nghị trình của Đối thoại Shangri-La lần này là ‘quản lý cạnh tranh’.

Ngay trước thềm hội nghị, Đại tá Chu Ba từ Trung tâm Quan hệ Quốc phòng Trung-Mỹ thuộc Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc trong một bài viết đã cảnh báo rằng mấu chốt của quan hệ Mỹ-Trung là ‘quản lý bất đồng’.

Đối thoại Shangri-La diễn ra ngay trước khi Tòa trọng tài quốc tế đưa ra phán quyết được trông đợi là sẽ bất lợi cho Bắc Kinh về vụ kiện của Philippines đối với yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trung Quốc nhiều lần tuyên bố không tham gia vụ kiện và do đó sẽ nỗ lực không để hội nghị bàn luận quá nhiều về các vấn đề pháp lý liên quan Biển Đông mà nước này gọi là Nam Hải.

Hoạt động của đoàn Việt Nam

Ngược lại với Trung Quốc, Biển Đông là một trong các chủ đề quan tâm chính của Việt Nam tại các diễn đàn an ninh quốc tế.

Các cấp cao nhất của Việt Nam đều từng có phát biểu nêu quan tâm và quan ngại về căng thẳng liên quan trực tiếp quyền lợi của Việt Nam tại vùng biển này.

Người ta trông đợi trưởng đoàn Việt Nam lần này sẽ nói gì trong bài phát biểu của mình.

Bên cạnh ông Nguyễn Chí Vịnh, Thượng tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, cũng có mặt tại Shangri-La.

Đặc biệt lần đầu tiên, Việt Nam cử lãnh đạo công an tham gia hội nghị, chứng tỏ chủ đề Biển Đông không chỉ là trách nhiệm của quân đội. Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam sẽ đọc tham luận trong phiên họp kín về “Quản trị căng thẳng ở Biển Đông”.

Đoàn Việt Nam có các tiếp xúc song phương với quan chức quốc phòng Hoa Kỳ, Singapore, Australia, New Zealand, Trung Quốc, Canada, Anh, Ý, Nhật Bản, Philippines và lãnh đạo một số tập đoàn quốc phòng.

Đối thoại Shangri-La là gì?

Diễn đàn an ninh khu vực mang tên Đối thoại Shangri-La bắt đầu từ năm 2002 dưới sự chủ trì của Việt Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) và Chính phủ Singapore.

Hội nghị này mang tên của khách sạn nơi các cuộc gặp diễn ra.

Đối thoại Shangri-La tổ chức hàng năm, năm nay là lần thứ 15. Nó quy tụ quan chức quốc phòng cao cấp từ 28 quốc gia châu Á và Thái Bình Dương để thảo luận về các vấn đề an ninh khu vực trong bối cảnh không chính thức.

Một số quốc gia không nằm trong khu vực nhưng quan tâm chủ đề an ninh châu Á-Thái Bình Dương cũng tham gia hội nghị.

Những ai tham gia hội nghị lần này?

Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Ấn Độ, Indonesia, Ý, Nhật, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand và Singapore tham gia ở cấp bộ trưởng.

Trung Quốc cử Phó Tổng tham mưu trưởng, Đô đốc Tôn Kiến Quốc.

Trưởng đoàn Việt Nam là Thứ trưởng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh.

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha sẽ có bài phát biểu chủ đạo (keynote speech) vào tối thứ Sáu 3/6.

Các chủ đề chính tại Đối thoại Shangri-La 15

Khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên

Căng thẳng Biển Đông

An ninh liên quan di dân, an ninh mạng, chống khủng bố và hợp tác quốc phòng. - BBC
|
|

2.
Tổng thống Philippines bị lên án vì ủng hộ việc giết các nhà báo

Các tổ chức truyền thông quốc tế lên án những phát biểu hồi gần đây của Tổng Thống tân cử Philippines, bênh vực việc giết các phóng viên tại Philippines.

Tổng Thống tân cử Philippines Rodrigo Duterte nói với các nhà báo trong một cuộc họp báo hôm thứ Ba rằng rất nhiều phóng viên đã bị giết bởi vì họ tham nhũng, và cảnh cáo những nhà báo khác có thể bị ám sát “nếu họ là đồ chó đẻ”.

Philippines là một trong những nơi nguy hiểm nhất cho các nhà báo tác nghiệp, với gần 200 phóng viên bị giết trong hai thập niên qua.

Tổ chức Bảo vệ các Ký giả -CPJ đã ra một thông cáo hôm qua, nói rằng những lời bình luận của ông Duterte “dường như biện minh cho các vụ giết người ngoài vòng pháp lý đe doạ sẽ biến Philippines thành một cánh đồng chết đối với các nhà báo.”

Ông Duterte, 71 tuổi, đã phục vụ trong cương vị Thị trưởng Davao trong hai thập niên. Ông đắc cử trong cuộc bầu cử Tổng Thống hồi tháng trước, với những phát biểu ồn ào, dùng ngôn từ thô tục, hứa hẹn sẽ xoá bỏ tội ác và tệ tham nhũng, kể cả giết những kẻ phạm tội hình.

Ông Duterte vẫn được mang ra so sánh với tỷ phú địa ốc Mỹ Donald Trump, người được coi như đã được Đảng Cộng Hoà đề cử đại diện cho đảng này ra tranh chức Tổng Thống Mỹ. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Nhân vật hàng đầu của Đảng Cộng hòa tuyên bố bỏ phiếu cho ông Trump --- Bà Clinton đả kích ông Trump trong bài diễn văn chính sách đối ngoại --- Bà Clinton nói ông Trump tính khí bất thường không xứng đáng làm tổng thống

Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Paul Ryan đã chính thức ủng hộ ông Donald Trump, ứng cử viên sắp được Đảng Cộng hòa đề cử làm tổng thống, trong một nỗ lực nhằm đoàn kết đảng trước cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11.

Ông Ryan, quan chức hàng đầu của Đảng Cộng hòa, tháng trước nói rằng ông ta vẫn chưa sẵn sàng công khai ủng hộ ứng cử viên gây tranh cãi của đảng, người có những chính sách mà trong một số trường hợp đã thách thức lập trường bấy lâu của đảng về thương mại, chính sách đối ngoại và những vấn đề khác.

Sau khi hai người gặp nhau tại Washington vào giữa tháng 5, ông Ryan cho biết ông ta cảm thấy được khích lệ về những gì đã nghe được, và đảng đang "gieo những hạt giống để chúng ta trở nên đoàn kết."

Trong một bài viết đăng trên tờ báo của thành phố quê nhà ở bang Wisconsin hôm thứ Năm, ông Ryan tuyên bố rằng qua một loạt những cuộc nói chuyện với ông Trump, ông cảm thấy "tin tưởng rằng ông ta sẽ giúp chúng ta biến những ý tưởng trong chương trình nghị sự này thành luật để giúp cải thiện cuộc sống của người dân."

Ông Ryan cho biết ông đã kết luận rằng hai người có "có nhiều điểm tương đồng hơn là bất đồng" và ông sẽ bỏ phiếu cho ông Trump. - VOA

***
Ứng cử viên đang dẫn đầu của Đảng Dân chủ Hillary Clinton gọi đối thủ Đảng Cộng hòa Donald Trump là nguy hiểm và không đủ tiêu chuẩn làm tổng thống trong một bài diễn văn về chính sách đối ngoại với lời lẽ chỉ trích gay gắt hôm thứ Năm tại thành phố San Diego, bang California.

Bà nói: "Tính khí của ông ta không thích hợp để ông ta nắm giữ một chức vụ đòi hỏi kiến thức, sự ổn định và trách nhiệm lớn lao. Đây là người không bao giờ được nắm mật mã hạt nhân trong tay."

Bà Clinton nói ông Trump "không hiểu nước Mỹ, hay thế giới." Bà nói tiếp: "Không khó để hình dung Donald Trump dẫn dắt chúng ta vào một cuộc chiến tranh chỉ vì ai đó làm ông ta khó chịu."

Đã đoán biết bà Clinton sẽ nói gì trong bài diễn văn, ông Trump tấn công đối thủ Dân chủ của ông ta trên Twitter. Ông ta viết: "Hillary Clinton Xằng Bậy, người mà tôi rất muốn gọi là Hillary Nói Láo, đang chuẩn bị sẵn sàng để hoàn toàn xuyên tạc quan điểm chính sách đối ngoại của tôi."

Bà Clinton nhấn mạnh kinh nghiệm của chính mình trên cương vị đệ nhất phu nhân, thượng nghị sĩ và bộ trưởng ngoại giao, nói rằng bà sẽ mang lại cung cách ngoại giao ổn định mà nước Mỹ cần.

Ông Trump, ứng cử viên sắp được Đảng Cộng hòa đề cử tổng thống, đã hứa sẽ tạm thời ngăn chặn người Hồi giáo nhập cảnh Mỹ. Trong một bài phát biểu chính sách đối ngoại hồi tháng 4, ông Trump nói: "Cuộc chiến chống lại Hồi giáo cực đoan cũng diễn ra trên quê hương chúng ta. Có hàng chục di dân gần đây bên trong biên giới của chúng ta bị buộc tội khủng bố. Cứ mỗi trường hợp mà công chúng biết tới lại có thêm hàng chục trường hợp khác. Chúng ta phải ngưng nhập khẩu chủ nghĩa cực đoan thông qua những chính sách nhập cư vô nghĩa."

Những đề xuất chống khủng bố khác của ông Trump bao gồm tuyên bố sẽ tra tấn và giết hại gia đình của những nghi can khủng bố và nhắm mục tiêu tấn công Nhà nước Hồi giáo. "Tôi có một thông điệp đơn giản cho bọn chúng," ông Trump nói. "Bọn chúng sắp tận số. Tôi sẽ không cho bọn chúng biết ở đâu và bằng cách nào. Nhưng chúng sẽ biến mất. Và mau chóng."

Nhưng bà Clinton nói ông Trump làm tổng thống sẽ có hiệu ứng ngược lại. "Trump làm tổng thống sẽ khiến ISIS càng thêm táo tợn," bà nói, dùng một từ viết tắt của Nhà nước Hồi giáo.

Bà Clinton liệt kê những phát biểu của ông Trump về mọi thứ từ liên minh NATO cho tới những mối đe dọa từ Nga và Bắc Triều Tiên, và mô tả những phát biểu của ông ta về biến đổi khí hậu là trò cười.

Bà nói: "Nếu Donald làm theo ý mình thì bọn họ sẽ ăn mừng trong Điện Kremlin. Chúng ta không thể để điều đó xảy ra."

Bà Clinton cũng công khai mỉa mai thói quen của ông Trump hay viết trên Twitter.

"Chúng ta đều biết những công cụ mà Donald Trump sẽ mang tới: khoe khoang, chế giễu, viết những dòng phản cảm trên Twitter," bà nói. "Tôi dám cá là ông ta đang viết ngay lúc này đây."

Và ông Trump làm đúng như vậy: "Hillary Clinton Xằng Bậy nói năng dở tệ! Đọc từ máy nhắc bài mà còn tệ vậy! Bà ta thậm chí trông chả ra dáng tổng thống nữa là!"

Bà Clinton đọc bài diễn văn này năm ngày trước khi bang California tổ chức cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Dân chủ, dự kiến sẽ cho bà Clinton những đại biểu mà bà cần để giành được đề cử tổng thống của Đảng Dân chủ, mặc dù một vài cuộc thăm dò ý kiến cho thấy cuộc đua đã trở nên sít sao ở California. Đối thủ Bernie Sanders đã ráo riết vận động ở đó. - VOA

***
Chỉ còn vài ngày nữa là đến kỳ bầu cử sơ bộ đề cử ứng cử viên tổng thống tại sáu tiểu bang Mỹ, các cuộc thăm dò cho thấy có sự tranh đua sít sao giữa hai ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton và Thượng nghị sĩ Bernie Sanders. Trong một bài diễn văn quan trọng về chính sách ngoại giao hôm thứ Năm tại California, bà Clinton tập trung vào kinh nghiệm của bà và nói sẽ là “một sai lầm lịch sử” nếu bầu cho ông Donald Trump của đảng Cộng hòa.

Mặc một áo sơ mi màu da cam, biểu tượng cho Ngày Nhận thức về Bạo động Súng, được kỷ niệm vào ngày 2 tháng 6, bà Clinton nói với một cử tọa tại San Diego rằng ông Trump không được chuẩn bị và có tính khí không thích đáng để giữ một chức vụ đòi hỏi sự hiểu biết, nhất quán và trách nhiệm to lớn.

Bà Hillary nói: “Những ý kiến của ông Donald Trump không chỉ khác biệt, mà còn rời rạc một cách nguy hiểm. Đây thực sự không phải là những ý kiến-chỉ là một loạt những lời nói cường điệu kỳ cục, thù hận cá nhân và những lời nói dối trắng trợn.”

Bà Clinton nói doanh nhân có lối nói lỗ mãng này không thể tin cậy để được trao cho các mật mã hạt nhân vì ông có thể đưa đất nước đến chiến tranh chỉ vì “người nào đó làm ông nổi giận.”

Bà phát biểu: “Đây là một người nói nhiều nước nên cần có vũ khí hạt nhân, kể cả Ả Rập Xê-út. Đây là người đã đe dọa bỏ các đồng minh của chúng ta trong NATO-những nước làm việc cùng chúng ta để diệt trừ khủng bố tại nước ngoài trước khi chúng tấn công đất nước chúng ta.”

Bà Clinton cũng nói ông Trump sẽ hủy hoại nền kinh tế Mỹ giống như một số sòng bạc của ông đã phá sản.

Ông Trump đã nhanh chóng trả lời trên Twitter, như lệ thường, và gọi thành tích của bà là “xấu” và bà không có gì giống tổng thống cả.

Cho đến gần đây, nhiều đảng viên Cộng hòa cũng như các đảng viên Dân chủ chỉ trích ông Trump. Nhưng với sự ủng hộ của quần chúng ngày càng tăng, nhiều người xem ông như là cơ may duy nhất của đảng để chiếm lại Tòa Bạch Ốc.

Hôm thứ Năm, ông Trump được sự ủng hộ của một giới chức cao cấp nhất của đảng Cộng hòa là Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan. Ông Ryan phát biểu:

“Không có gì là bí mật là ông Donald Trump và tôi có một số bất đồng. Cũng không có gì bí mật là đôi khi chúng tôi chống đối nhau về một hay hai vấn đề. Điều này xảy ra giữa người với người. Điều này xảy ra đối với các đảng viên Cộng hòa. Câu hỏi đặt ra là: Chúng ta có thể kết hợp một tiến trình thực sự giúp đảng của chúng ta đoàn kết để chúng ta có đầy đủ sức mạnh vào mùa thu tới không?”

Bà Clinton vẫn còn đang tranh đua với Thượng nghị sĩ tiểu bang Vermont Bernie Sanders để được đảng Dân chủ đề cử. - VOA
|
|

4.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới Singapore dự diễn đàn an ninh toàn cầu

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ đã tới Singapore tham dự diễn đàn an ninh toàn cầu thường niên lớn nhất quy tụ các Bộ trưởng Quốc phòng và các tư lệnh quân sự Mỹ trên khắp thế giới.

Ông Ash Carter đang có mặt tại cuộc họp thượng đỉnh ba ngày còn goi là Đối thoại Shangri-La, nơi ông sẽ đọc một bài diễn văn vào hôm thứ Bảy.

Các cuộc thảo luận tại hội nghị này, kết thúc vào ngày Chủ nhật, có phần chắc sẽ xoay quanh hành động của Trung Quốc tiếp tục củng cố sức mạnh ở Biển Đông.

Tuần trước, ông Carter cảnh báo rằng Trung Quốc đang có nguy cơ xây dựng “một bức tường thành để tự cô lập hoá” với những hoạt động của nước này trong Biển Đông.

Trung Quốc đòi chủ quyền của hầu hết Biển Đông và từ năm ngoái đã bắt đầu xây những tiền đồn quân sự trên các đảo nhỏ mà họ đã lấn biển bồi đắp. Philippines và Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền tại khu vực này. Tất cả có sáu chính phủ tuyên bố chủ quyền một phần tại khu vực giàu tài nguyên này.

Nhưng hiện không có một cuộc họp chính thức nào giữa Mỹ và Trung Quốc được lên kế hoạch trong lịch trình cuộc Đối thoại Shangri-La.

Ngoài vấn đề Biển Đông, những lĩnh vực khác được bàn thảo có phần chắc sẽ bao gồm những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, các quan hệ Mỹ-Trung, và sự trỗi dậy của phong trào cực đoan Hồi giáo ở Châu Á.

Ông Carter từng tuyên bố khu vực Á Châu-Thái Bình Dương là “khu vực duy nhất mà những gì diễn ra sẽ có hệ quả nhiều nhất” đối với tương lai của Hoa Kỳ. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Hàng nghìn ngư dân Việt Nam ‘mất tích, thương vong trên biển’

Một quan chức phụ trách các vấn đề liên quan tới ngư dân mới cho biết rằng “hơn 4.000 tàu cá Việt Nam gặp nạn với hơn 2.300 ngư dân thương vong, mất tích trên biển” chỉ trong hơn hai năm qua.

Trả lời báo Người lao động mới đây, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, còn cho rằng “cần phải thiết lập đường dây nóng giữa các quốc gia trong khu vực” để bảo vệ ngư dân.

Ông Tám cho biết rằng Việt Nam hiện đã lập một đường dây với Philippines, nhưng muốn có thêm với Thái Lan, Campuchia, Brunei, Malaysia và Indonesia.

Ông Bùi Văn Cu, một ngư dân ở tỉnh Quảng Ngãi, cho VOA Việt Ngữ biết rằng ông ủng hộ đề xuất này.

“Cũng ưng có đường dây nóng lắm chứ, để khi mình gặp chuyện rủi ro, hay bị tông tàu, mình có thể liên lạc được để mà kịp thời cứu vớt.”

Hồi cuối năm ngoái, xảy ra một vụ xả súng ở quần đảo Trường Sa làm một ngư dân thiệt mạng trên chiếc tàu đánh cá của ông Cu.

VOA Việt Ngữ không thể liên lạc được với Thứ trưởng Tám để hỏi về con số trên.

Trả lời về việc vì sao số ngư dân gặp nạn trên biển lại lớn như vậy, ông Nguyễn Ngọc Đức, Chánh văn phòng Hội Nghề cá Việt Nam, nói với VOA Việt Ngữ rằng hành động của Trung Quốc ở biển Đông cũng là một yếu tố tác động. Ông nói tới một lý do khác:

“Trong quá trình đánh bắt, ngư dân chưa hiểu hết về luật quốc tế, chưa am hiểu về luật pháp khi khai thác trên biển và các vùng biển mà không được phép đánh bắt hoặc hợp tác giữa các bên với nhau nhưng mà ngư dân đánh lấn ra. Chính vì vậy, sắp tới, Hội Nghề cá chúng tôi báo cáo Bộ Nông nghiệp xin phép tổ chức một chương trình phổ biến để tuyên truyền cho ngư dân đi biển, tăng hiểu biết về luật pháp quốc tế.”

Sau sự cố trên biển, ngư dân Cu cho biết đã ra khơi sau khi được hỗ trợ đi đánh bắt trở lại để “bám biển, bảo vệ chủ quyền”.

Viên thuyền trưởng tàu cá này từng nói với VOA Việt Ngữ rằng ông muốn được phép “mang súng” lúc ra khơi để tự phòng thân.

Khi được hỏi là có sợ khi vẫn tiếp tục ra khơi dù Trung Quốc đang áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá ở biển Đông, và trong khi có nhiều ngư dân tiếp tục gặp nạn, ông Cu nói:

“Nghe như vậy thì mình cũng sợ, nhưng mà vẫn phải làm, phải bám biển thôi. Phải làm chứ, vì mình là dân lao động, nếu không làm, ở nhà thì lấy gì mà ăn? Đánh ở Hoàng Sa đấy. Thằng Trung Quốc nó đuổi, nó ‘dí’ mình miết. Cảnh sát biển có sọc đỏ, sọc xanh. Nó đuổi thì mình chạy.”

Ông Cu cho biết thêm rằng ông “chưa thấy” các tàu chấp pháp của Việt Nam ra ngoài hỗ trợ ngư dân trên biển.

Mới đây, Việt Nam đã “kiên quyết phản đối” lệnh đánh bắt cá hiện thời của Trung Quốc kéo dài gần 3 tháng ở biển Đông, gọi đó là “quyết định vô giá trị”.

Người phát ngôn Lê Hải Bình nói rằng “việc làm này của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam đối với các vùng biển của Việt Nam, đi ngược lại tinh thần và lời văn của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông”.

Hội Nghề cá Việt Nam cũng đã từng nhiều lần lên tiếng phản đối lệnh cấm mà tổ chức bảo vệ ngư dân này nói là “đơn phương” và “phi lý” này.

Ông Đức cho hay rằng Hội đang tổ chức tuyên truyền cho các ngư dân “hiểu và đánh bắt tại các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam”, cũng như đi khai thác theo hình thức “tổ đội, để hỗ trợ khi gặp sự cố”.

Ông nói Hội ủng hộ việc lập đường dây nóng vì nó sẽ giúp “giải quyết các tranh chấp”, và “can thiệp, hỗ trợ cho ngư dân”.

Trong một diễn biến khác có liên quan, một đường dây nóng quốc phòng nối các thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ đi vào hoạt động cuối năm nay.

Đường dây, do Brunei đề xuất năm 2013, sẽ cho phép các quan chức quốc phòng của khối gồm 10 quốc gia “trực tiếp trao đổi nhằm tìm ra quyết định chung để xử lý các cuộc khủng hoảng”, “hóa giải hiểu lầm” và “ngăn chặn các sự cố ngoài ý muốn”.

Tin cho hay, Việt Nam và Trung Quốc hiện cũng có một đường dây nóng, nhưng chưa rõ nó hoạt động ra sao.

Tổng thống sắp từ nhiệm của Philippines, ông Benigno Aquino, từng tiết lộ rằng khi phía Việt Nam tìm cách liên lạc với Trung Quốc về vụ giàn khoan dầu năm 2014 thì ‘không có bất kỳ sự hồi đáp nào ở bất kỳ cấp độ nào’. - VOA
|
|

6.
Mỹ vẫn còn đòn bẩy để áp lực Việt Nam cải thiện nhân quyền

Loan báo dỡ bỏ cấm vận võ khí cho Việt Nam không hề làm thay đổi điều kiện đòn bẩy của Mỹ trong việc áp lực Hà Nội cải thiện nhân quyền, mà ngược lại sẽ mang lại sức đòn bẩy nhiều hơn vì Washington sẽ cân đo nhân quyền Việt Nam trước mỗi cuộc giao thương võ khí với Hà Nội, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao động, Tom Malinowski, khẳng định.

Trong chuyến công du Việt Nam tuần rồi, Tổng thống Barack Obama đã tuyên bố Mỹ tháo gỡ hoàn toàn lệnh cấm vận võ khí sát thương áp dụng mấy chục năm qua đối với chính phủ Hà Nội, một động thái giúp quan hệ Việt-Mỹ thật sự bình thường hóa và gần gũi hơn.

Với khả năng Việt Nam gần như chắc chắn sẽ được gia nhập Hiệp định tự do thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP do Mỹ dẫn đầu, quyết định bỏ cấm vận võ khí vừa loan khiến nhiều người quan ngại rằng Hoa Kỳ đã để vuột những lá bài thương lượng để áp lực Việt Nam cải thiện nhân quyền.

Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn với Trà Mi VOA Việt ngữ ngày 2/6, giới chức cao cấp nhất phụ trách lĩnh vực nhân quyền trong Bộ Ngoại giao Mỹ đã mạnh mẽ bác bỏ những chỉ trích đó.

VOA: Cảm ơn ông dành thời gian cho cuộc trao đổi này. Xin được bắt đầu câu chuyện với chuyến thăm Việt Nam của ông và của Tổng thống Obama vào tháng trước. Các lãnh đạo xã hội dân sự độc lập bị cản không cho gặp Tổng thống cũng giống như những gì đã xảy ra trong các chuyến thăm của ông trước đó. Ông có bình luận thế nào?

Ông Malinowski: Chúng tôi trải nghiệm thực tế này không một chút ảo tưởng về tình hình nhân quyền Việt Nam. Chúng tôi nhận thấy rằng dù có một số tiến bộ trong vài năm qua, nhưng những tháng gần đây chính phủ Việt Nam ra tay đàn áp các nhà hoạt động xã hội độc lập nhiều hơn so với 1, 2 năm trước. Trong bối cảnh đó, Tổng thống Obama tại tất cả các cuộc tiếp xúc lãnh đạo Việt Nam cũng như các buổi xuất hiện trước công chúng đã đưa ra thông điệp rất mạnh mẽ về tầm quan trọng của quyền tự do ngôn luận, của cải cách luật pháp theo đúng cam kết của chính Hà Nội sao cho luật tuân thủ Hiến pháp. Chính phủ Việt Nam tìm cách ngăn chặn một số người gặp ông Obama, nhưng những người bị cản trở được truyền thông chú ý cũng ngang bằng, nếu không muốn nói là nhiều hơn, những người tham dự được. Vì vậy, theo tôi, nhà cầm quyền đã thất bại trong nỗ lực ngăn trở tiếng nói của họ được lắng nghe.

VOA: So sánh bản gốc trên website của Tòa Bạch Ốc với các bản dịch trên truyền thông nhà nước Việt Nam, người ta thấy những đoạn phát biểu về nhân quyền của Tổng thống Obama trong bài diễn văn tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia ở Hà Nội ngày 24/5 bị báo nhà nước hoặc bóp méo, hoặc bỏ qua. Ông hiểu điều này thế nào?

Ông Malinowski: Có một số người trong chính phủ Việt Nam rất lo sợ khi nghe những phát biểu cấp cao như vậy về nhân quyền. Chúng tôi không hề ngạc nhiên về điều đó. Nhưng trên thực tế, những lời phát biểu mạnh mẽ của Tổng thống về nhân quyền đã được phát sóng trực tiếp qua truyền hình và hàng triệu người dân Việt Nam đã nghe. Hàng triệu người trên Facebook đã chia sẻ và biết đích xác những gì ông đã nói. Tất nhiên có một số người trong chính phủ lo lắng và không muốn người dân nghe thấy những phát biểu đó, nhưng nỗ lực này sẽ càng ngày càng gặp khó khăn vì số người truy cập internet và tiếp cận thông tin đa chiều ngày càng đông.

VOA: Với những gì ghi nhận, đặc biệt sau chuyến thăm Việt Nam gần đây, ông mô tả thế nào về xu hướng nhân quyền Việt Nam hiện nay: đi lên hay đi xuống?

Ông Malinowski: Trong vài năm gần đây, xu hướng đó tiến triển tích cực một cách chậm chạp, dần dần. Càng ngày càng có thêm tranh luận mở về các vấn đề chính trị tại Việt Nam, có một số cải cách như thông qua Công ước Chống tra tấn hay một số thay đổi trong Bộ Luật Tố tụng Hình sự, chẳng hạn. Nhưng trong vài tháng qua, có lẽ do sự chuyển tiếp qua dàn nhân sự lãnh đạo mới nên các cơ quan an ninh tỏ ra lo sợ rồi dùng tới các chiến thuật đàn áp nhiều hơn. Chúng tôi đã nói rất rõ với chính phủ Việt Nam rằng thực tế này không phù hợp với tinh thần của mối bang giao đôi bên đang xây đắp và Việt Nam sẽ thấy Mỹ tiếp tục lên tiếng mạnh mẽ về các vấn đề này.

VOA: Washington khá thành công trong việc thúc đẩy Hà Nội phóng thích tù nhân lương tâm nhưng không mấy thành công trong việc thúc đẩy cải cách pháp lý để chặn đứng việc hình sự hóa hành động thực thi nhân quyền của công dân. Ông nghĩ sao? Làm thế nào để nỗ lực không lệch hướng?

Ông Malinowski: Chính nhà nước Việt Nam cam kết cải cách luật để phù hợp hơn với Hiến pháp và các chuẩn mực nhân quyền quốc tế. Tổng thống Obama và lãnh đạo Việt Nam ra tuyên bố chung tại Hà Nội. Qua đó, Hà Nội hứa theo đuổi các cải cách pháp lý này, đặc biệt họ nhắc tới luật về tự do tín ngưỡng, tự do biểu tình, tự do lập hội. Chúng tôi hy vọng Quốc hội Việt Nam sẽ thông qua các luật này trong năm nay. Vấn đề cải cách pháp lý không chỉ Mỹ thúc đẩy mà chính nhà nước Việt Nam đã đưa ra cam kết. Nhiều người dân Việt Nam đang dõi xem Quốc hội sẽ hành động thế nào. Chúng tôi đã bày tỏ hy vọng rằng những sự cải cách này sẽ tạo ra nhiều không gian hơn cho công dân Việt thành lập các tổ chức phi chính phủ, biểu tình ôn hòa, và tham gia các tổ chức tôn giáo.

VOA: Ông thấy Việt Nam làm tốt tới đâu trong cam kết cải cách pháp lý?

Ông Malinowski: Tiến trình này chỉ mới bắt đầu, chưa có tiến bộ nào để chúng tôi có thể nói là nhà nước Việt Nam đã đáp ứng đúng cam kết. Tuy nhiên, nhiều nước khác như Trung Quốc chẳng hạn, không hề thấy các cam kết như vậy từ chính phủ. Ở đây ít nhất chúng ta thấy họ có ý định bước tới phía trước, và tôi cho rằng điều đó mở ra một cơ hội.

VOA: Nhưng giờ đây, Hiệp định tự do thương mại TPP gần như đã sẵn sàng cộng với việc dỡ bỏ cấm vận võ khí, nhiều người cho rằng Mỹ đã vuột mất những con bài thương lượng để áp lực Việt Nam cải thiện nhân quyền. Ý kiến ông thế nào?

Ông Malinowski: Tôi hoàn toàn không tán thành ý kiến đó. TPP đã cung cấp cho chúng tôi một đòn bẩy chưa từng có trước đây. Chính phủ Việt Nam biết rõ họ sẽ không được hưởng bất kỳ lợi ích gì từ TPP cho tới khi nào họ thông qua những cải cách trong Luật Lao động theo quy ước của TPP, cho tới khi nào họ cho phép thành lập công đoàn độc lập. Về việc dỡ bỏ lệnh cấm vận võ khí, cần phải hiểu rằng bước đi vừa rồi chủ yếu chỉ mang tính biểu tượng. Chúng tôi thấy rằng duy trì lệnh cấm tuyệt đối không chuyển giao võ khí cho Việt Nam thật sự chẳng ích lợi gì. Thay vào đó, nên xây dựng mối quan hệ bình thường hơn với Việt Nam để nếu Việt Nam có yêu cầu mua một loại võ khí nào đó thì chúng tôi xét duyệt dựa trên cơ sở từng trường hợp một, xem xét xem việc mua bán ấy có phục vụ lợi ích của nước Mỹ và phù hợp với các giá trị của Hoa Kỳ hay không. Tổng thống Obama đã tuyên bố rõ tại Hà Nội rằng mọi yêu cầu cung cấp võ khí đều sẽ được xem xét trên cơ sở từng trường hợp một với sự cân nhắc tới nhân quyền Việt Nam. Chúng tôi vẫn còn đòn bẩy ấy để Quốc hội xem xét các thỏa thuận mua bán võ khí có thể có trong tương lai. Cho nên, chỉ trích vừa nêu là không hợp lý.

Thật ra không phải là không còn chướng ngại vật. TPP đã đề ra những chướng ngại buộc nhà cầm quyền Việt Nam phải vượt qua. Trước TPP, không có điều kiện gì bắt buộc Việt Nam phải thay đổi Luật Lao động. Giờ đây đã có điều kiện, họ phải đáp ứng điều kiện này mới được hưởng lợi TPP. Không có TPP, Việt Nam sẽ chịu ít áp lực hơn. Và loan báo dỡ bỏ cấm vận võ khí vừa qua cũng không hề thay đổi mức độ của điều kiện đòn bẩy ấy, mà thật ra còn thể hiện sức đòn bẩy nhiều hơn vì giờ đây chúng tôi cân nhắc tới nhân quyền Việt Nam mỗi khi Hà Nội muốn hỏi mua võ khí. Cần nhớ rằng sẽ có ích cho vấn đề nhân quyền nếu Việt Nam tiếp tục quyết định rằng liên kết với Mỹ và biến Mỹ thành đối tác kinh tế-an ninh chính là lợi ích quốc gia lâu dài. Khuyến khích sự liên kết đó thay vì đẩy lùi nó là yếu tố chung cuộc giúp thúc đẩy tiến bộ, giúp xã hội cởi mở nhiều hơn.

VOA: Có ý kiến cho rằng nếu không vì khống chế, cô lập Trung Quốc, chắc gì Mỹ đã kéo Việt Nam vào TPP và dỡ bỏ cấm vận võ khí cho Hà Nội. Bình luận của ông thế nào?

Ông Malinowski: Trước tiên, Việt Nam chưa có được TPP. Họ chỉ có được khi chứng tỏ những cải cách quan trọng mà TPP yêu cầu. Về ý kiến liên quan tới Trung Quốc, Tổng thống Obama đã tuyên bố tại Việt Nam rằng mọi việc không phải vì Trung Quốc mà vì bang giao Việt-Mỹ. Quan hệ gần gũi hơn, hiệu quả hơn là lợi ích quốc gia của cả đôi bên. Chúng tôi hy vọng Việt Nam và Trung Quốc vẫn duy trì quan hệ gần gũi. Chúng tôi không hề tìm cách can thiệp vào chuyện đó.

VOA: Một số người nói rằng sai lầm thường mắc phải là xác định lợi ích chiến lược quá hạn hẹp, tập trung vào sự giao tiếp nhằm đáp ứng nhu cầu an ninh hoặc quan hệ kinh tế. Để cổ súy cải cách, liệu kiểu giao tiếp như vậy có tác động lâu dài hay chăng?

Ông Malinowski: Chúng tôi xác định chiến lược rất rộng lớn. Trường hợp Việt Nam, nhân quyền là một phần của phương trình đó. Tiến bộ về nhân quyền tại Việt Nam sẽ củng cố tất cả các xu hướng khác mà chúng tôi muốn khuyến khích kể cả xu hướng liên kết chiến lược gần gũi hơn với Hoa Kỳ, và ngược lại, quan hệ Việt-Mỹ càng gần gũi thì chúng ta càng có thể cổ võ nhân quyền tốt hơn. Khái niệm lợi ích quốc gia của chúng tôi rất rộng, chúng tôi đưa quan ngại về nhân quyền vào TPP và vào trong các cuộc thảo luận với Việt Nam về quan hệ an ninh. Nếu không, đã không có những điều kiện nghiêm ngặt về lao động trong TPP.

VOA: Nhưng sẽ chỉ là những lời nói suông nếu không thật sự có những hành động theo sau. Mỹ đang làm gì để đảm bảo nhân quyền không là một đề tài nói suông của cả Washington và Hà Nội?

Ông Malinowski: Dĩ nhiên. TPP rất quan trọng với chúng tôi nhưng Việt Nam sẽ không vào được TPP trừ phi có những cải cách pháp lý căn bản quan trọng. Cho nên rõ ràng đây không phải là chuyện nói suông mà là một sự kết nối rất rõ ràng. Trong tất cả các cuộc đối thoại cấp cao nhất kể cả trong cuộc gặp giữa Tổng thống Obama với lãnh đạo Hà Nội nhân chuyến công du tháng rồi, vấn đề nhân quyền được đưa ra thẳng thắn. Chúng tôi nhấn mạnh rõ ràng tiến bộ trong quan hệ Việt-Mỹ sẽ tùy thuộc vào tiến bộ hướng tới một xã hội cởi mở hơn ở Việt Nam. Qua tất cả những gì chúng tôi nói và làm, nhân quyền chiếm vị trí ưu tiên trong bang giao với Hà Nội.

VOA: Mỹ có thể làm gì giúp tăng cường sức mạnh cho xã hội dân sự tại Việt Nam?

Ông Malinowski: Chúng tôi sẽ tiếp tục lên tiếng, tiếp tục khuyến khích chính phủ Việt Nam tuân thủ các nghĩa vụ đã cam kết với quốc tế. Chúng tôi sẽ tiếp tục liên kết những tiến bộ cụ thể trong lĩnh vực nhân quyền với những yếu tố có tầm quan trọng đối với chính phủ Việt Nam chẳng hạn như TPP. Chúng tôi sẽ cung cấp sự hỗ trợ một cách rất cởi mở và thân thiện trong lúc Việt Nam thực hiện những cải cách pháp lý, giúp Việt Nam phát triển những hiệp hội thương mại độc lập, công đoàn độc lập. Chúng tôi sẽ vận dụng tất cả những đòn bẩy mà TPP tạo ra để cố gắng buộc Việt Nam tuân thủ những cam kết quan trọng đó.

VOA: Xin chân thành cảm ơn Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao động, Tom Malinowski, đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi này. - VOA

No comments:

Post a Comment