Saturday, June 18, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Bảy 18/6

Tin Thế Giới

1.
Bỉ bắt giữ 12 nghi phạm khủng bố

Cảnh sát Bỉ đã tiến hành 12 vụ bắt giữ trong chiến dịch chống khủng bố lớn, gần ba tháng sau các vụ đánh bom chết người tại Brussels.

Những người bị bắt qua đêm bị nghi là đã âm mưu tấn công khủng bố, cơ quan công tố nói. Họ nằm trong số 40 người bị giữ để thẩm vấn.

Giới chức đã tiến hành lục soát tại 16 cụm địa điểm, chủ yếu là ở quanh Brussels, và kiểm tra 152 garage sửa chữa xe hơi.

Hôm 22/3, các vụ nổ bom đã cướp đi sinh mạng của 32 người tại một sân bay và một nhà ga điện ngầm ở Bỉ.

Trong quá trình lục soát, giới chức không thu được vũ khí hay chất nổ nào, cơ quan công tố liên bang Bỉ nói trong một tuyên bố.

Trong số các khu vực bị lục soát có Molenbeek, khu quận thuộc Brussels khét tiếng bởi những mối quan hệ của nó với các tay thánh chiến Hồi giáo.

Công tố liên bang nói rằng chiến dịch chống khủng bố đã được thực hiện sau khi kết quả các cuộc điều tra "cho thấy cần phải can thiệp ngay".

Tuy nhiên, chính phủ Bỉ vẫn chưa nâng mức báo động.

Đã có một số cảnh báo về nguy có có những vụ tấn công mới trong những ngày gần đây.

Tối hôm thứ Sáu, bốn bộ trưởng liên bang, trong đó có Thủ tướng Charles Michel, cùng gia đình họ đã được đặt trong sự bảo vệ an ninh nghiêm ngặt của cảnh sát, truyền thông Bỉ đưa tin.

Tin tức nói cảnh sát Bỉ gần đây nhận được một lời cảnh báo rằng nhóm các tay súng từ nhóm được gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) đã rời Syria tới châu Âu và lên kế hoạch thực hiện các vụ tấn công mới tại Bỉ và Pháp.

Một nguồn an ninh giấu tên được báo DH của Bỉ trích dẫn hôm thứ Tư nói rằng nhóm này đã "rời Syria khoảng tuần rưỡi trước, nhắm tới việc vào châu Âu qua Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp bằng thuyền mà không dùng tới hộ chiếu".

Một công dân Bỉ, Youssef EA đã bị bắt hôm thứ Sáu và bị nghi là có các hoạt động khủng bố liên quan tới các vụ tấn công hồi tháng Ba, là vụ mà IS đã đứng ra nhận trách nhiệm.

Truyền thông Bỉ nói đây là người thứ tám bị buộc tội liên quan tới các vụ tấn công do ba kẻ đánh bom liều chết thực hiện.

Các điều tra viên đã xác định được mối quan hệ giữa những kẻ đánh bom Brussels và các vụ tấn công của IS tại Paris hôm 13/11, là các vụ khiến 130 người thiệt mạng.

Một số kẻ đánh bom Paris đến từ Bỉ, và một số trái bom đã được chế tạo tại một căn hộ ở Brussels. - BBC
|
|

2.
Mỹ-Nhật-Ấn họp về an ninh hàng hải với trọng tâm là Trung Quốc

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á Thái Bình Dương Daniel Russel sẽ đến Tokyo để tham gia hội đàm với đại diện hai nước Nhật Bản và Ấn Độ về hợp tác và an ninh hàng hải, với trọng tâm chắc chắn sẽ là Trung Quốc.

Hôm qua, 17/06/2016, bộ Ngoại giao Mỹ thông báo là ông Daniel Russel sẽ thăm Tokyo trong 3 ngày kể từ Chủ nhật và sẽ cùng với trợ lý Ngoại trưởng đặc trách Nam và Trung Á Nisha Biswal hội đàm với các quan chức chính phủ Nhật và Ấn Độ để bàn về hợp tác ba bên và các vấn đề của khu vực.

Các cuộc thảo luận ba bên này chắc chắn sẽ đề cập đến tình hình Biển Đông, nơi mà Trung Quốc đang ráo riết xây dựng các đảo nhân tạo nhằm áp đặt chủ quyền của họ trên vùng này, gây lo ngại cho các nước trong khu vực. Đại diện ba nước cũng sẽ bàn về tình hình biển Hoa Đông, vùng tranh chấp giữa Bắc Kinh với Tokyo.

Hôm thứ Năm (16/06), các quan chức bộ Quốc phòng Nhật Bản tố cáo, một tàu do thám của Trung Quốc trước đó một hôm đã xâm nhập hải phận Nhật Bản ở biển Hoa Đông. Đây là lần thứ hai một tàu chiến của Trung Quốc xâm nhập hải phận Nhật Bản kể từ sau Đệ nhị Thế chiến.

Theo hãng tin Kyodo, chiếc tàu nói trên của Trung Quốc dường như muốn theo dõi hai chiến hạm của Ấn Độ đã đi vào hải phận Nhật Bản để tham gia cuộc tập trận chung Malabar cùng với Nhật và Mỹ.

Trong những năm gần đây, Tokyo đã tăng cường quan hệ quốc phòng với New Dehli, xem Ấn Độ là "đối tác chiến lược", đồng thời cam kết sẽ đẩy mạnh hợp tác về an ninh. - RFI
|
|

3.
Hồng Kông: Nhân viên nhà sách dẫn đầu đoàn biểu tình chống Trung Quốc

Hôm nay, 18/06/2016, một nhân viên nhà sách bị Trung Quốc bắt giam đã dẫn đầu một cuộc biểu tình tuần hành thách thức Bắc Kinh, vào lúc áp lực gia tăng đòi chính phủ phải trả lời các câu hỏi liên quan đến vụ này.

Lam Wing-kee là một trong năm nhân viên nhà sách đã mất tích vào năm ngoái. Cả 5 người đều làm việc cho một nhà xuất bản nổi tiếng với nhiều đầu sách về đời tư của các lãnh đạo Trung Quốc hoặc về các cuộc đấu đá nội bộ trong chế độ Bắc Kinh.

Lam Wing-kee đã được thả ra gần đây với yêu cầu phải trở lại Hoa lục ngày 17/06, nhưng ông đã quyết định ở lại Hồng Kông và mở cuộc họp báo ngày 16/06 để tiết lộ nhiều chi tiết về vụ bắt cóc và giam giữ ông.

Ông Lam Wing-kee kể lại rằng ông đã bị bắt khi đang đi qua biên giới giữa Hồng Kông và một thành phố gần Thâm Quyến vào tháng 10/2015. Sau đó, họ bịt mắt ông và dẫn ông về Thượng Hải bằng tầu hỏa. Tại đây, ông bị giam giữ trong vòng 5 tháng trong một căn phòng nhỏ, bị thẩm vấn liên tục. Ông cũng cho biết đã bị ép thú tội trên đài truyền hình Trung Quốc hồi tháng 02/2016.

Những tiết lộ của ông Lam Wing-kee trong tuần này khiến nhiều người dân Hồng Kông thêm lo ngại về sự kiểm soát ngày càng tăng của Bắc Kinh đối với đặc khu hành chính này.

Trả lời hãng tin AFP hôm nay, ông Lam Wing-kee cho biết ông không cảm thấy sợ hãi dù đã tiết lộ những chi tiết về vụ bắt giam ông, cũng như đã từ chối trở lại Hoa lục.

Các dân biểu thuộc phe dân chủ ở Hồng Kông đang đòi chính quyền cựu thuộc địa của Anh quốc trả lời rằng họ đã làm những gì để giúp đỡ các nhân viên tiệm sách. Họ chỉ trích chính quyền Hồng Kông chỉ là con rối trong tay Bắc Kinh. Còn về phần Bắc Kinh thì từ chối trả lời những cáo buộc của ông Lam Wing-kee, chỉ nói rằng ông này đã vi phạm luật pháp Trung Quốc. - RFI
|
|

4.
Điền Kinh Nga bị cấm tham dự Olympic Rio 2016

Còn đúng 49 ngày nữa Thế vận hội Olympic Rio 2016 khai mạc, hôm qua, 17/06/2016, Liên Đoàn Điền Kinh Quốc Tế ( IAAF) họp tại Vienna đã ra một quyết định chưa từng có : Cấm điền kinh Nga tham dự Thế vận hội. Lý do là vì cơ quan quản lý ngành điền kinh thế giới đánh giá chính quyền Nga luôn không tôn trọng quy định của Cơ Quan chống Doping Thế giới.

Tuy nhiên, những vận động viên điền kinh không nằm trong hệ thống huấn luyện của Nga và những ai đã giúp đỡ tích cực vào việc chống sử dụng doping vẫn có quyền được tham dự Rio 2016. Ngay lập tức đích thân tổng thống Nga V. Putin đã có phản ứng, coi đó là một quyết định "bất công".

Thông tín viên Muriel Pomponne tại Saint-Petersbourg cho biết phản ứng của Nga :

Với tổng thống Nga, quyết định của các cơ quan quốc tế này là bất công, ở chỗ đó là biện pháp trừng phạt không nhắm vào cá nhân. Ông Vladimir Putin hy vọng Ủy Ban Olympic Quốc Tế (CIO) họp vào thứ Ba tuần tới (21/06) sẽ có quyết định cuối cùng.

Ông cũng mong muốn thảo luận với Cơ Quan Chống Doping Thế giới ( AMA), cơ quan đã công bố bản báo cáo trong đó phát giác việc dùng doping một cách có hệ thống và được tổ chức từ cấp cao nhất ở Nga. Tổng thống Nga hy vọng tìm được giải pháp, nhưng ông nói thêm: "Chúng tôi sẽ không tự ái đến mức tuyên bố là chúng tôi sẽ không chống sử dụng doping".

Tuy nhiên, Liên Đoàn Điền Kinh Quốc Tế vẫn cho phép các vận động viên Nga không bị kiểm tra dương tính nếu chứng minh được họ được đào tạo huấn luyện bên ngoài hệ thống dùng doping của Nga vẫn có thể tham dự Thế vận hội Olympic, dưới hình thức do Ủy Ban Olympic Quốc tế sẽ ấn định. Một số vận động viên đã cho biết họ sẽ khiếu nại. Đó là trường hợp nữ vô địch thế giới môn nhảy sào Elena Isinbayeva.

Cũng như tổng thống Putin, ông Alexandre Joukov, chủ tịch Ủy Ban Olympic Nga gây sức ép lên Ủy Ban Olimpic Quốc tế. Ông nhắc lại trách nhiệm trong vụ việc này phải thuộc về cá nhân và quyết định của Liên Đoàn Điền Kinh Quốc tế đi ngược lại với tinh thần của phong trào Olympic. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

5.
Ông Donald Trump đả kích Tổng thống Obama và bà Clinton

Ông Donald Trump, người nắm chắc sự đề cử của đảng Cộng hoà để làm ứng viên tổng thống, đã dùng từ ngữ thô tục tại một cuộc mít tinh ở Texas tối thứ 6 để mô tả Omar Mateen, kẻ xả súng giết chết 49 người và làm bị thương nhiều người khác tại một hộp đêm của người đồng tính luyến ái ở Orlando, Florida.

Ông Trump cũng nói với đám đông là kết quả của đêm bi thảm đó sẽ khác đi giả như những người khách ở hộp đêm có trang bị vũ khí.

Ông cũng chỉ trích Tổng thống Barack Obama, là người lại một lần nữa hô hào cho việc siết chặt luật lệ kiểm soát súng ống sau vụ thảm sát ở Orlando.

Đối thủ của ông Trump trong cuộc tranh cử tổng thống cũng bị ông đả kích dữ dội. Ông nói rằng bà Hillary Clinton của đảng Dân chủ muốn để cho người tị nạn vào Mỹ từ những nước mà theo lời ông “họ muốn giết chết người đồng tính luyến ái và họ bắt phụ nữ làm nô lệ và bà Hillary Clinton muốn họ ồ ạt đổ vào [nước Mỹ].”

Một số nhân vật lãnh đạo đảng Cộng hoà khuyên ông Trump giảm bớt cường độ của những lời lẽ phê phán, nhưng ông nhất định bác bỏ đề nghị đó. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

6.
Đả hổ diệt ruồi hay dậu đổ bìm leo

Dư luận vừa bớt nóng về vụ Đại học Fulbright Việt Nam và trong bối cảnh thảm họa cá chết hàng loạt vẫn làm người dân ưu tư, thì báo chí chính thức do nhà nước quản lý đã bùng lên chiến dịch phanh phui những việc bị cho là sai trái của nguyên Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng. Sau 9 năm tại chức, nhân vật này vừa rời chức vụ cách đây mấy tháng, theo chân Thủ tướng hai nhiệm kỳ là Nguyễn Tấn Dũng.

Đánh bóng việc đấu tranh chống tiêu cực?

Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng bị báo chí đồng loạt đưa tin về những vụ bổ nhiệm người đầy nghi vấn, trong đó có con trai của ông là Vũ Quang Hải, một cán bộ trẻ tuổi có thành tích công tác khá xấu, vào chức vụ lãnh đạo ở Tổng công ty Bia-rượu-nước giải khát Saigon (SABECO).

Trước đó trong vụ bê bối xe tư đắt tiền mang biển số công do báo chí phanh phui, mới lòi ra ông Trịnh Xuân Thanh, Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang cũng từng là một cán bộ có thành tích tồi, được núp bóng an toàn ở Bộ Công thương, trước khi điều chuyển về Hậu Giang làm lãnh đạo.

Nhận định về các vụ việc liên quan đến cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, Luật sư Trần Quốc Thuận nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội từ Saigon phát biểu:

“Khơi ra câu chuyện trong tình hình này cũng có cái gọi là hay, nhưng tôi sợ cách làm đó mang tính cách tuyên truyền, nặng về đánh bóng cho rằng khởi động cuộc đấu tranh chống tiêu cực, chống cánh hẩu, chống nhóm lợi ích… rồi không biết làm có dài hơi không. Ở đất nước này, việc con cháu gia tộc để mà kéo nhau bổ nhiệm chức vụ cho nhau, không phải chỉ có ở Bộ Công thương, mà có thể có tại nhiều cơ quan khác, nhiều địa phương khác. Có địa phương sau Đại hội Đảng bầu trực tiếp bầu phiếu kín, có người không trúng cử, nhưng sau vài tháng lại cử những người vừa thất cử vào trong cấp ủy của địa phương đó. Như vậy cũng không hiểu là nó dựa vào cái gì. Cho nên cách làm như vậy là con ông cháu cha, xây dựng ra một cái tệ không tốt… Nhưng có làm triệt để hay không là một chuyện và có muốn làm triệt để thì cũng không dễ. Tôi thấy báo đăng trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh, Tỉnh ủy của Hậu Giang nhận xét ông này rất tốt, nào cán bộ mẫu mực gương mẫu đủ thứ… Một ông cán bộ như thế được nhận xét như thế thì rõ ràng những người nhận xét đó là như thế nào…”

Theo dõi báo chí trong nước, những ngày qua cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng bị một lúc hai mũi giáp công, mũi thứ nhất trực tiếp từ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Người đứng đầu Đảng Cộng sản ra lệnh xem xét vụ ông Trịnh Xuân Thanh phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, dính vào vụ dùng xe tư đắt tiền nhưng mang biển số xe công. Tổng Bí thư cũng đồng thời ra lệnh rà soát quá trình điều chuyển ông Trịnh Xuân Thanh, từ các vị trí lãnh đạo ở doanh nghiệp nhà nước nơi ông này đưa doanh nghiệp vào tình trạng lỗ lã vài ngàn tỷ, nhưng được đưa về núp bóng ở Bộ Công thương và sau cùng được xem như một nguồn nhân lực quí báu, để điều chuyển về giữ trọng trách ở Hậu Giang.

Mũi tấn công thứ hai là từ Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) với thư chất vấn, mang tính cáo giác việc cựu Bộ trưởng bổ nhiệm con trai là Vũ Quang Hải mới 28 tuổi làm thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Bia-rượu-nước giải khát Saigon (SABECO). Theo các báo điện tử như VietnamNet, Tuổi Trẻ, Infonet, Tiền Phong, Đất Việt, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam còn phanh phui một chuỗi sự kiện trong quá trình công tác của ông Vũ Quang Hải. Chẳng hạn như năm 2011 khi mới 25 tuổi, không có thành tích gì, ông Hải đã được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Công ty cổ phần tài chính công đoàn dầu khí (PVFI) thuộc ngành công thương, nơi Tập đoàn Dầu khí chiếm 51% vốn điều lệ. Theo các báo, hai năm ông Vũ Quang Hải làm Tổng giám đốc Công ty cổ phần tài chính (PVFI) nơi này đã lỗ hơn 200 tỷ đồng, tuy vậy con trai ông Bộ trưởng đã được điều chuyển về Cục xúc tiến thương mại Bộ Công thương và một năm sau, vào giữa năm 2015, ông Vũ Quang Hải lại được giữ chức vụ cao hơn với lương tiền tỷ trong vai trò thành viên Hội đồng Quản trị kiêm Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Bia-rượu-nước giải khát Saigon (SABECO).

Thanh sạch những đường dây còn lại của ông Nguyễn Tấn Dũng?

Đối với sự kiện cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng mới rời chức vụ chưa lâu, đã bị Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ra lệnh điều tra làm rõ nghi án lạm dụng quyền lực. Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, nhà hoạt động xã hội dân sự độc lập từ Saigon nhận định:

“Tôi đặt một dấu hỏi lớn vào động thái của ông Nguyễn Phú Trọng khi chỉ đạo vụ Trịnh Xuân Thanh ở Hậu Giang và từ vụ Trịnh Xuân Thanh lại dắt dây tới vụ Vũ Huy Hoàng ở Bộ Công thương. Gần như báo chí nhà nước đồng loạt tham gia và có điều lạ là hiệp hội kinh doanh của Việt Nam là VAFI, lại là chủ thể đứng đơn mang tính chất tố cáo ông Vũ Huy Hoàng. Như vậy tội đặt ra dấu hỏi lớn là tại sao Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lại tung ra hành động này vào thời điểm này, muốn nhắm tới cái gì. Phải chăng đó là một chiến dịch đả hổ diệt ruồi và chống tham nhũng, hoặc phải chăng đó là một động thái muốn làm thanh sạch những đường dây còn lại của ông Nguyễn Tấn Dũng, hoặc đây có thể là một động tác chính trị để làm người ta quên lãng quên bớt tới việc Nhà nước và Chính phủ vẫn chưa công bố nguyên nhân cá chết ở 4 tỉnh miền Trung, sau hai tháng rưỡi từ khi cá chết…”

TS Phạm Chí Dũng, một trong ba nhà báo tự do của Việt Nam được được Tổ chức Phóng viên không biên giới vinh danh trong danh sách 100 anh hùng thông tin của thế giới, hiện là Chủ tịch Hội Nhà báo độc lập, một tổ chức xã hội dân sự không được Chính phủ nhìn nhận. Nhà hoạt động này từng là một cán bộ phân tích tin tức an ninh tình báo trước khi bị bắt giữ sáu tháng vào năm 2012. Sau đó vào cuối năm 2013 ông xin ra khỏi Đảng Cộng sản. TS Phạm Chí Dũng nhận xét thêm về điều ông gọi là chiến dịch đồng bộ với sự tham gia của báo chí nhà nước:

“Dư luận đang hướng cả vào vụ ông Trịnh Xuân Thanh và ông Vũ Huy Hoàng và chắc chắn sẽ có dư luận, đặc biệt trong giới cán bộ hưu trí, một số cán bộ công chức đương chức ủng hộ chủ trương làm sạch của ông Nguyễn Phú Trọng, chưa biết có làm sạch hay không nhưng chắc chắn có ủng hộ. Do vậy nguyên nhân cá chết gần như bị quên lãng. Tôi cho rằng việc điều tra ông Trịnh Xuân Thanh, đặc biệt là ông Vũ Huy Hoàng đã được tổ chức trước, được sự lên tiếng đồng loạt của một số tờ báo, đánh giá về vụ chiếc xe Lexus của ông Trịnh Xuân Thanh, về vụ ông Vũ Quang Hải là con ông Vũ Huy Hoàng và liên quan tới một số vụ việc nữa của ông Vũ Huy Hoàng. Nếu không được chuẩn bị tài liệu từ trước, thì các báo chắc chắn đã không có những tư liệu đó, không có những câu hỏi sắp sẵn. và không có những dàn bài được sắp sẵn được tung ra tại thời điểm này.”

Trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi, khi tỏ ý nghi ngờ về một chiến dịch chống tham nhũng dài hơi của Đảng và Nhà nước đang khởi sự, Luật sư Trần Quốc Thuận nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhận định:

“Có cần có một cuộc rà soát toàn diện hay không, coi thử con ông cháu cha, bao nhiêu gia đình gia tộc người ta đưa con cái vào chức này chức kia hay không. Trước Đại hội Đảng người ta cũng nói nhiều về gia đình ông Nguyễn Tấn Dũng bây giờ là nguyên Thủ tướng, thì con cái cũng chức này chức kia, cuối cùng bây giờ họ vẫn làm những chức đó, có ai làm gì họ đâu. Cho nên những người khác cũng tìm cách đưa con cái họ vào…Đó là sự tệ hại của một thể chế, nếu có một cơ chế mà có luật có cạnh tranh tất cả các nơi, thì rõ ràng ở đây không có.”

Sau những ngày bị bêu tên trên hầu hết các báo lớn ở Việt Nam, cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng và con trai Vũ Quang Hải cũng được báo chí dành cho cơ hội giải thích. Tuy vậy lập luận của ông Vũ Huy Hoàng và ông Vũ Quang Hải được cho là mang tác dụng ngược. Bạn đọc các báo chắc hẳn phì cười khi Cựu Bộ trưởng nói rằng, ông đâu có đề xuất bổ nhiệm con trai mà do Sabeco có công văn tha thiết xin đích danh và Đảng ủy cơ quan bộ đã xem xét theo đúng qui trình… riêng ông Vũ Quang Hải thì bị báo điện tử Tuổi Trẻ đặ tựa khá mỉa mai chúng tôi xin dẫn nguyên văn, Ông Vũ Quang Hải: Tôi được “xin” về Sabeco.

Câu chuyện đả hổ diệt ruồi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chưa hiểu có thực sự là một chiến dịch mạnh mẽ và quyết tâm hay không. Nhưng có điều, từ những bê bối bị bật mí của ông cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, cũng có những tác dụng phụ không mong muốn cho chế độ. Bởi vì như Luật sư Trần Quốc Thuận nói, tình trạng thu vén cho con cháu các cụ, cho cánh hẩu, lợi ích nhóm đang thể hiện sự tệ hại của thể chế chính trị. - RFA

No comments:

Post a Comment