Thursday, June 23, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Năm 23/6

Tin Thế Giới

1.
Anh mở cuộc trưng cầu dân ý lịch sử về EU --- Brexit thắng hay thua, châu Âu và Anh Quốc sẽ thay đổi

Cuộc bỏ phiếu đã khởi sự hôm nay, thứ Năm 23/6 trong cuộc biểu quyết mà vào tối hôm nay sẽ quyết định liệu nước Anh có ở lại Liên Hiệp Âu Châu – EU hay không.

Giữa lúc cử tri đổ về các phòng phiếu, các cuộc thăm dò công luận cho thấy hai bên đang cạnh tranh ráo riết.

Tỷ lệ đi bầu dự kiến sẽ cao, và là cao điểm của một chiến dịch vận động kịch liệt, kéo dài 2 tháng, phần lớn xoay quanh vấn đề di trú, một vấn đề vô cùng nhạy cảm và gây chia rẽ tại một quốc gia nơi mà tỷ lệ di dân đã tăng gấp đôi kể từ năm 2000.

Thủ Tướng Anh David Cameron dẫn đầu chiến dịch ủng hộ giải pháp ở lại trong khối EU.

Hôm qua, ông đưa ra những lập luận giờ chót để cố gắng thuyết phục thành phần cử tri còn chưa biết ngả theo phe nào. Ông nói: “Chúng ta sẽ mạnh hơn, trong vị thế tốt hơn trong một Liên Hiệp Âu Châu đã cải cách.”

Ông Cameron và những người khác cũng chống đối giải pháp rút ra khỏi EU nói rằng nền kinh tế Anh sẽ bị thiệt hại nặng nề nếu nước này tách ra khỏi khối EU gồm 28 nước thành viên.

Giới phân tích nói rằng tương lai chính trị của ông Cameron đang nằm trên bàn cân và tuỳ thuộc vào kết quả của cuộc biểu quyết. Cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức sau khi ông Cameron hồi tháng Hai không đạt được một thoả thuận với Liên hiệp Âu châu, theo đó liên hiệp này sẽ làm nhiều hơn nữa để hạn chế những phúc lợi dành cho người di dân và giảm bớt các giới hạn đối với doanh nghiệp và các quy định quản lý khác.

Nếu cử tri quyết định tách ra khỏi Liên Hiệp Âu Châu, giới phân tích nói coi như ông Cameron đã mất sự uỷ nhiệm của cử tri, và không có lựa chọn nào khác hơn là từ nhiệm, điều mà nhà lãnh đạo Anh cho tới nay vẫn tuyên bố sẽ không làm.

Những người ủng hộ giải pháp nước Anh rút ra khỏi khối EU cũng đưa ra những lập luận vào phút chót để thuyết phục những người chưa quyết định ngả về phe nào.  

Các cuộc thăm dò cho thấy chiến dịch tách ra khỏi EU đã đánh mất một số ủng hộ tiếp theo sau vụ ám sát nhà lập pháp chống giải pháp rời khỏi EU, bà Jo Cox.

Vụ giết người do một nhân vật có lập trường cực hữu và cực đoan với một quá trình bệnh tâm thần thực hiện, đã khiến chiến dịch vận động của cả bên ủng hộ và chống đối phải tạm ngưng, nhiều cử tri Anh cũng dừng lại để suy gẫm về sự cay đắng chung quanh cuộc biểu quyết này. - VOA

***
Tương lai nước Anh và Liên Hiệp Châu Âu sẽ ra sao sau cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/06 tại Anh Quốc? Lo ngại một cơn bão kinh tế, tài chính và chính trị một khi Anh ra đi, giới lãnh đạo châu Âu và thế giới kêu gọi thần dân của nữ hoàng Elisabeth II "sáng suốt". Cho dù kết quả như thế nào, quan hệ Liên Hiệp Châu Âu-Anh Quốc sẽ không thể như trước.

Anh Quốc quyết định tương lai của mình vào ngày hôm nay thứ Năm 23/06/2016, ngày mà 46,5 triệu cử tri trả lời câu hỏi "ở lại" hay "đi ra" khỏi Liên Hiệp Châu Âu.

Cho đến sáng nay, trong khi các kết quả thăm dò ý kiến cuối cùng công bố hôm qua cho tỷ lệ hai bên ngang ngửa nhau, thì các nhật báo lớn tại Luân Đôn, trong nỗ lực chót, nhấn mạnh đến yếu tố lịch sử của cuộc trưng cầu dân ý. The Sun, ủng hộ phe Brexit, chạy tựa: "Hôm nay là ngày độc lập". Ủng hộ xu hướng ở lại với Liên Hiệp Châu Âu, The Times mượn lời thánh kinh: "Hôm nay là ngày phán xét cuối cùng".

Vì vận mệnh của cả châu lục và thế giới, giới lãnh đạo các nước châu Âu, Mỹ, Trung Quốc và cả Thổ Nhĩ Kỳ, kêu gọi Anh Quốc đừng tách ra.

Nếu "Brexit" chiến thắng, người ta lo ngại khối Liên Hiệp Châu Âu rạn nứt. Ngoài hệ quả trước mắt như thị trường tài chính rối loạn, đồng bản Anh mất giá, Brexit còn đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ của Vương quốc Anh. Scotland, vì quyền lợi sống còn, thực hiện dự án trưng cầu dân ý và dân tộc tự quyết để độc lập và gia nhập Liên Hiệp Châu Âu, thì nước Anh ra sao?

Một hệ quả nữa, là cho dù không tỏ ra "thù hằn" phe Brexit, nhưng chắc chắn là Liên Hiệp Châu Âu sẽ áp dụng đường lối cứng rắn hơn với Luân Đôn trong các cuộc đàm phán tương lai. Bruxelles lo ngại một vài thành viên khác như Thụy Điển, Hà Lan hay Đan Mạch lợi dụng thời cơ bắt chẹt để đòi ưu quyền, nên phải chận trước.

Nhưng trong trường hợp phe chống Brexit chiến thắng, Anh Quốc ở lại, thì quan hệ hai bờ eo biển Manche cũng sẽ khó có thể như xưa.

Để thuyết phục dân Anh bầu chống Brexit, thủ tướng Anh David Cameron hứa là sẽ thi hành ngay biện pháp giảm trợ cấp xã hội cho công dân châu Âu, đa số là Đông Âu, để chận làn sóng di dân . Nếu Bruxelles nhượng bộ Luân Đôn thì một số nước thành viên như Ba Lan, Hungary có lý do để sử dụng lá bài "Brexit" để gây áp lực đòi đặc quyền.

Chiến dịch của phe chống châu Âu đã tạo ra không khí hận thù đến mức độ luận điểm bài ngoại không còn là cấm kỵ và đã xảy ra vụ ám sát nữ dân biểu Jo Cox mà thủ phạm khai là vì quyền lợi nước Anh độc lập.

Ở mức độ châu lục, xu hướng co cụm cũng lên cao. Ngày 17/06 vừa qua, hai đảng cực hữu Pháp và Áo, đã tổ chức chung một ngày « mít-tinh » với thông điệp bài ngoại và chống châu Âu kịch liệt.

Nói cách khác, cho dù kết quả trưng cầu dân ý ra sao, tình hình ở Anh Quốc và Liên Hiệp Châu Âu sẽ không như trước.

Theo nhà phân tích kinh tế Pháp François Lenglet, không nên ngại Anh Quốc đi ra, không nên sợ châu Âu tan rã. Mô hình cũ không thể tồn tại được. Trưng cầu dân ý tại Anh là một "cú sốc" để Liên Hiệp Châu Âu đổi mới. - RFI
|
|

2.
Tàu vũ trang Trung Quốc hộ tống tàu cá TQ ở Biển Đông’ --- Mỹ cảnh báo Trung Quốc dùng tàu cá trong tranh chấp lãnh hải

Một nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ hôm qua cho biết rằng Trung Quốc đang sử dụng đội tàu cá với sự yểm trợ của tàu hộ tống vũ trang, ra khơi đánh bắt ở những vùng lãnh hải tranh chấp nhằm khẳng định chủ quyền.

Hãng tin AFP dẫn lời một quan chức Mỹ không muốn nêu danh tính nói rằng đây là một xu hướng “đáng ngại”.

Nhà ngoại giao này nói rằng việc các tàu tuần duyên hộ tống tàu cá cho thấy “sự vươn rộng của các lực lượng quân sự và bán quân sự” Trung Quốc, và điều đó có thể “gây hấn” và “gây bất ổn”.

Trước bước đi của Trung Quốc, ông Võ Thiên Lăng, Phó Chủ tịch Hội nghề Cá, nói với VOA Việt Ngữ rằng đó là việc Việt Nam “tất yếu phải làm”. Ông nói thêm:

“Mình không bảo vệ ngư dân thì làm sao người dân ra được. Tàu bè của Trung Quốc nói đi đâu là có hải quân Trung Quốc đi kèm. Việc đó rất khoát mình phải làm. Chỉ có nước nghèo, không có tiền, mới không làm thôi, chứ còn các nước phải làm rồi. Lực lượng hải quân, kiểm ngư phải thường xuyên có mặt chứ”.

Quan chức Mỹ trên cho biết rằng Washington hy vọng phán quyết của Tòa trọng tài Liên Hiệp Quốc vào ngày 7/7 về vụ kiện của Philippines về “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở biển Đông sẽ “buộc các quốc gia tuyên bố chủ quyền phải đàm phán” để tìm giải pháp.

Nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ nói: “Vì quyền lợi của mình, Bắc Kinh không nên có bất kỳ hành động gây hấn, trái với phán quyết”.

Trong một diễn biến khác liên quan tới biển Đông, Tổng thống đắc cử của Philippines, ông Rodrigo Duterte, hôm 21/6 cho biết rằng mới đây ông đã hỏi Đại sứ Mỹ tại nước ông rằng liệu Washington có hỗ trợ Philippines nếu xảy ra một cuộc đối đầu với Trung Quốc ở biển Đông hay không. Và ông Philip Goldberg đã trả lời rằng “chỉ khi nào các ngài bị tấn công”.

Sau đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 22/6 nói rằng bằng việc giải quyết hợp lý các vấn đề liên quan, Bắc Kinh và Minila “có thể đưa quan hệ song phương phát triển tốt đẹp trở lại”.

Philippines đâm đơn kiện tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ biển Đông của Trung Quốc tại tòa trọng tài Liên Hiệp Quốc năm 2013. - VOA

***
Hôm qua, 22/06/2016, một quan chức cao cấp của bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cảnh báo việc Trung Quốc đang dùng các đội tàu cá có quân đội hộ tống cho mục đích tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông. Theo quan chức này, hành vi của Trung Quốc "gây quan ngại".

Bình luận của phía Hoa Kỳ được đưa ra sau khi các tàu chiến của Indonesia bắn cảnh cáo và bắt giữ một tàu cá mang cờ Trung Quốc và một số thủy thủ gần quần đảo Natuna ở Biển Đông tuần trước. Bắc Kinh đã phản ứng mạnh với hành động của Jakarta.

Quan chức giấu tên của bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cho rằng việc dùng tàu cá có quân đội hộ tống cho thấy Bắc Kinh đang nỗ lực mở rộng tầm hoạt động theo hướng khiêu khích và gây mất ổn định. 

Không giống như các nước khác trong khu vực, về  nguyên tắc, Indonesia khẳng định không có yêu sách chủ quyền chồng chéo với Trung Quốc trên Biển Đông không có những tranh chấp chồng lấn với Trung Quốc liên quan đến các đảo nhỏ và bãi đá ngầm. Tuy nhiên, khi đòi quyền đánh cá gần quần đảo Natuna, dường như Bắc Kinh đang nhắm tới việc tạo ra một khu vực chồng lấn trong vùng đặc quyền kinh tế của Jakarta.

Kể từ năm 2014, Jakarta đã mạnh tay với việc đánh cá trái phép. Từ đó, xảy ra nhiều va chạm giữa Trung Quốc và Indonesia. Theo chỉ huy Hạm đội phía Tây của Indonesia, Bắc Kinh đã thay đổi cấu trúc và trang bị của các tàu cá. Việc đưa tàu cá ngụy trang đến vùng biển Natuna là một mưu mẹo của Trung Quốc để tạo ra tranh chấp. Hồi tháng Ba vừa qua, tuần duyên Trung Quốc đã giải cứu một tàu cá nước này bị bắt giữ gần quần đảo Natuna. - RFI
|
|

3.
Aung San Suu Kyi thăm Thái Lan

Hôm nay, 23/06/2016, bà Aung San Suu Kyi đến Thái Lan, chuyến công du đầu tiên từ khi chính quyền ủng hộ dân chủ lên nắm quyền ở Miến Điện. Hàng trăm ngàn người Miến Điện tại Thái Lan chờ đón sự kiện này.

Một trong những nội dung chuyến đi của bà Aung San Suu Kyi là thảo luận với chính quyền Bangkok vấn đề di dân và tị nạn Miến Điện tại Thái Lan.

Việc đảng ủng hộ dân chủ lên cầm quyền ở Miến Điện đã tạo hy vọng rằng, sự thịnh vượng trong kỷ nguyên mới sẽ khiến cho đội quân lao động giá rẻ Miến Điện đang ở Thái Lan có thể hồi hương. Hiện có khoảng ba triệu người Miến Điện đang sinh sống tại đây. Trong số đó, có khoảng một triệu lao động nhập cư hợp pháp và khoảng một chục ngàn người lao động bất hợp pháp.

Những lao động người Miến Điện bị bóc lột như nô lệ trong ngành thủy sản, một ngành công nghiệp quan trọng của Thái Lan. Vấn đề này đã bị quốc tế cảnh báo và lên án. Người lao động Miến Điện ở Thái Lan hy vọng bà Aung San Suu Kyi có thể lên tiếng giúp họ về quyền lao động.

Trong khi đó, vấn đề người Miến Điện tị nạn ở Thái Lan vẫn là câu hỏi khó đối với bà Aung San Suu Kyi. Hiện có khoảng 10 trại tị nạn của người Miến Điện ở Thái Lan. Trong kế hoạch, dường như bà không đến thăm trại tị nạn hay nơi tạm giữ hàng trăm thuyền nhân Rohingya. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Dân biểu đảng Dân chủ 'ngồi lỳ' tại Hạ viện đòi có hành động về súng

Để đối phó với việc các dân biểu đảng Dân chủ tại Hạ viện tọa kháng gần 16 giờ đồng hồ để kêu gọi bỏ phiếu về luật kiểm soát súng ống, Đảng Cộng hòa hiện kiểm soát Hạ viện sáng sớm ngày hôm nay biểu quyết để tạm nghỉ họp cho đến ngày 5 tháng 7 tới. Động thái này đánh dấu cao điểm của một đêm đầy kịch tính tại Điện Capitol, nơi các dân biểu Cộng hòa nhiều lần trở lại phòng họp để bỏ phiếu trong khi các dân biểu Dân chủ tập họp chung quanh lời kêu gọi “Không có luật, không nghỉ,” và la ó phản đối Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan. Thông tín viên Đài VOA Zlatica Hoke tường thuật.

Khoảng 40 dân biểu Dân chủ trong bộ vét chỉnh tề ngồi xuống sàn Hạ viện sau khi đọc lời Tuyên thệ Trung thành.

Dân biểu Dân chủ John Larson thuộc Tiểu bang Connecticut nói:

“Chúng tôi sẽ chiếm sàn này, chúng tôi sẽ không còn bị khước từ quyền bỏ phiếu.”

Dân biểu Larson sau đó bị ngắt lời và các máy thu hình bị tắt khi Chủ tịch Hạ viện tạm thời ra lệnh ngưng phiên họp. Một số các hành động này được đưa ra ngoài xuyên qua các kênh tư nhân.

Đảng Dân chủ đề nghị nới rộng việc kiểm soát lý lịch và những hạn chế khác để ngăn chận những phần tử khủng bố và những cá nhân nguy hiểm khác mua súng.

Dân biểu Dân chủ John Lewis, tiểu bang Georgia nói:

“Chúng tôi kêu gọi giới lãnh đạo Hạ viện đưa dự luật hợp lý về kiểm soát súng ra Hạ viện để biểu quyết. Hãy cho chúng tôi bỏ phiếu.”

Dân biểu Lewis dùng chiến lược trong thời kỳ ông là một nhà hoạt động dân quyền để cầm đầu việc tọa kháng ngày hôm qua. Ông nói:

“Chúng tôi không còn chờ đợi được nữa. Do đó ngày hôm nay chúng tôi đến Hạ viện để nêu lên sự cần thiết phải hành động-không phải tháng tới, không phải năm tới, nhưng ngay bây giờ-ngày hôm nay!”

Các cuộc thăm dò cho thấy đa số người Mỹ ủng hộ những biện pháp hợp lý để bảo đảm súng ống không phải bán cho ai cũng được. Việc Quốc hội không hành động được đổ lỗi cho những cuộc vận động của Hiệp hội Súng Mỹ.

Dân biểu Dân chủ Donna Edwards tiểu bang Maryland nói:

“Đây là lúc quốc hội lắng nghe tiếng nói của dân chúng Mỹ thay vì nghe lời của Hiệp hội Súng Quốc gia, lắng nghe ý kiến của số đông Dân biểu Dân chủ và Cộng hòa và những dân biểu độc lập và tước súng khỏi tay những phần tử khủng bố, những phần tử tội phạm và những người có thể làm hại người khác.”

Một số Thượng nghị sĩ ngày hôm qua đã đến Hạ viện để ủng hộ các dân biểu Dân chủ tại Hạ viện.

Thượng nghị sĩ Dân chủ Barbara Mikulski tiểu bang Maryland nói:

“Tôi rất thất vọng vì chúng tôi phải sử dụng những chiến thuật dân quyền để có được quyền hiến định cho các dân biểu Hạ viện tuân theo những qui định và yêu cầu biểu quyết về vấn đề là nếu bạn là một tay khủng bố, bạn sẽ không có thể mua súng-hãy đóng lại lổ hỗng này.”

Ngày thứ Hai vừa qua, Thượng viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát đã ngăn chận 4 biện pháp kiểm soát súng được đề nghị. Những người chống đối cho rằng các biện pháp này sẽ tước đoạt quyền hiến định của bán súng và người mua súng. - VOA
|
|

5.
Ông Trump gọi bà Clinton ‘người tệ hại nhất’ mưu tìm chức Tổng thống

Ứng viên tranh chức Tổng thống bên đảng Cộng hòa Donald Trump hôm nay tung lời tấn công gay gắt đối với bà Hillary Clinton, nói rằng đối thủ bên đảng Dân chủ "có thể là người tệ hại nhất trước nay" mưu tìm chức Tổng thống Hoa Kỳ.

Trong lời chỉ trích gay gắt nhất từ trước tới nay của ông Trump đối với bà Clinton, ông cáo buộc cựu Ngoại trưởng đã ủng hộ các chính sách của Mỹ ở hải ngoại dẫn đến "sự chết chóc, tàn phá, và chủ nghĩa khủng bố" trong thời gian bà giữ vị trí nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ 2009-2013 rồi sau đó làm giàu cho bản thân với hàng hàng triệu đôla thu về từ các bài phát biểu sau khi rời chức.

Trong bài diễn văn trước các ủng hộ viên cổ vũ nồng nhiệt tại New York, ông trùm tỷ phú bất động sản nói bà Clinton "đã hoàn thiện nền chính trị của lợi ích cá nhân và trộm cắp." Ở góc độ khác, ông gọi bà là "kẻ nói dối đẳng cấp thế giới."

Ông nói bà Clinton, người đang tìm cách trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của Mỹ, "đã vận hành Bộ Ngoại giao như thể cơ quan này là một quỹ đầu tư cá nhân của bà, thiên vị các chế độ áp bức và nhiều người khác, để đổi lấy tiền." Ông nói các nhà tài trợ đã đóng góp tài chính cho Quỹ Bill, Hillary, và Chelsea Clinton dựa trên các quyết định của bà trong tư cách là Ngoại trưởng.

Ông Trump tố cáo rằng sau khi rời chức, bà Clinton thu về gần 21 triệu đôla trong các bài phát biểu từ các ngân hàng ở Wall Street và các tổ chức lợi ích đặc biệt khác, và sau đó từ chối tiết lộ công khai nội dung các bài diễn văn bà đã thực hiện. Điều này cũng tương tự như cáo buộc mà Thượng nghị sĩ Bernie Sanders từng nhắm vào bà Clinton trong chiến dịch vận động của ông kéo dài nhưng rốt cuộc thất bại không được đảng Dân chủ đề cử.

Ông Trump, lần đầu tiên mưu tìm chức vị dân cử, thường phát biểu lan man trong các bài diễn văn vận động không soạn sẵn, nhưng văn bản của bài phát biểu dài 40 phút hôm nay đã được phát trước cho báo giới.

Ông cũng đổ lỗi cho bà Clinton về sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố Nhà nước Hồi giáo ở Trung Đông, về lời nói mà bà Clinton bị cáo buộc liên quan đến các yếu tố xung quanh vụ tấn công vào các trụ sở Mỹ ở Benghazi, Libya, năm 2012 khiến bốn người Mỹ thiệt mạng trong đó có đại sứ Mỹ, và về các thỏa thuận thương mại ở nước ngoài mà ông nói đã làm mất công ăn việc làm của người lao động Mỹ. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

6.
Trung Quốc nêu lý do giúp Việt Nam tìm máy bay

Bắc Kinh nói rằng việc triển khai nhiều tàu bè và máy bay tới tìm kiếm phi cơ quân sự Việt Nam gặp nạn với tinh thần “quan hệ hữu hảo”.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh mới cho biết rằng chính quyền nước này đã “ngay lập tức triển khai 9 tàu thuộc lực lượng hải quân và tuần duyên tới Vịnh Bắc Bộ giúp Việt Nam ngay sau khi nhận được đề nghị của Hà Nội”.

Bà Hoa cho biết thêm rằng ngày 18/6, Trung Quốc triển khai thêm “4 máy bay, cũng như 8 tàu đánh cá tới tham gia công tác cứu hộ”.

Tới nay, theo nữ phát ngôn viên này, các tàu của Trung Quốc đã gần 40 lần ra khơi, trong khi máy bay của nước này đã thực hiện ít nhất 6 chuyến bay tìm kiếm.

Bà Hoa nói thêm trong buổi họp báo thường kỳ: “Trên tinh thần thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị với Việt Nam, cũng như vì lý do nhân đạo, Trung Quốc sẽ tiếp tục dốc hết sức lực để giúp tìm kiếm những chiếc máy bay mất tích và những người trên khoang”.

Bắc Kinh cũng đồng ý cho phép tàu thuyền của Việt Nam tiến vào phía vùng biển của Trung Quốc để thực hiện công tác cứu hộ.

Thông qua Đại sứ Mỹ tại Hà Nội, Hoa Kỳ hôm 17/6 cho biết “sẵn sàng hỗ trợ” Việt Nam. Hiện chưa rõ phía Việt Nam trả lời như thế nào trước đề nghị của Mỹ.

Chiếc máy bay tuần thám CASA 8983 của lực lượng cảnh sát biển gặp nạn phía đông nam đảo Bạch Long Vỹ, khi đi tìm phi công lái máy bay chiến đấu Su-30 MK2 mất tích trước đó.

Tin mới nhất từ báo chí trong nước cho biết rằng lực lượng cứu hộ hôm nay đã “xác định chính xác vị trí của một động cơ máy bay CASA gặp nạn ở độ sâu khoảng 60m”.

Ngoài ra, hai thi thể đã được phát hiện tại nơi tìm kiếm chiếc máy bay của cảnh sát biển, và Bộ phận pháp y của Bộ Quốc phòng Việt Nam đang giám định. - VOA
|
|

7.
Điều trần tại Quốc hội Hoa Kỳ về nhân quyền Việt Nam

"Tổng Thống Obama Đến Việt Nam: Lỡ Một Cơ Hội Thúc Đẩy Việt Nam Cải Thiện Quyền Con Người" là tiêu để buổi điều trần này.

Với sự chủ trì và điều hợp của  dân biểu Christopher Smith, thành viên  cao cấp Ủy Ban Đối Ngoại kiêm chủ tịch Tiểu Ban Nhân Quyền Toàn Cầu tại hạ viện, buổi điều trần còn có sự tham dự của đại diện các tổ chức Ân Xá Quốc Tế, Boat People SOS cùng thành viên các tôn giáo đang bị bách hại tại Việt Nam như Tin Lành và Cao Đài.

"Tôi là mục sư Rmah Loan tại Budak, từ Việt Nam mới qua đây. Hôm nay tôi sẽ nói Việt Nam đối xử với tôn giáo như thế nào. Tôi rất mừng quí vị cho phép tôi nói chuyện về nhân quyền tại Việt Nam, về vấn đề nhân quyền tại Việt Nam Việt Nam, đối xử về tôn giáo khác biệt lắm. Tôi sẽ nói với dân biểu ở đây những mục sư truyền đạo người dân tộc thiểu số có hơn 20 người đang ở trong tù." 

"Tôi là Katie Dương đến từ Dallas, Texas, đại diện cho Cao Đài là một tôn giáo thành lập ở Việt Nam năm 1926. Lý do tôi đến đây là bởi vì Cao Đài đã bị nhà nước xóa sổ kể từ sau 1975 và nhà nước đã thành  lập một Cao Đài mới dưới sự quản lý của nhà nước cộng sản năm 1977 mà chúng tôi không đồng ý. Chúng tôi muốn nói lên sự đàn áp  Cao Đài như thế nào, đặc biệt như trường hợp của ba tôi bị ở tù, bị bắt và bị truy nã phải trốn tị nạn." 

Lên tiếng với đài Á Châu Tự Do trước khi bắt đầu cuộc  điều trần, dân biểu Christopher Smith nói bất kể bao áp lực từ bên ngoài yêu cầu Việt Nam cải thiện nhân quyền nhưng các quyền căn bản của người dân Việt Nam như tự do tín ngưỡng, tự do báo chí, tự do bày tỏ chính kiến, tự do lập hội vân vân ... vẫn bị vi phạm một cách nghiêm trọng. Đặc biệt sau chuyến viếng thăm của tổng thống Obama thì Việt Nam đã không có sự nhượng bộ nào cũng như không có sự thăng tiến đáng kể về mặt nhân quyền. Dân biểu Christopher Smith nói:

Đây là buổi điều trần được coi là nghiêm  khắc nhất  để một lần nữa trình bày về thực trạng nhân quyền sa sút và tồi tệ ở Việt Nam. Chỉ một chi tiết như vụ luật sư Nguyễn Văn Đài bị bắt bớ  tù tôi hồi tháng 12 đủ cho thấy Việt Nam chẳng khác gì Bắc Hàn hay những đất nước không có quyền tự do ngôn luận khác, Việt Nam đang là  mối đe dọa chống lại những gì tốt đẹp nhất về quyền con người mà nhân loại hướng tới.

Thế nhưng tổng thống Obama lại nhìn sự việc một cách khác, ông chẳng những đã nêu vấn đế nhân quyền một cách hời hợt mà còn loan báo quyết định dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Xét kỹ thì ta có thể thấy Mỹ đang bán khí giới cho một quốc gia mà chính sách tiên quyết của quốc gia đó là cường quyền, kiểm soát, hạn chế mọi quyền tự do căn bản của người dân. Mỹ đang  bán vũ khí cho một đất nước mà ở đó luôn có sự bất dung tôn giáo, luôn có sự kiểm duyệt và cấm đoán, luôn có sự đàn áp, bắt bớ  và bịt miệng đối lập. 

Hãy nhớ  tương lai Việt Nam nằm trong tay giới trẻ là những người thực sự muốn có dân chủ, tụ do. Người trẻ  muốn đạo giáo được tôn trọng,  các  nhà báo,các  bloggers và  các nhà  hoạt động môi trường được bảo vệ. Những ước muốn đó không thể xảy ra dưới một chế độ chuyên dùng sức mạnh và sự đàn áp để cai trị như chính quyền hiện hành ở Việt Nam. 

Không tiến bộ sau chuyến thăm của Tổng thống Obama

Vẫn lời dân biểu Christopher Smith, trước khi tổng thống Obama lên đường sang Việt Nam thì một số nhà lập pháp đã yêu cầu ông lên tiếng đòi hỏi Việt Nam cải thiện nhân quyền. Thế nhưng đáng tiếc một tháng sau chuyến công du Việt Nam chẳng những không thay đổi mà còn mạnh tay đàn áp, bắt giữ hoặc bắt cóc những người biểu tình ôn hòa vì muốn một câu trả lời minh bạch về  thảm họa ô nhiễm môi sinh đang ảnh hưởng lên đời sống của họ.

Hiện diện trong buổi điều trần hôm thứ Tư còn có dân biểu Dana Rohrabacher, người đã đặt nhiều câu hỏi xác đáng với các thuyết trình viên về nhân quyền, nhất là sinh hoạt tôn giáo và sự thờ phượng của người Tin Lành sắc tộc ở vùng cao.

Tôi thực sự thất vọng vì ngài tổng thống khi đến Việt Nam chỉ chú trọng đến hợp tác kinh tế và thương mại hơn là cải tổ chính trị, vấn đề Việt Nam cần thực hiện hầu tạo niềm tin trong quan hệ song phương. 

Việt Nam không thể trở thành một thành viên của TPP Hiệp Định Đối Tác Kinh Tế Chiến Lược Xuyên Thái Bình Dương nếu một thể chế độc tài như thế còn tồn tại. Người ta không thể biết tin tức trung thực vì Việt Nam làm gì có tự do báo chí cũng như không có báo chí độc lập và không có đảng đối lập. Làm sao chúng ta có thể ủng hộ một chính phủ giống như vậy. Muốn có chỗ đứng trong một cơ chế mậu dịch  tự do thì Việt Nam phải tự thay đổi và đáp ứng những điều kiện cần phải có. Rõ ràng là Việt Nam không đủ khả năng để tự thay đổi và chúng ta phải tìm cách tiếp cận với họ, đưa họ ra khỏi cái gọi là một chế độ được điều khiển bằng những kẻ bất lương đang nắm mọi quyền hành cho tới lúc này. 

Buổi điều trần chấm dứt bằng  kết luận của dân biểu Christopher Smith, rằng những điều mắt thấy tai nghe hôm nay chứng tỏ chuyến đi Việt Nam của tổng thống Obama đã không thăng tiến nhân quyền được cho Việt Nam  như  kỳ vọng của các nhà lập pháp, của người Mỹ gốc Việt cũng như người Việt trong nước. Ông nói buổi điều trần cũng là  dịp để quốc hội rà soát lại xem chuyến đi Việt Nam vừa rồi của hành pháp đạt kết quả bao nhiêu và cần thiết bao nhiêu để Quốc hội nhập cuộc bằng những hành động lập pháp tích cực. - RFA

No comments:

Post a Comment