Thursday, June 30, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Năm 30/6

Tin Thế Giới

1.
Tòa ấn định ngày (12/7) ra phán quyết vụ kiện Biển Đông --- Biển Đông: Mỹ sẽ triển khai thủy quân lục chiến từ 2019

Tòa trọng tài thường trực của Liên Hiệp Quốc hôm 29/6 thông báo sẽ ra phán quyết về vụ kiện Trung Quốc của Philippines ở biển Đông vào ngày 12/7.

Đây được coi là một động thái bất thường khi tòa này cho biết trước ngày giờ ra quyết định về vụ kiện “đường lưỡi bò” nuốt trọn gần như toàn bộ biển Đông của Bắc Kinh.

Cơ quan thuộc Liên Hiệp Quốc cho hay sẽ gửi phán quyết tới các bên liên quan vào ngày 12/7, và sẽ công bố kết luận trong cùng ngày.

Trung Quốc từng nhiều lần tuyên bố sẽ không công nhận quyết định được nhiều người chờ đợi này, và đang ráo riết vận động hậu thuẫn ngoại giao từ nhiều nước.

Chính quyền của Tổng thống Philippines sắp rời nhiệm sở, ông Benigno Aquino, quyết định đưa Trung Quốc ra tòa đầu năm 2013.

Người tiền nhiệm của ông Aquino, tổng thống đắc cử Rodrigo Duterte từng kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết của tòa.

Người được mệnh danh là ‘Donald Trump của Philippines’ cũng cho biết ông sẵn sàng đàm phán với Bắc Kinh nếu chính quyền này phớt lờ quyết định của Tòa trọng tài.  

Hiện có nhận định rằng Bắc Kinh sẽ đơn phương thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không ở biển Đông, nếu vấp phải phán quyết bất lợi từ Tòa Trọng tài Quốc tế. - VOA

***
Theo Stars and Strips, một báo mạng của quân đội Mỹ, ngày 29/06/2016, kể từ năm 2019, Hải Quân Hoa Kỳ sẽ triển khai một đơn vị lính thủy đánh bộ thường trực ở nam Thái Bình Dương, sẵn sàng can thiệp tại Biển Đông.

Trong một cuộc nói chuyện tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (Center for Strategic and International Studies/CSIS), ở Washington D.C., tư lệnh thủy quân lục chiến, tướng John Wissler, cho biết việc triển khai ở nam Thái Bình Dương cho phép quân đội Mỹ có thể hiện diện mạnh hơn tại khu vực rìa phía nam Biển Đông.

Hiện tại, đơn vị thủy quân lục chiến 31st của Hoa Kỳ, đồn trú tại đảo Okinawa, Nhật Bản, đảm trách các hoạt động tuần tra, diễn tập tại Thái Bình Dương, và sẵn sàng đối phó với các thiên tai, thảm họa. Nhờ bố trí thêm một đơn vị thủy quân lục chiến nói trên, lực lượng ở Okinawa sẽ tập trung vào khu vực bắc Thái Bình Dương. Lực lượng sắp được bố trí có khả năng tiến hành nhiều cuộc tuần tra 90 ngày tại Thái Bình Dương và các khu vực phụ cận.

Tư lệnh thủy quân lục chiến Wissler phát biểu tại CSIS, nhân dịp trung tâm này công bố một bản báo về dự án phát triển lực lượng tác chiến thủy-bộ của Mỹ tại Thái Bình Dương (“Land Together: Pacific Amphibious Development and Implications for the U.S. Fleet.”). Báo cáo khuyến nghị lãnh đạo Hạm đội 7 Thái Bình Dương thành lập một lực lượng đặc nhiệm cỡ nhỏ (Special Purpose Marine Air-Ground Task Force), có khả năng triển khai nhanh, nhằm đối phó với các bất trắc xảy ra trên một địa bàn rộng. Một lực lượng như vậy của Mỹ đang hoạt động tại châu Phi.

Sự hiện diện quân sự gia tăng của Hoa Kỳ tại khu vực Biển Đông diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc bộc lộ rõ tham vọng kiểm soát Biển Đông, với việc xây dựng nhiều đảo nhân tạo và bố trí nhiều phương tiện quân sự hiện đại tại quần đảo Trường Sa, nơi nhiều quốc gia láng giềng Đông Nam Á khác, như Việt Nam và Philippines, cũng đòi hỏi chủ quyền. Hoa Kỳ có kế hoạch tiến hành thường xuyên các cuộc tuần tra “bảo vệ tự do hàng hải” trong khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo, đá, mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. - RFI
|
|

2.
Ông Rodrigo Duterte nhậm chức tổng thống Philippines

Hôm nay, 30/06/2016, ông Rodrigo Duterte chính thức nhậm chức tổng thống Philippines. Hồi đầu tháng Năm, cựu luật sư 71 tuổi đã giành được chiến thắng áp đảo, sau một cuộc tranh cử được đánh giá là hết sức ầm ĩ và quá thái.

Theo AFP, trái với thông lệ, lễ tuyên thệ nhậm chức của tân tổng thống Philippines diễn ra tại phủ tổng thống Malacanang, chứ không phải là trước một biển người trên quảng trường như những người tiền nhiệm. Trong bài diễn văn ngắn ngủi, ông Duterte tuyên bố nhiệm kỳ 6 năm của ông sẽ không êm đềm, mà là "một chuyến du hành đầy biến động".

Trong cuộc tranh cử, cựu thị trưởng Davao Rodrigo Duterte đặc biệt đã hứa hẹn sẽ tiêu diệt hàng chục nghìn tội phạm, ngay trong những tháng cầm quyền đầu tiên. Kể từ khi đắc cử, ông không mảy may thay đổi lập trường, liên tục đưa ra những tuyên bố ồn ào khiến Liên Hiệp Quốc phải nổi giận.

Ông Duterte bị cáo buộc đã đứng đằng sau cái chết của hơn 1.000 người, bị quy là tội phạm, trong thời gian còn làm thị trưởng Davao, theo giới bảo vệ nhân quyền. Hôm thứ Hai, 27/06, ông Duterte tái khẳng định chủ trương đàn áp tội phạm sắp tới, khi phê phán các nhà bảo vệ nhân quyền là ngớ ngấn và nhấn mạnh rằng án tử hình là dùng để trả thù.

Dù sao, trong diễn văn nhậm chức, tân tổng thống Philippines cũng cam kết hành động trong khuôn khổ luật pháp, khi khẳng định "kiên định tinh thần thượng tôn pháp luật", "với tư cách một cựu luật sư và cựu công tố".

Thông tín viên Marianne Dardard tường trình từ Manila:

Ông Duterte tuyên chiến với nạn buôn lậu ma túy, lĩnh vực mà ông cho là cần được ưu tiên. Theo tổng thống Philippines, cần phải lập lại án tử hình và khen thưởng cho những ai bắn hạ các tội phạm. 

Quan điểm của ông Duterte không nhận được sự hưởng ứng của đông đảo công chúng. Người dân Philippines chờ đợi Rodirgo Duterte chấm dứt nạn tham nhũng và phân phối công bằng hơn các nguồn lợi. 

Cho dù kinh tế tăng trưởng cao, một phần tư dân số Philippines vẫn sống dưới mức nghèo khổ. Tân tổng thống cũng có sứ mạng củng cố hòa bình tại đảo Mindanao, miền nam Philippines, một trong những khu vực nghèo nhất, nơi hoành hành của các nhóm vũ trang cộng sản và Hồi Giáo cực đoan.

Chính quyền Duterte phải nối lại đàm phán với phe nổi dậy cộng sản. Nhiều tù binh sẽ phải được trả tự do. Tổng thống tân cử cũng sẵn sàng đối thoại với phong trào Abou Sayyaf, lực lượng có liên hệ với tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (và bị Liên Hiệp Quốc coi là một tổ chức khủng bố). 

Cuối cùng, ông Duterte chủ trương xây dựng một thể chế liên bang tại Philippines, điều cho phép phe nổi dậy Hồi Giáo miền nam được hưởng quyền tự trị trên thực tế. Tuy nhiên, để làm được điều này, cần phải sửa đổi Hiến Pháp. - RFI
|
|

3.
(Cựu Thị trưởng London) Boris Johnson: 'Tôi không ra tranh cử --- Anh: Bộ trưởng Nội Vụ Theresa May nhiều khả năng trở thành thủ tướng

Cựu Thị trưởng London, ông Boris Johnson, vừa tuyên bố ông sẽ không ra tranh cử vào chức vụ lãnh đạo đảng Bảo thủ tại Anh.

"Sau khi tham vấn với các đồng nghiệp và trong bối cảnh Quốc hội hiện nay, tôi đi tới kết luận rằng người đó không thể là tôi."

Trợ lý Trưởng biên tập chính trị của đài BBC, Norman Smith, nói quyết định của ông Michael Gove ra tranh cử lãnh đạo đảng Bảo thủ khiến ông Boris Johnson quyết định sẽ không tham gia cuộc chạy đua vào chức vụ này.

Phóng viên BBC Norman Smith nói ông Boris Johnson "người có lẽ đã thắng trong chiến dịch vận động rời bỏ EU - Brexit", bằng cách mang đến cho phe này vai trò lãnh đạo nhưng "nay nhận ra rằng ông đã trở thành viên thuốc đắng đối với rất đông đảo người dân trên đất nước này".

Ông Boris Johnson không nêu tên người ông tin nên trở thành lãnh tụ của đảng Bảo Thủ.

Trước đó, bà Theresa May, Bộ trưởng Nội vụ và người ủng hộ chiến dịch vận động Anh ở lại EU, và Bộ trưởng Tư pháp, ông Michael Gove và là người ủng hộ Anh rời khỏi EU, cùng vừa tuyên bố trong ngày 30/06 ở London tuyên bố ra tranh cử chức lãnh đạo đảng Bảo thủ để lên làm tân thủ tướng.

Hiện các báo Anh mô tả cuộc chạy đua vào chức lãnh đạo đảng Bảo thủ và cũng là chức thủ tướng là rất căng.

Cuộc bầu chọn sẽ diễn ra trong khối nghị sỹ đảng Bảo thủ ở Hạ viện rồi chọn ra hai ứng viên hàng đầu để đảng viên chọn tại Đại hội dự kiến vào tháng 10 này.

Cho tới nay năm ứng viên chính thức bao gồm Stephen Crabb, Liam Fox, Michael Gove, Andrea Leadsom và Theresa May

Các dân biểu đảng Bảo thủ sẽ tham gia vòng bỏ phiếu đầu tiên vào thứ Ba.

Theresa May

Một trong những người giữ chức vụ Bộ trưởng Nội vụ lâu năm nhất trong lịch sử, bà Theresa May được nhắc tới là một người có nhiều khả năng trở thành lãnh đạo tương lai của đảng Bảo thủ.

Sinh năm 1956 ở Eastbourne, vùng Nam nước Anh, bà không học ở các trường tư như các ông Boris Johnson, David Cameron và George Osbourne mà học trường chuyên.

Một điều tra trên trang The Mirror cho thấy bà May được 55% thành viên đảng Bảo thủ ủng hộ, cao hơn ông Boris Johnson (38%).

Bà May là một trong những người có đường lối cứng rắn nhất trong chính phủ. Trong những năm theo sau thất bại nặng nề của đảng Bảo thủ hồi năm 1997, bà nổi tiếng với câu nói đảng này được một số người gọi là "đảng độc địa".

Dân biểu này được ca ngợi về cách thức bà đã cứng rắn giải quyết hồ sơ thường có nhiều vấn đề của Bộ Nội vụ - vốn bị xem là như một chén thuốc độc khó nhằm - tuy nhiên sức hấp dẫn chính trị rộng lớn hơn của bà còn chưa được thử thách.

Trong khi đứng về phía những người ủng hộ ở lại EU, bà May vẫn giữ một vị thế khá lặng lẽ trong thời gian vận động bỏ phiếu trưng cầu dân ý, có nghĩa là bà có tiềm năng với những dân biểu đang nhìn quanh tìm một người nào khác hơn là ông Boris Johnson.

Nếu thắng lợi, bà sẽ là nữ thủ tướng Anh thứ nhì, sau bà Margaret Thatcher.

Bà Theresa May trả lời báo chí nói bà sẽ chọn cách đàm phán rút ra khỏi EU sau trưng cầu dân ý Brexit làm sao có lợi nhất cho Anh.

Michael Gove

Vị dân biểu 48 tuổi này đã từng cố đưa ra giới hạn về các tham vọng cá nhân của mình, thậm chí tới mức gợi ý rằng ông không được trang bị để làm công việc của Thủ tướng.

Từng là cựu phóng viên tờ Times, người vào Quốc hội năm 2005, ông là một bạn thân của ông David Cameron và ông George Osborne, Bộ trưởng Tài chính, và cũng là một nhân vật chủ chốt trong việc hiện đại hóa đảng Bảo thủ, dẫn tới đưa đảng này trở lại cầm quyền năm 2010.

Ông Michael Gove sau đó trở thành một Bộ trưởng Giáo dục có đường lối cải cách, nếu có thể nói là gây tranh cãi, và được xem là một trong những trí thức với tiếng nói có trọng luợng trong đảng.

Hiện ông là Bộ trưởng Tư pháp và việc ông quyết định ủng hộ phe vận động rời khỏi châu Âu là một trong những thời điểm quyết định trong chiến dịch vận động trưng cầu dân ý.

Mặc dù điều này được cho là đã tạo ra căng thẳng trong mối quan hệ của ông với ông Cameron, ông vẫn là người được tôn trọng từ cả hai phe Ở lại và Ra đi khỏi EU trong đảng Bảo thủ và có lẽ sẽ là một nhân vật quan trọng trong những tháng tới. - BBC

***
Hôm nay, 30/06/2016, là hạn chót đối với các ứng viên của đảng Bảo Thủ vào chức thủ tướng, thay cho ông David Cameron, người đã tuyên bố từ chức sau khi cử tri Anh bỏ phiếu thuận cho Brexit (ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu). Bà Theresa May, bộ trưởng Nội Vụ, được mệnh danh là “bà đầm thép mới”, có nhiều khả năng đắc cử. Vào phút chót, cựu đô trưởng Luân Đôn Boris Johnson tuyên bố bỏ cuộc.

Theo AFP, 150.000 đảng viên đảng Bảo Thủ sẽ bỏ phiếu chọn giữa hai ứng cử viên chính, được các nghị sĩ của đảng này đề cử trước đó. Kết quả sẽ được công bố ngày 09/09/2016.

Có hai ứng cử viên nặng ký là bộ trưởng Nội Vụ Theresa May, 59 tuổi, người ủng hộ quan điểm Anh ở lại với Liên Hiệp Châu Âu và bộ trưởng Tư Pháp Michael Gove, người ra ứng cử vào giờ chót. Trong khi đó, cựu đô trưởng Luân Đôn Boris Johnson cũng bất ngờ tuyên bố bỏ cuộc, với lý do các nhiệm vụ của thủ tướng tương lai “không thích hợp” với một người như ông. Trước đó, cựu đô trưởng Luân Đôn vốn được coi là người có nhiều khả năng kế nhiệm chức thủ tướng, sau khi phe Brexit thắng.

Việc bộ trưởng Tư Pháp Michael Gove, một đồng minh của cựu đô trưởng Johnson đột ngột ra ứng cử càng làm tăng cơ hội thắng cử của “bà đầm thép mới”.

Ngoài các ứng cử viên trên, theo AFP, còn có thêm hai ứng viên chính thức khác là bộ trưởng Lao động Stephen Crabb và cựu bộ trưởng Quốc Phòng Liam Fox.

Bộ trưởng Nội Vụ Theresa May vốn là người hoài nghi châu Âu, nhưng trong cuộc vận động trưng cầu dân ý, bà đã đứng về phía thủ tướng mãn nhiệm David Cameron, chống lại Brexit. Bộ trưởng Nội Vụ Anh có lập trường rất cứng rắn trong các vấn đề như nhập cư lậu, tội phạm hay tuyên truyền Hồi Giáo…

Theo báo Sunday Times, bộ trưởng Nội Vụ May “là nhân vật duy nhất có khả năng tập hợp được các phe phái xung khắc trong nội bộ đảng” Bảo Thủ. - RFI
|
|

4.
Mỹ, Canada, Mexico gia tăng hợp tác kinh tế, an ninh, môi trường

Các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ, Canada và Mexico đã gặp nhau tại Ottawa để thúc đẩy cho sự hợp tác về kinh tế và an ninh vào một thời điểm mà Liên hiệp Châu Âu đang bắt đầu rạn nứt. Kế hoạch của Anh rời khỏi khối này, và vụ tấn công khủng bố tại Thổ Nhĩ Kỳ đã phủ bóng mờ lên cuộc họp ngày hôm qua tại thủ đô Canada, nơi 3 nhà lãnh đạo đề cập đến sự hội nhập lớn hơn giữa các nước Bắc Mỹ.

Hội nghị có biệt danh là “Ba người bạn” là hội nghị đầu tiên được Thủ tướng Canada Justin Trudeau chủ trì. Ông ghi nhận đây là hội nghị cuối cùng có sự tham dự của Tổng thống Barack Obama.

“Hơi buồn một chút vì đây sẽ là cơ hội cuối cùng tất cả 3 chúng ta gặp nhau trong cương vị này, bởi vì Tổng thống Obama sắp rời khỏi chức vụ.”

Hoa Kỳ, Canada và Mexico là thành viên của Hiệp ước Tự do Mậu dịch Bắc Mỹ NAFTA mà một số người Mỹ chống đối. Ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump hứa sẽ thương thuyết trở lại thỏa thuận này nếu đắc cử, và thậm chí có thể huỷ bỏ hiệp ước.

Tổng thống Obama công nhận là có những mối quan tâm chính đáng về bất bình đẳng xã hội do toàn cầu hóa gây ra, nhưng ông nói thêm là rút khỏi thỏa thuận thương mại không phải là câu trả lời.

“Đầu tiên là việc này không khả thi, chẳng hạn như các nhà máy ô tô của chúng ta sẽ đóng cửa nếu chúng ta không có được những bộ phận rời sản xuất tại các nơi khác trên thế giới. Do đó chúng ta sẽ mất công ăn việc làm, và mức độ tai hại của sự gián đoạn này sẽ rất to lớn.”

Tổng thống Obama nói người Anh bỏ phiếu ra khỏi EU vẫn muốn tiếp cận thị trường mậu dịch tự do, họ chỉ không muốn những nghĩa vụ kèm theo. Ông nói kỷ nguyên sản xuất sinh lợi mà nhiều người Mỹ luyến tiếc đã bị tự động hóa xói mòn.

“Ngành thép đang sản xuất thép tại Mỹ nhiều hơn bao giờ hết. Nhưng chỉ cần có một phần mười công nhân để làm việc này so với trước đây.”

Ba nhà lãnh đạo lên án vụ đánh bom tự sát hôm thứ Ba tại Istanbul. Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto nói Mexico và Hoa Kỳ cộng tác chặt chẽ để ngăn ngừa những cuộc tấn công như thế xảy ra trên lãnh thổ hai nước.

“An ninh của cả hai quốc gia tùy thuộc vào sự hợp tác của hai chính phủ chúng ta trong việc chia sẻ thông tin - trong những cuộc giao tiếp hàng ngày.”

Trong bài diễn văn đọc tại quốc hội Canada vào xế chiều ngày hôm qua, Tổng thống Obama nhấn mạnh đến sự ổn định trong mối quan hệ Hoa Kỳ-Canada giữa lúc Liên hiệp Châu Âu bị rúng động do việc Anh bỏ phiếu rời khỏi khối này và Trung Quốc có những mối quan hệ căng thẳng với các nước láng giềng tại Biển Đông. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

5.
Donald Trump lại nhắc tới Việt Nam --- Khảo sát: Người Mỹ gốc Á đang ngả sang đảng Dân chủ

Ứng viên tổng thống trực ngôn của Mỹ một lần nữa nêu đích danh Việt Nam, gọi đây là “một trong những nước trả lương thấp nhất trên thế giới”.  

Tỷ phú theo phe Cộng hòa, Donald Trump, hôm 29/6 tuyên bố rằng nếu được bầu làm tổng thống, ông sẽ rút Hoa Kỳ khỏi Hiệp định Đối tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương, TPP.

Ứng viên này nói tại tiểu bang Pennsylvania nói rằng TPP với sự tham gia của 12 nước thuộc vành đai Thái Bình Dương sẽ “buộc các nhân công Hoa Kỳ phải trực tiếp cạnh tranh với các công nhân từ Việt Nam, một trong các quốc gia trả lương thấp nhất trên thế giới”.

Doanh nhân Trump nói thêm rằng “không có cách nào để sửa lại TPP. Chúng ta cần các thỏa thuận thương mại song phương”.  

Tỷ phú bất động sản cũng nhân dịp này công kích các quan điểm trước đây của đối thủ Hillary Clinton về các hiệp định thương mại tự do.  

Hồi tháng Hai, trong một cuộc vận động tranh cử, ông Trump từng cáo buộc Việt Nam cũng như một số các nước châu Á khác “đánh cắp” việc làm tại Mỹ. 

Ba tháng sau đó, ứng cử viên này nói rằng ông tức giận với sự lãnh đạo “bất tài” và “thiếu năng lực” của Mỹ chứ không phải với Việt Nam, Trung Quốc hay Ấn Độ vì “đã lấy đi rất nhiều thứ của chúng ta”.

Trong khi đó, cho dù ông Trump từng nêu đích danh Việt Nam trong những lời chỉ trích của mình, theo giới quan sát, một số người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam nuôi hy vọng ứng viên Đảng Cộng hòa của Mỹ sẽ giúp “dẹp mộng bá quyền của Trung Quốc”.

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng của Đại học George Mason ở Hoa Kỳ nhận định với VOA Việt Ngữ rằng ông Trump nhận được sự ủng hộ của một số người Việt chính vì ông từng mạnh mẽ “chống” Bắc Kinh. - VOA

***
Theo các khảo sát gần đây, người Mỹ gốc Á đang ngả sang Đảng Dân chủ, nhưng các lãnh đạo cộng đồng châu Á ở Los Angeles nói cả đảng Dân chủ lẫn đảng Cộng hòa đều đang không làm tốt việc thu hút cử tri châu Á, những người có chung mối quan tâm, song họ lại bị chia rẽ vì tuổi tác và đất nước xuất xứ. Các nhà lãnh đạo đã hồi đáp về dữ liệu mới được công bố nêu bật mối quan tâm của cử tri gốc Á.

Cuộc khảo sát những người Mỹ gốc Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Triều Tiên và Philippine ở Los Angeles, công bố hôm 29/6, cho thấy "những người thuộc thế hệ thiên niên kỷ", còn gọi là Millennial, người châu Á từ 18 tuổi đến 29, hầu hết được sinh ra ở Mỹ và rất thông thạo tiếng Anh. Họ biết tin tức từ phương tiện truyền thông bằng tiếng Anh, phần lớn là trực tuyến.

Sự khác biệt tuổi tác

Cuộc thăm dò cho thấy cử tri lớn tuổi gốc Á hầu hết sinh ra ở nước ngoài và biết tin tức từ phương tiện truyền thông bằng tiếng nước ngoài. Để đến với cả hai nhóm, các lãnh đạo cộng đồng nói các đảng cần sử dụng những diễn đàn thích hợp, và cũng tìm các ứng cử viên châu Á cho các chức vụ, vì các cử tri Mỹ gốc Á thường bỏ qua quan điểm đảng phái để ủng hộ các ứng cử viên có chung sắc tộc với họ. Chủ doanh nghiệp Charlie Woo nói: "Người Mỹ gốc Á nói chung ủng hộ người ở trong cộng đồng của họ để đại diện cho họ". Ông là chủ tịch một nhóm về trao quyền cho cộng đồng có tên CAUSE. Ông là một trong những lãnh đạo có mặt tại buổi công bố kết quả khảo sát.

Raphael Sonenshein, giám đốc điều hành Viện Pat Brown thuộc ĐHTH Bang California, ở Los Angeles, đã tiến hành cuộc khảo sát cho biết: “Những người gốc Á trẻ tuổi trong cuộc khảo sát ‘cực kỳ tự do về các vấn đề xã hội’, đặc biệt là vấn đề như hôn nhân đồng tính nam".

Cải cách nhập cư, quyền sinh đẻ và kiểm soát súng là chương trình nghị sự của Kat Alvarado, một sinh viên Mỹ gốc Philippine tại trường Cal State Los Angeles người tự xem cô là người "cánh tả", nhưng độc lập về chính trị.

Sinh viên Elise Dang cho biết bạn bè cô nói chuyện chính trị trên Facebook và hầu hết, giống như cô ấy, là người theo trường phái tự do. Cô cho biết những bạn bè bảo thủ thường châm ngòi các cuộc thảo luận sôi nổi vì "hầu hết bạn bè của họ không đồng ý với quan điểm chính trị của họ".

Các đảng chính trị không đến được với người Mỹ gốc Á

Charlie Woo thuộc nhóm CAUSE nói rằng cuộc nghiên cứu này cho thấy chỉ có 1/3 cử trị Mỹ gốc Á đã tiếp xúc trực tiếp với các quan chức dân cử của họ, điều này nêu bật khoảng cách trong hoạt động tiếp xúc chính trị. Ông nói: "Tôi nghĩ rằng các đảng đã mắc sai lầm khi không chú ý đến điều đó". - VOA
|
|

Tin Việt Nam

6.
Việt Nam: Formosa gây cá chết hàng loạt ở miền Trung

Chính phủ Việt Nam xác định Formosa đã gây ra thảm họa cá chết ở 4 tỉnh miền Trung, và cho biết rằng công ty của Đài Loan này đã “nhận trách nhiệm”.

Phát biểu tại cuộc họp báo được nhiều người chờ đợi ở Hà Nội chiều 30/6, Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết rằng “trên 100 nhà khoa học của 30 cơ quan trong và ngoài nước tham gia điều tra vụ cá chết, cùng sự phản biện độc lập của chuyên gia quốc tế”.

Quan chức này nói rằng thảm họa cá chết tại 4 tỉnh miền Trung đã "gây thiệt hại lớn về môi trường, đời sống của người dân và an ninh trật tự".

Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, nói rằng "nguồn thải xuất phát từ khu vực Vũng Áng, Hà Tĩnh, chứa nhiều độc tố, theo dòng hải lưu di chuyển từ Hà Tĩnh tới Thừa Thiên Huế".

Theo quan chức này, cuộc điều tra phát hiện ra Formosa Hà Tĩnh "có một số hành vi vi phạm, nước thải có chứa độc tố vượt quá mức cho phép".

Ông nói: “Các bộ ngành và cơ quan chức năng của Việt Nam có liên quan đã thẩm định kỹ lưỡng, tham vấn các nhà khoa học trong nước và quốc tế, và đã kết luận: Những vi phạm và sự cố trong quá trình thi công vận hành thử nghiệm tổ hợp nhà máy của công ty Formosa Hà Tĩnh là nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng, làm hải sản tại 4 tỉnh miền từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế chết bất thường trong tháng Tư vừa qua”.

Theo ông Dũng, Formosa "nhận trách nhiệm sự cố môi trường, làm hải sản chết hàng loạt, đồng thời cam kết công khai xin lỗi chính phủ và nhân dân Việt Nam; thực hiện bồi thường thiệt hại cho người dân; phục hồi môi trường với đầu tư 500 triệu đôla; khắc phục triệt để hạn chế của hệ thống xử lý nước thải".

Ông Mai Thạnh, một ngư dân ở Hà Tĩnh, nói rằng kết luận của chính phủ Việt Nam về sự liên quan của Formosa là “chính xác” và “đúng với cảm nhận” của ông. 

Ông Thạnh nói thêm rằng tập đoàn của Đài Loan này phải “đền bù thỏa đáng cho dân”, vì “ba bốn tháng nay ông không làm được gì”.

'Đóng cửa vĩnh viễn'

Trước khi chính phủ Việt Nam công bố kết luận, Chủ tịch Formosa Hà Tĩnh đã gửi thư tới toàn thể cán bộ, công nhân viên của công ty.

Bức thư có đoạn: “Đối với hiện tượng cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung vừa qua, theo kết quả điều tra của đoàn kiểm tra liên ngành của do Bộ Tài Nguyên & Môi Trường chủ trì, nhận định rằng công ty trong giai đoạn vận hành thử, do những sai sót của các nhà thầu phụ gây ra cá chết. Mặc dù đây là một kết quả chúng tôi không mong muốn, nhưng công ty tôn trọng kết quả điều tra của Chính phủ".

Bức thư viết tiếp: "Trong bất kì tình huống nào, công ty vẫn giữ cho nhà máy tiếp tục hoạt động, đặt sự an toàn và lợi ích của toàn thể cán bộ nhân viên lên hàng đầu nỗ lực để phát triển bền vững và lâu dài tại Việt Nam".

Về tuyên bố này, ông Thạnh nói: “Chính Formosa gây ra tội ác cho những người làm biển. Yêu cầu của tôi là ngừng hoạt động Formosa để làm thế nào cho dân ổn định lại cuộc sống, nếu không dẫn sẽ chết đói. Nếu mà họ không đóng cửa dân sẽ nổi loạn đấy”.

Cho dù Formosa đã “nhận trách nhiệm”, “xin lỗi” và “đền bù thiệt hại”, hiện có nhiều ý kiến trên mạng xã hội đòi “đóng cửa vĩnh viễn” nhà máy của công ty này ở Hà Tĩnh.

Trong khi đó, phát biểu khai mạc phiên họp trực tuyến chính phủ thường kỳ chiều 30/6, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cho biết vụ cá chết hàng loạt ở miền Trung là “vấn đề dân rất quan tâm” và “cần phải rút ra những bài học” từ vụ này.

Tờ VnExpress dẫn lời Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà chia sẻ rằng ông “vừa trải qua 84 ngày căng thẳng nặng trĩu”. - VOA

No comments:

Post a Comment