Monday, June 20, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Hai 20/6

Tin Thế Giới

1.
Indonesia khẳng định tiếp tục bắn đuổi tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép

Bắc Kinh phản đối tuần duyên Indonesia nổ súng vào một đoàn tàu cá Trung Quốc và bắt một chiếc trong ngày 17/06/2016. Phía Indonesia cho biết sẽ tiếp tục dùng biện pháp mạnh để diệt trừ nạn ngư dân Trung Quốc xâm nhập lãnh hải.

Theo một bản tuyên bố do Tân Hoa Xã công bố ngày 19/06, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh, thứ Sáu ngày 17/06, cho biết, một đoàn tàu đánh cá của Trung Quốc đang hoạt động ở một vùng ngư trường có tranh chấp đã bị nhiều chiến hạm Indonesia bao vây, nổ súng gây thương tích cho một ngư dân. Hải quân Indonesia còn bắt một tàu cá với 7 thuyền viên. Theo luận điểm của Trung Quốc thì Indonesia "dùng vũ lực quá đáng, vi phạm luật quốc tế, đe dọa hoà bình khu vực".

Hải quân Indonesia xác nhận với AFP đã chận bắt 12 tàu cá "nước ngoài" họat động bất hợp pháp. Phát ngôn viên Edi Sucipto cho biết có nổ súng bắn cảnh cáo các chiếc tàu bỏ chạy cho đến khi dừng lại cho khám xét và đã bắt một chiếc tàu treo cờ Trung Quốc  "kéo về Ranai" cùng với 7 thuyền viên, không một ai bị thương.

Để đáp lại chỉ trích của Bắc Kinh, phát ngôn viên hải quân Indonesia khẳng định là "cho dù tàu cá treo cờ nước nào, một khi vi phạm luật Indonesia thì hải quân chúng tôi sẽ không ngần ngại ra tay".

Trong bối cảnh chính quyền Trung Quốc sử dụng ngư dân như một lực lượng bán quân sự để lấn chiếm Biển Đông, Indonesia kiên quyết bảo vệ chủ quyền và ngư trường của mình bằng quân sự. Hàng chục tàu cá nước ngoài từ Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam đã bị chận bắt và thiêu hủy. Đây là lần thứ ba trong năm nay xảy ra "đụng chạm" giữa Indonesia và Trung Quốc.

Trong cuộc họp với bộ trưởng An ninh Luhut Panjaitan, tổng thống Joko Widodo chỉ thị "bảo vệ chủ quyền lãnh thổ" cho dù tổng thống cũng muốn duy trì hoà khí với các láng giềng, theo thông báo của phát ngôn viên phủ tổng thống Johan Budi. - RFI
|
|

2.
Anh Quốc: Phe chống Brexit khởi sắc trở lại --- Ba lý do khiến Trung Quốc muốn Anh ở lại Liên Hiệp Châu Âu

Ba ngày trước cuộc trưng cầu dân ý là nên ở lại hay chia tay với Liên Hiệp Châu Âu, ẩn số vẫn nguyên vẹn. Các cuộc thăm dò dư luận mới nhất cho thấy hai phe ủng hộ và chống Brexit đang sát nút nhau : 45 % người được hỏi muốn ở lại trong Liên Hiệp Châu Âu và 42 % thì chủ trương Luân Đôn nên chia tay với Bruxelles.

Chiến dịch vận động ủng hộ và chống Brexit đã được khởi động lại kể từ ngày 19/06/2016 sau khi đã bị gián đoạn vì nữ dân biểu Jo Cox bị ám sát. Thủ tướng David Cameron vận động để nước Anh ở lại trong Liên Hiệp trong chương trình truyền hình của đài BBC đã nhấn mạnh đến những rủi ro to lớn nếu như cử tri Anh bước ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu.

Thông tín viên đài RFI từ Luân Đôn, Marina Daras tường thuật:

"David Cameron đã tận dụng chương trình nói chuyện trực tiếp với công chúng để nhắc lại một số điểm then chốt trước cuộc bỏ phiếu vào thứ Năm tới đây. Đương nhiên là ông đã đề cập đến khía cạnh kinh tế và hồ sơ nhập cư. Đó là những chủ đề nổi cộm trong những tháng gần đây. 

Theo ông, nước Anh sẽ khó kiểm soát các làng sóng người nhập cư nếu không có sự hỗ trợ của Liên Hiệp Châu Âu ; tăng trưởng kinh tế, vấn đề việc làm sẽ không được thuận lợi như hiện tại và tình trạng thâm hụt ngân sách của nước Anh sẽ đáng quan ngại hơn trong trường hợp Brexit. Nếu phe bài châu Âu thắng thế, Anh Quốc sẽ bị đẩy vào một giao đoạn với nhiều bất trắc, có thể kéo dài đến cả một thập niên. Trước mắt, Luân Đôn sẽ phải mất 2 năm để thương lượng với Bruxelles về một quy chế đối tác mới.

Vẫn thủ tướng Cameron nhìn nhận là tranh luận nên đi hay ở lại Liên Hiệp Châu Âu đã rất sôi động và ông cũng đã tố cáo phe ủng hộ Brexit tung tin thất thiệt chẳng hạn như là phe này khẳng định rằng, Bruxelles sẽ kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ hay Liên Hiệp Châu Âu đang chuẩn bị thành lập quân đội chung, với sự tham gia của Anh Quốc hay là Luân Đôn mỗi tuần phải rót 350 triệu bảng Anh vào quỹ chung của Liên Hiệp Châu Âu. Thủ tướng Camron kết luận : Chúng ta không nên quay lưng lại với Liên Hiệp Châu Âu vì những thông tin hoàn toàn sai lệch như vậy. Nhất là một khi đã chia tay với châu Âu rồi thì rất khó có thể quay đầu lại.

Xét cho cùng, tranh cãi nên ở hay đi trong quan hệ giữa Bruxelles với Luân Đôn đã kéo dài từ 25 năm qua. Là một nền dân chủ nước Anh sẽ không sợ quyết định của người dân. Nếu phe ủng hộ Brexit thắng thế, thì sau nay để hội nhập trở lại với Liên Hiệp Châu Âu, Anh Quốc bắt buộc phải chấp nhận đồng euro, phải chấp nhận tham gia vào không gian tự do đi lại Shengen, và nước Anh sẽ không còn được hưởng một số những điều khoản ưu đãi như hiện nay".

Có thể nói là thủ tướng Anh đã làm tất cả để thuyết phục người dân nên ở lại với Liên Hiệp Châu Âu. Những lập luận của ông David Cameron có cưỡng lại với lập trường của phe bài châu Âu tại vương quốc này". - RFI

***
"Brexit or not Brexit?", đó không chỉ là mối đau đầu của riêng nước Anh hay 27 thành viên còn lại trong Liên Hiệp Châu Âu ba ngày trước cuộc trưng cầu dân ý. Sau Hoa Kỳ đến lượt Trung Quốc cũng đang hồi hộp chờ đợi xem cử tri Anh chọn ra đi hay ở lại trong đại gia đình Châu Âu. Trong trường hợp ngày 23/06/2016 đa số cử tri Anh đòi "ly dị" với Liên Hiệp Châu Âu, Trung Quốc chờ đợi sẽ phải trả giá đắt cả về mặt chính trị lẫn kinh tế.

Báo chí quốc tế chú trọng nhiều đến lập trường của Washington kêu gọi Anh nên ở lại trong Liên Hiệp Châu Âu vì những quyền lợi kinh tế và tài chính của Hoa Kỳ nhưng ít ai để ý đến thái độ của Bắc Kinh. Trong chuyến công du vương quốc Anh hồi tháng 10/2015, đích thân chủ tịch Tập Cận Bình trong một thông cáo đã tuyên bố "Trung Quốc hy vọng Châu Âu được thịnh vượng và Liên Hiệp luôn đoàn kết và thống nhất".

Theo phân tích của tạp chí Mỹ, The National Interest trên mạng, thông điệp của Trung Quốc đối với Luân Đôn quá rõ ràng : Bắc Kinh không muốn để kịch bản Brexit xảy ra vì trong trường hợp Luân Đôn nói không với Bruxelles, Trung Quốc sẽ bị thiệt hại cả về mặt kinh tế lẫn chính trị.

Tác giả bài viết, nhà nghiên cứu Ivan Lidarev thuộc trường King College, nêu ra ba lý do khiến Trung Quốc lo sợ kịch bản đó xảy ra.

Thứ nhất, trong bối cảnh áp lực của Hoa Kỳ và Nhật Bản tại châu Á ngày càng lớn, Trung Quốc đang xoay trục sang châu Âu và trong nước cờ đó, Bắc Kinh đã đánh cuộc vào Luân Đôn để mở rộng ảnh hưởng của mình tại Lục Địa Già. Đặc biệt là để từng bước củng cố kế hoạch xây dựng lại Con Đường Tơ Lụa của thế kỷ XIX, một hoài bão to lớn, cả về mặt giao thương lẫn chiến lược được ông Tập Cận Bình ấp ủ.

Tính toán này của Bắc Kinh đã bắt đầu đem lại một số thành quả rõ rệt, ít nhất là trên hai điểm : một là Luân Đôn đang nỗ lực vận động Liên Hiệp Châu Âu công nhận Trung Quốc là một nền kinh tế thị trường, cho phép giảm thuế nhập khẩu đánh vào hàng của Trung Quốc xuất sang châu Âu. Điểm thứ hai là nước Anh, năm 2015 đã mở rộng cửa đón nhận hàng loạt các dự án đầu tư của Trung Quốc, trị giá hàng tỷ đô la. Nhìn từ phía Bắc Kinh, đây là bước đầu hết sức quan trọng để Trung Quốc bắt rễ vào châu Âu. Trong chuyến công du 5 ngày vào năm 2015, bộ trưởng Kinh Tế Anh từng tuyên bố : Luân Đôn là đối tác Tây phương quan trọng nhất của Trung Quốc trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư.

Lý do thứ nhì khiến Trung Quốc muốn ở nước Anh ở lại trong Liên Hiệp Châu Âu, đơn giản vì vương quốc Anh là cửa ngõ quan trọng để hàng hóa Trung Quốc dễ tràn vào thị trường châu Âu với hơn 500 triệu dân. Nếu như Luân Đôn "chia tay" với Bruxelles thì coi như một cánh cổng mở ra thị trường rộng lớn này bị khép lại. Nhiều nhà quan sát lo ngại là trong trường hợp phe Brexit thắng thế, nhiều doanh nhân Trung Quốc sẽ di dời cơ sở khỏi vương quốc Anh.

Yếu tố thứ ba khiến Bắc Kinh lo ngại kịch bản Brexit, là vì Trung Quốc xem Anh Quốc là bệ phóng cho tiến trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ khi ra ngoài khu vực châu Á Thái Bình Dương : Luân Đôn là trung tâm tài chính số một của châu Âu, lại có múi giờ thuận tiện, giữa châu Âu và châu Mỹ. Sau Hồng Kông, Luân Đôn đã trở thành địa điểm thứ nhì trên thế giới ngoài Hoa Lục, nơi đồng nhân dân tệ của Trung Quốc được công nhận và dùng làm phương tiện thanh toán.

Khu tài chính City và việc Luân Đôn đồng ý trao đổi với Bắc Kinh bằng nhân dân tệ là công cụ quý giá nhất cho một đơn vị tiền tệ trên đường chinh phục quốc tế để vươn lên ngang hàng với những đồng tiền có uy tín như yen của Nhật, euro của châu Âu hay đô la của Mỹ.

Bên cạnh ba lý do quan trọng được Ivan Lidarev nêu lên trong bài viết đăng trên tờ The National Interest, còn phải kể đến một tính toán khác của Bắc Kinh là Liên Hiệp Châu Âu hiện là đối tác thương mại quan trọng nhất của Trung Quốc, tổng trị giá trao đổi mậu dịch hai chiều lên tới 520 tỷ vào năm ngoái. Việc Anh Quốc ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu sẽ làm rúng động đại gia đình châu Âu này, qua đó tác động lây đến quyền lợi của Bắc Kinh. - RFI
|
|

3.
Hàn Quốc cảnh báo mối đe dọa của IS đối với các căn cứ quân sự Mỹ

Nam Triều Tiên đang tăng cường các biện pháp an ninh để ngăn chận một vụ tấn công có thể có của nhóm Nhà nước Hồi giáo, sau khi cơ quan tình báo của nước này cảnh báo rằng Nhà nước Hồi giáo có thể nhắm tấn công các căn cứ quân sự của Mỹ và thường dân trên bán đảo Triều Tiên. Thông tín viên đài VOA Brian Padden tường thuật từ Seoul.

Cơ quan Tình báo Quốc gia (NIS) của Nam Triều Tiên hôm chủ nhật cho biết Nhà nước Hồi giáo đã công bố danh sách của những mục tiêu có thể bị tấn công khủng bố, trong đó có các cơ sở của Không quân Mỹ và liên minh NATO tại 21 quốc gia cùng với những nhân vật có liên hệ với những cơ sở này.

4 cơ sở quân sự trong danh sách của Nhà nước Hồi giáo là ở Nam Triều Tiên. NIS cho hay danh sách đó bao gồm toạ độ chi tiết và hình ảnh từ Google Maps của các căn cứ Không quân Mỹ ở Osan và Gunsan.

Ban Tham mưu Liên quân Nam Triều Tiên hôm nay nói rằng Seoul đang chia sẻ tình báo và phối hợp chặt chẽ với các giới chức quân sự Mỹ về mối đe dọa khủng bố này.

Người phát ngôn của Ban Tham mưu, ông Jeon Ha Gyu, phát biểu như sau.

"Để tăng cường sự phòng vệ cho các căn cứ của Không quân Mỹ ở Nam Triều Tiên, chúng tôi sẽ cung cấp sự hỗ trợ nếu có sự yêu cầu hợp tác thông qua Bộ Tư lệnh Lực lượng Hỗn hợp."

Có tin cho hay một người Nam Triều Tiên làm việc cho một tổ chức phúc lợi xã hội cũng nằm trong danh sách của hơn 8.000 người trên thế giới mà Nhà nước Hồi giáo muốn giết hại.

Cảnh sát Nam Triều Tiên cho biết họ đang cung cấp sự bảo vệ của cảnh sát cho những công dân Nam Triều Tiên bị nhắm làm mục tiêu tấn công và đang tăng cường những hoạt động tuần tiễu để ngăn ngừa những vụ tấn công khủng bố.

Thủ tướng Hwang Kyo Ahn hôm nay cũng cho biết trung tâm chống khủng bố của nước ông sẽ tăng cường hoạt động điều tra và áp dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ công chúng. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Donald Trump: Một số đảng viên Cộng hòa muốn phá việc đề cử

Ông Donald Trump, người có phần chắc được đảng Cộng hòa đề cử làm ứng viên Tổng thống Mỹ, phàn nàn rằng một số người trong đảng đang tìm cách phá việc công bố chính thức ông được đề cử tại hội nghị toàn quốc của đảng vào tháng tới.

Một số đại biểu dự hội nghị ở thành phố Cleveland, Ohio, nói rằng họ muốn thay đổi các quy định của đảng để cho phép các đại biểu bỏ phiếu cho một người nào khác thay cho nhà tỷ phú kiêm trùm bất động sản, người đã vượt qua 16 ứng cử viên khác của đảng Cộng hòa trong nhiều tháng tranh cử.

Những đối thủ của ông Trump nói rằng ông không đại diện cho những quan điểm về chính sách có tính bảo thủ truyền thống của đảng Cộng hòa và những phát biểu gây sốc của ông về phụ nữ, người Hồi giáo và người Mexico làm cho ông không thể được chấp nhận như là người đại diện các tiêu chuẩn của đảng Cộng hòa.

Những người thuộc đảng Cộng hòa gièm pha ông Trump đã dẫn ra những cuộc thăm dò trên toàn quốc gần đây cho thấy đa số cử tri không nhìn ông một cách thiện cảm và người có phần chắc sẽ là ứng viên của đảng Dân chủ, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, đang tiếp tục vượt lên trên ông vào thời điểm 5 tháng trước khi cuộc bầu cử diễn ra ngày 8 tháng 11.

Ông Trump, người ra tranh cử lần đầu tiên, nói với kênh CBS: "Sẽ hữu ích nếu đảng Cộng hòa có thể giúp chúng tôi một chút".

Ông Trump nói các nhà lập pháp đảng Cộng hòa trong Quốc hội đã bày tỏ nghi ngờ hoặc phản đối thẳng thừng việc ứng cử của ông "nên làm phần việc của họ ...và hãy để tôi tranh cử tổng thống".

Nhiều quan chức đảng Cộng hòa đã lên tiếng ủng hộ ở mức vừa phải đối với việc ứng cử của ông hoặc bác bỏ thẳng thừng, trong đó có ông Mitt Romney, người được đảng đề cử làm ứng cử viên tổng thống năm 2012. Ông Romney nói thẳng sự phản đối của mình về việc đề cử ông Trump.

Ông Trump nói rằng nếu đảng Cộng hòa không đoàn kết để hỗ trợ ứng cử viên của đảng, ông sẽ ngừng gây quỹ thay mặt cho chiến dịch vận động bầu cử của ông và thay mặt cho đảng Cộng hòa. Thay vào đó, ông Trump cho biết, ông sẽ thực hiện lại việc tự tài trợ cho phần lớn chiến dịch của ông, như ông đã làm trong các cuộc bầu sơ bộ. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Ông Mai Phan Lợi 'bị rút thẻ nhà báo'

Một nhà báo, gần đây là một đại diện cho Tổ chức Xã Hội Dân sự gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama ở Hà Nội, bị thu hồi thẻ nhà báo ngày 20/6.

Ông Mai Phan Lợi, Trưởng Văn phòng đại diện báo Pháp Luật TP. HCM tại Hà Nội, đã xin lỗi vì phát ngôn của ông liên quan vụ máy bay quân sự Việt Nam mất tích.

Bộ Thông tin và Truyền thông vào hôm 20/6 ra quyết định thu hồi thẻ nhà báo của ông Mai Phan Lợi.

Thông báo của Bộ này nói ông Lợi đã “xúc phạm nghiêm trọng danh dự của Quân đội nhân dân Việt Nam, gây tổn thương sâu sắc đến gia đình, người thân, đồng đội của những cán bộ, chiến sỹ gặp nạn khi đang làm nhiệm vụ; làm tổn hại đến uy tín của đội ngũ những người làm báo”.

Cùng ngày, trên diễn đàn Nhà Báo Trẻ, một nhóm mà ông Lợi là nhà quản trị, hoạt động trên Facebook, ông Lợi ra lời thông báo:

“Tôi sẽ kiểm điểm một cách thành khẩn, nghiêm túc như nhận thức của mình, kể cả việc sẽ chờ đợi những hậu quả khác mà sai lầm do tôi gây nên.”

Ông nhắc lại trước đó ông đã “thừa nhận, đã viết lời xin lỗi”.

Sự việc xảy ra ngày 16/6 khi có tin máy bay quân sự CASA trong quá trình tìm kiếm tiêm kích Su-30MK2 đã bị mất tích.

Trên diễn đàn Nhà Báo Trẻ, ông Lợi đặt một thăm dò, với lời đầu: “Vì sao CASA tan xác?”

“Thật đau xót đến giờ này vẫn chưa tìm được 9 cán bộ trên máy bay CASA, nhưng có thắc mắc thật khó lý giải thuyết phục là tại sao máy bay tan xác?”

Trong thăm dò, ông Lợi đặt ra các giả thiết như “Máy bay bị tác động bên ngoài nên vỡ”, “Máy bay rơi từ cao xuống biển nên vỡ vụn”…

Phát ngôn này sau đó được xóa khỏi diễn đàn, nhưng đã gặp chỉ trích nặng nề trên mạng xã hội và báo chí nhà nước.

Trang web của Đài truyền hình VTV nói: “Tan xác, bị bắn, không loại trừ bị bắn vỡ hay máy bay chất lượng kém do tham nhũng trong ngành Quốc phòng luôn bị đóng dấu mật. Những từ ngữ được nhiều nhà báo kỳ cựu cho rằng nó mang tính suy diễn vô căn cứ, khiến dư luận hiểu không đúng về vụ tai nạn máy bay kép vừa diễn ra.”

Một vị tướng, Trung tướng Phạm Xuân Thệ, được trang Người đưa tin dẫn lời nói ông Lợi “đã khơi thêm lòng đau thương, khoét sâu sự mất mát của người dân cũng như thân nhân phi công Trần Quang Khải vừa hy sinh và 9 cán bộ chiến sỹ đang còn mất tích”.

Thượng tá Trần Quang Khải (43 tuổi) và thiếu tá Nguyễn Hữu Cường (39 tuổi) đã lái chiếc Su-30MK2 thực hiện nhiệm vụ huấn luyện trên biển và rồi mất liên lạc sáng 14/6.

Ông Cường được tàu cá của ngư dân cứu sống tại vùng biển Nghệ An ngày 15/6.

Một máy bay tìm kiếm chở 9 người sau đó đã rơi trên vùng biển Hải Phòng, cách đảo Bạch Long Vỹ khoảng 44 hải lý.

Đến ngày 17/6, ngư dân Nghi Lộc (Nghệ An) phát hiện thi thể phi công Trần Quang Khải, cách đảo Hòn Mê (Thanh Hóa) khoảng 33 hải lý.

Vào hôm 24/5, ông Mai Phan Lợi là một trong sáu người đại diện cho một số tổ chức xã hội dân sự Việt Nam gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama ở Hà Nội, trong thời gian ông Obama thăm Việt Nam. - BBC
|
|

6.
Người Việt ở Ba Lan 'đón tiếp' Tập Cận Bình

Khoảng 500 người Việt đang sinh sống tại Ba Lan đã biểu tình trước Đại sứ quán Trung Quốc ở Warsaw hôm 19/6, nhân dịp ông Tập Cận Bình tới thăm nước này.

Chuyến thăm của ông Tập diễn ra trong 3 ngày 19, 20 và 21 tháng 6. Theo thông báo của văn phòng Tổng thống Ba Lan, trọng tâm chính của chuyến thăm là vấn đề kinh tế.

Ba Lan muốn mở rộng xuất khẩu tới quốc gia với hơn một tỉ dân này, nhất là sau những bế tắc với thị trường Nga. Trung Quốc muốn xây dựng và hiện đại hóa tuyến đường bộ và tăng cường giao thương đường biển tới châu Âu. Đây được coi như con đường tơ lụa mới của Trung Hoa.

Ngoài ra, những người đứng đầu hai quốc gia cũng bàn thảo tới giáo dục, trao đổi kỹ thuật và xuất nhập khẩu khoáng sản. Dự tính sẽ có khoảng 40 hợp đồng được ký kết.

Vừa làm ăn, vừa biểu tình

Với cộng đồng người Việt, chuyến viếng thăm này của ông Tập là cơ hội để họ bày tỏ sự phẫn uất của mình.

Đây là lần thứ ba cộng đồng người Việt ở Ba Lan biểu tình trước đại sứ quán Trung Quốc. Khác với hai lần trước, cuộc biểu tình lần này diễn ra ở cổng phụ, phía bên hông tòa đại sứ.

Góp mặt trong cuộc biểu tình chủ yếu là những người Việt sinh sống tại Warsaw và các vùng phụ cận. Họ làm ăn, buôn bán trong các khu trung tâm thương mại và không ít trong số đó, có mối quan hệ bạn hàng thân thiết với những kiều dân Trung Quốc ở đây; với các xí nghiệp nhà máy sản xuất đồ may mặc, đồ gia dụng ở Hoa lục.

Mặc dù có những lo ngại, ảnh hưởng tới quan hệ làm ăn, nhưng đa số đều xác định, chuyện nào ra chuyện nấy. Không thiếu những chủ hàng thường xuyên qua lại Trung Quốc để nhập khẩu hàng hóa vẫn hăng hái tham dự.

'Trả lại biển đảo cho chúng tôi'

Công việc chuẩn bị của nhóm chủ trương chủ yếu diễn ra trên... Facebook. Từ phân công công việc, lên chương trình biểu tình, tới nội dung của các câu khẩu hiệu đều diễn ra công khai, minh bạch và dân chủ. Các Facebooker tùy theo khả năng, tự nhận phần việc của mình. Cách làm này cũng áp dụng với hai cuộc biểu tình diễn ra năm 2014 khi Trung Quốc đưa giàn khoan 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trong đó, cuộc biểu tình lần đầu, theo đánh giá của cảnh sát, đã thu hút tới hơn 4000 người.

Mở đầu chương trình, đoàn biểu tình đã dành 1 phút mặc niệm cho những ngư dân vô danh bị sát hại trên biển, các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa hy sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa 1974, Quân đội Nhân dân Việt Nam năm 1988 và cho những người vừa mất trong tai nạn máy bay tuần rồi.

Với ba dàn loa cỡ lớn chĩa thẳng vào Đại sứ quán Trung Quốc, những người biểu tình, trong ba tiếng đồng hồ từ 12h tới 15h đã hô vang các khẩu hiệu bằng bốn thứ tiếng: Việt Nam, Ba Lan, tiếng Anh và tiếng Hoa.

Những câu "Hoàng Sa- Việt Nam, "Trường Sa- Việt Nam", "Đả đảo Tập Cận Bình", "Trả lại đảo cho chúng tôi", "Tự do hàng hải ở Biển Đông", "Chấm dứt gây hấn", "Hòa bình cho Biển Đông"... vang lên không mệt mỏi.

Vào 30 phút cuối của chương trình, theo đề nghị của nhóm tổ chức, cảnh sát đã cho phép đoàn biểu tình tới hò hét nơi cổng chính.

Một nhóm Trung Quốc đứng lặng lẽ quan sát, chỉ trỏ, quay phim, chụp ảnh, nhưng họ không có phản ứng quá khích nào.

Nét mới trong sinh hoạt cộng đồng

Có thể nói, biểu tình là hoạt động mới mẻ với cộng đồng người Việt ở đây. Hầu như mọi hoạt động cộng đồng, từ trước tới những năm gần đây đều tập trung trong tay một số hội đoàn như Hội người Việt, Hội Phụ nữ, các hội đồng hương.v.v. và đều có sự góp mặt hoặc trợ giúp hay ủng hộ từ phía Đại sứ quán Việt Nam.

Nhưng những hoạt động mang tính dân sự gần đây đã bứt ra khỏi sự kiểm soát của tòa đại sứ và các tổ chức ngoại vi của họ. Và điều quan trọng hơn, nó tạo ra được hình ảnh mới của cộng đồng trong con mắt của người dân bản xứ.

Nhiều người Ba Lan vốn nhìn cộng đồng người Việt như một sắc dân khép kín, lặng lẽ, ít hòa nhập, chăm chỉ kiếm tiền như những con kiến. Giờ đây có dịp thấy một hình ảnh khác - một cộng đồng người Việt sôi động, phản kháng mãnh liệt và hòa nhập với thế giới văn minh diễn ra ngay trước mặt họ.

Mới đây, liên quan tới cuộc biểu tình vì môi trường trước Đại sứ quán Việt Nam, một bài báo Ba Lan đã hết lời ca ngợi hoạt động biểu tình của người Việt và họ hết sức ngạc nhiên, khi những người Việt ở đây vừa hô khẩu hiệu vừa xin lỗi dân cư xung quanh vì sự ồn ào mà những người dân phải gánh chịu.

Khi kết thúc biểu tình, những người Việt Nam đã cám ơn cảnh sát đã bảo vệ họ, cám ơn sự kiên nhẫn của những dân chúng xung quanh. Và điều đặc biệt, những người Việt Nam đã dọn dẹp không còn một cọng rác.

Ở lần biểu tình này, nhiều đài truyền hình của Ba Lan cũng có mặt, trong đó kênh TVN24 đã có ít phút truyền hình trực tiếp. - BBC

No comments:

Post a Comment