Tuesday, June 28, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Ba 28/6

Tin Thế Giới

1.
EU: Không thảo luận trước khi Anh có tiến trình rời khỏi khối --- Lãnh đạo EU: Anh phải làm rõ lập trường

Các nhà lãnh đạo hàng đầu Châu Âu đã bác bỏ thảo luận với Anh về việc ra khỏi Liên hiệp Châu Âu trước khi có tiến trình chính thức về việc này. Từ Paris, Thông tín viên Lisa Bryant tường trình rằng những cuộc thảo luận giữa Đức, Ý và Pháp diễn ra chỉ vài giờ trước khi các nguyên thủ quốc gia dự một hội nghị thượng đỉnh quan trọng tại Brussels để đưa ra quyết định về tương lai của Châu Âu sau khi Anh rời khỏi EU.

Thông điệp được các nhà lãnh đạo Đức, Pháp và Ý đưa ra rõ ràng là sẽ không có những cuộc thảo luận chính thức hay không chính thức với Anh cho đến khi nào Anh vận dụng Điều khoản 50-một điều khoản chính thức áp dụng thời gian 2 năm để Anh rời khỏi EU.

Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh điểm này tại một cuộc họp báo ở Berlin, giáng một đòn mạnh vào hy vọng của một số nhà lãnh đạo ủng hộ việc Anh rời khỏi EU. Bà Merkel nói:

“Chừng nào yêu cầu này chưa được đưa lên Liên hiệp Châu Âu, thì không thể tiến hành biện pháp nào cả.”

Điều này dự kiến sẽ không xảy ra cho đến khi có một Thủ tướng mới thay thế ông David Cameron, có lẽ diễn ra vào tháng 9 năm nay.

Bà Merkel phát biểu sau khi 3 nguyên thủ quốc gia họp để đưa ra một lập trường chung, giữa lúc xáo trộn lan rộng tại nước Anh và lan sang EU và những thị trường tài chánh sau khi người Anh trong tuần qua đã bỏ phiếu rời khỏi khối 28 thành viên.

Ba nhà lãnh đạo cũng phác họa những ưu tiên là an ninh, tăng trưởng và việc làm, giới trẻ và khu vực dồng Euro- mà các nhà lãnh đạo này tin là EU nên chú tâm đến, trước hội nghị thượng đỉnh hai ngày tại Brussels về việc EU vẫn tiếp tục tiến về phía trước dù không có nước Anh.

Dù chứng tỏ có sự đoàn kết trong EU, nhưng vẫn có những thông điệp lẫn lộn. Tổng thống Pháp Francois Holland nói:

Trong khi bà Merkel kêu gọi một tiến trình có chừng mực, Tổng thống Pháp Francois Hollande thuộc số những người thúc đẩy một tiến trình nhanh chóng để phá vỡ những bế tắc. Ông nói điều quan trọng là không phí phạm thì giờ, vì không có gì tệ hại hơn sự bất định. Nó sẽ làm nẩy sinh những thái độ chính trị và tài chánh không hợp lý- và Anh đang trải qua chuyện này.

Quyết định của Anh rời khỏi EU đã khiến cho Châu Âu lâm vào một cuộc khủng hoảng chưa từng có trước đây, châm ngòi cho những lời hô hào của một số người Châu Âu noi theo Anh và đòi hỏi những cuộc cải cách quan trọng khác nữa. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, ngày hôm qua đã gặp các nhà lãnh đạo Châu Âu và Anh, cảnh báo các nước thành viên Châu Âu không nên trả đũa. - VOA

***
Sau cuộc đầu phiếu lịch sử của Anh để rời Liên hiệp Âu châu, các nhà lãnh đạo Âu châu bắt đầu tìm cách xác định mối quan hệ của họ với London.

Thủ tướng Đức Angela Merkel, khi phát biểu tại Quốc hội Đức ngày hôm nay, nói rằng tuy Anh sẽ mất đi những quyền lợi của một thành viên EU, nước này vẫn tiếp tục là một đồng minh thân thiết trong khối NATO. Bà cũng cảnh báo EU không nên xao nhãng những vấn đề cấp bách khác, như vụ khủng hoảng di dân, mà phải cùng nhau lớn mạnh hơn nữa để ngăn ngừa những hội viên khác rời khỏi liên hiệp.

Bà nêu Na Uy như một thí dụ về mối quan hệ mà Anh có thể thiết lập với Âu châu – (đó là) một nước không phải là hội viên EU nhưng có quyền tiếp cận thị trường tự do này vì sẵn sàng tôn trọng sự tự do đi lại.

Mặc dầu vậy, bà Merkel cũng nói rằng cuộc thảo luận chính thức về mối quan hệ mới sẽ không diễn ra cho tới khi nào nước Anh bắt đầu thủ tục chính thức để chia tay.

Tại một phiên họp khẩn của Nghị viện Âu châu để thảo luận về cuộc đầu phiếu “thoát Âu” ở Anh, Chủ tịch Uỷ hội Âu châu Jean-Claude Juncker cho biết ông hy vọng Anh Quốc có thể duy trì những mối quan hệ thân thiện với EU, nhưng ông lập lại là các cuộc thương thuyết sẽ không thể thực hiện cho tới nước Anh biết chắc lập trường của mình.

Ông nói “Chúng ta không thể để cho mình tiếp tục ở trong một thời kỳ bất định kéo dài. Không thông báo, không thương thuyết.”

Ông Juncker đã cấm những cuộc họp “bí mật” giữa các giới chức Anh với các giới chức của từng nước trong Liên hiệp Âu châu, và nói rằng các cuộc thương thuyết chỉ diễn ra trong một khung cảnh toàn thể Liên hiệp Âu châu và có tính chất minh bạch sau khi tiến trình rời liên hiệp chính thức khởi sự.

Cử tri Anh đồng ý rời EU với tỉ lệ chênh lệch khít khao, nhưng Thủ tướng David Cameron nói quốc hội nước ông phải phê chuẩn quyết định này trước khi một tiến trình ra đi có thể khởi sự.

Ông Cameron đã loan báo quyết định từ chức và nói rằng ông sẽ tôn trọng kết quả của cuộc trưng cầu dân ý, tuy trên lý thuyết chính phủ có thể đảo ngược kết quả của cuộc đầu phiếu.

Nếu quốc hội phê chuẩn quyết định này, tiến trình rời liên hiệp sẽ mất hai năm và trong thời gian đó Anh Quốc về mặt chính thức vẫn là một thành viên của EU. - VOA
|
|

2.
Cam Bốt sẽ không ủng hộ phán quyết về Biển Đông

Thủ tướng Cam Bốt Hun Sen đồng thời là lãnh đạo đảng Nhân dân (CPP) cầm quyền ngày 28/06/2016 tuyên bố sẽ không ủng hộ phán quyết sắp tới của Tòa án Trọng tài Thường trực về Biển Đông, do đây là "sự thông đồng chính trị tệ hại nhất".

Trong bài phát biểu nhân kỷ niệm 65 năm thành lập đảng Nhân dân Cam Bốt tại Phnom Penh, ông Hun Sen nói: "Đảng CPP không ủng hộ, và hơn nữa còn phản đối bất kỳ tuyên bố nào của ASEAN nhằm ủng hộ phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực liên quan đến tranh chấp Biển Đông, mà một số quốc gia bên ngoài khu vực đã giật dây và gây áp lực lên các thành viên ASEAN, thậm chí còn trước cả khi tòa án chưa có quyết định".

Theo Tân Hoa Xã, năm 2013, Philippines đã đơn phương đệ đơn kiện Trung Quốc lên Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye, theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) về việc Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền "đường lưỡi bò" tại Biển Đông.

Hãng tin nhà nước Trung Quốc dẫn lời thủ tướng Hun Sen: " Đảng Nhân dân Cam Bốt dự kiến điều này, và cho rằng đây là sự thông đồng chính trị tệ hại nhất trong khuôn khổ quốc tế, kết quả là dẫn đến sự chia rẽ giữa các thành viên ASEAN và giữa ASEAN với Trung Quốc".

Ông Hun Sen cảnh báo rằng nỗ lực của một số quốc gia bên ngoài khu vực nhằm huy động lực lượng chống lại Trung Quốc sẽ gây tác động tiêu cực đối với ASEAN và hòa bình trong vùng này.

Hôm 14/6, ngoại trưởng các nước ASEAN họp tại Vân Nam đã đưa ra một tuyên bố chung với lời lẽ cứng rắn khác thường, chỉ trích các hành động quyết đoán của Bắc Kinh tại Biển Đông. Nhưng vài giờ sau bản tuyên bố đã được thu hồi với lý do nhầm lẫn, nhưng nhiều chuyên gia khẳng định do Trung Quốc đã gây sức ép.

Bắc Kinh đầu tư hàng tỉ đô la vào Cam Bốt, cùng với viện trợ quân sự hào phóng. Năm 2012 Phnom Penh với tư cách chủ tịch luân phiên ASEAN đã phá hỏng nỗ lực của khối này nhằm thiết lập một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông với Trung Quốc. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Người Mỹ đối đầu về vấn đề liên quan đến phá thai

Những người ủng hộ quyền phá thai ca ngợi quyết định hôm qua của Tối cao Pháp viện Mỹ bãi bỏ các quy định gắt gao gây khó khăn cho việc được tiến hành các thủ tục phá thai ở Texas, bang đông dân thứ nhì của Hoa Kỳ. Phá thai là hợp pháp ở Hoa Kỳ, nhưng một số bang áp dụng các quy định nhắm gây khó khăn cho việc tiến hành phá thai. Thông tín viên VOA Zlatica Hoke ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Những người hoạt động ủng hộ cho quyền được phá thai tụ tập ở thủ đô hôm qua có lý do để vui mừng. Tòa án cao nhất Hoa Kỳ đã đứng về phe các bệnh xá ở Texas trong lập luận cho rằng mục đích của các nhà chính trị bảo thủ của bang này là muốn đóng cửa các bệnh xá đó. Một phụ nữ thuộc tổ chức phụ nữ Whole Women’s Health phát biểu ý kiến:

“Sau nhiều năm tranh đấu, các chính trị gia chống lại quyền được lựa chọn của phụ nữ dường như không từ nan một việc gì để gây khó cho việc phá thai. Tôi muốn mọi người hiểu là: đừng hòng lộn xộn với phụ nữ Texas.”

Phán quyết có phần chắc sẽ khiến các bang khác không tìm cách sử dụng các chiến thuật tương tự. Chủ tịch Trung tâm Quyền Sinh sản, bà Nancy Northup nói:

“Rõ ràng quyết định hôm nay của Tối cao Pháp viện có tác động thay đổi cục diện cuộc tấn công tàn nhẫn nhắm vào sức khỏe và các quyền của phụ nữ đã tiếp diễn từ nhiều năm nay ở các cơ quan lập pháp cấp bang.”

Thống đốc bang Texas Dan Patrick bác bỏ lời cáo buộc đó và nói rằng các quy định nhắm vào việc bảo về sức khỏe của phụ nữ.

“Quý vị đã nghe cơ quan Kế hoạch Gia đình và những người ủng hộ phá thai nói rằng, nếu chúng ta tiếp tục thông qua các luật lệ, thì chúng ta sẽ có phụ nữ phá thai ở những nơi không an toàn. Đó chính là điều mà Tối cao Pháp viện hôm nay đã chấp thuận.”

Quyết định với 5 phiếu thuận và 3 phiếu chống của tòa án với 8 thành viên là một thất bại cho những người hoạt động ủng hộ quyền sống và các tổ chức chống phá thai.

Một thành viên của tổ chức Sinh viên Bênh vực Quyền sống ở Mỹ nói:

“Chúng tôi tin rằng phụ nữ xứng đáng được hưởng những điều tốt đẹp hơn là phá thai. Phá thai là hình ảnh cho thấy chúng ta đã phụ lòng phụ nữ. Tôi không muốn coi phá thai là bất hợp pháp, mà chỉ muốn đó là điều mình không nên nghĩ tới.”

Người Mỹ gần như chia rẽ làm hai bên đều nhau về vấn đề này, và cả hai phía đều nhất quyết tiếp tục tranh đấu.

Bà Penny Nance thuộc tổ chức Phụ nữ Quan tâm đến nước Mỹ nói:

“Texas đã cố gắng một cách đích đáng để thực thi quyền bảo vệ phụ nữ, nhưng điều đáng buồn là Tối cao Pháp viện lại đứng về phe bênh vực phá thai, vì thế hôm nay chúng tôi đứng ở đây trong tư cách thành viên của phong trào ủng hộ quyền được sống và nói rằng chúng tôi sẽ không lùi bước.”

Bà Erin, một người ủng hộ quyền được lựa chọn nói:

"Nay cuộc tranh đấu là bảo đảm mọi người, bất kể chủng tộc, thu nhập, nơi sinh sống, được quyền tiếp cận phá thai một cách an toàn.”

Tổng thống Barack Obama hoan nghênh quyết định và nói rằng nó gỡ bỏ “một trở ngại vi hiến trên con đường tiến tới quyền tự do sinh sản của một phụ nữ.” - VOA
|
|

4.
Ông Trump thua sút về tỉ lệ ủng hộ, tăng cường đả kích bà Clinton

Những cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump đã tụt lại sau ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton trong cuộc đối đầu tranh cử tổng thống vào tháng 11. Ông Trump đang cố sức vượt qua những tranh cãi hồi gần đây và hiện đang thua sút bà Clinton cả về việc gây quỹ và tổ chức chiến dịch tranh cử. Nhưng ông Trump cũng đang tăng cường công kích bà Clinton.

Đi tới đâu ông cũng thu hút đông đảo người ủng hộ, và cả những người gièm pha.

Dù tìm cách đoàn kết Đảng Cộng hòa, ông Trump đang dịch chuyển trọng tâm của mình sang ứng viên sắp được Đảng Dân chủ đề cử Tổng thống, Hillary Clinton.

Ông gọi cựu ngoại trưởng là "kẻ nói dối đẳng cấp thế giới" trong một bài phát biểu hôm 22 trước các ủng hộ viên ở New York.

Ông Trump nói: "Không có ngoại trưởng nào mắc nhiều sai lầm một cách thường xuyên và tại nhiều nơi như bà Hillary Clinton. Những quyết định của bà ta gieo rắc cái chết, sự hủy diệt và chủ nghĩa khủng bố ở khắp mọi nơi bà ta động tay vào."

Bà Clinton cũng tăng cường công kích ông Trump, không chỉ về chính sách đối ngoại mà còn về những đề xuất kinh tế của ông ta.

Bà Clinton phát biểu: "Mỗi ngày chúng ta lại thấy rõ sự liều lĩnh và bất cẩn của ông Trump. Ông ta tự hào về việc đó, đó là chuyện của ông, nhưng khi ông muốn trở thành Tổng thống, thì đó là chuyện của chúng ta."

Nhiều nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa vẫn chỉ trích ông Trump. Nhưng tới giờ ít người bỏ rơi ông, theo lời nhà phân tích Kyle Kondik.

Ông Kondik nhận định: "Họ không thể tin tưởng Trump và họ cũng không thể tin tưởng ông ta sẽ theo đuổi những ưu tiên của họ nếu ông ta đắc cử. Tôi nghĩ rằng phe Cộng hòa đang tính toán rằng trong một trận chiến giữa hai ứng cử viên không mấy tốt đẹp thì họ sẽ chọn người đồng đảng với họ."

Nhưng ông Trump còn phải nỗ lực để biến mình thành một ứng cử viên phù hợp cho cuộc tổng tuyển cử, theo lời chuyên gia về Đảng Cộng hòa, Scot Faulkner.

Ông Faulkner nhấn mạnh: “Ông Trump cần phải mở rộng sức hút của mình để lôi cuốn công chúng Mỹ, khiến họ cảm thấy có lý do để bỏ phiếu cho ông ta. Ông ta rõ ràng đã khai thác được những bức xúc. Giờ ông ta cần khai thác những lý tưởng.”

Những cuộc khảo sát ý kiến hiện tại cho thấy bà Clinton đang dẫn trước, nhưng cũng cho thấy cử tri mong muốn có sự thay đổi mà rốt cục có thể có lợi cho ông Trump, theo lời bà Lara Brown.

Bà Brown chia sẻ: "Còn có sự chán chường tuyệt vọng và cảm giác của nhiều người Mỹ rằng không chỉ hệ thống của chúng ta bị hỏng, mà hơn thế nữa là khi người dân tiếp tục cố gắng chuyển tải thông điệp tới Washington, Washington chẳng thèm lắng nghe."

Cơ hội tốt nhất để ông Trump khởi động lại chiến dịch tranh cử của mình có thể tới tại đại hội Đảng Cộng hòa vào tháng 7 ở thành phố Cleveland, dù một số đại biểu vẫn đang tìm cách từ chối trao đề cử cho ông ta. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Trung Quốc sắp lập lãnh sự quán tại Đà Nẵng

Tin chính quyền Bắc Kinh sắp mở thêm một cơ quan ngoại giao tại thành phố chiến lược ở miền Trung Việt Nam đang gây tranh cãi trên mạng xã hội.

Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh và Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì cùng xác nhận tin này hôm 27/6.

Việc hoàn tất các thủ tục lập tổng lãnh sự quán Trung Quốc cũng là một phần nội dung của phiên họp lần thứ chín của Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt - Trung do ông Minh và ông Dương chủ trì tại Hà Nội.

Khi đi vào hoạt động, đó sẽ là cơ quan ngoại giao thứ ba của Trung Quốc ở Việt Nam cùng với đại sứ quán tại Hà Nội và Tổng lãnh sự quán ở Sài Gòn.

Về quyết định này, một doanh nhân có tiếng ở trong nước viết: “Tôi buồn chảy nước mắt khi nghe sẽ có Lãnh sự quán Trung Quốc tại Đà Nẵng. Là một Công dân Việt nam tôi phải nói với Lãnh đạo Trung Quốc và người dân Việt nam rằng: 'Hoàng Sa là đơn vị hành chính của thành phố Đà Nẵng. Trung Quốc đã xâm lược trái với đạo lý và luật pháp quốc tế. Nay các ông còn xin mở Lãnh sự quán tại Đà Nẵng? Thì tốt nhất các ông nên xây trên đất Đà Nẵng ngoài Hoàng Sa. Chúng tôi và sau này là con cháu chúng tôi sẽ dứt khoát lấy lại Hoàng Sa cho Đà Nẵng và cho Việt Nam'."

Sự xuất hiện rầm rộ của người Trung Quốc ở Đà Nẵng thời gian qua cũng đã gây “sốt” dư luận.

Chính quyền địa phương năm ngoái cho biết nhiều người Trung Quốc đã “núp bóng” người dân Đà Nẵng, mua hơn 100 khu đất ở “những vị trí nhạy cảm liên quan đến an ninh, chính trị, và quốc phòng”.

Sau đó, trong một động thái được coi là “mạnh tay”, Đà Nẵng đã trục xuất 64 người Trung Quốc làm việc “chui”, sau khi phạt mỗi người gần 1.000 đôla.

Ngoài vấn đề lập lãnh sự quán Trung Quốc ở Đà Nẵng, tại cuộc họp hôm 27/6, quan chức đôi bên cũng đã thảo luận về việc không làm phức tạp tình hình trên biển Đông.

Hai phía cũng ký “bản ghi nhớ hợp tác” giữa cảnh sát biển hai nước cũng như trao đổi về việc Trung Quốc cung cấp bổ sung khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 129,5 triệu nhân dân tệ cho dự án Cung Hữu nghị Việt - Trung.

Cung hiện được xây dựng ở Hà Nội được quan chức hai nước coi là sẽ “góp phần tăng cường tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc”. - VOA
|
|

6.
Việt Nam định hoãn thi thành bộ luật hình sự mới

Quốc hội Việt Nam đã gửi phiếu biểu quyết đến các đại biểu để hoãn thi thành Bộ Luật hình sự mới vì “90 lỗi kỹ thuật”.

Theo báo chí trong nước, Bộ luật được Quốc hội khóa 13 thông qua tại kỳ họp thứ 10 mới đây và có hiệu lực từ ngày 1/7 “nhưng do lỗi kỹ thuật nên có nhiều quy định chưa rõ ràng, gây khó khăn cho việc áp dụng trong thực tế”.

Ước tính có 90 lỗi kỹ thuật, trong đó có hàng chục lỗi cần sửa đổi, như điều 292 quy định xử phạt với hành vi cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông có nêu tên một số dịch vụ khiến cộng đồng khởi nghiệp lo lắng.

Về việc hoãn này, luật sư Võ An Đôn cho biết ông cảm thấy “rất là bất ngờ”.

“Việc hoãn này rất là ảnh hưởng tới xã hội. Bộ luật hình sự là bộ luật đặc biệt quan trọng trong hệ thống pháp luật. Bộ luật mới bỏ nhiều tội phạm trong bộ luật cũ. Việc tạm ngưng thi hành bộ luật hình sự mới ảnh hưởng trực tiếp đến người bị tạm giữ, tạm giam cũng như luật sư bào chữa cho các bị can, bị cáo. Việc tạm ngưng phản ánh việc các nhà làm luật, ở đây là các đại biểu quốc hội quá sơ sài, không xem xét kỹ.”

Quốc hội khoá 13 năm ngoái đã biểu quyết thông qua Bộ luật Hình sự 2015 ngày 27/11 với hơn 84% đại biểu tán thành.

Theo đề xuất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau khi phát hiện các lỗi trên, thay vì có hiệu lực từ 1/7, Bộ luật này sẽ lùi đến 1/7/2017.

Nếu đa số đại biểu Quốc hội đồng ý hoãn thi hành Bộ Luật hình sự 2015, Bộ luật hình sự hiện hành sẽ có hiệu lực đến khi việc sửa đổi, bổ sung hoàn tất. - VOA
|
|

7.
Việt Nam sắp công bố nguyên nhân thảm họa cá chết

Một quan chức của Bộ Công an mới tiết lộ rằng Việt Nam có thể công bố nguyên nhân cá chết vào ngày mai, 29/6.

Tin này được ông Trần Văn Vệ, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an, đưa ra trong cuộc họp báo hôm 27/6.

Quan chức này được trích lời nói: “Tôi được biết khả năng trong ngày 29/6 sẽ họp báo công bố rõ nguyên nhân, đối tượng gây ra”.

Theo báo chí trong nước, Bộ Công an đã được chính phủ giao phối hợp với các cơ quan liên quan, nhất là Bộ Tài Nguyên và Môi trường, để “làm rõ nguyên nhân, xác minh vi phạm”.

Nhận định về việc này, nhà hoạt động xã hội Nguyễn Anh Tuấn, người từng giúp ngư dân bị ảnh hưởng bởi thảm họa cá chết ở miền Trung, nói với VOA Việt Ngữ:

“Việc công bố thời điểm bây giờ cũng khá là muộn rồi, và nó cũng để lại rất nhiều hậu quả, nhất là về mặt sinh kế cho người dân ở 4 tỉnh miền trung, nhất là những người sống bám vào biển. Nguyên nhân chưa biết họ sẽ đưa ra nguyên nhân như thế nào, cũng như chứng cứ, phân tích, lập luận đi kèm kết luận của họ ra sao. Tuy nhiên, có còn hơn không, người dân, chẳng hạn như ở vùng Kỳ Anh, Hà Tĩnh, bây giờ người ta đang rất là mong đợi thông tin để rồi người ta tính đường cho tương lai của người ta, bởi vì còn rất nhiều khó khăn cho tương lai trước mắt. Có lẽ không dễ dàng cho cả chính phủ cũng như người dân trong khoảng thời gian sắp tới.”

Vấn đề cá chết đã khiến nhiều người dân xuống đường đòi hỏi minh bạch trong việc xử lý thảm họa này, cũng như làm bùng ra các cuộc tranh luận trên mạng, mà mới nhất là giữa luật sư Trần Vũ Hải và bà Lê Bình, người quản lý một chương trình của Đài Truyền hình Việt Nam.

Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa phản hồi trước thỉnh nguyện thư kêu gọi Hoa Kỳ giúp Việt Nam thảm họa cá chết ở miền Trung nhiều tuần trước.

Ông Tuấn nói thêm rằng, từ trước tới giờ, ông chưa thấy sự kiện nào mà khiến “rất nhiều người dân quan tâm” như vụ cá chết. Nhà hoạt động này nói thêm:

“Trước đây, người ta vẫn nghĩ rằng mọi chuyện, dù sao nó vẫn nằm ngoài cánh cổng của gia đình họ, nhưng bây giờ, với sự kiện cá chết, nó có thể bước lên cả bàn ăn của họ đấy. Nó khiến sự quan tâm của xã hội rất là sâu sắc”.

Trong khi đó, sáng 28/6, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết một trong các nhiệm vụ trọng tâm sắp tới của lực lượng do ông phụ trách là “tiếp tục ngăn chặn hoạt động kích động biểu tình...”

Chính quyền Việt Nam thời gian qua đã cáo buộc “các tổ chức phản động ở nước ngoài” xúi giục người dân xuống đường biểu tình vụ cá chết. - VOA

No comments:

Post a Comment